source
stringlengths
70
218
subject
stringlengths
18
159
text
stringlengths
329
1.06M
meta
dict
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-2100-KH-TTCP-nam-2013-kiem-tra-ra-soat-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-phuc-tap-ton-dong-209403.aspx
Kế hoạch 2100/KH-TTCP năm 2013 kiểm tra rà soát giải quyết khiếu nại tố cáo phức tạp tồn đọng
THANH TRA CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 2100/KH-TTCP Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2013 KẾ HOẠCH TIẾP TỤC KIỂM TRA, RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO PHỨC TẠP, TỒN ĐỌNG Thực hiện chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/5/2012, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 1130/KH-TTCP để hướng dẫn các ngành, các cấp kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Qua hơn 1 năm thực hiện, Thanh tra Chính phủ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và mang lại ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, nhất là đã xem xét, giải quyết 466/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ 88,26%. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại đồng người vẫn còn nhiều, ngoài 528 vụ việc vẫn còn không ít vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm. Trước tình hình đó, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài như sau: I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU 1. Tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài để hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 2. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành; phấn đấu hàng năm giải quyết dứt điểm trên 90% các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. 3. Trong quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Thanh tra Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất biện pháp giải quyết. Đồng thời, tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết. II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH 1. Đối với các vụ việc đã kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ (trong số 528 vụ việc): Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2013 của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể: a) Đối với các vụ việc qua kiểm tra, rà soát thấy được giải quyết đúng pháp luật, bảo đảm có lý, có tình, đã có sự thống nhất cần phải chấm dứt thì ban hành thông báo chấm dứt. b) Đối với các vụ việc qua kiểm tra, rà soát thấy mặc dù đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng do điều kiện, hoàn cảnh gia đình công dân đặc biệt khó khăn thì vận dụng chính sách xã hội để hỗ trợ nhằm bảo đảm công dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. c) Đối với các vụ việc qua kiểm tra, rà soát thấy quá trình giải quyết trước đó có sai sót, thì mạnh dạn sửa sai và ra quyết định giải quyết lại vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức thực hiện quyết định ngay, không để kéo dài. d) Đối với các vụ việc đã thực hiện đầy đủ quy trình, đã có phương án thống nhất giữa Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng sau khi đối thoại công dân không nhất trí và phát sinh phức tạp thì tổ chức họp thống nhất lại để xem xét làm rõ và có biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu có tình tiết mới xét thấy cần thiết thì đối thoại 1 lần nữa để giải thích những vấn đề công dân chưa rõ và thuyết phục công dân chấp hành. e) Đối với những vụ việc gặp vướng mắc trong áp dụng pháp luật thì cần phải tổ chức cuộc họp thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan để tạo sự đồng thuận trong phương án giải quyết, trong đó, phương án giải quyết cần theo hướng có lợi cho công dân để sớm chấm dứt khiếu nại. Nếu còn có nhiều ý kiến khác nhau không thể đưa ra phương án giải quyết thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi cho Thanh tra Chính phủ 01 bản báo cáo). f) Thực hiện công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo chấm dứt giải quyết; quyết định giải quyết. 2. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng (ngoài 528 vụ việc đã kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP) a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã chủ động kiểm tra, rà soát và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần nêu rõ: mục đích, yêu cầu; nội dung kế hoạch; biện pháp tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể. Thanh tra tỉnh, thành phố tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch; chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thực hiện kế hoạch, đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng để tiến hành kiểm tra, xác minh, tham mưu đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, ra quyết định giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần phải: - Tạo được sự đồng thuận, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn của địa phương để thống nhất phương án giải quyết. - Tổ chức đối thoại với công dân với sự tham gia của tổ chức có liên quan để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gắn với giáo dục, thuyết phục, giải thích, hướng dẫn pháp luật làm sao cho công dân hiểu rõ và chấp hành phương án đã được thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức. - Tùy theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện quy trình, thủ tục phù hợp, cụ thể: + Đối với các vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, bảo đảm có lý, có tình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thông báo chấm dứt và thông báo công khai. + Đối với các vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng do điều kiện, hoàn cảnh gia đình công dân đặc biệt khó khăn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vận dụng chính sách xã hội và điều kiện cụ thể của địa phương để xem xét, quyết định để hỗ trợ nhằm bảo đảm công dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. + Đối với các vụ việc đã giải quyết chưa đúng pháp luật, có sai sót, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định giải quyết lại vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện quyết định ngay, không để kéo dài. + Đối với các vụ việc gặp vướng mắc trong áp dụng pháp luật, trong đánh giá, sử dụng chứng cứ, trong xác định phương án giải quyết thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản xin ý kiến hoặc đề nghị các bộ, ngành chức năng phối hợp (như: về đất đai: Bộ Tài nguyên và Môi trường; về nhà ở: Bộ Xây dựng; về chính sách: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội...) Đối với vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc có tính chất rất phức tạp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ để thống nhất có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo cơ quan thanh tra và các đơn vị trực thuộc chủ động kiểm tra, rà soát và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ khi được các địa phương xin ý kiến hoặc đề nghị phối hợp thì cần tạo điều kiện quan tâm thực hiện. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thì Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng xem xét, ra quyết định giải quyết theo quy định. Đối với các vụ việc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp giải quyết dứt điểm. Thanh tra Chính phủ sẽ cử cán bộ của cục, vụ phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm tra, xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc có tính chất rất phức tạp; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương; tập huấn cho Thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ nâng cao vai trò quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo theo địa bàn, lĩnh vực được phân công; tích cực hỗ trợ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện; tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, xác minh, kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết đối với các vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc có tính chất rất phức tạp. 2. Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cục, vụ, đơn vị tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tổng hợp kết quả thực hiện và giúp Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ, Quốc hội khi có yêu cầu. 3. Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Thanh tra Chính phủ chủ động phối hợp với các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thu thập, tiếp nhận các thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài để phục vụ cho công tác tiếp công dân của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước và công tác xử lý đơn thư của Thanh tra Chính phủ, bảo đảm sự thống nhất cao trong việc trả lời, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo. 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài của Bộ, ngành, địa phương. Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ và Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện. Định kỳ hàng quý (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm) báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Thanh tra Chính phủ. Quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Nếu có vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ của Thanh tra Chính phủ trong thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thì kịp thời báo cáo bằng văn bản về Thanh tra Chính phủ./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương (để b/c); - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Phó TTg Nguyễn Xuân Phúc (để b/c); - Lãnh đạo Thanh tra CP (để chỉ đạo); - Các Bộ, cơ quan ngang bộ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Thanh tra các bộ, ngành TW; - Thanh tra các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP; - Lưu: VT; KHTCTH. TỔNG THANH TRA Huỳnh Phong Tranh
{ "issuing_agency": "Thanh tra Chính phủ", "promulgation_date": "19/09/2013", "sign_number": "2100/KH-TTCP", "signer": "Huỳnh Phong Tranh", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-42-2004-TT-BTC-huong-dan-giam-sat-danh-gia-hieu-qua-hoat-dong-doanh-nghiep-nha-nuoc-52112.aspx
Thông tư 42/2004/TT-BTC hướng dẫn giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 42/2004/TT-BTC Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2004 THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 42/2004/TT-BTC NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC Căn cứ Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết một số Điều về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước như sau: 1. Đối tượng áp dụng: Theo quy định tại Điều 3 Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg), các doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 thuộc đối tượng giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động bao gồm: - Công ty nhà nước: là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước. - Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp - Công ty có cổ phần hoặc có vốn góp chi phối của Nhà nước là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, Nhà nước giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó. - Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nhà nước một thành viên là công ty TNHH do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. - Công ty TNHH nhà nước có hai thành viên trở lên là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. - Công ty mẹ là công ty có ít nhất một công ty con trở lên; có thể là công ty nhà nước, hoặc Công ty TNHH nhà nước, Công ty cổ phần nhà nước ... Công ty con là công ty có 100% vốn điều lệ của công ty mẹ hoặc đa sở hữu trong đó có trên 50% vốn điều lệ của công ty mẹ. 2. Đối tượng không áp dụng: Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này. 3. Doanh nghiệp tự giám sát: 3.1. Chủ thể giám sát trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Điều 5 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg bao gồm: - Người quản lý điều hành doanh nghiệp: Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp. - Người lao động trong doanh nghiệp. 3.2. Nội dung giám sát: a. Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp thông qua kiểm toán nội bộ, các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp thực hiện giám sát theo các hình thức giám sát trước, trong và sau hoạt động của doanh nghiệp, với nội dung như sau: - Xem xét tính hợp lý của việc huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực: tài sản, vật tư, tiền vốn, lao động vào các hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp; việc tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương cho người lao động. - Kiểm tra tính khả thi của các dự án, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn; hiệu quả của dự án huy động vốn, dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp: quản lý, sản xuất, tiêu thụ và các phương án kinh doanh khác. - Theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện các dự án đầu tư, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; tình hình chấp hành các quy định của pháp luật, nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu, HĐQT và Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đối với doanh nghiệp không có HĐQT. Thông qua người đại diện phần vốn góp giám sát tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung khác của doanh nghiệp mà mình có vốn góp. - Theo dõi, kiểm tra việc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; sử dụng các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ dự phòng mất việc làm của doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi, đúng chế độ của người lao động và quy chế nội bộ của doanh nghiệp. - Kiểm tra độ tin cậy của số liệu báo cáo tài chính, bao gồm: tài sản, công nợ, vốn, doanh thu, chi phí, lợi nhuận và các nghĩa vụ đối với nhà nước; thông tin kinh tế tài chính và các báo cáo khác của doanh nghiệp - HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp, hàng quý, năm tổ chức đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả các nghị quyết, quyết định trong quản lý điều hành; hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo về kết quả, những vấn đề tồn tại và đề ra biện pháp khắc phục trong quản lý của HĐQT và điều hành của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp. b. Người lao động trong doanh nghiệp: thông qua thanh tra nhân dân, tổ chức công đoàn và đại hội công nhân viên chức của tổ đội, phân xưởng và doanh nghiệp, thực hiện giám sát theo hình thức tham gia thảo luận, góp ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định và theo dõi quá trình thực hiện về các vấn đề sau: - Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, sắp xếp tổ chức lại sản xuất kinh doanh của công ty. - Các nội quy, quy chế của công ty liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. - Các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại nghề, nâng cao trình độ của người lao động trong doanh nghiệp. - Bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT (nếu có), Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc), kế toán trưởng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. - Thông qua Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn, người lao động có quyền thảo luận và biểu quyết, quyết định các vấn đề sau: + Nội dung hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung thoả ước lao động tập thể để đại diện tập thể người lao động ký kết với Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước. + Quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động phù hợp với quy định của Nhà nước. + Đánh giá kết quả hoạt động và chương trình hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, bầu Ban Thanh tra nhân dân. 4. Giám sát của chủ sở hữu: 4.1. Chủ thể giám sát với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg, bao gồm: - HĐQT các Tổng công ty, công ty mẹ thực hiện chức năng giám sát của Chủ sở hữu đối với các công ty TNHH nhà nước một thành viên, công ty con, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ. - Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giám sát đối với Tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty TNHH nhà nước một thành viên thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. - Các Bộ, cơ quan ở Trung ương và Bộ Tài chính thực hiện chức năng giám sát đối với các Tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ, cơ quan Trung ương quyết định thành lập. Trong đó: + Các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện chức năng giám sát theo các nội dung quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg. + Bộ Tài chính thực hiện chức năng giám sát theo nội dung quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì các Bộ này thực hiện chức năng giám sát. Các Bộ, cơ quan Trung ương giám sát đối với công ty TNHH nhà nước một thành viên do các cơ quan này là đại diện chủ sở hữu theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg. Đối với các doanh nghiệp nhà nước khác còn lại theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước (bao gồm: công ty cổ phần nhà nước, công ty TNHH nhà nước có hai thành viên trở lên, công ty có cổ phần hoặc vốn góp chi phối của Nhà nước) thì công ty nhà nước, công ty TNHH nhà nước một thành viên có cổ phần hoặc vốn góp và cổ đông hoặc thành viên góp vốn khác căn cứ vào Điều lệ công ty, Luật doanh nghiệp và các quy định tại Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg để giám sát doanh nghiệp với các nội dung giám sát của Chủ sở hữu. 4.2. Nội dung giám sát của Chủ sở hữu: Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg chủ sở hữu giám sát doanh nghiệp và người quản lý, điều hành doanh nghiệp theo những nội dung sau: a. Việc tổ chức hoạt động kinh doanh, tổ chức công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý, điều hành doanh nghiệp. b. Việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm và dài hạn của doanh nghiệp. c. Việc chấp hành của doanh nghiệp, người quản lý điều hành doanh nghiệp đối với các nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Điều lệ của doanh nghiệp. Đánh giá hiệu quả các nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu liên quan đến quyền chủ sở hữu đối với hoạt động của doanh nghiệp. d. Kết quả hoạt động kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng thanh toán nợ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là tình hình thực hiện các chỉ tiêu: doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn, tình hình bảo toàn vốn đầu tư của chủ sở hữu, khả năng thanh toán nợ nói chung và thanh toán nợ đến hạn nói riêng; tình hình phân phố lợi nhuận sau thuế để bổ sung vốn, trích lập và sử dụng các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ dự phòng tài chính. Trên cơ sở kết quả, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kết quả giám sát, chủ sở hữu đánh giá hiệu quả các nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu liên quan đến quyền chủ sở hữu đối với hoạt động của doanh nghiệp. 4.3. Hình thức giám sát: Chủ sở hữu thực hiện giám sát doanh nghiệp theo các hình thức gián tiếp hoặc trực tiếp như sau: a. Giám sát gián tiếp: là hình thức giám sát chủ yếu của chủ sở hữu. Để thực hiện giám sát gián tiếp một cách tốt nhất, chủ sở hữu cần phải: - Yêu cầu doanh nghiệp nộp đầy đủ, đúng hạn báo cáo tài chính, thống kê và các báo cáo khác theo quy định của pháp luật và quy định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp. - Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đầy đủ, liên tục, cập nhật. - Định kỳ tổ chức phân tích, đánh giá doanh nghiệp, người quản lý điều hành doanh nghiệp theo nội dung giám sát quy định tại khoản 4.2 trên đây. b. Giám sát trực tiếp thông qua kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp. Đây là giải pháp nhằm bổ sung cho hình thức giám sát gián tiếp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát. Để thực hiện việc giám sát trực tiếp, chủ sở hữu cần phải: - Thực hiện phân loại doanh nghiệp theo quy mô, tính chất hoạt động kinh doanh, trình độ, năng lực của người quản lý điều hành, thực trạng công tác hoạt động kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra - Xác định rõ yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện kiểm tra. - Phối hợp giữa các đại diện chủ sở hữu với các cơ quan chức năng nhà nước trong việc kiểm tra. Việc kiểm tra tại doanh nghiệp phải tuân theo quy định của pháp luật về kiểm tra, thanh tra. Riêng đối với các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan Trung ương là đại diện chủ sở hữu thì các Bộ, cơ quan Trung ương chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng chương trình kế hoạch, nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm tra. Bộ, cơ quan Trung ương và Bộ Tài chính thông qua hoạt động giám sát theo chức năng của mình thường xuyên cung cấp, trao đổi với nhau về các thông tin của doanh nghiệp đặc biệt là các thông tin thuộc các nội dung giám sát của chủ sở hữu, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quy định tại Điều 12 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg và các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn. Trên cơ sở các giải pháp này, các Bộ, cơ quan Trung ương phối hợp lựa chọn và thống nhất đề ra các giải pháp tối ưu đối với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. 4.4. Phân tích, đánh giá doanh nghiệp và báo cáo: Hàng năm chủ sở hữu tổ chức phân tích, đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của doanh nghiệp và người quản lý điều hành doanh nghiệp; đề ra biện pháp khắc phục những vấn đề tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời tổng hợp kết quả đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc và báo cáo với các cơ quan chức năng của nhà nước có liên quan. Nội dung của báo cáo, bao gồm: tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp và số liệu theo biểu mẫu quy định tại mục 8 Thông tư này; tình hình thực hiện nhiệm vụ của bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp và những kiến nghị xử lý về các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp. 5. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp căn cứ vào các chỉ tiêu quy định tại khoản 1, Điều 12 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg, cụ thể như sau: 5.1. Doanh thu và thu nhập khác: a. Doanh thu và thu nhập khác: Chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác được xác định tại Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B 02-DN Ban hành theo Quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 và sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 89/2002/TT-BTC ngày 9/10/2002 của Bộ Tài chính) bao gồm Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 10) + Doanh thu hoạt động tài chính (Mã số 21) + Thu nhập khác (Mã số 31) b. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất 1 hoặc 2 loại sản phẩm là: điện, than, dầu khí, xi măng thì tính theo sản lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ. Đơn vị để tính sản lượng của sản phẩm dầu khí, than, xi măng là tấn, và điện là kwh. 5.2. Lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn Nhà nước: a. Lợi nhuận thực hiện: Lợi nhuận thực hiện bao gồm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận hoạt động khác. Chỉ tiêu này được xác định tại Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh - Mã số 50. Đối với các doanh nghiệp, báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc do các cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra, thì các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận được lấy theo số liệu của kiểm toán hoặc kiểm tra, thanh tra. Trường hợp báo cáo tài chính chưa được kiểm toán hoặc kiểm tra, thanh tra thì chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận lấy theo số liệu ghi tại báo cáo tài chính, Tổng Giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu báo cáo tài chính. Một số vấn đề lưu ý khi tính toán chỉ tiêu lợi nhuận như sau: + Doanh nghiệp phải tính đủ các khoản chi phí vào giá thành sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong kinh doanh như: trích lập các khoản dự phòng giảm giá hàng hoá tồn kho, nợ khó đòi, giảm giá chứng khoán, trợ cấp mất việc làm, chênh lệch tỷ giá, các khoản lãi vay phải trả phát sinh trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ. + Đối với giá trị tài sản tổn thất thực tế, kể cả nợ phải thu không có khả năng thu hồi sau khi xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức thì phần còn lại phải hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ. b. Tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn Nhà nước: Được tính bằng tỷ lệ giữa lợi nhuận thực hiện so với vốn Nhà nước bình quân trong năm của doanh nghiệp Cách xác định lợi nhuận thực hiện như quy định tại điểm a, khoản 5.2, mục 5 Thông tư này. Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm: Nguồn vốn kinh doanh (Tài khoản 411), Quỹ đầu tư phát triển (Tài khoản 414), Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (Tài khoản 441). Vốn nhà nước bình quân năm được xác định bằng công thức: Vốn nhà nước tại = Số dư vốn Nhà nước đầu kỳ + Số dư vốn Nhà nước cuối kỳ doanh nghiệp bình quân 2 5.3. Nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn: a. Nợ phải trả quá hạn: Nợ phải trả quá hạn là các khoản nợ đã quá thời hạn cam kết thanh toán cho các chủ nợ. Việc xác định nợ phải trả quá hạn căn cứ vào thời hạn thanh toán ghi trên khế ước vay nợ, hợp đồng kinh tế hoặc các chứng từ cam kết khác. b. Khả năng thanh toán nợ đến hạn: Khả năng thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp là khả năng thanh toán hiện thời được xác định bằng tỷ lệ giữa tài sản lưu động hiện có so với nợ ngắn hạn. Công thức: Khả năng thanh toán nợ đến hạn = Tài sản lưu động hiện có Nợ ngắn hạn + Tài sản lưu động hiện có được xác định là số dư cuối kỳ của toàn bộ tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn (mã số 100 Bảng cân đối kế toán). + Nợ ngắn hạn: bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả (mã số 310 Bảng cân đối kế toán) 5.4. Tình hình chấp hành chế độ, chính sách pháp luật: Chế độ, chính sách pháp luật theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 12 Quy chế kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg bao gồm các lĩnh vực về thuế, thu nộp ngân sách, tín dụng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, lao động, tiền lương, chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, chế độ báo cáo tài chính và báo cáo khác. Việc chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật là chấp hành đúng quy định, không có những hành vi thực hiện sai, bỏ sót, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc không thực hiện dù là vô tình hay cố ý. Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính hoặc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm cơ chế, chính sách một trong những lĩnh vực nói trên dù chưa đến mức bị xử phạt hành chính, đều bị xếp loại thấp trong chỉ tiêu này. Những hành vi vi phạm bao gồm hành vi của tập thể, cá nhân dưới danh nghĩa đơn vị hoặc của những người đại diện cho doanh nghiệp (HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Trưởng Phòng, Ban) gây ra. 5.5. Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích: Thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích là việc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước thông qua hình thức đấu thầu hoặc nhận đặt hàng hoặc nhận nhiệm vụ Nhà nước giao. Việc đánh giá chỉ tiêu này căn cứ vào mức độ hoàn thành về sản lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi tính các chỉ tiêu tại các khoản 5.1, 5.2, 5.4, 5.5, mục 5 Thông tư này được loại trừ những ảnh hưởng của các yếu tố sau: + Do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, ngoài ý muốn mặc dù đã có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. + Do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng. Việc xem xét loại trừ yếu tố này căn cứ vào phương án đầu tư của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó đã tính toán được mức độ ảnh hưởng đến lợi nhuận. + Do Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. 6. Xếp loại doanh nghiệp: Căn cứ vào các chỉ tiêu tại mục 5 Thông tư này xếp loại doanh nghiệp như sau: 6.1. Phương pháp đánh giá: Chỉ tiêu 1: Doanh thu và thu nhập khác: áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ (trừ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm dầu khí, than, điện, xi măng) Đánh giá doanh thu tăng giảm so với năm trước. Việc đánh giá được chia theo danh mục hệ thống ngành kinh tế quốc dân cấp II ban hành kèm theo Quyết định số 143 TCTK/PPCĐ ngày 22/12/1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và được quy định chi tiết như sau: a. Đối với ngành nông nghiệp (mã ngành KTQD số 01); lâm nghiệp (mã ngành KTQD số 02); thuỷ sản (mã ngành KTQD số 05); công nghiệp khai thác mỏ (mã ngành KTQD số 10, 12, 13, 14); công nghiệp cơ khí (sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị có mã ngành KTQD số 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 37): Tăng từ 5% trở lên: xếp loại A. Tăng, giảm dưới 5%: xếp loại B. Giảm từ 5% trở lên: xếp loại C. b. Đối với ngành công nghiệp chế biến (mã ngành KTQD số 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước (mã ngành KTQD số 40, 41); xây dựng (mã ngành KTQD số 45); khai thác dầu khí (mã ngành KTQD số 11); vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc (mã ngành KTQD số 60, 61, 62, 63, 64); thương nghiệp (mã ngành KTQD số 50, 51, 52); khách sạn (mã ngành KTQD số 55), du lịch và các ngành khác: Tăng từ 7% trở lên: xếp loại A. Tăng dưới 7%, giảm dưới 3%: xếp loại B. Giảm từ 3% trở lên: xếp loại C. Chỉ tiêu 2: Lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn Nhà nước: - Các doanh nghiệp có lãi và có tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng hơn so với năm trước: xếp loại A. - Các doanh nghiệp hoà vốn và các doanh nghiệp có lãi mà có tỷ suất lợi nhuận trên vốn bằng hoặc thấp hơn năm trước: xếp loại B. - Tất cả các doanh nghiệp bị lỗ: xếp loại C. Đối với những doanh nghiệp có lỗ kế hoạch, căn cứ vào kế hoạch được phê duyệt để xác định mức độ hoàn thành chỉ tiêu này để thực hiện xếp loại các doanh nghiệp như sau: + Các doanh nghiệp có lỗ thực hiện thấp hơn lỗ kế hoạch: xếp loại A. + Các doanh nghiệp có lỗ thực hiện bằng lỗ kế hoạch: xếp loại B. + Các doanh nghiệp có lỗ thực hiện cao hơn lỗ kế hoạch: xếp loại C. Trường hợp do thực hiện tăng thêm nhiệm vụ cũng được loại trừ khi xác định chỉ tiêu lỗ thực hiện so với lỗ kế hoạch được giao. Chỉ tiêu 3: Nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán: - Doanh nghiệp không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1: xếp loại A. - Doanh nghiệp không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 0,5 đến 1: xếp loại B. - Doanh nghiệp có nợ phải trả quá hạn hoặc hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5: xếp loại C. Chỉ tiêu 4: Tình hình chấp hành các quy định pháp luật hiện hành: - Doanh nghiệp không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành: xếp loại A. - Doanh nghiệp tuy có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành nhưng chưa đến mức bị xử phạt hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật: xếp loại B. - Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính trong việc chấp hành chế độ chính sách hoặc người quản lý điều hành doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: xếp loại C. Chỉ tiêu 5: Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích: - Hoàn thành vượt mức về sản lượng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn quy định: xếp loại A - Hoàn thành về sản lượng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn quy định: xếp loại B - Không hoàn thành sản lượng hoặc chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn quy định: xếp loại C. 6.2. Phân loại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề: Căn cứ vào tính chất và tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc phân loại ngành nghề cho các doanh nghiệp. Ngành nghề của doanh nghiệp được xác định theo ngành nghề có tỷ trọng doanh thu cao nhất tính bình quân trong 3 năm: 2 năm trước liền kề, năm thực hiện. Ví dụ: Công ty chăn nuôi X có hoạt động kinh doanh bao gồm chăn nuôi gia cầm, kinh doanh thức ăn gia súc. Trong năm 2001, 2002, 2003 doanh thu các hoạt động của công ty như sau: 2001 2002 2003 Bình quân 3 năm Chăn nuôi gia cầm 15 tỷ 16 tỷ 15,5 tỷ 15,5 Kinh doanh thức ăn gia súc 15 tỷ 17 tỷ 16,5 tỷ 16,2 tỷ Tổng doanh thu: 30 tỷ 33 tỷ 32 tỷ Công ty chăn nuôi X được xếp vào ngành thương nghiệp và đánh giá chỉ tiêu doanh thu theo điểm b, khoản 6.1, mục 6 Thông tư này. 6.3. Xếp loại doanh nghiệp: a. Đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, căn cứ kết quả phân loại cho từng chỉ tiêu 1, 2, 3, 4 trên đây để phân loại A, B, C cho từng doanh nghiệp như sau: - Doanh nghiệp đạt loại A là những doanh nghiệp không có chỉ tiêu xếp loại C, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước (chỉ tiêu 2) và chỉ tiêu chấp hành quy định pháp luật (chỉ tiêu 4) phải được xếp loại A. - Doanh nghiệp loại C là những doanh nghiệp có chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước (chỉ tiêu 2) hoặc có 3 chỉ tiêu còn lại (chỉ tiêu 1, 3, 4) xếp loại C. - Doanh nghiệp đạt loại B là những doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc C. b. Đối với doanh nghiệp được thành lập và thực tế hoạt động thường xuyên, ổn định và chủ yếu là cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, căn cứ kết quả phân loại cho từng chỉ tiêu 3, 4, 5 để xếp loại A, B, C cho từng doanh nghiệp như sau: - Doanh nghiệp xếp loại A là những doanh nghiệp không có chỉ tiêu xếp loại C và tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích (chỉ tiêu 5) xếp loại A. - Doanh nghiệp xếp loại C là những doanh nghiệp có chỉ tiêu tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích (chỉ tiêu 5) xếp loại C hoặc có chỉ tiêu 5 xếp loại B và chỉ tiêu 3, 4 xếp loại C. - Doanh nghiệp đạt loại B là những doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc C. Trường hợp doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích của Nhà nước nhỏ hơn 70% tổng doanh thu của doanh nghiệp thì xếp loại như doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. c. Đối với Tổng công ty Nhà nước căn cứ kết quả phân loại của doanh nghiệp thành viên bao gồm các công ty TNHH nhà nước một thành viên, công ty thành viên hạch toán độc lập, văn phòng Tổng công ty (cũng được coi là một doanh nghiệp độc lập), công ty có cổ phần hoặc vốn góp chi phối của tổng công ty để xếp loại tổng công ty như sau: - Loại A: là Tổng công ty có các doanh nghiệp thành viên được xếp loại A chiếm trên 50% doanh thu của toàn Tổng công ty; - Loại C: là Tổng công ty có các doanh nghiệp thành viên xếp loại C chiếm trên 50% doanh thu của toàn Tổng công ty; - Loại B: là các Tổng công ty còn lại. Riêng công ty mẹ xếp loại như một doanh nghiệp độc lập. 6.4. Công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp nhà nước: a. Căn cứ vào các chỉ tiêu xếp loại doanh nghiệp quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hàng năm các doanh nghiệp tự đánh giá và xếp loại cho mình; báo cáo xếp loại doanh nghiệp cho các cơ quan để thẩm định và công bố xếp loại cho doanh nghiệp theo quy định như sau: - Tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ Nhà nước giữ quyền chi phối các doanh nghiệp thành viên, thẩm định và công bố xếp loại đối với các doanh nghiệp thành viên. - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố, xếp loại cho các Tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty TNHH Nhà nước một thành viên do mình quyết định thành lập, công ty có cổ phần hoặc vốn góp chi phối của mình. - Bộ, cơ quan Trung ương công bố, xếp loại cho các Tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty TNHH nhà nước một thành viên do Bộ, cơ quan Trung ương quyết định thành lập hoặc được Chính phủ uỷ quyền phân cấp là đại diện chủ sở hữu, công ty cổ phần hoặc vốn góp chi phối của mình. - Việc xếp loại cho Tổng công ty Nhà nước, công ty Nhà nước độc lập, công ty mẹ được công bố sau khi có ý kiến tham gia bằng văn bản của Bộ Tài chính; đối với công ty cổ phần hoặc có vốn góp chi phối của công ty nhà nước được công bố sau khi có ý kiến của Đại hội đồng cổ đông. - Chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc Đại hội đồng cổ đông công bố, xếp loại cho các doanh nghiệp Nhà nước khác. b. Trong quý II của năm sau, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, HĐQT các Tổng công ty Nhà nước báo cáo kết quả xếp loại doanh nghiệp hàng năm về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 7. Khen thưởng: Dựa trên kết quả công bố về xếp loại doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện việc khen thưởng như sau: 7.1. Đối với Công ty Nhà nước: tiền thưởng cho Ban quản lý, điều hành được lấy từ Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp. Chủ sở hữu quyết định mức trích thưởng cho doanh nghiệp nhưng tối đa không vượt quá 300 triệu đồng. Cụ thể như sau: + Doanh nghiệp xếp loại A (khá, giỏi) tối đa không quá 300 triệu đồng đối với Tổng công ty (Văn phòng) và 200 triệu đồng đối với công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập. + Doanh nghiệp xếp loại B tối đa không quá 150 triệu đồng đối với Tổng công ty (văn phòng) và 100 triệu đồng đối với các công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập. + Đối với Tổng công ty (Văn phòng) không có lợi nhuận do không trực tiếp kinh doanh hoặc Quỹ khen thưởng không đủ nguồn, thì được lấy kinh phí quản lý cấp trên do các doanh nghiệp thành viên nộp lên. 7.2. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên: Tiền thưởng cho Bản quản lý điều hành được lấy từ Quỹ khen thưởng Ban quản lý của doanh nghiệp: Lợi nhuận thực hiện hàng năm, sau khi trừ (-) thuế thu nhập doanh nghiệp và bù đắp các khoản lỗ năm trước không được trừ vào lợi nhuận trước thuế; trích 10% lập quỹ dự phòng tài chính theo quy định hiện hành; Số còn lại trích tối đa 10% lập quỹ khen thưởng; trích tối đa 10% lập quỹ phúc lợi; trích tối đa 5% lập Quỹ khen thưởng Ban quản lý, điều hành công ty như sau: + Doanh nghiệp xếp loại A (khá, giỏi) tối đa không quá 200 triệu đồng: + Doanh nghiệp xếp loại B tối đa không quá 100 triệu đồng. 7.3. Đối với doanh nghiệp Nhà nước khác bao gồm cả công ty cổ phần hoặc có vốn góp chi phối, Chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc Đại hội đồng cổ đông có thể vận dụng các quy định tại khoản 7.2, mục 7 Thông tư này để quyết định việc khen thưởng đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty và Lãnh đạo các phòng ban. 7.4. Trường hợp sau khi đã công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp, doanh nghiệp đã trích thưởng Ban quản lý, điều hành, nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra phát hiện báo cáo không đúng, có hành vi gian lận hoặc cố tình sai phạm trong hạch toán dẫn đến làm sai lệch kết quả phân loại doanh nghiệp thì ngoài việc phải hoàn trả lại số tiền đã chi khen thưởng và căn cứ vào mức độ vi phạm doanh nghiệp còn bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành và bị xử phạt bằng 50% số tiền đã chi ra. 7.5. Doanh nghiệp xếp loại C không được trích lập Quỹ thưởng Ban quản lý, điều hành. 8. Chế độ báo cáo: 8.1. Báo cáo quý: - Các doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở kết quả giám sát, hàng quý có trách nhiệm báo cáo ước thực hiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp theo Biểu số 1, cụ thể như sau: + Đối với các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty hoặc công ty mẹ (sau đây gọi là Tổng công ty) có trách nhiệm gửi báo cáo cho Tổng công ty. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý. + Đối với Công ty nhà nước độc lập, Tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo cho các cơ quan được Chính phủ phân cấp là đại diện chủ sở hữu bao gồm Bộ, cơ quan Trung ương và Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp). Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý + Công ty TNHH Nhà nước một thành viên gửi báo cáo cho cơ quan là chủ sở hữu. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý. + Đối với Tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập có trách nhiệm gửi báo cáo cho UBND tỉnh, thành phố. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Hàng quý, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Tài chính) tổng hợp báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ tổng hợp, phân tích báo cáo tình hình tài chính doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn. 8.2. Báo cáo năm: a. Hàng năm các doanh nghiệp căn cứ vào các quy định về xếp loại doanh nghiệp tại Thông tư này để tự đánh giá, xếp loại cho doanh nghiệp mình và gửi báo cáo xếp loại doanh nghiệp theo Biểu số 2 (đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh), Biểu số 3 (đối với doanh nghiệp thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích của Nhà nước), Biểu số 4 (đối với Tổng công ty Nhà nước hoặc Công ty Mẹ) cho các cơ quan để thẩm định và công bố xếp loại cho doanh nghiệp. Riêng đối với Công ty TNHH nhà nước một thành viên thì chỉ gửi báo cáo cho cơ quan Trung ương hoặc Bộ quản lý ngành là đại diện chủ sở hữu. Báo cáo xếp loại của doanh nghiệp được gửi cùng thời điểm với Báo cáo tài chính theo quy định hiện hành. b. Trước ngày 30/6 của năm sau, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, HĐQT các Tổng công ty Nhà nước báo cáo tổng hợp kết quả sắp xếp doanh nghiệp hàng năm theo Biểu số 5 về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 9. Điều khoản thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Riêng đối với việc đánh giá phân loại doanh nghiệp thì áp dụng từ năm 2004 trở đi. Những nội dung không quy định trong Thông tư này, thực hiện theo quy định tại Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Lê Thị Băng Tâm (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "20/05/2004", "sign_number": "42/2004/TT-BTC", "signer": "Lê Thị Băng Tâm", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-01-CT-VKSTC-2022-cong-tac-nganh-Kiem-sat-nhan-dan-2023-543098.aspx
Chỉ thị 01/CT-VKSTC 2022 công tác ngành Kiểm sát nhân dân 2023
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 01/CT-VKSTC Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2022 CHỈ THỊ CÔNG TÁC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2023 Năm 2023, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu toàn Ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao với mục tiêu: “Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trước hết là từ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp Kiểm sát; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Viện kiểm sát các cấp nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn ngành góp phần bảo đảm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay”. Toàn Ngành Kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau: 1. Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp và tập thể lãnh đạo đơn vị phải tập trung xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong công việc; phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có của từng đơn vị; tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”; đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị, xử lý nghiêm những vi phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Những đơn vị nào lãnh đạo chủ động phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm thì căn cứ tính chất mức độ, hậu quả của vi phạm được ngăn chặn, khắc phục sẽ không đánh giá vào thành tích thi đua của đơn vị. Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó. 2. Toàn Ngành Kiểm sát tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự. Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp, tập trung rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng; tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. 3. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, những vấn đề nổi cộm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý tội phạm tham nhũng, nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Quyết liệt hơn trong áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 4. Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, chủ động đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật. Phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; có chính sách cán bộ phù hợp nhằm động viên, khích lệ cán bộ yên tâm công tác; chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại của đơn vị trong khâu công tác này đảm bảo có chuyển biến tích cực và đạt chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao. 5. Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ động đánh giá chất lượng công tác và rà soát lại đội ngũ Điều tra viên để sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công công việc và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên đáp ứng yêu cầu và tính chất, nhiệm vụ được giao; góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp; cảnh tỉnh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng hệ thống tư pháp liêm chính, nghiêm minh. Trong năm 2023, Cơ quan điều tra phải khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm; phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xây dựng đội ngũ Giám định viên của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự bảo đảm đủ số lượng và chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả công tác của Cơ quan điều tra. 6. Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14) chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng th ực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự có liên quan đến lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng không có người đứng ra bảo vệ theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan bảo đảm thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Viện kiểm sát cấp trên, trong đó 03 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát cấp dưới. 7. Toàn Ngành Kiểm sát nhân dân xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành Kiểm sát nhân dân. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành rà soát, đánh giá đúng thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị, đề xuất và kiến nghị những yêu cầu đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ , công tác trợ lý ảo trong cung cấp thông tin, các phần mềm quản lý các lĩnh vực công tác và phấn đấu ứng dụng phòng họp không giấy. Giao Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) chủ trì xây dựng Kế hoạch đề ra lộ trình cụ thể, phân kỳ nhiệm vụ theo từng năm. Người đứng đầu các cấp kiểm sát, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải tập trung chỉ đạo và phải chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật. Căn cứ vào Chỉ thị này yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị để triển khai thực hiện; đồng thời chủ động đề ra yêu cầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với các lĩnh vực công tác khác của Ngành, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác của Quốc hội, của Ngành giao./. Nơi nhận: - Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước; để báo cáo - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; để báo cáo - Ban Tổ chức TW, Ủy ban Kiểm tra TW; Ban Nội chính TW, Văn phòng TW Đảng; - Ủy ban TWMTTQ Việt Nam; - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; - Lãnh đạo VKSND tối cao; - Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; - Viện kiểm sát Quân sự Trung ương; - Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh; - Lưu: VT, PTMTH. VIỆN TRƯỞNG Lê Minh Trí
{ "issuing_agency": "Viện kiểm sát nhân dân tối cao", "promulgation_date": "02/12/2022", "sign_number": "01/CT-VKSTC", "signer": "Lê Minh Trí", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Chi-thi-643-CT-BGDDT-2022-su-dung-sach-giao-khoa-va-sach-tham-khao-trong-co-so-giao-duc-516762.aspx
Chỉ thị 643/CT-BGDĐT 2022 sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong cơ sở giáo dục
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 643/CT-BGDĐT Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2022 CHỈ THỊ VỀ VIỆC SỬ DỤNG SÁCH GIÁO KHOA VÀ SÁCH THAM KHẢO TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: 1. Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo a) Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương - Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền. - Thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào” được quy định tại khoản 4 Điều 5 của Thông tư này. - Chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng. b) Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng. 2. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt - Tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa nhằm tiết kiệm, giảm giá thành sách giáo khoa; kịp thời in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. - Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành sách giáo khoa trước khi phát hành hoặc tái bản. 3. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ thị này được quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Phó Thủ tướng (để báo cáo); - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban VHGD của Quốc hội; - Các Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; - Công đoàn Giáo dục Việt Nam; - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; - Các Sở Giáo dục và Đào tạo; - Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ GDĐT; - Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT; - Lưu: VT, GDTrH. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Kim Sơn
{ "issuing_agency": "Bộ Giáo dục và Đào tạo", "promulgation_date": "10/06/2022", "sign_number": "643/CT-BGDĐT", "signer": "Nguyễn Kim Sơn", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-25-KH-UBND-2022-tap-trung-kiem-soat-hieu-qua-COVID19-thich-ung-an-toan-Can-Tho-504589.aspx
Kế hoạch 25/KH-UBND 2022 tập trung kiểm soát hiệu quả COVID19 thích ứng an toàn Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 25/KH-UBND Cần Thơ, ngày 26 tháng 01 năm 2022 KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2022 “TẬP TRUNG KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19; THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT ĐỂ KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ” Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về nhiệm vụ năm 2022; Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thành phố; UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chủ đề năm 2022, với nội dung như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm sóc sức khỏe và đời sống cho Nhân dân. Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong phòng, chống dịch. 2. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại phường, xã, thị trấn; xây dựng phường, xã, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”, người dân phải thật sự là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. 3. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K và đề cao ý thức người dân; đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch của thành phố. II. MỤC TIÊU 1. Tuân thủ chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tập trung phát huy tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các biện pháp thích ứng từng cấp độ hiệu quả trong năm 2022, hướng tới nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, liên kết ngành nhằm phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh. 2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế và của thành phố; hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thích ứng an toàn, linh hoạt, sống chung với dịch COVID-19 một cách chủ động, khoa học, để chiến thắng dịch bệnh nỗ lực đạt được mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. 3. Thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các giải pháp phòng, chống dịch dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Phấn đấu đảm bảo tối thiểu 90% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố được tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại trong năm 2022. III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 1. Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 Sau gần 02 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn thế giới, tác động nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, có nên y tế hiện đại; dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần mà tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Sau những nỗ lực chống lại đại dịch, nhiều quốc gia đã đạt được những kết quả đáng kể, nhất là việc nghiên cứu thành công và sản xuất được vắc xin phòng COVID-19, triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn. Tuy nhiên, trước những mối đe dọa đến tính mạng và sức khỏe con người với các biến thể mới của COVID-19 như biến chủng Delta, biến chủng Omicron cho thấy dịch COVID-19 vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với quy mô lớn nếu không thể kiểm soát tốt. Tại nước ta, khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không có giải pháp và chiến lược y tế phù hợp. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, qua đó đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc trong tình hình mới. Với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã tạo cho thành phố những bước ngoặc lớn về kinh tế, đồng thời cũng có những thách thức lớn đó là vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. a) Công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19: - Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đối với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch. - Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản đã được phê duyệt; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết. Chuẩn bị năng lực sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. b) Nhiệm vụ và giải pháp: - Đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố: + Bao phủ vắc xin là một chiến lược then chốt trong phòng, chống và ngăn chặn dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng, tử vong do COVID-19. + Trong năm 2022, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại, phấn đấu đảm bảo tối thiểu 90% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố được tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại; đồng thời thực hiện rà soát và triển khai tiêm cho các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc xin, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 05 - 11 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. + Thực hiện vận động người dân tham gia tiêm chủng, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, nhóm người có nguy cơ cao; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động hoặc đến tận nhà để tiêm vắc xin cho người yếu thế, người gặp khó khăn trong việc di chuyển. + Tiếp tục đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức về quy trình, kỹ thuật tiêm chủng cho toàn thể nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ tổ chức tiêm. Khai thác hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia và cơ sở dữ liệu về dân cư để quản lý, giám sát độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 và phục vụ phân bổ vắc xin hợp lý, hiệu quả. - Thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới: + Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, linh hoạt áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp theo cấp độ dịch của từng xã, phường, thị trấn; thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; hướng đến mục tiêu kép “hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”. + Thực hiện kịp thời, quyết liệt, đảm bảo hài hòa các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đặc biệt là giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội; không để tình trạng ách tắc lưu thông, kinh doanh, sản xuất. + Triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập; chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm tại thành phố; nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo dịch, xử lý ổ dịch và hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2. + Trong phòng, chống dịch bệnh lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; huy động sự tham gia vào cuộc của tất cả các lực lượng, tầng lớp trong xã hội, trong đó y tế là lực lượng nòng cốt phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, các sở, ban, ngành, lực lượng sinh viên, tình nguyện viên,...; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại phường, xã, thị trấn; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn; huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch của thành phố. + Thực hiện đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”. Duy trì việc tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ; thực hiện xét nghiệm theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, xét nghiệm xử lý ổ dịch. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). + Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, trường học; kiểm tra phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe, bến tàu... Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ với các diễn biến dịch bệnh; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên thực hiện đánh giá cấp độ dịch và kịp thời cập nhật đánh giá cấp độ dịch, cảnh báo chuyển đổi cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, thị trấn, quận, huyện và quy mô toàn thành phố. - Công tác quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19: + Tiếp tục thực hiện điều trị F0 tại các cơ sở y tế theo mô hình tháp 3 tầng; tập trung vào các Bệnh viện tầng 2, 3. Mục tiêu mỗi quận, huyện đều có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình thuộc tầng 1, tầng 2; Bệnh viện tuyến thành phố bố trí khu vực riêng để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc tầng 2, 3 theo năng lực chuyên môn và theo phân tầng điều trị của Sở Y tế. + Bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, thuốc điều trị và các điều kiện cần thiết khác; tổ chức tốt việc điều phối và phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời; giảm tối đa các trường hợp tử vong. Duy trì hoạt động Tổ tư vấn, chăm sóc và cấp cứu theo 3 tuyến hỗ trợ người nhiễm COVID-19; duy trì các Trạm Y tế lưu động, Đội Cấp cứu lưu động và mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” hỗ trợ tư vấn, chăm sóc, điều trị cho F0 cách ly điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố. + Tất cả các cơ sở điều trị luôn sẵn sàng tiếp nhận người mắc COVID-19; cập nhật kịp thời các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 mới do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới ban hành. Tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; thường xuyên đào tạo, tập huấn nhân lực ngành Y tế đặc biệt là nhân sự chuyên ngành Hồi sức cấp cứu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, chăm sóc, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19. + Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện quản lý, chăm sóc và điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà đạt hiệu quả cao nhất nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế; chủ động phát hiện và cập nhật danh sách quản lý F0 và người thuộc nhóm nguy cơ cao; hài hòa giữa cách ly, điều trị tại nhà và tại cơ sở cách ly tập trung; huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; triển khai mô hình khám, chữa bệnh từ xa. + Tiếp tục triển khai các giải pháp về tài chính, hậu cần; thường xuyên rà soát về nhân lực, vật tư, thiết bị y tế tại cơ sở điều trị để đáp ứng với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch, đặc biệt tại tuyến cơ sở; đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, thuốc điều trị cho người bệnh F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cùng với các gói an sinh xã hội dành cho người bệnh F0 cách ly điều trị tại nhà và tại bệnh viện. + Huy động sự tham gia của lực lượng sinh viên, tình nguyện viên các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn và hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch của thành phố. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân để chia sẻ với hệ thống y tế Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; xin chủ trương cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được phép thu phí dịch vụ chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 khi họ tự nguyện chi trả. - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19: + Đa dạng hóa hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19; truyền tải thông điệp phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện nghiêm 5K; không lơ là, chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin. Thực hiện truyền thông, hướng dẫn việc triển khai cách ly F0, F1 tại nhà và các hướng dẫn chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. + Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn (Ngành y tế) với các đơn vị, tổ chức để triển khai hiệu quả các thông điệp truyền thông đến từng người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chủ động cung cấp thông tin bảo đảm minh bạch, kịp thời, chính xác; phản bác thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch và tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. + Tại cộng đồng, tiếp tục phát huy thực hiện mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ”. Đặc biệt, phải quản lý chặt người có nguy cơ cao như lái xe đường dài, người thường xuyên di chuyển đi/về từ địa phương có dịch,... đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch. c) Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19: Chuẩn bị năng lực thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc COVID- 19 và bảo đảm đáp ứng về giường ICU sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân COVID-19. Bảo đảm việc tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện sớm ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nâng cao năng lực thu dung, điều trị các tuyến nhất là tuyến cơ sở. Tập huấn và thực hiện phân loại, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp của Bộ Y tế tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở. - Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và năng lực điều trị cho cán bộ y tế, lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc dự trù, mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. - Phối hợp Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ và UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. d) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xây dựng các nội dung truyền thông; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh, đảm bảo chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành Y tế phòng, chống dịch hiệu quả. - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, triển khai nền tảng quét mã QR điểm kiểm dịch. Xây dựng Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành, an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin của thành phố và kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng của Quốc gia. Phối hợp với Sở Y tế triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát dịch COVID-19, tiêm chủng vắc xin, hoạt động nâng cao năng lực y tế cơ sở. - Thực hiện kịp thời công tác thông tin tuyên truyền về Kế hoạch thực hiện Chủ đề năm 2022. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, kịp thời đưa thông tin đến với mọi người dân, doanh nghiệp một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất. Vừa tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, doanh nghiệp, vừa phổ biến nhanh các chủ trương, chính sách của thành phố đến với mọi người dân, doanh nghiệp. - Tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn, đặc biệt là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong tình hình mới. đ) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: Tham mưu việc đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo nhu cầu. Phối hợp với Sở Y tế và UBND quận, huyện triển khai việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, phương tiện bảo hộ... theo đúng quy định và thực hiện đầy đủ các chính sách đặc thù để hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. e) Giao các sở, ban, ngành thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực quản lý, kịp thời tham mưu UBND thành phố triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. g) Giao UBND quận, huyện: - Lập kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương và chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định. - Tổ chức thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các địa bàn nguy cơ, đối tượng nguy cơ. Chỉ đạo Trung tâm y tế theo dõi chặt chẽ dữ liệu F0 trên địa bàn, tham mưu, phân tích tình hình, đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương. - Rà soát người dân trên địa bàn chưa được tiêm vắc xin để tổng hợp số lượng, phối hợp với ngành Y tế lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ, kịp thời; chịu trách nhiệm quản lý thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của người dân sinh sống tại địa phương. - Tiếp tục triển khai Trạm y tế lưu động thực hiện công tác khám, chữa bệnh, quản lý, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lây mẫu xét nghiệm F0, F1 cách ly điều trị tại nhà; đảm bảo 100% các Trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly điều trị tại nhà; phát huy Đội cấp cứu lưu động tại các địa bàn. - Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trường học... trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ dịch. 2. Thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố a) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Tiếp tục nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động. - Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Đa dạng hóa các hình thức thu hút, kêu gọi đầu tư, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào thành phố theo các danh mục dự án đã được phê duyệt; thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái. - Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các chủ đầu tư. b) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tập trung nguồn lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn xây dựng phương án tổ chức hoạt động, sản xuất đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất; phối hợp ngành Y tế hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho người lao động trong các doanh nghiệp. - Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường phối hợp với các đơn vị; phối hợp theo dõi diễn biến thị trường, tiến hành kiểm tra các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh các hàng hóa thiết yếu, phòng, chống dịch COVID-19. - Triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa năm 2022. Triển khai thực hiện đề án Chương trình phát triển thương mại điện tử của thành phố. Xây dựng lộ trình từng bước trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Xây dựng và tham mưu thành phố ban hành Chương trình nhịp cầu đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp. Hướng dẫn an toàn kinh doanh, mua bán cho các hộ kinh doanh cá thể và mua bán nhỏ. - Nghiên cứu, đề xuất thành lập chuỗi phân phối sản phẩm trên địa bàn thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng chất lượng cao và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa. - Tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố vào vụ thu hoạch không có đầu ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực địa phương với các đối tác doanh nghiệp. Tổ chức đoàn tham dự các sự kiện thương mại tổ chức trong và ngoài thành phố. - Thực hiện hướng dẫn khôi phục xuất nhập khẩu vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 vừa tiếp tục sản xuất, kinh doanh; thường xuyên theo dõi tình hình khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuyên truyền, theo dõi việc triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. - Tiếp tục việc theo dõi, giám sát chặt chẽ trong việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện các doanh nghiệp và khách hàng sử dụng điện sinh hoạt bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; không thu phí các cơ sở cách ly phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. - Xây dựng và triển khai thực hiện các cuộc thanh tra các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng bình ổn giá, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19. - Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và các sàn thương mại điện tử nước ngoài lớn, có uy tín. Duy trì và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng của Sở Công Thương phù hợp với Hệ thống Quản lý chất lượng TCVN 9001:2015. Tăng cường tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. c) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Triển khai hướng dẫn quy trình tổ chức sản xuất nông nghiệp và cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống, không để tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, rau màu. Tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp, giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm có lãi. Tổ chức các điểm thu mua và vận chuyển kịp thời các sản phẩm nông nghiệp. - Mở rộng diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản tăng từ 2.000 - 3.000 ha so với năm 2021. Hỗ trợ người dân đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn Thương mại điện tử hoặc ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc nông sản từ 2.000 - 3.000 người. - Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình mẫu về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn ở từng địa phương; chủ động phòng chống, dịch hại, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm cạnh tranh cả về kinh tế và kỹ thuật. d) Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ. - Hướng dẫn hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội thành hoặc liên tỉnh, thành phố phù hợp điều kiện cụ thể theo từng vùng, từng địa bàn để lưu thông hàng hóa, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất,... Rà soát tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, nội bộ thành phố, tăng cường phòng, chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến. Điều phối hoạt động tại các điểm tập kết hàng hóa, các bến xe, bến cảng, để nhanh chóng giải phóng lượng hàng tồn tại các bãi tập kết và duy trì giao thông hàng hóa. đ) Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: Triển khai hướng dẫn quy trình tổ chức triển khai thi công các công trình, dự án. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình; kiểm tra trật tự xây dựng, xử lý vi phạm; công khai thông tin về năng lực các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn theo quy định. Hướng dẫn về các hoạt động thi công công trình, dự án xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Xây dựng. e) Giao Sở Tài chính, Cục Hải quan thành phố, Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Đẩy mạnh công tác thu ngân sách, phát triển các nguồn thu; đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Chủ động tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách thành phố đối với những nhiệm vụ có phát sinh chi phí tổ chức thực hiện. - Đề xuất chuyển đổi tối đa những thủ tục, chứng từ cho công tác xuất nhập khẩu sang hệ thống điện tử. Tham mưu kịp thời nguồn kinh phí chi hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 44/NQ-HĐND của HĐND thành phố. - Triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp đã ban hành trong năm 2021 nhưng tiếp tục có hiệu lực trong năm 2022. Chủ động triển khai, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các giải pháp hỗ trợ về thuế trong năm 2022 khi Nhà nước ban hành cho doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hồi phục và phát triển ổn định, góp phần tạo nguồn tăng thu vững chắc cho ngân sách nhà nước. - Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, tăng tính công khai, minh bạch, nhằm góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hóa đơn điện tử và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin cần thiết để triển khai thực hiện đồng loạt trên cả nước từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. - Chủ động triển khai đến doanh nghiệp kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn giảm thuế gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. - Theo dõi và chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ về chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch COVID-19 phát sinh thực tế trên địa bàn thành phố. g) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tập trung nghiên cứu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư thực hiện đúng, đủ quy định về đất đai, môi trường; quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo động lực phục hồi kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vi phạm, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực tài nguyên và hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. - Triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ mới. Tích cực kêu gọi các dự án đầu tư, chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn. Tổ chức đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở điều trị COVID-19 và các trường hợp điều trị COVID-19 tại nhà đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu xử lý chất thải rắn, kiểm soát kịp thời các nguy cơ gây sự cố môi trường. h) Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tăng cường triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, góp phần khôi phục phát triển kinh tế - xã hội thành phố. - Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng vững chắc cho đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, phù hợp với những điều chỉnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh dịch bệnh. - Huy động các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tăng cường công tác nghiên cứu, triển khai các chương trình nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. i) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cập nhật, đánh giá tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, người lao động, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định. Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19; hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả. - Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trước mắt là quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống nhân dân trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đặc biệt là các trẻ bị mồ côi do dịch COVID-19; chú trọng thực hiện các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, tạo việc làm, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động... - Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động. Duy trì thường xuyên các hoạt động giao dịch việc làm để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động. k) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện năm học 2021 - 2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình. Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, đặc biệt là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh có ba hoặc mẹ mất do dịch bệnh COVID-19. - Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từng bước mở cửa lại trường học, chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học. - Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập. l) Giao Sở Nội vụ, Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tiếp tục triển khai phát động phong trào thi đua “Nhân dân và cán bộ thành phố Cần Thơ chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế. - Đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người dân, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thuế, phí, lệ phí, viện phí,...) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo thông suốt, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. - Tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động của các cơ sở, địa điểm, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Tổ chức thực hiện công tác thanh tra định kỳ, đột xuất trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. m) Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm và các sự kiện chính trị trên địa bàn, gắn với hoạt động đối ngoại của thành phố. Theo dõi chặt tình hình diễn biến của dịch bệnh để xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động phù hợp, quy định cụ thể về quy mô, hình thức tổ chức và số khách mời tham dự sự kiện. - Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị; đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị; chú trọng bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa vật thể trên địa bàn trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị; triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”. - Xây dựng Kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh; phối hợp thực hiện trong khuôn khổ các chương trình, thỏa thuận liên kết hợp tác về văn hóa, đặc biệt là các hoạt động về tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp phục hồi lĩnh vực văn hóa sau COVID-19 với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Sông Hậu. - Tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động thể thao. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” kết hợp Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng; chống bệnh tật và tạo dựng lối sống lành mạnh, tích cực; tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao thành phố Cần Thơ lần thứ IX năm 2022 và các giải quốc gia do thành phố đăng cai; các hoạt động thể thao chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. - Triển khai Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. - Phối hợp đẩy mạnh thu hút, mời gọi và triển khai đầu tư vào các khu du lịch quy mô lớn, hiện đại, khu vui chơi giải trí tổng hợp, các cơ sở lưu trú cao cấp, các khu resort, khu nghỉ dưỡng, khu ẩm thực vùng miền, nhằm tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. n) Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tổ chức triển khai và thi hành có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các chính sách mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua về hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, cách thức triển khai thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu của người dân thành phố và từng nhóm đối tượng, địa bàn (nhất là địa bàn nông thôn). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông... trong phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở. Quyết tâm đưa pháp luật, thông tin, chính sách đến với người dân một cách thiết thực nhất, nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong Nhân dân về công tác triển khai thực thi chính sách pháp luật. - Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như chính sách hỗ trợ trong đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ người lao động mất việc trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với các viện, trường, các chuyên gia pháp lý tổ chức các Hội thảo chuyên đề về thi hành pháp luật, để tìm ra các giải pháp tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. o) Giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa. - Tiếp tục triển khai các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương nước ngoài với nhiều hoạt động cụ thể, đồng thời phát triển mới mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với một số địa phương tiềm năng. - Tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong năm 2022 thiết thực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện, tình hình diễn biến của dịch COVID-19. - Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của thành phố. p) Giao Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện nơi có khu công nghiệp: - Tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyển dụng lao động trong và ngoài thành phố. Tiếp tục nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, cùng đồng hành giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. - Xây dựng kế hoạch và linh hoạt chuyển đổi các hình thức để kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19. Cung cấp thông tin, chính sách về ưu đãi đầu tư tại các khu công nghiệp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường đối thoại, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, giao thương. - Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. - Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình. Hướng dẫn các doanh nghiệp trong hoạt động thi công xây dựng dự án, công trình đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Xây dựng. q) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Xây dựng kế hoạch thực hiện và chuyển đổi hình thức xúc tiến sang trực tuyến để phù hợp với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhằm kịp thời trao đổi thông tin về chính sách của Việt Nam đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư hợp tác kinh doanh với Việt Nam; tăng cường kết nối doanh nghiệp với các chương trình kết nối trực tuyến góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh giao thương. - Các hoạt động xúc tiến đều thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Đẩy mạnh cung cấp các thông tin nhằm quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố đến các đối tác thông qua các cổng thông tin điện tử. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư. Xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu: Phối hợp tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc. Thiết kế, hoàn thiện và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2024. - Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, trên cơ sở nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, kênh thương mại trực tuyến (trong và ngoài nước), tìm kiếm thị trường (trong và ngoài nước). Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường các chương trình quảng bá tiêu thụ sản phẩm nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, chú trọng hoạt động kết nối sản phẩm của doanh nghiệp vào các kênh phân phối trong và ngoài nước. Tổ chức các chuỗi hội nghị, hội thảo, diễn đàn xuất khẩu, tọa đàm về thông tin thị trường, chọn lọc sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của thành phố để tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào thành phố Cần Thơ. - Tổ chức các chuỗi sự kiện tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp thành phố tại thành phố và các địa phương khác trong nước, để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, kênh phân phối nội địa. - Tăng cường cung cấp thông tin xuất khẩu, thông tin đầu tư cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua các Cổng thông tin (hiện có) của thành phố và các phương tiện truyền thông khác. r) Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có phương án chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. - Chủ động nắm tình hình trên không gian mạng để đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng tung tin giả, thông tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan tình hình dịch COVID-19. - Phối hợp kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người mắc COVID-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân (hoặc hình thức phù hợp đối với những người chưa có thẻ căn cước công dân mới) phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19. - Chỉ đạo lực lượng công an phường, xã, thị trấn tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, nắm chắc địa bàn, đối tượng, tình hình dư luận xã hội ở địa phương. s) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể: - Tăng cường phối hợp với UBND thành phố vận động Nhân dân nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh,... phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. - Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân quan tâm chăm lo các đối tượng yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội. t) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND quận, huyện: - Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07 tháng 9 năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. - Nghiên cứu triển khai gói tín dụng với mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất dành cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, phân phối hàng thiết yếu, nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo cuộc sống người dân và phục vụ nhu cầu dự trù phòng, chống dịch. Kiến nghị cụ thể về cơ chế tài chính hỗ trợ phù hợp với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, để hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả; đặc biệt, quan tâm chính sách giảm lãi suất cho vay... nhằm chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển và đóng góp trở lại cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng. - Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt khó khăn và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn và chính sách mới của Trung ương và thành phố. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành được phân công chủ trì thực hiện các nội dung công việc nêu trên, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra; đôn đốc, kiểm tra, sơ kết việc thực hiện. 2. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thuộc phạm vi phụ trách tổ chức thực hiện; định kỳ hằng quý báo cáo về cơ quan được phân công phụ trách từng nội dung của chủ đề để tổng hợp báo cáo UBND thành phố; giữa năm, cuối năm có báo cáo sơ kết và tổng kết, để UBND thành phố báo cáo tại các kỳ họp của HĐND thành phố trong năm 2022. 3. Giao Giám đốc Sở Y tế làm đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chủ đề “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố” và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện của UBND thành phố về thực hiện Chủ đề năm 2022. 4. Đề nghị các cấp ủy Đảng, HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và đoàn thể các cấp tham gia lãnh đạo, giám sát và vận động đảng viên, đại biểu HĐND, đoàn viên, hội viên..., phối hợp, tuyên truyền thực hiện hiệu quả các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh những vấn đề mới, khó khăn vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh thì Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành liên quan chủ động đề xuất gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định./. Nơi nhận: - TT Thành ủy; - TT HĐND TP; - TT UBMTTQVN TP và các đoàn thể; - VP Thành ủy; - VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP; - Sở, ban, ngành TP; - UBND quận, huyện; - VP UBND TP (2,3,4,5,6); - Lưu: VT,k. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Trần Việt Trường
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "26/01/2022", "sign_number": "25/KH-UBND", "signer": "Trần Việt Trường", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Thong-tu-23-2009-TT-BTNMT-dinh-muc-kinh-te-ky-thuat-kiem-tra-nghiem-thu-san-pham-do-dac-ban-do-97871.aspx
Thông tư 23/2009/TT-BTNMT định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra nghiệm thu sản phẩm đo đạc bản đồ
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- Số: 23/2009/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2009 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT KIỂM TRA NGHIỆM THU SẢN PHẨM ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ; Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, QUY ĐỊNH: Điều 1. Định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra nghiệm thu sản phẩm đo đạc bản đồ được ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Kiểm toán nhà nước; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Các Thứ trưởng Bộ TNMT; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp; - Các đơn vị trực thuộc Bộ TNMT, Website của Bộ; - Sở TNMT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công báo, Cổng thông tin điện tử CP; - Lưu VT , PC, KH, Cục ĐĐBĐVN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Mạnh Hiển FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài nguyên và Môi trường", "promulgation_date": "16/11/2009", "sign_number": "23/2009/TT-BTNMT", "signer": "Nguyễn Mạnh Hiển", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-82-2004-ND-CP-phe-chuan-so-luong-danh-sach-don-vi-bau-cu-dai-bieu-duoc-bau-Hoi-dong-nhan-dan-tinh-Tay-Ninh-nhiem-ky-2004-2009-6212.aspx
Nghị định 82/2004/NĐ-CP phê chuẩn số lượng, danh sách đơn vị bầu cử đại biểu được bầu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2004 - 2009 mới nhất
CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 82/2004/NĐ-CP Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2004 NGHỊ ĐỊNH PHÊ CHUẨN SỐ LƯỢNG, DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ SỐ ĐẠI BIỂU ĐƯỢC BẦU Ở MỖI ĐƠN VỊ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH NHIỆM KỲ 2004 - 2009 CHÍNH PHỦ Căn cứ Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Nghị quyết số 429/2003/NQ-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 23 tháng 12 năm 2003 về ấn định ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009; Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, NGHỊ ĐỊNH: Điều 1. Phê chuẩn số lượng 16 (mười sáu) đơn vị bầu cử, 50 (năm mươi ) đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2004 - 2009 (có danh sách kèm theo). Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Điều 3. Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận : - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, - HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh, - Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, - Ban Tổ chức Trung ương, - Ban Nội chính Trung ương, - Văn phòng Quốc hội, - Bộ Nội vụ, - Công báo, - VPCP: BTCN, các PCN, TBNC, Các Vụ: TH, PC, TCCB, - Lưu: V.III (5b), Văn thư. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải DANH SÁCH ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ SỐ ĐẠI BIỂU ĐƯỢC BẦU Ở MỖI ĐƠN VỊ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH TÂY NINH NHIỆM KỲ 2004-2009 TT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐƠN VỊ BẦU CỬ SỐ ĐẠI BIỂU ĐƯỢC BẦU Ở MỖI ĐƠN VỊ 1 Huyện Hoà Thành Đơn vị bầu cử số 01 Đơn vị bầu cử số 02 03 đại biểu 03 đại biểu 2 Huyện Bến Cầu Đơn vị bầu cử số 03 03 đại biểu 3 Huyện Trảng Bàng Đơn vị bầu cử số 04 Đơn vị bầu cử số 05 04 đại biểu 03 đại biểu 4 Huyện Gò Dầu Đơn vị bầu cử số 06 Đơn vị bầu cử số 07 03 đại biểu 03 đại biểu 5 Huyện Châu Thành Đơn vị bầu cử số 08 Đơn vị bầu cử số 09 03 đại biểu 03 đại biểu 6 Huyện Dương Minh Châu Đơn vị bầu cử số 10 Đơn vị bầu cử số 11 03 đại biểu 03 đại biểu 7 Huyện Tân Châu Đơn vị bầu cử số 12 Đơn vị bầu cử số 13 03 đại biểu 03 đại biểu 8 Thị xã Tây Ninh Đơn vị bầu cử số 14 Đơn vị bầu cử số 15 04 đại biểu 03 đại biểu 9 Huyện Tân Biên Đơn vị bầu cử số 16 04 đại biểu
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "21/02/2004", "sign_number": "82/2004/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-76-2008-ND-CP-huong-dan-Luat-Dac-xa-67849.aspx
Nghị định 76/2008/NĐ-CP hứơng dẫn Luật Đặc xá
CHÍNH PHỦ ----- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Số: 76/2008/NĐ-CP Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2008 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẶC XÁ CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Đặc xá ngày 21 tháng 11 năm 2007; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 5, Điều 8, Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 17 của Luật Đặc xá về thời điểm đặc xá, việc ban hành, công bố và thông báo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, điều kiện của người được đề nghị đặc xá và trình tự, thủ tục lập danh sách, thẩm định hồ sơ của người được đề nghị đặc xá. Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã cược giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trai tạm giam được đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động đặc xá. Chương 2: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỂ CHỦ TỊCH NƯỚC BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC Điều 3. Tờ trình của Chính phủ để Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá 1. Nhân dịp sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước; ngày lễ Quốc khánh 2/9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; xét thấy cần thiết, Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định về đặc xá. 2. Khi Chủ tịch nước có yêu cầu về đặc xá hoặc đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá và Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá. 3. Tờ trình của Chính phủ phải nêu rõ sự cần thiết của việc đặc xá, dự kiến thời điểm đặc xá, đối tượng được đề nghị đặc xá, điều kiện của người được đề nghị đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá; thành phần Hội đồng Tư vấn đặc xá; tổ chức thực hiện đặc xá và những nội dung khác liên quan đến hoạt động đặc xá. Điều 4. Công bố và thông báo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước Sau khi Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức công bố Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo giám thị trại giam, trại tạm giam niêm yết công khai, phổ biến đầy đủ nội dung liên quan đến Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và kịp thời giải quyết những yêu cầu của người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam. Điều 5. Điều kiện của người được đề nghị đặc xá theo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước 1. Căn cứ vào Điều 10, Điều 11 của Luật Đặc xá và Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Chính phủ hướng dẫn cụ thể điều kiện của người được đề nghị đặc xá. 2. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được coi là đã lập công lớn, là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đặc xá được hiểu nhu sau: a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù: là người đang chấp hành hình phạt tù đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của nhân dân hoặc tài sản lớn của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; b) Người mắc bệnh hiểm nghèo là người bị mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên, có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa hoặc bản sao Bệnh án của bệnh viện cấp tỉnh trở lên; nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu, có phiếu xét nghiệm HIV và kết luận của Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên; c) Người ốm đau thường xuyên: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện nhiều lần, trong một thời gian dài, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế cấp tỉnh trở lên; d) Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú. Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phong trong việc tổ chức thực hiện Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước 1. Sau khi có Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, thống nhất với Bộ Quốc phòng, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này. 2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thành lập Ban Chỉ đạo về đặc xá thuộc Bộ và hướng dẫn thành lập Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ công an, Bộ Quốc phòng quản lý. Điều 7. Trình tự lập danh sách người được đề nghị đặc xá 1. Căn cứ vào quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Chính phủ, trại giam, trại tạm giam tổ chức cho tập thể đội phạm nhân họp bình xét, bỏ phiếu kín, giới thiệu người được đề nghị đặc xá; cán Bộ quản giáo phụ trách đội có trách nhiệm tổng hợp kết quả cuộc họp bằng biên bản và đề xuất ý kiến. 2. Căn cứ vào kết quả bình xét, tổng hợp và đề xuất ý kiến của cán bộ quản giáo quy định tại khoản 1 Điều này, trình tự, thủ tục lập danh sách người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam có đủ điều kiện đề nghị đặc xá thực hiện như sau: a) Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm nghiên cứu, lập danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh Quân khu và tương đương xem xét, quyết định việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá; b) Giám thị trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm gửi danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá đến Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng Bộ Công an (đối với trại giam thuộc Bộ Công an); Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với trại giam thuộc Bộ Quốc phòng), Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an (đối với trại tạm giam thuộc Bộ Công an); Giám đốc Công an cấp tỉnh (đối với trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh), Tư lệnh Quân khu và tương đương (đối với các trại giam, trại tạm giam thuộc Quân khu và tương đương); c) Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng; Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc nhòng; Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cục trưởng Cục An ninh điều tra; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Tư lệnh Quân khu và tương đương có trách nhiệm tổng hợp, trình danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá đến Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 3. Việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam phải đúng pháp luật, công khai, dân chủ, khách quan; bảo đảm các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Điều 8. Thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá 1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập Tổ thẩm định liên ngành gồm đại diện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan. Tổ thẩm định liên ngành có trách nhiệm giúp Hội đồng Tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm định danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá do giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh Quân khu và tương đương trình. Căn cứ vào kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá trình Hội đồng Tư vấn đặc xá xem xét, quyết định. 2. Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá có trách nhiệm tập hợp, chuyển danh sách người đủ điều kiện hoặc người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá và hồ sơ đề nghị đặc xá đến các thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá. Các thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm định, phát hiện những sai sót về nội dung và hình thức trong hồ sơ đề nghị đặc xá và thông báo kịp thời cho Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá biết. Sau khi nhận được ý kiến tham gia của thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá, Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp không thống nhất về danh sách người đủ điều kiện, người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá phải có báo cáo giải trình kèm theo danh sách và hồ sơ để Hội đồng Tư vấn đặc xá xem xét, quyết định. 3. Hội đồng Tư vấn đặc xá tổ chức thẩm định hồ sơ, danh sách do Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá trình và quyết định danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Chương 3: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 9. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Điều 10. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "04/07/2008", "sign_number": "76/2008/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Ke-hoach-77-KH-UBND-trien-khai-80-CTr-UBND-phat-trien-dich-vu-Ha-Noi-185193.aspx
Kế hoạch 77/KH-UBND triển khai 80/CTr-UBND phát triển dịch vụ Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 77/KH-UBND Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2013 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH SỐ 80/CTR-UBND VỀ "PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH DỊCH VỤ TRÌNH ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN 2011-2015" NĂM 2013 I. Mục đích, yêu cầu - Thực hiện Chương trình số 80/CTr-UBND ngày 30/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về 'Phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015"; - Đẩy mạnh tăng trưởng các ngành, lĩnh vực dịch vụ trình độ, chất lượng cao nhằm đạt mức tăng trưởng GDP bình quân của Thành phố giai đoạn 2011-2015: 12-13%/năm, trong đó dịch vụ đạt 12,2 - 13,5%/năm. - Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, Ban, Ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện. II. Nội dung 1. Lĩnh vực du lịch: - Đạt chỉ tiêu tổng số lượng khách du lịch: 15,5 triệu lượt khách, trong đó: + Khách quốc tế: 2,25 triệu lượt khách + Khách nội địa: 13,25 triệu lượt khách - Xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, chương trình nhằm phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố. - Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý du lịch. - Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước, quốc tế và hoạt động thông tin du lịch. 2. Lĩnh vực thương mại: - Triển khai nội dung các quy hoạch về phát triển thương mại, phát triển hạ tầng thương mại đã được phê duyệt; thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình xây dụng cơ sở hạ tầng ngành thương mại giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến 2020. - Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn Thành phố: Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 28/01/2013 thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2013; công tác cải cách hành chính; tập trung khai thác các thị trường truyền thống, thị trường có Hiệp định mậu dịch tự do, thị trường mới; nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. - Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; từng bước hoàn thiện các dự án hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu. - Triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thuộc ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp sáng tạo, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ưu tiên một số sản phẩm và dịch vụ có lợi thế, tiềm năng của Thủ đô - Tham gia các chương trình liên kết tỉnh, thành phố, các hội chợ trong nước nhằm quảng bá sàn phẩm, thương hiệu của Hà Nội và liên kết tạo nguồn hàng xuất khẩu. - Triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015; 3. Lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin: - Hoàn thành và tổ chức triển khai các Quy hoạch, Chương trình, Dự án, Đề án, Giải pháp về phát triển dịch vụ Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố. - Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; xây dựng các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin. - Phát triển các dịch vụ Bưu chính; Rà soát, cải tiến mô hình hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã. - Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung của chương trình hỗ trợ phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao. - Xây dụng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin và Viễn thông trên địa bàn Thành phố. Triển khai các Hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu và các phần mềm dùng chung của Thành phố tích hợp với Trung tâm dữ liệu nhà nước Thành phố gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công tiến tới xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội vào năm 2015. 4. Lĩnh vực khoa học - công nghệ: - Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò của hoạt động Khoa học và Công nghệ trong việc phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao. - Đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ Khoa học và công nghệ. - Tiếp tục tạo lập và phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ Thủ đô. - Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực Khoa học và Công nghệ Thủ đô. - Tăng cường các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ. 5. Lĩnh vực y tế: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; nâng cao năng lực, trình độ, y đức của đội ngũ cán bộ y tế; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển y tế. 6. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng: - Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức ngành tài chính - ngân hàng; theo dõi, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn. - Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch, công khai. - Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước và bộ máy kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các Tổ chức tín dụng. - Thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo cơ hội bình đẳng phát triển đối với mọi thành phần kinh tế. - Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng và phát triển dịch vụ ngân hàng trình độ, chất lượng cao. - Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ cho cán bộ ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, công tác tin học. - Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động và cơ chế, chính sách, sản phẩm của ngân hàng. 7. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: - Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục trình độ, chất lượng cao. - Chỉ đạo tổ chức triển khai kiểm định trường dịch vụ giáo dục trình độ, chất lượng cao theo bộ tiêu chí và quy trình được phê duyệt. - Tăng cường và đổi mới các điều kiện nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục. - Đổi mới cơ chế chính sách và công tác quản lý giáo dục. - Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục huy động các nguồn lực đầu tư cho mô hình trường chất lượng cao. - Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và triển khai các đề án trường chất lượng cao; Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện đề án. 8. Lĩnh vực vận tải công cộng: - Tiếp tục triển khai xây dựng, cải tạo mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố. - Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ: quản lý và phát triển mạng lưới; quản lý hạ tầng; quản lý vé; kiểm tra giám sát; thông tin tuyên truyền; triển khai các dự án được giao. - Áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực giao thông đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hạ tầng giao thông. (Các nội dung cụ thể Kế hoạch triển khai Chương trình số 80/CTr-UBND về "Phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2011-2015" năm 2013 được chi tiết tại Phụ lục đính kèm). III. Tổ chức thực hiện: 1. Các sở, ngành: Trên cơ sở nhiệm vụ Kế hoạch triển khai Chương trình số 80/CTr-UBND về "Phát triển các ngành dịch vụ trình độ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015" năm 2013 (Phụ lục đính kèm), yêu cầu các sở, ngành bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ, xây dựng kế hoạch năm 2014, gửi về Sở Công Thương trước ngày 20/11/2013 để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. 2. Sở Công thương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ, báo cáo UBND Thành phố; đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình. UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, nghiêm túc thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình triển khai nếu có các khó khăn vướng mắc, yêu cầu các đơn vị có kiến nghị, đề xuất giải pháp, gửi Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Sửu PHỤ LỤC: CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH SỐ 80/CTr-UBND VỀ "PHÁT TRIỀN CÁC NGÀNH DỊCH VỤ TRÌNH ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN 2011-2015" NĂM 2013 (Kèm theo Kế hoạch số: 77/KH-UBND ngày 07/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội) TT Nội dung công việc Đơn vị thực hiện Đơn vị phối họp 1 Lĩnh vực du lịch 1.1 Tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác 2013 lĩnh vực du lịch và Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nội. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch giai đoạn 2013 - 2015 để công bố rộng rãi, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 1.2 Xây dựng Quy hoạch phát triển khu du lịch núi Ba Vì - hồ Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 1.3 Xây dựng Đề án phát triển du lịch Hà Nội đến 2020, Đề án phát huy giá trị "Không gian lễ hội Gióng" phục vụ phát triển du lịch bền vững tại hai huyện Gia Lâm và Sóc Sơn 1.4 Thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng khu vực Ba Vì, xây dựng Đề án nâng cấp điểm đến, khai thác phát triển du lịch tai một số điểm di sản văn hoá trên địa bàn Hà Nội; xây dựng Đề án khai thác nghệ thuật biểu diễn truyền thống phục vụ khách du lịch. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 1.5 Công tác quản lý du lịch: + Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong việc thẩm định, thẩm định lại hạng cơ sở lưu trú du lịch; cấp phép hoạt động trong lĩnh vực lữ hành; cấp phép văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam; thẩm định và xác nhận xe ô tô đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch. + Tổ chức khảo sát và hội nghị về thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tại một số quận huyện: Long Biên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Tây Hồ. + Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2012 - 2013. + Tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ giám đốc các khách sạn vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Tổ chức lớp bồi dường kiến thức định kỳ dành cho hướng dẫn viên và phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiêp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên tại điểm. 1.6 Hoạt động thông tin du lịch: + Sửa chữa, nâng cấp các biển quảng bá du lịch tấm lớn tuyên truyền về Năm du lịch Quốc gia 2013 tại vị trí của ngõ vào Thủ đô tiếp giáp với các tỉnh trên các tuyến quốc lộ. + Tiếp tục duy trì Bản tin Du lịch Hà Nội 04 kỳ/năm va làm mới 02 quầy thông tin du lịch trên địa bàn quận Ba Đình. + Tiến hành quảng bá du lịch Hà Nội trên một số kênh truyền hình tại Nga; Tuyên truyền quảng bá trên tạp chí du lịch trực tuyến Travel Man in Asia 2013. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 1.7 Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước: + Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2013, sự kiện nằm ưong chương trình Năm du lịch quốc gia "Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013". + Tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng 2013, dự kiến vào tháng 10/2013. + Tham gia các hoạt động Năm du lịch Quốc Gia các tỉnh đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 như: Lễ Khai mạc, bế mạc Năm Du lịch quốc gia; Hội chợ Du lịch Hải Phòng 2013; Lễ hội Hoa Phượng Đỏ -Hải Phòng 2013; tham gia liên hoan ẩm thực đồng bằng sông Hồng 2013; tham gia cuộc thi Lễ tân khách sạn giỏi toàn quốc năm 2013... một số sự kiện, cuộc thi do Bộ VHTTDL và các tỉnh đồng bằng sông Hồng tổ chức. + Tham gia Lễ hội Du lịch biển Hạ Long 2013; Tuần Văn hóa Du lịch Vĩnh Phúc năm 2013; Hội chợ Du lịch Ninh Bình năm 2013; Tham gia Hội chợ triển lãm Du lịch Huế năm 2013; Hội chợ triển lãm Du lịch Đồng Bằng sông Cửu Long; Tham gia Tuần lễ văn hóa - du lịch Hà Giang tại Hà Nội; Hội chợ du lịch Thái Nguyên năm 2013; Hội chợ du lịch Quốc tế ITE TP HCM năm 2013. + Khảo sát, xây dựng tuyến du lịch liên kết các tỉnh đồng bằng Sông Hồng; khảo sát và hợp tác phát triển tuyển du lịch Hà Nội - Châu Đốc - Hà Tiên - Kiên Giang - Rạch Giá - cần Thơ; khảo sát và hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi . + Triển khai thực hiện các chương tình mà Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các địa phương. 11.8 Tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức sự kiện quốc tế: + Tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Hà Nội 2013, dự kiến vào cuối tháng 4/2013: Tổ chức khu gian hàng của Thành phố Hà Nội tại Hội chợ cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống; tổ chức hội thảo "Khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch Thủ đô"; tổ chức đoàn khảo sát du lịch Hà Nội (đoàn FamTrip) cho các hãng du lịch nước ngoài (buyers) và phóng viên báo chí quốc tế. + Tổ chức Giới thiệu du lịch Hà Nội (Roadshovv) tại Hàn Quốc (cụ thể tại 3 thành phố Seoul, Busan và Jeju); tổ chức đoàn xúc tiến du lịch tại Canada; tổ chức làm việc và khảo sát du lịch tại Đại Liên - Trung Quốc; + Tham gia các hoạt động và tham dự kỳ họp lần thứ XIII - Hội đồng XTDL châu Á (CPTA); tham gia Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - TBD (TPO). + Khảo sát tuyến điểm đu lịch Trùng Khánh - Thành Đô - Tây Tạng kết hợp với hãng hàng không khai thác các đường bay mới khai trương thông qua việc xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, liên quốc gia nhằm thu hút khách du lịch hai chiều Hà Nội - Việt Nam và Trùng Khánh, Thành Đô - Trung Quốc; Tổ chức phát động thị trường Nhật Bản. + Đón một số đoàn khảo sát quốc tế (đoàn PamTrip) gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Phần Lan – Thủy Điển, Pháp vào khảo sát tuyến điểm, thị trường du lịch Hà Nội và các vùng phụ cận, tiếp xúc với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Sở Vãn hóa-Thể thao và Du lịch Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 2 Lĩnh vực thương mại 22.1 Triển khai nội dung các quy hoạch về phát triển thương mại, phát triển hạ tầng thương mại đã được phê duyệt: Quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Sở Công Thương Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có Hên quan 22.2 Thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình xây dựng cơ sờ hạ tầng ngành thưong mại giai đoạn 2012 -2015, có tính đến 2020: xác đinh các vi trí đất cu thể đối với tòng dư an, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đâu tư 2 2.3 Triển khai Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 28/01/2013 thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2013 22.4 Tập trung khai thác các thị trường truyền thống, thị trường có Hiệp định thương mại tự do, thị trường mới thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại: + Tham gia hội chợ triển lãm tại các thị trường như Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Á, Châu Phi, Đông Âu, Trung Đông, Úc, Nam Mỹ, Trung Mỹ... vơi các ngành hàng phần mềm, công nghê thông tin, công nghiệp hỗ trợ, thủ công mỹ nghệ - sản phẩm làng nghề truyền thông, thực phẩm chế biến, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ... + Tổ chức việc tiếp cận của doanh nghiệp trong Vùng với các nhà nhập khẩu nước ngoài. + Tổ chức Hội thảo, kết nối giao thương giữa các doanh nghiêp Việt Nam với các đoàn doanh nghiệp là nhà nhập khẩu của các thị trường trọng điểm. Sở Công Thương Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 22.5 Tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiêp tham gia hoạt động xuất khẩu: tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố về phổ biến các văn bản pháp quy về lĩnh vực xuất nhập khẩu, hải quan, kỹ năng ứng dụng internet phục vụ thiết kế tạo mẫu sản phẩm, sử dụng thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm làng nghề trên mạng; phổ biến pháp luật tự vệ của Việt Nam và WTO; hỗ trơ doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi về tư vấn thiết kế mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu; tổ chức thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ OVOP phục vụ xuất khẩu năm; quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm OVOP thông qua thông tin đại chúng ấn phẩm, trang web; tìm hiểu xu hướng thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trên địa bàn thành phố; phổ biến công cụ phân tích hoạt động xuất nhập khẩu và hệ thống quy chuẩn chất lượng hàng hóa quốc tế; 22.6 Tiếp tục xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các dịch vụ Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin chất lượng cao để quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với khách hàng trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực canh tranh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; Sở Thông tin và Truyền thông Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 22.7 Triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thuộc ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp sáng tạo, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ưu tiên một số sản phẩm và dịch vụ có lợi thế, tiềm năng của Thủ đô như: Công nghệ số - nội dung số; sản phẩm chế tạo và công nghiệp hỗ trợ (may dệt, vật liệu xây dựng, cơ kim khí, linh kiện và phụ tùng phục vụ công nghiệp lắp ráp, chế tạo); gia công và phát triển phần mềm; dịch vụ (dịch vụ tại chỗ, xuất khẩu lao động, dịch vụ Logistic). Sở Công Thương Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 22.8 Liên kết hợp tác với các Tỉnh, Thành và các tỉnh Tây Bắc để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, phát triển hệ thằng phân phối. Kết nối giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng qua việc đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, liên kết các nhà sản xuất của Hà Nội và các địa phương để thiết lập kênh phân phối sản phẩm ổn định và có chất lượng tốt. Sở Công Thương Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 22.9 Tổ chức chương trình kích thích sản xuất và tiêu dùng, bình ổn giá, tháng Khuyến mại thành phố '2.10 Triển khai thực hiện Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 30/10/2012 ban hành Quy chế "Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu" 22.11 Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 04/8/2011 của UBND về việc Phát triển Thương mại điện tư giai đoạn 2011-2015 3 Lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin 33.1 Hoàn thành và tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 Sở Thông tin và Truyền thông Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 33.2 Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đã được phê duyệt ương Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin thành phổ Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 33.3 Tổ chức thực hiện các nội dung trong Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước thành phố Hà Nại giai đoạn 2012-2015 33.4 Triển khai dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình phát thanh truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ số 33.5 Triển khai xây dựng đề án "Nghiên cứu đề xuất xây dựng Khu công nghiệp phần mềm và nội dung số trọng điểm của Thành phố Hà Nội", quy chế Khu Công nghệ thông tin tập trung; Quy hoạch và xây dựng 02 khu công nghiệp phần cứng ở vị trí giao thông thuận lợi. 33.6 Tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập, đánh giá số liệu thống kê và hoạt động CNTT trên địa bàn Thành phố 33.7 Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, văn bản QPPL, nâng cao nâng lực quản lý nhà nước tạo môi trường pháp lý hỗ trợ, khuyến khích việc đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin. Có chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư mỏ neo vào các khu công nghiệp Công nghệ thông tin tập trung, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin 33.8 Rà soát, cải tiến mô hình hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã theo hướng tích hợp Bưu cục cấp 3 và điểm Bưu điện văn hóa xã lại nhằm mở rộng sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ mới cung cấp tại các điểm Bưu điện Văn hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân Sở Thông tin và Truyền thông Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 33.9 Phát triển các dịch vụ bưu chính làm hậu cần cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo mô hình B2B (Business to Business - mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp với các doanh nghiệp với nhau) và B2C (Business to Customer - là dịch vụ bán lẻ của công ty qua mạng Internet) '3.10 Thưc hiện công tác thông tin tuyên truyền về nội dung của chương trình hỗ trợ phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao 33.11 Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin và Viễn thông trên địa bàn Thành phố. Triển khai các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu phần mềm dùng chung của Thành phố tích hợp với Trung tâm dữ liệu Nhà nước Thành phố gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công để phục vụ các tổ chức và công dân tiến tới xây dựng Chính quyền điện từ của Thành phố Hà Nội vào năm 2015 4 Lĩnh vực Khoa học - công nghệ 44.1 Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cùa các cơ quan, tổ chức vả xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của hoạt động Khoa học và Công nghệ trong việc phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao. 44.2 Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực Khoa học và Công nghệ của Thủ đô: hoàn thành các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng các Dự án xây dựng cơ sở vật chắt kỹ thuật, hạ tầng Khoa học và Công nghệ (gồm: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu dịch vụ chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ và Dự án cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) Sở Khoa học và Công nghệ Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 44.3 Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ: Thiết lập các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ với các tỉnh, thành phố trong nước và một số thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, tranh thủ các chính sách ưu tiên, các chương trình hỗ trợ, tài trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghiệp, tài chính cho các cơ quan, tổ chức Khoa học và Công nghệ của Thành phố 44.4 Tiếp tục tạo lập và phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ Thủ đô - Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 4 nhóm giải pháp lớn của Đề án 'Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội giai đoạn 2006- 2010, định hướng đến năm 2015. - Tổ chức các Chợ Công nghệ (Techmart) quốc gia, khu vực và địa phương. - Tiếp tục triển khai chương trình liên kết 3 nhà: Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà sản xuất, kinh doanh trong hoạt động Khoa học và Công nghệ 44.5 Đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ Khoa học và Công nghệ: "Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn công nghệ và xác lập hợp đồng chuyển giao - NângTao chất lượng và các dịch vụ tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tiếp nhận và chuyển tin cảnh báo của các nước thành viên WTO đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội - Tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ xây đựng các nhãn hiệu tập thể, các chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm làng nghề truyền thống của thành phố - Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường. - Tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2010-2020. - Thường xuyên tổ chức chuyển giao sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cho các đơn vị, tố chức và cá nhân ứng dụng vào thực tiễn. - Đẩy mạnh việc hỗ trợ áp dụng ISO 9001:2008 trong quản lý hanh chính và ISO 14000 và ISO 22000 trong sản xuất kinh doanh Sở Khoa học và Công nghệ Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 5 Lĩnh vực y tế 55.1 Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; nâng cao năng lực, trình độ, y đức của đội ngũ cán bộ y tế; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển y tế. Sở Y tế Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 55.2 Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực bệnh viện chất lượng cao Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở Quy hoạch kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng 6 Lĩnh vực tài chính - ngân hàng 66.1 Đẩy mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh chống tiêu cực, chống tham những, lãng phí và thực hành tiết kiệm cho cán bộ công chức tại Chi nhánh và các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn; Chỉ đạo, giám sát chặc chẽ tình hình hoạt động, tình hình thanh khoản... của các TCTD trên địa bàn. 66.2 Cải cách thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai thông tin về chính sách kinh tế, triển khai thực hiẹn chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp giúp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định. Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 66.3 Nâng cao nâng lực, hiệu lực, hiệu quả ứọng quản lý, thanh tra giám sát của Ngân hàng nhà nước và bộ máy kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các TCTD nhằm đảm bảo yêu cầu: an ninh, an toàn và lành mạnh, nhanh chóng đưa vào áp dụng các phương thức quản lý mới, nâng cao chất lượng và hiệu lực của công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục đổi mới và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, trước hết tập trung vào kiện toàn tổ chức, bộ máy, phát triển mạng lưới, nâng cao vốn điều lệ theo kế hoạch chung của Chính phủ, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về các chỉ số an toàn. Ngân hàng nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Hà Nội 66.4 Hỗ trợ doanh nghiệp: Đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; mở rộng và nâng cao chất lượng thanh toán trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng hiện có. 66.5 Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và ứng dụng công nghệ thông tin: lựa chọn kỹ thuật hiện đại và có khả năng mở rộng trong những năm tiếp theo xây dựng các phần mèm ứng dụng hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam để tin học hóa một cách đồng bộ; có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ đủ kiến thức vận hành, khai thác hệ thống kỹ thuật mới có hiệu quả nhất. 66.6 Kết hợp ứng dụng kỹ thuật mới với nghiên cứu chỉnh sửa và xây dựng mới các quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với điều kiện kỹ thuật hiện đại; Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân về việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển các dịch vụ ngân hàng quốc tế, hợp tác kinh doanh ngân hàng quốc tế, tham gia các hiệp hội ngân hàng khu vực và Thế giới; Chú trọng mở rộng sự xâm nhập, liên kết các dịch vụ tài chính. Ngân hàng nhà nước Việt Nam -Chi nhánh Hà Nội Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 66.7 Đào tạo nâng cao trình độ cán bộ về chuyên môn, ngoai ngữ, kiến thức pháp luật... để có thể tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động ngân hàng 66.8 Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động và cơ chế, chính sách cùa ngân hàng; các sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới để mở rộng phạm vi và đối tượng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng 7 Lĩnh vực giáo dục - đào tạo 77.1 Tiếp tục tổ chức tuyên truyền trong toàn ngành và xã hội về Chương trình công tác số 03-CTr/TU ngày 09 tháng 9 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững" cũng như nhiệm vụ Chương trình 80/Ctr-UBND về phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015 Sở Giáo dục và đào tạo Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 77.2 Tiếp tục làm rõ nhận thức giáo đục trình độ, chất lượng cao là một dịch vụ đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của xã hội, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi dạng mô hình dịch vụ giáo dục trình độ, chất lượng cao 77.3 Công bố và tổ chức triển khai áp dụng thí điểm các tiêu chí trong việc kiểm định, đánh giá và công nhận trường DVGD trình độ, chất lượng cao sau khi được UBND Thành phố phê duyệt; Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả bước đầu việc triển khai áp dụng bộ tiêu chí 77.4 Chỉ đạo tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển toàn điện và các năng lực sáng tạo của người học. 77.5 Chỉ dạo điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình, giáo trình, lựa chọn áp dụng chương trình giáo dục tiên tiến của thế giới đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời và phù hợp với mục tiêu GD & ĐT, phát triển học sinh Thủ đô thanh lịch - văn minh và có kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế 77.6 Tiếp tục các biện pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí và nhà giáo trong các trường cung ứng DVGD trình độ, chất lượng cao như: + Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên trong các trường chất lượng cao. + Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ nhằm xây dựng đội ngũ GV làm nòng cốt dạy bằng tiếng nước ngoài trong các trường chất lượng cao. 77.7 Tiếp tục chỉ đạo xây dựng nội dung, phương thức quản lí đối với các trường chất lượng cao; Chỉ đạo thực hiện cơ chế tài chính, tham mưu chế độ hỗ trợ các trường trong việc cử giáo viên đi học tập trong nước và nước ngoài hoặc kinh phí mời các chuyên gia nước ngoài đến các trường hợp tác giúp đỡ. Sở Giáo dục và đào tạo Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 77.8 Đề xuất cho phép các trường công lập, bán công thí điểm huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức dưới dạng cổ phần phục vụ cho việc hiện đại hóa cơ sở vật chất và các hoạt động khác khi triển khai đề án 77.9 Đề xuất triển khai một số nội dung về khuyến khích đầu tư và quản lí các cơ sở giáo dục, các dự án do nước ngoài đầu tư trong khi chờ Nghị định mới của Chính phủ '7.10 Lựa chọn trường, chi đạo hướng dẫn xây dựng đề án chuyển sang mô hình trường chất lượng cao; Đôn đốc, chỉ đạo một số trường đang triển khai hoan thiện đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Chỉ đạo các trường đã được phê duyệt triển khai có hiệu quả mô hình dịch vụ chất lượng cao; Đánh giá tiến độ, và các kết quả đã đạt đựơc của các trường đã được lựa chọn xây dựng mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao 7.11 Lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào 01 trường đại học chất lượng cao, 1-2 trường dạy nghề chất lượng cao 8 Lĩnh vục Vận tải công cộng Sở Quy hoạch kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng 8.1 Hoàn thành, thông xe dự án cầu Yên Vĩ, đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng; Khởi công cầu vượt nút giao Đại Cổ Việt - Trần Khát Chân, cầu vượt nút Deawoo, cầu cho người đi bộ qua đường Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Sở Kế hoach và Đầu tư Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 8.2 Hoàn thành dứt điểm các công trình đã cơ bản hoàn thành cầu Am, cầu Trôi đôn đốc nhà thầu đẩy mạnh thi công cầu Ba Thà, đường 23, đường 16, đường Haprof đường 32. Sở Giao thông Vận tải 8.3 Hoàn thiện thủ tục và khởi công 16 công trình: đường Trần phú - Kim Mã, cầu Hạ Dục, cầu Gốm, cầu Đầm Mơ, cầu Hồng phủ, đoạn còn lại của tuyến đường 23B, đường gầm cầu Giỗ - Phú Yên - Vân Từ, cầu 361, cầu Quảng Tái, cầu Bầu, cầu Phú Thứ, cầu Rồng, cầu nối khu đô thị mới Pháp Vân với Khu đô thị mới Tứ Hiệp, cầu Zét, cầu Thuần Lương, cầu Yên Trình, cầu Mọc (chương trình mục tiêu) 8.4 Tập trung triển khai dự án phát triển giao thông đô thị theo đúng tiến độ cam kết với Ngân hàng thế giới; Tập trung ưiển khai thi công các công trình quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, đường Văn Cao - Hồ Tây, cầu Mỗ Lao, cầu Từ Châu...; Hoàn thiện công tác đàm phán, ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện dự án BT dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A, đường xung quanh khu tưởng niệm Chu Văn An. 8.5 Hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu, khởi công dự án đường vành đai II 8.6 Công tác quản lý và phát triển mạng lưới dịch vụ xe buýt: - Mở thêm các tuyến buýt số 63, 64, 65 đi đến các xã, huyện như Thanh Oai, Mỹ Đức, ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì..., đến các Khu đô thị mới, các điểm tập trung đông dân cư của Thành phố chưa có xe buýt như: Dương Nội - Anh Khánh, Lệ Mật, Đại Kim... theo hình thức đấu thầu xã hội hóa. - Tiếp tục rà soát hợp lý hóa lại tần suất biểu đồ vận hành để đáp ứng hơn nữa nhu cầu đi lại của nhân dân 8.7 Công tác quản lý hạ tầng dịch vụ xe buýt: - Triển khai cải tạo 04 điểm trung chuyển: Long Biên, Cầu Giấy, Trần Khánh Dư, Công viên Thống nhất - Dự kiến tiếp tục phối hợp với Tổng công ty vận tải HN thay mới 15 nhà chờ cũ xuống cấp và đầu tư mới 32 nhà chờ xe buýt tại các khu vực ngoại thành. - Bảo trì hạ tầng xe buýt, sơn kẻ vạch, sơn điểm dừng xe buýt; duy trì vệ sinh Pano, biển báo điểm dừng Sở Giao thông Vận tải Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 8.8 Phát triển công tác quản lý vé dịch vụ xe buýt: - Quy hoạch lại mạng lưới vé tháng và phát triển mạng lưới bán vé tháng, dự kiến mở mới 5 điểm bán vé mơi phục vụ nhu cầu của hành khách sử dụng vé tháng nâng tổng số điểm bán vé tháng cố định lên 46 điểm và tiếp tục duy trì 25 điểm bán vé tháng lưu động tại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP. - Tiếp tục phối hợp với các quận huyện phát hành thẻ đi xe buýt miễn phí, xe buýt phát hành thẻ vé tháng xe buýt và phát hành thẻ vé tháng tại Trung tâm. Tiếp tục nghiên cứu hiện đại hóa công tác quản lý vé. Sở Giao thông Vận tải Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 8.9 Công tác kiểm tra giám sát dịch vụ xe buýt: - Tăng cường nhân lực cho công tác kiểm tra giám sát. Tăng cường trang thiết bị kiểm tra giám sát: hệ thống bộ đàm, phương tiện đi lại. - Tiếp tục triển khai kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng, công tác kiểm tra giám sát tại hai điểm trung chuyển Long Biên và Cầu Giấy và các điểm chốt 8.10 Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao khác về dịch vụ xe buýt: dự án nâng cấp trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông, dự án IMV, dự án CTF theo đúng tiến độ 8.11 Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thành phố Hà Nội như: Xây dựng bộ dữ liệu bản đồ số về VTHKCC; Xây dựng bộ dữ liệu về phương tiện VTHKCC; Các dữ liệu khác 8.12 Ứng dụng Công nghệ thông tin vào công tác quy hoạch và lập kế hoạch khai thác mạng lưới; Quản lý phân phối dịch vụ và quản lý doanh thu vé; Quản lý chất lượng vận hành trên mạng lưới; Quản lý hệ thống thông tin hành khách; Quản lý tại trụ sơ trung tâm điều hành của các doanh nghiệp xe buýt; Kiểm soát và quản lý tổng hợp chất lượng dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng; Hỗ trợ thông tin hành khách. Sở Giao thông Vận tải Các Sở, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã và các Đơn vị có liên quan 8.13 Tập trung triển khai xây dựng hệ thống vé thông minh và hệ thống quản lý giám sát hành trình xe bằng thiết bị định vị GPS nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, quản lý được doanh thu và giảm kinh phí trợ giá 8.14 Hoàn thiện các Đề án: Đề án xây dựng mạng lưới đường bộ trên cao; Đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long 8.15 Công tác thông tin tuyên truyền về dịch vụ xe buýt: triển khai các chương trình hợp tác, tuyên truyền quảng bá hoạt động xe buýt, vai trò của vận tải hành khách công cộng và nhận thức cộng đồng Các đơn vị truyền thông, Viễn thông Viettel, hội nghệ sỹ nhiếp ảnh VN và các đơn vị khác có liên quan
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "07/05/2013", "sign_number": "77/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Văn Sửu", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-223-2012-TT-BTC-che-do-thu-nop-va-quan-ly-su-dung-phi-le-phi-154182.aspx
Thông tư 223/2012/TT-BTC chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí lệ phí
BỘ TÀI CHÍNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 223/2012/TT-BTC Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2012 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ THỰC VẬT Căn cứ Luật An toàn thực phẩm; Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Căn cứ Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 của Chính phủ quy định về kiểm dịch thực vật; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Quyết định số 10/2010/QĐ-BTC ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu; Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật như sau: Điều 1. Đối tượng nộp phí, lệ phí Các tổ chức, cá nhân (không phân biệt trong nước hay ngoài nước) khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc về bảo vệ, kiểm dịch thực vật, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ thực vật (dưới đây gọi chung là bảo vệ thực vật) thì phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này. Điều 2. Mức thu 1. Mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được quy định cụ thể tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật thu bằng Đồng Việt Nam (VNĐ). Điều 3. Tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng 1. Phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. 2. Cơ quan thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí. 3. Cơ quan thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được quản lý sử dụng như sau: a) Cơ quan thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được trích để lại tiền thu phí, lệ phí trước khi nộp vào ngân sách nhà nước theo tỷ lệ (%) trên tổng số tiền phí, lệ phí thực thu được như sau: - Lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được để lại: 20% (hai mươi phần trăm); - Phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được để lại: 80% (tám mươi phần trăm). b) Nộp ngân sách nhà nước phần tiền phí, lệ phí còn lại (tổng số tiền phí, lệ phí thực thu được, trừ số đã để lại theo tỷ lệ quy định tại điểm a khoản này) gồm: - Lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật phải nộp vào ngân sách nhà nước: 80% (tám mươi phần trăm); - Phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật phải nộp vào ngân sách nhà nước: 20% (hai mươi phần trăm). 4. Cơ quan thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được sử dụng số tiền để lại theo tỷ lệ (%) quy định tại điểm a khoản 3 Điều này để chi phí cho việc thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật với nội dung chi cụ thể sau đây: a) Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản chi bồi dưỡng độc hại, làm việc thêm giờ, ngoài giờ, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công cho lao động (kể cả lao động thuê ngoài) phục vụ việc thu phí, lệ phí theo chế độ hiện hành. b) Chi trang bị đồng phục hoặc bảo hộ lao động cho lao động thực hiện việc thu phí, lệ phí theo chế độ quy định (nếu có). c) Chi phí phục vụ cho việc thu phí, lệ phí như: vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí; in (mua) tờ khai, giấy phép, các loại ấn chỉ khác theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành. d) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thu phí, lệ phí. e) Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền quảng cáo phục vụ việc thu phí, lệ phí. g) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công cụ làm việc và các khoản chi khác theo dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. h) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước. Cơ quan thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật phải quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí được để lại nêu trên đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp theo quy định. Định kỳ theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật, các cơ quan thu phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật trực thuộc căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm (chia theo từng tháng, quý), nếu số tiền được trích để lại theo tỷ lệ quy định trên đây lớn hơn số được chi theo dự toán được duyệt thì phải nộp số chênh lệch vào tài khoản của Cục Bảo vệ thực vật để Cục thực hiện điều hoà cho các đơn vị trực thuộc không đủ nguồn chi bảo đảm hoạt động. Cục Bảo vệ thực vật được mở thêm tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở để điều hoà tiền phí, lệ phí giữa các đơn vị trong nội bộ. Số dư tài khoản cuối năm được chuyển sang năm sau. 5. Tổng số tiền phí, lệ phí thực thu được, sau khi trừ số được trích để lại trang trải cho việc thu phí, lệ phí theo tỷ lệ % quy định, số tiền còn lại cơ quan thu phí, lệ phí phải nộp vào ngân sách nhà nước theo Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành. Điều 4. Tổ chức thực hiện: 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/02/2013. Thay thế Thông tư số 110/2003/TT-BTC ngày 17/11/2003 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí bảo vệ kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật. 2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ. 3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí, lệ phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Công báo; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Lưu VT, CST (CST 5). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Vũ Thị Mai BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ THỰC VẬT (Ban hành kèm theo Thông tư số 223/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính) A. LỆ PHÍ I. Lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) STT Danh Mục Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc BVTV Lần 300 2 Cấp giấy chứng nhận đăng ký chính thức thuốc BVTV Lần 300 3 Cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung thuốc BVTV (mỗi dạng, hàm lượng bổ sung) Lần 300 4 Cấp gia hạn giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV Lần 300 5 Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc BVTV Lần 300 6 Cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV Lần 300 7 Cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc Lần 300 8 Cấp giấy phép vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc BVTV Lần 300 9 Cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với thuốc BVTV xuất khẩu Lần 300 10 Trường hợp cấp lại các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ nêu trên. Lần Bằng 50% mức thu cấp lần đầu II. Lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, thẻ hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật STT Danh Mục Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu Lần 300 2 Cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu Lần 300 3 Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch xuất nhập khẩu Lần 300 4 Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng bảo quản nội địa Lần 300 5 Cấp chứng chỉ hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch xuất nhập khẩu Lần 300 6 Cấp chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng bảo quản nội địa Lần 300 7 Cấp thẻ hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch xuất nhập khẩu Lần 100 8 Cấp thẻ hành nghề xông hơi khử trùng bảo quản nội địa Lần 100 B. PHÍ I. Phí thẩm định phục vụ cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về thuốc BVTV STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 2 Thẩm định phục vụ cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc BVTV diện hẹp và diện rộng (1 đối tượng dịch hại/cây trồng, 1 dạng thuốc thành phẩm, 1 mức hàm lượng) Lần 6.000 Đối tượng dịch hại thứ 2, đối tượng cây trồng thứ 2, dạng thuốc thành phẩm thứ 2, mức hàm lượng thứ 2 trở đi trong một giấy phép khảo nghiệm Lần 500/1 đối tượng dịch hại, cây trồng, dạng thuốc thành phẩm, mức hàm lượng Thẩm định phục vụ cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc BVTV diện rộng (1 đối tượng dịch hại/cây trồng, 1 dạng thuốc thành phẩm, 1 mức hàm lượng) Lần 3.500 Đối tượng dịch hại thứ 2, đối tượng cây trồng thứ 2, dạng thuốc thành phẩm thứ 2, mức hàm lượng thứ 2 trở đi trong một giấy phép khảo nghiệm Lần 200/1 đối tượng dịch hại, cây trồng, dạng thuốc thành phẩm, mức hàm lượng 3 Thẩm định phục vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký chính thức thuốc BVTV Lần 9.000 4 Thẩm định phục vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung thuốc BVTV Lần 2.500 5 Thẩm định phục vụ cấp gia hạn giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV Lần 2.500 6 Thẩm định hồ sơ thay đổi nhà sản xuất Lần 1.500 7 Thẩm định nội dung quảng cáo thuốc BVTV (Hồ sơ) Lần 600 8 Thẩm định điều kiện sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc BVTV (mỗi lần thẩm định) 8.1 Sản xuất thuốc BVTV Lần 6.000 8.2 Gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV Lần 4.000 8.3 Buôn bán thuốc BVTV a. Cửa hàng Lần 500 b. Đại lý Lần 1.000 9 Thẩm định, đánh giá để chỉ định tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc BVTV 9.1 Thẩm định, đánh giá lần đầu Lần 2.000 9.2 Thẩm định, đánh giá lại Lần 1.000 9.3 Thẩm định, đánh giá mở rộng Lần 1.000 10 Thẩm định hồ sơ, đánh giá thực tế để đăng ký và chỉ định Tổ chức chứng nhận hợp quy về thuốc BVTV Lần 15.000 11 Thẩm định hồ sơ, đánh giá thực tế để đăng ký lại Tổ chức chứng nhận hợp quy về thuốc BVTV Lần 6.500 12 Thẩm định hồ sơ, đánh giá thực tế để đăng ký thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động chứng nhận hợp quy về thuốc BVTV đối với tổ chức chứng nhận đã được chỉ định Lần 6.500 13 Thẩm định hồ sơ đăng ký công bố hợp quy về thuốc BVTV Lần 600 14 Đánh giá, chỉ định phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng, dư lượng thuốc BVTV 14.1 Thẩm định, đánh giá lần đầu Lần 15.000 14.2 Thẩm định, đánh giá lại Lần 6.000 14.3 Thẩm định, đánh giá mở rộng Lần 6.000 14.4 Thẩm định, đánh giá giám sát (định kỳ) Lần 4.000 15 Thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu thuốc BVTV Lần 1.000 II. Phí thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận, đánh giá phòng thử nghiệm trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật. STT Danh mục Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Phí thẩm định phục vụ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch Lần 12.000 2 Phí thẩm định phục vụ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng bảo quản nội địa Lần 4.000 3 Phí đánh giá phòng thử nghiệm về kiểm dịch thực vật Lần 10.000 Đánh giá mở rộng Lần Bằng 50% mức thu phí đánh giá lần đầu III. Phí kiểm định chất lượng thuốc BVTV STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Kiểm định chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu 1.1 Thuốc BVTV nhập khẩu (Không bao gồm thuốc có nguồn gốc vi sinh vật) Lần 0,05% giá trị lô hàng (Tối thiểu 1.200/lô hàng, tối đa 10.000/1 lô hàng) 1.2 Thuốc BVTV nhập khẩu có nguồn gốc vi sinh vật. Lần 0,05% giá trị lô hàng (Tối thiểu 2.000 /lô hàng, tối đa 10.000/1 lô hàng) 2 Kiểm định các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản (rau, củ, quả...) xuất, nhập khẩu. Lần 1% giá trị lô hàng (Tối thiểu 3.000/lô hàng, tối đa 10.000/1 lô hàng) IV. Phí khảo nghiệm thuốc BVTV 1. Khảo nghiệm hiệu lực sinh học STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Diện hẹp (1 loại thuốc, 1 loại dịch hại, 1 địa điểm, 1 loại cây trồng, 3 - 4 công thức, 3 - 4 lần nhắc lại, diện tích 25 - 50 m2) Khảo nghiệm 13.000 2 Diện rộng (1 loại thuốc, 1 loại dịch hại, 1 địa điểm, 1 loại cây trồng, tối đa 4 công thức, diện tích tối thiểu 300 m2) Khảo nghiệm 11.000 2. Khảo nghiệm xác định thời gian cách ly (PHI) STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Diện rộng (1 loại thuốc, 1 địa điểm, 1 loại cây trồng, 2 công thức, diện tích 300 m2) Lần 13.000 V. Phí kiểm tra an toàn thực phẩm STT Danh mục Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Phí kiểm tra hồ sơ Lô 15 2 Phí lây mẫu, lưu mẫu và vận chuyển mẫu 105 Mẫu tối thiểu của lô hàng (05 mẫu) 20 Mẫu lấy thêm theo trọng lượng lô hàng (Từ 5 đến 15 mẫu) 01 mẫu 5 Vận chuyển mẫu (<3kg) Lô 80 3 Phí kiểm tra cảm quan và vật lý 25 Xác định màu sắc, mùi, vị Lô 15 Độ đồng đều của sản phẩm. Lô 5 Đánh giá điều kiện bao gói, ghi nhãn vận chuyển và bảo quản Lô 5 4 Phân tích nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (bằng test kit). Mẫu 130 VI. Phí kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu 1. Lô hàng nhỏ STT Danh mục Đơn vị tính Mức thu (1.000 đồng) 1 Lô hàng thương phẩm: < 1 kg Lô 15 1 - 10 kg Lô 45 > 10 kg Theo mục 3 2 Lô hàng dùng làm giống: ≤ 1 kg Lô 120 > 1kg Theo mục 3 3 Lô hàng là cây giống, cành ghép, mắt ghép, hom giống tính theo đơn vị cá thể < 10 cá thể Lô 25 11 - 100 cá thể Lô Theo mục 2 101 - 1000 cá thể Lô Theo mục 2 > 1000 cá thể Lô Theo mục 2 2. Lô hàng lớn là cây giống, cành ghép, mắt ghép, hom giống tính theo đơn vị cá thể Lô hàng tính theo đơn vị cá thể Mức thu (1.000 đồng) Giấy tờ nghiệp vụ Phân tích giám định Kiểm tra thu thập sinh vật gây hại Lấy mẫu Côn trùng Nấm Tuyến trùng Cỏ dại Vi khuẩn Virus/ Viroid/ Plasma 11 - ≤ 100 15 20 22 39 65 52 39 130 200 100 - ≤ 1.000 15 40 30 39 65 52 39 130 200 > 1.000 15 60 40 39 65 52 39 130 200 3. Lô hàng lớn tính theo khối lượng Trọng lượng lô hàng (tấn, m3) Mức thu (1.000 đồng) Giấy tờ nghiệp vụ Kiểm tra thu thập sinh vật gây hại Lấy mẫu Phân tích giám định Côn trùng Nấm Tuyến trùng Cỏ dại Vi khuẩn Virus/ Viroid/ Plasma ≤ 1 15 10 14 39 65 52 39 130 200 1 - 5 15 14 22 39 65 52 39 130 200 6 -10 15 18 30 39 65 52 39 130 200 11 - 15 15 22 38 39 65 52 39 130 200 16 - 20 15 26 46 39 65 52 39 130 200 21 -25 15 30 54 39 65 52 39 130 200 26 - 30 15 34 62 39 65 52 39 130 200 31 - 35 15 38 70 39 65 52 39 130 200 36 - 40 15 42 78 39 65 52 39 130 200 41 - 45 15 46 86 39 65 52 39 130 200 46 - 50 15 50 104 39 65 52 39 130 200 51 - 60 15 55 112 39 65 52 39 130 200 61 - 70 15 60 120 39 65 52 39 130 200 71 - 80 15 65 128 39 65 52 39 130 200 81 - 90 15 70 136 39 65 52 39 130 200 91 - 100 15 75 144 39 65 52 39 130 200 101 - 120 15 80 152 39 65 52 39 130 200 121 - 140 15 85 160 39 65 52 39 130 200 141 - 160 15 90 168 39 65 52 39 130 200 161 - 180 15 95 176 39 65 52 39 130 200 181 - 200 15 100 184 39 65 52 39 130 200 201- 230 15 105 192 39 65 52 39 130 200 231 - 260 15 110 200 39 65 52 39 130 200 261 - 290 15 115 208 39 65 52 39 130 200 291 - 320 15 120 216 39 65 52 39 130 200 321 - 350 15 125 224 39 65 52 39 130 200 351 - 400 15 130 232 39 65 52 39 130 200 401 - 450 15 135 240 39 65 52 39 130 200 451 - 500 15 140 248 39 65 52 39 130 200 Ghi chú: Trong biểu trên, các mức thu được hiểu như sau: - Mức thu chưa bao gồm chi phí đi đến địa điểm lấy mẫu, kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. - Thực tế phân tích, giám định chỉ tiêu nào thì thu phí theo chỉ tiêu đó. - Gieo trồng, theo dõi, kiểm tra, kiểm dịch giống cây trồng nhập khẩu trong vườn ươm theo mức thực chi. - Lô hàng có khối lượng trên 500 (tấn, m3) được phân lô theo hầm tầu, kho để kiểm dịch và tính phí kiểm dịch, hoặc cộng thêm phí kiểm dịch phần còn lại với phí kiểm dịch của lô 500 (tấn, m3). - Lô hàng có khối lượng nhỏ ≤ 0,1 kg (hạt giống), ≤ 10 cá thể (cành ghép, mắt ghép, hom giống, củ giống) bao gồm nhiều chủng loại giống khác nhau được tính phí KDTV tương đương với phí KDTV của 1 lô hàng. - Phí giám sát khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được tính bằng 50% mức thu theo mục này - Phí kiểm tra hầm tàu trước khi sắp xếp hàng được tính bằng 20% mức phí KDTV của lô hàng này. - Miễn thu phí đối với các trường hợp: + Lô hàng giống dùng cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường hợp khối lượng: ≤01 kg (hạt giống), ≤ 10 cá thể (cành ghép, mắt ghép, hom giống, củ giống) đối với 1 chủng loại giống cho 1 lần nhập, xuất khẩu. + Sản phẩm thực vật xách tay nhập khẩu để sử dụng trong thời gian đi đường; + Kiểm dịch thực vật theo nghi thức ngoại giao khi xuất cảnh, nhập cảnh (nếu có) + Một số trường hợp đặc biệt khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "24/12/2012", "sign_number": "223/2012/TT-BTC", "signer": "Vũ Thị Mai", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-12-CT-UBND-2019-tang-cuong-thuc-hien-cai-cach-hanh-chinh-thanh-pho-Can-Tho-437571.aspx
Chỉ thị 12/CT-UBND 2019 tăng cường thực hiện cải cách hành chính thành phố Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 12/CT-UBND Cần Thơ, ngày 30 tháng 10 năm 2019 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHẤN CHỈNH KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố quan tâm, chú trọng và xem đây là một trong những nội dung trọng tâm, đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; nhất là tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố; trong những năm qua, công tác CCHC đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; nhiều nhiệm vụ, công việc nêu trong các chương trình, kế hoạch, đề án và văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ chưa được quan tâm đúng mức; việc phát hiện các vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý không kịp thời. Những tồn tại, hạn chế trên đây đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện CCHC, kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; cần thiết phải được khắc phục ngay ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhằm tiếp tục tăng cường thực hiện CCHC, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các cơ quan, tổ chức hành chính đối với Nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: 1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau: a) Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP và Quyết định số 225/QĐ-TTg ; quán triệt thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh CCHC, đảm bảo công tác cải CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các cơ quan, tổ chức hành chính đối với Nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp. Khẩn trương rà soát để có biện pháp khắc phục ngay các thủ tục hành chính còn rườm rà, khó thực hiện; rút ngắn thời gian quy trình giải quyết; không để hồ sơ giải quyết chậm trễ, quá thời hạn quy định; b) Quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 10/CT- TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2019 của UBND thành phố về triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg nhằm nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, phong cách, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); c) Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về tinh thần, thái độ phục vụ và giải quyết thủ tục hành chính của CBCCVC; các địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử của cơ quan, của ngành tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hoặc những nơi mà tổ chức, người dân thường xuyên đến liên hệ, giao dịch đảm bảo thuận tiện, dễ quan sát; niêm yết đồng thời trên trang thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Nghiêm túc tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của CBCCVC; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục ngay hậu quả, xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp có sai phạm; d) Thực hiện nghiêm quy chế, quy trình làm việc và công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Rà soát, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công trong kế hoạch, chương trình công tác, văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố theo đúng tiến độ được giao. Chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy công việc thuộc nhiệm vụ của mình sang cơ quan, tổ chức khác hoặc lên cấp trên. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phối hợp để xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc có tính chất liên ngành, nhất là những vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội. Tuân thủ đúng quy định về chế độ họp, khắc phục tình trạng cùng một vụ việc nhưng lại tổ chức họp nhiều lần, triệu tập nhiều cơ quan với tính chất không cần thiết, gây lãng phí và ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị khác; đ) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý CBCCVC, khẩn trương rà soát, đánh giá đúng chất lượng, trình độ chuyên môn, năng lực công tác để sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với yêu cầu công việc, tiêu chuẩn năng lực vị trí việc làm. Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác CBCCVC theo đúng quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, kiên quyết ngăn chặn và loại bỏ triệt để tệ chạy chức, chạy quyền, các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho hành vi chạy chức, chạy quyền; kịp thời thu hồi, hủy bỏ các quyết định trái với quy định pháp luật về công tác cán bộ; đồng thời, phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; e) Nghiêm túc thực hiện việc đánh giá CBCCVC, đảm bảo việc đánh giá phải gắn với kết quả thực thi công vụ, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCCVC phải đúng theo quy định về tiêu chí phân loại đánh giá, nhất là những trường hợp người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có xảy ra sai phạm, hạn chế hoặc để dư luận bức xúc kéo dài những vụ việc thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách, quản lý mà không có biện pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm, kịp thời. Xử lý trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nếu để xảy ra việc đánh giá, xếp loại không đúng với tiêu chí quy định. Kiên quyết tinh giản biên chế số CBCCVC thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, có năng lực làm việc kém hiệu quả, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại đội ngũ theo hướng tinh gọn, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả sử dụng nhân lực làm nền tảng thực hiện cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình CCHC, tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương; g) Chấn chỉnh công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát CBCCVC trong hoạt động công vụ, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, cấp các loại giấy phép, giấy đăng ký… Kiên quyết xử lý nghiêm những CBCCVC có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho các cá nhân, tổ chức không đúng với quy định pháp luật. Kịp thời thu hồi, hủy bỏ các quyết định, kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục trái quy định pháp luật. Xử lý ngay người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý hoặc bao che, dung túng để cấp dưới trực tiếp có hành vi vi phạm. Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi tác động, hối lộ CBCCVC để giải quyết công việc của mình trái với quy định pháp luật; h) Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; chấn chỉnh những hạn chế, sai phạm trong việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng tài sản công nhất là trụ sở làm việc, xe ô tô công… Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu và cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm; i) Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, đi đầu chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực thi chính sách, pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố khi để xảy ra sai phạm, tham nhũng trong tổ chức, đơn vị do mình phụ trách, quản lý. Căn cứ kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị, địa phương để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu. 2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: a) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của CBCCVC trong thi hành công vụ; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ; luôn có thái độ tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân, không được hách dịch, cửa quyền, gây nhũng nhiễu, phiền hà khi thi hành công vụ; b) Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, tính thứ bậc, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đúng thẩm quyền. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người CBCVC, không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; c) Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, CBCCVC trực tiếp thụ lý giải quyết có trách nhiệm hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ nội dung thành phần hồ sơ để người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện; không được yêu cầu bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần hoặc để người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần đến cơ quan nhà nước chỉ giải quyết một công việc; d) Nghiêm cấm CBCCVC lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, vụ lợi khi xử lý, giải quyết công việc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; CBCCVC và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm các quy định quản lý của Nhà nước trong thi hành công vụ phải bị xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, tổng hợp tiến độ và kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được phân công trong các kế hoạch, chương trình công tác và văn bản chỉ đạo, điều hành để báo cáo UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố làm cơ sở nhận xét, đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu. 4. Chánh Thanh tra thành phố: a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương và việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định pháp luật; b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát, giám sát công tác thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, địa phương; kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra để gây nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực đối với người dân và doanh nghiệp. Tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các trường hợp CBCCVC lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để cố ý làm trái các quy định quản lý nhà nước hoặc thiếu trách nhiệm, buông lõng quản lý để xảy ra sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng, những vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội, những hành vi sai phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiên quyết đưa ra điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật. 5. Giám đốc Sở Nội vụ: a) Tham mưu UBND thành phố trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh thực hiện kiểm tra công vụ đối với việc thực thi nhiệm vụ của CBCCVC; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp CBCCVC có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thi hành công vụ; đồng thời, tham mưu UBND thành phố xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu có biểu hiện bao che, dung túng người dưới quyền có hành vi sai phạm; b) Tham mưu UBND thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và đổi mới trong công tác cán bộ để tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chấp hành đúng các quy định pháp luật trong công tác quản lý, tuyển dụng và sử dụng CBCCVC nhằm từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ CBCCVC của thành phố. 6. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: a) Chịu trách nhiệm quản lý chung về đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin mạng và hỗ trợ kỹ thuật vận hành Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Hệ thống thông tin thu nhận ý kiến đánh giá giải quyết thủ tục hành chính hoạt động ổn định, liên tục và tin cậy để phục vụ tổ chức, cá nhân tốt hơn. Từ đó, hạn chế thấp nhất các tiêu cực cũng như thái độ, phong cách làm việc của CBCCVC; b) Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tổ chức, cá nhân quan tâm sử dụng; c) Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nội dung việc thực hiện Chỉ thị này và các văn bản có liên quan; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng về cải cách hành chính để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp nhằm có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm của CBCCVC. Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./. CHỦ TỊCH Lê Quang Mạnh
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "30/10/2019", "sign_number": "12/CT-UBND", "signer": "Lê Quang Mạnh", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-49-2001-TT-BTC-huong-dan-viec-quan-ly-thanh-toan-quyet-toan-von-dau-tu-xay-dung-co-ban-thuoc-xa-thi-tran-quan-ly-47871.aspx
Thông tư 49/2001/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn quản lý
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 49/2001/TT-BTC Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2001 THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 49/2001/TT-BTC NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN THUỘC XÃ, THỊ TRẤN QUẢN LÝ Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ban hành ngày 20/3/1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước ngày 20/5/1998, Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước; Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư XDCB thuộc xã, thị trấn quản lý như sau: Phần 1: QUY ĐỊNH CHUNG 1. UBND xã, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) quản lý các dự án đầu tư theo phân cấp của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn vốn đầu tư XDCB thuộc xã bao gồm nguồn vốn được cân đối trong ngân sách xã (các khoản thu của Nhà nước dành 100% cho ngân sách xã; các khoản thu phân chia cho ngân sách xã theo tỷ lệ phần trăm; số bổ sung từ ngân sách cấp trên và các khoản huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng được Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý) và nguồn vốn từ hoạt động tài chính khác ở xã không cân đối trong ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB bao gồm: các quỹ công chuyên dùng; các hoạt động tài chính sự nghiệp của xã, tài chính thôn bản (chủ yếu thu, chi từ các khoản đóng góp của dân do thôn bản tự huy động); tài chính các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ phát sinh ở xã và một số hoạt động tài chính khác. 2. Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB cân đối trong ngân sách xã, UBND xã có trách nhiệm quản lý thực hiện dự án, Kho bạc nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là KBNN huyện) thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án. Đối với các xã khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện quản lý thu chi trực tiếp qua KBNN, UBND tỉnh có phương án trình HĐND tỉnh quyết định cơ chế quản lý phù hợp và báo cáo Bộ Tài chính. Nơi nào chưa có KBNN huyện thì KBNN nơi xã đang mở tài khoản ngân sách thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án. Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB không cân đối trong ngân sách xã, căn cứ vào chế độ hiện hành của Nhà nước và quy định của UBND tỉnh, UBND xã quyết định việc quản lý, thanh quyết toán phù hợp. 3. UBND xã và chủ đầu tư các dự án đầu tư thuộc xã có trách nhiệm thực hiện các quy định của Nhà nước về đầu tư và xây dựng; sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả; chấp hành chính sách chế độ quản lý tài chính của Nhà nước về đầu tư XDCB và các quy định về việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư XDCB tại Thông tư này. Phần 2: QUY ĐỊNH CỤ THỂ I. XÁC ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ 1. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Ban Tài chính xã có trách nhiệm tham gia cùng các ban ngành chức năng tham mưu cho UBND xã về chủ trương đầu tư phát triển trong từng thời kỳ và trong từng năm kế hoạch. 2. Ban Tài chính xã tham gia cùng các ban ngành chức năng thẩm định các dự án đầu tư thuộc quản lý của UBND xã để trình Chủ tịch UBND xã quyết định đầu tư. 3. Sau khi có số kiểm tra và hướng dẫn của UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) về dự toán ngân sách xã và căn cứ vào khả năng nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB, Ban Tài chính xã giúp UBND xã lập kế hoạch chi đầu tư XDCB, bao gồm nguồn vốn chi đầu tư XDCB cân đối trong dự toán ngân sách xã và nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã. 4. Căn cứ vào dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Ban Tài chính xã dự kiến phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hàng năm cho từng dự án trình Chủ tịch UBND xã duyệt và thông báo cho chủ đầu tư (nếu có) để triển khai, đồng thời thông báo cho KBNN huyện để làm căn cứ thanh toán vốn và công khai cho nhân dân biết. 5. Lập và thông báo kế hoạch vốn hàng quý: Căn cứ dự toán ngân sách xã được giao, mức vốn đầu tư XDCB năm đã phân bổ cho từng dự án, tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng kinh tế được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hàng quý, Ban Tài chính xã lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư XDCB trong quý có phân theo nguồn sử dụng (cân đối trong ngân sách xã, huy động đóng góp bằng tiền, vật tư, lao động của các tổ chức, cá nhân) trình Chủ tịch UBND xã ký và gửi cho KBNN huyện làm căn cứ thanh toán vốn trong quý. Trường hợp xã có thu bổ sung mục tiêu XDCB từ ngân sách huyện, UBND xã làm việc với Phòng Tài chính huyện để được thống nhất mức cấp bổ sung trong quý trước khi phê duyệt kế hoạch vốn. 6. Đảm bảo nguồn vốn thanh toán: Ban Tài chính xã có trách nhiệm quản lý các nguồn vốn đầu tư của xã, kể cả nguồn vốn cân đối trong ngân sách và nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã. - Đối với các dự án đầu tư cân đối trong ngân sách xã, nguồn đảm bảo thanh toán gồm nguồn vốn đã được bố trí trong dự toán ngân sách xã hàng năm. Trường hợp nguồn thu chủ yếu của ngân sách xã theo mùa vụ hoặc từ các khoản đóng góp chưa thu được, nếu xã có nhu cầu cấp bách về vốn để tạm ứng hoặc thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án, theo đề nghị của UBND xã, Phòng Tài chính huyện ưu tiên tăng tiến độ cấp số bổ sung trong dự toán đã được giao (nếu có) để đảm bảo nguồn cho xã. - Đối với nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã, Ban Tài chính có trách nhiệm đảm bảo thanh toán cho các dự án trên cơ sở cân đối các nguồn vốn và quyết định của xã về chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn này. II. KIỂM SOÁT, THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ 1. Mở tài khoản: - Đối với nguồn vốn cân đối trong ngân sách, xã có thể mở tài khoản riêng cho các dự án đầu tư thuộc ngân sách xã tại KBNN huyện để tiếp nhận vốn đầu tư của dự án và phục vụ cho quyết toán dự án đầu tư hoàn thành. Việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản của chủ đầu tư tại KBNN được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và KBNN Trung ương. - Đối với nguồn vốn không cân đối trong ngân sách, xã có thể mở tài khoản riêng cho dự án hoặc chi thanh toán trực tiếp từ tài khoản tiền gửi các khoản tiền không thuộc ngân sách xã mở tại KBNN. 2. Kiểm soát: - Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB cân đối trong ngân sách xã, KBNN thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án. - Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB không cân đối trong ngân sách xã, UBND xã quyết định việc kiểm soát, thanh toán. Quá trình thực hiện dự án, kiểm soát thanh toán vốn phải có sự giám sát của Ban Giám sát công trình do dân cử. 3. Thanh toán vốn: 3.1. Đối với nguồn vốn ngân sách: 3.1.1. Điều kiện để được thanh toán vốn: Sau khi dự án được duyệt và đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư, chủ đầu tư gửi cho KBNN huyện nơi mở tài khoản dự án các tài liệu sau đây (các tài liệu này chỉ gửi một lần, trừ trường hợp bổ sung, điều chỉnh): - Báo cáo đầu tư (hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi) và Quyết định đầu tư của người có thẩm quyền, trong đó có phân rõ các nguồn vốn đầu tư của dự án. - Dự toán và văn bản phê duyệt thiết kế, dự toán; quyết định trúng thầu (đối với các gói thầu tổ chức đấu thầu) hoặc quyết định chỉ định thầu của người có thẩm quyền. - Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư, thành lập Ban Quản lý dự án (trường hợp phải thành lập Ban QLDA). - Các hợp đồng kinh tế về xây lắp, mua sắm thiết bị, tư vấn,...giữa chủ đầu tư và nhà thầu. - Kế hoạch vốn của dự án, trong đó có chi tiết các nguồn vốn đầu tư được phân bổ. - Bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu (đối với trường hợp đấu thầu). 3.1.2. Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng: - Dự án đầu tư thuộc ngân sách xã do nhân dân trong xã tự làm được tạm ứng vốn bằng 50% kế hoạch vốn năm của dự án. Khi có khối lượng XDCB hoàn thành được thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, đồng thời thu hồi tạm ứng bằng cách trừ 50% số vốn thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành. - Các dự án đầu tư thuộc ngân sách xã do các nhà thầu là doanh nghiệp thi công thì tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng như sau: + Nếu dự án hoặc gói thầu được chỉ định thầu thì không được tạm ứng. + Dự án hoặc gói thầu tổ chức đấu thầu được tạm ứng bằng 20% giá trị hợp đồng nhưng không vượt kế hoạch vốn hàng năm của dự án hoặc gói thầu. Để được tạm ứng, ngoài các tài liệu đã quy định tại điểm 3.1.1 trên đây, chủ đầu tư gửi cho KBNN huyện giấy đề nghị tạm ứng. KBNN huyện có trách nhiệm kiểm tra và tạm ứng vốn cho chủ đầu tư, đồng thời thanh toán cho nhà thầu theo đề nghị của chủ đầu tư và hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu. + Vốn tạm ứng được thu hồi dần vào từng thời kỳ thanh toán khối lượng hoàn thành. Thời điểm bắt đầu thu hồi khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 30% giá trị hợp đồng và thu hồi hết khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. 3.1.3. Thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành: Khối lượng XDCB hoàn thành theo hình thức chỉ định thầu được thanh toán là khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu, theo hợp đồng, có trong kế hoạch đầu tư được giao, có thiết kế và dự toán chi tiết được duyệt theo đúng định mức, đơn giá của Nhà nước. Khối lượng XDCB hoàn thành theo hình thức đấu thầu được thanh toán là khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu theo hợp đồng, có trong kế hoạch đầu tư được giao. Khi có khối lượng XDCB hoàn thành, ngoài các tài liệu đã quy định tại điểm 3.1.1 trên đây, chủ đầu tư gửi cho KBNN huyện các tài liệu sau đây: - Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành và bản tính giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu. - Phiếu giá và các chứng từ thanh toán khác có liên quan. Khi đã nhận đủ chứng từ hợp lệ, trên cơ sở nguồn thực có, trong vòng 5 ngày làm việc, KBNN huyện thực hiện việc kiểm soát và thanh toán cho các dự án, đồng thời thu hồi tạm ứng (nếu có) và thanh toán cho các nhà thầu theo đề nghị của chủ đầu tư. Tổng số vốn tạm ứng và thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành cho dự án trong năm (kể cả ghi thu ghi chi) không vượt dự toán được duyệt và kế hoạch vốn năm. Tổng số vốn thanh toán cho dự án không được vượt tổng dự toán và tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. 3.2. Đối với nguồn vốn không cân đối trong ngân sách, UBND xã quyết định việc thanh toán trên cơ sở vận dụng những nguyên tắc thanh toán như đối với nguồn vốn ngân sách; đồng thời đảm bảo việc công khai và giám sát của nhân dân. III. QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH Khi dự án đầu tư hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư trình cơ quan thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định sau đây: 1. Nội dung quyết toán: - Xác định tổng mức vốn đầu tư thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi dự án hoàn thành; chia ra các loại nguồn vốn: nguồn vốn dùng để đầu tư XDCB được cân đối trong ngân sách xã; nguồn vốn từ hoạt động tài chính khác ở xã không cân đối trong ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB. - Xác định các chi phí không tính vào giá trị tài sản của dự án để xác định giá trị tài sản bàn giao cho sản xuất, sử dụng. Các chi phí không tính vào giá trị tài sản của dự án gồm: chi phí thiệt hại do thiên tai, địch họa và do các nguyên nhân bất khả kháng khác; giá trị khối lượng được huỷ bỏ theo quyết định của người có thẩm quyền. (Nội dung quyết toán theo mẫu số 03/QT-XDCB kèm theo). 2. Lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán: 2.1. Nội dung thẩm tra quyết toán: - Thẩm tra tính pháp lý của dự án: các văn bản quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế, dự toán (kể cả bổ sung, điều chỉnh), công nhận trúng thầu hoặc chỉ định thầu, các hợp đồng kinh tế,... - Thẩm tra các nguồn vốn đầu tư dự án thực tế thực hiện so với các nguồn vốn được xác định trong quyết định đầu tư. - Thẩm tra cơ cấu vốn đầu tư (xây lắp, thiết bị, chi phí khác) thực tế so với cơ cấu trong quyết định đầu tư. - Thẩm tra giá trị xây lắp, thiết bị, chi phí khác đề nghị quyết toán so với dự toán được duyệt hoặc giá trúng thầu. - Thẩm tra các chi phí không tính vào giá trị tài sản bàn giao, giá trị tài sản bàn giao cho sản xuất, sử dụng. - Thẩm tra tình hình công nợ, vật tư thiết bị tồn đọng,... 2.2. Cơ quan lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán: - Trường hợp dự án do một tổ chức được UBND xã giao làm chủ đầu tư: + Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập báo cáo quyết toán. + Ban Tài chính xã chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán theo các nội dung nêu trên, bao gồm đại diện của các ban ngành có liên quan trong xã và đại diện của Ban Giám sát công trình xây dựng. + Chủ tịch UBND xã quyết định phê duyệt quyết toán (theo mẫu số 05/QT-XDCB kèm theo). - Trường hợp dự án do UBND xã làm chủ đầu tư: + Các cơ quan chuyên môn của xã giúp UBND xã lập báo cáo quyết toán. + Ban Tài chính xã chịu trách nhiệm chủ trì cùng các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán theo các nội dung nêu trên, bao gồm đại diện của các ban ngành có liên quan trong xã và đại diện của Ban Giám sát công trình xây dựng. + Chủ tịch UBND xã quyết định phê duyệt quyết toán (theo mẫu số 05/QT-XDCB kèm theo). 2.3. KBNN huyện có trách nhiệm xác nhận số vốn đầu tư thực tế đã thanh toán cho dự án (theo mẫu số 04/QT-XDCB kèm theo), nhận xét tình hình thanh, quyết toán vốn của dự án và phối hợp với Chủ tịch UBND xã để xử lý các vấn đề còn tồn tại (ví dụ: thu hồi vốn thanh toán thừa so với quyết toán được duyệt, thanh toán tiếp vốn còn thiếu,...) và làm thủ tục tất toán tài khoản có liên quan khi dự án có quyết định phê duyệt quyết toán. 2.4. Thời gian lập báo cáo, thẩm tra và phê duyệt quyết toán trong vòng một tháng kể từ khi dự án đầu tư hoàn thành. 2.5. Sau khi quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được phê duyệt, UBND xã phải công khai cho nhân dân trong xã biết. IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA 1. Hàng tháng, quý, năm, KBNN huyện đối chiếu với Ban Tài chính xã và báo cáo Phòng Tài chính huyện và KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về số vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã nhận, đã thanh toán cho từng dự án thuộc xã quản lý. 2. UBND xã báo cáo Phòng Tài chính huyện, Phòng Tài chính huyện báo cáo UBND huyện và Sở Tài chính-Vật giá theo định kỳ và theo các chỉ tiêu sau đây: - Vào ngày 5 của tháng đầu quý (từ quý II trở đi), báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB trong quý báo cáo (theo mẫu số 01/BC-XDCB kèm theo). - Vào ngày 10 tháng 1, báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB trong năm báo cáo (theo mẫu số 02/BC-XDCB kèm theo). Báo cáo này thay cho báo cáo quý IV theo mẫu số 01/BC-XDCB trên đây. 3. Phòng Tài chính huyện có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất Ban Tài chính xã về tình hình quản lý tài chính về đầu tư phát triển, KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra định kỳ và đột xuất KBNN huyện về việc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư của các dự án thuộc ngân sách xã. V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN 1. UBND tỉnh, UBND huyện: - Hướng dẫn UBND xã về việc thực hiện các dự án đầu tư, quản lý vốn đầu tư theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. - Chỉ đạo cơ quan Tài chính các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính đầu tư phát triển và cơ quan KBNN về tình hình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư đối với các dự án thuộc ngân sách xã theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này. 2. UBND xã, chủ đầu tư: - Thực hiện việc đầu tư XDCB của dự án theo đúng trình tự XDCB và nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng quy định và tiết kiệm. - Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hồ sơ và khối lượng XDCB hoàn thành đề nghị thanh toán. - Cung cấp các tài liệu, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB cho Phòng Tài chính huyện, KBNN huyện và các cơ quan khác có liên quan theo quy định. - Tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư XDCB đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, có hiệu quả, chấp hành đúng chế độ quản lý vốn đầu tư XDCB hiện hành. - Báo cáo và quyết toán vốn đầu tư theo quy định tại Thông tư này. UBND xã phải báo cáo kết quả đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành với HĐND xã. Kết quả đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành phải được thông báo công khai cho nhân dân trong xã biết. 3. Cơ quan Tài chính các cấp ở địa phương: - Sở Tài chính - Vật giá, Phòng Tài chính huyện có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Ban Tài chính xã thực hiện chức năng quản lý tài chính về đầu tư phát triển theo đúng chế độ quy định, bao gồm việc tham gia hoạch định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư, điều hành vốn đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành. - Ban Tài chính xã có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý vốn đầu tư, đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư theo dự toán chi để KBNN huyện thanh toán cho các dự án theo đúng chế độ quy định. - Thực hiện việc quyết toán NSNN theo quy định. 4. Ban Giám sát công trình: Ban Giám sát công trình có trách nhiệm giám sát toàn diện các khâu của quá trình đầu tư xây dựng đối với các công trình có nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã từ huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn, thực hiện đầu tư công trình, thanh toán vốn và quyết toán công trình hoàn thành theo chế độ quy định. 5. Cơ quan Kho bạc nhà nước: - KBNN huyện tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định; xác nhận số vốn đã thanh toán và nhận xét tình hình thanh, quyết toán của từng dự án khi quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư này. - Hàng năm, KBNN huyện xác nhận với Ban Tài chính xã về số vốn ngân sách đã nhận, số đã thanh toán cho các dự án. - KBNN Trung ương và KBNN tỉnh hướng dẫn và kiểm tra KBNN huyện về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư XDCB theo đúng chế độ và theo quy định của Bộ Tài chính. Phần 3 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Thông tư số 76 TC/ĐTPT ngày 01/11/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư XDCB thuộc ngân sách huyện, xã. Vũ Văn Ninh (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "26/06/2001", "sign_number": "49/2001/TT-BTC", "signer": "Vũ Văn Ninh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-tu-22-2013-TT-BTNMT-Danh-muc-dia-danh-dan-cu-son-thuy-van-kinh-te-xa-hoi-ban-do-tinh-Tuyen-Quang-206446.aspx
Thông tư 22/2013/TT-BTNMT Danh mục địa danh dân cư sơn thủy văn kinh tế xã hội bản đồ tỉnh Tuyên Quang mới nhất
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 22/2013/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 2013 THÔNG TƯ BAN HÀNH DANH MỤC ĐỊA DANH DÂN CƯ, SƠN VĂN, THỦY VĂN, KINH TẾ - XÃ HỘI PHỤC VỤ CÔNG TÁC THÀNH LẬP BẢN ĐỒ TỈNH TUYÊN QUANG Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ; Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Tuyên Quang, Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Tuyên Quang. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2013. Điều 3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Sở Nội vụ và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Website Bộ TN&MT; - Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; - Lưu: VT, PC, Cục ĐĐBĐVN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Linh Ngọc DANH MỤC ĐỊA DANH DÂN CƯ, SƠN VĂN, THỦY VĂN, KINH TẾ - XÃ HỘI PHỤC VỤ CÔNG TÁC THÀNH LẬP BẢN ĐỒ TỈNH TUYÊN QUANG (Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2013/TT-BTNMT ngày 03 tháng 09 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phần 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1. Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Tuyên Quang được chuẩn hóa từ địa danh thống kê trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:25.000 và 1:50.000 Hệ VN-2000. 2. Danh mục địa danh tỉnh Tuyên Quang được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt của các đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Tuyên Quang và các huyện, trong đó: a) Cột "Địa danh" là các địa danh đã được chuẩn hóa. b) Cột "Nhóm đối tượng" là ký hiệu các nhóm địa danh; trong đó: DC là nhóm địa danh dân cư; SV là nhóm địa danh sơn văn; TV là nhóm địa danh thủy văn; KX là nhóm địa danh kinh tế - xã hội. c) Cột "Tên ĐVHC cấp xã" là tên đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: P. là chữ viết tắt của "phường", TT. là chữ viết tắt của "thị trấn". d) Cột "Tên ĐVHC cấp huyện" là tên đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó: TP. là chữ viết tắt của "thành phố", H. là chữ viết tắt của "huyện". đ) Cột "Tọa độ vị trí tương đối của đối tượng" là tọa độ vị trí tương đối của đối tượng địa lý tương ứng với địa danh trong cột "Địa danh", nếu đối tượng địa lý được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu dạng điểm, dạng vùng thì giá trị tọa độ tương ứng theo cột "Tọa độ trung tâm", nếu đối tượng địa lý được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu dạng đường thì giá trị tọa độ tương ứng theo 2 cột "Tọa độ điểm đầu" và "Tọa độ điểm cuối". e) Cột "Phiên hiệu mảnh bản đồ địa hình" là ký hiệu mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 và 1:50.000 sử dụng để thống kê địa danh. Phần 2. DANH MỤC ĐỊA DANH PHỤC VỤ CÔNG TÁC THÀNH LẬP BẢN ĐỒ TỈNH TUYÊN QUANG Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Tuyên Quang gồm địa danh của các đơn vị hành chính cấp huyện được thống kê trong bảng sau: STT Đơn vị hành chính cấp huyện 1 Thành phố Tuyên Quang 2 Huyện Chiêm Hóa 3 Huyện Hàm Yên 4 Huyện Lâm Bình 5 Huyện Na Hang 6 Huyện Sơn Dương 7 Huyện Yên Sơn Địa danh Nhóm đối tượng Tên ĐVHC cấp xã Tên ĐVHC cấp huyện Tọa độ vị trí tương đối của đối tượng Phiên hiệu mảnh bản đồ địa hình Tọa độ trung tâm Tọa độ điểm đầu Tọa độ điểm cuối Vĩ độ (độ, phút, giây) Kinh độ (độ, phút, giây) Vĩ độ (độ, phút, giây) Kinh độ (độ, phút, giây) Vĩ độ (độ, phút, giây) Kinh độ (độ, phút, giây) Bình Thuận DC P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 47' 43" 105° 12' 09" F-48-55-A suối Chả TV P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 47' 21" 105° 11' 27" 21° 48' 42" 105° 12' 35" F-48-55-A Chợ Mận DC P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 48' 22" 105° 12' 26" F-48-55-A Đông Sơn DC P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 48' 09" 105° 11' 57" F-48-55-A Kiều Thành DC P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 48' 39" 105° 12' 20" F-48-55-A Phú Hưng DC P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 48' 19" 105° 12' 41" F-48-55-A Soi Tình Húc DC P. Hưng Thành TP. Tuyên Quang 21° 48' 16" 105° 12' 56" F-48-55-A tổ 1 DC P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 49' 31" 105° 13' 39" F-48-55-A tổ 5 DC P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 49' 11" 105° 13' 21" F-48-55-A tổ 13 DC P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 48' 22" 105° 13' 27" F-48-55-A tổ 15 DC P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 48' 53" 105° 13' 19" F-48-55-A tổ 17 DC P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 49' 01" 105° 14' 03" F-48-55-A núi Dùm SV P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 50' 26" 105° 14' 13" F-48-55-A cầu Nông Tiến KX P. Nông Tiến TP. Tuyên Quang 21° 49' 03" 105° 13' 02" F-48-55-A tổ 1 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 50' 36" 105° 11' 22" F-48-55-A tổ 2 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 50' 23" 105° 11' 36" F-48-55-A tổ 3 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 50' 07" 105° 11' 19" F-48-55-A tổ 4 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 50' 02" 105° 11' 33" F-48-55-A tổ 5 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 50' 08" 105° 11' 58" F-48-55-A tổ 6 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 49' 59" 105° 11' 39" F-48-55-A tổ 17 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 49' 50" 105° 11' 44" F-48-55-A tổ 18 DC P.Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 49' 58" 105° 11' 55" F-48-55-A tổ 25 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 49' 35" 105° 11' 13" F-48-55-A tổ 28 DC P. Tân Hà TP. Tuyên Quang 21° 49' 40" 105° 10' 58" F-48-55-A Làng Đồng DC P. Ỷ La TP. Tuyên Quang 21° 49' 06" 105° 10' 40" F-48-55-A Làng Tân DC P. Ỷ La TP. Tuyên Quang 21° 49' 10" 105° 11' 04" F-48-55-A Tiên Lũng DC P. Ỷ La TP. Tuyên Quang 21° 48' 46" 105° 11' 01" F-48-55-A thôn An Lộc A DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 46' 17" 105° 15' 06" F-48-55-B-c thôn An Lộc B DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 45' 54" 105° 14' 44" F-48-55-A thôn An Phúc DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 45' 36" 105° 15' 07" F-48-55-B-c thôn Bình Ca DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 46' 45" 105° 14' 43" F-48-55-A thôn Phúc Lộc DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 47' 03" 105° 15' 36" F-48-55-B-c đò Ruộc KX xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 46' 06" 105° 15' 14" F-48-55-B-c thôn Tân Thành DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 46' 35" 105° 17' 05" F-48-55-B-c thôn Thúc Thủy DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 47' 11" 105° 14' 50" F-48-55-A thôn Thúy An DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 46' 18" 105° 14' 43" F-48-55-A thôn Trường Thi DC xã An Khang TP. Tuyên Quang 21° 48' 11" 105° 14' 18" F-48-55-A thôn An Hòa DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 47' 50" 105° 12' 32" F-48-55-A thôn Sông Lô DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 47' 07" 105° 12' 57" F-48-55-A thôn Sông Lô 8 DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 46' 28" 105° 12' 00" F-48-55-A thôn Thăng Long DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 45' 51" 105° 12' 11" F-48-55-A thôn Tiến Vũ DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 47' 20" 105° 12' 00" F-48-55-A thôn Trung Việt DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 47' 25" 105° 12' 43" F-48-55-A thôn Yên Phú DC xã An Tường TP. Tuyên Quang 21° 46' 38" 105° 12' 17" F-48-55-A thôn 2 DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 42' 11" 105° 13' 12" F-48-55-C-b quốc lộ 2 KX xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 42' 06" 105° 13' 13" 21° 43' 52" 105° 13' 43" F-48-55-C-b thôn 11 DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 44' 06" 105° 12' 18" F-48-55-C-b thôn 18 DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 42' 38" 105° 13' 35" F-48-55-C-b thôn Cây Khế DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 00" 105° 13' 50" F-48-55-C-b thôn Khe Cua DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 09" 105° 14' 25" F-48-55-C-b thôn Khe Soan DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 43" 105° 14' 36" F-48-55-C-b thôn Kỳ Lãm DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 24" 105° 12' 51" F-48-55-C-b cầu Kỳ Lãm KX xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 33" 105° 13' 41" F-48-55-C-b Thôn Xá Ngoại DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 31" 105° 15' 44" F-48-55-D-a thôn Xá Nội DC xã Đội Cấn TP. Tuyên Quang 21° 43' 28" 105° 14' 56" F-48-55-C-b thôn Bình Điền DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 46' 32" 105° 13' 33" F-48-55-A thôn Cầu Đá DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 45' 49" 105° 12' 31" F-48-55-A thôn Chè 6 DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 46' 11" 105° 13' 19" F-48-55-A thôn Cổ Ngựa DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 47' 27" 105° 14' 11" F-48-55-A thôn Hợp Hòa DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 46' 54" 105° 13' 55" F-48-55-A thôn Liên Thịnh DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 46' 09" 105° 12' 47" F-48-55-A thôn Phó Bể DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 45' 45" 105° 13' 12" F-48-55-A thôn Song Lĩnh DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 45' 33" 105° 12' 48" F-48-55-A thôn Viên Châu DC xã Lưỡng Vượng TP. Tuyên Quang 21° 47' 28" 105° 13' 50" F-48-55-A quốc lộ 2 KX xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 43' 52" 105° 13' 43" 21° 45' 19" 105° 13' 26" F-48-55-C-b cầu An Hòa KX xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 11" 105° 16' 09" F-48-55-D-a đồi Cây Đa SV xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 13" 105° 13' 24" F-48-55-C-b thôn Đồng Mon DC xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 43' 55" 105° 13' 41" F-48-55-C-b thôn Hải Thành DC xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 52" 105° 14' 27" F-48-55-C-b thôn Hòa Bình DC xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 33" 105° 15' 43" F-48-55-D-a thôn Hoà Mục DC xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 45' 05" 105° 15' 05" F-48-55-B-c suối Kỳ Lãm TV xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 40" 105° 14' 41" 21° 43' 17" 105° 16' 06" F-48-55-D-a, F-48-55- C-b sông Lô TV xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 45' 04" 105° 15' 41" 21° 43' 16" 105° 16' 11" F-48-55-D-a thôn Phú An DC xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 22" 105° 13' 51" F-48-55-C-b đồi Tai Mèo SV xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 41" 105° 12' 42" F-48-55-C-b thôn Tân Thành DC xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 54" 105° 13' 51" F-48-55-C-b núi Thần SV xã Thái Long TP. Tuyên Quang 21° 44' 37" 105° 13' 09" F-48-55-C-b xóm 1 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 51' 46" 105° 12' 53" F-48-55-A xóm 2 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 51' 35" 105° 13' 00" F-48-55-A xóm 3 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 51' 22" 105° 12' 52" F-48-55-A xóm 4 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 51' 11" 105° 12' 35" F-48-55-A xóm 5 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 50' 59" 105° 12' 30" F-48-55-A xóm 6 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 50' 43" 105° 12' 17" F-48-55-A xóm 8 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 50' 15" 105° 12' 35" F-48-55-A xóm 10 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 50' 20" 105° 12' 22" F-48-55-A xóm 11 DC xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 50' 06" 105° 12' 45" F-48-55-A Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình KX xã Tràng Đà TP. Tuyên Quang 21° 50' 55" 105° 12' 38" F-48-55-A cầu Chiêm Hoá KX TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 01" 105° 16' 15" F-48-43-D khuổi Giác TV TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 28" 105° 15' 46" 22° 09' 03" 105° 16' 20" F-48-43-D Phố Mới DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 08' 39" 105° 16' 05" F-48-43-D tổ nhân dân Phúc Hương 1 DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 19" 105° 16' 09" F-48-43-D tổ nhân dân Phúc Hương 2 DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 32" 105° 15' 53" F-48-43-D tổ nhân dân Quảng Thái DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 36" 105° 16' 37" F-48-43-D Soi Gà DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 08' 55" 105° 16' 13" F-48-43-D tổ nhân dân Vĩnh Lợi DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 10" 105° 16' 08" F-48-43-D tổ nhân dân Vĩnh Phúc DC TT. Vĩnh Lộc H. Chiêm Hóa 22° 09' 16" 105° 16' 20" F-48-43-D thôn Bình Tiến DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 03' 07" 105° 16' 27" F-48-43-D thôn Chang DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 03' 10" 105° 18' 20" F-48-43-D thôn Đồng Nự DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 08" 105° 15' 33" F-48-43-D thôn Đồng Quắc DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 16" 105° 17' 25" F-48-43-D sông Gâm TV xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 03' 57" 105° 17' 09" 22° 01' 14" 105° 15' 19" F-48-43-D thôn Kéo Cam DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 03' 38" 105° 16' 49" F-48-43-D suối Kéo Cam TV xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 50" 105° 18' 43" 22° 03' 49" 105° 16' 51" F-48-43-D suối Khuổi Hang TV xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 16" 105° 18' 04" 22° 03' 49" 105° 16' 51" F-48-43-D suối Khuổi Quắc TV xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 01' 48" 105° 17' 46" 22° 02' 20" 105° 15' 36" F-48-43-D thôn Lung Lù DC xã Binh Nhân H. Chiêm Hóa 22° 03' 34" 105° 17' 42" F-48-43-D thôn Lung Puốc DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 31" 105° 17' 56" F-48-43-D Nà Hát DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 03' 14" 105° 17' 24" F-48-43-D Nà Khá DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 56" 105° 17' 37" F-48-43-D thôn Tân Lập DC xã Binh Nhân H. Chiêm Hóa 22° 02' 08" 105° 16' 06" F-48-43-D Tổng Dân DC xã Bình Nhân H. Chiêm Hóa 22° 01' 30" 105° 15' 34" F-48-43-D thôn Bản Chang DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 11' 15" 105° 24' 44" F-48-43-D thôn Bản Khản DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 11' 05" 105° 25' 29" F-48-43-D thôn Bản Lếch DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 11' 43" 105° 24' 49" F-48-43-D thôn Bản Man DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 11' 43" 105° 25' 54" F-48-43-D thôn Khau Hán DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 09' 51" 105° 26' 28" F-48-43-D thôn Lung Lừa DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 11' 18" 105° 26' 22" F-48-43-D suối Màn TV xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 11' 03" 105° 27' 22" 22° 11' 30" 105° 25' 56" F-48-43-D thôn Nà Vài DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 12' 18" 105° 24' 00" F-48-43-D thôn Phú Linh DC xã Bình Phú H. Chiêm Hóa 22° 09' 52" 105° 25' 22" F-48-43-D khuổi Hiệp TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 12' 22" 105° 07' 40" 22° 16' 13" 105° 08' 50" F-48-43-C khuổi Quân TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 15' 40" 105° 07' 16" 22° 16' 39" 105° 07' 22" F-48-43-A khuổi Ràng TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 16' 01" 105° 06' 32" 22° 16' 56" 105° 07' 31" F-48-43-A suối Ba TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 17' 24" 105° 06' 42" 22° 16' 13" 105° 08' 50" F-48-43-A thôn Chuông DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 17' 03" 105° 07' 55" F-48-43-A thôn Cuôn DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 16' 44" 105° 07' 29" F-48-43-A thôn Hiệp DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 14' 02" 105° 08' 02" F-48-43-C suối Hiệp TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 13' 52" 105° 08' 32" 22° 14' 28" 105° 08' 18" F-48-43-C núi Khau Coóng SV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 16' 31" 105° 06' 17" F-48-43-A núi Khau Piết SV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 15' 58" 105° 08' 08" F-48-43-A núi Khau Sảng SV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 14' 16" 105° 06' 22" F-48-43-C Khuổi Muồi TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 11' 25" 105° 08' 28" 22° 12' 22" 105° 07' 40" F-48-43-C Khuổi Thung DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 15' 28" 105° 09' 42" F-48-43-A suối Khuổi Thung TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 13' 52" 105° 09' 31" 22° 14' 50" 105° 10' 14" F-48-43-C suối Làng Hiệp TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 11' 32" 105° 06' 51" 22° 12' 22" 105° 07'40" F-48-43-C thôn Nà Khán DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 16' 24" 105° 08' 31" F-48-43-A thôn Nà Khau DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 16' 47" 105° 06' 57" F-48-43-A thôn Nặm Bún DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 15' 20" 105° 07' 59" F-48-43-A suối Nặm Bún TV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 13' 08" 105° 05' 20" 22° 16' 01" 105° 06' 32" F-48-43-C thôn Phia Xeng DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 14' 33" 105° 08' 26" F-48-43-C núi Pù Loan SV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 11' 05" 105° 07' 47" F-48-43-C thôn Tho DC xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 15' 49" 105° 09' 20" F-48-43-A núi Trạm Chu SV xã Hà Lang H. Chiêm Hóa 22° 13' 38" 105° 04' 21" F-48-43-C thôn Bó Mạ DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 56" 105° 15' 03" F-48-43-D thôn Chắng Hạ DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 43" 105° 14' 32" F-48-43-C thôn Chắng Thượng DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 06' 17" 105° 14' 51" F-48-43-C thôn Khuân Đích DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 04' 37" 105° 15' 23" F-48-43-D thôn Khuân Nhì DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 04' 01" 105° 15' 50" F-48-43-D thôn Làng Chang DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 43" 105° 15' 50" F-48-43-D thôn Lăng Hối DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 06' 43" 105° 14' 00" F-48-43-C thôn Làng Mới DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 00" 105° 14' 38" F48-43-C suối Linh TV xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 07' 09" 105° 13' 11" 22° 05' 31" 105° 14' 50" F-48-43-C thôn Nà Đinh DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 04' 44" 105° 16' 17" F-48-43-D thôn Nà Lừa DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 06' 05" 105° 13' 47" F-48-43-C thôn Nà Luông DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 04' 50" 105° 15' 42" F-48-43-D thôn Pá Cuồng DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 06' 26" 105° 13' 38" F-48-43-C thôn Pả Tao Hạ DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 06' 47" 105° 13' 20" F-48-43-C thôn Pá Tao Thượng DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 07' 03" 105° 13' 26" F-48-43-C thôn Tông Muông DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 35" 105° 14' 13" F-48-43-C thôn Tông Nhạu DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 09" 105° 14' 33" F-48-43-C thôn Tông Xoong DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 04' 34" 105° 16' 12" F-48-43-D thôn Trung Tâm DC xã Hòa An H. Chiêm Hóa 22° 05' 07" 105° 15' 19" F-48-43-D Búc Bé DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 37" 105° 10' 30" F-48-43-C thôn Càng Nộc DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 16" 105° 10' 51" F-48-43-C thôn Cây La DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 08' 42" 105° 10' 51" F-48-43-C thôn Đồng Bả DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 10" 105° 10' 28" F-48-43-C Động Luộc DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 08" 105° 09' 59" F-48-43-C thôn Đồng Mo DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 53" 105° 11' 01" F-48-43-C thôn Đồng Quán DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 07' 20" 105° 10' 16" F-48-43-C thôn Gia Kè DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 31" 105° 11' 07" F-48-43-C thôn Khuân Hang DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 07' 04" 105° 11' 14" F-48-43-C Khuổi Nhầu DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 08' 04" 105° 08' 42" F-48-43-C suối Khuổi Nhầu TV xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 10' 44" 105° 08' 02" 22° 07' 28" 105° 09' 05" F-48-43-C thôn Khuôn Bội DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 07' 11" 105° 09' 51" F-48-43-C ỉhôn Lang Chang DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 07' 01" 105° 10' 37" F-48-43-C thôn Lăng Cuồng DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 31" 105° 10' 09" F-48-43-C thôn Lăng Khán DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 52" 105° 10' 14" F-48-43-C thôn Lăng Lằm DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 09' 09" 105° 10' 52" F-48-43-C thôn Lăng Quậy DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 25" 105° 11' 35" F-48-43-C thôn Nà Tàng DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 53" 105° 10' 46" F-48-43-C ngòi Nhọng TV xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 07' 28" 105° 09' 05" 22° 06' 24" 105° 10' 38" F-48-43-C ngòi Nhung TV xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 08' 54" 105° 10'18" 22° 06' 24" 105° 10' 38" F-48-43-C thôn Tát Đam DC xã Hòa Phú H. Chiêm Hóa 22° 09' 25" 105° 10' 32" F-48-43-C Thôn Bảu DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 08" 105° 17' 38" F-48-43-D thôn Cao Bình DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 40" 105° 16' 48" F-48-43-B thôn Đình DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 29" 105° 17' 22" F-48-43-D thôn Dỗm DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 49" 105° 15' 33" F-48-43-D thôn Đóng DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 45" 105° 14' 46" F-48-43-D núi Kéo Niêng SV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 54" 105° 17' 45" F-48-43-D núi Kéo Phầy SV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 39" 105° 16' 35" F-48-43-D thôn Khun Thắng DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 14" 105° 19' 56" F-48-43-D suối Khuổi Luông TV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 08" 105° 16' 01" 22° 13' 33" 105° 15' 10" F-48-43-D suối Lũng Dỗm TV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 57" 105° 15' 39" 22° 13' 33" 105° 15' 10" F-48-43-D thôn Mũ DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 03" 105° 15' 39" F-48-43-D thôn Nà Mí DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 52" 105° 18' 59" F-48-43-D Nà Nhùng DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 09" 105° 15' 10" F-48-43-D ngòi Ngầu TV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 00" 105° 18' 46" 22° 14' 14" 105° 20' 14" F-48-43-D thôn Ngầu 1 DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 06" 105° 19' 05" F-48-43-D thôn Ngầu 2 DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 49" 105° 18' 28" F-48-43-D thôn Nghe DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 06" 105° 19' 01" F-48-43-D Pác Hun DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 40" 105° 14' 11" F-48-43-C núi Pù Tát SV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 31" 105° 18' 35" F-48-43-D ngòi Quãng TV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 12' 09" 105° 14' 01" 22° 12' 02" 105° 14' 56" F-48-43-C thôn Rõm DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 31" 105° 18' 44" F-48-43-D núi Tam Chảu SV xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 28" 105° 18' 22" F-48-43-B thôn Thắm DC xã Hùng Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 13' 04" 105° 16' 52" F-48-43-D thôn Bản Tai DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 07' 54" 105° 24' 48" F-48-43-D suối Bản Thi TV xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 09' 40" 105° 25' 22" 22° 09' 40" 105° 23' 46" F-48-43-D thôn Bản Vả DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 08' 19" 105° 24' 46" F-48-43-D Bó Cút DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 04' 59" 105° 26' 06" F-48-43-D thôn Chuối Chỉa DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 09' 14" 105° 27' 43" F-48-43-D Cốc Coóc DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 55" 105° 25' 11" F-48-43-D thôn Khun Cúc DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 22" 105° 26' 48" F-48-43-D Khun Loeng DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 49" 105° 25' 47" F-48-43-D thôn Khun Mạ DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 38" 105° 24' 50" F-48-43-D suối Khun Mạ TV xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 55" 105° 23' 43" 22° 07' 04" 105° 25' 16" F-48-43-D thôn Khun Miềng DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 05" 105° 26' 54" F-48-43-D Khun Nghiền DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 07' 35" 105° 24' 50" F-48-43-D Khun Pục DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 29" 105° 26' 25" F-48-43-D thôn Khun Vìn DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 17" 105° 26' 30" F-48-43-D suối Kiên Đài TV xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 07' 04" 105° 25' 16" 22° 09' 24" 105° 24' 10" F-48-43-D thôn Nà Chám DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 08' 38" 105° 24' 33" F-48-43-D thôn Nà Khà DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 08' 02" 105° 27' 37" F-48-43-D Nà Làng DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 40" 105° 26' 27" F-48-43-D Nà Măn DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 07' 36" 105° 25' 13" F-48-43-D Nà Vươn DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 55" 105° 26' 34" F-48-43-D Pốc Cáp DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 09' 16" 105° 24' 05" F-48-43-D Pắc Tào DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 04' 58" 105° 26' 31" F-48-43-D núi Pù Mi SV xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 01" 105° 23' 22" F-48-43-D Thẳm Lẩu DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 19" 105° 26' 25" F-48-43-D Tông Mỹ DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 38" 105° 26' 20" F-48-43-D Tông Quản DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 06' 03" 105° 26' 48" F-48-43-D suối Trám TV xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 09' 49' 105° 27' 32" 22° 08' 36" 105° 24' 27" F-48-43-D Vằng Hin DC xã Kiên Đài H. Chiêm Hóa 22° 05' 07" 105° 26' 20" F-48-43-D suối Bó TV xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 03' 59" 105° 19' 18" 22° 04'19" 105° 19' 55" F-48-43-D thôn Bó Củng DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 04' 23" 105° 20' 04" F-48-43-D khuổi Coóc TV xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 51" 105° 18' 59" 22° 05' 57" 105° 19' 09" F-48-43-D thôn Đèo Lang DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 16" 105° 18' 57" F-48-43-D thôn Đèo Nàng DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 03' 19" 105° 20' 26" F-48-43-D Đồng Chùa DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 05' 45" 105° 19' 28" F-48-43-D thôn Đồng Cột DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 05' 34' 105° 19' 56" F-48-43-D thôn Đồng Ẻn DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 05' 37" 105° 19' 39" F-48-43-D thôn Khuân Nhự DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 03' 57" 105° 19' 49" F-48-43-D thôn Khuổi Chán DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 06' 04" 105° 20' 24" F-48-43-D suối Khuổi Chán TV xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 06' 17" 105° 20' 40" 22° 05' 54" 105° 19' 35" F-48-43-D suối Khuổi Pu TV xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 08' 01" 105° 20' 32" 22° 07' 19" 105° 19' 46" F-48-43-D Khuôn Hút DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 03' 25" 105° 19' 47" F-48-43-D thôn Nà Loáng DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 04' 03" 105° 20' 04" F-48-43-D Nà Pài DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 05" 105° 20' 20" F-48-43-D thôn Pác Chài DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 06' 07" 105° 19' 26" F-48-43-D thôn Pác Kéo DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 05' 58" 105° 19' 56" F-48-43-D ngòi Phú An TV xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 02' 51" 105° 19' 39" 22° 04' 19" 105° 19' 55" F-48-43-D thôn Tông Bốc DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 06' 57" 105° 19' 38" F-48-43-D thôn Tông Đình DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 55" 105° 20' 06" F-48-43-D Trai Keo DC xã Kim Bình H. Chiêm Hóa 22° 05' 07" 105° 19' 59" F-48-43-D khuổi Chan TV xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 04' 17" 105° 27' 09" 22° 02' 53" 105° 27' 22" F-48-43-D suối Cổ Linh TV xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 00' 59" 105° 25' 39" 22° 02' 16" 105° 23' 31" F-48-43-D khuổi Hóp TV xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 21° 59' 55" 105° 28' 51" 22° 01' 39" 105° 27' 36" F-48-43-D núi Khao Da SV xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 21° 58' 48" 105° 27' 45" F-48-55-B thôn Khuổi Hóp DC xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 01' 00" 105° 28' 07" F-48-43-D khuổi Lan TV xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 00' 31" 105° 27' 33" 22° 01' 03" 105° 26' 52" F-48-43-D khuổi Làng TV xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 42" 105° 27' 50" 22° 02' 53" 105° 27' 22" F-48-43-D thôn Mã Lương DC xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 01' 45" 105° 24' 07" F-48-43-D thôn Nà Luông DC xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 46" 105° 27' 51" F-48-43-D thôn Pác Hóp DC xã Linh Phú H. Chiêm Hóa 22° 01' 39" 105° 27' 43" F-48-43-D đường tỉnh 188 KX xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 51" 105° 10' 39" 22° 19' 13" 105° 11' 44" F-48-43-A núi Bàn Cờ SV xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 25" 105° 11' 04" F-48-43-A thôn Bản Đồn DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 57" 105° 08' 15" F-48-43-A thôn Bản Têm DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 19' 01" 105° 10' 19" F-48-43-A Bình Minh 3 DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 24" 105° 10' 33" F-48-43-A đèo Bụt SV xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 52" 105° 07' 39" F-48-43-A thôn Đon Mệnh DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 21' 42" 105° 08' 29" F-48-43-A Khau Téo DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 44" 105° 10' 29" F-48-43-A Làng Bài DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 19' 46" 105° 10' 56" F-48-43-A Làng Cuống DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 32" 105° 10' 04" F-48-43-A thôn Nà Han DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 32" 105° 09' 00" F-48-43-A Nà Lính DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 19' 32" 105° 11' 06" F-48-43-A thôn Nà Mè DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 19' 59" 105° 10' 00" F-48-43-A Nà Thài DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 14" 105° 09' 57" F-48-43-A thôn Nà Tớơng DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 18' 53" 105° 11' 07" F-48-43-A thôn Nặm Tặc DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 46" 105° 07' 23" F-48-43-A Ngọc Minh DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 21' 39" 105° 07' 52" F-48-43-A Pắc Khộp DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 03" 105° 10' 31" F-48-43-A Phiêng Lang DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 43" 105° 08' 23" F-48-43-A núi Pia Nàng SV xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 21' 19" 105° 09' 11" F-48-43-A thôn Pù Đồn DC xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 19' 41" 105° 10' 13" F-48-43-A suối Ta Nà Mạ TV xã Minh Quang H. Chiêm Hóa 22° 20' 58" 105° 10' 26" 22° 18' 59" 105° 11' 04" F-48-43-A đường tỉnh 190 KX xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 12'34" 105° 19' 40" 22° 08' 53" 105° 16' 44" F-48-43-D Ba Luồng DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 11' 06" 105° 18' 30" F-48-43-D thôn Bắc Ngõa DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 12' 14" 105° 19' 45" F-48-43-D thôn Bản Cải DC xã Ngọc Hôi H. Chiêm Hóa 22° 08' 45" 105° 17' 50" F-48-43-D thôn Bản Đâng DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 09' 32" 105° 18'29" F-48-43-D thôn Bản Mèo DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 09' 23" 105° 18' 13" F-48-43-D Đại Long DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 09' 13" 105° 17' 57" F-48-43-D Thôn Đầm Hồng 3 DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 11' 28" 105° 19' 13" F-48-43-D thôn Đầm Hồng 1 DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 10' 50" 105° 18' 32" F-48-43-D thôn Đầm Hồng 2 DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 11' 22" 105° 18' 42" F-48-43-D thôn Đầm Hồng 4 DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 11' 19" 105° 19' 32" F-48-43-D thôn Đầm Hồng 5 DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 11' 26" 105° 19' 53" F-48-43-D thôn Đầm Hồng 6 DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 11' 38" 105° 19' 43" F-48-43-D sông Gâm TV xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 12' 34" 105° 19' 37" 22° 08' 57" 105° 16' 42" F-48-43-D thôn Khun Cang DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 08' 02" 105° 18' 00" F-48-43-D thôn Khun Phục DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 10' 41" 105° 19' 00" F-48-43-D thôn Kim Ngọc DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 09' 13" 105° 19' 41" F-48-43-D thôn Minh An DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 10' 09" 105° 18' 08" F-48-43-D thôn Nà Bây DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 09' 06" 105° 17' 32" F-48-43-D Nà Mỏ DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 08' 27" 105° 18' 36" F-48-43-D thôn Nà Ngà DC xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 09' 09" 105° 17' 14" F-48-43-D ngòi Ún TV xã Ngọc Hội H. Chiêm Hóa 22° 07' 26" 105° 17' 51" 22° 08' 08" 105° 16' 29" F-48-43-D thôn Ba Hai DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 04' 10" 105° 14' 24" F-48-43-C thôn Ba Một DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 04' 20" 105° 14' 24" F-48-43-C thôn Chản DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 01' 34" 105° 15' 13" F-48-43-D thôn Đầu Cầu DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 04' 18" 105° 13' 35' F-48-43-C thôn Điềng DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 03' 55" 105° 14' 30" F-48-43-C thôn Đồng Cọ DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 04' 50" 105° 14' 04" F-48-43-C thôn Gốc Chú DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 05' 09" 105° 13' 25" F-48-43-C thôn Hạ Đồng DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 03' 05" 105° 16' 07" F-48-43-D núi Hang Hùm SV xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 03' 53" 105° 16' 14" F-48-43-D thôn Khuân Nhất DC xã Nhân Lý H. Chiêm Hóa 22° 03' 29" 105° 16' 30" F-48-43-D thôn Bó Bủn DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 26" 105° 22' 07" F-48-43-D thôn Bó Héo DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 09' 46" 105° 20' 54" F-48-43-D suối Bon TV xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 09' 06" 105° 21' 38" 22° 09' 45" 105° 20' 57" F-48-43-D thôn Đoàn Kết DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 11' 54" 105° 20' 56" F-48-43-D nậm Hép TV xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 34" 105° 20' 56" 22° 12' 05" 105° 21' 18" F-48-43-D thôn Ho 1 DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 39" 105° 22' 22" F-48-43-D thôn Ho 2 DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 37" 105° 22' 41" F-48-43-D Khun Húng DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 08' 13" 105° 22' 25" F-48-43-D thôn Khun Trại DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 09' 52" 105° 20' 01" F-48-43-D thôn Khun Vai DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 09' 19" 105° 20' 49" F-48-43-D Khuôn Tại DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 43" 105° 19' 36" F-48-43-D suối Làng Ho TV xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 09' 40" 105° 23' 46" 22° 11' 36' 105° 22' 00" F-48-43-D khuổi Mi TV xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 06' 15" 105° 23' 27" 22° 08' 04" 105° 22' 29" F-48-43-D Nà Khoang DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 36" 105° 22' 11" F-48-43-D thôn Nà Làng DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 09' 26" 105° 21' 07" F-48-43-D thôn Nà Làng DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 15" 105° 20' 31" F-48-43-D thôn Nà Lung DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 54" 105° 22' 43" F-48-43-D thôn Nà Nhừ DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 07' 05" 105° 23' 35" F-48-43-D Nà Viên DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 31" 105° 20' 44" F-48-43-D thôn Tạng Khiếc DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 10' 42" 105° 20' 59" F-48-43-D thôn Thôm Luông DC xã Phú Bình H. Chiêm Hóa 22° 11' 24" 105° 21' 05" F-48-43-D thôn Bản Cậu DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 16' 39" 105° 13' 38" F-48-43-A thôn Bản Chỏn DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 19' 08" 105° 11' 50" F-48-43-A thôn Bản Chúa DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 17' 58" 105° 13' 33" F-48-43-A thôn Bản Lai DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 16' 26" 105° 13' 56" F-48-43-A thôn Biến DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 22' 16" 105° 16' 37" F-48-43-B suối Bó Ngoạng TV xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 19' 16" 105° 12' 22" 22° 19' 01" 105° 11' 39" F-48-43-A Bó Tùy DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 16' 51" 105° 13' 54" F-48-43-A Búng Khít DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 17' 42" 105° 13' 15" F-48-43-A thôn Búng Pẩu DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 18' 25" 105° 12' 24" F-48-43-A thôn Khun Xúm DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 16' 19" 105° 15' 22" F-48-43-B thôn Kim Minh DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 16' 49" 105° 14' 34" F-48-43-A đèo Lai SV xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 15' 58" 105° 13' 33" F-48-43-A suối Lai TV xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 15' 50" 105° 14' 03" 22° 17' 41" 105° 13' 23" F-48-43-A thôn Nà Pết DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 17' 36" 105° 13' 37" F-48-43-A thôn Noong Cuồng DC xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 18' 46" 105° 13' 31" F-48-43-A suối Tà Rộc TV xã Phúc Sơn H. Chiêm Hóa 22° 17' 41" 105° 13' 23" 22° 19' 02" 105° 12' 12" F-48-43-A đường tỉnh 190 KX xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 40" 105° 11' 58" 22° 08' 58" 105° 14' 56" F-48-43-C suối An Nghĩa TV xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 05" 105° 12' 52" 22° 09' 59" 105° 14' 40" F-48-43-C thôn An Quỳnh DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 18" 105° 13' 10" F-48-43-C thôn An Thịnh DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 29" 105° 13' 33" F-48-43-C Bản Trang DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 37" 105° 14' 09" F-48-43-C thôn Đồng Hương DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 30" 105° 15' 10" F-48-43-D thôn Đồng Lũng DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 10' 08" 105° 14' 42" F-48-43-C thôn Hòa Đa DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 43" 105° 12' 24" F-48-43-C thôn Húc DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 38" 105° 14' 24" F-48-43-C núi Khau Ma SV xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 53" 105° 11' 27" F-48-43-C Khuôn Piên DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 48" 105° 12' 30" F-48-43-C Luộc Trong DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 52" 105° 14' 20" F-48-43-C thôn Tân Hoà DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 47" 105° 12' 56" F-48-43-C thôn Trung Tâm DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 48" 105° 13' 57" F-48-43-C thôn Tụ DC xã Phúc Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 06" 105° 14' 34" F-48-43-C thôn An Khang DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 21" 105° 12' 58" F-48-43-C thôn An Phú DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 12' 23" 105° 12' 17" F-48-43-C thôn An Thịnh DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 07" 105° 12' 12" F-48-43-C thôn An Vượng DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 59" 105° 13' 24" F-48-43-C đèo Khau Khà SV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 14" 105° 10' 40" F-48-43-C núi Khau Khà SV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 16" 105° 10' 21" F-48-43-C núi Khau Ma SV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 28" 105° 10' 45" F-48-43-C Làng Gĩ DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 57" 105° 10' 04" F-48-43-C Minh Tân DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 38" 105° 12' 24" F-48-43-C suối Nà Meng TV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 13' 09" 105° 11' 36" 22° 11' 41" 105° 12' 37" F-48-43-C Nặm Kép DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 13' 20" 105° 13' 27" F-48-43-C suối Nặm Nhật TV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 29" 105° 11' 49" 22° 11' 41 105° 12' 37" F-48-43-C Phúc Minh DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 12' 36" 105° 09' 51" F-48-43-C suối Phúc Minh TV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 13' 11" 105° 09' 32" 22° 11' 29" 105° 11' 49" F-48-43-C Phúc Tân DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 10' 48" 105° 12' 40" F-48-43-C thôn Tân Bình DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 12' 41" 105° 10' 59" F-48-43-C thôn Tân Cường DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 10' 54" 105° 10' 01" F-48-43-C thôn Tân Hoa DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 10' 29" 105° 10' 45" F-48-43-C thôn Tân Hội DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 10' 56" 105° 10' 56" F-48-43-C thôn Tân Hợp DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 29" 105° 11' 26" F-48-43-C thôn Tân Minh DC xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 13' 17" 105° 09' 47" F-48-43-C khuổi Thân TV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 11' 41" 105° 12' 37" 22° 12' 14" 105° 13' 54" F-48-43-C suối Thượng TV xã Tân An H. Chiêm Hóa 22° 10' 35" 105° 09' 04" 22° 11' 29" 105° 11' 49" F-48-43-C đường tỉnh 188 KX xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 55" 105° 13' 33" 22° 13' 48" 105° 13' 51" F-48-43-A ngòi Ba TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 17' 32" 105° 09' 29" 22° 16' 58" 105° 10' 17" F-48-43-A nặm Ba TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 16' 20" 105° 09' 14" 22° 16' 37" 105° 10' 38" F-48-43-A thôn Bản Chẳng DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 38" 105° 11' 23" F-48-43-A thôn Bản Giảo DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 16' 28" 105° 10' 47" F-48-43-A thôn Bản Tụm DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 07" 105° 11' 43" F-48-43-A núi Con Voi SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 20" 105° 10' 59" F-48-43-A khuổi Đeng TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 19' 21" 105° 07' 45" 22° 17' 31" 105° 09' 22" F-48-43-A dãy Khau Phà SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 14" 105° 07' 28" F-48-43-A núi Khau Phi SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 17' 29" 105° 08' 35" F-48-43-A suối Khuổi Lóm TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 25" 105° 10' 24" 22° 17' 32" 105° 09' 29" F-48-43-A suối Khuổi Thung TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 50" 105° 10' 14" 22° 14' 51" 105° 10' 41" F-48-43-C thôn Khuôn Thẳm DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 18" 105° 14' 22" F-48-43-A thôn Lăng Lé DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 28" 105° 12' 11" F-48-43-C suối Màng TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 56" 105° 13' 18" 22° 14' 56" 105° 12' 47" F-48-43-A thôn Nà Giàng DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 17' 12" 105° 09' 52" F-48-43-A thôn Nà Héc DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 14" 105° 12' 45" F-48-43-A thôn Nà Nhoi DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 16' 58" 105° 09' 52" F-48-43-A thôn Nà Pồng DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 17' 39" 105° 09' 08" F-48-43-A núi Nhọn SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 19' 31" 105° 08' 38" F-48-43-A thôn Noong Tuông DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 59" 105° 10' 37" F-48-43-A thôn Ón Cáy DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 59" 105° 12' 18" F-48-43-C thôn Pắc Có DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 25" 105° 13' 56" F-48-43-C thôn Phổ Vền DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 29" 105° 13' 14" F-48-43-C núi Pù Vền SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 52" 105° 13' 36" F-48-43-C ngòi Quang TV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 13" 105° 12' 09" 22° 13' 36" 105° 13' 22" F-48-43-C thôn Sơn Thủy DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 51" 105° 08' 06" F-48-43-A Thắc Khuổng DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 21" 105° 12' 32" F-48-43-C thôn Thôm Bưa DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 15' 22" 105° 12' 23" F-48-43-A thôn Tông Lùng DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 14' 33" 105° 10' 33" F-48-43-C thôn Trung Sơn DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 07" 105° 08' 28" F-48-43-A núi Voi SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 57" 105° 08' 48" F-48-43-A núi Voi Mẹ SV xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 18' 52" 105° 09' 38" F-48-43-A Yên Thọ DC xã Tân Mỹ H. Chiêm Hóa 22° 16' 49" 105° 10' 28" F-48-43-A thôn An Bình DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 57" 105° 12' 00" F-48-43-C thôn An Phong DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 09' 14" 105° 11' 39" F-48-43-C thôn An Phú DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 42" 105° 11' 40" F-48-43-C thôn Đồng Quang DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 07' 40" 105° 13' 36" F-48-43-C đèo Gà SV xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 54" 105° 11' 15" F-48-43-C thôn Làng Bục DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 31" 105° 13' 15" F-48-43-C thôn Lăng Luông DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 48" 105° 13' 27" F-48-43-C thôn Linh An DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 07' 52" 105° 12' 36" F-48-43-C thôn Nà Liên DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 56" 105° 12' 27" F-48-43-C thôn Nà Nghè DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 08' 58" 105° 13' 22" F-48-43-C suối Phúc Linh TV xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 07' 58" 105° 11' 49" 22° 07' 09" 105° 13' 11" F-48-43-C thôn Phúc Thượng DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 07' 38" 105° 12' 27" F-48-43-C thôn Phúc Yên DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 07' 12" 105° 12' 47" F-48-43-C thôn Quang Minh DC xã Tân Thịnh H. Chiêm Hóa 22° 07' 54" 105° 13' 41" F-48-43-C thôn Bản Phú DC xã Thổ Bình H. Chiêm Hóa 22° 21' 30" 105° 10' 58" F-48-43-A thôn Bản Piát DC xã Thổ Bình H. Chiêm Hóa 22° 23' 16" 105° 10' 48" F-48-43-A khuổi Loỏng TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 58" 105° 24' 43" 22° 02' 57" 105° 24' 30" F-48-43-D khuổi Nà Khà TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 51" 105° 25' 06" 22° 02' 57" 105° 24' 30" F-48-43-D khuổi Nhù TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 11" 105° 21' 30" 22° 03'36" 105° 22' 17" F-48-43-D khuổi Sao TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 56" 105° 22' 27" 22° 04' 46" 105° 21' 21" F-48-43-D thôn Bản Ba DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 21° 59' 55" 105° 22' 57" F-48-55-B thôn Bản Cham DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 49" 105° 23' 38" F-48-43-D suối Bản Cham TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 51" 105° 24' 09" 22° 02' 41" 105° 23' 25" F-48-43-D thôn Bản Nghiên DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 04' 46" 105° 21' 12" F-48-43-D thôn Bản Sao DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 11" 105° 21' 33" F-48-43-D thôn Bản Tát DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 04' 26" 105° 23' 06" F-48-43-D suối Cổ Linh TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 04' 44" 105° 20' 27" 22° 02' 16" 105° 23' 31" F-48-43-D khuổi Cốp TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 04' 09" 105° 23' 22" 22° 03' 36" 105° 22' 18" F-48-43-D khuổi Đẩy TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 01' 46" 105° 21' 22" 22° 01' 55" 105° 22' 26" F-48-43-D thôn Khun Làn DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 01' 48" 105° 22' 31" F-48-43-D suối Làng Ba TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 21° 56' 59" 105° 23' 23" 22° 59' 58" 105° 22' 56" F-48-55-B thôn Lăng Đén DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 25" 105° 22' 10" F-48-43-D thôn Lăng Quăng DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 44" 105° 22' 42" F-48-43-D Nà Cọn DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 34" 105° 22' 49" F-48-43-D thôn Nà Coóng DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 43" 105° 22' 24" F-48-43-D thôn Nà Lại DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 03' 58" 105° 22' 05" F-48-43-D suối Nghiên TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 39" 105° 21' 07" 22° 05' 04" 105° 20' 59" F-48-43-D Pác Ba DC xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 47" 105° 22' 53" F-48-43-D núi Pù Mi SV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 06' 01" 105° 23' 22" F-48-43-D khuổi Tát TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 05' 14" 105° 23' 54" 22° 04' 12" 105° 22' 07" F-48-43-D khuổi Thiêng Chang TV xã Tri Phú H. Chiêm Hóa 22° 02' 45" 105° 21' 26" 22° 03' 36" 105° 22' 17" F-48-43-D ngòi Ba TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 20' 42" 105° 02' 49" 22° 20' 00" 105° 04' 17" F-48-43-A khuổi Bản TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 18'40" 105° 02' 36" 22° 17' 43" 105° 03' 52" F-48-43-A thôn Bản Ba 1 DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 53" 105° 04' 11" F-48-43-A thôn Bản Tháng DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 10" 105° 05' 18" F-48-43-A thôn Bản Túm DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 20' 35" 105° 05' 20" F-48-43-A suối Cầu Khộo TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 20' 00" 105° 04' 17" 22° 19' 13" 105° 05' 11" F-48-43-A Hoa Trung DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 51" 105° 04' 37" F-48-43-A núi Khau Coóng SV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 16' 31" 105° 06' 17" F-48-43-A núi Khau Đeng SV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 32" 105° 02' 48" F-48-43-A núi Khau Phà SV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 26" 105° 06' 16" F-48-43-A suối Khuổi Chang TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 20' 14" 105° 06' 08" 22° 19'13" 105° 05' 11" F-48-43-A suối Khuổi Dầu TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 25" 105° 03' 26" 22° 19' 36" 105° 04' 20" F-48-43-A thôn Khuổi Đinh DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 24" 105° 03' 53" F-48-43-A Khuổi Phang DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 58" 105° 04' 04" F-48-43-A suối Khuổi Vuồng TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 16' 11" 105° 04' 34" 22° 18' 30" 105° 05' 25" F-48-43-A thôn Khuôn Nhòa DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 15' 25" 105° 03' 54" F-48-43-A thôn Là Chang DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 54" 105° 05' 57" F-48-43-A thôn Lăng Chua DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 46" 105° 05' 42" F-48-43-A thôn Nà Đao DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 18' 26" 105° 05' 00" F-48-43-A ỉhôn Nà Dầu DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 20" 105° 04' 46" F-48-43-A thôn Nà Đổng DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 18' 15" 105° 05' 52" F-48-43-A thôn Nà Lừa DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 44" 105° 06' 26" F-48-43-A thôn Nông Tiến 1 DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 36" 105° 06' 49" F-48-43-A thôn Nông Tiến 2 DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 21" 105° 07' 01" F-48-43-A núi Phia Khán SV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 19' 11" 105° 03' 58" F-48-43-A suối Phiền Ly TV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 16' 06" 105° 05' 59" 22" 17' 46" 105° 06' 18" F-48-43-A núi Phioa Khằn SV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 16' 23" 105° 01' 01" F-48-43-A thôn Piềng Ly DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 17' 18" 105° 05' 35" F-48-43-A núi Pu Cút SV xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 21' 17" 105° 04' 05" F-48-43-A Thẳm Hon DC xã Trung Hà H. Chiêm Hóa 22° 20' 09" 105° 04' 21" F-48-43-A đường tỉnh 185 KX xã Trung Hòa H. Chiêm Hóa 22° 08' 10" 105° 16' 28" 22" 07' 04" 105° 16' 09" F-48-43-D thôn Mực DC xã Trung Hòa H. Chiêm Hòa 22° 07' 54" 105° 16' 34" F-48-43-D thôn Nà Ngày DC xã Trung Hòa H. Chiêm Hóa 22° 07' 37" 105° 15' 18" F-48-43-D thôn Trung Lợi DC xã Trung Hòa H. Chiêm Hóa 22° 06' 26" 105° 15' 48" F-48-43-D thôn Trung Vượng 1 DC xã Trung Hòa H. Chiêm Hóa 22° 07' 52" 105° 16' 12" F-48-43-D thôn Trung Vượng 2 DC xã Trung Hòa H. Chiêm Hóa 22° 08' 09" 105° 15' 14" F-48-43-D thôn Bình Thể DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 05' 45" 105° 18' 36" F-48-43-D suối Cổ Linh TV xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22" 05' 55" 105° 19' 07" 22° 05' 11" 105° 18' 07" F-48-43-D đèo Kéo Bụt SV xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 04' 14" 105° 17' 44" F-48-43-D thôn Phố Chinh DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 05' 20" 105° 17' 40" F-48-43-D thôn Phong Quang DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 05' 59" 105° 16' 34" F-48-43-D thôn Quang Hải DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 06' 29" 105° 17' 57" F-48-43-D thôn Soi Đúng DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 04' 18" 105° 17' 16" F-48-43-D thôn Tân Quang DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 06' 42" 105° 16' 36" F-48-43-D thôn Tiên Hoá 1 DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 06' 31" 105° 15' 59" F-48-43-D thôn Tiên Hoá 2 DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 06' 18" 105° 16' 11" F-48-43-D thôn Tiên Quang 1 DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 06' 11" 105° 16' 49" F-48-43-D thôn Tiên Quang 2 DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 06' 00" 105° 17' 00" F-48-43-D suối Trinh TV xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 05' 11" 105° 18' 07" 22° 04' 47" 105° 16' 52" F-48-43-D thôn Vĩnh Tường DC xã Vinh Quang H. Chiêm Hóa 22° 05' 46" 105° 16' 51" F-48-43-D sông Gâm TV xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 12'34" 105° 19' 37" 22° 09' 20" 105° 16' 44" F-48-43-D núi Khau Ca SV xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 23" 105° 15' 01" F-48-43-D Khuôn Then DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 12' 34" 105° 15' 39" F-48-43-D thôn Làng Ải DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 11' 16" 105° 16' 16" F-48-43-D thôn Làng Bình DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 11' 42" 105° 15' 06" F-48-43-D thôn Làng Lạc DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 44" 105° 15' 56" F-48-43-D thôn Làng Ngoã DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 42" 105° 15' 08" F-48-43-D thôn Nà Coóc DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 19" 105° 15' 39" F-48-43-D thôn Nà Nẻm DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 12' 06" 105° 16' 01" F-48-43-D thôn Nà Nhàm DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 25" 105° 17' 24" F-48-43-D thôn Nà Thoi DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 09' 40" 105° 17' 23" F-48-43-D thôn Ngoan A DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 12' 11" 105° 17' 56" F-48-43-D thôn Ngoan B DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 58" 105° 17' 03" F-48-43-D Phai Cống DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 09' 47" 105° 17' 48" F-48-43-D ngòi Quăng TV xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 12' 02" 105° 14' 56" 22° 09' 20" 105° 16' 44" F-48-43-D cầu Quăng KX xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 11' 10" 105° 16' 08" F-48-43-D thôn Thượng Quang DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 48" 105° 16' 18" F-48-43-D thôn Trung Quang DC xã Xuân Quang H. Chiêm Hóa 22° 10' 31" 105° 16' 38" F-48-43-D Xuân Hải DC xã Xuân Quang H, Chiêm Hóa 22° 10' 09" 105° 16' 12" F-48-43-D đường tỉnh 187 KX xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 42" 105° 26' 00" 22° 13' 08" 105° 20' 40" F-48-43-D đường tỉnh 190 KX xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 15' 57" 105° 21' 02" 22° 12' 34" 105° 19' 40" F-48-43-D thôn Bắc Cá DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 16" 105° 21' 46" F-48-43-D thôn Bắc Muồi DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 44" 105° 23' 00" F-48-43-D thôn Bản Dần DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 44" 105° 21' 05" F-48-43-D ngòi Bột TV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 15' 16" 105° 21' 34" 22° 15' 16" 105° 21' 09" F-48-43-B suối Bột Sào TV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 15 '27" 105° 22' 30" 22° 15' 50" 105° 20' 58" F-48-43-B núi Cốc Tào SV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 03" 105° 21' 47" F-48-43-D thôn Cốc Táy DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 18" 105° 22' 16" F-48-43-D thôn Đài Thị DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 17" 105° 23' 58" F-48-43-D cầu Đài Thị KX xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 04" 105° 20' 39" F-48-43-D Hành Hói DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 12' 24" 105° 22' 16" F-48-43-D đèo Kéo Mác SV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 43" 105° 26' 00" F-48-43-D núi Khao Khuôn SV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 12' 30" 105° 20' 27" F-48-43-D thôn Khun Khương DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 12' 19" 105° 23' 09" F-48-43-D suối Khuổi Luông TV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 43" 105° 25' 50" 22° 13' 51" 105° 24' 17" F-48-43-D suối Khuổi Mán TV xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 00" 105° 23' 13" 22° 13' 11" 105° 20' 13 F-48-43-D Nà Diều DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 01" 105° 24' 17" F-48-43-D thôn Nà Héc DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 10" 105° 24' 57" F-48-43-D Nà Leo DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 10" 105° 24' 18" F-48-43-D thôn Nà Lụng DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 17" 105° 23' 30" F-48-43-D thôn Nà Nâu DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 21" 105° 21' 03" F-48-43-D thôn Nà Ngận DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14'11" 105° 23' 09" F-48-43-D thôn Nà Tiệng DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 09" 105° 20' 40" F-48-43-D Phòng Dĩn DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 15' 18" 105° 21' 14" F-48-43-B thôn Tin Kéo DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 14' 05" 105° 24' 50" F-48-43-D thôn Tồng Mọoc DC xã Yên Lập H. Chiêm Hóa 22° 13' 31" 105° 22' 08" F-48-43-D thôn An Bình DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 03' 40" 105° 09' 54" F-48-43-C thôn Cầu Cả DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 03' 13" 105° 09' 58" F-48-43-C thôn Cầu Mạ DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 02' 00" 105° 08' 23" F-48-43-C núi Cô Tiên SV xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 00' 55" 105° 09' 23" F-48-43-C thôn Đồng Quy DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 05' 08" 105° 10' 45" F-48-43-C thôn Đồng Vàng DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 02' 26" 105° 09' 29" F-48-43-C thôn Hợp Long 2 DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 01' 27" 105° 09' 00" F-48-43-C thôn Khuôn Khoai DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 42" 105° 09' 34" F-48-43-C thôn Khuôn Trú DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 05' 34" 105° 11' 20" F-48-43-C thôn Làng Đanh DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 05' 18" 105° 10' 57" F-48-43-C thôn Làng Gò DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 05' 19" 105° 10' 25" F-48-43-C thôn Làng Mòi DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 03' 34" 105° 10' 27" F-48-43-C thôn Làng Tạc DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 57" 105° 10' 12" F-48-43-C thôn Làng Tói DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 35" 105° 10' 27" F-48-43-C thôn Loong Coong DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 40" 105° 10' 51" F-48-43-C ngòi Nhung TV xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 05' 27" 105° 10' 37" 22° 01' 18" 105° 08' 37" F-48-43-C suối Núi Quạt TV xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 33" 105° 12' 19" 22° 05' 27" 105° 11' 30" F-48-43-C thôn Tát Chùa DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 03' 09" 105° 10' 13" F-48-43-C thôn Trục Trì DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 30" 105° 09' 35" F-48-43-C thôn Vĩnh Khoái DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 04' 17" 105° 09' 48" F-48-43-C núi Yên Ngựa SV xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 02' 40" 105° 08' 45" F-48-43-C thôn Yên Quang DC xã Yên Nguyên H. Chiêm Hóa 22° 01' 37" 105° 08' 23" F-48-43-C quốc lộ 2 KX TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 04' 25" 105° 01' 30" 22° 01' 16" 105° 03' 08" F-48-43-C tổ nhân dân Ba Trãng DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 01' 20" 105° 02' 26" F-48-43-C tổ nhân dân Bắc Yên DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 04' 23" 105° 02' 21" F-48-43-C tổ nhân dân Cống Đôi DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 03' 51" 105° 02' 06" F-48-43-C ngòi Giàng TV TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 02' 01" 104° 57' 45" 22° 02' 51" 105° 01' 31" F-48-43-C cầu Mới KX TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 04' 13" 105° 01' 49" F-48-43-C ngòi Mục TV TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 02' 19" 105° 01' 20" 22° 04' 18" 105° 01' 56" F-48-43-C hồ Nai Chết TV TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 00' 54" 105° 02' 26" F-48-43-C tổ nhân dân Tân Bình DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 02' 17" 105° 02' 04" F-48-43-C tổ nhân dân Tân Quang DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 02' 35" 105° 01' 58" F-48-43-C tổ nhân dân Tân Thinh DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 03' 31" 105° 01' 50" F-48-43-C tổ nhân dân Tân Tiến DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 03' 59" 105° 01' 48" F-48-43-C tổ nhân dân Tân Yên DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 02' 55" 105° 01' 51" F-48-43-C tổ nhân dân Yên Thịnh DC TT. Tân Yên H. Hàm Yên 22° 03' 07" 105° 00' 43" F-48-43-C thôn Bến Đền DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 14' 38" 104° 55' 05" F-48-42-D núi Cánh Tiên SV xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 16' 09" 104° 54' 08" F-48-42-B thôn Cầu Cao I DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 13' 44" 104° 56' 28" F-48-42-D thôn Cầu Cao II DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 13' 43" 104° 56' 44" F-48-42-D thôn Chang DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 15' 11" 104° 55' 24" F-48-42-B thôn Đồn Bầu DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 15' 11" 104° 54' 27" F-48-42-B thôn Ẻn DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 14' 29" 104° 55' 41" F-48-42-D núi Khuổi My SV xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 16' 10" 104° 55' 36" F-48-42-B sông Lô TV xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 17' 19" 104° 54' 36" 22° 13' 09" 104° 55' 20" F-48-42-B cuối Lung TV xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 13' 24" 104° 56' 04" 22° 16' 45" 104° 54' 22" F-48-42-B thôn Nà Quan DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 14' 20" 104° 56' 12" F-48-42-D thôn Ngòi Nung DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 16' 41" 104° 54' 37" F-48-42-B thôn Phòng Trao DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 15' 58" 104° 54' 51" F-48-42-B thôn Phù Hương DC xã Bạch Xa H. Hàm Yên 22° 14' 05" 104° 56' 04" F-48-42-D thôn Cọ Sẻ DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 57' 57" 105° 00' 12" F-48-55-A thôn Đồng Nhật DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 22° 00' 50" 105° 01' 10" F-48-43-C thôn Đồng Quảng DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 22° 00' 28" 105° 00' 49" F-48-43-C ngòi Du TV xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 57' 12" 105° 00' 36" 21° 57' 52" 105° 00' 34" F-48-55-A thôn Hợp Hòa DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 57' 40" 105° 00' 29" F-48-55-A thôn Mai Hồng DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 59' 55" 105° 00' 29" F-48-55-A núi Ngàng SV xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 56' 13" 104° 59' 04" F-48-54-B thôn Ngòi Yên DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 56' 47" 104° 59' 57" F-48-55-A thôn Phúc Long DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 59' 17" 105° 00' 11" F-48-55-A thôn Tân Đông DC xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 22° 01' 00" 105° 01' 31" F-48-43-C ngòi Yên TV xã Bằng Cốc H. Hàm Yên 21° 56' 34" 105° 00' 31" 21° 57' 12" 105° 00' 36" F-48-55-A đường tỉnh 190 KX xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 04' 08" 105° 06' 07" 22° 02' 03" 105° 08' 12" F-48-43-C suối Bình Xa TV xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 04' 28" 105° 07' 27" 22° 02' 06" 105° 07' 29" F-48-43-C cầu Bợ KX xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 08" 105° 06' 53" F-48-43-C thôn Chợ Bợ 1 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 15" 105° 07' 10" F-48-43-C thôn Chợ Bợ 2 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 23" 105° 06' 56" F-48-43-C thôn Đo DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 04' 09" 105° 06' 21" F-48-43-C thôn Đồng Chùa 1 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 23" 105° 07' 03' F-48-43-C thôn Đồng Chùa 2 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 43" 105° 06' 59" F-48-43-C thôn Đồng Cỏm 1 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 59" 105° 07' 20" F-48-43-C thôn Đồng Cỏm 2 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 46" 105° 07' 37" F-48-43-C thôn Đồng Vầu DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 43" 105° 07' 43" F-48-43-C thôn Làng Dịa DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 13" 105° 06' 15" F-48-43-C sông Lô TV xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 23" 105° 05' 18" 22° 01' 35" 105° 08' 13" F-48-43-C thôn Nam Ninh DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 49" 105° 06' 41" F-48-43-C thôn Soi Dịa DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 40" 105° 06' 05" F-48-43-C thôn Tân Bình 1 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 08" 105° 07' 39" F-48-43-C thôn Tân Bình 2 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 01' 50" 105° 08' 04" F-48-43-C thôn Thác Lường DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 04' 16" 105° 07' 38" F-48-43-C thôn Thọ Bình 1 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 49" 105° 06' 47" F-48-43-C thôn Thọ Bình 2 DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 03' 01" 105° 06' 38" F-48-43-C thôn Yên Bình DC xã Bình Xa H. Hàm Yên 22° 02' 40" 105° 06' 31" F-48-43-C quốc lộ 2 KX xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 57' 28" 105° 06' 28" 21° 55'22" 105° 08' 06" F-48-55-A thôn 20 DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 55' 46" 105° 07' 46" F-48-55-A thôn 21 DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 55' 55" 105° 08' 03" F-48-55-A cầu 24 KX xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 57' 07" 105° 06' 38" F-48-55-A thôn Ao Sen 1 DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 56" 105° 06' 44" F-48-55-A thôn Ao Sen 2 DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 57' 38" 105° 08' 03" F-48-55-A thôn Binh Minh DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 46" 105° 08' 15" F-48-55-A hồ Cây Chanh TV xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 53" 105° 07' 14" F-48-55-A thôn Cây Chanh 1 DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 57' 21" 105° 06' 34" F-48-55-A thôn Cây Thọ DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 55' 38" 105° 06' 22" F-48-55-A thôn Chầm Bùng DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 14" 105° 08' 37" F-48-55-A thôn Chợ Tổng DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 57' 04" 105° 09' 04" F-48-55-A thôn Đình Đặng DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 57' 13" 105° 07' 52" F-48-55-A thôn Đồng Ca DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21°57'116" 105° 06' 22" F-48-55-A thôn Gạo DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 23" 105° 07' 41" F-48-55-A công ty Lâm nghiệp Tân Phong KX xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 56" 105° 08' 25" F-48-55-A thôn Làng Đồng DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 33" 105° 06' 45" F-48-55-A Làng Đồng DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 36" 105° 06' 36" F-48-55-A thôn Làng Lĩnh DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 35" 105° 07' 50" F-48-55-A thôn Làng Rào DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 45" 105° 06' 18" F-48-55-A thôn Làng Thát DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 37" 105° 08' 12" F-48-55-A thôn Lập Thành DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 19" 105° 06' 17" F-48-55-A thôn Núi Guột DC xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 55' 54" 105° 05' 59" F-48-55-A ngòi Rèo TV xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 56' 44" 105° 05' 53" 21° 56' 38" 105° 06' 29" F-48-55-A ngòi Sồi TV xã Đức Ninh H. Hàm Yên 21° 55'28" 105° 05' 57" 21° 56' 38" 105° 06' 29" F-48-55-A thôn 700 DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 52' 56" 105° 04' 05" F-48-55-A thôn Cây Thông DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 47" 105° 04' 35" F-48-55-A suối Đa Mẫn TV xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 52' 35" 105° 03' 25" 21° 53' 02" 105° 04' 13" F-48-55-A thôn Đèo Tế DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 53' 34" 105° 02' 32" F-48-55-A thôn Đồng Băm DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 55' 25" 105° 05' 40" F-48-55-A thôn Hùng Xuân DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 18" 105° 01' 57" F-48-55-A thôn Khuân Ẻn DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 53' 51" 105° 03' 26" F-48-55-A thôn Khuân Thắng DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 53' 10" 105° 04' 27" F-48-55-A thôn Khuân Then DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 56' 00" 105° 05' 30" F-48-55-A suối Khuôn Ẻn TV xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 53' 14" 105° 04' 13" 21° 54'57" 105° 05' 33" F-48-55-A thôn Làng Phan DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 39" 105° 02' 20" F-48-55-A suối Phong Nẫm TV xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 51" 105° 04' 25" 21° 54' 57" 105° 05' 33" F-48-55-A thôn Thắng Bình DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 50" 105° 04' 01" F-48-55-A thôn Thanh Vân DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 11" 105° 06' 00" F-48-55-A thôn Thị DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 45" 105° 05' 50" F-48-55-A thôn Tưởn DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 36" 105° 05' 02" F-48-55-A thôn Văn Nham DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 17" 105° 05' 44" F-48-55-A thôn Xuân Đức DC xã Hùng Đức H. Hàm Yên 21° 54' 48" 105° 03' 24" F-48-55-A núi Ba SV xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 11' 49" 105° 00' 50" F-48-43-C thôn Đồng Mới DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 10' 57" 104° 59' 16" F-48-42-D thôn Đồng Tâm DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 11' 06" 105° 00' 07" F-48-43-C suối Khang TV xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 12' 47" 104° 59' 21" 22° 10' 30" 105° 00' 17" F-48-42-D thôn Kim Long DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 09' 39" 104° 59' 48" F-48-42-D thôn Lâm Tiến DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 11' 46" 104° 59' 30" F-48-42-D thôn Làng Vai DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 10' 53" 104° 58' 05" F-48-42-D sông Lô TV xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 10' 45" 104° 57' 41" 22° 08' 24" 104° 59' 55" F-48-42-D thôn Ngòi Khang DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 12' 27" 104° 59' 21" F-48-42-D thôn Ngòi Tèo DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 09' 33" 104° 58' 27" F-48-42-D thôn Nước Mỏ DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 08' 56" 104° 59' 58" F-48-42-D thôn Thác Đất DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 10' 34" 104° 58' 22" F-48-42-D thôn Thác Vàng DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 09' 04" 104° 59' 29" F-48-42-D thôn Thượng Lâm DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 12' 27" 104° 58' 45" F-48-42-D thôn Trung Tâm DC xã Minh Dân H. Hàm Yên 22° 11' 37" 104° 59' 41" F-48-43-C thôn 1 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 22" 105° 06' 42" F-48-43-C thôn 1 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 08' 05" 105° 05' 08" F-48-43-C thôn 10 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 05' 50" 105° 05' 52" F-48-43-C thôn 10 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 16" 105° 06' 25" F-48-43-C thôn 10 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 17' 105° 06' 13" F-48-43-C thôn 11 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 05' 39" 105° 08' 04" F-48-43-C thôn 12 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 05' 02" 105° 07' 46" F-48-43-C thôn 13 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 04' 53" 105° 07' 31" F-48-43-C thôn 2 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 08' 41" 105° 04' 29" F-48-43-C thôn 3 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 32" 105° 06' 37" F-48-43-C thôn 4 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 47" 105° 07' 15" F-48-43-C thôn 4 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 08' 20" 105° 05' 46" F-48-43-C thôn 5 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 03" 105° 07' 46" F-48-43-C thôn 6 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 45" 105° 05' 10" F-48-43-C thôn 7 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 26" 105° 07' 26" F-48-43-C thôn 7 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 06" 105° 05' 38" F-48-43-C thôn 8 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 05' 43" 105° 06' 46" F-48-43-C thôn 8 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 39" 105° 05' 50" F-48-43-C thôn 9 Minh Quang DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 05' 48" 105° 06' 29" F-48-43-C thôn 9 Minh Tiến DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 28" 105° 06' 00" F-48-43-C thôn Bàn Đá DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 09' 15" 105° 05' 57" F-48-43-C Cốc Chủ DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 20" 105° 07' 55" F-48-43-C Đồng Đình DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 52" 105° 06' 14" F-48-43-C suối Đồng Lần TV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 40" 105° 05' 09" 22° 07' 10" 105° 05' 56" F-48-43-C suối Đồng Mười TV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 01" 105° 06' 17" 22° 05' 47" 105° 07' 25" F-48-43-C núi Khâu Khiếng SV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 16" 105° 04' 49" F-48-43-C suối Kim Giao TV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22" 05' 37" 105° 08' 51" 22° 05' 38" 105° 07' 49" F-48-43-C suối Minh Hương TV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 10' 11" 105° 06' 12" 22" 05' 05" 105° 07 '41" F-48-43-C núi Pù Mang SV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 38" 105° 06' 08" F-48-43-C Pù Phải DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 07' 09" 105° 06' 17" F-48-43-C Tân Thành DC xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 06' 01" 105° 08' 01" F-48-43-C núi Trạm Chu SV xã Minh Hương H. Hàm Yên 22° 11' 07" 105° 06' 38" F-48-43-C núi Gò Đền SV xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 12' 37" 104° 56' 14" F-48-42-D ỉhôn Làng Báu DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 12' 56" 104° 58' 38" F-48-42-D sông Lô TV xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 13' 09" 104" 55' 20" 22° 10' 45" 104° 57' 41" F-48-42-D thôn Minh Hà DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 11' 55" 104° 56' 54" F-48-42-D thôn Minh Thái DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 13' 23" 104° 58' 16" F-48-42-D thôn Ngòi Họp DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 11' 34" 104° 57' 44" F-48-42-D thôn Ngòi Lộc DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 13' 32" 104° 56' 56" F-48-42-D thôn Thác Cái DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 10' 58" 104° 57' 11" F-48-42-D thôn Xít Xa DC xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 13' 56" 104° 57' 53" F-48-42-D suối Xít Xa TV xã Minh Khương H. Hàm Yên 22° 13' 37" 104° 58' 42" 22" 10' 50" 104° 57' 41" F-48-42-D núi Ác SV xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 01' 23" 105° 01' 25" F-48-43-C thôn Đồng Moóng DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 01' 47" 105° 00' 38" F-48-43-C thôn Đồng Tàn DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 01' 27" 105° 00' 50" F-48-43-C thôn Kai Con DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 01' 27" 105° 00' 35" F-48-43-C thôn Kế Đô DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 00' 55" 105° 00' 02" F-48-43-C thôn Khuôn Luông DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 01' 31" 105° 00' 05" F-48-43-C hồ Lũng Trao TV xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 00' 42" 105° 00' 18" F-48-43-C thôn Pù Bó DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 00' 32" 104° 59' 57" F-48-43-C thôn Xuân Cuồng DC xã Nhân Mục H. Hàm Yên 22° 01' 38" 105° 01' 45" F-48-43-C thôn Bản Ban DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 10' 28" 105° 02' 50" F-48-43-C thôn Ban Nhàm DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 08' 39" 105° 01' 08" F-48-43-C thôn Bưa DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 08' 29" 105° 01' 31" F-48-43-C thôn Cọ Nà Tâm DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 08' 10" 105° 01' 03" F-48-43-C núi Đán Khao SV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 13' 08" 105° 00' 31" F-48-43-C thôn Kẽm DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 10' 43" 105° 00' 50" F-48-43-C núi Khau Keo SV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 11' 22" 105° 05' 31" F-48-43-C thôn Khâu Lình DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 09' 21" 105° 00' 30" F-48-43-C suối Khiêng TV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 11' 29" 105° 05' 50" 22° 10' 57" 105° 01' 31" F-48-43-C thôn Khuổi Nọi DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 12' 55" 105° 02' 01" F-48-43-C thôn Làng Chả DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 07' 47" 105° 01' 12" F-48-43-C núi Lăng Đán SV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 13' 37" 105° 01' 21" F-48-43-C thôn Ma Long DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 08' 12" 105° 02' 57" F-48-43-C thôn Mường DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 12' 17" 105° 01' 22" ` F-48-43-C thôn Nà Có DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 11' 48" 105° 01' 39" F-48-43-C thôn Nậm Lương DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 12' 17" 105° 02' 03" F-48-43-C suối Nậm Lương TV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 12' 23" 105° 04' 20" 22° 12' 52" 105° 02' 01" F-48-43-C thôn Nghiệu DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 08' 03" 105° 01' 41" F-48-43-C thôn Pá Han DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 10' 48" 105° 02' 44" F-48-43-C thôn Pác Cáp DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 11' 11" 105° 01' 35" F-48-43-C thôn Phù Yên DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 09' 20" 105° 01' 10" F-48-43-C thôn Quang DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 09' 27" 105° 01' 00" F-48-43-C thôn Soi Thành DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 07' 34" 105° 00' 35' F-48-43-C thôn Thọ DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 09' 52" 105° 00' 47" F-48-43-C suối Thọ TV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 12'52" 105° 02' 01" 22° 10' 57" 105° 01' 31" F-48-43-C thôn Thôm Táu DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 10' 47" 105° 03' 06" F-48-43-C thôn Thụt DC xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 08' 07" 105° 01' 42" F-48-43-C suối Thụt TV xã Phù Lưu H. Hàm Yên 22° 10' 57" 105° 01' 31" 22° 07' 59" 105° 00' 13" F-48-43-C đường tỉnh 189 KX xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 07' 39" 105° 01' 14" 22° 04' 08" 105° 06' 07" F-48-43-C thôn 1 Làng Bát DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 56" 105° 01' 33" F-48-43-C thôn 1 Mỏ Nghiều DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 55" 105° 04' 15" F-48-43-C thôn 1 Tân Yên DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 38" 105° 01' 43" F-48-43-C thôn 1 Thuốc Hạ DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 25" 105° 02' 49" F-48-43-C thôn 1 Thuốc Thượng DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 07' 27" 105° 03' 35" F-48-43-C thôn 1 Việt Thành DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 06" 105° 03' 32" F-48-43-C thôn 2 Làng Bát DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 10" 105° 01' 29" F-48-43-C thôn 2 Mỏ Nghiều DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 48" 105° 05' 08" F-48-43-C thôn 2 Tân Yên DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 13" 105° 02' 07" F-48-43-C thôn 2 Thuốc Hạ DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 24" 105° 02' 16" F-48-43-C thôn 2 Thuốc Thượng DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 59" 105° 03' 11" F-48-43-C thôn 2 Việt Thành DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 06" 105° 04' 10" F-48-43-C thôn 3 Làng Bát DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 48" 105° 01' 17" F-48-43-C thôn 3 Mỏ Nghiều DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 17" 105° 04' 57" F-48-43-C thôn 3 Tân Yên DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 42" 105° 01' 56" F-48-43-C thôn 3 Thuốc Hạ DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 44" 105° 02' 07" F-48-43-C thôn 3 Thuốc Thượng DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 03" 105° 03' 22" F-48-43-C thôn 3 Việt Thành DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 08" 105° 04' 42" F-48-43-C thôn 4 Làng Bát DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 07' 07" 105° 01' 24" F-48-43-C thôn 4 Mỏ Nghiều DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 37" 105° 04' 34" F-48-43-C thôn 4 Thuốc Hạ DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 57" 105° 02' 00" F-48-43-C thôn 4 Việt Thành DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 27" 105° 05' 16" F-48-43-C thôn 5 Làng Bát DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 07' 29" 105° 01' 18" F-48-43-C thôn 5 Thuốc Hạ DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 07' 21" 105° 01' 59" F-48-43-C thôn 5 Việt Thành DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 04' 09" 105° 05' 50" F-48-43-C thôn Đồng Lệnh DC xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 03' 50" 105° 05' 05" F-48-43-C suối Gốc Gạo TV xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 08' 07" 105° 03' 59" 22° 04' 48" 105° 02' 56" F-48-43-C ngòi Lang TV xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 05' 18" 105° 04' 52" 22° 03' 58" 105° 04' 28" F-48-43-C sông Lô TV xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 07' 15" 105° 00' 40" 22° 03' 23" 105° 05' 18" F-48-43-C núi Pù Tao SV xã Tân Thành H. Hàm Yên 22° 06' 29" 105° 04' 11" F-48-43-C quốc lộ 2 KX xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 21" 105° 05' 29" 21° 57' 28" 105° 06' 28" F-48-55-A xóm 27 DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 20" 105° 05' 18" F-48-55-A cầu 27 KX xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 21" 105° 05' 46" F-48-55-A íhôn Ao Vệ DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 13" 105° 05' 34" F-48-55-A thôn Ba Luồng DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 59" 105° 08' 10" F-48-55-A đò Bến Thọ KX xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 40" 105° 09' 01" F-48-55-A thôn Bình Thuận DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 13" 105° 07' 37" F-48-55-A thôn Cây Cóc DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 50" 105° 06' 46" F-48-55-A thôn Cây Vải DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 55" 105° 06' 54" F-48-55-A Cổ Ngựa DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 51" 105° 08' 13" F-48-55-A thôn Đầu Phai DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 01" 105° 06' 42" F-48-55-A Đồng Cã DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 54" 105° 07' 36" F-48-55-A thôn Đồng Chằm DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 33" 105° 05' 33" F-48-55-A thôn Khánh An DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 01" 105° 08' 05" F-48-55-A thôn Khánh Hòa DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 04" 105° 08' 32" F-48-55-A Khe Căm DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 45" 105° 06' 47" F-48-55-A Khe Cạn DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 41" 105° 07' 11" F-48-55-A thôn Khe Mon DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 14" 105° 05' 39" F-48-55-A Làn DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 35" 105° 08' 26" F-48-55-A thôn Làng Chùa DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 25" 105° 04' 46" F-48-55-A thôn Làng Mãn 1 DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 10" 105° 05' 43" F-48-55-A thôn Làng Mãn 2 DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 01" 105° 05' 41" F-48-55-A thôn Lập Thành DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 56" 105° 05' 18" F-48-55-A sông Lô TV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 22° 00' 42" 105° 07' 52" 21° 57' 24" 105° 08'47" F-48-55-A ngòi Lũ TV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 21" 105° 05' 38" 21° 57' 43" 105° 07' 57" F-48-55-A thôn Lũ Khê DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 14" 105° 06' 34" F-48-55-A núi Mong Hương SV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 18" 105° 07' 03" F-48-55-A thôn Ninh Thái DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 47" 105° 05' 31" F-48-55-A thôn Ninh Tuyên DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 59' 32" 105° 06' 10" F-48-55-A hồ Ô Rô TV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 56' 39" 105° 04' 42" F-48-55-A ngòi Ô Vệ TV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 10" 105° 05' 15" 21° 58' 21" 105° 06' 13" F-48-55-A ngòi Phong Nẫm TV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 57' 50" 105° 06' 41" 21° 57' 50" 105° 06' 48" F-48-55-A thôn Quang Thái 1 DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 37" 105° 07' 33" F-48-55-A thôn Quang Thái 2 DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 09" 105° 07' 11" F-48-55-A thôn Tân An DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 58' 28" 105° 08' 40" F-48-55-A thôn Tân Khoa DC xã Thái Hòa H. Hàm Yên 214 57' 44" 105° 06' 14" F-48-55-A núi Thẹ SV xã Thái Hòa H. Hàm Yên 21° 56' 55" 105° 04' 40" F-48-55-A cầu 31 KX xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 20" 105° 05' 13" F-48-43-C thôn 1 An Thạch DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 01' 37" 105° 06' 26" F-48-43-C thôn 1 Minh Thái DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 01' 07" 105° 04' 58" F-48-43-C thôn 1 Thái Bình DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 40" 105° 05' 15" F-48-43-C thôn 1 Thái Thuỷ DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 03' 47" 105° 04' 12" F-48-43-C thôn 2 An Thạch DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 01' 51" 105° 06' 35" F-48-43-C thôn 2 Minh Thái DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 01' 22" 105° 05' 08" F-48-43-C thôn 2 Thái Bình DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 02" 105° 05' 29" F-48-43-C thôn 3 Thái Bình DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 20" 105° 06' 10" F-48-43-C thôn 3 Thái Thủy DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 03' 28" 105° 04' 40" F-48-43-C thôn 4 Thái Thủy DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 03' 12" 105° 04' 44" F-48-43-C thôn 5 Thái Thuỷ DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 02' 56" 105° 05' 16" F-48-43-C thôn 6 Thái Thuỷ DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 02' 40" 105° 05' 35" F-48-43-C thôn An Lâm DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 02' 17" 105° 06' 19" F-48-43-C hồ Cây Gạo TV xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 13" 105° 06' 25" F-48-43-C thôn Khởn DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 02' 24" 105° 03' 32" F-48-43-C hồ Khởn TV xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 03' 11" 105° 03' 43" F-48-43-C sông Lô TV xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 03' 37" 105° 03' 30" 22° 00' 42" 105° 07' 52" F-48-43-C suối Lũng Thang TV xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 01' 33" 105° 04' 22" 22° 00' 36" 105° 04' 59" F-48-43-C hồ Nậm Khao TV xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 54" 105° 04' 24" F-48-43-C thôn Quang Trung DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 00' 48" 105° 05' 37" F-48-43-C thôn Thái Ninh DC xã Thái Sơn H. Hàm Yên 22° 01' 19" 105° 08' 02" F-48-43-C Cây Cóc DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 56' 18" 105° 01' 36" F-48-55-A Cây Hóp DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 56' 43" 105° 02' 45" F-48-55-A ngòi Cây Khế TV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 28" 105° 02' 28" 21° 56' 55" 105° 04' 42" F-48-55-A Cây Mát DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 19" 105° 03' 51" F-48-55-A thôn Đoàn Kết 1 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 59' 47" 105° 02' 43" F-48-55-A thôn Đoàn Kết 2 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 59' 31" 105° 03' 24" F-48-55-A thôn Đoàn Kết 3 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 59' 33" 105° 04' 09" F-48-55-A Gốc Lát DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 24" 105° 03' 10" F-48-55-A thôn Hưng Long DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 43" 105° 03' 43" F-48-55-A khe Lãnh TV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 56' 39" 105° 02' 30" 21° 57' 55" 105° 04' 42" F-48-55-A ngòi Loa Đát TV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 59' 23" 105° 02' 25" 22° 00' 04" 105° 04' 44' F-48-55-A Mỏ Vàng DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 16" 105° 04' 00" F-48-55-A hồ Ô Rô TV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 19" 105° 04' 42" F-48-55-A ngòi Ô Rô TV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 11" 105° 03' 43" 21° 58' 14" 105° 04' 05" F-48-55-A núi Phấn SV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 55' 27" 105° 02' 38" F-48-55-A thôn Phúc Long 1 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 55" 105° 01' 26" F-48-55-A thôn Phúc Long 3 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 33" 105° 02' 36" F-48-55-A thôn Phúc Long 4 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 09" 105° 02' 30" F-48-55-A núi Phượng Hoàng SV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 01" 105° 01'30" F-48-55-A Quang Bình DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 40" 105° 04' 19" F-48-55-A núi Quẹ SV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 20" 105° 02' 00" F-48-55-A thôn Thành Công 1 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 22° 00' 58" 105° 03' 34" F-48-43-C thôn Thành Công 2 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 22° 00' 16" 105° 03' 53" F-48-43-C thôn Trung Thành 1 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 56' 07" 105° 03' 18" F-48-55-A thôn Trung Thành 2 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 56' 36" 105° 03'12" F-48-55-A thôn Trung Thành 3 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 08" 105° 03' 19" F-48-55-A thôn Trung Thành 4 DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 57' 24" 105° 04' 08" F-48-55-A Vực Ne DC xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 31" 105° 01' 21" F-48-55-A ngòi Yên TV xã Thành Long H. Hàm Yên 21° 58' 14" 105° 01' 14" 21° 58' 11" 105° 03' 43" F-48-55-A thôn 1 Nắc Con DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 07' 02" 104° 56' 38" F-48-42-D thôn 2 Nắc Con DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 07' 24" 104° 56' 34" F-48-42-D thôn 3 Nắc Con DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 07' 20" 104° 55' 50" F-48-42-D Cọ Cỏm DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 09' 33" 104° 52' 55" F-48-42-D Đội 11 DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 06' 13" 104° 53' 05" F-48-42-D Gốc Chanh DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 10' 24" 104° 53' 37" F-48-42-D thôn Km 65 DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 12' 03" 104° 55' 25" F-48-42-D thôn Km 68 DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 13' 37" 104° 55' 04" F-48-42-D ngòi La TV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 12' 35" 104° 54' 22" 22° 12' 15" 104° 55' 44" F-48-42-D sông Lô TV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 14' 30" 104° 54' 58" 22° 10' 51" 22° 10' 51" F-48-42-D cầu Nắc KX xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 11' 38" 104° 56' 03" F-48-42-D ngòi Nai TV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 10' 06" 104° 54' 51" 22° 10' 29" 104° 56' 03" F-48-42-D thôn Ngõa DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 08' 38" 104° 56' 39" F-48-42-D suối Ngòi Nắc TV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 08' 15" 104° 52' 06" 22° 10' 06" 104° 54' 51" F-48-42-D thôn Ngòi Sen DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 10' 29" 104° 56' 08" F-48-42-D ngòi Phụng TV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 12' 26" 104° 54' 53" 22° 12' 25" 104° 55' 39" F-48-42-D thôn Quảng Tân DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 09' 33" 104° 55' 52" F-48-42-D núi Sao SV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 04' 24" 104° 53' 23" F-48-42-D núi Tam Tỉnh SV xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 11' 09" 104° 50' 49" F-48-42-D thôn Tháng Mười DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 11' 26" 104° 55' 54" F-48-42-D cầu Trì KX xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 14' 29" 104° 54' 56" F-48-42-D Xóm Xa DC xã Yên Lâm H. Hàm Yên 22° 09' 54" 104° 54' 10" F-48-42-D đội Lâm trường 50 KX xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 06' 21" 105° 00' 34" F-48-43-C thôn 1 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 06' 25" 104° 59' 46" F-48-42-D thôn 1 Yên Lập DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 04' 59" 104° 57' 10" F-48-42-D thôn 1A Thống Nhất DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 09' 35" 104° 57' 44" F-48-42-D thôn 1B Thống Nhất DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 09' 00" 104° 58' 13" F-48-42-D thôn 2 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 06' 19" 105° 00' 20" F-48-43-C thôn 2 Thống Nhất DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 08' 44" 104° 58' 43" F-48-42-D thôn 2 Yên Lập DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 05' 31" 104° 57' 29" F-48-42-D thôn 3 Yên Lập DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 05' 01" 104° 58' 23" F-48-42-D thôn 4 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 04' 29" 105° 00' 36" F-48-43-C thôn 4 Thống Nhất DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 07' 32" 104° 59' 04" F-48-42-D thôn 5 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 05' 17" 105° 01' 00" F-48-43-C thôn 5 Thống Nhất DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 07' 57" 104° 58' 33" F-48-42-D thôn 6 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 05' 45" 105° 01' 02" F-48-43-C thôn 6 Thống Nhất DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 07' 20" 104° 59' 16" F-48-42-D thôn 7 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 06' 51" 105° 00' 22" F-48-43-C thôn 8 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 06' 09" 105° 00' 43" F-48-43-C thôn 9 Minh Phú DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 07' 17" 104° 59' 33" F-48-43-D núi Đá Đen SV xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 08' 28" 104° 58' 46" F-48-42-D núi Đền Thác Cái SV xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 10' 22" 104° 57' 34" F-48-42-D thôn Km 61 DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 10' 42" 104° 57' 18" F-48-42-D thôn Làng Chiềng DC xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 08' 24" 104° 58' 15" F-48-42-D sông Lô TV xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 10' 51" 104° 56' 52" 22° 05' 03" 105° 01' 43" suối Nắc Con TV xã Yên Phú H. Hàm Yên 22° 02' 24" 104° 56' 53' 22° 06' 42" 104° 58' 29" F-48-42-D thôn An Thịnh DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 15' 53" 104° 56' 00" F-48-42-B thôn Bá DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 09" 104° 56' 11" F-48-42-B thôn Cao Đường DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 42" 104° 59' 10" F-48-42-B núi Cao Đường SV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 15' 58" 105° 00' 02" F-48-43-A suối Cao Đường TV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 18' 06' 104° 59' 20' 22" 17' 13" 104° 59' 24" F-48-42-B thôn Cầu Treo DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 11" 104° 55' 36" F-48-42-B suối Cóc TV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 07" 104° 55' 41" 22° 17' 39" 104° 55' 11" F-48-42-B thôn Cốc Phường DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 16' 50" 104° 55' 23" F-48-42-B Cua Ngoi DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 53" 104° 55' 29" F-48-42-B thôn Cuổm DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 18' 42" 104° 56' 17" F-48-42-B suối Đem TV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 15" 104° 56' 59" 22° 17' 07" 104° 55' 41" F-48-42-B thôn Đẻm DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 51" 104° 56' 06" F-48-42-B suối Đẻm TV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 04" 104° 58' 14" 22° 17' 15" 104° 56' 59" F-48-42-B núi Hành Mai SV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 16' 39" 104° 58' 50" F-48-42-B suối Hao TV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 16' 31" 104° 57' 09" 22° 17' 15" 104° 56' 59" F-48-42-B thôn Hao Bó DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 17' 18" 104° 57' 02" F-48-42-B thôn Khao Làng DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 18' 37" 104° 56' 57" F-48-42-B Khuổi Hoi DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 18' 44" 104° 56' 56" F-48-42-B núi Khuổi My SV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 16' 10" 104° 55' 36" F-48-42-B thôn Lục Khang DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 20' 09" 104° 54' 18" F-48-42-B thôn Lục Sơn DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 18' 33" 104° 55' 20" F-48-42-B Lũng Trang DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 19' 16" 104° 56' 30" F-48-42-B núi Moi SV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 19' 12" 104° 55' 17" F-48-42-B Nậm Húc DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 19' 13" 104° 58' 19" F-48-42-B suối Phiêng Thuông TV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 18' 21" 104° 59' 18" 22° 19' 17" 104° 58' 13" F-48-42-B núi Quan Tinh SV xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 16' 31" 104° 56' 25" F-48-42-B thôn Sơn Thủy DC xã Yên Thuận H. Hàm Yên 22° 19' 32" 104° 53' 30" F-48-42-B đường tỉnh 188 KX xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 31" 105° 09' 59" 22° 24' 13" 105° 10' 33" F-48-43-A thôn Bản Dạ DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 24' 29" 105° 10' 34" F-48-43-A Bản Xá DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 28" 105° 09' 20" F-48-43-A khuổi Cải TV xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 18" 105° 09' 34" 22° 25' 03" 105° 10' 21" F-48-43-A thôn Chẩu Quân DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 25' 50" 105° 09' 35" F-48-43-A Lung Muông DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 27' 49" 105° 08' 29" F-48-43-A Lung Rạng DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 24' 55" 105° 08' 36" F-48-43-A Minh Tân DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 27' 05" 105° 09' 53" F-48-43-A thôn Nà Coóc DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 43" 105° 09' 20" F-48-43-A Nà Đẩu DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 01" 105° 08' 47" F-48-43-A Nà Nắp DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 50" 105° 09' 26" F-48-43-A thôn Nà Xé DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 24' 33" 105° 10' 14" F-48-43-A núi Phia Pioong SV xã Bình An H. Lâm Bình 22° 25' 26" 105° 11' 44" F-48-43-A thôn Phiêng Luông DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 29" 105° 10' 11" F-48-43-A núi Pù Chẩu SV xã Bình An H. Lâm Bình 22° 27' 56" 105° 06' 33" F-48-43-A khuổi Soóc TV xã Bình An H. Lâm Bình 22° 25' 30" 105° 12' 04" 22° 26' 18" 105° 09' 34" F-48-43-A thôn Tát Ten DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 26' 43" 105° 11' 18" F-48-43-A thôn Tống Pu DC xã Bình An H. Lâm Bình 22° 25' 39" 105° 09' 58" F-48-43-A thôn Bản Luông DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 22' 44" 105° 06' 03" F-48-43-A thôn Bản Tha DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 23' 01" 105° 06' 13" F-48-43-A núi Đàn Kiến SV xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 21' 04" 105° 05' 54" F-48-43-A ngòi Hoa TV xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 23' 29" 105° 04' 32" 22° 23' 01" 105° 04' 14" F-48-43-A ỉhôn Khuổi Soan DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 24' 03" 105° 06' 43" F-48-43-A thôn Lung Luông DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 21' 32" 105° 06' 25" F-48-43-A nặm Luông TV xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 22' 23" 105° 05' 09" 22° 21' 05" 105° 06' 12" F-48-43-A ngòi Minh TV xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 26' 21" 105° 06' 35" 22° 21' 05" 105° 06' 12" F-48-43-A thôn Nà Chúc DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 21' 06" 105° 06' 31" F-48-43-A thôn Nà Nghè DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 22' 03" 105° 06' 03" F-48-43-A núi Nà Pồng SV xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 25' 22" 105° 06' 00" F-48-43-A nặm Tặc TV xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 20' 58" 105° 06' 48" 22° 20' 33" 105° 06' 25" F-48-43-A thôn Thẳm Hon DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 22' 59" 105° 04' 44" F-48-43-A thôn Thượng Minh DC xã Hồng Quang H. Lâm Bình 22° 25' 16" 105° 06' 14" F-48-43-A Bản Rịa DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 34' 05" 105° 16' 20" F-48-31-D Giang Chí DC xã Khuôn Hà H. Lâm Binh 22° 35' 47" 105° 18' 04" F-48-31-D thôn Hợp Thành DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 27' 58" 105° 16' 23" F-48-43-B thôn Kà Nò DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 28' 18" 105° 16' 54" F-48-43-B đèo Khau Khoang SV xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 28' 49" 105° 15' 52" F-48-43-B núi Khau Po SV xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 29' 25" 105° 15' 13" F-48-43-B núi Khuổi Chó SV xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 38' 47" 105° 16' 23" F-48-31-D thôn Lung May DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 29' 25" 105° 17' 02" F-48-43-B Nà Điêm DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 32' 50" 105° 17' 35" F-48-43-D thôn Nà Hu DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 28' 38" 105° 17' 19" F-48-43-B thôn Nà Kẹm DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 29' 18" 105° 17' 21" F-48-43-B Nà Mạ DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 32' 19" 105° 17'181" F-48-31-D thôn Nà Muông DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 29' 52" 105° 16' 17" F-48-43-B Nà Muổng DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 30' 23" 105° 17' 14" F-48-31-D thôn Nà Ráo DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 31' 18" 105° 15' 28" F-48-31-D Nà Tè DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 28' 44" 105° 16' 35" F-48-43-B thôn Nà Thếm DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 28' 58" 105° 16' 57" F-48-43-B Nà Thìn DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 34' 19" 105° 17' 12" F-48-31-D thôn Nà Thom DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 29' 05" 105° 17' 14" F-48-43-B thôn Nà Vàng DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 29' 54" 105° 16' 36" F-48-43-B Thác Nghiền DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 34' 38" 105° 16' 37" F-48-31-D Thôm Cuông DC xã Khuôn Hà H. Lâm Bình 22° 33' 08" 105° 15' 03" F-48-31-D thôn Bản Kè B DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 53" 105° 12' 06" F-48-43-A thôn Bản Khiển DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 16" 105° 12' 44" F-48-43-A Bản Vén DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27'19" 105° 14' 02" F-48-43-A núi Đán Nhang SV xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 26' 49" 105° 13' 39" F-48-43-A thôn Đon Bả DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 42" 105° 14' 20" F-48-43-A núi Khau Po SV xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 29' 07" 105° 11' 35" F-48-43-A Khuôn Lùng DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 29' 14" 105° 12' 51" F-48-43-A thôn Làng Chùa DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 50" 105° 13' 32" F-48-43-A Nà Cha DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 28' 17" 105° 14' 15" F-48-43-A thôn Nà Khà DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 40" 105° 13' 17" F-48-43-A Nà Khoác DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27'15" 105° 13' 27" F-48-43-A Nà Lẩng DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 08" 105° 15' 21" F-48-43-B thôn Nà Mèn DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 14" 105° 12' 42" F-48-43-A suối Nặm Chá TV xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 26' 02" 105° 12' 20" 22° 27' 01" 105° 14' 37" F-48-43-A thôn Nặm Đíp DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 26' 55" 105° 14' 20" F-48-43-A suối Nặm Luông TV xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 01" 105° 14' 37" 22° 28' 10" 105° 13' 09" F-48-43-A thôn Nặm Trá DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 36" 105° 15' 01" F-48-43-B thôn Phai Tre A DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 27' 58" 105° 11' 36" F-48-43-A thôn Phai Tre B DC xã Lăng Can H. Lâm Bình 22° 28' 01" 105° 11' 09" F-48-43-A thôn Bản Bon DC xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 34' 08" 105° 11' 36" F-48-31-C thôn Bản Tấng DC xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 32' 59" 105° 13' 14" F-48-31-C núi Đán Nóng SV xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 37' 58" 105° 13' 03" F-48-31-D sông Gâm TV xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 38' 59" 105° 14' 32" 22° 34' 25" 105° 15' 32" F-48-31-C bản Khau Cau DC xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 36' 14" 105° 09' 11" F-48-31-C khuổi Luộc TV xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 35' 52" 105° 10' 35" 22° 36' 22" 105° 08' 06" F-48-31-C suối Nặm Tấng TV xã Phúc Yên H. Lâm Bình 22° 35' 18" 105° 11' 01" 22° 30'27" 105° 13' 47" F-48-31-C thôn Bản Pước DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 21' 46" 105° 11' 04" F-48-43-A nà Giàng TV xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 20' 38" 105° 11' 28" 22° 20' 58" 105° 10' 26" F-48-43-A núi Khuổi Khương SV xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 24' 33" 105° 13' 02" F-48-43-A thôn Lũng Piát DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 23' 24" 105° 08' 57" F-48-43-A suối Luông TV xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 24'13" 105° 10'29" 22° 22'40" 105° 10' 37" F-48-43-A thôn Nà Bó DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 23' 33" 105° 12' 04" F-48-43-A thôn Nà Cọn DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 22' 06" 105° 11' 03" F-48-43-A thôn Nà Mỵ DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 23' 45" 105° 12' 07" F-48-43-A Nà Phéc DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 22' 04" 105° 10' 36" F-48-43-A Nà Thản DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 23' 06" 105° 11' 58" F-48-43-A thôn Nà Vải DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 22' 59" 105° 11' 25" F-48-43-A Noong Liều DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 24' 25" 105° 12' 15" F-48-43-A núi Phia Trẩu SV xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 20' 45" 105° 12' 13" F-48-43-A khuổi Thiển TV xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22" 22' 54" 105° 09' 30" 22° 22' 40" 105° 10' 37" F-48-43-A thôn Vằng Áng DC xã Thổ Bình H. Lâm Bình 22° 21' 08" 105° 10' 54" F-48-43-A thôn Bản Bó DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 28" 105° 17' 31" F-48-43-B suối Bó Đúa TV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 26' 15" 105° 17' 37" 22° 29' 36" 105° 18' 23" F-48-43-B núi Bó Mục SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 26'46" 105° 18' 22" F-48-43-B núi Khau Cuôm SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 24' 52" 105° 18' 22" F-48-43-B thôn Khau Đao DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 36" 105° 19' 58" F-48-43-B núi Khau Đao SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 28' 38" 105° 19' 19" F-48-43-B núi Khơ Đeng SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 26' 10" 105° 21' 50" F-48-43-B thôn Nà Bản DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 56" 105° 17' 33" F-48-43-B thôn Nà Đông DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 28' 22" 105° 18' 40" F-48-43-B thôn Nà Lầu DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 28' 18" 105° 19' 17" F-48-43-B thôn Nà Liềm DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 28' 37" 105° 17' 44" F-48-43-B thôn Nà Lung DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 22" 105° 18' 29" F-48-43-B thôn Nà Ta DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 03" 105° 18' 21" F-48-43-B thôn Nà Tông DC xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 29' 23" 105° 18' 03" F-48-43-B suối Nà Tông TV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 28' 59" 105° 19' 43" 22° 29' 43" 105° 19' 29" F-48-43-B thôn Nà Va DC xã Thượng Lâm H. Lâm Binh 22° 28' 22" 105° 18' 14" F-48-43-B núi Pác Man SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 25' 31" 105° 19' 28" F-48-43-B núi Phia Bó Cần SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 34" 105° 22' 07" F-48-43-B núi Phia Đeng SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 25' 12" 105° 21' 41" F-48-43-B núi Pù Chuyên SV xã Thượng Lâm H. Lâm Bình 22° 27' 36" 105° 20' 35" F-48-43-B núi Khau Khăng SV xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 28' 46" 105° 08' 53" F-48-43-A thôn Khuổi Củng DC xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 33' 50" 105° 08' 18" F-48-31-C thôn Khuổi Trang DC xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 33' 11" 105° 08' 32" F-48-31-C suối Khuổi Trang TV xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 35' 06" 105° 07' 46" 22° 30' 07" 105° 09' 46" F-48-31-C thôn Lũng Giềng DC xã Xuân Lập H. Lâm Binh 22° 30' 39" 105° 09' 52" F-48-31-C thôn Nà Co DC xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 28' 56" 105° 10' 23" F-48-43-A Nà Hốc DC xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 29' 39" 105° 10' 06" F-48-43-A suối Nà Lòa TV xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 31' 15" 105° 07' 14" 22° 28' 30" 105° 10' 26" F-48-31-C thôn Nà Loà DC xã Xuân Lập H. Lâm Bình 22° 29' 35" 105° 08' 05" F-48-43-A tổ 5 DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 20' 49" 105° 22' 59" F-48-43-B tổ 14 DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 20' 35" 105° 22' 28" F-48-43-B tổ 15 DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 21' 01" 105° 22' 31" F-48-43-B sông Gâm TV TT. Na Hang H. Na Hang 22° 21' 39" 105° 23' 57" 22° 19' 36" 105° 21' 49" F-48-43-B Cốc Túm DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 21' 13" 105° 23' 04" F-48-43-B thôn Khuôn Phươn DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 21' 42" 105° 21' 43" F-48-43-B thôn Nà Mỏ DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 22' 14" 105° 25' 22" F-48-43-B thôn Ngòi Nẻ DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 19' 27" 105° 22' 03" F-48-43-B Pắc Ban DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 22' 05" 105° 24' 13" F-48-43-B thôn Tân Lập DC TT. Na Hang H. Na Hang 22° 19' 10" 105° 21' 57" F-48-43-B Bản Thèo DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 08" 105° 27' 29" F-48-31-D Bó Bu DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 00" 105° 27' 47" F-48-31-D Bó Khiếu DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 59" 105° 27' 31" F-48-31-D Đon Thài DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 31' 51" 105° 27' 24" F-48-31-D Khau Phấu DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 49" 105° 26' 02" F-48-31-D núi Không Khánh SV xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 31' 28" 105° 27' 18" F-48-31-D Lũng Vài DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 31' 59" 105° 26' 27" F-48-31-D Nà Nam DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 31' 36" 105° 27' 16" F-48-31-D Nà Nạn DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 33' 12" 105° 27' 44" F-48-31-D Nà Ngoăng DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 33' 11" 105° 27' 45" F-48-31-D Nà Nọi DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 34' 20" 105° 27' 35" F-48-31-D Nà Nục DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 13" 105° 27' 52" F-48-31-D Nà Thưa DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 18" 105° 27' 29" F-48-31-D suối Nặm Mường TV xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 34' 03" 105° 28' 15" 22° 30' 47" 105° 27' 41" F-48-31-D suối Nặm Vàng TV xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 33' 54" 105° 25' 45" 22° 30' 07" 105° 25' 24" F-48-31-D Pác Bẻ DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 31' 35" 105° 27' 15" F-48-31-D Phai Léc DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 33' 23" 105° 27' 58" F-48-31-D Pom Pán DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 32' 14" 105° 27' 52" F-48-31-D núi Pù Pảo DC xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 30' 52" 105° 26' 30" F-48-31-D núi Thị Quạt SV xã Côn Lôn H. Na Hang 22° 34' 13" 105° 27' 04" F-48-31-D thôn Bắc Lẻ DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 26' 55" 105° 32' 39" F-48-44-A Bản Âm DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 21" 105° 33' 28" F-48-44-A thôn Bản Lục DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 26' 13" 105° 30' 45" F-48-44-A thôn Bản Tâng DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 30' 13" 105° 33' 33" F-48-32-C thôn Bản Thốc DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 31' 30" 105° 35' 13" F-48-32-C Khuổi Nạn DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 39" 105° 32' 44" F-48-44-A thôn Khuổi Tích DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 35" 105° 31' 58" F-48-44-A Nà Cại DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 28" 105° 31' 47" F-48-44-A Nà Đeo DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 25' 31" 105° 32' 09" F-48-44-A Nà Đông DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 09" 105° 34' 16" F-48-44-A thôn Nà Đứa DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 05" 105° 32' 30" F-48-44-A thôn Nà Phin DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 28' 40" 105° 34' 07" F-48-44-A thôn Nà Pục DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 28' 33" 105° 31' 16" F-48-44-A sông Năng TV xã Đà Vị H. Na Hang 22° 28' 27" 105° 29' 51" 22° 26' 54" 105° 33' 18" F-48-43-B suối Pác Mạ TV xã Đà Vị H. Na Hang 22° 29' 57" 105° 33' 49" 22° 27' 46" 105° 31' 54" F-48-43-B thôn Phai Khằn DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 28' 14" 105° 32' 08" F-48-44-A thôn Xá Thị DC xã Đà Vị H. Na Hang 22° 28' 27" 105° 31' 36" F-48-44-A thôn Bản Muông DC xã Hồng Thái H. Na Hang 22° 31' 16" 105° 33' 45" F-48-32-C thôn Khâu Tràng DC xã Hồng Thái H. Na Hang 22° 31' 08" 105° 33' 16" F-48-32-C thôn Khuổi Phầy DC xã Hồng Thái H. Na Hang 22° 33' 19" 105° 34' 11" F-48-32-C thôn Nà Kiếm DC xã Hồng Thái H. Na Hang 22° 30' 31" 105° 32' 42" F-48-32-C thôn Nà Mụ DC xã Hồng Thái H. Na Hang 22° 32' 22" 105° 34' 18" F-48-32-C thôn Pắc Khoang DC xã Hồng Thái H. Na Hang 22° 32' 05" 105° 34' 50" F-48-32-C Khau Khai DC xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 29' 00" 105° 28' 32" F-48-43-B núi Khau Lung SV xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 29' 40" 105° 25' 58" F-48-43-B Khau Muồn DC xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 29' 07" 105° 27' 38" F-48-43-B núi Khau Tép SV xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 26' 50" 105° 24' 03" F-48-43-B Khau Tinh Luông DC xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 27' 59" 105° 26' 15" F-48-43-B Khau Tinh Nọi DC xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 28' 29" 105° 26' 06" F-48-43-B núi Lô Khác SV xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 26' 12" 105° 23' 29" F-48-43-B Lũng Tạc DC xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 30' 11" 105° 27' 43" F-48-43-B đèo Nà Sảm SV xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 26' 07" 105° 28' 40" F-48-43-B Nà Tạng DC xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 26' 40" 105° 26' 28" F-48-43-B núi PácTạ SV xã Khâu Tinh H. Na Hang 22° 23' 26" 105° 24' 03" F-48-43-B thôn Bản Nhùng DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 20' 39" 105° 18' 56" F-48-43-B thôn Bàn Nuầy DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 12" 105° 19' 41" F-48-43-B thôn Bản Tùn DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 13" 105° 19' 01" F-48-43-B Bó Chuông DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 45" 105° 20' 30" F-48-43-B Khau Quang DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 19' 19" 105° 19' 32" F-48-43-B núi Khau Quang SV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 18' 42" 105° 19' 33" F-48-43-B thôn Không Mây DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 23' 10" 105° 20' 06" F-48-43-B núi Không Mây SV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 23' 47" 105° 16' 26" F-48-43-B suối Lũng Chúc TV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 18' 51" 105° 19' 25" 22° 18' 56" 105° 21' 21" F-48-43-B thôn Lũng Giang DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 19' 15" 105° 20' 51" F-48-43-B suối Lũng Giang TV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 18'31" 105° 19' 28" 22° 18' 16" 105° 21' 00" F-48-43-B thôn Nà Chác DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 23' 40" 105° 18' 25" F-48-43-B thôn Nà Chang DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 23' 03" 105° 20' 47" F-48-43-B thôn Nà Chao DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 20' 26" 105° 18' 41" F-48-43-B Nà Chóng DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 22' 57" 105° 19' 50" F-48-43-B Nà Heng DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 20' 01" 105° 18' 22" F-48-43-B thôn Nà Khá DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 27" 105° 20' 27' F-48-43-B thôn Nà Kham DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 22' 29" 105° 20' 48" F-48-43-B núi Nà Kham SV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 47" 105° 20' 56" F-48-43-B Nà Khun DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 20' 59" 105° 20' 34" F-48-43-B thôn Nà Noong DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 23' 51" 105° 20' 49" F-48-43-B thôn Nà Reo DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 22' 26" 105° 19' 42" F-48-43-B thôn Nà Vai DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 22" 105° 20' 52" F-48-43-B Pác Lung DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 36" 105° 19' 01" F-48-43-B suối Phai Mang TV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 22' 56" 105° 19' 28" 22° 21' 11" 105° 22' 08" F-48-43-B núi Phia Bioóc SV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 22' 54" 105° 18' 19" F-48-43-B thôn Phiêng Bung DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 42" 105° 21' 43" F-48-43-B thôn Phiêng Quân DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 22' 03" 105° 18' 51" F-48-43-B thôn Phiêng Rào DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 59" 105° 19' 32" F-48-43-B núi Pù Bó SV xã Năng Khả H. Na Hang 22° 21' 31" 105° 20' 05" F-48-43-B Thôm Bưa DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 24' 42" 105° 20' 37" F-48-43-B Thôm Luông DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 24' 20" 105° 20' 15" F-48-43-B Thôm Pết DC xã Năng Khả H. Na Hang 22° 23' 35" 105° 20' 27" F-48-43-B thôn Trung Phìn DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 32' 58" 105° 22' 32" F-48-31-D thôn Bản Lá DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 36' 17" 105° 23' 40" F-48-31-D suối Bản Lá TV xã Sinh Long H. Na Hang 22° 36' 28" 105° 23' 53" 22° 35' 27" 105° 25' 18" F-48-31-D Khuổi Bốc DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 33' 24" 105° 23' 58" F-48-31-D thôn Khuổi Phìn DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 37' 49" 105° 20' 46" F-48-31-D thôn Lũng Khiêng DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 32' 44" 105° 24' 29" F-48-31-D thôn Nà Tấu DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 34' 28" 105° 22' 45" F-48-31-D thôn Nà Tham DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 34' 54" 105° 24' 40" F-48-31-D Nà Tống DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 34' 31" 105° 25' 05" F-48-31-D thôn Nặm Đường DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 35' 08" 105° 21' 41" F-48-31-D suối Nặm Đường TV xã Sinh Long H. Na Hang 22° 30' 24" 105° 20' 29" 22° 33' 07" 105° 25' 05" F-48-31-D suối Nặm Vàng TV xã Sinh Long H. Na Hang 22° 36' 24" 105° 25' 58" 22° 31' 57" 105° 25' 39" F-48-31-D thôn Phiêng Ngàm DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 33' 39" 105° 25' 00" F-48-31-D Phiêng Phốc DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 37' 57" 105° 19' 52" F-48-31-D thôn Phiêng Ten DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 32' 24" 105° 24' 32" F-48-31-D suối Phiêng Ten TV xã Sinh Long H. Na Hang 22° 32'19" 105° 24' 30" 22° 32' 31" 105° 25' 25" F-48-31-D Phiêng Thốc DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 33' 32" 105° 23' 30" F-48-31-D núi Phiêng Xả SV xã Sinh Long H. Na Hang 22° 35' 53" 105° 22' 01" F-48-31-D Thăm Đét DC xã Sinh Long H. Na Hang 22° 36' 03" 105° 24' 43" F-48-31-D đường tỉnh 190 KX xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 24' 01" 105° 27' 18" F-48-43-B Bản Bán DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 21' 35" 105° 26' 54" F-48-43-B thôn Bản Dạ DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 24' 07" 105° 30' 03" F-48-44-A thôn Bản Lằn DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 25' 14" 105° 30' 19" F-48-44-A thôn Bản Tàm DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 24' 55" 105° 28' 13" F-48-43-B núi Cốc Sông SV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 19' 50" 105° 29' 30" F-48-43-B suối Khuổi Tham TV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 19' 18" 105° 29' 27" 22° 20' 13" 105° 28' 52" F-48-43-B núi Nà Khéo SV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 21' 04" 105° 26' 16" F-48-43-B thôn Nà Lạ DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 22' 03" 105° 29' 14" F-48-43-B thôn Nà Mu DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 23' 41" 105° 30' 01" F-48-44-A Nà Nghè DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 22' 41" 105° 27' 03" F-48-43-B Nà Ơ DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 20' 53" 105° 28' 52" F-48-43-B thôn Nà Sảm DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 26' 49" 105° 28' 54" F-48-43-B thôn Phia Chang DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 20' 30" 105° 28' 47" F-48-43-B núi Phia Liêu SV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 23' 22" 105° 30' 21" F-48-44-A đèo Phia Phong SV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 25' 59" 105° 28' 41" 22° 23' 45" 105° 25' 36" F-48-43-B núi Pự Chố SV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 25' 58" 105° 29' 17" F-48-43-B núi Pù Là SV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 21' 30" 105° 25' 20" F-48-43-B suối Tham Lũng TV xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 18' 49" 105° 28' 14" 22° 19' 08" 105° 26' 57" F-48-43-B Vàng Bo DC xã Sơn Phú H. Na Hang 22° 23' 04" 105° 30' 08" F-48-44-A đường tỉnh 190 KX xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 19' 36" 105° 22' 05" 22° 15' 57" 105° 21' 02" F-48-43-B thôn Bắc Danh DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 17' 14" 105° 20' 20" F-48-43-B thôn Bản Bung DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 16' 49" 105° 25' 38" F-48-43-B suối Bản Bung TV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 17' 14" 105° 25' 49" 22° 17' 35" 105° 25' 15" F-48-43-B thôn Cổ Yểng DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 16' 19" 105° 25' 33" F-48-43-B thôn Đon Tâu DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 18' 34" 105° 23' 59" F-48-43-B sông Gâm TV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 19' 36" 105° 21' 49" 22° 15' 50" 105° 20' 56" F-48-43-B thôn Nà Coóc DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 17' 00" 105° 18' 56" F-48-43-B suối Nà Coóc TV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 16' 13" 105" 18' 28" 22" 17' 38" 105" 20' 01" F-48-43-B thôn Nà Đồn DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 18' 55" 105° 23' 17" F-48-43-B thôn Nà Đứa DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 18' 50" 105° 23' 43" F-48-43-B thôn Nà Mạ DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 18' 45" 105° 22' 52" F-48-43-B thôn Nà Né DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 19' 14" 105° 22' 49" F-48-43-B Nà Út DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 15' 58" 105° 25' 26" F-48-43-B suối Ngòi Nẻ TV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 19' 20" 105° 23' 49" 22° 19' 20" 105° 22' 02" F-48-43-B thôn Pá Làng DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 16' 33" 105° 23' 20" F-48-43-B Pắc Tù DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 16' 19" 105° 20' 11" F-48-43-B núi Phia Khao SV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 19' 48" 105° 24' 28" F-48-43-B suối Phiêng Lèng TV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 17' 08" 105° 23' 57" 22° 18' 42" 105° 24' 03" F-48-43-B suối Phoòng Mạ TV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 16' 35" 105° 23' 55" 22° 16' 59" 105° 21' 26" F-48-43-B núi Pù Com SV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 18' 15" 105° 15' 52" F-48-43-B núi Tam Chấn SV xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 15' 28" 105° 18' 22" F-48-43-B thôn Yên Thượng DC xã Thanh Tương H. Na Hang 22° 18' 27" 105° 24' 06" F-48-43-B thôn Bản Cưởm DC xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 36' 14" 105° 30' 58" F-48-32-C thôn Bản Muồng DC xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 37' 43" 105° 31' 27" F-48-32-C thôn Bản Vịt DC xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 37' 20" 105° 29' 51" F-48-32-C khuổi Lào TV xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 36' 08" 105" 31' 25" 22° 37' 03" 105° 29' 56" F-48-32-C thôn Nà Thài DC xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 36' 42" 105° 30' 15" F-48-32-C thôn Nặm Cằm DC xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 36' 30" 105° 28' 42" F-48-31-D suối Nặm Cằm TV xã Thượng Giáp H. Na Hang 22° 37' 03" 105° 29' 56" 22° 36' 49" 105° 28' 32" F-48-31-D thôn Bản Giỏng DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 34' 49" 105° 26' 47" F-48-31-D thôn Bản Khẻ DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 34' 33" 105° 31' 38" F-48-32-C Dé DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 34' 48" 105° 31' 16" F-48-32-C thôn Đông Đa 1 DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 34' 22" 105° 29' 21" F-48-31-D thôn Đông Đa 2 DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 33' 00" 105° 29' 08" F-48-31-D suối Đông Đăm TV xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 35' 16" 105° 31' 15" 22° 34' 23" 105° 29' 35" F-48-32-C thôn Khoan Thượng DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 33' 46" 105° 29' 27" F-48-31-D Nà Ngoa DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 35' 00" 105° 32' 24" F-48-32-C Nà Nọi DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 34' 30" 105° 27' 57" F-48-31-D thôn Nà Tà DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 34' 35" 105° 30' 35" F-48-32-C Nặm Pó DC xã Thượng Nông H. Na Hang 22° 35' 44" 105° 28' 45" F-48-31-D suối Bác Sát TV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 30' 36" 105° 29' 31" 22° 29' 59" 105° 28' 59" F-48-31-D thôn Bản Cuôn DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 31' 44" 105° 28' 41" F-48-31-D suối Bản Sát TV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 31' 53" 105° 31' 10" 22° 30' 36" 105° 29' 31" F-48-32-C thôn Bản Thác DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 30' 39" 105° 30' 06" F-48-32-C suối Bản Thác TV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 29' 59" 105° 28' 57" 22° 29'16" 105° 29' 19" F-48-43-B Bản Thìn DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 32' 31" 105° 31' 47" F-48-32-C thôn Bản Va DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 31' 51" 105° 31' 25" F-48-32-C Cốc Mạt DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 31' 08" 105° 31' 50" F-48-32-C núi Đán Khao SV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 33' 20" 105° 31' 43" F-48-32-C thôn Khâu Pồng DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 30' 29" 105° 31' 54" F-48-32-C núi Lũng Tặc SV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 29' 50" 105° 27' 14" F-48-43-B nậm Mường TV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 30' 47" 105° 27' 41" 22° 29' 59" 105° 28' 57" F-48-31-D núi Nà Bu SV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 32' 51" 105° 30' 12" F-48-32-C thôn Nà Chẻ DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 32' 53" 105° 30' 54" F-48-32-C thôn Nà Khuyến DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 30' 23" 105° 28' 41" F-48-43-B thôn Nà Luông DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 34' 02" 105° 32' 58" F-48-32-C thôn Nà Tông DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 31' 35" 105° 30' 34" F-48-32-C thôn Phiêng Nghịu DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 32' 40" 105° 33' 25" F-48-32-C suối Tá Lăn TV xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 29' 16" 105° 29' 19" 22° 29' 07" 105° 29' 39" F-48-43-B thôn Tân Thành DC xã Yên Hoa H. Na Hang 22° 30' 15" 105° 28' 46" F-48-31-D quốc lộ 37 KX TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 42' 23" 105° 23' 56" 21° 41' 54" 105° 25' 28" F-48-55-D-b tổ nhân dân An Đinh DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 42' 05" 105° 24' 23" F-48-55-D-b tổ nhân dân Bắc Hoàng DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 28" 105° 22' 42" F-48-55-D-b tổ nhân dân Bắc Lũng DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 50" 105° 23' 05" F-48-55-D-b Công ty Chè Tân Trào KX TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 52" 105° 22' 49" F-48-55-D-b ngòi Đát Cao TV TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 20" 105° 24' 44" 21° 41' 11" 105° 23' 09" F-48-55-D-b tổ nhân dân Đồng Tiến DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 42' 40" 105° 23' 51" F-48-55-D-b tổ nhân dân Hồ Tiêu DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 42' 40" 105° 24' 16" F-48-55-D-b tổ nhân dân Kỳ Lâm DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 52" 105° 23' 48" F-48-55-D-b tổ nhân dân Măng Ngọt DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 50" 105° 24' 49" F-48-55-D-b sông Phó Đáy TV TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 42' 53" 105° 24' 19" 21° 40' 09" 105° 23' 22" F-48-55-D-b cầu Sơn Dương KX TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 53" 105° 23' 34" F-48-55-D-b tổ nhân dân Thịnh Tiến DC TT. Sơn Dương H. Sơn Dương 21° 41' 56" 105° 24' 10" F-48-55-D-b thôn Bình Dân DC xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 43' 58" 105° 24' 47" F-48-55-D-b cầu Bình Yên KX xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 45' 12" 105° 25' 33" F-48-55-B-d thôn Đồng Min DC xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 44' 38" 105° 25' 28" F-48-55-D-b thôn Khấu Lấu DC xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 45' 14" 105° 26' 46" F-48-55-B-d núi Khuôn Lìu SV xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 43' 52" 105° 25' 24" F-48-55-D-b thôn Lập Binh DC xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 45' 50" 105° 27' 04" F-48-55-B-d suối Ngòi Khảm TV xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 43' 36" 105° 25' 43" 21° 43' 39" 105° 24' 39" F-48-55-D-b sông Phó Đáy TV xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 46' 00" 105° 26' 28" 21° 43' 35" 105° 24' 36" F-48-55-B-d núi Tào Cáo SV xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 44' 05" 105° 25' 41" F-48-55-D-b cầu Thác Dẫng KX xã Bình Yên H. Sơn Dương 21° 46' 00" 105° 26' 29" F-48-55-B-d đồi Cây Sui SV xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 41' 37" 105° 17' 37" F-48-55-D-a núi Đài SV xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 42' 27" 105° 16' 50" F-48-55-D-a thôn Đồng Chiêm DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 41' 54" 105° 16' 54" F-48-55-D-a thôn Đồng Lợi DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 43' 17" 105° 17' 24" F-48-55-D-a thôn Hòa Bình DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 41' 53" 105° 16' 25" F-48-55-D-a thôn Mắt Rồng DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 43' 01" 105° 17' 05" F-48-55-D-a thôn Phú Lương DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 42' 13" 105° 15' 45" F-48-55-D-a thôn Thái Bình DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 42' 13" 105° 17' 42" F-48-55-D-a thôn Tiến Thắng DC xã Cấp Tiến H. Sơn Dương 21° 42' 42" 105° 16' 40" F-48-55-D-a thôn Cầu Đá DC xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 34' 43" 105° 18' 34" F-48-55-D-c thôn Cây Gạo DC xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 35' 29" 105° 18' 34" F-48-55-D-c hồ Cây Gạo TV xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 35' 56" 105° 18' 51" F-48-55-D-c suối Cây Gạo TV xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 36' 26" 105° 19' 32" 21° 35' 58" 105° 18' 58" F-48-55-D-c thôn Chi Thiết DC xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 35' 20" 105° 17' 57" F-48-55-D-c thôn Cờ Dương DC xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 34' 36" 105° 17' 50" F-48-55-D-c kênh Đào TV xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 35' 45" 105° 18' 00" 21° 35' 39" 105° 17' 40" F-48-55-D-c núi Lịch SV xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 37' 18" 105° 19' 33" F-48-55-D-c thôn Phú Thị DC xã Chi Thiết H. Sơn Dương 21° 34' 45" 105° 17' 08" F-48-55-D-c thôn An Mỹ DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 21" 105° 25' 00" F-48-55-D-d núi Bão SV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 34' 38" 105° 24' 51" F-48-55-D-d ngòi Bom TV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 33' 03" 105° 24' 58" 21° 32' 29" 105° 25' 41" F-48-55-D-d thôn Cầu Lội DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 02" 105° 26' 41" F-48-55-D-d đập Đồng Mó KX xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 38" 105° 23' 52" F-48-55-D-d thôn Đồng Na DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 42" 105° 26' 43" F-48-55-D-d thôn Đồng Sớm DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 08" 105° 24' 51" F-48-55-D-d thôn Dũng Vi DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 37" 105° 26' 02" F-48-55-D-d suối Dũng Vi TV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 06" 105° 25' 42" 21° 32' 30" 105° 27' 00" F-48-55-D-d thôn Hải Mô DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 15" 105° 26' 12" F-48-55-D-d đập Hải Mô KX xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 06" 105° 25' 40" F-48-55-D-d thôn Hoa Lũng DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 47" 105° 25' 29" F-48-55-D-d hồ Hoa Lũng TV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 33' 04" 105° 25' 07" F-48-55-D-d thôn Hữu Vu DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 19" 105° 26' 29" F-48-55-D-d suối Hữu Vu TV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 39" 105° 26'10" 21° 32' 16" 105° 27' 30" F-48-55-D-d suối Lũng Giao TV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 13" 105° 25' 16" 21° 32' 39" 105° 26'10" F-48-55-D-d thôn Lý Sửu DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 21" 105° 27' 07" F-48-55-D-d thôn Mãn Hóa DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 31" 105° 24' 53" F-48-55-D-d suối Mãn Hòa TV xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 31' 31" 105° 24' 38" 21° 32' 15" 105° 25' 22" F-48-55-D-d thôn Thạch Khuôn DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 23" 105° 24' 07" F-48-55-D-d thôn Thái Sơn DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 46" 105° 26' 12" F-48-55-D-d thôn Tứ Thể DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 32' 49" 105° 24' 53" F-48-55-D-d thôn Vinh Phú DC xã Đại Phú H. Sơn Dương 21° 33' 02" 105° 24' 26" F-48-55-D-d thôn An Khang DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 34' 11" 105° 18' 21" F-48-55-D-c thôn An Lịch DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 34' 34" 105° 18' 44" F-48-55-D-c thôn An Ninh DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 34' 05" 105° 18' 48" F-48-55-D-c núi Bầu SV xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 35' 39" 105° 22' 21" F-48-55-D-c thôn Cao Ngỗi DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 35' 43" 105° 20' 47" F-48-55-D-c thôn Đồng Bừa DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 34' 24" 105° 20' 26" F-48-55-D-c thôn Nhà Xe DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 34' 47" 105° 19' 57" F-48-55-D-c thôn Phúc Kiện DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 35' 02" 105° 19' 24" F-48-55-D-c thôn Sùng Lễ DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 34' 31" 105° 19' 26" F-48-55-D-c thôn Xóm Nứa DC xã Đông Lợi H. Sơn Dương 21° 35' 24" 105° 19' 17" F-48-55-D-c thôn Cây Táu DC xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 37' 58" 105° 17' 29" F-48-55-D-a thôn Đồng Cảy DC xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 37' 32" 105° 16' 47" F-48-55-D-a thôn Như Xuyên DC xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 38' 15" 105° 17' 28" F-48-55-D-a hồ Như Xuyên TV xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 38' 20" 105° 17' 42" F-48-55-D-a suối Như Xuyên TV xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 38' 14" 105° 17' 38" 21° 37' 50" 105° 16' 56" F-48-55-D-a thôn Quý Nhân DC xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 36' 58" 105° 16' 15" F-48-55-D-c thôn Thanh Lương DC xã Đồng Quý H. Sơn Dương 21° 37' 47" 105° 16' 25" F-48-55-D-a đường tỉnh 186 KX xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 38' 21" 105° 16' 29" 21° 41' 54" 105° 20' 06" F-48-55-D-a thôn Đá Trơn DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 11" 105° 16' 36" F-48-55-D-a thôn Đông Ninh DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 18" 105° 15' 17" F-48-55-D-a thôn Đông Trai DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 08" 105° 14' 26" F-48-55-C-b Gốc Mít DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 38' 34" 105° 16' 21' F-48-55-D-a thôn Hà Sơn DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 41' 45" 105° 20' 05" F-48-55-D-a Hưng Long DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 06" 105° 15' 53" F-48-55-D-a thôn Hữu Lộc DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 33" 105° 16' 06" F-48-55-D-a suối Khe Cam TV xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 37' 36" 105° 19' 47" 21° 38' 26" 105° 18' 31" F-48-55-D-a thôn Khúc Nô DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 55" 105° 17' 41" F-48-55-D-a thôn Lâm Khê DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 34" 105° 17' 10" F-48-55-D-a thôn Làng Hào DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 12" 105° 17' 48" F-48-55-D-a thôn Làng Mông DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 38' 53" 105° 18' 35" F-48-55-D-a ngòi Liễm TV xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 21" 105° 15' 00" 21° 39' 51" 105° 15' 43" F-48-55-D-a sông Lô TV xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 41' 17" 105° 15' 00" 21° 38' 39" 105° 14' 07" F-48-55-C-b, F-48-55-D-a núi Mắng SV xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 36" 105° 18' 54" F-48-55-D-a ngòi Mong TV xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 50" 105° 19' 08" 21° 38' 28" 105° 18' 08" F-48-55-D-a thôn Mỹ Thọ DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 16" 105° 17' 20" F-48-55-D-a Ninh Thái DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 39' 33" 105° 15' 15" F-48-55-D-a thôn Tân An DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 41' 10" 105° 19' 38" F-48-55-D-a Tân Lập DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 31" 105° 15' 02" F-48-55-D-a thôn Trung Thu DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 38' 43" 105° 16' 19" F-48-55-D-a Vòng Kiềng DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 06" 105° 16' 50" F-48-55-D-a thôn Xạ Hương DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 40' 03" 105° 14' 13" F-48-55-C-b thôn Y Nhân DC xã Đông Thọ H. Sơn Dương 21° 41' 05" 105° 18' 53" F-48-55-D-a thôn Đào Tiến DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 33' 36" 105° 19' 21" F-48-55-D-c thôn Đồng Phú DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 32' 59" 105° 19' 12" F-48-55-D-c thôn Đồng Tâm DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 33' 06" 105° 17' 40" F-48-55-D-c thôn Phú Đa DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 32' 41" 105° 19' 10" F-48-55-D-c thôn Phú Thịnh DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 31' 56" 105° 19' 23" F-48-55-D-c thôn Quang Tất DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 33' 05" 105° 19' 49" F-48-55-D-c thôn Thắng Lợi DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 32' 48" 105° 18' 47" F-48-55-D-c thôn Thọ Đức DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 33' 16" 105° 18' 23" F-48-55-D-c thôn Trại Mít DC xã Hào Phú H. Sơn Dương 21° 33' 48" 105° 17' 32" F-48-55-D-c đường tỉnh 186 KX xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 34' 27" 105° 17' 03" 21° 33' 47" 105° 16' 38" F-48-55-D-c thôn Cây Châm DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 36' 04" 105° 16' 17" F-48-55-D-c thôn Cây Vạng DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 34' 17" 105° 16' 35" F-48-55-D-c thôn Đình Lộng DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 34' 47" 105° 16' 09" F-48-55-D-c Công ty Đường Sơn Dương KX xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 33' 27" 105° 17' 21" F-48-55-D-c thôn Gò Đình DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 33' 36" 105° 16' 42" F-48-55-D-c thôn Kho Chín DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 34' 11" 105° 17' 11" F-48-55-D-c thôn Khổng DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 34' 17" 105° 16' 01" F-48-55-D-c thôn Kim Xuyên DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 33' 25" 105° 16' 37" F-48-55-D-c cầu Kim Xuyên KX xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 33' 49" 105° 16' 34" F-48-55-D-c sông Lô TV xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 34' 14" 105° 15' 35" 21° 33' 18" 105° 16' 13" F-48-55-D-c thôn Vạn Long DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 35' 10" 105° 16' 42" F-48-55-D-c thôn Xóm Hồ DC xã Hồng Lạc H. Sơn Dương 21° 35' 25" 105° 16' 01" F-48-55-D-c Ao Sen DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 37' 05" 105° 25' 30" F-48-55-D-d ỉhôn Cầu Đá DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 36' 36" 105° 25' 53" F-48-55-D-d suối Cầu Giát TV xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 36' 56" 105° 26' 40" 21° 34' 57" 105° 26' 35" F-48-55-D-d đập Cây Châm KX xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 35' 40" 105° 26' 38" F-48-55-D-d thôn Đồng Báo DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 36' 01" 105° 26' 30" F-48-55-D-d thôn Đồng Chùa DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 37' 48" 105° 24' 59" F-48-55-D-b thôn Đồng Giang DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 36' 38" 105° 26' 46" F-48-55-D-d thôn Đồng Phai DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 37' 12" 105° 25' 58" F-48-55-D-d ngòi Lẹm TV xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 39' 20" 105° 26' 13" 21° 37' 14" 105° 25' 24" F48-55-D-b thôn Ninh Hòa DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 39' 06" 105° 24' 19" F-48-55-D-b thôn Núi Độc DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 37' 29" 105° 25' 32" F-48-55-D-b sông Phó Đáy TV xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 39' 35" 105° 23' 39" 21° 35' 25" 105° 26' 14" F-48-55-D-b dãy núi Tam Đảo SV xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 37' 55" 105° 28' 12" F-48-55-D-b thôn Tân Dân DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 35' 56" 105° 27' 21" F-48-55-D-d thôn Tân Trào DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 35' 28" 105° 26' 44" F-48-55-D-d thôn Thanh Bình DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 38' 00" 105° 24' 38" F-48-55-D-b thôn Thanh Sơn DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 38' 47" 105° 25' 32" F-48-55-D-b thôn Việt Hoà DC xã Hợp Hòa H. Sơn Dương 21° 36' 23" 105° 26' 55" F-48-55-D-d quốc lộ 37 KX xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 41' 12" 105° 29' 08" 21° 42' 23" 105° 24' 20" F-48-55-D-b thôn Cầu Trắng DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 41' 25" 105° 27' 17" F-48-55-D-b thôn Cây Mơ DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 37" 105° 24' 36" F-48-55-D-b thôn Địa Chất DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 20" 105° 24' 34" F-48-55-D-b thôn Đồng Búc DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 41' 55" 105° 25' 43" F-48-55-D-b thôn Đồng Đài DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 40' 26" 105° 28' 19" F-48-55-D-b thôn Đồng Diễn DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 41' 52" 105° 27' 34" F-48-55-D-b đèo Khế SV xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 41' 13" 105° 29' 08" F-48-55-D-b thôn Làng Sảo DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 56" 105° 24' 37" F-48-55-D-b hồ Làng Sảo TV xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 43' 03" 105° 24' 41" F-48-55-D-b thôn Rộc DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 17" 105° 26' 43" F-48-55-D-b thôn Trầm DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 15" 105° 26' 21" F-48-55-D-b cầu Trầm KX xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 03" 105° 26' 42" F-48-55-D-b thôn Trúc Khê DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 41' 10" 105° 28' 13" F-48-55-D-b thôn Tứ Thông DC xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 42' 16" 105° 25' 03" F-48-55-D-b suối Từ Trầm TV xã Hợp Thành H. Sơn Dương 21° 40' 19" 105° 28' 29" 21° 42' 53" 105° 24' 19" F-48-55-D-b thôn Ba Khe DC xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 40' 08" 105° 24' 04" F-48-55-D-b Chi nhánh Xí nghiệp Thiếc KX xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 40' 02" 105° 25' 42" F-48-55-D-b đèo Kháng Nhật SV xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 39' 48" 105° 28' 04" F-48-55-D-b thôn Lẹm DC xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 39' 26" 105° 26' 42" F-48-55-D-b đèo Mon SV xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 39' 57" 105° 23' 32" F-48-55-D-b dãy núi Tam Đảo SV xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 35' 41" 105° 30' 53" F-48-55-D-b núi Tam Đảo SV xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 38' 22" 105° 29' 44" F-48-55-D-b núi Thanh Sơn SV xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 38' 49" 105° 27' 37" F-48-55-D-b thôn Trung Tâm DC xã Kháng Nhật H. Sơn Dương 21° 40' 28" 105° 25' 41" F-48-55-D-b núi Lão SV xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 30' 58" 105° 19' 17" F-48-55-D-c thôn Phan Lương DC xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 30' 52" 105° 19' 42" F-48-55-D-c thôn Phú Thịnh DC xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 23' 105° 19' 00" F-48-55-D-c thôn Phú Thọ 1 DC xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 00" 105° 18' 10" F-48-55-D-c thôn Phú Thọ 2 DC xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 13" 105° 17' 56" F-48-55-D-c thôn Quyết Thắng DC xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 29" 105° 17' 49" F-48-55-D-c thôn Quyết Tiến DC xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 39" 105° 18' 30" F-48-55-D-c núi Sộp SV xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 37" 105° 19' 02" F-48-55-D-c núi Trâm SV xã Lâm Xuyên H. Sơn Dương 21° 31' 15" 105° 18' 09" F-48-55-D-c núi Đan Diêm SV xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 44' 01" 105° 28' 30" F-48-55-D-b thôn Đồng Chanh DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 44' 16" 105° 28' 10" F-48-55-D-b thôn Đồng Quan DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 44' 43" 105° 27' 51" F-48-55-D-b thôn Đồng Tậu DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 43' 44" 105° 26' 21" F-48-55-D-b ngòi Khâm TV xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 44' 39" 105° 29' 52" 21° 43' 34" 105° 25' 45" F-48-55-D-b thôn Khuôn Tâm DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 43' 36" 105° 28' 17" F-48-55-D-b thôn Phục Hưng DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 44' 40" 105° 27' 10" F-48-55-D-b suối Quang Đạm TV xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 44' 16" 105° 29' 14" 21° 44' 51" 105° 26' 58" F-48-55-D-b thôn Tân Thượng DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21° 43' 00" 105° 28' 37" F-48-55-D-b thôn Tân Tiến DC xã Lương Thiện H. Sơn Dương 21 "43' 58" 105° 29' 02" F-48-55-D-b núi Bâng SV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 45" 105° 24' 49" F-48-55-B-d cầu Bâng KX xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 53" 105° 25' 25" F-48-55-B-d khu di tích Bộ ngoại giao KX xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 03" 105° 24' 19" F-48-55-B-d thôn Cả DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 45' 22" 105° 23' 49" F-48-55-B-d thôn Cầu DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 45' 37" 105° 23' 44" F-48-55-B-d thôn Cảy DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 45' 39" 105° 24' 26" F-48-55-B-d đèo Chắn SV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 09" 105° 25' 43" F-48-55-B-d núi Cháy SV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 59" 105° 23' 52" F-48-55-B-d thôn Cò DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 46' 23" 105° 24' 05" F-48-55-B-d núi Đền SV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 16" 105° 23' 41" F-48-55-B-d thôn Dõn DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 18" 105° 24' 40" F-48-55-B-d thôn Đồng Đon DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 00" 105° 24' 01" F-48-55-B-d thôn Lê DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 08" 105° 25' 09" F-48-55-B-d hồ Lê TV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 46' 59" 105° 25' 13" F-48-55-B-d suối Lê TV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 38" 105° 22' 39" 21° 47' 24" 105° 25'12" F-48-55-B-d Khuổi Luông TV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 03" 105° 22' 24" 21° 47' 16" 105° 23' 00" F-48-55-B-d thôn Mới DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 17" 105° 24' 21" F-48-55-B-d thôn Ngòi Trườn DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 46' 29" 105° 23' 03" F-48-55-B-d khu di tích Nha công an trung ương KX xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 46' 51" 105° 24' 10" F-48-55-B-d thôn Niếng DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 48' 07" 105° 25' 12" F-48-55-B-d sông Phó Đáy TV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 48' 13" 105° 25' 39" 21° 47' 16" 105° 25' 48" F-48-55-B-d thôn Quang Thanh DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 45' 26" 105° 24' 47" F-48-55-B-d thôn Tân Thái DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 44' 37" 105° 25' 00" F-48-55-D-b thôn Tân Thành DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 45' 10" 105° 25' 13" F-48-55-B-d khuổi Tiêu TV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 45' 46" 105° 22' 44" 21° 45' 21" 105° 23' 52" F-48-55-B-d thôn Toa DC xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 47' 48" 105° 25' 12" F-48-55-B-d núi Trung Quốc SV xã Minh Thanh H. Sơn Dương 21° 48' 16" 105° 24' 31" F-48-55-B-d thôn Ấp Mới DC xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 31' 46" 105° 29' 44" F-48-55-D-d suối Cả TV xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21' 34' 59" 105° 30'28" 21° 33' 24" 105° 28' 35" F-48-55-D-d F-48-56-C-c suối Gai TV xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 34' 10" 105° 31' 13" 21° 32' 51" 105° 29' 05" F-48-55-D-d thôn Hoàng Tân DC xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 32' 29° 105° 30' 10" F-48-56-C-c thôn Hội Kế DC xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 33' 16" 105° 29' 01" F-48-55-D-d thôn Hợp Hòa DC xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 32' 14" 105° 29' 17" F-48-55-D-d thôn Nhật Tân DC xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 33' 56" 105° 29' 25" F-48-55-D-d thôn Ninh Lai DC xã Ninh Lai H. Sơn Dương 21° 32' 42" 105° 29' 45" F-48-55-D-d thôn An Thịnh DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 33' 35" 105° 21' 20" F-48-55-D-c thôn Cầu Trâm DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 33' 19" 105° 22' 37" F-48-55-D-d thôn Đồng Khuân DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 34' 08" 105° 22' 02" F-48-55-D-c thôn Gia Cát DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 32' 39" 105° 21' 46" F-48-55-D-c thôn Gia Lập DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 32' 31" 105° 21' 33" F-48-55-D-c thôn Hưng Tiến DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 33' 31" 105° 22' 15" F-48-55-D-c thôn Lãng Nhiêu DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 32' 06" 105° 22' 41" F-48-55-D-d thôn Lão Nhiêu DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 32' 14" 105° 22' 58" F-48-55-D-d thôn Phú Nhiêu DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 31' 39" 105° 23' 37" F-48-55-D-d thôn Phú Sơn DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 31' 53" 105° 23' 13" F-48-55-D-d thôn Trấn Kiêng DC xã Phú Lương H. Sơn Dương 21° 33' 23" 105° 23' 20" F-48-55-D-d quốc lộ 2C KX xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 42' 02" 105° 22' 04" 21° 37' 38" 105° 23' 11" F-48-55-D-a thôn Cây Thị DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 41' 12" 105° 21' 48" F-48-55-D-a thôn Đá Cả DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 11" 105° 21' 16" F-48-55-D-a thôn Đá Ngựa DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 20" 105° 21' 46" F-48-55-D-a thôn Định Chung DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 38' 35" 105° 23' 41" F-48-55-D-b íhôn Đồng Luộc DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 42" 105° 21' 31" F-48-55-D-a ngòi Đồng Luộc TV xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 52" 105° 19' 51" 21° 39' 28" 105° 22' 22" F-48-55-D-a thôn Hang Hút DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 38' 32" 105° 22' 03" F-48-55-D-a đèo Khuôn Gio SV xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 37' 43" 105° 23' 14" F-48-55-D-b thôn Khuôn Ráng DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 38' 25" 105° 23' 09" F-48-55-D-b thôn Khuôn Thê DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 40' 43" 105° 22' 07" F-48-55-D-a thôn Liên Phương DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 48" 105° 20' 21" F-48-55-D-a thôn Liên Thành DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 10" 105° 21' 51" F-48-55-D-a thôn Minh Lệnh DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 46" 105° 21' 53" F-48-55-D-a đèo Mông SV xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 49" 105° 19' 35" F-48-55-D-a thôn Phai Cày DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 41' 38" 105° 21' 42" F-48-55-D-a thôn Phú Lộc DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 40' 05" 105° 20' 16" F-48-55-D-a thôn Phúc Lợi DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 40' 26" 105° 21' 18" F-48-55-D-a thôn Phúc Vượng DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 39" 105° 22' 33" F-48-55-D-b cầu Phúc Vượng KX xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 35" 105° 22' 36" F-48-55-D-b thôn Phương Cẩm DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 39' 40" 105° 20' 34" F-48-55-D-a hồ Phương Nam TV xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 38' 07" 105° 22' 57" F-48-55-D-b thôn Vĩnh Phúc DC xã Phúc Ứng H. Sơn Dương 21° 38' 21" 105° 24' 22" F-48-55-D-b thôn Bãi Sặt DC xã Quyết Thắng H. Sơn Dương 21° 38' 08" 105° 15' 26" F-48-55-D-a thôn Lãng Cư DC xã Quyết Thắng H. Sơn Dương 21° 37' 10" 105° 14' 49" F-48-55-C-d thôn Liên Thắng DC xã Quyết Thắng H. Sơn Dương 21° 38' 01" 105° 14' 47" F-48-55-C-b thôn Sài Lĩnh DC xã Quyết Thắng H. Sơn Dương 21° 37' 51" 105° 13' 49" F-48-55-C-b thôn Thượng Bản DC xã Quyết Thắng H. Sơn Dương 21° 38' 42" 105° 14' 42" F-48-55-C-b thôn Hưng Thịnh DC xã Sầm Dương H. Sơn Dương 21° 33' 01" 105° 16' 24" F-48-55-D-c thôn Lương Thiện DC xã Sầm Dương H. Sơn Dương 21° 32' 31' 105° 17' 42" F-48-55-D-c núi Pheo SV xã Sầm Dương H. Sơn Dương 21° 32' 52" 105° 17' 39" F-48-55-D-c thôn Thái Thịnh DC xã Sầm Dương H. Sơn Dương 21° 32' 11" 105° 17' 54" F-48-55-D-c quốc lộ 2C KX xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 34' 20" 105° 26' 49" 21° 31' 10" 105° 29' 14" F-48-55-D-d thôn Ao Xanh DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 32' 03" 105° 28' 05" F-48-55-D-d suối Bâm TV xã Sơn Nam H, Sơn Dương 21° 32' 16" 105° 27' 30" 21° 31' 41" 105° 29' 40" F-48-55-D-d cầu Bâm KX xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 32' 15" 105° 28' 31" F-48-55-D-d thôn Bình Man DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 31' 34" 105° 28' 59" F-48-55-D-d thôn Cầu Bâm DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 32' 23" 105° 28' 35" F-48-55-D-d thôn Cây Cọ DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 33' 10" 105° 28' 24" F-48-55-D-d ihôn Khoan Lư DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 33' 18" 105° 27' 06" F-48-55-D-d hồ Khoan Lư TV xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 33' 15" 105° 26' 54" F-48-55-D-d thôn Làng Nàng DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 31' 39" 105° 26' 41" F-48-55-D-d thôn Nam Hiên DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 31' 31" 105° 27' 25" F-48-55-D-d sông Phó Đáy TV xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 34' 28" 105° 26' 54" 21° 31' 41" 105° 29' 41" F-48-55-D-d đồi Quả Báo SV xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 31' 26" 105° 28' 33" F-48-55-D-d thôn Quyết Thắng DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 33' 11" 105° 27' 36" F-48-55-D-d thôn Thanh Thất DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 33' 50" 105° 27' 29" F-48-55-D-d thôn Văn Bảo DC xã Sơn Nam H. Sơn Dương 21° 32' 50" 105° 28' 09" F-48-55-D-d íhôn An Lạc DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 04" 105° 19' 49" F-48-55-D-c thôn Cẩm Bào DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 34" 105° 20' 59" F-48-55-D-c thôn Cầu Kỳ DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 29" 105° 19' 59" F-48-55-D-c thôn Đồng Tâm DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 33' 38" 105° 20' 25" F-48-55-D-c thôn Hội Xuân DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 17" 105° 20' 08" F-48-55-D-c thôn Lộ Viên DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 10" 105° 21' 18" F-48-55-D-c thôn Lương Viên DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 57" 105° 21' 00" F-48-55-D-c thôn Nho Quan DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 33' 15" 105° 20' 32" F-48-55-D-c thôn Phú An DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 37" 105° 19' 51" F-48-55-D-c thôn Phú Thọ DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 20" 105° 20' 44" F-48-55-D-c thôn Phú Xuân DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 03" 105° 20' 20" F-48-55-D-c thôn Tân Lộc DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 25" 105° 21' 23" F-48-55-D-c thôn Tân Mỹ DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 42" 105° 20' 12" F-48-55-D-c thôn Tân Phú DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 20" 105° 20' 26" F-48-55-D-c thôn Tân Thành DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 07" 105° 20' 25" F-48-55-D-c thôn Tân Tiến DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 19" 105° 20' 17" F-48-55-D-c thôn Thái Hoà DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 31' 37" 105° 21' 44" F-48-55-D-c thôn Vi Lăng DC xã Tam Đa H. Sơn Dương 21° 32' 21" 105° 20' 46" F-48-55-D-c quốc lộ 2C KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 45' 23" 105° 25' 42" 21° 47' 09" 105° 25' 44" F-48-55-B-d thôn Bòng DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 45' 59" 105° 26' 21" F-48-55-B-d núi Bòng SV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 45' 59" 105° 26' 08" F-48-55-B-d thôn Cả DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 37" 105° 25' 49" F-48-55-B-d núi Đá Thia SV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 09" 105° 26' 44" F-48-55-B-d đình Hồng Thái KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 37" 105° 26' 12" F-48-55-B-d Khai Hoang DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 19" 105° 28' 44" F-48-55-B-d núi Khau Nhì SV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 47' 52" 105° 29' 34" F-48-55-B-d núi Khau Tứ SV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 47' 10" 105° 27' 51" F-48-55-B-d hồ Lán Bác TV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 41" 105° 28' 48" F-48-55-B-d thôn Lũng Búng DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 34" 105° 27' 31" F-48-55-B-d thôn Mỏ Ché DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 08" 105° 27' 51" F-48-55-B-d cầu Nà Lừa KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 32" 105° 28' 46" F-48-55-B-d lán Nà Lừa KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 34" 105° 28' 57" F-48-55-B-d cầu Suối Thia 1 KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 34" 105° 27' 00" F-48-55-B-d cầu Suối Thia 2 KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 34" 105° 27' 13" F-48-55-B-d thôn Tân Lập DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 38" 105° 28' 28" F-48-55-B-d bảo tàng Tân Trào KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 33" 105° 28' 06" F-48-55-B-d cây đa Tân Trào KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 28" 105° 28' 30" F-48-55-B-d đình Tân Trào KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 32" 105° 28' 16" F-48-55-B-d thôn Thia DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 29" 105° 26' 42" F-48-55-B-d ngòi Thia TV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 45' 41" 105° 28' 59" 21° 46' 15" 105° 26' 28" F-48-55-B-d thôn Tiền Phong DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 18" 105° 25' 06" F-48-55-B-d hồ Tiền Phong TV xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 26" 105° 24' 57" F-48-55-B-d cầu Trắng KX xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 29" 105° 26' 29" F-48-55-B-d thôn Vĩnh Tân DC xã Tân Trào H. Sơn Dương 21° 46' 59" 105° 26' 21" F-48-55-B-d suối Buồm TV xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 37' 22" 105° 20' 52" 21° 37' 43" 105° 21' 21" F-48-55-D-c thôn Cầu Khoai DC xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 38' 46" 105° 19' 25" F-48-55-D-a suối Cầu Khoai TV xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 38' 49" 105° 19' 49" 21° 38' 46" 105° 19' 03" F-48-55-D-a thôn Cây Nhội DC xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 38' 02" 105° 20' 55" F-48-55-D-a thôn Lục Liêu DC xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 36' 56" 105° 22' 18" F-48-55-D-c suối Lục Liêu TV xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 38' 13" 105° 20' 27" 21° 36' 38" 105° 23' 22" F-48-55-D-a suối Nóng TV xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 36' 31" 105° 21' 35" 21° 37' 06" 105° 22' 24" F-48-55-D-c suối Phú Minh TV xã Thanh Phát H. Sơn Dương 21° 36' 59" 105° 21' 00" 21° 37' 19" 105° 21' 53" F-48-55-D-c suối Cầu Khum TV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 35' 05" 105° 27' 51" 21° 34' 08" 105° 27' 47" F-48-55-D-d ngòi Cho TV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 36' 06" 105° 29' 11" 21° 35' 23" 105° 28' 49" F-48-55-D-d suối Dò TV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 37' 07" 105° 28' 48" 21° 34' 57" 105° 26' 51" F-48-55-D-d thôn Kế Tân DC xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 35' 16" 105° 28' 09" F-48-55-D-d thôn Làng Sinh DC xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 35' 12" 105° 27' 31" F-48-55-D-d hồ Nhật Tân TV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 34' 10" 105° 29' 12" F-48-55-D-d sông Phó Đáy TV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 34' 46" 105° 26' 54" 21° 33' 23" 105° 28' 34" F-48-55-D-d dãy Tam Đảo SV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 35' 41" 105° 30' 53" F-48-56-C-c suối Thiện TV xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 35' 23" 105° 28' 49" 21° 34' 05" 105° 27' 47" F-48-55-D-d cầu Thiện Kế KX xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 33' 46" 105° 27' 51" F-48-55-D-d thôn Thiện Phong DC xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 34' 23" 105° 28' 39" F-48-55-D-d thôn Vạt Chanh DC xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 34' 33" 105° 27' 17" F-48-55-D-d thôn Xóm Đá DC xã Thiện Kế H. Sơn Dương 21° 33' 48" 105° 28' 35" F-48-55-D-d quốc lộ 37 KX xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 53" 105° 18' 12" 21° 43' 19" 105° 20' 30" F-48-55-B-c, F-48-55-D-a thôn Ấm Thắng DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 13" 105° 18' 44" F-48-55-B-c thôn Cận DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 07" 105° 19' 16" F-48-55-B-c thôn Cây Phay DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 43' 48" 105° 20' 25" F-48-55-D-a thôn Đồng Bèn 1 DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 44' 04" 105° 20' 14" F-48-55-D-a thôn Đồng Dài DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 44' 37" 105° 19' 01" F-48-55-D-a thôn Đồng Trôi DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 44' 38" 105° 19' 45" F-48-55-D-a thôn Đồng Ván DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 32" 105° 18' 33" F-48-55-B-c thôn Hàm Ếch DC xã Thượng Ắm H. Sơn Dương 21° 45' 29" 105° 19' 07" F-48-55-B-c thôn Hồng Tiến DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 43' 28" 105° 19' 09" F-48-55-D-a thôn Khuân Lăn DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 42' 29" 105° 18' 59" F-48-55-D-a suối Soan TV xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 43" 105° 18' 09" 21° 44' 38" 105° 19' 20" F-48-55-D-a thôn Thượng Ấm DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 43' 52" 105° 18' 18" F-48-55-D-a đèo Thượng Ấm SV xã Thượng Ắm H. Sơn Dương 21° 43' 58" 105° 18' 34" F-48-55-D-a thôn Vườn Đào DC xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 44' 20" 105° 18' 30" F-48-55-D-a chợ Xoan KX xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 09" 105° 18' 35" F-48-55-B-c cầu Xoan 2 KX xã Thượng Ấm H. Sơn Dương 21° 45' 53" 105° 18' 12" F-48-55-B-c thôn Ao Búc DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 28" 105° 25' 40" F-48-55-B-d thôn Đồng Mà DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 14" 105° 26' 00" F-48-55-B-d thôn Hoàng Lâu DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 06" 105° 27' 34" F-48-55-B-d núi Khau Nhù SV xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 28" 105° 29' 12" F-48-55-B-d thôn Khuân Đào DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 34" 105° 27' 47" F-48-55-B-d suối Nà Nghia TV xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 50' 01" 105° 27' 01" 21° 49' 01" 105° 25' 57" F-48-55-B-d Nà Tè DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 40" 105° 27' 22" F-48-55-B-d hồ Ngòi Môn Ao Búc TV xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 24" 105° 25' 06" F-48-55-B-d Pắp Pẻn DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 45" 105° 28' 24" F-48-55-B-d sông Phó Đáy TV xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 51" 105° 25' 35" 21° 47' 17" 105°26'284" F-48-55-B-d thôn Quan Hạ DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 15" 105° 26' 10" F-48-55-B-d thôn Trung Long DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 12" 105° 26' 31" F-48-55-B-d hồ Trung Long TV xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 11" 105° 27' 19" F-48-55-B-d cầu Trung Yên KX xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 48' 39" 105° 25' 55" F-48-55-B-d Xóm Mới DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 49' 47" 105° 26' 58" F-48-55-B-d thôn Yên Thượng DC xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 47' 28" 105° 25' 50" F-48-55-B-d hồ Yên Thượng TV xã Trung Yên H. Sơn Dương 21° 47' 48" 105° 26' 16" F-48-55-B-d quốc lộ 37 KX xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 19" 105° 20' 30" 21° 42' 02" 105° 22' 04" F-48-55-D-a cầu Bì KX xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 44' 10" 105° 24' 25" F-48-55-D-b hồ Bồ Hòn TV xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 41" 105° 21' 15" F-48-55-D-a ngòi Ca TV xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 31" 105° 19' 39" 21° 43' 27" 105° 20' 35" F-48-55-D-a thôn Cầu Bì DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 44' 16" 105° 24' 25" F-48-55-D-b thôn Cầu Quất DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 25" 105° 24' 21" F-48-55-D-b Cây Đa DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 22" 105° 21' 24" F-48-55-D-a thôn Đa Năng DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 03" 105° 21' 14" F-48-55-D-a cầu Đa Năng KX xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 11" 105° 20' 46" F-48-55-D-a hồ Đầm Bùng TV xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 24" 105° 21' 36" F-48-55-D-a thôn Đồng Hoan DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 57" 105° 23' 16" F-48-55-D-b ngòi Đồng Hoan TV xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 26" 105° 23' 03" 21° 43' 32" 105° 23' 38" F-48-55-D-b Đồng Nhàng DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 21" 105° 20' 04" F-48-55-D-a thôn Đông Thịnh DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 45" 105° 19' 59" F-48-55-D-a thôn Hưng Thịnh DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 51" 105° 20' 48" F-48-55-D-a thôn Hưng Thủy DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 25" 105° 21' 02" F-48-55-D-a núi Khánh SV xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 41" 105° 22' 12" F-48-55-D-a Mỏ Chim DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 39" 105° 19' 42" F-48-55-D-a Mỏ Giát DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 44' 20" 105° 23' 47" F-48-55-D-b ngòi Mỏ Giát TV xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 44' 47" 105° 23' 39" 21° 44' 06" 105° 24' 30" F-48-55-D-b thôn Ngãi Thắng DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 14" 105° 20' 36" F-48-55-D-a cầu Quất KX xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 16" 105° 24' 09" F-48-55-D-b thôn Tân Bình DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 41' 55" 105° 21' 37" F-48-55-D-a thôn Tân Hồng DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 56" 105° 24' 30" F-48-55-D-b Tân Thái DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 44' 32" 105° 24' 48" F-48-55-D-b thôn Tân Thắng DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 42' 59" 105° 20' 14" F-48-55-D-a thôn Tú Tạc DC xã Tú Thịnh H. Sơn Dương 21° 43' 20" 105° 22' 49" F-48-55-D-b núi Bầu SV xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 35' 39" 105° 22' 21" F-48-55-D-c thôn Cây Thị DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 36' 13" 105° 24' 37" F-48-55-D-d suối Cây Thị TV xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 36' 04" 105° 24' 21" 21° 35' 25" 105° 25' 48" F-48-55-D-d suối Đát TV xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 34' 23" 105° 26' 04" 21° 34' 36" 105° 26' 48" F-48-55-D-d thôn Đồng Chùa DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 36' 28" 105° 24' 19" F-48-55-D-d thôn Đồng Lạnh DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 34' 56" 105° 26' 11" F-48-55-D-d núi Hang Dơi SV xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 36' 57" 105° 23' 28" F-48-55-D-d suối Lầm TV xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 36' 38" 105° 23' 22" 21° 36' 58" 105° 24' 52" F-48-55-D-d thôn Múc Ròm DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 37' 29" 105° 24' 39" F-48-55-D-d thôn Nga Phụ DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 35' 34" 105° 25' 35" F-48-55-D-d thôn Tân Tiến DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 37' 07" 105° 24' 24" F-48-55-D-d hồ Tiên Sinh TV xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 35' 31" 105° 25' 52" F-48-55-D-d thôn Trại Đát DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 34' 23" 105° 26' 44" F-48-55-D-d thôn Vĩnh Sơn DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 37' 18" 105° 23' 39" F-48-55-D-d thôn Vĩnh Tiến DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 35' 47" 105° 25' 50" F-48-55-D-d thôn Vực Lửng DC xã Tuân Lộ H. Sơn Dương 21° 37' 39" 105° 24' 18" F-48-55-D-b hồ Điện Biên TV xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 36' 20" 105° 17' 53" F-48-55-D-c Đồng Tiến DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 35' 42" 105° 17' 26" F-48-55-D-c thôn Đồng Văn DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 35' 43" 105° 16' 59" F-48-55-D-c thôn Gò Kiêu DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 36' 21" 105° 16' 48" F-48-55-D-c mương Khe Thuyền TV xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 35' 38" 105° 17' 37" 21° 36' 10" 105° 17' 52" F-48-55-D-c suối Khe Thuyền TV xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 37' 00" 105° 18' 30" 21° 36' 39" 105° 17'48" F-48-55-D-c thôn Khe Thuyền 1 DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 36' 29" 105° 17' 34" F-48-55-D-c thôn Khe Thuyền 2 DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 36' 17" 105° 17' 35" F-48-55-D-c thôn Làng Đu DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 35' 45" 105° 16' 38" F-48-55-D-c thôn Tân Thành DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 37' 03" 105° 17' 12" F-48-55-D-c thôn Thịnh Kim DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 35' 10" 105° 16' 53" F-48-55-D-c thôn Xóm Bọc DC xã Văn Phú H. Sơn Dương 21° 36' 41" 105° 16' 51" F-48-55-D-c thôn An Mỹ DC xã Vân Sơn H. Sơn Dương 21° 36' 57" 105° 15' 13" F-48-55-D-c thôn Dộc Vàu DC xã Vân Sơn H. Sơn Dương 21° 35' 41" 105° 15' 42" F-48-55-D-c thôn Đồn Hang DC xã Vân Sơn H. Sơn Dương 21° 35' 54" 105° 15' 04" F-48-55-C-d thôn Mãn Sơn DC xã Vân Sơn H. Sơn Dương 21° 34' 54" 105° 15' 25" F-48-55-D-c thôn Tân Sơn DC xã Vân Sơn H. Sơn Dương 21° 36' 13" 105° 15' 25" F-48-55-D-c thôn An Hòa DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 43' 43" 105° 16' 46" F-48-55-D-a thôn Ao Bầu DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 23" 105° 16' 08" F-48-55-B-c thôn Bờ Sông DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 24" 105° 15' 41" F-48-55-B-c thôn Cầu Cháy DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 44' 24" 105° 16' 27" F-48-55-D-a thôn Cây Đa DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 11" 105° 16' 38" F-48-55-B-c tượng đài Chiến thắng Bình Ca KX xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 46' 12" 105° 17' 24" F-48-55-B-c núi Đèo Tỉnh SV xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 44' 46" 105° 17' 20" F-48-55-D-a thôn Đồng Hèo DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 35" 105° 16' 38" F-48-55-B-c thôn Gò Hu DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 03" 105° 16' 23" F-48-55-B-c thôn Hồ Sen DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 11" 105° 15' 59" F-48-55-B-c thôn Kim Ninh DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 54" 105° 15' 34" F-48-55-B-c sông Lô TV xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 46' 18" 105° 17' 24" 21° 43' 08" 105° 16' 08" F-48-55-B-c thôn Ninh Thái DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 44' 44" 105° 17' 59" F-48-55-D-a đò Ruộc KX xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 46' 04" 105° 15' 14" F-48-55-B-c thôn Tam Tinh DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 44' 18" 105° 18' 03" F-48-55-D-a thôn Thái An DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 45' 15" 105° 17' 52" F-48-55-B-c thôn Vân Thành DC xã Vĩnh Lợi H. Sơn Dương 21° 46' 11" 105° 16' 21" F-48-55-B-c tổ nhân dân 1 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 53" 105° 13' 52" F-48-55-C-b tổ nhân dân 2 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 37" 105° 13' 56" F-48-55-C-b tổ nhân dân 3 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 54" 105° 13' 06" F-48-55-C-b tổ nhân dân 4 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 46" 105° 13' 52" F-48-55-C-b tổ nhân dân 5 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 50" 105° 14' 00" F-48-55-C-b tổ nhân dân 6 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 42' 22" 105° 13' 31" F-48-55-C-b tổ nhân dân 8 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 42' 22" 105° 14' 50" F-48-55-C-b tổ nhân dân 9 DC TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 42' 30" 105° 14' 58" F-48-55-C-b cầu Tân Bình KX TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 21" 105° 12' 36" F-48-55-C-b nhà máy Z113 KX TT. Tân Bình H. Yên Sơn 21° 41' 58" 105° 14' 39" F-48-55-C-b thôn Đèo Hoa DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 49' 42" 105° 07' 49" F-48-55-A thôn Đồng Dàn DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 48' 34" 105° 07' 53" F-48-55-A thôn Động Sơn DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 48' 22" 105° 08' 42" F-48-55-A thôn Hoàng Pháp DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 50' 11" 105° 09' 16" F-48-55-A thôn Khuân Lâm DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 49' 27" 105° 08' 32" F-48-55-A núi Là SV xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 48' 44" 105° 05' 54" F-48-55-A thôn Làng Là DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 48' 59" 105° 07' 37" F-48-55-A thôn Nhà Thờ DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 50' 34" 105° 08' 48" F-48-55-A thôn Trung Sơn DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 50' 05" 105° 09' 16" F-48-55-A thôn Trường Sơn DC xã Chân Sơn H. Yên Sơn 21° 50' 26" 105° 08' 24" F-48-55-A thôn Cây Chanh DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 58' 36" 105° 09' 28" F-48-55-A thôn Đán Khao DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 59' 06" 105° 09' 37" F-48-55-A thôn Đồng Tân DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 22° 00' 56" 105° 08' 17" F-48-43-C thôn Mai Sơn DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 58' 09" 105° 10' 11" F-48-55-A thôn Phai Đá DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 59' 17" 105° 10' 51" F-48-55-A thôn Quyết Thắng DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 57' 33" 105° 08' 56" F-48-55-A thôn Quyết Tiến DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 22° 00' 33" 105° 08' 02" F-48-43-C thôn Soi Long DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 57' 50" 105° 09' 07" F-48-55-A thôn Tân Lập DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 59' 52" 105° 10' 33" F-48-55-A thôn Tân Phương 5 DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 22° 00' 00" 105° 08' 31" F-48-55-A thôn Tân Phương 6 DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 59' 35" 105° 08' 32" F-48-55-A ngòi Thọ Sơn TV xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 59' 11" 105° 10' 31" 21° 58' 51" 105° 09' 00" F-48-55-A đò Thọ Sơn KX xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 58' 40" 105° 09' 01" F-48-55-A thôn Vàng Lè DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 58' 54" 105° 08' 59" F-48-55-A thôn Vinh Quang DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 58' 04" 105° 09' 04" F-48-55-A thôn Yên Vân DC xã Chiêu Yên H. Yên Sơn 21° 59' 05" 105° 08' 36" F-48-55-A thôn Bẩng DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 26" 105° 23' 35" F-48-55-B-d thôn Bén DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 49" 105° 20' 26" F-48-55-B-c suối Bén TV xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 50' 35" 105° 19'35" 21° 49' 30" 105° 21' 22" F-48-55-B-c thôn Cả DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 48" 105° 23' 50" F-48-55-B-d núi Chùa Nền SV xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 00" 105° 24' 00" F-48-55-B-d thôn Đung DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 50' 26" 105° 21' 47" F-48-55-B thôn Gành DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 42" 105° 22' 15" F-48-55-B-c thôn Giang DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 36" 105° 21' 20" F-48-55-B-c núi Khau Luông SV xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 20" 105° 22' 52" F-48-55-B-d suối Khuôn Gềnh TV xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 48" 105° 22' 51" 21° 49' 00" 105° 22' 00" F-48-55-B-c, F-48-55-B-d suối Lê TV xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 30" 105° 21' 22" 21° 49' 00" 105° 22' 00" F-48-55-B-c thôn Lương Cải DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 48' 56" 105° 22' 21" F-48-55-B-c thôn Lũy DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 50' 38" 105° 23' 58" F-48-55-B thôn Sâm Sắc DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 51' 45" 105° 23' 23" F-48-55-B thôn Trò DC xã Công Đa H. Yên Sơn 21° 49' 01" 105° 21' 13" F-48-55-B-c quốc lộ 2C KX xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 51' 01" 105° 19' 31" 21° 51' 52" 105° 22' 25" F-48-55-B thôn Cây Thị DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 51' 27" 105° 21' 37" F-48-55-B thôn Đầu DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 52' 47" 105° 19' 45" F-48-55-B Đồng Cang DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 52' 52" 105° 20' 24" F-48-55-B Đồng Phạt DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 52' 15" 105° 21' 38" F-48-55-B thôn Đồng Quân DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 51' 03" 105° 21' 25" F-48-55-B thôn Khao Quân DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 50' 46" 105° 22' 13" F-48-55-B thôn Khuôn Tỉu DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 50' 54" 105° 20' 58" F-48-55-B suối Lê TV xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 54' 42" 105° 20' 57" 21° 50' 25" 105° 21' 31" F-48-55-B thôn Ngòi Rịa DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 52' 51" 105° 21' 11" F-48-55-B thôn Oăng DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 51' 23" 105° 20' 25" F-48-55-B suối Oăng TV xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 51' 14" 105° 20' 21" 21° 50' 25" 105° 21' 31" F-48-55-B thôn Phào DC xã Đạo Viện H. Yên Sơn 21° 53' 33" 105° 20' 38" F-48-55-B hồ Anh Trỗi TV xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 41' 02" 105° 12' 30" F-48-55-C-b thôn Cầu Chéo DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 39' 57" 105° 12' 17" F-48-55-C-b thôn Chiến Thắng DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 40' 56" 105° 14' 44" F-48-55-C-b thôn Độc Lập DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 40' 32" 105° 14' 13" F-48-55-C-b thôn Đồng Giàn DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 41' 23" 105° 10' 17" F-48-55-C-b thôn Hoà Bình DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 40' 48" 105° 12' 26" F-48-55-C-b thôn Hưng Quốc DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 40' 57" 105° 11' 24" F-48-55-C-b thôn Liên Bình DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 42' 10" 105° 12' 52" F-48-55-C-b sông Lô TV xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 41' 17" 105° 15' 00" 21° 39' 34" 105° 13' 57" F-48-55-C-b ngòi Mông TV xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 41' 27" 105° 14' 23" 21° 41' 18" 105° 14' 59" F-48-55-C-b thôn Phú Bình DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 40' 15" 105° 13' 41" F-48-55-C-b thôn Tân Bình DC xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 41' 38" 105° 12' 46" F-48-55-C-b nhà máy Z129 KX xã Đội Bình H. Yên Sơn 21° 40' 21" 105° 13' 14" F-48-55-C-b thôn Chằm DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 31" 105° 11' 30" F-48-55-A thôn Hồ DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 08" 105° 11' 40" F-48-55-A hồ Hoàng Khai TV xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 44' 50" 105° 11' 40" F-48-55-C-b núi Nghiêm SV xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 44' 33" 105° 10' 08" F-48-55-C-b thôn Nghiêm Sơn 1 DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 37" 105° 10' 41" F-48-55-A thôn Nghiêm Sơn 2 DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 47" 105° 10' 38" F-48-55-A thôn Núi Cẩy DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 45" 105° 11' 38" F-48-55-A thôn Từ Lưu 1 DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 20" 105° 11' 13" F-48-55-A thôn Từ Lưu 2 DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 45' 15" 105° 10' 44" F-48-55-A thôn Yên Lộc 1 DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 46' 20" 105° 11' 03" F-48-55-A thôn Yên Lộc 2 DC xã Hoàng Khai H. Yên Sơn 21° 46' 12" 105° 11' 17" F-48-55-A ngòi Chương TV xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 54' 51" 105° 28' 30" 21° 53' 51" 105° 27' 51" F-48-55-B thôn Coóc DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 45" 105° 28' 02" F-48-55-B thôn Đồng Trang DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 43" 105° 27' 17" F-48-55-B thôn Kẹn DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 52' 48" 105° 28' 27" F-48-55-B núi Khau Khinh SV xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 13" 105° 31' 16" F-48-56-A thôn Khuổi Ma DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 51' 37" 105° 30' 05" F-48-56-A-c thôn Khuổi Tấu Lìn DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 55' 02" 105° 26' 18" F-48-55-B suối Khuổi Ún TV xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 56' 13" 105° 26' 32" 21° 54' 58" 105° 26' 25" F-48-55-B đèo Lang SV xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 43" 105° 29' 31" F-48-55-B thôn Làng Bum DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 52' 24" 105° 28' 38" F-48-55-B-d thôn Làng Chương DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 56' 25" 105° 28' 02" F-48-55-B đập Làng Cóc KX xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 19" 105° 27' 38" F-48-55-B thôn Lè DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 22" 105° 28' 41" F-48-55-B thôn Nà Mộ DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 54' 17" 105° 28' 10" F-48-55-B thôn Nà Tang DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 55' 52" 105° 28' 01" F-48-55-B thôn Phan DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 54' 18" 105° 30' 58" F-48-56-A sông Phó Đáy TV xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 54' 58" 105° 31' 56" 21° 53' 40" 105° 27' 00" F-48-55-B, F-48-55-A thôn Quân DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 57' 00" 105° 26' 58" F-48-55-B thôn Toạt DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 56' 55" 105° 26' 06" F-48-55-B thôn Toòng DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 54' 39" 105° 28' 41" F-48-55-B thôn Yểng DC xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 53' 59" 105° 27' 16" F-48-55-B ngòi Yểng TV xã Hùng Lợi H. Yên Sơn 21° 54' 25" 105° 25' 11" 21° 54' 57" 105° 26' 03" F-48-55-B đỉnh 10 KX xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 56' 27" 105° 19' 37" F-48-55-B làng Ấp DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 00' 02" 105° 18' 50" F-48-43-D thôn Bắc Triển DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 24" 105° 18' 27" F-48-55-B Bến Chạm DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 01' 02" 105° 15' 38" F-48-43-D ngòi Cham TV xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 58' 27" 105° 20' 53" 22° 01' 09" 105° 15' 18" F-48-43-C thôn Đồng Đi DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 42" 105° 17' 01" F-48-55-B thôn Đồng Khẩn DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 00' 41" 105° 16' 18" F-48-43-D thôn Đồng Phạ DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 00' 11" 105° 19' 07" F-48-43-D khuổi Giác TV xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 00' 57" 105° 21' 07" 22° 00' 05" 105° 20' 09" F-48-43-C thôn Khau Làng DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 55' 28" 105° 21' 23" F-48-55-B thôn Khuổi Cằn DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 57' 29" 105° 20' 49" F-48-55-B thôn Khuổi Khít DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 56' 32" 105° 21' 00" F-48-55-B làng Làm DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 49" 105° 20' 21" F-48-55-B đội Lâm Nghiệp DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 58' 09" 105° 20' 56" F-48-55-B làng Lan DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 14" 105° 18' 20" F-48-55-B khuổi Mu TV xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 56' 36" 105° 22' 31" 21° 55' 52" 105° 22' 28" F-48-55-B thôn Nà Vơ DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 58' 41" 105° 18' 37" F-48-55-B thôn Nậm Bó DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 57' 52" 105° 20' 53" F-48-55-B Pác Cụp DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 25" 105° 17' 55" F-48-55-B thôn Pắc Nghiêng DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 50" 105° 18' 43" F-48-55-B thôn Tân Minh DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 00' 53" 105° 19' 37" F-48-43-D khuổi Triển TV xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 56' 44" 105° 19' 03" 21° 59' 23" 105° 18' 34" F-48-55-B làng Un DC xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 21° 59' 13" 105° 20' 53" F-48-55-B khuổi Xu TV xã Kiến Thiết H. Yên Sơn 22° 02' 06" 105° 19' 12" 21° 59' 58" 105° 19' 00" F-48-43-C xóm 1 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 31" 105° 10' 51" F-48-55-A xóm 2 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 29" 105° 10' 36" F-48-55-A xóm 3 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 17" 105° 10' 34" F-48-55-A xóm 4 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 10" 105° 10' 33" F-48-55-A xóm 6 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 12" 105° 10' 55" F-48-55-A xóm 7 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 47' 51" 105° 10' 35" F-48-55-A xóm 8 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 47' 36" 105° 10' 26" F-48-55-A thôn 10 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 55" 105° 09' 08" F-48-55-A thôn 12 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 56" 105° 10' 23" F-48-55-A thôn 13 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 42" 105° 10' 54" F-48-55-A thôn 14 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 28" 105° 10' 04" F-48-55-A thôn 16 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 30" 105° 09' 38" F-48-55-A thôn 17 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 25" 105° 09' 14" F-48-55-A xóm 21 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 16" 105° 09' 42" F-48-55-A thôn 22 DC xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 48' 02" 105° 09' 22" F-48-55-A suối Chả TV xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 11" 105° 08' 41" 21° 47' 21" 105° 11' 27" F-48-55-A cầu Đen KX xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 26" 105° 09' 48" F-48-55-A hồ số 6 TV xã Kim Phú H. Yên Sơn 21° 46' 45" 105° 11' 04" F-48-55-A thôn Khuân Điển DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 51' 31" 105° 25' 39" F-48-55-B thôn Khuân Hẻ DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 50' 13" 105° 27' 14" F-48-55-B thôn Khuân Quại DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 51' 53" 105° 24' 14" F-48-55-B thôn Khuổi Phát DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 52' 23" 105° 26' 15" F-48-55-B suối Khuôn Điển TV xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 51' 27" 105° 24' 19" 21° 51' 30" 105° 25' 59" F-48-55-B suối Khuôn Hẻ TV xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 51' 21" 105° 27' 49" 21° 50' 01" 105° 27' 01" F-48-55-B cầu Khuôn Kính KX xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 49' 53" 105° 25' 29" F-48-55-B-d thôn Kim Thu Ngà DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 50' 08" 105° 26' 17" F-48-55-B thôn Làng Hản DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 50' 41" 105° 26' 35" F-48-55-B thôn Làng Nhà DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 50' 57" 105° 26' 07" F-48-55-B thôn Làng Thang DC xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 51' 30" 105° 26' 28" F-48-55-B đập Làng Thang KX xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 51' 40" 105° 27' 00" F-48-55-B sông Phó Đáy TV xã Kim Quan H. Yên Sơn 21° 52' 20" 105° 26' 05" 21° 49' 45" 105° 25' 34" F-48-55-B thôn 1 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 42" 105° 08' 06" F-48-55-A thôn 2 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 24" 105° 08' 25" F-48-55-A thôn 3 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 18" 105° 08' 45" F-48-55-A thôn 4 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 50' 57" 105° 07' 51" F-48-55-A thôn 5 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 20" 105° 07' 56" F-48-55-A thôn 7 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 52' 23" 105° 07' 41" F-48-55-A thôn 8 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 52' 05" 105° 07' 41" F-48-55-A thôn 9 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 42" 105° 07' 13" F-48-55-A thôn 10 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 40" 105° 06' 50" F-48-55-A thôn 11 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 03" 105° 06' 50" F-48-55-A thôn 12 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 50' 57" 105° 06' 10" F-48-55-A thôn 13 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 43" 105° 06' 05" F-48-55-A thôn 14 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 20" 105° 05' 39" F-48-55-A thôn 18 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 50' 28" 105° 05' 28" F-48-55-A thôn 19 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 50' 58" 105° 05' 49" F-48-55-A thôn 20 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 50' 46" 105° 05' 13" F-48-55-A thôn 21 DC xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 21" 105° 06' 58" F-48-55-A suối Cai Cắng TV xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 24" 105° 05' 12" 21° 51' 09" 105° 05' 45" F-48-55-A ngòi Giản TV xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 50' 28" 105° 04' 59" 21° 50' 41" 105° 05' 19" F-48-55-A khe Nhịn TV xã Lang Quán H. Yên Sơn 21° 51' 43" 105° 05' 57" 21° 51' 44" 105° 07' 05" F-48-55-A Cầu Chiểng DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 01' 27" 105° 11' 53" F-48-43-C thôn Đồng Mán DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 02' 13" 105° 11' 28" F-48-43-C thôn Đồng Nghiêm DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 01' 46" 105° 11' 30" F-48-43-C thôn Đồng Rôm DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 00' 05" 105° 12' 04" F-48-43-C thôn Đồng Trò DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 01' 17" 105° 12' 08" F-48-43-C thôn Minh Khai DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 21° 58' 47" 105° 12' 25" F-48-55-A làng Ngoài 2 DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 21° 59' 42" 105° 12' 27" F-48-55-A làng Quài DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 01' 54" 105° 11' 55" F-48-43-C làng Trà DC xã Lực Hành H. Yên Sơn 22° 00' 40" 105° 12' 16" F-48-43-C quốc lộ 37 KX xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 13" 105° 04' 27" 21° 45' 31" 105° 05' 58" F-48-55-C-a, F-48-55-A thôn Cây Quân DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 08" 105° 04' 37" F-48-55-C-a thôn Cây Quýt 1 DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 30" 105° 04' 07" F-48-55-C-a thôn Cây Quýt 2 DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 48" 105° 04' 11" F-48-55-C-a Công ty Chè Mỹ Lâm KX xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 49" 105° 05' 17" F-48-55-C-a suối Đá Bàn TV xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 47' 47" 105° 05' 11" 21° 46' 53" 105° 04' 10" F-48-55-A thôn Đá Bàn 1 DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 47' 41" 105° 05' 06" F-48-55-A thôn Đá Bàn 2 DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 46' 53" 105° 04' 49" F-48-55-A thôn Đầu Núi DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 00" 105° 06' 25" F-48-55-C-a thôn Đình Bằng DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 50" 105° 06' 23" F-48-55-A-a thôn Đồng Bao DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 26" 105° 05' 03" F-48-55-C-a thôn Giếng Đõ DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 04" 105° 05' 33" F-48-55-C-a ngòi Han TV xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 43' 37" 105° 06' 22" 21° 43' 13" 105° 05' 22" F-48-55-C-a kho K20 KX xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 46' 17" 105° 05' 06" F-48-55-A núi Là SV xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 46' 48" 105° 06' 13" F-48-55-A thôn Lập Thành DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 50" 105° 05' 18" F-48-55-C-a thôn Lũng DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 45' 24" 105° 05' 31" F-48-55-A thôn Miếu Trạm DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 45' 07" 105° 06' 58" F-48-55-A thôn Mỹ Bình DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 45' 49" 105° 05' 02" F-48-55-A thôn Ngòi DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 45' 07" 105° 05' 01" F-48-55-A thôn Quyết Thắng DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 45' 35" 105° 04' 39" F-48-55-A thôn Tâm Bằng DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 43' 19" 105° 05' 23" F-48-55-C-a thôn Thọ Bằng DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 44' 42" 105° 06' 25" F-48-55-C-a thôn Y Bằng DC xã Mỹ Bằng H. Yên Sơn 21° 45' 06" 105° 06' 03" F-48-55-A hồ An Khê TV xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 50" 105° 09' 14" F-48-55-C-b thôn An Thịnh DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 43' 42" 105° 06' 42" F-48-55-C-a núi Cát SV xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 43' 18" 105° 08' 33" F-48-55-C-b thôn Cây Dừa DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 33" 105° 08' 27" F-48-55-C-b núi Con Chim SV xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 43" 105° 08' 12" F-48-55-C-b núi Con Voi SV xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 38" 105° 07' 48" F-48-55-C-b thôn Đội 16 DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 13" 105° 07' 41" F-48-55-C-b thôn Đồng Rôm 1 DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 43' 03" 105° 07' 21" F-48-55-C-a thôn Đồng Rôm 2 DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 43' 19" 105° 06' 57" F-48-55-C-a thôn Gò Củi DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 47" 105° 06' 30" F-48-55-C-a hồ Hố Trẹo TV xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 47" 105° 07' 01" F-48-55-C-a thôn Liên Minh 2 DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 42' 34" 105° 08' 04" F-48-55-C-b núi Man SV xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 43' 58" 105° 07' 15" F-48-55-C-a thôn Nhữ Hán DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 43' 19" 105° 06' 40" F-48-55-C-a thôn Trại Xoan DC xã Nhữ Hán H. Yên Sơn 21° 44' 21" 105° 07' 33" F-48-55-C-b thôn Cửa Lần DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 42' 11" 105° 09' 15" F-48-55-C-b thôn Đồng Cả DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 42' 24" 105° 11' 07" F-48-55-C-b thôn Đồng Giản DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 42' 12" 105° 10' 04" F-48-55-C-b thôn Đồng Thắng DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 41' 49" 105° 10' 23" F-48-55-C-b thôn Gò Danh DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 42' 24" 105° 09' 00" F-48-55-C-b núi Gò Danh SV xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 42' 38" 105° 09' 30" F-48-55-C-b thôn Hồng Hà 1 DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 41' 26" 105° 10' 06" F-48-55-C-b thôn Hồng Hà 2 DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 41' 21" 105° 10' 07" F-48-55-C-b thôn Hùng Lô DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 41' 38" 105° 09' 13" F-48-55-C-b thôn Nhữ Khê DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 41' 45" 105° 09' 05" F-48-55-C-b thôn Thọ An DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 41' 50" 105° 09' 42" F-48-55-C-b thôn Thọ Xuân DC xã Nhữ Khê H. Yên Sơn 21° 42' 14" 105° 10' 31" F-48-55-C-b thôn 12 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 17" 105° 07' 46" F-48-55-A thôn 17 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 16" 105° 07' 18" F-48-55-A thôn 18 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 42" 105° 05' 49" F-48-55-A thôn Cam Lâm DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 43' 44" 105° 08' 24" F-48-55-C-b suối Cam Lâm TV xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 43' 32" 105° 09' 12" 21° 43' 40" 105° 07' 58" F-48-55-C-b thôn Cây Trám DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 06" 105° 07' 33" F-48-55-A ngòi Cha TV xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 15" 105° 08' 16 21° 46' 09" 105° 09' 23" F-48-55-A thôn Đát Nước Nóng DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 58" 105° 06' 43" F-48-55-A thôn Đồng Xung DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 44" 105° 09' 07" F-48-55-A thôn Hang Hươu DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 06" 105° 07' 48" F-48-55-A ngòi Khế TV xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 44' 07" 105° 09' 33" 21° 45' 15" 105° 08' 16" F-48-55-C-b, F-48-55-A núi Lô SV xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 48" 105° 06' 13" F-48-55-A núi Nghiêm SV xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 17" 105° 10' 00" F-48-55-A thôn Ngòi Khế DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 13" 105° 08' 24" F-48-55-C-b thôn Ngòi Xanh 1 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 27" 105° 07' 48" F-48-55-A thôn Nước Nóng DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 50" 105° 07' 09" F-48-55-A thôn Ô Rô DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 02" 105° 05' 44" F-48-55-A thôn Phú Lâm DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 52" 105° 08' 06" F-48-55-A trại bò sữa Phú Lâm KX xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 44' 38" 105° 08' 39" F-48-55-C-b thôn Tân Lập DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 44' 10" 105° 08' 15" F-48-55-C-b thôn Tiền Phong DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 45' 07" 105° 07' 15" F-48-55-A thôn Vực Vại 1 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 47' 17" 105° 07' 11" F-48-55-A thôn Vực Vại 2 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 50" 105° 07' 21" F-48-55-A thôn Vực Vại 3 DC xã Phú Lâm H. Yên Sơn 21° 46' 36" 105° 07' 14" F-48-55-A quốc lộ 2C KX xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 49' 32" 105° 15' 57" 21° 51' 01" 105° 19' 31" F-48-55-B-c thôn Bụt DC xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 48' 40" 105° 16' 08" F-48-55-B-c núi Cáng Khôn SV xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 50' 38" 105° 17' 19" F-48-55-B dốc Đền KX xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 50' 18" 105° 18' 08" F-48-55-B thôn Húc DC xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 49' 35" 105° 16' 59" F-48-55-B-c Khuôn Hoi DC xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 49' 04" 105° 17' 00" F-48-55-B-c suối Làng Cả TV xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 51' 28" 105° 18' 30" 21° 49' 40" 105° 16' 51" F-48-55-B-c thôn Mỹ Lộc DC xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 51' 18" 105° 17' 59" F-48-55-B thôn Nghẹt DC xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 50' 30" 105° 16' 46" F-48-55-B suối Phú Thịnh TV xã Phú Thịnh H. Yên Sơn 21° 49' 40" 105° 16' 50" 21° 48' 30" 105° 16' 13" F-48-55-B-c thôn An Lạc DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 56' 45" 105° 12' 07" F-48-55-A thôn Ao Dăm DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 56' 18" 105° 11' 38" F-48-55-A thôn Cầu Giát DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 54' 40" 105° 11' 31" F-48-55-A thôn Cô Ba DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 58' 06" 105° 11' 26" F-48-55-A thôn Éo DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 55' 12" 105° 11' 38" F-48-55-A thôn Gà Luộc DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 55' 39" 105° 09' 45" F-48-55-A thôn Khuân Thống DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 56' 33" 105° 10' 57" F-48-55-A thôn Kim Châu DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 55' 55" 105° 11' 39" F-48-55-A thôn Lục Mùn DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 58' 16" 105° 12' 32" F-48-55-A thôn Minh Tân DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 54' 41" 105° 09' 42" F-48-55-A thôn Phúc Ninh DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 55' 49" 105° 10' 49" F-48-55-A thôn Quang Thắng DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 54' 16" 105° 11' 05" F-48-55-A thôn Soi Tiên DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 56' 29" 105° 09' 27" F-48-55-A thôn Thái Ninh DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 55' 44" 105° 10' 21" F-48-55-A thôn Yên Ninh DC xã Phúc Ninh H, Yên Sơn 21° 56' 03" 105° 09' 28" F-48-55-A thôn Yên Sở DC xã Phúc Ninh H. Yên Sơn 21° 56' 37" 105° 10' 09" F-48-55-A thôn 1 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 03' 15" 105° 13' 32" F-48-43-C thôn 2 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 02' 05" 105° 13' 22" F-48-43-C thôn 3 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 01' 16" 105° 13' 13" F-48-43-C thôn 4 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 00' 46' 105° 13' 19" F-48-43-C thôn 5 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 21° 59' 56' 105° 14' 18" F-48-43-C thôn 6 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 00' 20" 105° 13' 56" F-48-55-A thôn 7 DC xã Quý Quân H. Yên Sơn 21° 59' 47" 105° 12' 59" F-48-55-A sông Gâm TV xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 01' 14" 105° 15' 19" 21° 59' 33" 105° 12' 40" F-48-43-D, F-48-55-A núi Mắc Mu SV xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 01' 12" 105° 14' 13" F-48-43-C suối Nhãu TV xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 02' 52" 105° 12' 36" 22° 00' 25" 105° 13' 32" F-48-43-C núi Quạt SV xã Quý Quân H. Yên Sơn 22° 03' 47" 105° 12' 21" F-48-43-C thôn 1 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 53' 02" 105° 14' 39" F-48-55-A thôn 2 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 53" 105° 14' 00" F-48-55-A thôn 3 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 30" 105° 13' 33" F-48-55-A thôn 4 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 06" 105° 12' 05" F-48-55-A thôn 5 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 19" 105° 13' 01" F-48-55-A thôn 6 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 51' 57" 105° 14' 10" F-48-55-A thôn 7 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 14" 105° 14' 36" F-48-55-A thôn 8 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 32" 105° 13' 55" F-48-55-A thôn 10 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 51' 48" 105° 11' 54" F-48-55-A thôn 11 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 45" 105° 12' 16" F-48-55-A thôn 12 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 53' 23" 105° 12' 07" F-48-55-A thôn 13 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 22" 105° 11' 39" F-48-55-A thôn 14 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 10" 105° 12' 20" F-48-55-A thôn 15 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 19" 105° 13' 21" F-48-55-A thôn 16 DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 16" 105° 14' 02" F-48-55-A hồ Chuộng TV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 51" 105° 12' 21" F-48-55-A núi Cung Vô SV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 38" 105° 12' 34" F-48-55-A ngòi Cường Đạt TV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 47" 105° 15' 11" 21° 54' 03" 105° 11' 54" F-48-55-A núi Đồng Liền SV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 51' 46" 105° 13' 43" F-48-55-A hồ Hải Chiều TV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 04" 105° 12' 27" F-48-55-A sông Lô TV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 54' 15" 105° 11' 26" 21° 51' 07" 105° 11' 09" F-48-55-A núi Mắt Hổ SV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 26" 105° 12' 39' F-48-55-A thôn Sính DC xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 51' 24" 105° 11' 12" F-48-55-A ngòi Yên Linh TV xã Tân Long H. Yên Sơn 21° 52' 18" 105° 13' 58" 21° 51' 56" 105° 11' 53" F-48-55-A thôn 1 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 55' 16" 105° 19' 06" F-48-55-B thôn 2 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 54' 15" 105° 18' 12" F-48-55-B thôn 3 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 54' 26" 105° 17' 56" F-48-55-B thôn 4 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 54' 26" 105° 17' 07" F-48-55-B thôn 5 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 54' 07" 105° 16' 47" F-48-55-B thôn 6 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 53' 06" 105° 17' 06" F-48-55-B thôn 7 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 37" 105° 16' 13" F-48-55-B thôn 8 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 27" 105° 15' 56" F-48-55-B thôn 9 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 53" 105° 15' 53" F-48-55-B thôn 10 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 52" 105° 15' 16" F-48-55-B thôn 11 DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 53' 18" 105° 15' 19" F-48-55-B suối Cạn TV xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 50" 105° 18' 39" 21° 52' 56" 105° 16' 38" F-48-55-B thôn Cháy DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 51' 46" 105° 15' 51" F-48-55-B thôn Đặng DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 22" 105° 16' 17" F-48-55-B Đồng Hăn DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 53' 49" 105° 16' 36" F-48-55-B thôn Khâu Lấu DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 52' 15" 105° 17' 31" F-48-55-B suối Khâu Lấu TV xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 51' 42" 105° 16' 46" 21° 52' 16" 105° 16' 46" F-48-55-B Làng Doàng DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 55' 16" 105° 19' 06" F-48-55-B suối Lớn TV xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 55' 07" 105° 19' 44" 21° 54' 00" 105° 16' 50" F-48-55-B Tiến Thịnh DC xã Tân Tiến H. Yên Sơn 21° 54' 10" 105° 17' 23" F-48-55-B quốc lộ 37 KX xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 58" 105° 14' 17" 21° 46' 49" 105° 17' 37" F-48-55-B-c, F-48-55-A thôn An Lập DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 28" 105° 17' 18" F-48-55-B-c thôn Bình Ca DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 01" 105° 17' 08" F-48-55-B-c thôn Cây Thị DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 49' 14" 105° 15' 16" F-48-55-B-c ngòi Đập Tràn TV xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 49' 48" 105° 15' 25" 21° 49' 13" 105° 15' 01" F-48-55-B-c thôn Hoắc DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 40" 105° 18' 26" F-48-55-B-c suối Hoắc TV xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 42" 105° 18' 36" 21° 47' 05" 105° 16' 33" F-48-55-B-c sông Lô TV xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 36" 105° 14' 16" 21° 46' 40" 105° 17' 23" F-48-55-B-c cầu Mán KX xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 11" 105° 16' 33" F-48-55-B-c cầu Rạp KX xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 46' 49" 105° 17' 37" F-48-55-B-c thôn Tân Bình DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 43" 105° 15' 23" F-48-55-B-c thôn Tân Ca DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 11" 105° 16' 20" F-48-55-B-c thôn Tân Lập DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 16" 105° 16' 02" F-48-55-B-c thôn Tân Quang DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 41" 105° 15' 52" F-48-55-B-c ngòi Vạc TV xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 20" 105° 16' 09" 21° 47' 28" 105° 15' 34" F-48-55-B-c cầu Vạc KX xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 36" 105° 15' 38" F-48-55-B-c thôn Việt Hương DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 37" 105° 16' 50" F-48-55-B-c thôn Việt Thắng DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 06" 105° 15' 35" F-48-55-B-c thôn Việt Tiến DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 48' 17" 105° 15' 18" F-48-55-B-c thôn Vinh Quang DC xã Thái Bình H. Yên Sơn 21° 47' 21" 105° 15' 59" F-48-55-B-c hồ Cánh Tiên TV xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 07" 105° 09' 27" F-48-55-A thôn Chẩu 1 DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 43" 105° 10' 01" F-48-55-A thôn Chẩu 2 DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 52" 105° 09' 41" F-48-55-A ngòi Cơi TV xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 34" 105° 09' 19" 21° 51' 00" 105° 11' 03" F-48-55-A thôn Đồng Quân DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 12" 105° 09' 14" F-48-55-A thôn Ghềnh Gà DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 05" 105° 10' 26" F-48-55-A thôn Hòn Lau DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 53' 06" 105° 10' 11" F-48-55-A thôn Hòn Vang DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 54' 18" 105° 10' 12" F-48-55-A thôn Hồng Thái DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 53' 58" 105° 10' 41" F-48-55-A cầu Lang Quán KX xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 36" 105° 08' 50" F-48-55-A khe Lau TV xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 53' 08" 105° 10' 33" 21° 54' 04" 105° 10' 48" F-48-55-A sông Lô TV xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 54' 15" 105° 11' 27" 21° 51' 07" 105° 11' 09" F-48-55-A thôn Nghĩa Trung DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 42" 105° 09' 15" F-48-55-A thôn Phố Lang Quán DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 46" 105° 08' 32" F-48-55-A thôn Phú Thịnh DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 05" 105° 08' 38" F-48-55-A hồ Phú Thịnh TV xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 16" 105° 08' 54" F-48-55-A thôn Tân Thắng DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 20" 105° 10' 52" F-48-55-A thôn Thắng Quân DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 52" 105° 10' 40" F-48-55-A thôn Tiền Phong DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 15" 105° 09' 54" F-48-55-A thôn Trầm Ân DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 20" 105° 08' 27" F-48-55-A thôn Văn Lập DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 52' 00" 105° 10' 55" F-48-55-A thôn Yên Thắng DC xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 27" 105° 10' 46" F-48-55-A hồ Yên Thắng TV xã Thắng Quân H. Yên Sơn 21° 51' 49" 105° 11' 02" F-48-55-A thôn Cà DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 37" 105° 19' 27" F-48-55-B-c thôn Cả DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 44' 27" 105° 21' 29" F-48-55-D-a ngòi Cái TV xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 47' 27" 105° 21' 18" 21° 47' 20" 105° 18' 55" F-48-55-B-c thôn Đèo Trám DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 41" 105° 22' 11" F-48-55-B-c thôn Đèo Tượng DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 45' 36" 105° 21' 24" F-48-55-B-c thôn Dùng DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 45' 12" 105° 20' 44" F-48-55-B-c thôn Gia DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 10" 105° 18' 51" F-48-55-B-c khe Lạc TV xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 53" 105° 20' 16" 21° 46' 26" 105° 19' 53" F-48-55-B-c khe Lan TV xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 39" 105° 21' 07" 21° 45' 56" 105° 20' 13" F-48-55-B-c thôn Ngòi Cái DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 47' 49" 105° 20' 21" F-48-55-B-c thôn Phúc Ninh DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 50" 105° 18' 59" F-48-55-B-c trại giam Quyết Tiến KX xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 16" 105° 18' 29" F-48-55-B-c thôn Rạp DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 47' 12" 105° 18' 16" F-48-55-B-c suối Rạp TV xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 47' 20" 105° 18' 55" 21° 46' 46" 105° 17' 25" F-48-55-B-c suối Soan TV xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 26" 105° 19' 53" 21° 45' 55" 105° 18' 05" F-48-55-B-c thôn Tân Biên 1 DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 35" 105° 18' 00" F-48-55-B-c thôn Tân Biên 2 DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 38" 105° 18' 14" F-48-55-B-c thôn Thủ Ý DC xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 45' 42" 105° 20' 34" F-48-55-B-c đèo Trám SV xã Tiến Bộ H. Yên Sơn 21° 46' 16" 105° 21' 49" F-48-55-B-c thôn Bản Pài DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 59' 22" 105° 29' 06" F-48-55-B thôn Bản Pinh DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 57' 59" 105° 30' 57" F-48-56-A thôn Bản Ruộng DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 22° 00' 38" 105° 29' 21" F-48-43-D núi Dài Khao SV xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 57' 19" 105° 31' 28" F-48-56-A núi Khau Chang SV xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 56' 20" 105° 30' 07" F-48-56-A núi Khau Da SV xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 58' 48" 105° 27' 45" F-48-55-B suối Khau Lầm TV xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 57' 53" 105° 29' 37" 21° 55' 03" 105° 28' 45" F-48-55-B núi Khau Quầy SV xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 58' 39" 105° 31' 29" F-48-56-A thôn Khuổi Bốc DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 59' 04" 105° 29' 13" F-48-55-B thôn Khuôn Nà DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 57' 23" 105° 30' 31" F-48-56-A thôn Minh Lợi DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 55' 30" 105° 28' 59" F-48-55-B thôn Vàng Ngược DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 58' 31" 105° 30' 41" F-48-56-A thôn Vàng On DC xã Trung Minh H. Yên Sơn 21° 57' 33" 105° 32' 11" F-48-56-A thôn 1 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 48' 58" 105° 09' 28" F-48-55-A thôn 2 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 17" 105° 09' 44" F-48-55-A thôn 3 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 16" 105° 10' 07" F-48-55-A thôn 4 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 31" 105° 10' 33" F-48-55-A thôn 5 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 03" 105° 10' 21" F-48-55-A thôn 6 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 40" 105° 09' 59" F-48-55-A thôn 7 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 53" 105° 10' 10" F-48-55-A thôn 8 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 08" 105° 10' 03" F-48-55-A thôn 9 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 18" 105° 09' 49" F-48-55-A thôn 10 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 34" 105° 10' 06" F-48-55-A thôn 11 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 46" 105° 09' 42" F-48-55-A thôn 12 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 57" 105° 10' 07" F-48-55-A thôn 13 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 46" 105° 10' 26" F-48-55-A thôn 14 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 33" 105° 10' 53" F-48-55-A thôn 15 DC xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 05" 105°10' 00" F-48-55-A hồ Bờ Cải TV xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 08" 105° 10' 16" F-48-55-A ngòi Con TV xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 30" 105° 09' 41" 21° 50' 21" 105° 11' 04" F-48-55-A hồ Khuôn Lâm TV xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 50' 39" 105° 09' 24" F-48-55-A suối Ngòi Là TV xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 49' 26" 105° 09' 21" 21° 50' 21" 105° 11' 04" F-48-55-A hồ Ngòi Là 2 TV xã Trung Môn H. Yên Sơn 21° 48' 47" 105° 08' 56" F-48-55-A quốc lộ 2C KX xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 51' 52" 105° 22' 25" 21° 52' 00" 105° 25' 40" F-48-55-B thôn Bản Giáng DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 56' 10" 105° 24' 47" F-48-55-B suối Cướm TV xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 55' 54" 105° 24' 14" 21° 52' 34" 105° 26' 02" F-48-55-B thôn Đồng Mộc DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 54' 25" 105° 23' 54" F-48-55-B thôn Đức Uy DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 52' 23" 105° 23' 17" F-48-55-B thôn Khuân Cướm DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 53' 53" 105° 23' 53" F-48-55-B công ty Lâm nghiệp Yên KX xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 52' 50" 105° 25' 27" F-48-55-B thôn Làng Chạp DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 53' 28" 105° 26' 13" F-48-55-B thôn Nà Đỏng DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 52' 52" 105° 24' 33" F-48-55-B thôn Nà Ho DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 52' 36" 105° 25' 10" F-48-55-B núi Oai SV xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 51' 54" 105° 23' 42" F-48-55-B-d thôn Thâm Quang DC xã Trung Sơn H. Yên Sơn 21° 53' 15" 105° 24' 14" F-48-55-B thôn 1 DC xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 55' 47" 105° 16' 57" F-48-55-B thôn 3 DC xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 56' 58" 105° 17' 01" F-48-55-B thôn 4 DC xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 57' 26" 105° 17' 06" F-48-55-B thôn 5 DC xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 58' 22" 105° 16' 42" F-48-55-B thôn 6 DC xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 58' 57" 105° 16' 37" F-48-55-B Đồng Tường DC xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 58' 26" 105° 16' 52" F-48-55-B suổi Khuôn Sải TV xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 58' 50" 105° 15' 32" 21° 58' 52" 105° 16' 43" F-48-55-B núi Làng Tam SV xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 58' 45" 105° 14' 50" F-48-55-A suối Trung Trực TV xã Trung Trực H. Yên Sơn 21° 57' 16" 105° 17' 11" 21° 59' 31" 105° 16' 59" F-48-55-B quốc lộ 2 KX xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 55' 22" 105° 08' 06" 21° 52' 45" 105° 08' 00" F-48-55-A thôn 11 DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 53' 08" 105° 08' 02" F-48-55-A thôn Bình Ca DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 54' 23" 105° 08' 52" F-48-55-A thôn Cầu Trôi DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 52' 54" 105° 07' 58" F-48-55-A thôn Cây Nhãn DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 54' 09" 105° 06' 45" F-48-55-A thôn Dàm DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 54' 28° 105° 07' 24" F-48-55-A thôn Đồng Cầu DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 53' 17" 105° 08' 09" F-48-55-A thôn Đồng Trằm DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 52' 54" 105° 08' 19" F-48-55-A thôn Đồng Trò DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 53' 21" 105° 06' 07" F-48-55-A thôn Hồng Quân DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 53' 50" 105° 09' 03" F-48-55-A Khe Côn DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 54' 26" 105° 09' 46" F-48-55-A thôn Khe Đảng DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 52' 33" 105° 06' 45" F-48-55-A núi Khe Đảng SV xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 52' 18" 105° 05' 47" F-48-55-A Kim Ngọc DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 55' 38" 105° 09' 20" F-48-55-A thôn Lảm DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 55' 01" 105° 08' 44" F-48-55-A đội Lâm nghiệp 16 DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 54' 19" 105° 08' 24" F-48-55-A thôn Lương DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 55' 15" 105° 08' 14" F-48-55-A thôn Nhùng DC xã Tứ Quận H. Yên Sơn 21° 54' 52" 105° 07' 29" F-48-55-A đường tỉnh 185 KX xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 58' 56" 105° 13' 12" 21° 55' 01" 105° 12' 23" F-48-43-D thôn An Lạc DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 48" 105° 13' 13" F-48-55-A khe Đát TV xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 57' 49" 105° 14' 52" 21° 57' 13" 105° 13' 37" F-48-55-A thôn Đèo Mủng DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 55' 41" 105° 13' 54" F-48-55-A thôn Đô Thượng DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 17" 105° 14' 25" F-48-55-A thôn Đô Thượng 2 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 07" 105° 15' 07" F-48-55-B suối Dòi TV xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 58' 03" 105° 15' 23" 21° 57' 07" 105° 13' 37" F-48-55-A thôn Đồng Dài DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 56" 105° 14' 40" F-48-55-A suối Đồng Dài TV xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 15" 105° 14' 42" 21° 55' 41" 105° 13' 33" F-48-55-A thôn Đồng Tày DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 57' 59" 105° 13' 28" F-48-55-A thôn Khuân Khán DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 57' 40" 105° 14' 14" F-48-55-A thôn Lương Trung DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 58' 28" 105° 13' 37" F-48-55-A thôn Soi Hà DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 58' 55" 105° 12' 35" F-48-55-A thôn Sơn Hạ 1 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 55' 58" 105° 14' 17" F-48-55-A thôn Sơn Hạ 2 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 55' 56" 105° 13' 52" F-48-55-A thôn Sơn Hạ 3 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 55' 49" 105° 13' 34" F-48-55-A thôn Sơn Hạ 4 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 08" 105° 13' 32" F-48-55-A thôn Tân Sơn 1 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 44" 105° 12' 49" F-48-55-A thôn Tân Sơn 2 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 38" 105° 12' 28" F-48-55-A thôn Vân Giang DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 57' 04" 105° 13' 24" F-48-55-A suối Voi TV xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 55' 39" 105° 14' 23" 21° 55' 41" 105° 13' 33" F-48-55-A thôn Vông Vàng 1 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 55' 38" 105° 12' 01" F-48-55-A thôn Vông Vàng 2 DC xã Xuân Vân H. Yên Sơn 21° 56' 14" 105° 12' 28" F-48-55-A
{ "issuing_agency": "Bộ Tài nguyên và Môi trường", "promulgation_date": "03/09/2013", "sign_number": "22/2013/TT-BTNMT", "signer": "Nguyễn Linh Ngọc", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-980-KH-BYT-BGDDT-2023-trien-khai-kiem-tra-tien-su-tai-cac-co-so-giao-duc-mam-non-tieu-hoc-573819.aspx
Kế hoạch 980/KH-BYT-BGDĐT 2023 triển khai kiểm tra tiền sử tại các cơ sở giáo dục mầm non tiểu học
BỘ Y TẾ - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 980/KH-BYT-BGDĐT Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2023 KẾ HOẠCH PHỐI HỢP TRIỂN KHAI KIỂM TRA TIỀN SỬ VÀ TIÊM CHỦNG BÙ LIỀU CHO TRẺ NHẬP HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh. Các vắc xin được cung cấp miễn phí cho trẻ nhỏ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong các năm qua tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95% trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, ước tính trung bình hàng năm có 100.000 - 200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong chương trình TCMR. Việc tích luỹ số trẻ này qua các năm, đặc biệt với tình trạng dị biến động dân cư trong các năm gần đây có xu hướng gia tăng là yếu tố nguy cơ gây dịch. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược hướng tới mục tiêu thanh toán, loại trừ và khống chế các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học đã được triển khai tại hơn 130 quốc gia trên thế giới và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh. Trường học là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em, có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trước khi xảy ra, bảo vệ sức khoẻ trẻ em cần triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho trẻ em tại nước ta. Để triển khai thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi nhập học. I. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH - Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội; - Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; - Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về Lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030; - Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 ban hành quy định về công tác y tế trường học; - Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm Y tế bắt buộc; - Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ; - Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam; - Quyết định 5715/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/12/2020 ban hành “Kế hoạch bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2021-2025”; - Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT ngày 23/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành các tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và công tác y tế trong trường học; - Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025. - Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025; - Chương trình phối hợp số 218/CTr-BGDĐT-BYT ngày 04/3/2022 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế về công tác Y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026. II. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu Tăng tỷ lệ bao phủ các vắc xin trong Chương trình TCMR ở nhóm trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. 2. Chỉ tiêu hàng năm - 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình TCMR khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại các địa phương triển khai. - Ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), vắc xin bại liệt (bOPV, IPV) và viêm não Nhật Bản (VNNB) được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh. - Đảm bảo an toàn tiêm chủng. III. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI 1. Nguyên tắc - Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong quá trình triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. - Tiêm chủng bù liều vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế. 2. Thời gian: Từ năm 2023 3. Đối tượng - Đối tượng cần kiểm tra tiền sử tiêm chủng: Tất cả trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1). - Đối tượng cần tiêm chủng bù liều: Trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) sẽ được tiêm chủng bù các vắc xin này. 4. Loại vắc xin - Kiểm tra tiền sử tiêm chủng: tất cả các vắc xin trong TCMR hoặc có thành phần tương tự. - Thực hiện tiêm chủng bù liều: vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) dành cho trẻ em trong Chương trình TCMR từ năm 2023. - Việc bổ sung các vắc xin khác trong TCMR trong các năm tiếp theo sẽ do Bộ Y tế hướng dẫn. 5. Hình thức triển khai Kiểm tra tiền sử tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học: Thực hiện hàng năm vào thời điểm trẻ nộp hồ sơ nhập học đầu năm. Tiêm chủng bù liều các vắc xin trong TCMR cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin: Thực hiện sau khi rà soát tiền sử tiêm chủng, tổ chức theo đợt riêng hoặc lồng ghép với đợt tiêm chủng thường xuyên. Triển khai tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm (tại cơ sở giáo dục, thôn bản) hoặc tại Trạm y tế căn cứ tình hình thực tế. 6. Phạm vi triển khai 6.1. Triển khai thí điểm - Triển khai thí điểm trong năm 2023 tại các tỉnh, thành phố thuộc 4 khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. - Tiêu chí lựa chọn tỉnh, thành phố: + Đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn và miền núi. + Có mạng lưới nhân lực làm công tác TCMR mạnh, triển khai tốt Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. + Có tỷ lệ di biến động dân cư cao. Như vậy, 12 tỉnh, thành phố thuộc 4 khu vực được lựa chọn tham gia triển khai thí điểm bao gồm: + Miền Bắc (4 tỉnh): Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa; + Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Trị, Quảng Nam; + Tây Nguyên (3 tỉnh): Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; + Miền Nam (3 tỉnh): Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng. 6.2. Mở rộng triển khai Từ năm 2024 mở rộng diện triển khai ra khoảng 30% số tỉnh, thành phố trên cả nước và triển khai trên toàn quốc từ năm 2025. IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG Dự kiến tiến độ triển khai các hoạt động chi tiết tại Phụ lục 1. 1. Công tác chuẩn bị 1.1. Tuyến Trung ương 1.1.1. Xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành Y tế và Giáo dục Xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tại địa phương. 1.1.2.Tổ chức hội thảo phổ biến kế hoạch Phổ biến kế hoạch phối hợp liên ngành Y tế và ngành Giáo dục về triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học cho các đơn vị liên quan. Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, huy động nguồn lực cho triển khai hoạt động. 1.1.3. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn Xây dựng các tài liệu chuyên môn về nội dung của hoạt động, quy trình triển khai, cách thức phối hợp. Các tài liệu chính bao gồm: hướng dẫn triển khai, khung kế hoạch triển khai cho tuyến tỉnh, các quy trình thực hành chuẩn SOP, bộ công cụ giám sát, thống kê, báo cáo, tài liệu hỏi đáp. 1.1.4. Hội thảo góp ý tài liệu Tổ chức hội thảo với sự tham gia của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện ngành Y tế, Giáo dục của các địa phương và các đơn vị liên quan nhằm thu thập các góp ý để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các tài liệu chuyên môn, đảm bảo phù hợp thực tiễn. 1.1.5. Tập huấn giảng viên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vụ Giáo dục thể chất tổ chức tập huấn cho giảng viên tuyến tỉnh về chuyên môn, quy trình thực hiện, phối hợp, quản lý dữ liệu và báo cáo, truyền thông... 1.2. Tuyến tỉnh 1.2.1. Xây dựng kế hoạch triển khai Xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em nhập học tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn và trình cấp có thẩm quyền ban hành. 1.2.2. Phổ biến kế hoạch triển khai Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai của các huyện để các đơn vị liên quan xác định được các hoạt động cần triển khai và phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục tại địa phương. 1.2.3. Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã Đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đã được tập huấn thực hiện tập huấn cho giảng viên tuyến huyện thuộc ngành Y tế và ngành Giáo dục. Các giảng viên tuyến huyện thực hiện tập huấn cho cán bộ tại Trạm y tế xã/phường, cán bộ y tế trường học. 1.3. Truyền thông, huy động cộng đồng Các địa phương cần tổ chức các hoạt động truyền thông trước, trong quá trình triển khai. 1.3.1. Xây dựng tài liệu truyền thông Xây dựng các thông điệp truyền thông, in ấn tờ rơi, áp phích, tài liệu hỏi - đáp về kiểm tra và tiêm chủng bù liều vắc xin, lịch tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, sử dụng ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử. 1.3.2. Triển khai công tác truyền thông - Truyền thông vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ. - Truyền thông về tác dụng, hiệu quả của các vắc xin đối với trẻ em và sự cần thiết tiêm bù liều, an toàn tiêm chủng thông qua nhiều hình thức: truyền thông trực tiếp; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam (Facebook, Zalo, Youtube...). - In ấn, phân bổ tài liệu truyền thông đến học sinh, cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ. 1.4. Cung ứng vắc xin, vật tư tiêm chủng 1.4.1. Dự trù, cung ứng vắc xin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh dự trù nhu cầu vắc xin, vật tư tiêm chủng, đưa vào kế hoạch hàng năm trình Sở Y tế xem xét kế hoạch cung ứng, báo cáo Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt. 1.4.2. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin Vắc xin do tỉnh cung ứng: Trung tâm KSBT tỉnh, thành phố tiếp nhận từ đơn vị cung ứng và bảo quản vắc xin tại kho của tỉnh. Thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế quận/huyện ít nhất là 01 tuần trước khi tổ chức tiêm chủng. Việc bảo quản, sử dụng vắc xin trong Kế hoạch phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành. 1.4.3. Dự trù, cung ứng vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng Ước tính số lượng bơm kim tiêm, hộp an toàn áp dụng với các vắc xin đường tiêm để đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng tại địa phương. Xác định nhu cầu vắc xin, vật tư tiêu hao để tiêm chủng bù liều theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW). 2. Tổ chức kiểm tra tiền sử tiêm chủng 2.1. Thu thập hồ sơ tiêm chủng Ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổng hợp danh sách trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1). Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cha mẹ, người chăm sóc trẻ gửi hồ sơ tiêm chủng cá nhân (bản phô tô toàn bộ phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân, giấy xác nhận thông tin tiêm chủng, mã số tiêm chủng...), phiếu thu thập thông tin học sinh. Thu thập hồ sơ tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành Y tế và gửi Trạm y tế trên địa bàn. Liên hệ với cha mẹ, thu thập và gửi bổ sung hồ sơ trong trường hợp (i) trẻ đi tiêm chủng bù liều các vắc xin tại cơ sở dịch vụ sau khi nộp hồ sơ rà soát; (ii) trẻ bị thiếu hồ sơ tiêm chủng và bổ sung giấy xác nhận thông tin tiêm chủng. 2.2. Tổ chức rà soát, cập nhật tiền sử tiêm chủng - Các Trạm y tế tiếp nhận hồ sơ thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ do các cơ sở giáo dục trên địa bàn cung cấp. - Thực hiện rà soát hồ sơ và cập nhật dữ liệu tiêm chủng của trẻ trên Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. - Thông báo danh sách trẻ cần nộp bổ sung hồ sơ tiêm chủng, danh sách trẻ cần tiêm chủng bù liều các vắc xin trong Chương trình TCMR đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn đã thực hiện rà soát. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học sẽ phản hồi đến cha mẹ/người chăm sóc về kết quả rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ. - Đối với trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin: nhà trường phối hợp truyền thông, vận động cha mẹ/người chăm sóc đưa trẻ đi tiêm chủng bù liều đầy đủ theo quy định. Nếu trẻ tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ thì đề nghị đơn vị tiêm chủng dịch vụ cung cấp minh chứng thông tin để cha mẹ/người chăm sóc trẻ nộp lại nhà trường. Nếu sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR thì cha mẹ/người chăm sóc trẻ đăng ký với cơ sở giáo dục. - Cơ sở giáo dục sẽ gửi lại Trạm y tế danh sách các trẻ có phụ huynh chấp thuận tiêm chủng bù liều để Trạm y tế có cơ sở lập kế hoạch buổi tiêm chủng. Thông tin về các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cần rà soát lịch tiêm chủng chi tiết tại Phụ lục 2. 3. Tổ chức tiêm chủng bù liều Tổ chức tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. - Tại tất cả các điểm tiêm chủng: + Có phương án theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng (lưu ý có số điện thoại liên hệ, đơn vị tiếp nhận). + Bố trí khu vực và cán bộ y tế đã được đào tạo về công tác tiêm chủng theo quy định để theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng. + Trang bị Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, hộp thuốc cấp cứu phản vệ theo quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. - Các Trung tâm y tế/bệnh viện huyện bố trí đội thường trực cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi cần. 4. Đảm bảo an toàn tiêm chủng - Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định số định 1575/QĐ-BYT ngày 27/03/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. - Theo dõi sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. - Xử trí phản vệ theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. 5. Quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo 5.1. Xây dựng biểu mẫu - Xây dựng biểu mẫu ghi chép, báo cáo về kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều do các Trạm y tế, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện. - Dự kiến kết quả đầu ra: Các biểu mẫu ghi chép được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại các đơn vị của ngành Y tế và ngành Giáo dục. 5.2. Cập nhật Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia (Hệ thống) - Khảo sát nhu cầu quản lý dữ liệu tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều, khả năng kết nối dữ liệu tiêm chủng trường học và quản lý học sinh làm cơ sở cho xây dựng hợp phần Kiểm tra tiền sử tiêm chủng thuộc Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. 5.3. Quản lý dữ liệu và báo cáo 5.3.1. Đối với dữ liệu cá nhân Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học lập danh sách trẻ em theo lớp, trường bao gồm thông tin chung, mã định danh công dân, mã số tiêm chủng gửi Trạm y tế (văn bản và tệp thông tin) trong giai đoạn đầu. Sau khi phân hệ Tiêm chủng trường học trên Hệ thống được đưa vào sử dụng, ngành Giáo dục huy động nhân lực phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong việc cập nhật đầy đủ thông tin. Trạm Y tế phối hợp với các trường rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên Hệ thống. 5.3.2. Báo cáo tiến độ Ngành Giáo dục: Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học báo cáo tình hình thu thập thông tin tiền sử tiêm chủng cho Phòng Giáo dục và Đào tạo quận/huyện. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện theo dõi, báo cáo tiến độ theo quy định của ngành. Ngành Y tế: Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên tuyến trên theo quy định; đảm bảo kết quả, tiến độ triển khai thực hiện được báo cáo đầy đủ, kịp thời. 5.3.3. Báo cáo giám sát phản ứng sau tiêm Báo cáo sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ Y tế. 5.4. Giám sát hỗ trợ Tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều nhằm nâng cao năng lực cán bộ tại các tuyến, phát hiện các khó khăn trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. 6. Hội thảo sơ kết, chia sẻ kinh nghiệm Tổ chức Hội thảo sơ kết tại các tuyến để báo cáo kết quả sơ bộ, thuận lợi, khó khăn về triển khai kiểm tra tiền sử, tiêm chủng bù liều vắc xin trong TCMR cho trẻ em nhập học tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. V. KINH PHÍ THỰC HIỆN 1. Cung ứng vắc xin Sử dụng vắc xin của Chương trình TCMR cung ứng từ nguồn ngân sách nhà nước trung ương, ngân sách của tỉnh, thành phố và các nguồn vắc xin được cung ứng từ các nguồn hợp pháp khác (nếu có). 2. Kinh phí cho các hoạt động triển khai kế hoạch tại địa phương Kinh phí địa phương hoặc nguồn viện trợ theo quy định. VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Ngành Y tế 1.1. Bộ Y tế 1.1.1. Cục Y tế dự phòng a) Phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ban hành, phổ biến và chỉ đạo việc triển khai Kế hoạch. b) Chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai hoạt động kiểm tra và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học tại các địa phương. 1.1.2. Cục Quản lý khám, chữa bệnh: Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở khám chữa bệnh, cấp cứu và xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. 1.1.3. Văn phòng Bộ Y tế a) Phối hợp với Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông của Kế hoạch phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học; cung cấp thông tin về tiêm chủng cho các cơ quan báo chí và tăng cường hoạt động truyền thông tại các cơ sở y tế và cộng đồng. b) Phối hợp với các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường hoạt động truyền thông trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. 1.1.4. Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia a) Chủ trì và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi về quản lý, kết nối dữ liệu kiểm tra và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ em mầm non, tiểu học. b) Hướng dẫn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về xây dựng và quản lý dữ liệu tiêm chủng trường học trên Hệ thống. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo a) Chỉ đạo và đôn đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác phối hợp đẩy nhanh tiến độ kiểm tra tiền sử và tiêm bù mũi các vắc xin cho trẻ em, học sinh tại các địa phương. b) Chỉ đạo các Sở giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thông báo và phối hợp với ngành Y tế tại địa phương để tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, bảo đảm an toàn. c) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông về hiệu quả và tính an toàn của các vắc xin, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục thông qua việc cung cấp thông tin trực tiếp, tài liệu truyền thông, mời các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn để tư vấn cho cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ. d) Giao Vụ Giáo dục thể chất là đơn vị đầu mối, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tham mưu triển khai, hướng dẫn, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này. 3. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đ) Đầu mối phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tham mưu triển khai, hướng dẫn, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này; Xây dựng tài liệu, hướng dẫn chuyên môn về kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều các vắc xin trong TCMR, tổ chức tập huấn. b) Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, giám sát và đôn đốc tiến độ thực hiện của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các tỉnh, thành phố theo Kế hoạch; quản lý số liệu và báo cáo Bộ Y tế theo quy định. c) Huy động nguồn lực bổ sung để thực hiện các hoạt động. 4. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur a) Theo phạm vi được phân công xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động: cung ứng, điều phối sử dụng vắc xin, vật tư tiêm chủng sử dụng từ nguồn TCMR, tham gia tập huấn chuyên môn kỹ thuật, giám sát hỗ trợ đảm bảo tiêm chủng an toàn, đặc biệt trong điều tra, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; quản lý số liệu và báo cáo theo quy định. b) Cấp phát vắc xin trong TCMR để triển khai tiêm chủng. 5. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương a) Chủ trì xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai việc tiêm chủng cho trẻ em, học sinh trên địa bàn theo đúng Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế. b) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin. c) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm chủng; tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời đầu mối phối hợp với lực lượng Quân y, bộ đội biên phòng để triển khai việc rà soát, tiêm chủng bù liều đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. d) Lập kế hoạch, thực hiện cung ứng, tiếp nhận, phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho triển khai Kế hoạch. đ) Định kỳ chia sẻ thông tin với đầu mối của Sở Giáo dục và Đào tạo về các thông tin liên quan và tiến độ thực hiện để tăng cường công tác chỉ đạo liên ngành. 6. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương rà soát, lập danh sách sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 chưa tiêm chủng đầy đủ để tổ chức tiêm chủng. b) Chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế. c) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học. Trên đây là Kế hoạch phối hợp tăng cường triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề nghị các Vụ, Cục, Viện và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc, phối hợp triển khai, thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỨ TRƯỞNG Ngô Thị Minh KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thị Liên Hương Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Bộ trưởng BYT (để báo cáo); - Bộ trưởng Bộ GDĐT (để báo cáo); - Các Thứ trưởng; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục KCB, VPB, TTYQG (Bộ Y tế); - Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT); - Viện VSDT, Viện Pasteur: - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Sở GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - TT. KSBT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Lưu: VT, DP. Phụ lục 1 DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TT Hoạt động Chủ trì Phối hợp Kinh phí Thời gian Ghi chú 1 Công tác chuẩn bị 1.1 Tuyến Trung ương 1.1.1 Xây dựng kế hoạch phối hợp liên Ngành Y tế và Ngành Giáo dục & Đào tạo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Vụ Giáo dục thể chất, Vụ Giáo dục mầm non, Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) Trung ương Nguồn viện trợ Quý II/2023 1.1.2 Tổ chức hội thảo phổ biến kế hoạch quốc gia Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Viện VSDT Trung ương Nguồn viện trợ Quý II/2023 Thành phần: Các Vụ, Cục, Viện có liên quan thuộc Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) 1.1.3 Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn Viện VSDT Trung ương Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); các Vụ, Cục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); các Viện VSDT/Pasteur Nguồn viện trợ Quý II/2023 và cập nhật, bổ sung khi có yêu cầu 1.1.4 Hội thảo góp ý tài liệu Viện VSDT Trung ương Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Viện VSDT/Pasteur; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm KSBT tỉnh Nguồn viện trợ Quý II /2023 1.1.5 Tập huấn giảng viên (TOT) tuyến khu vực, tỉnh về triển khai hoạt động a. TOT cho giảng viên y tế tuyến khu vực, tỉnh: 01 lớp/năm Viện VSDT Trung ương Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); các Viện VSDT/Pasteur; Trung tâm KSBT tỉnh Nguồn viện trợ Quý III trong các năm học tiếp theo Thành phần: Cán bộ làm công tác TCMR, công tác y tế trường học của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tại các tỉnh triển khai b. TOT cho giảng viên giáo dục tuyến tỉnh: 01 lớp/năm Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); Viện VSDT Trung ương Nguồn viện trợ Quý II - III trong các năm học tiếp theo Thành phần: Cán bộ phụ trách công tác y tế trường học, khối tiểu học, mầm non thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tại các tỉnh triển khai 1.2 Tuyến tỉnh 1.2.1 Xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Sở Y tế Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố Từ Quý II/2023 1.2.2 Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai Thành phần: Lãnh đạo, nhân viên ngành Y tế, giáo dục & đào tạo tuyến tỉnh, huyện (Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện) tại các tỉnh triển khai 1.2.3 Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã a Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện (y tế + giáo dục): 02 lớp/tỉnh/năm Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Các Viện VSDT/Pasteur, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm y tế huyện, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện. Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai Thành phần: + Lớp dành cho giảng viên ngành Y tế: Cán bộ làm công tác TCMR, cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của Trung tâm Y tế huyện. + Lớp dành cho giảng viên ngành Giáo dục: Cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của khối tiểu học, mầm non tuyến huyện b Tập huấn cho tuyến huyện, xã: (02 lớp/huyện/năm trong đó 01 lớp dành cho nhân viên y tế và 01 lớp dành cho nhân viên ngành Giáo dục). Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai Thành phần: + Lớp cho nhân viên y tế: Trạm trưởng, chuyên trách TCMR hoặc y tế học đường của Trạm y tế, các NVYT của Trung tâm Y tế huyện tham gia triển khai nhưng chưa được tập huấn lớp TOT. + Lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học: Hiệu trưởng, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, các nhân viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham gia triển khai nhưng chưa được tập huấn lớp TOT 1.3 Truyền thông, huy động cộng đồng 1.3.1 Xây dựng tài liệu truyền thông Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương, Trung tâm KSBT các tỉnh, các Vụ, Cục liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ Quý II/2023 và cập nhật, bổ sung theo nhu cầu trong các năm tiếp theo 1.3.2 Triển khai công tác truyền thông Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế. Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các cơ sở giáo dục và đào tạo mầm non, tiểu học Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ Trước và trong thời gian triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều Triển khai tại các tuyến: + Tuyến tỉnh/huyện + Tuyến xã/phường + Tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học 1.4 Cung ứng, tiếp nhận, phân bổ, bảo quản, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng 1.4.1 Dự trù, cung ứng vắc xin Trung tâm KSBT tỉnh: Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kinh phí địa phương Thực hiện hàng năm cùng với cung ứng các vắc xin cho công tác tiêm chủng thường xuyên 1.4.2 Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin Đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng vắc xin trong TCMR (Trung tâm KSBT tỉnh) Trung tâm Y tế quận/huyện; Trạm y tế xã Nguồn kinh phí địa phương Thực hiện hàng năm cùng với cung ứng các vắc xin cho công tác tiêm chủng thường xuyên 1.4.3 Dự trù, cung ứng vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng Đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng vắc xin trong TCMR (Sở Y tế hoặc Trung tâm KSBT tỉnh) Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh, trung tâm Y tế huyện/xã Nguồn kinh phí địa phương Hoàn thành cung ứng vật tư tiêm chủng tối thiểu 1 tháng trước khi triển khai tiêm bù liều 2 Triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng 2.1 Thu thập hồ sơ tiêm chủng Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (công lập và ngoài công lập) Cha mẹ/người chăm sóc trẻ, trạm y tế xã/phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguồn viện trợ (nếu có) và nguồn kinh phí địa phương Thực hiện hàng năm vào đầu năm học mới, trước khi trẻ nhập học. Đối với các tỉnh bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023, hoàn thành thu thập hồ sơ tiêm chủng của trẻ trước khi năm học kết thúc 2.2 Rà soát, cập nhật tiền sử tiêm chủng Trạm y tế xã/phường Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bao gồm công lập và ngoài công lập, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguồn kinh phí địa phương Trong vòng 1 -2 tháng sau khi tiếp nhận hồ sơ tiêm chủng 3 Tiêm chủng bù liều Trạm y tế xã/phường Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguồn kinh phí địa phương Hoàn thành tiêm bù liều cho trẻ trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn thành thu thập, xác minh thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ trên cơ sở thống nhất giữa Ngành Y tế và Ngành Giáo dục Tổ chức buổi tiêm chủng không quá 50 đối tượng/1 điểm tiêm chủng/1 buổi tiêm chủng. Trong trường hợp điểm tiêm chủng chỉ tiêm một số loại vắc xin trong một buổi thì số lượng không quá 100 đối tượng/buổi 4 Đảm bảo an toàn tiêm chủng Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phòng Giáo dục và Đào tạo Nguồn kinh phí địa phương Trong thời gian tổ chức tiêm chủng bù liều các vắc xin 5 Quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo 5.1 Xây dựng biểu mẫu Chương trình TCMR - Viện VSDT Trung ương Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Nguồn viện trợ, tài trợ Quý II/2023 và cập nhật theo yêu cầu trong các năm tiếp theo 5.2 Cập nhập Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia (Hệ thống) Chương trình TCMR - Viện VSDT Trung ương; Đơn vị cung cấp dịch vụ do Bộ Y tế giao Cục Khoa học và Đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty viễn thông Viettel Nguồn viện trợ, tài trợ Quý III-IV/2023 và cập nhật theo yêu cầu trong các năm tiếp theo 5.3 Quản lý dữ liệu và báo cáo 5.3.1 Quản lý dữ liệu cá nhân Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trạm y tế xã/phường Chương trình TCMR, Cục Khoa học và Đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Công ty viễn thông Viettel, Các Viện VSDT/Pasteur khu vực, Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nguồn kinh phí địa phương Trong và sau khi triển khai hoạt động 5.3.2 Báo cáo tiến độ Các đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai cho cấp cao hơn: - Ngành Giáo dục: Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phòng Giáo dục & đào tạo - Ngành Y tế: Trạm y tế, TTYT huyện, trung tâm KSBT tỉnh Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm y tế quận/huyện Nguồn kinh phí địa phương Hàng tháng - Ngành Giáo dục: thực hiện theo dõi, báo cáo tiến độ theo quy định ngành - Ngành Y tế: + Trạm y tế xã báo cáo hàng tháng tiến độ triển khai, tình hình sử dụng vắc xin trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện cho Trung tâm Y tế huyện trước ngày 5 tháng tiếp theo + Trung tâm Y tế huyện tổng hợp, gửi báo cáo Trung tâm KSBT tỉnh và gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trước ngày 10 tháng tiếp theo. + Trung tâm KSBT tỉnh báo cáo Sở Y tế, Chương trình TCMR khu vực, Quốc gia trước ngày 15 tháng tiếp theo để theo dõi, tổng hợp, tăng cường công tác quản lý, báo cáo Bộ Y tế 5.4 Giám sát hỗ trợ - Y tế: Cục Y tế dự phòng, Viện VSDT/Pasteur, Sở y tế, Trung tâm KSBT tỉnh, TTYT huyện - Giáo dục: Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo Các đơn vị liên quan được giám sát từ tuyến trên cả ngành Y tế và cơ sở giáo dục Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ Trước và trong thời gian triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều 6 Hội thảo sơ kết, chia sẻ kinh nghiệm Hội thảo sơ kết tuyến tỉnh, huyện Sở Y tế Các Viện VSDT/Pasteur, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo Kinh phí viện trợ (nếu có), kinh phí địa phương Quý IV/2023 Hội thảo sơ kết tuyến trung ương Viện VSDT Trung ương Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các Viện VSDT/Pasteur; Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo Kinh phí viện trợ Quý IV/2023 Phụ lục 2 THÔNG TIN VỀ CÁC VẮC XIN TRONG TCMR CẦN RÀ SOÁT LỊCH SỬ TIÊM CHỦNG Loại vắc xin Đường dùng Số lần tiêm/uống Ghi chú Vắc xin BCG phòng bệnh lao Tiêm trong da 01 Vắc xin phòng bệnh viêm gan B* Tiêm bắp 03 Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT)* Tiêm bắp 04 Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng Vắc xin phòng bệnh bại liệt* - Sinh từ năm 2022 Tiêm/uống 05 Trong đó có ít nhất 02 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV - Sinh trước năm 2022 Tiêm/uống 04 Trong đó có ít nhất 01 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV vắc xin phòng bệnh sởi ** Tiêm bắp 02 Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng Vắc xin phòng bệnh rubella** Tiêm bắp 01 Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản*** Tiêm dưới da 03 Khoảng cách 1 tuần giữa mũi 1 và 2 Khoảng cách 1 năm giữa mũi 1 và 3 Một số trường hợp trẻ tiêm sớm hoặc muộn hơn so với lịch tiêm chủng trong TCMR nhưng mũi tiêm được coi là đủ điều kiện: - Trẻ tiêm chậm hơn lịch tiêm các vắc xin trong Chương trình TCMR. Trường hợp này không cần tiêm lại các mũi trước đó. - Tuổi của trẻ khi tiêm nhỏ hơn so với lịch tiêm trong Chương trình TCMR nhưng tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. - Trẻ sử dụng vắc xin ngoài TCMR có chứa thành phần tương đương: * Sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR (DPT, DPT-viêm gan B-Hib hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ chứa thành phần tương tự (vắc xin DPT-IPV, DPT-IPV-Hib, DPT-IPV-viêm gan B-Hib) ** Sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR (DPT, DPT-viêm gan B-Hib hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ chứa thành phần sởi, rueblla (vắc xin MR, MMR) *** Sử dụng vắc xin viêm não Nhật Bản dịch vụ với 2 liều
{ "issuing_agency": "Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế", "promulgation_date": "19/07/2023", "sign_number": "980/KH-BYT-BGDĐT", "signer": "Nguyễn Thị Liên Hương, Ngô Thị Minh", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-09-2022-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-95-2020-ND-CP-huong-dan-dau-thau-mua-sam-500254.aspx
Nghị định 09/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn đấu thầu mua sắm mới nhất
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 09/2022/NĐ-CP Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2022 NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 95/2020/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 8 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VỀ ĐẤU THẦU MUA SẮM THEO HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG ĐỂ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VỀ ĐẤU THẦU MUA SẮM THEO HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG, HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU, HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016; Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013; Căn cứ Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; Để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương 1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 1 như sau: a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau: “1. Nghị định này quy định về mua sắm công đối với việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là Hiệp định EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (sau đây gọi là Hiệp định UKVFTA) nêu tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này.” b) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 như sau: “e) Các trường hợp được quy định tại khoản 8 Phụ lục I, khoản 7 Phụ lục II và khoản 9 Phụ lục III kèm theo Nghị định này.” 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 9 vào Điều 3 như sau: a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau: “1. Cơ quan mua sắm là cơ quan, tổ chức được liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này được giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu của dự án, dự toán mua sắm. 2. Nước thành viên là quốc gia, vùng lãnh thổ thỏa mãn một trong các điều kiện sau: a) Ký kết Hiệp định CPTPP ngày 08 tháng 3 năm 2018 và tại thời điểm phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu của gói thầu, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với nước đó (sau đây gọi là Nước thành viên Hiệp định CPTPP); b) Áp dụng Hiệp ước Liên minh Châu Âu và Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là Nước thành viên EU); c) Vương quốc Anh, Bắc Ai-len.” b) Bổ sung khoản 9 như sau: “9. Mua sắm công là quá trình lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và giải pháp khả thi để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì mục đích công và không nhằm mục đích bán hay bán lại mang tính thương mại hoặc sử dụng trong việc sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì mục đích bán hay bán lại mang tính thương mại trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.” 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: “Điều 4. Đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế 1. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu. 2. Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, cơ quan mua sắm thực hiện như sau: a) Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu; b) Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu; c) Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu; d) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ thuộc mã CPC 75231 (các dịch vụ mạng dữ liệu), CPC 75232 (các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử), CPC 84 (dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan) quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu trong nước tham dự thầu. 3. Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa, cơ quan mua sắm thực hiện như sau: a) Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu; b) Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu; c) Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu.” 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 như sau: “3. Biện pháp ưu đãi trong nước Đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm được áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước theo lộ trình quy định tại các khoản 1, 1a, 1b, 2, 3 và 4 Điều 15 của Nghị định này. Sau khoảng thời gian quy định tại Điều 15 của Nghị định này, cơ quan mua sắm không được áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước.” 5. Bổ sung một số điểm vào Điều 6 như sau: a) Bổ sung điểm h và điểm i vào khoản 1 như sau: “h) Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu; i) Không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.”; b) Bổ sung điểm đ và điểm e vào khoản 2 như sau: “đ) Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu; e) Không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.” 6. Bổ sung khoản 7 vào Điều 7 như sau: “7. Trường hợp đối với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Nhà thầu tham dự thầu không phải đáp ứng quy định độc lập về pháp lý và tài chính đối với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó nếu nhà thầu tư vấn cũng là công ty con thuộc tập đoàn.” 7. Bổ sung điểm k vào khoản 1 Điều 9 như sau: “k) Nội dung tóm tắt bằng tiếng Anh của thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu của gói thầu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục III kèm theo Nghị định này. Việc đăng tải được thực hiện sau khi Liên minh Châu Âu hoàn tất việc hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để xây dựng và duy trì hệ thống tự động dịch và đăng tải các thông báo tóm tắt trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.” 8. Bổ sung khoản 1a và khoản 1b vào sau khoản 1 Điều 15 và sửa đổi khoản 5 Điều 15 như sau: a) Bổ sung khoản 1a và khoản 1b vào sau khoản 1 như sau: “1a. Đối với gói thầu nêu tại Phụ lục I và Phụ lục III kèm theo Nghị định này, thời kỳ chuyển đổi như sau: a) Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến ngày 13 tháng 01 năm 2029, cơ quan mua sắm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định tại khoản 6 Điều này. Người có thẩm quyền có trách nhiệm xác định tổng giá trị ưu đãi trong nước trong một năm, không vượt quá 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình; b) Kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2029 đến ngày 31 tháng 7 năm 2038, cơ quan mua sắm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định tại khoản 6 Điều này. Người có thẩm quyền có trách nhiệm xác định tổng giá trị ưu đãi trong nước trong một năm, không vượt quá 30% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình; c) Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2038 trở đi, cơ quan mua sắm không được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình. 1b. Đối với gói thầu nêu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, thời kỳ chuyển đổi thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 7 Điều này.” b) Sửa đổi khoản 5 như sau: “5. Cơ quan mua sắm chịu trách nhiệm xác định gói thầu được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước trong phạm vi quản lý của mình, bảo đảm tuân thủ quy định tại các khoản 1a, 1b, 2 và 3 Điều này.” 9. Sửa đổi điểm d khoản 2 và bổ sung điểm e vào khoản 2 Điều 29 như sau: a) Sửa đổi điểm d khoản 2 như sau: “d) Khi tính toán giá gói thầu nhằm xác định gói thầu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này hay không, phải tính toán tổng giá trị ước tính tối đa của gói thầu trong toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng, bao gồm tất cả các loại thù lao, phí, lệ phí, hoa hồng, lợi tức hoặc các nguồn thu khác có thể được chi trả theo hợp đồng; trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm quy định tại khoản 3 Điều này thì phải cộng giá trị của tùy chọn mua thêm vào giá gói thầu để so sánh với ngưỡng giá gói thầu nêu tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này;” b) Bổ sung điểm e vào khoản 2 như sau: “e) Đối với gói thầu mua sắm tập trung, gói thầu chia phần để mua hàng hóa, dịch vụ lặp đi lặp lại hàng năm, việc xác định giá gói thầu căn cứ vào các nội dung sau: - Nhu cầu sử dụng trong một năm để tránh chia nhỏ gói thầu; - Kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng của hàng hóa, dịch vụ tương tự trong vòng 12 tháng trước thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường. Trường hợp không có kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng, căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu không qua mạng hoặc căn cứ tối thiểu 03 báo giá trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường hoặc giá được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp công bố được khai thác qua mạng Internet.” 10. Bổ sung khoản 5 vào Điều 39 như sau: “5. Trừ gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu nêu trong hồ sơ mời thầu sẽ không bị loại ngay trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm. Bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu đề xuất nhân sự, thiết bị thay thế trong một khoảng thời gian phù hợp để bên mời thầu xem xét, đánh giá. Nhà thầu không đề xuất nhân sự, thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại.” 11. Bổ sung khoản 3 vào Điều 79 như sau: “3. Đối với trường hợp quy định tại các điểm c, đ và g khoản 2 Điều 21 của Nghị định này, được áp dụng quy trình nêu tại Điều 77 và Điều 78 của Nghị định này nếu thấy cần thiết.” 12. Sửa đổi khoản 16 và bổ sung khoản 18 vào Điều 97 như sau: a) Sửa đổi khoản 16 như sau: “16. Trường hợp đổi tên, chia, tách cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này thì đơn vị mới sau khi đổi tên, chia, tách được coi là thuộc các Phụ lục này. Trường hợp cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này bị sáp nhập, hợp nhất thì gói thầu của đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất nhằm mục đích thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trước khi sáp nhập, hợp nhất phải thực hiện theo Nghị định này. Trường hợp đơn vị trực thuộc cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này được chuyển sang cơ quan khác quản lý, đơn vị đó vẫn thuộc các Phụ lục này.” b) Bổ sung khoản 18 vào Điều 97 như sau: “18. Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định này thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu trên cơ sở phù hợp với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại khoản này.” 13. Sửa đổi, bổ sung Điều 102 như sau: “Điều 102. Quy định chuyển tiếp 1. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp với quy định của Nghị định này thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu cho phù hợp. 2. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng có thời điểm đóng thầu sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và chưa đến thời điểm đóng thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp hoặc trái với quy định của Nghị định này thì phải sửa đổi cho phù hợp. Trong trường hợp này, chủ đầu tư, bên mời thầu phải dành cho nhà thầu một khoảng thời gian hợp lý để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu. 3. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã mở thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu nhưng phải bảo đảm không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA.” Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định và Phụ lục của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP 1. Bổ sung cụm từ “, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA” vào sau cụm từ “Hiệp định CPTPP” tại khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 27, khoản 5 Điều 81, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 100 và Điều 101. 2. Thay thế các Phụ lục I, II và III. 3. Bãi bỏ các Phụ lục IV, V, VI và VII. Điều 3. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Kiểm toán nhà nước; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, CN(2b) TM. CHÍNH PHỦ KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Lê Văn Thành PHỤ LỤC I GÓI THẦU THUỘC PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA HIỆP ĐỊNH CPTPP, HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH UKVFTA (Kèm theo Nghị định số 09/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) 1. Gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA là gói thầu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại khoản 2 Phụ lục này trở lên; b) Thuộc dự án, dự toán của cơ quan mua sắm được liệt kê tại khoản 3 Phụ lục này; c) Là gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, mua sắm hàng hóa nêu tại các khoản 4, 5 và 6 Phụ lục này; d) Không thuộc trường hợp loại trừ nêu tại khoản 8 Phụ lục này. 2. Ngưỡng giá gói thầu 2.1. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm cấp trung ương liệt kê tại khoản 3.1 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 1.500.000 SDR; b) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 1.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2034: 500.000 SDR; d) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2034 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 260.000 SDR; đ) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 130.000 SDR. 2.2. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ xây dựng của cơ quan mua sắm cấp trung ương liệt kê tại khoản 3.1 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2024: 40.000.000 SDR; b) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 32.600.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2029: 20.000.000 SDR; d) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2029 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 16.300.000 SDR; đ) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2034: 10.000.000 SDR; e) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2034 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 8.500.000 SDR; g) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 5.000.000 SDR. 2.3. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm khác liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2024: 3.000.000 SDR; b) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 2.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 1.500.000 SDR; d) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 1.000.000 SDR. 2.4. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ xây dựng của cơ quan mua sắm khác liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 40.000.000 SDR; b) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 25.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 20.000.000 SDR; d) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 15.000.000 SDR. 2.5. Đối với gói thầu mua thuốc của các bệnh viện liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này, ngưỡng giá gói thầu được quy định như sau: a) Đối với gói thầu mua thuốc của từng bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng từ một năm trở lên, gói thầu mua thuốc tập trung do Bộ Y tế thay mặt các bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu: áp dụng ngưỡng giá gói thầu như quy định tại khoản 2.3 Phụ lục này; b) Đối với gói thầu mua thuốc của từng bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng dưới một năm, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này: ngưỡng giá gói thầu là 500.000 SDR; c) Đối với gói thầu chỉ bao gồm một loại thuốc duy nhất: ngưỡng giá gói thầu là 130.000 SDR. 3. Danh sách cơ quan mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA 3.1. Cơ quan mua sắm cấp trung ương Các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Nghị định này chỉ áp dụng đối với gói thầu của các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được liệt kê tại Phụ lục này và các đơn vị hành chính trực thuộc ở cấp trung ương của các cơ quan, đơn vị đó. a) Bộ Tư pháp: - Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; - Vụ Pháp luật quốc tế; - Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; - Cục Bổ trợ tư pháp; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Thanh tra Bộ; - Vụ Thi đua - Khen thưởng; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; - Cục Trợ giúp pháp lý; - Cục Con nuôi; - Vụ Kế hoạch - Tài chính (nay là Cục Kế hoạch - Tài chính); - Tổng cục Thi hành án dân sự; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; - Cục Công nghệ thông tin; - Văn phòng Bộ; - Cục Bồi thường nhà nước; - Cục Công tác phía Nam; - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (nay thuộc Văn phòng Chính phủ); - Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Tư pháp và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Tư pháp. b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra Bộ; - Vụ Thi đua khen thưởng (nay là Vụ Thi đua khen thưởng và Truyền thông); - Vụ Hợp tác xã (nay là Cục Phát triển Hợp tác xã); - Vụ Tài chính tiền tệ; - Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân; - Cục Quản lý đấu thầu; - Vụ Kinh tế công nghiệp; - Vụ Kinh tế nông nghiệp; - Vụ Kinh tế dịch vụ; - Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị; - Vụ Quản lý các khu kinh tế; - Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư; - Vụ Quản lý quy hoạch; - Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ; - Vụ Kinh tế đối ngoại; - Vụ Lao động, Văn hóa, Xã hội; - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường; - Cục Phát triển doanh nghiệp; - Cục Đầu tư nước ngoài; - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; - Văn phòng Bộ; - Vụ Quốc phòng - An ninh; - Tổng cục Thống kê. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra Bộ; - Vụ Bảo hiểm xã hội; - Vụ Bình đẳng giới; - Vụ Lao động - Tiền lương (nay là Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương); - Vụ Hợp tác quốc tế; - Cục Quản lý lao động ngoài nước; - Cục An toàn lao động; - Cục Việc làm; - Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (nay là Cục Trẻ em); - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Cục Người có công; - Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; - Cục Bảo trợ xã hội; - Văn phòng Bộ; - Tổng Cục dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp). Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. d) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra Bộ; - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; - Cục Hợp tác quốc tế; - Cục Di sản văn hóa; - Vụ Đào tạo; - Tổng cục Du lịch; - Vụ Thi đua khen thưởng; - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; - Vụ Gia đình; - Vụ Văn hóa dân tộc; - Vụ Thư viện; - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Văn phòng Bộ; - Cục Công tác phía Nam; - Cục Nghệ thuật biểu diễn; - Cục Điện ảnh; - Cục Bản quyền tác giả; - Cục Văn hóa cơ sở; - Tổng cục Thể dục thể thao; - Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. đ) Bộ Khoa học và Công nghệ: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra Bộ; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Khoa học xã hội và Tự nhiên (nay là Vụ Khoa học Xã hội nhân văn và Tự nhiên); - Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật; - Vụ Công nghệ cao; - Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; - Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Vụ Tài chính (nay hợp nhất thành Vụ Kế hoạch - Tài chính); - Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ; - Cục Sở hữu trí tuệ; - Văn phòng Bộ; - Cục Công tác phía Nam; - Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng; - Vụ Thi đua - Khen thưởng; - Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương; - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; - Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia; - Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; - Cục Năng lượng nguyên tử; - Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Khoa học và Công nghệ. e) Bộ Tài chính: - Cục Quản lý giá; - Cục Tài chính Doanh nghiệp; - Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại; - Cục Quản lý Công sản; - Vụ Ngân sách nhà nước; - Vụ Đầu tư; - Vụ I (Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt); - Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; - Vụ Chính sách thuế; - Vụ Tài chính các Ngân hàng và tổ chức tài chính; - Vụ chế độ kế toán và kiểm toán (nay là Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán); - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Pháp chế; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Thi đua - Khen thưởng; - Thanh tra Bộ; - Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm; - Cục Kế hoạch - Tài chính; - Văn phòng Bộ; - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; - Tổng cục dự trữ nhà nước. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Tài chính và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Tài chính. g) Bộ Xây dựng: - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Vụ Quy hoạch - kiến trúc; - Thanh tra Bộ; - Vụ Kinh tế xây dựng (nay là Cục Kinh tế xây dựng); - Cục Phát triển đô thị; - Vụ Vật liệu xây dựng; - Vụ Kế hoạch tài chính; - Cục Quản lý hoạt động xây dựng; - Cục Hạ tầng kỹ thuật; - Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; - Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản; - Văn phòng Bộ; - Cục Công tác phía Nam; - Vụ Quản lý doanh nghiệp. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Xây dựng và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Xây dựng. h) Bộ Thông tin và Truyền thông: - Vụ Bưu chính; - Vụ Công nghệ thông tin; - Vụ Khoa học và Công nghệ; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Pháp chế; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Thanh tra Bộ; - Văn phòng Bộ; - Cục Tần số vô tuyến điện; - Cục Viễn thông; - Cục Tin học hóa; - Cục Báo chí; - Cục Xuất bản, In và Phát hành; - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; - Vụ Quản lý doanh nghiệp; - Vụ Thi đua khen thưởng; - Vụ Thông tin cơ sở (nay là Cục Thông tin cơ sở). Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông. i) Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: - Ban Đầu tư quỹ (nay là Vụ Quản lý đầu tư quỹ); - Văn phòng, có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh; - Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội; - Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế; - Ban Sổ - Thẻ; - Ban Tuyên truyền (nay là Trung tâm Truyền thông); - Ban Hợp tác quốc tế (nay là Vụ Hợp tác quốc tế); - Ban Thi đua - Khen thưởng (nay là Vụ Thi đua - Khen thưởng); - Ban Pháp chế (nay là Vụ Pháp chế); - Ban Tổ chức cán bộ (nay là Vụ Tổ chức cán bộ); - Ban Thu; - Ban Tài chính - Kế toán (nay là Vụ Tài chính - Kế toán); - Ban Kế hoạch và Đầu tư (nay là Vụ Kế hoạch và Đầu tư); - Ban Dược và Vật tư y tế; - Ban Kiểm tra (nay là Vụ Thanh tra - Kiểm tra); - Ban Kiểm toán nội bộ (nay là Vụ Kiểm toán nội bộ). Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. k) Thanh tra Chính phủ: - Vụ Tổ chức Cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Vụ Hợp tác Quốc tế; - Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I) (nay là Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I)); - Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II) (nay là Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II)); - Vụ Thanh tra khối văn hóa xã hội (Vụ III) (nay là Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III)); - Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực 1 (Cục I) (nay là Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I)); - Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực 2 (Cục II) (nay là Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II)); - Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực 3 (Cục III) (nay là Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III)); - Cục Chống tham nhũng (Cục IV) (nay là Cục Phòng, Chống tham nhũng (Cục IV)); - Văn phòng; - Vụ tiếp dân và xử lý đơn thư (nay là Ban Tiếp công dân trung ương); - Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra; - Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp (nay là Vụ Kế hoạch - Tổng hợp). Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Thanh tra Chính phủ và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Thanh tra Chính phủ. l) Bộ Công Thương: - Vụ Kế hoạch; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Vụ Hợp tác quốc tế (nay tách chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Vụ Kế hoạch); - Thanh tra Bộ; - Vụ Khoa học và Công nghệ; - Vụ Công nghiệp nặng (nay sáp nhập vào Cục Công nghiệp); - Tổng Cục Năng lượng (nay tách thành: Vụ Dầu khí và Than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo); - Vụ Công nghiệp nhẹ (nay sáp nhập vào Cục Công nghiệp); - Cục Xuất nhập khẩu; - Vụ Thị trường trong nước; - Vụ Thương mại biên giới và miền núi (nay tách chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị: Cục Xuất nhập khẩu; Vụ Thị trường trong nước); - Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (nay sáp nhập với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á - châu Phi); - Vụ Thị trường châu Âu (nay sáp nhập với Vụ Thị trường châu Mỹ thành Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ); - Vụ Thị trường châu Mỹ (nay sáp nhập với Vụ Thị trường châu Âu thành Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ); - Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (nay sáp nhập với Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương thành Vụ Thị trường châu Á - châu Phi); - Vụ Chính sách thương mại đa biên; - Vụ Thi đua - Khen thưởng (nay sáp nhập vào Văn phòng Bộ); - Vụ Tài chính (nay là Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp); - Cục Công tác phía Nam; - Cục Điều tiết điện lực; - Cục Quản lý cạnh tranh (nay là Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Phòng vệ thương mại); - Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường); - Cục Xúc tiến thương mại; - Cục Công nghiệp địa phương (nay là Cục Công Thương địa phương); - Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp; - Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (nay là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số); - Cục Hóa chất; - Vụ Phát triển nguồn nhân lực (nay là Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch); - Văn phòng Bộ. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Công Thương và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Công Thương. m) Bộ Y tế: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra Bộ; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Cục Quản lý dược; - Vụ Bảo hiểm y tế; - Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; - Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; - Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Văn phòng Bộ; - Cục Y tế dự phòng; - Cục Phòng, chống HIV/AIDS; - Cục Quản lý khám, chữa bệnh; - Cục An toàn thực phẩm; - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (nay là Tổng cục Dân số); - Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; - Cục Công nghệ thông tin; - Cục Quản lý môi trường Y tế; - Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Y tế. n) Bộ Tài nguyên và Môi trường: - Vụ Pháp chế; - Vụ Kế hoạch; Vụ Tài chính (nay hợp nhất thành Vụ Kế hoạch - Tài chính); - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; - Thanh tra Bộ; - Vụ Khoa học và Công nghệ; - Tổng cục Quản lý đất đai; - Cục Quản lý tài nguyên nước; - Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (nay tách thành Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Biến đổi khí hậu); - Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (nay là Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam); - Văn phòng Bộ; - Tổng cục Môi trường; - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam); - Cục Công nghệ và Thông tin (nay là Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường). Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường. o) Bộ Giáo dục và Đào tạo: - Thanh tra Bộ; - Vụ Pháp chế; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Giáo dục Mầm non; - Vụ Giáo dục Tiểu học; - Vụ Giáo dục Trung học; - Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (nay sáp nhập vào Vụ Đào tạo chính quy thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); - Vụ Giáo dục Đại học; - Vụ Giáo dục Dân tộc; - Vụ Giáo dục Thường xuyên; - Vụ Công tác học sinh, sinh viên (nay là Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên); - Vụ Giáo dục Quốc phòng (nay là Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh); - Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; - Vụ Hợp tác Quốc tế (nay sáp nhập với Cục Đào tạo với nước ngoài thành Cục Hợp tác quốc tế); - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng); - Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; - Cục Công nghệ thông tin; - Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (nay là Cục Cơ sở vật chất); - Cục Đào tạo với nước ngoài (nay sáp nhập với Vụ Hợp tác quốc tế thành Cục Hợp tác quốc tế); - Văn phòng Bộ. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. p) Bộ Nội vụ: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Tổ chức - Biên chế; - Vụ Tiền lương; - Vụ Công chức - Viên chức; - Vụ Chính quyền địa phương; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Tổ chức phi chính phủ; - Vụ Cải cách hành chính; - Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ công chức (nay là Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức); - Vụ Pháp chế; - Vụ Tổng hợp; - Thanh tra Bộ; - Văn phòng Bộ; - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; - Ban Tôn giáo Chính phủ; - Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Vụ Công tác thanh niên. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Nội vụ và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Nội vụ. q) Bộ Ngoại giao: - Vụ ASEAN; - Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; - Vụ Đông Bắc Á; - Vụ Châu Âu; - Vụ Châu Mỹ; - Vụ Tây Á - Châu Phi (nay là Vụ Trung Đông - Châu Phi); - Vụ Chính sách Đối ngoại; - Vụ các Tổ chức Quốc tế; - Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế; - Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương; - Vụ Tổng hợp Kinh tế; - Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (nay là Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO); - Vụ Thông tin Báo chí; - Vụ Tổ chức Cán bộ; - Thanh tra Bộ; - Văn phòng Bộ; - Cục Lãnh sự; - Cục Lễ tân Nhà nước; - Cục Quản trị Tài vụ; - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; - Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; - Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Ngoại giao và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Ngoại giao. r) Ủy ban Dân tộc: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra; - Vụ Chính sách dân tộc; - Vụ Địa phương I; - Vụ Địa phương II; - Vụ Địa phương III; - Vụ Tuyên truyền; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Tổng hợp; - Vụ Kế hoạch - Tài chính; - Văn phòng; - Vụ Dân tộc thiểu số. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Ủy ban Dân tộc và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Ủy ban Dân tộc. s) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; - Vụ Kế hoạch; - Vụ Tài chính; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Pháp chế; - Thanh tra Bộ; - Cục Chăn nuôi; - Cục Trồng trọt; - Cục Chế biến, nông lâm thủy sản và nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản); - Văn phòng Bộ; - Cục Bảo vệ thực vật; - Tổng cục Thủy lợi; - Tổng cục Lâm nghiệp; - Tổng cục Thủy sản; - Cục Thú y; - Cục Quản lý xây dựng công trình; - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; - Vụ Quản lý doanh nghiệp. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. t) Bộ Giao thông vận tải: - Vụ Pháp chế; - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Vận tải; - Vụ Môi trường; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ An toàn giao thông; - Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; - Vụ Khoa học - Công nghệ; - Vụ Tài chính; - Vụ Kế hoạch - Đầu tư; - Vụ Quản lý doanh nghiệp; - Thanh tra Bộ; - Văn phòng Bộ; - Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; - Cục Đăng kiểm Việt Nam; - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; - Cục Hàng hải Việt Nam; - Cục Đường sắt Việt Nam; - Cục Hàng không Việt Nam; - Tổng cục Đường bộ Việt Nam; - Cục Y tế Giao thông vận tải. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Giao thông vận tải. u) Bộ Quốc phòng: - Cục Kinh tế; - Cục Cứu hộ - Cứu nạn. 3.2. Cơ quan mua sắm khác Các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của cả Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Gói thầu của cơ quan mua sắm liệt kê tại khoản này không mở cửa đối với tổ chức được thành lập theo pháp luật của Mê-hi-cô hoặc cá nhân mang quốc tịch Mê-hi-cô. a) Thông tấn xã Việt Nam: - Ban Tổ chức - cán bộ; - Ban Kiểm tra; - Ban Thư ký biên tập (nay là Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại); - Ban Kế hoạch - Tài chính; - Ban Biên tập tin Đối ngoại; - Ban Biên tập tin Trong nước; - Ban Biên tập tin Kinh tế; - Ban Biên tập tin Thế giới; - Trung tâm Thông tin tư liệu (nay là Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa); - Trung tâm Tin học; - Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn; - Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam; - Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; - Ban Biên tập ảnh; - Văn phòng. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Thông tấn xã Việt Nam. b) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: - Vụ Tổ chức cán bộ; - Vụ Quản lý khoa học; - Ban Thanh tra; - Vụ Hợp tác quốc tế; - Vụ Quản lý đào tạo; - Vụ Các trường chính trị; - Viện Quan hệ quốc tế; - Viện Nhà nước và Pháp luật; - Viện Triết học; - Viện Chính trị học; - Viện Văn hóa và Phát triển; - Viện Nghiên cứu quyền con người (nay là Viện Quyền con người); - Viện Kinh tế; - Tạp chí Lý luận chính trị; - Viện Lịch sử Đảng; - Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng; - Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học; - Viện Xã hội học (nay là Viện Xã hội học và Phát triển); - Vụ Kế hoạch - Tài chính. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. c) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: - Nhà xuất bản Khoa học xã hội; - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; - Trung tâm Phân tích và Dự báo; - Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; - Viện Nghiên cứu Con người; - Viện Nghiên cứu Tôn giáo; - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; - Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; - Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; - Viện Nghiên cứu Trung Quốc; - Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin; - Viện Nghiên cứu Văn hóa; - Viện Sử học; - Viện Nhà nước và Pháp luật; - Viện Dân tộc học; - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; - Viện Triết học; - Viện Xã hội học; - Viện Nghiên cứu Châu Âu; - Viện Tâm lý học; - Viện Văn học; - Viện Kinh tế Việt Nam; - Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; - Viện Nghiên cứu Hán - Nôm; - Học viện Khoa học xã hội; - Viện Khảo cổ học; - Viện Thông tin Khoa học xã hội; - Ban Tổ chức cán bộ; - Ban Kế hoạch - Tài chính; - Ban Quản lý Khoa học; - Ban Hợp tác quốc tế; - Văn phòng. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. d) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: - Viện Toán học; - Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ; - Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học; - Viện Cơ học và Tin học ứng dụng; - Viện Công nghệ hóa học; - Viện Khoa học vật liệu ứng dụng; - Viện Sinh học nhiệt đới; - Viện Khoa học năng lượng; - Văn phòng; - Viện Công nghệ thông tin; - Viện Cơ học; - Viện Vật lý địa cầu; - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; - Viện Tài nguyên và Môi trường biển; - Viện Sinh học Tây Nguyên; - Viện Hải dương học; - Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang; - Viện Vật lý; - Viện Địa chất và Địa vật lý biển; - Viện Công nghệ môi trường; - Viện Khoa học vật liệu; - Viện Hóa học; - Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên; - Viện Công nghệ sinh học; - Viện Địa lý; - Viện Địa chất; - Viện Kỹ thuật nhiệt đới; - Viện Công nghệ vũ trụ; - Trung tâm tin học và Tính toán; - Viện Hóa sinh biển. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. đ) Các bệnh viện trung ương: - Bệnh viện Bạch Mai; - Bệnh viện Chợ Rẫy; - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí; - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới; - Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; - Bệnh viện E; - Bệnh viện Hữu nghị; - Bệnh viện Thống Nhất; - Bệnh viện C Đà Nẵng; - Bệnh viện K; - Bệnh viện Nhi Trung ương; - Bệnh viện Phụ - Sản Trung ương; - Bệnh viện Mắt Trung ương; - Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương; - Bệnh viện Nội tiết Trung ương; - Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội; - Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh; - Bệnh viện 71 Trung ương; - Bệnh viện 74 Trung ương; - Bệnh viện Phổi Trung ương; - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1; - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2; - Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa; - Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập; - Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương; - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; - Bệnh viện Da liễu Trung ương; - Bệnh viện Lão khoa Trung ương; - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương; - Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các bệnh viện nêu trên. 4. Danh mục dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn a) Dịch vụ được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA (trường hợp đấu thầu nội khối theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này, nhà thầu từ tất cả Nước thành viên được tham dự thầu): Mã CPC Mô tả 61 Dịch vụ bán, bảo trì và sửa chữa ô tô và xe máy 64 Dịch vụ nhà hàng và khách sạn 862 Dịch vụ kế toán, kiểm toán và ghi sổ 863 Dịch vụ thuế 864 Dịch vụ nghiên cứu thị trường và thăm dò ý kiến công chúng 872 Dịch vụ cung cấp và bố trí nhân sự 874 Dịch vụ lau dọn các tòa nhà 87501 Dịch vụ chụp ảnh chân dung 87503 Dịch vụ chụp ảnh hành động 87504 Dịch vụ chụp ảnh đặc biệt 87505 Dịch vụ xử lý ảnh 87506 Dịch vụ xử lý phim hoạt hình không liên quan tới ngành phim hoạt hình và truyền hình 87507 Dịch vụ phục hồi, sao chép và chỉnh sửa ảnh 87509 Các dịch vụ nhiếp ảnh khác 876 Dịch vụ đóng gói 87903 Dịch vụ trả lời điện thoại 87904 Dịch vụ sao chụp 87905 Dịch vụ phiên dịch và biên dịch 87906 Dịch vụ gửi thư hoặc thu thập danh sách gửi thư 980 Hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ gia đình 99 Dịch vụ do các tổ chức và cơ quan xuyên quốc gia cung cấp b) Dịch vụ được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP (trường hợp đấu thầu nội khối theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu từ tất cả Nước thành viên tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu); Mã CPC Mô tả 75231 Các dịch vụ mạng dữ liệu 75232 Các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử 84 Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan 94 Dịch vụ xử lý nước thải, xử lý rác thải, dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ môi trường khác (ngoại trừ việc thu thập rác trong văn phòng của các đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh) 97 Các dịch vụ khác (ngoại trừ 97030 - Dịch vụ tang lễ, hỏa táng, tổ chức tang lễ và 97090 - các dịch vụ khác) c) Dịch vụ được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và UKVFTA (trường hợp đấu thầu nội khối theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu từ tất cả Nước thành viên tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự thầu): Mã CPC Mô tả 841 Dịch vụ tư vấn liên quan tới lắp đặt phần cứng máy tính 845 Dịch vụ duy tu và bảo dưỡng máy móc và thiết bị văn phòng, bao gồm cả máy tính 849 Các dịch vụ máy tính khác 5. Danh mục dịch vụ xây dựng Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA áp dụng đối với tất cả dịch vụ xây dựng được liệt kê trong Mục 51 của Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (CPC) của Liên hợp quốc tại địa chỉ: https://www.wto.org/english/tratop_e/serv_e/cpc_provisional_complete_e.pdf 6. Danh mục hàng hóa Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA áp dụng đối với tất cả hàng hóa, trừ các hàng hóa sau đây: Mã HS2012 Mô tả 10.06 Lúa gạo 27.09 Dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum, ở dạng thô 27.10 Dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum, trừ dầu thô; các chế phẩm chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, có chứa hàm lượng từ 70% trở lên là dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum, những loại dầu này là thành phần cơ bản của các chế phẩm đó; dầu thải 49.01 Các loại sách in, sách gấp, sách mỏng và các ấn phẩm in tương tự, dạng tờ đơn hoặc không phải dạng tờ đơn 49.02 Báo, tạp chí chuyên ngành và các xuất bản phẩm định kỳ, có hoặc không có minh họa tranh ảnh hoặc chứa nội dung quảng cáo 49.05 Bản đồ và biểu đồ thủy văn hoặc các loại biểu đồ tương tự, kể cả tập bản đồ, bản đồ treo tường, bản đồ địa hình và quả địa cầu, đã in 49.07 Các loại tem bưu chính, tem thuế hoặc tem tương tự đang được lưu hành hoặc mới phát hành, chưa sử dụng tại nước mà chúng có, hoặc sẽ có giá trị, mệnh giá được công nhận; giấy có dấu tem sẵn; các loại giấy bạc (tiền giấy); mẫu séc; chứng khoán, cổ phiếu hoặc chứng chỉ trái phiếu và các loại tương tự 8517.61 Trạm thu phát gốc 8525.50 Thiết bị phát 8525.60 Thiết bị phát có gắn với thiết bị thu 85.26 Ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến 8527.13 Máy khác kết hợp với máy ghi hoặc tái tạo âm thanh 8527.19 Máy thu có chức năng lập sơ đồ, quản lý và giám sát phổ điện từ Đĩa, băng, các thiết bị lưu trữ bền vững, thể rắn, “thẻ thông minh” và các phương tiện lưu giữ thông tin khác để ghi âm hoặc ghi các hiện tượng khác Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cơ quan mua sắm chịu trách nhiệm quy đổi Mã HS2012 sang mã HS tương đương theo quy định hiện hành. 7. Đối với Bộ Quốc phòng Tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Nghị định này đối với các gói thầu trong danh mục nêu tại Phụ lục kèm theo Chương 15 của Hiệp định CPTPP, Chương 9 của Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. 8. Gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA: a) Gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn gắn liền với việc quản lý và vận hành các công trình của Chính phủ và công trình thuộc sở hữu tư nhân được dùng vì mục đích công; b) Gói thầu dịch vụ xây dựng trụ sở chính của các cơ quan nêu tại khoản 3.1 Phụ lục này; c) Gói thầu với mục đích phát triển, bảo vệ, bảo tồn các giá trị nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ hoặc di sản văn hóa của quốc gia; d) Gói thầu mua sắm hàng hóa và các dịch vụ đi kèm liên quan đến dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia; đ) Gói thầu với mục đích tăng cường sức khỏe, phúc lợi, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của dân tộc thiểu số; e) Gói thầu liên quan tới lễ kỷ niệm của quốc gia và liên quan tới mục đích tôn giáo; g) Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ vận tải trong trường hợp dịch vụ vận tải đó là một phần của gói thầu; h) Gói thầu của một cơ quan mua sắm mua từ một cơ quan nhà nước khác; i) Gói thầu do một cơ quan mua sắm tổ chức lựa chọn nhà thầu thay cho một cơ quan khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này; k) Gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ liên quan đến nghĩa trang liệt sỹ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; l) Gói thầu cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư, tư vấn đầu tư, dịch vụ lưu ký và lưu giữ chứng khoán nhằm quản lý và đầu tư tài sản của Quỹ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; m) Gói thầu dịch vụ phục chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; n) Gói thầu liên quan đến việc sản xuất tin tức và phim tài liệu của Thông tấn xã Việt Nam; o) Gói thầu sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại và các khoản tài trợ của tổ chức hay cá nhân không thuộc danh sách cơ quan mua sắm tại khoản 3 Phụ lục I, khoản 3 Phụ lục II và khoản 3 Phụ lục III kèm theo Nghị định này. 9. Gói thầu dịch vụ xây dựng của Bộ Giao thông vận tải thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này không mở cửa cho các Nước thành viên Hiệp định CPTPP. PHỤ LỤC II GÓI THẦU CHỈ THUỘC PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA HIỆP ĐỊNH CPTPP (Kèm theo Nghị định số 09/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) 1. Gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP là gói thầu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại khoản 2 Phụ lục này trở lên; b) Thuộc dự án, dự toán của cơ quan mua sắm được liệt kê tại khoản 3 Phụ lục này; c) Gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, mua sắm hàng hóa nêu tại các khoản 4, 5 và 6 Phụ lục này; d) Không thuộc trường hợp loại trừ nêu tại khoản 7 Phụ lục này. 2. Ngưỡng giá gói thầu 2.1. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm cấp trung ương liệt kê tại khoản 3.1 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2024: 2.000.000 SDR; b) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2029: 1.500.000 SDR; c) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2029 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2034: 1.000.000 SDR; d) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2034 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2039: 260.000 SDR; đ) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2039 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2044: 190.000 SDR; e) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2044 trở đi: 130.000 SDR. 2.2. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ xây dựng của cơ quan mua sắm cấp trung ương liệt kê tại khoản 3.1 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2024: 65.200.000 SDR; b) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2029: 32.600.000 SDR; c) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2029 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2034: 16.300.000 SDR; d) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2034 trở đi: 8.500.000 SDR. 2.3. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm khác liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2024: 3.000.000 SDR; b) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2024 trở đi: 2.000.000 SDR. 2.4. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ xây dựng của cơ quan mua sắm khác liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2024: 65.200.000 SDR; b) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2029: 55.000.000 SDR; c) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2029 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2034: 40.000.000 SDR; d) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2034 đến hết ngày 13 tháng 01 năm 2039: 25.000.000 SDR; đ) Từ ngày 14 tháng 01 năm 2039 trở đi: 15.000.000 SDR. 3. Danh sách cơ quan mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP 3.1. Cơ quan mua sắm cấp trung ương Các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP. Nghị định này chỉ áp dụng đối với gói thầu của các cơ quan, đơn vị dưới đây trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ được liệt kê trong Phụ lục này và các đơn vị hành chính trực thuộc ở cấp trung ương của các cơ quan, đơn vị đó. a) Bộ Khoa học và Công nghệ: Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc; b) Bộ Tài chính: - Kho bạc Nhà nước; - Tổng cục Hải quan; - Tổng cục Thuế; - Cục Tin học và Thống kê tài chính. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Tài chính; c) Bộ Thông tin và Truyền thông: - Cục Thông tin đối ngoại; - Cục bưu điện Trung ương; - Cục An toàn thông tin. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông; d) Bộ Tài Nguyên và Môi trường: - Cục Viễn thám quốc gia; - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đ) Bộ Ngoại giao: Cục Ngoại vụ, bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc; e) Bộ Công an: - Tổng cục cảnh sát (nay là Cục Cảnh sát môi trường; Cục Cảnh sát giao thông); - Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; - Cục Y tế - Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật (nay là Cục Y tế). 3.2. Cơ quan mua sắm khác Các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP. Gói thầu của cơ quan mua sắm liệt kê tại khoản này không mở cửa đối với tổ chức được thành lập theo pháp luật của Mê-hi-cô hoặc cá nhân mang quốc tịch Mê-hi-cô: Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc. 4. Danh mục dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn Ngoài các dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn được liệt kê tại điểm a khoản 4 Phụ lục I kèm theo Nghị định này, Hiệp định CPTPP còn áp dụng đối với các dịch vụ được liệt kê dưới đây: Mã CPC Mô tả 75231 Các dịch vụ mạng dữ liệu 75232 Các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử 84 Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan 94 Dịch vụ xử lý nước thải, xử lý rác thải, dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ môi trường khác (ngoại trừ việc thu thập rác trong văn phòng của các đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh) 97 Các dịch vụ khác (ngoại trừ 97030 - Dịch vụ tang lễ, hỏa táng, tổ chức tang lễ và 97090 - các dịch vụ khác) 5. Danh mục dịch vụ xây dựng Hiệp định CPTPP áp dụng đối với tất cả dịch vụ xây dựng được liệt kê trong Mục 51 của Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (CPC) của Liên hợp quốc tại địa chỉ: https://www.wto.org/english/tratop_e/serv_e/cpc_provisional_complete_e.pdf 6. Danh mục hàng hóa a) Đối với các cơ quan mua sắm liệt kê tại khoản 3.1 và khoản 3.2 Phụ lục này, trừ Bộ Công an, Nghị định này áp dụng đối với tất cả hàng hóa, trừ các hàng hóa liệt kê tại khoản 6 Phụ lục I kèm theo Nghị định này; b) Đối với Bộ Công an, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Nghị định này đối với các gói thầu trong danh mục nêu tại Phụ lục kèm theo Chương 15 của Hiệp định CPTPP. 7. Gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP a) Các gói thầu nêu tại khoản 8 Phụ lục I kèm theo Nghị định này; b) Gói thầu cung cấp dịch vụ nạo vét; c) Gói thầu dịch vụ xây dựng ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các đảo nằm ngoài lãnh hải của Việt Nam; d) Gói thầu dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. PHỤ LỤC III GÓI THẦU CHỈ THUỘC PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH UKVFTA (Kèm theo Nghị định số 09/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) 1. Gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA là gói thầu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại khoản 2 Phụ lục này trở lên; b) Thuộc dự án, dự toán của cơ quan mua sắm được liệt kê tại khoản 3 Phụ lục này; c) Gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, mua sắm hàng hóa nêu tại các khoản 4, 5 và 6 Phụ lục này; d) Không thuộc trường hợp loại trừ nêu tại khoản 9 Phụ lục này. 2. Ngưỡng giá gói thầu 2.1. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm cấp địa phương liệt kê tại khoản 3.1 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 3.000.000 SDR; b) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 2.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 1.500.000 SDR; d) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 1.000.000 SDR. 2.2. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ xây dựng của cơ quan mua sắm cấp địa phương liệt kê tại khoản 3.1 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 40.000.000 SDR; b) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 25.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 20.000.000 SDR; d) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 15.000.000 SDR. 2.3. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm khác liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 3.000.000 SDR; b) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 2.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 1.500.000 SDR; d) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 1.000.000 SDR. 2.4. Ngưỡng giá gói thầu đối với gói thầu dịch vụ xây dựng của cơ quan mua sắm khác liệt kê tại khoản 3.2 Phụ lục này được quy định như sau: a) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2025: 40.000.000 SDR; b) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2030: 25.000.000 SDR; c) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2035: 20.000.000 SDR; d) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2035 trở đi: 15.000.000 SDR. 3. Danh sách cơ quan mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA 3.1. Cơ quan mua sắm cấp địa phương Các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Nghị định này chỉ áp dụng đối với gói thầu của các đơn vị hành chính trực thuộc các cơ quan mua sắm cấp địa phương được liệt kê trong Phụ lục này và các đơn vị hành chính trực thuộc các đơn vị đó. a) Thành phố Hà Nội: - Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; - Sở Thông tin và Truyền thông; - Sở Nội vụ; - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Sở Công Thương; - Sở Kế hoạch và Đầu tư; - Sở Tài chính; - Sở Xây dựng; - Sở Giao thông vận tải; - Sở Khoa học và Công nghệ; - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; - Sở Giáo dục và Đào tạo; - Sở Y tế; - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch); - Sở Tư pháp; - Sở Ngoại vụ; - Sở Tài nguyên và Môi trường; - Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Thành phố Hà Nội và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Thành phố Hà Nội. b) Thành phố Hồ Chí Minh: - Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; - Sở Thông tin và Truyền thông; - Sở Nội vụ; - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Sở Công Thương; - Sở Kế hoạch và Đầu tư; - Sở Tài chính; - Sở Xây dựng; - Sở Giao thông vận tải; - Sở Khoa học và Công nghệ; - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; - Sở Giáo dục và Đào tạo; - Sở Y tế; - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; - Sở Tư pháp; - Sở Tài nguyên và Môi trường; - Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Thành phố Hồ Chí Minh. 3.2. Cơ quan mua sắm khác Các cơ quan, đơn vị được liệt kê dưới đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Nghị định này không áp dụng đối với gói thầu của các cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập không được liệt kê tại khoản này. a) Thông tấn xã Việt Nam: - Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí; - Trung tâm phát triển truyền thông thông tấn; - Trung tâm hợp tác quốc tế thông tấn; - Trung tâm truyền hình thông tấn; - Trung tâm kỹ thuật thông tấn. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Thông tấn xã Việt Nam; b) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Văn phòng Học viện (bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc); c) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: - Viện Gia đình và Giới; - Viện Ngôn ngữ học; - Trung tâm nghiên cứu Kinh thành; - Ban Thi đua và khen thưởng; - Viện địa lý nhân văn; - Trung tâm nghiên cứu Chính sách phát triển bền vững; - Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; d) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: - Ban Tổ chức cán bộ; - Ban Kế hoạch - Tài chính; - Ban Hợp tác quốc tế; - Ban Kiểm tra; - Ban ứng dụng và triển khai công nghệ. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đ) Tập đoàn Điện lực Việt Nam: - Tổng công ty điện lực miền Bắc; - Tổng công ty điện lực miền Trung; - Tổng công ty điện lực miền Nam; - Tổng công ty điện lực Thành phố Hà Nội; - Tổng công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh; - Tổng công ty truyền tải điện quốc gia. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc các đơn vị nêu trên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; e) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, bao gồm: Văn phòng Đường sắt Việt Nam; Ban Kiểm soát nội bộ; Ban Bảo vệ - An ninh - Quốc phòng; Ban Chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt; Ban Vận tải và đầu máy toa xe; Ban Kế hoạch kinh doanh; Ban Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ; Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng; Ban Tài chính kế toán; Ban Tổ chức cán bộ - Lao động; Ban Quản lý Kết cấu hạ tầng Đường sắt; Văn phòng Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Đà Nẵng; - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn; - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải; - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý đường sắt Hà Thái; - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý đường sắt Yên Lào; - Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý đường sắt Hà Lạng. Danh sách trên bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và trực thuộc các đơn vị nêu trên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; g) Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc; h) Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cả các Ban Quản lý dự án trực thuộc. 4. Danh mục dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn Ngoài các dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn được liệt kê tại điểm a khoản 4 Phụ lục I kèm theo Nghị định này, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA còn áp dụng đối với các dịch vụ được liệt kê dưới đây: Mã CPC Mô tả 841 Dịch vụ tư vấn liên quan tới lắp đặt phần cứng máy tính 845 Dịch vụ duy tu và bảo dưỡng máy móc và thiết bị văn phòng, bao gồm cả máy tính 849 Các dịch vụ máy tính khác 5. Danh mục dịch vụ xây dựng Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA áp dụng đối với tất cả dịch vụ xây dựng được liệt kê trong Mục 51 của Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (CPC) của Liên hợp quốc tại địa chỉ: https://www.wto.org/english/tratop_e/serv_e/cpc_provisional_complete_e.pdf 6. Danh mục hàng hóa Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA áp dụng đối với tất cả hàng hóa, trừ các hàng hóa liệt kê tại khoản 6 Phụ lục I kèm theo Nghị định này và hàng hóa sau đây: Mã CPC Mô tả 84.71 Máy xử lý dữ liệu tự động và các khối chức năng của chúng; đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học, máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác 7. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nghị định này chỉ áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, mua sắm hàng hóa theo quy định tại Điều 1 và Điều 3 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 hoặc bất kỳ quy định tương ứng nào trong các luật kế thừa liên quan tới hoạt động truyền tải và phân phối điện. 8. Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Nghị định này chỉ áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, mua sắm hàng hóa theo quy định tại Điều 1 và Điều 3 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 hoặc bất kỳ quy định tương ứng nào trong các luật kế thừa liên quan tới việc xây dựng và vận hành đường sắt. 9. Gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA a) Các gói thầu nêu tại khoản 8 Phụ lục I kèm theo Nghị định này; b) Gói thầu mua sắm hàng hóa cho mục đích gây giống và gieo trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; c) Gói thầu chuẩn bị mặt bằng, giải phóng mặt bằng, gói thầu dịch vụ bảo trì và sửa chữa cơ sở hạ tầng của các cơ quan mua sắm cấp địa phương liệt kê tại khoản 3 Phụ lục này; d) Gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ liên quan tới nghĩa trang liệt sỹ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; đ) Gói thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan tới hoạt động truyền tải và phân phối điện khi hình thành thị trường điện cạnh tranh; e) Gói thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngoài mục đích truyền tải và phân phối điện; gói thầu cho mục đích bán lại hoặc cho bên thứ ba thuê, với điều kiện là cơ quan mua sắm không được hưởng quyền lợi đặc biệt hay độc quyền để bán hoặc cho thuê các hợp đồng đó và các cơ quan khác được tự do bán hay cho thuê trong cùng điều kiện tương tự như cơ quan mua sắm; g) Gói thầu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên quan tới xây dựng và vận hành đường sắt khi hình thành thị trường cạnh tranh; h) Gói thầu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngoài mục đích xây dựng và vận hành đường sắt; gói thầu cho mục đích bán lại hoặc cho bên thứ ba thuê, với điều kiện là cơ quan mua sắm không được hưởng quyền lợi đặc biệt hay độc quyền để bán hoặc cho thuê các hợp đồng đó và các cơ quan khác được tự do để bán hay cho thuê trong cùng điều kiện tương tự như cơ quan mua sắm; i) Đối với gói thầu có giá gói thầu từ 260.000 SDR trở xuống, trừ gói thầu dịch vụ xây dựng, cơ quan mua sắm có thể ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có không quá 500 lao động thường xuyên toàn thời gian; k) Gói thầu dịch vụ xây dựng ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa theo quy định của Việt Nam và ở các đảo của Việt Nam; l) Gói thầu lưu trữ hoặc đặt máy chủ dữ liệu của Chính phủ và các dịch vụ có liên quan; m) Gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ được phân loại là an ninh quốc gia, bao gồm cả bí mật nhà nước; n) Gói thầu cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân được thu thập trong các điều kiện bảo mật hoặc thông tin kinh doanh bí mật.
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "12/01/2022", "sign_number": "09/2022/NĐ-CP", "signer": "Lê Văn Thành", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-13-CT-BCT-2021-nang-cao-chat-luong-cong-vu-luc-luong-Quan-ly-thi-truong-499775.aspx
Chỉ thị 13/CT-BCT 2021 nâng cao chất lượng công vụ lực lượng Quản lý thị trường
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 13/CT-BCT Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2021 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG Qua hơn 03 năm thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, đến nay bộ máy tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường cơ bản đã được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định hiệu quả, bước đầu khẳng định sự phù hợp của mô hình tổ chức “lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất”. Trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường cơ bản đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai chủ trương chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ngành Công Thương ở một số cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường chưa triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu và công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm túc, không đủ sức răn đe; vẫn còn công chức chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường dẫn đến lúng túng trong thực thi công vụ; công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp cho đội ngũ công chức, người lao động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; lãnh đạo quản lý ở một số đơn vị chưa gương mẫu, uy tín, tinh thần trách nhiệm còn thấp; năng lực trình độ chuyên môn của một số công chức còn hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều đơn vị về kỷ luật, kỷ cương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, bị thi hành kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam. Những hạn chế, yếu kém như trên đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Quản lý thị trường và Bộ Công Thương. Để thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau: 1. Thường xuyên phổ biến quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; trong đó chú trọng đến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; 2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; 3. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới phù hợp, đồng bộ nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho lực lượng Quản lý thị trường hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh mới; 4. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với công chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên; 5. Người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu chấp hành các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu để xảy ra việc công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; 6. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng, trình độ công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát các loại hình kinh doanh thương mại mới, nhất là thương mại điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát về văn hóa công sở, về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của công chức khi thi hành nhiệm vụ, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; 7. Tiếp tục tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; xây dựng, vận hành, phát triển hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu quản lý tài chính; làm tốt công tác thu thập, phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa và nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong thời gian tới; 8. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nhằm tuyên truyền rộng rãi hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, thông qua đó tăng cường cơ chế giám sát, tiếp nhận phản biện xã hội để hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế trong công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý thị trường; 9. Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường để tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ cho lực lượng Quản lý thị trường. 10. Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương kết quả thực hiện./. Nơi nhận: - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Lãnh đạo Bộ Công Thương; - Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ; - Lưu: VT, TCQLTT (4). BỘ TRƯỞNG Nguyễn Hồng Diên
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "29/12/2021", "sign_number": "13/CT-BCT", "signer": "Nguyễn Hồng Diên", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-06-2024-TT-BCT-nhap-khau-gao-va-la-thuoc-la-kho-co-xuat-xu-tu-Campuchia-605199.aspx
Thông tư 06/2024/TT-BCT nhập khẩu gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia mới nhất
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 06/2024/TT-BCT Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2024 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU MẶT HÀNG GẠO VÀ LÁ THUỐC LÁ KHÔ CÓ XUẤT XỨ TỪ VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA THEO HẠN NGẠCH THUẾ QUAN NĂM 2023 VÀ NĂM 2024 Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017; Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Căn cứ Nghị định số 05/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023-2024; Thực hiện Bản Thoả thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023 - 2024 ký ngày 02 tháng 6 năm 2023; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 và năm 2024. 2. Đối tượng áp dụng Các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Điều 2. Hàng hóa và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2023 và năm 2024 1. Mã số hàng hoá và tổng lượng hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 05/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023-2024 (sau đây gọi là Nghị định số 05/2024/NĐ-CP). 2. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2023 theo quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 02 tháng 6 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. 3. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2024 theo quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Điều 3. Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này theo quy định tại Nghị định số 05/2024/NĐ-CP. Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân được Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP; số lượng nhập khẩu được trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo Giấy phép do Bộ Công Thương cấp. Điều 4. Phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này được điều hành theo phương thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan nơi thương nhân làm thủ tục nhập khẩu. Việc trừ lùi tự động cho đến hết số lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan hải quan. Điều 5. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban kinh tế của Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Kiểm toán Nhà nước; - Tổng cục Hải quan; - Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; - Bộ Công Thương: Lãnh đạo Bộ, Tổng cục QLTT, các Cục, Vụ thuộc Bộ; - Website Bộ Công Thương; - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Lưu: VT, XNK (15). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Sinh Nhật Tân
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "04/04/2024", "sign_number": "06/2024/TT-BCT", "signer": "Nguyễn Sinh Nhật Tân", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Thong-tu-46-2019-TT-BCA-trach-nhiem-luc-luong-Cong-an-thuc-hien-Bo-luat-To-tung-hinh-su-2015-426343.aspx
Thông tư 46/2019/TT-BCA trách nhiệm lực lượng Công an thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mới nhất
BỘ CÔNG AN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 46/2019/TT-BCA Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2019 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 LIÊN QUAN ĐẾN BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA CỦA NGƯỜI BỊ GIỮ TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP, NGƯỜI BỊ BẮT TRONG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI QUẢ TANG HOẶC THEO QUYẾT ĐỊNH TRUY NÃ, NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN; BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA BỊ HẠI, ĐƯƠNG SỰ, NGƯỜI BỊ TỐ GIÁC, NGƯỜI BỊ KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã (sau đây gọi chung là người bị bắt), người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bảo đảm thực hiện quyền của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, cán bộ cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Chương II TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC HIỆN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, TỪ CHỐI, HỦY BỎ VIỆC ĐĂNG KÝ BÀO CHỮA CỦA NGƯỜI BỊ GIỮ TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP, NGƯỜI BỊ BẮT, NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN Điều 3. Giải thích, thông báo quyền nhờ người bào chữa Khi tiếp nhận người bị bắt, giao Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can cho bị can, người thực hiện lệnh, quyết định, tiếp nhận người bị bắt phải đọc, giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và ghi vào biên bản giao nhận. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không và đề nghị thông báo cho người đại diện, người thân thích để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có liên quan đến người đại diện hoặc người thân thích của họ. Việc thực hiện quyền nhờ người bào chữa như sau: 1. Đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam a) Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có đơn yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết. Việc chuyển đơn yêu cầu người bào chữa của cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam được gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan này hoặc gửi qua đường bưu chính. Nếu gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì phải có ký nhận tại sổ giao nhận công văn, tài liệu. b) Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam chưa yêu cầu nhờ người bào chữa thì trong lần đầu tiên lấy lời khai người bị bắt, người bị tạm giữ, lần đầu tiên hỏi cung bị can, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra phải hỏi rõ người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa hay không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Nếu họ có yêu cầu nhờ người bào chữa thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bào chữa và thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Trường hợp họ không nhờ người bào chữa thì trong thời hạn 12 giờ sau khi lấy lời khai người bị bắt, người bị tạm giữ, 24 giờ kể từ khi hỏi cung bị can lần đầu, Điều tra viên, Cán bộ điều tra đã lấy lời khai, hỏi cung có trách nhiệm thông báo cho người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. 2. Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp a) Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có đơn yêu cầu người bào chữa thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa, cơ quan nhận đơn của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan nhận đơn phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa. Việc chuyển đơn được thực hiện qua đường bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nếu người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích có nhu cầu nhận trực tiếp tại trụ sở cơ quan này và có ký nhận tại sổ giao nhận công văn, tài liệu. Việc chuyển đơn có thể được thực hiện cùng với việc thông báo cho người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trong quá trình thực hiện việc chuyển đơn, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp bị áp dụng biện pháp tạm giữ thì việc tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa tiếp tục được thực hiện, không phải làm các thủ tục đăng ký đối với người bị tạm giữ. b) Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp không yêu cầu người bào chữa thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi lập xong biên bản giao nhận Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thông báo cho người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp bị tạm giữ thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Trường hợp cần giừ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra phải thông báo cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can biết quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát. Điều 4. Tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam 1. Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Việc tiếp nhận đơn được thực hiện tại nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và phải thông báo ngay cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam để họ có ý kiến về việc nhờ người bào chữa. 2. Sau khi nhận được thông báo về việc nhờ người bào chữa, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đồng ý nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này. Trường hợp họ từ chối nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam lập biên bản về việc từ chối và xử lý như sau: a) Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đang ở trụ sở Cơ quan điều tra Trong thời hạn không quá 12 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa mà người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt nhờ và Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản. Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thông báo và thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ. b) Đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam Trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm thông báo kèm theo biên bản cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án biết (trong trường hợp Nhà tạm giữ, trại tạm giam lập biên bản). Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản. Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can và có lệnh tạm giam của người có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị tạm giữ đã có lệnh tạm giam. Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can nhưng không bị áp dụng biện pháp tạm giam thì việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này. Trường hợp người bị tạm giữ được trả tự do, nếu vẫn còn tư cách tham gia tố tụng thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì vẫn tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa; nếu không thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì tạm dừng tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa. Điều 5. Thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa Đối với người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa có đơn yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện các quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này. Nếu người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu người bào chữa thì thực hiện như sau: 1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà người đại diện hoặc người thân thích của những người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 2. Khi nhận được văn bản cử người được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn không quá 24 giờ, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để họ có ý kiến về việc chỉ định người bào chữa; việc gặp phải được lập biên bản và ghi rõ ý kiến của bị can, người đại diện hoặc người thân thích về việc có đồng ý hoặc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp đồng ý chỉ định người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án làm căn cứ để tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa. 3. Trường hợp thay đổi người bào chữa, nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan của người bào chữa đó để phân công; nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi đến một trong các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để cử lại người. 4. Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã cử người, người được cử chỉ định. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất với người được cử chỉ định về thời gian gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để xác nhận việc từ chối. Điều 6. Tiếp nhận, thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa 1. Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa. Khi nhận được hồ sơ đăng ký bào chữa, trường hợp Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án. Trường hợp đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án. Điều tra viên có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Điều tra viên có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền) ký Thông báo về việc đăng ký bào chữa và vào sổ đăng ký bào chữa. Trường hợp hồ sơ đăng ký bào chữa chưa bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết để bổ sung hồ sơ. Trường hợp người bào chữa làm thủ tục đăng ký bào chữa cho những người đã có quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết. 2. Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 3. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ từ chối hoặc từ khi hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa cho người bào chữa, cơ sở giam giữ. Trường hợp Cơ quan đang thụ lý vụ án hủy bỏ thông báo người bào chữa thì phải thông báo cho tổ chức quản lý người bào chữa bằng văn bản và nêu rõ lý do hủy bỏ. Chương III TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ, TỪ CHỐI, HỦY BỎ VIỆC ĐĂNG KÝ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA BỊ HẠI, ĐƯƠNG SỰ, NGƯỜI BỊ TỐ GIÁC, NGƯỜI BỊ KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ Điều 7. Thời điểm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng 1. Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. 2. Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Điều 8. Giải thích quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố Trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Trường hợp họ nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp họ không nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra giải thích quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được thực hiện trong suốt quá trình tiến hành tố tụng. Điều 9. Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố 1. Khi đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải xuất trình các giấy tờ: a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; c) Người đại diện của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. 2. Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung), trực ban các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Khi nhận được hồ sơ đăng ký, đối với Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ việc, vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án, vụ việc. Đối với đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công giải quyết vụ án, vụ việc. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền), Cấp trưởng, Cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ký Thông báo về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và vào sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chưa bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp biết để bổ sung hồ sơ. Trường hợp có căn cứ từ chối việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Điều 10. Thay đổi, hủy bỏ việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố 1. Văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ trường hợp bị hại, đương sự đề nghị thay đổi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có giá trị trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trừ trường hợp người bị tố giác, kiến nghị khởi tố đề nghị thay đổi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã được cơ quan có thẩm quyền có văn bản thay đổi tư cách tham gia tố tụng, nếu thuộc diện được nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định tại Chương II Thông tư này. Việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp thay đổi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này. 2. Cơ quan đang thụ lý vụ án hủy bỏ việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố vi phạm pháp luật khi tiến hành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi hủy bỏ việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do hủy bỏ cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người thực hiện nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Chương IV TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA, NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP Điều 11. Bảo đảm sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiến hành các hoạt động tố tụng 1. Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó. 2. Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan đang thụ lý vụ án báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã được báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành. 3. Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên, Cán bộ điều tra và người bào chữa phải thực hiện theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nếu phát hiện người bào chữa vi phạm pháp luật thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung bị can và lập biên bản về việc này, báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật thì người bào chữa có quyền phản ánh vi phạm đến Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu Điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can vào biên bản lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung bị can, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung. Sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và câu trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản. 4. Khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố phải thực hiện theo quy định của điểm c khoản 3 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra đồng ý cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố được hỏi thì phải ghi câu hỏi của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, câu trả lời của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố vào biên bản lấy lời khai. Khi kết thúc việc lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, câu trả lời của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và câu trả lời, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản. 5. Khi người bào chữa đề nghị, Điều tra viên phải xác nhận thời gian làm việc thực tế của người bào chữa tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Điều 12. Tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam 1. Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết. 2. Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. 3. Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ. Điều 13. Thực hiện đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự 1. Khi người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có văn bản đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Cơ quan đang thụ lý vụ án tiếp nhận văn bản để giải quyết. Nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 49 hoặc khoản 1 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp đề nghị thay đổi Điều tra viên không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan đang thụ lý vụ án từ chối việc thay đổi Điều tra viên và thông báo cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối. 2. Khi người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có văn bản đề nghị thay đổi người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, Cơ quan đang thụ lý vụ án tiếp nhận văn bản để giải quyết. Nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 68, khoản 5 Điều 69, khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định thay đổi người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và thông báo cho người bào chữa biết. Trường hợp đề nghị không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan điều tra từ chối việc thay đổi người giám định, người phiên dịch và thông báo cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối. Điều 14. Thực hiện đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế của người bào chữa Khi người bào chữa có văn bản đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, Cơ quan đang thụ lý vụ án tiếp nhận văn bản để giải quyết. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận, nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 125, Điêu 130 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan đang thụ lý vụ án ra quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo thẩm quyền hoặc tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Viện kiểm sát quyết định đối với các biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn. Nếu đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan đang thụ lý vụ án từ chối việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế và thông báo cho người bào chữa bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối. Điều 15. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật Người bào chữa thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và giao cho Cơ quan đang thụ lý vụ án thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải lập biên bản giao nhận, đưa vào hồ sơ vụ án, vụ việc. Trường hợp phát hiện người bào chữa thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Cơ quan đang thụ lý vụ án phải nhắc nhở, nếu vi phạm nghiêm trọng thì có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đưa ra yêu cầu, nếu thấy yêu cầu có liên quan đến việc bào chữa hoặc liên quan đến việc giải quyết vụ án, vụ việc thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản ghi nhận yêu cầu của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Điều 16. Trách nhiệm thực hiện bảo đảm quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án 1. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa. 2. Sau khi kết thúc điều tra, nếu người bào chữa đề nghị được đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa, nếu hồ sơ vụ án đang thuộc quyền quản lý của Cơ quan điều tra thì Cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện yêu cầu này. Điều tra viên bố trí cho người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu tại phòng làm việc thuộc trụ sở Cơ quan điều tra. Trong quá trình người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giám sát chặt chẽ. Việc sao chụp tài liệu do người bào chữa thực hiện. Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc đọc, ghi chép hoặc sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa của người bào chữa phải được lập biên bản ghi nhận, tài liệu giao cho người bào chữa phải có bản thống kê các tài liệu kèm theo. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 17. Phương thức gửi, thông báo Việc gửi hoặc thông báo văn bản trong Thông tư này được thực hiện thông qua các phương thức: 1. Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính. 2. Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng. 3. Có thể thông báo bằng hình thức liên lạc qua dịch vụ bưu chính (điện thoại, fax...) hoặc qua các ứng dụng mạng xã hội phổ biến do Điều tra viên, Cán bộ điều tra thống nhất với người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Điều 18. Biểu mẫu Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu sau: 1. Thông báo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. 2. Sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Điều 19. Kinh phí bảo đảm Chi phí gửi, thông báo bằng văn bản, chi phí sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án trong Thông tư này của các cơ quan điều tra được chi từ nguồn kinh phí điều tra; chi phí gửi, thông báo bằng văn bản trong Thông tư này của nhà tạm giữ, trại tạm giam được chi từ nguồn kinh phí thường xuyên của nhà tạm giữ, trại tạm giam. Việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ các hoạt động nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 20. Hiệu lực của Thông tư Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2019. Thông tư này thay thế Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Điều 21. Trách nhiệm tổ chức thực hiện 1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành và quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư này cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra và cán bộ, chiến sĩ làm công tác công tác giam giữ. 2. Cục An ninh Điều tra Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục An ninh Điều tra Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời./. Nơi nhận: - Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo); - Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện); - Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để thực hiện); - Liên đoàn Luật sư Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, V03. BỘ TRƯỞNG Đại tướng Tô Lâm Mẫu số: 01 Ban hành theo Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 ……………… ……………… ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……………….. ….., ngày ... tháng … năm … THÔNG BÁO VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP(1) Kính gửi: Ông/bà ……………………………………………………… ……………………………………………………… Căn cứ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra giấy tờ và thấy đủ điều kiện đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đã vào sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và thông báo: Ông/bà: ......................................................................................................................... Sinh năm: ...................................................................................................................... Nghề nghiệp: ................................................................................................................. Thẻ luật sư/CMND/Thẻ CCCD số: .................................................................................... cấp ngày … tháng …. năm …. Nơi cấp: .......................................................................... Là(2):............................................................................................................................... .... đủ điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông/bà(3): ..................................... Là(4): .............................................................................................................................. Thuộc vụ án/vụ việc: ....................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... Cơ quan ........................................................................................................................ thông báo cho ông/bà biết. Nơi nhận: - Như trên; - Hồ sơ 02 bản. …………………………….. _________________ (1) Giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp lưu vào hồ sơ vụ án, vụ việc; (2) Ghi rõ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là luật sư, người đại diện của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự, bào chữa viên nhân dân; (3) Ghi rõ họ tên người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự. (4) Ghi rõ tư cách tham gia tố tụng của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự. Mẫu số: 02 Ban hành theo Thông tư số 46/2019/TT-BCA Ngày 10 tháng 10 năm 2019 (1)………………………… ……………………………. SỔ ĐĂNG KÝ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP (Thời gian bắt đầu từ ngày … tháng … năm ….) (1) - Ghi tên đơn vị của Cơ quan điều tra/Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. - Sổ này giao cho đơn vị được phân công thụ lý vụ án/vụ việc quản lý. SỔ ĐĂNG KÝ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP STT Người đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự Nội dung thông báo đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp - Họ tên: …………………… ……………………………… - Thẻ luật sư/Người đại diện của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự (CMND/Thẻ CCCD): ………………….. - Đơn vị (1): ……………….. …………………………….. ……………………………. ……………………………. - Giấy yêu cầu của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự: …………………………….. …………………………….. …………………………….. …………………………….. …………………………….. …………………………. …………………………. - Họ tên: ………………. …………………………. - Sinh ngày … tháng … năm … - Nơi ĐKTT: ………….. …………………………. …………………………. - Chỗ ở: ………………. …………………………. …………………………. - Trong vụ việc/vụ án: …………………………. …………………………. …………………………. …………………………. …………………………. …………………………. …………………………. …………………………. Sau khi kiểm tra các giấy tờ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự, Cơ quan: ……….. ……………………………………. …………………………………….. Đã kiểm tra ông/bà …………….. ……………………………………. Xét thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đã vào Sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và gửi Thông báo số ….. ngày … tháng … năm … về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông/bà: …………………………………. biết để thực hiện theo quy định của pháp luật. (2) ……………………………….. _________________ (1) Ghi rõ Văn phòng luật sư/Công ty luật thuộc đoàn luật sư (2) Nếu không đủ điều kiện thì ra văn bản Thông báo từ chối việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và nêu rõ lý do. Trường hợp thay đổi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì cũng ghi tương tự
{ "issuing_agency": "Bộ Công An", "promulgation_date": "10/10/2019", "sign_number": "46/2019/TT-BCA", "signer": "Tô Lâm", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-101-2002-ND-CP-to-chuc-hoat-dong-Thanh-tra-giao-duc-50288.aspx
Nghị định 101/2002/NĐ-CP tổ chức hoạt động Thanh tra giáo dục
CHÍNH PHỦ ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 101/2002/NĐ-CP Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2002 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 101/2002/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA GIÁO DỤC CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998; Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Thanh tra giáo dục Thanh tra giáo dục là thanh tra chuyên ngành về giáo dục. Thanh tra giáo dục thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước về giáo dục, nhằm bảo đảm việc thi hành pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục. Điều 2. Đối tượng của Thanh tra giáo dục 1. Các cơ sở giáo dục của cơ quan nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân, của tổ chức kinh tế và của cá nhân. 2. Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài về giáo dục hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. 3. Tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người đi đào tạo ở nước ngoài theo chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và sau đại học, giáo dục nghề nghiệp cho công dân Việt Nam. 4. Tổ chức, cá nhân hoạt động giảng dạy, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học thực hiện ngoài các cơ sở giáo dục nói tại các khoản 1 và 2 Điều này (sau đây gọi tắt là hoạt động giảng dạy, giáo dục thực hiện ngoài cơ sở giáo dục). Điều 3. Nội dung hoạt động của Thanh tra giáo dục 1. Thanh tra việc thi hành pháp luật về giáo dục của các đối tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định này. 2. Thanh tra hoạt động giảng dạy, giáo dục của các đối tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định này về việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn; quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục. 3. Xác minh, kết luận, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. 4. Hướng dẫn nội dung, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và nghiệp vụ thanh tra giáo dục cho Thanh tra giáo dục cấp dưới. 5. Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý giáo dục. Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục đối với Thanh tra giáo dục cùng cấp 1. Xây dựng tổ chức bộ máy Thanh tra giáo dục và tạo điều kiện, phương tiện để Thanh tra giáo dục, Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra hoàn thành nhiệm vụ được giao. 2. Chỉ đạo Thanh tra giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên về công tác thanh tra. 3. Xem xét, xử lý kiến nghị của Thanh tra giáo dục, bảo đảm hiệu lực của hoạt động thanh tra. 4. Sử dụng kết quả thanh tra để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật, sắp xếp bố trí sử dụng, xét công nhận và bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư, phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên và quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi văn bằng, chứng chỉ được cấp phát, sử dụng không hợp pháp; đình chỉ, giải thể hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải thể cơ sở giáo dục thành lập trái phép hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Điều 5. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra giáo dục Hoạt động của Thanh tra giáo dục chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhằm bảo đảm việc thi hành pháp luật và hiệu lực của công tác quản lý giáo dục. Không một tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra giáo dục. Chương 2: TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA GIÁO DỤC Điều 6. Hệ thống tổ chức của Thanh tra giáo dục 1. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (dưới đây gọi tắt là Thanh tra Bộ). 2. Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Thanh tra Sở). Hoạt động thanh tra giáo dục ở cấp huyện do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp phụ trách và theo sự chỉ đạo nghiệp vụ của Thanh tra Sở. MỤC 1: THANH TRA BỘ Điều 7. Tổ chức Thanh tra Bộ Thanh tra Bộ là tổ chức Thanh tra Nhà nước có chức năng thanh tra chuyên ngành về giáo dục, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Thanh tra Nhà nước về công tác tổ chức, nghiệp vụ thanh tra. Thanh tra Bộ thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý công tác thanh tra đối với cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng và chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Thanh tra, Nghị định số 244/HĐBT ngày 30 tháng 6 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Thanh tra Bộ do Bộ trưởng quyết định, sau khi thống nhất ý kiến với Tổng Thanh tra Nhà nước. Thanh tra Bộ có con dấu riêng. Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ 1. Thanh tra việc thực hiện Luật Giáo dục và quy định khác của pháp luật về giáo dục đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định này theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ sở giáo dục, tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 3. Thực hiện nhiệm vụ được quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 99 của Luật Giáo dục theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 4. Thực hiện quyền hạn được quy định tại Điều 100 và trách nhiệm được quy định tại Điều 101 của Luật Giáo dục. 5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 14 của Pháp lệnh Thanh tra. 6. Xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. 7. Tổng kết thực tiễn về thanh tra giáo dục; kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về giáo dục; đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục. Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ 1. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thanh tra, lập các đoàn thanh tra, cử Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra thực hiện việc thanh tra theo quy định của pháp luật. 2. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc giải thể cơ sở giáo dục nếu có đủ căn cứ kết luận cơ sở đó vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 3. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ thực hiện hoặc bãi bỏ các quyết định liên quan đến quyền lợi của người học trong các cơ sở giáo dục, nếu có đủ căn cứ kết luận các quyết định đó trái với pháp luật. 4. Thực hiện các quyền được quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh Thanh tra. 5. Căn cứ kết luận thanh tra, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. 6. Tạm đình chỉ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 7. Xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. MỤC 2: THANH TRA SỞ Điều 10. Tổ chức Thanh tra Sở Thanh tra Sở là tổ chức Thanh tra Nhà nước có chức năng thanh tra chuyên ngành về giáo dục, do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, đồng thời chịu sự chỉ đạo công tác, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ; sự chỉ đạo công tác tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thanh tra Sở thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo nghiệp vụ hoạt động thanh tra giáo dục ở cấp huyện. Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và sắp xếp bộ máy Thanh tra Sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 244/HĐBT ngày 30 tháng 6 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Thanh tra Sở có con dấu riêng. Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở 1. Thanh tra việc thi hành Luật Giáo dục và quy định khác của pháp luật về giáo dục đối các đối với tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định này theo phạm vi thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo. 2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện và của cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo, quản lý công tác thanh tra đối với hoạt động giảng dạy, giáo dục của giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp công lập, ngoài công lập và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục do tổ chức, cá nhân thực hiện ngoài cơ sở giáo dục theo thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo. 3. Thực hiện nhiệm vụ được quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 99 của Luật Giáo dục theo thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo. 4. Thực hiện quyền hạn được quy định tại Điều 100 và trách nhiệm được quy định tại Điều 101 của Luật Giáo dục. 5. Xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Điều 12. Quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở Chánh Thanh tra Sở có các quyền hạn được quy định tại Điều 9 của Nghị định này theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo. MỤC 3: THANH TRA VIÊN VÀ CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA Điều 13. Thanh tra viên Thanh tra viên là người được phân công làm công tác thanh tra tại tổ chức Thanh tra giáo dục, được bổ nhiệm theo Quy chế Thanh tra viên ban hành theo Nghị định số 191/HĐBT ngày 18 tháng 6 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). 1. Khi thanh tra, Thanh tra viên có quyền hạn, trách nhiệm sau đây: a) Thực hiện quyền hạn được quy định tại khoản 3 Điều 24 của Pháp lệnh Thanh tra và Điều 100 của Luật Giáo dục. b) Xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. c) Thực hiện trách nhiệm được quy định tại Điều 101 của Luật Giáo dục. 2. Thanh tra viên, sau khi được bổ nhiệm, được hưởng lương ngạch thanh tra và các chính sách đối với Thanh tra viên. Điều 14. Cộng tác viên thanh tra Các tổ chức Thanh tra giáo dục sử dụng Cộng tác viên thanh tra theo quy định của Pháp lệnh Thanh tra. Khi được cấp có thẩm quyền huy động tham gia công tác thanh tra, Cộng tác viên thanh tra được tạo điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, quy định chế độ công tác và đãi ngộ đối với Cộng tác viên thanh tra. Chương 3: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM Điều 15. Chế độ khen thưởng Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra giáo dục được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Điều 16. Xử lý vi phạm Người cản trở, đưa hối lộ, trả thù người làm nhiệm vụ thanh tra, vi phạm pháp luật về thanh tra; người lợi dụng quyền hạn thanh tra, vì động cơ cá nhân hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà kết luận thanh tra không đúng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Chương 4: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 17. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Nghị định này thay thế Nghị định số 358/HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ. Điều 18. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thi hành Nghị định này theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Phan Văn Khải (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "10/12/2002", "sign_number": "101/2002/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-11-2004-CT-UB-tap-trung-giai-quyet-van-de-buc-xuc-cu-tri-34171.aspx
Chỉ thị 11/2004/CT-UB tập trung giải quyết vấn đề bức xúc cử tri
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** SỐ: 11/2004/CT-UB TP.Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 03 năm 2004 CHỈ THỊ VỀ TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ BỨC XÚC CỦA CỬ TRI. Trong thời gian vừa qua, Chính quyền các cấp có nhiều nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội, chăm lo thiết thực đời sống của nhân dân và thu được nhiều kết quả thiết thực, củng cố thêm niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, còn tồn tại nhiều hạn chế khiếm khuyết ; qua tổng hợp tình hình tiếp xúc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của ứng cử viên Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến phản ảnh của nhân dân ở nhiều địa phương có những vấn đề bức xúc cần được tập trung giải quyết. Để cuộc Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức vào ngày 25 tháng 4 năm 2004 thật sự trở thành một cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong nhân dân cả nước và thành phố ; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện cần tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách sau đây : 1- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện ngay việc rà soát và tổng hợp lại các vụ việc khiếu nại-tố cáo của công dân còn tồn đọng, nhất là các vụ khiếu kiện đông người. Các nội dung khiếu kiện đã được kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần được công khai, giải thích, tuyên truyền và vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện còn tồn đọng trong thời gian sớm nhất. 2- Các sở-ngành thành phố phối hợp với quận-huyện, phường-xã, thị trấn lựa chọn những vấn đề bức xúc, cấp bách nhất có liên quan mật thiết đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân như : điện, nước, … tập trung chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân thành phố. 3- Các thành viên Ủy ban nhân dân thành phố được phân công theo dõi các quận-huyện theo Quyết định số 740/QĐ-UB ngày 20 tháng 02 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố cần quan tâm, đôn đốc thực hiện và kiểm tra thực hiện của các địa phương, nhằm giải quyết kịp thời các kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Riêng các quận Phú Nhuận, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh phân công đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và đồng chí Vũ Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi đôn đốc giải quyết các vấn đề chỉ đạo trên thay đồng chí Huỳnh Thị Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chuyển công tác khác. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện cần có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh cho Ủy ban nhân dân thành phố./. Nơi nhận : - Thường trực Thành Ủy - Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố - Ủy ban nhân dân thành phố - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố - Thường trực Hội đồng Bầu cử thành phố - Sở-ngành thành phố - Ủy ban nhân dân các quận-huyện - VPHĐ-UB : CPVP, Các Tổ NCTH - Lưu (VX/Nh) TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHỦ TỊCH Lê Thanh Hải
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "31/03/2004", "sign_number": "11/2004/CT-UB", "signer": "Lê Thanh Hải", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-80-2009-TT-BNNPTNT-danh-muc-bo-sung-thuoc-thu-y-vac-xin-che-pham-sinh-hoc-vi-sinh-vat-hoa-chat-dung-trong-thu-y-duoc-phep-luu-hanh-99409.aspx
Thông tư 80/2009/TT-BNNPTNT danh mục bổ sung thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành mới nhất
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 80/2009/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2009 THÔNG TƯ BAN HÀNH DANH MỤC BỔ SUNG THUỐC THÚ Y, VẮC XIN, CHẾ PHẨM SINH HỌC, VI SINH VẬT, HOÁ CHẤT DÙNG TRONG THÚ Y ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM ĐỢT II NĂM 2009. Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004; Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này: Danh mục bổ sung thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đợt II năm 2009. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ ; - Công báo Chính phủ,Website Chính phủ; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Vụ Pháp chế-Bộ Nông nghiệp & PTNT; - Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Lưu: VT, Cục Thú y. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Diệp Kỉnh Tần FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "24/12/2009", "sign_number": "80/2009/TT-BNNPTNT", "signer": "Diệp Kỉnh Tần", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-69-2010-TT-BNNPTNT-Danh-muc-thuoc-thu-y-che-pham-sinh-hoc-115547.aspx
Thông tư 69/2010/TT-BNNPTNT Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học,
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- Số: 69/2010/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2010 THÔNG TƯ BAN HÀNH DANH MỤC THUỐC THÚ Y, CHẾ PHẨM SINH HỌC, VI SINH VẬT, HOÁ CHẤT DÙNG TRONG THÚ Y THỦY SẢN ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM. Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ; Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004; Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này: Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, thay thế Phụ lục 1, Quyết định số 10/2007/QĐ-BTS , ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành danh mục thuốc thú y thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam và Phụ lục 1, Quyết định số 06/2008/QĐ-BNN , ngày 18/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung, sửa đổi Danh mục thuốc thú y thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ ; - Công báo Chính phủ,Website Chính phủ; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Vụ Pháp chế-Bộ Nông nghiệp & PTNT; - Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Lưu: VT, Cục Thú y. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Diệp Kỉnh Tần FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "06/12/2010", "sign_number": "69/2010/TT-BNNPTNT", "signer": "Diệp Kỉnh Tần", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-34-2016-TT-BNNPTNT-tieu-chuan-hinh-thuc-thi-xet-thang-hang-chuc-danh-vien-chuc-nong-nghiep-335246.aspx
Thông tư 34/2016/TT-BNNPTNT tiêu chuẩn hình thức thi xét thăng hạng chức danh viên chức nông nghiệp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 34/2016/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI, XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. 2. Đối với công chức của đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể áp dụng quy định tại Thông tư này để tham gia dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Điều 3. Nguyên tắc thi, xét thăng hạng Việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo các nguyên tắc sau: 1. Đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và theo các quy định của quy chế, nội quy thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. 2. Đảm bảo đúng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập. 3. Viên chức phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp đăng ký thi, xét thăng hạng. 4. Đảm bảo bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Chương II TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN THI, XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP Điều 4. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Viên chức được đăng ký thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có đủ các tiêu chuẩn sau: a) Đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức quy định tại chức danh đăng ký dự thi, xét thăng hạng; b) Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký thi, xét thăng hạng. 2. Viên chức đăng ký thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp ngoài việc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Thông tư này còn phải đạt các điều kiện sau: a) Đơn vị sử dụng viên chức có nhu cầu và có văn bản cử viên chức dự thi, xét thăng hạng gửi cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét; b) Đang giữ các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ ở chức danh đăng ký thi, xét thăng hạng (ở hạng cao hơn hạng hiện giữ trong cùng ngành, lĩnh vực); c) Đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt; d) Được đơn vị sử dụng viên chức đánh giá, phân loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi, xét thăng hạng; đ) Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; e) Đối với viên chức thi thăng hạng từ hạng III lên hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh hạng III cùng với chức danh đăng ký thi thăng hạng tối thiểu đủ 02 (hai) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ; g) Đối với viên chức xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III có thời gian giữ chức danh hạng IV như sau: Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ; Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh hạng IV tối thiểu đủ 03 (ba) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Điều 5. Hồ sơ dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Hồ sơ đăng ký dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp a) Đơn đăng ký dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 12/2012/TT-BNV), có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng hoặc quản lý viên chức; c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức đối với trường hợp viên chức không giữ chức vụ quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức quản lý; d) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi, xét thăng hạng được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chứng thực hoặc đã được người có thẩm quyền đối chiếu với bản chính; đ) Bản sao các quyết định: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức (trước đây là ngạch viên chức), nâng lương gần nhất; e) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đối với các trường hợp xét miễn thi môn ngoại ngữ, tin học: Nộp bản sao các văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 7 của Thông tư này được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chứng thực. 2. Việc lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ hạng III lên hạng II và hạng IV lên hạng III do cơ quan có thẩm quyền cử viên chức dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lưu giữ, quản lý. Chương III NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP Điều 6. Nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II 1. Môn thi kiến thức chung a) Hình thức thi: Thi viết (tự luận). b) Thời gian thi: 180 phút. c) Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, năng lực hiểu biết của viên chức về cải cách hành chính nhà nước, quản lý tổ chức và nhân sự, quản lý nhà nước về dịch vụ công; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn; định hướng phát triển và những thách thức trong quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn. 2. Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ a) Hình thức thi: Trắc nghiệm hoặc thực hành do Hội đồng thi quyết định. b) Thời gian thi: Trắc nghiệm 45 phút hoặc thực hành 30 phút. c) Nội dung thi: Kiểm tra và đánh giá trình độ, năng lực, kỹ năng, đề xuất giải pháp giải quyết của viên chức về những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng dự thi. 3. Môn thi ngoại ngữ a) Hình thức thi: Thi viết. b) Thời gian thi: 90 phút. c) Nội dung thi: Thi ở trình độ ngoại ngữ theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II. 4. Môn thi tin học a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm hoặc thi thực hành trên máy vi tính. b) Thời gian thi: 45 phút. c) Nội dung thi: Kiểm tra hiểu biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet. Điều 7. Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ và môn tin học 1. Miễn thi môn ngoại ngữ Viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tính đến thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi được miễn thi môn ngoại ngữ khi có một trong các điều kiện sau: a) Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ; b) Viên chức có bằng tốt nghiệp theo trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thi thăng hạng mà học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; c) Viên chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền; d) Viên chức là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số; đ) Viên chức tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ. 2. Miễn thi môn tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên. Điều 8. Tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng III lên hạng II đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. 2. Căn cứ đề án tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được Bộ Nội vụ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thành lập Hội đồng thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quyết định danh sách viên chức dự thi sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2012/TT-BNV ; tổ chức thi thăng hạng theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức; Quy chế thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức và Nội quy kỳ thi tuyển, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Chương IV NỘI DUNG, HÌNH THỨC, TỔ CHỨC XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP Điều 9. Nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III 1. Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện thông qua Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định. 2. Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chức danh xét thăng hạng. Viên chức đăng ký thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện và hồ sơ theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này. 3. Hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Kiểm tra hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp hoặc thực hành. 4. Nội dung, thời gian và cách tính điểm xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp a) Nội dung phỏng vấn hoặc thực hành phải căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp hạng III thuộc chuyên ngành đăng ký xét thăng hạng được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại kế hoạch. b) Thời gian phỏng vấn 30 phút (10 phút chuẩn bị và 20 phút trả lời); thời gian thực hành căn cứ vào đặc thù của từng chuyên ngành đăng ký xét thăng hạng được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại kế hoạch. c) Cách tính điểm: Điểm xét thăng hạng là điểm phỏng vấn hoặc thực hành được chấm theo thang điểm 100. Căn cứ vào đặc thù, tính chất công việc chuyên môn, nghiệp vụ của chuyên ngành đăng ký, cấp có thẩm phê duyệt tại kế hoạch để quy định cách tính điểm phỏng vấn hoặc thực hành. 5. Việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có đủ các điều kiện sau: a) Nộp đầy đủ hồ sơ và tham gia phỏng vấn hoặc thực hành theo quy định; b) Có tổng số điểm phỏng vấn hoặc thực hành đạt từ 55 điểm trở lên. Điều 10. Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Đơn vị sự nghiệp khi xét thăng hạng viên chức phải thành lập Hội đồng để xem xét về tiêu chuẩn, điều kiện của viên chức theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này. 2. Căn cứ kết quả của Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có văn bản (kèm hồ sơ và danh sách trích ngang viên chức) đề nghị cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét và gửi danh sách viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Tổ chức cán bộ) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (qua Sở Nội vụ) để có ý kiến thống nhất trước khi quyết định danh sách viên chức dự xét theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2012/TT-BNV. Sau khi thực hiện, báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp chung. Điều 11. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (sau đây viết tắt là Hội đồng) do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng thành lập theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 12/2012/TT-BNV. Hội đồng hoạt động theo từng đợt xét thăng hạng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. 2. Hội đồng được sử dụng con dấu, tài khoản của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng trong các hoạt động của Hội đồng. 3. Thành phần Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có 05 hoặc 07 thành viên, gồm: a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; b) Các ủy viên Hội đồng khác là đại diện lãnh đạo các bộ phận chuyên môn của đơn vị sự nghiệp, trong đó có đại diện lãnh đạo bộ phận viên chức đang công tác, đại diện lãnh đạo bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ và có 01 ủy viên kiêm thư ký Hội đồng. Trường hợp đơn vị sự nghiệp không đủ 05 thành viên để thành lập Hội đồng theo quy định hoặc viên chức được xét thăng hạng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thì cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp thành lập Hội đồng xét thăng hạng viên chức. Hội đồng xét thăng hạng có 05 hoặc 07 thành viên do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp quyết định. Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng 1. Chủ tịch Hội đồng a) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng theo quy định, chỉ đạo việc xét thăng hạng đúng quy chế quy định tại Thông tư này; b) Phân công trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng; c) Quyết định thành lập Ban kiểm tra, sát hạch; d) Tổ chức việc xây dựng nội dung phỏng vấn hoặc thực hành theo đúng quy định, đảm bảo bí mật; đ) Tổ chức việc phỏng vấn hoặc thực hành và tổng hợp kết quả xét thăng hạng theo quy định; e) Báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng theo quy định; g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức kỳ xét thăng hạng. 2. Các ủy viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo các hoạt động của Hội đồng thực hiện đúng quy định. 3. Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng a) Chuẩn bị các văn bản, tài liệu cần thiết của Hội đồng và ghi biên bản các cuộc họp Hội đồng; b) Tổ chức và chuẩn bị các tài liệu để hướng dẫn ôn tập cho viên chức đăng ký xét thăng hạng; c) Tổ chức việc thu phí đăng ký xét thăng hạng, quản lý chi tiêu và thanh quyết toán phí đăng ký xét thăng hạng theo đúng quy định; d) Tổng hợp, báo cáo kết quả xét tuyển với Hội đồng. Điều 13. Ban kiểm tra, sát hạch 1. Ban kiểm tra, sát hạch do chủ tịch Hội đồng thành lập, gồm: Trưởng ban và các thành viên. 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban kiểm tra, sát hạch a) Giúp Chủ tịch Hội đồng xây dựng nội dung phỏng vấn hoặc thực hành và tổ chức thực hiện việc phỏng vấn hoặc thực hành đối với viên chức đăng ký xét thăng hạng theo đúng quy định; chấm điểm hồ sơ của viên chức đăng ký xét thăng hạng; b) Tổ chức, bố trí người phỏng vấn hoặc thực hành bảo đảm nguyên tắc mỗi người dự phỏng vấn hoặc thực hành phải có ít nhất 02 (hai) thành viên chấm điểm phỏng vấn hoặc thực hành; c) Tổng hợp kết quả phỏng vấn hoặc thực hành và bàn giao biên bản, phiếu điểm chấm phỏng vấn hoặc thực hành cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng; giữ bí mật kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành; d) Báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định kết quả phỏng vấn hoặc thực hành của viên chức trong trường hợp các thành viên chấm chênh lệch nhau trên 10% so với điểm tối đa đối với cùng một bài phỏng vấn hoặc thực hành. 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Ban kiểm tra, sát hạch a) Tham gia xây dựng nội dung phỏng vấn hoặc thực hành, xét duyệt hồ sơ của viên chức đăng ký xét thăng hạng theo phân công của Trưởng ban kiểm tra, sát hạch; b) Thực hiện phỏng vấn hoặc thực hành, chấm điểm viên chức theo đúng đáp án và thang điểm của nội dung phỏng vấn hoặc thực hành; c) Báo cáo các dấu hiệu vi phạm trong quá trình tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành với Trưởng ban kiểm tra, sát hạch và đề nghị hình thức xử lý. 4. Tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm tra, sát hạch a) Người được cử làm thành viên Ban kiểm tra, sát hạch phải là công chức từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên, viên chức ở chức danh nghề nghiệp hạng III trở lên thuộc chuyên ngành xét thăng hạng, nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên có trình độ trên đại học; b) Không cử làm thành viên Ban kiểm tra, sát hạch đối với những người là cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột của viên chức đăng ký xét thăng hạng, những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng của viên chức đăng ký xét thăng hạng và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Điều 14. Trình tự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Các bước tổ chức xét thăng hạng a) Trước ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành ít nhất 15 ngày, Hội đồng gửi thông báo triệu tập viên chức dự phỏng vấn hoặc thực hành; thông báo cụ thể thời gian, địa điểm tổ chức ôn tập (nếu có) và địa điểm tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành cho viên chức đủ điều kiện xét thăng hạng; b) Trước ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành 01 (một) ngày, Hội đồng niêm yết danh sách viên chức theo số báo danh và theo phòng tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành; sơ đồ vị trí các phòng; Nội quy xét thăng hạng theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này; c) Trước ngày tổ chức xét thăng hạng 01 (một) ngày, Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng phải hoàn thành các công tác chuẩn bị cho kỳ xét thăng hạng: Chuẩn bị các mẫu biểu liên quan đến tổ chức xét thăng hạng; danh sách viên chức để gọi vào trước ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành; danh sách để viên chức ký xác nhận sau ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành; mẫu biên bản giao, nhận đề; mẫu biên bản xử lý vi phạm quy chế xét thăng hạng; mẫu biên bản bàn giao kết quả trước ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành; chuẩn bị thẻ cho các thành viên Hội đồng, Ban kiểm tra, sát hạch. 2. Tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành a) Chủ tịch Hội đồng tổ chức chọn đề phỏng vấn hoặc thực hành, bảo đảm mỗi chuyên ngành phải có số dư ít nhất là 02 (hai) đề so với viên chức đăng ký xét thăng hạng vào chuyên ngành đó, được nhân bản để viên chức bốc thăm; b) Kết cấu nội dung đề phỏng vấn hoặc thực hành phải bảo đảm tính chính xác, khoa học. Mỗi đề phỏng vấn hoặc thực hành phải có đáp án và thang điểm chi tiết; đề phỏng vấn hoặc thực hành phải được đóng trong phong bì, niêm phong và bảo quản theo chế độ tài liệu mật; việc giao nhận đề phỏng vấn hoặc thực hành phải lập thành biên bản; c) Khi chấm điểm phỏng vấn hoặc thực hành, các thành viên chấm độc lập; nếu điểm của 02 (hai) thành viên chấm lệch nhau từ 10% trở xuống so với điểm tối đa thì lấy điểm bình quân, nếu chấm lệch trên 10% so với điểm tối đa thì chuyển kết quả lên Trưởng ban kiểm tra, sát hạch; d) Kết quả chấm phỏng vấn hoặc thực hành phải được tổng hợp vào bảng kết quả có chữ ký của các thành viên chấm phỏng vấn hoặc thực hành và bàn giao cho Trưởng ban kiểm tra, sát hạch. 3. Tổng hợp kết quả xét thăng hạng a) Sau khi tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành, Trưởng ban kiểm tra, sát hạch bàn giao kết quả phỏng vấn hoặc thực hành của viên chức dự xét thăng hạng cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng; b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng có trách nhiệm tổng hợp kết quả xét thăng hạng của viên chức trên cơ sở điểm phỏng vấn hoặc thực hành để báo cáo Hội đồng; c) Chủ tịch Hội đồng báo cáo người có thẩm quyền xem xét quyết định công nhận kết quả xét thăng hạng. 4. Việc bàn giao kết quả phỏng vấn hoặc thực hành quy định tại Điểm d, Khoản 2 và Điểm a, Khoản 3 Điều này phải có biên bản xác nhận. Điều 15. Giám sát kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp 1. Việc giám sát kỳ xét thăng hạng được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 2. Nội dung giám sát, gồm: Việc thực hiện các quy định về tổ chức kỳ xét thăng hạng; về hồ sơ; tiêu chuẩn và điều kiện của viên chức đăng ký xét thăng hạng; về thực hiện Quy chế và nội dung tổ chức kỳ xét thăng hạng. 3. Địa điểm giám sát: Tại nơi làm việc của Hội đồng, nơi phỏng vấn hoặc thực hành. 4. Khi phát hiện có sai phạm đến mức phải lập biên bản thì giám sát viên có quyền lập biên bản về sai phạm của Ủy viên Hội đồng, thành viên Ban kiểm tra, sát hạch và viên chức dự xét thăng hạng. 5. Người được cử làm giám sát kỳ xét thăng hạng, khi làm nhiệm vụ phải đeo thẻ và tuân thủ quy chế kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Điều 16. Lưu trữ tài liệu 1. Tài liệu về kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Các văn bản về tổ chức kỳ xét thăng hạng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng; văn bản của Hội đồng, biên bản các cuộc họp Hội đồng, danh sách tổng hợp viên chức dự xét thăng hạng; biên bản bàn giao đề phỏng vấn hoặc thực hành; biên bản lập về các vi phạm Quy chế xét thăng hạng (nếu có); bảng tổng hợp kết quả phỏng vấn hoặc thực hành, kết quả xét thăng hạng; quyết định công nhận kết quả xét thăng hạng, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có). 2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ xét thăng hạng, Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng chịu trách nhiệm: a) Bàn giao cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng để lưu trữ, quản lý tài liệu về kỳ xét thăng hạng quy định tại Khoản 1 Điều này; b) Bàn giao cho đơn vị được phân cấp quản lý hồ sơ viên chức toàn bộ hồ sơ của viên chức đăng ký xét thăng hạng. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 17. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 02 năm 2017. 2. Thông tư này thay thế Quyết định số 58/2000/QĐ-BNN ngày 25/5/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định thi nâng ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các văn bản trước đây quy định về nâng ngạch, chuyển loại viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. 3. Viên chức tham dự kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2017 chưa yêu cầu phải có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức phải có trách nhiệm cử viên chức đã tham dự kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2017 tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp. Trường hợp viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp mà không tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu, được coi là không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan sử dụng viên chức phải bố trí công việc khác ở trình độ phù hợp. Điều 18. Trách nhiệm thi hành 1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư này theo thẩm quyền được giao cử viên chức tham dự kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo đúng quy định của pháp luật. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn hoặc xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Trang thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Lưu: VT, Vụ TCCB (250 bản). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Hà Công Tuấn Phụ lục 1 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- ..................., ngày ........ tháng ....... năm 20 ......... ĐƠN ĐĂNG KÝ DỰ THI (HOẶC XÉT) THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP (Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2016/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tên tôi là: Nam, nữ: Ngày sinh: Quê quán: Hộ khẩu thường trú: Chỗ ở hiện nay: Điện thoại liên lạc: Địa chỉ báo tin: Trình độ chuyên môn đào tạo: Chức danh nghề nghiệp hiện giữ: Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp: Hệ số lương hiện hưởng: ; Thời gian xếp lương: Sau khi nghiên cứu điều kiện, tiêu chuẩn dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của ......................................... (1). Tôi thấy bản thân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Tôi làm đơn này đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo thông báo của quý cơ quan. Tôi sẽ cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt kỳ thi hoặc xét và chấp hành nghiêm túc mọi quy định của Nhà nước. Tôi xin gửi kèm theo đơn này, hồ sơ dự thi hoặc xét gồm: 1. Sơ yếu lý lịch viên chức (theo Mẫu số 2 Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ); 2. Bản nhận xét, đánh giá viên chức; 3. Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ liên quan, gồm ...... (2) (có chứng thực); 4. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp; 5. Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp; quyết định lương hiện giữ; 6. Hai phong bì (có ghi địa chỉ); 02 ảnh cỡ 4x6. Kính đơn (Ký và ghi rõ họ tên) Ghi chú: (1) Ghi đúng tên cơ quan, tổ chức, đơn vị có thông báo thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; (2) Ghi rõ tên của các bản chụp gửi kèm theo Đơn đăng ký. Phụ lục 2 NỘI QUY Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2016/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Điều 1. Quy định đối với viên chức tham dự kỳ xét thăng hạng 1. Phải có mặt trước phòng phỏng vấn hoặc thực hành đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, lịch sự. 2. Xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe, hộ chiếu, thẻ đảng viên) để đối chiếu trước khi vào phòng kiểm tra phỏng vấn hoặc thực hành. 3. Ngồi đúng chỗ theo quy định, để giấy tờ tùy thân lên mặt bàn để thuận tiện cho việc kiểm tra. 4. Chỉ được mang vào phòng bút viết, thước kẻ (không được mang theo điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, máy tính bảng, máy quay phim và các phương tiện thông tin khác; các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung phỏng vấn hoặc thực hành). 5. Chỉ được sử dụng giấy nháp do Ban kiểm tra, sát hạch phát ra và có chữ ký của thành viên Ban kiểm tra, sát hạch. 6. Giữ trật tự và không được hút thuốc lá trong phòng phỏng vấn hoặc thực hành. 7. Không được trao đổi với người khác dưới mọi hình thức trong phòng phỏng vấn hoặc thực hành. 8. Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai Ban kiểm tra, sát hạch. Điều 2. Xử lý vi phạm đối với viên chức dự kỳ xét thăng hạng 1. Hình thức khiển trách Được áp dụng đối với viên chức vi phạm một trong các lỗi: a) Ngồi không đúng vị trí theo quy định; b) Trao đổi với người khác đã bị nhắc nhở 01 (một lần) nhưng vẫn không chấp hành; c) Mang tài liệu vào phòng phỏng vấn hoặc thực hành nhưng chưa sử dụng. Hình thức khiển trách do Ban kiểm tra, sát hạch lập biên bản và công bố công khai tại phòng phỏng vấn hoặc thực hành. Viên chức bị khiển trách sẽ bị trừ 20% kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành. 2. Hình thức cảnh cáo Được áp dụng đối với viên chức vi phạm một trong các lỗi: a) Đã bị khiển trách nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nội quy xét thăng hạng; b) Sử dụng tài liệu trong phòng phỏng vấn hoặc thực hành; c) Trao đổi giấy nháp cho người khác trong phòng phỏng vấn hoặc thực hành; d) Chép bài của người khác; đ) Sử dụng điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, máy tính bảng, máy quay phim và các phương tiện thông tin khác trong phỏng phỏng vấn hoặc thực hành. Hình thức cảnh cáo do Ban kiểm tra, sát hạch lập biên bản, thu tang vật và công bố công khai tại phòng phỏng vấn. Viên chức bị cảnh cáo sẽ bị trừ 40% kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành. 3. Hình thức đình chỉ Được áp dụng đối với viên chức đã bị lập biên bản xử lý ở hình thức cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy. Hình thức đình chỉ do Ban kiểm tra, sát hạch quyết định và công bố tại phòng phỏng vấn hoặc thực hành. Viên chức bị đình chỉ phỏng vấn hoặc thực hành kết quả chấm điểm 0. 4. Hủy bỏ kết quả xét thăng hạng Được áp dụng đối với thí sinh bị phát hiện nhờ hoặc thuê người khác tham gia phỏng vấn hoặc thực hành. 5. Các trường hợp viên chức vi phạm nội quy xét tuyển phải lập biên bản, thì Ban kiểm tra, sát hạch và viên chức vi phạm phải ký (ghi rõ họ, tên) vào biên bản. Trường hợp viên chức vi phạm không ký vào biên bản thì mời viên chức bên cạnh chứng kiến và cùng ký vào biên bản. Sau khi lập biên bản và công bố công khai tại phòng phỏng vấn hoặc thực hành, Ban kiểm tra, sát hạch báo cáo ngay với Hội đồng xét thăng hạng. 6. Viên chức có quyền tố giác những người vi phạm nội quy, quy chế cho Ban kiểm tra, sát hạch, Hội đồng xét thăng hạng. Điều 3. Quy định đối với Ban kiểm tra, sát hạch 1. Phải có mặt tại địa điểm thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, lịch sự. 2. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy chế và nội quy kỳ xét thăng hạng. 3. Giữ trật tự, không được hút thuốc, không được sử dụng điện thoại di động, máy ảnh trong phòng thi. 4. Không được trao đổi riêng với bất kỳ viên chức nào trong thời gian phỏng vấn hoặc thực hành. Điều 4. Xử lý vi phạm đối với Ban kiểm tra, sát hạch 1. Thành viên Ban kiểm tra, sát hạch vi phạm các quy định tại Điều 3 của Nội quy này, tùy theo mức độ vi phạm, Trưởng ban kiểm tra, sát hạch nhắc nhở hoặc đề nghị Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng đình chỉ nhiệm vụ kiểm tra, sát hạch. 2. Trường hợp thành viên Ban kiểm tra, sát hạch có hành vi làm lộ đề phỏng vấn hoặc thực hành, chuyển đề ra ngoài, đáp án từ ngoài vào phòng phỏng vấn hoặc thực hành thì Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng đình chỉ nhiệm vụ kiểm tra, sát hạch. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến kết quả kỳ xét thăng hạng thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với viên chức hoặc bị truy tố theo quy định của pháp luật./.
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "23/12/2016", "sign_number": "34/2016/TT-BNNPTNT", "signer": "Hà Công Tuấn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-25-2014-TT-NHNN-dang-ky-thay-doi-khoan-vay-nuoc-ngoai-doanh-nghiep-khong-duoc-bao-lanh-249305.aspx
Thông tư 25/2014/TT-NHNN đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài doanh nghiệp không được bảo lãnh
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 25/2014/TT-NHNN Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2014 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối; Căn cứ Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. 2. Việc đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước, khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế không được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước). 3. Việc người không cư trú mua công cụ nợ do người cư trú phát hành trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi chung là Bên đi vay). 2. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vay nước ngoài của Bên đi vay. Điều 3. Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là khoản vay nước ngoài) thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm: 1. Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn. 2. Khoản vay nước ngoài ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 (một) năm. 3. Khoản vay nước ngoài ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ tại thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên. Điều 4. Thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài 1. Thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài (sau đây gọi là thỏa thuận vay nước ngoài) là các thỏa thuận có hiệu lực rút vốn được ký kết giữa Bên đi vay và Bên cho vay là người không cư trú làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Bên đi vay hoặc các công cụ nợ do người cư trú phát hành cho người không cư trú. 2. Bên đi vay không phải thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài khi ký các thỏa thuận không có hiệu lực rút vốn với người không cư trú như hiệp định tín dụng khung, biên bản ghi nhớ và các thỏa thuận tương tự khác (sau đây gọi là thỏa thuận khung), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Nội dung các thỏa thuận khung phải đảm bảo không trái với quy định của pháp luật Việt Nam. 3. Trường hợp phát sinh khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của Bên đi vay do có thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận khung, Bên đi vay thực hiện đăng ký khoản vay theo quy định tại Thông tư này. Điều 5. Thời hạn khoản vay để xác định nghĩa vụ đăng ký 1. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. 2. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài. 3. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng. 4. Ngày rút vốn quy định tại Điều này là ngày giải ngân tiền vay đối với các khoản vay nước ngoài giải ngân bằng tiền, ngày thông quan hàng hóa đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm và thuê tài chính phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Điều 6. Đối tượng thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài Bên đi vay thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài bao gồm: 1. Bên đi vay ký kết thỏa thuận vay nước ngoài giải ngân trực tiếp bằng tiền với Bên cho vay là người không cư trú. 2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác cho vay từ Bên ủy thác cho vay là người không cư trú. 3. Bên có nghĩa vụ trả nợ theo công cụ nợ phát hành cho người không cư trú. 4. Bên đi thuê trong hợp đồng thuê tài chính với người không cư trú. 5. Bên nhập khẩu hàng hóa trả chậm. Chương II THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI Điều 7. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài 1. Bên đi vay gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài theo quy định tại Thông tư này qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan xác nhận đăng ký khoản vay theo thẩm quyền quy định tại Điều 13 Thông tư này trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ: a) Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh đối với trường hợp khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản đối với trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn; b) Ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này; c) Ngày tròn một (01) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này. 2. Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài trong thời hạn: a) Hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay, hoặc; b) Sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay đối với trường hợp khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; c) Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do. 3. Đối với các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, thủ tục đăng ký khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận khoản vay; văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài đồng thời là văn bản chấp thuận khoản vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Điều 8. Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài, trừ các khoản vay phát sinh từ Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm 1. Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này). 2. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hồ sơ pháp lý của Bên đi vay và bên sử dụng vốn vay (đối với trường hợp Bên đi vay không phải là bên sử dụng vốn vay) gồm: Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức, Giấy đăng ký Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của pháp luật và các văn bản sửa đổi (nếu có). 3. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản chứng minh mục đích vay bao gồm: a) Phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Điều lệ Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với trường hợp vay nước ngoài để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư; b) Phương án cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Điều lệ Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với trường hợp vay nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay. 4. Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn (nếu có) hoặc thỏa thuận rút vốn bằng văn bản kèm theo thỏa thuận khung. 5. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) thư bảo lãnh, văn bản cam kết bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh vay nước ngoài (nếu có). 6. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận khoản vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước. 7. Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng tại thời điểm cuối tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài và văn bản chứng minh việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về các tỷ lệ đảm bảo an toàn đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo quy định của pháp luật (nếu có) đối với Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 8. Văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi Bên đi vay thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài xác nhận về tình hình rút vốn, trả nợ (gốc và lãi) đến thời điểm đăng ký khoản vay nước ngoài đối với các khoản vay nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư này và các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn phát sinh trong trường hợp phần vốn nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam đã sử dụng để đáp ứng các khoản chi phí chuẩn bị đầu tư được chuyển thành khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật có liên quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. 9. Văn bản, chứng từ chứng minh lợi nhuận được chia hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay và xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi Bên đi vay mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp về tình hình chia và chuyển lợi nhuận về nước của Bên cho vay nhằm chứng minh việc giải ngân khoản vay đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN. 10. Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Điều 9. Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài phát sinh từ Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm 1. Các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 1, 2, 4, 5 và khoản 6 Điều 8 Thông tư này. 2. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) các chứng từ chứng minh việc hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan theo quy định của pháp luật đối với khoản vay nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư này. Chương III THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI Điều 10. Đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài 1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trường hợp thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay nước ngoài được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này), Bên đi vay có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này. 2. Trường hợp kế hoạch rút vốn, trả nợ, chuyển phí thực tế thay đổi trong phạm vi 10 ngày so với kế hoạch rút vốn, trả nợ, chuyển phí đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận trước đó, Bên đi vay có trách nhiệm thông báo cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi Bên đi vay mở tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài (sau đây gọi là ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản) để thực hiện rút vốn, trả nợ theo kế hoạch thay đổi; không yêu cầu phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. Điều 11. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài 1. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký thỏa thuận thay đổi và trước khi nội dung thay đổi có hiệu lực hoặc trước thời điểm diễn ra nội dung thay đổi đối với các nội dung thay đổi không cần ký thỏa thuận thay đổi và phù hợp với Thỏa thuận vay nước ngoài, Bên đi vay gửi hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan xác nhận đăng ký khoản vay hoặc cơ quan xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay lần gần nhất (đối với trường hợp đã có đăng ký thay đổi khoản vay) để thực hiện việc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo thẩm quyền quy định tại Điều 13 Thông tư này. 2. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do. Điều 12. Hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài 1. Đơn đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này). 2. Bản sao và bản dịch tiếng Việt các thỏa thuận thay đổi khoản vay nước ngoài đã ký (có xác nhận của Bên đi vay) trong trường hợp các nội dung thay đổi cần được thỏa thuận giữa các bên. 3. Bản sao ý kiến chấp thuận của bên bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài của Bên đi vay về thỏa thuận thay đổi khoản vay nước ngoài đối với trường hợp khoản vay nước ngoài của Bên đi vay được bảo lãnh. 4. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp về việc chấp thuận thay đổi phương án vay nước ngoài của Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước đối với trường hợp thay đổi tăng kim ngạch vay hoặc kéo dài thời hạn vay. 5. Văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản về tình hình rút vốn, trả nợ (gốc và lãi) đến thời điểm đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài đối với trường hợp đăng ký thay đổi kế hoạch rút vốn, kế hoạch trả nợ hoặc ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản. 6. Văn bản của Bên đi vay giải trình rõ về nội dung thay đổi khoản vay nước ngoài đối với trường hợp không có các thành phần hồ sơ nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Chương IV XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ, XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI Điều 13. Thẩm quyền xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài 1. Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay nước ngoài có kim ngạch vay trên mười (10) triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) và các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam. 2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay nước ngoài có kim ngạch vay đến mười (10) triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương). 3. Trường hợp việc thay đổi tăng hoặc giảm kim ngạch vay, thay đổi trụ sở chính của Bên đi vay làm thay đổi cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay, cơ quan xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay ban đầu có trách nhiệm như sau: a) Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay của Bên đi vay; b) Trong vòng bảy (07) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thay đổi của Bên đi vay, chuyển toàn bộ bản gốc hồ sơ đề nghị đăng ký thay đổi khoản vay và bản sao hồ sơ đăng ký, hồ sơ đăng ký thay đổi đã thực hiện của khoản vay (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tiếp tục xử lý. 4. Trường hợp khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận, Vụ Quản lý Ngoại hối làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Điều 14. Cơ sở thực hiện xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài 1. Tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả hàng năm do Thủ tướng Chính phủ duyệt. 2. Việc tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện vay nước ngoài, quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan của Bên đi vay. 3. Thông tin do các tổ chức và cơ quan có liên quan cung cấp theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước phát hiện hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài có nội dung thiếu trung thực. Điều 15. Xử lý hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trong trường hợp Bên đi vay có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, quản lý vay, trả nợ nước ngoài Trong quá trình xử lý hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, trường hợp Ngân hàng Nhà nước phát hiện Bên đi vay có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, quản lý vay, trả nợ nước ngoài (bao gồm cả hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo), việc xem xét xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Bên đi vay được thực hiện sau khi hoàn tất xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Điều 16. Hiệu lực của văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài 1. Văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực trong trường hợp quá thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày cuối cùng của kỳ rút vốn đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký mà Bên đi vay không thực hiện việc rút vốn và không đăng ký thay đổi kế hoạch rút vốn khoản vay nước ngoài theo quy định có liên quan tại Thông tư này. 2. Sau khi khoản vay nước ngoài đã được xác nhận đăng ký nhưng chưa rút vốn, cơ quan xác nhận đăng ký khoản vay theo thẩm quyền quy định tại Điều 13 Thông tư này có văn bản gửi Bên đi vay về việc thu hồi và lý do thu hồi văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trong các trường hợp sau: a) Hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Bên đi vay có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài; b) Bên cho vay và các Bên liên quan được ghi nhận tại văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài bị phát hiện có hành vi gian lận ảnh hưởng đến việc thực hiện khoản vay nước ngoài. Điều 17. Sao gửi văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài; văn bản thu hồi 1. Các văn bản thuộc đối tượng sao gửi đến các đơn vị có liên quan bao gồm: a) Văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài; b) Văn bản thu hồi văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. 2. Sau khi thực hiện xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài thuộc thẩm quyền và ban hành văn bản thu hồi văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài (nếu có), trách nhiệm sao gửi các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau: a) Ngân hàng Nhà nước sao gửi cho ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản để phối hợp theo dõi và thực hiện; b) Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) sao gửi cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay có trụ sở chính để phối hợp quản lý, theo dõi và đôn đốc báo cáo; c) Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp và sao gửi cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) để phối hợp quản lý. Chương V CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ Điều 18. Chế độ báo cáo đối với ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều 19. Chế độ báo cáo đối với Bên đi vay Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau quý báo cáo, Bên đi vay phải báo cáo tình hình thực hiện các khoản vay nước ngoài ngắn, trung và dài hạn không được Chính phủ bảo lãnh (theo mẫu tại Phụ lục số 04 kèm theo Thông tư này) cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay có trụ sở chính. Điều 20. Yêu cầu báo cáo đột xuất Các trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, Bên đi vay, ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 21. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2014. 2. Bãi bỏ Điều 1 Thông tư 25/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước về việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động ngoại hối theo các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chương I, Mục I Chương IV Thông tư 09/2004/TT-NHNN ngày 21/12/2004 hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp 1. Các khoản vay nước ngoài của Bên đi vay đã thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện theo văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi (nếu có) của Ngân hàng Nhà nước. 2. Đối với các nội dung thay đổi liên quan đến khoản vay nước ngoài của Bên đi vay phát sinh sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực, Bên đi vay phải thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo quy định tại Thông tư này. Điều 23. Tổ chức thực hiện Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này. Nơi nhận: - Như Điều 23; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Bộ Tài chính (để phối hợp); - Ban lãnh đạo NHNN; - Công báo; - Lưu VP, QLNH, PC. KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC Lê Minh Hưng Phụ lục 1 TÊN BÊN ĐI VAY ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……………… V/v đăng ký khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh …………, ngày …. tháng …. năm …. ĐƠN ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI KHÔNG ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam1 (……………………..) - Căn cứ Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; - Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; - Căn cứ Thông tư số ..../2014/TT-NHNN ngày .... tháng .... năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; - Căn cứ Thỏa thuận vay nước ngoài đã ký với Bên (các bên) cho vay nước ngoài ngày .../.../...; Bên đi vay có tên sau đây đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của Bên đi vay như sau: PHẦN THỨ NHẤT: THÔNG TIN VỀ CÁC BÊN LIÊN QUAN I. Thông tin về Bên đi vay: 1. Tên Bên đi vay: ……………………………… 2. Loại hình Bên đi vay2: 3. Địa chỉ: ……………………………. 4. Điện thoại: ……………………. Fax: ………………… Mã số thuế: ………………………… 5. Họ và tên Người đại diện có thẩm quyền: …………………………………. Chức vụ: ………………………………………. 6. Hồ sơ pháp lý3: 7. Phạm vi hoạt động hợp pháp của Bên đi vay4: 8. Tổng vốn đầu tư của dự án sử dụng vốn vay (áp dụng với khoản vay nước ngoài phục vụ mục đích thực hiện dự án đầu tư) là ……………………….. trong đó tổng số vốn góp là……………, tổng số vốn vay là …………………………………. 9. Tình hình dư nợ tín dụng phục vụ dự án tại thời điểm gửi hồ sơ đăng ký: - Dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài: ……………… (trong đó quá hạn: ………………...) - Dư nợ vay ngắn hạn trong nước: ……………… (trong đó quá hạn: ………………...) - Dư nợ vay trung, dài hạn nước ngoài: ………… (trong đó quá hạn: ………………...) - Dư nợ vay trung, dài hạn trong nước: ………… (trong đó quá hạn: ………………...) Số khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của doanh nghiệp (đang thực hiện hoặc còn dư nợ đến ngày báo cáo): II. Thông tin về Bên cho vay5: 1. Tên Bên cho vay (hoặc đại diện Bên cho vay): ……………………………… 2. Quốc gia của Bên cho vay (hoặc đại diện Bên cho vay): ………….. 3. Loại hình Bên cho vay (hoặc đại diện Bên cho vay)7: ……………. III. Thông tin về các Bên liên quan khác: 1. Bên bảo lãnh: 1.1. Tên đơn vị bảo lãnh: ……………………………….. 1.2. Quốc gia của Bên bảo lãnh: …………………………. 2. Bên bảo hiểm: 2.1. Tên đơn vị bảo hiểm: ……………………………. 2.2. Quốc gia của Bên bảo hiểm: ……………………………. 3. Tổ chức tín dụng được phép: 3.1. Tên TCTD được phép: …………………………………… 3.2. Địa chỉ TCTD được phép: ………………………………….. 3.3. Số tài khoản vốn vay và trả nợ nước ngoài mở tại TCTD được phép8: ……….. 4. Các bên liên quan khác (ghi rõ tên, địa chỉ của bên liên quan trong khoản vay - nếu có) PHẦN THỨ HAI: THÔNG TIN VỀ MỤC ĐÍCH VAY 1. Mục đích vay9: ……………….. 2. Tên dự án đầu tư sẽ sử dụng khoản vay (nếu có): ………………………….. 3. Các tài liệu chứng minh tính hợp pháp của mục đích vay (văn bản phê duyệt dự án, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản phê duyệt phương án kinh doanh...) 3.1. Tên tài liệu: …………………… 3.2. Cấp có thẩm quyền phê duyệt: ……………………………. 4. Địa phương, nơi khoản vay sẽ được sử dụng: …………………………… PHẦN THỨ BA: THÔNG TIN VỀ KHOẢN VAY: 1. Ngày ký Thỏa thuận vay nước ngoài: ……………………………… 2. Ngày Thỏa thuận vay nước ngoài có hiệu lực: …………………………… 3. Giá trị khoản vay10: - Giá trị bằng số: - Giá trị bằng chữ: 4. Đồng tiền nhận nợ, rút vốn, trả nợ11: …………………………… 5. Hình thức vay 12: ………………. 6. Hình thức trả nợ 13: …………………………. 7. Thời hạn vay: …………………… (trong đó thời gian ân hạn: ………………….) 8. Lãi suất vay: 8.1. Lãi suất cố định: ………………………………. 8.2. Lãi suất thả nổi14: ……………………………….. 9. Các loại phí15: ………………………. 10. Lãi phạt: …………………………. 11. Chi phí vay16: …………………………….. 12. Hình thức bảo đảm (bảo lãnh, cầm cố, ký quỹ, thế chấp...): ………………….. 13. Kế hoạch rút vốn 17: ……………………… 14. Kế hoạch trả nợ: 14.1. Kế hoạch trả gốc 18: ………………………………… 14.2. Kế hoạch trả lãi 19: …………………………………….. 15. Các điều kiện khác (nếu có): * Chú ý: ghi rõ điều khoản tham chiếu tại Hợp đồng vay đối với mỗi nội dung tại phần này. 16. Các nội dung giải trình thêm (nếu có) PHẦN THỨ TƯ: CAM KẾT 1. Người ký tên dưới đây (đại diện hợp pháp của Bên đi vay) cam kết chịu trách nhiệm về sự chính xác của mọi thông tin ghi trong Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài này và các tài liệu kèm theo tại Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài của Bên đi vay. 2. [Tên Bên đi vay] cam kết tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam, các quy định tại Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Hồ sơ đính kèm: - …… - …… ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA BÊN ĐI VAY Thông tin liên hệ: Cán bộ phụ trách: ……………………….. Điện thoại: ……………. Fax: …………………. Địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nhận công văn: ………………. Hướng dẫn một số nội dung liên quan tại Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh 1 Ghi chú rõ gửi Vụ Quản lý Ngoại hối hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 13 Thông tư này). 2 Ghi loại hình Bên đi vay theo phân tổ sau: + Khối doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp Nhà nước + Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Doanh nghiệp FDI; Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; Ngân hàng liên doanh; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài + Khối doanh nghiệp khác: Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức tín dụng khác; Doanh nghiệp khác 3 Ghi rõ các nội dung về loại hồ sơ pháp lý; số, ngày cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Tùy từng Bên đi vay, các loại hồ sơ pháp lý này bao gồm: Quyết định thành lập, Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy đăng ký Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã của Bên đi vay và của Doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (trong trường hợp Bên đi vay vay nước ngoài để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp) theo quy định của pháp luật. 4 Chỉ liệt kê lĩnh vực hoạt động kinh doanh ghi tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập... liên quan đến dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng vốn từ khoản vay nước ngoài. 5 Trường hợp khoản vay hợp vốn không có đại diện các bên cho vay, ghi rõ các thông tin tại mục này đối với từng bên cho vay, ghi chú bên cho vay chiếm đa số. Trường hợp khoản vay hợp vốn có Đại diện các bên cho vay: ghi các thông tin của bên Đại diện các bên cho vay. Trường hợp khoản vay dưới hình thức phát hành công cụ nợ không ghi danh, các thông tin về Bên cho vay được thay thế bằng các thông tin về Bên làm đại lý phát hành. 7 Loại hình Bên cho vay ghi theo phân tổ sau: + Công ty mẹ, công ty thành viên thuộc công ty mẹ + Tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quốc tế + Các đối tượng khác 8 Trong trường hợp Bên đi vay là Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tài khoản này chính là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bên đi vay. 9 Ghi rõ mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài như nhập khẩu hàng hóa trả chậm, thực hiện hợp đồng ủy thác cho vay với người không cư trú, thuê tài chính, thực hiện dự án đầu tư, thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài,... 10 Đối với khoản vay phát sinh từ hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, giá trị khoản vay là giá trị khoản trả chậm. 11 Đồng tiền nhận nợ, rút vốn, trả nợ: Ghi rõ loại tiền trong trường hợp đồng tiền nhận nợ, đồng tiền rút vốn và đồng tiền trả nợ khác nhau. 12 Hình thức vay: + Vay bằng tiền bao gồm vay trực tiếp bằng tiền hoặc thông qua hợp đồng ủy thác cho vay với Bên ủy thác là người không cư trú + Vay thông qua phát hành công cụ nợ + Vay thông qua hình thức cho thuê tài chính + Vay thông qua hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm 13 Hình thức trả nợ, ghi rõ trả nợ bằng tiền hay bằng hàng hóa 14 Ghi rõ loại lãi suất lựa chọn (cố định hay thả nổi; đối với lãi suất thả nổi: ghi rõ lãi suất cơ sở, lãi lề); cách tính (lãi đơn hay lãi gộp), ngày bắt đầu tính lãi. 15 Ghi rõ tên và cách tính các loại phí như phí bảo lãnh, phí bảo hiểm, phí thu xếp, phí quản lý, phí trả trước, phí cam kết và các phí khác. 16 Doanh nghiệp tính chi phí vay ước tính của khoản vay tại thời điểm nộp Đơn đăng ký khoản vay. Chi phí vay nước ngoài là tổng mức chi phí quy đổi theo tỷ lệ phần trăm hàng năm của kim ngạch khoản vay, bao gồm lãi suất vay nước ngoài và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay nước ngoài mà Bên đi vay chắc chắn phải trả cho Bên cho vay, các bên bảo đảm khoản vay, bên bảo hiểm khoản vay, các đại lý và các bên liên quan khác. 17 Kế hoạch rút vốn phù hợp với Thỏa thuận vay. Trường hợp Thỏa thuận vay không quy định kế hoạch rút vốn cụ thể, căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn của Bên đi vay phù hợp với Thỏa thuận vay, Bên đi vay chủ động ghi kế hoạch rút vốn dự kiến chi tiết theo tháng hoặc quý hoặc 6 tháng hoặc năm. 18 Kế hoạch trả nợ phù hợp với Thỏa thuận vay. Trường hợp Thỏa thuận vay không quy định kế hoạch trả nợ cụ thể, trong phạm vi các cam kết tại hợp đồng vay, dự kiến kế hoạch sản xuất kinh doanh và khả năng cân đối nguồn vốn trả nợ của Bên đi vay, Bên đi vay ghi chi tiết kế hoạch trả nợ theo tháng hoặc quý hoặc 6 tháng hoặc năm. 19 Ghi rõ kỳ trả lãi và thời điểm bắt đầu trả lãi. Phụ lục 2 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……………….. V/v xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài ………….., ngày …. tháng …. năm …. Kính gửi: ………………………………………… Trả lời đề nghị tại Đon đăng ký khoản vay nước ngoài số …….. ngày …….. kèm theo hồ sơ của ………. (tên doanh nghiệp), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có ý kiến như sau: 1/ Xác nhận (tên doanh nghiệp) đã đăng ký khoản vay nước ngoài tại NHNN theo các quy định hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 2/ Một số nội dung chính của khoản vay nước ngoài được đăng ký với NHNN: 2.1/ Bên đi vay: Tên; địa chỉ 2.2/ Bên cho vay1: Tên, quốc gia chủ nợ 2.3/ Một số nội dung chính của khoản vay: - Ngày ký hợp đồng vay - Kim ngạch vay - Hình thức vay - Thời hạn vay - Bên bảo lãnh, quốc gia bên bảo lãnh - Bảo đảm khác - Lãi suất vay - Lãi phạt - Các loại phí - Kế hoạch rút vốn - Kế hoạch trả nợ gốc - Kế hoạch trả nợ lãi - Các nội dung liên quan khác 3/ Khoản vay được thực hiện thông qua Ngân hàng …….. Khi cung ứng dịch vụ tài khoản cho khoản vay nước ngoài của (tên doanh nghiệp), Ngân hàng.... cần thực hiện đúng trách nhiệm của ngân hàng thương mại theo quy định của NHNN hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 4/ (Tên doanh nghiệp) tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký và thực hiện các hợp đồng vay nước ngoài trên nguyên tắc tự vay - tự chịu trách nhiệm trả nợ. NHNN không chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý và tài chính nào ngoài việc xác nhận (tên doanh nghiệp) đã đăng ký khoản vay nước ngoài với một số nội dung chính được nêu tại văn bản này. 5/ Các nội dung khác (nếu có) 6/ NHNN yêu cầu (tên doanh nghiệp): 6.1/ Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý vay và trả nợ nước ngoài; quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 6.2/ Thực hiện đúng các nội dung trong thỏa thuận vay nước ngoài đã ký và các thỏa thuận khác liên quan đến khoản vay với nội dung không trái với quy định của pháp luật Việt Nam. 6.3/ Thực hiện báo cáo theo quy định hiện hành về báo cáo vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. 7/ Trường hợp vi phạm các quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài, tùy mức độ vi phạm, (tên doanh nghiệp) sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để (tên doanh nghiệp) biết và thực hiện. Nơi nhận: - …… THỐNG ĐỐC ____________ 1 Bên cho vay (đối với khoản vay nước ngoài song phương, khoản vay nước ngoài hợp vốn không sử dụng đại diện Bên cho vay) hoặc đại diện Bên cho vay (đối với khoản vay nước ngoài hợp vốn sử dụng đại diện bên cho vay) và các bên có liên quan đến khoản vay nước ngoài. Phụ lục 3 TÊN BÊN ĐI VAY ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……………….. V/v đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh ………….., ngày …. tháng …. năm …. ĐƠN ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI KHÔNG ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam1 - Căn cứ Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; - Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; - Căn cứ Thông tư số ..../2014/TT-NHNN ngày .... tháng .... năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; - Căn cứ Thỏa thuận vay nước ngoài đã ký với Bên (các bên) cho vay nước ngoài ngày …/…./…; - Căn cứ vào Thỏa thuận vay nước ngoài sửa đổi đã ký với Bên (các bên) cho vay nước ngoài ngày …./…/….(nếu có); Bên đi vay có tên sau đây đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thay đổi một số nội dung vay nước ngoài như sau: I. BÊN VAY: 1. Tên Bên đi vay: ………………………………… 2. Số, ngày của văn bản xác nhận đăng ký vay trả nợ nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 3. Số, ngày của (các) văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (liệt kê tất cả các văn bản xác nhận đăng ký thay đổi - nếu có); II. NỘI DUNG THAY ĐỔI: 1. Thay đổi2………………………………: - Kế hoạch hiện tại: …………………….. - Kế hoạch thay đổi: ……………………….. - Lý do thay đổi: ………………………………….. * Chú ý: ghi rõ điều khoản tham chiếu tại Thỏa thuận thay đổi đối với mỗi nội dung thay đổi. III. KIẾN NGHỊ: [Tên Bên đi vay] đề nghị Ngân hàng Nhà nước xác nhận [Tên Bên đi vay] đã đăng ký thay đổi nội dung khoản vay nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước. IV. CAM KẾT 1. Người ký tên dưới đây (đại diện của Bên đi vay) cam kết chịu trách nhiệm về sự chính xác của mọi thông tin ghi trong Đơn đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài này và các tài liệu kèm theo tại Hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Bên đi vay. 2. [Tên Bên đi vay] cam kết tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam, các quy định tại Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Hồ sơ gửi kèm: ­- …….. ĐẠI DIỆN CỦA BÊN ĐI VAY Thông tin liên hệ: Cán bộ phụ trách: ……………………….. Điện thoại: ……………. Fax: …………………. Địa chỉ giao dịch (hoặc địa chỉ nhận công văn) Hướng dẫn một số nội dung liên quan tại Đơn đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh 1 Ghi chú rõ gửi Vụ Quản lý Ngoại hối hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo thẩm quyền quy định tại Điều 13 Thông tư này) 2 Ghi rõ nội dung cần thay đổi, ví dụ: 1. Thay đổi Bên cho vay: - Bên cho vay hiện tại: …………………… - Bên cho vay thay đổi: ……………………………… - Lý do thay đổi: ………………………… 2. Thay đổi kim ngạch: - Kim ngạch hiện tại: ……………………………………. - Kim ngạch thay đổi: ……………………………………….. - Lý do thay đổi: ………………………………………………. ………………………………………………….. Phụ lục 4A Tên Bên đi vay: …………………. Điện thoại: ………………………… Địa chỉ: …………………….. Loại hình bên đi vay: …………………. BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI NGẮN HẠN KHÔNG ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH (Quý ... năm…….) Đơn vị: nghìn USD Hình thức vay Kỳ báo cáo Kế hoạch kỳ tiếp theo Dư nợ đầu kỳ Phát sinh trong kỳ Dư nợ cuối kỳ Rút vốn Trả nợ Trả nợ lãi Tổng trong đó quá hạn Rút vốn Trả gốc Trả lãi Thay đổi Tổng Trong đó quá hạn 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 1. Vay bằng tiền, trong đó: - Vay từ công ty mẹ và các đơn vị thành viên công ty mẹ - Vay từ các đơn vị khác 2. Vay bằng hàng, trong đó: - Vay từ Công ty mẹ và các đơn vị thành viên công ty mẹ - Vay từ các đơn vị khác 3. Tổng Ghi chú: …………………………………………. Lập biểu (ký, ghi rõ họ tên) Kiểm soát (ký, ghi rõ họ tên) ………., ngày …. tháng … năm … Đại diện hợp pháp của Bên đi vay (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên) Hướng dẫn lập báo cáo 1. Đối tượng áp dụng: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thực hiện báo cáo chi tiết tình hình thực hiện các khoản vay nước ngoài ngắn hạn không được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ trong kỳ báo cáo. 2. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau quý báo cáo. 3. Hình thức báo cáo: Báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính. 4. Đơn vị nhận báo cáo: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính 5. Hướng dẫn lập báo cáo: - “Loại hình Bên đi vay” được phân tổ theo các loại hình sau: + Khối doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp Nhà nước + Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Doanh nghiệp FDI; Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài + Khối doanh nghiệp khác: Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức tín dụng khác; Doanh nghiệp khác - Cột 7: Phần thay đổi, điều chỉnh giá trị dư nợ trong kỳ nhưng không làm phát sinh dòng tiền do: (i) biến động tỷ giá khi quy đổi từ đồng tiền vay sang USD giữa các kỳ báo cáo; (ii) điều chỉnh do báo cáo sai ở (các) kỳ trước; (iii) khoản vay ngắn hạn chuyển trung dài hạn; (iv) chuyển vốn vay thành vốn góp; (v) xóa nợ;... Chênh lệch nhận giá trị (+) nếu phát sinh tăng, giá trị (-) nếu phát sinh giảm. Bên đi vay báo cáo rõ nội dung phát sinh chênh lệch. - Cột 8 = Cột 2 + Cột 4 - Cột 5 + Cột 7 Phụ lục 4B Tên Bên đi vay: …………………. Điện thoại: ………………………… Địa chỉ: …………………….. Loại hình bên đi vay: …………………. BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI TRUNG, DÀI HẠN KHÔNG ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH (Quý ... năm…..) Đơn vị: nghìn nguyên tệ Tên Bên cho vay Thông tin khoản vay Kỳ báo cáo Kế hoạch kỳ tiếp theo Ngân hàng thực hiện (Rút vốn, trả nợ) Kim ngạch vay Hình thức vay Bảo lãnh Loại hình Bên cho vay Dư nợ đầu kỳ Phát sinh trong kỳ Dư nợ cuối kỳ Rút vốn Trả nợ Trả lãi Tổng Trong đó quá hạn Rút vốn Trả gốc Trả lãi Thay đổi Tổng Trong đó quá hạn 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 Các khoản vay bằng USD ….. Tổng Các khoản vay bằng EUR ……. Tổng Ghi chú: …………………………….. Lập biểu (ký, ghi rõ họ tên) Kiểm soát (ký, ghi rõ họ tên) …….., ngày ….. tháng ….. năm … Đại diện hợp pháp của Bên đi vay (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên) Hướng dẫn lập báo cáo 1. Đối tượng áp dụng: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thực hiện báo cáo chi tiết tình hình thực hiện các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn không được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ trong kỳ báo cáo. 2. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo ngay sau quý báo cáo. 3. Hình thức báo cáo: Báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính. 4. Đơn vị nhận báo cáo: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính. 5. Hướng dẫn lập báo cáo: - “Loại hình Bên đi vay” được phân tổ theo các loại hình sau: + Khối doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp Nhà nước + Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Doanh nghiệp FDI; Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài + Khối doanh nghiệp khác: Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức tín dụng khác; Doanh nghiệp khác - Cột 3 “Hình thức vay”: Vay bằng tiền (bao gồm khoản vay trực tiếp bằng tiền hoặc thông qua hợp đồng ủy thác cho vay với người không cư trú) (T); vay thông qua hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm (H); vay thông qua phát hành công cụ nợ (B); vay thông qua hình thức cho thuê tài chính (L). - Cột 4 “Bảo lãnh”: Ghi tắt đối tượng bảo lãnh cho khoản vay theo ký hiệu sau: Bảo lãnh bởi người cư trú (R); Bảo lãnh bởi người không cư trú (NR); Khoản vay không có bảo lãnh (N) - Cột 5 “Loại hình Bên cho vay”: Bên cho vay là công ty mẹ, công ty thành viên thuộc công ty mẹ (IN), Tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quốc tế (CI); Các đối tượng khác không thuộc 2 đối tượng nêu trên (Đối với khoản vay hợp vốn, ghi theo Bên cho vay chiếm đa số) (KH). - Cột 11 “Phần thay đổi” điều chỉnh giá trị dư nợ trong kỳ nhưng không làm phát sinh dòng tiền do: (i) biến động tỷ giá khi quy đổi từ đồng tiền vay sang USD giữa các kỳ báo cáo; (ii) điều chỉnh do báo cáo sai ở (các) kỳ trước; (iii) khoản vay ngắn hạn chuyển trung dài hạn; (iv) chuyển vốn vay thành vốn góp; (v) xóa nợ;... Chênh lệch nhận giá trị (+) nếu phát sinh tăng, giá trị (-) nếu phát sinh giảm. Bên đi vay báo cáo rõ nội dung phát sinh chênh lệch. - Cột 12 = Cột 6 + Cột 8 - Cột 9 + Cột 11
{ "issuing_agency": "Ngân hàng Nhà nước", "promulgation_date": "15/09/2014", "sign_number": "25/2014/TT-NHNN", "signer": "Lê Minh Hưng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Ke-hoach-105-KH-UBND-2020-phong-chong-benh-Dich-ta-heo-Chau-Phi-Can-Tho-2020-2025-463921.aspx
Kế hoạch 105/KH-UBND 2020 phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi Cần Thơ 2020 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 105/KH-UBND Cần Thơ, ngày 08 tháng 9 năm 2020 KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 Thực hiện Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025”. Để chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành “Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025”, với các nội dung sau: I. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu chung Tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) lây lan ra diện rộng; bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng. 2. Mục tiêu cụ thể - Trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 02 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 02 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 02 năm cuối thực hiện Kế hoạch. - Hỗ trợ xây dựng 25 mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và 25 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới hình thành các chuỗi sản xuất heo, sản phẩm thịt heo an toàn với bệnh DTHCP, đáp ứng tiêu dùng của thành phố, của cả nước và xuất khẩu. - Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ) áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học. - Xác định các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh DTHCP để có giải pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả. II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH 1. Chăn nuôi heo an toàn sinh học a) Kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương; đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Chăn nuôi; Thông tư số 20/2019/TT- BNNPTNT ngày 22/11/2019; Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2019 và Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. b) Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt: Cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể: - Cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, vừa và chăn nuôi nông hộ: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25 tháng 7 năm 2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo để phòng, chống bệnh DTHCP. - Cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn: thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT về điều kiện trại chăn nuôi heo an toàn sinh học ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. c) Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi. 2. Tổ chức nuôi tái đàn heo a) Nguyên tắc nuôi tái đàn heo - Chỉ nuôi tái đàn heo tại cơ sở chăn nuôi heo chưa bị bệnh DTHCP hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh DTHCP; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. - Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh DTHCP, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh DTHCP, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, được cấp chứng nhận VietGAHP, GlobalGAP hoặc được chính quyền cơ sở, cơ quan thú y địa phương xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu an toàn dịch bệnh để tái đàn, tăng đàn. b) Yêu cầu đối với cơ sở nuôi tái đàn heo - Tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn heo, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP. - Định kỳ lấy mẫu môi trường, nước, chất thải,... xét nghiệm khẳng định không có vi rút DTHCP đối với các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn. c) Các bước nuôi tái đàn heo - Nuôi chỉ báo với số lượng hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để bảo đảm không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày. - Hằng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số heo nuôi chỉ báo trong thời gian ít nhất 21 ngày; trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh DTHCP (chủ cơ sở có thể tự lấy dưới sự giám sát của cán bộ thú y hoặc cán bộ thú y cơ sở thực hiện việc lấy mẫu). Trường hợp nghi heo bị bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. - Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, nếu heo không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh DTHCP (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở. d) Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. 3. Giám sát dịch bệnh a) Giám sát chủ động - Chủ cơ sở nuôi heo, thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn heo. Trường hợp phát hiện heo bệnh, nghi mắc bệnh DTHCP, heo chết không rõ nguyên nhân hoặc heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo Trạm Chăn nuôi và Thú y quận, huyện; Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh DTHCP trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật. - Chi cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí thực hiện để trình UBND thành phố phê duyệt, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút DTHCP tại cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi, chợ buôn bán, cơ sở kinh doanh, thu gom, điểm trung chuyển, tắm rửa heo, cơ sở giết mổ heo, cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ heo, sản phẩm heo nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn quản lý, môi trường chăn nuôi tại các địa bàn có nguy cơ cao. b) Giám sát bị động - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm vi rút DTHCP và chẩn đoán phân biệt đối với: đàn heo nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh DTHCP; đàn heo nghi có tiếp xúc với đàn heo mắc bệnh DTHCP; heo rừng, heo cảnh bị ốm, chết không rõ nguyên nhân; mẫu môi trường; điều tra xác định nguyên nhân nếu nghi đàn heo bị bệnh DTHCP. - Điều tra ổ dịch, truy tìm nguồn bệnh: UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo, phối hợp cùng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận, huyện tiến hành điều tra ổ dịch (hộ, cơ sở chăn nuôi bị nhiễm DTHCP). Việc điều tra ổ dịch được triển khai tối thiểu 21 ngày trở về trước (trước khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng tại ca bệnh đầu tiên) và sẽ tiếp tục kéo dài đến thời điểm áp dụng các biện pháp kiểm soát ổ dịch. 4. Tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTHCP - Tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh, heo chết, heo có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTHCP. - Biện pháp tiêu hủy: căn cứ điều kiện và tình hình thực tế của địa phương áp dụng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Đối với heo khỏe mạnh tại cơ sở có heo mắc bệnh DTHCP hoặc tại các cơ sở chưa có heo mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP có thể được vận chuyển, giết mổ theo hướng dẫn tại điểm b khoản 5 và điểm d khoản 6 Mục này. 5. Kiểm soát vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm từ heo a) Trong trường hợp không có bệnh DTHCP - Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo tại nơi xuất phát: thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; vệ sinh và phun thuốc sát trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển; vệ sinh, sát trùng người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp heo nghi mắc bệnh, sản phẩm heo nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh. - Tập trung triển khai việc nâng cấp 02 Trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông (Trạm Kiểm dịch động vật cầu Cần Thơ và Trạm Kiểm dịch động vật Lộ Tẻ), đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định, chức năng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đầu mối giao thông, như được lưu giữ, nuôi cách ly,... khi phát hiện động vật bệnh hoặc không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định. - Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, vật dụng chứa đựng đi qua chốt, trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. - Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo tại nơi đến: thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vệ sinh và phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển và người tham gia vận chuyển. - Tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật đối với tất cả các lô hàng heo, sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ. - Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật nếu phát hiện heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu hoặc nghi nhập lậu đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ. - Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát phương tiện vận chuyển heo giống để quản lý nhằm hạn chế việc dừng, đỗ phương tiện trong quá trình vận chuyển. b) Trong trường hợp có bệnh DTHCP - Đối với heo khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có heo mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện. - Đối với heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có heo mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP được vận chuyển để nuôi hoặc tiêu thụ trong địa bàn quận, huyện. - Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học hoặc đã tham gia chương trình giám sát, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính các bệnh (bao gồm cả bệnh DTHCP), heo không có triệu chứng của bệnh DTHCP trong vòng 21 ngày trước thời điểm vận chuyển, được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ. Trường hợp vận chuyển ra khỏi thành phố Cần Thơ phải đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong thành phố và phải được thực hiện kiểm dịch theo quy định pháp luật thú y. - Việc vận chuyển heo, sản phẩm heo được thực hiện theo quy định pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và UBND thành phố Cần Thơ. 6. Quản lý giết mổ heo và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt heo a) Yêu cầu đối với cơ sở giết mổ heo - Cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thú y và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung (QCVN 01 - 150:2017/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư số 13/2017/TT- BNNPTNT ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). - Được Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; trừ trường hợp cơ sở đã có Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. - Có nhân viên thú y thực hiện việc kiểm soát giết mổ theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. b) Yêu cầu đối với heo được đưa vào giết mổ - Bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. - Có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP từ cơ sở chăn nuôi heo ở trong vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Trường hợp heo được vận chuyển từ tỉnh khác phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh nơi xuất phát theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật thú y và QCVN 01-100:2012/BNNPTNT (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. c) Quản lý tiêu thụ thịt heo và sản phẩm từ heo của các cơ sở giết mổ Thịt heo và sản phẩm từ heo được buôn bán và tiêu thụ trên phạm vi toàn quốc trong trường hợp đáp ứng yêu cầu sau: - Được giết mổ, sơ chế tại các cơ sở giết mổ được thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại điểm a khoản này. - Thịt heo và sản phẩm từ heo sau khi giết mổ phải vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển lạnh chuyên dụng đáp ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Thú y và QCVN 01-100:2012/BNNPTNT (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi đi tiêu thụ. - Đảm bảo theo các quy định của pháp luật về thú y và an toàn thực phẩm. d) Trong trường hợp có bệnh DTHCP Heo được vận chuyển để giết mổ phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 5 Mục này. 7. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng a) Khi chưa có dịch xảy ra - Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lớn: hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. - Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ: hướng dẫn thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút DTHCP. - Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, cơ sở giết mổ heo bằng vôi bột (có độ pH ≥ 12) hoặc hóa chất khử trùng tiêu chuẩn dùng trong thú y; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ heo; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. - Thực hiện các đợt tiêu độc khử trùng môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động và theo tình hình thực tế tại địa phương. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề xuất chủ động triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi khi cần thiết. b) Khi xảy ra dịch - Tại ổ dịch (xã, phường, thị trấn có dịch) và vùng bị dịch uy hiếp (các xã, phường, thị trấn tiếp giáp với ổ dịch): thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. - Vùng đệm (các xã, phường, thị trấn tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp); Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch. 8. Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh - Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở sản xuất các sản phẩm chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. - Hướng dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm năng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi heo đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. - Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y thực hiện việc quản lý, duy trì vùng, cơ sở chăn nuôi, chế biến an toàn dịch bệnh trên địa bàn quản lý. 9. Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm - Xây dựng, nâng cấp phòng thí nghiệm của Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ đạt tiêu chuẩn phòng thử nghiệm TCVN ISO/IEC 17025:2017 hoặc các tiêu chuẩn tương đương và đảm bảo là phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp II.... để đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, xét nghiệm các bệnh động vật theo chỉ đạo, phân cấp của Bộ nông nghiệp và PTNT. - Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, xét nghiệm các loại dịch bệnh động vật thông thường; tập huấn phương pháp lấy mẫu đối với các bệnh nguy hiểm và các bệnh mới. 10. Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh DTHCP, vắc xin DTHCP - Tổ chức nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, đặc tính ri rút DTHCP, sự biến đổi duy truyền của vi rút và các yếu tố nguy cơ, quy luật phát sinh, lây lan dịch bệnh, từ đó đề xuất các giải pháp kiểm soát bệnh DTHCP tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại do DTHCP. - Tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống thu thập, phân tích thông tin và cảnh báo tình hình dịch bệnh DTHCP (hệ thống cũng có thể áp dụng cho các loại dịch bệnh khác ở động vật). 11. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi - Triển khai công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ tái phát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh trên diện rộng đến từng đối tượng cụ thể (vận chuyển, buôn bán heo, người chăn nuôi, cán bộ làm công tác thú y). - Tổ chức công tác truyền thông về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, tác hại đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi,... do hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu heo, sản phẩm heo gây ra. - Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, tổ chức các buổi tọa đàm hoặc viết thông điệp ngắn; xây dựng, in ấn tờ gấp, biển quảng cáo phân phát cho người chăn nuôi, dán ở nơi công cộng (chợ, nơi hội họp ở cấp thôn, xã). - Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về giám sát, xử lý ổ dịch cho mạng lưới thú y cơ sở. 12. Chính sách hỗ trợ - Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, cập nhật các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chăn nuôi như cơ sở chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân và lực lượng vũ trang bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra; các đối tượng tham gia công tác phòng, chống DTHCP. - Triển khai các chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch DTHCP theo quy định hiện hành. III. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN 1. Ngân sách nhà nước Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động, bao gồm: mua sắm dụng cụ, trang bị bảo hộ dùng trong phòng, chống dịch bệnh; dự phòng kinh phí mua vắc xin phòng, chống các bệnh nguy hiểm, kế phát trên heo hoặc khi có khuyến cáo sử dụng loại vắc xin phòng, chống DTHCP từ trung ương; chủ động giám sát lưu hành vi rút DTHCP; xây dựng các chuỗi chăn nuôi heo, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; điều tra ổ dịch, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu; các hoạt động chống dịch, tiêu hủy heo, tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; thông tin, tuyên truyền; đào tạo, tập huấn chuyên môn; các hoạt động kiểm tra, giám sát, hội nghị về phòng, chống DTHCP của cấp thành phố, cấp huyện; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo và tình hình dịch bệnh thực tế tại các địa phương; kinh phí mua hóa chất dự phòng, chống dịch. Hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình áp dụng các biện pháp tái đàn heo hiệu quả; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chăn nuôi heo phát triển bền vững theo quy định. Hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo buộc tiêu hủy, hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và công chống dịch cho các lực lượng tham gia chống dịch theo quy định. 2. Kinh phí do người dân tự bảo đảm - Tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo phải đảm bảo chi trả: tiêm phòng vắc xin các bệnh nguy hiểm, kế phát cho đàn heo; lấy mẫu, xét nghiệm mẫu khi thực hiện kiểm dịch vận chuyển hoặc khi có nhu cầu giết mổ tiêu thụ; phí, lệ phí kiểm dịch vận chuyển heo, sản phẩm heo từ ngoài tỉnh nhập vào thành phố; vôi bột, hóa chất để tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. - Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển heo, sản phẩm của heo bị bệnh, nghi bị bệnh chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm và tiêu hủy (nếu bị bệnh) theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. 3. Dự toán kinh phí Hàng năm, căn cứ chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nội dung Kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tham mưu UBND thành phố và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố (khi được thành lập), chỉ đạo các hoạt động phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất với UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai kịp thời các biện pháp bổ sung cho phù hợp. b) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch; thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. c) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố. - Phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh,...; các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,... trong lĩnh vực chăn nuôi. d) Tham mưu UBND thành phố thực hiện hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi xây dựng chuồng trại đảm bảo theo yêu cầu chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh DTHCP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi, chuỗi sản xuất, vùng chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi. đ) Thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và quản lý, bố trí địa điểm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và chăn nuôi heo theo nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. e) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện kê khai chăn nuôi theo theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu trang trại chăn nuôi toàn quốc. g) Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tham mưu trình UBND thành phố quyết định việc điều chỉnh, bổ sung và chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh động vật nhằm bảo đảm không để dịch bệnh lây lan diện rộng. h) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện: - Chi cục Chăn nuôi và Thú y + Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc các Sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan huy động lực lượng tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. + Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh DTHCP trên địa bàn; phối hợp với Công an, Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan,... kiểm tra, kiểm soát giết mổ heo, vận chuyển, mua bán trên địa bàn thành phố Cần Thơ. + Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố; phối hợp nghiên cứu xác định đặc điểm dịch tễ và các yếu tố nguy cơ và quy luật phát sinh, lây lan dịch bệnh, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do DTHCP. + Tổ chức tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi; tổ chức tập huấn về xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); xây dựng các vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở sản xuất sản phẩm heo an toàn dịch bệnh để phục vụ như cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. + Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, kế hoạch phát triển và tái đàn heo tại các địa phương. + Chuẩn bị cung ứng đầy đủ vật tư, vắc xin, thuốc sát trùng, chuẩn bị trang thiết bị, lực lượng sẵn sàng; thành lập tổ chỉ đạo tiêm phòng, phân công trực ngày nghỉ lễ, tết để tiếp nhận thông tin từ cơ sở và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra. + Xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm phù hợp với tình hình dịch bệnh tại thành phố Cần Thơ; tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh DTHCP theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và UBND thành phố. + Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chợ, nơi giết mổ heo; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các khu vực nguy cơ cao về bệnh DTHCP. + Cập nhật về tình hình bệnh DTHCP để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Tổng hợp kết quả, tổ chức đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và báo cáo về cơ quan cấp trên theo quy định. - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp + Tăng cường công tác truyền thông; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi. + Tập trung phát triển đàn heo giống và thực hiện việc chuyển giao đàn heo giống cho các địa phương nhằm đẩy mạnh việc tái đàn heo, khôi phục sản + Phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các hoạt động khuyến nông trên địa bàn thành phố; xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn khuyến nông để phổ biến những tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất phù hợp với điều kiện ứng dụng của thành phố. - Chi cục Phát triển nông thôn + Phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ trong chăn nuôi heo cho người lao động nông thôn. + Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGahp, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng, sân phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. 2. Ban Chỉ đạo 389 thành phố Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật từ ngoài vào thành phố; phối hợp chặt chẽ các sở ngành và chia sẻ thông tin, dữ liệu với Ngành Nông nghiệp và phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành. 3. Sở Công Thương: Thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thị trường các sản phẩm chăn nuôi và tham mưu UBND thành phố các giải pháp bảo đảm lưu thông, bình ổn thị trường, nhất là giá thịt heo. Tránh gây bất ổn về thị trường sản phẩm chăn nuôi tại thành phố Cần Thơ. 4. Cục Quản lý thị trường Cần Thơ: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và phát hiện kịp thời việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh lây lan. 5. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các phương tiện vận tải vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc tại các Trạm đầu mối giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 6. Công an thành phố: Phối hợp với lực lượng chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, ... thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; tổ chức dừng phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển và vệ sinh, sát trùng tiêu độc. 7. Sở Thông tin và Truyền thông a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành và đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025. b) Phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo, đài địa phương, Cổng thông tin điện tử thành phố, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và thường xuyên đến người dân về tác hại, nguy cơ dịch DTHCP, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh. 8. Sở Tài chính Chủ động tiếp nhận nguồn kinh phí Trung ương phân phối (nếu có). Căn cứ nội dung Kế hoạch phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kịp thời tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí hàng năm, đảm bảo thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh DTHCP và báo cáo UBND thành phố, Bộ Tài chính nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. 9. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố: chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh DTHCP để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP trong các đơn vị quân đội; hỗ trợ việc tiêu hủy heo bệnh, chết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 10. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng phương án thực hiện tiêu hủy heo bệnh, chết để đảm bảo vệ sinh môi trường và lây lan dịch bệnh. 11. Sở Y tế: phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 12. Sở Khoa học và Công nghệ: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh DTHCP. 13. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã a) Ủy ban nhân dân cấp huyện: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, xây dựng và phê duyệt Kế hoạch trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo Kế hoạch; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: - Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ. - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan diện rộng. - Theo dõi và tổng hợp báo cáo theo quy định về việc khai báo tái đàn và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Phối hợp tổ chức hướng dẫn xây dựng các vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở sản xuất sản phẩm heo an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. - Quản lý các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, đặc biệt kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm đối với việc giết mổ nhỏ lẻ tự phát; kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung và chủ động quỹ đất và có cơ chế đặc thù cho chủ đầu tư trong việc tìm và giao đất, vốn đầu tư để xây dựng cơ sở giết mổ động vật có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, bảo quản mát đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. - Quản lý, bố trí địa điểm phát triển chăn nuôi heo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. - Chủ động bố trí nguồn kinh phí địa phương bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh DTHCP. Ưu tiên bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch. b) Ủy ban nhân dân cấp xã - Tiếp nhận khai báo tái đàn và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổng hợp việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn quản lý và gửi báo cáo về Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT quận, huyện để tổng hợp báo cáo theo quy định. - Triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch như công tác thống kê, rà soát tổng đàn vật nuôi, tiêu độc môi trường, tiêm vắc xin phòng bệnh,..., đặc biệt công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và công tác phối hợp xử lý ổ dịch theo quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. 14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể chính trị xã hội thành phố: Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chấp hành Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, đặc biệt là trong việc thực hiện khai báo chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định cho đàn vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, tổ chức giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn thành phố. 15. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người chăn nuôi, người vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi heo - Thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y và phòng, chống dịch bệnh. - Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. - Phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong thực hiện công tác phòng, chống dịch; thông báo kịp thời khi phát hiện tình trạng giấu dịch của địa phương, của hộ chăn nuôi khác, tình trạng vứt xác động vật ốm chết ra môi … - Phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong thực hiện công tác phòng, chống dịch; thông báo kịp thời khi phát hiện tình trạng giấu dịch của địa phương, của hộ chăn nuôi khác, tình trạng vứt xác động vật ốm chết ra môi trường, hiện tượng bán chạy động vật bệnh, không tuân thủ các biện pháp chống dịch của người chăn nuôi. - Áp dụng các quy trình thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng các bệnh cho vật nuôi theo quy định và định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan thú y; chủ động xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Tích cực tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố và hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Kế hoạch này được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời tùy theo diễn biến của tình hình dịch trên thế giới, trong nước, những thông tin khoa học cập nhật về bệnh dịch tả heo Châu Phi và thực tiễn quá trình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Để công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện theo Kế hoạch này; thường xuyên báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./. Nơi nhận: - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - TT. Thành ủy, - CT, PCT UBND thành phố (1AD); - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - VP. UBND thành phố (2B,3B); - Cổng thông tin điện tử thành phố; - Lưu: VT.HN. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Thanh Dũng
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "08/09/2020", "sign_number": "105/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Thanh Dũng", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-01-2009-TT-BGDDT-bo-sung-chuyen-nganh-Ly-luan-Bo-mon-Giao-duc-chinh-tri-ma-so-62-14-10-09-Quyet-dinh-44-2002-QD-BGD-DT-85431.aspx
Thông tư 01/2009/TT-BGDĐT bổ sung chuyên ngành Lý luận Bộ môn Giáo dục chính trị mã số 62.14.10.09 Quyết định 44/2002/QĐ-BGD&ĐT
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 01/2009/TT-BGDĐT Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2009 THÔNG TƯ VỀ VIỆC BỔ SUNG CHUYÊN NGÀNH LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC BỘ MÔN GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, MÃ SỐ 62.14.10.09 VÀO NGÀNH KHOA HỌC GIÁO DỤC MÃ SỐ 62.14 TRONG DANH MỤC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 44/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2002 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Căn cứ Quyết định số 25/2005/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, THÔNG TƯ: Điều 1. Bổ sung vào chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Giáo dục chính trị, mã số 62.14.10.09 vào ngành Khoa học giáo dục mã số 62.14 trong danh mục chuyên ngành đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 44/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Giáo dục chính trị chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phạm Vũ Luận
{ "issuing_agency": "Bộ Giáo dục và Đào tạo", "promulgation_date": "14/01/2009", "sign_number": "01/2009/TT-BGDĐT", "signer": "Phạm Vũ Luận", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-41-2014-TT-BNNPTNT-huong-dan-202-2013-ND-CP-quan-ly-phan-bon-quan-ly-nha-nuoc-258190.aspx
Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn 202/2013/NĐ-CP quản lý phân bón quản lý nhà nước
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 41/2014/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 202/2013/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn thi hành một số nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 1. Việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ, phân bón khác; 2. Việc lấy mẫu phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, phân bón khác (sau đây gọi chung là phân bón), khảo nghiệm phân bón, hạn mức sản xuất, nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm và sử dụng phân bón. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với: 1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ, phân bón khác. 2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới lấy mẫu phân bón, khảo nghiệm phân bón và sử dụng phân bón tại Việt Nam. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Phân hữu cơ là loại phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 2. Phân bón khác là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ và các loại phân bón dưới đây: a) Phân bón hữu cơ khoáng là loại phân bón có chất hữu cơ được bổ sung ít nhất một chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng; b) Phân bón khoáng hữu cơ là loại phân bón có ít nhất một chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng được bổ sung chất hữu cơ; c) Phân bón hữu cơ vi sinh là loại phân bón có chất hữu cơ được bổ sung ít nhất một loại vi sinh vật có ích; d) Phân bón hữu cơ sinh học là loại phân bón có chất hữu cơ và ít nhất một chất có nguồn gốc sinh học; đ) Phân bón sinh học là loại phân bón được sản xuất bằng công nghệ sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên có chứa ít nhất một trong các chất có nguồn gốc sinh học sau: axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác; e) Phân bón vi sinh vật là loại phân bón có ít nhất một loại vi sinh vật có ích; g) Phân bón có chất giữ ẩm là loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản này được phối trộn với chất giữ ẩm; h) Phân bón có chất tăng hiệu suất sử dụng là loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản này được phối trộn với chất làm tăng hiệu suất sử dụng, có tác dụng tiết kiệm lượng phân bón sử dụng ít nhất là hai mươi phần trăm; i) Phân bón có khả năng tăng miễn dịch cây trồng là loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản này có chứa chất làm tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với các loại sâu bệnh hại; k) Phân bón có chất điều hòa sinh trưởng là phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i khoản này được bổ sung một hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tổng hàm lượng các chất điều hòa sinh trưởng £ 0,5%; l) Phân bón đất hiếm là loại phân bón trong thành phần có chứa các chất Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium, Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium, Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, Lutetium) trong bảng tuần hoàn Mendêleép; m) Phân bón cải tạo đất là loại phân bón chứa những chất có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. 3. Chỉ tiêu chất lượng chính là chỉ tiêu chất lượng quyết định tính chất, công dụng của phân bón hữu cơ và phân bón khác được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Phân bón rễ là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ. 5. Phân bón lá là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá hoặc thân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân lá. 6. Chất giữ ẩm là những chất tự nhiên hay nhân tạo có khả năng làm tăng sức giữ ẩm của đất cho cây trồng. 7. Chất tăng hiệu suất sử dụng là chất làm tăng hiệu quả sử dụng các yếu tố dinh dưỡng cho cây trồng. 8. Yếu tố hạn chế có trong phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác là những yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường gồm: a) Kim loại nặng: Arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb) và thủy ngân (Hg); b) Vi khuẩn gây bệnh: E. coli và Salmonella. Chương II SẢN XUẤT, KINH DOANH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC Điều 4. Hướng dẫn thực hiện một số điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác Điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 8 Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón (sau đây gọi tắt là Nghị định số 202/2013/NĐ-CP) được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 5. Cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Hồ sơ cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác Tổ chức, cá nhân gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm: a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề sản xuất phân bón; c) Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác do Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định cấp; Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác chưa được ban hành hoặc chưa có tổ chức chứng nhận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cục Trồng trọt chỉ định thì nộp tài liệu chứng minh việc đáp ứng các quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; d) Bản sao chụp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất theo quy định tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; đ) Bản sao chụp giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ; e) Bản sao chụp Kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong cơ sở lao động; g) Danh sách đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành và danh sách người lao động trực tiếp sản xuất được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón hữu cơ, phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Việc huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón hữu cơ, phân bón khác cho người lao động trực tiếp sản xuất không phải cấp chứng chỉ và do đơn vị có chức năng hoặc doanh nghiệp tổ chức theo chương trình, nội dung huấn luyện, bồi dưỡng do Cục Trồng trọt ban hành khi Thông tư này có hiệu lực. 2. Trình tự, thời gian cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác a) Trường hợp nộp trực tiếp, Cục Trồng trọt trả lời ngay về tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp nộp qua đường bưu điện thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác chỉnh sửa hoặc bổ sung; b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt kiểm tra, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện. Trường hợp không cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Cục Trồng trọt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 3. Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác a) Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác có nội dung theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; b) Cách ghi mã số Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 6. Cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm: a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản chính Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, trừ trường hợp bị mất. 2. Trình tự, thời gian cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác: a) Trường hợp nộp trực tiếp, Cục Trồng trọt trả lời ngay về tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp nộp qua đường bưu điện thì trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác chỉnh sửa hoặc bổ sung; b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt kiểm tra, thẩm định hồ sơ và cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện. Trường hợp không cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Cục Trồng trọt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 3. Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác được cấp lại theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này. Điều 7. Điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm: a) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản chính Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác; c) Trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung về đăng ký doanh nghiệp hoặc địa điểm hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký: nộp Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được sửa đổi; d) Trường hợp đề nghị điều chỉnh về điều kiện hoạt động, công suất sản xuất: nộp Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành hoặc chưa có tổ chức chứng nhận được chỉ định thì nộp tài liệu chứng minh các nội dung đề nghị điều chỉnh đáp ứng quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; đ) Trường hợp đề nghị điều chỉnh bổ sung về chủng loại, danh mục tên phân bón sản xuất: nộp quyết định của cơ sở có phân bón hữu cơ và phân bón khác về việc đưa phân bón hữu cơ và phân bón khác đã qua khảo nghiệm vào sản xuất hoặc Bản sao chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển giao phân bón hữu cơ và phân bón khác từ tổ chức, cá nhân khác; e) Trường hợp đề nghị đổi tên phân bón sản xuất khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu phân bón từ tổ chức, cá nhân khác: nộp bản sao chứng thực hợp đồng chuyển nhượng phân bón từ tổ chức, cá nhân khác; g) Trường hợp phân bón bị loại bỏ trên thị trường: nộp bản sao chứng thực quyết định loại bỏ phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác trên thị trường của cơ quan có thẩm quyền; h) Trường hợp tổ chức, cá nhân tự đề nghị loại bỏ: nộp đơn đề nghị loại bỏ đối với loại phân bón hữu cơ và phân bón khác không tiếp tục sản xuất. 2. Đối với các giấy tờ quy định tại điểm c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều này nếu nộp bản sao chụp thì phải mang theo bản chính để đối chiếu. 3. Trình tự, thời gian điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này. 4. Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này. Điều 8. Hướng dẫn thực hiện điều kiện kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác Các quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 15 Nghị định 202/2013/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác được hướng dẫn thực hiện như sau: 1. Cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán phân bón hữu cơ, phân bón khác phải có biển hiệu, có bảng giá bán công khai niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc. Phân bón hữu cơ, phân bón khác bày bán phải được xếp đặt riêng, không để lẫn với các loại hàng hóa khác, phải được bảo quản ở nơi khô ráo, đảm bảo giữ được chất lượng và điều kiện vệ sinh môi trường. 2. Bao bì, các dụng cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ và phương tiện vận chuyển bảo đảm được chất lượng; không rò rỉ, phát tán ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phải có biện pháp xử lý bao bì, vỏ chai, lọ phân bón hữu cơ, phân bón khác đã quá hạn sử dụng. 3. Có kho chứa hoặc hợp đồng thuê kho chứa phân bón hữu cơ, phân bón khác thành phẩm đảm bảo các yêu cầu về vị trí xây dựng, thiết kế phù hợp với phân bón đang kinh doanh, yêu cầu về bảo vệ môi trường, về phòng chống cháy nổ; trong kho chứa phân bón hữu cơ, phân bón khác phải được xếp đặt tách biệt với các hàng hóa khác, không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, nắng, gió, bảo đảm vệ sinh môi trường, không rò rỉ, gây mùi làm ô nhiễm khu vực lân cận. 4. Đối với các cửa hàng bán lẻ phân bón hữu cơ và phân bón khác, trường hợp không có kho chứa thì các công cụ, thiết bị chứa đựng phải đảm bảo được chất lượng và điều kiện vệ sinh môi trường. 5. Có chứng từ, hóa đơn hợp pháp về nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp đối với từng loại phân bón hữu cơ, phân bón khác. Điều 9. Giấy tờ, tài liệu để xuất khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác Ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xuất khẩu hàng hóa, tổ chức, cá nhân xuất khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác phải xuất trình cho Cơ quan Hải quan giấy tờ, tài liệu sau: 1. Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp. 2. Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy phép sản xuất phân bón, trong đó có tên loại phân bón xuất khẩu, chỉ xuất trình khi xuất khẩu lần đầu, đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác do đơn vị sản xuất. 3. Trường hợp có yêu cầu kiểm tra chất lượng của tổ chức, cá nhân nước nhập khẩu: nộp phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng lô phân bón xuất khẩu phù hợp với quy định của hợp đồng xuất khẩu do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements/Agreements-MRA) với Việt Nam cấp. Điều 10. Giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Trường hợp nhập khẩu để kinh doanh Ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa, tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác phải xuất trình cho Cơ quan Hải quan giấy tờ, tài liệu sau: a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp; b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận hợp quy hoặc phiếu kết quả thử nghiệm lô phân bón nhập khẩu do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) với Việt Nam cấp. 2. Trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm, làm hàng mẫu, nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác và các trường hợp khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Chương III QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC Điều 11. Công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác được công bố hợp quy Trước khi đưa phân bón hữu cơ và phân bón khác vào lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy các loại phân bón dưới đây: a) Phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ ngày 09 tháng 8 năm 2008 đến ngày 27 tháng 11 năm 2013, tổ chức, cá nhân công bố hợp quy theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 202/2013/NĐ-CP; b) Phân bón của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hoặc phân bón là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ đạt yêu cầu theo quy phạm khảo nghiệm phân bón. Trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Trình tự và nội dung công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác a) Trình tự và nội dung công bố hợp quy thực hiện theo Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT). b) Mỗi loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác chỉ công bố hợp quy một lần. Khi có sự thay đổi về nội dung của bản công bố hợp quy đối với loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác đã đăng ký thì phải công bố lại. 3. Căn cứ đánh giá, chứng nhận công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác: a) Các chỉ tiêu và phương thức đánh giá, chứng nhận hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; b) Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì chỉ tiêu đánh giá thực hiện theo quy định tại Mục I Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với phân bón rễ hoặc theo Mục II Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với phân bón lá; áp dụng đánh giá theo phương thức 5 đối với phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác sản xuất trong nước và phương thức 7 đối với phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác nhập khẩu. 4. Công bố Danh sách phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy a) Trong thời hạn không quá 3 tháng sau khi ban hành Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi một bản Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy về Cục Trồng trọt. b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, Cục Trồng trọt tổng hợp và công bố trên Website của Cục Trồng trọt Danh sách các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy của từng tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác. 5. Dấu hợp quy và sử dụng dấu hợp quy theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT. Điều 12. Công bố tiêu chuẩn áp dụng phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn của loại phân bón hữu cơ và phân bón khác do mình sản xuất, nhập khẩu trên một trong các phương tiện sau đây: bao bì chứa phân bón, nhãn phân bón, tài liệu kèm theo phân bón. 2. Nội dung công bố tiêu chuẩn áp dụng không được trái với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì không được trái với quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 13. Lấy mẫu phân bón, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác 1. Lấy mẫu phân bón a) Việc lấy mẫu phân bón để đánh giá chứng nhận hợp quy hoặc phục vụ quản lý nhà nước phải do người có chứng chỉ lấy mẫu phân bón thực hiện theo quy định; b) Việc tổ chức đào tạo, cấp Giấy chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 17/2011/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực trồng trọt theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010; c) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi cấp chứng chỉ lấy mẫu phân bón, Cục Trồng trọt tổng hợp và công bố Danh sách tên và mã số người lấy mẫu phân bón được cấp chứng chỉ lấy mẫu trên Website của Cục Trồng trọt. 2. Kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác a) Việc chỉ định và quản lý hoạt động của các phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận phân bón hữu cơ và phân bón khác được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đánh giá, chỉ định và quản lý phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT), Thông tư số 52/2012/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT ; b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác được chỉ định, Cục Trồng trọt tổng hợp và công bố Danh sách các phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác được chỉ định trên Website của Cục Trồng trọt; c) Các chỉ tiêu chất lượng phải kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại phân bón hữu cơ và phân bón khác; d) Dung sai được chấp nhận giữa kết quả phân tích của phòng kiểm nghiệm so với hàm lượng của từng chỉ tiêu chất lượng được công bố áp dụng đối với phân bón hữu cơ và phân bón khác được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 14. Giải quyết khiếu nại về kết quả kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác Việc giải quyết khiếu nại về kết quả kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác thực hiện theo quy định của Phòng thử nghiệm kiểm chứng được chỉ định. Trường hợp chưa có phòng thử nghiệm kiểm chứng chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác được chỉ định thì thực hiện theo quy định sau đây: 1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được kết quả, tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra nếu không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm phải có văn bản khiếu nại với cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan thanh tra, kiểm tra phải có văn bản đề nghị kiểm tra lại gửi đến phòng kiểm nghiệm nơi thực hiện kiểm nghiệm mẫu lần đầu. 2. Phòng kiểm nghiệm tiến hành kiểm tra lại quá trình kiểm nghiệm và thực hiện kiểm nghiệm lại trên mẫu lưu tại phòng; thông báo kết quả cho cơ quan thanh tra, kiểm tra và tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra. 3. Trường hợp tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra vẫn không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm lại thì cơ quan thanh tra, kiểm tra gửi 02 mẫu: 01 mẫu lưu tại địa điểm lấy mẫu và 01 mẫu lưu tại cơ quan thanh tra, kiểm tra tới phòng kiểm nghiệm quy định tại Khoản 5 Điều này để kiểm nghiệm lại. Kết quả kiểm nghiệm lại lần này là căn cứ để cơ quan thanh tra, kiểm tra xử lý giải quyết khiếu nại. 4. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm lại vẫn tương đương với kết quả kiểm nghiệm lần đầu thì tổ chức, cá nhân có yêu cầu kiểm nghiệm lại phải trả chi phí cho phòng kiểm nghiệm. 5. Điều kiện phòng kiểm nghiệm được chọn làm phòng kiểm nghiệm lại kết quả kiểm nghiệm để giải quyết khiếu nại: a) Được Văn phòng Công nhận Chất lượng Việt Nam (BoA) của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cục Trồng trọt chỉ định; b) Có ít nhất 02 lần liên tục nằm trong nhóm 05 phòng kiểm nghiệm có kết quả thử nghiệm liên phòng hoặc thử nghiệm thành thạo tốt nhất đối với chỉ tiêu thử nghiệm liên quan đến giải quyết khiếu nại; c) Được Cục Trồng trọt công bố danh sách trên Website của Cục Trồng trọt. 6. Dung sai được chấp nhận về kết quả thử nghiệm trên cùng một mẫu, đối với cùng một chỉ tiêu, theo cùng một phương pháp giữa các phòng kiểm nghiệm khác nhau theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phân tích đối với chỉ tiêu đó, trường hợp chưa quy định trong tiêu chuẩn quốc gia thì mức tối đa trong phạm vi ±5%. Chương IV KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN Điều 15. Loại phân bón phải khảo nghiệm Các loại phân bón dưới đây bao gồm cả phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác phải được khảo nghiệm trước khi công bố hợp quy để đưa vào sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên thị trường: 1. Phân bón mới tạo ra trong nước. 2. Phân bón nhập khẩu lần đầu có bằng độc quyền sáng chế (Patent) hoặc có Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sell-CFS) hoặc tương đương. Điều 16. Điều kiện để được thực hiện khảo nghiệm phân bón Tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là cơ sở) có đủ các điều kiện dưới đây được quyền thực hiện khảo nghiệm phân bón: 1. Cơ sở khảo nghiệm phân bón: a) Có chức năng, nhiệm vụ khảo nghiệm phân bón và/hoặc nghiên cứu phân bón trong quyết định thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp; b) Về nhân lực: có ít nhất 03 cán bộ kỹ thuật là biên chế chính thức hoặc hợp đồng từ 01 năm trở lên, có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: nông hóa thổ nhưỡng, nông học, trồng trọt hoặc các ngành có liên quan như: hóa học, sinh học, môi trường và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực khảo nghiệm hoặc nghiên cứu về phân bón. 2. Cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón tự khảo nghiệm: a) Có Giấy phép sản xuất phân bón (đối với cơ sở sản xuất phân bón) hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón (đối với cơ sở chuyên nhập khẩu phân bón để kinh doanh); b) Về nhân lực: theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này. Điều 17. Đề cương khảo nghiệm phân bón 1. Trước khi thực hiện khảo nghiệm, cơ sở khảo nghiệm hoặc cơ sở có phân bón tự khảo nghiệm phải lập và phê duyệt đề cương khảo nghiệm phân bón theo quy định tại quy phạm khảo nghiệm phân bón, trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Mục III Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Cơ sở khảo nghiệm hoặc cơ sở có phân bón tự khảo nghiệm gửi đề cương khảo nghiệm phân bón được phê duyệt cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi khảo nghiệm để có căn cứ kiểm tra việc thực hiện khảo nghiệm phân bón. Điều 18. Đánh giá kết quả khảo nghiệm phân bón 1. Kết thúc khảo nghiệm phân bón, cơ sở có phân bón khảo nghiệm phải tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm. Việc đánh giá kết quả khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm phân bón, trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì thực hiện theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Cơ sở có phân bón khảo nghiệm tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm, ban hành quyết định về việc đưa phân bón đã qua khảo nghiệm vào sản xuất hoặc nhập khẩu và thực hiện công bố hợp quy theo quy định; lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón phục vụ việc thanh tra, kiểm tra. Điều 19. Hạn mức sản xuất, nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm Lượng phân bón được phép sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm cho một loại phân bón dựa trên liều lượng bón được xác định cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế, nhưng không được vượt quá 30 héc ta đối với khảo nghiệm cây trồng hàng năm và không quá 50 héc ta đối với khảo nghiệm cây trồng lâu năm. Chương V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN Điều 20. Trách nhiệm của Cục Trồng trọt 1. Soạn thảo, trình Bộ trưởng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón hữu cơ và phân bón khác; về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón. 2. Thực hiện quản lý việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng, đặt tên phân bón hữu cơ và phân bón khác; việc lấy mẫu, khảo nghiệm và sử dụng phân bón. 3. Tổ chức đánh giá, chỉ định và quản lý hoạt động của các phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác. 4. Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón. 5. Tổng hợp và công bố danh sách tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác; danh sách phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy; danh sách các tổ chức chứng nhận, các phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác; danh sách người lấy mẫu phân bón trên phạm vi toàn quốc trên trang Website của Cục Trồng trọt. 6. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khuyến nông, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn việc sử dụng phân bón. 7. Chủ trì đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu; đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phân bón hữu cơ và phân bón khác. 8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác; về người lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón trên địa bàn cả nước theo quy định của pháp luật. Điều 21. Trách nhiệm của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường 1. Chủ trì thẩm tra các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón hữu cơ và phân bón khác; về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón. 2. Phối hợp với Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón hữu cơ và phân bón khác; về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón. Điều 22. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón khác và sử dụng phân bón ở địa phương. 2. Thẩm định nội dung và cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo khuyến nông, khuyến cáo sử dụng phân bón hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường ở địa phương. 3. Tiếp nhận công bố hợp quy về điều kiện sản xuất và chất lượng phân bón của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác; gửi Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy về Cục Trồng trọt theo quy định. 4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về sản xuất, chất lượng phân bón cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người sử dụng. 5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác; về người lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón trên địa bàn theo quy định của pháp luật. 6. Định kỳ vào tuần cuối tháng 6 và tuần cuối tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm gửi về Cục Trồng trọt theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 23. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu 1. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác: a) Thực hiện các quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác; b) Thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều này; c) Định kỳ vào tuần cuối tháng 5 và tuần cuối tháng 11 hàng năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất của cơ quan có thẩm quyền, lập báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác gửi về Cục Trồng trọt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu phân bón: a) Thực hiện các quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón; b) Khi tổ chức các hội nghị, hội thảo khuyến nông, khuyến cáo sử dụng phân bón phải báo cáo kế hoạch, nội dung và được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức hội nghị, hội thảo. c) Lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến khảo nghiệm phân bón để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra. Điều 24. Trách nhiệm của cơ sở khảo nghiệm phân bón Thực hiện đầy đủ các quy định về khảo nghiệm phân bón tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm. Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 25. Điều khoản chuyển tiếp 1. Tổ chức, cá nhân đã sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải bổ sung đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và làm các thủ tục cấp phép theo quy định tại Thông tư này. 2. Đối với các loại phân bón đã khảo nghiệm trước khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng chưa thông qua hội đồng khoa học do Cục Trồng trọt thành lập thì cơ sở có phân bón khảo nghiệm hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm thực hiện khảo nghiệm bổ sung các nội dung chưa phù hợp theo quy phạm khảo nghiệm phân bón, trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 26. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 12 năm 2014. 2. Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn khảo nghiệm, công nhận, đặt tên phân bón mới. 3. Trường hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, tài liệu viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản mới. 4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Cổng TTĐT, Công báo, Website Chính phủ, - Website Bộ Nông nghiệp & PTNT; - Lưu: Văn thư, TT. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Quốc Doanh PHỤ LỤC I MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI/ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC Kính gửi: Cục Trồng trọt 1. Tên cơ sở sản xuất: Tên tiếng Việt (ghi bằng chữ in hoa): ......................................................................... Tên tiếng nước ngoài (nếu có): .................................................................................. Tên viết tắt (nếu có): Mã số doanh nghiệp (nếu có): 2. Địa chỉ trụ sở chính: Địa chỉ: ....................................................................................................................... Điện thoại: ……………………………………………… Fax: ........................................ E-mail: ………………………………………………….. Website: ................................. 3. Người đại diện pháp lý của cơ sở sản xuất phân bón: Họ và tên (ghi họ tên bằng chữ in hoa): …………………………… Giới tính: ............ Chức danh: ................................................................................................................ Sinh ngày: …../ ……/ ……. Dân tộc: ……………………………….. Quốc tịch: .......... Chứng minh nhân dân số: ......................................................................................... Ngày cấp: ….../ …../ ……… Nơi cấp: ........................................................................ Giấy tờ chứng thực cá nhân khác (nếu không có CMND): ....................................... Số giấy chứng thực cá nhân: .................................................................................... Ngày cấp: ……/ …../ …… Ngày hết hạn: ………./ …../ ……. Nơi cấp: .................... Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Chỗ ở hiện tại: ........................................................................................................... Địa chỉ: ...................................................................................................................... Điện thoại (Tel): ………………………………………………….. Fax:.......................... Email: ……………………………………………………………… Website: ................. 4. Tình trạng đăng ký cấp Giấy phép sản xuất phân bón (đánh dấu x vào ô thích hợp) 4.1. Đăng ký cấp Giấy phép sản xuất lần đầu 4.2. Đăng ký cấp lại Giấy phép sản xuất: - Do sai sót: nêu rõ điểm sai sót và lý do - Do hư hỏng: nêu rõ lý do - Do bị mất: nêu rõ lý do và thời gian mất 4.3. Đăng ký điều chỉnh Giấy phép sản xuất: - Thay đổi đăng ký doanh nghiệp hoặc địa điểm hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký - Thay đổi về điều kiện hoạt động, công suất sản xuất - Thay đổi về loại phân bón - Thay đổi về tên phân bón: nêu rõ tên phân bón cũ, tên phân bón mới và lý do thay đổi - Loại bỏ tên phân bón khỏi Giấy phép sản xuất phân bón: nêu rõ lý do loại bỏ 5. Địa điểm và danh mục phân bón đăng ký sản xuất: Địa chỉ: ....................................................................................................................... Điện thoại: …………………………………………………………….. Fax: .................... E-mail: …………………………………………………………………. Website: ............ Danh mục phân bón sản xuất (thống kê theo từng địa điểm sản xuất phân bón): Các loại phân bón đăng ký sản xuất là những loại phân bón được quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này. Loại phân bón Tên phân bón Công suất sản xuất Phương thức bón (rễ/lá) Màu sắc, mùi, dạng phân bón Tiêu chuẩn công bố áp dụng (thành phần, hàm lượng) Cảnh báo an toàn (nếu có) 6. Cam kết: Cơ sở sản xuất phân bón cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung xin cấp Giấy phép sản xuất phân bón nêu trên. ……., ngày tháng năm Người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất phân bón (Ký, ghi họ tên và đóng dấu) PHỤ LỤC II DANH SÁCH VỀ NHÂN LỰC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tên cơ sở sản xuất ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- DANH SÁCH VỀ NHÂN LỰC 1. Danh sách đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất STT Họ và tên Chức vụ Chuyên ngành Văn bằng*) Ghi chú Ghi chú: *) Kèm theo bản sao chứng thực các văn bằng, chứng chỉ của từng người chứng minh giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về hóa, lý, sinh học; 2. Danh sách người lao động trực tiếp sản xuất được huấn luyện, bồi dưỡng STT Họ và tên Năm sinh Công việc được giao Nơi làm việc Huấn luyện từ ngày.... đến ngày.... Kết quả huấn luyện Ghi chú Thủ trưởng (Ký tên, đóng dấu) Người lập danh sách (Ký tên) PHỤ LỤC III MẪU GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CỤC TRỒNG TRỌT ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (License for organic and other fertilizer production) Mã số Giấy phép (license code):……………. (do Cục Trồng trọt cấp-issued by Department of Crop Production) Cấp lần đầu (first issue): ngày(date)... tháng (month)... năm(year)... Cấp lại (reissue), điều chỉnh (adjustment) lần (No.) ……: ngày(date)... tháng…..(month)... năm(year)... 1. Tên cơ sở sản xuất (name of organization/individual) Tên bằng tiếng Việt (in Vietnamese): Tên bằng tiếng nước ngoài (in foreign language): Tên viết tắt (Name in abbriviation): Mã số doanh nghiệp-company code (nếu có-if having): 2. Người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất (Iegal representative of organization/ individuaI) Chức danh (Title): Họ và tên (Full name): Giới tính (Male/female): Sinh ngày (Date of birth): Dân tộc (Ethnic group): Quốc tịch (Nationality): Loại giấy chứng thực cá nhân (ID card): Số (No.): Ngày cấp (Date of issue): Nơi cấp (Place of issue): Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (Permanent place of residence): Chỗ ở hiện tại (Present residence): 3. Địa chỉ trụ sở chính (head quarter) Địa chỉ (Address): Điện thoại (Tel): Fax: E-mail: Website: 4. Danh mục phân bón được phép sản xuất (List of permited fertilizer produce) Địa điểm sản xuất (Address) Loại phân bón (Kind of fertilizer) Tên phân bón Name of fertilizer) Công suất sản xuất (Capacity) Phương thức bón- applied method (rễ-for root/lá- forlia) Màu sắc (color), mùi (odour), dạng phân bón (form) Tiêu chuẩn công bố áp dụng (thành phần -substance, hàm lượng- content) Cảnh báo an toàn- Safety notice (nếu có- if having) 5. Nghĩa vụ của cơ sở sản xuất phân bón được cấp Giấy phép (Responsibility for organization/individuaI) Cơ sở sản xuất phân bón (Organization/individual) ... phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm được quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Thông tư số ……../2014/TT-BNNPTNT ngày .... tháng ……. năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan (must take responsibility stipulated in Decree No. 202/NĐ-CP on 27/11/2013 of Government on fertilizer control; in Regulation No. ……/2014/TT-BNNPTNT guiline for Decree No. 202/NĐ-CP and other related regulation issue)./. CỤC TRƯỞNG (Director) Ký tên (Signed), đóng dấu (sealed) PHỤ LỤC IV CÁCH GHI MÃ SỐ GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) CÁCH GHI MÃ SỐ GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC Mã số Giấp phép sản xuất phân bón do cơ quan cấp phép ghi, được quy định như sau: 1) Các số đầu là mã tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (ví dụ: 08 là mã số của Thành phố Hồ Chí Minh); 2) Các số tiếp theo là thứ tự các doanh nghiệp được cấp Giấy phép sản xuất phân bón được đánh số thứ tự từ 01 trở đi (ví dụ 01 là số thứ tự doanh nghiệp đầu tiên được cấp); 3) Các số tiếp theo là tháng và năm cấp Giấy phép sản xuất phân bón (ví dụ: 0214: tháng 2 năm 2014). Ví dụ: 08010214 là mã số của một cơ sở sản xuất phân bón tại Thành phố Hồ Chí Minh, thứ tự thứ nhất, được cấp tháng 2 năm 2014. PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) UBND TỈNH …….. SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /BC-SNN ……………., ngày tháng năm BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC 1. Số lần/thời điểm tiến hành/hình thức kiểm tra, thanh tra: .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... 2. Nội dung và đối tượng kiểm tra, thanh tra 2.1. Điều kiện sản xuất: Số cơ sở được kiểm tra, thanh tra: …. cơ sở Trong đó: Số cơ sở đạt điều kiện sản xuất: ….. cơ sở (%) Số cơ sở không đạt: ….. cơ sở (%) Các vi phạm về điều kiện sản xuất: .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... Hình thức xử lý/số tiền phạt: .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... 2.2. Điều kiện kinh doanh Số cơ sở được kiểm tra, thanh tra: …. cơ sở Trong đó: Số cơ sở đạt điều kiện sản xuất: ….. cơ sở (%) Số cơ sở không đạt: ….. cơ sở (%) Các vi phạm về điều kiện kinh doanh: ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... Hình thức xử lý/số tiền phạt: ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... 2.3. Chất lượng phân bón: Số mẫu kiểm tra: …..mẫu Trong đó: Số mẫu đạt chất lượng: …..mẫu (%) Số mẫu không đạt chất lượng: …..mẫu (%) Các vi phạm về chất lượng: ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... Hình thức xử lý/số tiền phạt: 3. Những khó khăn trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm: ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... 4. Các kiến nghị và đề xuất: ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... GIÁM ĐỐC (Ký, ghi họ tên và đóng dấu) PHỤ LỤC VI MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Cơ sở sản xuất/nhập khẩu ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /BC-PB ………….., ngày tháng năm BÁO CÁO KẾT QUẢ SẢN XUẤT/NHẬP KHẨU PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC 1. Tên cơ sở Tên bằng tiếng Việt: Tên bằng tiếng nước ngoài: Tên viết tắt: Mã số Giấy phép sản xuất: Mã số doanh nghiệp: 2. Người đại diện theo pháp luật Chức danh: Họ và Tên: 3. Địa chỉ trụ sở chính Điện thoại: Fax: E-mail: Website: 4. Kết quả sản xuất, nhập khẩu STT Tên phân bón sản xuất, nhập khẩu Kết quả sản xuất, nhập khẩu (nghìn tấn) Nơi sản xuất/nhập khẩu Thời gian sản xuất/nhập khẩu 5. Các thay đổi về điều kiện sản xuất 5.1. Địa chỉ nơi sản xuất: 5.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật: 5.3. Nhân sự: 5.4. Công nghệ sản xuất: 6. Các thay đổi về chủng loại, loại phân bón sản xuất, nguyên liệu sản xuất, loại phân bón không còn sản xuất/nhập khẩu, lý do 7. Số lần được các cơ quan kiểm tra, thanh tra về điều kiện sản xuất và chất lượng phân bón/cơ quan kiểm tra, thanh tra: 8. Những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu: 9. Các kiến nghị và đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước: Người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất, nhập khẩu phân bón (Ký, ghi họ tên và đóng dấu) PHỤ LỤC VII HƯỚNG DẪN VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) HƯỚNG DẪN VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC I. Địa điểm sản xuất Địa điểm sản xuất phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản đối với các dự án nhóm A hoặc có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch đối với các dự án nhóm B, C theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. II. Công suất sản xuất Công suất sản xuất phân bón phải phù hợp với dây chuyền, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất. III. Diện tích phục vụ sản xuất 1. Có hoặc thuê nhà xưởng, kho/bãi chứa nguyên liệu, kho chứa thành phẩm với diện tích phù hợp với công suất sản xuất. 2. Có hoặc thuê diện tích mặt bằng đáp ứng yêu cầu về giao thông nội bộ, nhà điều hành, phòng kiểm nghiệm hoặc các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. IV. Kho chứa thành phẩm và kho chứa nguyên liệu 1. Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa phù hợp với công suất sản xuất hoặc kế hoạch sản xuất. 2. Kho chứa có mái che, tường bao chắc chắn, có nền chống thấm và có các phương tiện bảo quản, trừ kho chứa nguyên liệu hữu cơ. 3. Có nội quy kho chứa đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn lao động. V. Máy móc, thiết bị sản xuất 1. Có dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng được công suất sản xuất và quy trình công nghệ. Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy móc, thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa: a) Xúc, đảo trộn nguyên liệu, khi sản xuất phân bón rễ; b) Nghiền sàng đối với phân bón dạng rắn, dạng bột; c) Khuấy trộn, lọc đối với phân bón dạng lỏng; d) Dây chuyền vận chuyển; đ) Hệ thống sấy, tạo hạt đối với phân bón dạng hạt, viên hoặc hệ thống sấy khi có yêu cầu phải sấy đối với dạng bột; e) Hệ thống cân, đóng gói thành phẩm. 2. Trường hợp tự sản xuất chủng men giống để sản xuất phân hữu cơ vi sinh hoặc phân vi sinh vật, các thiết bị tạo môi trường và nuôi cấy vi sinh vật gồm: cân kỹ thuật, máy lắc, nồi hấp tiệt trùng, tủ ấm, tủ sấy, máy lắc nhu động, lò vi sóng, tủ cấy vi sinh vật, tủ lạnh, nồi lên men hoặc thiết bị lên men đối với sản xuất phân bón vi sinh vật và phân hữu cơ vi sinh. 3. Trường hợp tự lên men để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân sinh học phải có hệ thống thiết bị lên men thủy phân theo dây chuyền từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. VI. Quy trình công nghệ sản xuất Có quy trình công nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phù hợp với máy móc thiết bị và công suất sản xuất. VII. Quản lý chất lượng Có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trở lên hoặc tương đương; đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau một năm kể từ ngày thành lập. VIII. Nguyên liệu, phụ gia sản xuất phân bón 1. Có bản kê khai loại nguyên liệu, phụ gia đầu vào tương ứng với từng loại phân bón sản xuất, phù hợp với công nghệ sản xuất. 2. Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nguyên liệu và phụ gia. IX. Phòng kiểm nghiệm 1. Có phòng kiểm nghiệm phân tích được các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc có hợp đồng với phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận để kiểm soát chất lượng cho từng lô phân bón được sản xuất. 2. Trường hợp có phòng kiểm nghiệm để tự kiểm nghiệm, các máy móc, thiết bị đo lường kiểm nghiệm phải có giấy kiểm định hiệu chuẩn định kỳ theo quy định. PHỤ LỤC VIII QUY ĐỊNH CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG CHÍNH VÀ YẾU TỐ HẠN CHẾ TRONG PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) QUY ĐỊNH CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG CHÍNH VÀ YẾU TỐ HẠN CHẾ TRONG PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC I. ĐỐI VỚI PHÂN BÓN RỄ 1. Chỉ tiêu chất lượng chính 1.1. Phân bón hữu cơ STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 HC % ≥ 20,0 TCVN 9294:2012 2 N % ≥ 2,0 TCVN 8557:2010 3 Tỷ lệ C/N < 12,0 Các bon hữu cơ Nitơ tổng số 1.2. Phân bón hữu cơ khoáng STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 HC % ≥ 15,0 TCVN 9294:2012 N, P2O5, K2O riêng rẽ hoặc N+P2O5 hoặc % % từ ≥ 8,0 trong đó: TCVN 8557:2010 2 N + K2O hoặc % N ≥ 2,0 TCVN 8559:2010 P2O5 + K2O hoặc % P2O5 ≥ 2,0 TCVN 8560:2010 N + P2O5 + K2O % K2O ≥ 2,0 1.3. Phân bón khoáng hữu cơ STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 N + P2O5 + K2O, % ≥ 18,0 trong đó: hoặc N + P2O5, % N ≥ 3,0 TCVN 8557:2010 hoặc N + K2O, % P2O5 ≥ 3,0 TCVN 8559:2010 hoặc P2O5 + K2O, % K2O ≥ 3,0 TCVN 8560:2010 hoặc N, P2O5, K2O riêng rẽ, % 2 HC % <15,0 TCVN 9294:2012 1.4. Phân bón hữu cơ vi sinh STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 HC % ≥ 15,0 TCVN 9294:2012 2 ít nhất có một loại vi sinh vật có ích CFU/g hoặc CFU/ml ≥ 1,0 x 106 TCVN 6167:1996 TCVN 6166:2002 TCVN 6168:2002 TCVN 7185:2002 TCVN 4884:2005 TCVN 8564:2010 hoặc Azotobacter/Lipomyces CFU/g hoặc CFU/ml ≥ 1,0 x 105 TCVN 6166:2002 TCVN 4884:2005 1.5. Phân bón hữu cơ sinh học STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 HC % ≥ 20,0 TCVN 9294:2012 Axit humic, axit fulvic % ≥ 2,0 TCVN 8561:2010 2 hoặc Chất sinh học khác % Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng 1.6. Phân bón sinh học STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 Axit humic, axit fulvic, % ≥ 2,0 TCVN 8561:2010 hoặc Chất sinh học khác % Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng 1.7. Phân bón vi sinh vật STT Chỉ tiêu chất lượng chính Đơn vị tính Hàm lượng Phương pháp thử 1 Ít nhất có một loại vi sinh vật có ích CFU/g hoặc CFU/ml ≥ 1,0 x 108 TCVN 6167:1996 TCVN 6166:2002 TCVN 6168:2002 TCVN 7185:2002 TCVN 4884:2005 hoặc Azotobacter/Lipomyces CFU/g hoặc CFU/ml ≥ 1,0 x 107 TCVN 6166:2002 TCVN 4884:2005 1.8. Phân bón quy định tại các điểm g, h, i, k khoản 2 Điều 3 của Thông tư này yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng chính gồm: a) Đáp ứng quy định tại mục 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, 1.6, 1.7 tại Phụ lục này b) Đối với chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất tăng miễn dịch cây trồng, chất điều hòa sinh trưởng: hàm lượng và phương pháp thử theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân có phân bón. 1.9. Phân bón quy định tại các điểm 1, m khoản 2 Điều 3 của Thông tư này: Hàm lượng và phương pháp thử đối với chất đất hiếm hoặc chất cải tạo đất theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân có phân bón. CHÚ THÍCH 1: Đơn vị tính (%) các chất theo khối lượng thương phẩm ở dạng rắn hoặc theo thể tích ở dạng lỏng. Đối với phân bón dạng lỏng phải công bố chỉ tiêu pHH2O và khối lượng riêng, đối với phân bón dạng rắn phải công bố độ ẩm. CHÚ THÍCH 2: Các loại phân bón tại mục 1.1 được phép có hoặc không có các chất dinh dưỡng đa lượng: P2O5, K2O, các chất dinh dưỡng trung lượng: Ca/CaO, Mg/MgO, S, SiO2, và/hoặc vi lượng: B, Co, Cu/CuO, Fe, Mn, Mo, Zn, đất hiếm và tự công bố hàm lượng. CHÚ THÍCH 3: Các loại phân bón tại mục 1.2 và 1.3 được phép có hoặc không có các chất dinh dưỡng trung lượng: Ca/CaO, Mg/MgO, S, SiO2, các chất dinh dưỡng vi lượng: B, Co, Cu/CuO, Fe, Mn, Mo, Zn, đất hiếm và tự công bố hàm lượng; CHÚ THÍCH 4: Các loại phân bón tại mục 1.4, 1.5, 1.6, 1.7, 1.9 được phép có hoặc không có các chất dinh dưỡng đa lượng: N, P2O5, K2O, các chất dinh dưỡng trung lượng: Ca/CaO, Mg/MgO, S, SiO2, và/hoặc vi lượng: B, Co, Cu/CuO, Fe, Mn, Mo, Zn, đất hiếm và tự công bố hàm lượng. Các loại phân bón mục 1.6, 1.7, 1.8, 1.9 có hoặc không có chất hữu cơ và tự công bố hàm lượng. CHÚ THÍCH 5: Các chữ viết tắt: HC: Hữu cơ; N: Ni tơ tổng số; P2O5: Lân hữu hiệu; K2O: Kali hữu hiệu; Ca/CaO: Canxi; Mg/MgO: Magie; S: Lưu huỳnh; SiO2: Silic; B: Bo, Co: Côban; Cu/CuO: Đồng; Fe: sắt; Mn: Mangan; Mo: Molipđen; Zn: Kẽm. 2. Yếu tố hạn chế STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Giới hạn Phương pháp thử 1 Arsen (As) mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm < 10,0 TCVN 8467:2010 2 Cadimi (Cd) mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm < 5,0 TCVN 9291:2012 3 Chì (Pb) mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm < 200,0 TCVN 9290:2012 4 Thủy ngân (Hg) mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm < 2,0 AOAC Official Method 971.21 5 Vi khuẩn Salmonella CFU/g hoặc CFU/g (ml) KPH TCVN 4829:2005 6 Vi khuẩn E. coli CFU/g hoặc CFU/g (ml) < 1,1 x 103 TCVN 6846-2007 CHÚ THÍCH 5: Các chỉ tiêu hạn chế 5, 6 chỉ áp dụng đối với các loại phân bón hữu cơ sản xuất từ nguyên liệu là rác thải đô thị, phế thải công nghiệp chế biến từ nông sản, thực phẩm, phế thải chăn nuôi. II. ĐỐI VỚI PHÂN BÓN LÁ 1. Các chỉ tiêu chất lượng chính 1.1. Đối với các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng, chất hữu cơ, Axit humic, axit fulvic, vi sinh vật: hàm lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và phương pháp thử tương ứng theo Mục I Phụ lục này. 1.2. Đối với chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất tăng miễn dịch cây trồng, chất điều hòa sinh trưởng, chất đất hiếm, axít amin, vitamin và các chất sinh học khác: hàm lượng và phương pháp thử theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân có phân bón. 2. Yếu tố hạn chế: Theo quy định tại khoản 2 Mục I của Phụ lục này. PHỤ LỤC IX QUY PHẠM KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) QUY PHẠM KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ Trong quy phạm này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, bao gồm cả cây lưu gốc trồng một lần cho thu hoạch trong một vài năm; 2. Cây lâu năm là loại cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và phải trải qua một thời kỳ xây dựng cơ bản mới cho thu hoạch gồm nhóm cây công nghiệp (ví dụ: cao su, chè, cà phê, điều...), nhóm cây ăn quả (ví dụ: cam, quýt, vải, nhãn...). II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KHẢO NGHIỆM 1. Hình thức khảo nghiệm 1.1. Phân bón mới tại Khoản 1 Điều 15 phải được khảo nghiệm diện hẹp và khảo nghiệm diện rộng; khảo nghiệm diện hẹp được thực hiện trước hoặc đồng thời với khảo nghiệm diện rộng. 1.2. Phân bón mới tại Khoản 2 Điều 15 chỉ cần khảo nghiệm diện rộng. 1.3. Khảo nghiệm diện hẹp: diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu theo quy định tại mục 4.1, có công thức đối chứng, bố trí theo các phương pháp thí nghiệm hiện hành, ít nhất có ba lần lặp lại. 1.4. Khảo nghiệm diện rộng: diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu theo quy định tại mục 4.2, có công thức đối chứng. 2. Công thức khảo nghiệm 2.1. Công thức khảo nghiệm: căn cứ đặc tính của phân bón, tình hình sử dụng phân bón tại địa phương nơi khảo nghiệm để xác định các công thức khảo nghiệm về liều lượng bón, thời kỳ bón, kỹ thuật bón hoặc kết hợp các yếu tố này. 2.2. Công thức đối chứng: a) Đối với phân bón rễ: sử dụng loại phân bón cùng chủng loại với phân bón khảo nghiệm, với liều lượng bón, thời kỳ bón, kỹ thuật bón đang phổ biến tại địa phương nơi khảo nghiệm. Trường hợp loại phân bón lần đầu tiên mới có ở Việt Nam, công thức đối chứng là công thức phân bón thông dụng đang phổ biến tại địa phương nơi khảo nghiệm. b) Đối với phân bón lá: phun nước lã với lượng phun, thời kỳ phun và kỹ thuật phun tương đương với công thức phân bón khảo nghiệm. 2.3. Một loại phân bón ít nhất có hai công thức khảo nghiệm; tổng số loại phân bón khác nhau cho một lần khảo nghiệm không vượt quá bốn. Công thức khảo nghiệm và số lượng phân bón khảo nghiệm được nêu rõ trong đề cương khảo nghiệm. 3. Cây trồng, loại đất, thời gian khảo nghiệm 3.1. Đối với phân bón dùng cho nhiều loại cây trồng: 3.1.1. Bố trí khảo nghiệm trên cây lúa và ít nhất một cây trồng đại diện cho mỗi nhóm: cây màu, cây rau, cây hoa, cây cỏ làm thức ăn xanh cho gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả, nếu phân bón khảo nghiệm được khuyến cáo sử dụng trên cây trồng, nhóm cây trồng đó. 3.1.2. Các khảo nghiệm thực hiện tối thiểu trên hai loại đất, là loại đất cây trồng khảo nghiệm có diện tích gieo trồng lớn nhất, trừ phân bón chuyên dùng cho một loại đất đặc thù. 3.1.3. Thời gian khảo nghiệm: 3.1.3.1. Đối với cây hàng năm: Thực hiện khảo nghiệm ít nhất hai vụ; cây lưu gốc cho thu hoạch một lần /năm (ví dụ cây mía) ít nhất một năm. 3.1.3.2. Đối với cây lâu năm: Thực hiện khảo nghiệm ít nhất một năm; trường hợp phân bón sử dụng cho cả giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh thì phải khảo nghiệm tối thiểu hai điểm, mỗi điểm cho một giai đoạn. 3.2. Đối với phân bón dùng cho một loại cây trồng (chuyên cây): 3.2.1. Các khảo nghiệm thực hiện tối thiểu trên hai loại đất khác nhau, trừ loại cây chủ yếu trồng trên một loại đất (ví dụ cà phê trồng trên đất ba zan) thì khảo nghiệm ở hai địa điểm khác nhau. 3.2.2. Thời gian khảo nghiệm: áp dụng như quy định tại mục 3.1.3. 4. Diện tích ô khảo nghiệm 4.1. Khảo nghiệm diện hẹp: 4.1.1. Đối với cây hàng năm: diện tích ô tối thiểu là 20 m2. 4.1.2. Đối với cây lâu năm: diện tích ô tối thiểu là 100 m2 hoặc diện tích quy đổi tương đương với diện tích cho tối thiểu 10 cây đối với các loại cây có mật độ trồng dưới 1.000 cây/ha hoặc cho tối thiểu 50 cây đối với các loại cây có mật độ trồng trên 1.000 cây/ha (như chè, cà phê). 4.1.3. Khảo nghiệm phân bón rễ cho lúa và cây trồng nước phải đắp bờ hoặc sử dụng tấm ngăn giữa các công thức khảo nghiệm, tránh nước tràn từ công thức này sang công thức khác. 4.2. Khảo nghiệm diện rộng: 4.2.1. Khảo nghiệm diện rộng có thể tiến hành trên một thửa ruộng, vườn cây (nếu diện tích đủ lớn) hoặc nhiều thửa ruộng, vườn cây trên cùng địa điểm, loại đất. Trên mỗi thửa ruộng hoặc vườn cây được chia thành các ô (băng), số ô bằng số công thức khảo nghiệm, không cần nhắc lại. 4.2.2. Đối với cây hàng năm: diện tích ô tối thiểu là 1.000 m2, riêng cây hoa ít nhất 200 m2; tổng diện tích khảo nghiệm không được vượt quá 30 ha/01 loại cây trồng/01 loại phân bón. 4.2.3. Đối với cây lâu năm: diện tích ô tối thiểu là 3.000 m2; tổng diện tích tối đa không quá 50 ha/01 loại cây trồng/01 loại phân bón. 4.3. Khảo nghiệm phân bón rễ cho lúa và cây trồng nước phải đắp bờ hoặc sử dụng tấm ngăn giữa các công thức khảo nghiệm, tránh nước tràn từ công thức này sang công thức khác. 5. Các biện pháp kỹ thuật Các biện pháp kỹ thuật như mật độ gieo trồng, tưới nước, bảo vệ thực vật và các biện pháp kỹ thuật khác áp dụng theo quy trình phổ biến tại địa phương nơi khảo nghiệm và thống nhất cho các công thức khảo nghiệm. 6. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi 6.1. Chỉ tiêu theo dõi 6.1.1. Năng suất thực thu. 6.1.2. Chất lượng sản phẩm: nhận xét, đánh giá cảm quan về chất lượng sản phẩm; đối với loại phân bón có tác dụng chính là làm tăng chất lượng sản phẩm thì phân tích một số chỉ tiêu chất lượng chủ yếu để so sánh. 6.1.3. Đánh giá về tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng khảo nghiệm; mức độ nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi của cây trồng. 6.1.4. Tính toán bội thu năng suất, hiệu suất sử dụng phân bón (áp dụng cho khảo nghiệm diện hẹp); bội thu năng suất, hiệu quả kinh tế (áp dụng cho khảo nghiệm diện rộng). 6.1.5. Đánh giá khả năng tăng độ ẩm đất đối với phân bón bổ sung chất giữ ẩm; lượng phân bón sử dụng tiết kiệm đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng; khả năng tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với sâu bệnh hại đối với phân bón bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng. 6.2. Phương pháp theo dõi: 6.2.1. Năng suất: Đối với khảo nghiệm diện hẹp thu hoạch toàn ô; đối với khảo nghiệm diện rộng thu hoạch theo phương pháp thống kê đường chéo năm điểm trên ô ứng với mỗi công thức khảo nghiệm; diện tích mỗi điểm là 10 m2/điểm đối với cây ngắn ngày, 10 cây/điểm đối với cây lâu năm có mật độ trồng dưới 1.000 cây/ha, 20 cây/điểm đối với cây lâu năm có mật độ trồng trên 1.000 cây/ha. 6.2.2. Chỉ tiêu về chất lượng và các chỉ tiêu đặc thù tại mục 6.1.5 thực hiện theo phương pháp quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng cây trồng hoặc tiêu chuẩn cơ sở, nếu chưa quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. 6.2.3. Tính toán hiệu lực của phân bón: - Bội thu năng suất (tạ/ha) = Năng suất công thức phân bón khảo nghiệm - Năng suất công thức đối chứng; - Hiệu suất sử dụng phân bón = Bội thu năng suất/số kg (lít) phân bón khảo nghiệm đã sử dụng; - Hiệu quả kinh tế: Lợi nhuận (1.000 đồng) = (Năng suất x giá nông sản) - Tổng chi phí. 7. Căn cứ đánh giá phân bón khảo nghiệm Loại phân bón khảo nghiệm được chấp nhận đưa vào sản xuất hoặc nhập khẩu khi có hiệu lực làm tăng năng suất hoặc tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 10% so với đối chứng; đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng phải có tác dụng tiết kiệm lượng phân bón sử dụng ít nhất là 20%; đối với phân bón có bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng hoặc chất giữ ẩm hoặc chất điều hòa sinh trưởng phải có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về năng suất hoặc hiệu quả kinh tế so với đối chứng. III. ĐỀ CƯƠNG KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN Nội dung chủ yếu của đề cương khảo nghiệm: 1. Tên, địa chỉ của cơ sở có phân bón và cơ sở khảo nghiệm; 2. Chủng loại, tên phân bón, các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, đặc tính chủ yếu của phân bón khảo nghiệm; 3. Nguồn gốc xuất xứ phân bón: kết quả nghiên cứu, nhập khẩu, chuyển nhượng, chuyển giao...; 4. Cây trồng khảo nghiệm; 5. Loại đất khảo nghiệm (theo bảng phân loại đất Việt Nam); 6. Công thức khảo nghiệm và công thức đối chứng; 7. Địa điểm, thời gian khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng; 8. Chỉ tiêu, phương pháp theo dõi số liệu, phương pháp xử lý số liệu; 9. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng; 10. Đối với các loại phân bón là chất cải tạo đất, phân bón có chứa chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất tăng khả năng miễn dịch cây trồng hoặc các trường hợp khác trong đề cương khảo nghiệm phải nêu rõ phương pháp bố trí thí nghiệm, phân bón đối chứng, chỉ tiêu và phương pháp theo dõi đặc thù và các nội dung khác có liên quan. IV. BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM 1. Trình bày trang bìa: 1.1. Tên cơ sở có phân bón khảo nghiệm; 1.2. Tên cơ sở khảo nghiệm; 1.3. Tên báo cáo kết quả khảo nghiệm (ghi rõ chủng loại, tên của các loại phân bón khảo nghiệm); 1.4. Địa điểm, thời gian báo cáo kết quả. 2. Phần nội dung, phương pháp khảo nghiệm 2.1. Mục đích, yêu cầu của khảo nghiệm. 2.2. Điều kiện và phương pháp khảo nghiệm: 2.2.1. Tên loại đất; 2.2.2. Nhận xét về tính chất đất khảo nghiệm; 2.2.3. Địa điểm, thời gian khảo nghiệm; 2.2.4. Chế độ canh tác: cây trồng vụ trước, phân bón sử dụng ở vụ trước; 2.2.5. Nhận xét về tình hình thời tiết, khí hậu; 2.2.6. Phương pháp bố trí khảo nghiệm (công thức khảo nghiệm, công thức đối chứng, diện tích ô, số lần nhắc lại...); 2.2.7. Các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng; 2.2.8. Chỉ tiêu, phương pháp theo dõi số liệu; 2.2.9. Phương pháp xử lý số liệu. 3. Kết quả khảo nghiệm 3.1. Kết quả khảo nghiệm diện hẹp: 3.1.1. Năng suất thực thu; 3.1.2. Bội thu năng suất so với đối chứng; 3.1.3. Nhận xét về chất lượng nông sản, chỉ tiêu chất lượng được phân tích (nếu có); 3.1.4. Nhận xét về tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh, khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của cây trồng khảo nghiệm; 3.1.5. Hiệu suất sử dụng phân bón; 3.1.6. Đánh giá khả năng tăng độ ẩm đất đối với phân bón bổ sung chất giữ ẩm; lượng phân bón sử dụng tiết kiệm đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng; đánh giá khả năng tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với sâu bệnh hại đối với phân bón bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng; 3.2. Kết quả khảo nghiệm diện rộng: 3.2.1. Năng suất thực thu; 3.2.2. Bội thu năng suất so với đối chứng; 3.2.3. Nhận xét về chất lượng nông sản, chỉ tiêu chất lượng được phân tích (nếu có); 3.2.4. Nhận xét về tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh, khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của cây trồng khảo nghiệm; 3.2.5. Hiệu quả kinh tế của sử dụng phân bón khảo nghiệm; 3.2.6. Đánh giá khả năng tăng độ ẩm đất đối với phân bón bổ sung chất giữ ẩm; lượng phân bón sử dụng tiết kiệm đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng; đánh giá khả năng tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với sâu bệnh hại đối với phân bón bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng. 4. Kết luận, kiến nghị, hướng dẫn sử dụng phân bón 4.1. Kết luận, kiến nghị rút ra từ khảo nghiệm phân bón. 4.2. Hướng dẫn sử dụng phân bón. 5. Phần xác nhận Tổ chức, cá nhân tự khảo nghiệm hoặc đơn vị khảo nghiệm, ký tên, đóng dấu. 6. Phụ lục kèm theo báo cáo 6.1. Bản sao Phiếu kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế của phân bón do phòng kiểm nghiệm được công nhận hoặc chỉ định cấp; 6.2. Bản sao Biên bản kiểm tra, đánh giá khảo nghiệm phân bón của Sở Nông nghiệp và PTNT nơi tiến hành khảo nghiệm hoặc của Cục Trồng trọt (nếu có); 6.3. Bản sao hợp đồng khảo nghiệm phân bón với tổ chức, cá nhân tại nơi làm khảo nghiệm phân bón. V. Hồ sơ khảo nghiệm phân bón Thành phần hồ sơ khảo nghiệm phân bón lưu giữ tại cơ sở có phân bón khảo nghiệm gồm: 1. Đề cương khảo nghiệm phân bón theo quy định tại mục III phụ lục này; 2. Báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo quy định tại mục IV phụ lục này; 3. Quyết định của cơ sở có phân bón khảo nghiệm về việc đưa phân bón đã qua khảo nghiệm vào sản xuất hoặc nhập khẩu; 4. Nhật ký khảo nghiệm phân bón ghi chép chi tiết quá trình khảo nghiệm; số liệu gốc của các khảo nghiệm. PHỤ LỤC X DUNG SAI ĐƯỢC CHẤP NHẬN GIỮA KẾT QUẢ PHÂN TÍCH SO VỚI CÔNG BỐ ÁP DỤNG (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) DUNG SAI ĐƯỢC CHẤP NHẬN GIỮA KẾT QUẢ PHÂN TÍCH SO VỚI CÔNG BỐ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC STT Chỉ tiêu Hàm lượng công bố Kết quả phân tích so với hàm lượng công bố không thấp hơn (%) 1 HC ≥ 15% ≥ 150 g/L 95 2 HC <15% < 150 g/L 93 3 Tổng axit humix, fulvic hoặc tổng axit amin hoặc tổng vitamin hoặc tổng các chất có nguồn gốc sinh học khác ≥ 5% ≥ 50 g/L 93 4 Tổng axit humix, fulvic hoặc tổng axit amin hoặc tổng vitamin hoặc tổng các chất có nguồn gốc sinh học khác < 5-1% < 50-10 g/L 90 5 Tổng axit humix, fulvic hoặc tổng axit amin hoặc tổng vitamin hoặc tổng các chất có nguồn gốc sinh học khác < 1% < 10 g/L 85 6 N, P2O5, K2O ≥ 10% ≥ 100 g/L 97 7 Ca, Mg, S, SiO2 ≥ 10% ≥ 100 g/L 96 8 N, P2O5, K2O ≥ 5 - < 10% ≥ 50 - < 100 g/L 93 9 Ca, Mg, S, SiO2 ≥ 5 - <10% ≥ 50 - < 100 g/L 92 10 N, P2O5, K2O < 5% < 50 g/L 90 11 Ca, Mg, S, SiO2 ≥ 1 - < 5 % ≥ 10 - 50 g/L 89 12 B, Co, Cu, Fe, Mn, Mo, Zn, ≥ 1 - 5% ≥ 10 - 50 g/L 87 13 Ca, Mg, S, SiO2 < 1% < 10 g/L 87 14 B, Co, Cu, Fe, Mn, Mo, Zn, < 1% < 10g/L 85 * CHÚ THÍCH: Các chữ viết tắt: HC: Hữu cơ; N: Ni tơ tổng số; P2O5: Lân hữu hiệu; K2O: Kali hữu hiệu; Ca: Canxi; Mg: Magie; S: Lưu huỳnh; SiO2: Silic; B: Bo, Co: Côban; Cu: Đồng; Fe: Sắt; Mn: Mangan; Mo: Molipđen; Zn: Kẽm.
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "13/11/2014", "sign_number": "41/2014/TT-BNNPTNT", "signer": "Lê Quốc Doanh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-lien-tich-141-2012-TTLT-BTC-BQP-BCA-huong-dan-co-che-ho-tro-tai-chinh-146963.aspx
Thông tư liên tịch 141/2012/TTLT-BTC-BQP-BCA hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ CÔNG AN -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 141/2012/TTLT-BTC-BQP-BCA Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2012 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRỰC TIẾP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 104/2010/NĐ-CP NGÀY 11/10/2010 CỦA CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật doanh nghiệp số 60/2005 QH11 ngày 29/11/2005; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2000 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Căn cứ Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ về việc tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Căn cứ Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ. Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này quy định một số cơ chế tài chính hỗ trợ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 11 Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (sau đây viết tắt là: Nghị định số 104/2010/NĐ-CP của Chính phủ); 2. Đối tượng áp dụng là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (sau đây viết tắt là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh) quy định lại Điều 3 Nghị định số 104/2010/NĐ-CP của Chính phủ và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp này. Điều 2. Nội dung hỗ trợ Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 104/2010/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Điều 8 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (sau đây viết tắt là Nghị định số 46/2009/NĐ-CP của Chính phủ), nội dung hỗ trợ bao gồm: 1. Hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. 2. Được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. 3. Hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Chương 2. QUY ĐỊNH CỤ THỂ NỘI DUNG HỖ TRỢ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRỰC TIẾP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH Điều 3. Hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh Trong quá trình hoạt động, ngoài những quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ tài chính sau: 1. Được nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ để hình thành tài sản trực tiếp phục vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh: a) Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh mới thành lập hoặc trong quá trình hoạt động được nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ. b) Trình tự, thủ tục, phê duyệt và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định về hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu do Bộ Tài chính ban hành c) Việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 2. Được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Trường hợp sử dụng đất quốc phòng, an ninh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. a) Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh báo cáo tổng diện tích đất đã được nhà nước giao, diện tích đất doanh nghiệp được thuê và sử dụng, trong đó có diện tích đất cần thiết sử dụng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (có xác nhận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) gửi cơ quan thuế địa phương. - Căn cứ báo cáo của doanh nghiệp đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế thông báo cho doanh nghiệp diện tích đất được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuê nhà đất và diện tích đất phải nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế nhà đất. Hồ sơ, thủ tục để miễn nộp tiền thuê đất/tiền sử dụng đất và thuế nhà đất, thực hiện theo quy định của các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai hiện hành. Trường hợp có biến động hoặc có thay đổi về diện tích đất sử dụng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, sau khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thông báo cơ quan thuế để điều chỉnh cho phù hợp. b) Đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước. 3. Được sử dụng các nguồn lực được giao để tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh và hoạt động kinh doanh bổ sung nhưng không được ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được giao, doanh nghiệp phải hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật, đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 104/2010/NĐ-CP của Chính phủ. 4. Được nhà nước cấp kinh phí cho việc duy trì bảo dưỡng, sửa chữa và hỗ trợ lương cho người lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền sản xuất sản phẩm trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất. a) Điều kiện để được cấp kinh phí duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa và hỗ trợ lương cho lao động thuộc biên chế của dây chuyền sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất theo kế hoạch trong năm mà doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh không có khả năng tự bù đắp chi phí. Trong đó việc hỗ trợ lương cho lao động thuộc biên chế dây chuyền sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh đối với thời gian ngừng việc trong trường hợp tiền lương thực tế của người lao động thấp hơn lương thời gian theo cấp bậc thợ và tiền lương tối thiểu theo quy định của nhà nước. b) Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bao gồm: Văn bản đề nghị của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh về hỗ trợ kinh phí duy trì, bảo đường sửa chữa và hỗ trợ lương cho người lao động thuộc biên chế dây chuyền tạm ngừng sản xuất theo kế hoạch trong năm được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt, kèm theo quyết định giao chỉ tiêu sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh trong năm kế hoạch; quyết định phê duyệt về số lượng dây chuyền, thời gian tạm ngừng sản xuất trong năm của cấp có thẩm quyền và danh sách người lao động thuộc biên chế của dây chuyền tạm ngừng sản xuất. c) Thời gian thực hiện: - Hàng năm, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh đối chiếu với điều kiện quy định tại điểm a, khoản 4 Điều này lập báo cáo xác định kinh phí cho việc duy trì, sửa chữa, bảo dưỡng và tiền lương cho người lao động thuộc biên chế của dây chuyền tạm ngừng sản xuất trong năm theo đúng định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc theo thiết kế, kỹ thuật của dây chuyền sản xuất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. - Căn cứ vào mức kinh phí hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tài chính thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện cấp phát kinh phí cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này. 5. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập: a) Điều kiện để hỗ trợ kinh phí hoạt động nhà trẻ, giáo dục do doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quản lý tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập được Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nơi doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng đóng trụ sở xác nhận. b) Nội dung và mức kinh phí hỗ trợ: - Hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học không quá 100 triệu đồng/lớp (đối với cơ sở chưa được đầu tư trang bị). Trường hợp trường lớp, đồ dùng dạy học đã hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức chi không quá 10 triệu đồng/lớp/ năm. - Hỗ trợ kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ quy định khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ theo quy định hiện hành của nhà nước đối với địa bàn doanh nghiệp đang hoạt động. c) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí: - Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí hoạt động nhà trẻ, giáo dục của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. - Xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương về địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập. - Bản giải trình mức kinh phí hỗ trợ: Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh căn cứ vào điều kiện quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và mức hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 5 Điều này xác định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động nhà trẻ, giáo dục do doanh nghiệp trực tiếp quản lý. d) Trình tự và và thời gian thực hiện: Hàng năm, căn cứ vào hồ sơ lập của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm định và quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp. - Việc cấp phát kinh phí hỗ trợ nhà trẻ, giáo dục do doanh nghiệp quản lý thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. 6. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt cần phải duy trì bệnh xá, cụ thể: a) Điều kiện được hỗ trợ: Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh đóng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, ở xa các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của nhà nước cần phải duy trì bệnh xá và được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt. b) Nội dung và mức kinh phí hỗ trợ: - Chi để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu đối với bệnh xá mới thành lập với mức kinh phí tối đa không quá 150 triệu đồng/01 bệnh xá. - Chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh xá. + Đối với bệnh xá đang hoạt động: căn cứ vào quyết toán chi thường xuyên năm trước để xác định mức hỗ trợ. + Đối với bệnh xá mới thành lập: Căn cứ vào dự toán chi thường xuyên cho hoạt động y tế của doanh nghiệp lập để xác định mức hỗ trợ. Việc xác định mức hỗ trợ chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh xá, có thể tham khảo, vận dụng mức chi thường xuyên của các cơ sở y tế cùng loại, cùng quy mô trên địa bàn doanh nghiệp hoạt động. c) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí: - Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí y tế của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận. - Bản giải trình, xác định mức kinh phí hỗ trợ: Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh đủ điều kiện được duy trì bệnh xá theo quy định tại điểm a, căn cứ vào mức hỗ trợ kinh phí quy định tại điểm b khoản 6 Điều này lập báo cáo mức kinh phí hỗ trợ. d) Trình tự và thời gian thực hiện: - Hàng năm, căn cứ vào dự toán kinh phí hỗ trợ hoạt động y tế của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt, cơ quan tài chính của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện cấp phát kinh phí cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. 7. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành theo quy định về hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trường hợp doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh sử dụng lợi nhuận thực hiện sau thuế bao gồm cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khác (nếu có) nhưng không đủ nguồn để trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng theo mức quy định, thì phần trích quỹ còn thiếu được nhà nước hỗ trợ, mức hỗ trợ tối da không vượt quá 2 tháng lương thực hiện trong năm bao gồm cả tiền lương cho thời gian ngừng việc quy định tại khoản 4 Điều này. Điều 4. Hạch toán một số khoản chi đặc thù của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hạch toán một số khoản chi đặc thù vào giá thành sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: 1. Chi phí tiền lương, BHXH, BHYT cho thời gian nghỉ chuẩn bị hưu (trường hợp không được Ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc được hỗ trợ nhưng không đủ); 2. Chi đảm bảo quân trang cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, công an. Mức chi theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. 3. Chi cho công tác quốc phòng, an ninh công tác phục vụ quốc phòng, an ninh, quan hệ quân dân theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Điều 5. Hỗ trợ đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh Người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hưởng các chế độ chính sách quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền. Các khoản chi phí có liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động được hạch toán vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật, trừ những khoản kinh phí đã được nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 3 Thông tư này. Chương 3. LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ Điều 6. Lập phê duyệt dự toán và cấp kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp trục tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. 1. Hàng năm, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng được hỗ trợ tài chính lập dự toán chi tiết theo từng nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này báo cáo cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thẩm định và tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. 2. Hàng năm, Bộ Tài chính căn cứ vào báo cáo tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 3. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo của Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thực hiện phân bố chi tiết nhiệm vụ chi hỗ trợ cho từng doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo từng nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này, gửi Bộ Tài chính thẩm định làm căn cứ thực hiện cấp phát theo quy định hiện hành; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện cấp phát kinh phí cho các doanh nghiệp bằng hình thức rút dự toán. Riêng các khoản chi: cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi cho các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh từ ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính thẩm định và cấp phát trực tiếp cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh bằng lệnh chi tiền theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Điều 7. Thanh quyết toán kinh phí 1. Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hỗ trợ kinh phí phải thực hiện lập báo cáo tài chính theo quy định hiện hành, trong đó có báo cáo quyết toán việc sử dụng kinh phí được hỗ trợ của ngân sách nhà nước. 2. Hàng năm, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng kinh phí hỗ trợ và kiểm tra quyết toán việc sử dụng kinh phí hỗ trợ theo chế độ quy định của nhà nước và quy định tại Thông tư này. Trường hợp doanh nghiệp chi sai chế độ quy định hoặc vượt mức chi quy định thì cơ quan tài chính xử lý xuất toán khoản đã chi không đúng quy định. Người quyết định chi sai phải bồi thường và tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Chương 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 8. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2012; các mức hỗ trợ kinh phí quy định tại Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2012. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 118/2005/TTLT/BTC-BQP ngày 22/12/2005 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng, Thông tư liên tịch số 159/2007/TTLT/BTC-BQP ngày 31/12/2007 sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 118/2005/TTLT/BTC-BQP hướng dẫn một số điều về tài chính đối với công ty quốc phòng tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/03/2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. 2. Ngoài việc thực hiện những quy định lại Thông tư này, các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh còn phải thực hiện các quy định tại Quy chế quản lý tài chính của công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật liên quan khác. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị gửi ý kiến về Liên Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Đặng Văn Hiếu KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Lê Hữu Đức KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Trần Văn Hiếu Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, VP BCD TW về PC tham nhũng; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng TW Đảng và các ban của Đảng; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Kiểm toán Nhà nước; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ TC, Bộ QP, Bộ CA; - Lưu: VT Bộ TC, Bộ QP, Bộ CA.
{ "issuing_agency": "Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính", "promulgation_date": "22/08/2012", "sign_number": "141/2012/TTLT-BTC-BQP-BCA", "signer": "Đặng Văn Hiếu, Trần Văn Hiếu, Lê Hữu Đức", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-38-2016-TT-BCA-huong-dan-129-2015-ND-CP-thuc-hien-nghia-vu-tham-gia-Cong-an-nhan-dan-332116.aspx
Thông tư 38/2016/TT-BCA hướng dẫn 129/2015/NĐ-CP thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
BỘ CÔNG AN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 38/2016/TT-BCA Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 129/2015/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THAM GIA CÔNG AN NHÂN DÂN Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Căn cứ Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Xét đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về nguyên tắc, yêu cầu, độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; ngành nghề tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; phân công trách nhiệm và phối hợp trong tuyển chọn; thời điểm phong cấp bậc hàm; xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Điều 8 Luật Công an nhân dân, gồm: a) Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự; b) Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu. 2. Cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức, thực hiện tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. 3. Đơn vị thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh trực thuộc Bộ Công an được sử dụng hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an đơn vị, địa phương). Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu tuyển chọn 1. Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. 2. Tuyển đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn, địa bàn được phân bổ và bảo đảm chất lượng, dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm. 3. Đề cao trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn. Điều 4. Độ tuổi tuyển chọn 1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì tuyển chọn đến hết 27 tuổi. 2. Tuyển cho các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh vệ: công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 22 tuổi. Những địa phương khó khăn về nguồn tuyển, không có khả năng bảo đảm đủ chỉ tiêu thì có thể tuyển chọn đến hết 25 tuổi. Điều 5. Ngành nghề tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân 1. Công dân nữ có trình độ trung cấp y, nếu tự nguyện và Công an đơn vị, địa phương có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. 2. Căn cứ nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định bổ sung danh mục ngành, nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Điều 6. Phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân 1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân a) Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định của pháp luật; b) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Giám đốc Công an cấp tỉnh), Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện), Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp xã) có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong nhân dân, nhất là công dân trong độ tuổi tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ. 2. Kế hoạch, chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân a) Công an đơn vị, địa phương căn cứ nhu cầu sử dụng, xây dựng kế hoạch tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của đơn vị, địa phương mình và chủ động có văn bản đề xuất chỉ tiêu tuyển về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) trước ngày 15 tháng 8 hằng năm. Nội dung đề xuất cần thể hiện rõ số lượng, đơn vị sử dụng, địa bàn tuyển (đối với các đơn vị ở Bộ), ngành, nghề chuyên môn tuyển chọn (đối với công dân nữ); b) Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có trách nhiệm thẩm định đề xuất của Công an đơn vị, địa phương, báo cáo Bộ trưởng duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 01 tháng 9 hằng năm. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho Công an đơn vị, địa phương; c) Các đơn vị thuộc Bộ Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh (đơn vị nhận quân) căn cứ chỉ tiêu tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được Bộ trưởng phân bổ ở từng địa phương cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo chỉ tiêu tuyển chủ động trao đổi, thống nhất với Công an cấp tỉnh về số lượng tuyển của đơn vị mình ở từng địa phương cấp huyện. Sau thời gian trên, nếu đơn vị nhận quân không có văn bản trao đổi, Giám đốc Công an cấp tỉnh căn cứ chỉ tiêu giao cho từng đơn vị để đề xuất phân bổ địa bàn tuyển quân. Trên cơ sở thống nhất với đơn vị nhận quân về số lượng tuyển ở từng địa phương cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giao chỉ tiêu tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho từng địa phương cấp huyện, cấp xã phù hợp với khả năng và nguồn tuyển ở từng địa bàn. 3. Thông báo tuyển chọn Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thông báo công khai về chỉ tiêu, tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ tuyển chọn theo quy định tại Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. 4. Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, thẩm tra, xác minh lý lịch của người dự tuyển a) Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận hồ sơ, sơ tuyển (chiều cao, cân nặng), xét duyệt hồ sơ của người dự tuyển trước khi tiến hành thủ tục thẩm tra, xác minh lý lịch. Việc sơ tuyển, xét duyệt phải chặt chẽ, theo đúng các tiêu chuẩn quy định, bảo đảm tuyển người nào, chắc người đó; b) Căn cứ kết quả sơ tuyển, xét duyệt hồ sơ, Công an cấp huyện tổ chức thẩm tra, xác minh lý lịch của người dự tuyển. 5. Thống nhất nhân sự dự kiến tuyển chọn với cơ quan quân sự cùng cấp Trên cơ sở kết quả thẩm tra, xác minh lý lịch của người dự tuyển, Trưởng Công an cấp huyện trao đổi, thống nhất với cơ quan quân sự cùng cấp về số lượng, nhân sự dự kiến tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trước khi ra lệnh gọi khám sức khỏe. Trường hợp không thống nhất thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. 6. Ra lệnh gọi khám sức khỏe a) Căn cứ số lượng, nhân sự dự kiến tuyển chọn đã thống nhất với cơ quan quân sự cùng cấp, Trưởng Công an cấp huyện ra Lệnh gọi khám sức khỏe đối với từng công dân; trong quá trình khám sức khỏe kết hợp lấy cỡ, số quân trang; b) Kết thúc đợt khám sức khỏe, chậm nhất là 03 ngày làm việc, Công an cấp huyện báo cáo danh sách những trường hợp bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe (theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe), kèm theo hồ sơ thẩm tra, xác minh lý lịch, cỡ, số quân trang của từng trường hợp về Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh. 7. Kết luận tiêu chuẩn chính trị Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh căn cứ hồ sơ do Công an cấp huyện báo cáo, thẩm định, trình Giám đốc Công an cấp tỉnh kết luận về tiêu chuẩn chính trị của người dự tuyển. Thời gian thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị không quá 10 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ thủ tục theo quy định. 8. Thống nhất số lượng, nhân sự tuyển chọn với các đơn vị ở Bộ, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh (đơn vị nhận quân) a) Sau khi Giám đốc Công an cấp tỉnh kết luận tiêu chuẩn chính trị của người dự tuyển, chậm nhất là 02 ngày, Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản (có hẹn thời gian) tới các đơn vị nhận quân để tổ chức nghiên cứu hồ sơ, thống nhất số lượng, nhân sự tuyển chọn theo chỉ tiêu được phân bổ; b) Trên cơ sở số lượng, nhân sự tuyển chọn của từng đơn vị nhận quân, Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh có văn bản thông báo cho Trưởng Công an cấp huyện để tiến hành các thủ tục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt danh sách công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; c) Đơn vị nhận quân có trách nhiệm thường xuyên trao đổi thông tin với Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh để nắm chắc thời gian tổ chức lễ giao, nhận quân nhằm chủ động cấp phát quân trang, tổ chức tiếp nhận, chuyển quân về đơn vị. 9. Ra lệnh gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân Căn cứ danh sách công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt, Trưởng Công an cấp huyện ra Lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. 10. Giao, nhận công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân a) Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh có trách nhiệm Phối hợp với địa phương tổ chức và dự lễ giao, nhận quân; tiếp nhận công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ từ địa phương giao quân để bàn giao cho các đơn vị nhận quân. Thời gian bàn giao chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày địa phương tổ chức lễ giao nhận quân; b) Đơn vị nhận quân và Công an cấp tỉnh có trách nhiệm Cấp phát quân trang cho chiến sĩ mới trước ngày tổ chức lễ giao, nhận quân, bảo đảm thống nhất, phù hợp với từng lực lượng, điều kiện thời tiết, khí hậu, vùng miền theo hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; chuyển quân về đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để lưu quân dài ngày tại địa phương. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận quân phải tổ chức phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả phúc tra; trường hợp không đủ tiêu chuẩn phải trả về địa phương thì thông báo bằng văn bản cho Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân có hộ khẩu thường trú trước khi tuyển chọn vào thực hiện nghĩa vụ và cử cán bộ trực tiếp bàn giao công dân về Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời, phối hợp với Công an cấp huyện đó tuyển bù đổi trường hợp khác, bảo đảm chỉ tiêu được giao. Thời gian bù đổi trong 30 ngày kể từ ngày nhận quân; c) Công an cấp huyện có trách nhiệm Hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ (gồm cả hồ sơ đảng viên, đoàn viên) của công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ bàn giao đầy đủ cho các đơn vị nhận quân, Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh (đối với công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tại Công an cấp tỉnh) để phục vụ công tác quản lý theo quy định. 11. Huấn luyện chiến sĩ mới a) Trong thời hạn từ 03 đến 05 ngày, kể từ ngày nhận quân, Công an cấp tỉnh và các đơn vị nhận quân phải tổ chức khai giảng khóa (lớp) huấn luyện chiến sĩ mới; b) Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh và cơ quan tổ chức cán bộ của các đơn vị nhận quân có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới, xây dựng kế hoạch và tổ chức khóa huấn luyện chiến sĩ mới; tham mưu, đề xuất phân công chiến sĩ về các đơn vị để thực hiện nghĩa vụ sau khi kết thúc khóa huấn luyện. 12. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã phải đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của pháp luật về công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan quân sự cùng cấp, Ban Chỉ huy quân sự xã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm chất lượng, số lượng công dân được tuyển chọn theo chỉ tiêu được phân bổ. Mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện phải báo cáo kịp thời về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) để phối hợp giải quyết. Điều 7. Chế độ thông tin, báo cáo 1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày địa phương tổ chức lễ giao, nhận quân, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả đợt tuyển quân về Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh. 2. Chậm nhất 45 ngày, kể từ ngày tổ chức giao, nhận quân, Công an đơn vị, địa phương báo cáo kết quả đợt tuyển quân về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân). Điều 8. Thời điểm phong cấp bậc hàm cho chiến sĩ mới Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương căn cứ quy định của Bộ về phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức cán bộ của lực lượng Công an nhân dân ra quyết định phong cấp bậc hàm Binh nhì cho công dân thực hiện nghĩa vụ kể từ ngày khai mạc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, thời gian xét thăng cấp bậc hàm kế tiếp được tính từ ngày đơn vị tiếp nhận công dân thực hiện nghĩa vụ. Điều 9. Xuất ngũ trước thời hạn 1. Điều kiện Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được xuất ngũ trước thời hạn, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: a) Được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an kết luận không đủ sức khoẻ để tiếp tục phục vụ tại ngũ; b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động hoặc bị mắc bệnh thuộc danh mục bắt buộc chữa trị dài ngày hiện hành của Bộ Y tế mà điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra; c) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; d) Một anh hoặc một chị hoặc một em của liệt sĩ; đ) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. 2. Thực hiện a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện như sau: Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có đơn đề nghị, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa cùng cấp hoặc Hội đồng y khoa Bộ Công an khám và kết luận. Riêng đối với các đơn vị ở Bộ, do Tổng cục trưởng, Tư lệnh có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an khám và kết luận. Căn cứ vào kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ của Hội đồng giám định y khoa, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh quyết định xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; b) Đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này thực hiện như sau: Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có đơn đề nghị (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ cư trú); căn cứ quy định tại Thông tư này và hoàn cảnh thực tế của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh quyết định xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ. Điều 10. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2016. 2. Thông tư số 21/2007/TT-BCA(X13) ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và Thông tư số 74/2011/TT-BCA ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2007/TT-BCA(X13) hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. 3. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu: Lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (mẫu NVCA số 01); Lệnh gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (mẫu NVCA số 02); Quyết định về việc hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ trước thời hạn (mẫu NVCA số 03); Quyết định về việc hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ (mẫu NVCA số 04); Báo cáo Kết quả tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (mẫu NVCA số 05). Điều 11. Trách nhiệm thi hành Các đồng chí Tổng cục trưởng, Tư lệnh, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo); - Các Tổng cục, Bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cảnh sát PCCC tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Các học viện, trường Công an nhân dân; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Lưu: VT, V19, X13(P5). BỘ TRƯỞNG Thượng tướng Tô Lâm
{ "issuing_agency": "Bộ Công An", "promulgation_date": "28/09/2016", "sign_number": "38/2016/TT-BCA", "signer": "Tô Lâm", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Lenh-cong-bo-phap-lenh-to-chuc-Vien-kiem-sat-quan-su-19-2002-L-CTN-60580.aspx
Lệnh công bố pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự 19/2002/L-CTN
CHỦ TỊCH NƯỚC ***** CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******* Số: 19/2002/L-CTN Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2002 LỆNH VỀ VIỆC CÔNG BỐ PHÁP LỆNH TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT QUÂN SỰ CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 10; Căn cứ vào Điều 19 của Luật Tổ chức Quốc hội; Căn cứ vào Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NAY CÔNG BỐ: Pháp lệnh Tổ chức Viện Kiểm sát quân sự. Đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI thông qua ngày 04 tháng 11 năm 2002./. CHỦ TỊCH NƯỚC Trần Đức Lương
{ "issuing_agency": "Chủ tịch nước", "promulgation_date": "15/11/2002", "sign_number": "19/2002/L-CTN", "signer": "Trần Đức Lương", "type": "Lệnh" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-18-2018-TT-BTP-sua-doi-Thong-tu-02-2017-TT-BTP-quan-ly-cong-chuc-thi-hanh-an-dan-su-409146.aspx
Thông tư 18/2018/TT-BTP sửa đổi Thông tư 02/2017/TT-BTP quản lý công chức thi hành án dân sự mới nhất
BỘ TƯ PHÁP -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 18/2018/TT-BTP Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 02/2017/TT-BTP NGÀY 23 THÁNG 3 NĂM 2017 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC HỆ THỐNG TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014; Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2017 hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự như sau: 1. Sửa đổi Điều 4 như sau: “Điều 4. Tiêu chuẩn chung Các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh tương ứng phải bảo đảm các tiêu chuẩn chung sau đây: 1. Về chính trị tư tưởng: Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 2. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; không tham vọng quyền lực, không háo danh; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm; công bằng, chính trực, trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. 3. Về trình độ: Có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy định của Đảng, Nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp. 4. Về năng lực và uy tín: Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học sáng tạo, năng động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo. Có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó khăn và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ. Có năng lực thực tiễn, nắm chắc và hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ. Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, quy tụ đoàn kết nội bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; có trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. 5. Về sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm: Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý.” 2. Điểm đ khoản 2 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: “đ) Đã từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự, trừ trường hợp là nhân sự ngoài cơ quan thi hành án dân sự được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc đang là Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự được bổ nhiệm trước ngày Thông tư số 13/2013/TT-BTP ngày 13 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 11 năm 2013).” 3. Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 như sau: “c) Đã từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự, trừ trường hợp là nhân sự ngoài cơ quan thi hành án dân sự.” 4. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 19. Nguyên tắc và trách nhiệm bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm 1. Bảo đảm phù hợp với các quy định của Đảng và quy định của pháp luật. 2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ với Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm đối với lãnh đạo Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp quản lý cán bộ. 3. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh lãnh đạo, quản lý. 4. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. 5. Cá nhân, tập thể đề xuất, cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình.” 5. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 21. Thời hạn giữ chức vụ 1. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm, bổ nhiệm lại là 05 năm tính từ ngày bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và được ghi trong quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. 2. Thời gian công chức, viên chức được giao quyền cấp trưởng, phụ trách đơn vị không được tính vào thời hạn bổ nhiệm. 3. Đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới, thời hạn giữ chức vụ tính từ ngày được bổ nhiệm chức vụ mới. 4. Trường hợp thay đổi chức vụ lãnh đạo, quản lý do thay đổi tên gọi tổ chức, thời hạn giữ chức vụ tính từ ngày được bổ nhiệm chức vụ cũ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 5. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn từ đủ 02 năm đến dưới 05 năm công tác, nếu được bổ nhiệm lại, thì thời hạn giữ chức vụ được tính đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. 6. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác thì không phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại. Trường hợp này, tập thể lãnh đạo đơn vị đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trao đổi với cấp ủy theo quy định tại Thông tư này để quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. 7. Công chức đã giữ chức vụ cấp trưởng 02 nhiệm kỳ liên tiếp thì chuyển đổi vị trí đến đơn vị khác. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định.” 6. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 22. Đánh giá công chức, viên chức 1. Khi xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc đánh giá công chức, viên chức theo quy định của pháp luật. 2. Đánh giá công chức, viên chức để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo các nội dung sau: a) Mức độ thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao trong 03 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề xuất (đối với bổ nhiệm mới) và trong nhiệm kỳ (đối với bổ nhiệm lại) về: Khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả công việc trong từng vị trí, từng thời gian, tinh thần trách nhiệm trong công tác; b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Nhận thức, tư tưởng chính trị, việc chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế của đơn vị; việc giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác; tinh thần học tập, nâng cao trình độ, tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình; tinh thần đoàn kết, mối quan hệ trong công tác, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân, khả năng quy tụ quần chúng; c) Mức độ phù hợp về chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và kiến thức thực tiễn với vị trí dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; d) Năng lực lãnh đạo, quản lý, chiều hướng và triển vọng phát triển.” 7. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 23. Quy định về việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến 1. Hội nghị chỉ được tiến hành khi có tối thiểu 2/3 công chức, viên chức, người lao động thuộc thành phần tham gia dự họp có mặt. Trường hợp người thuộc thành phần tham dự họp vắng mặt thì không được ủy quyền cho người khác dự thay. 2. Trước khi vào hội nghị, chủ trì hội nghị chỉ định một trong số các thành viên tham gia dự họp làm thư ký của hội nghị. 3. Nội dung, kết quả hội nghị phải được lập thành biên bản. Biên bản hội nghị phải phản ánh đầy đủ diễn biến, kết quả của hội nghị, các ý kiến đã phát biểu.” 8. Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 24. Quy định về việc lấy ý kiến 1. Công chức, viên chức đã hết thời gian tập sự; người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đang công tác trong cơ quan, đơn vị được tham gia và bỏ phiếu. 2. Trường hợp một người tham gia nhiều vị trí thuộc thành phần tham gia bỏ phiếu thì khi bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được bỏ 01 phiếu. 3. Khi thực hiện lấy phiếu theo phương thức bỏ phiếu kín, phải thành lập ban kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu do người chủ trì đề xuất và phải được hội nghị biểu quyết thông qua theo hình thức giơ tay. 4. Phiếu lấy ý kiến a) Phiếu lấy ý kiến được in thành danh sách (xếp thứ tự ABC theo tên nếu có nhiều nhân sự), ghi rõ họ tên, tuổi, chức vụ, đơn vị công tác; phần lấy ý kiến có 2 cột: Đồng ý và không đồng ý để người tham gia đánh dấu (X) vào ô mà mình chọn, ngoài ra có chỗ để người tham gia bỏ phiếu ghi ý kiến khác, giới thiệu nhân sự khác; có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đóng dấu treo của đơn vị vào góc trái của phiếu (nếu đơn vị có dấu); b) Phiếu hợp lệ là phiếu do ban kiểm phiếu phát ra, có số lượng đồng ý và giới thiệu thêm (nếu có) không quá số lượng được bổ nhiệm; Trường hợp người bỏ phiếu đánh dấu vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý hoặc không đánh dấu vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý thì không tính kết quả phiếu của người được đánh dấu hoặc không được đánh dấu nhưng phiếu vẫn được tính là hợp lệ; c) Phiếu không hợp lệ là phiếu không do ban kiểm phiếu phát ra, phiếu có số lượng đồng ý và giới thiệu thêm (nếu có) nhiều hơn số lượng được bổ nhiệm; d) Phiếu sau khi kiểm và lập biên bản được niêm phong, lưu giữ theo chế độ tài liệu mật tại đơn vị tham mưu công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm trước khi được lưu trữ theo quy định. 5. Cách tính kết quả phiếu Tỷ lệ phiếu đồng ý bổ nhiệm được quy đổi ra phần trăm (%) theo tỷ lệ số phiếu tín nhiệm đồng ý trên số phiếu hợp lệ. 6. Việc công bố hoặc không công bố kết quả lấy phiếu được thông báo công khai trước khi bỏ phiếu. 7. Kết quả phiếu lấy ý kiến có giá trị tham khảo và là một trong những căn cứ để xem xét nhưng không phải là căn cứ duy nhất và chủ yếu để quyết định bổ nhiệm cán bộ.” 9. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 26. Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo đơn vị, sau khi trao đổi, thống nhất trong lãnh đạo đơn vị về nhu cầu bổ nhiệm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng trước khi tổ chức họp liên tịch giữa Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của Tổng cục Thi hành án dân sự để thảo luận thống nhất số lượng, dự kiến phân công công tác đối với chức vụ đề nghị bổ nhiệm, rà soát, đánh giá nhân sự trong quy hoạch Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp) xem xét phê duyệt chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp rà soát, báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách, Bộ trưởng trước khi trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (lần 1) - Thành phần: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Bộ Tư pháp (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng); Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng). - Nội dung: Thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự mở rộng - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Tổng cục, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cùng tham dự hội nghị. Hội nghị được tổ chức với hình thức tập trung hoặc trực tuyến. Trường hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến thì việc gửi phiếu và kiểm phiếu được thực hiện theo chế độ mật, bảo mật danh tính người gửi phiếu và kết quả kiểm phiếu. - Chủ trì: Lãnh đạo Bộ Tư pháp (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng); Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng). - Nội dung: Thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự; tiến hành lấy phiếu phát hiện, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo (trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn nhiều hơn số dự kiến bổ nhiệm ít nhất 01 người). Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (lần 2) - Thành phần: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Bộ Tư pháp (đối với việc bổ nhiệm Tổng cục trưởng); Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với việc bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng). - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. Trường hợp kết quả giới thiệu của Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp báo cáo, giải trình rõ với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành bước tiếp theo. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến cán bộ chủ chốt - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cùng tham dự hội nghị. Hội nghị được tổ chức với hình thức tập trung hoặc trực tuyến. Trường hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến thì việc gửi phiếu và kiểm phiếu được thực hiện theo chế độ mật, bảo mật danh tính người gửi phiếu và kết quả kiểm phiếu. - Chủ trì: Lãnh đạo Bộ Tư pháp (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng); Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng). - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự giới thiệu (tại bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm (nếu có) và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu; lấy ý kiến bằng phiếu kín của cán bộ chủ chốt về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố tại Hội nghị này. đ) Bước 5: Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Bước 6: Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (lần 3). - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Bộ Tư pháp (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng); Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng). - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu tại các hội nghị và ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự; xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp có 02 nhân sự có số phiếu ngang nhau (50%) thì lựa chọn nhân sự do Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giới thiệu để đề nghị bổ nhiệm và báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau (nếu có) để Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định. Đối với bổ nhiệm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, trường hợp có 02 nhân sự có số phiếu ngang nhau (50%) thì Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng cho ý kiến trước khi báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định. Tổng cục Thi hành án dân sự tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm, báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Đối với bổ nhiệm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự gửi hồ sơ về Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp để thẩm định, báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp. g) Quyết định bổ nhiệm Căn cứ kết quả thực hiện các bước theo quy trình, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng), Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng) báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự đề nghị bổ nhiệm và có văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng), Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng) báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Trường hợp bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp tham mưu, chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác a) Đối với nhân sự do Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Bộ phụ trách (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng) hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng) gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự và lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Bộ phụ trách (đối với bổ nhiệm Tổng cục trưởng), Tổng cục trưởng (đối với bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng) chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét việc giới thiệu bổ nhiệm; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đồng thời báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đầy đủ các ý kiến khác nhau (nếu có) để xem xét, quyết định. Bước 3: Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gửi Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp để báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Trường hợp bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp tham mưu, chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm trước khi trình Bộ trưởng ký quyết định. b) Đối với nhân sự do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự và lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gửi Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp để báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp để xem xét, thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Trường hợp bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm trước khi trình Bộ trưởng ký quyết định. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm: a) Tờ trình đề nghị bổ nhiệm; b) Các biên bản họp và biên bản kiểm phiếu (kèm phiếu) trong quá trình thực hiện quy trình; c) Sơ yếu lý lịch nhân sự dự kiến bổ nhiệm (có dán ảnh); d) Bản kê khai tài sản, thu nhập; đ) Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến thời điểm gửi hồ sơ; e) Bản tự nhận xét, đánh giá của nhân sự dự kiến bổ nhiệm (đối với nhân sự tại chỗ); g) Nhận xét, đánh giá của đơn vị nơi nhân sự đang công tác về nhân sự dự kiến bổ nhiệm và việc bổ nhiệm (đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác) hoặc nhận xét, đánh giá của thủ trưởng đơn vị (đối với nguồn nhân sự tại chỗ); h) Ý kiến của cấp ủy đơn vị có vị trí dự kiến bổ nhiệm; i) Văn bản kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền; k) Nhận xét của đại diện cấp ủy nơi nhân sự dự kiến bổ nhiệm cư trú thường xuyên đối với nhân sự là Đảng viên được đề nghị bổ nhiệm; l) Bản sao (có chứng thực) các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ đề nghị bổ nhiệm và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có). Trường hợp văn bằng do nước ngoài cấp phải có văn bản công nhận của Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự.” 10. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 28. Quy trình bổ nhiệm Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của đơn vị, tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có cấp trưởng cần bổ nhiệm họp thảo luận, thống nhất và đề xuất với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu bổ nhiệm, chủ trương, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm. Trên cơ sở kết quả thảo luận của tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng trước khi trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 1) - Thành phần: Lãnh đạo đơn vị và cấp ủy Đảng đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng - Thành phần: Toàn thể công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 2) - Thành phần: Lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo đơn vị tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. Trường hợp kết quả giới thiệu nhân sự ở Hội nghị lãnh đạo đơn vị khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo đầy đủ để Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm - Thành phần: Toàn thể công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo đơn vị giới thiệu (tại bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm (nếu có) và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu; lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 3) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu ở các Hội nghị; xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp tập thể lãnh đạo đơn vị giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỉ lệ 50%) thì báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, quyết định. Lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm đề nghị cấp ủy của đơn vị cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để xem xét, cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng; trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác a) Đối với nhân sự do đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì thủ trưởng đơn vị xem xét việc giới thiệu bổ nhiệm; đồng thời, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến và đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì báo cáo đầy đủ để Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, kết luận. Bước 3: Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng; trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ người dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm. Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng; trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Bộ trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.” 11. Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 29. Bổ nhiệm đối với Phó Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của đơn vị, tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm họp thảo luận, thống nhất và đề xuất Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. Trên cơ sở kết quả Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách trước khi phê duyệt chủ trương bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 1) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy Đảng đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng. - Thành phần: Toàn thể công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo (trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn nhiều hơn số dự kiến bổ nhiệm ít nhất 01 người). Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 2) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo đơn vị tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, viên chức, người lao động về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm - Thành phần: Toàn thể công chức,viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo đơn vị giới thiệu (tại bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm (nếu có) và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu; lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, viên chức, người lao động về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 3). - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu ở các hội nghị; xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỷ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do thủ trưởng đơn vị giới thiệu để đề nghị bổ nhiệm. Lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm đề nghị cấp ủy của đơn vị cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm và hoàn thiện hồ sơ gửi Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Quyết định bổ nhiệm Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác a) Đối với nhân sự do đơn vị đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì thủ trưởng đơn vị xem xét việc giới thiệu bổ nhiệm, đồng thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến và đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự bổ nhiệm. Bước 3: Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.” 12. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 32. Quy trình bổ nhiệm đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của đơn vị, tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có cấp trưởng cần bổ nhiệm họp, thảo luận, thống nhất và đề xuất Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm. Trên cơ sở kết quả thảo luận của tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng trước khi trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (lần 1) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục, cấp ủy Đảng Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự và đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự mở rộng. - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục, cấp ủy Đảng Cục, Trưởng phòng và tương đương thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự và đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (lần 2) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự và đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. Trường hợp kết quả giới thiệu ở Hội nghị lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo, giải trình rõ với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, người lao động về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Cục; Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự và đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo đơn vị giới thiệu (tại bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm (nếu có) và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu; lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, viên chức, người lao động về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (lần 3) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tham dự hội nghị và đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu ở các Hội nghị, xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp tập thể lãnh đạo Cục giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỉ lệ 50%) thì báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến. Lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm đề nghị cấp ủy của đơn vị cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể Lãnh đạo Tổng cục để xem xét, cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng; trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh về nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Căn cứ ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác a) Đối với nhân sự do Cục Thi hành án dân sự đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi ý kiến và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì báo cáo đầy đủ để tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến. Bước 3: Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng; trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản đề nghị cấp ủy cấp tỉnh cho ý kiến về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Căn cứ ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do Tổng cục Thi hành án dân sự dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách và Bộ trưởng; trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt nhân sự và có văn bản lấy đề nghị cấp ủy cấp tỉnh cho ý kiến về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Căn cứ ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.” 13. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 33. Quy trình bổ nhiệm đối với Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, tập thể lãnh đạo và cấp ủy Cục Thi hành án dân sự họp, thảo luận, thống nhất và đề xuất Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (lần 1) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục, cấp ủy Đảng Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự mở rộng. - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục, cấp ủy Đảng Cục, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Cục, Trưởng phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Mời đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: ­Mỗi thành viên tham dự cuộc họp giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo (trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn nhiều hơn số dự kiến bổ nhiệm ít nhất 01 người). Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (lần 2) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. Trường hợp kết quả giới thiệu ở Hội nghị lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến trước khi tiến hành các bước tiếp theo. đ) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, người lao động về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Cục; Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Mời đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự được tập thể lãnh đạo Cục giới thiệu và ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu (nếu có); lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, người lao động về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở hội nghị này. e) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (lần 3) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện cơ quan quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu ở các hội nghị, xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp tập thể lãnh đạo Cục giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỉ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do Cục trưởng giới thiệu. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đề nghị cấp ủy Cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Đồng thời, có văn bản báo cáo và xin ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm (trừ bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh); trình lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến. e) Quyết định bổ nhiệm Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự; trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm sự đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác a) Đối với nhân sự do Cục Thi hành án dân sự đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Tập thể lãnh đạo Cục thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét việc giới thiệu bổ nhiệm, đồng thời báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến. Căn cứ kết quả giới thiệu nhân sự của tập thể lãnh đạo Cục, Cục trưởng có văn bản lấy ý kiến của cấp ủy Cục Thi hành án dân sự và báo cáo, xin ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm, trình Tổng cục Thi hành án dân sự. Bước 3: Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tập thể lãnh đạo Tổng cục xem xét, biểu quyết nhân sự; hoàn thiện hồ sơ, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do Tổng cục Thi hành án dân sự dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cấp ủy cấp tỉnh có văn bản cho ý kiến về nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. Đối với trường hợp chưa giữ ngạch Chấp hành viên, Tổng cục Thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Bộ phụ trách ký quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên trước khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Cục trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.” 14. Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 35. Giao quyền cấp trưởng, giao phụ trách đơn vị 1. Trường hợp Cục Thi hành án dân sự cần kiện toàn cấp trưởng nhưng qua rà soát, đánh giá chưa phát hiện nhân sự phù hợp hoặc đã đề xuất nhân sự nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhân sự chấp thuận, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức họp liên tịch lãnh đạo đơn vị, cấp ủy Đảng cùng cấp, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội thảo luận, lựa chọn, giới thiệu nhân sự để giao quyền Cục trưởng hoặc giao phụ trách Cục Thi hành án dân sự. 2. Trường hợp giao quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định nhân sự giao quyền và có văn bản lấy ý kiến cấp ủy cấp tỉnh về nhân sự dự kiến giao quyền. Căn cứ ý kiến của cấp ủy cấp tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có) hoặc trình Bộ trưởng ký quyết định giao quyền Cục trưởng. 3. Trường hợp giao phụ trách Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ phụ trách về nhân sự được giới thiệu để Bộ trưởng xem xét, quyết định giao phụ trách.” 15. Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 36. Quy trình bổ nhiệm đối với lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của đơn vị, tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm họp, thảo luận, thống và đề xuất với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 1) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng - Thành phần: Toàn thể cán bộ, công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: ­Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo (trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn nhiều hơn số dự kiến bổ nhiệm ít nhất 01 người). Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 2) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo đơn vị tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, người lao động của đơn vị về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự được tập thể lãnh đạo đơn vị giới thiệu và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu (nếu có); lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, người lao động về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 3). - Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu ở các hội nghị; xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Nhân sự đạt số phiếu cao nhất trên 50% thì được lựa chọn giới thiệu. Trường hợp có nhiều hơn 01 vị trí bổ nhiệm thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp có 02 nhân sự có số phiếu ngang nhau (50%) thì lựa chọn nhân sự do thủ trưởng giới thiệu để đề nghị bổ nhiệm. Lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm đề nghị cấp ủy của đơn vị (nếu có) cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Đồng thời, báo cáo tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét và có văn bản đề nghị cấp ủy Cục Thi hành án dân sự cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Quyết định bổ nhiệm Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ đơn vị khác a) Đối với nhân sự do đơn vị đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm (nếu có) về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Cục chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì thủ trưởng đơn vị xem xét việc giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm; đồng thời báo cáo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét, cho ý kiến và đề nghị cấp ủy Cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 3: Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do Lãnh đạo Cục dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm (nếu có) về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cấp ủy Cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Cục trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục.” 16. Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 39. Quy trình bổ nhiệm đối với Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của Chi cục Thi hành án dân sự, tập thể lãnh đạo và cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự họp, thảo luận, thống nhất và đề xuất Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (lần 1) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Chi cục, cấp ủy Đảng của Chi cục. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự mở rộng. - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho chức danh đề nghị bổ nhiệm trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (lần 2) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, người lao động của Chi cục Thi hành án dân sự - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự được tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự giới thiệu và ý kiến của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm (nếu có) và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu; lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, viên chức, người lao động về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (lần 3). - Thành phần: Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỉ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do thủ trưởng đơn vị giới thiệu. Chi cục Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; báo cáo tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét và có văn bản gửi cấp ủy cấp huyện cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Quyết định bổ nhiệm Cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác a) Đối với nhân sự do Chi cục Thi hành án dân sự đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Cục chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì Chi cục trưởng xem xét việc giới thiệu; lấy ý kiến của cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự; đồng thời báo cáo đầy đủ ý kiến khác nhau (nếu có) để tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét; có văn bản lấy ý kiến của cấp ủy cấp huyện đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 3: Cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Phòng Tổ chức cán bộ báo cáo tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; có văn bản lấy ý kiến của cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự và cấp ủy cấp huyện đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Cục Thi hành án dân sự hoàn thiện hồ sơ, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. Đối với trường hợp chưa giữ ngạch Chấp hành viên, Tổng cục Thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Bộ phụ trách ký quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên trước khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Cục trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.” 17. Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 40. Quy trình bổ nhiệm đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự 1. Xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của Chi cục Thi hành án dân sự, tập thể lãnh đạo và cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự họp, thảo luận, thống nhất và đề xuất Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự đề xuất Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm. 2. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (lần 1) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Chi cục, cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ. - Nội dung: Thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. b) Bước 2: Hội nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự mở rộng - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chi cục. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nguồn nhân sự, các công việc liên quan và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho một chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo (trường hợp có từ 02 vị trí bổ nhiệm trở lên thì chọn nhiều hơn số dự kiến bổ nhiệm ít nhất 01 người). Kết quả kiểm phiếu không công bố ở Hội nghị này. c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (lần 2) - Thành phần: Tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự. - Nội dung: Trên cơ sở xem xét kết quả giới thiệu nhân sự của Hội nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự mở rộng; căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của cán bộ, tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự tiến hành thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. - Nguyên tắc giới thiệu: Mỗi thành viên tham dự cuộc họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục mở rộng hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nguyên tắc lựa chọn: Thực hiện như bước 2. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, người lao động của Chi cục Thi hành án dân sự về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm - Thành phần: Toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Phòng Tổ chức cán bộ; đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ. - Nội dung: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách nhân sự được tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự giới thiệu và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu (nếu có); lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, viên chức, người lao động về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở hội nghị này. đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (lần 3) - Thành phần: Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ và đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương cùng tham dự hội nghị. - Chủ trì: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ. - Nội dung: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu ở các Hội nghị; xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có); biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này. - Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp có nhiều hơn 01 vị trí bổ nhiệm thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỉ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do thủ trưởng đơn vị giới thiệu. Chi cục Thi hành án dân sự đề nghị cấp ủy Chi cục Thi hành án dân sự cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; báo cáo tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét và có văn bản gửi cấp ủy cấp huyện cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. e) Quyết định bổ nhiệm Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. 3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác a) Đối với nhân sự do Chi cục Thi hành án dân sự đề xuất Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Lãnh đạo Cục chủ trì hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự để thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu giới thiệu là 50% thì Chi cục trưởng xem xét việc giới thiệu; đồng thời báo cáo đầy đủ ý kiến khác nhau (nếu có) để tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét, có văn bản lấy ý kiến của cấp ủy cấp huyện đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 3: Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. b) Đối với nhân sự do Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Bước 1: Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm về việc bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác để trao đổi và đề nghị có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm và nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của nhân sự dự kiến bổ nhiệm; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét, bỏ phiếu về nhân sự dự kiến bổ nhiệm; có văn bản lấy ý kiến của cấp ủy cấp huyện đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Bước 2: Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ký quyết định bổ nhiệm. Đối với trường hợp chưa giữ ngạch Chấp hành viên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự trình Lãnh đạo Bộ phụ trách ký quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên trước khi ký quyết định bổ nhiệm. Cục Thi hành án dân sự thực hiện điều động theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp nhận nhân sự bổ nhiệm. 4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này. 5. Cục trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.” 18. Điều 44 sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 44. Thời gian triển khai thủ tục bổ nhiệm lại Chậm nhất là 90 ngày tính đến ngày hết thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo theo quy định, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý công chức, viên chức phải thực hiện các quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại. Quyết định bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo phải được thực hiện trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm. Trường hợp vì lý do khách quan mà chưa thực hiện xong thì cấp có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”. 19. Điều 45 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 45. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại 1. Bước 1: Nhận xét, đánh giá tại đơn vị a) Đối với bổ nhiệm lại chức vụ Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị gồm tập thể lãnh đạo Tổng cục, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Mời đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp tham dự hội nghị. b) Đối với bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý khác, tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Thành phần: Toàn thể công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị. Mời đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc đại diện Phòng Tổ chức cán bộ tham dự hội nghị. Chủ trì: Lãnh đạo cấp trên quản lý trực tiếp (đối với cấp trưởng) hoặc Thủ trưởng đơn vị (đối với cấp phó) c) Tại hội nghị công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trình bày báo cáo tự nhận xét, đánh giá trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thành viên tham dự cuộc họp tham gia ý kiến và bỏ phiếu kín. 2. Bước 2: Thủ trưởng đơn vị nhận xét, đánh giá và đề xuất ý kiến về việc bổ nhiệm lại. Trường hợp nhân sự là cấp trưởng thì người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp nhận xét, đánh giá và đề xuất ý kiến về việc bổ nhiệm lại. Trường hợp bổ nhiệm lại Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thì Lãnh đạo Bộ phụ trách Tổng cục Thi hành án dân sự sau khi xin ý kiến Bộ trưởng tiến hành nhận xét, đánh giá và đề xuất về việc bổ nhiệm lại. 3. Bước 3: Tổ chức họp tập thể lãnh đạo đơn vị để nhận xét, đánh giá, trao đổi, cho ý kiến về việc bổ nhiệm lại và bỏ phiếu kín. Chủ trì: Lãnh đạo cấp trên quản lý trực tiếp (đối với cấp trưởng) hoặc Thủ trưởng đơn vị (đối với cấp phó). 4. Bước 4: Lấy ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ về việc bổ nhiệm lại. Đối với trường hợp nhân sự đạt từ 50% số phiếu đồng ý trở xuống ở bước 1 hoặc bước 3, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi lấy ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền về việc bổ nhiệm lại. 5. Bước 5: Quyết định bổ nhiệm lại Căn cứ vào kết quả thực hiện quy trình và ý kiến của cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ, đơn vị có nhân sự bổ nhiệm lại trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 6. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại gồm: a) Tờ trình đề nghị bổ nhiệm lại; b) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ của nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại và bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại; c) Các biên bản họp và biên bản kiểm phiếu (kèm Phiếu) trong quá trình thực hiện quy trình; d) Sơ yếu lý lịch của nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại (theo mẫu của Bộ Nội vụ); đ) Bản kê khai tài sản, thu nhập; e) Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến thời điểm gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại; g) Nhận xét của đại diện cấp ủy nơi cư trú về trách nhiệm công dân của công chức, viên chức và gia đình công chức, viên chức; h) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ đề nghị bổ nhiệm và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có). Trường hợp văn bằng do nước ngoài cấp phải có văn bản công nhận của Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo.” 20. Bổ sung điểm h khoản 1 Điều 63 như sau: “1. Hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật thi hành án dân sự bao gồm: h) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự đối với công chức đang công tác tại các cơ quan Thi hành án dân sự.” 21. Khoản 1 Điều 69 sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 69. Mẫu, nội dung Thẻ Chấp hành viên 1. Thẻ Chấp hành viên có chiều dài 86 mm, chiều rộng 54 mm, được sản xuất bằng chất liệu nhựa.” 22. Khoản 1 Điều 70 sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 70. Mẫu, nội dung Thẻ Thẩm tra viên thi hành án 1. Thẻ Thẩm tra viên có chiều dài 86 mm, chiều rộng 54 mm, được sản xuất bằng chất liệu nhựa.” 23. Khoản 3 Điều 83 sửa đổi, bổ sung như sau: “ Điều 83. Điều khoản chuyển tiếp 3. Kể từ ngày 07 tháng 5 năm 2020, nhân sự được xem xét bổ nhiệm lần đầu đối với chức vụ Vụ trưởng các vụ nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật còn phải đáp ứng điều kiện đã từng đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Đơn vị đặc thù, có điều kiện tiêu chuẩn riêng, do cấp có thẩm quyền quyết định.” 24. Sửa đổi, bổ sung Mẫu số 02/BNCB Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (ban hành kèm theo). Điều 2. Bỏ quy định tại điểm e khoản 2 Điều 7, khoản 6 Điều 43 của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự. Điều 3. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2019. 2. Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, các trường hợp đang hoặc đã thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự tiếp tục được thực hiện theo quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BTP cho đến khi có quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./. BỘ TRƯỞNG Lê Thành Long Mẫu số: 02/BNCB Đơn vị............ --------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ........, ngày... tháng... năm.... BIÊN BẢN HỘI NGHỊ (Sử dụng cho các Hội nghị) Các nội dung chủ yếu của Biên bản: I. Thành phần Hội nghị 1. Thành phần tham gia dự họp theo quy định: - Tổng số:.... người. - Số có mặt.... người, đạt tỷ lệ....%. - Số vắng mặt:... người, trong đó: + Có lý do:...... + Không có lý do:...... 2. Thành phần mời họp ................. II. Chủ trì Hội nghị ................. III. Thư ký Hội nghị ............... IV. Nội dung Hội nghị ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị (ghi tóm tắt từng ý kiến phát biểu): ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Người chủ trì kết luận Hội nghị. Hội nghị kết thúc vào giờ, ngày..... tháng.... năm... THƯ KÝ (Ký, ghi rõ họ tên) CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ (Ký tên, đóng dấu - nếu có)
{ "issuing_agency": "Bộ Tư pháp", "promulgation_date": "28/12/2018", "sign_number": "18/2018/TT-BTP", "signer": "Lê Thành Long", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-333-2016-TT-BTC-sua-doi-77-2014-TT-BTC-huong-dan-46-2014-ND-CP-thu-tien-thue-dat-338425.aspx
Thông tư 333/2016/TT-BTC sửa đổi 77/2014/TT-BTC hướng dẫn 46/2014/NĐ-CP thu tiền thuê đất mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 333/2016/TT-BTC Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 77/2014/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2014 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 46/2014/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THU TIỀN THUÊ ĐẤT, THUÊ MẶT NƯỚC Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013; Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư; Căn cứ Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Điều 1. Sửa đổi Khoản 3 Điều 3 “3. Xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuê a) Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm: - Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm là đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm do cơ quan tài chính xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. - Hệ số điều chỉnh giá đất, mức tỷ lệ phần trăm (%) để xác định giá khởi điểm là hệ số điều chỉnh giá đất, mức tỷ lệ phần trăm (%) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để xác định đơn giá thuê đất trong trường hợp cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá. Trường hợp thửa đất hoặc khu đất đấu giá thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất, mức tỷ lệ phần trăm (%) để xác định giá khởi điểm. - Trường hợp thời hạn thuê đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá nhỏ hơn thời hạn của loại đất có cùng mục đích sử dụng tại Bảng giá đất thì giá đất để xác định giá khởi điểm quy định tại Điểm này được xác định theo công thức sau: Giá đất để xác định giá khởi điểm = Giá đất tại Bảng giá đất (x) hệ số điều chỉnh giá đất x Thời hạn thuê đất Thời hạn của loại đất tại Bảng giá đất Thời hạn của loại đất tại Bảng giá đất theo quy định của Chính phủ về giá đất và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). - Việc thông báo đơn giá thuê đất trúng đấu giá và số tiền thuê đất phải nộp thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất. b) Trường hợp đấu giá thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê: - Trường hợp diện tích tính thu tiền thuê đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại thì giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể của thời hạn thuê đất do cơ quan tài chính xác định trên cơ sở giá đất có cùng mục đích sử dụng tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Việc điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm; xác định giá khởi điểm trong trường hợp thời hạn thuê đất nhỏ hơn thời hạn của loại đất có cùng mục đích sử dụng trong Bảng giá đất; thông báo giá trúng đấu giá và thu nộp tiền trúng đấu giá được thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này. - Trường hợp diện tích tính thu tiền thuê đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại thì giá khởi điểm là giá đất cụ thể của thời hạn thuê đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, chuyển cho Hội đồng thẩm định giá đất của địa phương do Sở Tài chính làm Thường trực Hội đồng để tổ chức thẩm định. Việc thẩm định giá đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thẩm định dự thảo bảng giá đất của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất. c) Trường hợp đấu giá thuê đất xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) thì giá khởi điểm được xác định bằng giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuê quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này nhân (x) với mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. d) Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuê đối với đất có mặt nước thuộc nhóm đất quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 được xác định như sau: - Đối với phần diện tích đất không có mặt nước, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này. - Đối với phần diện tích đất có mặt nước, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này nhân (x) với mức thu cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền hoặc phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuê. e) Đối với các hồ sơ đề nghị xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuê đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày 15 tháng 11 năm 2016 (ngày Nghị định số 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì cơ quan đó tiếp tục chủ trì thực hiện.” Điều 2. Bổ sung Khoản 2a, Khoản 10, Khoản 11, Khoản 12 vào Điều 5 1. Bổ sung Khoản 2a như sau “2a. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà phải chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về nộp tiền thuê đất thì việc xử lý tiền nhận chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này”. 2. Bổ sung Khoản 10 như sau: “10. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho một số năm do được trừ số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ứng trước hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật, khi chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất còn lại và không thay đổi mục đích sử dụng đất thì số tiền thuê đất phải nộp được xác định như sau: a) Đơn giá thuê đất trả tiền một lần của thời gian thuê đất còn lại (sau khi trừ đi thời gian đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được trừ) được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê còn lại. b) Số tiền thuê đất phải nộp được tính bằng diện tích phải nộp tiền thuê đất nhân (x) với đơn giá thuê đất quy định tại Điểm a Khoản này.” 3. Bổ sung Khoản 11 như sau: “11. Trường hợp được gia hạn thời gian sử dụng đất theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, ngoài số tiền thuê đất phải nộp theo quy định, người sử dụng đất phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn như sau: a) Đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định đơn giá thuê đất theo quy định của pháp luật thì khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung được xác định bằng với số tiền thuê đất phải nộp một năm tính cho diện tích có thu tiền thuê đất nhân (x) với thời gian được gia hạn. b) Đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa xác định đơn giá thuê đất hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung được xác định bằng (=) giá đất có cùng mục đích quy định tại Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất nhân (x) với diện tích tính tiền thuê đất nhân (x) với thời gian được gia hạn tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất. c) Khoản tiền phải nộp bổ sung theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này thực hiện thu một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản gia hạn thời gian sử dụng đất. Trường hợp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và đưa đất vào sử dụng khi chưa hết thời gian được gia hạn thì số tiền đã nộp tương ứng với thời gian được gia hạn còn lại được xác định là khoản nộp thừa và được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc xác định thời điểm đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ thực hiện dự án thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan tài nguyên và môi trường. d) Cơ quan thuế căn cứ văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất để xác định và thông báo số tiền người sử dụng đất phải nộp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản gia hạn thời gian sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” 4. Bổ sung Khoản 12 như sau: “12. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà không thuộc đối tượng được gia hạn thời gian sử dụng đất hoặc thuộc đối tượng được gia hạn thời gian sử dụng đất nhưng không làm thủ tục để được gia hạn hoặc đã hết thời gian được gia hạn sử dụng đất theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 nhưng vẫn không đưa đất vào sử dụng và Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất; ngoài số tiền thuê đất phải nộp theo quy định, người sử dụng đất phải nộp bổ sung khoản tiền như sau: a) Trường hợp không thuộc đối tượng được gia hạn thời gian sử dụng đất hoặc thuộc đối tượng được gia hạn thời gian sử dụng đất nhưng không làm thủ tục để được gia hạn: - Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định đơn giá thuê đất theo quy định của pháp luật thì khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian không đưa đất vào sử dụng được xác định theo số tiền thuê đất phải nộp hàng năm. - Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa xác định đơn giá thuê đất hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian không đưa đất vào sử dụng được xác định theo số tiền thuê đất phải nộp hàng năm. Số tiền thuê đất phải nộp hàng năm được xác định bằng (=) giá đất có cùng mục đích sử dụng tại Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất nhân (x) với diện tích tính thu tiền thuê đất. - Thời gian không đưa đất vào sử dụng được tính từ thời điểm được Nhà nước cho thuê đất đến thời điểm Nhà nước có quyết định thu hồi đất sau khi trừ đi thời gian tương ứng với thời gian xây dựng cơ bản được miễn tối đa không quá 03 (ba) năm (đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014) và không quá 02 (hai) năm (đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau). b) Trường hợp được gia hạn thời gian sử dụng đất nhưng khi hết thời gian gia hạn Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất thì số tiền phải nộp bổ sung của thời gian không đưa đất vào sử dụng được xác định theo quy định tại Điểm a Khoản này. Thời gian không đưa đất vào sử dụng được xác định theo quy định tại Điểm a Khoản này trừ (-) đi thời gian gia hạn đã nộp tiền bổ sung theo quy định tại Khoản 11 Điều này. c) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có văn bản gửi cơ quan thuế về việc người sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất thì cơ quan thuế phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường xác định và thông báo khoản tiền phải nộp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này cùng với kỳ thông báo nộp tiền thuê đất hàng năm theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 Thông tư này cho đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai. d) Trường hợp người sử dụng đất có văn bản đề nghị trả lại đất theo quy định của pháp luật đất đai thì không phải nộp khoản tiền bổ sung quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được văn bản đề nghị trả lại đất đến thời điểm có quyết định thu hồi đất.” Điều 3. Bổ sung Khoản 4, Khoản 4a vào Điều 6 1. Bổ sung Khoản 4 như sau: “4. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho một số năm do được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ứng trước hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật, khi chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình trên đất gắn liền với đất thuê theo quy định của pháp luật thì người nhận chuyển nhượng được kế thừa và tiếp tục được trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại tương ứng với thời gian đã thực hiện quy đổi nhưng chưa được trừ hết vào số tiền thuê đất phải nộp.” 2. Bổ sung Khoản 4a vào Điều 6 như sau: “4a. Trường hợp dự án đầu tư (được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá theo quy định của Luật Đất đai năm 2013) có hình thức sử dụng đất hỗn hợp (giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất) mà nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì việc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được tính theo từng loại diện tích. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao đất không thu tiền sử dụng đất được phân bổ vào các phần diện tích đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo tỷ lệ diện tích của từng phần trong tổng diện tích phải thực hiện nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện khấu trừ theo quy định; số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại (nếu có) được tính vào vốn đầu tư của dự án. Không thực hiện phân bổ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định tại Khoản này vào tiền thuê đất của phần diện tích xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) hoặc của phần ngầm công trình xây dựng trên mặt đất mà có phần diện tích xây dựng công trình ngầm vượt ra ngoài phần diện tích đất trên bề mặt. Ví dụ: Dự án khu đô thị A có tổng diện tích đất là 100ha; trong đó: đất giao có thu tiền sử dụng đất là 50ha, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là 30ha, đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao đất không thu tiền sử dụng đất là 20ha. Tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án theo quy định là 1.000 tỷ đồng; số tiền sử dụng đất phải nộp của phần diện tích đất giao có thu tiền sử dụng đất là 800 tỷ đồng, số tiền thuê đất phải nộp một lần là 350 tỷ đồng. Việc phân bổ số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện khấu trừ cụ thể như sau: - Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tính cho 01ha đất của dự án là 1.000 tỷ đồng: 100ha = 10 tỷ đồng/ha; theo đó: + Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất được giao đất có thu tiền sử dụng đất: 10 tỷ đồng/ha x 50 ha = 500 tỷ đồng. + Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất được thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê: 10 tỷ đồng/ha x 30 ha = 300 tỷ đồng. + Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất sử dụng vào mục đích công cộng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất: 10 tỷ đồng/ha x 20 ha = 200 tỷ đồng. - Phân bổ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất sử dụng vào mục đích công cộng (200 tỷ đồng) vào các phần diện tích còn lại như sau: + Phân bổ cho diện tích giao đất có thu tiền sử dụng đất: 50ha x 200 tỷ đồng = 125 tỷ đồng (50ha+30ha) + Phân bổ cho diện tích cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: 30ha x 200 tỷ đồng = 75 tỷ đồng (50ha+30ha) - Việc khấu trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tương ứng với từng loại diện tích như sau: + Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án phân bổ cho phần diện tích đất tính thu tiền sử dụng đất và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp: 500 tỷ đồng + 125 tỷ đồng = 625tỷ đồng; số tiền sử dụng đất còn phải nộp: 800 tỷ đồng - 625 tỷ đồng = 175 tỷ đồng. + Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án phân bổ cho phần diện tích tính thu tiền thuê đất và được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp: 300 tỷ đồng + 75 tỷ đồng = 375 tỷ đồng. Do số tiền thuê đất phải nộp là 350 tỷ đồng nên chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án phân bổ cho phần diện tích tính thu tiền thuê đất còn lại chưa được khấu trừ hết là 25 tỷ đồng được tính vào vốn đầu tư của dự án.” Điều 4. Sửa đổi Khoản 2 và bổ sung Khoản 3 vào Điều 8 1. Sửa đổi Khoản 2 như sau: “2. Đối với các dự án thuê đất trước ngày Nghị định số 46/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà tại một trong ba loại giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư), Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, ban hành, ký kết có quy định đơn giá thuê đất và có ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất theo các quy định về đơn giá thuê đất của Bộ Tài chính tại một trong các Quyết định: Quyết định số 210A-TC/VP ngày 01 tháng 4 năm 1990, Quyết định số 1417/TC/TCĐN ngày 30 tháng 12 năm 1994, Quyết định số 179/1998/QĐ-BTC ngày 24 tháng 02 năm 1998, Quyết định số 189/2000/QĐ-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2000, Quyết định số 1357TC/QĐ-TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 thì việc điều chỉnh đơn giá thuê đất được thực hiện như sau: a) Đối với dự án đầu tư mà tại một trong ba loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư), Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, ban hành, ký kết có quy định đơn giá thuê đất và nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê theo các quy định về đơn giá cho thuê đất của Bộ Tài chính nêu trên hoặc đã thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư) hoặc thay đổi lại mẫu Hợp đồng thuê đất do quy định về thủ tục hành chính mà tại các giấy tờ được cấp đổi không còn nội dung ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất nhưng mục đích sử dụng đất không thay đổi; đến ngày Nghị định số 46/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành chưa thực hiện điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Thông tư này thì cơ quan thuế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất tương ứng với mỗi chu kỳ điều chỉnh theo nguyên tắc sau mỗi chu kỳ ổn định 5 năm tăng 15% so với chu kỳ trước đó. b) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm a nêu trên đã thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2010/NĐ-CP và không thay đổi mục đích sử dụng đất, khi đến các kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất tiếp theo thì cơ quan thuế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết mức điều chỉnh đơn giá thuê đất nhưng không vượt quá mức tỷ lệ (%) điều chỉnh đơn giá thuê đất đã được quy định tại một trong ba loại giấy tờ nêu trên so với đơn giá thuê đất đã được điều chỉnh của kỳ ổn định trước đó đến ngày 31 tháng 12 năm 2015. Việc điều chỉnh đơn giá thuê đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 thực hiện theo quy định tại Khoản 8 Điều 15 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP) và quy định tại Khoản 3 Điều này.” 2. Bổ sung Khoản 3 như sau: “3. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 mà đơn giá cho thuê đất xác định theo quy định tại một trong các Quyết định: Quyết định số 210A-TC/VP ngày 01 tháng 4 năm 1990, Quyết định số 1417/TC/TCĐN ngày 30 tháng 12 năm 1994, Quyết định số 179/1998/QĐ-BTC ngày 24 tháng 02 năm 1998, Quyết định số 189/2000/QĐ-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2000, Quyết định số 1357TC/QĐ-TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Bộ Tài chính nhưng tất cả ba loại giấy tờ là Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư), Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, ban hành, ký kết không ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất và đang sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đã ghi tại quyết định, hợp đồng cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc xác định và thu nộp tiền thuê đất cho thời hạn thuê đất còn lại (không bao gồm trường hợp đã được gia hạn thời gian thuê đất) được thực hiện như sau: a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015: Nộp tiền thuê đất hàng năm theo đơn giá thuê đất đã được xác định theo đúng quy định hoặc đã tạm tính theo chính sách và giá đất tại thời điểm ban hành Thông báo tạm nộp tiền thuê đất và thực hiện quyết toán số tiền thuê đất theo số đã xác định hoặc đã tạm nộp. Trường hợp đang tạm nộp tiền thuê đất theo chính sách và giá đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 hoặc chưa xác định lại đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP thì phải điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo quy định pháp luật từng thời kỳ để truy thu số tiền thuê đất phải nộp và không phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. b) Đơn giá thuê đất tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2016 được xác định trên cơ sở đơn giá thuê đất xác định tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2006 theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, số chu kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến ngày 01 tháng 01 năm 2016 là 02 chu kỳ, mức điều chỉnh đơn giá thuê đất của mỗi chu kỳ tăng 15% so với đơn giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó. Đơn giá thuê đất được ổn định 05 năm kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất của kỳ tiếp theo của thời gian thuê đất còn lại thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với đơn giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó. c) Trường hợp đơn giá thuê đất xác định tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2016 theo quy định tại Điểm b Khoản này cao hơn đơn giá thuê đất đã xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ thì người thuê đất có văn bản đề nghị cơ quan thuế tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm cho thời gian còn lại của chu kỳ ổn định theo đơn giá thuê đất đã được xác định. Khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất của kỳ tiếp theo của thời gian thuê đất còn lại thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với đơn giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó. d) Trường hợp đã điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 15 và khoản 2, Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và đang trong chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất mà đơn giá thuê đất thấp hơn đơn giá thuê đất xác định theo quy định tại Điểm b Khoản này thì người thuê đất tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm cho thời gian còn lại của chu kỳ ổn định theo đơn giá thuê đất đã được xác định. Khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất của kỳ tiếp theo của thời gian thuê đất còn lại thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với đơn giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó. đ) Trường hợp đã điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 15 và Khoản 2, Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và đang trong chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất mà đơn giá thuê đất cao hơn đơn giá thuê đất xác định theo quy định tại Điểm b Khoản này và cơ quan thuế đã ban hành Thông báo nộp tiền thuê đất của năm 2016, nếu người thuê đất có văn bản đề nghị thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo quy định tại Điểm b Khoản này cho thời gian còn lại của chu kỳ tính từ thời điểm cơ quan thuế nhận được văn bản của người thuê đất. Người thuê đất nộp tiền thuê đất của năm 2016 theo Thông báo của cơ quan thuế đã ban hành theo quy định. e) Trường hợp doanh nghiệp thuê đất đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp được kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ về đất đai trong đó bao gồm cả thời hạn thuê đất còn lại và không thay đổi mục đích sử dụng đất trước ngày Nghị định số 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì việc xác định và thu nộp tiền thuê đất cho thời gian thuê đất còn lại tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản này.” Điều 5. Sửa đổi Khoản 4, Khoản 5 và bổ sung Khoản 8 vào Điều 12 1. Sửa đổi Khoản 4 như sau: “4. Dự án đang hoạt động và đang thực hiện nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước hàng năm trước ngày Nghị định số 46/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; nay thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Nghị định số 46/2014/NĐ-CP thì được thực hiện miễn, giảm cho thời gian ưu đãi còn lại (nếu còn) theo đề nghị của chủ đầu tư tính từ thời điểm nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.” 2. Sửa đổi Khoản 5 như sau: “5. Người được Nhà nước cho thuê đất chỉ được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất sau khi làm các thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất; cụ thể như sau: a) Trường hợp thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất nhưng người được Nhà nước cho thuê đất không làm thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất thì phải nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp chậm làm thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất thì khoảng thời gian chậm làm thủ tục không được miễn, giảm tiền thuê đất. b) Trường hợp khi nộp hồ sơ xin miễn, giảm tiền thuê đất đã hết thời gian được miễn, giảm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP thì không được miễn, giảm tiền thuê đất; nếu đang trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất thì chỉ được miễn, giảm tiền thuê đất cho thời gian ưu đãi còn lại tính từ thời điểm nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin miễn, giảm tiền thuê đất; trừ các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này. c) Trường hợp thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất không gắn với dự án đầu tư và thuê đất mới quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP) và nộp đủ hồ sơ hợp lệ trước ngày 01 tháng 7 năm 2017 thì thời điểm được miễn, giảm tiền thuê đất được xác định như sau: - Tính từ thời điểm phải chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. - Tính từ thời điểm bắt đầu được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. - Tính từ thời điểm phải nộp tiền thuê đất đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. - Tính từ thời điểm quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. Trường hợp các đối tượng nêu trên nộp đủ hồ sơ hợp lệ từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 trở đi thì chỉ được miễn, giảm tiền thuê đất cho thời gian ưu đãi còn lại (nếu còn).” 3. Bổ sung Khoản 8 như sau: “8. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng phải tạm ngừng hoạt động dự án từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 (ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) trở về sau do các nguyên nhân bất khả kháng quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ hoặc quy định của pháp luật đầu tư thì được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do nguyên nhân bất khả kháng gây ra như sau: a) Thời gian được miễn tiền thuê đất là thời gian tạm ngừng hoạt động theo xác nhận của cơ quan đăng ký đầu tư. b) Số tiền thuê đất được miễn được xác định bằng với số tiền thuê đất phải nộp nếu không bị ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng tương ứng với thời gian tạm ngừng hoạt động. c) Căn cứ hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường và các cơ quan liên quan (trong trường hợp cần thiết) thực hiện kiểm tra, xác định cụ thể thời gian tạm ngừng hoạt động để ban hành quyết định miễn tiền thuê đất theo thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP.” Điều 6. Bổ sung Điều 12a “Điều 12a. Miễn, giảm tiền thuê đất đối với một số trường hợp 1. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trước ngày 27 tháng 12 năm 2015 thuộc đối tượng được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP nhưng nay không thuộc danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc được hưởng mức ưu đãi thấp hơn theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật trước ngày 27 tháng 12 năm 2015 cho thời gian ưu đãi còn lại (nếu còn). 2. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trước ngày 27 tháng 12 năm 2015 không thuộc đối tượng được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP nhưng nay thuộc danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP cho thời gian ưu đãi còn lại (nếu còn) tính từ thời điểm nộp đủ hồ sơ đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định. Quy định này không áp dụng đối với dự án quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2014 được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 (ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành). 3. Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên (trừ dự án kinh doanh nhà ở thương mại; dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ sản xuất ô tô) và các dự án khác không thuộc đối tượng được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật đất đai) nếu thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư thì được miễn tiền thuê đất cụ thể như sau: a) Mức miễn tiền thuê đất là 11 năm nếu không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 15 năm nếu thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; toàn bộ thời gian thuê đất nếu thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. b) Thời gian miễn tiền thuê đất tính từ thời điểm cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị được miễn tiền thuê đất của chủ đầu tư. Số tiền thuê đất được miễn được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Chủ đầu tư phải nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật sau thời gian được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị được miễn tiền thuê đất. c) Cơ quan thuế xác định và ban hành Quyết định miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư không được hạch toán số tiền thuê đất được miễn vào chi phí sản xuất kinh doanh. d) Trường hợp thời điểm vốn đầu tư giải ngân đủ 6.000 tỷ đồng đã quá 03 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì không áp dụng miễn tiền thuê đất theo quy định tại Khoản này. đ) Trường hợp khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra phát hiện dự án không đáp ứng đủ các điều kiện để được miễn tiền thuê đất theo quy định thi chủ đầu tư phải thực hiện hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, số tiền thuê đất đã được miễn phải hoàn trả được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cơ quan thuế ban hành Quyết định miễn tiền thuê đất. 4. Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động (bình quân trong năm) trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng) tính từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động (trừ dự án kinh doanh nhà ở thương mại, dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ sản xuất ô tô) và các dự án khác không thuộc đối tượng được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật đất đai) được miễn tiền thuê đất cụ thể như sau: a) Trường hợp chủ đầu tư có văn bản đề nghị được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn thi việc miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. b) Trường hợp chủ đầu tư có văn bản đề nghị được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư thì được miễn tiền thuê đất 7 năm nếu không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 11 năm nếu thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 15 năm nếu thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Thời gian miễn tiền thuê đất tính từ thời điểm cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị được miễn tiền thuê đất của chủ đầu tư. Số tiền thuê đất được miễn được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Cơ quan thuế xác định và ban hành Quyết định miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư không được hạch toán số tiền thuê đất được miễn vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. c) Trường hợp khi thực hiện thanh tra, kiểm tra mà dự án không đáp ứng đủ điều kiện sử dụng từ 500 lao động trở lên thì chủ đầu tư không được miễn tiền thuê đất trong thời gian ưu đãi còn lại (nếu còn). Chủ đầu tư phải hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn trong thời gian sử dụng không đủ 500 lao động và nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền đã được miễn theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, số tiền thuê đất đã được miễn phải hoàn trả được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cơ quan thuế ban hành Quyết định miễn tiền thuê đất. d) Đối với dự án đầu tư có sử dụng 500 lao động trở lên và đầu tư tại địa bàn bao gồm cả vùng nông thôn và vùng không phải nông thôn thì mức ưu đãi miễn tiền thuê đất được thực hiện theo chính sách áp dụng đối với phần diện tích có tỷ lệ lớn nhất. 5. Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn tiền thuê đất trong cả thời hạn thuê đất đối với đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các điều kiện liên quan đối với hoạt động khoa học công nghệ (nếu có) bao gồm: Đất xây dựng phòng thí nghiệm, đất xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đất xây dựng cơ sở thực nghiệm, đất xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm. 6. Nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất được miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo các mức quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP). Trường hợp khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất nằm trên phạm vi nhiều huyện mà có mức ưu đãi khác nhau thì nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng được hưởng mức ưu đãi theo địa bàn ưu đãi đầu tư có tỷ lệ diện tích đất lớn nhất. 7. Dự án đầu tư được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thuê theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP). Trường hợp chủ đầu tư thuê lại đất trong Khu công nghiệp của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng để thực hiện Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì việc miễn tiền thuê đất (chủ đầu tư không được tính chi phí về tiền thuê đất vào giá cho thuê nhà) quy định như sau: a) Chủ đầu tư thuê lại đất được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thuê lại đất. Thời gian thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư không vượt quá thời hạn thuê đất của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. b) Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư dự án và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kèm theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, cơ quan thuế thực hiện miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng tương ứng với diện tích đất thực hiện dự án và thời gian cho thuê lại đất. Số tiền thuê đất được miễn xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chủ đầu tư dự án có văn bản đề nghị được miễn tiền thuê đất. c) Trường hợp tiến độ thực hiện dự án chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư hoặc không triển khai đầu tư xây dựng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp không được miễn tiền thuê đất đối với thời gian thuê đất còn lại và bị truy thu số tiền thuê đất đã được miễn cộng với một khoản tương đương với tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc xử lý tiền thuê lại đất giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự”. Điều 7. Sửa đổi Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 16 1. Sửa đổi Điểm a Khoản 1 như sau: “a) Đối với trường hợp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, số tiền thuê đất, thuê mặt nước hàng năm phải nộp sau khi đã hết thời gian được miễn tiền thuê đất và thời gian được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm do được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc được trừ tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định được xác định như sau: Tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp 01 năm = Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước 01 năm x Diện tích phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước Trong đó: - Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm bắt đầu phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước. Thời điểm bắt đầu phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước là thời điểm sau khi đã hết thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật và thời gian được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm do được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc được trừ tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phương thức quy đổi ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định. Chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất, thuê mặt nước (05 năm) được tính từ thời điểm phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong thời gian được miễn tiền thuê đất và được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm thì không thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất. - Trường hợp tổng thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật và thời gian được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm do được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc được trừ tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhỏ hơn thời gian của chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất (05 năm) đầu tiên thì đơn giá thuê đất tính thu tiền thuê đất cho thời gian còn lại của chu kỳ là đơn giá thuê đất xác định tại thời điểm có Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Trường hợp sau khi trừ đi thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật và thời gian được xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về nộp tiền thuê đất do được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc được trừ tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định mà thời gian thực tế phải nộp tiền thuê đất còn lại của thời hạn thuê đất nhỏ hơn 05 năm và người được Nhà nước cho thuê đất có nguyện vọng được nộp trước tiền thuê đất cho thời gian này thì cơ quan thuế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Giá đất tính thu tiền thuê đất được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận cho phép nộp trước tiền thuê đất cho thời gian thực tế phải nộp tiền thuê đất còn lại. Người thuê đất có quyền về đất đai tương ứng đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.” 2. Sửa đổi Khoản 2 như sau: “2. Trường hợp nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước một lần cho cả thời gian thuê a) Đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá mà giá đất tính thu tiền thuê đất được xác định theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP thì số tiền thuê đất phải nộp được xác định như sau: Số tiền thuê đất phải nộp = Giá đất tính thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê x Diện tích phải nộp tiền thuê đất - Số tiền thuê đất được miễn - Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ theo quy định của pháp luật (nếu có) Trong đó: Số tiền thuê đất được miễn = Giá đất tính thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê x Số năm được miễn tiền thuê đất (bao gồm cả miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản) x Diện tích phải nộp tiền thuê đất Thời hạn thuê đất b) Đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá mà giá đất tính thu tiền thuê đất được xác định theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP: Số tiền thuê đất phải nộp = Giá đất tại Bảng giá đất x Thời gian thực tế phải nộp tiền thuê đất x Hệ số điều chỉnh giá đất x Diện tích phải nộp tiền đất thuê đất - Tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được khấu trừ theo quy định (nếu có) Thời hạn của loại đất tại Bảng giá đất Trong đó, thời gian thực tế phải nộp tiền thuê đất được xác định bằng thời gian được Nhà nước cho thuê đất trừ (-) đi thời gian được miễn tiền thuê đất (bao gồm cả thời gian xây dựng cơ bản được miễn) theo quy định của pháp luật.” Điều 8. Bổ sung Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10, Khoản 11, Khoản 12, Khoản 13, Khoản 14, Khoản 15 vào Điều 17 1. Bổ sung Khoản 7 như sau: “7. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 nhưng thời điểm bàn giao đất thực tế từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì đơn giá thuê đất được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm được bàn giao đất thực tế. Trường hợp đã sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có Quyết định cho thuê đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau và chưa nộp tiền thuê đất cho thời gian đã sử dụng đất thì cơ quan thuế thực hiện truy thu tiền thuê đất theo chính sách và giá đất phù hợp với từng thời kỳ tính từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất đến thời điểm có Quyết định cho thuê đất. Việc xác định và thu nộp tiền thuê đất kể từ thời điểm có Quyết định cho thuê đất trở về sau được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP.” 2. Bổ sung Khoản 8 như sau: “8. Trường hợp nhà đầu tư thực hiện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 mà số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và cho khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp nhưng chưa được trừ theo quy định và chưa tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh thì tiếp tục được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê) hoặc được quy đổi ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm theo đơn giá thuê đất được xác định tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2015 theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm).” 3. Bổ sung Khoản 9 như sau: “9. Trường hợp nhà đầu tư thực hiện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 nhưng được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và cho khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp nhưng chưa được trừ theo quy định và chưa tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh thì tiếp tục được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê) hoặc được quy đổi ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm theo đơn giá thuê đất được xác định tại thời điểm có Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm).” 4. Bổ sung Khoản 10 như sau: “10. Trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà số tiền tự thỏa thuận được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và cho khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp nhưng chưa được trừ theo quy định và chưa tính vào chi phí sản xuất kinh doanh thì tiếp tục được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê) hoặc được quy đổi ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm theo đơn giá thuê đất được xác định tại thời điểm có Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm), số tiền tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ không vượt quá số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ theo quy định vào tiền thuê đất phải nộp khi Nhà nước thu hồi đất. Cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường và các cơ quan khác có liên quan (nếu cần) xác định số tiền tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền thuê đất phải nộp và số tiền bồi thường, hỗ trợ được trừ khi Nhà nước thu hồi đất tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng.” 5. Bổ sung Khoản 11 như sau: “11. Trường hợp dự án đầu tư (được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá theo quy định của Luật Đất đai năm 2003) có hình thức sử dụng đất hỗn hợp (giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất) mà nhà đầu ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ ngày 01 tháng 10 năm 2009 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ nhưng chưa được khấu trừ và chưa tính vào chi phí sản xuất kinh doanh thì được khấu trừ theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP) và Khoản 4a Điều 6 Thông tư này.” 6. Bổ sung Khoản 12 như sau: “12. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 và đang trong thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005, Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 thì không thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất khi đến kỳ điều chỉnh cho đến hết thời gian được miễn tiền thuê đất kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất, thuê mặt nước được tính từ thời điểm phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước. Thời điểm bắt đầu phải nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước là thời điểm sau khi đã hết thời gian được miễn tiền thuê đất (bao gồm cả thời gian xây dựng cơ bản được miễn theo quy định) và thời gian được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm do được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phương thức quy đổi ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định”. 7. Bổ sung Khoản 13 như sau: “13. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản được thực hiện như sau: a) Trường hợp dự án được Nhà nước cho thuê đất, đã nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo quy định và cơ quan thuế đã ban hành Thông báo tạm miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (một lần cho nhiều năm) theo quy định pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, khi hoạt động xây dựng cơ bản kết thúc thì người thuê đất hoàn tất thủ tục theo quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính để quyết toán số tiền thuê đất được miễn nhưng thời gian miễn tối đa không vượt quá thời gian đã được tạm miễn. Trường hợp Thông báo tạm miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản thực hiện theo từng năm thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định cụ thể thời gian được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có Quyết định thuê đất hoặc thời điểm được bàn giao đất thực tế nếu thời điểm bàn giao đất thực tế không đúng với thời điểm có quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. b) Trường hợp dự án được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định cụ thể thời gian được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có Quyết định thuê đất hoặc thời điểm được bàn giao đất. Người thuê đất phải nộp hồ sơ trong thời hạn quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP (Khoản 16 Điều 31 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP). Trường hợp đã nộp tiền thuê đất trong khoảng thời gian được miễn tiền thuê đất thì được trừ vào số tiền thuê đất phải nộp của những năm tiếp theo theo phương thức bảo toàn thời gian tương ứng hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất tính từ thời điểm cơ quan thuế ban hành quyết định về miễn tiền thuê đất. c) Trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất đã nộp hồ sơ đề nghị được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo quy định từ ngày 30 tháng 6 năm 2016 đến trước ngày 15 tháng 11 năm 2016 nhưng chưa được giải quyết thì cơ quan thuế căn cứ vào hồ sơ mà người thuê đất đã nộp để xác định thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.” 8. Bổ sung Khoản 14 như sau: “14. Miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật về đầu tư (không bao gồm hoạt động khai thác khoáng sản) đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 được thực hiện như sau: a) Trường hợp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư có ghi cụ thể mức miễn, giảm tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm cấp nhưng chưa làm thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất thì được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định tại Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sau khi nộp đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê trong thời hạn quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP (Khoản 17 Điều 31 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP). Trường hợp đã nộp tiền thuê đất theo Thông báo của cơ quan thuế trong khoảng thời gian được ưu đãi về tiền thuê đất quy định tại Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép đầu tư thì số tiền đã nộp được trừ vào số tiền thuê đất phải nộp của những năm tiếp theo theo phương thức bảo toàn thời gian tương ứng hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất tính từ thời điểm cơ quan thuế ban hành quyết định về miễn tiền thuê đất. b) Trường hợp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư không ghi mức miễn, giảm tiền thuê đất hoặc ghi nguyên tắc là được hưởng ưu đãi tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc không thuộc trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư nhưng thuộc đối tượng, đáp ứng đủ các điều kiện để được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định pháp luật tại thời điểm được Nhà nước cho thuê đất nhưng nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định pháp luật tại thời điểm được Nhà nước cho thuê đất. Việc nộp hồ sơ và thời hạn giải quyết việc miễn, giảm tiền thuê đất thực hiện như đối với trường hợp tại Điểm a Khoản này. c) Trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất đã nộp hồ sơ đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật về đầu tư từ ngày 30 tháng 6 năm 2016 đến trước ngày 15 tháng 11 năm 2016 nhưng chưa được giải quyết thì cơ quan thuế căn cứ vào hồ sơ mà người thuê đất đã nộp để xác định thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.” 9. Bổ sung Khoản 15 như sau: “15. Miễn, giảm tiền thuê đất đối với hoạt động khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thực hiện như sau: a) Đối với dự án khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đất, đã bàn giao đất thực tế và nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm được Nhà nước cho thuê đất. b) Đối với dự án khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đất, đã bàn giao đất thực tế trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau và trong thời hạn quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP (Khoản 16, Khoản 17 Điều 31 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP) thì được miễn, giảm tiền thuê đất như đối với trường hợp tại Điểm a Khoản này. Trường hợp quá thời hạn nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP người sử dụng đất mới nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất thì chỉ được miễn, giảm cho thời gian miễn, giảm tiền thuê đất còn lại (nếu có). c) Đối với dự án khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng được bàn giao đất thực tế và nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì không được miễn, giảm tiền thuê đất. d) Đối với dự án khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đất mà có các phần diện tích được bàn giao thực tế trước và từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì việc ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện tương ứng với từng phần diện tích bàn giao đất thực tế theo quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản này.” Điều 9. Bổ sung Khoản 4 vào Điều 18 “4. Việc xử lý tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm cả trường hợp tự thỏa thuận bồi thường hoặc tự nhận chuyển nhượng) mà người sử dụng đất đã chi trả theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 quy định tại Khoản 6 Điều 32 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP): a) Cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường và các cơ quan khác có liên quan (nếu cần) căn cứ vào phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo giá đất của mục đích nhận chuyển nhượng quy định tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm nhận chuyển nhượng (đối với trường hợp tự thỏa thuận, nhận chuyển nhượng) để xác định số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng (không bao gồm tài sản gắn liền với đất) được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. b) Số tiền được khấu trừ quy định tại Điểm a Khoản này được xác định như sau: - Trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, số tiền được trừ vào tiền thuê đất phải nộp quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 32 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP xác định bằng số tiền được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chia (:) cho thời hạn thuê đất nhân (x) với thời gian thuê đất còn lại tính từ thời điểm ngày Nghị định số 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. - Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, thời gian được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 32 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP xác định bằng số tiền được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chia (:) cho thời hạn thuê đất nhân (x) với thời gian thuê đất còn lại tính từ thời điểm ngày Nghị định số 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sau đó chia (:) cho số tiền thuê đất phải nộp hàng năm được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2016 và do cơ quan thuế thực hiện. - Trường hợp chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, số tiền được trừ vào tiền thuê đất phải nộp quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 32 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP xác định bằng số tiền được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chia (:) cho thời hạn thuê đất nhân (x) với thời gian sử dụng đất còn lại tính từ thời điểm chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trường hợp chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày Nghị định số 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thời gian sử dụng đất còn lại tính từ ngày 15 tháng 11 năm 2016”. Điều 10. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2017. 2. Sửa đổi tên “Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất” thành “Văn phòng đăng ký đất đai” tại Mẫu số 01 - Thông báo về việc nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước ban hành kèm theo Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - HĐND, UBND, Sở TC, Cục thuế, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Công báo; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); - Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản; - Các đơn vị thuộc Bộ; - Lưu: VT, QLCS. (460) KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Hữu Chí
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "26/12/2016", "sign_number": "333/2016/TT-BTC", "signer": "Nguyễn Hữu Chí", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-278-2017-TT-BQP-Quy-chuan-QCVN-03-2017-BQP-Quy-chuan-huy-dot-dan-sung-367327.aspx
Thông tư 278/2017/TT-BQP Quy chuẩn QCVN 03:2017/BQP Quy chuẩn hủy đốt đạn súng mới nhất
BỘ QUỐC PHÒNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 278/2017/TT-BQP Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2017 THÔNG TƯ BAN HÀNH QUY CHUẨN QCVN 03:2017/BQP, QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỦY ĐỐT ĐẠN SÚNG, NGÒI ĐẠN VÀ HỎA CỤ Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Nghị định số 127/20077NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn QCVN 03:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng: QCVN 03:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2017 và được áp dụng thống nhất trong toàn quân. Điều 3. Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Bế Xuân Trường QCVN 03:2017/BQP QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỦY ĐỐT ĐẠN SÚNG, NGÒI ĐẠN VÀ HỎA CỤ National Technical regulation on firing destruction of small arm, fuze and pyrotechnic ignition devices Lời nói đầu QCVN 03:2017/BQP do Cục Quân khí/Tổng cục Kỹ thuật soạn thảo, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng/Bộ Quốc phòng trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 278/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỦY ĐỐT ĐẠN SÚNG, NGÒI ĐẠN VÀ HỎA CỤ National Technical regulation on firing destruction of small arm, fuze and pyrotechnic ignition devices 1 QUY ĐỊNH CHUNG 1.1 Phạm vi điều chỉnh Quy chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn và kỹ thuật trong quá trình hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ. 1.2 Đối tượng áp dụng Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ tại Việt Nam. 1.3 Giải thích từ ngữ Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1.3.1 Đạn súng là đạn có cỡ nhỏ hơn 20 mm. 1.3.2 Ngòi đạn là thiết bị được lắp trên đầu đạn (phần chiến đấu của đạn) để sau khi bắn sẽ gây nổ (hoặc gây cháy) lượng thuốc nhồi trong đầu đạn ở một điểm trên quỹ đạo hoặc khi đầu đạn va chạm vào chướng ngại vật, đảm bảo tác dụng lớn nhất của đầu đạn đối với mục tiêu. 1.3.3 Hỏa cụ là phương tiện (dụng cụ) dùng để gây cháy (hoặc nổ), gồm: Bộ lửa; dây nổ; dây cháy chậm; nụ xùy, kíp nổ (ống nổ); các loại hạt lửa; các liều thuốc hỏa thuật. 1.3.4 Hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ (sau đây gọi tắt là hủy đốt đạn dược) trong phạm vi áp dụng quy chuẩn này: Là quá trình xử lý đạn dược bằng phương pháp đốt nhằm phá hủy hoàn toàn tính năng đạn dược cần xử lý theo quy trình công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các phương pháp hủy đốt bao gồm: Hủy đốt bằng thiết bị hủy đốt chuyên dụng và hủy đốt bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy hoặc trên bãi hủy đốt ngoài trời). 1.3.5 Thiết bị hủy đốt đạn súng, ngòi đạn (sau đây gọi tắt là thiết bị hủy đốt): Là thiết bị chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ hủy đốt đạn súng và hủy đốt ngòi đạn, bao gồm: Thiết bị (lò) hủy đốt đạn súng và thiết bị hủy đốt ngòi đạn. 1.3.6 Số lượng, khối lượng đạn dược trong một lần hủy đốt bằng thiết bị: Là số lượng, khối lượng đạn dược được tính từ thời điểm bắt đầu hủy đốt đến thời điểm lấy xỉ (phế liệu) ra khỏi thiết bị hủy đốt. 1.3.7 Khu vực hủy đốt đạn dược (sau đây gọi tắt là khu vực hủy): Là khu vực ngoài trời được phép dùng để hủy đốt đạn dược, gồm: Bãi hủy và các công trình xung quanh bãi hủy. 1.3.8 Bảo quản, vận chuyển đạn dược hủy đốt: Là hoạt động cất giữ đạn dược tại khu vực hủy và trong quá trình vận chuyển từ vị trí tập kết đến bãi hủy. 1.3.9 Bãi hủy: Là khu vực dùng để hủy đốt đạn dược. 1.3.10 Khu vực cảnh giới: Là khu vực mà những sản phẩm cháy (nổ) sinh ra khi hủy đốt đạn dược còn đủ khả năng gây tác hại đến người, các công trình và phương tiện. 1.3.11 Vị trí an toàn: Là các vị trí bên trong các công trình nêu tại Bảng 3 quy chuẩn này và nằm ngoài khu vực cảnh giới. 1.4 Tài liệu viện dẫn QCVN 02:2016/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hủy đốt thuốc phóng, đạn dược. 2 QUY ĐỊNH AN TOÀN, KỸ THUẬT 2.1 Yêu cầu chung 2.1.1 Các loại đạn dược được phép hủy đốt: - Các loại đạn dược để rời cấp 5 và có quyết định hủy đốt của cấp có thẩm quyền; - Các loại đạn dược không còn nằm trong trang bị quân sự và dự trữ quốc phòng hoặc không còn giá trị sử dụng. 2.1.2 Các loại đạn dược không được phép hủy đốt: Là các loại đạn dược do cấp có thẩm quyền quy định không được phép hủy đốt. 2.1.3 Trước khi hủy đốt đạn dược, đơn vị, tổ chức phải thực hiện các nội dung: 2.1.3.1 Lập phương án, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; 2.1.3.2 Thông báo bằng văn bản gửi đến chính quyền địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn xung quanh khu vực hủy đốt đạn dược biết được kế hoạch hủy đốt đạn dược của đơn vị. Trong quá trình thực hiện không cho người và gia súc đi vào khu vực hủy đốt đạn dược; 2.1.3.3 Tổ chức chuẩn bị khu vực hủy đốt đạn dược theo quy định tại 2.3.2; 2.1.3.4 Chuẩn bị lực lượng và phương tiện hủy đốt đạn dược: - Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược là những người được đào tạo theo đúng chuyên ngành, gồm: Người chỉ huy; nhân viên hủy đốt; nhân viên an toàn; nhân viên kỹ thuật; nhân viên y tế; lực lượng cảnh giới; lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại 2.2.4.3; - Phương tiện, dụng cụ phục vụ hủy đốt đạn dược gồm: Thiết bị hủy đốt đạn dược; phương tiện mồi cháy; bảo hộ lao động; phương tiện vận chuyển; phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phương tiện đo nhiệt độ; phương tiện hỗ trợ y tế. Các phương tiện theo quy định tại 2.2.4.4. 2.1.4 Đạn dược vận chuyển đến vị trí tập kết chờ hủy phải được bao gói trong hòm có nắp đậy, khối lượng đạn dược và hòm không quá 20 kg. Khối lượng đạn dược vận chuyển đến vị trí tập kết phải đảm bảo hủy đốt hết trong một ngày. 2.1.5 Trong quá trình thực hiện hủy đốt đạn dược phải tuân thủ các quy định an toàn theo 2.2, các tín hiệu, ký hiệu hiệp đồng theo quy định tại 2.3.3. 2.1.6 Phương pháp hủy đốt đạn dược: - Hủy đốt đạn súng: Bằng thiết bị (lò) hủy đốt đạn súng hoặc bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy); - Hủy đốt ngòi đạn: Bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn hoặc hủy đốt bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy); - Hủy đốt hỏa cụ: + Hủy đốt bộ lửa, dây cháy chậm, nụ xùy, kíp nổ (ống nổ), các loại hạt lửa, các liều thuốc hỏa thuật: Bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy); + Hủy đốt dây nổ: Bằng phương pháp thủ công (hủy đốt ở bãi hủy ngoài trời). 2.1.7 Quá trình hủy đốt đạn dược: - Hủy đốt đạn súng: Bằng thiết bị hủy đốt đạn súng theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.1, Phụ lục A; bằng phương pháp thủ công theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.2, Phụ lục A; - Hủy đốt ngòi đạn: Bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.3, Phụ lục A; bằng phương pháp thủ công theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.2, Phụ lục A; - Hủy đốt hỏa cụ, không bao gồm dây nổ, theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A2, Phụ lục A; - Hủy đốt dây nổ theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A4, Phụ lục A. 2.2 Quy định an toàn 2.2.1 Trước khi triển khai thực hiện các nội dung hủy đốt đạn dược, lực lượng tham gia phải được phổ biến kế hoạch và huấn luyện các quy trình, quy định, quy tắc an toàn. 2.2.2 Quá trình hủy đốt đạn dược thực hiện đúng theo phương án, quy trình công nghệ và kế hoạch được phê duyệt. 2.2.3 Trong quá trình tổ chức thực hiện nghiêm cấm tự động thay đổi quy trình. Khi cần thay đổi một số bước trong quy trình phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền. 2.2.4 Thực hiện hủy đốt đạn dược 2.2.4.1 Chuẩn bị bãi hủy theo quy định tại 2.3.2.3; 2.2.4.2 Khối lượng đạn dược hủy đốt: - Khối lượng đạn súng hủy đốt tối đa trong một lần bằng thiết bị hủy đốt đạn súng: 1 200 kg; - Số lượng ngòi đạn hủy đốt tối đa trong một lần bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn: Theo Bảng 1. Bảng 1 - Quy định số lượng ngòi đạn hủy đốt trong một lần bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn Nhóm Loại ngòi đạn Đơn vị tính Số lượng lớn nhất 1 Họ ngòi đạn pháo cỡ: 20 mm đến 30 mm Cái 650 2 Họ ngòi đạn cao xạ cỡ: 37 mm; 57 mm Cái 600 3 Họ ngòi đạn cao xạ cỡ: 85 mm; 100 mm Cái 70 4 Họ ngòi đạn cối cỡ: 60 mm; 82 mm Cái 600 5 Họ ngòi đạn cối cỡ: 100 mm; 120 mm; 160 mm Cái 500 6 Họ ngòi đạn ĐKZ cỡ: 75 mm; 82 mm Cái 400 7 Họ ngòi đạn pháo mặt đất, tác dụng: Nổ phá, nổ phá sát thương; sát thương Cái 400 8 Họ ngòi đạn và ngòi châm lửa hẹn giờ bằng thuốc cháy Cái 300 9 Họ ngòi đạn pháo phản lực Cái 70 10 Họ ngòi đạn lắp cho các loại đạn hệ II Cái 70 - Khối lượng tối đa cho một lần hủy đốt đạn dược bằng phương pháp thủ công: Theo Bảng 2. Bảng 2 - Quy định khối lượng tối đa cho một lần hủy đốt đạn dược bằng phương pháp thủ công Nhóm Loại đạn dược Đơn vị tính Khối lượng lớn nhất 1 Đạn súng các loại kg 200 2 Ngòi đạn kg 50 3 Hỏa cụ 3.1 Bộ lửa, nụ xùy, kíp nổ (ống nổ), các loại hạt lửa, các liều thuốc hỏa thuật kg 50 3.2 Dây cháy chậm, dây nổ kg 100 2.2.4.3 Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược: - Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược: Phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ bằng văn bản; chỉ thực hiện nhiệm vụ được phân công theo phương án đã được phê duyệt; chấp hành nghiêm kỷ luật; thực hiện nghiêm, nhanh chóng và chính xác mệnh lệnh, hướng dẫn của người chỉ huy; - Người chỉ huy: Là người có quyền hạn cao nhất trong khu vực hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ trung cấp trở lên; - Nhân viên hủy đốt: Là những người trực tiếp thực hiện hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ sơ cấp trở lên; phải được phổ biến kế hoạch, huấn luyện các quy trình, quy định, quy tắc an toàn; có sức khỏe, yếu lĩnh thực hành tốt, qua kiểm tra đạt yêu cầu trở lên; - Nhân viên an toàn: Là người giám sát về mặt an toàn; được giao nhiệm vụ phụ trách về công tác an toàn trong quá trình hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ sơ cấp trở lên; phải được huấn luyện và nắm vững các quy định an toàn khi hủy đốt đạn dược; - Nhân viên kỹ thuật: Là người giám sát về mặt kỹ thuật hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ trung cấp trở lên; nắm chắc chuyên môn đạn dược, quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn trong hủy đốt đạn dược; sử dụng thành thạo các phương tiện mồi cháy; được giao nhiệm vụ phụ trách về mặt kỹ thuật khi tiến hành hủy đốt đạn dược; - Nhân viên y tế: Là những người bảo đảm sức khỏe cho lực lượng hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về ngành y tế từ sơ cấp trở lên; nắm chắc chuyên môn ngành y tế; sử dụng thành thạo các phương tiện, dụng cụ sơ cứu, cấp cứu khi có sự cố xảy ra; - Lực lượng cảnh giới: Là những người làm nhiệm vụ cảnh giới không cho người, phương tiện và gia súc vào khu vực cảnh giới trong quá trình hủy đốt đạn dược. 2.2.4.4 Phương tiện, dụng cụ phục vụ hủy đốt đạn dược 2.2.4.4.1 Thiết bị hủy đốt đạn dược: - Đảm bảo đồng bộ theo tài liệu thiết kế, chế tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo tài liệu của nhà cung cấp thiết bị; - Tình trạng thiết bị hoạt động tốt, được cấp có thẩm quyền kiểm tra và cho phép sử dụng; - Nghiêm cấm các trường hợp sau: Sử dụng thiết bị hủy đốt đạn súng để hủy đốt: Ngòi đạn; hỏa cụ và các loại đạn súng có tác dụng nổ cháy nhanh (đạn nổ cháy nhanh 14,5 MД3; 12,7 MД3); sử dụng thiết bị hủy đốt ngòi đạn để hủy đốt đạn súng và dây nổ. 2.2.4.4.2 Phương tiện mồi cháy Phương tiện mồi cháy gồm: Phương tiện tạo lửa (diêm, bật lửa, nụ xùy kết hợp với dây cháy chậm); vải; dầu diezen; sào (gậy) châm lửa; gỗ khô. Các phương tiện tạo lửa chỉ một người quản lý và do người chỉ huy giao nhiệm vụ. 2.2.4.4.3 Bảo hộ lao động trang bị cho lực lượng trực tiếp hủy đốt đạn dược, gồm: Quần áo; mũ; găng tay và khẩu trang. Các phương tiện bảo hộ lao động đảm bảo theo quy trình. 2.2.4.4.4 Phương tiện vận chuyển, gồm: Xe kéo tay hai bánh và dụng cụ khiêng bằng sức người: - Xe kéo tay hai bánh: Tình trạng xe còn tốt; xe có bánh lốp cao su; sàn xe bằng gỗ được lót lớp cao su, có ván chắn ở hai đầu; càng xe chắc chắn; trục xe liên kết với bánh xe bằng ổ bi có nắp đậy; - Dụng cụ khiêng bằng sức người: Phải bảo đảm bền và chắc chắn khi khiêng hòm bao gói đạn dược từ vị trí tập kết để đạn dược chờ hủy đến bãi hủy. 2.2.4.4.5 Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, gồm: Xe cứu hỏa; các phương tiện, dụng cụ cứu hỏa. 2.2.4.4.6 Phương tiện đo nhiệt độ: Nhiệt kế thủy ngân có dải đo từ 5oC đến 100oC. 2.2.4.4.7 Phương tiện hỗ trợ y tế, gồm: Các phương tiện sơ cứu, cấp cứu; các phương tiện, dụng cụ vận chuyển người. 2.2.5 Trong khu vực hủy đốt đạn dược, nghiêm cấm các trường hợp sau: - Súc vật, người không có nhiệm vụ vào khu vực hủy; - Đi lại tự do trong khu vực hủy đốt đạn dược hoặc tiếp xúc với đạn dược khi chưa được giao nhiệm vụ; - Mang theo các phương tiện có thể phát ra tia lửa hoặc phương tiện tạo lửa, trừ trường hợp người được giao nhiệm vụ; - Có các hành động có thể phát ra tia lửa; - Sử dụng các chất kích thích; - Mồi cháy khi chưa có tín hiệu báo an toàn từ các vị trí cảnh giới và khi chưa có lệnh của người chỉ huy; - Tự động tháo tách các chi tiết, cụm chi tiết của đạn dược; - Ra khỏi hầm trú ẩn khi chưa có lệnh của người chỉ huy; - Làm sai quy trình, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2.2.7 Quy định về vận chuyển 2.2.7.1 Chỉ có những người được phân công nhiệm vụ mới được phép vận chuyển đạn dược. 2.2.7.2 Tùy theo phương thức vận chuyển, lực lượng vận chuyển đạn dược có thể chia thành các tổ (nhóm), mỗi tổ gồm từ 2 người đến 4 người và có người phụ trách từng tổ. 2.2.7.3 Vận chuyển đạn dược từ hầm để đạn dược chờ hủy đến bãi hủy theo tuần tự từng tổ. Khi tổ trước chuyển đưa toàn bộ số lượng đạn dược đến bãi hủy, tổ sau mới được chuyển tiếp hòm đạn dược khác. Khi tiếp xúc trực tiếp với đạn dược, thao tác phải nhẹ nhàng, không làm rơi đạn dược. Nghiêm cấm các trường hợp sau: - Đẩy, ném, quăng quật, kéo lê hòm bao gói đạn dược; - Dùng các vật dụng bằng kim loại đen tiếp xúc với đạn dược; - Có hành động đùa nghịch khi vận chuyển đạn dược. 2.2.7.4 Dụng cụ dùng để mở nắp hòm hoặc phương tiện bao gói đạn dược phải sử dụng dụng cụ chuyên dụng cho từng loại bao gói cụ thể theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2.2.8 Không thực hiện hủy đốt đạn dược trong các trường hợp sau: - Vào ban đêm hoặc khi trời tối; - Thời tiết có giông, mưa, bão; - Cấp gió lớn hơn hoặc bằng cấp 5 (lớn hơn 7,9 m/s); - Trời nắng khi nhiệt độ không khí từ 38oC trở lên; - Khu vực hủy đốt đạn dược có thông báo cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V; - Chưa có quy trình và phương án do cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Đạn dược chưa được phân loại theo từng nhóm, loại riêng biệt; - Hủy đốt đồng thời hơn hai hố hủy trên một bãi hủy (cho phép tối đa 2 hố hủy); - Hủy đốt đồng thời hai bãi hủy đốt dây nổ trên một bãi hủy; - Hủy đốt dây nổ có lẫn các loại đạn dược khác. 2.2.9 Trong quá trình thực hiện hủy đốt đạn dược, nếu điều kiện thời tiết và môi trường như quy định tại 2.2.8 phải dừng ngay, đồng thời có phương án bảo đảm an toàn trong toàn bộ khu vực hủy và cử lực lượng canh gác, cảnh giới khu vực hủy. 2.2.10 Chỉ sử dụng vật tư quy định tại 2.2.4.4.2 để mồi cháy đạn dược. 2.2.11 Trước khi mồi cháy, người chỉ huy phải trực tiếp kiểm tra khu vực hủy đạn dược bảo đảm các quy định về an toàn. 2.2.12 Quy định sau hủy đốt 2.2.12.1 Kết thúc hủy đốt đạn dược bằng phương pháp thủ công: Người chỉ huy chỉ được phép ra khỏi hầm trú ẩn để kiểm tra bãi hủy sau khoảng thời gian 30 min tính từ khi không còn nghe thấy tiếng nổ hoặc không nhìn thấy ngọn lửa ở vị trí hủy đốt. 2.2.12.2 Làm nguội thiết bị hủy đốt, hố hủy: - Chỉ được phép làm nguội thiết bị hủy đốt hoặc hố hủy sau khi kiểm tra đảm bảo an toàn; - Làm nguội thiết bị hủy đốt đạn súng: Người chỉ huy trực tiếp phân công người dùng nước làm nguội toàn bộ thiết bị và ra lệnh tháo xỉ; - Làm nguội hố hủy: Người chỉ huy trực tiếp phân công người dùng nước làm nguội toàn bộ hố hủy. 2.2.12.3 Đối với đạn dược chưa nổ (cháy) sau khi hủy đốt: - Đối với đạn súng và hỏa cụ: Phải tổ chức thu gom để hủy tiếp đợt khác. Phương pháp thu gom phải theo quy trình và phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Đối với ngòi đạn: + Các ngòi đạn bị văng (bay) ra khỏi hố hủy đốt: Cắm cờ đuôi nheo cách ngòi đạn từ 50 mm đến 100 mm, sau đó đặt khối thuốc nổ cách trạm truyền nổ của ngòi đạn từ 2 mm đến 5 mm và tiến hành kích nổ khối thuốc nổ. Quy cách và phương pháp kích nổ khối thuốc nổ phải theo quy trình và phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; + Ngòi đạn còn sót trong hố hủy: Tiến hành hủy đốt theo quy định tại 2.3.5.2.2. CHÚ THÍCH: Quy cách cờ đuôi nheo theo mẫu Hình A4, Phụ lục A, QCVN 02:2016/BQP. 2.2.13 Trường hợp đặc biệt, lượng đạn dược không hủy đốt hết trong ngày, phải tạm chứa trong hầm để đạn dược chờ hủy và tổ chức canh gác bảo đảm an toàn trong khu vực hủy đốt đạn dược. 2.3 Quy định kỹ thuật 2.3.1 Vị trí bãi hủy 2.3.1.1 Đơn vị có khu vực hủy: - Bãi hủy đốt đạn dược phải nằm trong khu vực hủy đạn dược của đơn vị nhưng phải cách xa các bãi hủy khác (hủy nổ, hủy đốt thuốc phóng, hủy tháo gỡ,...) lớn hơn 150 m (tính từ tâm của hai bãi hủy) đồng thời phải tiến hành kiểm tra bãi hủy, nếu đảm bảo an toàn mới tiến hành thực hiện hủy đốt đạn dược theo quy định; - Khu vực hủy phải nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2.3.1.2 Đơn vị không có khu vực hủy: Sử dụng khu vực hủy của đơn vị khác. 2.3.2 Công trình trong khu vực hủy 2.3.2.1 Các công trình trong khu vực hủy gồm: Hầm chỉ huy; hầm trú ẩn; hầm để đạn dược chờ hủy; bãi hủy; bể chứa nước chữa cháy. Hầm chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm để đạn dược chờ hủy đảm bảo quy cách theo QCVN 02:2016/BQP. 2.3.3.2 Khoảng cách từ tâm bãi hủy đến các công trình quy định tại Bảng 3. Bảng 3 - Khoảng cách từ tâm bãi hủy đến các công trình TT Vị trí công trình Đơn vị tính Khoảng cách (Tối thiểu) 1 Hầm chỉ huy m 70 2 Hầm trú ẩn m 70 3 Hầm để đạn dược chờ hủy m 500 4 Đài quan sát, bán kính tuyến cảnh giới m 500 2.3.2.3 Bãi hủy: - Nền bãi hủy đặt thiết bị hủy đốt: Bằng đất hoặc bằng bê tông; sạch cỏ và các vật dễ cháy xung quanh; - Nền bãi hủy đốt dây nổ: Bằng đất; bằng phẳng; sạch cỏ và các vật dễ cháy; xung quanh bãi hủy phải có rãnh ngăn lửa. Kích thước rãnh ngăn lửa: Rộng từ 3 m đến 4 m, sâu từ 0,1 m đến 0,15 m. Rãnh ngăn lửa phải dọn sạch cỏ và các vật dễ cháy; - Hố hủy đốt đạn dược: Kích thước và quy cách theo Phụ lục B; xung quanh miệng hố hủy đốt phải dọn sạch cỏ, rác và các vật dễ cháy. 2.3.2.4 Vị trí hố hủy đốt: Hố hủy đốt phải nằm trong khu vực hủy đốt đạn dược; khoảng cách nhỏ nhất giữa hai hố hủy (tính từ tâm hố hủy) là 10 m. 2.3.3 Quy định về tín hiệu, ký hiệu 2.3.3.1 Tín hiệu cờ: - Cắm cờ đỏ đuôi nheo tại các vị trí: Nóc hầm trú ẩn; ranh giới tuyến nguy hiểm; khu vực cảnh giới; bên cạnh đường dẫn lửa; dọc đường di chuyển từ vị trí đặt thiết bị hủy đốt đến hầm trú ẩn; - Cắm cờ Tổ quốc trên nắp hầm chỉ huy; - Dọc đường di chuyển từ vị trí đặt thiết bị hủy đốt đến hầm chỉ huy, hầm để đạn dược chờ hủy và hầm trú ẩn khoảng cách giữa các cờ không nhỏ hơn 5 m; - Thu cờ cắm bên cạnh đường di chuyển đến vị trí đặt thiết bị hủy đốt sau khi kết thúc vận chuyển và hủy đốt đạn dược. 2.3.3.2 Bắn tín hiệu hiệp đồng: - Lệnh báo cho các vị trí cảnh giới đã xong công tác chuẩn bị, bắn 3 viên; - Cảnh giới báo khu vực an toàn, bắn 2 viên; khu vực không an toàn, bắn 1 viên; - Kết thúc hủy đốt, bắn 4 viên; - Lệnh trở về đơn vị, bắn 5 viên. 2.3.3.3 Tín hiệu còi: - Ba hồi còi dài báo chuẩn bị đốt; - Một hồi còi dài báo cho nhân viên ra khỏi hầm trú ẩn. 2.3.3.4 Các bảng chỉ dẫn: - Bảng chỉ dẫn đường đến bãi hủy; - Bảng chỉ dẫn đường đến hầm để đạn dược chờ hủy; - Bảng chỉ dẫn đường đến hầm chỉ huy; - Bảng chỉ dẫn đường đến hầm trú ẩn. CHÚ THÍCH: Quy cách bảng chỉ dẫn theo mẫu Hình A5 Phụ lục A trong QCVN 02:2016/BQP. 2.3.4 Bảo quản, vận chuyển đạn dược tại khu vực hủy 2.3.4.1 Bảo quản đạn dược: Đạn dược chờ hủy phải được tập kết trong hầm để đạn dược chờ hủy, xếp theo từng loại và thành khối theo quy định; 2.3.4.2 Vận chuyển đạn dược từ hầm để đạn dược chờ hủy đến vị trí hủy: - Vận chuyển bằng xe kéo tay hai bánh: Không được quá 50 kg đạn dược (tính cả hòm); - Vận chuyển khiêng bằng sức người: Không được quá 20 kg đạn dược (tính cả hòm). 2.3.5 Tiến hành hủy đốt 2.3.5.1 Hủy đốt đạn súng 2.3.5.1.1 Hủy đốt đạn súng bằng thiết bị hủy đốt đạn súng: - Xếp đạn súng vào thiết bị hủy đốt đạn súng: + Xếp đạn súng vào thiết bị được thực hiện bởi hai nhân viên được phân công: Một người ở dưới vận chuyển đạn, một người đứng trên thang chuyên dùng, chân thang được đặt lệch miệng ở đốt một khoảng từ 500 cm đến 550 cm, đổ đạn từ trong dụng cụ chứa đạn vào cửa tiếp đạn. Trong quá trình đổ đạn vào lò đốt, cấm nhìn vào miệng lò; + Trường hợp trong cùng một đợt hủy đốt có nhiều loại đạn súng khác nhau phải xếp tuần tự như sau: xếp đạn cỡ lớn ở dưới cùng (đạn 12,7 mm; 14,5 mm), tiếp đến xếp đạn cỡ nhỏ hơn 7,62 mm và đạn 7,62 K51; trên cùng xếp đạn 7,62 K56; 7,62 K53. - Mồi cháy: + Nhân viên được giao nhiệm vụ sử dụng thang chuyên dùng để đưa vải đã được tẩm dầu diezen vào lò đốt và chuẩn bị đường dẫn lửa từ lò đốt ra khỏi cửa tiếp đạn. Kích thước đường dẫn lửa: Rộng từ 0,2 m đến 0,5 m; dài từ 0,5 m đến 1,0 m. Bố trí đường dẫn lửa theo hướng sao cho khi cháy, hướng lan truyền lửa ngược với hướng gió; + Khi mồi cháy đường dẫn lửa phải đứng xa lò đốt từ 1,2 m đến 1,5 m và dùng sào (gậy) dài từ 1 m đến 1,2 m; đường kính từ 3 cm đến 4 cm; một đầu gậy buộc vải có tẩm dầu diezen. Nghiêm cấm đứng sát lò đốt để mồi cháy đường dẫn lửa hoặc đốt trực tiếp đường dẫn lửa bằng các dụng cụ tạo lửa (diêm, bật lửa, nụ xùy kết hợp với dây cháy chậm); + Khi các vật tư mồi cháy trong lò đốt đã cháy, nhân viên được giao nhiệm vụ nhanh chóng đóng kín miệng lò đốt, báo cáo người chỉ huy và đặt sào châm lửa xuống đất, nhanh chóng di chuyển về hầm ẩn nấp. - Làm nguội thiết bị: Thực hiện theo quy định tại 2.2.12.2. 2.3.5.1.2 Hủy đốt đạn súng trong hố hủy - Chuẩn bị hố hủy: Hố hủy đạn súng có kích thước, quy cách theo Phụ lục B; - Xếp đạn súng: + Chuyển các hòm (hộp) bao gói đạn súng từ hầm để đạn dược chờ hủy và đặt cách miệng hố hủy từ 0,5 m đến 0,6 m; + Xếp từ 3 lớp đến 5 lớp gỗ khô loại nhỏ và dễ cháy xuống đáy hố hủy, sau đó lần lượt xếp 01 lớp đạn súng xen kẽ xếp 01 lớp gỗ lên trên cho đến khi hết số lượng đạn súng theo quy định tại Bảng 2 thì dừng lại và chuẩn bị phương tiện mồi cháy; + Dùng dầu diezen tưới đều lên gỗ khô và đạn súng trong hố hủy. + Trường hợp trong cùng một đợt hủy đốt có nhiều loại đạn súng khác nhau thì xếp đạn súng xuống hố hủy phải tuần tự như theo quy định tại 2.3.5.1. - Mồi cháy: + Chuẩn bị đường dẫn lửa: Dùng vải kết hợp dầu diezen để làm đường dẫn lửa. Kích thước đường dẫn lửa: Dài 1,5 m đến 2 m; rộng từ 10 cm đến 15 cm; dày từ 1,5 cm đến 2 cm; lượng dầu đổ trên suốt chiều dài là 1,5 lít và trải đều trên toàn bộ chiều dài đường dẫn lửa. Vị trí mồi cháy đường dẫn lửa phải chọn sao cho ngược chiều với hướng gió. + Chuẩn bị sào (gậy) châm lửa: Cây sào (gậy) có chiều dài từ 1 m đến 1,2 m; đường kính từ 3 cm đến 4 cm; một đầu gậy buộc vải có tẩm dầu diezen; + Khi có lệnh mồi cháy, nhân viên được giao nhiệm vụ dùng phương tiện tạo lửa (diêm hoặc bật lửa) mồi cháy đầu cây gậy có vải đã tẩm dầu diezen, rồi dùng gậy mồi cháy đường dẫn lửa. Sau khi đường dẫn lửa bắt đầu cháy, nhân viên mồi cháy nhanh chóng di chuyển về hầm ẩn nấp; + Nghiêm cấm đốt trực tiếp đường dẫn lửa bằng phương tiện tạo lửa. 2.3.5.2 Hủy đốt ngòi đạn 2.3.5.2.1 Hủy đốt ngòi đạn bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn - Chuẩn bị thiết bị: + Thiết bị hủy đốt ngòi đạn được triển khai và bố trí đồng bộ trên bãi hủy. Máy phát điện phải đặt cách thiết bị hủy đốt ngòi đạn tối thiểu là 200 m; + Kiểm tra hoạt động của các cụm chức năng và đồng bộ thiết bị theo quy định. - Mồi đốt nhiên liệu: Khi có lệnh mồi đốt nhiên liệu, nhân viên được giao nhiệm vụ tiến hành mồi đốt nhiên liệu bằng cách điều khiển hệ thống bơm và mồi đốt nhiên liệu trong buồng đốt và theo dõi chỉ số nhiệt độ trong buồng đốt qua bộ báo nhiệt độ trên bảng điều khiển. Khi nhiệt độ trong buồng đốt lớn hơn 500oC, báo cáo người chỉ huy. - Nạp ngòi đạn vào buồng đốt: được thực hiện theo quy trình vận hành thiết bị. Số lượng ngòi đạn nạp vào buồng đốt trong một lần hủy đốt ngòi đạn theo quy định tại Bảng 1; - Sau khi hủy đốt hết số lượng ngòi đạn, tháo lấy xỉ theo quy định. 2.3.5.2.2 Hủy đốt ngòi đạn bằng phương pháp thủ công - Chuẩn bị hố hủy: Hố hủy ngòi đạn có kích thước như hình Phụ lục B; - Xếp ngòi đạn: + Chuyển các hòm (hộp) bao gói ngòi đạn từ hầm để đạn dược chờ hủy và đặt cách miệng hố hủy từ 0,5 m đến 0,6 m; + Trình tự xếp ngòi đạn xuống hố như sau: Xếp 01 lớp gỗ nhỏ khô dễ cháy ở dưới đáy hố (để mồi cháy), tiếp đến 01 lớp gỗ khô to, tiếp đến lót 01 lớp bìa giấy cát tông sau đó mới xếp 01 lớp ngòi đạn; tiếp theo lót 01 lớp bìa cát tông lên trên lớp ngòi đạn, xếp tiếp 01 lớp gỗ khô và lót 01 lớp bìa cát tông lên trên mới xếp 01 lớp ngòi đạn, cứ như vậy cho đến khi nào xếp đủ số lượng xếp cho một hố, theo quy định tại Bảng 2 thì dừng lại, phía trên cùng của hố hủy được lót 01 lớp bìa cát tông và xếp 01 lớp gỗ khô, miệng hố được đắp 01 lớp đất như trong hình Phụ lục B; + Khi thực hiện hủy đốt phải hủy riêng từng loại ngòi đạn, hủy hết loại này mới hủy sang loại khác. Trường hợp số lượng ngòi đạn quá ít cho phép xếp chung các loại ngòi đạn trong một hố theo trình tự như trên nhưng loại dễ nổ (cháy) xếp xuống dưới, loại khó nổ (cháy) xếp lên trên. - Mồi cháy: Thực hiện theo quy định tại 2.3.5.1.2. - Làm nguội hố hủy: Thực hiện theo quy định tại 2.2.12.2. 2.3.5.3 Hủy đốt hỏa cụ (không bao gồm dây nổ) - Chuẩn bị hố hủy: Hố hủy đốt hỏa cụ có kích thước như trong hình Phụ lục B. - Xếp hỏa cụ: + Tiến hành hành xếp hủy đốt riêng từng loại. Trường hợp số lượng ống nổ (kíp nổ), hạt lửa, bộ lửa, dây cháy chậm, liều thuốc hỏa thuật, nụ xùy ít có thể cho phép đốt chung và phải tuân thủ theo quy định sau: Dây cháy chậm chỉ được phép hủy đốt chung với nụ xùy và liều thuốc hỏa thuật; bộ lửa chỉ được phép hủy đốt chung với hạt lửa; + Trình tự xếp ống nổ (kíp nổ), bộ lửa, hạt lửa, các liều thuốc hỏa thuật xuống hố như sau: Xếp 01 lớp gỗ khô loại nhỏ dễ cháy ở dưới đáy hố để mồi cháy, tiếp đến 01 lớp khô loại to, tiếp đến lót 01 lớp bìa giấy cát tông sau đó mới xếp 01 lớp hỏa cụ; tiếp theo lót 01 lớp bìa cát tông lên trên lớp hỏa cụ, xếp tiếp 01 lớp gỗ khô và lót 01 lớp bìa cát tông lên trên mới xếp 01 lớp hỏa cụ, cứ như vậy cho đến khi nào xếp đủ số lượng xếp cho một hố, được quy định trong Bảng 2 thì dừng lại, phía trên cùng của hố được lót 01 lớp bìa cát tông và xếp 01 lớp gỗ khô loại to, miệng hố được đắp 01 lớp đất như trong hình Phụ lục B; + Trình tự xếp dây cháy chậm, nụ xùy xuống hố như sau: xếp 01 lớp gỗ khô loại nhỏ dễ cháy ở dưới đáy hố (để mồi cháy), tiếp đến xếp 01 lớp gỗ khô loại to, sau đó tiến hành xếp dây cháy chậm, nụ xùy đến khi nào đủ số lượng xếp cho một hố, được quy định trong Bảng 2 thì dừng lại, phía trên cùng của hố hủy được xếp 01 lớp gỗ khô loại to; + Sau khi xếp xong hỏa cụ và vật tư mồi cháy, dùng dầu diezen tưới đều lên gỗ khô và hỏa cụ trong hố hủy. - Mồi cháy: Thực hiện theo quy định tại 2.3.5.1.2; - Làm nguội hố hủy: Thực hiện theo quy định tại 2.2.12.2. 2.3.5.4 Hủy đốt dây nổ - Chuẩn bị bãi hủy: Thực hiện theo quy định Hình B2, Phụ lục B, QCVN 02:2016/BQP; - Xếp dây nổ: Xếp dây nổ lên bề mặt bãi hủy rải trên bãi hủy phải đều, độ dày từ 2 cm đến 3 cm. Khi xếp không để dây nổ rơi ra xung quanh rãnh ngăn lửa. Trong quá trình xếp dây nổ kết hợp với việc kiểm tra bãi hủy, nếu thấy có lẫn loại đạn dược khác phải loại ra và bao gói chuyển về hầm để đạn dược chờ hủy. - Mồi cháy: + Chuẩn bị đường dẫn lửa: dùng vải kết hợp với dầu diezen để làm đường dẫn lửa. Kích thước đường dẫn lửa: Dài từ 1,5 m đến 2m; rộng từ 10 cm đến 15 cm; dày từ 1,5cm đến 2 cm; lượng dầu đổ trên suốt chiều dài từ 1,5 lít đến 2,0 lít. + Vị trí mồi cháy và mồi cháy đường dẫn lửa: Thực hiện theo quy định tại 2.3.5.1.2. 3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ 3.1 Giám sát 3.1.1 Giám sát hủy đốt đạn dược được thực hiện xuyên suốt trong quá trình hủy đốt đạn dược: - Đối tượng giám sát: Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược; - Nội dung giám sát: Chấp hành các quy định an toàn và kỹ thuật; việc tuân thủ quy trình công nghệ. 3.1.2 Người giám sát: Là người chỉ huy hoặc người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ trung cấp trở lên; được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. 3.2 Hỗ trợ y tế 3.2.1 Tất cả lực lượng làm việc trên khu vực hủy phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm; phải có sức khỏe phù hợp, không có những biểu hiện bệnh lý ảnh hưởng đến công việc dự kiến đảm nhận. 3.2.2 Đơn vị trước khi tổ chức hủy đốt đạn dược cần phải xây dựng phương án và quy trình ứng phó tai nạn tại khu vực hủy: - Nội dung phương án phải xác định được cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để triển khai ứng phó tai nạn; - Các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn cháy (nổ) và nguy cơ gây tai nạn tập thể xảy ra trong quá trình hủy đốt đạn dược. 3.2.3 Phương án ứng phó tai nạn cháy (nổ) phải bao gồm những điều khoản quy định trách nhiệm: - Quản lý quy trình ứng phó khẩn cấp tại chỗ, như: Quy trình sơ cứu thương và chăm sóc tại chỗ; quy trình di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm; - Sơ cứu thương và chăm sóc y tế tại chỗ gồm: Kỹ thuật hồi sinh tổng hợp, hô hấp nhân tạo; cầm máu tạm thời vết thương; băng vết thương; cố định tạm thời gãy xương; vận chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm; - Chăm sóc y tế, điều trị cho nạn nhân trong quá trình di chuyển từ địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn đến cơ sở y tế gần nhất. 3.3 Điều tra sự cố 3.3.1 Những sự cố cháy (nổ) được báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền: - Tai nạn cháy (nổ) trong quá trình hủy đốt đạn dược tới lực lượng tham gia hoặc dân cư địa phương tại khu vực hủy; - Sự cố cháy (nổ) gây thiệt hại tới tài sản tại nơi thực hiện hủy đốt đạn dược; - Trường hợp nhân viên tham gia hủy đốt đạn dược có thể gặp nguy hiểm do việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật (trường hợp này là do các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay trang thiết bị sử dụng vẫn còn có những hạn chế, nhược điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố khi áp dụng vào thực tế công việc). 3.3.2 Báo cáo sự cố lên cấp quản lý trực tiếp đơn vị và gồm hai phần: Báo cáo sơ bộ bằng điện tín và báo cáo bằng văn bản. 3.3.3 Điều tra sự cố phải thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Các sự cố phải tiến hành điều tra: - Gây ra thương tật hay gây chết người; - Gây ra hư hại về tài sản; - Gây thiệt hại, dẫn đến yêu cầu bồi thường; - Gây ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị của địa phương, quốc gia. 3.3.4 Việc tiến hành điều tra sự cố phải đảm bảo: - Thành phần được lựa chọn tham gia cuộc điều tra chính thức phải không liên quan đến sự cố và có đủ năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết đáp ứng cho cuộc điều tra; - Các khu vực xảy ra sự cố phải được bảo vệ cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra nhằm tránh mất mát các thông tin có giá trị; - Các bức ảnh về khu vực xảy ra sự cố phải được chụp tức thời ngay sau khi sự cố xảy ra: - Trừ trường hợp ngoại lệ, bản báo cáo điều tra phải được gửi đúng quy định và đảm bảo rõ ràng, chính xác (bao gồm cả các kết luận và khuyến nghị để cải thiện tình hình nếu có). 3.3.5 Điều tra sự cố gồm: Điều tra nội bộ và điều tra độc lập, mức độ điều tra theo quy định hiện hành của pháp luật. 3.3.6 Lực lượng tham gia: - Báo cáo những vấn đề còn tồn tại dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình áp dụng các quy trình; - Báo cáo kịp thời khi có các sự cố xảy ra; - Hỗ trợ các tổ chức điều tra sự cố; - Nghiêm cấm đưa thông tin về sự cố khi chưa được phép của người đứng đầu đơn vị. 4 TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN 4.1 Các cơ quan, đơn vị có liên quan tới việc hủy đốt đạn dược phải tuân theo đầy đủ những quy định trong Quy chuẩn này. Tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định trong Quy chuẩn này để xảy ra tai nạn, sự cố thì tùy theo trách nhiệm, cương vị công tác và mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành. 4.2 Tổng cục Kỹ thuật/Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác hủy đốt đạn dược theo đúng quy định của Quy chuẩn này. 5 TỔ CHỨC THỰC HIỆN 5.1 Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng/Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến áp dụng và kiểm tra việc thực hiện thống nhất Quy chuẩn này trong cả nước. 5.2 Trường hợp Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương mà có những điều khoản khác với quy định trong Quy chuẩn này hoặc có thay đổi, bổ sung thì thực hiện theo điều khoản của hiệp định song phương hoặc đa phương đó./. Phụ lục A (Quy định) Sơ đồ các quá trình công nghệ hủy đốt đạn dược Hình A.1 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt đạn súng bằng lò đốt đạn súng Hình A.2 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt đạn súng, ngòi đạn, hỏa cụ (không bao gồm dây nổ) bằng phương pháp thủ công Hình A.3 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt ngòi đạn Hình A.4 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt dây nổ Phụ lục B (Quy định) CHÚ THÍCH: - Hủy đốt đạn súng: Thay lớp hỏa cụ bằng lớp đạn súng; - Hủy đốt ngòi đạn: Thay lớp hỏa cụ hủy bằng lớp ngòi đạn. MỤC LỤC 1 Quy định chung 1.1 Phạm vi điều chỉnh 1.2 Đối tượng áp dụng 1.3 Giải thích từ ngữ 1.4 Tài liệu viện dẫn 2 Quy định an toàn, kỹ thuật 2.1 Yêu cầu chung 2.2 Quy định an toàn 2.3 Quy định kỹ thuật 3 Quy định về quản lý 3.1 Giám sát 3.2 Hỗ trợ y tế 3.3 Điều tra sự cố 4 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân 5 Tổ chức thực hiện Phụ lục A - Sơ đồ các quá trình công nghệ hủy đốt đạn dược Phụ lục B - Sơ đồ xếp đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ trong hố hủy
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng", "promulgation_date": "27/10/2017", "sign_number": "278/2017/TT-BQP", "signer": "Bế Xuân Trường", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-96-2011-TT-BTC-huong-dan-chinh-sach-tai-chinh-126337.aspx
Thông tư 96/2011/TT-BTC hướng dẫn chính sách tài chính
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 96/2011/TT-BTC Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2011 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2011/QĐ-TTG NGÀY 24/2/2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 và Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu; Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Căn cứ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 ngày 17/6/2010; Căn cứ Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 và Nghị định số 44/2008/NĐ-CP ngày 9/04/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất; Căn cứ Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất; Căn cứ Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 và Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Căn cứ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tài chính quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ (Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg) như sau: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giày và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg . Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ. 2. Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg hoặc có tên trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg. Điều 3. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 1. Đối với các dự án thuộc Danh mục lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (Nghị định số 87/2010/NĐ-CP) hoặc đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 18 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP thì được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP, cụ thể: 1.1. Được miễn thuế nhập khẩu đối với: a) Thiết bị, máy móc; b) Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân gồm xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy; c) Linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng quy định tại điểm a và điểm b khoản này; d) Nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc quy định tại điểm a khoản này; đ) Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. 1.2. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại khoản 1.1 Điều này được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế công nghệ, đổi mới công nghệ. 1.3. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trừ các dự án sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sưởi điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay và những mặt hàng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất. 2. Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được. 3. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ. 4. Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước được miễn thuế nhập khẩu; trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thì khi nhập khẩu vào thị trường trong nước chỉ phải nộp thuế nhập khẩu trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó. 5. Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc xuất vào khu phi thuế quan nếu đã nộp thuế nhập khẩu thì được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ sản phẩm thực tế xuất khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu. 6. Thủ tục miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế xuất khẩu và hoàn thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Thông tư số 194/2010/TT-BTC). Điều 4. Vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được xem xét vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều 5. Chính sách trợ giúp tài chính theo quy định về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn Nghị định số 56/2009/NĐ-CP , như sau: 1. Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại. 2. Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/3/2011 của liên Bộ Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 3. Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011; Thông tư số 52/2011/TT-BTC ngày 22/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Điều 6. Ưu đãi về thuế đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được hưởng các chính sách về thuế theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, cụ thể như sau: 1. Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: a) Trường hợp dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao thuộc Danh mục lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP hoặc đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 18 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP thì được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này. b) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Thông tư này nếu đảm bảo các điều kiện quy định tương ứng tại từng khoản. c) Thủ tục thực hiện ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC . 2. Về thuế thu nhập doanh nghiệp: a) Trường hợp dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao thuộc doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm hoặc là doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…, được ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Chương III Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. b) Căn cứ thực hiện ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư 130/2008/TT-BTC . Điều 7. Hướng dẫn chính sách ưu đãi về thuế và thu khác 1. Về thuế giá trị gia tăng: a) Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. b) Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được áp dụng thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại Thông tư số 92/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp. 2. Về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các ưu đãi sau: a) Miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất; Nghị định số 44/2008/NĐ-CP ngày 9/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất; Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 198/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện. b) Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. c) Miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều 8. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2011; 2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP; - Văn phòng TW và các ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân TC; - Viện Kiểm sát nhân dân TC; - Kiểm toán Nhà nước; - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, CST (Pxnk) KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "04/07/2011", "sign_number": "96/2011/TT-BTC", "signer": "Đỗ Hoàng Anh Tuấn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-34-2022-ND-CP-gia-han-nop-thue-gia-tri-gia-tang-thu-nhap-doanh-nghiep-ca-nhan-tien-thue-dat-2022-510087.aspx
Nghị định 34/2022/NĐ-CP gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng thu nhập doanh nghiệp cá nhân tiền thuê đất 2022
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 34/2022/NĐ-CP Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2022 NGHỊ ĐỊNH GIA HẠN THỜI HẠN NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG, THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP, THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ TIỀN THUÊ ĐẤT TRONG NĂM 2022 Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019; Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Điều 2. Đối tượng áp dụng Đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định này bao gồm: Người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Điều 3. Đối tượng được gia hạn 1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau: a) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; c) Xây dựng; d) Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; đ) Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); e) Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; g) Thoát nước và xử lý nước thải. 2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau: a) Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; b) Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; c) Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim; d) Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin; đ) Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng. Danh mục ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Phân ngành kinh tế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg gồm 5 cấp và việc xác định ngành kinh tế được áp dụng theo nguyên tắc: Trường hợp tên ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thuộc ngành cấp 1 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 1; trường hợp thuộc ngành cấp 2 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 2; trường hợp thuộc ngành cấp 3 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 3; trường hợp thuộc ngành cấp 4 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 5 của ngành cấp 4. 3. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. 4. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2021 hoặc 2022. Điều 4. Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 1. Đối với thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu) a) Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2022 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2022 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này. Thời gian gia hạn là 06 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022 và quý I năm 2022, thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 năm 2022 và quý II năm 2022, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2022, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2022. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung. Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã kê khai. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau: - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2022 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2022 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2022 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2022 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 7 năm 2022 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 8 năm 2022 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý I năm 2022 chậm nhất là ngày 30 tháng 10 năm 2022. - Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý II năm 2022 chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2022. b) Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng. 2. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp a) Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại Điều 3 Nghị định này. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. b) Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. 3. Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phải nộp phát sinh năm 2022 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 30 tháng 12 năm 2022. 4. Đối với tiền thuê đất Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2022 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2022 đến ngày 30 tháng 11 năm 2022. Quy định này áp dụng cho cả trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nhiều Quyết định, Hợp đồng thuê đất trực tiếp của nhà nước và có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 3 Nghị định này. 5. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 3 Nghị định này thì: doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định này. 6. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế được gia hạn trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó. Điều 5. Trình tự, thủ tục gia hạn 1. Người nộp thuế trực tiếp kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (sau đây gọi là Giấy đề nghị gia hạn) lần đầu hoặc thay thế khi phát hiện có sai sót (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm 2022, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn. Trường hợp người nộp thuế có các khoản được gia hạn thuộc nhiều địa bàn cơ quan thuế quản lý khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm truyền thông tin gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế quản lý có liên quan. 2. Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này. Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 30 tháng 9 năm 2022 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này. 3. Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc không gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, qua thanh tra, kiểm tra cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước. 4. Không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong khoảng thời gian được gia hạn thời hạn nộp (bao gồm cả trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này và trường hợp cơ quan có thẩm quyền qua kiểm tra, thanh tra xác định người nộp thuế được gia hạn có số thuế phải nộp tăng thêm của các kỳ tính thuế được gia hạn). Trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp (nếu có) đối với các hồ sơ thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh, không tính tiền chậm nộp. 5. Chủ đầu tư các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng khi làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước phải gửi kèm thông báo cơ quan thuế đã tiếp nhận Giấy đề nghị gia hạn hoặc Giấy đề nghị gia hạn có xác nhận đã gửi cơ quan thuế của nhà thầu thực hiện công trình. Kho bạc Nhà nước căn cứ trên hồ sơ do chủ đầu tư gửi để chưa thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng trong thời gian gia hạn. Khi hết thời gian gia hạn, nhà thầu phải nộp đủ số thuế được gia hạn theo quy định. Điều 6. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. 2. Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được thực hiện theo quy định hiện hành. 3. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai và xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định này. 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng để cơ quan quản lý thuế thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định này. 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KTTH (2b). TM. CHÍNH PHỦ KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Lê Minh Khái PHỤ LỤC Kèm theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- GIẤY ĐỀ NGHI GIA HẠN NỘP THUẾ VÀ TIỀN THUẾ ĐẤT □ Lần đầu □ Thay thế Kính gửi: Cơ quan thuế............................. [01] Tên người nộp thuế:................................................................. [02] Mã số thuế: [03] Địa chỉ:................................................................................................................ [04] Số điện thoại:......................................................................................... [05] Tên đại lý thuế (nếu có):....................................................................................... [06] Mã số thuế: [07] Loại thuế đề nghị gia hạn: □ a) Thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp, tổ chức □ b) Thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp, tổ chức □ c) Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh □ d) Tiền thuê đất (kê chi tiết địa chỉ từng khu đất thuê thuộc đối tượng gia hạn tiền thuê đất) - Khu đất 1 theo Quyết định/Hợp đồng số...., ngày.../.../....:..... - Khu đất 2 theo Quyết định/Hợp đồng số...., ngày.../.../....:..... … [08] Trường hợp được gia hạn: ............................................... I. DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ SIÊU NHỎ □ 1. Doanh nghiệp nhỏ: Lĩnh vực hoạt động Số lao động Doanh thu (VNĐ) Nguồn vốn (VNĐ) □ 2. Doanh nghiệp siêu nhỏ: Lĩnh vực hoạt động Số lao động Doanh thu (VNĐ) Nguồn vốn (VNĐ) II. DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC, HỘ KINH DOANH, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC LĨNH VỰC: □ 1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; □ 2. Sản xuất, chế biến thực phẩm; □ 3. Dệt; □ 4. Sản xuất trang phục; □ 5. Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; □ 6. Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; □ 7. Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; □ 8. Sản xuất sản phẩm từ cao su và Plastic; □ 9. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; □ 10. Sản xuất kim loại; □ 11. Gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; □ 12. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; □ 13. Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; □ 14. Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; □ 15. Xây dựng; □ 16. Vận tải kho bãi; □ 17. Dịch vụ lưu trú và ăn uống; □ 18. Giáo dục và đào tạo; □ 19. Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; □ 20. Hoạt động kinh doanh bất động sản; □ 21. Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; □ 22. Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; □ 23. Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; □ 24. Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; □ 25. Hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; □ 26. Hoạt động chiếu phim; □ 27. Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; □ 28. Sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; □ 29. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; □ 30. Hoạt động xuất bản; □ 31. Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; □ 32. Hoạt động phát thanh, truyền hình; □ 33. Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; □ 34. Hoạt động dịch vụ thông tin; □ 35. Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); □ 36. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng; □ 37. Sản xuất đồ uống; □ 38. In, sao chép bản ghi các loại; □ 39. Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; □ 40. Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; □ 41. Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); □ 42. Sản xuất mô tô, xe máy; □ 43. Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; □ 44. Thoát nước và xử lý nước thải. Tôi cam đoan những nội dung kê khai trên là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã khai; tôi cam kết nộp đầy đủ số tiền thuế theo thời hạn nộp thuế được gia hạn. NHÂN VIÊN ĐẠI LÝ THUẾ Họ và tên: ……………………… Chứng chỉ hành nghề số: ……. ..... , ngày....... tháng...... năm….. NGƯỜI NỘP THUẾ hoặc ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ (Chữ ký, ghi rõ họ tên; chức vụ và đóng dấu (nếu có)/Ký điện tử) Ghi chú: - Mục I: NNT tự xác định theo quy định xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/201/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Mục II: NNT tự xác định theo quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định theo danh mục do ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố. - Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất chỉ gửi 01 lần cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn. Phương thức nộp người nộp thuế lựa chọn như sau: + Người nộp thuế nộp theo phương thức điện tử gửi tới Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. + Người nộp thuế nộp trực tiếp tới cơ quan thuế hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính.
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "28/05/2022", "sign_number": "34/2022/NĐ-CP", "signer": "Lê Minh Khái", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Thong-tu-18-2015-TT-NHNN-tai-cap-von-trai-phieu-dac-biet-cong-ty-quan-ly-tai-san-to-chuc-tin-dung-Viet-Nam-293537.aspx
Thông tư 18/2015/TT-NHNN tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng Việt Nam
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 18/2015/TT-NHNN Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ TÁI CẤP VỐN TRÊN CƠ SỞ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 53/2013/NĐ-CP); Căn cứ Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 34/2015/NĐ-CP); Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là trái phiếu đặc biệt) theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Nghị định số 34/2015/NĐ-CP . Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Tổ chức tín dụng Việt Nam bao gồm tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, tổ chức tín dụng liên doanh (sau đây gọi là tổ chức tín dụng). 2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt (sau đây gọi là tái cấp vốn) của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng. Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ Điều 3. Mục đích Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn hoạt động của tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Nghị định số 34/2015/NĐ-CP . Điều 4. Điều kiện tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định tái cấp vốn khi tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: 1. Là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này, sở hữu hợp pháp trái phiếu đặc biệt đang lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chưa được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Quản lý tài sản) thanh toán. 2. Trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP , Nghị định số 34/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Điều 5. Mức tái cấp vốn Mức tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt, kết quả trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và kết quả xử lý nợ xấu nhưng không vượt quá 70% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt; đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt, mức tái cấp vốn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định từng trường hợp cụ thể nhưng không vượt quá 100% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt. Điều 6. Lãi suất tái cấp vốn 1. Lãi suất tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 2. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn ghi trên hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng. Điều 7. Thời hạn tái cấp vốn Thời hạn tái cấp vốn dưới 01 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt. Điều 8. Gia hạn tái cấp vốn 1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định gia hạn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng, tuân thủ các quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này. 2. Thời gian gia hạn mỗi lần không vượt quá thời hạn tái cấp vốn lần đầu của khoản tái cấp vốn đó và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt. Điều 9. Trình tự xem xét tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn 1. Khi có nhu cầu vay tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn, tổ chức tín dụng gửi 05 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ). Hồ sơ bao gồm: a) Giấy đề nghị tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn; trong đó nêu rõ: tên tổ chức tín dụng, số hiệu tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, số tiền, mục đích (ghi mục đích cụ thể), thời hạn đề nghị tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn, tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn, cam kết các trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tín dụng; b) Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước có xác nhận đối chiếu của Công ty Quản lý tài sản theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Công ty Quản lý tài sản. 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 2 Điều này: a) Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước: Xác nhận Bảng kê số dư trái phiếu đặc biệt đang lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước làm cơ sở tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này gửi Vụ Chính sách tiền tệ, đồng thời gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; b) Công ty Quản lý tài sản: Gửi Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này tới Vụ Chính sách tiền tệ, đồng thời gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; c) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: Đánh giá về việc tổ chức tín dụng đáp ứng điều kiện tái cấp vốn quy định tại Điều 4 Thông tư này, năng lực tài chính, khả năng trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt, nhu cầu vay tái cấp vốn theo mục đích đề xuất của tổ chức tín dụng, đề xuất mức tái cấp vốn, mức gia hạn tái cấp vốn, thời hạn tái cấp vốn, thời gian gia hạn tái cấp vốn đối với từng tổ chức tín dụng, gửi Vụ Chính sách tiền tệ. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các đơn vị theo quy định tại khoản 3 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ đề xuất xử lý đề nghị tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng và có văn bản lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Công ty Quản lý tài sản. 5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 4 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Công ty Quản lý tài sản có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ. 6. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các đơn vị theo quy định tại khoản 5 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định về đề nghị tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng. 7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng. Điều 10. Thẩm quyền ký văn bản của tổ chức tín dụng Người có thẩm quyền thay mặt tổ chức tín dụng ký các văn bản về việc vay tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước là người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng. Điều 11. Trả nợ vay tái cấp vốn 1. Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng trả hết nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngày đến hạn trả nợ trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thời hạn vay tái cấp vốn kéo dài đến ngày làm việc tiếp theo. 2. Trả nợ vay tái cấp vốn trước hạn: a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu quý tiếp theo, trên cơ sở hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản sử dụng số thu hồi nợ bằng tiền mà tổ chức tín dụng được hưởng trong quý từ từng khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở tái cấp vốn để trả nợ Ngân hàng Nhà nước và có văn bản thông báo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng về số tiền trả nợ theo từng trái phiếu đặc biệt; b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở vay tái cấp vốn đến hạn thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nha nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng phải trả nợ trước hạn cho Ngân hàng Nhà nước, số tiền gốc vay tái cấp vốn phải trả đối với từng trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán bằng mệnh giá trái phiếu đặc biệt sau khi trừ dự phòng rủi ro và thu hồi nợ xấu bằng tiền được ghi tại Bảng kê trái phiếu đặc biệt kèm theo Quyết định tái cấp vốn trừ đi số tiền Công ty Quản lý tài sản đã trả nợ theo quy định tại điểm a Khoản này; c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Công ty Quản lý tài sản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở vay tái cấp vốn theo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng phải trả hết nợ gốc và lãi khoản vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước; d) Khi số tiền phải trả nợ trước hạn cho Ngân hàng Nhà nước bằng số tiền Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, tổ chức tín dụng thực hiện trả hết nợ gốc và lãi khoản vay tái cấp vốn. Điều 12. Xử lý đối với việc tổ chức tín dụng không trả nợ đúng hạn Trường hợp khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng không trả được nợ và không được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thì Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý như sau: 1. Chuyển khoản nợ gốc của tổ chức tín dụng sang nợ quá hạn và áp dụng theo mức lãi suất tái cấp vốn quá hạn, kể từ ngày quá hạn. 2. Thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ: a) Trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước; b) Yêu cầu Công ty Quản lý tài sản sử dụng số thu hồi nợ bằng tiền mà tổ chức tín dụng được hưởng từ các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước; c) Thu hồi nợ từ các nguồn khác của tổ chức tín dụng; d) Yêu cầu tổ chức tín dụng chuyển quyền sở hữu cho Ngân hàng Nhà nước đối với các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng; đ) Thực hiện các thủ tục để chuyển khoản tái cấp vốn thành khoản cho vay đặc biệt hoặc thành khoản góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Nhà nước tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng 1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản các hồ sơ, tài liệu về việc tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn. 2. Cập nhật số liệu về trái phiếu đặc biệt trong thời gian đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản khi có thay đổi về số liệu trái phiếu đặc biệt làm cơ sở đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn hoặc khi có yêu cầu. 3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các hồ sơ, tài liệu, thông tin đã cung cấp. 4. Sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại Thông tư này. Có văn bản báo cáo Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản về việc trả nợ vay tái cấp vốn trước hạn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư này. 5. Chịu sự thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong việc chấp hành các quy định tại Thông tư này. 6. Định kỳ hàng tháng có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước) theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này. 7. Chuyển quyền sở hữu các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp không trả được nợ vay tái cấp vốn sau khi nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước về yêu cầu xử lý nợ. 8. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định pháp luật có liên quan. Điều 14. Trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản 1. Xác nhận đối chiếu Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn hoặc gia hạn tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xử lý đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng; gửi ý kiến theo quy định tại điểm b khoản 3, khoản 5 Điều 9 Thông tư này. 3. Trả nợ Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 và điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư này. 4. Thông báo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt đang làm cơ sở tái cấp vốn. 5. Chủ trì, phối hợp với tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt để trả nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước. Điều 15. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước 1. Vụ Chính sách tiền tệ a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng; b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định; c) Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. 2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng a) Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xử lý đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng; có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại điểm c khoản 3, khoản 5 Điều 9 Thông tư này; b) Giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này; c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục để chuyển khoản vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng thành khoản cho vay đặc biệt hoặc thành khoản góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Nhà nước tại tổ chức tín dụng. 3. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước a) Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xử lý đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng; có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 9 Thông tư này; b) Thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng với tổ chức tín dụng, giải ngân, gia hạn tái cấp vốn, thu hồi nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại Thông tư này, thực hiện hạch toán, theo dõi trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn và các trách nhiệm khác liên quan đến trái phiếu đặc biệt khi tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước; c) Thông báo cho Công ty Quản lý tài sản về việc giải ngân, thu nợ tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng kèm theo danh mục trái phiếu đặc biệt được phong tỏa, ngừng phong tỏa trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày giải ngân, thu nợ tái cấp vốn; d) Thông báo cho tổ chức tín dụng về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước; đ) Định kỳ hàng tháng báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước số liệu về doanh số cho vay, doanh số thu nợ, số dư tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng, đồng thời gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản, Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. 4. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xử lý đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn của tổ chức tín dụng; có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư này. 5. Vụ Tài chính - Kế toán: Hướng dẫn hạch toán kế toán liên quan đến việc tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư này. 6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố: Giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định tại Thông tư này. Điều 16. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2015 và thay thế Thông tư số 20/2013/TT-NHNN ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. 2. Các khoản tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản còn số dư đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng. 2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./. Nơi nhận: - Như khoản 3 Điều 16; - Ban Lãnh đạo NHNN; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo; - Lưu: VP, Vụ PC, Vụ CSTT (05 bản) KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC Nguyễn Thị Hồng PHỤ LỤC 1 Tổ chức tín dụng: ……. Số văn bản: …… BẢNG KÊ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT LÀM CƠ SỞ VAY TÁI CẤP VỐN/GIA HẠN TÁI CẤP VỐN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM Đến ngày ... tháng ... năm ... Đơn vị: đồng STT Mã trái phiếu đặc biệt Ngày phát hành Ngày đến hạn Mệnh giá trái phiếu đặc biệt Dự phòng rủi ro đã trích lập đối với trái phiếu đặc biệt Thu hồi nợ xấu bằng tiền Mệnh giá trái phiếu đặc biệt sau khi trừ dự phòng rủi ro và thu hồi nợ xấu bằng tiền (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) = (5) - (6) - (7) 1 2 ... Tổng … ... ... … ………….., ngày ... tháng ... năm ... Xác nhận đối chiếu của Công ty Quản lý tài sản (Ký tên và đóng dấu) Lập biểu Kiểm soát Người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng (Ký tên và đóng dấu) Hướng dẫn lập Bảng kê: Các số liệu, thông tin về trái phiếu đặc biệt tính đến thời điểm gần nhất khi tổ chức tín dụng gửi Hồ sơ đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn. Mã trái phiếu đặc biệt được liệt kê theo thứ tự. PHỤ LỤC II NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỞ GIAO DỊCH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số văn bản:………….. BẢNG KÊ SỐ DƯ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA... (tên tổ chức tín dụng) ĐANG LƯU KÝ TẠI SỞ GIAO DỊCH LÀM CƠ SỞ TÁI CẤP VỐN/GIA HẠN TÁI CẤP VỐN Đến ngày ... tháng ... năm ... Đơn vị: đồng STT Mã trái phiếu đặc biệt Ngày phát hành Ngày đến hạn Mệnh giá trái phiếu đặc biệt (1) (2) (3) (4) (5) 1 2 … Tổng ... Ghi chú (nếu có):………………………………………………………………………………………. ………….. ngày ... tháng ... năm ... Lập biểu Kiểm soát Thủ trưởng đơn vị Hướng dẫn lập Bảng kê: Các số liệu, thông tin tính đến thời điểm gần nhất khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước gửi Bảng kê. Mã trái phiếu đặc biệt được liệt kê theo thứ tự. PHỤ LỤC III NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số văn bản:………….. BẢNG KÊ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT LÀM CƠ SỞ TÁI CẤP VỐN/GIA HẠN TÁI CẤP VỐN ĐỐI VỚI ... (tên tổ chức tín dụng) Đến ngày ... tháng ... năm ... Đơn vị: đồng STT Mã trái phiếu đặc biệt Ngày phát hành Ngày đến hạn Mệnh giá trái phiếu đặc biệt Dự phòng rủi ro đã trích lập đối với trái phiếu đặc biệt Thu hồi nợ xấu bằng tiền Mệnh giá trái phiếu đặc biệt sau khi trừ dự phòng rủi ro và thu hồi nợ xấu bằng tiền (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) = (5) - (6) - (7) 1 2 … Tổng … … ... ... Ghi chú (nếu có):………………………………………………………………………………………. ………….. ngày ... tháng ... năm ... Lập biểu Kiểm soát Thủ trưởng đơn vị (Ký tên và đóng dấu) Hướng dẫn lập Bảng kê: Các số liệu, thông tin tính đến thời điểm gần nhất khi Công ty Quản lý tài sản gửi Bảng kê. Mã trái phiếu đặc biệt được liệt kê theo thứ tự. PHỤ LỤC IV Tổ chức tín dụng:……. Số văn bản: …… BẢNG KÊ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT LÀM CƠ SỞ VAY TÁI CẤP VỐN/GIA HẠN TÁI CẤP VỐN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM Đến ngày ... tháng ... năm ... Đơn vị: đồng STT Mã trái phiếu đặc biệt Ngày phát hành Ngày đến hạn Mệnh giá trái phiếu đặc biệt Dự phòng rủi ro đã trích lập đối với trái phiếu đặc biệt Thu hồi nợ xấu bằng tiền Mệnh giá trái phiếu đặc biệt sau khi trừ dự phòng rủi ro và thu hồi nợ xấu bằng tiền (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) = (5) - (6) - (7) 1 2 ... Tổng … ... ... … Ghi chú (nếu có):……………………………………………………………………………………. ………….., ngày ... tháng ... năm ... Lập biểu Kiểm soát Người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng (Ký tên và đóng dấu) Hướng dẫn lập Bảng kê: Các số liệu, thông tin tính đến thời điểm gần nhất khi tổ chức tín dụng gửi Bảng kê. Mã trái phiếu đặc biệt được liệt kê theo thứ tự. PHỤ LỤC V Tổ chức tín dụng:……. Số văn bản: …… BÁO CÁO SỬ DỤNG TIỀN VAY TÁI CẤP VỐN TRÊN CƠ SỞ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN Tháng ... năm ... Đơn vị: đồng Quyết định tái cấp vốn Số tiền vay Ngân hàng Nhà nước đến tháng báo cáo Sử dụng tiền vay tái cấp vốn Mục đích Số tiền Quyết định số ... ngày …tháng ... năm ... 2.000.000.000 Cho vay nông nghiệp nông thôn 1.000.000.000 Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 1.000.000.000 Quyết định số ... ngày ... tháng ... năm ... 1.000.000.000 Thanh khoản 1.000.000.000 … Tổng … … Ghi chú (nếu có):………………………………………………………………………………… ………….., ngày ..... tháng .....năm ….. Lập biểu Kiểm soát Người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng (Ký tên và đóng dấu) 1.Thời hạn gửi báo cáo: Trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo ngay sau tháng báo cáo. 2. Đơn vị nhận báo cáo: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
{ "issuing_agency": "Ngân hàng Nhà nước", "promulgation_date": "22/10/2015", "sign_number": "18/2015/TT-NHNN", "signer": "Nguyễn Thị Hồng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-02-2012-ND-CP-huong-dan-Phap-lenh-Thu-tuc-bat-giu-tau-bay-xu-ly-tau-134039.aspx
Nghị định 02/2012/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay xử lý tàu mới nhất
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 02/2012/NĐ-CP Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2012 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH THỦ TỤC BẮT GIỮ TÀU BAY; THỦ TỤC XỬ LÝ TÀU BAY BỊ BỎ CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay ngày 16 tháng 3 năm 2010; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Nghị định này quy định về: a) Việc thực hiện bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ; b) Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ tại Việt Nam. 2. Nghị định này điều chỉnh đối với tàu bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ và xử lý tàu bay bị bỏ tại Việt Nam. Điều 3. Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan 1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thông tin về việc xử lý tàu bay bị bắt giữ vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. 2. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, là đầu mối liên lạc với cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự hoặc cơ quan đại diện khác của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch. 3. Doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm phối hợp với Cảng vụ hàng không, Đại diện cảng vụ hàng không thực hiện các quyết định của Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay; chỉ định vị trí đỗ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay; thực hiện việc bảo quản tàu bay và được quyền thu các loại giá, phí, lệ phí theo quy định. Chương 2. THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY, THẢ TÀU BAY ĐANG BỊ BẮT GIỮ MỤC 1. THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY Điều 4. Thủ tục thực hiện Quyết định bắt giữ tàu bay 1. Sau khi nhận được Quyết định bắt giữ tàu bay và ngay khi tàu bay hạ cánh hoặc sau khi nhận được Quyết định hủy Quyết định thả tàu bay của Tòa án theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm: a) Ra ngay Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay. Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay kèm theo bản chụp Quyết định bắt giữ tàu bay hoặc bản chụp Quyết định hủy Quyết định thả tàu bay của Tòa án phải được gửi ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; người chỉ huy tàu bay; người khai thác cảng hàng không, sân bay; người khai thác tàu bay qua mạng viễn thông hàng không (ATN) để đình chỉ huấn luyện cất cánh hoặc hủy bỏ phép bay đối với tàu bay có quyết định bắt giữ. Mẫu Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay và Biên bản giao nhận Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của Nghị định này. b) Chủ trì, phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay; hãng hàng không liên quan; người khai thác tàu bay và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay thực hiện việc không cho phép tàu bay cất cánh. c) Giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa theo chuyến bay (nếu phải xuất nhập cảnh hành khách, hành lý, hàng hóa). 2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay. 3. Người đề nghị cấp phép bay, người khai thác tàu bay, người chỉ huy tàu bay có nghĩa vụ thông báo với Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không về người thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay bị bắt giữ trong thời hạn tàu bay bị bắt giữ tại cảng hàng không, sân bay. Điều 5. Thông báo đã thực hiện việc bắt giữ tàu bay Trong thời hạn 05 giờ, kể từ khi doanh nghiệp cảng hàng không chỉ định vị trí đỗ tàu bay tại sân bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc tàu bay đã bị bắt giữ cho Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay và Cục Hàng không Việt Nam. Điều 6. Trách nhiệm của Hãng hàng không đang thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa mà tàu bay bị bắt giữ 1. Khi tàu bay bị bắt giữ, Hãng hàng không đang thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa theo đúng hợp đồng đã giao kết, lo chỗ ăn, ở cho hành khách nếu thời gian tàu bay bị bắt giữ 24 giờ; phối hợp với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và các cơ quan có liên quan giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa (nếu phải xuất nhập cảnh hành khách, hàng hóa). 2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm giám sát, yêu cầu Hãng hàng không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 của Điều này; xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp Hãng hàng không không thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Điều 7. Thủ tục bắt giữ lại tàu bay Thủ tục bắt giữ lại tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay được thực hiện theo thủ tục bắt giữ tàu bay quy định tại Chương II của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay và quy định tại Mục này. MỤC 2. THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC THẢ TÀU BAY ĐANG BỊ BẮT GIỮ Điều 8. Thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ 1. Ngay sau khi nhận được Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hoặc trong trường hợp hết thời hạn bắt giữ tàu bay theo quy định, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm: a) Ra ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay. Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay kèm theo bản chụp Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ hoặc bản chụp Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay phải được gửi ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, người khai thác cảng hàng không sân bay, người khai thác tàu bay và người chỉ huy tàu bay qua mạng viễn thông hàng không (ATN). Mẫu Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay và Biên bản giao nhận Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV của Nghị định này. b) Chủ trì phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay và hãng hàng không, người khai thác tàu bay và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay triển khai các công việc cần thiết để cho phép tàu bay cất cánh và giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa theo chuyến bay. 2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay. 3. Tàu bay có Quyết định được thả chỉ được tiếp tục đưa vào khai thác sau khi người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay đã thanh toán hoặc thỏa thuận thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay. 4. Sau 30 ngày, kể từ ngày ra Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay mà không có sự liên lạc của người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay bị bắt giữ, Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo tới Nhà chức trách hàng không của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đồng thời thông báo 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương nơi tàu bay bị bắt giữ về yêu cầu nhận lại tàu bay. Chương 3. THỦ TỤC XỬ LÝ TÀU BAY BỊ BỎ Điều 9. Các trường hợp tàu bay bị bỏ Tàu bay được coi là bị bỏ trong các trường hợp sau đây: 1. Sau khi Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hết hiệu lực mà không cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào đứng ra thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó. 2. Chủ sở hữu tàu bay tuyên bố bằng văn bản việc từ bỏ tàu bay mà không chuyển quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó cho tổ chức bảo hiểm hợp pháp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác. Văn bản tuyên bố bỏ tàu bay của chủ sở hữu tàu bay phải được gửi cho Tòa án ra Quyết định bắt giữ tàu bay hoặc Cục Hàng không Việt Nam. Trường hợp tàu bay là tài sản của nhiều chủ sở hữu thì việc từ bỏ tàu bay phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 3. Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay, trừ trường hợp người có quyền và lợi ích liên quan đến tàu bay khởi kiện vụ án tại Tòa án để giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý vụ việc. 4. Sau 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn hợp đồng sử dụng bãi đỗ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với người khai thác cảng hàng không, sân bay để giải quyết việc sử dụng bãi đỗ tàu bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới Nhà chức trách hàng không của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đồng thời thông báo 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương về yêu cầu nhận lại tàu bay. Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay. Điều 10. Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này 1. Trong trường hợp tàu bay bị bỏ quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này, Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay có trách nhiệm bán đấu giá tàu bay. 2. Thủ tục bán đấu giá tàu bay và việc thanh toán bán đấu giá tàu bay thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 11. Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ trong các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị định này 1. Trong trường hợp tàu bay bị bỏ quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm chuyển giao tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Tiền bán đấu giá được ký gửi vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” của Cục Hàng không Việt Nam tại Ngân hàng được phép hoạt động ở Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá. 2. Thủ tục bán đấu giá tàu bay thực hiện theo quy định của pháp luật. 3. Sau 03 năm, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam gửi tiền vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có yêu cầu nhận lại thì số tiền đó được sung công quỹ. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thông tin về việc tàu bay mang đăng ký quốc tịch Việt Nam bị bán đấu giá vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. 4. Việc thanh toán tiền bán đấu giá tàu bay được thanh toán theo thứ tự ưu tiên như sau: a) Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá tàu bay; b) Tiền công gìn giữ, cứu hộ tàu bay và các chi phí có liên quan đến việc gìn giữ, cứu hộ tàu bay; c) Các khoản nợ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; d) Người thứ ba dưới mặt đất bị thiệt hại; đ) Các khoản nợ về các quyền, lợi ích đối với tàu bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án; e) Các khoản khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật. Chương 4. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 12. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 02 năm 2012. Điều 13. Tổ chức thực hiện Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NC (5b) TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng PHỤ LỤC I QUYẾT ĐỊNH THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY (Ban hành kèm theo Nghị định số 02/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ) CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG … ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /QĐ-CVHK … ………, ngày … tháng … năm … QUYẾT ĐỊNH Thực hiện việc bắt giữ tàu bay Căn cứ Quyết định số … ngày … / …/… của Tòa án nhân dân ................................................. Về việc bắt giữ tàu bay: ......................................................................................................... Loại tàu bay: ......................................................................................................................... Số hiệu đăng ký: ................................................................................................................... Quốc tịch tàu bay: ................................................................................................................. Chủ sở hữu tàu bay: ............................................................................................................. Quốc tịch của chủ sở hữu tàu bay: ......................................................................................... Địa chỉ: ................................................................................................................................. Giám đốc Cảng vụ hàng không/Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không ……………………………. quyết định bắt giữ tàu bay đối với: - Tàu bay: ............................................................................................................................. - Quốc tịch tàu bay: ............................................................................................................... - Số hiệu đăng ký: ................................................................................................................. - Số hiệu chuyến bay: ............................................................................................................ - Hãng hàng không liên quan: ................................................................................................. - Họ tên, chức vụ của người đại diện Hãng hàng không, người khai thác tàu bay, người chỉ huy tàu bay bị bắt giữ được thông báo về việc bắt giữ tàu bay ..................................................................................................... - Vị trí đỗ tàu bay bị bắt giữ: ................................................................................................... - Thời điểm bắt giữ tàu bay1: .................................................................................................. Trong thời gian bị bắt giữ, yêu cầu thực hiện các quy định quy định sau: ............................................................................................................................................. ............................................................................................................................................. Người chỉ huy tàu bay và các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện theo Quyết định trên của Tòa án và Thông báo này. Nơi nhận: - Cục Hàng không Việt Nam (để b/c); - Tòa án nhân dân ……………… (để th/b); - Các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng (để p/h); - Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu (để th/h); - Hãng hàng không liên quan (để th/h); - Người chỉ huy tàu bay (để th/h); - Người khai thác cảng hàng không, sân bay (để th/h); - Cơ quan thi hành án (trường hợp tàu bay bị bắt giữ để thi hành án); - Lưu: Văn thư. GIÁM ĐỐC (Ký tên, đóng dấu) ____________ 1 Là thời điểm ra Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay. PHỤ LỤC II BIÊN BẢN GIAO NHẬN QUYẾT ĐỊNH THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY (Ban hành kèm theo Nghị định số 02/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ) CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG … ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………, ngày … tháng … năm … BIÊN BẢN GIAO NHẬN Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay Hôm nay, vào hồi ………….. giờ ……… phút, ngày … tháng … năm … 20................................. Tại ....................................................................................................................................... Tôi là: ………………………………… Chức vụ: .......................................................................... Đại diện Cảng vụ hàng không .................................................................................................. Đã thực hiện việc giao: 1. Quyết định số: … ngày …../…../….. của Tòa án nhân dân ……………… về việc ..................... 2. Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay số: ………………………. ngày …/…/……… của Cảng vụ hàng không …………….. về việc ……………. cho người nhận là ông (bà): ………. Chức danh: …………….. của tàu: ………………………. Quốc tịch: …………….. Số hiệu đăng ký ………………………….. Biên bản kết thúc vào hồi ……….. giờ …. phút cùng ngày. Ông (bà) …………………… đã đọc lại biên bản, xác nhận là đúng. NGƯỜI NHẬN VĂN BẢN (Ký và ghi rõ họ tên, chức vụ) CÁN BỘ CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG (Ký và ghi rõ họ tên, chức vụ) PHỤ LỤC III QUYẾT ĐỊNH HỦY QUYẾT ĐỊNH THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY (Ban hành kèm theo Nghị định số 02/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ) CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG … ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /QĐ-CVHK … ………, ngày … tháng … năm … QUYẾT ĐỊNH Hủy quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay Căn cứ Quyết định số ……….… ngày … / …/… của Tòa án nhân dân …………………… về việc bắt giữ tàu bay: Loại tàu bay: ......................................................................................................................... Số hiệu đăng ký: ................................................................................................................... Quốc tịch tàu bay: ................................................................................................................. Chủ sở hữu tàu bay: ............................................................................................................. Quốc tịch của chủ sở hữu tàu bay: ......................................................................................... Địa chỉ: ................................................................................................................................. Giám đốc Cảng vụ hàng không/Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không ……………………………. hủy quyết định bắt giữ tàu bay đối với: - Tàu bay: …………….. Quốc tịch: ……………………….. Số hiệu đăng ký:................................. - Số hiệu chuyến bay: …………………. Hãng hàng không liên quan: .......................................... Người chỉ huy tàu bay và các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện theo Quyết định trên của Tòa án và Quyết định này. Nơi nhận: - Cục Hàng không Việt Nam (để b/c); - Tòa án nhân dân ……………… (để th/b); - Các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng (để p/h); - Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu (để th/h); - Hãng hàng không liên quan (để th/h); - Người chỉ huy tàu bay (để th/h); - Người khai thác cảng hàng không, sân bay (để th/h); - Cơ quan thi hành án (trường hợp tàu bay bị bắt giữ để thi hành án); - Lưu: Văn thư. GIÁM ĐỐC (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC IV BIÊN BẢN GIAO NHẬN QUYẾT ĐỊNH HỦY QUYẾT ĐỊNH THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY (Ban hành kèm theo Nghị định số 02/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ) CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG … ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………, ngày … tháng … năm … BIÊN BẢN GIAO NHẬN Quyết định hủy quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay Hôm nay, vào hồi ………….. giờ ……… phút, ngày … tháng … năm … 20................................. Tại ....................................................................................................................................... Tôi là: ………………………………… Chức vụ: .......................................................................... Đại diện Cảng vụ hàng không .................................................................................................. Đã thực hiện việc giao: 1. Quyết định số ....… ngày …../…../….. của Tòa án nhân dân ……………… về việc .................. 2. Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay số ………. ngày …/…/……… của Cảng vụ hàng không …………….. về việc ……………. cho người nhận là ông (bà): ………. Chức danh: …………………….. của tàu bay: ……………………………. Quốc tịch: ……………….. Số hiệu đăng ký ………………………………….. Biên bản kết thúc vào hồi ……….. giờ …. phút cùng ngày. Ông (bà) …………………… đã đọc lại biên bản, xác nhận là đúng. NGƯỜI NHẬN VĂN BẢN (Ký và ghi rõ họ tên, chức vụ) CÁN BỘ CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG (Ký và ghi rõ họ tên, chức vụ)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "11/01/2012", "sign_number": "02/2012/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-76-2004-TT-BTC-huong-dan-thu-nop-quan-ly-su-dung-phi-le-phi-giao-thong-duong-bo-52279.aspx
Thông tư 76/2004/TT-BTC hướng dẫn thu nộp quản lý sử dụng phí lệ phí giao thông đường bộ
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 76/2004/TT-BTC Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2004 THÔNG TƯ SỐ 76/2004/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ; Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan; Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như sau: I. PHẠM VI ÁP DỤNG 1. Các khoản phí, lệ phí quy định tại Thông tư này bao gồm: a) Phí thẩm định thiết kế cải tạo, đóng mới, lắp ráp xe; kiểm nghiệm phương tiện đã cải tạo, đóng mới, lắp ráp; b) Lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng); c) Lệ phí quản lý phương tiện giao thông trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ; d) Lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giao thông đường bộ. 2. Đối tượng nộp phí, lệ phí: Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ những trường hợp không phải nộp lệ phí nêu tại điểm 3, mục này) phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này khi được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ phục vụ các công việc sau đây: a) Duyệt thiết kế cải tạo, đóng mới, lắp ráp phương tiện; kiểm nghiệm phương tiện đã hoàn thành việc cải tạo, đóng mới, lắp ráp; b) Cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng); c) Cấp các loại giấy phép lưu hành phương tiện giao thông trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, giấy đăng ký lưu hành phương tiện vận tải tạm nhập, tái xuất, vận tải liên vận; d) Cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. 3. Không thu các khoản lệ phí (quy định tại tiết b, c và d điểm 1 mục này) đối với các trường hợp sau: a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc; b) Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài, thành viên các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của gia đình họ không phải là công dân Việt Nam hoặc không thường trú tại Việt nam được Bộ Ngoại giao Việt nam hoặc cơ quan ngoại vụ địa phương được Bộ Ngoại giao uỷ quyền cấp chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ. Trường hợp này, người đăng ký phải xuất trình với cơ quan đăng ký chứng minh thư ngoại giao (màu đỏ) hoặc chứng minh thư công vụ (màu vàng) theo quy định của Bộ Ngoại giao; c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống liên hợp quốc, cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ, các đoàn của tổ chức quốc tế, thành viên của cơ quan và tổ chức khác...) không thuộc đối tượng nêu tại tiết a, b trên đây, nhưng được miễn nộp hoặc không phải nộp lệ phí theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trường hợp này tổ chức, cá nhân phải cung cấp cho cơ quan đăng ký: - Đơn đề nghị miễn nộp lệ phí, có ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu là tổ chức). - Bản sao hiệp định hoặc thoả thuận giữa Chính phủ Việt nam với Chính phủ nước ngoài bằng tiếng Việt Nam (có xác nhận của Công chứng nhà nước hoặc ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu xác nhận của chủ chương trình, dự án). II. MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ 1. Mức thu: Mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông quy định như sau: STT Tên phí, lệ phí Đơn vị tính Mức thu (đồng) 1 Phí thẩm định thiết kế cải tạo, đóng mới, lắp ráp xe; kiểm nghiệm phương tiện đã cải tạo, đóng mới, lắp ráp a. Thẩm định thiết kế cải tạo, đóng mới, lắp ráp xe Lần/mẫu 200.000 b. Kiểm nghiệm phương tiện đã cải tạo, đóng mới, lắp ráp Lần/mẫu 200.000 2 Lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng) a. Cấp mới kèm theo biển số Lần/phương tiện 150.000 b. Cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký kèm theo biển số Lần/phương tiện 150.000 c. Cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số Lần/phương tiện 30.000 d. Cấp giấy đăng ký kèm theo biển số tạm thời Lần/phương tiện 50.000 đ. Đóng lại số khung, số máy Lần/phương tiện 50.000 3 Lệ phí quản lý phương tiện giao thông a. Giấy phép lưu hành đặc biệt Lần/phương tiện 30.000 b. Giấy phép sử dụng ô tô tập lái Lần/phương tiện (tối thiểu 6 tháng) 30.000 c. Giấy đăng ký lưu hành phương tiện vận tải tạm nhập, tái xuất Lần/phương tiện 50.000 d. Giấy phép vận tải liên vận Lần/phương tiện 50.000 4 Lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện a. Cấp mới giấy phép lái xe cơ giới Lần 30.000 b. Cấp lại giấy phép lái xe cơ giới Lần 30.000 c. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ lái xe cơ giới chuyển vùng Lần 10.000 Mức thu phí, lệ phí quy định tại mục này đã bao gồm tất cả các chi phí liên quan như: chi phí về tờ khai đăng ký, giấy chứng nhận, ép plastic giấy chứng nhận,... Các tổ chức, cá nhân nếu đã nộp đủ số tiền phí, lệ phí theo mức thu quy định tại mục này thì không phải nộp thêm bất cứ khoản thu nào khác. Nghiêm cấm các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ thu phí, lệ phí trái với mức thu quy định tại Thông tư này. 2. Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí: a) Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ thực hiện các công việc nêu tại mục I Thông tư này có nhiệm vụ tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng và công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật (dưới đây gọi chung là cơ quan thu). b) Tổ chức, cá nhân phải nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí theo mức thu quy định ngay khi kê khai và nộp hồ sơ đề nghị với cơ quan thực hiện các công việc thuộc danh mục các loại phí, lệ phí được quy định tại Thông tư này. c) Cơ quan thu phải lập và cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của Bộ Tài chính về chế độ phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ. d) Phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông quy định tại Thông tư này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Tuỳ theo số thu nhiều hay ít mà định kỳ hàng ngày hoặc một tuần một lần, cơ quan thu phải gửi vào tài khoản "tạm giữ tiền phí, lệ phí" mở tại Kho bạc nhà nước nơi đóng trụ sở chính và được quản lý, sử dụng như sau: - Cơ quan thu được trích 65% (sáu mươi lăm phần trăm) trên tổng số tiền thu về phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí (riêng đối với khoản thu từ lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công được trích trên số tiền lệ phí thu được sau khi trừ tiền mua biển số theo giá quy định của Bộ Tài chính trong từng thời điểm) theo các nội dung cụ thể sau: + Chi in (hoặc mua) biểu mẫu, tờ khai, đơn và hồ sơ đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký, giấy phép, mẫu văn bằng, sổ sách theo dõi việc đăng ký; kể cả ép plastic, cà số xe; + Chi sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu phí, lệ phí. + Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành. + Các khoản chi thường xuyên khác trực tiếp phục vụ việc cấp giấy chứng nhận đăng ký và biển số theo chế độ nhà nước quy định (trừ chi phí tiền lương cho lực lượng công nhân viên chức nhà nước đã hưởng tiền lương theo chế độ quy định). + Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện việc thu phí, lệ phí. Mức trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu thấp hơn hoặc bằng năm trước. Toàn bộ số tiền phí, lệ phí được trích theo tỷ lệ quy định trên đây, cơ quan thu phải cân đối vào kế hoạch tài chính năm. Quá trình quản lý phải sử dụng đúng nội dung chi theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và phải có chứng từ hoá đơn hợp pháp theo quy định. Quyết toán năm, nếu chưa chi hết số tiền được trích thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. - Số tiền còn lại (35%), cơ quan thu thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng theo quy định hiện hành về Mục lục ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. đ) Thủ tục đăng ký, kê khai, thu, nộp và thanh quyết toán phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thông tư này thay thế Thông tư số 77-TC/TCT ngày 29/11/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị. Khoản thu lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 34/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ Tài chính quy định chế độ chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Khoản thu phí sát hạch đủ điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2004/TT-BTC ngày 26/3/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu và quản lý sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; trường hợp địa phương chưa có trung tâm sát hạch lái xe theo quy định tại Quyết định số 4392/2001/BGTVT ngày 20/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiêu chuẩn Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ mà vẫn phải tổ chức sát hạch tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ thì được tiếp tục áp dụng mức thu lệ phí thi và cấp giấy phép lái xe quy định tại điểm 1 và điểm 2, mục II của Biểu mức thu quy định tại Thông tư số 77-TC/TCT ngày 29/11/1996 của Bộ Tài chính cho đến hết ngày 31/12/2005. Mọi quy định trước đây về phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ trái với Thông tư này đều hết hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trương Chí Trung (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "29/07/2004", "sign_number": "76/2004/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-54-2012-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-39-2009-ND-CP-vat-lieu-no-cong-nghiep-141937.aspx
Nghị định 54/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 39/2009/NĐ-CP vật liệu nổ công nghiệp
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 54/2012/NĐ-CP Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2012 NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/2009/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp, Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp như sau: 1. Bổ sung Khoản 1 Điều 16 như sau: “1. Tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011. Việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, mua bán tiền chất thuốc nổ phải đảm bảo các yêu cầu về an ninh, trật tự theo quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp và đảm bảo các yêu cầu an toàn theo quy định pháp luật về hoá chất nguy hiểm.” 2. Sửa đổi Khoản 1 Điều 17 như sau: “1. Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011.” 3. Sửa đổi Khoản 1 Điều 18 như sau: “1. Nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ từ các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; đảm bảo mức dự trữ nguyên liệu sản xuất, tiền chất theo kế hoạch đã cam kết với tổ chức kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.” 4. Sửa đổi Khoản 1 Điều 19 như sau: “1. Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011.” 5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 34 như sau: “1. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 33, lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo mẫu quy định; b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu quy định tại Chương II Nghị định này, tương ứng với loại hoạt động đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép. Bộ Công Thương quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và dịch vụ nổ mìn cho các tổ chức quy định tại các Khoản 1, 2 Điều 36 Nghị định này. Bộ Quốc phòng quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tố chức thuộc Bộ Quốc phòng.” 6. Sửa đổi Khoản 2 Điều 34 như sau: “2. Bộ Quốc phòng quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Bộ Công an quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với các đối tượng còn lại.” 7. Sửa đổi Khoản 3 Điều 34 như sau: “3. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép không phải nộp các giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này nếu những thông tin cần thiết trong văn bản đó đã được cung cấp, công bố đầy đủ trên trang tin điện tử chính thức của cơ quan ban hành các văn bản đó.” 8. Sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 34 như sau: “5. Trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép cho tổ chức đề nghị cấp phép; trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho tổ chức đề nghị cấp phép; trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.” 9. Sửa đổi Khoản 2 Điều 35 như sau: “2. Không quy định về thời hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Định kỳ hàng năm, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các tổ chức được cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện việc chấp hành các điều kiện quy định trong Giấy phép, Giấy chứng nhận; xử lý vi phạm theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp.” 10. Sửa đổi Điểm a Khoản 3 Điều 35 như sau: “3. Thời hạn của Giấy phép quy định như sau: a) Không quá 05 (năm) năm đối với Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản”. 11. Sửa đổi Điểm d Khoản 3 Điều 35 như sau: “d) Theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 06 (sáu) tháng đối với Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp”. 12. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 35 như sau: “4. Bộ Công Thương quy định chi tiết mẫu Giấy chứng nhận, Giấy phép sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và dịch vụ nổ mìn. Bộ Quốc phòng quy định chi tiết mẫu Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp và tạm ngừng cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Bộ Công an quy định chi tiết mẫu Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp và tạm ngừng cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng còn lại.” 13. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau: “1. Cơ quan quản lý chuyên ngành vật liệu nổ công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và Giấy phép dịch vụ nổ mìn; cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức là doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối do các Bộ, ngành Trung ương hoặc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu vốn, các doanh nghiệp hoạt động dầu khí, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học. 2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện hoặc ủy quyền Sở Công Thương tổ chức thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức còn lại, thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều này đã được cổ phần hóa mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối, khi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công Thương cấp trước đây đã hết hạn. 3. Bộ Công an quy định cơ quan cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. 4. Bộ Quốc phòng quy định cơ quan cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.” 14. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 37 như sau: “2. Trường hợp tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ có thay đổi một trong các nội dung về đăng ký kinh doanh, địa điểm, quy mô hoặc điều kiện hoạt động của Giấy chứng nhận, Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận, Giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp điều chỉnh gồm đơn đề nghị và tài liệu chứng minh việc điều chỉnh một trong các nội dung về đăng ký kinh doanh, địa điểm, quy mô hoặc điều kiện hoạt động. Thời hạn thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo quy định tại Khoản 8 Điều này.” 15. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 42 như sau: “1. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy cho các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ theo quy định pháp luật về vận chuyển hàng nguy hiểm. 3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quy định, hướng dẫn về tạm ngừng cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong các trường họp cần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khi có hoạt động cấp quốc gia hoặc ở những khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị.” 16. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 43 như sau: “2. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp quốc phòng, đơn vị quân đội làm kinh tế. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. 3. Phối hợp với Bộ Công an quy định về tạm ngừng cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong các trường hợp cần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khi có hoạt động cấp quốc gia hoặc ở những khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị.” Điều 2. Điều khoản thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2012. 2. Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ cấp cho tổ chức theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo thời hạn quy định tại Giấy phép. Điều 3. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - UB Giám sát tài chính QG; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTN. (5b) TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "22/06/2012", "sign_number": "54/2012/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-193-2011-TT-BTC-huong-dan-quan-ly-tai-chinh-giai-ngan-133440.aspx
Thông tư 193/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính, giải ngân
BỘ TÀI CHÍNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 193/2011/TT-BTC Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2011 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, GIẢI NGÂN ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TÀI TRỢ BẰNG NGUỒN VỐN QUỸ OPEC VỀ PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ (OFID) Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002, Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/06/2009; Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về Nghiệp vụ quản lý nợ công; Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về Cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính, giải ngân đối với các chương trình, dự án do Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế (OFID) tài trợ như sau: Phần I CÁC QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc quản lý tài chính, rút vốn thanh toán, kiểm tra, báo cáo, quyết toán, hạch toán ngân sách nhà nước áp dụng đối với các chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn OFID. 2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn Chính phủ vay từ Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế là đối tượng áp dụng các quy định tại Thông tư này. Điều 2: Giải thích từ ngữ 1. Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế có tên tiếng Anh là The OPEC Fund for International Development (sau đây viết tắt là OFID): là cơ quan cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế. 2. Hiệp định vay: là thỏa thuận vay vốn ký giữa Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với OFID để tài trợ cho các dự án, chương trình đầu tư phát triển tại Việt Nam. Điều 3. Nguyên tắc chung 1. Nguồn vốn vay OFID cho các dự án là khoản vay nước ngoài của Chính phủ. Nguồn vốn này được quản lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn các Luật này, quy định về quản lý nguồn vốn ODA và quy định tại Thông tư này. 2. Các dự án sử dụng vốn vay OFID thuộc diện ngân sách cấp phát là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội, các dự án thuộc lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là NSNN) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, bao gồm cả trường hợp ngân sách địa phương được vay lại vốn vay nước ngoài từ ngân sách trung ương để cấp phát cho dự án, được cấp phát từ nguồn vốn ODA theo cơ chế cấp phát vốn NSNN. Vốn đối ứng cho các dự án thuộc diện ngân sách cấp phát do NSNN (trung ương, địa phương) đảm bảo, được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm theo nguồn vốn xây dựng cơ bản hoặc hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của dự án. 3. Các dự án sử dụng vốn vay OFID thuộc diện cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần là các dự án có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn, bao gồm cả các dự án tín dụng sẽ áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần, cấp phát một phần nguồn vốn ODA tùy theo khả năng hoàn vốn của dự án. Điều kiện cho vay lại cụ thể nguồn vốn ODA (cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần vốn ODA, đối tượng nhận vay lại, đồng tiền cho vay lại, trị giá cho vay lại, thời hạn cho vay lại, lãi suất cho vay lại, các loại phí theo quy định của nhà tài trợ, phí cho vay lại trong nước, v.v…) được xác định trong quá trình chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án căn cứ theo quy định tại Nghị định 78/CP-NĐ ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và/ hoặc thoả thuận với nhà tài trợ. 4. Vốn đối ứng trong nước: a. Vốn đối ứng là phần đóng góp của phía Việt nam trong dự án do OFID tài trợ để chi cho các nội dung của dự án bao gồm cả vốn để chi trả chi phí thuế, phí rút vốn, các loại phí ngân hàng, phí bảo hiểm, phí vận chuyển, phí lưu kho, chi phí kiểm toán và các loại chi phí hợp lệ khác nếu các chi phí này không được tài trợ từ nguồn vốn vay nước ngoài theo quy định của Hiệp định vay. b. Vốn đối ứng trong nước của dự án thuộc diện NSNN cấp phát dự án thuộc nhiệm vụ chi của cấp ngân sách nào do ngân sách cấp đó chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng; vốn đối ứng của dự án vay lại toàn bộ hoặc một phần do chủ dự án vay lại bảo đảm. Chủ dự án phải bố trí hoặc trình cấp có thẩm quyền bố trí đầy đủ vốn đối ứng cho dự án bảo đảm hiệu quả và cân đối với tiến độ giải ngân vốn nước ngoài. 5. Cơ quan chủ quản dự án, chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các dự án theo đúng các cam kết đã quy định trong Hiệp định vay và có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của Hiệp định vay và các quy định trong nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, quản lý tài sản của dự án, khi kết thúc dự án thực hiện quyết toán theo quy định hiện hành. Điều 4. Ngân hàng phục vụ và tài khoản của dự án 1.Ngân hàng phục vụ là một ngân hàng thương mại được lựa chọn trong danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn để uỷ quyền thực hiện giao dịch đối ngoại, thanh toán, cung cấp dịch vụ ngân hàng do Bộ Tài chính hoặc phối hợp với Chủ dự án lựa chọn. 2. Trách nhiệm của ngân hàng phục vụ: a. Theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngân hàng phục vụ mở Tài khoản tạm ứng cho dự án (sau đây viết tắt là TKTƯ) để thực hiện các giao dịch tiếp nhận tiền do OFID giải ngân và chuyển tiền từ TKTƯ về tài khoản nguồn vốn của dự án mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành. b. Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho Bộ Tài chính và Ban quản lý dự án đầy đủ các thông tin để thực hiện các giao dịch thanh toán trong và ngoài nước qua hệ thống ngân hàng. c. Ngân hàng phục vụ thực hiện ghi có vào TKTƯ của dự án số tiền Nhà tài trợ giải ngân trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo Có từ OFID và thông báo cho Bộ Tài chính, Chủ dự án biết số tiền nhận được. d. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi thực hiện chuyển tiền theo lệnh của chủ tài khoản, ngân hàng phục vụ gửi chủ tài khoản các chứng từ báo Nợ liên quan đến khoản thanh toán gồm: số tiền ngoại tệ, số tiền VNĐ, tỷ giá chuyển đổi, ngày thanh toán, người thụ hưởng để phục vụ việc hạch toán NSNN. đ. Số dư trên TKTƯ được hưởng lãi phát sinh theo lãi suất do ngân hàng phục vụ quy định hoặc theo mức lãi suất thoả thuận giữa ngân hàng phục vụ và chủ tài khoản. Ngân hàng phục vụ mở tài khoản theo dõi riêng lãi phát sinh từ TKTƯ. Số dư trên tài khoản theo dõi lãi phát sinh từ TKTƯ cũng được hưởng lãi. e. Ngân hàng phục vụ dự án được hưởng phí dịch vụ theo biểu phí hiện hành của ngân hàng phục vụ. g. Định kỳ hàng tháng và khi có yêu cầu, ngân hàng phục vụ có trách nhiệm gửi cho chủ tài khoản báo cáo sao kê TKTƯ, số lãi phát sinh từ TKTƯ của các dự án; số phí phục vụ do ngân hàng phục vụ thu; số chênh lệch giữa lãi và phí; số dư đầu kỳ, cuối kỳ. 3. Các tài khoản của dự án a. Tài khoản tại ngân hàng phục vụ: - Căn cứ vào nhu cầu thanh toán của Dự án và trên cơ sở đề nghị của Chủ quản dự án về việc mở TKTƯ cho dự án, Bộ Tài chính sẽ gửi thư đề nghị OFID thông qua việc sử dụng TKTƯ cho dự án. OFID sẽ xem xét và gửi thư thông báo chấp thuận hay từ chối việc mở TKTƯ của Dự án. - Căn cứ vào chấp thuận của OFID, Bộ Tài chính mở TKTƯ tại ngân hàng phục vụ theo yêu cầu thanh toán của dự án phù hợp quy định trong Hiệp định vay và thoả thuận với nhà tài trợ, và quy định hiện hành trong nước. TKTƯ là tài khoản trung gian chuyển tiền cho tài khoản nguồn vốn do Ban Quản lý Dự án mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành phố. b. Tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước (sau đây viết tắt là KBNN): - Tài khoản nguồn vốn để tiếp nhận vốn OFID: tuỳ theo yêu cầu tổ chức thực hiện của dự án và thoả thuận bằng văn bản với nhà tài trợ, chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn của dự án tại hệ thống KBNN để tiếp nhận các nguồn vốn vay OFID được chuyển về từ TKTƯ của dự án, thực hiện thanh toán cho dự án sau khi có kiểm soát chi của kho bạc. Theo thiết kế của dự án, cơ quan quản lý dự án cấp dưới (huyện, xã) có thể mở tài khoản tiền gửi tại KBNN huyện để tiếp nhận vốn từ Ban quản lý dự án tỉnh chuyển về để thanh toán cho các hoạt động của dự án. - Tài khoản thanh toán vốn đối ứng: chủ dự án mở tài khoản tại hệ thống KBNN để tiếp nhận, thanh toán vốn đối ứng do ngân sách cấp phát theo quy định hiện hành. 4. Phí dịch vụ Ngân hàng Phí dịch vụ ngân hàng được chi trả bằng lãi phát sinh trên TKTƯ và hạch toán vào tổng chi phí của dự án. Lãi phát sinh trên các tài khoản thuộc dự án cấp phát là nguồn thu của NSNN. Đối với các dự án hỗn hợp vừa có hợp phần được NSNN cấp phát kinh phí vừa có hợp phần được NSNN cho vay lại nguồn vốn ODA cùng sử dụng chung một TKTƯ (thời điểm NSNN cho vay lại là thời điểm rút vốn từ TKTƯ), lãi phát sinh trên tài khoản là nguồn thu của NSNN. Khi kết thúc dự án, số lãi phát sinh không sử dụng hết phải nộp vào NSNN. Trường hợp lãi phát sinh không đủ để trả phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án được NSNN cấp phát lập kế hoạch xin vốn đối ứng để thanh toán; chủ dự án vay lại tự thanh toán bằng nguồn vốn của mình. 5. Tỷ giá chuyển đổi Việc chuyển đổi nguồn vốn OFID bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam được áp dụng theo tỷ giá mua chuyển khoản của Ngân hàng phục vụ tại thời điểm giao dịch. Phần II QUY ĐỊNH CỤ THỂ Điều 5. Quản lý, sử dụng nguồn vốn vay 1. Nguồn vốn vay OFID tài trợ cho các hạng mục đầu tư trong dự án theo tỉ lệ quy định tại Phụ lục 2 của Hiệp định vay vốn ký với OFID. 2. Tỉ lệ tài trợ quy định trong Hiệp định vay là tỉ lệ tính trên chi phí các hạng mục đầu tư không bao gồm chi phí thuế. Tỉ lệ này có thể thay đổi theo thỏa thuận giữa nhà tài trợ và bên vay. Từng lần rút vốn vay để thanh toán cho các hạng mục đầu tư đều áp dụng các tỉ lệ tài trợ tương ứng để xác định số vốn rút từ nguồn vốn vay. 3. Mọi khoản rút vốn từ nguồn vốn vay đều phải được thực hiện trước ngày đóng tài khoản vay (hoặc ngày đóng tài khoản vay được gia hạn) theo quy định của Hiệp định vay. 4. Không dùng vốn vay để thanh toán cho các hạng mục hàng hóa không được quy định tại Hiệp định vay. 5. Việc thanh toán nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, quy định của Hiệp định vay, và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý, thanh toán vốn đầu tư xây dựng và quy định về quản lý tài chính nguồn vốn ODA, bao gồm cả Thông tư này. Điều 6. Phương thức rút vốn nước ngoài Các khoản chi phí hợp lệ của dự án được thanh toán từ nguồn vốn vay OFID theo các thủ tục: thanh toán trực tiếp; thanh toán hoàn vốn/hồi tố; thanh toán qua TKTƯ. Hồ sơ rút vốn, thủ tục kiểm soát chi và thanh toán nguồn vốn OFID, vốn đối ứng đối với các dự án do OFID tài trợ thực hiện theo các quy định của Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Thông tư số 40/2011/TT-BTC ngày 22/3/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 108/2007/TT-BTC , và Thông tư số 107/2011/TT-BTC ngày 20/7/2011 sửa đổi điểm c, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 40/2011/TT-BTC ngày 22/3/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các chủ dự án tuân thủ hướng dẫn của nhà tài trợ về cách áp dụng hình thức rút vốn và mẫu biểu rút vốn trong Hướng dẫn giải ngân của OFID. 1. Thanh toán trực tiếp (Direct Payment): Thanh toán trực tiếp là hình thức thanh toán mà theo đề nghị của Bên vay, OFID sẽ chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà thầu/nhà cung cấp hàng hoá/dịch vụ. Khi có nhu cầu rút vốn để thanh toán theo thủ tục thanh toán trực tiếp, Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại): - Công văn đề nghị rút vốn kèm theo Đơn rút vốn, các sao kê theo mẫu và các chứng từ cần thiết theo quy định của OFID; - Hoá đơn/đề nghị thanh toán của nhà thầu/nhà cung cấp hàng hoá/dịch vụ. - Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận (bản gốc) của cơ quan kiểm soát chi. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) xem xét đồng ký Đơn rút vốn vốn gửi OFID, nếu OFID chấp thuận sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của nhà thầu/nhà cung cấp hàng hoá/dịch vụ. 2. Thanh toán hoàn vốn/hồi tố (Reimbursement/retroactive): Thanh toán hoàn vốn là hình thức thanh toán hoàn lại số tiền mà cơ quan thực hiện dự án đã chi bằng nguồn vốn của mình cho các khoản chi hợp lệ được tài trợ từ vốn vay. Thanh toán hồi tố là hình thức thanh toán mà OFID tài trợ cho các khoản chi hợp lệ của dự án đã phát sinh trước thời điểm hiệu lực của Dự án và đã được bên vay thanh toán bằng nguồn vốn của mình. Nội dung thanh toán và khoảng thời gian được thanh toán hồi tố được quy định trong hiệp định vay. Khi có nhu cầu rút vốn để thanh toán theo thủ tục hoàn vốn, Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại): - Công văn đề nghị rút vốn kèm theo Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu và các chứng từ cần thiết theo quy định của OFID. Đơn rút vốn phải ghi rõ tên và số tài khoản của đơn vị đã ứng vốn. - Hoá đơn/đề nghị thanh toán của nhà thầu/nhà cung cấp hàng hoá/dịch vụ. - Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi (bản gốc). - Ban quản lý dự án cung cấp các tài liệu bổ sung chứng minh việc đã chuyển tiền cho nhà thầu. - Trong trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính có thể yêu cầu tài liệu giải trình bổ sung. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) xem xét đồng ký Đơn rút vốn vốn gửi OFID, nếu OFID chấp thuận sẽ chuyển tiền hoàn trả lại vốn đã sử dụng cho Ban quản lý dự án. 3. Rút vốn lần đầu về Tài khoản tạm ứng (TKTƯ): Việc rút vốn lần đầu về TKTƯ được thực hiện căn cứ trên hạn mức của TKTƯ được OFID chấp thuận trong thư gửi Bộ Tài chính. Để rút vốn, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại) công văn đề nghị rút vốn, đơn rút vốn và sao kê rút vốn, kế hoạch sử dụng vốn của dự án theo tháng hoặc Quý. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào thư chấp thuận của OFID về việc sử dụng TKTƯ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại) sẽ xem xét ký đơn rút vốn gửi OFID. 4. Rút vốn bổ sung TKTƯ: Để rút vốn bổ sung TKTƯ, Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại): - Công văn đề nghị rút vốn bổ sung TKTƯ. - Sao kê chi tiêu do Ban quản lý dự án lập theo mẫu của OFID thể hiện rõ từng khoản chi từ TKTƯ, chi tiết theo: ngày thanh toán, số tiền nguyên tệ, số tiền quy USD, tỷ giá USD/VNĐ, nội dung thanh toán, đối tượng thụ hưởng, tỷ lệ tài trợ, giá trị hợp đồng. Sao kê này là cơ sở để Bộ Tài chính làm thủ tục ghi thu ghi chi. - Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận của KBNN (bản gốc và bản dịch tiếng Anh), giấy rút vốn đầu tư (bản gốc và bản dịch tiếng Anh). Mỗi Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận chỉ được sử dụng một (01) lần. - Các Hợp đồng đã ký kết (tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh). Các hợp đồng chỉ gửi một (01) lần. - Chứng từ khác theo quy định của nhà tài trợ (chỉ gửi 1 lần nếu một hợp đồng thanh toán làm nhiều lần): bao gồm hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, hoá đơn, bảo lãnh thực hiện, bảo lãnh ứng trước (trong trường hợp tạm ứng vốn) hoặc chứng từ khác khi nhà tài trợ yêu cầu. - Các hồ sơ chứng từ gửi Bộ Tài chính: ngoài các chứng từ theo quy định của OFID, Ban quản lý dự án lập sao kê thể hiện rõ từng sao kê chi tiêu từ tài khoản nguồn vốn, có xác nhận của KBNN nơi giao dịch (bản gốc) gửi Bộ Tài chính. Sao kê cần chi tiết theo ngày thanh toán, số tiền, nội dung thanh toán, đối tượng thụ hưởng, số/ngày chứng từ chi tiêu. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) sẽ xem xét ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ để xem xét, nếu nhà tài trợ chấp nhận sẽ chuyển tiền bổ sung vào TKTƯ. 5. Rút vốn từ TKTƯ về tài khoản nguồn vốn tại KBNN: Vốn vay OFID sẽ được rút về TKTƯ của từng dự án mở tại Ngân hàng phục vụ do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản. Để rút vốn từ TKTƯ về tài khoản nguồn vốn tại KBNN, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) các hồ sơ sau: - Công văn đề nghị rút vốn về tài khoản nguồn, chỉ định rõ số tiền xin rút, số tài khoản, nơi mở tài khoản. Dự toán chi tiêu cho số tiền xin rút vốn. Hàng năm, Ban quản lý dự án xây dựng và trình Cơ quan chủ quản/Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tài chính năm của dự án (Kế hoạch tài chính cần chi tiết theo quý, theo các hoạt động chính của dự án, nguồn vốn, hạng mục chi phí, tỉ lệ tài trợ từ các nguồn vốn đối với từng hạng mục chi phí). Kế hoạch tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt được gửi cho Bộ Tài chính làm cơ sở chuyển vốn từng đợt cho Ban quản lý dự án vào tài khoản nguồn vốn của Ban mở tại KBNN tỉnh/thành phố; và được gửi cho Sở Tài chính tỉnh/thành phố và cơ quan chủ quản làm cơ sở theo dõi, quản lý, hạch toán nguồn vốn nước ngoài cấp phát cho tỉnh. - Các tài liệu khác nếu cần thiết. Trong vòng 3 ngày làm việc, trên cơ sở xem xét nhu cầu giải ngân kỳ tiếp theo của dự án, số vốn tạm ứng còn thừa/thiếu, và số dư trên TKTƯ của dự án, Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền từ TKTƯ về Tài khoản nguồn vốn của dự án; hoặc thông báo cho Ban quản lý dự án áp dụng hình thức thanh toán trực tiếp nếu cần thiết. 6. Chi tiêu từ Tài khoản nguồn vốn: Việc chi tiêu từ tài khoản nguồn vốn thực hiện theo quy trình kiểm soát chi trước. Quy trình kiểm soát chi trước là quy trình mà mọi khoản thanh toán từ tài khoản nguồn vốn đều phải được KBNN/cơ quan cho vay lại kiểm soát chi trước khi thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành. Trường hợp các dự án có tài khoản mở cho cấp địa phương (huyện, xã), Ban quản lý dự án cấp tỉnh căn cứ thiết kế dự án, thoả thuận trong Hiệp định vay và các quy định hiện hành làm thủ tục tạm ứng tiền cho cấp huyện, xã. Số vốn còn thừa trong tài khoản nguồn vốn của đợt chuyển cuối cùng cho dự án không sử dụng hết (nếu có) sẽ được hoàn trả lại TKTƯ của dự án để hoàn trả cho phía nước ngoài. Điều 7. Hạch toán Ngân sách Nhà nước nguồn vốn OFID 1. Quy trình cụ thể thực hiện hạch toán vốn NSNN theo quy định hiện hành tại Thông tư số 107/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 Hướng dẫn bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành NSNN và Quyết định 19/2007/QĐ-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế hạch toán ghi thu, ghi chi NSNN đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ và Quyết định số 2752/QĐ-BTC ngày 6/11/2009 của Bộ Tài chính ban hành quy chế ghi chép, hạch toán kế toán các khoản vay, viện trợ, trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong điều kiện vận hành TABMIS. 2. Quy trình hạch toán NSNN: Trường hợp thanh toán qua TKTƯ: Đối với dự án cấp phát, căn cứ sao kê chi tiêu thanh toán từ tài khoản nguồn vốn, Bộ Tài chính lập thông tri ghi thu ghi chi vốn vay OFID đã rút và cấp phát cho dự án. Vốn vay OFID cấp phát cho dự án được hạch toán ghi thu vốn vay nước ngoài và chi chi bổ sung có mục tiêu của Ngân sách Trung ương cho Ngân sách tỉnh hoặc ghi chi cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho cơ quan chủ quản. Đối với các dự án cho vay lại nguồn vốn vay OFID, căn cứ vào chứng từ chuyển tiền từ TKTƯ vào tài khoản nguồn vốn, Bộ Tài chính lập thông tri ghi thu ghi chi vốn vay OFID đã rút và cho vay lại dự án gửi cơ quan cho vay lại để hạch toán cho vay lại đến dự án. Khi dự án kết thúc, số vốn còn thừa của đợt chuyển vốn cuối cùng vào tài khoản nguồn vốn của (nếu có) được chuyển trả lại TKTƯ của dự án sẽ được hạch toán giảm thu/giảm chi ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương. Trường hợp thanh toán trực tiếp/hoàn vốn: Căn cứ vào Thông báo giải ngân của OFID, Bộ Tài chính lập thông tri ghi thu ghi chi vốn vay OFID đã rút vốn theo hình thức thanh toán trực tiếp/hoàn vốn đã cấp phát/cho vay lại cho dự án. Vốn vay OFID cấp phát cho dự án được hạch toán ghi thu vốn vay nước ngoài và chi chi bổ sung có mục tiêu của Ngân sách Trung ương cho Ngân sách tỉnh hoặc ghi chi vốn vay nước ngoài cho Cơ quan chủ quản để thực hiện dự án. Vốn vay OFID cho vay lại cho dự án được hạch toán ghi thu vốn vay nước ngoài và chi chi cho vay lại cho Dự án. Điều 8. Quyết toán dự án Các dự án sử dụng vốn vay OFID thực hiện việc quyết toán hàng năm theo quy định tại Thông tư số 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN theo niên độ ngân sách hàng năm, và thực hiện quyết toán dự án hoàn thành theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước. Điều 9. Kiểm toán báo cáo tài chính 1.Kiểm toán báo cáo tài chính năm của dự án OFID nhằm kiểm tra và xác nhận tính trung thực và hợp lệ của báo cáo tài chính dự án trong một năm tài chính về các mặt quản lý tài chính, quản lý tài sản, trang thiết bị của dự án theo cam kết giữa OFID và Chính phủ, đồng thời xác nhận các nguồn lực của dự án đã được chủ dự án sử dụng phù hợp theo các thủ tục, quy định, chính sách, chế độ tài chính, kế toán mà Chính phủ đã thống nhất với OFID trong Hiệp định vay OFID cho dự án. 2. Kiểm toán báo cáo tài chính năm của các dự án vay OFID phù hợp theo yêu cầu kiểm toán của OFID và phù hợp quy định hiện hành trong nước. Báo cáo kiểm toán tài chính hàng năm được gửi cho OFID và Bộ Tài chính sau 4 tháng khi kết thúc năm tài chính. 3. Trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính năm của các dự án vay OFID, công ty kiểm toán, kiểm toán viên và chủ dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành về kiểm toán cũng như các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Các công ty kiểm toán được lựa chọn thực hiện kiểm toán dự án OFID phải là các công ty kiểm toán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có tên trong danh sách các công ty có đủ điều kiện thực hiện kiểm toán do Bộ Tài chính (hoặc tổ chức nghề nghiệp được Bộ Tài chính uỷ quyền) công bố hàng năm. 4. Ngoài việc kiểm toán báo cáo tài chính năm, các dự án vay OFID có thể thuê kiểm toán từng hạng mục công trình, công trình, công việc (có tính chất đặc biệt hoặc có quy mô, số lượng kinh phí lớn) đã hoàn thành nếu có nhu cầu cần kiểm toán riêng. Điều 10. Chế độ báo cáo, giám sát 1. Theo định kỳ hàng Quý, Ban Quản lý dự án gửi cho OFID báo cáo tiến độ và tình hình thực hiện dự án cho OFID. 2. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Ban quản lý dự án lập báo cáo việc sử dụng vốn OFID trên tài khoản nguồn, vốn đồng tài trợ và vốn đối ứng gửi KBNN nơi giao dịch làm thủ tục đối chiếu và xác nhận, đồng gửi cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm căn cứ theo dõi, giám sát. 3. Cơ quan tài chính các cấp, cơ quan chủ quản dự án có thể độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn OFID về các nội dung liên quan đến quản lý tài chính theo quy định tại Thông tư này. Điều 11. Tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2/2012. 2. Các văn bản pháp quy được dẫn chiếu trong Thông tư này được bổ sung, sửa đổi, thay thế thì thực hiện theo các văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế đó. 3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để hướng dẫn, phối hợp giải quyết. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các PTTg Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố; - Kiểm toán Nhà nước; - VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - Các Ban QLDA vốn OFID; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, QLN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "26/12/2011", "sign_number": "193/2011/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-08-2004-TT-BTC-huong-dan-che-do-thu-nop-quan-ly-su-dung-phi-tham-dinh-chuong-trinh-bieu-dien-nghe-thuat-51835.aspx
Thông tư 08/2004/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định chương trình biểu diễn nghệ thuật
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 08/2004/TT-BTC Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2004 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH ngày 28/8/2001; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/8/2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình biểu diễn nghệ thuật như sau: I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ MỨC THU PHÍ: 1. Đơn vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi đề nghị cấp "giấy phép công diễn chương trình, vở diễn" theo Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 32/1999/QĐ-BVHTT ngày 29/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin, phải nộp phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn quy định của Thông tư này. 2. Không thu phí thẩm định đối với các chương trình, vở diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị do các cơ quan chức năng quản lý nghệ thuật cho phép. 3. Mức thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn được quy định cụ thể tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. II. TỔ CHỨC THU, NỘP PHÍ: 1. Việc tổ chức thu, nộp phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành về phí thuộc ngân sách nhà nước. 2. Cơ quan thu phí là các cơ quan có trách nhiệm tổ chức việc thẩm định và xét duyệt các chương trình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: - Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá Thông tin); - Sở Văn hoá Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 3. Cơ quan thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm: a. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn theo đúng quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về phí. b. Đăng ký, kê khai thu, nộp, quyết toán phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn theo các quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí. III. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT: 1. Cơ quan thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn được trích 90% số thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn để chi phí cho việc tổ chức thẩm định và thu phí. Phần tiền thu phí còn lại (10% trên tổng số thu phí) nộp vào NSNN các cấp (cơ quan thu là Cục Nghệ thuật biểu diễn thì nộp vào Ngân sách Trung ương, cơ quan thu là Sở Văn hoá-Thông tin thì nộp vào ngân sách tỉnh) và ghi thu ngân sách tại tiểu mục 09: phí thẩm định văn hoá phẩm, mục 039: phí thuộc lĩnh vực văn hoá, xã hội. 2. Cơ quan thu phí được sử dụng phần thu phí trích để lại đơn vị quy định tại điểm 1, mục III của Thông tư này để chi cho các nội dung sau: - Chi trả thù lao cho các thành viên và thư ký Hội đồng thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; - Chi phí cho công tác quản lý thu, nộp phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn; - Bổ sung kinh phí chi thường xuyên và mua sắm, sửa chữa nhỏ của đơn vị. 3. Cơ quan thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm lập kế hoạch thu phí để chi cho các mục đích nêu tại điểm 2, mục III của Thông tư này và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị; quản lý chặt chẽ khoản phí trích để lại nhằm sử dụng chi cho các mục đích chi trên; thực hiện công tác kế toán, quyết toán các khoản thu-chi có liên quan đến thu phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn theo quy định pháp luật hiện hành. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Những quy định đã ban hành về phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn mà trái với Thông tư này đều hết hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN (Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2004/TT-BTC ngày 9/2/2004 của Bộ Tài chính) STT Độ dài thời gian của một chương trình (vở diễn) biểu diễn nghệ thuật Mức thu phí (đ/chương trình, vở diễn) 1 đến 50 phút 300.000 2 51 - 100 phút 600.000 3 101 - 150 phút 900.000 4 trên 150 phút 900.000 + Mức phí tăng thêm Trong đó: - Mức phí tăng thêm được xác định như sau: từ phút 151 trở đi cứ 25 phút tăng thêm (nếu không đủ thì làm tròn) thời lượng của chương trình, vở diễn thì cộng thêm 150.000đ. - Mức thu phí thẩm định chương trình nhạc không lời, múa, bằng 50% mức phí quy định theo độ dài thời gian chương trình, vở diễn nêu tại biểu trên. - Mức thu phí thẩm định các chương trình, vở diễn có mục đích từ thiện, nhân đạo bằng 50% mức phí quy định theo độ dài thời gian chương trình, vở diễn nêu tại biểu trên. - Các chương trình, vở diễn có những vấn đề cần phải sửa chữa, thẩm định lại thì mức thu phí thẩm định chương trình, vở diễn lần sau bằng 50% mức thu phí thẩm định lần đầu.
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "09/02/2004", "sign_number": "08/2004/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Thong-tu-81-2014-TT-BTC-cung-cap-thong-tin-bao-cao-du-an-vay-von-duoc-cap-bao-lanh-chinh-phu-237170.aspx
Thông tư 81/2014/TT-BTC cung cấp thông tin báo cáo dự án vay vốn được cấp bảo lãnh chính phủ
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 81/2014/TT-BTC Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2014 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ CUNG CẤP THÔNG TIN, BÁO CÁO ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VAY VỐN ĐƯỢC CẤP BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Quản lý nợ công năm 2009; Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ; Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về chế độ cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án vay vốn được cấp bảo lãnh chính phủ. Mục I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về các loại thông tin, báo cáo mà Người được bảo lãnh, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp cho Người bảo lãnh (Bộ Tài chính) trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đối với các chương trình, dự án vay vốn được cấp bảo lãnh chính phủ. 2. Đối tượng áp dụng: a) Người được bảo lãnh; b) Người bảo lãnh; c) Người cho vay/Người nhận bảo lãnh; c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ. Điều 2. Các loại báo cáo 1. Báo cáo định kỳ: Báo cáo quý, 6 tháng, hàng năm. 2. Báo cáo đột xuất khi phát sinh các vấn đề có liên quan tới nghiệp vụ quản lý bảo lãnh hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Điều 3. Yêu cầu về việc báo cáo, cung cấp thông tin 1. Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo đúng hạn và đầy đủ theo quy định, đồng thời đảm bảo tính kịp thời trong trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin hoặc báo cáo đột xuất. 2. Người được bảo lãnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, báo cáo cung cấp. 3. Người cho vay/Người nhận bảo lãnh có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin cho Người bảo lãnh theo quy định tại Thông tư này. Mục II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ Điều 4. Cung cấp thông tin trước khi cấp bảo lãnh 1. Cung cấp thông tin khi thẩm định và cấp bảo lãnh: Ngoài hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 05/ 01/ 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, Chủ dự án (sau khi cấp bảo lãnh được gọi là Người được bảo lãnh) cần cung cấp cho Người bảo lãnh các thông tin bổ sung sau: 1.1. Thông tin về các cổ đông chính (các thông tin chung như tên, địa chỉ, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh chính, cơ quan chủ quản và báo cáo tài chính 3 năm gần nhất); 1.2. Thông tin về Dự án: - Quy hoạch phát triển ngành, vùng miền có liên quan tới Dự án và các văn bản phê duyệt có liên quan của cơ quan có thẩm quyền. - Đánh giá về nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho dự án, điều kiện giao thông vận chuyển. - Đánh giá về phương án tiêu thụ sản phẩm, điều kiện thị trường. - Công nghệ, thiết bị của dự án đầu tư mua sắm. 1.3. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm trường hợp thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh vào nửa cuối năm tài chính. 1.4. Kế hoạch rút vốn của khoản vay phù hợp với tiến độ triển khai dự án, trong đó chi tiết đến số rút vốn dự kiến từng năm. 1.5. Kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu hàng năm và các hồ sơ khác (nếu có) chứng minh năng lực thu xếp vốn chủ sở hữu. 1. 6. Văn bản phê duyệt đề án vay, phát hành trái phiếu đề nghị Chính phủ bảo lãnh của Bộ chủ quản. 1.7. Ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi dự án triển khai về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án, đánh giá tác động môi trường và hoạt động của chủ đầu tư trên địa bàn. 2. Cung cấp thông tin trước khi đàm phán thỏa thuận vay: 2.1. Trước khi ủy quyền thu xếp vốn vay có yêu cầu bảo lãnh chính phủ cho bất kỳ tổ chức cho vay nào, Người vay có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính bản chào sơ bộ khoản vay để tham khảo ý kiến và tham gia đàm phán nếu cần thiết. 2.2. Trước khi tiến hành đàm phán các hồ sơ pháp lý có liên quan tới khoản vay, khoản phát hành trái phiếu, Người vay cung cấp cho Bộ Tài chính các hồ sơ quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 10 của Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ. Điều 5. Báo cáo đối với từng đợt phát hành trái phiếu Báo cáo đối với từng đợt phát hành trái phiếu được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Thông tư số 34/2012/TT-BTC ngày 01/3/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh. Điều 6. Báo cáo định kỳ trong thời gian được bảo lãnh Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính: 1. Báo cáo quý về rút vốn, trả nợ cho dự án: 1.1. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 10 ngày đầu hàng quý trong giai đoạn rút vốn. 1.2. Nội dung báo cáo Báo cáo cần cung cấp đầy đủ số liệu chi tiết từng lần rút vốn, trả nợ (gốc, lãi, phí và phí bảo lãnh) của khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của quý trước đó. (theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này): a) Tên khoản vay, Người cho vay, trị giá vay, ngày ký vay, đồng tiền vay; b) Ngày rút vốn, trả nợ; c) Số tiền rút vốn, trả nợ; d) Lãi suất, phí áp dụng từ ngày rút vốn, trả nợ tương ứng; đ) Dư nợ lũy kế đến ngày rút vốn, trả nợ tương ứng. e) Mục đích sử dụng của các khoản rút vốn trong kỳ (ghi rõ hạng mục hoặc dịch vụ phải thanh toán). 2. Báo cáo 6 tháng về thực hiện dự án: 2.1. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 10 ngày đầu tháng 1 và 10 ngày đầu tháng 7 hàng năm. 2.2. Nội dung báo cáo: 2.2.1. Báo cáo trong giai đoạn rút vốn: Ngoài số liệu 6 tháng phải báo cáo theo mẫu và nội dung quy định tại điểm 1. 2, khoản 1, điều 6 của Thông tư này, Người được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo thuyết minh về tình hình triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn rút vốn, gồm những nội dung sau: a) Tình hình thực hiện dự án, đánh giá tiến độ thực hiện so với kế hoạch ban đầu (có nêu rõ tỷ lệ phần trăm đạt được); b) Số liệu rút vốn và trả nợ đến thời điểm báo cáo (theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này); c) Tình hình góp vốn hoặc bố trí vốn chủ sở hữu theo cam kết của các cổ đông hoặc của công ty mẹ (trị giá tuyệt đối), so sánh với kế hoạch dự kiến ban đầu (theo tỷ lệ phần trăm); d) Những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; đ) Đề xuất các biện pháp xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn (nếu có) với Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản; e) Đối với các dự án đang gặp khó khăn tài chính và phải vay ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước để trả nợ, Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp bổ sung tình hình trả nợ cho Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước (theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) và đánh giá khả năng trả nợ trong các kỳ tiếp theo, nêu rõ nguồn trả nợ và đề xuất các biện pháp dự kiến để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính hiện tại và ý kiến của cơ quan chủ quản về các biện pháp đó. 2.2.2. Báo cáo trong giai đoạn vận hành cho đến khi kết thúc khoản vay được bảo lãnh bao gồm các nội dung sau: a) Số liệu trả nợ các khoản đến hạn trong kỳ báo cáo và số dư nợ (theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này); b) Tình hình vận hành, công suất vận hành nhà máy, tình hình tiêu thụ sản phẩm và đánh giá thị trường tiêu thụ sản phẩm, tình hình cung ứng hàng hóa dịch vụ, kết quả sản xuất kinh doanh; d) Những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình vận hành; đ) Đề xuất (nếu có) với Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản để giải quyết các vướng mắc hiện tại; e) Đối với các dự án đang gặp khó khăn tài chính và phải vay ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước để trả nợ, Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp bổ sung tình hình trả nợ cho Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước (theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) và đánh giá khả năng trả nợ trong các kỳ tiếp theo, nêu rõ nguồn trả nợ và đề xuất các biện pháp dự kiến để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính hiện tại và ý kiến của cơ quan chủ quản về các biện pháp đó. 3. Báo cáo tài chính: Người được bảo lãnh có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính quý và báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán và xác nhận bởi cơ quan Kiểm toán Nhà nước hoặc một công ty kiểm toán độc lập) của Người được bảo lãnh và của doanh nghiệp được thành lập để quản lý, vận hành Dự án (trường hợp có thành lập doanh nghiệp) cho Bộ Tài chính 10 ngày sau ngày lưu hành chính thức báo cáo tài chính đó theo quy định. 4. Báo cáo đánh giá kết thúc giai đoạn xây dựng: 4.1. Thời hạn báo cáo: 06 tháng sau ngày ký biên bản nghiệm thu cuối cùng. 4.2. Nội dung báo cáo: Báo cáo đánh giá kết thúc giai đoạn xây dựng gồm các nội dung: a) Tiến độ thực hiện xây dựng dự án so với kế hoạch; Nêu rõ nguyên nhân của kết quả thực hiện (nhanh/chậm so với tiến độ dự kiến, lý do và biện pháp xử lý); b) Tổng chi phí thực hiện Dự án so với Tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó nêu rõ giá trị giải ngân từ nguồn vốn đối ứng/vốn chủ sở hữu và vốn vay của Dự án; c) Tổng số trả nợ (tách riêng gốc, lãi, phí các loại) trong giai đoạn xây dựng; d) Kết quả triển khai dự án theo mục tiêu ban đầu; đ) Đánh giá khả năng vận hành (công suất dự kiến trong 3 năm tiếp theo) và khả năng trả nợ trong tương lai của dự án; e) Lịch trả nợ hoàn chỉnh cho toàn bộ khoản vay được bảo lãnh theo tổng số vốn đã rút thực tế (theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này). 5. Báo cáo kết thúc khoản vay: 5.1. Thời hạn báo cáo: Một tháng sau khi thực hiện trả khoản nợ đến hạn cuối cùng. 5.2. Nội dung báo cáo: Nội dung báo cáo kết thúc khoản vay gồm: a) Các thông tin tổng hợp về khoản vay, cụ thể là: - Số, ngày của Hợp đồng vay; - Bên cho vay; - Bên vay; - Ngày của Thư bảo lãnh; - Số tiền ký vay; - Các điều kiện thời hạn, lãi suất, phí của khoản vay; - Số tiền thực rút và bản kê chi tiết các khoản đã rút; - Số tiền đã trả và bản kê các đợt trả gốc, lãi, phí; - Thư xác nhận đã trả hết nợ của Bên cho vay, trong đó thống kê chi tiết số tiền trả nợ từng đợt; - Số phí bảo lãnh đã trả (bản kê chi tiết). Điều 7. Báo cáo đột xuất: 1. Báo cáo khi gia hạn thời gian rút vốn, điều chỉnh thời gian trả nợ khoản vay: 1.1. Trường hợp báo cáo: Báo cáo được nộp khi Người được bảo lãnh đề nghị gia hạn thời gian rút vốn hoặc điều chỉnh thời gian trả nợ. 1.2. Thời hạn báo cáo: 15 ngày trước ngày hết hạn rút vốn hoặc trước ngày trả nợ tiếp theo. 1.3. Nội dung báo cáo: a) Báo cáo tình hình triển khai dự án và giải trình lý do dẫn đến việc phải gia hạn, điều chỉnh các nội dung của khoản vay; b) Đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc gia hạn, điều chỉnh khoản vay đối với dự án và việc trả nợ khoản vay; cập nhật phương án tài chính và khả năng trả nợ của Người được bảo lãnh sau khi gia hạn; biện pháp khắc phục những ảnh hưởng đến việc trả nợ khoản vay của Người được bảo lãnh (nêu rõ nguồn trả nợ); c) Thời gian dự kiến hoàn thành dự án. 2. Báo cáo khi có thay đổi và phát sinh vấn đề bất lợi: 2.1. Trường hợp báo cáo: Các trường hợp thay đổi và phát sinh vấn đề bất lợi phải báo cáo cho Bộ Tài chính bao gồm nhưng không giới hạn trong các trường hợp sau: a) Dự án triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch rút vốn dự kiến từ 6 tháng trở lên; b) Vốn chủ sở hữu chủ đầu tư bố trí chậm 6 tháng theo cam kết tại phương án tài chính đã trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp bảo lãnh (các cổ đông không đóng góp trong trường hợp công ty cổ phần và Công ty mẹ không cấp vốn trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên); c) Dự án chỉ đạt được 50% công suất dự kiến vào năm vận hành đầu tiên; d) Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong năm chỉ đạt được 50% kế hoạch, ảnh hưởng tới nguồn thu của công ty và có khả năng ảnh hưởng tới nguồn trả nợ theo Hợp đồng vay vốn được Chính phủ bảo lãnh; đ) Dự kiến có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông lớn, cổ đông sáng lập hoặc mô hình công ty theo quyết định của Hội đồng quản trị công ty hoặc của cơ quan cấp trên có thẩm quyền; e) Phát sinh vấn đề liên quan tới tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp của khoản vay; g) Phát sinh các ảnh hưởng bất lợi khác theo quy định của Hợp đồng vay vốn được Chính phủ bảo lãnh. 2.2. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 10 ngày kể từ khi phát sinh bất kỳ thay đổi hoặc sự kiện nào có thể có ảnh hưởng bất lợi đối với việc thực hiện dự án và trả nợ khoản vay của Người được bảo lãnh. 2.3. Nội dung báo cáo: Người được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng, tình hình, nguyên nhân và các biện pháp xử lý. 3. Báo cáo khi Người được bảo lãnh thực hiện chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp cho bên thứ ba: 3.1. Trường hợp báo cáo: Người được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính trong các trường hợp sau: a) Người được bảo lãnh thực hiện chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp cho bên thứ ba theo quy định Khoản 3, Điều 15 Nghị định 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011. b) Người được bảo lãnh hoặc các cổ đông sáng lập hoặc cổ đông lớn có nhu cầu chuyển nhượng, chuyển giao từ 5% vốn điều lệ cho bên thứ ba khi Người được bảo lãnh chưa thực hiện niêm yết cổ phiếu hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường. Việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp cho bên thứ ba không làm thay đổi trách nhiệm cung cấp thông tin của Người được bảo lãnh. 3.2. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 30 ngày kể từ khi Nghị quyết và biên bản họp Hội đồng quản trị phê duyệt việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và Điều lệ công ty. 3.3. Nội dung báo cáo: Người được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tài chính các thông tin liên quan sau: a) Danh sách cổ đông lớn; b) Số lượng và tính chất của cổ phần dự kiến chuyển nhượng, chuyển giao; c) Tổ chức, cá nhân dự kiến nhận chuyển nhượng, chuyển giao; d) Phương thức chuyển nhượng, chuyển giao; đ) Lý do chuyển nhượng, chuyển giao; e) Trách nhiệm của các bên trong giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao; g) Trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ có liên quan của Người được bảo lãnh, của cổ đông lớn theo quy định hiện hành khi chuyển nhượng, chuyển giao và khả năng thực hiện; h) Nghị quyết và biên bản họp Hội đồng quản trị phê duyệt việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Điều lệ công ty. i) Báo cáo tài chính gần nhất (trước 6 tháng kể từ thời điểm gửi hồ sơ đề nghị được chuyển nhượng chuyển giao) của Người được bảo lãnh, của đối tác dự kiến nhận chuyển nhượng, chuyển giao (nếu có). 4. Báo cáo khi Người cho vay (Người nhận bảo lãnh) thực hiện chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay cho bên thứ ba hoặc thay đổi ngân hàng đại lý: 4.1. Trường hợp báo cáo: Khi Người cho vay (Người nhận bảo lãnh) đề nghị Người vay (Người được bảo lãnh) đồng ý về việc Người cho vay chuyển nhượng khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho một bên thứ ba hay nhiều bên, thay đổi ngân hàng đại lý và đề nghị sự chấp thuận của Người bảo lãnh. 4.2. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Người nhận bảo lãnh đề nghị Người được bảo lãnh đồng ý việc chuyển nhượng khoản vay, thay đổi ngân hàng đại lý đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. 4.3. Nội dung báo cáo: Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính các thông tin và tài liệu sau: a) Thư đề nghị của tổ chức cho vay (Người nhận bảo lãnh) về việc chấp nhận giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao, các thỏa thuận có liên quan khác giữa các bên hoặc thay đổi ngân hàng đại lý cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; b) Báo cáo về các nghĩa vụ có liên quan giữa các bên trong giao dịch, các thay đổi về nghĩa vụ của Người nhận bảo lãnh, ngân hàng đại lý và Người được bảo lãnh trong giao dịch (nếu có) và hướng xử lý; c) Trị giá chuyển nhượng theo đề nghị của Người nhận bảo lãnh; d) Ý kiến của Người được bảo lãnh về giao dịch; Trường hợp Người cho vay chuyển nhượng khoản vay, thay đổi ngân hàng đại lý nhưng không cần xin chấp thuận của Người bảo lãnh, Người được bảo lãnh có trách nhiệm thông báo cho Người bảo lãnh để cập nhật hồ sơ Dự án. 5. Báo cáo theo yêu cầu của Người bảo lãnh: 5.1. Trường hợp báo cáo: Khi Bộ Tài chính có yêu cầu báo cáo đột xuất thông tin có liên quan tới dự án hoặc khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. 5.2. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu, được gửi bằng đường chính thức qua bưu điện hoặc bằng fax hoặc gửi báo cáo trực tiếp đến Người bảo lãnh. Để đáp ứng giới hạn về thời gian, thông tin do Người được bảo lãnh cung cấp có thể chuyển trước bằng fax theo số fax nêu trong công văn yêu cầu của Người bảo lãnh. Văn bản chính được gửi cho Người bảo lãnh bằng đường bưu điện. 5.3. Nội dung báo cáo: Nội dung báo cáo theo yêu cầu cụ thể của Người bảo lãnh. 6. Báo cáo khi không đảm bảo khả năng thanh toán nợ: 6.1. Trường hợp báo cáo: Khi Người được bảo lãnh gặp khó khăn tài chính và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (một kỳ trả nợ) hoặc dài hạn (từ hai kỳ trở lên) đối với khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hoặc đối với khoản vay bắt buộc từ Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước. 6.2. Thời hạn báo cáo: Chậm nhất là 45 ngày trước khi kỳ trả nợ đến hạn theo quy định của Nghị định 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011. 6.3. Nội dung báo cáo: Báo cáo yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ các nội dung sau: a) Tình trạng triển khai dự án vào thời điểm Người được bảo lãnh không đảm bảo khả năng trả nợ và nêu rõ lý do khó khăn vướng mắc; b) Tình hình tài chính của Người được bảo lãnh, kèm theo báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất và nêu rõ lý do không đảm bảo khả năng thanh toán; c) Khả năng và các biện pháp hỗ trợ của Công ty mẹ, các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn của Người được bảo lãnh đã và sẽ thực hiện trong việc hỗ trợ tài chính theo cam kết khi cấp bảo lãnh kèm theo báo cáo tài chính của công ty mẹ hoặc cổ đông chi phối 6 tháng gần nhất; d) Đề xuất, kiến nghị đối với Người bảo lãnh đối với việc trả nợ được bảo lãnh theo quy định hiện hành; đ) Kế hoạch hoạt động của Người được bảo lãnh trong thời gian đề nghị hỗ trợ tài chính, nguồn thu từ dự án, nguồn trả nợ dự kiến và kế hoạch trả nợ. e) Ý kiến của Công ty mẹ, các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn và cơ quan chủ quản về thực trạng và đề xuất của Người được bảo lãnh. Điều 8. Phối hợp trao đổi thông tin giữa Người bảo lãnh, Người được bảo lãnh, Người cho vay/Người nhận bảo lãnh. Nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả trong công tác cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa Người bảo lãnh, Người được bảo lãnh, Người cho vay/Người nhận bảo lãnh như sau: 1. Trong giai đoạn thẩm định cấp bảo lãnh, Người bảo lãnh, Người được bảo lãnh, Người cho vay/Người nhận bảo lãnh phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến Dự án đề nghị cấp bảo lãnh tùy theo yêu cầu của từng bên. 2. Trong quá trình thực hiện Dự án: a. Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến Dự án theo quy định trong hợp đồng tài trợ vốn vay cho Người cho vay/Người nhận bảo lãnh. b. Người cho vay/Người nhận bảo lãnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án theo quy định trong hợp đồng tài trợ vốn vay và phụ thuộc vào các nghĩa vụ bảo mật của các bên quy định trong hợp đồng tài trợ vốn vay, chia sẻ với Người bảo lãnh (Bộ Tài chính) thông tin giám sát thực hiện dự án hoặc bất kỳ thông tin nào có liên quan đến sự kiện có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Dự án để có biện pháp xử lý kịp thời. 3. Trong thời gian sớm nhất có thể kể từ ngày nhận được yêu cầu của Người bảo lãnh về việc phối hợp cung cấp thông tin hoặc kể từ ngày Người cho vay/Người nhận bảo lãnh biết về sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Dự án, Người cho vay/Người nhận bảo lãnh trong phạm vi cho phép phối hợp cung cấp thông tin bằng văn bản cho Người bảo lãnh. 4. Người bảo lãnh, Người được bảo lãnh, Người cho vay/Người nhận bảo lãnh có thể yêu cầu các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các bên khi có yêu cầu về chia sẻ thông tin và phát sinh vấn đề cần xử lý đối với một trong các bên có liên quan. Mục III. XỬ LÝ VI PHẠM Điều 9. Xử lý vi phạm chế độ cung cấp thông tin, báo cáo của Người được bảo lãnh 1. Tổ chức vi phạm việc cung cấp thông tin, báo cáo quy định tại Thông tư này bị xử phạt theo các quy định hiện hành trong lĩnh vực quản lý nợ công. 2. Trường hợp Người được bảo lãnh vi phạm các quy định về chế độ cung cấp thông tin, báo cáo 3 lần liên tiếp, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính yêu cầu Công ty mẹ, cổ đông chính kiểm tra tình hình của Người được bảo lãnh, báo cáo Bộ Tài chính. Trường hợp sau khi báo cáo, Người được bảo lãnh vẫn tiếp tục vi phạm quy định về cung cấp thông tin, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án khác của Người được bảo lãnh, đồng thời Bộ Tài chính sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Dự án và tình hình tài chính của Người được bảo lãnh. Mục IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 10. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2014. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn tại Thông tư này, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để hướng dẫn, phối hợp giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Tổng bí thư; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội, - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng; - Bộ Công thương; - Bộ Giao thông Vận tải; - Bộ Xây dựng; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Kiểm toán Nhà nước; - Tòa án Nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; - Các DN, TCTD được bảo lãnh; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Website Bộ Tài chính; - Lưu VT, QLN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung Phụ lục 3 Đơn vị báo cáo: Lịch trả nợ hoàn chỉnh cho toàn bộ khoản vay Dự án:............................... - Ngân hàng cho vay: - Tổng số tiền thực rút (theo nguyên tệ): - Lãi suất vay: Ngày đến hạn Gốc phải trả Lãi phải trả 15/1/2014 15/7/2014 ... Ghi chú: Trường hợp lãi suất áp dụng là lãi suất thả nổi, đề nghị lấy mức lãi suất vào thời điểm rút vốn cuối cùng để dự tính lãi phải trả cho các kỳ hạn tiếp theo. Kỳ báo cáo Ngày (lập báo cáo) Người ký (ký tên, đóng dấu) FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "24/06/2014", "sign_number": "81/2014/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-01-2005-TT-BBCVT-huong-dan-cap-giay-phep-kinh-doanh-dich-vu-chuyen-phat-thu-dang-ky-lam-dai-ly-to-chuc-chuyen-phat-nuoc-ngoai-2666.aspx
Thông tư 01/2005/TT-BBCVT hướng dẫn cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư đăng ký làm đại lý tổ chức chuyển phát nước ngoài
BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 01/2005/TT-BBCVT Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2005 THÔNG TƯ CỦA BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG SỐ 01/2005/TT-BBCVT NGÀY 06 THÁNG 5 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN VỀ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT THƯ VÀ ĐĂNG KÝ LÀM ĐẠI LÝ CHUYỂN PHÁT THƯ CHO TỔ CHỨC CHUYỂN PHÁT NƯỚC NGOÀI Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002; Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông; Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày18 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính; Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn cụ thể về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và đăng ký làm đại lý chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài như sau: I. QUY ĐỊNH CHUNG 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính (sau đây gọi là Nghị định) liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư (sau đây gọi là giấy phép) và việc đăng ký làm đại lý chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài (sau đây gọi là đại lý). 2. Đối tượng áp dụng 2.1. Đối tượng được xem xét để cấp giấy phép: a) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trừ doanh nghiệp có vốn nước ngoài, muốn kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư trong nước và đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định. b) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trừ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, muốn kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư quốc tế và đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định. c) Doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định. d) Doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định, trừ doanh nghiệp hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 2.2. Đối tượng được đăng ký làm đại lý gồm: Bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư quốc tế và doanh nghiệp đang làm đại lý trước khi Nghị định có hiệu lực. 3. Trách nhiệm của người lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và hồ sơ đăng ký làm đại lý Tổ chức, cá nhân đứng tên đề nghị cấp giấy phép hoặc đăng ký làm đại lý phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ liên quan. 4. Các giấy phép đã cấp và các trường hợp đăng ký làm đại lý được Bộ Bưu chính, Viễn thông đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Bưu chính, Viễn thông (địa chỉ website ). II. CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT THƯ 1. Hoạt động chuyển phát thư của các cá nhân trên cơ sở tự thoả thuận với người gửi và không nhận thù lao với số lượng tối đa không quá 50 thư trong một lần chuyển phát không phải xin giấy phép. 2. Phạm vi dịch vụ chuyển phát thư trong nước quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định là việc tổ chức nhận gửi, chuyển, phát thư trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi là tỉnh, thành phố) hoặc liên tỉnh, thành phố hoặc trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. 3. Phạm vi dịch vụ chuyển phát thư quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định là việc tổ chức nhận gửi thư trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam để chuyển, phát ra nước ngoài hoặc tổ chức nhận thư từ nước ngoài về phát tại Việt Nam hoặc cả hai chiều. 4. Đối với điều kiện quy định tại điểm c) khoản 2 Điều 21 Nghị định hoặc điểm c) khoản 3 Điều 21 Nghị định, nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện này thì sẽ phải qua thử nghiệm dịch vụ theo quy định. 5. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép (bao gồm cả việc cấp lại giấy phép mới sau khi giấy phép cũ hết hạn) 5.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm các giấy tờ sau đây: - Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này; - Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; - Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có); - Đề án cung cấp dịch vụ gồm các nội dung chủ yếu sau: + Loại dịch vụ dự kiến cung cấp; + Địa bàn dự kiến cung cấp dịch vụ; + Cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý điều hành dịch vụ; số điện thoại liên lạc của trụ sở chính và các chi nhánh địa phương (nếu có); + Lợi ích kinh tế - xã hội của việc cung cấp dịch vụ; + Quy trình khai thác dịch vụ; + Các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. - Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; bảng giá cước; mẫu hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ hoặc chứng từ, vận đơn; - Quy định về nguyên tắc và mức bồi thường; - Các tài liệu chứng minh kinh nghiệm của doanh nghiệp; - Thoả thuận với đối tác nước ngoài để chuyển phát thư ra nước ngoài, nhận thư từ nước ngoài về phát tại Việt Nam (đối với hồ sơ đề nghị cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư quốc tế). b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thử nghiệm bao gồm các giấy tờ như quy định tại điểm a) nêu trên. c) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sau thời gian thử nghiệm gồm các giấy tờ sau: - Đơn đề nghị cấp giấy phép. - Báo cáo kết quả thử nghiệm (tình hình kinh doanh, chất lượng dịch vụ, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và kết quả tài chính). d) Hồ sơ đề nghị cấp phép quy định tại điểm a), b) và c) Khoản 5.1 này phải được lập thành 04 bộ, trong đó 01 bộ là bản chính và 03 bộ là bản sao. 5.2. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép: Bộ Bưu chính, Viễn thông, 18 phố Nguyễn Du, Hà Nội. 5.3. Thủ tục cấp giấy phép Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc làm đầu mối tập hợp các ý kiến thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về hồ sơ này. a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép: - Tính hợp lệ của hồ sơ được xác định thông qua: + Số lượng bộ hồ sơ cần phải nộp và những đầu mục văn bản cần phải có trong mỗi bộ hồ sơ theo quy định; + Việc khai đủ nội dung và sự thống nhất giữa các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; Trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Bưu chính, Viễn thông thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này về những nội dung cần bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. b) Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép - Thẩm định tư cách pháp lý thông qua: + Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; + Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. - Thẩm định về mức độ phù hợp đối với các lợi ích kinh tế - xã hội thông qua: + Mức độ phù hợp của đề án so với quy hoạch, định hướng, chiến lược phát triển thị trường bưu chính; + Những lợi ích kinh tế-xã hội mà doanh nghiệp có khả năng mang lại (khả năng tạo công ăn việc làm, mức đóng góp cho Nhà nước và các lợi ích khác). - Thẩm tra thực tế các biện pháp bảo đảm an toàn mạng và an ninh thông tin. + Thẩm tra thực tế quy trình khai thác dịch vụ (nếu cần thiết). c) Cấp giấy phép - Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hợp lệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết lý do. - Thời hạn của giấy phép được xác định trên cơ sở quy mô, phạm vi cung cấp dịch vụ và theo đề nghị của doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 10 năm. Đối với trường hợp thử nghiệm, giấy phép có thời hạn tối đa không quá 01 năm. 5.4. Cấp giấy phép mới sau khi giấy phép cũ hết hạn a) Trước khi hết hạn giấy phép 06 tháng, doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới tới Bộ Bưu chính, Viễn thông. b) Hồ sơ đề nghị cấp phép mới gồm: - Đơn đề nghị cấp giấy phép mới; - Báo cáo kết quả kinh doanh; - Đề án cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tiếp theo; - Bản sao Giấy phép đang có hiệu lực và các tài liệu liên quan khác. c) Hồ sơ đề nghị cấp phép mới được lập thành 04 bộ, trong đó 01 bộ là bản chính và 03 bộ là bản sao. d) Thủ tục cấp giấy phép mới được thực hiện theo trình tự quy định tại điểm 5.3 Mục II Thông tư này, nhưng thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. 5.5. Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư a) Cấp lại giấy phép trong trường hợp bị mất giấy phép - Khi bị mất giấy phép, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan Công an nơi gần nhất, gửi giấy báo tới Bộ Bưu chính, Viễn thông và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng 03 lần liên tiếp. - Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo công khai, nếu doanh nghiệp không tìm lại được giấy phép đã mất, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp lại giấy phép. Hồ sơ gồm có: + Đơn đề nghị cấp lại giấy phép; + Xác nhận của cơ quan Công an về việc khai báo mất giấy phép; b) Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư trong trường hợp giấy phép bị rách, nát. Trường hợp giấy phép bị rách, nát, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp lại giấy phép. Hồ sơ gồm có: + Đơn đề nghị cấp lại giấy phép; + Bản chính giấy phép đã bị rách, nát. c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này. Số của giấy phép cấp lại là số ghi trong giấy phép đã mất hoặc bị rách, nát. Trên giấy phép cấp lại ghi rõ lần cấp lại và ngày cấp lại. 6. Sửa đổi, bổ sung giấy phép 6.1. Doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép như quy định tại điểm 1 Điều 24 Nghị định tới Bộ Bưu chính, Viễn thông khi muốn sửa đổi, bổ sung một trong các nội dung sau: a) Tên doanh nghiệp; b) Phạm vi cung cấp dịch vụ. 6.2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép được lập thành 04 bộ, trong đó 01 bộ là bản chính và 03 bộ là bản sao. 6.3. Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép được thực hiện theo trình tự như quy định tại điểm 5.3 Mục II Thông tư này, nhưng thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. 6.4. Những thay đổi liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp (người đứng đầu doanh nghiệp: tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc; chỉ tiêu chất lượng dịch vụ; giá, cước dịch vụ; hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ; các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại và các thay đổi khác) phải được thông báo bằng văn bản cho Bộ Bưu chính, Viễn thông trong thời hạn 07 ngày trước ngày sự thay đổi đó có hiệu lực. 7. Thu hồi giấy phép 7.1. Bộ Bưu chính, Viễn thông thu hồi giấy phép đã cấp trong các trường hợp quy định tại điểm 1 Điều 25 Nghị định theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này. 7.2. Kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải chấm dứt việc ký kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát thư. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải giải quyết thanh lý toàn bộ các hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ đã thoả thuận với khách hàng. III. ĐĂNG KÝ LÀM ĐẠI LÝ CHUYỂN PHÁT THƯ CHO TỔ CHỨC CHUYỂN PHÁT NƯỚC NGOÀI 1. Hợp đồng đại lý dịch vụ chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài có hiệu lực sau khi có xác nhận của Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc đăng ký đại lý. 2. Đăng ký làm đại lý 2.1. Hồ sơ đăng ký làm đại lý được lập 01 bộ và gồm các loại giấy tờ sau: a) Đơn đề nghị đăng ký làm đại lý dịch vụ chuyển phát thư cho các tổ chức nước ngoài được lập thành 02 bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này; b) Bản sao giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư quốc tế (đối với doanh nghiệp trong nước) hoặc bản sao có công chứng giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài) của doanh nghiệp nhận làm đại lý; c) Tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của tổ chức chuyển phát nước ngoài; d) Hợp đồng đại lý; đ) Mẫu hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ và các tài liệu liên quan khác; e) Bảng giá cước và tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; quy định về nguyên tắc và mức bồi thường. 2.2. Thủ tục đăng ký làm đại lý a) Bộ Bưu chính, Viễn thông kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ cấp phép thông qua những đầu mục văn bản cần phải có trong hồ sơ theo quy định, việc khai đủ nội dung và sự thống nhất giữa các giấy tờ trong hồ sơ, thẩm định tư cách pháp lý của các bên liên quan thông qua giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư quốc tế (đối với doanh nghiệp trong nước) hoặc giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài) của doanh nghiệp muốn nhận làm đại lý và tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của tổ chức chuyển phát nước ngoài. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Bưu chính, Viễn thông thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này về những nội dung cần bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký làm đại lý hợp lệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông vào sổ theo dõi, xác nhận việc đăng ký đại lý trên đơn đề nghị của doanh nghiệp và trả lại 01 bản cho doanh nghiệp bằng đường nhanh nhất. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét giải quyết. Đỗ Trung Tá (Đã ký) PHỤ LỤC 1: Mẫu văn bản đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ....., ngày.... tháng.... năm 200… ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT THƯ Kính gửi: Bộ Bưu chính, Viễn thông Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành; (Tên doanh nghiệp) đề nghị Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông. Phần 1. Thông tin về doanh nghiệp 1. Tên doanh nghiệp: (tên đầy đủ ghi bằng chữ in hoa) - Tên giao dịch - Tên viết tắt (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài - nếu có) 2. Địa điểm trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm giao dịch Điện thoại… FAX…E-mail…www… 3. Tên và địa chỉ liên lạc của người đại diện theo pháp luật 4. Tên và địa chỉ của người liên lạc thường xuyên trong doanh nghiệp Phần 2. Miêu tả dịch vụ Thông tin ngắn gọn về dịch vụ dự kiến cung cấp (loại dịch vụ, phạm vi cung cấp, phương thức thực hiện dịch vụ, giá cước và thời hạn hoạt động). Phần 3. Kèm theo - Hồ sơ cấp phép theo quy định Phần 4.Cam kết (Tên doanh nghiệp) xin cam kết: - Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và tính hợp pháp của nội dung trong Đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo. - Nếu được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan và các quy định của giấy phép kinh doanh. Người đại diện doanh nghiệp (Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu) PHỤ LỤC 2: Mẫu văn bản thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG Số……/TB-BBCVT CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ....., ngày..... tháng..... năm 200… THÔNG BÁO V/v yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ Kính gửi: ………………………………………. Bộ Bưu chính, Viễn thông có địa chỉ trụ sở tại 18 Nguyễn Du - Hà nội Điện thoại.............. FAX......................................................................... Đã nhận được hồ sơ......................................... của (tên doanh nghiệp) Trụ sở tại................................................................................................... Về việc...................................................................................................... Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Bưu chính, Viễn thông yêu cầu (tên doanh nghiệp) sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ và hướng sửa đổi, bổ sung như sau: ........................................................................................................................... ........................................................................................................................... ........................................................................................................................... ........................................................................................................................... BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG (ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên) Nơi nhận: - Như trên; -...... -...... PHỤ LỤC 3: Mẫu giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT THƯ cấp cho (Tên doanh nghiệp) ......, ngày....... tháng........... năm 200..... BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG Số……/GP-BBCVT CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ....., ngày..... tháng..... năm 200… BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG - Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002; - Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2002 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông; - Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính; - Căn cứ Thông tư số...../200..../TT-BBCVT ngày..../..../200... của Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và đăng ký làm đại lý chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài; Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép số.....ngày..../...../200.... của (Tên doanh nghiệp) về việc trình đề án xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; Xét đề nghị của Vụ Trưởng Vụ..... QUYẾT ĐỊNH Điều 1:Nay cho phép (Tên doanh nghiệp) 1 có trụ sở chính tại (Địa chỉ), (dưới đây gọi là Doanh nghiệp), được kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư bao gồm việc tổ chức nhận gửi, chuyển và phát thông tin dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilogram (02 kg) và gửi tới một địa chỉ cụ thể. Những chỉ dẫn chung về nơi nhận cũng được coi là địa chỉ nhận. Điều 2:Phạm vi cung cấp dịch vụ (Doanh nghiệp) được phép cung cấp dịch vụ trên địa bàn …. (tên địa danh) Điều 3:Giá cước dịch vụ (Doanh nghiệp) quyết định giá cước dịch vụ trên cơ sở giá thành dịch vụ nhưng không được thấp hơn mức …….(mức tiền cụ thể). Mức giá cước này có thể được Bộ Bưu chính, Viễn thông điều chỉnh trong từng thời kỳ. Điều 4:Trường hợp tuyên bố phá sản, giải thể hoặc bị thu hồi giấy phép, doanh nghiệp có trách nhiệm giải quyết thanh lý các hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ đã thoả thuận với khách hàng trong vòng 30 ngày kể từ khi tuyên bố phá sản, giải thể hoặc quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Điều 5:Ngoài các nghĩa vụ theo luật định, (doanh nghiệp) có nghĩa vụ: Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ. Bảo vệ an toàn và an ninh thông tin cho dịch vụ chuyển phát thư; thực hiện các quy định và chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn và an ninh thông tin. Báo cáo định kỳ theo quy định và theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Nộp lệ phí cấp phép theo quy định. Điều 6:Giấy phép này có hiệu sau 15 ngày kể từ ngày ký và có thời hạn (số năm), trừ khi bị thu hồi theo quy định của pháp luật. Điều 7:Giấy phép này được lập thành năm (05) bản gốc; một (01) bản cấp cho (doanh nghiệp); một (01) bản lưu tại Bộ Bưu chính, Viễn thông; một (01) bản gửi cho cơ quan cấp đăng ký kinh doanh và hai (02) bản gửi cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan. BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG 1 được thành lập theo Quyết định số.... của (Cơ quan ban hành quyết định) - nếu có. PHỤ LỤC 4: Mẫu Quyết định thu hồi giấy phép BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG Số……/QĐ-BBCVT CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ....., ngày..... tháng..... năm 200… BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG - Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002; - Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2002 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông; - Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính; - Căn cứ Thông tư số..../200...../TT-BBCVT ngày...../...../200.... của Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và đăng ký làm đại lý chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài; - Căn cứ kết luận của.... (Tên cơ quan) về việc.... hoặc Đơn đề nghị ngừng hoạt động số..... ngày..../...../200.... của (Tên doanh nghiệp) - Xét đề nghị của Vụ Trưởng Vụ........ QUYẾT ĐỊNH Điều 1:Nay thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư số.../GP-BBCVT ngày...../..../200... đã cấp cho..... (Tên doanh nghiệp)1, có đăng ký kinh doanh tại.... (Nơi đăng ký) theo số hiệu đăng ký.... (xxxx) và có trụ sở chính tại.... (Địa chỉ). Điều 2:Doanh nghiệp phải chấm dứt việc ký kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát thư và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, phải giải quyết thanh lý toàn bộ các hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ đã thoả thuận với khách hàng. Điều 3:Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ....... Điều 4:(Doanh nghiệp) và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG 1 được thành lập theo Quyết định số.... của (Cơ quan ban hành quyết định) - nếu có. PHỤ LỤC 5 : Mẫu văn bản đề nghị đăng ký làm đại lý chuyển phát thư cho các tổ chức chuyển phát nước ngoài CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ...., ngày...... tháng...... năm 200......... ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ LÀM ĐẠI LÝ CHUYỂN PHÁT THƯ CHO TỔ CHỨC CHUYỂN PHÁT NƯỚC NGOÀI Kính gửi: Bộ Bưu chính, Viễn thông Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành, .... (Tên doanh nghiệp) đề nghị được đăng ký làm đại lý chuyển phát thư cho..... (Tên tổ chức chuyển phát nước ngoài) và cung cấp các nội dung thông tin sau: Phần 1: Thông tin về doanh nghiệp nhận làm đại lý 1.Tên doanh nghiệp: (tên đầy đủ ghi bằng chữ in hoa) Tên giao dịch..... Tên viết tắt........ 2.Địa chỉ trụ sở chính........ Họ, tên người liên lạc trong doanh nghiệp...... Điện thoại... FAX.... E-mail..... www..... 3. Giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư số.... do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp ngày..../..../200.... hoặc Giấy phép đầu tư số.... do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày... tháng... năm... Phần 2: Thông tin về tổ chức giao đại lý 1. Tên tổ chức: (tên đầy đủ ghi bằng chữ in hoa) Tên giao dịch..... Tên viết tắt..... Quốc tịch...... 2. Địa chỉ trụ sở chính...... Họ, tên người liên lạc trong tổ chức Điện thoại... FAX..... E-mail.... www.... Địa chỉ trụ sở tại Việt Nam........ Họ, tên người liên lạc trong tổ chức Điện thoại.... FAX..... E-mail.... www.... 3. Giấy phép kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển phát do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp. Phần 3: Thông tin về dịch vụ 1. Các loại dịch vụ nhận làm đại lý 2. Mô tả tóm tắt dịch vụ (phạm vi cung cấp, đối tượng khách hàng, chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ và các thông tin khác) Phần 4: Cam kết (Tên doanh nghiệp) xin chịu trách nhiệm về sự chính xác của các thông tin cung cấp về tổ chức giao đại lý và đảm bảo cung cấp (các) dịch vụ đã nhận đại lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Phần 5: Kèm theo - Hồ sơ đăng ký làm đại lý theo quy định Người lập Đơn đề nghị (Ký tên, đóng dấu) Xác nhận đăng ký của Bộ Bưu chính, Viễn thông
{ "issuing_agency": "Bộ Bưu chính, Viễn thông", "promulgation_date": "06/05/2005", "sign_number": "01/2005/TT-BBCVT", "signer": "Đỗ Trung Tá", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-64-2013-TT-BGTVT-bo-phan-tham-muu-cong-tac-thanh-tra-chuyen-nganh-giao-thong-van-tai-218520.aspx
Thông tư 64/2013/TT-BGTVT bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 64/2013/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP; NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ PHẬN THAM MƯU VỀ CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Căn cứ Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải; Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định việc thành lập; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định việc thành lập; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là bộ phận tham mưu). Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, bao gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục Đường thủy nội địa và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chương 2. BỘ PHẬN THAM MƯU VỀ CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI Điều 3. Bộ phận tham mưu 1. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt: a) Phòng Pháp chế - Thanh tra thuộc Cục Đường sắt Việt Nam; b) Phòng Thanh tra - An toàn I đặt tại khu vực miền Bắc; c) Phòng Thanh tra - An toàn II đặt tại khu vực miền Trung; d) Phòng Thanh tra - An toàn III đặt tại khu vực miền Nam; đ) Các Đội Thanh tra - An toàn số 1, số 2, số 3, số 4, số 5, số 6, số 7, số 8, số 9 và số 10 thuộc Cục Đường sắt Việt Nam. 2. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa: a) Phòng Pháp chế - Thanh tra thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; b) Phòng Thanh tra - An toàn thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa; c) Đội Thanh tra - An toàn thuộc Chi cục Đường thủy nội địa. 3. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành hàng không dân dụng: a) Cục Hàng không Việt Nam giao Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành; b) Phòng Pháp chế - Thanh tra thuộc Cảng vụ Hàng không. 4. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành hàng hải: a) Cục Hàng hải Việt Nam giao Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành; b) Phòng Thanh tra - An toàn thuộc Cảng vụ Hàng hải. 5. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường bộ: a) Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; b) Đội Thanh tra - An toàn thuộc Cục Quản lý đường bộ I; c) Đội Thanh tra - An toàn thuộc Cục Quản lý đường bộ II; d) Đội Thanh tra - An toàn thuộc Cục Quản lý đường bộ III; đ) Đội Thanh tra - An toàn thuộc Cục Quản lý đường bộ IV. 6. Các Cục Quản lý đường bộ I, II, III và IV bố trí công chức thanh tra chuyên ngành làm việc tại Chi cục Quản lý đường bộ trực thuộc để thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi được phân cấp quản lý. Điều 4. Quyết định thành lập; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu 1. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu: a) Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải; b) Thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; c) Giúp Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với cấp dưới; d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao. 2. Căn cứ quy định của Thông tư này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định thành lập, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu và trưởng bộ phận tham mưu; mối quan hệ công tác của các bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Chương 3. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 5. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2014. 2. Thông tư này thay thế: a) Quyết định số 01/2005/QĐ-BGTVT ngày 04/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam; b) Quyết định số 02/2005/QĐ-BGTVT ngày 04/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Đường sông Việt Nam; c) Quyết định số 05/2005/QĐ-BGTVT ngày 04/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam. Điều 6. Trách nhiệm thi hành Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm xây dựng phương án tổ chức cụ thể để bố trí, sắp xếp lại công chức đang làm công tác thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về quản lý cán bộ, công chức. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, quyết định. Nơi nhận: - Như Điều 6; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ GTVT; - Các Sở GTVT; - Công báo; Cổng TTĐTCP; - Trang thông tin điện tử Bộ GTVT; - Báo GT, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, TTr (10b). BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "31/12/2013", "sign_number": "64/2013/TT-BGTVT", "signer": "Đinh La Thăng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-20-2010-TT-BGDDT-noi-dung-trinh-tu-thu-tuc-chuyen-doi-108780.aspx
Thông tư 20/2010/TT-BGDĐT nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------- Số: 20/2010/TT-BGDĐT Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2010 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC DÂN LẬP SANG LOẠI HÌNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường; Căn cứ Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển loại hình tr­ường đại học dân lập sang loại hình trường đại học t­ư thục; Căn cứ Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế trường đại học dân lập; Căn cứ Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục như sau: Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này quy định nội dung, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục (sau đây gọi tắt là chuyển đổi). 2. Thông tư này áp dụng đối với các trường đại học dân lập quy định tại Điều 1 của Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ t­ướng Chính phủ về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học t­ư thục. Điều 2. Yêu cầu của việc chuyển đổi Việc chuyển đổi phải tuân thủ theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg, các quy định về nội dung, hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trường đại học dân lập có trách nhiệm thông báo kế hoạch chuyển đổi cho người học, cán bộ và giảng viên của nhà trường biết để đảm bảo sự hoạt động bình thường của nhà trường trong và sau khi quá trình chuyển đổi kết thúc. Việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của người học. Điều 3. Trách nhiệm của trường đại học tư thục sau khi được chuyển đổi Sau khi chuyển đổi, trường đại học tư thục có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các cam kết pháp lý trước đây của trường đại học dân lập với các tổ chức, đơn vị, cá nhân về các khoản nợ, tài chính, tài sản, hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ đối với người học và xây dựng phát triển trường như đã cam kết tại đề án thành lập trường. Từ thời điểm chuyển đổi, trường đại học tư thục duy trì mức đóng học phí của người học như trường đại học dân lập đã quy định cho đến kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học. Trong học kỳ hoặc năm học tiếp theo, nhà trường quy định mức đóng học phí theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trước cho người học biết. Chương II NỘI DUNG CHUYỂN ĐỔI Điều 4. Kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, phân loại nguồn vốn 1. Thời điểm kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, phân loại nguồn vốn là thời điểm lập báo cáo tài chính quý, hoặc năm gần nhất, do Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định, nhưng không quá 01 năm kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành. 2. Việc kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại, định giá tài sản thực hiện bằng đơn vị đồng Việt Nam, theo quy định của pháp luật, do một công ty kiểm toán và định giá độc lập có tư cách pháp nhân thực hiện. 3. Trường đại học dân lập đối chiếu tiền vốn, giá trị tài sản hiện có với sổ sách kế toán tại thời điểm kiểm toán tài chính; kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, phân loại nguồn vốn. Làm rõ nguyên nhân chênh lệch. 4. Phân loại tiền vốn theo nguồn gốc hình thành: a) Tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân; b) Tiền vốn được biếu, tặng hoặc được cấp phát từ các nguồn tài chính hợp pháp; c) Tiền vốn được hình thành trong quá trình hoạt động của trường; d) Tiền vốn nhà trường vay, thuê của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài. 5. Đối chiếu các khoản công nợ để xác định tổng số vốn thực có và nghĩa vụ đối với các khoản công nợ. Điều 5. Xử lý tiền vốn của trường đại học dân lập khi chuyển sang trường đại học tư thục 1. Phần tiền vốn hình thành từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân được bảo toàn giá trị tại thời điểm đóng góp, được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm chuyển đổi trên cơ sở thống nhất giữa Hội đồng quản trị với các thành viên góp vốn và được chuyển thành cổ phần. Chủ sở hữu cổ phần (gọi là cổ đông) có quyền được rút vốn hoặc chuyển nhượng cho người khác theo các quy định sau đây: a) Cổ đông muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp trước hết phải chuyển nhượng phần vốn đó cho các cổ đông còn lại theo giá thoả thuận tại thời điểm chuyển nhượng; b) Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông của trường khi các cổ đông của trường không mua hoặc mua không hết. 2. Phần tiền vốn được biếu, tặng hoặc cấp phát và phần tiền vốn được hình thành từ nguồn thu hợp pháp trong quá trình hoạt động của trường đại học dân lập là tài sản thuộc sở hữu chung, không chia và được giao cho Hội đồng quản trị trường đại học tư thục quản lý theo nguyên tắc bảo tồn, phát triển và được nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Hàng năm, Hội đồng quản trị trường đại học tư thục có trách nhiệm báo cáo công khai dự kiến và kết quả việc sử dụng nguồn vốn này để hội nghị toàn thể cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường thông qua . 3 Phần tiền vốn vay, thuê của các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo cam kết và hợp đồng vay nợ, cung cấp tín dụng. 4. Trường đại học dân lập bàn giao toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất đang sử dụng kèm hồ sơ cho trường đại học tư thục. Trường đại học tư thục có trách nhiệm sử dụng đất, tài sản trên đất đúng mục đích và chịu trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng đất và tài sản trên đất. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đối với các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật về đất đai. Điều 6. Quyền lợi của tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường đại học dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm 1. Tổ chức đứng tên bảo trợ việc thành lập trường đại học dân lập được quyền góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành cổ đông của trường đại học tư thục. Tổ chức đứng tên bảo trợ việc thành lập trường đại học dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường đại học tư thục. 2. Các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập chưa góp vốn được quyền góp vốn để trở thành cổ đông của trường đại học tư thục. 3. Tổ chức bảo trợ thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn, trừ trường hợp nhà trường có nhu cầu huy động thêm vốn khi trường chuyển sang loại hình trường tư thục. Điều 7. Xác định vốn điều lệ và huy động vốn cổ phần lần đầu cho trường đại học tư thục 1. Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của trường đại học tư thục. Vốn điều lệ được xác định không dưới 50 tỷ đồng. 2. Trường hợp tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân chưa đủ vốn điều lệ như quy định tại Khoản 1 Điều này, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập tiến hành việc huy động vốn theo thứ tự ưu tiên như sau: a) Các đối tượng quy định tại Điều 6; b) Người đã góp vốn; c) Giảng viên, cán bộ cơ hữu của trường. 3. Trường hợp tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân bằng hoặc cao hơn vốn điều lệ như quy định tại Khoản 1 Điều này và trường không có nhu cầu huy động thêm vốn, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập giải quyết quyền được góp vốn cho tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường đại học dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm theo quy định tại Điều 6. 4. Số lượng và tỷ lệ vốn góp cụ thể cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này do Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quy định. Điều 8. Xác định Đại hội đồng cổ đông Sau khi xác định nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân góp vốn, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập xác định thành phần Đại hội đồng cổ đông của trường đại học tư thục theo quy định tại Điều 9 của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chương III HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI Điều 9. Hồ sơ chuyển đổi Hồ sơ chuyển đổi bao gồm: 1. Tờ trình chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục do Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học dân lập ký. 2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập về việc chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục. 3. Nghị quyết của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập về việc công nhận danh sách tổ chức, cá nhân góp vốn, xác định vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần. 4. Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và danh sách các cổ đông phổ thông. 5. Đề án chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục với những nội dung được quy định tại các điều 4, 5, 6, 7 của Thông tư này. 6. Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. 7. Biên bản và kết quả bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trường đại học tư thục của Đại hội đồng cổ đông. 8. Báo cáo kiểm toán tài chính, kiểm kê tài sản và hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất. Điều 10. Trình tự, thủ tục chuyển đổi 1. Hội đồng quản trị trường đại học dân lập có trách nhiệm nộp 6 bộ hồ sơ chuyển đổi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đề án chuyển đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi loại hình trường. 3. Căn cứ kết quả bầu Hội đồng quản trị trường đại học tư thục của Đại hội đồng cổ đông, cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định công nhận Hội đồng quản trị trường đại học tư thục. 4. Hội đồng quản trị trường tư thục tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định công nhận. 5. Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường đại học tư thục nhận bàn giao từ Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng của trường đại học dân lập và lãnh đạo trường theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. a) Hồ sơ bàn giao bao gồm: - Hồ sơ chuyển đổi trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục. - Báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển trường đại học dân lập thành trường đại học tư thục. - Quyết định xác định giá trị phần vốn sở hữu chung, không chia tại thời điểm chính thức hoạt động theo quy chế trường đại học tư thục của cơ quan có thẩm quyền. - Biên bản bàn giao tài sản, tiền vốn được lập tại thời điểm bàn giao kèm theo bảng chi tiết công nợ bàn giao cho trường đại học tư thục tiếp tục kế thừa và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý. b) Thành phần bàn giao gồm: - Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng và đại diện tổ chức công đoàn trường đại học dân lập đại diện cho bên giao. - Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng và đại diện tổ chức công đoàn trường đại học tư thục đại diện cho bên nhận. c) Biên bản bàn giao phải có đầy đủ chữ ký của thành phần bàn giao và phải ghi rõ: - Tình hình tài sản, tiền vốn, lao động có tại thời điểm bàn giao. - Quyền lợi và nghĩa vụ trường đại học tư thục tiếp tục kế thừa. - Những tồn tại trường đại học tư thục có trách nhiệm tiếp tục giải quyết. Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 11. Giám sát việc chuyển đổi Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương nơi trường đại học dân lập đặt trụ sở và các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc chuyển đổi. Trong quá trình chuyển đổi, nếu có vướng mắc, nhà trường kịp thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn xử lý. Điều 12. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Thông tư Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2010. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có trường đại học dân lập đóng trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường đại học dân lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường đại học tư thục chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Uỷ ban VH, GIÁO DụC, TN, TN và NĐ của Quốc hội; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL); - Bộ Nội vụ; - Bộ Tài chính; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo, Website CP; - Website Bộ GDĐT; - Lưu: VT, Vụ PC, Vụ TCCB. BỘ TRƯỞNG Phạm Vũ Luận
{ "issuing_agency": "Bộ Giáo dục và Đào tạo", "promulgation_date": "16/07/2010", "sign_number": "20/2010/TT-BGDĐT", "signer": "Phạm Vũ Luận", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-179-2013-ND-CP-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-bao-ve-moi-truong-213654.aspx
Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường
CHÍNH PHỦ -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 179/2013/NĐ-CP Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2013 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005; Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Nghị định này quy định về: a) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả; b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử lý buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; c) Công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cơ sở và khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tập trung (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung); d) Các biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định đình chỉ hoạt động; quyết định buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm: a) Các hành vi vi phạm các quy định về cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường; b) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; d) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; đ) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; e) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; g) Các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học bao gồm: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; h) Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường. 3. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan thì áp dụng các quy định đó để xử phạt. Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Xả nước thải vào môi trường là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt bên trong và ngoài cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung. Trường hợp xả nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất khi tính số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, giá trị nguồn tiếp nhận Kq được tính bằng 01 (một) theo quy chuẩn kỹ thuật đó. 2. Thải bụi, khí thải vào môi trường là việc cá nhân, tổ chức làm phát sinh bụi, khí thải vào môi trường không khí. 3. Thông số môi trường nguy hại trong nước thải là các thông số môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại. 4. Thông số môi trường nguy hại trong khí thải và môi trường không khí là các thông số môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh. 5. Thông số môi trường không nguy hại là các thông số môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải và môi trường xung quanh, trừ các thông số môi trường quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. 6. Khai thác trái phép loài sinh vật là các hành vi săn, bắt, đánh bắt, bẫy bắt, hái, lượm, thu giữ nhằm lấy các sinh vật (bao gồm động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật), bộ phận hoặc dẫn xuất của các loài động vật, thực vật mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vượt quá số lượng cho phép trong giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 7. Khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư là khoảng cách tối thiểu từ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đến khu dân cư gần nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. 8. Bản cam kết bảo vệ môi trường bao gồm: Bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường; bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường. 9. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ; báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết; báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở đang hoạt động; báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường. 10. Đề án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường bao gồm: Phương án cải tạo, phục hồi môi trường; dự án cải tạo, phục hồi môi trường và đề án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường. Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. 2. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Giấy xác nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Giấy chứng nhận túi ni lon (hoặc ni lông) thân thiện với môi trường; Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Giấy phép khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy phép nuôi, trồng các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Giấy phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai; Giấy phép tiếp cận nguồn gen; Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; Giấy phép nhập khẩu sinh vật biến đổi gen; Giấy chứng nhận an toàn sinh học; Giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm; Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi chung là Giấy phép môi trường) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). 3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật; b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không đúng quy định về bảo vệ môi trường; buộc tháo dỡ công trình, trại chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, nhà ở, lán trại xây dựng trái phép trong khu bảo tồn; c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, vật phẩm, chế phẩm sinh học và phương tiện nhập khẩu, đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện có chứa loài ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen; đ) Buộc tiêu hủy pháo nổ, hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, vật phẩm, chế phẩm sinh học và phương tiện nhập khẩu đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường; buộc tiêu hủy loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen chưa có Giấy chứng nhận an toàn sinh học; e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về hiện trạng môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm thân thiện môi trường; h) Buộc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ theo quy định; buộc thu hồi kết quả phát sinh từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật; i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; k) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn và độ rung, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; buộc lập, thực hiện đề án cải tạo, phục hồi môi trường; buộc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, thực hiện các yêu cầu có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường; l) Buộc xây lắp công trình xử lý môi trường theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo quy định; m) Buộc di dời ra khỏi khu vực cấm; thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư; n) Truy thu số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp theo quy định; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành. Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt 1. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Mục 1, Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. 2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ Điều 50 đến Điều 53 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó. Điều 6. Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và sử dụng thông số môi trường để xác định hành vi vi phạm hành chính, mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng để xác định hành vi vi phạm hành chính và mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi cá nhân, tổ chức xả, thải chất thải vào môi trường; trường hợp có cả quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương thì áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (sau đây gọi chung là quy chuẩn kỹ thuật). 2. Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là giá trị cao nhất được xác định trên cơ sở lấy kết quả quan trắc, giám sát, đo đạc, phân tích của một trong các thông số môi trường của mẫu chất thải, mẫu môi trường xung quanh chia cho giá trị tối đa cho phép của thông số đó trong các quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 3. Khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với các hành vi xả nước thải (Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này) hoặc thải bụi, khí thải (Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này) vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nếu trong nước thải hoặc bụi, khí thải có cả các thông số môi trường nguy hại, các thông số môi trường không nguy hại và giá trị pH cùng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt. Các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường còn lại của cùng mẫu chất thải đó sẽ bị phạt tăng thêm từ 1% đến 4% của mức phạt tiền đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật đó nhưng tổng mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm không vượt quá mức phạt tiền tối đa. Trường hợp một cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có nhiều điểm xả nước thải hoặc nhiều điểm thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường bị xử phạt theo từng điểm xả, thải đó. Điều 7. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính. 2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng kết quả giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc tổ chức hoạt động quan trắc do cơ quan có thẩm quyền chỉ định làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 3. Trong trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính thông qua việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi lại hình ảnh, cá nhân, tổ chức vi phạm có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng, hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chương 2. XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG MỤC 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ Điều 8. Vi phạm các quy định về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường 1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này; b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản này; c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo quy định; d) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành đối với công trình xử lý môi trường theo quy định, trong trường hợp thải chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. 2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường đối với đối tượng phải lập dự án đầu tư bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp quy định tại Điểm c và Điểm đ Khoản này; b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm e Khoản này; c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường); d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm e và Điểm g Khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường, buộc tháo dỡ công trình xử lý môi trường được xây lắp không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều này; b) Buộc phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1, Điểm e và Điểm g Khoản 2 Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường 1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về Kế hoạch quản lý môi trường; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai Kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại địa điểm thực hiện dự án và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc tham vấn cộng đồng để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát; c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo sai sự thật cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về Kế hoạch quản lý môi trường hoặc những điều chỉnh, thay đổi các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt không đúng một trong các nội dung Kế hoạch quản lý môi trường; đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt không đầy đủ một trong các nội dung Kế hoạch quản lý môi trường; e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường theo quy định; g) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường); h) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; i) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và g Khoản này; k) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e và m Khoản này; l) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không hợp tác với cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch quản lý môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; không cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến dự án khi được yêu cầu; m) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp các công trình bảo vệ môi trường; không vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án; không nghiệm thu các công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ sinh vùng lòng hồ trước khi tích nước trong trường hợp dự án có nội dung đầu tư xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện; n) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thi công xây dựng dự án; o) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với hành vi không dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng; không tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; không thông báo khẩn cấp cho cơ quan quản lý về môi trường cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý; báo cáo sai sự thật kết quả thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc kết quả đo đạc, phân tích mẫu môi trường của dự án không đúng với thực trạng ô nhiễm của các nguồn thải; p) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án theo quy định và gửi cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để được kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức; q) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn trước khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức; r) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung trong Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức. 2. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các điểm m, n, o và q Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Điều 10. Vi phạm các quy định về dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cung ứng dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 1. Hành vi vi phạm quy định về dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ dự án bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có cán bộ chuyên ngành môi trường với 05 năm kinh nghiệm trở lên nếu có bằng đại học, 03 năm nếu có bằng thạc sỹ, 01 năm đối với trình độ tiến sỹ; không có cán bộ chuyên ngành liên quan đến dự án với trình độ đại học trở lên; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không có cơ sở vật chất - kỹ thuật, thiết bị chuyên dụng để đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích các mẫu về môi trường, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin, số liệu về dự án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo sai sự thật về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án, vùng kế cận; d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không đủ tất cả các điều kiện cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vi phạm quy định tại Khoản này gây hậu quả về ô nhiễm môi trường. 2. Hành vi vi phạm quy định về cung ứng dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ dự án bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi không đủ điều kiện theo quy định; b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường vi phạm quy định tại Điểm a Khoản này gây hậu quả về ô nhiễm môi trường. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 06 tháng đến 09 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này. Điều 11. Vi phạm các quy định về đề án bảo vệ môi trường 1. Hành vi vi phạm các quy định về đề án bảo vệ môi trường đơn giản, đề án bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản báo cáo cơ quan đã xác nhận đề án bảo vệ môi trường về việc hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, d và e Khoản này; c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, đ và g Khoản này; d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường); đ) Phạt tiền từ 9.000.000 đồng đến 11.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; e) Phạt tiền từ 11.000.000 đồng đến 13.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận; g) Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận; h) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận. 2. Hành vi vi phạm các quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm phê duyệt của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản báo cáo cơ quan đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường về việc hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, d và e Khoản này; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, đ và g Khoản này; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường); đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; e) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; h) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. 3. Hành vi vi phạm các quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết thuộc trách nhiệm phê duyệt của Bộ, cơ quan ngang Bộ bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản báo cáo cơ quan đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường về việc hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, d và e Khoản này; c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, đ và g Khoản này; d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường); đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường; e) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; h) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm g Khoản 1, Điểm g Khoản 2 và Điểm g Khoản 3 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm g và Điểm h Khoản 1, Điểm g và Điểm h Khoản 2 và Điểm g và Điểm h Khoản 3 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 09 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm h Khoản 1, Điểm h Khoản 2 và Điểm h Khoản 3 Điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đối với các vi phạm tại Điểm e và Điểm g Khoản 1, Điểm e và Điểm g Khoản 2 và Điểm e và Điểm g Khoản 3 Điều này; b) Buộc phải xây lắp công trình xử lý môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm các quy định tại Điểm g và Điểm h Khoản 1, Điểm g và Điểm h Khoản 2 và Điểm g và Điểm h Khoản 3 Điều này; c) Buộc tháo dỡ công trình xử lý môi trường xây lắp không đúng nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận hoặc phê duyệt trong trường hợp công trình đó vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường đối với quy định tại Điểm e Khoản 1, Điểm e Khoản 2 và Điểm e Khoản 3 Điều này; d) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 12. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường 1. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường của các đối tượng không phải lập dự án đầu tư bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động của mình gây ra; không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra; b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; không có biện pháp hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người; c) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. 2. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường của các đối tượng phải lập dự án đầu tư bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động của mình gây ra; không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra; không thực hiện chế độ báo cáo và quan trắc môi trường theo quy định; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa trong trường hợp có nước thải sản xuất vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ, phân loại chất thải rắn tại nguồn; để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; không có biện pháp hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và con người; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thiết kế, lắp đặt đường ống, van khóa không đúng quy trình xử lý chất thải; d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. 3. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động của mình gây ra; không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra; không thực hiện chế độ báo cáo và quan trắc môi trường theo quy định; b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa trong trường hợp có nước thải sản xuất vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ, phân loại chất thải rắn tại nguồn; để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; không có biện pháp hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và con người; c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thiết kế, lắp đặt đường ống, van khóa không đúng quy trình xử lý chất thải; d) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm các quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2 và Điểm d Khoản 3 Điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm tại Điều này; b) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 13. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường 1. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 02 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 2. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần đến dưới 05 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 3. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 4. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 5. Phạt tăng thêm 1% của mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02 lần; 2% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 05 lần; 3% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 đến dưới 10 lần; 4% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 6. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở hoặc khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm i, k, l, m, n, o, p, q, r, s, t và u Khoản 2, các Điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q, r, s và t Khoản 3 và các Điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p, q, r và s Khoản 4 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm ư, v, x và y Khoản 2, các điểm u, ư, v, x và y Khoản 3 và các Điểm t, u, ư, v, x và y Khoản 4 Điều này. 7. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 14. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường 1. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 02 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 2. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần đến dưới 03 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 3. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần đến dưới 05 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 4. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần trở lên bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 5. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 04 đến dưới cận dưới của quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc từ trên cận trên của quy chuẩn kỹ thuật cho phép đến dưới 10,5 bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000 000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 6. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 02 đến dưới 04 hoặc từ 10,5 đến dưới 12,5 bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); v) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 7. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,5 đến 14 bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ); b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ); c) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ); d) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ); đ) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ); e) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ); g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 100 m3/ngày (24 giờ); h) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ); i) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ); k) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ); l) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ); m) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); n) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.500 m3/ngày (24 giờ); o) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ); p) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ); q) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.000 m3/ngày (24 giờ); r) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 3.500 m3/ngày (24 giờ); s) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 3.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.000 m3/ngày (24 giờ); t) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 4.500 m3/ngày (24 giờ); u) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 5.000 m3/ngày (24 giờ); ư) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 6.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 6.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 8.000 m3/ngày (24 giờ); x) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 8.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10.000 m3/ngày (24 giờ); y) Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên. 8. Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. 9. Phạt tăng thêm 1% của mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02 lần; 2% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 03 lần hoặc giá trị pH từ 04 đến dưới cận dưới của quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc từ trên cận trên của quy chuẩn kỹ thuật cho phép đến dưới 10,5; 3% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 đến dưới 05 lần hoặc giá trị pH từ 02 đến dưới 04 hoặc từ 10,5 đến dưới 12,5; 4% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên hoặc giá trị pH dưới 02 hoặc từ 12,5 đến 14. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 10. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q, r, s và t Khoản 2, các Điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p, q, r và s Khoản 3, các Điểm e, g, h, i, k, l, m, n, o, p, q và r Khoản 4, các Điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q, r, s và t Khoản 5, các Điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p, q, r và s Khoản 6 và các Điểm e, g, h, i, k, l, m, n, o, p, q và r Khoản 7 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm u, ư, v, x và y Khoản 2, các Điểm s, t, u, ư, v, x và y Khoản 3, các Điểm s, t, u, ư, y, x và y Khoản 4, các Điểm u, ư, v, x và y Khoản 5, các Điểm t, u, ư, v, x và y Khoản 6, các Điểm s, t, u, ư, v, x và y Khoản 7 và Khoản 8 Điều này. 11. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 15. Vi phạm về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường. 2. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,5 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 3. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 02 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 4. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần đến dưới 03 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000m3/giờ; d) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 5. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m³/giờ; o) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 6. Phạt tăng thêm 1% của mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép dưới 1,5 lần; 2% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 02 lần; 3% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 03 lần; 4% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần trở lên. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 7. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm i, k, l, m, n, o, p, q, r và s Khoản 2, các Điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q và r Khoản 3, các Điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p và q Khoản 4 và các Điểm e, g, h, i, k, l, m, n, o và p Khoản 5 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm t, u, ư và v Khoản 2, các Điểm s, t, u, ư và v Khoản 3, các Điểm r, s, t, u, ư và v Khoản 4 và các Điểm q, r, s, t, u, ư và v Khoản 5 Điều này. 8. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 16. Vi phạm về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường 1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm phát tán hóa chất, hơi dung môi hữu cơ trong khu sản xuất hoặc khu dân cư gây mùi đặc trưng của hóa chất, hơi dung môi hữu cơ đó. 2. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,5 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 3. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 02 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ k) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 4. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần đến dưới 03 lần bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 5. Hành vi thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ; b) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 5.000 m3/giờ; c) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m3/giờ đến dưới 10.000 m3/giờ; d) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/giờ đến dưới 15.000 m3/giờ; đ) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 15.000 m3/giờ đến dưới 20.000 m3/giờ; e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 20.000 m3/giờ đến dưới 25.000 m3/giờ; g) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 25.000 m3/giờ đến dưới 30.000 m3/giờ; h) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m3/giờ đến dưới 35.000 m3/giờ; i) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 35.000 m3/giờ đến dưới 40.000 m3/giờ; k) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 40.000 m3/giờ đến dưới 45.000 m3/giờ; l) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 45.000 m3/giờ đến dưới 50.000 m3/giờ; m) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 50.000 m3/giờ đến dưới 55.000 m3/giờ; n) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 55.000 m3/giờ đến dưới 60.000 m3/giờ; o) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ; p) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ; q) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 70.000 m3/giờ đến dưới 75.000 m3/giờ; r) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 75.000 m3/giờ đến dưới 80.000 m3/giờ; s) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 80.000 m3/giờ đến dưới 85.000 m3/giờ; t) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 85.000 m3/giờ đến dưới 90.000 m3/giờ; u) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 90.000 m3/giờ đến dưới 95.000 m3/giờ; ư) Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 95.000 m3/giờ đến dưới 100.000 m3/giờ; v) Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 100.000 m3/giờ trở lên. 6. Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi thải khí, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. 7. Phạt tăng thêm 1% của mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 1,5 lần; 2% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 02 lần; 3% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 03 lần; 4% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần trở lên. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 8. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q và r Khoản 2, các Điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p và q Khoản 3, các Điểm e, g, h, i, k, l, m, n, o và p Khoản 4 và các Điểm đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o Khoản 5 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm s, t, u, ư và v Khoản 2, các Điểm r, s, t, u, ư và v Khoản 3, các Điểm q, r, s, t, u, ư và v Khoản 4, các Điểm p, q, r, s, t, u, ư và v Khoản 5 và Khoản 6 Điều này. 9. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA. 5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA. 6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA. 7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA. 8. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA. 9. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA. 10. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 7, 8 và 9 Điều này. 11. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 18. Vi phạm các quy định về độ rung 1. Hành vi vi phạm các quy định về độ rung trong hoạt động xây dựng bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung dưới 5 dB; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 5 dB đến dưới 10 dB; c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 10 dB đến dưới 15 dB; d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 15 dB đến dưới 20 dB; đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 20 dB đến dưới 25 dB; e) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 25 dB đến dưới 30 dB; g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 30 dB đến dưới 35 dB; h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 35 dB đến dưới 40 dB; i) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 40 dB trở lên. 2. Hành vi vi phạm các quy định về độ rung trong hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung dưới 5 dB; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 5 dB đến dưới 10 dB; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 10 dB đến dưới 15 dB; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 15 dB đến dưới 20 dB; đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 20 dB đến dưới 25 dB; e) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 25 dB đến dưới 30 dB; g) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 30 dB đến dưới 35 dB; h) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 35 dB đến dưới 40 dB; i) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 40 dB trở lên. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động gây độ rung của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm c, d, đ và e Khoản 1 và các Điểm c, d, đ và e Khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm g, h và i Khoản 1 và các Điểm g, h và i Khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu độ rung đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 19. Hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền 1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, bùn, chất thải vệ sinh hầm cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xả, thải dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất thải nguy hại, các nguồn gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác vào môi trường nước không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 3. Phạt tăng thêm từ 20% đến 30% của mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 13, 14, 15 và 16; Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20; Điểm a Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều 21; Khoản 8 và Khoản 9 Điều 22; Khoản 7 và Khoản 8 Điều 23; Khoản 3 và Khoản 4 Điều 24; các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 29; Khoản 5 và Khoản 6 Điều 34 hoặc vi phạm trong phân khu phục hồi sinh thái, khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn mà làm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh đến dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 05 lần đối với thông số môi trường không nguy hại. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 4. Phạt tăng thêm từ 30% đến 40% của mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 13, 14, 15 và 16; Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20; Điểm a Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều 21; Khoản 8 và Khoản 9 Điều 22; Khoản 7 và Khoản 8 Điều 23; Khoản 3 và Khoản 4 Điều 24; các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 29; Khoản 5 và Khoản 6 Điều 34 hoặc vi phạm trong phân khu phục hồi sinh thái, khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn mà làm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh từ 03 lần đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 05 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường không nguy hại. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 5. Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% của mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 13, 14, 15 và 16; Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20; Điểm a Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều 21; Khoản 8 và Khoản 9 Điều 22; Khoản 7 và Khoản 8 Điều 23; Khoản 3 và Khoản 4 Điều 24; các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 29; Khoản 5 và Khoản 6 Điều 34 hoặc vi phạm trong phân khu phục hồi sinh thái, khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn mà làm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường không nguy hại. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 6. Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường; b) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý ô nhiễm triệt để; không tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 7. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 09 tháng đến 12 tháng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều này; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. 8. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn lấp, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường 1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường, bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại Điểm d Khoản này; c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; d) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị; đ) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thu gom rác thải sinh hoạt không đúng quy định về bảo vệ môi trường. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông. 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải làm rò rỉ, phát tán ra môi trường. 4. Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định; chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường; tiếp nhận chất thải rắn thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường dưới 1 m3 (hoặc tấn); b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 1 m3 (hoặc tấn) đến dưới 2 m3 (hoặc tấn); c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 2 m3 (hoặc tấn) đến dưới 3 m3 (hoặc tấn); d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 3 m3 (hoặc tấn) đến dưới 4 m3 (hoặc tấn); đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 4 m3 (hoặc tấn) đến dưới 5 m3 (hoặc tấn); e) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 5 m3 (hoặc tấn) đến dưới 10 m3 (hoặc tấn); g) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 10 m3 (hoặc tấn) đến dưới 20 m3 (hoặc tấn); h) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 20 m3 (hoặc tấn) đến dưới 30 m3 (hoặc tấn); i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 30 m3 (hoặc tấn) đến dưới 40 m3 (hoặc tấn); k) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 40 m3 (hoặc tấn) đến dưới 60 m3 (hoặc tấn); l) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 60 m3 (hoặc tấn) đến dưới 80 m3 (hoặc tấn); m) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 80 m3 (hoặc tấn) đến dưới 100 m3 (hoặc tấn); n) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 100 m3 (hoặc tấn) trở lên. 5. Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% số tiền phạt so với mức phạt tiền tương ứng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này trong trường hợp gây ô nhiễm môi trường hoặc có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường xung quanh. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. 6. Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này trong trường hợp chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường. 7. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều này; b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều này. 8. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 21. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc không lập báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình quản lý chất thải nguy hại; b) Không báo cáo đầy đủ thông tin về chất thải nguy hại phát sinh đột xuất (không thường xuyên hàng năm) theo quy định; c) Không sao gửi sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm cơ sở phát sinh chất thải nguy hại; d) Kê khai không đúng, không đầy đủ chất thải nguy hại trong chứng từ chất thải nguy hại theo quy định. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; b) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng; không lưu trữ báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác có yêu cầu lưu trữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; b) Không thông báo bằng văn bản và nộp lại sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho cơ quan quản lý chủ nguồn thải khi chấm dứt hoạt động. 4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; b) Không kê khai, kê khai không đúng, không đầy đủ chất thải rắn thông thường khi đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; c) Không đăng ký, báo cáo theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại quá 06 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại trong trường hợp chưa tìm được chủ vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại phù hợp. 5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại quá 12 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại để vận chuyển, xử lý, tiêu hủy theo quy định, trừ trường hợp chất thải nguy hại đó không có đơn vị chức năng xử lý tại Việt Nam, đồng thời được Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cho phép tiếp tục lưu giữ; b) Không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định; c) Không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bao bì chuyên dụng hoặc thiết bị lưu chứa tạm thời chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; d) Không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; đ) Không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời mà chất thải nguy hại đó có thể tràn, đổ, phát tán ra ngoài môi trường. 6. Hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp để chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 02 đến dưới 05 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc hoặc dưới 10% khối lượng chất thải nguy hại khác loại vào các thiết bị lưu chứa, bao bì chứa chất thải nguy hại khác hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường; c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 05 đến dưới 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc hoặc từ 10% đến dưới 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại vào các thiết bị lưu chứa, bao bì chứa chất thải nguy hại khác hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường; d) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc trở lên hoặc từ 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại trở lên vào các thiết bị lưu chứa, bao bì chứa chất thải nguy hại khác hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường. 7. Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; đ) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; e) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 190.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; g) Phạt tiền từ 190.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; h) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác. 8. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Làm rò rỉ, tràn đổ chất thải nguy hại hoặc để xảy ra sự cố tràn đổ chất thải nguy hại ra môi trường đất, nước ngầm, nước mặt; b) Tự xử lý chất thải nguy hại khi không có công trình xử lý phù hợp và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; c) Xuất khẩu chất thải nguy hại khi chưa có văn bản chấp thuận hoặc không đúng nội dung văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 9. Hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; d) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; đ) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; e) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; g) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; h) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác. 10. Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với các hành vi chuyển giao, cho, bán không đúng quy định, chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường. 11. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 9 và Khoản 10 Điều này; b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 9 và Khoản 10 Điều này. 12. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tháo dỡ công trình tự xử lý chất thải nguy hại trái phép đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều này; b) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều này gây ra; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; d) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 22. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện đúng quy trình vận hành an toàn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; b) Không thực hiện đúng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; c) Không thực hiện đúng kế hoạch về an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; d) Không thực hiện đúng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; đ) Không thực hiện đúng kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; e) Không báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý trong trường hợp phát hiện chủ tái sử dụng chất thải nguy hại không thực hiện đúng các trách nhiệm theo quy định; g) Không báo cáo với cơ quan cấp phép các thay đổi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự chủ chốt hoặc các chương trình, kế hoạch trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại so với khi được cấp phép; h) Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; i) Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; k) Không sao gửi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại (cấp lần đầu, cấp gia hạn, cấp điều chỉnh) cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm cơ sở vận chuyển/đại lý vận chuyển theo quy định. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thông báo bằng văn bản để cơ quan cấp phép thu hồi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại khi chấm dứt hoạt động; b) Không thông báo cho cơ quan cấp phép để thu hồi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại cũ trong trường hợp chuyển đổi giấy phép mà có sự thay đổi cơ quan cấp phép liên quan đến thay đổi địa bàn hoạt động theo quy định; c) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác có yêu cầu lưu trữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định; d) Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc không lập báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động quản lý chất thải nguy hại; đ) Không lập và gửi hồ sơ vận chuyển xuyên biên giới cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; e) Không lập sổ, nhật ký theo dõi chất thải nguy hại theo quy định; không lập hồ sơ theo dõi hành trình phương tiện vận chuyển bằng GPS theo quy định; g) Không thông báo bằng văn bản cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong trường hợp có lý do phải lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại mà chưa chuyển đi xử lý sau 03 tháng nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày thực hiện chuyển giao ghi trên chứng từ chất thải nguy hại; h) Không thực hiện đúng kế hoạch xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động. 3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định; b) Vận chuyển chất thải nguy hại không theo tuyến đường, quãng đường, thời gian theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; c) Phương tiện, thiết bị chuyên dụng thu gom, vận chuyển, đóng gói, bảo quản và lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; d) Để lẫn chất thải nguy hại khác loại có khả năng phản ứng, tương tác với nhau trong quá trình vận chuyển hoặc trong quá trình lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; đ) Không ký hợp đồng với chủ nguồn thải chất thải nguy hại trước khi thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định; e) Không ký hợp đồng ba bên với chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại hoặc chủ xử lý chất thải nguy hại được cấp phép về việc chuyển giao chất thải nguy hại hoặc ký hợp đồng với chủ nguồn thải mà không có sự chứng kiến, xác nhận của chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại hoặc chủ xử lý chất thải nguy hại trên hợp đồng theo quy định; g) Không có đề nghị bằng văn bản kèm theo hợp đồng để cơ quan cấp phép xem xét, chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện việc chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị xử lý chất thải nguy hại khác; h) Không có đủ số lượng phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại chính chủ theo quy định. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại ngoài địa bàn quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; b) Không thực hiện đúng một trong các nội dung quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này. 5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại nằm ngoài danh mục chất thải nguy hại quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; b) Thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại vượt quá khối lượng quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; c) Sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại không được đăng ký lưu hành, không có trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại. 6. Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện về quản lý, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại hoặc không có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; đ) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; e) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 190.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; g) Phạt tiền từ 190.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; h) Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác. 7. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải nguy hại khi không có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại, trừ chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình sinh hoạt hoặc cơ sở kinh doanh, dịch vụ (không bao gồm sản xuất) quy mô hộ gia đình, cá nhân được quản lý, xử lý theo quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ. 8. Hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; d) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; đ) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; e) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; g) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; h) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác. 9. Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với các hành vi chuyển giao, cho, bán không đúng quy định, chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường. 10. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại của đại lý vận chuyển chất thải nguy hại từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 7, 8 và 9 Điều này; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 8 và Khoản 9 Điều này. 11. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8 và Khoản 9 Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 23. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện đúng quy trình vận hành an toàn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; b) Không thực hiện đúng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; c) Không thực hiện đúng kế hoạch về an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; d) Không thực hiện đúng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; đ) Không thực hiện đúng kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; e) Không thực hiện chương trình giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; g) Không sao gửi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại (cấp lần đầu, cấp gia hạn, cấp điều chỉnh) cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm cơ sở xử lý chất thải nguy hại theo quy định; h) Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; i) Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; k) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác có yêu cầu lưu trữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định; l) Không báo cáo với cơ quan cấp phép các thay đổi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự chủ chốt hoặc các chương trình, kế hoạch trong bộ hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy phép quản lý chất thải nguy hại so với khi được cấp phép. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thông báo bằng văn bản để cơ quan cấp phép thu hồi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại khi chấm dứt hoạt động; b) Không thông báo cho cơ quan cấp phép để thu hồi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại cũ trong trường hợp chuyển đổi giấy phép mà có sự thay đổi cơ quan cấp phép liên quan đến thay đổi địa bàn hoạt động theo quy định; c) Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc không lập báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động quản lý chất thải nguy hại; d) Không lập sổ, nhật ký theo dõi chất thải nguy hại, sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải nguy hại theo quy định; đ) Không có báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép về việc thay đổi nội dung, gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng với đơn vị vận chuyển khác trong thời hạn quy định kể từ ngày thực hiện việc thay đổi, gia hạn hoặc chấm dứt; e) Không thông báo bằng văn bản cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong trường hợp có lý do phải lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại mà chưa đưa vào xử lý sau 03 tháng nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày thực hiện chuyển giao ghi trên chứng từ chất thải nguy hại; g) Không thực hiện đúng kế hoạch xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động. 3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện đúng các quy định theo nội dung hợp đồng xử lý chất thải nguy hại; b) Không lưu giữ chất thải nguy hại trước và sau khi xử lý trong thiết bị chuyên dụng phù hợp với loại hình chất thải nguy hại; c) Thiết bị chuyên dụng phục vụ lưu giữ chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại hoặc thiết bị xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. 4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Tiếp nhận xử lý chất thải nguy hại do cá nhân, tổ chức không có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại vận chuyển đến mà không có báo cáo với cơ quan quản lý có thẩm quyền, trừ chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình sinh hoạt hoặc cơ sở kinh doanh, dịch vụ (không bao gồm sản xuất) quy mô hộ gia đình, cá nhân được quản lý, xử lý theo quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ; b) Vi phạm về việc ký hợp đồng, tiếp nhận chất thải nguy hại trong trường hợp số lượng đơn vị vận chuyển chất thải nguy hại vượt quá hạn mức quy định; c) Không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tiếp nhận chất thải nguy hại từ các đơn vị vận chuyển khác; d) Không thực hiện đúng các quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 5 Điều này. 5. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng xử lý chất thải nguy hại không có trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; b) Xử lý chất thải nguy hại ngoài danh mục chất thải nguy hại quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; c) Xử lý chất thải nguy hại được thu gom ngoài địa bàn quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; d) Xử lý chất thải nguy hại vượt quá khối lượng quy định trong Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; đ) Chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại được tiếp nhận từ các đơn vị vận chuyển cho tổ chức, cá nhân khác để xử lý khi không có sự chấp thuận của cơ quan cấp phép. 6. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi xử lý chất thải nguy hại khi không có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại. 7. Hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300 000.000 đồng, đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; d) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; đ) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; e) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; g) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; h) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác. 8. Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với các hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ra môi trường không đúng quy định hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường. 9. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy phép quản lý chất thải nguy hại từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này; b) Tước quyền sử dụng Giấy phép quản lý chất thải nguy hại từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều này; d) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 12 tháng đến 24 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều này; đ) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều này. 10. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 24. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ tái sử dụng chất thải nguy hại 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; b) Không phối hợp, cung cấp thông tin để chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại báo cáo về phương án, tình trạng tái sử dụng trực tiếp chất thải nguy hại trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ; c) Không có báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương về tình hình tái sử dụng trực tiếp chất thải nguy hại theo quy định; d) Không có văn bản giải trình gửi Chi cục Bảo vệ môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương chưa thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường trong trường hợp tổng khối lượng chất thải nguy hại tái sử dụng trực tiếp lớn hơn hoặc bằng 120 kg và triển khai khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan này trong thời hạn quy định. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Tiếp nhận chất thải nguy hại để tái sử dụng trực tiếp không phải từ các chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại phù hợp; b) Tái sử dụng trực tiếp chất thải nguy hại không theo đúng mục đích ban đầu của phương tiện, thiết bị, sản phẩm, vật liệu, hóa chất là nguồn gốc phát sinh chất thải nguy hại này hoặc sử dụng cho mục đích khác hoặc chuyển giao lại cho một tổ chức, cá nhân khác mà không được phép tái sử dụng trực tiếp. 3. Hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; d) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; đ) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; e) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; g) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác; h) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác. 4. Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với các hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ra môi trường không đúng quy định hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động tái sử dụng chất thải nguy hại từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 25. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu không đúng quy định về bảo vệ môi trường 1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, quá cảnh hàng hóa, thiết bị, phương tiện có khả năng gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. 3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch; b) Nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa trong Danh mục nhà nước cấm nhập khẩu; c) Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; d) Nhập khẩu hợp chất làm suy giảm tầng ô zôn theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu. Tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 26. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu 1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm hành chính sau đây: a) Không có báo cáo tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu theo quy định; b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt cơ sở sản xuất hoặc kho, bãi chứa phế liệu nhập khẩu về chủng loại, số lượng, trọng lượng, xuất xứ phế liệu, cửa khẩu nhập, tuyến vận chuyển, kho, bãi tập kết phế liệu và nơi đưa phế liệu vào sản xuất trước khi bốc dỡ theo quy định. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu theo quy định; b) Không có đủ điều kiện về năng lực, kho bãi, phương án xử lý phế liệu nhập khẩu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định; c) Không có hợp đồng nhập khẩu ủy thác phế liệu theo quy định; d) Tập kết phế liệu nhập khẩu không đúng địa điểm kho bãi đã đăng ký; đ) Chuyển giao, cho, bán phế liệu nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khác không đúng quy định. 3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Nhập khẩu phế liệu không được phân loại, làm sạch theo quy định hoặc có lẫn vi trùng gây bệnh; b) Không xử lý theo quy định hoặc không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tạp chất đi cùng phế liệu nhập khẩu hoặc cho, bán tạp chất đó. 4. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu có chứa tạp chất vượt quá tỷ lệ cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu. 5. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về tạm nhập, chuyển khẩu phế liệu trong các trường hợp sau: a) Tháo, mở, sử dụng và làm phát tán phế liệu trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Làm thay đổi tính chất, khối lượng của phế liệu; c) Không tái xuất, chuyển khẩu toàn bộ phế liệu đã được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 6. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu có chứa các tạp chất là chất thải nguy hại. 7. Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chất phóng xạ; nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. 8. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 2, các Khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này. 9. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3, các Khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này. Tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về nhập phế liệu vi phạm quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này gây ra. Điều 27. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, sản xuất chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải 1. Đối với vi phạm các quy định về lưu hành chế phẩm sinh học không đúng với nội dung của Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm về hình thức, nội dung bao bì, nhãn mác chế phẩm đã đăng ký; b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm về thành phần của chế phẩm sinh học; c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp thay đổi về xuất xứ chủng gốc vi sinh vật đối với chế phẩm vi sinh vật; d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm về đặc tính, hiệu quả của chế phẩm sinh học đã đăng ký; đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp đối với chế phẩm sinh học đã đăng ký. 2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam chưa được cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đã hết hiệu lực. 3. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chưa được cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam. 4. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải nhằm mục đích thương mại (trừ nghiên cứu, thử nghiệm) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm tại Khoản 1 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa, chế phẩm sinh học nhập khẩu, đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường đối với vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này; b) Buộc thu hồi và tiêu hủy chế phẩm sinh học đã sản xuất, lưu hành hoặc sử dụng trái phép đối với các vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều này. Điều 28. Vi phạm các quy định về túi ni lon thân thiện môi trường 1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không in hoặc in không đúng nhãn hiệu và mã số lên sản phẩm theo cam kết trong hồ sơ đăng ký công nhận túi ni lon thân thiện với môi trường; b) Sử dụng in màu trên 01 sản phẩm vượt quá tỷ lệ diện tích in cho phép trong Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại phụ gia, hóa chất để sản xuất sản phẩm túi ni lon thân thiện với môi trường không đúng theo khai báo trong hồ sơ đăng ký mà chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường. 3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không thực hiện kế hoạch thu hồi, tái chế sản phẩm sau sử dụng đúng theo hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường; b) Không thực hiện đúng cam kết nộp phiếu kết quả thử nghiệm khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; c) Sản phẩm không đáp ứng một trong các tiêu chí về túi ni lon thân thiện với môi trường theo quy định. 4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường hoặc Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường đã hết hiệu lực nhưng vẫn sản xuất sản phẩm túi ni lon thân thiện với môi trường. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm tại Khoản 2 Điều này; b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường từ 06 tháng đến 09 tháng đối với trường hợp vi phạm tại Khoản 3 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 09 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm các quy định tại Khoản 4 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, sản phẩm thân thiện môi trường đối với vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; b) Buộc thu hồi và xử lý sản phẩm túi ni lon không đảm bảo chất lượng đối với các vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3 và Khoản 4 Điều này; c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 29. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với chủ phương tiện vận tải, kho lưu giữ hàng hóa trên biển có nguy cơ gây ra sự cố môi trường mà không thông báo cho các lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc gia, lực lượng Cảnh sát biển, tổ chức, cá nhân liên quan khác theo quy định. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chủ phương tiện vận chuyển xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ và các chất độc hại khác trên biển không có kế hoạch, nhân lực, trang thiết bị bảo đảm phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. 3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hoạt động khai thác nguồn lợi, tài nguyên biển và hoạt động khác liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện không đúng theo quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được phê duyệt; b) Hoạt động trong khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng ngập mặn, di sản tự nhiên biển không tuân theo quy chế của ban quản lý, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan; c) Không xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải và các yếu tố gây ô nhiễm khác từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, giao thông, vận tải, khai thác trên biển; d) Để, lưu giữ phương tiện vận tải, kho tàng, các công trình khai thác dầu khí trên biển quá thời gian phải xử lý; đ) Không thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại theo quy định đối với hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển, phá dỡ phương tiện vận tải trên biển. 4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi đổ xuống biển chất thải thông thường của các phương tiện vận tải, các giàn khoan hoạt động trên biển mà không được xử lý theo quy định hoặc không xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; đổ chất thải rắn từ đất liền xuống biển mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định; đổ chất thải từ hoạt động nạo vét luồng, lạch xuống biển mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định. 5. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi đổ các loại chất thải xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy, hải sản. 6. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 7. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều này. 8. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; b) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 30. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư và làng nghề 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có một trong các hành vi sau đây: a) Không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng; b) Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định; c) Không có đủ lực lượng thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý theo quy định. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất, kho tàng sau đây không thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư: a) Có chất dễ cháy, dễ gây nổ; b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh; c) Có chất độc hại đối với sức khỏe con người và gia súc, gia cầm; d) Phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. 3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với chủ đầu tư xây dựng mới khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu chung cư có hành vi bàn giao công trình đưa vào sử dụng mà không thực hiện đúng và đầy đủ một trong các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây: a) Không có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; b) Không có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư; c) Không bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; d) Không có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải riêng biệt phù hợp với quy hoạch thoát nước thải, bảo vệ môi trường của khu dân cư; đ) Không có nơi tập trung rác thải sinh hoạt bảo đảm vệ sinh môi trường; e) Không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 4. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề; b) Cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị xử phạt như đối với cá nhân, tổ chức hoạt động bên ngoài các làng nghề quy định tại Nghị định này. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư quy định tại Khoản 2 Điều này; trường hợp không thể thực hiện được đúng khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường theo quy định thì phải di dời ra khỏi khu dân cư; b) Buộc phải xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 31. Vi phạm về bảo vệ môi trường trong khu di sản tự nhiên 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tại khu di sản tự nhiên. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm trái phép khu di sản tự nhiên. 3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác khu di sản tự nhiên không đúng quy định về bảo vệ môi trường. 4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi khai thác khu di sản tự nhiên không đúng quy định về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường hoặc suy thoái môi trường. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động khai thác trái phép đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 32. Vi phạm quy định về hoạt động, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sinh sống trái phép ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động trái phép ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc di dời ra khỏi khu vực cấm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 33. Vi phạm quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ 1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không vận chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi theo quy định; b) Không thông báo bằng văn bản các thông tin có liên quan về điểm thu hồi và nơi xử lý sản phẩm thải bỏ đến cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo quy định. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực khối lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam theo quy định; b) Không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực kết quả thực hiện thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định; c) Không công khai các thông tin có liên quan đến điểm thu hồi và nơi xử lý sản phẩm thải bỏ trên trang tin điện tử theo quy định. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không có trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tại các điểm thu gom theo quy định; b) Không có phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc thu gom, vận chuyển, đóng gói, bảo quản và lưu giữ tạm thời sản phẩm thải bỏ theo quy định; c) Không có cán bộ kỹ thuật chuyên trách về hoạt động thu hồi và vận chuyển sản phẩm thải bỏ theo quy định. 4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không vận chuyển sản phẩm thải bỏ từ các điểm thu hồi đến nơi xử lý theo quy định. 5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thiết lập các điểm thu hồi hoặc không có hệ thống thu gom sản phẩm thải bỏ theo quy định; b) Không xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định. 6. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều này gây ô nhiễm môi trường. 7. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều này; b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều này gây ra. Điều 34. Vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không lập bản đồ khu vực khai thác khoáng sản độc hại khi đã kết thúc hoạt động theo quy định; b) Không báo cáo kết quả thực hiện phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; c) Không có văn bản thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về nội dung quyết định phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung theo quy định; d) Không có văn bản báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn hoặc báo cáo sai sự thật cho cơ quan nhà nước đã phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường và cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương nơi thực hiện dự án hoặc cơ sở về kế hoạch thi công, xây dựng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc giám sát môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. 3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được phê duyệt và các yêu cầu khác trong quyết định phê duyệt đề án đó. 4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc trong đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt đề án đó. 5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không dừng việc thi công xây dựng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp để xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường. 6. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt. 7. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không có đề án cải tạo phục hồi môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 8. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều này. 9. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này; b) Buộc phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; d) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại các Khoản 5, 6 và 7 Điều này gây ra. Điều 35. Vi phạm các quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu theo quy định. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định; b) Không triển khai thực hành huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định. 3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu theo quy định. 4. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định; b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt theo quy định; d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định. 5. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của cảng, cơ sở, dự án có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định; b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định. 6. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động dầu khí ngoài khơi có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định; b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phê duyệt theo quy định; d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định. 7. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của tàu dầu có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất từ tàu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; b) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch hoạt động chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; c) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ tàu xảy ra sự cố tràn dầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố; d) Phạt tiền từ 55.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng đối với hành vi không mua bảo hiểm hoặc các bảo đảm tài chính khác theo mức trách nhiệm dân sự được pháp luật quy định để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu theo quy định. 8. Hành vi gây ra sự cố cháy nổ dầu, tràn dầu bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu dưới 2 tấn; b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 2 tấn đến dưới 10 tấn; c) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 10 tấn đến dưới 20 tấn; d) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 20 tấn đến dưới 50 tấn; đ) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 50 tấn đến dưới 100 tấn; e) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 550.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 100 tấn đến dưới 200 tấn; g) Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 200 tấn đến dưới 300 tấn; h) Phạt tiền từ 650.000.000 đồng đến 750.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 300 tấn đến dưới 400 tấn; i) Phạt tiền từ 750.000.000 đồng đến 850.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 400 tấn đến dưới 500 tấn; k) Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 500 tấn trở lên. 9. Hành vi không khắc phục hậu quả sự cố cháy nổ dầu, tràn dầu; không thực hiện bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu dưới 2 tấn; b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 2 tấn đến dưới 10 tấn; c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 10 tấn đến dưới 20 tấn; d) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 20 tấn đến dưới 50 tấn; đ) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 50 tấn đến dưới 100 tấn; e) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 100 tấn đến dưới 200 tấn; g) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 200 tấn đến dưới 300 tấn; h) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 300 tấn đến dưới 400 tấn; i) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 400 tấn đến dưới 500 tấn; k) Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng trong trường hợp khối lượng dầu từ 500 tấn trở lên. 10. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm để xảy ra tràn dầu hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; b) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, buộc phải bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Khoản 8 và Khoản 9 Điều này gây ra. Điều 36. Vi phạm các quy định trong hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường 1. Hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo về vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định về điều kiện trong hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm; c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm mà không có Giấy xác nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định. 2. Hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện sự cố môi trường; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đúng lệnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố môi trường; đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện những biện pháp thuộc trách nhiệm của mình để kịp thời khắc phục sự cố môi trường; e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với các hành vi gây sự cố môi trường; g) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điểm e Khoản này mà không thực hiện khắc phục sự cố môi trường. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều này; d) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điểm e và Điểm g Khoản 2 Điều này gây ra. Điều 37. Vi phạm các quy định về nộp phí bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường 1. Hành vi vi phạm về nộp phí bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: a) Phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền phí chậm nộp đối với hành vi chậm nộp phí; b) Phạt 10% số tiền phí thiếu đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phí phải nộp; c) Phạt từ 2 đến 3 lần số tiền phí đối với hành vi trốn nộp phí. 2. Phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chậm nộp đối với hành vi chậm nộp ký quỹ theo quy định. 3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước khi bắt đầu hoạt động khai thác khoáng sản. 4. Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Truy thu số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp kể từ thời điểm nộp thiếu, trốn nộp phí bảo vệ môi trường (tính theo kết quả phân tích mẫu chất thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra và xử phạt thực hiện theo quy định) đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; buộc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. Điều 38. Vi phạm các quy định về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về môi trường 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái phép việc quan trắc, thu thập, trao đổi, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về môi trường. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp dữ liệu, thông tin về môi trường, kết quả quan trắc môi trường không đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định; b) Không công bố, cung cấp, công khai thông tin, dữ liệu về môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xâm nhập trái phép vào hệ thống lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thống kê, lưu trữ số liệu về các tác động đối với môi trường, về các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định; b) Không nộp đầy đủ các số liệu điều tra, khảo sát, quan trắc môi trường và các tài liệu liên quan khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với các hành vi tẩy xóa dữ liệu, thông tin về môi trường, kết quả quan trắc môi trường. 6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dữ liệu, thông tin về môi trường, kết quả quan trắc môi trường không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Điều 39. Vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Gây cản trở việc khai thác, sử dụng các công trình bảo vệ môi trường; b) Trồng cây làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dịch chuyển trái phép các thiết bị, máy móc quan trắc môi trường. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hại các máy móc, thiết bị và công trình bảo vệ môi trường. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tháo dỡ, di dời công trình, cây trồng trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 40. Vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi một trong các nội dung dẫn đến không đảm bảo điều kiện trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động không đúng phạm vi, lĩnh vực theo nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; tẩy xóa Giấy chứng nhận. 5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi hoặc cho thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để thực hiện hoạt động quan trắc môi trường. 6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định hoặc Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực. 7. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với vi phạm quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trái phép từ 06 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều này. Điều 41. Vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên 1. Hành vi xây dựng công trình, nhà ở, lán trại mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phân khu phục hồi sinh thái, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây dựng công trình, nhà ở, lán trại vào phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn; b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây dựng công trình, nhà ở, lán trại vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở, lán trại tại phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn; d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở, lán trại tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn. 2. Hành vi tác động đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn theo chiều hướng xấu đi, gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên (như đào bới, san ủi, nổ mìn, đào, đắp ngăn nước, sử dụng lửa, các chế phẩm độc hại) không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại dưới 200 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 200 m2 đến dưới 400 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn; c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 400 m2 đến dưới 800 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn; d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 800 m2 đến dưới 1.200 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn; đ) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 1.200 m2 đến dưới 1.500 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn; e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 1.500 m2 đến dưới 2.000 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn; g) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại từ 2.000 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trong khu bảo tồn trở lên. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra bao gồm việc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy; phục hồi sinh cảnh sống ban đầu cho các loài sinh vật đối với các hành vi quy định tại Điều này; b) Buộc tháo dỡ công trình, nhà ở, lán trại xây dựng trái phép đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này. Điều 42. Vi phạm quy định về loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm, vi sinh vật hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của loài động vật hoang dã, giống vật nuôi thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ 1. Hành vi trồng cấy nhân tạo trái phép loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm và vi sinh vật thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi trồng cấy nhân tạo ở quy mô hộ gia đình; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trồng cấy nhân tạo ở quy mô công nghiệp. 2. Hành vi khai thác trái phép loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm, vi sinh vật thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; chiếm hữu, sử dụng, tiêu thụ, mua, bán, vận chuyển trái phép loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm, vi sinh vật thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật hoang dã, giống vật nuôi thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo đối với tang vật vi phạm có giá trị dưới 500.000 đồng; b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 1.500.000 đồng; c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 1.500.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng dưới 0,5 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 0,7 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 0,7 m3 đến dưới 1 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1 m3 đến dưới 1,3 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; k) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1,3 m3 đến dưới 1,5 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 130.000.000 đồng; l) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1,5 m3 đến dưới 1,7 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 130.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; m) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1,7 m3 đến dưới 1,9 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 170.000.000 đồng; n) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1,9 m3 trở lên hoặc lâm sản có giá trị từ 170.000.000 đồng trở lên. 3. Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% của mức tiền phạt quy định tại Khoản 2 Điều này đối với hành vi khai thác trái phép loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm, vi sinh vật thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 500.000.000 đồng. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này. Điều 43. Vi phạm các quy định về bảo vệ các loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn 1. Hành vi khai thác trái phép loài hoang dã không thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo đối với tang vật vi phạm có giá trị dưới 500.000 đồng; b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng dưới 0,3 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 1.500.000 đồng; c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 1.500.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 0,7 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 0,7 m3 đến dưới 1 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1 m3 đến dưới 1,5 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 1,5 m3 đến dưới 2 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 2 m3 đến dưới 5 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 5 m3 đến dưới 10 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; k) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 10 m3 đến dưới 15 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 160.000.000 đồng; l) Phạt tiền từ 320.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 15 m3 đến dưới 25 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 160.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; m) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm là gỗ có khối lượng từ 25 m3 hoặc lâm sản có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên. 2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 44. Vi phạm các quy định về quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học 1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không báo cáo tình trạng loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, khai báo nguồn gốc loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. 3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không duy trì một trong các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận; b) Không tuân thủ các quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; c) Không tuân thủ các quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền. 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Khai báo không đúng sự thật các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận; b) Hoạt động không có Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học từ 03 tháng đến 06 tháng đối với vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này; b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tại Khoản 4 Điều này. Điều 45. Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại 1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy trái phép ngoài phạm vi khu bảo tồn đối với loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại hoặc loài ngoại lai xâm hại đã biết, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại. 2. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng cấy trái phép ngoài phạm vi khu bảo tồn các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại hoặc loài ngoại lai xâm hại đã biết bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá đến dưới 10.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 320.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 480.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 480.000.000 đồng đến 560.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 140.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 560.000.000 đồng đến 640.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 140.000.000 đồng đến dưới 160.000.000 đồng; k) Phạt tiền từ 640.000.000 đồng đến 720.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 160.000.000 đồng đến dưới 180.000.000 đồng; l) Phạt tiền từ 720.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 180.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; m) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 880.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 220.000.000 đồng; n) Phạt tiền từ 880.000.000 đồng đến 920.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 220.000.000 đồng đến dưới 230.000.000 đồng; o) Phạt tiền từ 920.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 230.000.000 đồng trở lên. 3. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy trong phạm vi khu bảo tồn loài ngoại lai xâm hại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm xảy ra ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm xảy ra trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. 4. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy trong phạm vi khu bảo tồn loài ngoại lai xâm hại, trong trường hợp không kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng bị xử phạt như sau: a) Phạt tăng thêm từ 20% đến 30% của mức tiền phạt quy định tại Khoản 2 Điều này đối với vi phạm thực hiện ở ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; b) Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% của mức tiền phạt quy định tại Khoản 2 Điều này đối với vi phạm thực hiện ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Mức tiền phạt tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại Khoản này không vượt quá 1.000.000.000 đồng. 5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại vượt quá số lượng, trọng lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc khai sai về tên, chủng loại được cấp phép. 6. Hành vi nhập khẩu vi sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu vượt quá số lượng, khối lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc khai sai về tên, chủng loại được cấp phép; b) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. 7. Hành vi nhập khẩu vi sinh vật ngoại lai xâm hại đã biết bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. 8. Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 320.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 480.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 480.000.000 đồng đến 560.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 140.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 560.000.000 đồng đến 640.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 140.000.000 đồng đến dưới 160.000.000 đồng; k) Phạt tiền từ 640.000.000 đồng đến 720.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 160.000.000 đồng đến dưới 180.000.000 đồng; l) Phạt tiền từ 720.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 180.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; m) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 880.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 220.000.000 đồng; n) Phạt tiền từ 880.000.000 đồng đến 920.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 220.000.000 đồng đến dưới 230.000.000 đồng; o) Phạt tiền từ 920.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230.000.000 đồng trở lên. 9. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tại Điều này. 10. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại xuất hiện; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu đã bị thay đổi đối với vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; b) Buộc tái xuất toàn bộ hàng hóa, loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với vi phạm quy định tại các Khoản 5, 6, 7 và 8 Điều này. Trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa, loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép. Điều 46. Vi phạm các quy định về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen 1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về hoạt động trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng cho mục đích nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại; b) Không thông báo quá trình, kết quả nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại, lợi ích phát sinh từ quá trình phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại theo yêu cầu. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không tuân thủ các quy định về hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; b) Không tuân thủ các quy định về kiểm soát việc điều tra, thu thập nguồn gen của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen; c) Không ký hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen về việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; d) Không thực hiện thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền việc tiếp cận nguồn gen đối với hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; đ) Không thực hiện việc báo cáo theo quy định của pháp luật với cơ quan có thẩm quyền về kết quả nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại theo thời hạn quy định trong Giấy phép tiếp cận nguồn gen; e) Sử dụng Giấy phép tiếp cận nguồn gen không đúng nội dung, mục đích. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen được giao quản lý cho tổ chức, cá nhân khác không đúng quy định của pháp luật. 4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiếp cận nguồn gen khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy phép tiếp cận nguồn gen từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này; b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu hồi kết quả phát sinh từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này. Điều 47. Vi phạm các quy định về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nghiên cứu tạo ra, phân tích thử nghiệm, cách ly sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen tại các nơi không được phép thực hiện. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký cấp phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, hồ sơ cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; b) Không thực hiện đúng nội dung trong Giấy phép khảo nghiệm, Giấy chứng nhận an toàn sinh học, Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen sau đây: a) Che giấu thông tin về nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người trong quá trình nghiên cứu; b) Đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mẫu nghiên cứu ngoài khuôn khổ đề tài đã đăng ký. 4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen sau đây: a) Không tuân thủ chặt chẽ các quy định về cách ly gây thất thoát sinh vật biến đổi gen ra ngoài môi trường trong quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm; b) Không áp dụng các biện pháp khẩn cấp để xử lý, tiêu hủy triệt để sinh vật biến đổi gen khi phát hiện sinh vật biến đổi gen gây ra rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi mà không kiểm soát được; c) Để thất thoát sinh vật biến đổi gen ra ngoài môi trường khi chưa được cấp Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen diện rộng. 5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng. 6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này. 7. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Tiêu hủy toàn bộ sinh vật biến đổi gen chưa được cấp Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen hoặc Giấy chứng nhận an toàn sinh học; b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra. Điều 48. Vi phạm các quy định sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu giữ, vận chuyển sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen bị xử phạt như sau: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không ghi nhãn hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen theo quy định. 2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi khi không có Giấy chứng nhận an toàn sinh học theo quy định. 3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Nuôi, trồng, thả có chủ đích vào môi trường sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học; b) Nhập khẩu trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen. 4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Nuôi, trồng, thả có chủ đích vào môi trường sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học mà gây biến đổi hệ sinh thái, nguồn gen; b) Nhập khẩu trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen mà gây biến đổi hệ sinh thái, nguồn gen. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tiêu hủy toàn bộ sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen đối với các vi phạm quy định tại Khoản 2, Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều này; b) Buộc tái xuất lô hàng chứa sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều này. Trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy lô hàng chứa sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen. Điều 49. Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Gây khó khăn cho công tác điều tra, nghiên cứu, kiểm soát, đánh giá hiện trạng môi trường hoặc hoạt động công vụ của người có thẩm quyền; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ; c) Từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; d) Không tổ chức đối thoại về môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện việc kê khai, khai báo hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người thi hành công vụ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của người thi hành công vụ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; c) Cản trở công tác của đoàn kiểm tra, thanh tra hoặc người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường; d) Không cử đại diện có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tham gia buổi công bố quyết định thanh tra về bảo vệ môi trường hoặc không cử đại diện có thẩm quyền làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tẩu tán tang vật vi phạm, tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính, quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các yêu cầu có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường của người hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. MỤC 2. THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH Điều 50. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, b, c, đ, e, h, i, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Điều 51. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân 1. Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 500.000 đồng. 2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng. 3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2.500.000 đồng; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c và đ Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c, đ, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c, đ, i, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 6. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c, đ, i, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Điều 52. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành 1. Thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thi hành công vụ có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 500.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, c, đ, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 2. Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 3. Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 250.000.000 đồng; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 4. Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này. 5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều này. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều này. Điều 53. Thẩm quyền xử phạt của các lực lượng khác Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Thuế, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các điều 40, 41, 42, 43, 44, 45 và 47 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý quy định tại Nghị định này. Điều 54. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các lực lượng được quy định cụ thể như sau: a) Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động kiểm lâm được quy định tại các Điều 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này; b) Cảng vụ hàng hải có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hàng hải được quy định tại các Điều 29, 35, 36 và 49 của Nghị định này; c) Cảng vụ đường thủy nội địa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khu vực đường thủy nội địa được quy định tại các Điều 35, 36 và 49 của Nghị định này; d) Bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại các Điều 29, 35, 36, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này; đ) Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xảy ra trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng quyền chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16, 19, 20; các Khoản 7, 8, 9 và 10 Điều 21; các Khoản 6, 7, 8 và 9 Điều 22; các Điều 29, 35, 36, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này; e) Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hải quan được quy định tại các Điều 25, 26, 27, 42, 45, 47, 48 và 49 của Nghị định này; g) Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động quản lý thị trường, hàng hóa và hoạt động mua, bán, sử dụng động vật hoang dã, được quy định tại các Điều 27, 28, 42, 45, 48 và 49 của Nghị định này; h) Thuế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động quản lý thuế, phí, được quy định tại các Điều 37 và Điều 49 của Nghị định này; i) Công an cửa khẩu có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại cửa khẩu; k) Công an Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh; l) Công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại các Điều 20, 30, 41, 42, 43, 45, 48 và 49 của Nghị định này; m) Công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được quy định tại các Điều 20, 30, 31, 41, 42, 43, 45, 48 và 49 của Nghị định này; n) Công an cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình quy định tại Nghị định này, trừ các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính và hoạt động quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và 12; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 21; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 22; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 23; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24; các Điều 26, 27, 28, 34, 37, 38 và 40 của Nghị định này; o) Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình quy định tại Nghị định này, trừ các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính và hoạt động quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và 12; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 21; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 22; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 23; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24; các Điều 26, 27, 28, 34, 37, 38 và 40 của Nghị định này; p) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm quy định tại các Điều 12, 19, 20, 30, 32, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này; q) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm được quy định tại các Điều 8, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 29, 30, 31, 32, 38, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này; r) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm quy định tại Nghị định này; s) Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý; t) Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền trên phạm vi cả nước. 2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại điều, khoản nào của Nghị định này thì chỉ được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong phạm vi các điều, khoản đó của Nghị định này quy định; trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải thông báo và phối hợp ngay với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi đó để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Điều 55. Thủ tục tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính 1. Thủ tục tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với hoạt động gây ô nhiễm hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định này thực hiện theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính. 2. Đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến Giấy phép môi trường thì khi hết thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại Giấy phép môi trường cho cá nhân, tổ chức đã bị tước Giấy phép môi trường đó. 3. Đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn mà có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở gây ô nhiễm môi trường thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cơ quan của người đã xử phạt, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cá nhân, tổ chức vi phạm và các cơ quan có liên quan tổ chức niêm phong nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị của cá nhân, tổ chức đó vào ngày bắt đầu áp dụng hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động được ghi trong quyết định xử phạt. Cá nhân, tổ chức chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm. 4. Thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trước khi đi vào hoạt động trở lại trong trường hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường tiến hành xử phạt được quy định như sau: a) Trước ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ thời điểm hết hạn tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động, cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phải có văn bản báo cáo, kèm theo các hồ sơ, tài liệu, số liệu và kết quả phân tích mẫu chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường do đơn vị chức năng có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện (nếu có) chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm cho cơ quan của người đã xử phạt; b) Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả chấp hành xong quyết định xử phạt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường tiến hành kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường theo nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (nếu có). Kết quả kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm phải được thể hiện bằng biên bản theo Mẫu 01 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; c) Trường hợp cá nhân, tổ chức đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra việc khắc phục vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường ban hành quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường và tháo mở niêm phong. Quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thực hiện theo Mẫu 02 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; d) Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thì tiếp tục thực hiện việc khắc phục nhưng không quá thời hạn ghi trong quyết định xử phạt; trường hợp không đủ thời gian để khắc phục thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường xem xét, gia hạn để khắc phục; trường hợp cố tình không thực hiện việc khắc phục vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. 5. Thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trước khi đi vào hoạt động trở lại trong trường hợp cơ quan, người đã xử phạt không có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường được quy định như sau: a) Trước ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ thời điểm hết hạn tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động, cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phải có văn bản báo cáo, kèm theo các hồ sơ, tài liệu, số liệu và kết quả phân tích mẫu chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường do đơn vị chức năng có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện (nếu có) chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (nếu dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường), cho Sở Tài nguyên và Môi trường (nếu dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có quy mô công suất tương ứng với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có các thủ tục, hồ sơ về môi trường) hoặc cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu cơ sở có quy mô, công suất tương ứng với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường) và cơ quan của người đã xử phạt để phối hợp kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; b) Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả chấp hành xong quyết định xử phạt, Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản này chủ trì, phối hợp với cơ quan của người đã xử phạt tiến hành kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường theo nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (nếu có). Kết quả kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm phải được thể hiện bằng biên bản theo Mẫu 01 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; c) Trường hợp cá nhân, tổ chức đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra việc khắc phục vi phạm, Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản này ban hành quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường, đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tháo mở niêm phong để cá nhân, tổ chức hoạt động trở lại. Quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thực hiện theo Mẫu 02 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; d) Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thì tiếp tục thực hiện việc khắc phục nhưng không quá thời hạn ghi trong quyết định xử phạt; trường hợp không đủ thời gian để khắc phục thì đề nghị Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản này xem xét, ra hạn để khắc phục; trường hợp cố tình không thực hiện việc khắc phục vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Điều 56. Quy định về biên bản, thẩm quyền lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được lập theo quy định tại Điều 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. 2. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm: a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang thi hành công vụ; b) Công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; c) Công chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành mình quản lý thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ; d) Cán bộ, công chức, viên chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; đ) Chiến sĩ công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; e) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý rừng, Ban Quản lý các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản này khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải kịp thời lập biên bản để xử phạt hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này. 3. Mẫu biên bản và mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Chương 3. HÌNH THỨC XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG; CÔNG BỐ CÔNG KHAI THÔNG TIN VỀ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Điều 57. Hình thức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý sau đây: a) Buộc di dời cơ sở đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường; b) Cấm hoạt động. 2. Các cơ sở bị áp dụng hình thức buộc di dời: a) Cơ sở sản xuất, kho tàng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 của Nghị định này; b) Cơ sở nằm trong Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 3. Các cơ sở bị cấm hoạt động: a) Cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc bị đình chỉ hoạt động của cơ sở mà trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày có quyết định đã khắc phục xong hậu quả vi phạm do hành vi vi phạm hành chính gây ra, nhưng tiếp tục gây ô nhiễm môi trường; b) Cơ sở nằm trong Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị cấm hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Điều 58. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng hình thức buộc di dời 1. Thẩm quyền áp dụng hình thức buộc di dời: a) Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng hình thức buộc di dời đối với cơ sở thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức buộc di dời đối với cơ sở trên địa bàn, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức buộc di dời của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điểm a Khoản này. 2. Thủ tục áp dụng hình thức buộc di dời đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 57 của Nghị định này: a) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 30 của Nghị định này thì trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng hình thức buộc di dời theo thẩm quyền hoặc gửi văn bản kiến nghị kèm theo quyết định xử phạt và một bộ hồ sơ vụ việc cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp cơ sở bị buộc di dời thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; b) Trường hợp Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và người có thẩm quyền xử phạt khác ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cơ sở thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức buộc di dời, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải gửi văn bản kiến nghị kèm theo quyết định xử phạt và một bộ hồ sơ vụ việc cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở đối với trường hợp buộc di dời thuộc thẩm quyền áp dụng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc gửi văn bản kiến nghị kèm theo quyết định xử phạt và một bộ hồ sơ vụ việc cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp buộc di dời thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; c) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu tại Điểm a và Điểm b Khoản này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng hình thức buộc di dời đối với cơ sở thuộc thẩm quyền; d) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu tại Điểm a và Điểm b Khoản này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng hình thức buộc di dời cơ sở thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng hình thức buộc di dời; đ) Quyết định áp dụng hình thức buộc di dời phải ghi rõ lý do buộc di dời, thời điểm bắt đầu áp dụng hình thức buộc di dời, thời hạn phải hoàn thành việc di dời, cơ quan giám sát thực hiện và trách nhiệm của cơ sở bị buộc áp dụng hình thức buộc di dời. Quyết định áp dụng hình thức buộc di dời thực hiện theo Mẫu 03 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành, quyết định áp dụng hình thức buộc di dời phải được gửi cho cơ sở bị buộc di dời, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở bị buộc di dời và các cơ quan có liên quan. 3. Đối với trường hợp bị áp dụng hình thức buộc di dời quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 57 của Nghị định này, trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định ban hành Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của người có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định áp dụng hình thức buộc di dời đối với cơ sở trên địa bàn quản lý. 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở và các cơ quan có liên quan tổ chức giám sát thực hiện việc di dời của cơ sở bị buộc di dời. Trong thời hạn thực hiện quyết định cưỡng chế buộc di dời, cơ sở bị buộc di dời phải đình chỉ hoạt động theo quy định của Nghị định này. Trong trường hợp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ra một quyết định bao gồm cả việc áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động và biện pháp cưỡng chế buộc di dời. 5. Nội dung quyết định áp dụng hình thức buộc di dời được quy định tại Điều này phải được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đăng trong 03 số liên tiếp trên Báo Tài nguyên và Môi trường. Điều 59. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng hình thức cấm hoạt động 1. Thẩm quyền áp dụng hình thức cấm hoạt động: a) Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở trên địa bàn, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điểm a Khoản này. 2. Thủ tục áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 57 của Nghị định này: a) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện cơ sở thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 57 của Nghị định này thì Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 58 của Nghị định này phải lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở; b) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 58 của Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở theo thẩm quyền hoặc gửi văn bản kiến nghị kèm theo một bộ hồ sơ vụ việc cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp cấm hoạt động thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; c) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở; d) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở; đ) Quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động phải ghi rõ lý do cấm hoạt động, thời điểm phải chấm dứt hoạt động, thời hạn thực hiện các biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh khi cơ sở bị cấm hoạt động, cơ quan giám sát thực hiện và trách nhiệm của cơ sở bị buộc áp dụng hình thức cấm hoạt động. Quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động thực hiện theo Mẫu 04 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành, quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động phải được gửi cho cơ sở bị cấm hoạt động, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở bị buộc di dời và các cơ quan có liên quan. 3. Đối với trường hợp bị áp dụng hình thức cấm hoạt động quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 57 của Nghị định này, trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày quyết định ban hành Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của người có thẩm quyền có hiệu lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở trên địa bàn quản lý. 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở và các cơ quan có liên quan tổ chức giám sát thực hiện quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở. 5. Nội dung quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động quy định tại Điều này phải được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đăng trong 03 số liên tiếp trên Báo Tài nguyên và Môi trường. 6. Cơ sở bị cấm hoạt động phải thực hiện các biện pháp di dời, bảo quản, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đối với các chất dễ cháy, dễ gây nổ, có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh, có chất độc hại đối với sức khỏe con người và gia súc, gia cầm, phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh khi cơ sở bị cấm hoạt động theo quy định của pháp luật. 7. Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động: Hết thời hạn phải hoàn thành việc chấm dứt hoạt động mà cơ sở bị áp dụng hình thức cấm hoạt động không chấm dứt hoạt động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế. Điều 60. Công bố công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Đối tượng bị công bố công khai thông tin: a) Cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm hành chính bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường và đình chỉ hoạt động của cơ sở bị công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; b) Cơ sở bị áp dụng hình thức buộc di dời và cấm hoạt động. 2. Hình thức công bố công khai trên trang thông tin điện tử hoặc báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính hoặc cơ quan chủ quản của người có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính. Điều 61. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt các vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 60, người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động có trách nhiệm công bố công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Thủ trưởng cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền quyết định buộc di dời, cấm hoạt động gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động, đối với cơ sở đến người phụ trách trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý của Bộ, của Sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động. 2. Nội dung thông tin cần công khai bao gồm: Tên đăng ký kinh doanh, tên thương mại, tên tổ chức, cá nhân vi phạm, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh chính; địa chỉ trụ sở chính của cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tổ chức có hành vi vi phạm; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; quá trình vi phạm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; hình thức xử lý, biện pháp khắc phục hậu quả, thời gian khắc phục hậu quả. 3. Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm công bố công khai phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố; phải có trách nhiệm đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 (một) ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính và phải chịu chi phí cho việc đính chính. Người phụ trách trang thông tin điện tử hoặc báo đăng thông tin phải thực hiện việc đăng tin trong vòng 01 (một) ngày làm việc đối với trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo kể từ thời điểm nhận được yêu cầu; trong trường hợp trang thông tin điện tử hoặc báo đăng không chính xác các thông tin quy định tại Khoản 2 Điều này thì phải có trách nhiệm đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 (một) ngày làm việc đối với trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo và phải chịu chi phí cho việc đính chính. 4. Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động phải ghi rõ lý do áp dụng biện pháp công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, nội dung thông tin, tên báo, trang tin điện tử đăng công khai thông tin. 5. Báo, cơ quan phụ trách trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai tại số báo hoặc lần đăng tải liền sau đó. 6. Trường hợp việc công bố công khai việc xử phạt không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng, người có thẩm quyền công bố công khai việc xử phạt phải báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp và phải công bố công khai việc xử phạt ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục. 7. Kinh phí thực hiện công bố công khai thông tin về bảo vệ môi trường được lấy từ kinh phí chi sự nghiệp môi trường, kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị nơi người đã ra quyết định thực hiện công bố công khai. Chương 4. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH, QUYẾT ĐỊNH BUỘC DI DỜI, CẤM HOẠT ĐỘNG CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG MỤC 1. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Điều 62. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt Các biện pháp cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cưỡng chế quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn còn được áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định này. Điều 63. Cưỡng chế quyết định xử phạt Thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. MỤC 2. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH BUỘC DI DỜI, CẤM HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ Điều 64. Biện pháp cưỡng chế, trường hợp bị cưỡng chế và thẩm quyền quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở (sau đây gọi chung là cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động) 1. Biện pháp cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động: a) Ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ có liên quan; b) Cưỡng chế tháo dỡ công trình, máy móc, thiết bị; c) Phong tỏa tài khoản tiền gửi; d) Thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; đ) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấp phép thành lập và hoạt động, Giấy phép môi trường. 2. Cơ sở không chấp hành quyết định buộc di dời, cấm hoạt động thì bị cưỡng chế như sau: a) Bị áp dụng một hoặc các biện pháp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này để cưỡng chế thi hành quyết định buộc di dời; b) Bị áp dụng một hoặc các biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều này để cưỡng chế thi hành quyết định cấm hoạt động. 3. Thẩm quyền quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở thuộc thẩm quyền quyết định của mình và của Thủ tướng Chính phủ. Điều 65. Quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động 1. Việc cưỡng chế thi hành quyết định buộc di dời, cấm hoạt động chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động. 2. Quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động bao gồm các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định cưỡng chế; họ tên, chức vụ đơn vị của người ra quyết định cưỡng chế; tên cơ sở, địa chỉ trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế; lý do cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện cưỡng chế; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện quyết định cưỡng chế; tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế; chữ ký của người ra quyết định; dấu của cơ quan ra quyết định cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động thực hiện theo Mẫu 05 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. 3. Quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế; quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động phải được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều 66. Thủ tục ban hành quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động 1. Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng hình thức buộc di dời: a) Quá thời hạn phải hoàn thành việc di dời mà cơ sở chưa hoàn thành việc di dời thì Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cưỡng chế buộc di dời; b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra quyết định cưỡng chế buộc di dời. 2. Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động: a) Hết thời hạn phải hoàn thành việc chấm dứt hoạt động mà cơ sở chưa chấm dứt hoạt động thì Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cưỡng chế cấm hoạt động; b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra quyết định cưỡng chế cấm hoạt động. Điều 67. Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. 2. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở bị cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện việc cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. 3. Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế, bố trí lực lượng ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. Điều 68. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động 1. Tổ chức, cá nhân liên quan đến đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động khi có yêu cầu. 2. Người có thẩm quyền ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan ngừng cung cấp dịch vụ cho cơ sở bị cưỡng chế kể từ thời điểm thực hiện cưỡng chế quy định trong quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. 3. Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác thực hiện các biện pháp phong tỏa tài khoản tiền gửi kể từ thời điểm thực hiện cưỡng chế quy định trong quyết định cưỡng chế đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. 4. Thủ trưởng cơ quan thuế thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn kể từ thời điểm thực hiện cưỡng chế quy định trong quyết định cưỡng chế, đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. 5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm thực hiện cưỡng chế quy định trong quyết định cưỡng chế, đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động. Điều 69. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động 1. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định buộc di dời do người có thẩm quyền quyết định trong quyết định cưỡng chế buộc di dời. 2. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định cấm hoạt động chấm dứt hiệu lực kể từ khi cơ sở hoàn thành thủ tục giải thể cơ sở. Điều 70. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong việc áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở. Điều 71. Biên bản và quyết định buộc di dời, cấm hoạt động Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục một số mẫu biên bản và mẫu quyết định sử dụng trong kiểm tra, xác nhận việc khắc phục hậu quả vi phạm và buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chương 5. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 72. Điều khoản chuyển tiếp 1. Các hành vi vi phạm hành chính đã được lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử phạt theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 2. Các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện hoặc phát hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì xử phạt theo quy định của Nghị định này. Điều 73. Hiệu lực thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2013. 2. Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Điều 74. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành 1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều và tổ chức thi hành Nghị định này. 2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tội phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KGVX (3b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng PHỤ LỤC DANH MỤC MỘT SỐ MẪU BIÊN BẢN QUYẾT ĐỊNH SỬ DỤNG TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (Ban hành kèm theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ) Mẫu 01 Biên bản kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Mẫu 02 Quyết định về việc xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Mẫu 03 Quyết định áp dụng hình thức buộc di dời đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư hoặc đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mẫu 04 Quyết định áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mẫu 05 Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động. Mẫu 01 TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN TÊN CƠ QUAN LẬP BIÊN BẢN1 -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: …../BB-KTKPHQ …2, ngày … tháng … năm … BIÊN BẢN Kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Căn cứ Quyết định số .../QĐ-XPHC ngày...tháng ...năm ... của 3………………. xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với (cá nhân/tổ chức): ....................................................................................... ; Căn cứ Kết luận kiểm tra/thanh tra về bảo vệ môi trường của 4 ………………. (nếu có); Căn cứ Quyết định số …./QĐ- ngày ... tháng ... năm ... của 5………………………………… về việc thành lập đoàn kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Hôm nay, hồi ... giờ ... ngày ... tháng ... năm ……………, tại ...................................................... I. Thành phần đoàn kiểm tra: (Họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị) 1. Ông/bà: ……………………………………. Chức vụ: ……………. Đơn vị ............. ; 2. Ông/bà: ……………………………………. Chức vụ: ……………. Đơn vị ............. ; .................................................................................................................................. II. Đối tượng được kiểm tra (cá nhân/tổ chức) 1. Ông/bà: ……………………………………. Chức vụ: ……………. Đơn vị ............. ; 2. Ông/bà: ……………………………………. Chức vụ: ……………. Đơn vị ............. ; .................................................................................................................................. Tiến hành kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính của (cá nhân/tổ chức vi phạm): ………………………………………………………………………………………………. III. Kết quả khắc phục các vi phạm như sau: 1. Những vi phạm đã khắc phục xong: a) …………………………6………………………………. Kết quả:7............................. ; b) …………………………6………………………………. Kết quả:7............................ ; .................................................................................................................................. 2. Những vi phạm chưa khắc phục xong gồm (nếu có): a) …………………………6………………………………. Kết quả:7............................ ; b) …………………………6………………………………. Kết quả:7............................ ; .................................................................................................................................. IV. Ý kiến trình bày của cá nhân/tổ chức vi phạm: ................................................................................................................................... V. Đánh giá kết quả khắc phục hậu quả:8............................................................. ; VI. Các yêu cầu đối với cá nhân/tổ chức (nếu có):9.............................................. ; VII. Ý kiến bổ sung khác (nếu có): ......................................................................... .................................................................................................................................. .................................................................................................................................. Việc kiểm tra kết thúc vào hồi ... giờ ... ngày ... tháng ... năm ... Biên bản gồm ….. trang, được lập thành ...bản có nội dung, giá trị như nhau; đã đọc lại cho những người có tên trên cùng nghe, công nhận là đúng và cùng ký tên dưới đây; đã giao cho cá nhân/tổ chức 01 bản để thực hiện./. CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VI PHẠM (Ký, ghi rõ họ tên) TM. ĐOÀN KIỂM TRA TRƯỞNG ĐOÀN (Ký, ghi rõ họ tên) ____________ 1 Ghi tên theo con dấu hành chính của đơn vị. 2 Ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 3 Cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính. 4 Kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (nếu có). 5 Thủ trưởng cơ quan ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra; 6 Ghi rõ nội dung cần khắc phục theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 7 Ghi rõ hiện trạng khắc phục đến thời điểm kiểm tra. 8 Ghi rõ đã khắc phục xong hay chưa xong các yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 9 Ghi rõ các yêu cầu, thời hạn khắc phục những nội dung chưa hoàn thành. Mẫu 02 TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN TÊN CƠ QUAN RA QUYẾT ĐỊNH1 -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: …../QĐ-KPHQ …2, ngày … tháng … năm … QUYẾT ĐỊNH Về việc xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Căn cứ Quyết định số.../QĐ-XPHC ngày...tháng ...năm ... của3……………………………….. xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với (cá nhân/tổ chức): ………….. ……………………………………………………; Căn cứ Kết luận kiểm tra/thanh tra về bảo vệ môi trường của4 …………………………………….. (nếu có); Xét Biên bản kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày ... tháng ... năm ... của 1 ............................................................................................................................... ; Theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan tham mưu hoặc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường của 1............................................................................................................................. , QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Xác nhận cá nhân/tổ chức (cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung) đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo 3………………. và 4 …………………, bao gồm các nội dung sau: 1. Đã hoàn thành5.................................................................................................... ; 2. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cá nhân/tổ chức:6 …………………… Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc 1……………………………, các cơ quan có liên quan ……………………………… và cá nhân/tổ chức vi phạm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 2; - …………..; - Lưu: Hồ sơ. NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu) ____________ 1 Ghi tên theo con dấu hành chính của cơ quan ra quyết định. 2 Ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 3 Cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt đã xử phạt vi phạm hành chính. 4 Ghi cụ thể Kết luận kiểm tra/thanh tra của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) 5 Ghi rõ từng nội dung đã khắc phục xong theo quyết định xử phạt và kết luận kiểm tra/thanh tra về bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền. 6 Ghi cụ thể các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định đối với cá nhân, tổ chức phải thực hiện trong quá trình hoạt động trở lại. Mẫu 03 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ/ HOẶC UBND TỈNH/TP…. -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: …../QĐ-BDD …1, ngày … tháng … năm … QUYẾT ĐỊNH Áp dụng hình thức buộc di dời đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư hoặc đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005; Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Điều ……….. Nghị định số ………./2013/NĐ-CP ngày ……. tháng ……. năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường2; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, ………………. (nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ)/hoặc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (nếu thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh) …………… tại các văn bản số …………. ngày …… tháng ….. năm …….. về việc ......................... ; Để khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra, Tôi:……………………….3; Chức vụ:………………………………..; Đơn vị: ……… QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Áp dụng hình thức buộc di dời do vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư/hoặc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với tổ chức:4......................................................................... ................................................................................................................................ ; Lĩnh vực hoạt động: ............................................................................................... ; Địa chỉ: ................................................................................................................... ; Quyết định thành lập hoặc ĐKKD .......................................................................... ; Cấp ngày ………………………………………… tại ................................................. ; Lý do:....................................................................................................................... Đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật vệ bảo vệ môi trường:5 ……………………………… quy định tại Điểm ... Khoản ... Điều ... của Nghị định số ….../2013/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường6. Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã áp dụng (nếu có) đối với: 4 Thời hạn di dời là: ... (năm/tháng/ngày), kể từ ngày ... tháng ... năm …. Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả vi phạm khác sau khi di dời (nếu có) là: Điều 2. Tổ chức …………..4 phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định này trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, trừ trường hợp …………………7. Quá thời hạn này, nếu tổ chức ……………………………….. cố tình không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành. Giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện ……..8 và các cơ quan có liên quan tổ chức giám sát thực hiện việc di dời của ……..4. Tổ chức ………….4 có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định này theo quy định của pháp luật. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ... tháng ... năm …….. Quyết định này gồm ... trang, được đóng dấu giáp lai giữa các trang. Trong thời hạn ba ngày, Quyết định này được gửi cho: 1. Tổ chức: ……………………………………………4 để chấp hành; 2. .............................................................................................................................. ; 3................................................................................................................................ ; Nơi nhận: - Như Điều 3; - Lưu: Hồ sơ. NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu) (Ghi rõ cấp bậc, họ tên) ____________ 1 Ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 2 Ghi cụ thể điều, khoản của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 3 Họ tên người ra Quyết định áp dụng buộc di dời. 4 Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị áp dụng hình thức buộc di dời. 5 Nếu có nhiều hành vi thì ghi cụ thể từng hành vi vi phạm. 6 Ghi cụ thể từng điều, khoản, mức phạt của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (theo chú thích số 2) mà cá nhân, tổ chức vi phạm. 7 Ghi rõ lý do. 8 Tên huyện nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị buộc di dời. Mẫu 04 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ/ HOẶC UBND TỈNH/TP…. -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: …../QĐ-CHĐ ……..…1, ngày … tháng … năm … QUYẾT ĐỊNH Áp dụng hình thức cấm hoạt động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005; Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Điều ……. Nghị định số ……./2013/NĐ-CP ngày ….. tháng ….. năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường2; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố,... (nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ)/hoặc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (nếu thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh)... tại các văn bản số ... ngày ... tháng ... năm ... về việc ……….; Để khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra, Tôi:……………….3; Chức vụ: ……………………; Đơn vị: ………………….., QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Áp dụng hình thức cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đối với tổ chức:4 .......... .................................................................................................................................. ; Lĩnh vực hoạt động: ................................................................................................. Địa chỉ: ..................................................................................................................... ; Quyết định thành lập hoặc ĐKKD: ........................................................................... ; Cấp ngày ………………………………………………………..tại ............................... ; Lý do: ....................................................................................................................... Đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường:5...............................quy định tại Điểm ... Khoản ... Điều ... của Nghị định số ...../2013/NĐ-CP ngày … tháng ... năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường6. Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã áp dụng (nếu có) đối với: 4 Thời gian cấm hoạt động, kể từ ngày ... tháng ... năm .......... Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả vi phạm khác sau khi bị cấm hoạt động (nếu có) là: Điều 2. Tổ chức ………….4 phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định này trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, trừ trường hợp ………………………………..7. Quá thời hạn này, nếu tổ chức …………..4 cố tình không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công an, Ủy ban nhân dân huyện …………8 và các cơ quan có liên quan tổ chức giám sát thực hiện việc di dời của ………4. Tổ chức …………………………………..4 có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định này theo quy định của pháp luật. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ... tháng ... năm …… Quyết định này gồm ... trang, được đóng dấu giáp lai giữa các trang. Trong thời hạn ba ngày làm việc, Quyết định này được gửi cho: 1. Tổ chức: ………………………………………………………………..4 để chấp hành; 2. ............................................................................................................................ ; 3. ............................................................................................................................ /. Nơi nhận: - Như Điều 3; - Lưu: Hồ sơ. NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu) (Ghi rõ cấp bậc, họ tên) ____________ 1 Ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 2 Ghi cụ thể điều, khoản của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 3 Họ tên người ra Quyết định xử phạt. 4 Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị áp dụng hình thức cấm hoạt động. 5 Nếu có nhiều hành vi thì ghi cụ thể từng hành vi vi phạm. 6 Ghi cụ thể từng điều, khoản, mức phạt của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (theo chú thích số 2) mà cá nhân, tổ chức vi phạm. 7 Ghi rõ lý do. 8 Tên huyện nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị cấm hoạt động. Mẫu 05 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH/THÀNH PHỐ…. -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: …../QĐ-CC …..…1, ngày … tháng … năm … QUYẾT ĐỊNH Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng hình thức buộc di dời/cấm hoạt động2 Căn cứ Nghị định số..../2013/NĐ-CP ngày...tháng ...năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Để đảm bảo thi hành Quyết định áp dụng hình thức buộc di dời/cấm hoạt động đối với cơ sở …………. số ... ngày ... tháng ... năm ... của ...3; Tôi: ……………………………4; Chức vụ:…………………..; Đơn vị: ………………… QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định áp dụng hình thức buộc di dời/cấm hoạt động số ... ngày ... tháng ... năm ... của ... về …. Đối với:5..................................................................................................................... ; Ông (bà)/tổ chức:5 .................................................................................................... ; Nghề nghiệp (lĩnh vực hoạt động): ........................................................................... ; Địa chỉ: ..................................................................................................................... ; Giấy chứng minh nhân dân số/Quyết định thành lập hoặc ĐKKD ............................ ; Cấp ngày ………………………………………………. tại ........................................... * Biện pháp cưỡng chế:6........................................................................................... Điều 2. Ông (bà)/tổ chức: ………………………………….. phải nghiêm chỉnh thực hiện Quyết định này và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ... tháng ... năm ... Quyết định có ………. trang, được đóng dấu giáp lai giữa các trang. Quyết định này được giao cho Ông (bà)/tổ chức ………………………… để thực hiện. Quyết định này được gửi cho: 1. ……………………………………………………… để ……………………………….7 2. ……………………………………………………… để ……………………………….8 Nơi nhận: - Như Điều 3; - Lưu: Hồ sơ. NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu) (Ghi rõ cấp bậc, họ tên) ____________ 1 Ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 2 Cưỡng chế đối với quyết định nào thì ghi quyết định đó. 3 Ghi rõ tên cơ sở bị cưỡng chế, số quyết định áp dụng biện pháp buộc di dời, cấm hoạt động. 4 Ghi họ tên, chức vụ người ra quyết định. 5 Nếu là tổ chức ghi họ tên, chức vụ người đại diện cho tổ chức vi phạm. 6 Ghi cụ thể biện pháp cưỡng chế căn cứ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 7 Nếu biện pháp cưỡng chế là khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng thì Quyết định được gửi cho cơ quan, tổ chức nơi cá nhân làm việc hoặc ngân hàng để phối hợp thực hiện. 8 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế để phối hợp thực hiện.
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "14/11/2013", "sign_number": "179/2013/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-41-2023-TT-BQP-huong-dan-muc-luong-co-so-co-quan-don-vi-thuoc-Bo-Quoc-phong-571842.aspx
Thông tư 41/2023/TT-BQP hướng dẫn mức lương cơ sở cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng mới nhất
BỘ QUỐC PHÒNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 41/2023/TT-BQP Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2023 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐANG HƯỞNG LƯƠNG HOẶC PHỤ CẤP QUÂN HÀM TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Căn cứ Nghị định số 19/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng; Căn cứ Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và công chức quốc phòng. 2. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí (sau đây viết tắt là học viên cơ yếu). 3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP). Điều 3. Cách tính mức lương, phụ cấp và trợ cấp 1. Mức lương cơ sở: 1.800.000 đồng/tháng. 2. Cách tính mức lương, phụ cấp quân hàm, hệ số chênh lệch bảo lưu và phụ cấp, trợ cấp của các đối tượng được quy định tại Điều 2 Thông tư này, như sau: a) Mức lương Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng b) Mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu Mức phụ cấp quân hàm thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng c) Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng d) Mức phụ cấp tính theo mức lương cơ sở Đối với người hưởng lương Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức phụ cấp quân hàm binh nhì (tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng) x Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định đ) Mức phụ cấp tính theo tỷ lệ % Đối với người hưởng lương: Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2023 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01/7/2023 + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01/7/2023 x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu: Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định e) Mức trợ cấp tính theo mức lương cơ sở Mức trợ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Số tháng được hưởng trợ cấp theo quy định 3. Các mức lương, phụ cấp, trợ cấp của sĩ quan, người hưởng lương cấp hàm cơ yếu, quân nhân chuyên nghiệp, người hưởng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu được quy định tại các Bảng của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Đối với viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được áp dụng cách tính mức lương, phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều này. 5. Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể, giữ nguyên theo quy định hiện hành. Điều 4. Tổ chức thực hiện 1. Căn cứ vào nội dung hướng dẫn tại Thông tư này, các cơ quan, đơn vị lập bảng lương, phụ cấp, cấp phát cho các đối tượng được hưởng. 2. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này có quyết định điều động công tác sang cơ quan, đơn vị khác trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận đối tượng căn cứ vào yếu tố ghi trong “Giấy giới thiệu cung cấp tài chính” hoặc “Giấy thôi trả lương” của đơn vị cũ, lập danh sách cấp phát, truy lĩnh phần chênh lệch theo quy định. 3. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang vận dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được áp dụng mức lương cơ sở tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương và mức phụ cấp lương làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về lao động cho các đối tượng được hưởng. Nguồn kinh phí thực hiện do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự bảo đảm. 4. Khi cấp phát tiền lương cho các đối tượng được hưởng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tính thu các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật hiện hành (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân (nếu có)). 5. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng lập các báo cáo theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) trước ngày 15 tháng 7 năm 2023 để tổng hợp báo cáo Nhà nước. Điều 5. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 8 năm 2023; Thông tư số 79/2019/TT-BQP ngày 11 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. 2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. 3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản đã được sửa đổi, bổ sung; văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế tương ứng. Điều 6. Trách nhiệm thi hành 1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) để nghiên cứu, giải quyết./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Lãnh đạo Bộ quốc phòng (8); - BTTM, TCCT; - Cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP; - Cục: Tài chính, Cán bộ, Quân lực, Chính sách; - Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng; - Vụ Pháp chế BQP; - Lưu: VT, THBĐ. TT77. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Vũ Hải Sản PHỤ LỤC I DANH MỤC BẢNG LƯƠNG, NÂNG LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP (Kèm theo Thông tư số 41/2023/TT-BQP ngày 28/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) SỐ TT TÊN GỌI NỘI DUNG 1 Bảng 1 Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 2 Bảng 2 Bảng nâng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 3 Bảng 3 Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 3.1. Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo Quân đội nhân dân 3.2. Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo Cơ yếu 4 Bảng 4 Bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu 5 Bảng 5 Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu 6 Bảng 6 Bảng lương công nhân quốc phòng Bảng 1 BẢNG LƯƠNG CẤP BẬC QUÂN HÀM SĨ QUAN VÀ CẤP HÀM CƠ YẾU Đơn vị tính: Đồng SỐ TT ĐỐI TƯỢNG HỆ SỐ MỨC LƯƠNG THỰC HIỆN từ 01/7/2023 1 Đại tướng 10,40 18.720.000 2 Thượng tướng 9,80 17.640.000 3 Trung tướng 9,20 16.560.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 10 4 Thiếu tướng 8,60 15.480.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 9 5 Đại tá 8,00 14.400.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 8 6 Thượng tá 7,30 13.140.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 7 7 Trung tá 6,60 11.880.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 6 8 Thiếu tá 6,00 10.800.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 5 9 Đại úy 5,40 9.720.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 4 10 Thượng úy 5,00 9.000.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 3 11 Trung úy 4,60 8.280.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 2 12 Thiếu úy 4,20 7.560.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 1 Bảng 2 BẢNG NÂNG LƯƠNG CẤP BẬC QUÂN HÀM SĨ QUAN VÀ CẤP HÀM CƠ YẾU Đơn vị tính: Đồng SỐ TT ĐỐI TƯỢNG NÂNG LƯƠNG LẦN 1 NÂNG LƯƠNG LẦN 2 Hệ số Mức lương từ 01/7/2023 Hệ số Mức lương từ 01/7/2023 1 Đại tướng 11,00 19.800.000 - - 2 Thượng tướng 10,40 18.720.000 - - 3 Trung tướng 9,80 17.640.000 - - Cấp hàm cơ yếu bậc 10 4 Thiếu tướng 9,20 16.560.000 - - Cấp hàm cơ yếu bậc 9 5 Đại tá 8,40 15.120.000 8,60 15.480.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 8 6 Thượng tá 7,70 13.860.000 8,10 14.580.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 7 7 Trung tá 7,00 12.600.000 7,40 13.320.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 6 8 Thiếu tá 6,40 11.520.000 6,80 12.240.000 Cấp hàm cơ yếu bậc 5 9 Đại úy 5,80 10.440.000 6,20 11.160.000 10 Thượng úy 5,35 9.630.000 5,70 10.260.000 Bảng 3 BẢNG PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO 3.1. BẢNG PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN Đơn vị tính: Đồng SỐ TT CHỨC DANH LÃNH ĐẠO HỆ SỐ MỨC PHỤ CẤP THỰC HIỆN từ 01/7/2023 1 Bộ trưởng 1,50 2.700.000 2 Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị 1,40 2.520.000 3 Chủ nhiệm Tổng cục; Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 1,25 2.250.000 4 Tư lệnh Quân đoàn; Tư lệnh Binh chủng 1,10 1.980.000 5 Phó Tư lệnh Quân đoàn; Phó Tư lệnh Binh chủng 1,00 1.800.000 6 Sư đoàn trưởng 0,90 1.620.000 7 Lữ đoàn trưởng 0,80 1.440.000 8 Trung đoàn trưởng 0,70 1.260.000 9 Phó Trung đoàn trưởng 0,60 1.080.000 10 Tiểu đoàn trưởng 0,50 900.000 11 Phó Tiểu đoàn trưởng 0,40 720.000 12 Đại đội trưởng 0,30 540.000 13 Phó Đại đội trưởng 0,25 450.000 14 Trung đội trưởng 0,20 360.000 3.2. BẢNG PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO CƠ YẾU Đơn vị tính: Đồng SỐ TT CHỨC DANH LÃNH ĐẠO HỆ SỐ MỨC PHỤ CẤP THỰC HIỆN từ 01/7/2023 1 Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ 1,30 2.340.000 2 Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ 1,10 1.980.000 3 Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ 0,90 1.620.000 4 Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ 0,70 1.260.000 5 Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ 0,50 900.000 6 Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ 0,40 720.000 7 Trưởng ban hoặc Đội trưởng cơ yếu đơn vị và tương đương của các tổ chức thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ 0,20 360.000 Bảng 4 BẢNG PHỤ CẤP QUÂN HÀM HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ VÀ HỌC VIÊN CƠ YẾU Đơn vị tính: Đồng SỐ TT ĐỐI TƯỢNG HỆ SỐ MỨC PHỤ CẤP THỰC HIỆN từ 01/7/2023 1 Thượng sĩ 0,70 1.260.000 Học viên cơ yếu năm thứ năm 2 Trung sĩ 0,60 1.080.000 Học viên cơ yếu năm thứ tư 3 Hạ sĩ 0,50 900.000 Học viên cơ yếu năm thứ ba 4 Binh nhất 0,45 810.000 Học viên cơ yếu năm thứ hai 5 Binh nhì 0,40 720.000 Học viên cơ yếu năm thứ nhất Bảng 5 BẢNG LƯƠNG QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP VÀ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT CƠ YẾU Đơn vị tính: Đồng CHỨC DANH BẬC LƯƠNG 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 VK I. Quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu cao cấp Nhóm 1 - Hệ số 3,85 4,20 4,55 4,90 5,25 5,60 5,95 6,30 6,65 7,00 7,35 7,70 VK - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 6.930.000 7.560.000 8.190.000 8.820.000 9.450.000 10.080.000 10.710.000 11.340.000 11.970.000 12.600.000 13.230.000 13.860.000 Nhóm 2 - Hệ số 3,65 4,00 4,35 4,70 5,05 5,40 5,75 6,10 6,45 6,80 7,15 7,50 VK - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 6.570.000 7.200.000 7.830.000 8.460.000 9.090.000 9.720.000 10.350.000 10.980.000 11.610.000 12.240.000 12.870.000 13.500.000 II. Quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu trung cấp Nhóm 1 - Hệ số 3,50 3,80 4,10 4,40 4,70 5,00 5,30 5,60 5,90 6,20 VK - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 6.300.000 6.840.000 7.380.000 7.920.000 8.460.000 9.000.000 9.540.000 10.080.000 10.620.000 11.160.000 Nhóm 2 - Hệ số 3,20 3,50 3,80 4,10 4,40 4,70 5,00 5,30 5,60 5,90 VK - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 5.760.000 6.300.000 6.840.000 7.380.000 7.920.000 8.460.000 9.000.000 9.540.000 10.080.000 10.620.000 III. Quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu sơ cấp Nhóm 1 - Hệ số 3,20 3,45 3,70 3,95 4,20 4,45 4,70 4,95 5,20 5,45 VK - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 5.760.000 6.210.000 6.660.000 7.110.000 7.560.000 8.010.000 8.460.000 8.910.000 9.360.000 9.810.000 Nhóm 2 Hệ số 2,95 3,20 3,45 3,70 3,95 4,20 4,45 4,70 4,95 5,20 VK - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 5.310.000 5.760.000 6.210.000 6.660.000 7.110.000 7.560.000 8.010.000 8.460.000 8.910.000 9.360.000 BẢNG 6 BẢNG LƯƠNG CÔNG NHÂN QUỐC PHÒNG Đơn vị tính: Đồng Loại Nhóm Bậc 1 Bậc 2 Bậc 3 Bậc 4 Bậc 5 Bậc 6 Bậc 7 Bậc 8 Bậc 9 Bậc 10 LOẠI A Nhóm 1 Hệ số 3,50 3,85 4,20 4,55 4,90 5,25 5,60 5,95 6,30 6,65 - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 6.300.000 6.930.000 7.560.000 8.190.000 8.820.000 9.450.000 10.080.000 10.710.000 11.340.000 11.970.000 Nhóm 2 Hệ số 3,20 3,55 3,90 4,25 4,60 4,95 5,30 5,65 6,00 6,35 - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 5.760.000 6.390.000 7.020.000 7.650.000 8.280.000 8.910.000 9.540.000 10.170.000 10.800.000 11.430.000 LOẠI B Hệ số 2,90 3,20 3,50 3,80 4,10 4,40 4,70 5,00 5,30 5,60 - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 5.220.000 5.760.000 6.300.000 6.840.000 7.380.000 7.920.000 8.460.000 9.000.000 9.540.000 10.080.000 LOẠI C Hệ số 2,70 2,95 3,20 3,45 3,70 3,95 4,20 4,45 4,70 4,95 - Mức lương thực hiện từ 01/7/2023 4.860.000 5.310.000 5.760.000 6.210.000 6.660.000 7.110.000 7.560.000 8.010.000 8.460.000 8.910.000 PHỤ LỤC II DANH MỤC MẪU BIỂU BÁO CÁO (Kèm theo Thông tư số 41/2023/TT-BQP ngày 28/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) SỐ TT MẪU BIỂU NỘI DUNG 1 Mẫu 01 Báo cáo dự toán ngân sách tiền lương, phụ cấp tăng thêm năm 2023 2 Mẫu 02 Báo cáo dự toán ngân sách ra quân tăng thêm năm 2023 3 Mẫu 03 Báo cáo dự toán ngân sách đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm năm 2023 4 Mẫu 04 Báo cáo dự toán ngân sách đóng bảo hiểm y tế tăng thêm năm 2023 Mẫu 01: Báo cáo dự toán ngân sách lương, phụ cấp tăng thêm năm 2023 ĐƠN VỊ CẤP TRÊN ............ ĐƠN VỊ: .............................. ----------- BÁO CÁO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP TĂNG THÊM NĂM 2023 (Do điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng) MẬT Đơn vị tính: Triệu đồng Đối tượng Quân số Tổng quỹ lương tính theo lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng Tổng quỹ lương tính theo lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng Chênh lệch tăng thêm Lương chính Các khoản phụ cấp Cộng Lương chính Các khoản phụ cấp Cộng a b 1 2 3 = 1+2 4 5 6 = 4 + 5 7 = 3 - 6 1. Sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 2. Quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu 3. Công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu 4. Hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu Tổng cộng Bằng chữ: .......................................................................................................................... TRƯỞNG PHÒNG (BAN) TÀI CHÍNH (Ký và ghi rõ họ, tên) Ngày ..... tháng .... năm 2023 THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 02: Báo cáo dự toán ngân sách ra quân tăng thêm năm 2023 ĐƠN VỊ CẤP TRÊN ............... ĐƠN VỊ: ................................. ----------- BÁO CÁO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH RA QUÂN TĂNG THÊM NĂM 2023 (Do điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng) Đơn vị tính: Triệu đồng Đối tượng Quân số Tính theo lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng Tính theo lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng Chênh lệch tăng thêm Trợ cấp quy đổi Trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc Trợ cấp tạo việc làm Trợ cấp khác Cộng Trợ cấp quy đổi Trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc Trợ cấp tạo việc làm Trợ cấp khác Cộng a b 1 2 3 4 5 = 1+2+3+4 6 7 8 9 10 = 6+7+8+9 11= 5-10 1. Sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 2. QNCN và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu 3. Công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu 4. Hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu Tổng cộng Ghi chú: Cột 4 và cột 9 ghi dự toán giải quyết chế độ theo Thông tư số 157/2013/TT-BQP, nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất, hy sinh, từ trần.... Bằng chữ: .................................................................................................................... TRƯỞNG PHÒNG (BAN) TÀI CHÍNH (Ký và ghi rõ họ, tên) Ngày ..... tháng .... năm 2023 THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 03: Báo cáo dự toán ngân sách đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm năm 2023 ĐƠN VỊ CẤP TRÊN ............... ĐƠN VỊ: ................................. ----------- BÁO CÁO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI TĂNG THÊM NĂM 2023 (Do điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng) Đơn vị tính: Triệu đồng Đối tượng Tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội Quỹ lương chênh lệch tăng thêm Dự toán ngân sách đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm Tính theo lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng Tính theo lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng a 1 2 3=1-2 4 I. ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LƯƠNG NGÂN SÁCH 1. Sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 2. QNCN và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu 3. ................ Tổng cộng Ghi chú: Cột 4 được tính bằng công thức: (4) = (3) x 22,5% (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ) hoặc (4) = (3) x 17,5% (đối với người hưởng lương). Bằng chữ: ......................................................................................................................... TRƯỞNG PHÒNG (BAN) TÀI CHÍNH (Ký và ghi rõ họ, tên) Ngày ..... tháng .... năm 2023 THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 04: Báo cáo dự toán ngân sách đóng bảo hiểm y tế tăng thêm năm 2023 ĐƠN VỊ CẤP TRÊN ............... ĐƠN VỊ: ................................. ----------- BÁO CÁO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ TĂNG THÊM NĂM 2023 (Do điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng) Đơn vị tính: Triệu đồng Đối tượng Tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế Quỹ lương chênh lệch tăng thêm Dự toán ngân sách đóng bảo hiểm y tế tăng thêm Tính theo lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng Tính theo lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng a 1 2 3=1-2 4 I. ĐƠN VỊ HƯỞNG LƯƠNG NS 1. Sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 2. QNCN và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu 3................... II. DOANH NGHIỆP 1. Sĩ quan và cấp hàm cơ yếu 2. QNCN và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu 3................. Tổng cộng Ghi chú: Cột 4 được tính bằng công thức: (4)=(3)x3% (công nhân QP, viên chức QP, công chức QP, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu, lao động hợp đồng) hoặc (4)=(3)x4,5% (đối tượng khác). Bằng chữ: .......................................................................................................................... TRƯỞNG PHÒNG (BAN) TÀI CHÍNH (Ký và ghi rõ họ, tên) Ngày ..... tháng .... năm 2023 THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng", "promulgation_date": "28/06/2023", "sign_number": "41/2023/TT-BQP", "signer": "Vũ Hải Sản", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-16-2003-TT-BLDTBXH-huong-dan-che-do-thoi-gio-lam-viec-nghi-ngoi-lao-dong-lam-cong-viec-thoi-vu-va-gia-cong-hang-xuat-khau-theo-don-dat-hang-50969.aspx
Thông tư 16/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi lao động làm công việc thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 16/2003/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2003 THÔNG TƯ CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 16/2003/TT-BLĐTBXH NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC CÔNG VIỆC CÓ TÍNH THỜI VỤ VÀ GIA CÔNG HÀNG XUẤT KHẨU THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG Thi hành Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Y Tế, Bộ Tài Chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng như sau: I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG 1. Phạm vi áp dụng của Thông tư này bao gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) sau: - Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp hoạt động công ích; doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; - Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân; - Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; - Doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; - Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động; - Hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác. 2. Đối tượng áp dụng là người lao động có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 năm đến 3 năm và hợp đồng lao động không xác định thời hạn, thuộc các doanh nghiệp nêu tại Khoản 1 trên, bao gồm: - Làm các công việc có tính thời vụ trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; - Các công việc gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng thường phụ thuộc vào thời điểm các chủ hàng yêu cầu. II. THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI 1. Thời giờ làm việc của các đối tượng trên được quy định như sau: 1.1 Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm: TQ = [TN- ( Tt+ TP + TL )] x tn (giờ) + TQ: Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm của người lao động; + TN: Số ngày trong năm tính theo năm dương lịch là 365 ngày; hoặc là 366 ngày nếu là năm nhuận; + Tt: Tổng số ngày nghỉ hàng tuần trong năm được xác định theo quy định tại Điều 72 của Bộ luật Lao động; + TP: Số ngày nghỉ hàng năm là 12, 14 hoặc 16 ngày và được tăng theo thâm niên làm việc theo quy định tại Điều 74, Điều 75 của Bộ Luật Lao động và Khoản 2, mục II của Thông tư số 07/LĐTBXH-TT ngày 11/4/1995; + TL: Số ngày nghỉ lễ trong năm là 8 ngày; + tn: Số giờ làm việc bình thường trong một ngày là 8 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành là 6 giờ. Ví dụ1: Công nhân A làm việc 15 năm trong điều kiện lao động bình thường cho Công ty X. Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc năm 2003 của công nhân A tính như sau: - Số ngày nghỉ hàng năm của công nhân A là: = 15 ngày. Trong đó: + 12 ngày được xác định theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật Lao động; + 15/5 là số ngày nghỉ tăng theo thâm niên được xác định theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật Lao động. - Lập bảng tính sau: 1. Số ngày trong năm (theo dương lịch) : TN = 365 2. Tổng số ngày nghỉ hàng tuần trong năm 2003 : Tt = 52 3. Số ngày nghỉ hàng năm : Tp = 15 4. Số ngày nghỉ lễ : TL = 8 5. Số giờ làm việc bình thường trong một ngày : tn = 8 TQ =[365- (52+15+8)]x8 = 2320 giờ Vậy Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc của công nhân A năm 2003 là 2320 giờ. Ví dụ2: Công nhân B làm nghề đặc biệt nặng nhọc cho Công ty Y đã 15 năm. Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc năm 2003 của công nhân B tính như sau: - Số ngày nghỉ hàng năm của công nhân B là: = 19 ngày. Trong đó: - 16 ngày được xác định theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật Lao động; - 15/5 là số ngày nghỉ tăng theo thâm niên được xác định theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật Lao động. - Lập bảng tính sau: 1. Số ngày tính theo năm dương lịch : TN = 365 2. Tổng số ngày nghỉ hàng tuần trong năm 2003 : Tt = 52 3. Số ngày nghỉ hàng năm : Tp = 19 4. Số ngày nghỉ lễ : TL = 8 5. Số giờ làm việc bình thường trong một ngày : tn = 6 TQ =[365- (52+19+8)]x6 = 1716 giờ Vậy Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc của công nhân B năm 2003 là 1716 giờ 1.2. Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày: Hàng năm, căn cứ vào Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm (TQ) đã tính ở trên, doanh nghiệp lập kế hoạch xác định số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày của người lao động theo các trường hợp sau: a. Ngày làm việc bình thường là 8 giờ; hoặc là 6 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; b. Ngày làm việc nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; hoặc nhiều hơn 6 giờ nhưng không quá 9 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; c. Ngày làm việc trên 4 giờ nhưng ít hơn 8 giờ; hoặc trên 3 giờ nhưng ít hơn 6 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; d. Cho nghỉ trọn ngày. Ví dụ 3: Công nhân A theo ví dụ 1 có Quỹ thời giờ tiêu chuẩn trong năm 2003 là 2320 giờ. Công ty X phân bổ số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày của công nhân A năm 2003 như sau: Các Tháng theo dương lịch Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày Số ngày làm việc trong tháng Tổng số giờ làm việc trong tháng Ghi chú Tháng 1 8 25 200 Nghỉ 1 ngày tết dương lịch Tháng 2 7 10 70 Nghỉ 4 ngày tết âm lịch Nghỉ trọn 11 ngày làm việc Tháng 3 7 26 182 Tháng 4 9 25 225 Nghỉ ngày Chiến thắng Tháng 5 11 giờ từ thứ hai đến thứ năm 10 giờ vào thứ sáu, thứ bảy hàng tuần 26 287 Nghỉ ngày Quốc tế lao động Tháng 6 10 giờ từ thứ hai đến thứ sáu 9 giờ vào thứ bảy 25 245 Tháng 7 7 23 161 4 ngày nghỉ hàng năm Tháng 8 8 15 120 11 ngày nghỉ hàng năm Tháng 9 6 20 120 Nghỉ trọn 5 ngày làm việc Nghỉ ngày Quốc khánh Tháng10 11 giờ từ thứ hai đến thứ sáu 8 giờ vào thứ bảy 27 282 Tháng 11 9 giờ từ thứ hai đến thứ bảy của 2 tuần đầu tháng 8 giờ vào các ngày làm việc khác trong tháng 25 212 Tháng 12 8 27 216 Tổng 2320 1.3. Các nguyên tắc sử dụng Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc: a. Trong năm, tổng số giờ tiêu chuẩn làm việc được lập kế hoạch xác định theo hướng dẫn tại Khoản 1.2 trên (gồm cả thời giờ nghỉ ngơi trong ngày được tính là thời giờ làm việc) không được vượt quá Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm (TQ) đã xác định tại Khoản 1.1 trên; b. Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày ít hơn 8 giờ; hoặc ít hơn 6 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nếu đã được lập kế hoạch xác định theo hướng dẫn nêu tại Điểm c và Điểm d khoản 1.2 trên, thì không phải trả lương ngừng việc; Ví dụ 4: Trong tháng 2, Công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 7 giờ/ngày trong 10 ngày làm việc, sau đó cho nghỉ trọn 11 ngày làm việc. Công ty đã bố trí theo đúng kế hoạch đã lập nêu tại Ví dụ 3 trên, như vậy: - Số giờ làm việc ít hơn so với 8 giờ của ngày làm việc bình thường là: 8 giờ - 7 giờ = 1 giờ; 1 giờ này không phải trả lương ngừng việc; - Số ngày nghỉ việc là 11 ngày cũng không phải trả lương ngừng việc. c. Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày đã được lập kế hoạch mà thực tế không bố trí cho người lao động làm việc thì phải trả lương ngừng việc; Ví dụ 5: Tháng 3, do tình hình sản xuất kinh doanh Công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 5 giờ/ngày trong 13 ngày làm việc, sau đó cho nghỉ trọn 10 ngày làm việc. Như vậy, so với kế hoạch đã được Công ty lập ra cho công nhân A vào tháng 3 nêu tại Ví dụ 3 trên, thì : - Số giờ làm việc thực tế ít hơn so với số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày là: 7 giờ- 5 giờ = 2 giờ; 2 giờ này phải trả lương ngừng việc; - Số ngày ngừng việc so với kế hoạch là 10 ngày; 10 ngày này phải trả lương ngừng việc. d. Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày nhiều hơn 8 giờ, hoặc nhiều hơn 6 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đã được xác định tại Điểm b khoản 1.2 trên, thì số giờ chênh lệch đó không tính vào tổng số giờ làm thêm trong năm, nhưng phải trả tiền lương và thực hiện các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ theo đúng quy định tại Thông tư số 15 /2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo qui định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ; Ví dụ 6: Trong tháng 4, Công ty X bố trí cho Công nhân A làm việc 9 giờ/ngày từ thứ hai đến thứ bảy theo đúng kế hoạch của Công ty nêu tại Ví dụ 3 trên. Như vậy, số giờ làm việc nhiều hơn so với 8 giờ làm việc bình thường là: 9 giờ - 8 giờ = 1 giờ. Một giờ này không tính vào tổng số giờ làm thêm trong năm, nhưng phải trả tiền lương và thực hiện các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ theo đúng quy định tại Thông tư số 15 /2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo qui định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ. e. Số giờ làm việc thực tế hàng ngày vượt quá số giờ tiêu chuẩn đã được lập kế hoạch theo hướng dẫn tại Khoản 1.2 trên thì số giờ đó được tính là giờ làm thêm để cộng vào tổng số giờ làm thêm trong năm, đồng thời trả tiền lương và thực hiện các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ theo đúng quy định tại Thông tư số 15 /2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo qui định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ. Ví dụ 7. Trong tháng 7, Công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 8 giờ/ ngày. Như vậy, so với kế hoạch đã được Công ty lập ra cho Công nhân A vào tháng 7 tại Ví dụ 3 nêu trên thì số làm việc nhiều hơn so với số giờ tiêu chuẩn làm việc là: 8 giờ- 7 giờ = 1 giờ. Một giờ này được tính vào tổng số giờ làm thêm trong năm, đồng thời phải trả tiền lương và thực hiện các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ theo đúng quy định tại Thông tư số 15 /2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo qui định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ. f. Tổng số giờ tiêu chuẩn làm việc và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ; g. Tổng số giờ tiêu chuẩn làm việc và giờ làm thêm trong một tuần không được vượt quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ; Ví dụ 8: Do yêu cầu đột xuất, trong tháng 5 và tháng 6, Công ty X có nhu cầu phải làm thêm giờ. Công ty được phép bố trí như sau: - Tháng 5, chỉ được tổ chức làm việc theo đúng kế hoạh đã nêu tại ví dụ 3, không được tổ chức làm thêm giờ vì tổng số giờ làm việc trong tuần là: (11giờ/ngày x 4ngày) + (10 giờ/ngày x 2 ngày) = 64 giờ; - Tháng 6 có thể bố trí làm thêm mỗi ngày 1 giờ từ thứ hai đến thứ sáu. h. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 15 /2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo qui định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ. 2. Thời giờ nghỉ ngơi của các đối tượng trên được quy định như sau: 2.1. Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động; 2.2. Chế độ nghỉ trong ca, nghỉ giữa ca, nghỉ chuyển tiếp giữa hai ca đối với từng người lao động thực hiện theo đúng qui định của Bộ Luật lao động đã sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp người lao động làm việc trong ngày trên 10 giờ, thì trước giờ làm việc thứ 9, phải bố trí cho họ nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc; 2.3. Doanh nghiệp phải bố trí để người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù đủ các ngày lễ, tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo qui định của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Trách nhiệm của doanh nghiệp; - Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động lập kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm. Khi lập kế hoạch phải lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp; - Thông báo kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong phạm vi doanh nghiệp để người lao động biết trước khi thực hiện. Thoả thuận với người lao động khi làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo qui định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ; - Hàng năm, nếu doanh nghiệp thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Thông tư này thì phải đăng ký với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội địa phương theo mẫu kèm theo Thông tư này. Trường hợp xác định số giờ làm việc bình thường hàng ngày là 8 giờ; hoặc là 6 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không phải đăng ký. 2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương: - Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phổ biến Thông tư này đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh; - Tiếp nhận bản đăng ký kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo hướng dẫn của Thông tư này. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh; - Tổng hợp và báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội việc thực hiện Thông tư này của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 14/1999/TT-BLĐTBXH ngày 18/5/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết. Nguyễn Thị Hằng (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "03/06/2003", "sign_number": "16/2003/TT-BLĐTBXH", "signer": "Nguyễn Thị Hằng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-lien-tich-56-2012-TTLT-BTC-BLDTBXH-quan-ly-va-su-dung-kinh-phi-137806.aspx
Thông tư liên tịch 56/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH quản lý và sử dụng kinh phí
BỘ TÀI CHÍNH- BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 56/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 9 tháng 4 năm 2012 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015 Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thực hiện Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015. Mục 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng 1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Dự án của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được phê duyệt tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1241/QĐ-TTg). 2. Các Dự án của Chương trình thực hiện từ nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. 3. Trường hợp các đơn vị sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại hoặc nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác bình đẳng giới thì thực hiện theo quy định hiện hành của nhà tài trợ hướng dẫn riêng cho các nguồn vốn này hoặc theo quy định của cơ quan chủ quản sau khi có sự thoả thuận của đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính (nếu có); trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính không có quy định riêng thì áp dụng theo quy định tại Thông tư này. Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện 1. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, cụ thể: 1.1. Ngân sách trung ương: a) Bảo đảm kinh phí cho các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 1241/QĐ-TTg. b) Hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ sau: - Thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. - Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về bình đẳng giới. - Hỗ trợ thí điểm một số địa phương thực hiện đầy đủ quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. - Xây dựng và thí điểm thực hiện 05 mô hình nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới tại các địa phương được lựa chọn thực hiện mô hình quy định tại Điều 5 Thông tư này. - Hỗ trợ 04 Trung tâm công tác xã hội hiện có mua sắm trang thiết bị để thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bình đẳng giới. 1.2. Ngân sách địa phương chủ động bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện các Dự án của Chương trình quy định tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg theo quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước và quy định tại Mục 2 Thông tư này. 2. Nguồn viện trợ quốc tế (nếu có) cho các hoạt động của Chương trình. 3. Nguồn huy động từ xã hội và cộng đồng, các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Điều 3. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước 1. Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Căn cứ tổng mức kinh phí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương xác định mức kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho các dự án, tiểu dự án giai đoạn 2012 – 2015 và phân kỳ cụ thể hàng năm gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở bố trí dự toán ngân sách hàng năm. 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; lựa chọn các xã, huyện thực hiện thí điểm xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn bình đẳng giới trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong đó quy định rõ các chỉ tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. 3. Hàng năm, trên cơ sở dự toán của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn vốn thực hiện Chương trình theo Quyết định số 1241/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp dự toán của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (phần kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách trung ương) gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách của các Bộ, ngành và địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 4. Việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hiện hành của Nhà nước và quy định tại Thông tư này. Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán các nguồn kinh phí của Chương trình theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; kinh phí Chương trình được quyết toán và tổng hợp vào quyết toán ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định. 5. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hàng năm và năm năm gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mục 2. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CHO CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH Điều 4. Nội dung, mức chi chung của Chương trình 1. Chi công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới: a) Xây dựng và phát triển các chương trình, xuất bản các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc lựa chọn chương trình, sản phẩm truyền thông do Thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ truyền thông quyết định trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao và thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư: - Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) theo hình thức hợp đồng giữa cơ quan tuyên truyền và cơ quan thông tin đại chúng. - Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới: + Bồi dưỡng báo cáo viên: 200.000 đồng - 300.000 đồng/người/buổi. + Các khoản chi khác liên quan. Mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước. Trường hợp chưa có quy định mức chi, Thủ trưởng cơ quan quyết định mức chi trong phạm vi dự toán được giao. - Làm mới, sửa chữa pa nô, áp phích, khẩu hiệu. Mức chi căn cứ theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp. Việc lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông do Thủ trưởng đơn vị thực hiện nhiệm vụ truyền thông quyết định trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao. c) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về bình đẳng giới do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung và mức chi theo Thông tư số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 2. Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về bình đẳng giới. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. 3. Chi khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương; điều tra để đánh giá về nhận thức của xã hội về bình đẳng giới; đánh giá về thực trạng bình đẳng giới tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/2/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê (sau đây gọi tắt là Thông tư số 58/2011/TT-BTC). 4. Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc tổ chức và hoạt động của các cơ sở dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về bình đẳng giới; xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá về bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp - Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15/11/2007 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. 5. Chi tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. 6. Chi khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm trong nước về bình đẳng giới; kiểm tra, giám sát hoạt động của Chương trình; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC). 7. Chi xây dựng cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử; Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Thông tư số 58/2011/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). 8. Chi xây dựng chương trình, giáo trình tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ hoạt động bình đẳng giới. Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định xây dựng giáo trình cho các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp. 9. Chi nghiên cứu đánh giá tác động của hệ thống thể chế, chính sách đối với cán bộ nữ. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKH&CN ngày 4/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BTC-BKH&CN ngày 7/5/2007 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). 10. Chi hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực và triển khai các hoạt động của Chương trình. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Điều 5. Nội dung và mức chi đặc thù của Dự án hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới (Dự án 4): 1. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí xây dựng mô hình trong dự toán chi của các Bộ chủ trì thực hiện mô hình và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai mô hình tại các địa phương do Bộ chủ trì thực hiện mô hình lựa chọn. Căn cứ vào nội dung hoạt động của từng mô hình, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và nội dung, mức chi đặc thù quy định tại Thông tư này, Bộ trưởng các Bộ quyết định nội dung và mức chi cụ thể đối với từng mô hình trong dự toán được giao. 2. Mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp tại 10 cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm (Mô hình 1): a) Đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ có nhu cầu thành lập doanh nghiệp (nhỏ và vừa). b) Nội dung chi hỗ trợ: - Mở các lớp tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho phụ nữ có nhu cầu thành lập doanh nghiệp (nhỏ và vừa) tại 10 cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định. - Hỗ trợ một lần cho phụ nữ khởi sự doanh nghiệp tuyên truyền để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Mức hỗ trợ căn cứ theo hợp đồng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tối đa là 3.000.000 đồng. - Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn, mức vốn cho vay, lãi suất cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án cho vay giải quyết việc làm. c) Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, điều kiện phụ nữ khởi sự doanh nghiệp được hỗ trợ. 3. Mô hình thí điểm xây dựng 10 nhà giữ trẻ trong cơ quan, trung tâm dạy nghề và các khu công nghiệp, khu chế xuất để tăng khả năng tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của phụ nữ (Mô hình 2): a) Ngân sách trung ương hỗ trợ 10 nhà giữ trẻ trong cơ quan, trung tâm dạy nghề và các khu công nghiệp, khu chế xuất theo Quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Căn cứ vào Đề án thành lập nhà giữ trẻ của cấp có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ cụ thể tuỳ theo quy mô nhà giữ trẻ nhưng mức hỗ trợ tối đa 1.000 triệu đồng/nhà giữ trẻ để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng ban đầu đối với dự án xây dựng mới nhà giữ trẻ hoặc thuê địa điểm và mua sắm trang thiết bị đồ dùng cần thiết phục vụ hoạt động của nhà giữ trẻ. b) Chi phí hoạt động thường xuyên nhà giữ trẻ, tiền ăn của các cháu do gia đình đóng góp và huy động từ tổ chức, cá nhân và cộng đồng. 4. Mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 63 xã (Mô hình 3): a) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương xây dựng tiêu chí, điều kiện lựa chọn danh sách các xã tham gia thực hiện mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới. b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn 01 xã là địa bàn thực hiện mô hình gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp danh sách 63 xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1241/QĐ - TTg. c) Nội dung chi hỗ trợ: - Chi hoạt động phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: Nội dung và mức chi mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 8, Điều 5 Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập. - Chi hỗ trợ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới. - Chi hỗ trợ tiền điện thoại cho người được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ trực đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Mức hỗ trợ tối đa 200.000 đồng/người/tháng. Số lượng do Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định nhưng tối đa không quá 2 người. - Chi hỗ trợ cho người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ tư vấn, phục hồi tâm lý cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Mức hỗ trợ tối đa là 30.000 đồng/đối tượng được tư vấn. 5. Mô hình hỗ trợ 315 xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới (Mô hình 4): a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương xây dựng tiêu chí, điều kiện lựa chọn danh sách các xã tham gia thực hiện mô hình xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn 5 xã thực hiện mô hình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp danh sách 315 xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1241/QĐ - TTg. c) Chi hỗ trợ việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng các hương ước, quy ước của cộng đồng nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới mức tối đa 3.000.000 đồng/xã. 6. Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số (Mô hình 5): a) Uỷ ban Dân tộc ban hành tiêu chí, điều kiện và quyết định lựa chọn danh sách 30 xã ở miền núi, vùng cao tham gia thực hiện mô hình trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. b) Nội dung chi hỗ trợ: - Hỗ trợ tư vấn lưu động về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm: + Hỗ trợ tiền công tác phí theo nội dung và mức chi quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC. + Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển theo giá thị trường tại địa phương. + Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia tư vấn: 30.000 đồng/người/đối tượng được tư vấn. - Chi xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc thực hiện theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 4 Thông tư này. - Chi hỗ trợ người cung cấp thông tin, tư vấn tại các điểm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định. Mức hỗ trợ tối đa là 30.000 đồng/đối tượng được tư vấn. Điều 6. Nội dung và mức chi đặc thù của Dự án hỗ trợ xây dựng phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới (dự án 5) 1. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn vốn sự nghiệp để thí điểm thành lập và vận hành cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đại diện 04 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ) trên cơ sở Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn danh sách 04 Trung tâm công tác xã hội hiện có đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng, tổ chức phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới. Mức hỗ trợ tối đa 1.000 triệu đồng/Trung tâm để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cần thiết phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới. 2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chuẩn trang thiết bị phù hợp với quy mô của Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới. 3. Ngân sách địa phương bảo đảm chi hoạt động thường xuyên của Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và một số nội dung chi đặc thù sau: a) Chi hỗ trợ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới. b) Chi hỗ trợ cho người trực tiếp tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng bị bạo lực trên cơ sở giới với mức 30.000 đồng/đối tượng được tư vấn. Mục 3. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 7. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2012. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thanh Hoà KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thị Minh Nơi nhận: - Ban Bí thư TW, Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ; - Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng; - Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Sở LĐTBXH, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Chính phủ,Website BTC- Bộ LĐTBXH; - Các đơn vị thuộc BTC, Bộ LĐTBXH; - Lưu VT: Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH.
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "09/04/2012", "sign_number": "56/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH", "signer": "Nguyễn Thanh Hoà, Nguyễn Thị Minh", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-lien-tich-144-2010-TTLT-BTC-BTP-phi-thi-hanh-an-dan-su-112148.aspx
Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP phí thi hành án dân sự
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 144/2010/TTLT-BTC-BTP Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2010 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Căn cứ Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Căn cứ Nghị định 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự như sau: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này quy định việc thu, nộp, quản lý sử dụng phí thi hành án dân sự. 2. Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp các bên đương sự tự nguyện thi hành án với nhau mà không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì không phải nộp phí thi hành án. 3. Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án đối với các khoản tiền, tài sản nhận được thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009. Điều 2. Mức phí thi hành án dân sự 1. Mức thu phí thi hành án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng được nhận tiền, tài sản thì vẫn chịu phí thi hành án theo mức quy định nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 vụ việc. 2. Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên. Thí dụ 1: Có 3 người được chia thừa kế một tài sản có giá trị 1 tỷ đồng. Người thứ nhất được nhận 20% giá trị tài sản. Người thứ hai được nhận 30% giá trị tài sản. Người thứ ba được nhận 50% giá trị tài sản. Số phí thi hành án phải nộp của từng người theo quy định trên được xác định như sau: - Xác định tổng số phí thi hành án phải nộp: 3% x 1 tỷ đồng = 30 triệu đồng. - Xác định số phí thi hành án phải nộp của từng người: + Người thứ nhất phải nộp là: 20% x 30 triệu đồng = 6 triệu đồng. + Người thứ hai phải nộp là: 30% x 30 triệu đồng = 9 triệu đồng. + Người thứ ba phải nộp là: 50% x 30 triệu đồng = 15 triệu đồng. Thí dụ 2: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500 triệu đồng và phải thanh toán cho ông A 200 triệu đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau: Số phí thi hành án ông A phải nộp là: 3% x 200 triệu đồng = 6 triệu đồng; Số phí thi hành án bà B phải nộp là: 3% x (500 - 200) triệu đồng = 9 triệu đồng. 3. Đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các đương sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau: a) Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án chưa có quyết định cưỡng chế thi hành án và cũng chưa thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự thì không thu phí thi hành án. b) Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án và đã có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này. 4. Đối với những vụ việc người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau: a) Nếu đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và người được thi hành án từ bỏ nhận tiền, tài sản đã thu được hoặc có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án; b) Nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn; c) Nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế; cơ quan thi hành án đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này. 5. Đối với những vụ việc theo bản án, quyết định của Tòa án, người được thi hành án được thi hành hoặc chỉ yêu cầu thi hành án với số tiền, tài sản có giá trị từ 2 lần mức lương tối thiểu trở xuống thì không phải nộp phí thi hành án. Trường hợp người được thi hành án yêu cầu thành nhiều lần với tổng số tiền, tài sản có giá trị trên 2 lần mức lương tối thiểu thì phí thi hành án được tính trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận. Trường hợp này phí thi hành án nộp thành nhiều lần, mỗi lần tương ứng với số tiền, giá trị tài sản được thi hành án tương tự cách tính tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này. Điều 3. Việc thu, nộp, chi trả phí thi hành án 1. Cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc là cơ quan thu phí thi hành án (dưới đây gọi là cơ quan thu phí). Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thu phí thi hành án. Đối với vụ việc phải thu phí thi hành án nhiều lần thì mỗi lần thu phí thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thu phí thi hành án. Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí thi hành án phải nộp, thì phí thi hành án được tính toán lại theo quy định và người được thi hành án phải nộp thêm nếu số phí thi hành án đã nộp thấp hơn số phí thi hành án được xác định lại hoặc người thi hành án được trả lại phần còn thừa nếu số phí thi hành án đã nộp cao hơn số phí thi hành án được xác định lại. Cơ quan thu phí có trách nhiệm thu bổ sung khoản phí mà người được thi hành án nộp còn thiếu hoặc làm thủ tục hoàn trả khoản phí thi hành án mà người được thi hành án nộp thừa. Nếu người được thi hành án không tự nguyện nộp khoản phí thi hành án còn thiếu, thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu bổ sung khoản phí thi hành án còn thiếu. 2. Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án chưa phải nộp phí thi hành án. Cơ quan thu phí chỉ được thu phí thi hành án khi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án, cụ thể như sau: a) Trường hợp chi trả tiền: Khi chi trả, cơ quan thu phí được trích lại số tiền phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp vào số tiền mà người thi hành án thực nhận. b) Trường hợp giao tài sản: Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày dự kiến giao trả tài sản, cơ quan thu phí có trách nhiệm ra thông báo thu phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp theo hướng dẫn tại Thông tư này. c) Trường hợp cơ quan thi hành án đã thi hành được tiền, tài sản, nhưng phải chi trả cho người được thi hành án thành nhiều lần theo quy định của pháp luật thì số phí thi hành án phải nộp từng lần theo mức quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nhưng tổng số phí thi hành án của các lần không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án hoặc trên 01 vụ việc trong trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án nhưng được nhận tiền, tài sản. 3. Nếu quyết định của Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại. 4. Nếu giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong tỏa tài sản được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản do người được thi hành án chi trả. Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án. 5. Trường hợp ủy thác thi hành án liên quan đến thu phí thi hành án, cơ quan ủy thác thi hành án phải ủy thác cả nội dung thu phí thi hành án, trong đó ghi rõ số phí thi hành án đã nộp, số phí thi hành án còn phải thu (nếu có). Cơ quan nhận ủy thác phải căn cứ vào số phí thi hành án mà người được thi hành án đã nộp trước đây để tiếp tục thu phí thi hành án và được quản lý, sử dụng tiền phí thu được theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư này. Điều 4. Quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự 1. Phí thi hành án là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật ngân sách và hướng dẫn tại Thông tư này. 2. Cơ quan trực tiếp thu phí được sử dụng 45% (bốn mươi lăm phần trăm) số tiền phí thu được để chi theo các nội dung sau: a) Chi trả các khoản tiền thù lao, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ hiện hành cho những người tham gia vào hoạt động thi hành án (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định); b) Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thi hành án và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành; c) Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, tài sản cố định, máy móc, thiết bị phục vụ công tác thi hành án và thu phí; d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hội nghị tổng kết, sơ kết, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thi hành án và thu phí; đ) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên cơ quan thi hành án và thu phí theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu việc thi hành vượt chỉ tiêu các vụ việc do các cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu việc thi hành thấp hơn hoặc đạt chỉ tiêu các vụ việc do các cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm. 3. Cơ quan thu phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc Nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí thi hành án. Căn cứ vào tình hình thu phí (số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước…) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ quan thu phí phải gửi số tiền phí thi hành án thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp. 4. Cơ quan thu phí có trách nhiệm nộp 20% (hai mươi phần trăm) số tiền phí thu được vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đối với cơ quan thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) tại Kho bạc Nhà nước cùng thời gian với việc nộp tiền phí thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí để Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng) điều hòa cho các cơ quan thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ kinh phí hoạt động theo những nội dung chi quy định tại khoản 2 của Điều này. Cơ quan thực hiện việc điều hòa tiền phí thi hành án được phép chi quản lý điều hòa tiền phí thi hành án (như chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, kiểm tra, báo cáo… có liên quan trực tiếp đến việc quản lý điều hòa tiền phí thi hành án); chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương; nhưng số chi hàng năm không vượt quá 7% (bảy phần trăm) tính trên tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về. 5. Hàng năm, cơ quan thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. 6. Cơ quan thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại (35%) vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Điều 5. Miễn, giảm phí thi hành án dân sự Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau: 1. Giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành. 2. Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 3. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành. 4. Miễn phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ…). 5. Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án theo mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau kéo dài). Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) được nộp cho cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này. 6. Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do về việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Thời gian xem xét việc miễn hoặc giảm phí thi hành án không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Điều 6. Tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2010. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án. 2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 157/2009/TT-BTC ngày 06/8/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007. 3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG Nguyễn Đức Chính KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Công báo; - Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Website Bộ Tư pháp; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Lưu: VT, CST (CST5). Mẫu 1. Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC MIỄN HOẶC GIẢM PHÍ THI HÀNH ÁN Kính gửi: (Tên cơ quan thi hành án nhận đơn yêu cầu thi hành án) Tôi là:..................................................................................................................... Sinh ngày..................... tháng............... năm......................................................... Nguyên quán:........................................................................................................ Nơi ĐKNK thường trú:........................................................................................... Nơi cư trú:.............................................................................................................. Đơn vị công tác:..................................................................................................... Số CMND:............................. cấp ngày................ tháng............ năm................... Tại:......................................................................................................................... Đề nghị cơ quan thi hành án giải quyết miễn, giảm phí thi hành án theo Thông tư liên tịch số /2010/TTLT-BTC-BTP ngày / /2010 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án, như sau: 1. Số phí thi hành án phải nộp:............................................................................... Số tiền viết bằng chữ:............................................................................................. 2. Số phí thi hành án đề nghị miễn hoặc giảm:...................................................... Số tiền viết bằng chữ:............................................................................................. 3. Số phí thi hành án còn phải nộp:......................................................................... Số tiền viết bằng chữ:.............................................................................................. 4. Lý do đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án:.................................................. ................................................................................................................................ ................................................................................................................................ ................................................................................................................................ 5. Các tài liệu liên quan đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án gồm có: a)............................................................................................................................. b)............................................................................................................................. c)............................................................................................................................. Tôi xin cam đoan những điều ghi trên đây là đúng sự thật, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./. Xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người làm đơn cư trú, sinh sống, làm việc hoặc xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế ..........., ngày ..... tháng ..... năm ........ Người làm đơn (ký và ghi rõ họ tên)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp", "promulgation_date": "22/09/2010", "sign_number": "144/2010/TTLT-BTC-BTP", "signer": "Nguyễn Đức Chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-01-2009-TT-UBDT-sua-doi-Quyet-dinh-04-2007-QD-UBDT-chuong-trinh-dao-tao-boi-duong-cho-can-bo-co-so-cong-dong-chuong-trinh-135-giai-doan-II-91866.aspx
Thông tư 01/2009/TT-UBDT sửa đổi Quyết định 04/2007/QĐ-UBDT chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở cộng đồng chương trình 135 giai đoạn II
ỦY BAN DÂN TỘC ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 01/2009/TT-UBDT Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2009 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CỦA KHOẢN 2, ĐIỀU 2 QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2007/QĐ-UBDT NGÀY 19 THÁNG 7 NĂM 2007 CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ CƠ SỞ VÀ CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc; Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010; Ủy ban Dân tộc sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2, Điều 2 Quyết định số 04/2007/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm b, c khoản 2, Điều 2 Quyết định số 04/2007/QĐ-UBDT như sau: 1. Điểm b: b) Biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đặc thù của địa phương phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Chương trình 135 giai đoạn II, cụ thể: + Nhóm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, thôn, bản: Các chuyên đề 1, 2, 11 trong Chương trình khung và các nội dung liên quan khác của địa phương (nếu có). + Nhóm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng dành cho cộng đồng (người dân): Các chuyên đề 1, 2, 6, 7 trong Chương trình khung và các nội dung liên quan khác của địa phương (nếu có). 2. Điểm c c) Chỉ đạo cơ quan Thường trực Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh và cấp huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo tại địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II theo tài liệu do Ủy ban Dân tộc ban hành và các tài liệu do địa phương biên soạn theo các nội dung quy định tại điểm b) của Thông tư này. Riêng nội dung đào tạo nghề, thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Liên tịch Ủy ban Dân tộc – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải được tổ chức đảm bảo thời lượng tối thiểu của các chuyên đề theo nội dung Chương trình khung. Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng có thể được tổ chức nhiều lần để cập nhật kiến thức phù hợp với đặc thù của học viên. Điều 2. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc, chưa phù hợp đề nghị phản ánh về Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./ Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; - Các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Kiểm toán Nhà nước; - Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; - Tòa án Nhân dân tối cao; - Ủy ban TWMTTQVN; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo, Website Chính phủ, Website UBDT; - Cục kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, CSDT (5). BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM Giàng Seo Phử
{ "issuing_agency": "Uỷ ban Dân tộc", "promulgation_date": "17/07/2009", "sign_number": "01/2009/TT-UBDT", "signer": "Giàng Seo Phử", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Ke-hoach-167-KH-UBND-2022-thuc-hien-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung-Can-Tho-528123.aspx
Kế hoạch 167/KH-UBND 2022 thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 167/KH-UBND Cần Thơ, ngày 08 tháng 8 năm 2022 KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TP. CẦN THƠ Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện với nội dung cụ thể như sau: I. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu chung - Cụ thể hóa mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế thành phố Cần Thơ. - Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. - Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng. - Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 - Tăng trưởng GRDP khu vực nông nghiệp - thủy sản đạt 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm. - Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. - Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. - Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới thông minh. Xây dựng môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh được giữ vững; đưa vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống. - Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. 3. Tầm nhìn đến năm 2050 Phát triển nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường, nông dân trở thành thương nhân. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị. III. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG 1. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường Phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế (nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của thành phố) cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. - Định hướng theo nhóm sản phẩm chủ lực: + Đối với nhóm sản phẩm chủ của thành phố: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển cân đối nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. + Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với mã vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu nông sản OCOP trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. - Đối với từng lĩnh vực sản xuất chủ lực: + Trồng trọt: Đối với sản xuất lúa gạo: Tiếp tục phát huy lợi thế sản xuất lúa nhưng với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả cao nhất. Quản lý chặt chẽ diện tích đất chuyên trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Hình thành các vùng sản xuất lúa hữu cơ ở những nơi có điều kiện phù hợp. Kết hợp luân canh, xen canh giữa lúa với các cây nông nghiệp khác và thủy sản, chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất lúa, sử dụng hiệu quả phụ phẩm trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Phát triển, hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh, tập trung hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm cây ăn trái; thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ số để chứng nhận chất lượng sản phẩm cây ăn trái gắn với quản lý mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Thúc đẩy phát triển mô hình vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái, đô thị sinh thái, chương trình mỗi xã một sản phẩm. + Thủy sản: Phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất quy mô lớn và đối với hộ quy mô nhỏ thì áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ, phối hợp nuôi lồng bè, nuôi ao tập trung và luân canh/xen canh... Ưu tiên phát triển vùng nuôi chuyên canh chính cho các sản phẩm cá tra. Ứng dụng công nghệ tuần hoàn hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản, giảm sức ép lên môi trường. Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản tại các vùng nuôi chuyên canh. Tổ chức liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất lớn và hộ nông dân sản xuất nhỏ thông qua phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Chủ động trong việc cung ứng các đầu vào thiết yếu (giống, thức ăn, thuốc) và chế biến thủy sản. + Chăn nuôi: Phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng, sữa; phát triển chăn nuôi heo và gia súc lớn theo hướng hiện đại. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, và dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. 2. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững - Xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng phục vụ sản xuất. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong cung ứng giống có chất lượng, sạch bệnh. Tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản xuất. - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...Thực hiện truy xuất hiệu quả quá trình sử dụng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất, tăng cường sử dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ... Nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường; bảo tồn và phát triển giống bản địa. - Nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực. Hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại, gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao. Phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp. - Tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Triển khai thực hiện Đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến, trạm trại giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Xây dựng các khu nông nghiệp công nghiệp cao. Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo, an toàn sản xuất. - Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến. Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, tạo điều kiện hình thành động lực tăng trưởng. 3. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến - Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Dựa vào các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, “vượt qua” địa giới hành chính. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. - Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). 4. Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn Cùng với phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập: - Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị với phương châm “ly nông bất ly hương”. - Hỗ trợ hình thành các tổ chức kinh tế chính thức (hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức của hội nông dân...) để lao động có hợp đồng làm việc chính thức. Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Khuyến khích, có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo chất lượng cao để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường (nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao,...), đồng thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản.., từng bước giúp người lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức. - Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô... để tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp. 5. Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống - Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế giáo dục, văn hóa, thể thao; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa... Khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư gắn với nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. - Đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững; đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”. Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị. 6. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu - Phát triển cảnh quan nông thôn đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý chất thải... cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân, khu du lịch nghỉ dưỡng... - Từng bước giảm dần sức ép của phát triển kinh tế - xã hội với môi trường bằng các giải pháp như: chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng (sản xuất năng lượng tái tạo, tích lũy nước mưa, xử lý rác thải ở quy mô hộ, quy mô cơ sở sản xuất,...); đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn. - Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu bằng áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi; áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường (làm đất tối thiểu, bón phân và phun thuốc thông minh, tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi tiết kiệm nước, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu....). Tăng cường sử dụng nguyên liệu vi sinh hoặc hữu cơ, áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào, phát triển mạnh tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp nông nghiệp để giảm bớt lượng nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải cacbon. IV. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH 1. Tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thực hiện công tác tuyên truyền, thống nhất từ nhận thức đến hành động của từng nhóm đối tượng với những nội dung chính như: - Phát triển nền nông nghiệp bền vững: Đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả năng thích ứng và chống chịu biến động, cân đối, hài hòa các yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế, tái tạo nguyên liệu, năng lượng,... trong sản xuất. - Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái: Áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người; tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng. - Chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị. - Nông nghiệp công nghệ cao: Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất... Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số,... - Phát triển nông nghiệp có trách nhiệm: Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái và công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu...Phát triển thị trường xuất khẩu đi đối với thị trường nội địa. - Đẩy mạnh tư duy phát triển bao trùm: Gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa các địa phương thông qua phát triển các “Cụm ngành”, giữa chuỗi giá trị trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu; giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị, hộ nông dân với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài... 2. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất - Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị. Hỗ trợ nông hộ chuyển sang kinh doanh ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp. Xây dựng các chương trình hỗ trợ nông dân kinh doanh khởi nghiệp, khởi nghiệp làm nghề nông... - Tiếp tục đổi mới, phát triển hợp tác xã trở thành tác nhân kinh tế quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ, kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị. Khuyến khích và hỗ trợ các hợp tác xã phát triển thành doanh nghiệp; hợp tác xã chủ động xây dựng chuỗi giá trị nông sản... Xây dựng các liên hiệp các hợp tác xã có cùng nhóm sản phẩm hoặc cùng tham gia một chuỗi giá trị nhằm tăng quy mô, nâng cao hiệu quả. - Hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân (cung cấp đầu vào, chế biến, thương mại) liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường. Xây dựng và phát triển vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. 3. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. - Tăng nguồn vốn đầu tư công trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp. - Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Ưu tiên nghiên cứu phát triển hệ thống sản xuất sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản, giảm tổn thất, lãng phí trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành. - Phát triển các tổ chức trung gian kết nối công nghệ (sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đổi sáng tạo, trung tâm định giá tài sản trí tuệ, cơ sở ươm tạo công nghệ,...) để cung cấp dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trang trại, hợp tác xã. - Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, đảm bảo bộ máy tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất và địa phương; tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông của doanh nghiệp; phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng. 4. Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản - Với thị trường trong nước: Đổi mới hệ thống phân phối nông sản trong nước; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh, liên kết để đưa nông sản vào các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. - Với thị trường xuất nhập khẩu: Chủ động phát huy cơ hội các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả, kịp thời để doanh nghiệp và người sản xuất chủ động thích nghi với những thay đổi về chính sách, các cam kết thương mại quốc tế. - Xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô lớn và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, cảnh báo thông tin về thị trường các nông sản chủ lực, kịp thời cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân chủ động điều chỉnh sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường. 5. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng - Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, cây trồng cạn, vùng sản xuất công nghệ cao, gắn với xây dựng đồng ruộng. Tiếp tục xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu (phòng chống ngập lụt, sạt lỡ, nhiễm mặn,...). - Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, giao thông kết nối các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với các đường tỉnh lộ hay quốc lộ kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi lạnh, vận chuyển nông sản tươi sống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhất là các kho dự trữ, bảo quản, kho lạnh, kho chứa lương thực, thực phẩm. - Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ công tác thú y, kiểm dịch thực vật đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát triển các khu/cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh. - Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn. Phát triển nền tảng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. 6. Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước - Cải cách thủ tục hành chính. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý ngành. Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng triệt để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được đầu tư theo hiệu quả đóng góp. - Tập trung nhân lực, nguồn lực vào những nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý. Tinh giảm thủ tục, minh bạch thông tin, quy trình hóa công việc gắn với trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp. - Đổi mới, nâng cao vai trò của Hội Nông dân thành phố, Liên minh Hợp tác xã thành phố để thực sự trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi và phục vụ cho nông dân và xã viên hợp tác xã. Nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các hội, hiệp hội nghề nghiệp, đưa các tổ chức xã hội ở nông thôn tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, thể chế trong nông nghiệp, nông thôn. 7. Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn - Phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. - Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản bằng công nghệ blockchain, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. - Xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử. Phát triển khuyến nông điện tử, thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch bệnh, thiên tai; quản lý vùng nguyên liệu. 8. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro - Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu để thích ứng, phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng bền vững. Áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đầu vào; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp. - Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, đa dạng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ áp dụng các công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống chịu cao, phát triển nông nghiệp xanh, phát thải các-bon thấp. - Hỗ trợ phát triển hệ thống cảnh báo, dự báo, xác định rủi ro là cơ sở đề ra các giải pháp đồng bộ, chủ động bảo vệ sản xuất trước các nguy cơ về dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường...Hỗ trợ nghiên cứu, xác định giải pháp chủ động đối phó, khắc phục hệ thống các rủi ro bất định theo các phương án kịch bản đối với các nguy cơ quan trọng cho sản xuất và phát triển nông thôn như các đối tượng dịch bệnh chính gây thiệt hại quy mô rộng (cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi...), các hiện tượng nguy hại (sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn...). 9. Hội nhập và hợp tác quốc tế - Nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp và nông thôn, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước để tranh thủ, thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triển của ngành. Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho thực hiện phát triển bền vững; thu hút có lựa chọn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. - Triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu, chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, hài hòa hóa quy định trong nước với quốc tế. V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, KẾ HOẠCH TRỌNG TÂM ƯU TIÊN THỰC HIỆN (Chi tiết xem tại phụ lục kèm theo). VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Sở và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện hàng năm và theo yêu cầu; tổ chức sơ kết thực hiện Kế hoạch vào năm 2025 và tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch vào năm 2030. 2. Sở Kế hoạch và Đầu tư Tổng hợp, cân đối, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2022 - 2030 và trong kế hoạch 5 năm cho ngành nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và các địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 3. Sở Tài chính Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách thành phố, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan, ưu tiên tổng hợp bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách thành phố, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch. 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục, cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng cho nhu cầu vốn và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. 5. Sở Công Thương Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện chính sách thương mại hàng nông sản; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, tạm nhập tái xuất hàng nông sản. Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách và hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thương mại điện tử. 6. Sở Khoa học và Công nghệ Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả các Chương trình: Sản phẩm quốc gia, phát triển khoa học công nghệ cao, đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình khoa học công nghệ khác hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương; triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số; thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn triển khai áp dụng công cụ quản lý, quy trình quản lý hiện đại; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 7. Sở Tài nguyên và Môi trường Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp. 8. Sở Thông tin và Truyền thông Chủ trì, theo dõi phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; theo dõi việc triển khai Kế hoạch chuyển đổi số thành phố, và các tiêu chí về thông tin và truyền thông trong xây dựng nông thôn mới; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong theo dõi, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp. 9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể (doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã...). Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng nhu cầu của cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 10. Sở Nội vụ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố có liên quan và địa phương triển khai thực hiện chính sách đổi mới, hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý ngành nông nghiệp để cải cách thể chế, thủ tục quản lý, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp cho các tổ chức nông dân, kinh tế hợp tác và khối tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, đổi mới hoạt động đoàn thể xã hội theo nội dung Kế hoạch này. 11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp kiểm soát chất lượng nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch theo quy định, đặc biệt các sản phẩm OCOP gắn với phát triển nông nghiệp; phát huy hiệu quả của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch. 12. Ủy ban nhân dân quận, huyện Căn cứ các mục tiêu, định hướng và giải pháp của Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn. 13. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể Chủ động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành thành phố và địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để thực hiện các định hướng của Kế hoạch; tham gia có trách nhiệm trong công tác truyền thông, phản biện xã hội và vận động thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tham gia đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân là thành viên tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố và địa phương có quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./. Nơi nhận: - Bộ Nông nghiệp và PTNT; - TT. Thành ủy; - CT, PCT UBND thành phố (1AC); - Sở, ban ngành thành phố; - UBND quận, huyện; - VP. UBND thành phố (2C,3B); - Cổng thông tin điện tử thành phố; - Lưu: VT.HN. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Ngọc Hè PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH VÀ DỰ ÁN TRỌNG TÂM (Đính kèm Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 08/8/2022 của UBND TP. Cần Thơ) TT Chương trình, đề án, kế hoạch và dự án Cơ quan chủ trì Cơ quan phối hợp Thời gian thực hiện I Thực hiện công tác quy hoạch, hỗ trợ và thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn 1 Rà soát, tích hợp quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ngành, UBND quận huyện Năm 2022 2 Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ngành liên quan; UBND huyện Giai đoạn 2022-2025 3 Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ngành liên quan; UBND huyện Năm 2022 4 Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch, đô thị và thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với tạo lập thương hiệu nông sản, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Năm 2022-2023 5 Kế hoạch thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2030 (Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 07/7/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 II Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nông nghiệp số 1 Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 2 Kế hoạch hỗ trợ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2025 (Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 14/4/2022 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 3 Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 (Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 06/5/2022 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 4 Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 4037/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của UBND thành phố) Sở Công Thương Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 5 Kế hoạch thực hiện Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 07/01/2022 của UBND thành phố) Sở Công Thương Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 6 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030 (Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 18/11/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 7 Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 19/5/2022 của UBND thành phố) Sở Công Thương Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 8 Kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 28/9/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 III Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông thôn hiện đại, bền vững 1 Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long Sở Kế hoạch và Đầu tư Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 2 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 25/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ phát triển hạ tầng giao thông và logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030 (Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 10/5/2022 của UBND thành phố) Sở Giao thông - Vận tải Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 3 Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 19/11/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 IV Phát triển nguồn nhân lực; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ 1 Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 19/11/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 2 Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/5/2022 của UBND thành phố) Sở Thông tin và Truyền thông Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 3 Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030 (Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND thành phố) Sở Khoa học và Công nghệ Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 4 Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Cần Thơ giai đoạn 2022-2025 (Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 28/3/2022 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 5 Kế hoạch ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố) Sở Khoa học và Công nghệ Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 6 Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 24/9/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 7 Chương trình khuyến nông 2021-2025 (Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 14/6/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 8 Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 12/4/2021 của UBND thành phố) Sở Khoa học và Công nghệ Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 9 Đề án Khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp thành phố thực hiện giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của UBND thành phố) Sở Khoa học và Công nghệ Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 V Phát triển hợp tác, liên kết các vùng, khu kinh tế, kết nối nông thôn - đô thị; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh 1 Kế hoạch triển khai thực hiện Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025 (Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 19/10/2020 của UBND thành phố) Sở Kế hoạch và Đầu tư Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 2 Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 03/12/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 3 Kế hoạch thực hiện Chương trình "Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 14/6/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 4 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025", trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 14/6/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 5 Kế hoạch thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 23/8/2021 của UBND thành phố) Sở Công thương Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 6 Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 của UBND thành phố) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 VI Phát triển nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại 1 Kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 17/12/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 2 Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Cần Thơ Các sở, ngành, địa phương Xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm 3 Kế hoạch xây dựng nông thôn mới Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Cần Thơ Các sở, ngành, địa phương Xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm 4 Xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước nông thôn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 VII Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan 1 Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Quyết định số 1160/QĐ-UBND ngày 01/4/2022 của UBND thành phố) Sở Tài nguyên và Môi trường Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 2 Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về bảo vệ môi trường "Cần Thơ xanh và sạch"; phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025 (Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND thành phố) Sở Tài nguyên và Môi trường Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 3 Kế hoạch thực hiện "Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050" trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 21/12/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030 4 Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 07/4/2022 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 5 Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2025 (Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2025 VIII Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành nông nghiệp, nông thôn 1 Tham mưu Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Năm 2022 2 Tham mưu Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề án xây dựng, củng cố hệ thống khuyến nông cấp xã Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Năm 2023 3 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030” (Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 04/8/2021 của UBND thành phố) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Các sở, ngành, địa phương Giai đoạn 2022-2030
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "08/08/2022", "sign_number": "167/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Ngọc Hè", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-29-2018-TT-BYT-quy-dinh-ve-thu-thuoc-tren-lam-sang-329759.aspx
Thông tư 29/2018/TT-BYT quy định về thử thuốc trên lâm sàng mới nhất
BỘ Y TẾ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 29/2018/TT-BYT Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2018 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Căn cứ Luật số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 về dược; Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về thử thuốc trên lâm sàng. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về việc ban hành, áp dụng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng; đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng và hồ sơ, quy trình thử thuốc trên lâm sàng. 2. Các hoạt động thử thuốc trên lâm sàng có liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh ngoài việc tuân thủ quy định tại Thông tư này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với: 1. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng, bao gồm: a) Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng là cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược có phạm vi thử thuốc trên lâm sàng. b) Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc là cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược có phạm vi thử tương đương sinh học của thuốc. c) Cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Dược là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nghiên cứu khoa học thực hiện hoạt động nhận thử thuốc trên lâm sàng, nhận thử tương đương sinh học của thuốc và cơ sở khác có hoạt động nhận thử thuốc trên lâm sàng, nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại. 2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thử thuốc trên lâm sàng. Điều 3. Giải thích từ ngữ 1. Thử thuốc trên lâm sàng là hoạt động khoa học nghiên cứu thuốc trên người tình nguyện nhằm thăm dò hoặc xác định sự an toàn và hiệu quả của thuốc; nhận biết, phát hiện phản ứng có hại do tác động của thuốc; khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc. 2. Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (Good Clinical Practice - GCP) là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn cho việc thiết kế, tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát, kiểm tra, ghi chép, phân tích và báo cáo về thử thuốc trên lâm sàng nhằm bảo đảm tính tin cậy, chính xác của dữ liệu và báo cáo kết quả nghiên cứu, bảo vệ quyền, sự an toàn và bảo mật thông tin của đối tượng nghiên cứu. 3. Các quy định quốc tế về thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận là Hướng dẫn về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được quy định trong Hướng dẫn chung của Hội nghị hòa hợp quốc tế các yêu cầu kỹ thuật đối với đăng ký dược phẩm sử dụng cho người (International Conference on I Iamonization of Technical Requiments for Registration of Pharmaceuticals for Human use - ICH), Hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) và các hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng của các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 5 Điều này. 4. Hồ sơ sản phẩm dành cho nghiên cứu viên (Investigator’s Brochure - IB) là tài liệu chứa các thông tin, dữ liệu về nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng của thuốc nghiên cứu. 5. Cơ quan quản lý tham chiếu quy định trong Thông tư này bao gồm: Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh, Thụy Sỹ, Úc, Canada, Bỉ, Áo, Ai Len, Đan Mạch và Hà Lan. 6. Phiếu thu thập thông tin nghiên cứu hoặc Bệnh án nghiên cứu (Case Report Form - CRF) là công cụ bằng giấy hoặc điện tử được thiết kế để thu thập dữ liệu nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng. Chương II BAN HÀNH, ÁP DỤNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 4. Nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này và tài liệu cập nhật quy định tại khoản 2 Điều này trên cơ sở tham khảo hướng dẫn của ICH, WHO và các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này. 2. Trường hợp ICH và WHO sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP (tài liệu cập nhật), Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cập nhật và công bố tài liệu cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo để các đối tượng có liên quan tra cứu, cập nhật và áp dụng. Điều 5. Đối tượng áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng triển khai áp dụng và đáp ứng GCP quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và tài liệu cập nhật. 2. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc và các cơ sở có hoạt động nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại không đáp ứng GCP đối với giai đoạn nghiên cứu trên lâm sàng thì phải ký hợp đồng hoặc văn bản liên kết với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và tài liệu cập nhật để thực hiện giai đoạn nghiên cứu trên lâm sàng. 3. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng áp dụng tài liệu GCP cập nhật theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này trong thời hạn 12 tháng đối với trường hợp có yêu cầu thay đổi về cơ sở vật chất phục vụ việc thử thuốc hoặc 06 tháng đối với cập nhật khác, tính từ thời điểm tài liệu cập nhật được Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo. Chương III QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐÁNH GIÁ VIỆC ĐÁP ỨNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 6. Các trường hợp đánh giá, thanh tra, kiểm tra việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Đánh giá lần đầu dược thực hiện cùng với việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng và cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc (sau đây gọi tắt là cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc). Đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này, đánh giá lần đầu được thực hiện khi cơ sở có triển khai hoạt động thử thuốc trên lâm sàng. 2. Đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP được thực hiện 03 năm một lần kể từ ngày ký biên bản đánh giá của lần đánh giá liền trước (không bao gồm các đợt đánh giá đột xuất, thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế). 3. Đánh giá đột xuất việc đáp ứng GCP được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này. 4. Công tác thanh tra, kiểm tra việc duy trì đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Điều 7. Mức độ tuân thủ Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng Việc đánh giá tuân thủ GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng theo 03 mức độ sau đây: 1. Mức độ 1: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP trong trường hợp không có nội dung cần khắc phục, sửa chữa. 2. Mức độ 2: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng còn có nội dung phải khắc phục, sửa chữa để đáp ứng GCP trong trường hợp nội dung cần khắc phục, sửa chữa không ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu và an toàn, sức khỏe của người tham gia thử thuốc. 3. Mức độ 3: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không đáp ứng GCP trong các trường hợp sau: a) Có nội dung sai lệch với tiêu chuẩn GCP có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu và/hoặc sức khỏe, an toàn của đối tượng tham gia thử thuốc; b) Gian lận, giả mạo, sửa chữa số liệu, dữ liệu, tài liệu. Chương IV ĐÁNH GIÁ LẦN ĐẦU VIỆC ĐÁP ỨNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 8. Hồ sơ đề nghị đánh giá lần đầu việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Hồ sơ làm căn cứ để đánh giá đáp ứng GCP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc là hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (được nộp khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc không phải nộp thêm hồ sơ này) theo quy định tại Điều 38 của Luật Dược và Điều 32 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược (sau đây viết tắt là Nghị định số 54/2017/NĐ-CP). Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc phải kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật Dược và Điều 49 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP; Đối với tài liệu kỹ thuật về cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc theo quy định tại Điều 38 Luật Dược và Điều 32 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP được trình bày theo hướng dẫn về hồ sơ tổng thể quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc hồ sơ tổng thể được cập nhật trong trường hợp bổ sung phạm vi hoạt động, có đóng dấu của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc đề nghị cấp giấy chứng nhận GCP cùng với giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc cần ghi rõ nội dung này trong Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. 2. Hồ sơ làm căn cứ để đánh giá đáp ứng GCP đối với cơ sở thư thuốc trên lâm sàng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này bao gồm: a) Đơn đề nghị đánh giá đáp ứng GCP theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này. Trường hợp cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận GCP thì phải ghi rõ nội dung này trong đơn; b) Tài liệu kỹ thuật về cơ sở được trình bày theo hướng dẫn về hồ sơ tổng thể quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này, có đóng dấu của cơ sở. Điều 9. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Tiếp nhận hồ sơ: a) Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng và các cơ sở có hoạt động nhận thử thuốc trên lâm sàng không vì mục đích thương mại nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này kèm phí thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện thử thuốc trên lâm sàng đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; b) Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc và các cơ sở có hoạt động nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này kèm phí thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện thử tương đương sinh học của thuốc đến Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Cục Quản lý Dược làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tổ chức đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng. 2. Trình tự tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thực hiện theo quy định tại: a) Các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 50 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc phóng xạ; thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; b) Các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 51 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc; thuốc, dược chất trong danh mục thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực; c) Các khoản 2, 4 và 5 Điều 33 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đối với cơ sở không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b khoản này. 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo hoặc Cục Quản lý Dược (sau đây gọi là Cơ quan tiếp nhận hồ sơ) thành lập Đoàn đánh giá việc đáp ứng GCP (sau đây gọi là Đoàn đánh giá), thông báo bằng văn bản cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng về Đoàn đánh giá và dự kiến thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo, Đoàn đánh giá tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở theo quy định tại Điều 10 Thông tư này. Điều 10. Quy trình đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Quy trình đánh giá: a) Bước 1. Đoàn đánh giá công bố Quyết định thành lập Đoàn đánh giá; mục đích, nội dung và kế hoạch đánh giá tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng; b) Bước 2. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng trình bày tóm tắt về tổ chức, nhân sự, hoạt động triển khai, áp dụng GCP hoặc các vấn đề khác theo nội dung đánh giá; c) Bước 3. Đoàn đánh giá tiến hành đánh giá thực tế việc triển khai áp dụng GCP tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng theo từng nội dung đánh giá cụ thể; d) Bước 4. Đoàn đánh giá họp với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng để thông báo về mức độ đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, các nội dung chưa đáp ứng, cần khắc phục, sửa chữa phát hiện được trong quá trình đánh giá (nếu có); thảo luận với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng trong trường hợp cơ sở không thống nhất với đánh giá của Đoàn đối với từng nội dung. đ) Bước 5. Lập và ký biên bản đánh giá: Biên bản đánh giá được Lãnh đạo cơ sở thử thuốc trên lâm sàng cùng Trưởng Đoàn đánh giá ký xác nhận; biên bản phải thể hiện thành phần Đoàn đánh giá, địa điểm, thời gian, phạm vi đánh giá, vấn đề chưa thống nhất (nếu có), giữa Đoàn đánh giá và cơ sở thử thuốc trên lâm sàng liên quan đến việc đánh giá đáp ứng GCP. Biên bản được lập thành 03 bản: 01 bản lưu tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng, 02 bản lưu tại Cơ quan tiếp nhận hồ sơ. 2. Báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP a) Ngay sau khi kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng, Đoàn đánh giá có trách nhiệm lập Báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, liệt kê và phân tích cụ thể các nội dung chưa đáp ứng mà cơ sở thử thuốc trên lâm sàng cần khắc phục, sửa chữa (nếu có) đối chiếu với điều khoản quy định tương ứng của văn bản pháp luật, đánh giá mức độ tuân thủ GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng theo quy định tại Điều 7 Thông tư này; b) Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có ý kiến không thống nhất với nội dung đánh giá, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký biên bản đánh giá, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có văn bản giải trình gửi Cơ quan tiếp nhận hồ sơ kèm theo bằng chứng (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận) chứng minh liên quan đến nội dung đánh giá đó; c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải trình của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét báo cáo đánh giá GCP, giải trình của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng, lấy ý kiến tư vấn chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan (nếu cần) và có văn bản trả lời cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Văn bản trả lời phải nêu rõ nội dung chấp thuận, không chấp thuận đối với giải trình của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Thời gian này không tính vào thời hạn đánh giá. Điều 11. Xử lý kết quả đánh giá đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Trường hợp báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký biên bản đánh giá, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và thực hiện cấp giấy chứng nhận đạt GCP theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này nếu cơ sở đã có đề nghị trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nếu cơ sở không đề nghị cấp giấy chứng nhận đạt GCP, báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP có giá trị chứng nhận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đạt GCP và được sử dụng làm căn cứ để trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc là căn cứ để triển khai hoạt động thử thuốc trên lâm sàng đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thực hiện việc thử thuốc và kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, nếu cơ sở có đề nghị trong đơn, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện cấp giấy chứng nhận đạt GCP theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (đồng thời với việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược). 2. Trường hợp báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng cần khắc phục, sửa chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này: a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kèm theo văn bản thông báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thực hiện việc thử thuốc và kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kèm theo văn bản thông báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. b) Sau khi hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải có văn bản báo cáo kèm theo bằng chứng (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận) chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa các nội dung được ghi trong Báo cáo đánh giá; c) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục, sửa chữa của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét báo cáo khắc phục của cơ sở thử thuốc và kết luận về tình trạng đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: - Trường hợp việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đã đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. - Trường hợp việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng chưa đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu tiếp tục khắc phục, sửa chữa, bổ sung cho đến khi đạt yêu cầu. d) Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu khắc phục, sửa chữa, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải nộp báo cáo khắc phục, sửa chữa theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không khắc phục, sửa chữa hoặc sau 12 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị lần đầu mà hồ sơ khắc phục, sửa chữa không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị. 3. Trường hợp báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không đáp ứng GCP theo quy định khoản 3 Điều 7 Thông tư này: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về việc không đáp ứng GCP gửi kèm theo Báo cáo đánh giá GCP cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và không cấp giấy chứng nhận đạt GCP. 4. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc chứng nhận cơ sở đạt GCP, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cơ quan tiếp nhận hồ sơ các thông tin sau đây: a) Tên và địa chỉ cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP; b) Họ tên người chịu trách nhiệm chuyên môn, số chứng chỉ hành nghề; c) Số giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và số giấy chứng nhận đạt GCP (nếu có); d) Thời gian hết hiệu lực của việc đánh giá đáp ứng GCP và ngày đánh giá định kỳ tiếp theo; đ) Phạm vi hoạt động của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Chương V ĐÁNH GIÁ VIỆC DUY TRÌ ĐÁP ỨNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 12. Đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Tháng 11 hàng năm, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố trên Trang thông tin điện tử của Cơ quan tiếp nhận hồ sơ về kế hoạch đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng trong năm kế tiếp và gửi bản kế hoạch này đến các cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có tên trong kế hoạch. 2. Căn cứ kế hoạch đánh giá định kỳ do Cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo quy định tại khoản 6 Điều này kèm theo phí thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong thời gian tối thiểu 30 ngày, trước thời điểm đánh giá theo kế hoạch đã được Cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố. 3. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cơ sở phải nộp hồ sơ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu cơ sở thực hiện việc nộp hồ sơ theo quy định. 4. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải nộp hồ sơ kèm theo giải trình lý do chậm nộp hồ sơ theo quy định. 5. Sau khi nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP theo thời gian quy định, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được tiếp tục hoạt động thử thuộc trên lâm sàng theo phạm vi quy định tại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc giấy chứng nhận đạt GCP đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này, kể từ ngày nộp hồ sơ cho đến khi có kết quả đánh giá định kỳ. 6. Hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP bao gồm: a) Đơn đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; b) Báo cáo tóm tắt về hoạt động thử thuốc trên lâm sàng của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng trong thời gian 03 năm gần nhất tính từ thời điểm đánh giá liền trước (không bao gồm các đợt đánh giá đột xuất, thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế) đến ngày đề nghị đánh giá định kỳ; c) Tài liệu kỹ thuật cập nhật về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng (nếu có thay đổi); 7. Quy trình, xử lý kết quả đánh giá duy trì đáp ứng GCP thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và 13 Thông tư này. Điều 13. Xử lý kết quả đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Trường hợp báo cáo đánh giá GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đạt GCP theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này nếu cơ sở có đề nghị trong đơn; nếu cơ sở không đề nghị cấp giấy chứng nhận đạt GCP, báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP có giá trị chứng nhận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đạt GCP và được sử dụng làm căn cứ để cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được tiếp tục thực hiện hoạt động thử thuốc trên lâm sàng. 2. Trường hợp báo cáo đánh giá GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng cần khắc phục, sửa chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này: a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu cơ sở thử thuốc trên lâm sàng tiến hành khắc phục, sửa chữa tồn tại, gửi báo cáo khắc phục về Cơ quan tiếp nhận hồ sơ; b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa và có văn bản báo cáo kèm theo bằng chứng chứng minh (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận) đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa tồn tại được ghi trong báo cáo đánh giá; c) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục, sửa chữa tồn tại kèm theo bằng chứng chứng minh (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận), Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đánh giá kết quả khắc phục của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và kết luận về tình trạng đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng như sau: - Trường hợp việc khắc phục của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đã đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đạt GCP theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; - Trường hợp việc khắc phục của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng chưa đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu nội dung cần tiếp tục khắc phục, sửa chữa và nộp báo cáo bổ sung. Thời hạn gia hạn để tiếp tục khắc phục, sửa chữa và báo cáo là 45 ngày, kể từ ngày có văn bản yêu cầu. d) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc việc đánh giá thực tế mà cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không có báo cáo khắc phục hoặc sau khi khắc phục theo quy định tại điểm c khoản này mà kết quả khắc phục vẫn tiếp tục không đạt yêu cầu, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về việc không đáp ứng GCP và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện một hoặc các biện pháp theo quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều này. 3. Trường hợp báo cáo đánh giá GCP kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không đáp ứng GCP theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc đánh giá tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và ký biên bản đánh giá, trên cơ sở đánh giá nguy cơ tồn tại được phát hiện đối với chất lượng nghiên cứu, sức khỏe, an toàn của đối tượng tham gia thử thuốc, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về việc không đáp ứng GCP và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện một hoặc các biện pháp sau đây: a) Xử phạt theo thẩm quyền (nếu có) hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; b) Trình Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đã cấp và/hoặc thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận đạt GCP (nếu có) theo quy định tại Điều 40 của Luật Dược. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết luận cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá duy trì đáp ứng GCP hoặc từ ngày ban hành Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đã cấp do cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc không duy trì đáp ứng GCP, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cập nhật trên Trang Thông tin điện tử của Cơ quan tiếp nhận hồ sơ về tình trạng đáp ứng GCP theo nội dung quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP hoặc thông tin về việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy chứng nhận đạt GCP (nếu có) đã cấp đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc không duy trì đáp ứng GCP. Điều 14. Kiểm soát thay đổi 1. Trong khoảng thời gian giữa các đợt đánh giá định kỳ, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Luật Dược hoặc Hồ sơ đề nghị đánh giá đáp ứng GCP hoặc báo cáo thay đổi theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Luật Dược; b) Thay đổi địa điểm thử thuốc đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này; c) Thay đổi vị trí một trong các phòng kỹ thuật phục vụ thử thuốc trên lâm sàng (phòng khám, điều trị, phòng cấp cứu, phòng xét nghiệm, khu vực thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1) tại cùng địa điểm kinh doanh/thử thuốc; d) Bổ sung một trong các phòng kỹ thuật phục vụ thử thuốc trên lâm sàng (phòng khám, điều trị, phòng cấp cứu, phòng xét nghiệm, khu vực thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1) ở vị trí mới tại cùng địa điểm kinh doanh/thử thuốc; đ) Mở rộng một trong các phòng kỹ thuật phục vụ thử thuốc trên lâm sàng (phòng khám, điều trị, phòng cấp cứu, phòng xét nghiệm, khu vực thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1) trên cơ sở cấu trúc phòng đã có; e) Sửa chữa, thay đổi lớn về cấu trúc, bố trí trong một trong các phòng kỹ thuật phục vụ thử thuốc trên lâm sàng (phòng khám, điều trị, phòng cấp cứu, phòng xét nghiệm, khu vực thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1). 2. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc có thay đổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 38 của Luật Dược. Trình tự đánh giá việc đáp ứng GCP, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá mức độ tuân thủ GCP thực hiện theo quy định tại các điều 9, 10 và 11 Thông tư này. 3. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này có thay đổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, cơ sở phải gửi hồ sơ đề nghị đánh giá đáp ứng GCP theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này. Trình tự đánh giá việc đáp ứng GCP, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá mức độ tuân thủ GCP thực hiện theo quy định tại các điều 9, 10 và 11 Thông tư này. 4. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải nộp báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi về Cơ quan tiếp nhận hồ sơ. a) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện đánh giá thực tế tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng yêu cầu, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đồng ý với thay đổi của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng; b) Trình tự đánh giá, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thay đổi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại các điều 9, 10 và 13 Thông tư này; c) Trình tự đánh giá, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thay đổi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại các điều 9, 10 và 11 Thông tư này. 5. Trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải nộp báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi về Cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện đánh giá báo cáo thay đổi của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về việc đồng ý với nội dung thay đổi trong trường hợp việc thay đổi đáp ứng yêu cầu; b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về nội dung cần khắc phục, sửa chữa trong trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu; c) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng phải hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa và có văn bản thông báo kèm theo bằng chứng chứng minh (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận) đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa tồn tại được nêu trong văn bản thông báo; d) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục kèm theo bằng chứng chứng minh (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận), Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đánh giá kết quả khắc phục của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng và kết luận về tình trạng đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: - Trường hợp việc khắc phục đã đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về việc đồng ý với nội dung thay đổi; - Trường hợp việc khắc phục chưa đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc đánh giá đột xuất, xử lý kết quả đánh giá theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Điều 15. Đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Sở Y tế, căn cứ vào mức độ nguy cơ ảnh hưởng của thuốc thử đối với sức khỏe của người tham gia thử thuốc, mức độ tuân thủ GCP quy định tại Điều 7 Thông tư này, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiến hành đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng GCP tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đối với một trong các trường hợp sau đây: a) Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng khắc phục chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 14 Thông tư này; b) Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng tuân thủ GCP ở mức độ 2 quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này phải được đánh giá đột xuất ít nhất 01 lần trong thời hạn 03 năm kể từ ngày kết thúc đợt đánh giá kỳ trước; c) Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng kết luận có vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP; d) Có thông tin phản ánh, kiến nghị cơ sở thử thuốc trên lâm sàng vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP; đ) Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không nộp hồ sơ đánh giá việc duy trì đáp ứng GCP theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này. 2. Thành phần Đoàn đánh giá do Cục trưởng Cơ quan tiếp nhận hồ sơ quyết định theo phạm vi và mục đích tiến hành đánh giá. 3. Hồ sơ, trình tự, quy trình đánh giá đột xuất tại cơ sở thử thuốc trên lâm sàng thực hiện theo quy định tại các khoản 6, 7 Điều 12 Thông tư này. Chương VI ĐOÀN ĐÁNH GIÁ VIỆC ĐÁP ỨNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 16. Thành phần và tiêu chuẩn của thành viên Đoàn đánh giá 1. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập Đoàn đánh giá việc đáp ứng GCP, thành phần Đoàn bao gồm: a) Đại diện 01 Lãnh đạo Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm Trưởng Đoàn; b) 01 Chuyên viên Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm Thư ký Đoàn; c) Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế (mỗi đơn vị tối đa không quá 01 thành viên), bao gồm: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ Pháp chế; Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia; Cục Quản lý Dược; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Long trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; d) 01 thành viên là đại diện Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được gọi tắt là Sở Y tế) nơi cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đặt trụ sở chính đối với trường hợp cơ sở trực thuộc Sở Y tế; d) Thành viên của cơ quan, đơn vị liên quan trong trường hợp cần thiết. 2. Cán bộ tham gia Đoàn đánh giá phải đáp ứng tiêu chuẩn sau đây: a) Có trình độ đại học trở lên; b) Đã được tập huấn về GCP, đánh giá GCP; c) Trung thực, khách quan và nghiêm chỉnh chấp hành quy chế, quy định pháp luật trong quá trình đánh giá, không có xung đột lợi ích với cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc được đánh giá theo quy định tại Khoản 3 Điều này; d) Trưởng Đoàn phải có trình độ đại học y, dược trở lên và có kinh nghiệm trong công tác quản lý thử nghiệm lâm sàng từ 05 năm trở lên. 3. Nguyên tắc đánh giá xung đột lợi ích: Thành viên Đoàn đánh giá được coi là có xung đột lợi ích với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đã từng làm việc trong vòng 05 năm gần đây cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá; b) Đã tham gia hoạt động tư vấn trong vòng 05 năm gần đây cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá; c) Đang có quyền lợi về tài chính với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá; d) Có vợ hoặc chồng, con, bố hoặc mẹ, anh chị em ruột của bố hoặc mẹ hoặc vợ hoặc chồng hoặc con đang làm việc cho cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá. Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của Đoàn đánh giá 1. Trách nhiệm của Đoàn đánh giá: a) Đánh giá toàn bộ hoạt động của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng theo GCP tương ứng tại Điều 4 Thông tư này, tài liệu cập nhật GCP (nếu có) và các quy định chuyên môn kỹ thuật có liên quan; ghi nhận cụ thể các nội dung đánh giá, tồn tại phát hiện được, lập biên bản và báo cáo đánh giá; b) Lập hoặc giải trình về báo cáo kết quả đánh giá GCP trong trường hợp cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có ý kiến không thống nhất với nội dung Báo cáo; c) Bảo mật toàn bộ thông tin liên quan về đợt đánh giá và toàn bộ thông tin liên quan đến hoạt động thử thuốc trên lâm sàng của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng; trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ sở hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra. 2. Quyền hạn của Đoàn đánh giá: a) Kiểm tra toàn bộ khu vực có liên quan đến hoạt động thử thuốc trên lâm sàng của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng; b) Yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động thử thuốc trên lâm sàng của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng; c) Thực hiện việc thu thập hồ sơ tài liệu bằng chứng (sao chụp tài liệu, chụp ảnh, quay video) chứng minh về tồn tại phát hiện được trong quá trình đánh giá; d) Lập biên bản và yêu cầu cơ sở thử thuốc trên lâm sàng tạm dừng hoạt động thử thuốc trên lâm sàng nếu trong quá trình đánh giá Đoàn phát hiện cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn, sức khỏe của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng hoặc tính chính xác, trung thực của dữ liệu nghiên cứu và báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định. Chương VII HỒ SƠ, QUY TRÌNH THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 18. Quy trình thử thuốc trên lâm sàng Thử thuốc trên lâm sàng bao gồm các giai đoạn và quy trình được thực hiện theo quy định tại các Điều 86, Điều 95 của Luật Dược và được quy định cụ thể như sau: 1. Đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; 2. Phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm phê duyệt lần đầu và phê duyệt thay đổi trong quá trình thực hiện thử thuốc trên lâm sàng khi cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng hoặc bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng; 3. Tổ chức thực hiện thử thuốc trên lâm sàng; 4. Phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng. Điều 19. Hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng Hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng bao gồm hồ sơ đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; hồ sơ đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; hồ sơ đề nghị phê duyệt thay đổi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng, được quy định cụ thể như sau: 1. Hồ sơ đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm: a) Đơn đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ thông tin sản phẩm nghiên cứu (thông tin chung về thuốc thử lâm sàng: tên, thành phần, chỉ định, tính chất vật lý, hóa học, bào chế và các thông tin liên quan khác); tài liệu nghiên cứu tiền lâm sàng; tài liệu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng các giai đoạn trước) bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh kèm theo bản tóm tắt bằng tiếng Việt. 2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm: a) Đơn đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ thông tin về thuốc thử lâm sàng bao gồm: - Tài liệu nghiên cứu về thuốc: thành phần công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, phiếu kiểm nghiệm thuốc (đối với thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: phiếu kiểm nghiệm của cơ sở kiểm nghiệm thuốc của nhà nước đáp ứng GLP hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc đạt GLP phù hợp với phạm vi hoạt động thực hiện hoặc của nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP); đối với vắc xin: phiếu kiểm nghiệm chất lượng của cơ quan kiểm định quốc gia hoặc chứng nhận xuất xưởng đối với lô vắc xin, sinh phẩm); -Tài liệu nghiên cứu tiền lâm sàng của thuốc cần thử: các báo cáo nghiên cứu về tác dụng dược lý, độc tính, tính an toàn, đề xuất về liều dùng, đường dùng, cách sử dụng; - Tài liệu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng các giai đoạn trước (nếu đề nghị thử thuốc trên lâm sàng ở giai đoạn tiếp theo và thuốc không thuộc đối tượng được miễn thử các giai đoạn trước đó). c) Hồ sơ pháp lý của thuốc thử lâm sàng bao gồm: - Bản sao văn bản chấp thuận đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. - Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có dấu của cơ sở có xuất trình bản chính để đối chiếu văn bản yêu cầu thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 4 của cơ quan quản lý về dược có thẩm quyền đối với thuốc đề nghị thử lâm sàng giai đoạn 4; - Tờ hướng dẫn sử dụng đã được cấp phép lưu hành đối với các thuốc đề nghị thử lâm sàng giai đoạn 4; - Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có dấu của cơ sở có xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc; - Văn bản xác nhận tham gia của các tổ chức nghiên cứu đối với nghiên cứu đa trung tâm tại Việt Nam; - Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có dấu của cơ sở có xuất trình bản chính để đối chiếu Văn bản chấp thuận tham gia nghiên cứu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các nghiên cứu tại thực địa; - Hợp đồng hợp tác nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử và cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng; hợp đồng hợp tác giữa tổ chức, cá nhân có thuốc thử với tổ chức hỗ trợ nghiên cứu (nếu có). d) Đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng và bản thuyết minh bao gồm: - Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; - Phiếu thu thập thông tin nghiên cứu hoặc Bệnh án nghiên cứu (Case Report Form - CRF); đ) Lý lịch khoa học và bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của nghiên cứu viên chính do Bộ Y tế hoặc do các cơ sở có chức năng đào tạo về GCP cấp; e) Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; g) Biên bản thẩm định về khoa học và đạo đức trong nghiên cứu của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở; h) Nhãn thuốc nghiên cứu theo Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. 3. Hồ sơ đề nghị phê duyệt thay đổi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm: a) Đơn đề nghị phê duyệt thay đổi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; b) Phiên bản cập nhật của các tài liệu tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này đã được thay đổi; c) Biên bản thẩm định của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở đối với những thay đổi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và quyền lợi người tham gia thử thuốc hoặc ảnh hưởng đến thiết kế, quy trình và thủ tục nghiên cứu. 4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng bao gồm: a) Đơn đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 11 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản sao đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt; c) Bản sao Quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt; d) Biên bản thẩm định kết quả thử thuốc trên lâm sàng của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở; đ) Báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 12 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 20. Yêu cầu về ngôn ngữ, hình thức và tính pháp lý của hồ sơ 1. Ngôn ngữ của hồ sơ: Hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng phải được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Trường hợp không thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì phải có thêm bản dịch công chứng của tài liệu đó ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh (bao gồm cả nội dung chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự). 2. Hình thức hồ sơ: Hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng phải được chuẩn bị trên khổ giấy A4, được đóng chắc chắn, có mục lục, tài liệu được sắp xếp theo đúng trình tự của mục lục, có phân cách và chỉ dẫn giữa các mục, các phần phân cách phải được đánh số thứ tự để dễ tham khảo. 3. Tính pháp lý của hồ sơ: a) Đơn đăng ký và nội dung các hồ sơ đăng ký phải được người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của tổ chức đăng ký ký và đóng dấu theo quy định; b) Đối với các giấy tờ do cơ quan quản lý nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật. Điều 21. Thủ tục, trình tự đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ Hồ sơ đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. 2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có văn bản thông báo, hướng dẫn cụ thể cho tổ chức, cá nhân bổ sung cho đến khi hồ sơ hợp lệ. 3. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, hồ sơ đã nộp không còn giá trị. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản chấp thuận nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 13 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 22. Thủ tục, trình tự phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ Hồ sơ đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. 2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có văn bản thông báo, hướng dẫn cụ thể cho cơ sở bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ hợp lệ. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, thủ tục phê duyệt nghiên cứu phải thực hiện lại từ đầu. 3. Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Y tế tổ chức họp Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (sau đây viết tắt là Hội đồng đạo đức quốc gia) và có biên bản thẩm định đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản thẩm định của Hội đồng đạo đức quốc gia, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng nếu đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đạt yêu cầu. Trường hợp đề cương nghiên cứu không được phê duyệt hoặc cần sửa chữa, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản thông báo cho cơ sở và nêu rõ lý do. 5. Trường hợp đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng cần sửa chữa, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, thủ tục phê duyệt đề cương nghiên cứu phải thực hiện lại từ đầu. 6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề cương nghiên cứu đã được hoàn chỉnh theo đúng văn bản thông báo, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. Điều 23. Thủ tục, trình tự phê duyệt thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ Hồ sơ đề nghị phê duyệt thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. 2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có văn bản thông báo, hướng dẫn cụ thể cho cơ sở bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ hợp lệ. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, thủ tục phê duyệt nghiên cứu phải thực hiện lại từ đầu. 3. Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Y tế tổ chức họp Hội đồng đạo đức quốc gia và có biên bản thẩm định thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản thẩm định của Hội đồng đạo đức quốc gia, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định phê duyệt sửa đổi, bổ sung đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng nếu đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đạt yêu cầu. Trường hợp đề cương nghiên cứu không được phê duyệt hoặc cần sửa chữa, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản thông báo cho cơ sở và nêu rõ lý do. 5. Trường hợp đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng cần sửa chữa, cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, thủ tục phê duyệt đề cương nghiên cứu phải thực hiện lại từ đầu. 6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề cương nghiên cứu đã được hoàn chỉnh theo đúng văn bản thông báo, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định phê duyệt sửa đổi, bổ sung đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. Điều 24. Tổ chức thực hiện thử thuốc trên lâm sàng Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng tổ chức thực hiện việc thử thuốc trên lâm sàng theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt và các hướng dẫn GCP. Điều 25. Thủ tục, trình tự phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng 1. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ Hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng bằng tiếng Việt đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. 2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có văn bản thông báo, hướng dẫn cụ thể cho cơ sở bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ hợp lệ. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, thủ tục phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng phải thực hiện lại từ đầu. 3. Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Y tế tổ chức họp Hội đồng đạo đức quốc gia và có biên bản nghiệm thu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng trong đó phải có kết luận đạt yêu cầu; đạt nhưng cần sửa chữa, bổ sung hoặc không đạt yêu cầu. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản nghiệm thu đạt yêu cầu về an toàn, hiệu quả của Hội đồng đạo đức quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo quyết định phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 14 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp biên bản nghiệm thu đạt nhưng cần sửa chữa, bổ sung hoặc không đạt yêu cầu về an toàn, hiệu quả, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản thông báo cho cơ sở và nêu rõ lý do. 5. Trường hợp biên bản nghiệm thu đạt nhưng cần sửa chữa, bổ sung, cơ sở có trách nhiệm phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo. Quá thời hạn này, thủ tục phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng phải thực hiện lại từ đầu. 6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đã được hoàn chỉnh theo đúng văn bản thông báo, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo quyết định phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng. Chương VIII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 26. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. 2. Bãi bỏ Điều 2, Điều 3, Điều 4, Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI, Chương VII, Chương VIII, Điều 39, Điều 40 của Thông tư số 03/2012/TT-BYT ngày 02/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng và Quyết định số 799/QĐ-BYT ngày 07/03/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng” kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Điều 27. Điều khoản tham chiếu Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. Điều 28. Điều khoản chuyển tiếp Hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xem xét và thẩm định theo Thông tư số 03/2012/TT-BYT ngày 02/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng hoặc theo quy định của Thông tư này trong trường hợp cơ sở có đề nghị. Điều 29. Tổ chức thực hiện 1. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế có trách nhiệm: a) Làm đầu mối tổ chức thực hiện đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng và các cơ sở có hoạt động nhận thử thuốc trên lâm sàng không vì mục đích thương mại; b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn nội dung Thông tư này; c) Làm đầu mối, phối hợp với đơn vị có liên quan hướng dẫn triển khai cho Sở Y tế, Y tế ngành và cơ sở thử thuốc trên lâm sàng thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; d) Tổng hợp và công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng và các cơ sở có hoạt động nhận thử thuốc trên lâm sàng không vì mục đích thương mại trên toàn quốc đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy chứng nhận đạt GCP, cập nhật tình trạng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy chứng nhận đạt GCP, tình trạng đáp ứng GCP và thông tin khác theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; đ) Công bố tài liệu cập nhật GCP trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; e) Đầu mối hoặc phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Y tế thực hiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ đáp ứng GCP và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; g) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và cơ sở thử thuốc trên lâm sàng thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan; h) Làm đầu mối giúp Bộ Y tế tổ chức các phiên họp Hội đồng đạo đức quốc gia để thẩm định đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, thẩm định thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, nghiệm thu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; thực hiện việc phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng; i) Tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất quá trình thử thuốc trên lâm sàng. 2. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có trách nhiệm: a) Làm đầu mối tổ chức thực hiện đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc và các cơ sở có hoạt động nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại; b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến nội dung, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này; c) Tổng hợp và công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc và các cơ sở có hoạt động nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại trên toàn quốc đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy chứng nhận đạt GCP, cập nhật tình trạng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy chứng nhận đạt GCP, tình trạng đáp ứng GCP và thông tin khác theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; d) Đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Y tế thực hiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ đáp ứng GCP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc và các cơ sở có hoạt động nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. 3. Sở Y tế có trách nhiệm: a) Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức phổ biến Thông tư này và hướng dẫn triển khai cho đơn vị trên địa bàn; b) Tham gia Đoàn kiểm tra đánh giá việc đáp ứng GCP; giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền việc tuân thủ GCP đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng thuộc địa bàn quản lý. 4. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm: a) Tổ chức thực hiện Thông tư này phù hợp với thực tế của cơ sở; b) Bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP trong suốt quá trình hoạt động của cơ sở; c) Thực hiện hoạt động thử thuốc trên lâm sàng theo đúng phạm vi được cấp phép trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật; d) Tuân thủ các quy định về thời hạn, hồ sơ, thủ tục đánh giá việc đáp ứng GCP theo quy định của Thông tư này; đ) Chịu sự thanh tra, kiểm tra, đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng GCP của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Điều 30. Trách nhiệm thi hành Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng TTĐTCP); - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng Bộ Y tế; - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL); - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; - Y tế các Bộ, Ngành; - Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; - Tổng công ty dược Việt Nam - Công ty cổ phần; - Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam; - Hội Dược học Việt Nam; - Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế; - Trang thông tin điện tử Cục KHCN&ĐT; - Lưu: VT, PC, K2ĐT (05). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trương Quốc Cường PHỤ LỤC I THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG (Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2018/TT-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thử thuốc trên lâm sàng) Chương I CÁC THUẬT NGỮ VÀ NGUYÊN TẮC TRONG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 1. Các thuật ngữ 1. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng là tổ chức, cá nhân sở hữu thuốc nghiên cứu, có nhu cầu thử thuốc trên lâm sàng và có cam kết cung cấp tài chính cho thử thuốc trên lâm sàng. 2. Nghiên cứu viên là người chịu trách nhiệm thực hiện nghiên cứu tại địa điểm nghiên cứu. 3. Nghiên cứu viên chính là nghiên cứu viên chỉ đạo, chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc hoàn thành nghiên cứu và báo cáo trực tiếp quá trình, kết quả nghiên cứu với nhà tài trợ. 4. Quy trình thực hành chuẩn (Standard Operation Proceduce - SOP) là văn bản hướng dẫn chi tiết để đạt được sự thống nhất trong việc thực hiện một công việc, nhiệm vụ cụ thể trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 5. Giám sát nghiên cứu (Research monitoring and supervision) là quá trình kiểm tra, theo dõi tiến độ nghiên cứu, sự tuân thủ của nghiên cứu viên theo đề cương đã được phê duyệt và những quy định của pháp luật về nghiên cứu. 6. Kiểm tra của Hội đồng đạo đức hoặc kiểm tra của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng (audit) là việc kiểm tra có hệ thống và độc lập các hoạt động và các tài liệu liên quan đến nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng để xác định các hoạt động liên quan nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng được đánh giá có được tiến hành, các dữ liệu có được ghi chép, phân tích và báo cáo chính xác theo đúng đề cương, các SOP của nhà tài trợ, GCP và các quy định của pháp luật. 7. Kiểm tra của cơ quan quản lý có thẩm quyền (inspection) là hoạt động của cơ quan quản lý tiến hành đánh giá chính thức các tài liệu, cơ sở vật chất, hồ sơ và các nguồn lực khác liên quan tới nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. Kiểm tra của Cơ quan quản lý có thể tiến hành tại nơi thử nghiệm, cơ sở của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoặc tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, hoặc tại các cơ sở khác được cơ quan quản lý coi là phù hợp. 8. Biến cố bất lợi (adverse event - AE) là sự việc hoặc tình trạng y khoa bao gồm bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng, tình trạng bệnh tật hoặc kết quả xét nghiệm có chiều hướng xấu xảy ra trong quá trình, thời gian thử thuốc trên lâm sàng ảnh hưởng đến người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, có hoặc không có liên quan đến thuốc thử lâm sàng. 9. Biến cố bất lợi nghiêm trọng (serious adverse event - SAE) là biến cố bất lợi có thể dẫn tới một trong các tình huống sau đây trên người tham gia thử thuốc trên lâm sàng: a) Tử vong; b) Đe dọa tính mạng; c) Phải nhập viện hoặc kéo dài thời gian nằm viện; d) Tàn tật, thương tật vĩnh viễn hoặc nghiêm trọng; đ) Dị tật bẩm sinh hoặc dị dạng cho thai nhi của người tham gia thử thuốc; e) Tình huống phải có can thiệp y khoa phù hợp để ngăn chặn hoặc phòng tránh một trong những tình huống quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản này hoặc các tình huống khác có ý nghĩa về mặt y khoa theo nhận định của nghiên cứu viên tại điểm nghiên cứu. 10. Biến cố bất lợi ngoài dự kiến trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc (biến cố bất lợi ngoài dự kiến - unexpected SAE) là các biến cố bất lợi xảy ra trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, mà bản chất hoặc mức độ nặng hoặc mức độ đặc hiệu hoặc hậu quả đối với người bệnh của biến cố không giống với mô tả hoặc chưa được dữ liệu chi tiết từ trước trong đề cương hoặc các tài liệu nghiên cứu có liên quan. Điều 2. Các nguyên tắc Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng 1. Nguyên tắc 1: Các thử thuốc trên lâm sàng phải được tiến hành theo những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghiên cứu y sinh học trong Tuyên ngôn Helsinki đã được Hiệp hội Y khoa thế giới (World Medical Association - WMA) thông qua lần đầu tiên vào năm 1964 tại Helsinki (Phần Lan) và được cập nhật định kỳ. 2. Nguyên tắc 2: Các lợi ích và rủi ro hay những bất tiện đối với người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, đối với xã hội hoặc cộng đồng dân cư cần phải được cân nhắc, xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng trước khi bắt đầu một nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng trên cơ sở bảo đảm sự an toàn, sức khỏe và quyền lợi của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng. 3. Nguyên tắc 3: Việc thử thuốc trên lâm sàng chỉ bắt đầu tiến hành nếu dự đoán lợi ích cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng và cho xã hội là vượt trội so với rủi ro có thể xảy ra. Những lợi ích về mặt khoa học và xã hội cần phải được cân nhắc, xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm sự an toàn, sức khỏe và quyền lợi của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng. 4. Nguyên tắc 4: Thử thuốc trên lâm sàng phải được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt đề cương, quy trình nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức, Hội đồng khoa học thông qua và được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt. Bất kỳ thay đổi nào trong đề cương, quy trình nghiên cứu đều phải được báo cáo kịp thời và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt đầy đủ. 5. Nguyên tắc 5: Việc xét duyệt các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng cần được xem xét toàn diện, kỹ lưỡng trên cơ sở được cung cấp đầy đủ các thông tin về tiền lâm sàng, lâm sàng và những kết quả nghiên cứu khác từ trước có liên quan đến thuốc thử (nếu có). 6. Nguyên tắc 6: Người tham gia nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng được bảo đảm các quyền sau: cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan theo Mẫu số 09 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; yêu cầu giải thích và làm rõ thêm các thông tin liên quan đến nghiên cứu khi cần thiết; tôn trọng những đặc điểm riêng về văn hóa, tập quán của cá nhân, vùng, dân tộc và quyết định việc tham gia hay không tham gia nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; cung cấp miễn phí các dịch vụ y tế một cách phù hợp; người tham gia nghiên cứu chưa đến tuổi thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo quy định của pháp luật về việc tham gia thử thuốc trên lâm sàng. 7. Nguyên tắc 7: Cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm bố trí các bác sỹ có chuyên môn phù hợp để thực hiện việc chăm sóc y tế và đưa ra các quyết định y tế đối với người tham gia thử thuốc trên lâm sàng trong các trường hợp cần thiết và theo quy định của pháp luật. 8. Nguyên tắc 8: Mỗi cá nhân tham gia việc tiến hành thử thuốc trên lâm sàng cần bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, được đào tạo, bồi dưỡng và có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tương ứng của họ trong thử thuốc trên lâm sàng. 9. Nguyên tắc 9: Mọi thông tin về thử thuốc trên lâm sàng phải được ghi chép, xử lý, quản lý và lưu giữ đúng quy định để có thể có báo cáo chính xác, lý giải, giám sát kiểm tra tính chính xác và tin cậy của các thông tin và dữ liệu về thử thuốc trên lâm sàng. 10. Nguyên tắc 10: Các tài liệu ghi chép được sử dụng để xác định danh tính của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải được bảo vệ và lưu giữ bảo đảm quyền được giữ bí mật riêng phù hợp với quy định của pháp luật. 11. Nguyên tắc 11: Thuốc thử phải được sản xuất, quản lý theo quy định, bảo quản phù hợp với các hướng dẫn thực hành tốt tương ứng và chỉ được sử dụng cho nghiên cứu theo đúng đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt. 12. Nguyên tắc 12: Hệ thống bảo đảm chất lượng và các phương pháp để bảo đảm chất lượng trong thử thuốc trên lâm sàng phải được thực hiện đầy đủ và chính xác theo đúng các quy định về bảo đảm chất lượng trong hướng dẫn này và các quy định pháp luật về bảo đảm chất lượng thuốc dùng trong nghiên cứu. 13. Nguyên tắc 13: Tôn trọng văn hóa, bản sắc, truyền thống và tập tục của cộng đồng dân cư nơi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện. Chương II QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 3. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng Quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có thuốc thử lâm sàng thực hiện theo Điều 92 của Luật Dược số 105/2016/QH13. Điều 4. Quyền và trách nhiệm của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng Quyền và trách nhiệm của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật Dược số 105/2016/QH13. Điều 5. Quyền và trách nhiệm của nghiên cứu viên 1. Nghiên cứu viên có các quyền sau đây: a) Được hưởng quyền lợi về tài chính theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng; b) Ký hợp đồng nghiên cứu với nghiên cứu viên chính hoặc cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng để phối hợp thực hiện một số nội dung đặc thù của thử thuốc trên lâm sàng trên cơ sở tuân thủ đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đã được phê duyệt; c) Đề xuất với nghiên cứu viên chính thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng trong trường hợp cần thiết; d) Đề xuất với nghiên cứu viên chính dừng hoặc kết thúc sớm thư thuốc trên lâm sàng nếu phát hiện biến cố bất lợi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người tham gia thử thuốc hoặc của cộng đồng. 2. Nghiên cứu viên có các trách nhiệm sau đây: a) Tham gia góp ý đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng cùng các tài liệu có liên quan; b) Phối hợp với cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt nghiên cứu thứ thuốc trên lâm sàng; c) Thực hiện các nội dung được nghiên cứu viên chính phân công liên quan đến việc triển khai nghiên cứu; lựa chọn người tham gia thử thuốc; ghi chép, lưu giữ tài liệu nguồn, tài liệu thiết yếu; báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định; theo dõi, giám sát việc thực hiện nghiên cứu theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt và các quy định hiện hành; d) Tuân thủ đề cương và quy trình nghiên cứu đã được phê duyệt ngoại trừ trường hợp cần thay đổi ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người tham gia thử thuốc; đ) Đề xuất nghiên cứu viên chính thay đổi đề cương nghiên cứu trong trường hợp cần thiết. Việc triển khai đề cương thay đổi chỉ được tiến hành sau khi đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt; e) Bồi thường thiệt hại cho người tham gia thử thuốc khi xảy ra biến cố bất lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người tham gia thử thuốc mà nguyên nhân là do nghiên cứu viên vi phạm đề cương nghiên cứu; g) Phối hợp với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Điều 6. Quyền và trách nhiệm của nghiên cứu viên chính 1. Nghiên cứu viên chính có các quyền sau đây: a) Được hưởng quyền lợi về tài chính theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng; b) Đề xuất đơn vị phối hợp và danh sách nghiên cứu viên với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và cơ quan quản lý; c) Đề xuất phòng thí nghiệm có hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và cơ quan quản lý; d) Ký hợp đồng nghiên cứu với cơ quan, tổ chức, cá nhân để phối hợp thực hiện một số nội dung đặc thù của thử thuốc trên lâm sàng trên cơ sở tuân thủ đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt; đ) Đề xuất tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng thay đổi đề cương nghiên cứu trong trường hợp cần thiết; e) Dừng hoặc kết thúc sớm nghiên cứu nếu phát hiện biến cố bất lợi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người tham gia thử thuốc hoặc của cộng đồng; g) Công bố kết quả nghiên cứu theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng. 2. Nghiên cứu viên chính có các trách nhiệm sau đây: a) Chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn và sức khỏe của người tham gia thử thuốc tại cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng; b) Thiết kế hoặc tham gia góp ý đề cương nghiên cứu, bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu cùng các tài liệu nghiên cứu có liên quan; c) Phối hợp với cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; d) Tổ chức triển khai nghiên cứu; lựa chọn người tham gia thử thuốc; ghi chép, lưu giữ tài liệu nguồn, tài liệu thiết yếu; báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định; theo dõi, giám sát việc thực hiện nghiên cứu theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt và các quy định hiện hành; đ) Tuân thủ đề cương và quy trình nghiên cứu đã được phê duyệt, trừ trường hợp cần thay đổi ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người tham gia thử thuốc; e) Thực hiện việc chi trả cho người tham gia thử thuốc theo nội dung của Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được phê duyệt; g) Đề xuất tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng thay đổi đề cương nghiên cứu trong trường hợp cần thiết. Việc triển khai đề cương thay đổi chỉ được tiến hành sau khi đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt; h) Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến thử thuốc trên lâm sàng cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi có yêu cầu kiểm tra, giám sát và thanh tra nghiên cứu; i) Bồi thường thiệt hại cho người tham gia thử thuốc khi xảy ra biến cố bất lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người tham gia thử thuốc mà nguyên nhân là do nghiên cứu viên chính vi phạm đề cương nghiên cứu; k) Phối hợp với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng Quyền và nghĩa vụ của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện theo quy định tại Điều 91 của Luật Dược số 105/2016/QH13. Chương III ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 8. Đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Tổ chức cá nhân có thuốc thử lâm sàng phối hợp với nghiên cứu viên chính chịu trách nhiệm xây dựng đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 2. Đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng phải được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiến hành nghiên cứu. 3. Thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng: a) Đối với những thay đổi về hành chính: cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng có văn bản báo cáo Hội đồng đạo đức các cấp và cơ quan quản lý có thẩm quyền. b) Đối với những thay đổi không ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tham gia thử thuốc, thiết kế, quy trình và thủ tục nghiên cứu: cần được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định và chấp thuận. Hồ sơ và quy trình thẩm định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BYT ngày 16/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học. c) Đối với những thay đổi có ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tham gia thử thuốc hoặc có ảnh hưởng đến thiết kế, quy trình và thủ tục nghiên cứu: phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ đề nghị phê duyệt thay đổi và thủ tục, trình tự phê duyệt thay đổi đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện theo quy định tại các điều 19 và 23 Thông tư này. Điều 9. Thiết kế nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Thiết kế nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng cần bảo đảm tính khoa học, tính khả thi và phù hợp với từng giai đoạn nghiên cứu cũng như đặc tính của thuốc thử, cụ thể như sau: 1. Thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1 được thực hiện trên người tình nguyện khỏe mạnh hoặc bệnh nhân. Việc lựa chọn nhóm người tham gia thử thuốc phải được lý giải hợp lý dựa trên việc cân nhắc các nguy cơ và lợi ích của thuốc nghiên cứu. 2. Thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 2, 3 và 4 được thực hiện trên bệnh nhân (đối với nghiên cứu đánh giá tác dụng điều trị) hoặc người tham gia thử thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao (đối với nghiên cứu đánh giá tác dụng dự phòng). Trong trường hợp cần có sự tham gia của nhóm đối tượng khác phải có lý giải phù hợp. 3. Việc lựa chọn nhóm đối chứng, so sánh trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng cần được cân nhắc và lý giải hợp lý trong số các phương pháp dưới đây: a) So sánh đối chứng với giả dược; b) So sánh đối chứng với nhóm không điều trị bằng thuốc nghiên cứu; c) So sánh đối chứng giữa các mức liều khác nhau; d) So sánh đối chứng với một hoạt chất khác; đ) So sánh đối chứng với các dữ liệu lịch sử. 4. Nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 3 để phục vụ mục đích đăng ký thuốc phải được thiết kế phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng. Trong trường hợp việc phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi hoặc đối chứng không khả thi phải có lý giải phù hợp. 5. Đối với các nghiên cứu khẳng định an toàn và hiệu lực trong thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 3, có thể áp dụng các nguyên tắc sau đây trong thiết kế nghiên cứu để giảm thiểu các sai lệch: a) Làm mù trong nghiên cứu giai đoạn 3 là yêu cầu bắt buộc đối với trường hợp biến số chính của nghiên cứu có tính chất chủ quan hoặc khó đo lường chính xác (ví dụ: mức độ đau, mức độ đáp ứng của khối u trên phim chụp cộng hưởng từ...) nhưng không bắt buộc đối với các nghiên cứu mà biến số chính có thể đo lường được khách quan và chính xác. Trường hợp không thể làm mù phải có lý giải hợp lý về cách thức kiểm soát, giảm thiểu sai số được sử dụng trong nghiên cứu. b) Phân nhóm ngẫu nhiên là yêu cầu quan trọng đối với các nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 để đảm bảo khách quan trong việc chia nhóm. Trường hợp không thể phân nhóm ngẫu nhiên phải có lý giải hợp lý. 6. Đối với các thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền, tùy theo kinh nghiệm, sự hiểu biết và mức độ thuyết phục của các bằng chứng về an toàn và hiệu quả của các thành phần dược liệu mà việc thiết kế trong từng giai đoạn nghiên cứu sẽ được xem xét dựa trên từng hồ sơ, đề cương cụ thể. 7. Nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 4 là nghiên cứu sau khi thuốc đã được cấp phép lưu hành. Nghiên cứu giai đoạn 4 có thể được thiết kế như một nghiên cứu quan sát không can thiệp; nghiên cứu giám sát an toàn dựa trên các cơ sở dữ liệu y tế hoặc hệ thống báo cáo giám sát an toàn sẵn có hoặc thiết kế chặt chẽ giống như nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 3 để khẳng định tính an toàn hoặc hiệu quả của thuốc trong điều kiện sử dụng thực tế. Điều 10. Cỡ mẫu nghiên cứu 1. Cỡ mẫu cần được tính toán và lý giải một cách hợp lý để đạt được mục tiêu nghiên cứu. Các giả định để đưa vào tính toán cỡ mẫu nghiên cứu cần nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo, cần thực hiện việc phân tích độ nhạy của cỡ mẫu theo biến thiên các tham số giả định. 2. Trong quá trình nghiên cứu, nếu phát hiện thấy các giả định để đưa vào tính toán cỡ mẫu có sự khác biệt đáng kể với thực tế, thì phải tính toán lại cỡ mẫu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 3. Cỡ mẫu trong nghiên cứu giai đoạn 1 cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng. Cỡ mẫu khuyến cáo là 10-30 đối tượng (bao gồm cả nhóm can thiệp và nhóm chứng, nếu có). Trong trường hợp cỡ mẫu ít hơn thì phải lý giải hợp lý. 4. Cỡ mẫu trong nghiên cứu giai đoạn 2 được khuyến cáo ít nhất là 50 đối tượng (bao gồm cả nhóm can thiệp và nhóm chứng, nếu có). Đối với các thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền, cỡ mẫu tối thiểu được khuyến cáo ít nhất là 30 đối tượng. Trong trường hợp cỡ mẫu ít hơn thì phải lý giải hợp lý. 5. Cỡ mẫu trong nghiên cứu giai đoạn 3 phải được tính toán và biện giải đầy đủ. Cỡ mẫu nghiên cứu giai đoạn 3 phải đủ lớn để cho phép kiểm chứng một cách khoa học hiệu quả và an toàn của thuốc nghiên cứu. Cỡ mẫu khuyến cáo ít nhất là 100 đối tượng (bao gồm cả nhóm can thiệp và nhóm chứng, nếu có). Đối với các thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền, cỡ mẫu tối thiểu được khuyến cáo ít nhất là 50 đối tượng. Trong trường hợp cỡ mẫu ít hơn thì phải lý giải hợp lý. 6. Cỡ mẫu trong nghiên cứu giai đoạn 4 phải được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý hoặc phải được tính toán và biện giải đầy đủ. Cỡ mẫu phải đủ lớn để cho phép tiếp tục kiểm chứng một cách khoa học, hiệu quả và an toàn của thuốc nghiên cứu. Cỡ mẫu khuyến cáo ít nhất là 200 đối tượng (bao gồm cả nhóm can thiệp và nhóm chứng, nếu có). Trong trường hợp cỡ mẫu ít hơn thì phải lý giải hợp lý. Chương IV TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Điều 11. Triển khai nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng a) Các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng chỉ được phép triển khai khi được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt; b) Việc triển khai nghiên cứu trên người tham gia thử thuốc chỉ được bắt đầu sau khi các thông tin về nghiên cứu được thông báo đầy đủ cho người tham gia thử thuốc và người tham gia thử thuốc hoặc người đại diện hợp pháp đã ký Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu; c) Nhóm nghiên cứu, cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm tổ chức, triển khai nghiên cứu theo đúng đề cương nghiên cứu, quy trình nghiên cứu đã được phê duyệt; d) Tài liệu thiết yếu trước khi tiến hành, trong quá trình triển khai và sau khi kết thúc nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo Mẫu số 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Phụ lục này; đ) Bộ Y tế khuyến khích nghiên cứu viên chính đăng ký và công bố việc thực hiện nghiên cứu trên các cơ sở dữ liệu có uy tín trong và ngoài nước. Điều 12. Tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ sở vật chất phục vụ thử thuốc trên lâm sàng 1. Khu lâm sàng của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng (hoặc theo hợp đồng/văn bản liên kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở nhận thử vắc xin không có khu lâm sàng) phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật sau đây: a) Khu vực đón tiếp phải bố trí đủ chỗ ngồi cho ít nhất 30 người tham gia thử thuốc, bảo đảm che được mưa, nắng và thông thoáng; b) Khu vực tư vấn bảo đảm tính riêng tư cho người tham gia thử thuốc có đủ điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, thông khí; c) Phòng khám lâm sàng, phòng điều trị bảo đảm tính riêng tư cho người tham gia thử thuốc; d) Phòng tiêm, phòng thực hiện thủ thuật, phòng điều trị bảo đảm kín gió, thông thoáng và đủ ấm cho đối tượng; đ) Phòng cấp cứu có đủ diện tích phục vụ cấp cứu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; e) Phòng lưu người tham gia thử thuốc để theo dõi biến cố bất lợi sau khi sử dụng thuốc nghiên cứu (đối với các nghiên cứu vắc xin) phải đủ điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, thông khí; đủ diện tích để lưu đối tượng; g) Khu vệ sinh nam nữ riêng biệt phục vụ người tham gia thử thuốc; h) Bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn phòng cháy, chữa cháy và tuân thủ việc thu gom, quản lý và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của pháp luật; i) Khu vực thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1 hoặc thử tương đương sinh học cần bố trí khép kín, kiểm soát ra vào với quy mô tối thiểu 12 giường điều trị nội trú; phòng giám sát sinh lý trung tâm 24/24 giờ; phòng chuẩn bị thuốc; phòng giải trí, ăn uống; tủ giữ đồ đạc cá nhân cho người tham gia thử thuốc. 2. Phòng xét nghiệm của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng (hoặc theo hợp đồng/văn bản liên kết với cơ sở chuyên môn trong trường hợp cơ sở nhận thử vắc xin không có phòng xét nghiệm) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Đủ diện tích để bố trí trang thiết bị chuyên môn, hồ sơ tài liệu và không gian làm việc cho nhân viên phù hợp với quy mô hoạt động thử thuốc trên lâm sàng; b) Có hệ thống bảo đảm chất lượng phòng xét nghiệm phù hợp. 3. Khu vực bảo quản mẫu sinh học, thuốc nghiên cứu; khu vực lưu trữ hồ sơ, tài liệu nghiên cứu của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Khu vực bảo quản thuốc nghiên cứu riêng biệt, hạn chế tiếp cận, bảo đảm điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, diện tích, thể tích đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thuốc; b) Nơi lấy mẫu, xử lý, bảo quản mẫu bảo đảm vô trùng, đáp ứng các yêu cầu về xử lý, bảo quản mẫu theo quy định; c) Khu vực bảo quản hồ sơ, tài liệu đảm bảo tính bảo mật, hạn chế tiếp cận, phòng chống cháy, nổ; tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự xâm nhập của côn trùng và các động vật khác. 4. Bộ phận quản lý nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng chịu trách nhiệm giám sát, quản lý và điều phối các bộ phận trong cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: - Có phòng làm việc, phòng họp đủ điều kiện về diện tích, bàn ghế làm việc; - Đủ thiết bị văn phòng, máy vi tính được nối mạng internet, bảo mật và hạn chế tiếp cận. 5. Văn phòng Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: - Có phòng làm việc, phòng họp đủ điều kiện về diện tích, bàn ghế làm việc; - Đủ thiết bị văn phòng, máy vi tính được nối mạng internet, bảo mật và hạn chế tiếp cận. 6. Trang thiết bị phục vụ thử thuốc trên lâm sàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Có đủ trang thiết bị cơ bản phục vụ đánh giá, theo dõi sức khỏe người tham gia nghiên cứu; b) Có đủ thiết bị chuyên sâu áp dụng đối với các thử thuốc trên lâm sàng thuộc lĩnh vực chuyên khoa sâu; c) Có đủ trang thiết bị phục vụ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế; d) Có trang thiết bị xét nghiệm đáp ứng danh mục các xét nghiệm đăng ký phục vụ thử thuốc trên lâm sàng; đ) Có đủ thiết bị để bảo quản và theo dõi điều kiện bảo quản thuốc nghiên cứu phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn; e) Có đủ thiết bị tiêm, các dụng cụ, hóa chất để sát khuẩn, dụng cụ chứa chất thải y tế và các vật tư cần thiết theo quy định của Bộ Y tế; g) Có đủ trang thiết bị đáp ứng các yêu cầu về bảo quản mẫu sinh học; h) Có thiết bị theo dõi nhiệt độ tại nơi bảo quản và trong quá trình vận chuyển thuốc nghiên cứu; i) Các trang thiết bị xét nghiệm, bảo quản thuốc nghiên cứu, bảo quản mẫu sinh học phải được bố trí, thẩm định, sử dụng và bảo dưỡng phù hợp với mục đích sử dụng, được hiệu chuẩn và kiểm tra định kỳ bằng phương pháp thích hợp; k) Có hệ thống dự phòng điện khẩn cấp, bảo đảm cung cấp điện liên tục cho những khâu trọng yếu của nghiên cứu; hệ thống báo động và giám sát phù hợp cho các thiết bị bảo quản thuốc nghiên cứu, mẫu sinh học, thiết bị xét nghiệm; l) Đối với thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn 1: cần có hệ thống giám sát sinh lý đầu giường; hệ thống camera giám sát hỗ trợ giám sát an toàn và các thiết bị chuẩn bị thuốc phù hợp; m) Có thiết bị để bảo quản hồ sơ, tài liệu tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm; sự xâm nhập của côn trùng và các động vật khác và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Điều 13. Tài liệu chuyên môn kỹ thuật, quản lý chất lượng phục vụ thử thuốc trên lâm sàng 1. Tài liệu chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Có đầy đủ các tiêu chuẩn, hướng dẫn, quy trình thực hành chuẩn cho các hoạt động được thực hiện trong thử thuốc trên lâm sàng; b) Có văn bản thể hiện phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đăng ký thử thuốc trên lâm sàng; c) Có đủ các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng; d) Có văn bản quản lý, xử lý xung đột lợi ích trong thử thuốc trên lâm sàng; đ) Có hồ sơ nhân sự, hồ sơ đào tạo của các nghiên cứu viên được cập nhật ít nhất mỗi năm 1 lần; e) Có hồ sơ và cơ sở dữ liệu điện tử quản lý các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; g) Có đầy đủ tài liệu nguồn và tài liệu thiết yếu của các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 2. Hệ thống quản lý chất lượng áp dụng trong thử thuốc trên lâm sàng đạt tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương trở lên. Điều 14. Tiêu chuẩn chuyên môn đối với nhân sự 1. Tiêu chuẩn chuyên môn của nghiên cứu viên: a) Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc; b) Có chứng chỉ hành nghề còn giá trị phù hợp với công việc được giao (đối với các công việc quy định người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề); c) Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học GCP do Bộ Y tế cấp hoặc cơ sở có chức năng đào tạo về GCP cấp, cập nhật định kỳ 03 năm một lần; d) Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học báo cáo an toàn trong thử thuốc trên lâm sàng theo GCP do Bộ Y tế cấp hoặc cơ sở có chức năng đào tạo về báo cáo an toàn trong thử thuốc trên lâm sàng cấp, cập nhật định kỳ 03 năm một lần; đ) Đội ngũ nghiên cứu viên có đủ số lượng, thành phần phù hợp với công việc được giao và có đủ thời gian dành cho nghiên cứu. 2. Tiêu chuẩn của nghiên cứu viên chính: a) Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc; b) Có chứng chỉ hành nghề còn giá trị phù hợp với công việc được giao (đối với các công việc quy định người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề); c) Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học GCP do Bộ Y tế cấp hoặc cơ sở có chức năng đào tạo về GCP cấp, cập nhật định kỳ 03 năm một lần; d) Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học báo cáo an toàn trong thử thuốc trên lâm sàng theo GCP do Bộ Y tế cấp hoặc cơ sở có chức năng đào tạo về báo cáo an toàn trong thử thuốc trên lâm sàng cấp, cập nhật định kỳ 03 năm một lần; đ) Có đủ trình độ kiến thức về chuyên ngành, kinh nghiệm lâm sàng, năng lực thực hành bảo đảm các nguyên tắc GCP, nắm vững các quy định về thử thuốc trên lâm sàng, có khả năng triển khai thực hiện đề cương nghiên cứu đầy đủ, đúng tiến độ; e) Trong cùng một thời điểm nhất định mỗi nghiên cứu viên chính không chủ trì quá 03 nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 3. Thành viên bộ phận quản lý nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng: a) Có trình độ đại học trở lên thuộc khối ngành sức khỏe; b) Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học GCP do Bộ Y tế cấp hoặc cơ sở có chức năng đào tạo về GCP cấp, cập nhật định kỳ 03 năm một lần. 4. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BYT ngày 16/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học. Điều 15. Ghi chép, báo cáo, phân tích thống kê a) Ghi chép, báo cáo: Nghiên cứu viên chính có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, trung thực, bảo mật, toàn vẹn và có thể xác minh được của dữ liệu nghiên cứu. Việc sửa chữa dữ liệu phải theo đúng quy định: không xóa dữ liệu gốc, nghiên cứu viên được phân công ghi tên, ký xác nhận và ghi rõ ngày sửa chữa. Nghiên cứu viên chính phải đệ trình danh sách mã hóa người tham gia thử thuốc cho cơ quan quản lý sau khi thử thuốc trên lâm sàng kết thúc.Việc lưu giữ và đệ trình danh sách người tham gia thử thuốc sau giải mã phải được giữ bí mật. b) Phân tích thống kê: - Việc lập kế hoạch và thực hiện phân tích thống kê cần được thực hiện và thẩm định bởi nhà thống kê có đủ kinh nghiệm và năng lực; - Kế hoạch phân tích thống kê phải trình bày đầy đủ và chi tiết các thống kê mô tả hoặc thống kê suy luận của các biến số sẽ được thực hiện trong nghiên cứu theo đề cương đã được phê duyệt; phải mô tả biện pháp để đảm bảo tính mù của dữ liệu trong trường hợp nghiên cứu sử dụng thiết kế mà người phân tích thống kê bị làm mù một phần dữ liệu nghiên cứu; - Việc phân tích thống kê cần tuân thủ kế hoạch phân tích. Trong trường hợp việc phân tích thống kê có thay đổi so với kế hoạch cần có trình bày chi tiết và lý giải phù hợp. Việc phân tích giữa kỳ (nếu có áp dụng) phải được xác định rõ trong đề cương và kế hoạch phân tích thống kê; - Kết quả phân tích thống kê phải phù hợp với các mục tiêu nghiên cứu và trả lời được câu hỏi nghiên cứu. Điều 16. Giám sát, kiểm tra nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Giám sát: a) Mục đích: bảo vệ quyền và sức khỏe của người tham gia thử thuốc; bảo đảm tính chính xác, đầy đủ và trung thực của dữ liệu nghiên cứu; bảo đảm việc tiến hành thử thuốc tuân thủ đề cương nghiên cứu, tuân thủ GCP và các quy định pháp lý liên quan. b) Thẩm quyền giám sát: - Tổ chức cá nhân có thuốc thử lâm sàng cử giám sát viên giám sát định kỳ nghiên cứu. Giám sát viên do tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng chỉ định và được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BYT ngày 26/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động hỗ trợ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện vi phạm đề cương nghiêm trọng gây tổn hại đến an toàn của đối tượng hoặc tính chính xác, trung thực của dữ liệu, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng được quyền dừng nghiên cứu và gửi thông báo tới Hội đồng đạo đức các cấp và cơ quan quản lý đồng thời thông báo cho cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính. - Hội đồng đạo đức giám sát đột xuất hoặc định kỳ nghiên cứu. c) Quy trình giám sát: - Tổ chức cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoặc Hội đồng đạo đức gửi thông báo về đợt giám sát tới cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính ít nhất 05 ngày trước thời điểm giám sát. - Biên bản hoặc báo cáo giám sát cần được hoàn thiện và gửi cho cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính chậm nhất 20 ngày sau ngày kết thúc giám sát. d) Quy mô và tần suất giám sát: Căn cứ vào mục tiêu, mục đích, thiết kế, tính phức tạp, kỹ thuật làm mù, quy mô, kết điểm của nghiên cứu, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và Hội đồng đạo đức quyết định quy mô và tần suất giám sát trước, trong, sau thử thuốc trên lâm sàng. đ) Nội dung giám sát: - Các nguồn lực của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng trước khi tiến hành thử thuốc trên lâm sàng; - Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu, quy trình lấy phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu; - Hồ sơ, tài liệu nguồn, tài liệu thiết yếu của nghiên cứu; - Thuốc nghiên cứu (hạn dùng, điều kiện bảo quản, quản lý, cấp phát cho người tham gia thử thuốc); - Sự tuân thủ đề cương nghiên cứu (gồm cả đề cương thay đổi) đã được phê duyệt của nghiên cứu viên; - Ghi chép, báo cáo biến cố bất lợi trong thử thuốc trên lâm sàng; - Các nội dung khác có liên quan đến nghiên cứu. 2. Kiểm tra của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoặc Hội đồng đạo đức: a) Mục đích: đánh giá sự phù hợp của việc thực hiện thử thuốc trên lâm sàng với hệ thống chất lượng của nghiên cứu, với các SOP của nghiên cứu, đề cương nghiên cứu, GCP và các yêu cầu pháp lý liên quan. Kiểm tra là một phần của hoạt động đảm bảo chất lượng nên chú trọng đến tính hệ thống và có thể kiểm tra chất lượng của công tác giám sát. b) Thẩm quyền: - Tổ chức cá nhân có thuốc thử lâm sàng cử kiểm tra viên kiểm tra định kỳ nghiên cứu. Kiểm tra viên do tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng chỉ định và được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BYT ngày 26/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động hỗ trợ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm đề cương nghiêm trọng gây tổn hại đến an toàn của đối tượng hoặc tính chính xác, trung thực của dữ liệu, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng được quyền dừng nghiên cứu và gửi thông báo tới Hội đồng đạo đức các cấp và cơ quan quản lý đồng thời thông báo cho cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính. - Hội đồng đạo đức kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ nghiên cứu. c) Quy trình: - Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoặc Hội đồng đạo đức gửi thông báo về đợt kiểm tra tới cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính ít nhất 05 ngày trước thời điểm kiểm tra. - Biên bản hoặc báo cáo kiểm tra cần được hoàn thiện và gửi cho cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính chậm nhất 20 ngày sau ngày kết thúc kiểm tra. d) Quy mô và tần suất: Căn cứ vào mục tiêu, mục đích, thiết kế, tính phức tạp, kỹ thuật làm mù, quy mô, kết điểm của nghiên cứu, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và Hội đồng đạo đức quyết định quy mô và tần suất kiểm tra trước, trong, sau thử thuốc trên làm sàng. đ) Nội dung kiểm tra: Các nội dung tương tự với nội dung giám sát tại khoản 1 điểm đ Điều này 3. Kiểm tra của cơ quan quản lý có thẩm quyền: a) Mục đích: bảo đảm quyền và sức khỏe của người tham gia thử thuốc, bảo đảm chất lượng và tính toàn vẹn của dữ liệu nghiên cứu, bảo đảm trách nhiệm của các bên liên quan trong nghiên cứu được thực hiện theo quy định, kịp thời phát hiện các vi phạm đề cương nghiên cứu. b) Thẩm quyền: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế chủ trì kiểm tra thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam. c ) Quy trình: - Bộ Y tế gửi thông báo về đợt kiểm tra tới tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng ít nhất 05 ngày trước thời điểm kiểm tra. - Biên bản kiểm tra cần được hoàn thiện và gửi cho tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng chậm nhất 20 ngày sau ngày kết thúc kiểm tra. d) Quy mô và tần suất: căn cứ vào mục tiêu, mục đích, thiết kế, tính phức tạp, kỹ thuật làm mù, quy mô, kết điểm của nghiên cứu, Bộ Y tế quyết định quy mô và tần suất kiểm tra trước, trong, sau thử thuốc trên lâm sàng. đ) Nội dung: - Đối với cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng: các nguồn lực dành cho nghiên cứu; Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu, quy trình lấy thỏa thuận tình nguyện tham gia nghiên cứu; thu thập dữ liệu nghiên cứu; ghi chép và lưu trữ tài liệu nguồn và tài liệu thiết yếu; các nội dung liên quan đến thuốc nghiên cứu (quản lý, bảo quản, kiểm kê, sử dụng...). - Đối với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng: các nguồn lực dành cho nghiên cứu, hoạt động giám sát, kiểm tra của tổ chức, cá nhân có thuốc thử; tuân thủ các SOP; lưu giữ hồ sơ, tài liệu nghiên cứu; quản lý dữ liệu nghiên cứu và các thông tin liên quan khác. - Các hoạt động của cơ sở phối hợp có liên quan đến thử thuốc trên lâm sàng; - Các hoạt động giám sát và kiểm tra của Hội đồng đạo đức và tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng. Điều 17. Xử trí các biến cố bất lợi (AE) trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam 1. Trường hợp xảy ra AE gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng hoặc tử vong cho người tham gia thử thuốc trong thử thuốc trên lâm sàng, nghiên cứu viên chính và cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng phải dừng ngay thử thuốc trên đối tượng đó, cấp cứu, khắc phục và giải quyết hậu quả, lập biên bản trong trường hợp tử vong, đồng thời báo cáo khẩn ngay qua điện thoại, thư điện tử cho Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế và Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc, theo dõi phản ứng có hại của thuốc và báo cáo bằng văn bản theo quy định tại Điều 18 Phụ lục này. 2. Trường hợp xảy ra AE dẫn đến tổn thương sức khỏe cho người tham gia thử thuốc trong thử thuốc trên lâm sàng, nghiên cứu viên chính hoặc nghiên cứu viên được phân công phải điều trị, theo dõi diễn biến sức khỏe của đối tượng đó cho đến khi ổn định, ghi nhận và báo cáo các biến cố theo quy định tại Điều 18 Phụ lục này. Điều 18. Báo cáo AE trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam 1. Nội dung hoạt động báo cáo AE trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam bao gồm: a) Theo dõi, phát hiện, báo cáo thông tin liên quan đến các AE trong thử thuốc trên lâm sàng được triển khai tại Việt Nam hoặc các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia; b) Thu thập, xử lý thông tin về các AE được báo cáo; đánh giá lợi ích, nguy cơ và quản lý rủi ro liên quan đến nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng có AE được báo cáo; c) Công bố kết luận của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến theo dõi báo cáo AE của nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 2. Phạm vi báo cáo: a) Tất cả các SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu tại Việt Nam, đặc biệt là các SAE dẫn tới tử vong, đe dọa tính mạng hoặc ngoài dự kiến. Các SAE này bao gồm cả tình huống phác đồ nghiên cứu không đạt hiệu quả điều trị gây tử vong, đe dọa tính mạng cho người tham gia thử thuốc hoặc yêu cầu các can thiệp y khoa để ngăn chặn các kết cục này, trừ các SAE đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đề cương nghiên cứu là không cần phải báo cáo; b) Các SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam của các nghiên cứu đa quốc gia có Việt Nam tham gia mà dẫn tới phải ngừng, tạm ngừng nghiên cứu, rút đối tượng ra khỏi nghiên cứu hoặc thay đổi đề cương nghiên cứu; c) Tất cả các AE khác trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng tại các điểm nghiên cứu tại Việt Nam. 3. Quy định về báo cáo a) Đối với các trường hợp SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu tại Việt Nam: - Tất cả các SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu tại Việt Nam trong các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng phải được báo cáo theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Phụ lục này tới Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế và Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc; - Thời hạn báo cáo: Các SAE gây tử vong hoặc đe dọa tính mạng phải được báo cáo khẩn cấp trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin về SAE. Các SAE khác phải được báo cáo trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin về SAE. Thông tin về diễn tiến SAE phải được tiếp tục cập nhật trong các báo cáo bổ sung cho đến khi người tham gia thử thuốc bình phục hoặc ổn định; b) Đối với các trường hợp SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam: - Tất cả các SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam của các nghiên cứu đa quốc gia có Việt Nam tham gia mà dẫn tới ngừng, tạm ngừng nghiên cứu, rút người tham gia thử thuốc ra khỏi nghiên cứu hoặc thay đổi đề cương nghiên cứu phải được báo cáo đến Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc; - Thời hạn báo cáo không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định ngừng, tạm ngừng nghiên cứu, rút người tham gia thử thuốc ra khỏi nghiên cứu hoặc thay đổi đề cương nghiên cứu; c) Các AE không nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam phải được ghi nhận, tổng kết và báo cáo tóm tắt trong báo cáo định kỳ và báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia. 4. Trách nhiệm của các bên trong việc báo cáo AE trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam: a) Nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên tại điểm nghiên cứu: phát hiện, xử trí AE kịp thời, bảo đảm an toàn cho người tham gia thử thuốc; theo dõi và ghi nhận đầy đủ các thông tin; báo cáo SAE và cập nhật định kỳ thông tin về AE và SAE cho tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế và Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc theo thời hạn quy định. Trong trường hợp mức độ và tần suất AE và SAE vượt quá giới hạn cho phép, nghiên cứu viên có thể đề xuất với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng, Hội đồng đạo đức và cơ quan quản lý có thẩm quyền tạm ngừng thử thuốc trên lâm sàng; b) Cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng: quản lý, giám sát việc phát hiện, xử trí, theo dõi báo cáo AE, SAE tại điểm nghiên cứu bảo đảm an toàn cho người tham gia thử thuốc. c) Hội đồng đạo đức cơ sở: xem xét, cho ý kiến chuyên môn về các AE, SAE xảy ra tại điểm nghiên cứu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia thử thuốc; d) Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và tổ chức hỗ trợ nghiên cứu được ủy quyền: - Phối hợp với nghiên cứu viên chính báo cáo các AE, SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu tại Việt Nam về Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở của cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc; - Báo cáo các SAE xảy ra tại các điểm nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam dẫn tới ngừng, tạm ngừng nghiên cứu, rút người tham gia thử thuốc ra khỏi nghiên cứu hoặc thay đổi đề cương nghiên cứu của các nghiên cứu đa quốc gia mà Việt Nam tham gia; - Tổng hợp dữ liệu các AE và SAE; - Báo cáo các phát hiện từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu dịch tễ học, nghiên cứu trên động vật, nghiên cứu in vitro, các thông tin trên y văn và từ các nguồn thông tin khác mà có thể dẫn đến một nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến thuốc nghiên cứu; đ) Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia: - Xem xét, đánh giá, trong trường hợp cần thiết có phản hồi các báo cáo SAE riêng lẻ và thông tin về SAE trong báo cáo tiến độ định kỳ hàng năm và báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; - Tổ chức giám sát, kiểm tra điểm nghiên cứu trong trường hợp cần thiết; - Tư vấn cho cơ quan quản lý để có chỉ đạo kịp thời cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia thử thuốc; e) Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc tiếp nhận báo cáo SAE trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; phối hợp với Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia để xem xét, đánh giá báo cáo SAE; thống kê, phân tích dữ liệu các báo cáo SAE trong các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; báo cáo, tư vấn, đề xuất cơ quan quản lý có thẩm quyền những nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn cho người tham gia thử thuốc. Điều 19. Tài chính và chi trả cho người tham gia thử thuốc trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Tài chính cho nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng: a) Kinh phí dành cho nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm thuê khoán chuyên môn, vật tư tiêu hao, hỗ trợ người tham gia thử thuốc, bảo hiểm... do nghiên cứu viên chính, cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng phối hợp cùng tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng thảo luận, xây dựng và ký kết theo hợp đồng; b) Kinh phí quản lý, giám sát nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng dành cho các hoạt động: khảo sát, đánh giá điểm nghiên cứu; các phiên họp, hội nghị, hội thảo liên quan đến nghiên cứu; tập huấn cho đội ngũ nghiên cứu; giám sát, kiểm tra, thanh tra... do nghiên cứu viên chính, cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng phối hợp cùng tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng thảo luận, xây dựng và ký kết theo hợp đồng; c) Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng chịu trách nhiệm chi trả kinh phí nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. 2. Việc chi trả và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải được thể hiện rõ trong Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng và trong đề cương nghiên cứu. Điều 20. Kết thúc nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng 1. Khi kết thúc nghiên cứu, nghiên cứu viên chính phải kiểm kê thuốc nghiên cứu, thanh quyết toán kinh phí và phối hợp với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, tài liệu nghiên cứu theo Danh mục tài liệu cần thiết sau khi kết thúc nghiên cứu tại Mẫu số 03 ban hành kèm theo Phụ lục này. 2. Hồ sơ, tài liệu nghiên cứu cần được lưu trữ và bảo quản theo hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng. Đối với các nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hồ sơ tài liệu cần lưu trữ ít nhất 10 năm. 3. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng có trách nhiệm lưu mẫu thuốc nghiên cứu sau khi thử thuốc trên lâm sàng kết thúc theo đúng các quy định hiện hành. 4. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng phối hợp với cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng thu hồi và tiến hành hủy thuốc tồn dư theo đúng các quy định hiện hành. Điều 21. Báo cáo, công bố kết quả nghiên cứu. 1. Đối với thử thuốc trên lâm sàng phục vụ mục đích đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, trong vòng 01 năm kể từ ngày người tham gia thử thuốc cuối cùng kết thúc lần thăm khám cuối cùng, cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng hoàn tất hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt. 2. Báo cáo toàn văn kết quả thử thuốc trên lâm sàng cần được trình bày theo Mẫu số 12 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với các nghiên cứu đa quốc gia, ngoài việc phân tích kết quả nghiên cứu chung cần phải có các phân tích riêng các biến số an toàn và hiệu lực chính trên quần thể nghiên cứu Châu Á hoặc Việt Nam đối với các thuốc mà yếu tố chủng tộc được xem là có ảnh hưởng tới hiệu lực và an toàn. 3. Việc công bố kết quả nghiên cứu cần phải được thực hiện trong vòng 03 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng của cơ quan quản lý có thẩm quyền và cần tuân thủ các quy định về bản quyền tác giả trong công bố kết quả nghiên cứu. 4. Khuyến khích nghiên cứu viên chính công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín. Mẫu 01 - Danh mục tài liệu thiết yếu trước khi tiến hành nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng STT Tên tài liệu Mục đích Yêu cầu đối với Dẫn chiếu Nghiên cứu viên chính/ Cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng 1.1 Đơn đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Cung cấp thông tin tóm tắt về sản phẩm đề nghị thử nghiệm và đề xuất nghiên cứu viên chính/cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng √ Mẫu số 05 Phụ lục III (ban hành kèm theo Thông tư này) 1.2 Hồ sơ thông tin về sản phẩm (IB) Để chứng minh thông tin khoa học liên quan đến thuốc thử trên lâm sàng đã được cung cấp cho Nghiên cứu viên chính √ √ 1.3 Đơn đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng √ Mẫu số 06 Phụ lục III 1.4 Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng và mẫu bệnh án nghiên cứu (CRF) Đề cương nghiên cứu chi tiết theo quy định, quy trình thực hành chuẩn, theo dõi, giám sát, đánh giá... và mẫu bệnh án nghiên cứu. √ √ Mẫu số 07 Phụ lục III 1.5 Hợp đồng thử thuốc trên lâm sàng giữa tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và nghiên cứu viên chính/cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng Để chứng minh sự thỏa thuận về mặt tài chính giữa nghiên cứu viên chính/cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng cho thử thuốc trên lâm sàng √ √ 1.6 Văn bản xác nhận tham gia nghiên cứu được ký giữa các bên liên quan, ví dụ: Để xác nhận sự đồng ý tham gia nghiên cứu theo đúng các quy định hiện hành. √ √ - Nghiên cứu viên chính - Nghiên cứu viên chính nhánh và tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng. √ √ (nơi yêu cầu) - Nghiên cứu viên chính/ cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng và cơ quan có thẩm quyền địa phương tại địa điểm nghiên cứu (nếu có yêu cầu). √ 1.7 Thông tin cung cấp cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng: Mẫu số 08 Phụ lục III - Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu (bao gồm tất cả các thông tin phù hợp để truyền đạt cho đối tượng). - Để khẳng định việc tình nguyện tham gia nghiên cứu. √ √ - Bất cứ thông tin nào khác dưới dạng văn bản. - Để chứng minh người tham gia thử thuốc sẽ được cung cấp thông tin thích hợp dưới dạng văn bản (nội dung và cách diễn đạt) nhằm hỗ trợ đầy đủ cho quyết định ký Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu. √ √ Thông báo tuyển chọn đối tượng tham gia thử thuốc (nếu được sử dụng). Để chứng minh các biện pháp tuyển chọn là thích hợp và không mang tính ép buộc, đảm bảo tính đạo đức trong nghiên cứu. √ 1.8 Hợp đồng bảo hiểm Để chứng minh người tham gia thử thuốc được bồi thường nếu bị tổn thương trong quá trình tham gia thử thuốc trên lâm sàng. √ √ 1.9 Giấy chứng nhận chấp thuận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học các cấp Chứng minh sự phê duyệt chấp thuận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học các cấp. 1.10 Ngày tài liệu được chấp thuận/ý kiến tán thành của Hội đồng đạo đức các cấp cho các nội dung sau: - Đề cương nghiên cứu (gồm cả bản thay đổi); - Báo cáo ca bệnh - Phiếu tình nguyện tham gia thử thuốc - Thông tin khác dưới dạng văn bản được cung cấp người tham gia thử thuốc - Thông báo tuyển chọn người tham gia (nếu được sử dụng) - Bồi thường cho người tham gia (nếu có) - Bất cứ tài liệu nào khác thể hiện sự chấp thuận/ý kiến tán thành Để xác nhận việc thử thuốc trên lâm sàng đã được Hội đồng đạo đức các cấp thẩm định và đưa ra chấp thuận/ý kiến tán thành. Để xác nhận số phiên bản và ngày chấp thuận của tài liệu (các tài liệu) √ √ Giấy chứng nhận chấp thuận của Hội đồng đạo đức các cấp 1.11 Quyết định thành lập Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở và quốc gia Để chứng minh rằng Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học được thành lập theo đúng yêu cầu của GCP và quy định hiện hành liên quan √ √ (nơi yêu cầu) Quyết định thành lập Hội đồng 1.12 Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với đề cương nghiên cứu. Để xác nhận sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền trước khi bắt đầu thử thuốc trên lâm sàng theo quy định hiện hành. √ √ QĐ phê duyệt đề cương của Bộ trưởng BYT 1.13 Lý lịch khoa học và Chứng chỉ GCP do Bộ Y tế cấp của Nghiên cứu viên chính và các nghiên cứu viên (bao gồm cả cán bộ quản lý NC TNLS, Dược sỹ, Điều dưỡng, KTV phòng xét nghiệm...) Chứng minh năng lực và tính đồng nhất, phù hợp để tiến hành thử thuốc trên lâm sàng và theo dõi, giám sát y khoa đối với người tham gia thử thuốc. √ √ 1.14 Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đạt GCP (Khu lâm sàng, khu vực lưu trữ hồ sơ, khu vực theo dõi, giám sát, phòng họp, trang thiết bị văn phòng...) và tiêu chuẩn chất lượng phù hợp (phòng thí nghiệm chuẩn, quy trình kỹ thuật chuẩn....) hoặc phê duyệt của Bộ Y tế đối với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Để chứng minh năng lực của cơ sở thử thuốc, các trang thiết bị đáp ứng việc tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho nghiên cứu thử nghiệm. √ √ 1.15 Mẫu của nhãn thuốc thử được đính kèm với thành phần thuốc thử trên lâm sàng Để chứng minh sự tuân thủ các quy chế mẫu nhãn liên quan và tính hợp lý của các hướng dẫn cung cấp cho người tham gia thử thuốc. √ 1.16 Các hướng dẫn cho việc quản lý thuốc thử lâm sàng và các nguyên liệu liên quan đến thử thuốc (nếu không có trong đề cương hoặc trong hồ sơ sản phẩm) Để chứng minh các hướng dẫn cần thiết cho việc bảo quản, đóng gói, pha phế, hủy thuốc thử lâm sàng và các nguyên liệu liên quan đến thử thuốc theo đúng quy định hiện hành. √ √ 1.17 Các ghi chép về việc vận chuyển các sản phẩm thử nghiệm trên lâm sàng và các nguyên liệu liên quan đến việc thử thuốc Để chứng minh về ngày gửi hàng, số lô và phương pháp vận chuyển thuốc thử lâm sàng và các nguyên liệu liên quan đến việc thử thuốc. Cho phép theo dõi số lô, thẩm định các điều kiện gửi hàng và trách nhiệm giải trình. √ √ 1.18 Chứng nhận việc phân tích các sản phẩm được thử nghiệm Để chứng minh loại, độ tinh khiết và độ mạnh của sản phẩm sẽ được thử trên lâm sàng. √ 1.19 Các quy trình đánh lại mã số cho các thử thuốc mù trên lâm sàng Để chứng minh trong trường hợp khẩn cấp. các sản phẩm thử nghiệm mù có thể được tiết lộ mà không cần phải phá vỡ nguyên tắc làm mù cho các đối tượng còn lại đang được điều trị. √ √ 1.20 Quy trình thực hành chuẩn (SOPs) đối với các kỹ thuật được sẽ dụng trong nghiên cứu Chứng minh và đảm bảo tính đồng nhất, khoa học, khách quan, chính xác của các kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu. 1.21 Quy trình hoặc danh sách ngẫu nhiên Để chứng minh phương pháp chọn ngẫu nhiên của nhóm đối tượng tham gia thử nghiệm. √ Mẫu 02 - Danh mục tài liệu thiết yếu trong quá trình triển khai nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng STT Tên tài liệu Mục đích Yêu cầu đối với Dẫn chiếu Nghiên cứu viên chính/Cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng 2.1 Các cập nhật về hồ sơ sản phẩm Để chứng minh các nghiên cứu viên được thông báo kịp thời những thông tin liên quan đến thuốc nghiên cứu. √ √ 2.2 Bất kỳ thay đổi nào đối với: - Đề cương nghiên cứu - Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu - Bất kỳ thông tin dưới dạng văn bản khác được cung cấp cho người tham gia thử thuốc - Thông báo cho việc tuyển chọn người tham gia thử thuốc (nếu có) Để chứng minh thay đổi của các hồ sơ liên quan đến thử thuốc trên lâm sàng có hiệu lực trong suốt quá trình thử thuốc. √ √ 2.3 Quyết định phê duyệt/giấy chứng nhận chấp thuận của cơ quan quản lý/Hội đồng đạo đức theo các mục sau: - Thay đổi đề cương nghiên cứu - Thay đổi về: + Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu + Bất kỳ thông tin nào khác được cung cấp dưới dạng văn bản cho người tham gia + Thông báo cho việc tuyển chọn người tham gia (nếu có) + Bất cứ tài liệu nào khác đưa ra ý kiến chấp thuận + Thẩm định hằng năm Để chứng minh những thay đổi đã được cơ quan quản lý/Hội đồng đạo đức phê duyệt/chấp thuận. Để xác định số phiên bản và ngày của hồ sơ √ √ 2.4 Sơ yếu lý lịch, Giấy chứng nhận GCP do Bộ Y tế cấp của nghiên cứu viên hoặc giám sát viên. Chứng minh năng lực và tính thích hợp để tiến hành thử thuốc trên lâm sàng và giám sát y khoa tại điểm nghiên cứu. √ √ 2.5 Cập nhật các giá trị được coi là bình thường trong y học/xét nghiệm/quy trình kỹ thuật/test được đề cập trong đề cương nghiên cứu Để chứng minh các giá trị/ khoảng được coi là bình thường đã được điều chỉnh trong quá trình thử nghiệm. √ √ 2.6 Cơ sở y tế/phòng xét nghiệm/các quy trình kỹ thuật/các test - Giấy chứng nhận - Kiểm soát chất lượng đã được thiết lập và/hoặc đánh giá chất lượng bên ngoài - Các thẩm định khác Để chứng minh việc kiểm tra vẫn được duy trì thích hợp trong suốt giai đoạn thử nghiệm. √ √ 2.7 Tài liệu về việc vận chuyển các sản phẩm thử nghiệm và các nguyên liệu liên quan đến việc thử nghiệm √ √ 2.8 Các chứng nhận về kiểm nghiệm cho các lô mới của các sản phẩm thử nghiệm √ 2.9 Báo cáo về các đợt giám sát Để chứng minh việc giám sát và kết quả của các đợt giám sát. √ 2.10 Các hình thức liên lạc khác ngoài việc giám sát tại thực địa, thông qua: - Các thư từ - Các ghi nhớ cuộc họp - Các ghi nhớ những lần gọi điện Để ghi lại bất kỳ các thỏa thuận hoặc các bàn luận quan trọng về quản lý thử nghiệm, các vi phạm đề cương, tiến hành thử thuốc, báo cáo AE/SAE. √ √ 2.11 Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được ký Để chứng minh Phiếu tình nguyện phù hợp với GCP và đề cương, được ký trước khi đối tượng tham gia thử thuốc. Ghi lại việc chấp thuận một cách trực tiếp. √ 2.12 Các tài liệu nguồn Để chứng minh sự tồn tại của các đối tượng nghiên cứu cùng với các số liệu được thu nhận qua thử thuốc. Tài liệu này bao gồm cả những thông tin gốc liên quan tới thử thuốc, các điều trị y khoa và tiền sử của đối tượng nghiên cứu. 2.13 Bệnh án được ký, ngày ký và hoàn thành Để chứng minh nghiên cứu viên hoặc các thành viên được ủy quyền của Nghiên cứu viên chính ghi chép để xác nhận các quan sát được. √ (bản sao) √ (bản gốc) 2.14 Tài liệu về sự hiệu chỉnh bệnh án Để chứng minh tất cả các thay đổi/các bổ sung hoặc các sửa chữa của bệnh án sau khi bắt đầu thu thập dữ liệu đã được ghi lại. √ (bản sao) √ (bản gốc) 2.15 Báo cáo SAE cho nhà tài trợ Báo cáo SAE của nghiên cứu viên chính cho tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng. √ √ 2.16 Báo cáo SAE cho Hội đồng đạo đức Báo cáo SAE của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và nghiên cứu viên chính cho Hội đồng đạo đức √ √ 2.17 Thông báo của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng cho các nghiên cứu viên về thông tin an toàn Thông báo của tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng cho các nghiên cứu viên về thông tin an toàn của thuốc thử và các thuốc dùng đồng thời. √ √ (nơi yêu cầu) 2.18 Các báo cáo giữa kỳ hoặc hàng năm cho Hội đồng đạo đức và cơ quan quản lý. Báo cáo giữa kỳ hoặc hàng năm cho Hội đồng đạo đức và cơ quan quản lý. √ √ (nơi yêu cầu) 2.19 Danh sách mã nhận dạng đối tượng Để chứng minh nghiên cứu viên chính/cơ sở nhận thử thuốc trên lâm sàng lưu giữ một danh sách bảo mật tên của người tham gia thử thuốc được gắn với mã số thử nghiệm nhằm nhận dạng người tham gia thử thuốc. √ 2.20 Nhật ký ghi mà số đối tượng tham gia Để chứng minh sự tham gia theo thứ tự thời gian của các đối tượng bằng mã số thử nghiệm √ 2.21 Giải trình sản phẩm nghiên cứu tại nơi thử thuốc Để chứng minh sản phẩm nghiên cứu đã được sử dụng theo đúng đề cương. √ √ 2.22 Danh mục các chữ ký Để xác nhận các chữ ký và tên viết tắt của những người được phép tham gia và/hoặc hiệu đính các bệnh án. √ √ 2.23 Hồ sơ các mẫu mô/dịch sinh học đã được lưu trữ (nếu cần) Để xác nhận nơi lưu trữ và sự nhận dạng của các mẫu được lưu trữ nếu các thí nghiệm cần được lặp lại. √ √ Mẫu 03 - Danh mục tài liệu thiết yếu sau khi kết thúc nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Sau khi hoàn thành hoặc dừng thử nghiệm, tất cả các tài liệu được xác định trong mục 1 và 2 cần được soạn thành hồ sơ với các phần sau: STT Tên tài liệu Mục đích Yêu cầu đối với Dẫn chiếu Nghiên cứu viên chính/cơ sở nghiên cứu Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng 3.1 Giải trình sản phẩm nghiên cứu tại nơi thử thuốc Để chứng minh thuốc thử lâm sàng được sử dụng đúng theo đề cương nghiên cứu, được nhận tại nơi nghiên cứu, đã được phân phát cho các đối tượng, đã được các đối tượng trả lại, đã được trả lại cho tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng. √ √ 3.2 Các tài liệu về việc hủy thuốc thử lâm sàng Để xác nhận việc hủy các thuốc thử lâm sàng không sử dụng được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng hoặc tại nơi nghiên cứu theo đúng quy định hiện hành. √ (nếu hủy tại nơi nghiên cứu) √ 3.3 Danh sách mã số nhận dạng các đối tượng hoàn thành nghiên cứu Để cho phép xác định tất cả các đối tượng đã tham gia vào trong thử thuốc trong trường hợp yêu cầu theo dõi. Phải giữ bảo mật danh sách này trong thời gian được thỏa thuận. √ 3.4 Báo cáo giám sát kết thúc thử thuốc Để chứng minh là tất cả các hoạt động được yêu cầu cho việc kết thúc thử thuốc đã được hoàn tất, và các bản sao của các tài liệu cần thiết đã được lưu trữ tại các file thích hợp. √ 3.5 Báo cáo giám sát định kỳ và đột xuất Chứng minh sự tuân thủ của thử thuốc đối với đề cương nghiên cứu, GCP và các quy định pháp lý liên quan. √ √ 3.6 Tài liệu hướng dẫn phân nhóm điều trị và giải mã mù trong trường hợp cần thiết Để tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng biết và thực hiện đúng việc phân nhóm, cũng như biết cách giải mã để có biện pháp can thiệp phù hợp khi xảy ra biến cố bất lợi nghiêm trọng. √ 3.7 Văn bản báo cáo và đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng của nghiên cứu viên chính gửi Hội đồng đạo đức và cơ quan quản lý Để xác nhận việc hoàn thành nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng. √ 3.8 Báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Để xác nhận các kết quả và phiên giải việc thử thuốc trên lâm sàng. √ √ Mẫu số 12 Phụ lục III 3.9 Cơ sở dữ liệu của bệnh nhân Việt Nam (trong trường hợp có yêu cầu) Để kiểm tra tính chính xác, trung thực của kết quả nghiên cứu. √ √ Mẫu 04 - Báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng trong nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mã số báo cáo của đơn vị: ……………………………. MẪU BÁO CÁO BIẾN CỐ BẤT LỢI NGHIÊM TRỌNG (SAE) TRONG NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG 1. TÓM TẮT BÁO CÁO Loại báo cáo: □ Báo cáo lần đầu □ Báo cáo bổ sung Phân loại theo tính chất nghiêm trọng của biến cố: □ Tử vong □ Đe dọa tính mạng □ Nhập viện/kéo dài thời gian nằm viện □ Tàn tật/thương tật vĩnh viễn/nặng nề □ Dị tật bẩm sinh/dị dạng thai nhi □ Yêu cầu can thiệp y khoa để ngăn chặn một trong các tình huống trên hoặc được đánh giá có ý nghĩa về mặt y khoa bởi nghiên cứu viên hoặc nghiên cứu viên chính Tên nghiên cứu …………………………………………………….. ……………………………………........................ Thiết kế nghiên cứu □ Nhãn mở □ Mù đơn □ Mù đôi Nếu đây là nghiên cứu mù, SAE có dẫn đến mở mù không? □ Có □ Không □ Không có thông tin Nhà tài trợ Tên nghiên cứu viên chính Điểm nghiên cứu ghi nhận SAE Thời điểm nhận được thông tin về SAE Thời điểm xuất hiện SAE Thời điểm kết thúc SAE (hoặc đánh dấu vào ô "Đang tiếp diễn" nếu SAE đang tiếp diễn) …………………………………………………… …………………………………………………… …………………………………………………… …………………………………………………… ………………………………………………….. ……………………………… □ Đang tiếp diễn Tên SAE (chẩn đoán SAE hoặc các triệu chứng chính của SAE) …………………………………………………… …………………………………………………… Tên viết tắt của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng …………………………………………………… Mã số của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng …………………………………………………… 2. MÔ TẢ DIỄN BIẾN VÀ XỬ TRÍ SAE Cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng liên quan đến SAE, các biện pháp xử trí SAE nếu có (bao gồm cả ngừng/giảm liều thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu), diễn biến sau khi thực hiện các biện pháp xử trí đó và các thông tin cần thiết khác kèm theo mốc thời gian cụ thể (nếu có). ………………………………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………………………………. Kết quả sau khi xử trí SAE: □ Hồi phục không để lại di chứng □ Đang phục hồi □ Tử vong (ngày tử vong: ………….) □ Hồi phục nhưng có để lại di chứng □ Chưa phục hồi □ Không có thông tin 3. NGƯỜI THAM GIA THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Ngày sinh ………………………………………………………………………………… Tuổi ………………………………………………………………………………… Giới tính □ Nam □ Nữ Với nữ: □ Đang mang thai (tuần thứ …) Cân nặng (Kg) …………………………………………………………………………………. Tiền sử y khoa liên quan đến SAE …………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………. 4. THUỐC THỬ LÂM SÀNG/PHÁC ĐỒ NGHIÊN CỨU TT Thuốc thử lâm sàng hoặc phác đồ nghiên cứu(a) Dạng bào chế, hàm lượng Đường dùng Liều dùng Ngày sử dụng (ngày/tháng/năm) Bắt đầu Kết thúc I II III IV V VI (a)Ghi rõ thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu mà người tham gia thử thuốc trên lâm sàng đã sử dụng. Với nghiên cứu mù và SAE không dẫn đến việc mở mù/không xác định được thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu mà người tham gia thử thuốc trên lâm sàng đã sử dụng, ghi rõ phác đồ được áp dụng trong nghiên cứu và nhánh nghiên cứu (arm) của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng (mô tả trong mục 2) (nếu có thông tin). 5. CAN THIỆP ĐỐI VỚI THUỐC THỬ LÂM SÀNG/PHÁC ĐỒ NGHIÊN CỨU SAU KHI XẢY RA SAE STT(b) Có ngừng/giảm liều thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu trên người tham gia thử thuốc trên lâm sàng gặp SAE không? Nếu ngừng/giảm liều thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu (hoặc mở mù), độ nặng của SAE có được cải thiện không? Nếu tái sử dụng thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu, biến cố có xuất hiện lại không? Có Không Có Không Không có thông tin Có Không Không có thông tin Không tái sử dụng I □ □ □ □ □ □ □ □ □ II □ □ □ □ □ □ □ □ □ III □ □ □ □ □ □ □ □ □ IV □ □ □ □ □ □ □ □ □ V □ □ □ □ □ □ □ □ □ VI □ □ □ □ □ □ □ □ □ (b)Số thứ tự (STT) tương ứng với mục 4. 6. THUỐC/CHẾ PHẨM SỬ DỤNG ĐỒNG THỜI CÓ THỂ LIÊN QUAN ĐẾN SAE THEO NHẬN ĐỊNH CỦA NGHIÊN CỨU VIÊN (không bao gồm các thuốc được sử dụng để xử trí SAE) STT Thuốc/chế phẩm sử dụng đồng thời (tên gốc, tên thương mại) Dạng bào chế, hàm lượng Đường dùng Liều dùng Ngày sử dụng (ngày/tháng/năm) Bắt đầu Kết thúc 1 2 3 4 5 6 7. ĐÁNH GIÁ CỦA NGHIÊN CỨU VIÊN/NGHIÊN CỨU VIÊN CHÍNH VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ GIỮA SAE VÀ THUỐC THỬ LÂM SÀNG/PHÁC ĐỒ NGHIÊN CỨU STT(b) Đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa SAE với thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu Nếu có liên quan, đây là phản ứng đã được dự kiến hay ngoài dự kiến của thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu?(c) Có thể liên quan Không liên quan Chưa kết luận được Đã biết/được dự kiến Ngoài dự kiến i □ □ □ □ □ ii □ □ □ □ □ iii □ □ □ □ □ iv □ □ □ □ □ v □ □ □ □ □ vi □ □ □ □ □ (b) Số thứ tự (STT) tương ứng với mục 4. (c) Việc SAE là “đã dược dự kiến” hay “ngoài dự kiến” nên được đánh giá dựa trên các tài liệu liên quan đến thuốc thử lâm sàng/phác đồ nghiên cứu như đề cương cập nhật nhất của nghiên cứu nếu thuốc thử lâm sàng chưa được cấp phép đăng ký lưu hành, hoặc phiên bản mới nhất của Tờ hướng dẫn sử dụng nếu thuốc thử lâm sàng đã được cấp phép đăng ký lưu hành. - Giải thích lý do cho đánh giá về quan hệ nhân quả và tính chất dự kiến trước của SAE: ……………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………………………… - Có bao nhiêu SAE hoặc AE tương tự đã từng xảy ra trong nghiên cứu này tính tới thời điểm báo cáo: + Tại điểm nghiên cứu đã ghi nhận SAE/AE được đề cập trong báo cáo này: …………… + Tại các điểm nghiên cứu khác: ……………………………………………………………….. 8. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG ĐẠO ĐỨC/HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA CƠ SỞ NHẬN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG (nếu có) Đề xuất về người tham gia thử thuốc trên lâm sàng (không áp dụng trong trường hợp người tham gia thử thuốc trên lâm sàng tử vong): □ Tiếp tục tham gia nghiên cứu □ Tạm ngừng tham gia nghiên cứu □ Rút khỏi nghiên cứu Đề xuất về nghiên cứu: □ Tiếp tục triển khai nghiên cứu □ Tạm ngừng triển khai nghiên cứu □ Ngừng triển khai nghiên cứu Đề xuất khác (nếu có): ……………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………………………… 9. NGƯỜI BÁO CÁO (nghiên cứu viên chính hoặc nghiên cứu viên được ủy quyền) Chữ ký: ……………………………………………………………………... Ngày ký (ngày/tháng/năm): ……………………………………………………………………... Họ tên đầy đủ: ……………………………………………………………………... Chức vụ, khoa/phòng: ……………………………………………………………………... Số điện thoại: ……………………………………………………………………... Địa chỉ email: ……………………………………………………………………... ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG ĐẠO ĐỨC/ HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA CƠ SỞ NHẬN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG (ký, ghi rõ họ tên)(d) LÃNH ĐẠO CƠ SỞ NHẬN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu) (d)Chỉ áp dụng nếu có ý kiến trong mục 8. PHỤ LỤC II HỒ SƠ TỔNG THỂ VỀ CƠ SỞ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG (Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2018/TT-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) I. Tổng quan về Hồ sơ tổng thể của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng II. Nội dung hồ sơ tổng thể: 1. Thông tin chung về cơ sở (hành chính, pháp lý và các thông tin liên quan); 2. Hồ sơ về tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ sở vật chất phục vụ thử thuốc trên lâm sàng; 3. Hồ sơ tài liệu chuyên môn kỹ thuật, quy trình thực hành chuẩn (SOPs) phục vụ thử thuốc trên lâm sàng; 4. Hồ sơ nhân sự phục vụ thử thuốc trên lâm sàng; 5. Hệ thống quản lý chất lượng áp dụng trong thử thuốc trên lâm sàng; 6. Giám sát nội bộ. I. TỔNG QUAN VỀ HỒ SƠ TỔNG THỂ CỦA CƠ SỞ Hồ sơ tổng thể của cơ sở thử thuốc là một tài liệu do cơ sở thử thuốc trên lâm sàng soạn thảo và bao gồm thông tin cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật cho hoạt động thử thuốc trên lâm sàng, các chính sách quản lý chất lượng, kiểm soát chất lượng đối với các hoạt động thử thuốc được thực hiện tại cơ sở để phục vụ cho quản lý, lập kế hoạch và kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng GCP một cách hiệu quả. Hồ sơ tổng thể phải bao gồm đầy đủ thông tin, nhưng tốt nhất không nên vượt quá 25 - 30 trang kể cả phần phụ lục kèm theo. Nên chú trọng vào các thông tin tổng quan, bản vẽ tổng thể và sơ đồ bố cục của cơ sở hơn là các nội dung mô tả bằng lời. Hồ sơ tổng thể của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng là một phần của hệ thống hồ sơ tài liệu thuộc hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở và phải được cập nhật thường xuyên. Hồ sơ tổng thể phải được xem xét định kỳ để đảm bảo thông tin cập nhật và mang tính đại diện cho các hoạt động hiện hành của cơ sở, phải được ghi chú rõ ràng số phiên bản, ngày hiệu lực và ngày được xem xét. Mỗi phụ lục có thể có ngày hiệu lực riêng giúp cho quá trình cập nhật phụ lục độc lập. Lịch sử cập nhật, sửa đổi của Hồ sơ tổng thể được coi là một phần của Hồ sơ tổng thể, trong đó ghi tóm tắt các thay đổi của nội dung Hồ sơ tổng thể và các phụ lục, thời gian thay đổi, lý do thay đổi. II. NỘI DUNG HỒ SƠ TỔNG THỂ 1. Thông tin chung về cơ sở thử thuốc trên lâm sàng 1.1. Thông tin liên hệ của cơ sở thử thuốc - Tên và địa chỉ chính thức của cơ sở; - Tên và địa chỉ chi tiết của cơ sở nơi thử thuốc trên lâm sàng; - Thông tin liên lạc của cơ sở, bao gồm cả điện thoại trực 24/24 của người có trách nhiệm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người tham gia thử thuốc; - Các thông tin định vị khác (nếu có): Tọa độ GPS, mã vùng bưu chính... 1.2. Hoạt động được cấp phép của cơ sở - Bản sao giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có), tài liệu pháp lý về việc thành lập và chức năng nhiệm vụ của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không vì mục đích thương mại, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp; - Mô tả tóm tắt các hoạt động thử thuốc và các hoạt động khác đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép (nếu có), bao gồm cả các hoạt động đã được cơ quan quản lý nước ngoài đánh giá, những thông tin về phạm vi chưa được ghi rõ trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; - Danh mục các đợt kiểm tra, đánh giá đáp ứng GCP được tiến hành tại cơ sở trong thời gian 05 năm vừa qua, bao gồm thông tin về ngày tháng, tên của cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra. Bản sao của Giấy chứng nhận đạt GCP hiện hành (nếu có). 1.3. Các hoạt động liên quan khác được thực hiện tại cơ sở - Mô tả các hoạt động thử lâm sàng các sản phẩm không phải là thuốc tại địa điểm (nếu có). 2. Hồ sơ về tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ sở vật chất phục vụ thử thuốc trên lâm sàng - Mô tả ngắn gọn về cơ sở: Danh sách, địa chỉ, diện tích các khu vực, các phòng/văn phòng/bộ phận; - Thông tin mô tả đơn giản về khu lâm sàng, phòng xét nghiệm, khu vực bảo quản mẫu sinh học, thuốc nghiên cứu, khu vực lưu trữ hồ sơ, tài liệu nghiên cứu, bộ phận quản lý nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, văn phòng Hội đồng đạo đức, khu vực thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 hoặc thử tương đương sinh học (nếu có); - Bản vẽ thiết kế, bố trí khu lâm sàng, phòng xét nghiệm, khu vực bảo quản mẫu sinh học/thuốc nghiên cứu, khu vực lưu trữ hồ sơ tài liệu, bộ phận quản lý nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, văn phòng Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở và khu vực thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (nếu có); - Mô tả hệ thống bảo đảm chất lượng phòng xét nghiệm; - Liệt kê danh mục các thiết bị chính phục vụ thử thuốc trên lâm sàng; - Các thông tin liên quan khác trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Điều 12 Phụ lục I Thông tư này. 3. Hồ sơ tài liệu chuyên môn kỹ thuật, quy trình thực hành chuẩn phục vụ thử thuốc trên lâm sàng - Mô tả ngắn gọn về hệ thống hồ sơ tài liệu tại cơ sở (ví dụ hệ thống tài liệu điện tử, tài liệu bản cứng); - Danh mục các quy định, hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động thứ thuốc theo quy định tại Điều 13 Phụ lục I Thông tư này; - Danh mục các quy trình thực hành chuẩn cho các hoạt động trong thử thuốc trên lâm sàng; - Đối với các tài liệu và hồ sơ được bảo quản hoặc lưu trữ bên ngoài cơ sở: Danh mục các loại tài liệu/hồ sơ, tên và địa chỉ của cơ sở lưu trữ thông tin, tính toán khoảng thời gian cần thiết để truy xuất thông tin từ những hồ sơ tài liệu bên ngoài đó. 4. Hồ sơ nhân sự phục vụ thử thuốc trên lâm sàng - Mô tả sơ bộ về số lượng nhân sự tham gia vào quá trình quản lý, thực hiện thử thuốc trên lâm sàng; - Danh sách nhân sự của cơ sở theo quy định tại Điều 14 Phụ lục I Thông tư này: tên, chức danh, học hàm/học vị (nếu có), văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học GCP, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học báo cáo an toàn trong thử nghiệm lâm sàng, nhiệm vụ được giao trong thử thuốc trên lâm sàng và các thông tin liên quan khác; - Hồ sơ về Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BYT ngày 16/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế. 5. Hệ thống quản lý chất lượng áp dụng trong thử thuốc trên lâm sàng 5.1. Hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở - Mô tả tóm tắt hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở, tiêu chuẩn áp dụng; - Trách nhiệm liên quan đến việc duy trì hệ thống chất lượng, bao gồm cả việc quản lý cấp cao; - Thông tin về các hoạt động đã được đánh giá chứng nhận, bao gồm ngày tháng và nội dung chứng nhận, tên của cơ sở cấp chứng nhận; - Sơ đồ nhân sự cần thể hiện sự sắp xếp nhân sự trong hệ thống quản lý chất lượng, các vị trí chịu trách nhiệm chính, bao gồm cả quản lý cấp cao và các nhân sự được đào tạo/ủy quyền (vị trí quản lý chất lượng, kiểm tra chất lượng,...). 5.2. Quản lý các cơ sở hợp đồng liên kết (trong trường hợp có liên kết với cơ sở khác) - Tóm tắt về cơ sở liên kết và chương trình đánh giá bên ngoài (nếu có); - Tóm tắt về hệ thống đánh giá cơ sở hợp đồng liên kết; - Tóm tắt về việc chia sẻ trách nhiệm giữa người hợp đồng và người nhận hợp đồng trong việc tuân thủ các quy định về bảo đảm chất lượng. 5.3. Quản lý nguy cơ về chất lượng - Mô tả tóm tắt về phương pháp quản lý nguy cơ về chất lượng (Quality Risk Management - QRM) được sử dụng tại cơ sở: mục đích, các hoạt động... 6. Giám sát nội bộ Mô tả ngắn gọn về hệ thống giám sát của cơ sở, kết quả tự giám sát và tự đánh giá mức độ đáp ứng GCP của cơ sở, tập trung vào các lĩnh vực được giám sát theo kế hoạch, các quy định và hoạt động theo dõi sau giám sát. Phụ lục I: Bản sao Giấy phép hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Tài liệu pháp lý về việc thành lập và chức năng nhiệm vụ của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không vì mục đích thương mại, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (nếu có), Bản sao của Giấy chứng nhận đạt GCP hiện hành (nếu có). Phụ lục II: Bản vẽ sơ đồ cơ sở vật chất phục vụ thử thuốc. Phụ lục III: Danh mục thiết bị chính phục vụ thử thuốc. Phụ lục IV: Danh mục SOP cho các hoạt động liên quan trong thử thuốc. Phụ lục V: Sơ đồ tổ chức, nhân sự, phục vụ thử thuốc, bản sao văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận liên quan. Phụ lục VI: Danh sách các cơ sở hợp đồng liên kết (địa chỉ, thông tin liên lạc, lĩnh vực chuyên môn ký hợp đồng...). PHỤ LỤC III BIỂU MẪU VĂN BẢN (Kèm theo Thông tư số 29/2018/TT-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) Mẫu số 01 Đơn đề nghị đánh giá đáp ứng GCP Mẫu số 02 Mẫu Báo cáo đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 03 Giấy chứng nhận đạt GCP Mẫu số 04 Đơn đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP Mẫu số 05 Báo cáo thay đổi Mẫu số 06 Đơn đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 07 Đơn đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 08 Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 09 Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 10 Đơn đề nghị phê duyệt thay đổi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 11 Đơn đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 12 Báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 13 Văn bản chấp thuận nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 14 Quyết định phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng Mẫu số 01 - Đơn đề nghị đánh giá đáp ứng GCP TÊN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN TÊN CƠ SỞ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………./……. ……….., ngày ….. tháng … năm 20… ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐÁNH GIÁ ĐÁP ỨNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế Tên cơ sở: ........................................................................................................................ Địa chỉ: ............................................................................................................................. Điện thoại/fax/email: ......................................................................................................... Người liên hệ: ………………………………….. Chức danh: ............................................. Điện thoại/fax/email: ......................................................................................................... Thực hiện Thông tư số /2018/TT-BYT ngày ... tháng ... năm 2018 của Bộ Y tế quy định về thử thuốc trên lâm sàng, sau khi tiến hành tự đánh giá đạt yêu cầu GCP ngày ... tháng ... năm..., kính đề nghị Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược) được đánh giá đáp ứng GCP và cấp Giấy chứng nhận đạt GCP đối với phạm vi trong quy định về chức năng nhiệm vụ của chúng tôi. [Tên cơ sở] gửi kèm đơn đề nghị này các tài liệu sau đây: 1. Tài liệu pháp lý về việc thành lập và chức năng nhiệm vụ của đơn vị; 2. Hồ sơ tổng thể về cơ sở thử thuốc trên lâm sàng. Thủ trưởng cơ sở (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Mẫu số 02 -Mẫu Báo cáo đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng BỘ Y TẾ CỤC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐÀO TẠO/ CỤC QUẢN LÝ DƯỢC ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- …....., ngày … tháng … năm 20…. BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ “THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG” I. THÔNG TIN CHUNG CỦA CƠ SỞ - Tên của cơ sở: ... - Địa chỉ cơ sở được kiểm tra: ... - Điện thoại:... - Quyết định thành lập số: ... - Người đại diện pháp luật: ... - Người chịu trách nhiệm chuyên môn: ... II. THÔNG TIN CHUNG CỦA ĐỢT ĐÁNH GIÁ - Thời gian đánh giá: .... - Thời gian đánh giá trước gần nhất: ... - Hình thức đánh giá:... - Phạm vi đánh giá: ... III. THÔNG TIN VỀ ĐOÀN ĐÁNH GIÁ - Quyết định số …….., ngày …….. của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về việc thành lập Đoàn đánh giá việc đáp ứng GCP, tại... - Thành phần Đoàn đánh giá bao gồm: ... IV. ĐÁNH GIÁ THỰC TẾ Sau khi thẩm định hồ sơ, nghe báo cáo của cơ sở và tiến hành đánh giá thực tế, Đoàn đánh giá có một số ý kiến như sau: Cơ sở đã triển khai các hoạt động theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng” của Bộ Y tế, cụ thể: 1. Cơ sở vật chất: a) Khu lâm sàng: b) Phòng xét nghiệm: c) Khu vực bảo quản mẫu sinh học, thuốc nghiên cứu; lưu trữ hồ sơ, tài liệu nghiên cứu: d) Bộ phận quản lý nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng: e) Văn phòng Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở: f) Trang thiết bị phục vụ thử thuốc trên lâm sàng: 2. Tài liệu chuyên môn kỹ thuật, quản lý chất lượng: a) Tài liệu chuyên môn kỹ thuật: b) Hệ thống quản lý chất lượng áp dụng trong thử thuốc trên lâm sàng theo tiêu chuẩn phù hợp với loại hình nghiên cứu 3. Nhân sự a) Tiêu chuẩn chuyên môn của nghiên cứu viên b) Tiêu chuẩn của nghiên cứu viên chính c) Thành viên bộ phận quản lý nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng d) Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở 4. Nội dung khác (nếu có) V. DANH MỤC CÁC TỒN TẠI Các tồn tại phát hiện phải được liệt kê, xếp loại và tham chiếu đến các điều, khoản tại Thông tư quy định về thử thuốc trên lâm sàng. STT Tồn tại Tham chiếu xếp loại 1. Cơ sở vật chất 1.1. 2. Tài liệu chuyên môn kỹ thuật 2.1. 3. Nhân sự 3.1. 4. Tồn tại khác (nếu có) 4.1. Tổng kết các tồn tại: Nghiêm trọng: 0 Nặng: 0 Nhẹ: 0 Khuyến cáo: 0 VI. KẾT LUẬN CỦA ĐOÀN ĐÁNH GIÁ VII. Ý KIẾN CỦA CƠ SỞ ……………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………………………… Biên bản đánh giá được đọc, thông qua và thống nhất giữa Đoàn đánh giá và cơ sở. Biên bản đánh giá được lập thành 03 bản: Cơ sở giữ 01 bản, Đoàn đánh giá giữ 02 bản./. Đoàn đánh giá Đại diện lãnh đạo cơ sở Thư ký Trưởng Đoàn Mẫu số 03 - Giấy chứng nhận đạt GCP BỘ Y TẾ CỤC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐÀO TẠO/ CỤC QUẢN LÝ DƯỢC ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số/ No.: _ _ _/_ _ _/GCN-K2ĐT/QLD GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẠT GCP Căn cứ Thông tư số ……./2018/TT-BYT ngày.../.../2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thử thuốc trên lâm sàng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược chứng nhận: Tên cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: ... Địa chỉ cơ sở: ... Số Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (nếu có): số ngày tháng năm Danh sách khu lâm sàng/phòng xét nghiệm (trong trường hợp cơ sở nhận thử vắc xin có hợp đồng hợp tác với cơ sở chuyên môn): Căn cứ báo cáo đánh giá việc đáp ứng GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện ngày...tháng ... năm ..., cơ sở thử thuốc trên lâm sàng được công nhận đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) theo quy định tại Thông tư số .../2018/TT-BYT ngày ... tháng ... năm ... của Bộ trưởng Y tế. Giấy chứng nhận này thể hiện tình trạng tuân thủ GCP của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng tại thời điểm đánh giá nêu trên và có hiệu lực không quá 03 năm kể từ ngày đánh giá gần nhất. Tuy nhiên, thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận có thể được rút ngắn hoặc gia hạn tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Thông tư số .../2018/TT-BYT ngày ... tháng ... năm ... của Bộ trưởng Y tế. Nơi nhận: ………/……./…… CỤC TRƯỞNG Mẫu số 04 - Đơn đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng TÊN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN TÊN CƠ SỞ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……… / …….. ………, ngày …… tháng ….. năm 20……. ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐÁNH GIÁ VIỆC DUY TRÌ ĐÁP ỨNG THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế Tên cơ sở: Địa chỉ: Điện thoại/fax/email: Người liên hệ: Chức danh: Điện thoại/fax/email: Thực hiện Thông tư số /2018/TT-BYT ngày ... tháng ... năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thử thuốc trên lâm sàng, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đạt GCP số.../GCN-K2ĐT/QLD ngày ... tháng ... năm..., kính đề nghị Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược) được đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GCP (và cấp Giấy chứng nhận đạt GCP - trường hợp cơ sở có yêu cầu). [Tên cơ sử] gửi kèm theo đơn đề nghị này các tài liệu sau đây: 1. Tài liệu kỹ thuật cập nhật về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở (nếu có thay đổi); 2. Báo cáo tóm tắt hoạt động thử thuốc trên lâm sàng của cơ sở trong 03 năm gần nhất tính từ thời điểm đánh giá liền trước. Thủ trưởng cơ sở (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Mẫu số 05 - Báo cáo thay đổi TÊN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN TÊN CƠ SỞ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……… / …….. ………, ngày …… tháng ….. năm 20……. BÁO CÁO THAY ĐỔI VỀ THỰC HÀNH TỐT THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược Tên cơ sở: ........................................................................................................................ Địa chỉ: ............................................................................................................................. Điện thoại/fax/email: .......................................................................................................... Người liên hệ: ………………………………….. Chức danh: ………………………………… Điện thoại/fax/email: .......................................................................................................... Người phụ trách chuyên môn: …………………………………….., năm sinh: .................... Số Chứng chỉ hành nghề y/dược: Nơi cấp ……………………….; năm cấp ……………, có giá trị đến ……………………..(nếu có) Đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (nếu có) số…….ngày…….tháng…….năm với phạm vi: Đã được cấp Giấy chứng nhận GCP số....ngày....tháng....năm: Cơ sở báo cáo các nội dung thay đổi như sau: Nội dung thay đổi Danh mục tài liệu liên quan đến thay đổi 1. 2. Chúng tôi cam đoan thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật, các quy định, quy chế chuyên môn về thử thuốc trên lâm sàng có liên quan. Đề nghị Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo/Cục Quản lý Dược xem xét, đánh giá việc đáp ứng GCP đối với các thay đổi nêu trên của cơ sở. [Tên cơ sở] gửi kèm bản đề nghị này các tài liệu sau đây: 1. Bản sao Giấy chứng nhận đạt GCP; 2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Tài liệu pháp lý về việc thành lập và chức năng nhiệm vụ của cơ sở thử thuốc trên lâm sàng không vì mục đích thương mại); 3. Hồ sơ tổng thể của cơ sở đã cập nhật các nội dung thay đổi. Thủ trưởng cơ sở (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Mẫu số 06 - Đơn đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………, ngày … tháng … năm … ĐƠN ĐĂNG KÝ NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) Tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng: Địa chỉ giao dịch: Điện thoại: Fax: Email: Đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng với các nội dung sau: - Tên thuốc: - Nồng độ: - Hàm lượng: - Dạng bào chế: - Đường dùng: Phân loại: - Thuốc hóa dược: - Thuốc dược liệu: - Thuốc cổ truyền: - Vắc xin: - Thuốc tương tự sinh học: - Sinh phẩm y tế dùng cho điều trị: Đề nghị thử nghiệm trên lâm sàng giai đoạn: hoặc đề nghị thử nghiệm lâm sàng từ giai đoạn: đến giai đoạn: Thuốc đã hoàn thành nghiên cứu ở giai đoạn: Đề xuất nghiên cứu viên chính: Đề xuất cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng: Hồ sơ kèm theo gồm: … Đại diện Tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng (ký tên đóng dấu) Mẫu số 07 - Đơn đề nghị phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………, ngày ... tháng ... năm ... ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) Họ và tên nghiên cứu viên chính: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: Địa chỉ cơ quan: Điện thoại: Fax: Email: Đề nghị Bộ Y tế phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng: - Tên thuốc: - Lô số: - Nồng độ: - Hàm lượng: - Dạng bào chế: - Đường dùng: - Hạn dùng: Phân loại: - Thuốc hóa dược: - Thuốc dược liệu: - Thuốc cổ truyền: - Vắc xin: - Thuốc tương tự sinh học: - Sinh phẩm y tế: Đề nghị thử nghiệm trên lâm sàng giai đoạn: hoặc đề nghị thử nghiệm lâm sàng từ giai đoạn: đến giai đoạn: Thuốc đã hoàn thành nghiên cứu ở giai đoạn: Hồ sơ kèm theo gồm: 1. 2. 3. Nghiên cứu viên chính và cơ sở thử thuốc trên lâm sàng cam kết hoàn toàn không có bất kỳ xung đột lợi ích nào giữa các bên tham gia nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, tuân thủ đúng đề cương nghiên cứu được Bộ Y tế phê duyệt và các nguyên tắc về Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng. Nghiên cứu viên chính (ký tên) Thủ trưởng cơ sở thử thuốc trên lâm sàng (ký tên, đóng dấu) Mẫu số 08 - Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng I. Thông tin chung về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) 1. Tên nghiên cứu ……………………………………………………………….. ……………………………………………………………….. 2. Mã số ……………………………………… ……………………………………… 3. Thời gian thực hiện: (Từ tháng ..../20.... đến tháng ..../20....) 4. Cấp quản lý NN Bộ/ CS Tỉnh 5. Kinh phí Tổng số: ………………………………………………………………………………………………… Trong đó, từ Ngân sách SNKH: ………………………………………………………………………. Từ nguồn khác (ghi rõ nguồn): ………………………………………………………………………... 6 Đề nghị được NC TNLS giai đoạn (ghi rõ): Hoặc đề nghị được NC TNLS các giai đoạn (ghi rõ): 7 Nghiên cứu viên chính Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………… Học hàm/học vị: ………………………………………………………………………………………….. Chức danh khoa học: ……………………………………………………………………………………. Điện thoại: …………………….. (CQ)/ ………………….. (NR) ………….... Fax: …………………… Mobile: …………………………………………………………………………………………………. E-mail: …………………………………………………………………………………………………. Địa chỉ cơ quan: ………………………………………………………………………………………. Địa chỉ nhà riêng: ……………………………………………………………………………………... 8 Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng Tên cơ quan, tổ chức: ………………………………………………………………………………... Điện thoại: …………………………. Fax: ………………………… E-mail: ……………………….. Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………….. 9 Cơ quan hoặc cá nhân đặt hàng thử thuốc trên lâm sàng (là cơ quan được sử dụng bản quyền về sản phẩm đưa ra TNLS và sử dụng kết quả TNLS để có thể đưa sản phẩm vào sản xuất hoặc đưa ra sử dụng trong thực tế, hoặc đưa vào nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo) Tên tổ chức: …………………………………………………………………………………………… Điện thoại: …………………………….. Fax: …………………….. E-mail: ………………………… Địa chỉ cơ quan: ………………………………………………………………………………………... Họ và tên (nếu là cá nhân đặt hàng): Học hàm/học vị: ………………………………………………………………………………………… Chức danh khoa học: ………………………………………………………………………………….. Điện thoại: ………………………. (CQ)/……………………. (NR) ……………..Fax: ……………... Mobile: …………………………………………………………………………………………………… E-mail: …………………………………………………………………………………………………… Địa chỉ cơ quan: ………………………………………………………………………………………… Địa chỉ nhà riêng: ……………………………………………………………………………………….. *Ghi chú: Trong trường hợp tổ chức và cá nhân thấy cần trình bày, bổ sung cho rõ hơn một số mục nào đó của bản Thuyết minh này, có thể trình bày dài hơn, với số trang của Thuyết minh không hạn chế. II. Nội dung KH&CN của nghiên cứu (Diễn giải các mục theo yêu cầu của Quy định Thử thuốc trên lâm sàng với các nội dung theo các giai đoạn thử nghiệm) 10 Mục tiêu của nghiên cứu 11 Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước ● Tổng quan về sản phẩm nghiên cứu ● Tổng quan về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: Ngoài nước: Trong nước: 12 Cách tiếp cận, phương pháp và nội dung nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng: Đề nghị trình bày luận cứ rõ cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu, cách chọn mẫu, cỡ mẫu, tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng, các quy trình thực hành chuẩn (SOPs) đối với từng kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu - so sánh với các phương thức giải quyết tương tự khác, các chỉ tiêu nghiên cứu, phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị để xác định các chỉ tiêu đánh giá nghiên cứu) 12.1 Địa điểm nghiên cứu: 12.2 Thời gian nghiên cứu: 12.3 Phương pháp nghiên cứu:Mô tả loại của thử nghiệm (ngẫu nhiên, mù, mở), thiết kế của thử nghiệm (các nhóm song song, kỹ thuật ghép cặp), kỹ thuật làm mù (mù đôi, mù đơn), và phương pháp và quy trình lựa chọn ngẫu nhiên. 12.4 Đối tượng nghiên cứu: Mô tả đối đối tượng nghiên cứu (tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ của đối tượng tiềm tàng), quy trình thực hành chuẩn (SOPs) đối với việc tuyển chọn đối tượng tham gia nghiên cứu: phương pháp, tiêu chuẩn và thời điểm chỉ định đối tượng vào các nhóm nghiên cứu. 12.5 Cỡ mẫu: Số lượng đối tượng cần để đạt được mục tiêu thử nghiệm, dựa vào các tính toán thống kê. 12.6 Phác đồ dùng thuốc nghiên cứu: Xây dựng quy trình thực hành chuẩn (SOPs): Mô tả và trình bày rõ đường dùng, liều dùng, khoảng cách dùng và khoảng thời gian điều trị đối với sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm so sánh. Người chịu trách nhiệm, kỹ thuật, thao tác cho uống thuốc. Các chỉ tiêu theo dõi đánh giá. Mối liên quan liều đáp ứng cần được quan tâm. 12.7 Điều trị đồng thời: Bất kỳ điều trị nào khác có thể đã được xác định hoặc cho phép dùng đồng thời. 12.8 Các xét nghiệm được sử dụng: Xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn (SOPs): Các xét nghiệm lâm sàng và labo, phân tích dược lý, vv.... những test được thực hiện. Người chịu trách nhiệm, quy trình lấy mẫu, bảo quản, kỹ thuật. Các chỉ tiêu đánh giá, so sánh kết quả. 12.9 Đánh giá mức độ phản ứng phụ: Mô tả đáp ứng như thế nào thì được ghi chép (mô tả và đánh giá phương pháp và tần suất của sự đo lường), quy trình theo dõi và đo lường để xác định mức độ tuân thủ điều trị trong số các đối tượng nghiên cứu. 12.10 Tiêu chuẩn loại trừ đối tượng trong quá trình nghiên cứu: Tiêu chuẩn loại trừ cho đối tượng nghiên cứu và chỉ dẫn về kết thúc toàn bộ nghiên cứu hoặc một phần của nghiên cứu. 12.11 Ghi chép và báo cáo phản ứng phụ: Phương pháp ghi chép và báo cáo các trường hợp phản ứng hoặc sự cố, và các điều khoản liên quan đến việc tuân thủ. 12.12 Kỹ thuật làm mù và bảo vệ danh tính của đối tượng nghiên cứu: Các thủ tục để duy trì các danh sách xác định đối tượng, hồ sơ điều trị, danh sách lựa chọn ngẫu nhiên đối tượng và/hoặc mẫu báo cáo trường hợp (CRFs). Các hồ sơ phải cho phép xác định riêng rẽ các bệnh nhân hoặc người tham gia cũng như kiểm tra và dựng lại dữ liệu. 12.13 Quy định về việc mở mã: Thông tin về việc thiết lập mã số thử nghiệm, nơi bảo quản danh sách và ai, khi nào, như thế nào được mở mã trong trường hợp khẩn cấp. 12.14 Bảo quản sản phẩm nghiên cứu: Biện pháp được thực hiện để đảm bảo đóng gói và bảo quản an toàn sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm so sánh nếu sử dụng, và để đẩy mạnh và xác định mức độ tuân thủ với quy định điều trị và các hướng dẫn khác. 12.15 Phương pháp đánh giá kết quả: Mô tả phương pháp được sử dụng để đánh giá kết quả, (bao gồm các phương pháp thống kê) và báo cáo về bệnh nhân hoặc đối tượng tham gia bỏ cuộc khỏi thử nghiệm. 12.16 Phương pháp xử lý các sự cố bất lợi 12.17 Cách thức cung cấp thông tin cho đối tượng: Thông tin được trình bày cho các đối tượng thử nghiệm, bao gồm họ sẽ được thông tin như thế nào về thử nghiệm, và bản đồng ý của họ được thu thập khi nào và như thế nào. 12.18 Tập huấn cho Nhóm nghiên cứu: Tập huấn cho đội ngũ nghiên cứu viên tham gia vào nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (bao gồm: Chủ nhiệm đề tài, Chủ nhiệm đề tài nhánh, điều phối viên, các nghiên cứu viên, Dược sỹ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên) bao gồm: Nội dung cơ bản về nghiên cứu, thông tin về cách tiến hành thử nghiệm, các quy trình thực hành chuẩn (SOPs) về quản lý và sử dụng thuốc. 12.19 Các vấn đề về đạo đức: Các cân nhắc và các biện pháp về đạo đức liên quan đến thử nghiệm. 12.20 Chăm sóc y tế sau thử nghiệm: Chăm sóc y tế được cung cấp sau thử nghiệm, phương thức điều trị sau thử nghiệm. 12.21 Kế hoạch thực hiện 12.22 Kế hoạch theo dõi, giám sát, kiểm tra: - Giám sát của Nghiên cứu viên chính và nhóm nghiên cứu - Giám sát của nhà tài trợ - Giám sát, kiểm tra của Cơ quan quản lý, Hội đồng Đạo đức. 12.23. Các quy trình thực hành chuẩn (SOPs) của nghiên cứu Các nội dung về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học: (Bao gồm: Thông tin về nghiên cứu, Bản cung cấp thông tin và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu, Bản cam kết thực hiện các hướng dẫn về đạo đức trong nghiên cứu) 13 Hợp tác quốc tế Nội dung hợp tác Tên đối tác 14 Tiến độ thực hiện TT Các nội dung, công việc thực hiện chủ yếu (Các mốc đánh giá chủ yếu) Sản phẩm phải đạt Thời gian (BĐ-KT) Người, cơ quan thực hiện 1 2 3 4 5 III. Kết quả của nghiên cứu 15 Dạng kết quả dự kiến của nghiên cứu I II III ♦ ♦ ♦ Sơ đồ ♦ ♦ ♦ Bảng số liệu ♦ ♦ ♦ Báo cáo phân tích ♦ ♦ ♦ Tài liệu dự báo ♦ ♦ Quy trình điều trị ♦ ♦ IV. Các tổ chức/cá nhân tham gia thực hiện nghiên cứu 16 Hoạt động của các tổ chức phối hợp tham gia thực hiện nghiên cứu (Ghi tất cả các tổ chức phối hợp thực hiện nghiên cứu và phần nội dung công việc tham gia trong nghiên cứu) TT Tên tổ chức Địa chỉ Hoạt động/đóng góp cho nghiên cứu 1 2 3 17 Đội ngũ Nghiên cứu viên - Cộng tác viên - Điều phối nghiên cứu TT Họ và tên Chức danh khoa học- Cơ quan công tác Chứng nhận đã dược đào tạo về GCP A Nghiên cứu viên chính B Cán bộ tham gia nghiên cứu 1 2 3… V. Kinh phí thực hiện nghiên cứu và nguồn kinh phí (giải trình chi tiết xin xem phụ lục kèm theo) Đơn vị tính: Triệu đồng 18 Kinh phí thực hiện nghiên cứu phân theo các khoản chi TT Nguồn kinh phí Tổng số Trong đó Thuê khoán chuyên môn Nguyên, vật liệu, năng lượng Thiết bị, máy móc Xây dựng, sửa chữa nhỏ Chi khác 1 2 3 4 5 6 7 8 Tổng kinh phí Trong đó: 1 Ngân sách SNKH 2 Các nguồn vốn khác (ghi rõ) -Tài trợ, đặt hàng của tổ chức, cá nhân - Khác (vốn huy động, tự có...) Thủ trưởng cơ sở thử thuốc trên lâm sàng (Họ, tên, chữ ký và đóng dấu) ……………., ngày ………tháng …….năm 20.... Nghiên cứu viên chính (Họ, tên và chữ ký) ………………, ngày ….. tháng …… năm 20.... Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo DỰ TOÁN KINH PHÍ NGHIÊN CỨU Đơn vị: triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Tổng số Nguồn vốn Kinh phí Tỷ lệ (%) NSSNKH Tài trợ Khác 1. Thuê khoán chuyên môn 2. Nguyên, vật liệu, năng lượng 3. Thiết bị, máy móc chuyên dùng 1 4. Xây dựng, sửa chữa nhỏ 5. Chi khác Tổng cộng Giải trình các khoản chi (Triệu đồng) Khoản 1. Thuê khoán chuyên môn TT Nội dung thuê khoán Tổng kinh phí Nguồn vốn NSSNKH Tài trợ Khác Cộng Khoản 2. Nguyên vật liệu, năng lượng TT Nội dung Đơn vị đo Số lượng Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn NSSNKH Tài trợ Khác 2.1 Nguyên, vật liệu 2.2 Dụng cụ, phụ tùng 2.3 Năng lượng, nhiên liệu - Than - Điện kW/h - Xăng, dầu - Nhiên liệu khác 2.4 Nước m3 2.5 Mua sách, tài liệu, số liệu Cộng Khoản 3. Thiết bị, máy móc chuyên dùng TT Nội dung Đơn vị đo Số lượng Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn NSSNKH Tài trợ Khác 3.1 Mua thiết bị công nghệ 3.2 Mua thiết bị thử nghiệm, đo lường 3.3 Khấu hao thiết bị 3.4 Thuê thiết bị 3.5 Vận chuyển lắp đặt \ị mi Cộng Khoản 4. Xây dựng, sửa chữa nhỏ TT Nội dung Kinh phí Nguồn vốn NSSNKH Tài trợ Khác 4.1 Chi phí xây dựng m2 nhà xưởng, PTN 4.2 Chi phí sửa chữa m2 nhà xưởng, PTN 4.3 Chi phí lắp đặt hệ thống điện, hệ thống nước 4.4 Chi phí khác Cộng Khoản 5. Chi khác TT Nội dung Kinh phí Nguồn vốn NSSNKH Tài trợ Khác 5.1 Công tác phí 5.2 Quản lý cơ sở 5.3 Chi phí đánh giá, kiểm tra, nghiệm thu - Chi phí thẩm định - Chi phí xét duyệt hồ sơ - Chi phí giám sát - Chi phí kiểm tra, nghiệm thu trung gian - Chi phí nghiệm thu nội bộ - Chi phí nghiệm thu chính thức 5.4 Chi khác - Đào tạo - Hội nghị - Ấn loát tài liệu, văn phòng phẩm - Dịch tài liệu ………… 5.5 Phụ cấp nghiên cứu viên Cộng Mẫu số 09 - Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng (ICF) Tên nghiên cứu: Phiên bản: ICF Ngày ……/……/………... Tên tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng: Mã đối tượng: ………………………………………………….. Tài liệu này được thông báo đầy đủ đến các đối tượng tham gia nghiên cứu, không có trang hay phần nào trong tài liệu này được bỏ qua. Những nội dung trong tài liệu này cần phải được giải thích rõ bằng khẩu ngữ với các đối tượng tham gia nghiên cứu. 1. Trình bày các vấn đề liên quan đến nghiên cứu, mục đích của nghiên cứu, thời gian dự kiến, phương pháp tiến hành (nêu cụ thể những gì được thử nghiệm) 2. Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng 3. Tiêu chuẩn loại trừ khỏi nghiên cứu 4. Ai sẽ là người đánh giá các thông tin cá nhân và y khoa để lựa chọn anh/chị/... tham gia vào nghiên cứu này? 5. Số người sẽ tham gia vào nghiên cứu 6. Mô tả những rủi ro hoặc bất lợi 7. Mô tả lợi ích cho đối tượng hoặc cho những người khác 8. Những khoản anh/chị/... được chi trả trong nghiên cứu 9. Phương pháp hoặc cách điều trị thay thế 10. Cách lưu giữ bảo đảm bí mật hồ sơ cá nhân 11. Chỉ rõ các đối tượng được tiếp cận để thanh tra, kiểm tra, giám sát hồ sơ của anh/chị/... 12. Bồi thường hoặc chăm sóc, điều trị nếu có biến cố về sức khỏe xảy ra 13. Người để liên hệ khi anh/chị/... có câu hỏi liên quan đến nghiên cứu Nêu rõ rằng sự tham gia là tình nguyện, anh/chị/... có quyền chối tham gia hoặc dừng tham gia vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian nghiên cứu mà vẫn được bảo đảm việc chăm sóc y tế Chữ ký của đối tượng tham gia nghiên cứu Ngày ký phiếu tình nguyện Đơn tình nguyện Tôi, _______________________________________________________________________ Xác nhận rằng • Tôi đã đọc các thông tin được cung cấp về nghiên cứu…………………………………….. tại bản cung cấp thông tin nghiên cứu và Phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu, phiên bản, ngày ..../…/…..., …… trang). Tôi đã được các cán bộ nghiên cứu giải thích rõ về nghiên cứu và các thủ tục đăng ký tình nguyện tham gia vào nghiên cứu. • Tôi đã có cơ hội được hỏi các câu hỏi về nghiên cứu và tôi hài lòng với các câu trả lời đưa ra. • Tôi đã có thời gian và cơ hội để cân nhắc tham gia vào nghiên cứu này. • Tôi đã hiểu được rằng tôi có quyền được tiếp cận với các thông tin được mô tả trong Phiếu cung cấp thông tin nghiên cứu. • Tôi hiểu rằng tôi có quyền rút khỏi nghiên cứu vào bất cứ thời điểm nào vì bất cứ lý do gì • Tôi đồng ý rằng các bác sỹ đang điều trị cho tôi (nếu có) sẽ được thông báo về việc tham gia nghiên cứu của tôi. Đánh dấu vào ô thích hợp: Có: Không: Tôi đồng ý tham gia trong nghiên cứu này. Chữ ký của người tham gia …………………………………………………………………………. Ngày/tháng/năm ………………………………… Nếu cần, *Chữ ký của người làm chứng ………………………………………………………………………….. Ngày/tháng/năm ………………………………… * Tên của người làm chứng ………………………………………………………………………….. Ngày/tháng/năm ………………………………… Chữ ký của người lấy Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu ………………………………………………………………………….. Ngày/tháng/năm ………………………………… Tên của người lấy Bản cung cấp thông tin nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu ………………………………………………………………………….. Mẫu số 10 - Đơn đề nghị phê duyệt thay đổi nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………….., ngày … tháng … năm …. ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT THAY ĐỔI NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) Họ và tên nghiên cứu viên chính: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: Địa chỉ cơ quan: Điện thoại: Fax: Email: Đã dược Bộ Y tế cho phép triển khai nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng [tên nghiên cứu] tại Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm Cơ sở báo cáo các nội dung thay đổi như sau: Nội dung thay đổi Giải trình các nội dung thay đổi Danh mục tài liệu liên quan đến thay đổi 1. 2. 3. Hồ sơ kèm theo gồm: …. Sau khi nghiên cứu Thông tư số /2018/TT-BYT ngày / /2018 quy định về thử thuốc trên lâm sàng và các quy định liên quan, chúng tôi cam đoan thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật, các quy chế chuyên môn có liên quan, tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu. Đề nghị Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo xem xét, phê duyệt đối với các thay đổi nêu trên của cơ sở. Nghiên cứu viên chính (ký tên) Thủ trưởng cơ sở thử thuốc trên lâm sàng (ký tên, đóng dấu) Mẫu số 11 - Đơn đề nghị phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ……….., ngày … tháng … năm … ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Kính gửi: Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) Nghiên cứu viên chính: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: Cơ sở phối hợp nghiên cứu : Đề nghị Bộ Y tế xem xét, phê duyệt kết quả thử thuốc trên lâm sàng: Tên nghiên cứu: Tên thuốc nghiên cứu: Tên tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng: Mã số nghiên cứu: Giai đoạn nghiên cứu: Thời gian nghiên cứu: Hồ sơ kèm theo gồm: …….. Nghiên cứu viên chính ký tên Thủ trưởng cơ sở thử thuốc trên lâm sàng ký tên, đóng dấu Mẫu số 12 - Báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Trang bìa 1 BỘ Y TẾ BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG Tên nghiên cứu: Nghiên cứu viên chính: Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: Cấp quản lý: Bộ Y tế Thời gian thực hiện: từ tháng ... năm ... đến tháng ... năm ... Tổng kinh phí thực hiện nghiên cứu ………….. triệu đồng Trong đó: kinh phí SNKH ………….. triệu đồng Nguồn khác (nếu có) ………….. triệu đồng Năm 20 Trang tiêu đề BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG 1. Tên nghiên cứu 2. Tên thuốc dùng trong nghiên cứu 3. Nội dung nghiên cứu (nếu tên nghiên cứu chưa thể hiện, mô tả ngắn gọn (1-2 câu) về thiết kế, cách so sánh, thời gian dùng thuốc, liều và quần thể bệnh nhân.. 4. Tên tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng 5. Mã số nghiên cứu 6. Giai đoạn nghiên cứu. 7. Ngày bắt đầu nghiên cứu 8. Ngày kết thúc nghiên cứu 9. Tên và chức danh của nghiên cứu viên chính 10. Tên giám sát viên. 11 .Cam kết nghiên cứu tuân thủ theo GCP. 12.Ngày báo cáo Trang 3 BẢNG TÓM TẮT NGHIÊN CỨU Trang 4 NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT Trang 5 MỤC LỤC CÁC NỘI DUNG CẦN CÓ TRONG BÁO CÁO TỔNG KẾT 1. Đặt vấn đề 2. Mục tiêu nghiên cứu 3. Kế hoạch nghiên cứu 3.1. Kế hoạch và thiết kế nghiên cứu 3.2. Bàn luận về thiết kế nghiên cứu, việc chọn đối chứng 3.3. Lựa chọn đối tượng (quần thể) nghiên cứu (tiêu chuẩn lựa chọn, tiêu chuẩn loại trừ) 3.4. Thuốc nghiên cứu 3.5. Mô tả phương pháp bảo đảm chất lượng dữ liệu 3.6. Phương pháp thống kê đã nêu trong đề cương và xác định cỡ mẫu 3.7. Những thay đổi khi thực hiện nghiên cứu và phân tích theo kế hoạch nghiên cứu. 4. Đối tượng tham gia nghiên cứu (bệnh nhân/người tình nguyện) 4.1. Tình hình bệnh nhân tham gia nghiên cứu 4.2. Những sai số so với đề cương 5. Đánh giá hiệu quả 5.1. Dữ liệu phân tích Phải xác định chính xác những bệnh nhân được dùng trong phân tích hiệu quả, và những trường hợp loại trừ, lý do. 5.2. Đặc điểm về nhân chủng học và các đặc điểm cơ bản khác Lập bảng tóm tắt các đặc điểm nhân chủng học của từng bệnh nhân 5.3. Xác định sự phù hợp của thuốc Tóm tắt và phân tích bất kỳ một kết quả nào đánh giá sự phù hợp của từng bệnh nhân với chế độ liều dùng trong nghiên cứu như nồng độ thuốc trong dịch sinh học theo thời gian. 5.4. Hiệu quả điều trị và bảng số liệu từng bệnh nhân a) Phân tích hiệu quả b) Phân tích/thống kê c) Lập bảng số liệu đáp ứng của từng bệnh nhân d) Liều thuốc, nồng độ thuốc và mối quan hệ với đáp ứng đ) Tương tác thuốc - thuốc, thuốc - bệnh e) Trình bày số liệu của từng bệnh nhân g) Kết luận về hiệu quả 6. Đánh giá an toàn Phân tích số liệu liên quan đến độ an toàn được xem xét ở 3 mức: - Mức độ phơi nhiễm (liều, thời gian dùng thuốc, số lượng bệnh nhân) cần kiểm tra để xác định mức an toàn của nghiên cứu. - Các biến cố bất lợi cần quan tâm, các yếu tố ảnh hưởng đến tần suất của biến cố bất lợi. - Các biến cố bất lợi nghiêm trọng bất kể có liên quan đến thuốc nghiên cứu hay không. 7. Mức độ phơi nhiễm Mức độ phơi nhiễm với thuốc nghiên cứu, thuốc đối chứng hay placebo cần được đánh giá theo số lượng bệnh nhân đã dùng thuốc, khoảng thời gian dùng thuốc và mức liều sử dụng. 8. Biến cố bất lợi (AE) Tóm tắt về AE Trình bày các AE Phân tích các AE Liệt kê AE theo bệnh nhân 9. Tử vong và các biến cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) Danh sách tử vong và các SAE Tường trình trường hợp tử vong, SAE Phân tích và thảo luận về tử vong, các SAE 10. Đánh giá xét nghiệm Liệt kê giá trị xét nghiệm của từng bệnh nhân (phụ lục) và các giá trị bất thường. Đánh giá từng thông số xét nghiệm 11. Những dấu hiệu sống, những biểu hiện sinh lý và những quan sát khác liên quan đến độ an toàn. Phân tích những dấu hiệu sống, biểu hiện về sinh lý và những thay đổi quan sát được. 12. Kết luận độ an toàn Tổng kết về độ an toàn của thuốc, đặc biệt chú ý đến sự thay đổi do liều dùng, những AE dẫn đến ngừng dùng thuốc, phải có can thiệp y tế hay tử vong... 13. Bàn luận và Kết luận Đánh giá chung về hiệu quả và an toàn của thuốc, mối tương quan giữa lợi ích và nguy cơ. 14. Bảng, biểu đồ, đồ thị có liên quan 15. Danh mục tài liệu tham khảo 16. Phụ lục Liệt kê danh mục phụ lục có trong báo cáo. Mẫu 13 - Văn bản chấp thuận nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng BỘ Y TẾ CỤC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /K2ĐT-TNLS V/v chấp thuận chủ trương xây dựng hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng Hà Nội, ngày … tháng … năm … Kính gửi: [tên tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng] Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Cục KHCN&ĐT) đã nhận được đơn đề nghị của [tên tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng] về việc đề nghị thực hiện nghiên cứu thử thuốc lâm sàng [tên nghiên cứu]. Sau khi xem xét, Cục KHCN&ĐT có ý kiến như sau: Chấp thuận về nguyên tắc việc chuẩn bị, xây dựng hồ sơ, đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng [tên nghiên cứu]. Đề nghị tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu đề xuất trong đơn và các Nghiên cứu viên chính để xây dựng hồ sơ nghiên cứu theo đúng các quy định được ban hành tại Thông tư số /2018/TT-BYT ngày / /2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về thử thuốc trên lâm sàng làm cơ sở trình Bộ Y tế xem xét, phê duyệt trước khi triển khai nghiên cứu. Xin thông báo để tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng được biết và thực hiện./. Nơi nhận: - Như trên; - TT phụ trách (để báo cáo); - Cục trưởng (để báo cáo); - Tổ chức nhận thử đề xuất (để thực hiện); - Lưu: VT, TNLS (02 bản). Lãnh đạo Cục Mẫu 14 - Giấy chứng nhận kết quả thử thuốc trên lâm sàng BỘ Y TẾ CỤC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /CN-K2ĐT Hà Nội, ngày … tháng … năm … GIẤY CHỨNG NHẬN Kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng Căn cứ Quyết định số .../QĐ-BYT ngày …/…/… của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thuộc Bộ Y tế; Căn cứ Quyết định số .../QĐ-BYT ngày …/…/… của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng; Căn cứ biên bản số .../BB-BĐGĐĐ ngày …/…/… của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo chứng nhận việc hoàn thành và nghiệm thu đối với nghiên cứu: 1. Tên nghiên cứu: 2. Giai đoạn nghiên cứu: 3. Nghiên cứu viên chính: 4. Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng: 5. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng: 6. Địa điểm triển khai: 7. Đối tượng nghiên cứu: 8. Số lượng đối tượng: 9. Thời gian nghiên cứu: 10. Tên sản phẩm: 11. Nhà sản xuất: 12. Liều, phác đồ sử dụng sản phẩm trong nghiên cứu: theo đề cương nghiên cứu được phê duyệt tại Quyết định số .../QĐ-BYT ngày …/.../… của Bộ Y tế. 13. Ngày họp Hội đồng nghiệm thu: 14. Kết luận nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế: Ngày chứng nhận: ngày ... tháng ... năm ... Nơi nhận: - TT phụ trách (để báo cáo); - Cục trưởng (để báo cáo); - Vụ/Cục liên quan (để phối hợp); - Nghiên cứu viên chính (để thực hiện); - Tổ chức nhận thử (để thực hiện); - Tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng (để thực hiện); - Lưu: VT, TNLS (02 bản); Lãnh đạo Cục
{ "issuing_agency": "Bộ Y tế", "promulgation_date": "29/10/2018", "sign_number": "29/2018/TT-BYT", "signer": "Trương Quốc Cường", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-01-QyD-VKSTC-2020-cong-tac-bao-ve-co-quan-Vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-433304.aspx
Quy định 01/QyĐ-VKSTC 2020 công tác bảo vệ cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 01/QyĐ-VKSTC Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2020 QUY ĐỊNH CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC BẢO VỆ CƠ QUAN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSDN) năm 2014; Căn cứ Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Căn cứ Thông tư số 46/2014/TT-BCA ngày 16/10/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Xét đề nghị của Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy định về công tác thường trực bảo vệ cơ quan VKSND tối cao, Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Quy định này quy định về công tác thường trực bảo vệ tại Trụ sở cơ quan VKSND tối cao, số 9 số Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội (gọi chung là Cơ quan); địa điểm tiếp công dân của VKSND tối cao. Điều 2. Đối tượng áp dụng Công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội (gọi chung là các đơn vị). Đại diện các tổ chức, cá nhân đến thăm và làm việc tại trụ sở VKSND tối cao. Điều 3. Giấy tờ hợp lệ khi ra, vào Cơ quan Công chức, viên chức, người lao động, khách đến liên hệ công tác khi ra, vào Cơ quan phải có một trong những giấy tờ sau: 1. Đối với công chức, viên chức, người lao động các đơn vị phải mang theo thẻ ra, vào cơ quan do Văn phòng VKSND tối cao cấp (gọi chung là Văn phòng). 2. Đối với khách đến liên hệ công tác: - Giấy mời họp (bản chính, cùng giấy tờ tùy thân có dán ảnh); - Giấy giới thiệu (kèm giấy tờ tùy thân có dán ảnh); - Giấy tờ tùy thân (căn cước công dân/hộ chiếu/thẻ ngành,…); - Các giấy tờ hợp lệ khác có liên quan. Điều 4. Nguyên tắc chung 1. Phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan đến công tác bảo vệ. 2. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa bảo vệ cơ quan để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chương II CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC BẢO VỆ Điều 5. Nhiệm vụ của thường trực bảo vệ Bố trí thường trực bảo vệ trực theo ca liên tục 24h/24h trong ngày. Mỗi ca có Trưởng ca điều hành chung, phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên bảo vệ trong ca. Nhiệm vụ cụ thể như sau: 1. Quản lý việc ra, vào Cơ quan; kiểm tra giấy tờ, ghi sổ theo dõi, phát và thu thẻ khách khi khách ra, vào cơ quan; hướng dẫn việc đi lại của khách trong Cơ quan. 2. Đối với khách đến gặp, làm việc với lãnh đạo VKSND tối cao, căn cứ lịch làm việc Tuần để chỉ dẫn địa điểm làm việc cho khách và báo Thư ký giúp việc lãnh đạo VKSND tối cao để xin ý kiến. 3. Ghi chép đầy đủ diễn biến và các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ đã thực hiện trong ca trực; tổ chức bàn giao giữa hai ca trực, nội dung bàn giao phải được ghi đầy đủ trong sổ bàn giao ca trực và phải được hai Trưởng ca ký giao, nhận. 4. Sau khi hết giờ làm việc buổi chiều phải cử người phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành Tòa nhà VKSND tối cao kiểm tra toàn bộ trụ sở Cơ quan, các Phòng làm việc, nếu phát hiện những sai sót của đơn vị như; không khóa cửa phòng làm việc; không tắt các thiết bị điện (máy vi tính, quạt, bóng đèn, …) phải có biện pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn; đồng thời thông báo cho đơn vị chủ quản biết xử lý, rút kinh nghiệm. 5. Nhắc và đôn đốc đơn vị quản lý, vận hành Tòa nhà bật hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ công tác bảo vệ ban đêm: mùa hè từ 19 giờ 00 phút tối hôm trước và tắt vào 5 giờ 00 phút sáng hôm sau; mùa đông từ 18 giờ 00 phút tối hôm trước và tắt vào 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. 6. Hướng dẫn, nhắc công chức, viên chức, người lao động và khách đến cơ quan để ô tô, xe máy, xe đạp đúng nơi quy định, bảo đảm an toàn, mỹ quan. - Đối với xe ô tô cá nhân của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trụ sở Cơ quan được vào cơ quan đỗ tại hầm B2 theo danh sách đăng ký và được lãnh đạo Văn phòng phê duyệt. - Đối với xe ô tô của khách đến làm việc, họp tại Cơ quan, Thường trực bảo vệ có nhiệm vụ hướng dẫn nơi để xe. 7. Đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo, thường trực bảo vệ hướng dẫn công dân tới địa điểm tiếp dân để được tiếp; trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người phải thông báo ngay với Công an phường và Công an quận tại địa bàn để được hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự; đồng thời báo cáo ngay với lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo Phòng Hành chính và đơn vị có liên quan đến vụ việc để phối hợp giải quyết. 8. Tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy - Nhân viên bảo vệ là lực lượng nòng cốt trong tổ chức phòng cháy và chữa cháy của Cơ quan. Khi có cháy, nổ xảy ra phải tổ chức chữa cháy kịp thời; đồng thời thông báo ngay cho ban chỉ huy và Đội phòng cháy, chữa cháy Cơ quan VKSND tối cao và Công an phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội. - Thường xuyên phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành Tòa nhà kiểm tra hệ thống cứu hỏa và các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ trang bị cho phòng cháy và chữa cháy; khi phát hiện trang thiết bị hư hỏng phải đề xuất lãnh đạo Văn phòng để sửa chữa, thay thế kịp thời. Nhân viên bảo vệ phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng và chữa cháy. - Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy; giữ gìn trật tự công cộng và quản lý vũ khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy,…; tham gia đầy đủ các đợt kiểm tra, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy do Cơ quan tổ chức. 9. Thực hiện những nhiệm vụ khác khi được lãnh đạo Phòng Hành chính, lãnh đạo Văn phòng giao. Điều 6. Quyền hạn của nhân viên thường trực bảo vệ 1. Tuần tra tất cả các vị trí trọng yếu trong Cơ quan; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm an toàn, trật tự được quyền kiểm tra giấy tờ đối với người, hàng hóa, phương tiện ra vào cơ quan; nếu phát hiện người đột nhập vào cơ quan phải thực hiện biện pháp nghiệp vụ bảo vệ để khống chế đối tượng đồng thời báo cáo ngay lãnh đạo Phòng Hành chính, lãnh đạo Văn phòng; kịp thời phối hợp với Công an phường, Công an quận tại địa bàn để giải quyết. 2. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ của Cơ quan Công an để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn vi phạm nội quy bảo vệ Cơ quan; kịp thời đề xuất biện pháp xử lý. 3. Xử lý các phương tiện cố tình để không đúng quy định bằng hình thức khóa bánh xe (xe máy, xe đạp) hoặc đặt giấy nhắc nhở trên kính xe (xe ô tô) và thông báo cho chủ phương tiện biết, rút kinh nghiệm, không tái phạm. 4. Không cho phép mang vật tư, tài sản ra vào Cơ quan khi chưa có đủ giấy tờ hợp lệ, trường hợp không chấp hành thì lập biên bản tạm giữ và kịp thời báo cáo lãnh đạo Phòng Hành chính, lãnh đạo Văn phòng; ngăn chặn, không cho mang vũ khí, chất nổ, chất gây cháy, chất độc hại vào Cơ quan. 5. Trong ca trực nếu để tài sản của Cơ quan bị phá hủy, bị mất thì nhân viên ca trực đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Điều 7. Trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động 1. Khi vào Trụ sở Cơ quan, qua cổng thường trực bảo vệ không đeo kính đen, không đeo khẩu trang, khăn che mặt, không để kính mũ bảo hiểm che kín mặt; hạ kính bên trái buồng lái ô tô. 2. Đi làm bằng ô tô cá nhân phải đăng ký với Văn phòng để được hướng dẫn nơi để; công chức, viên chức, người lao động phải để xe ô tô, xe máy, xe đạp đúng nơi quy định; không được gây tiếng ồn (rú ga, bóp còi, mở đài to,…); điều khiển ô tô, xe máy đi đúng chiều theo quy định và bảo đảm tốc độ an toàn. 3. Hết giờ làm việc buổi chiều, trước khi ra về phải tắt các thiết bị điện (đèn, điều hòa nhiệt độ, quạt, máy vi tính,…) đóng kín cửa sổ và khóa cửa các phòng làm việc. 4. Làm việc ngoài giờ hành chính hoặc các ngày nghỉ, ngày lễ phải có ý kiến của Thủ trưởng đơn vị và đăng ký với Văn phòng; trừ những trường hợp đột xuất không phải đăng ký (làm việc xong phải đăng ký với Văn phòng). 5. Không mang vũ khí, chất dễ cháy, chất độc hại vào cơ quan; hạn chế cất giữ tài sản có giá trị lớn trong phòng làm việc. 6. Khi đi công tác đột xuất, nếu gửi lại xe ô tô, xe máy, xe đạp qua đêm tại Cơ quan phải đăng ký với bảo vệ để được hướng dẫn nơi đỗ (trường hợp không đăng ký với Văn phòng nếu bị hư hỏng, mất các cá nhân tự chịu trách nhiệm). Điều 8. Trách nhiệm của đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao 1 1. Đối với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức các cuộc họp phải gửi danh sách đại biểu, khách mời, phó viên báo chí đến Văn phòng (Phòng Hành chính) trước một ngày diễn ra sự kiện. 2. Đơn vị có người nước ngoài làm việc có thời hạn tại Cơ quan phải đăng ký danh sách với Văn phòng (Phòng Hành chính) để làm thủ tục ra, vào cơ quan. 3. Đăng ký với Bộ phận thường trực bảo vệ địa điểm tiếp nhận công văn, báo chí, dịch vụ, hàng hóa đưa vào Cơ quan; cử đại diện ra tiếp, đón khách khi có thông báo của nhân viên bảo vệ; thường xuyên nhắc nhở công chức, viên chức, người lao động của đơn vị chấp hành đúng quy định ra, vào Cơ quan. 4. Khi có nhu cầu làm việc ngoài giờ hành chính đơn vị phải đăng ký trước (có danh sách cụ thể) với Văn phòng (Phòng Hành chính). 5. Các hoạt động văn hóa, thể thao trong Cơ quan ngoài giờ hành chính của các ngày làm việc được phép hoạt động từ 17 giờ 15 phút đến 19 giờ 00 phút. Nếu tổ chức vào các ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ) hoặc trong giờ làm việc phải xin phép lãnh đạo Viện và lãnh đạo Văn phòng. Điều 9. Trách nhiệm của khách 1. Khách đến Cơ quan liên hệ công tác phải qua thường trực bảo vệ để đăng ký vào sổ theo sự hướng dẫn của nhân viên bảo vệ. 2. Xuất trình giấy tờ hợp lệ cho thường trực bảo vệ khi vào cơ quan VKSND tối cao; đối với thân nhân, đến cơ quan gặp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải qua thường trực bảo vệ để đăng ký và được hướng dẫn. 3. Cấm mang theo vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, các loại chất độc hại khác vào Cơ quan; tất cả các loại xe khi ra, vào trụ sở cơ quan đều phải dừng đỗ, để đúng quy định và theo hướng dẫn của nhân viên bảo vệ. Chấp hành đúng nội quy, quy định của VKSND tối cao. Điều 10. Trách nhiệm của Văn phòng VKSND tối cao 1. Tổ chức thường trực bảo vệ thực hiện công tác bảo vệ Cơ quan; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy thường trực bảo vệ Cơ quan. 2. Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, bảo đảm điều kiện làm việc cho lực lượng bảo vệ thực thi công việc; đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động thường trực bảo vệ tại Cơ quan. 3. Tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, VKSND tối cao và hướng dẫn nghiệp vụ của Cơ quan Công an về công tác bảo vệ tại VKSND tối cao. Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 11. Chế độ chính sách và trang phục của bảo vệ cơ quan 1. Thực hiện chế độ chính sách của bảo vệ cơ quan được theo quy định tại Nghị định 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ; Thông tư số 46/2014/TT-BCA ngày 16/10/2014 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định 06/2013/NĐ-CP về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. 2. Trong khi làm nhiệm vụ, nhân viên thường trực, bảo vệ phải mặc trang phục ngành Kiểm sát nhân dân, đeo phù hiệu theo quy định. Điều 12. Khen thưởng và kỷ luật Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ Cơ quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật và VKSND tối cao. Trường hợp có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính và các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật và VKSND tối cao. Điều 13. Tổ chức thực hiện 1. Chánh Văn phòng VKSND tối cao có trách nhiệm giúp Viện trưởng VKSND tối cao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. 2. Công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ quan; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện đúng Quy định này. Điều 14. Điều khoản thi hành 1. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung các đơn vị, cá nhân có văn bản gửi Văn phòng VKSND tối cao để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định; việc sửa đổi, bổ sung Quy định do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định./. Nơi nhận: - Lãnh đạo VKSND tối cao; - Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; - Viện kiểm sát quân sự Trung ương; - VKSND cấp cao; - VKSND cấp tỉnh; - Lưu: VT, VP. VIỆN TRƯỞNG Lê Minh Trí
{ "issuing_agency": "Viện kiểm sát nhân dân tối cao", "promulgation_date": "14/01/2020", "sign_number": "01/QyĐ-VKSTC", "signer": "Lê Minh Trí", "type": "Quy định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-108-2020-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-37-2014-ND-CP-to-chuc-cac-co-quan-chuyen-mon-343088.aspx
Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP tổ chức các cơ quan chuyên môn mới nhất
CHÍNH PHỦ -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 108/2020/NĐ-CP Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2020 NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2014/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau: “1. Trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: a) Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện: Dự thảo quyết định; quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn và hàng năm; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; dự thảo văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; b) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân công.” 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau: “1. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng), là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.” 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 như sau: “3. Số lượng Phó Trưởng phòng Bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.” 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 như sau: “4. Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được yêu cầu; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.” 5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 7 như sau: “1. Phòng Nội vụ: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua - khen thưởng. 2. Phòng Tư pháp: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.” 6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 7 như sau: “4. Phòng Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo); đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu. 5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Việc làm; giáo dục nghề nghiệp; lao động, tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. 6. Phòng Văn hóa và Thông tin: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; quảng cáo; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin; phát thanh truyền hình; báo chí; xuất bản; thông tin điện tử; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại; hạ tầng thông tin.” 7. Sửa đổi, bổ sung khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 7 như sau: “8. Phòng Y tế: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số. Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Y tế thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực y tế do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện. 9. Thanh tra huyện: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân theo quy định của pháp luật. 10. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân: Tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân về: Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; kiểm soát thủ tục hành chính; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chuyển hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết và nhận kết quả để trả cho cá nhân, tổ chức. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện có đường biên giới lãnh thổ quốc gia trên đất liền, trên biển và hải đảo, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ, biên giới.” 8. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 8 như sau: “a) Phòng Kinh tế: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiểu thủ công nghiệp; khoa học và công nghệ; công nghiệp; thương mại; phòng, chống thiên tai.” 9. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 8 như sau: “b) Phòng Kinh tế và Hạ tầng: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại; quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sĩ; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; khoa học và công nghệ. Đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa cao thì Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc tổ chức 02 phòng chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều này.” 10. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 như sau: “4. Phòng Dân tộc: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Phòng Dân tộc được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: a) Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; b) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại. Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực dân tộc do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.” 11. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau: “Điều 9. Tổ chức các cơ quan chuyên môn ở các huyện đảo 1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện đảo, bảo đảm không vượt quá khung số lượng cơ quan chuyên môn quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện đảo không quá 10 phòng. Riêng đối với huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được thành lập không quá 12 phòng.” 12. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau: “Điều 10. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 1. Hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác liên quan. 2. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.” 13. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau: “Điều 11. Ủy ban nhân dân cấp huyện 1. Căn cứ quy định tại Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập hoặc không thành lập và kiện toàn tổ chức các phòng cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm không tăng số lượng phòng khi thực hiện Nghị định này. 2. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng phù hợp với hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các văn bản khác có liên quan. 3. Quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng theo quy định tại Nghị định này. 4. Quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã và phân cấp hoặc ủy quyền cho phòng và Trưởng phòng (Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật. 5. Hàng năm, báo cáo với Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của phòng. 6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.” 14. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau: “Điều 12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện 1. Lãnh đạo, chỉ đạo phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. 2. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng theo quy định của Đảng và của pháp luật.” Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp Các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Điều 3. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2020. Điều 4. Trách nhiệm thi hành Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thánh phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoán thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, TCCV (2b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "14/09/2020", "sign_number": "108/2020/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Xuân Phúc", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-41-2005-ND-CP-huong-dan-Luat-Thanh-tra-52962.aspx
Nghị định 41/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra
CHÍNH PHỦ ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 41/2005/NĐ-CP Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2005 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 41/2005/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2005 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH TRA CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004; Theo đề nghị của Tổng Thanh tra, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh; Thanh tra bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra sở; hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm hoạt động thanh tra. Điều 2. Các cơ quan thanh tra nhà nước 1. Các cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính: a) Thanh tra Chính phủ; b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh); c) Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Thanh tra huyện); 2. Các cơ quan thanh tra được thành lập ở các cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực: a) Thanh tra bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Thanh tra bộ); Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. b) Thanh tra sở. 3. Cơ quan thanh tra nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ; chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ của cơ quan thanh tra cấp trên. Điều 3. Nguyên tắc hoạt động thanh tra 1. Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. 2. Khi tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra phải tuân theo quy định của pháp luật về thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiện toàn tổ chức, bảo đảm điều kiện hoạt động cho cơ quan thanh tra; thường xuyên chỉ đạo hoạt động thanh tra; xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra. Chương 2: TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN THANH TRA NHÀ NƯỚC MỤC 1: TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THANH TRA THEO CẤP HÀNH CHÍNH Điều 5. Thanh tra Chính phủ Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ được quy định trong một Nghị định khác. Điều 6. Tổ chức của Thanh tra tỉnh 1. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Thanh tra tỉnh có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh. Phó Chánh Thanh tra tỉnh giúp Chánh Thanh tra tỉnh phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thanh tra tỉnh có con dấu riêng. 2. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh có: a) Các phòng nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh. b) Văn phòng. 3. Cơ cấu tổ chức, biên chế của Thanh tra tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 18 của Luật Thanh tra. 2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, Thanh tra sở. 3. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra. 4. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra tỉnh. 5. Tham gia với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, sở và cơ quan, tổ chức hữu quan về cơ cấu tổ chức, biên chế, chế độ, chính sách đối với Thanh tra huyện, Thanh tra sở. 6. Hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với Thanh tra huyện, Thanh tra sở. Tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho Thanh tra viên của Thanh tra huyện, Thanh tra sở. 7. Tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng nghiệp vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra tỉnh. 8. Trưng tập cán bộ, công chức thuộc cơ quan thanh tra cấp dưới; yêu cầu cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia các Đoàn thanh tra. Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 19 của Luật Thanh tra. 2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra đối với Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, Thanh tra sở thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. 3. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Sở. 4. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xử lý việc chồng chéo, trùng lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ trưởng để xử lý việc chồng chéo, trùng lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 5. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở. 6. Hướng dẫn, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra. 7. Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng Thanh tra về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình. 8. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra. 9. Trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra huyện, Chánh Thanh tra sở và các chức danh thanh tra. Điều 9. Tổ chức của Thanh tra huyện 1. Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra huyện theo đề nghị của Chánh Thanh tra huyện. Phó Chánh Thanh tra huyện giúp Chánh Thanh tra huyện phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra huyện về thực hiện nhiệm vụ được giao. Thanh tra huyện có con dấu riêng. 2. Biên chế của Thanh tra huyện do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định. Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 21 của Luật Thanh tra. 2. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra. 3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra huyện. Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra huyện 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 22 của Luật Thanh tra. 2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra của Thanh tra huyện, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. 3. Kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện. 4. Hướng dẫn, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra. 5. Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra tỉnh về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình. 6. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra. MỤC 2: TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THANH TRA THEO NGÀNH, LĨNH VỰC Điều 12. Tổ chức Thanh tra bộ 1. Thanh tra bộ là cơ quan của Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Thanh tra bộ có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên. Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra bộ theo đề nghị của Chánh Thanh tra bộ. Phó Chánh Thanh tra bộ được giao phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra bộ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thanh tra bộ có con dấu riêng. 2. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Thanh tra bộ do Bộ trưởng quyết định. 3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thống nhất với Tổng Thanh tra trình Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra bộ. Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 25 của Luật Thanh tra. 2. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái với pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra. 3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra bộ. 4.Tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng nghiệp vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra bộ. 5. Trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia Đoàn thanh tra. Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra bộ 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 26 của Luật Thanh tra. 2. Kiến nghị Bộ trưởng xử lý việc chồng chéo, trùng lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tham mưu cho Bộ trưởng phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết việc trùng lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ. 4. Hướng dẫn, đôn đốc thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra; phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ quan, đơn vị đó. 5. Báo cáo Bộ trưởng, Tổng Thanh tra về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình. 6. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra. Điều 15. Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ Cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được thành lập cơ quan thanh tra, có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện như quy định đối với Thanh tra bộ. Điều 16. Tổ chức của Thanh tra sở 1. Thanh tra sở là cơ quan của Sở, có trách nhiệm giúp Giám đốc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc sở. Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên. Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra sở theo đề nghị của Chánh Thanh tra sở. Phó Chánh Thanh tra sở giúp Chánh Thanh tra sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thanh tra sở có con dấu riêng. Biên chế của Thanh tra sở do Giám đốc sở quyết định. 2. Thanh tra sở chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh và nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bộ. 3. Việc thành lập Thanh tra sở do Giám đốc sở thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở 1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 28 của Luật Thanh tra. 2. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái với văn bản pháp luật của Nhà nước được phát hiện qua công tác thanh tra. 3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra sở. 4. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Sở thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra; phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Sở chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ trong các cơ quan, đơn vị đó. 5. Yêu cầu cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia các Đoàn thanh tra. Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở 1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 29 của Luật Thanh tra. 2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thanh tra của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Giám đốc sở. 3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở. 4. Hướng dẫn, đôn đốc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra. 5. Báo cáo Giám đốc sở, Chánh Thanh tra tỉnh về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình. 6. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở thực hiện pháp luật về thanh tra. Chương 3: HOẠT ĐỘNG THANH TRA MỤC 1: HOẠT ĐỘNG THANH TRA HÀNH CHÍNH Điều 19. Chương trình, kế hoạch thanh tra 1. Tổng Thanh tra có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chánh Thanh tra các cấp, các ngành có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt. Chương trình, kế hoạch thanh tra được xây dựng căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ công tác của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; yêu cầu công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên. 2. Trong trường hợp cần điều chỉnh chương trình, kế hoạch thanh tra, Tổng Thanh tra, Chánh Thanh tra các cấp, các ngành có văn bản đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét, quyết định, thông báo cho cơ quan thanh tra và các cơ quan có liên quan biết. Điều 20. Quyết định thanh tra theo chương trình, kế hoạch 1. Căn cứ chương trình, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Tổng Thanh tra, Chánh Thanh tra các cấp, các ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. 2. Trước khi ra quyết định thanh tra, người ra quyết định thanh tra thu thập thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung, đối tượng cần thanh tra; xác định tính chất, yêu cầu, mục đích của cuộc thanh tra, dự kiến thời gian tiến hành thanh tra; lựa chọn Trưởng Đoàn thanh tra, bố trí thành viên Đoàn thanh tra và chuẩn bị các điều kiện khác phục vụ cuộc thanh tra; Điều 21. Quyết định Thanh tra đột xuất 1. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao. 2. Tổng Thanh tra ra quyết định thanh tra đột xuất trong phạm vi thẩm quyền của mình; Chánh Thanh tra các cấp, các ngành trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quyết định việc thanh tra đột xuất. 3. Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị việc tiến hành thanh tra đột xuất của Chánh Thanh tra các cấp, các ngành, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm xem xét, quyết định việc thanh tra và thông báo cho Chánh Thanh tra các cấp, các ngành. 4. Căn cứ vào quyết định phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Chánh Thanh tra các cấp, các ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. 5. Trường hợp phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật cần phải thanh tra kịp thời thì Chánh Thanh tra các cấp, các ngành ra quyết định thanh tra, đồng thời báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Điều 22. Thời hạn thanh tra Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra đối với mỗi cấp thanh tra được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, không kể ngày lễ, ngày nghỉ. Điều 23. Đoàn thanh tra 1. Đoàn thanh tra được thành lập theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra để tiến hành cuộc thanh tra theo nội dung, đối tượng, thời hạn đã ghi trong quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra có Trưởng Đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra. Trường hợp cần thiết có thể có Phó Đoàn thanh tra để giúp Trưởng Đoàn thanh tra thực hiện một số nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. 2. Trưởng Đoàn thanh tra chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra, người quản lý trực tiếp về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao. Trưởng Đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 39 của Luật Thanh tra. 3. Thành viên Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng Đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao. Thành viên Đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 40 của Luật Thanh tra. Điều 24. Chuẩn bị thanh tra 1. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt trước ngày công bố quyết định thanh tra. Kế hoạch thanh tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra; phương pháp tiến hành thanh tra; tiến độ thực hiện. 2. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm phổ biến kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Đoàn thanh tra. Điều 25. Công bố quyết định thanh tra 1. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Thành phần tham dự cuộc họp công bố quyết định thanh tra do Trưởng Đoàn thanh tra quyết định. 2. Khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra phải nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, thời hạn thanh tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản. Điều 26. Trách nhiệm của thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra 1. Khi tiến hành thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung nhiệm vụ được phân công. Việc thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phải được lập thành biên bản trong đó ghi rõ nguồn cung cấp (nếu có), chữ ký của người thu thập, người cung cấp. Thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng Đoàn thanh tra; trường hợp phát hiện những vấn đề cần phải xử lý ngay hoặc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Trưởng Đoàn thanh tra xem xét, quyết định. 2. Khi tiến hành thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra phải chấp hành sự chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, báo cáo với người ra quyết định thanh tra về tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và những vấn đề vượt thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, Trưởng Đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung kế hoạch thanh tra, thay đổi thành viên Đoàn thanh tra. 3. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra; kịp thời xử lý các kiến nghị của Đoàn thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để giải quyết những vấn đề do cuộc thanh tra đặt ra; quyết định việc thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra khi cần thiết. Điều 27. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình 1. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. 2. Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Trường hợp thông tin, tài liệu mà đối tượng thanh tra đã cung cấp chưa đầy đủ thì Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bổ sung. 3. Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin và tài liệu đúng mục đích. 4. Trường hợp đối tượng thanh tra không cung cấp hoặc cố tình trì hoãn, cung cấp không đầy đủ, không chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra mà Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý với đối tượng thanh tra. Điều 28. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra 1. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Trường hợp thông tin, tài liệu đã cung cấp chưa đầy đủ thì Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp bổ sung. 3. Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin và tài liệu đúng mục đích. 4. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cố tình trì hoãn, cung cấp không đầy đủ, không chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thì Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Điều 29. Niêm phong tài liệu 1. Khi xét thấy cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu, Trưởng Đoàn thanh tra có quyền quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. Quyết định niêm phong tài liệu phải bằng văn bản ghi rõ tài liệu cần niêm phong, thời gian niêm phong, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Trường hợp cần thiết thì lập biên bản về danh mục tài liệu niêm phong, biên bản phải có chữ ký của đối tượng thanh tra và đại diện Đoàn thanh tra. 2. Việc khai thác tài liệu niêm phong phải được sự đồng ý của người ra quyết định niêm phong. 3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp niêm phong thì người ra quyết định niêm phong phải ra quyết định huỷ bỏ ngay biện pháp đó. Điều 30. Kiểm kê tài sản 1. Khi tiến hành thanh tra nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản thì Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm kê tài sản. 2. Quyết định kiểm kê tài sản phải bằng văn bản, ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành, trách nhiệm của những người tiến hành, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Việc kiểm kê tài sản phải lập thành biên bản ghi rõ thành phần tham dự, thời gian, địa điểm tiến hành, tên, số lượng, tình trạng tài sản. Đối với những tài sản xét thấy cần giao cho cơ quan chức năng tạm giữ thì có văn bản yêu cầu cơ quan đó thực hiện việc tạm giữ. Đối với tài sản riêng của cá nhân thì việc kiểm kê tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật. 3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp kiểm kê tài sản thì người ra quyết định kiểm kê phải ra quyết định huỷ bỏ ngay biện pháp đó. Điều 31. Trưng cầu giám định Khi xét thấy cần có sự đánh giá về chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng Đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định. Cơ quan, tổ chức tiến hành giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan của kết quả giám định. Điều 32. Tạm đình chỉ hành vi vi phạm 1. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có hành vi đang hoặc sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì Trưởng Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra ra quyết định tạm đình chỉ hành vi đó. Trường hợp cần thiết, kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm. 2. Quyết định tạm đình chỉ phải bằng văn bản trong đó ghi rõ lý do, nội dung, thời gian tạm đình chỉ. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm đình chỉ thì người đã ra quyết định tạm đình chỉ phải ra quyết định huỷ bỏ ngay biện pháp đó. Điều 33. Tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật 1. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện các khoản tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý thì Trưởng Đoàn thanh tra đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp. 2. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật phải ra quyết định huỷ bỏ ngay biện pháp đó. Điều 34. Báo cáo kết quả thanh tra 1. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra có các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật Thanh tra. 2. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm lấy ý kiến các thành viên Đoàn thanh tra về dự thảo báo cáo kết quả thanh tra. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra gửi người ra quyết định thanh tra; trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra thì phải nêu rõ. Trưởng Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung kết quả thanh tra. 3. Trường hợp cần phải làm rõ thêm một số nội dung phục vụ cho việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình, làm rõ. Điều 35. Kết luận thanh tra, hồ sơ thanh tra 1. Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo và ký kết luận thanh tra. Trong quá trình ra kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu Đoàn thanh tra tiến hành thanh ta bổ sung để làm rõ thêm một số nội dung. Kết quả thanh tra bổ sung phải được báo cáo bằng văn bản, làm cơ sở cho việc ra văn bản kết luận thanh tra. 2. Trước khi có kết luận chính thức, nếu xét thấy cần thiết thì người ra kết luận thanh tra có thể gửi dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Đối tượng thanh tra có quyền giải trình về những vấn đề chưa nhất trí với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Việc giải trình của đối tượng thanh tra phải thực hiện bằng văn bản và có các chứng cứ để chứng minh cho ý kiến giải trình của mình. Căn cứ vào báo cáo kết quả thanh tra, sau khi xem xét giải trình của đối tượng thanh tra, người ra quyết định thanh tra ra văn bản kết luận thanh tra. Văn bản kết luận thanh tra phải có các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Thanh tra. 3. Người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm công bố hoặc gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Trường hợp cần thiết có thể uỷ quyền cho Trưởng Đoàn thanh tra công bố kết luận thanh tra. Việc công bố kết luận thanh tra được lập thành biên bản. 4. Kết luận thanh tra được gửi cho những người theo quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật Thanh tra. 5. Cuộc thanh tra phải được lập thành hồ sơ, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm lập và bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan đã ra quyết định thanh tra. Việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Thanh tra. Điều 36. Thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra 1. Khi có căn cứ kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra thì người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi. Quyết định thu hồi ghi rõ tiền, tài sản phải thu hồi, trách nhiệm của cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm của đối tượng thanh tra. Người ra quyết định thanh tra tiến hành việc thu giữ tiền hoặc tài sản theo quy định của pháp luật hoặc giao cho cơ quan có chức năng thu giữ, quản lý tiền, tài sản đó. 2. Đối tượng thanh tra có tiền, tài sản bị thu giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi. Trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 3. Người ra quyết định thu hồi có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu hồi đó. MỤC 2: HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH Điều 37. Quyết định thanh tra chuyên ngành theo chương trình, kế hoạch 1. Căn cứ chương trình, kế hoạch thanh tra đã được Bộ trưởng, Giám đốc sở phê duyệt, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn Thanh tra để tiến hành thanh tra hoặc phân công Thanh tra viên chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. 2. Trường hợp Chánh Thanh tra phân công nhiệm vụ cho Thanh tra viên chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thì việc phân công phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra. Điều 38. Quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất 1. Thanh tra chuyên ngành đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao. 2. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở trình Bộ trưởng, Giám đốc sở quyết định việc thanh tra chuyên ngành đột xuất. Chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ trưởng, Giám đốc sở có trách nhiệm phê duyệt và thông báo cho Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở. 3. Căn cứ vào quyết định phê duyệt của Bộ trưởng, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành việc thanh tra. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Căn cứ vào báo cáo kết quả thanh tra, Bộ trưởng, Giám đốc sở có thể ủy quyền cho Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở có Đoàn thanh tra ra kết luận thanh tra. 4. Trường hợp phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn kịp thời, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra, đồng thời báo cáo ngay với Bộ trưởng, Giám đốc sở. 5. Trường hợp khẩn cấp cần ngăn chặn, xử lý ngay hành vi vi phạm, Thanh tra viên được áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời báo cáo ngay với Chánh Thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các biện pháp xử lý của mình. Điều 39. Đoàn thanh tra chuyên ngành Đoàn thanh tra chuyên ngành được thành lập để tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này. Điều 40. Thẩm quyền của Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra chuyên ngành Trong quá trình thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên chuyên ngành có quyền áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền quy định tại Điều 50 của Luật Thanh tra và Điều 27, Điều 28 của Nghị định này. Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành có quyền áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền như quy định tại Điều 49 của Luật Thanh tra và các Điều 27, 28, 29, 30 và Điều 32 của Nghị định này. Người ra quyết định thanh tra chuyên ngành có quyền áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền như quy định tại Điều 52 của Luật Thanh tra và các Điều 27, 28, 30, 31, 32, 33 và Điều 35 của Nghị định này. Điều 41. Thời hạn thanh tra chuyên ngành Thời hạn một cuộc thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật Thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, không kể ngày lễ, ngày nghỉ. Điều 42. Báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra chuyên ngành Việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật Thanh tra và Điều 34, Điều 35 của Nghị định này. Chương 4: TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG THANH TRA Điều 43. Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra 1. Người ra quyết định thanh tra khi ra văn bản kết luận thanh tra phải thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Thanh tra; kiến nghị xử lý nêu rõ đối tượng, thời gian thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. 2. Trường hợp phải áp dụng biện pháp thu hồi tiền, tài sản theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 42 của Luật Thanh tra thì cơ quan người ra quyết định thanh tra xử lý và tổ chức thi hành quyết định xử lý đó. Nếu quá thời hạn quy định mà đối tượng thanh tra không thực hiện thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nơi đối tượng thanh tra có tài khoản giao dịch áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để thu hồi theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản thì yêu cầu cơ quan chức năng thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. 3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Điều 44. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét, xử lý kết luận thanh tra và có trách nhiệm: 1. Ra quyết định theo thẩm quyền để xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và tổ chức thực hiện quyết định xử lý đó. 2. Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý tiến hành các biện pháp xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu đó. 3. Áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. 4. Thông báo với cơ quan thanh tra đã ra kết luận thanh tra kết quả xem xét, xử lý đối với kết luận thanh tra. Điều 45. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra Khi nhận được kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, thời gian các yêu cầu, quyết định xử lý về thanh tra; báo cáo việc thực hiện với cơ quan đã ra kết luận thanh tra và cơ quan quản lý trực tiếp. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra không thi hành hoặc thi hành không nghiêm chỉnh các yêu cầu, quyết định xử lý về thanh tra thì cơ quan ra quyết định thanh tra yêu cầu Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền buộc đối tượng thanh tra thực hiện. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra cố ý không thực hiện hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra thiếu trách nhiệm hoặc cố tình bao che thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 46. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện trách nhiệm của mình được xác định trong kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan đã yêu cầu. Điều 47. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra 1. Lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra, chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình. 2. Kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm các chức danh thanh tra; bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất làm công tác thanh tra. 3. Căn cứ yêu cầu công tác quản lý của Bộ, ngành địa phương và chương trình công tác của cơ quan thanh tra cấp trên, chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra thuộc quyền quản lý trực tiếp. 4. Định kỳ nghe cơ quan thanh tra thuộc quyền quản lý báo cáo và báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về công tác thanh tra. Giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc về công tác thanh tra; xử lý việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của mình. 5. Xem xét, xử lý kịp thời kết luận thanh tra. 6. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra. 7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thanh tra theo quy định của pháp luật. 8. Bảo đảm kinh phí, điều kiện làm việc cho cơ quan thanh tra. Điều 48. Lập, quản lý và sử dụng kinh phí nghiệp vụ thanh tra 1. Các cơ quan thanh tra nhà nước được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. 2. Các cơ quan thanh tra nhà nước dự trù kinh phí nghiệp vụ thanh tra trong tổng dự toán kinh phí hoạt động hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 3. Qua thanh tra nếu thu hồi cho ngân sách nhà nước các khoản tiền bị tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật thì cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền đã thu hồi để bổ sung kinh phí nghiệp vụ thanh tra. 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Thanh tra hướng dẫn việc lập, quản lý và sử dụng kinh phí nghiệp vụ thanh tra. Điều 49. Giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra 1. Khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với quyết định xử lý, hành vi của Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết. 2. Khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra khi có căn cứ cho rằng kết luận, quyết định đó là trái pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã có kết luận hoặc quyết định xử lý có trách nhiệm xem xét, giải quyết; 3. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Điều 50. Giải quyết tố cáo trong hoạt động thanh tra Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người đó có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp người đó có trách nhiệm giải quyết. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tố cáo hành vi phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 51. Xử lý vi phạm 1. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; b) Thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, nội dung trong quyết định thanh tra; c) Cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật; d) Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: a) Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra; b) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra; c) Vu cáo, vu khống đối với người làm nhiệm vụ thanh tra. 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: a) Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra; b) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra; c) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra. Chương 5: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 52. Tổ chức thanh tra nội bộ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước Cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ để giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Căn cứ vào quy định của Luật Thanh tra và Nghị định này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị mình. Điều 53. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 244/HĐBT ngày 30 tháng 6 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức của hệ thống thanh tra nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ. Điều 54. Trách nhiệm thi hành Tổng Thanh tra hướng dẫn thi hành Nghị định này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Phan Văn Khải (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "25/03/2005", "sign_number": "41/2005/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Thong-tu-108-2007-TT-BTC-huong-dan-co-che-quan-ly-tai-chinh-chuong-trinh-du-an-ho-tro-phat-trien-chinh-thuc-ODA-55307.aspx
Thông tư 108/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức ODA
BỘ TÀI CHÍNH ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******* Số: 108/2007/TT-BTC Hà Nội, ngày 7 tháng 9 năm 2007 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ - CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Căn cứ Nghị định số 134/2005/NĐ - CP ngày 1/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài; Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ - CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ - CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính áp dụng đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như sau: Phần 1: CÁC QUY ĐỊNH CHUNG I. PHẠM VI ÁP DỤNG 1. Thông tư này áp dụng cho quá trình chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án (sau đây viết tắt là “dự án”) được tài trợ bằng nguồn ODA vay ưu đãi; ODA không hoàn lại (viện trợ không hoàn lại) đồng tài trợ trong các dự án ODA vốn vay và các nguồn vốn ODA vay hỗn hợp. 2. Đối với một số dự án ODA có đặc thù riêng, tùy theo yêu cầu quản lý và theo đề nghị của Cơ quan chủ quản dự án, Bộ Tài chính có thể ban hành hướng dẫn cụ thể áp dụng riêng cho các dự án này. 3. Các dự án ODA viện trợ không hoàn lại thực hiện độc lập (không đồng tài trợ với các dự án ODA vay ưu đãi) áp dụng thông tư hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. II. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ 1. Nguồn vốn ODA để đầu tư cho các dự án là nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước (NSNN), phải được hạch toán đầy đủ vào ngân sách và quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành. 2. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính đối với các dự án ODA theo quy định hiện hành. 3. Chủ quản dự án, Chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các dự án theo đúng các cam kết đã quy định trong các điều ước quốc tế, các quy định của Nhà nước về thực hiện chương trình, dự án, quản lý tài chính, thực hiện chế độ lập kế hoạch tài chính, hạch toán kế toán, kiểm toán, quyết toán, quản lý tài sản dự án, báo cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định tại Thông tư này. III. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA 1. Các chủ dự án, các cơ quan chủ quản khi xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ ODA phải kiến nghị cơ chế tài chính trong nước (cấp phát từ NSNN, cho vay lại từ NSNN hoặc cấp phát một phần, cho vay lại một phần từ NSNN) để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP . 2. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo Danh mục tài trợ chính thức, các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, chủ dự án chịu trách nhiệm xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, trong văn kiện dự án và quyết định phê duyệt dự án liên quan đến các nội dung tài chính cần nêu rõ: a) Cơ chế tài chính trong nước sử dụng các nguồn vốn ODA đầu tư cho dự án (cấp phát từ NSNN, cho vay lại từ NSNN, hoặc cấp phát một phần, cho vay lại một phần từ NSNN đối với nguồn vốn ODA). b) Tính chất sử dụng vốn của dự án (dự án xây dựng cơ bản; dự án hành chính sự nghiệp; dự án cho vay lại/tín dụng; hay dự án hỗn hợp). c) Trách nhiệm bố trí vốn đối ứng (của các cấp ngân sách, của các đối tượng tham gia dự án như doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, người hưởng lợi từ dự án). 3. Đối với các dự án thực hiện theo cơ chế cho vay lại từ NSNN, trong văn kiện dự án và quyết định phê duyệt dự án cần xác định rõ các điều kiện cho vay lại theo đúng quy định tại Quy chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Trường hợp khác đi, cơ quan chủ quản dự án phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi phê duyệt dự án. 4. Đối với các dự án có nội dung thiết kế cụ thể không hoàn toàn đúng theo nội dung đề cương chi tiết đã trình khi đề xuất danh mục dự án, cơ quan chủ quản dự án phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính trong nước đối với dự án trước khi phê duyệt dự án. 5. Cơ chế tài chính trong nước sử dụng các nguồn vốn ODA cho dự án được xác định như sau: a) Các dự án ODA thuộc đối tượng ngân sách cấp phát là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội, các dự án thuộc lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, bao gồm cả trường hợp ngân sách địa phương được vay lại vốn vay nước ngoài từ ngân sách trung ương để cấp phát cho dự án, được cấp phát từ nguồn vốn ODA theo cơ chế cấp phát vốn ngân sách nhà nước. Vốn đối ứng cho các dự án thuộc diện ngân sách cấp phát do NSNN (trung ương, địa phương) đảm bảo, được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm theo nguồn vốn xây dựng cơ bản hoặc hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của dự án. b) Các dự án ODA thuộc đối tượng cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần là các dự án có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn, bao gồm cả các dự án tín dụng sẽ áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần, cấp phát một phần nguồn vốn ODA tùy theo khả năng hoàn vốn của dự án. Điều kiện cho vay lại cụ thể nguồn vốn ODA (cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần vốn ODA, đối tượng nhận vay lại, đồng tiền cho vay lại, trị giá cho vay lại, thời hạn cho vay lại, lãi suất cho vay lại, các loại phí theo quy định của nhà tài trợ, phí cho vay lại trong nước, v.v…) được xác định trong quá trình chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án căn cứ theo Quy chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và/ hoặc thoả thuận với nhà tài trợ. Chủ dự án ODA cho vay lại toàn bộ, chủ dự án ODA một phần cấp phát, một phần cho vay lại chịu trách nhiệm bố trí toàn bộ vốn đối ứng, đồng thời chủ dự án phải giải trình đầy đủ về khả năng kế hoạch đảm bảo đủ vốn đối ứng trước khi ký hợp đồng vay lại. Chủ dự án ODA vay lại phải chuẩn bị và gửi các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại) hồ sơ dự án bao gồm cả phương án tài chính của dự án phù hợp các quy định hiện hành về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. 6. Tính chất sử dụng vốn của dự án được xác định theo các loại hình dự án sau: a) Dự án xây dựng cơ bản (sau đây viết tắt là “XDCB”): Là dự án đầu tư liên quan đến việc xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình xây dựng nhằm mục đích phát triển, duy tu, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm dịch vụ trang thiết bị đi kèm công trình; b) Dự án hành chính sự nghiệp (sau đây viết tắt là “HCSN”): Là dự án đầu tư cho các nội dung chi có tính chất HCSN theo quy định của Mục lục NSNN; c) Dự án hỗn hợp vừa XDCB, HCSN và cho vay lại: là dự án kết hợp ít nhất 2 trong 3 nội dung chi có tính chất XDCB, HCSN, cho vay lại (gồm cả cho vay lại các dự án tín dụng hoặc hợp phần tín dụng). Đối với dự án hỗn hợp, chủ dự án cần xác định rõ các thành phần hay nội dung chi của dự án thuộc nguồn vốn XDCB và thuộc nguồn vốn HCSN. Trường hợp đặc biệt, nếu nội dung chi của dự án có tính hỗn hợp, nhưng dự án muốn áp dụng một loại tính chất chi hoặc XDCB hoặc HCSN thì chủ dự án phải giải trình rõ trong quá trình chuẩn bị và trình duyệt dự án. 7. Trách nhiệm bố trí vốn đối ứng được xác định rõ về nội dung và mức vốn đối ứng đóng góp trong dự án theo các nguyên tắc sau: a) Ngân sách trung ương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho các dự án hoặc hợp phần dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (theo Điều 31 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002), do cơ quan trung ương là chủ dự án/hợp phần dự án trực tiếp quản lý và thực hiện; b) Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho các dự án hoặc hợp phần dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương (theo Điều 33 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002), do các cơ quan địa phương là chủ dự án/hợp phần dự án trực tiếp quản lý và thực hiện; c) Doanh nghiệp, ngân hàng/tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho dự án hoặc hợp phần dự án do doanh nghiệp, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng là chủ dự án/hợp phần dự án; d) Người hưởng lợi có trách nhiệm đóng góp phần vốn đối ứng (bằng tiền, hiện vật hoặc công lao động) theo thiết kế của dự án. 8. Quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án kèm theo khung chính sách, các khoản hỗ trợ ngân sách (hỗ trợ ngân sách chung hoặc hỗ trợ ngân sách có mục tiêu cụ thể): a) Nguồn vốn ODA của các chương trình, dự án kèm theo khung chính sách, các khoản hỗ trợ ngân sách là nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho NSNN, được sử dụng chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước hoặc chi hỗ trợ cho các mục tiêu cụ thể của NSNN theo thỏa thuận với nhà tài trợ. Việc sử dụng nguồn vốn ODA này hoàn toàn tuân theo quy định về quản lý chi tiêu của Luật Ngân sách Nhà nước, không chịu sự ràng buộc về các quy định thủ tục chi tiêu của nhà tài trợ (trừ trường hợp có quy định trong thỏa thuận tài trợ). b) Đối với các chương trình, các khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu, chủ chương trình phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể cơ chế sử dụng nguồn vốn ODA của chương trình hoặc khoản hỗ trợ ngân sách. IV. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CỦA DỰ ÁN ODA 1. Nguyên tắc lập kế hoạch tài chính đối với các dự án ODA “Kế hoạch tài chính” là kế hoạch vốn đầu tư (đối với dự án XDCB), hoặc kế hoạch vốn HCSN (đối với dự án HCSN) hoặc kế hoạch cho vay tín dụng (đối với các dự án tín dụng). Nội dung của kế hoạch tài chính bao gồm kế hoạch vốn ODA (vốn vay nợ, vốn viện trợ không hoàn lại, phân theo từng nước hoặc tổ chức tài trợ), vốn đối ứng trong nước (vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng trong nước, vốn tự có của chủ đầu tư, vốn đóng góp của người hưởng lợi dự án, nguồn vốn do được hoàn thuế Giá trị gia tăng (nếu có) và các nguồn vốn khác theo quy định của luật pháp Việt Nam). Đối với các dự án hỗn hợp XDCB và HCSN, chủ dự án lập và trình duyệt kế hoạch tài chính cụ thể theo từng loại nội dung chi của dự án. Đối với các dự án có nhiều chủ dự án, từng chủ dự án chịu trách nhiệm lập kế hoạch tài chính cho phần dự án do chủ dự án thực hiện. Trường hợp dự án có nhiều chủ dự án và có một cơ quan đầu mối điều phối chung việc thực hiện dự án, cơ quan điều phối chung sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch tài chính phần hoạt động do cơ quan điều phối thực hiện, đồng thời tổng hợp kế hoạch tài chính chung của toàn dự án. Các cơ quan chủ quản phải ưu tiên bố trí vốn đối ứng trong dự toán ngân sách hàng năm nhằm thực hiện các cam kết tại các điều ước quốc tế về ODA và phù hợp với khả năng giải ngân thực tế hàng năm của dự án ODA. Kế hoạch tài chính hàng năm của dự án phải thể hiện các nội dung chi chi tiết theo từng hợp phần, từng hoạt động chính của dự án, chi tiết theo từng nguồn vốn tài trợ, vốn đối ứng, vốn đóng góp của người hưởng lợi, vốn tín dụng (nếu có) và phải kèm theo báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán từng khoản chi. Kế hoạch tài chính hàng năm của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thông báo là cơ sở để kiểm soát thanh toán, rút vốn đối ứng và vốn ODA cho dự án. Sau khi có kế hoạch tài chính được duyệt, Ban quản lý dự án gửi kế hoạch tài chính cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Cơ quan kiểm soát chi. Mẫu biểu Kế hoạch tài chính năm của dự án ODA thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1. 2. Lập kế hoạch tài chính đối với các dự án thuộc diện ngân sách cấp phát a) Hàng năm, vào thời điểm lập, trình và xét duyệt dự toán NSNN theo quy định hiện hành, chủ dự án căn cứ tiến độ thực hiện dự án lập kế hoạch vốn đầu tư của dự án (đối với dự án đầu tư XDCB) hay kế hoạch vốn HCSN (đối với dự án HCSN) gửi Bộ chủ quản (nếu dự án do trung ương quản lý), gửi UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương (nếu dự án do địa phương quản lý), để tổng hợp vào kế hoạch ngân sách chung của Bộ, tỉnh gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp NSNN trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. b) Quy trình phê duyệt, phân bổ và thông báo kế hoạch vốn đầu tư, kế hoạch vốn HCSN cho dự án tuân thủ đúng các quy định hiện hành trong nước về lập và chấp hành NSNN. Quyết định của các Bộ chủ quản hay UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hay kế hoạch vốn HCSN cho dự án phải được gửi đến Bộ Tài chính/Sở Tài chính và Kho bạc nhà nước nơi kiểm soát chi. c) Đối với những dự án ODA mà Điều ước quốc tế về dự án đã ký nhưng chưa có hiệu lực hoặc đã có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước, cơ quan chủ quản dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (trong thời gian lập dự toán ngân sách) để bố trí trong dự phòng chi XDCB hoặc từng lĩnh vực chi HCSN, trình cấp có thẩm quyền quyết định (nếu là trường hợp ngân sách trung ương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng) hoặc chủ dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan chủ quản dự án (trong thời gian lập dự toán ngân sách) để bố trí trong dự phòng ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định (nếu là trường hợp ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng). d) Đối với các dự án phát sinh sau thời điểm lập kế hoạch ngân sách, cơ quan chủ quản dự án lập kế hoạch bổ sung vào thời điểm bổ sung kế hoạch ngân sách hàng năm hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xử lý từng trường hợp cụ thể. 3. Lập kế hoạch tài chính đối với các dự án vay lại, dự án tín dụng Hàng năm, vào cùng thời điểm lập, trình và xét duyệt dự toán NSNN theo quy định hiện hành, chủ dự án lập kế hoạch tài chính năm của dự án trong đó nêu rõ các nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ dự án có trách nhiệm tự cân đối đủ vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện dự án. 4. Lập kế hoạch tài chính đối với các dự án hỗn hợp vừa cấp phát, vừa cho vay lại Tuỳ theo tính chất của từng hợp phần dự án là cấp phát hay cho vay lại, chủ dự án áp dụng quy trình lập và trình duyệt kế hoạch tài chính của dự án tương ứng với từng hợp phần của dự án theo quy định tại các Khoản 1,2,3 trên đây. V. NGÂN HÀNG PHỤC VỤ VÀ TÀI KHOẢN CỦA DỰ ÁN 1.“Ngân hàng phục vụ” là một ngân hàng thương mại được lựa chọn trong danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn để uỷ quyền thực hiện việc giao dịch đối ngoại phục vụ dự án do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính xác định và công bố hoặc theo thoả thuận giữa Chính phủ và nhà tài trợ trong điều ước quốc tế đã ký kết. 2. Trách nhiệm của Ngân hàng phục vụ Ngân hàng phục vụ, theo đề nghị của chủ dự án hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ là chủ tài khoản theo thiết kế của dự án, mở các tài khoản liên quan của dự án và thực hiện các giao dịch thanh toán, rút vốn căn cứ theo quy định hiện hành. Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm hướng dẫn và cung cấp cho dự án đầy đủ các thông tin để thực hiện các giao dịch thanh toán trong và ngoài nước qua hệ thống ngân hàng. Định kỳ hàng tháng hoặc khi có yêu cầu, ngân hàng phục vụ có trách nhiệm gửi báo cáo sao kê tài khoản tạm ứng cho chủ tài khoản. Định kỳ hàng tháng và khi chủ tài khoản có yêu cầu, ngân hàng phục vụ thông báo cho chủ tài khoản số lãi phát sinh trên các tài khoản tạm ứng của các dự án; số phí phục vụ do ngân hàng phục vụ thu; số chênh lệch giữa lãi và phí; số dư đầu kỳ, cuối kỳ. Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo có số tiền đã rút từ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng phục vụ thực hiện ghi có vào tài khoản của dự án và thông báo cho chủ dự án biết. 3. Tài khoản nguồn vốn ODA a) Tài khoản tại ngân hàng phục vụ Chủ dự án hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ là chủ tài khoản theo thiết kế của dự án mở tài khoản giao dịch; tài khoản tạm ứng/tài khoản đặc biệt tại Ngân hàng phục vụ theo yêu cầu thanh toán của dự án, phù hợp quy định hiện hành trong nước và quy định trong thỏa thuận tài trợ. Các dự án có nhiều nguồn tài trợ khác nhau phải mở các tài khoản riêng để theo dõi từng nguồn vốn rút về. Trường hợp dự án có nhiều cấp quản lý thực hiện và theo thoả thuận với nhà tài trợ có thiết kế tài khoản tạm ứng cấp 2, chủ dự án theo phân cấp mở tài khoản tạm ứng cấp 2 tại chi nhánh ngân hàng phục vụ. Số dư trên tài khoản tạm ứng được hưởng lãi phát sinh theo mức lãi suất do ngân hàng phục vụ quy định hoặc theo mức lãi suất thoả thuận giữa ngân hàng phục vụ và chủ tài khoản. Lãi phát sinh trên các tài khoản này là nguồn thu của NSNN đối với dự án thuộc diện NSNN cấp phát; và là nguồn thu của chủ dự án đối với dự án NSNN cho vay lại. Đối với các dự án hỗn hợp vừa có hợp phần được NSNN cấp phát kinh phí vừa có hợp phần được NSNN cho vay lại cùng sử dụng chung một tài khoản tạm ứng/tài khoản đặc biệt (thời điểm NSNN cho vay lại là thời điểm rút vốn từ tài khoản tạm ứng/tài khoản đặc biệt), lãi phát sinh trên tài khoản là nguồn thu của NSNN. Chủ dự án có trách nhiệm đề nghị ngân hàng phục vụ mở tài khoản riêng theo dõi lãi phát sinh. Lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng của các dự án thuộc đối tượng được NSNN cấp phát được sử dụng để chi trả các khoản phí dịch vụ của ngân hàng phục vụ. Khi kết thúc dự án, số lãi phát sinh không sử dụng hết phải nộp vào NSNN. Trường hợp lãi phát sinh không đủ để trả phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án lập kế hoạch xin vốn đối ứng để thanh toán. Hàng năm, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính tình hình sử dụng lãi phát sinh trên số dư tài khoản tạm ứng. b) Tài khoản tại hệ thống kho bạc nhà nước Tuỳ theo yêu cầu tổ chức thực hiện của dự án và thoả thuận bằng văn bản với nhà tài trợ, chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn ODA của dự án tại hệ thống kho bạc nhà nước để tiếp nhận nguồn vốn ODA tạm ứng và thực hiện thanh toán cho dự án sau khi có kiểm soát chi của kho bạc. 4. Phí dịch vụ ngân hàng Ngân hàng phục vụ được hưởng phí theo quy định hiện hành về thu phí dịch vụ đối với các dịch vụ cung cấp cho dự án. Phí dịch vụ ngân hàng được hạch toán vào tổng chi phí của dự án. Phần 2: KIỂM SOÁT CHI VÀ QUẢN LÝ GIẢI NGÂN I. KIỂM SOÁT CHI 1. Nguyên tắc kiểm soát chi a) Kiểm soát chi nhằm đảm bảo chi tiêu của dự án phù hợp với Hiệp định/Văn kiện dự án (về nội dung chi tiêu và phương thức mua sắm, tỷ lệ tài trợ đúng Hiệp định, hợp đồng được ký kết và phê duyệt hợp lệ, đảm bảo việc kiểm tra trước của nhà tài trợ (nếu có)) và phù hợp các quy định quản lý tài chính trong nước hiện hành. Trường hợp các điều ước quốc tế hoặc các hợp đồng đã được phê duyệt hợp lệ có quy định khác với các quy định quản lý tài chính hiện hành trong nước thì thực hiện kiểm soát chi và thanh toán theo điều ước quốc tế hoặc hợp đồng đã được phê duyệt, sau đó cơ quan kiểm soát chi có quyền đề nghị cấp thẩm quyền đã phê duyệt điều ước quốc tế hoặc phê duyệt hợp đồng xem xét lại các điều ước quốc tế hoặc hợp đồng đã được phê duyệt. b) Kiểm soát chi áp dụng đối với mọi hoạt động chi tiêu của dự án do các cơ quan kiểm soát chi nêu ở Khoản 2 dưới đây thực hiện tương ứng với từng loại dự án. Đối với trường hợp thanh toán theo hình thức thư tín dụng (L/C) hoặc thanh toán trực tiếp theo hình thức Thư uỷ quyền thanh toán không huỷ ngang, việc kiểm soát bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán do ngân hàng thanh toán theo hình thức L/C thực hiện phù hợp với thông lệ thanh toán quốc tế. Đối với các trường hợp thanh toán cho các hợp đồng xây lắp hay hợp đồng tư vấn của một số nhà tài trợ có áp dụng hình thức thanh toán L/C hồ sơ thanh toán của các hợp đồng này vẫn phải gửi đến cơ quan kiểm soát chi để thực hiện kiểm soát chi sau. c) Việc kiểm soát hồ sơ đề nghị thanh toán để rút vốn ngoài nước của dự án ODA không bị hạn chế bởi kế hoạch tài chính hàng năm của dự án nhưng không vượt quá kế hoạch tài chính chung của toàn dự án. d) Kiểm soát chi trước là việc Cơ quan kiểm soát chi kiểm tra, xác nhận tính hợp lệ của khoản chi trước khi Ban quản lý dự án rút vốn thanh toán cho người thụ hưởng. Kiểm soát chi trước áp dụng trong mọi đề nghị thanh toán, trừ trường hợp quy định tại Mục đ dưới đây. đ) Kiểm soát chi sau là việc Cơ quan kiểm soát chi kiểm tra, xác nhận tính hợp lệ của khoản chi sau khi Ban quản lý dự án đã rút vốn thanh toán cho người thụ hưởng. Kiểm soát chi sau áp dụng cho các trường hợp sau: - Thanh toán từ Tài khoản tạm ứng/Tài khoản đặc biệt (sau đây viết tắt là TKTƯ) đối với các dự án chỉ có một cấp TKTƯ, hoặc thanh toán từ TKTƯ cấp 1 đối với dự án có nhiều cấp TKTƯ, trên cơ sở chủ dự án có đề nghị bằng văn bản gửi Bộ Tài chính và Cơ quan kiểm soát chi. - Thanh toán trực tiếp cho các dự án vay lại (trừ trường hợp thanh toán lần cuối cho các hợp đồng hoặc đối với các hợp đồng chỉ thanh toán một lần phải áp dụng kiểm soát chi trước). - Kiểm soát chi sau đối với các dự án do JBIC tài trợ áp dụng theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2. 2. Cơ quan kiểm soát chi: a) Kho bạc nhà nước các cấp (theo phân cấp thực hiện của từng dự án) thực hiện việc kiểm soát các hồ sơ thanh toán của dự án thuộc diện NSNN cấp phát toàn bộ hoặc các hợp phần được NSNN cấp phát, kể cả các hợp phần phi tín dụng được cấp phát trong các dự án tín dụng. b) Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc cơ quan cho vay lại khác được Bộ Tài chính uỷ quyền cho vay lại thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của các dự án thuộc diện cho vay lại toàn bộ. c) Đối với các dự án hỗn hợp vừa cấp phát vừa cho vay lại, nếu các hợp phần này thực hiện độc lập, thanh toán bằng nguồn vốn độc lập thì theo yêu cầu của chủ dự án, Bộ Tài chính có thể xác định cơ quan kiểm soát chi thích hợp đảm bảo nguyên tắc không có hai cơ quan kiểm soát chi cùng kiểm soát một hoạt động chi tiêu của dự án. d) Đối với các dự án tín dụng hoặc hợp phần tín dụng trong các dự án hỗn hợp, tổ chức tín dụng nhận vay lại vốn tự chịu trách nhiệm về việc kiểm soát chi các hoạt động cho vay tín dụng và các hợp phần phi tín dụng tài trợ bằng nguồn vốn ODA vay lại. 3. Hồ sơ và thủ tục kiểm soát chi a) Hồ sơ và thủ tục kiểm soát chi đối với các dự án XDCB hay thành phần chi XDCB trong các dự án hỗn hợp (kể cả các dự án vay lại): thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) và các quy định tại Thông tư này. b) Hồ sơ và thủ tục kiểm soát chi đối với các dự án HCSN hay thành phần chi HCSN trong các dự án hỗn hợp (kể cả các dự án vay lại): thực hiện theo quy định tại Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi NSNN qua Kho bạc nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) và các quy định tại Thông tư này. c) Hồ sơ và quy trình kiểm soát chi đối với các dự án tín dụng hoặc hợp phần tín dụng trong các dự án thực hiện theo quy định của các tổ chức tín dụng sử dụng vốn ODA vay lại và phù hợp với quy định của hiệp định tài trợ và dự án. Tổ chức tín dụng sử dụng vốn ODA vay lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn và hợp lệ của các khoản cho vay tín dụng và các khoản chi tiêu phi tín dụng trong sao kê chi tiêu gửi Bộ Tài chính khi làm đề nghị rút vốn ngoài nước. d) Ngoài các hồ sơ quy định tại các Điểm a, b, c nêu trên, cần bổ sung thêm: - Điều ước quốc tế về ODA đã ký giữa Việt Nam và nhà tài trợ và các tài liệu dự án liên quan khác (bản sao có ký tên đóng dấu của đơn vị sao). - Các tài liệu liên quan đến tỷ lệ tài trợ của dự án (các điều chỉnh, bổ sung, công văn chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc ban quản lý dự án trung ương, thư không phản đối của nhà tài trợ...). - Trường hợp Dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, trong đó nếu từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án có thể độc lập vận hành khai thác hoặc phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền (Quyết định đầu tư) thì hồ sơ gửi đến cơ quan kiểm soát chi là tổng dự toán của dự án thành phần hoặc tiểu dự án – không phải gửi tổng dự toán của cả dự án. đ) Hồ sơ đề nghị thanh toán gửi đến cơ quan kiểm soát chi nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt. Bản dịch phải có chữ ký, đóng dấu của chủ dự án. Chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, chính xác về nội dung bản dịch tiếng Việt. Các tài liệu cần dịch gồm các tài liệu liên quan đến phương thức thanh toán, tỷ lệ tài trợ của dự án, bảng giá trúng thầu, hợp đồng tóm tắt (kể cả hợp đồng bổ sung, sửa đổi), thư không phản đối của nhà tài trợ liên quan đến nội dung thanh toán. Cơ quan kiểm soát chi có trách nhiệm hướng dẫn thống nhất cho các chủ dự án các tài liệu cần dịch trên tinh thần đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính. e) Trường hợp chủ dự án lựa chọn ký kết hợp đồng theo hình thức trọn gói (giá trọn gói đối với cả hợp đồng hoặc giá trọn gói đối với một phần công việc của hợp đồng) thì việc kiểm soát thanh toán được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án, phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng và các điều kiện thanh toán đã ký kết trong hợp đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan kiểm soát chi không yêu cầu chủ dự án cung cấp các chứng từ chi tiêu chi tiết liên quan đến nội dung thanh toán theo giá trọn gói đó. 4. Xác nhận kiểm soát chi a) Sau khi kiểm soát chi, Cơ quan kiểm soát chi xác nhận vào Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (đối với dự án XDCB/thành phần XDCB) theo Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN hoặc Giấy đề nghị xác nhận tạm ứng/thanh toán vốn dự án ODA (đối với dự án HCSN/thành phần HCSN) (sau đây gọi chung là Giấy đề nghị thanh toán) theo giá trị đồng tiền quy định trong hợp đồng đã ký kết. Mẫu Giấy đề nghị xác nhận tạm ứng/thanh toán vốn dự án ODA theo Phụ lục số 3. Giá trị đề nghị tạm ứng hoặc giá trị khối lượng công việc hoàn thành đủ điều kiện thanh toán được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận phải xác định rõ số vốn được thanh toán bằng nguồn vốn ODA, nguồn vốn đối ứng phù hợp với tỷ lệ tài trợ quy định đối với từng hạng mục, công trình. Trường hợp hợp đồng có các khối lượng công việc được khoán gọn (lumpsum) thì thanh toán như hợp đồng khoán gọn. Đối với các hạng mục công việc hoặc hợp đồng được tài trợ 100% bằng nguồn vốn ODA, thì giá trị khối lượng công việc được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận đủ điều kiện thanh toán để rút vốn ODA là giá trị không bao gồm thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Phần thuế GTGT (nếu có) được ghi thành một dòng riêng trong Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư. Trường hợp, theo hiệp định tài trợ, hoặc trong quá trình thực hiện dự án, nhà tài trợ đồng ý bằng văn bản tài trợ 100% cả thuế GTGT thì giá trị khối lượng công việc được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận đủ điều kiện thanh toán để rút vốn ODA là giá trị bao gồm cả thuế. Đối với các hạng mục công việc hoặc hợp đồng có tỷ lệ tài trợ bằng nguồn vốn ODA dưới 100%, tổng giá trị khối lượng công việc được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận đủ điều kiện thanh toán là giá trị bao gồm cả thuế GTGT, từ đó tính toán xác định giá trị được tài trợ bằng nguồn vốn ODA theo tỷ lệ tài trợ đã quy định trong hiệp định tài trợ. Trường hợp các bên tham gia ký kết hợp đồng xây dựng theo hướng dẫn do Hiệp hội quốc tế và kỹ sư tư vấn (FIDIC) biên soạn, nếu có khối lượng phát sinh dưới 10% giá trị gói thầu thì cơ quan kiểm soát chi được xác nhận theo đề nghị của chủ dự án có xác nhận của tư vấn giám sát khi chưa có dự toán phát sinh của cấp có thẩm quyền phê duyệt; giá trị phát sinh trên 10% giá trị gói thầu thì cơ quan kiểm soát chi được phép xác nhận 80% giá trị khối lượng phát sinh khi chưa có dự toán phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. b) Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi là cơ sở để đề nghị rút vốn ODA. Mỗi Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư chỉ được sử dụng một lần để rút vốn ODA. c) Cơ quan kiểm soát chi có trách nhiệm kiểm soát chi hoặc từ chối thanh toán trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ. II. THANH TOÁN VỐN ĐỐI ỨNG 1. Đối với các dự án hoặc hợp phần thuộc đối tượng ngân sách cấp phát: Căn cứ kết quả kiểm soát chi đã xác định trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, kho bạc nhà nước các cấp thực hiện thanh toán phần vốn đối ứng được ngân sách cấp phát cho dự án, phù hợp với kế hoạch vốn đối ứng đã được phê duyệt hàng năm. 2. Đối với các dự án cho vay lại, dự án tín dụng hoặc dự án hỗn hợp vừa cấp phát, vừa cho vay lại/tín dụng: Doanh nghiệp/tổ chức tín dụng thực hiện việc thanh toán phần vốn đối ứng cho dự án tương ứng với số vốn thuộc trách nhiệm tự bố trí vốn đối ứng. 3. Đối với các dự án có phần đóng góp của Người hưởng lợi từ dự án: Chủ dự án có trách nhiệm tự tổ chức việc thu và thanh toán phần đóng góp từ Người hưởng lợi của dự án theo các quy định, thoả thuận trong hiệp định tài trợ và phù hợp với các quy định hiện hành trong nước (nếu có). III. QUY ĐỊNH VỀ GIẢI NGÂN THANH TOÁN BẰNG NGUỒN VỐN ODA ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN 1. Các hình thức giải ngân áp dụng đối với các dự án Tuỳ thuộc vào quy định trong hiệp định, thoả thuận tài trợ và yêu cầu của từng lần thanh toán, việc rút vốn, thanh toán bằng nguồn vốn ODA theo phương thức tài trợ dự án được thực hiện theo một hoặc một số các hình thức sau: rút vốn thanh toán trực tiếp/hoặc chuyển tiền, rút vốn thanh toán theo hình thức thư cam kết/hoặc cam kết đặc biệt, rút vốn hoàn vốn, rút vốn hồi tố, thanh toán qua tài khoản đặc biệt/hoặc tài khoản tạm ứng và một số hình thức rút vốn đặc biệt khác theo thoả thuận riêng với nhà tài trợ. Đối với các dự án tài trợ bằng nguồn vốn JBIC, việc giải ngân thanh toán thực hiện theo Phụ lục số 2. 2. Hồ sơ rút vốn gửi lần đầu Ban quản lý dự án gửi Hồ sơ ban đầu làm căn cứ quản lý việc rút vốn ODA cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại). Hồ sơ gồm các tài liệu sau: - Quyết định đầu tư Dự án của cấp có thẩm quyền; - Điều ước quốc tế về ODA đã ký giữa Việt Nam và nhà tài trợ và tài liệu dự án liên quan khác (trừ trường hợp điều ước quốc tế do Bộ Tài chính trực tiếp ký kết); - Kế hoạch tài chính năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Thoả thuận cho vay lại đã ký giữa chủ đầu tư và cơ quan được uỷ quyền cho vay lại (nếu là dự án thuộc diện vay lại); - Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận đơn vị trúng thầu (hoặc quyết định chỉ định thầu); - Hợp đồng (xây lắp, mua sắm, tư vấn, v.v…) giữa chủ đầu tư với nhà thầu hoặc dự toán chi tiêu được phê duyệt (nếu hoạt động chi tiêu không theo hình thức hợp đồng) trong trường hợp Bộ Tài chính phải cung cấp hợp đồng cho nhà tài trợ; - Trường hợp hợp đồng thuộc đối tượng cần có ý kiến trước của nhà tài trợ, cần có thêm "ý kiến không phản đối" (no objection) của nhà tài trợ; - Bảo lãnh thực hiện của ngân hàng nhà thầu; Ban quản lý dự án chỉ cần gửi các tài liệu trên một lần đối với toàn bộ dự án, riêng kế hoạch vốn đầu tư/kế hoạch tài chính được gửi hàng năm. Các tài liệu trên chỉ cần gửi bản sao. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các bản sao cung cấp cho Bộ Tài chính. Hồ sơ rút vốn từ lần thứ hai trở đi được quy định cụ thể đối với từng hình thức rút vốn dưới đây: 3. Thủ tục Thanh toán trực tiếp/hoặc chuyển tiền a) Thanh toán trực tiếp/ hoặc chuyển tiền là hình thức thanh toán mà theo đề nghị của bên vay, nhà tài trợ sẽ chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà thầu/nhà cung cấp hàng hoá/dịch vụ. Khi có nhu cầu rút vốn để thanh toán theo thủ tục thanh toán trực tiếp/ hoặc chuyển tiền, Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại): - Công văn đề nghị rút vốn kèm theo Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu và các chứng từ cần thiết theo quy định của nhà tài trợ; - Hoá đơn/đề nghị thanh toán của nhà thầu; - Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi đối với trường hợp áp dụng thủ tục kiểm soát chi trước; - Trong những trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính có thể yêu cầu Ban quản lý dự án cung cấp các tài liệu bổ sung chứng minh việc rút vốn hợp lệ. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) xem xét ký/ hoặc đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ để xem xét, nếu nhà tài trợ chấp nhận sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của nhà thầu. b) Thủ tục Thanh toán trực tiếp theo Thư uỷ quyền rút vốn không huỷ ngang (thường áp dụng đối với các hợp đồng mua thiết bị trong một số các dự án của các nhà tài trợ song phương). Trên cơ sở hợp đồng thương mại được ký‎ kết và phê duyệt theo quy định hiện hành, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) công văn đề nghị rút vốn và hồ sơ liên quan. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) xem xét gửi Thư uỷ quyền rút vốn không huỷ ngang cho cơ quan được nhà tài trợ uỷ quyền quản lý rút vốn để thanh toán cho nhà thầu/nhà cung cấp/tư vấn theo hợp đồng. 4. Thủ tục Thư cam kết/Cam kết đặc biệt Thủ tục thanh toán bằng thư cam kết là hình thức thanh toán mà theo đề nghị của bên vay, nhà tài trợ phát hành một thư cam kết không huỷ ngang/hoặc cam kết đặc biệt đảm bảo trả tiền cho ngân hàng thương mại đối với khoản thanh toán đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện cho nhà cung cấp theo một Thư tín dụng (L/C). Khi có nhu cầu rút vốn thanh toán theo thủ tục thư cam kết/hay cam kết đặc biệt, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính công văn đề nghị nhà tài trợ phát hành thư cam kết/ và đơn xin phát hành thư cam kết (Đơn rút vốn) theo mẫu của nhà tài trợ (nếu cần), cùng các sao kê theo mẫu của nhà tài trợ và dự thảo L/C, hoặc bản sao L/C đã mở. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét ký/hoặc đồng ký Đơn rút vốn đề nghị nhà tài trợ phát hành thư cam kết và có thông báo gửi ngân hàng phục vụ. 5. Thủ tục thanh toán bằng L/C không cần thư cam kết (áp dụng đối với một số trường hợp nhà tài trợ song phương uỷ quyền cho một ngân hàng thay mặt nhà tài trợ quản l‎ý vốn ODA đồng thời thực hiện vai trò là ngân hàng người bán). Khi trong hợp đồng thương mại có điều khoản thanh toán bằng L/C không cần thư cam kết, Ban quản l‎ý dự án gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) công văn đề nghị mở L/C kèm theo bản sao hợp đồng thương mại và hồ sơ liên quan. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét có ý kiến về việc mở L/C gửi Ban quản lý dự án và ngân hàng phục vụ, và gửi Thư thông báo uỷ quyền thanh toán không huỷ ngang cho ngân hàng được uỷ quyền của nhà tài trợ để thanh toán theo L/C. 6. Thủ tục Hoàn vốn/hồi tố Thủ tục hoàn vốn là phương thức mà nhà tài trợ thanh toán tiền từ tài khoản vốn vay vào tài khoản của bên vay chỉ định để hoàn lại số tiền bên vay/cơ quan thực hiện dự án đã chi bằng nguồn vốn của mình cho các khoản chi hợp lệ được tài trợ bằng vốn vay. Trường hợp đặc biệt của thủ tục thanh toán hoàn vốn là thanh toán hồi tố. Thanh toán hồi tố là hình thức thanh toán mà nhà tài trợ tài trợ cho các khoản chi hợp lệ của dự án đã phát sinh trước thời điểm hiệu lực của dự án, và đã được bên vay thanh toán bằng nguồn vốn của mình. Thanh toán hồi tố chỉ được áp dụng khi có thoả thuận với nhà tài trợ, và được quy định trong hiệp định tài trợ trong đó xác định khoảng thời gian và giới hạn số tiền được áp dụng thủ tục thanh toán hồi tố. Khi có nhu cầu rút vốn thanh toán theo thủ tục hoàn vốn, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) các tài liệu sau: - Đề nghị rút vốn, Đơn rút vốn và sao kê theo mẫu; - Xác nhận đã nhận được vốn thanh toán của nhà thầu/người hưởng lợi. - Đơn rút vốn phải ghi rõ tên và số tài khoản của từng đơn vị đã ứng vốn. Đối với các khoản do NSNN ứng trước thanh toán, cần nêu rõ tên và số tài khoản của cấp NSNN nơi ứng vốn. Tên và tài khoản của cấp đã ứng vốn phải được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận; - Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi; - Trong những trư­ờng hợp đặc biệt, Bộ Tài chính có thể yêu cầu tài liệu giải trình bổ sung; Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét ký/đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ. Đối với các khoản rút vốn hoàn vốn/hồi tố cho NSNN các cấp nơi ứng vốn (hoặc từ các nguồn có nguồn gốc ngân sách), số tiền rút vốn phải được nộp ngay về ngân sách nơi đã ứng vốn. 7. Thủ tục Tài khoản tạm ứng/Tài khoản đặc biệt Thủ tục TKTƯ là hình thức nhà tài trợ ứng trước cho bên vay một khoản tiền vào TKTƯ mở tại ngân hàng phục vụ để bên vay chủ động trong thanh toán cho các khoản chi tiêu thường xuyên hợp lệ của dự án, giảm bớt số lần xin rút vốn từ nhà tài trợ và đẩy nhanh tốc độ thanh toán cho các hoạt động của dự án. Tuỳ thuộc yêu cầu của dự án và thoả thuận với nhà tài trợ, dự án có thể tổ chức theo mô hình nhiều cấp, có TKTƯ cấp 1 do ban quản lý dự án trung ương làm chủ tài khoản và TKTƯ cấp 2 do ban quản lý dự án địa phương/thành phần làm chủ tài khoản (đối với dự án có cấp trung ương và cấp địa phương/ngành quản lý thực hiện); hoặc TKTƯ cấp 1 do ban quản lý dự án tỉnh làm chủ tài khoản, TKTƯ cấp 2 do ban quản lý dự án huyện/xã làm chủ tài khoản (đối với dự án do cấp tỉnh và huyện/xã quản lý thực hiện). Hạn mức số tiền nhà tài trợ ứng trước vào TKTƯ cấp 1 và/hoặc TKTƯ cấp 2 của dự án phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm và nhu cầu chi tiêu cụ thể của từng dự án. Hạn mức TKTƯ thường được quy định cụ thể trong hiệp định tài trợ hoặc trong Thư giải ngân và có thể được điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án trên cơ sở tình hình thực hiện dự án và nhu cầu thanh toán. 7.1 Rút vốn lần đầu về TKTƯ Việc rút vốn lần đầu về TKTƯ được thực hiện căn cứ trên hạn mức (hoặc mức trần) của TKTƯ quy định trong Hiệp định vay/Hiệp định viện trợ. Đối với Dự án ODA vay nợ thuộc diện NSNN cấp phát, Bộ Tài chính có thể từ chối cho rút vốn bằng 100% hạn mức trên cơ sở cân nhắc giữa: nhu cầu chi tiêu thực tế trong 3 tháng tới của dự án, chi phí trả lãi cho nước ngoài, và lãi phát sinh do ngân hàng phục vụ trả. Để rút vốn, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) Công văn đề nghị rút vốn, Đơn rút vốn và các sao kê đi kèm theo mẫu của nhà tài trợ. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ điều ước quốc tế đã ký, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) sẽ xem xét ký/ đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ. Đối với dự án có TKTƯ cấp 2, tùy theo hạn mức TKTƯ cấp 2 và nhu cầu thanh toán thực tế của dự án, ban quản lý dự án là chủ TKTƯ cấp 2 đề nghị việc chuyển vốn từ TKTƯ cấp 1 vào TKTƯ cấp 2. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị chuyển vốn lần đầu vào TKTƯ cấp 2, chủ TKTƯ cấp 1 chuyển tiền từ TKTƯ cấp 1 vào TKTƯ cấp 2. 7.2 Chi tiêu từ TKTƯ Việc chi tiêu từ TKTƯ có thể thực hiện theo quy trình kiểm soát chi trước, hoặc kiểm soát chi sau, cụ thể như sau: a) Quy trình kiểm soát chi trước: là quy trình mà mọi khoản thanh toán từ TKTƯ đều phải được Cơ quan kiểm soát chi kiểm soát chi trước. Quy trình này áp dụng đối với các dự án nhiều cấp quản lý (trung ương, tỉnh/huyện/xã), hoặc đặc thù dự án phức tạp và áp dụng đối với trường hợp thanh toán cho các hợp đồng thanh toán một lần hoặc thanh toán lần cuối cho các hợp đồng. Quy trình rút vốn từ TKTƯ thực hiện như sau: - Đối với các dự án nhiều cấp quản lý: Để rút vốn từ TKTƯ, ban quản lý dự án địa phương/thành phần/ ban quản lý dự án huyện/xã gửi yêu cầu thanh toán kèm xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi cho ban quản lý dự án trung ương/ban quản lý dự án tỉnh. Căn cứ vào đề nghị của ban quản lý dự án địa phương/thành phần/ ban quản lý dự án huyện/xã, ban quản lý dự án trung ương/ban quản lý dự án tỉnh gửi yêu cầu thanh toán kèm xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi đến ngân hàng phục vụ để giải ngân từ TKTƯ thanh toán cho người thụ hưởng. Trường hợp các dự án có TKTƯ cấp 2, ban quản lý dự án là chủ TKTƯ cấp 2 trực tiếp gửi yêu cầu thanh toán kèm xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi đến ngân hàng phục vụ để giải ngân từ TKTƯ cấp 2 thanh toán cho người thụ hưởng. - Đối với các dự án một cấp quản lý: Ban quản lý dự án gửi yêu cầu thanh toán kèm xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi đến ngân hàng phục vụ để giải ngân từ TKTƯ thanh toán cho người thụ hưởng. Ngân hàng phục vụ chỉ thực hiện giải ngân từ TKTƯ khi các đề nghị thanh toán của dự án có kèm theo Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận đủ điều kiện thanh toán của Cơ quan kiểm soát chi. b) Quy trình kiểm soát chi sau: Khi có yêu cầu chi thanh toán cho nhà thầu/người cung cấp/tư vấn từ TKTƯ, Ban quản lý dự án phải kiểm tra hồ sơ đề nghị thanh toán, chấp nhận thanh toán theo đúng quy định hiện hành, tính toán số tiền được thanh toán bằng nguồn vốn ODA, đúng tỷ lệ quy định theo văn kiện dự án, sau đó Ban quản lý dự án đề nghị ngân hàng phục vụ trích tiền từ TKTƯ thanh toán cho người thụ hưởng. Trong vòng 5 ngày làm việc sau khi rút vốn từ TKTƯ để thanh toán, Ban quản lý dự án gửi hồ sơ chứng từ thanh toán theo quy định hiện hành đến Cơ quan kiểm soát chi để cơ quan này thực hiện việc kiểm soát chi theo quy định hiện hành. Trong vòng 5 ngày làm việc, căn cứ kết quả kiểm soát hồ sơ chứng từ, Cơ quan kiểm soát chi xác nhận giá trị đủ điều kiện thanh toán theo mẫu Giấy đề nghị thanh toán (đồng thời thanh toán phần vốn đối ứng, nếu có). Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi là một trong các căn cứ để Ban quản lý dự án làm thủ tục rút vốn bổ sung TKTƯ sau này. 7.3 Bổ sung TKTƯ Để rút vốn bổ sung TKTƯ (TKTƯ cấp 1), Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại): - Công văn đề nghị rút vốn bổ sung TKTƯ, Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu của nhà tài trợ; - Sao kê do Ban quản lý dự án lập thể hiện rõ từng khoản chi từ TKTƯ, chi tiết theo: ngày thanh toán, số tiền nguyên tệ, số tiền quy USD, VND, tỷ giá USD/VND, nội dung thanh toán, đối tượng thụ hưởng, Cơ quan kiểm soát chi, số/ngày có văn bản xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi cho từng khoản chi. Bảng kê này là cơ sở để Bộ Tài chính làm thủ tục ghi thu ghi chi. - Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi. Các khoản đã thanh toán trên sao kê phải khớp với số tiền được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư. Mỗi Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận chỉ được sử dụng 1 lần; Đối với các dự án tín dụng, sao kê phải thể hiện các khoản đã cho vay lại, Bộ Tài chính có thể yêu cầu cung cấp hồ sơ chi tiết chứng minh việc đã cho vay lại (nếu cần). - Sao kê TKTƯ của ngân hàng phục vụ, trong đó thể hiện rõ tất cả giao dịch trên tài khoản trong khoảng thời gian đề nghị rút vốn bổ sung cho các khoản đã chi tiêu và chi tiết các khoản thanh toán khớp với số tiền trên sao kê chi tiêu và số tiền trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư đã được cơ quan kiểm soát chi xác nhận. - Khế ­ước nhận nợ/Biên bản nhận nợ đã ký giữa Bên vay lại và Cơ quan cho vay lại (trường hợp dự án vay lại). Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) sẽ xem xét ký/đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ để xem xét, nếu nhà tài trợ chấp nhận sẽ chuyển tiền bổ sung vào TKTƯ. Đối với dự án có TKTƯ cấp 2, việc rút vốn bổ sung TKTƯ cấp 2 do ban quản lý dự án địa phương là chủ tài khoản thực hiện. Ban quản lý dự án địa phương gửi đề nghị bổ sung TKTƯ cấp 2 đến ban quản lý dự án trung ương/ban quản lý dự án tỉnh (chủ TKTƯ cấp 1) kèm theo các hồ sơ tài liệu như áp dụng đối với việc bổ sung TKTƯ cấp 1 nêu trên. Ban quản lý dự án trung ương/ban quản lý dự án tỉnh căn cứ hồ sơ, chứng từ đề nghị hợp lệ sẽ chuyển tiền từ TKTƯ cấp 1 bổ sung cho TKTƯ cấp 2. Hồ sơ chứng từ của ban quản lý dự án địa phương đề nghị bổ sung TKTƯ cấp 2 cũng là chứng từ để ban quản lý dự án trung ương/ ban quản lý dự án tỉnh gửi Bộ Tài chính và nhà tài trợ khi đề nghị bổ sung TKTƯ cấp 1. 8. Quy trình rút vốn đối với các dự án tín dụng hoặc cấu phần tín dụng của dự án: Việc rút vốn cho các dự án tín dụng hoặc cấu phần tín dụng của các dự án thực hiện như sau: căn cứ vào yêu cầu cho vay tiếp và yêu cầu chi tiêu cho các nội dung của dự án, tổ chức tín dụng nhận vay lại chuẩn bị hồ sơ rút vốn từ nhà tài trợ để thực hiện cho vay tiếp hoặc chi tiêu cho các hoạt động của dự án theo đúng các quy định trong hiệp định vay, hiệp định dự án (nếu có) và các quy định hiện hành về tín dụng, đầu thầu, mua sắm v.v… Hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính gồm: - Công văn đề nghị rút vốn, - Đơn rút vốn kèm sao kê các khoản đã cho vay lại theo quy định của nhà tài trợ (tổ chức tín dụng nhận vay lại chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các khoản cho vay tiếp) do cấp có thẩm quyền xác nhận. - Các chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các khoản chi tiêu cho các hoạt động của dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) sẽ xem xét và ký /đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ. IV. GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ODA ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN VAY CHƯƠNG TRÌNH, KHOẢN VAY HỖ TRỢ NGÂN SÁCH 1. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải ngân vốn ODA đối với khoản vay chương trình và vay hỗ trợ ngân sách a) Chủ chương trình có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các cam kết theo thoả thuận với nhà tài trợ để thoả mãn điều kiện rút vốn. b) Chủ chương trình có trách nhiệm chuẩn bị hoặc chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các tài liệu/ báo cáo/ hoặc chứng từ về việc thực hiện các cam kết, các quy định tuỳ theo yêu cầu của chương trình để gửi nhà tài trợ và Bộ Tài chính phục vụ yêu cầu rút vốn. c) Bộ Tài chính có trách nhiệm chuẩn bị đơn rút vốn, gửi nhà tài trợ để rút vốn về theo từng đợt rút vốn đã thoả thuận với nhà tài trợ. d) Trường hợp Ngân hàng Nhà nước hoặc chủ chương trình thực hiện rút vốn theo thỏa thuận tài trợ, việc rút vốn được thực hiện trên cơ sở thống nhất với Bộ Tài chính về thời điểm rút vốn, số tiền rút về và tài khoản nhận nguồn vốn ODA. 2. Quy định về giải ngân a) Đối với các chương trình hỗ trợ chi ngân sách có mục tiêu: Vốn ODA đã rút về ngân sách để chi tiêu cho các mục tiêu, các nội dung của chương trình được thực hiện theo đúng quy trình về kiểm soát chi, cấp phát thanh toán vốn NSNN theo các quy định hiện hành áp dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan. b) Đối với các chương trình hỗ trợ ngân sách chung để thực hiện các nhiệm vụ cải cách chính sách, thể chế của một ngành, một lĩnh vực, v.v... theo khung chính sách đã thoả thuận với nhà tài trợ nhưng không bị ràng buộc về nội dung chi tiêu cụ thể đối với nguồn vốn rút về: Vốn ODA đã rút về NSNN được sử dụng cho các mục tiêu chung của NSNN. Trường hợp đặc biệt, vốn rút về có thể được sử dụng cho các mục tiêu, nội dung cụ thể tùy theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phần 3: KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN, QUYẾT TOÁN, BÁO CÁO, KIỂM TRA I. KẾ TOÁN Các đơn vị sử dụng vốn ODA phải tuân thủ các quy định của Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán và các chế độ kế toán hiện hành của Việt Nam, vận dụng phù hợp với từng loại hình dự án, đồng thời phải tuân thủ các quy định của nhà tài trợ được quy định trong các hiệp định tài trợ, hoặc văn kiện dự án (nếu có). 1. Tổ chức công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán 1.1 Tổ chức công tác kế toán Các đơn vị sử dụng vốn ODA phải tổ chức công tác kế toán để phản ánh và báo cáo đầy đủ tình hình, kết quả của dự án theo các nội dung sau: lập và xử lý chứng từ kế toán; lựa chọn và vận dụng tài khoản kế toán; mở và ghi sổ kế toán; lập và nộp báo cáo tài chính,… theo các quy định của Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán và các chế độ kế toán hiện hành của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ đã nêu trong các hiệp định tài trợ, hoặc văn kiện dự án (nếu có). 1.2 Tổ chức bộ máy kế toán Các đơn vị sử dụng vốn ODA phải căn cứ vào đặc điểm, hình thức quản lý thực hiện dự án ODA để tổ chức bộ máy kế toán phù hợp theo quy định sau: a) Sử dụng bộ máy kế toán của đơn vị để thực hiện các công việc kế toán của dự án trong các trường hợp sau: - Dự án quy mô nhỏ, đơn giản, khối lượng công việc kế toán không lớn, không thành lập Ban quản lý dự án; tuy nhiên phải hạch toán tách bạch nguồn vốn dự án, chi dự án, không được hòa lẫn nguồn vốn ODA vào nguồn vốn của đơn vị. - Dự án có thành lập Ban quản lý dự án nhưng không tổ chức bộ máy kế toán riêng. Trường hợp này cũng phải hạch toán tách bạch nguồn vốn dự án, chi dự án, không được hòa lẫn nguồn vốn ODA vào nguồn vốn của đơn vị. b) Tổ chức bộ máy kế toán riêng và lập báo cáo tài chính riêng đối với các dự án có quy mô lớn, phức tạp, khối lượng công việc kế toán nhiều, có thành lập Ban quản lý dự án và Ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu riêng. 2. Chế độ kế toán áp dụng cho từng loại hình dự án 2.1 Đối với các dự án đầu tư XDCB: a) Các trường hợp quy định tại Tiết a, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán hiện hành phù hợp với từng loại hình đơn vị thực hiện dự án (doanh nghiệp; đơn vị HCSN hoặc xã, phường,...) b) Các trường hợp quy định tại Tiết b, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán đơn vị chủ đầu tư hiện hành. 2.2 Đối với các dự án có tính chất HCSN: a) Các trường hợp quy định tại Tiết a, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán hiện hành phù hợp với từng loại hình đơn vị thực hiện dự án (doanh nghiệp; đơn vị HCSN hoặc xã, phường;...). b) Các trường hợp quy định tại Tiết b, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán đơn vị HCSN hiện hành. 2.3 Đối với các dự án tín dụng: a) Các trường hợp quy định tại Tiết a, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán hiện hành phù hợp với từng loại hình đơn vị thực hiện dự án (tổ chức tín dụng; đơn vị HCSN;...). b) Các trường hợp quy định tại Tiết b, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán tổ chức tín dụng hiện hành. 2.4 Đối với dự án hỗn hợp Về nguyên tắc vốn ODA của các dự án hỗn hợp phải được hạch toán tách bạch theo từng loại vốn (vốn đầu tư, vốn có tính chất HCSN, vốn tín dụng,...). Việc áp dụng chế độ kế toán đối với dự án hỗn hợp thực hiện theo quy định sau: a) Các trường hợp quy định tại Tiết a, Điểm 1.2 nêu trên áp dụng chế độ kế toán hiện hành phù hợp với từng loại hình đơn vị thực hiện dự án (doanh nghiệp; tổ chức tín dụng; đơn vị HCSN;...). b) Các trường hợp quy định tại Tiết b, Điểm 1.2 nêu trên sử dụng vốn ODA phải căn cứ vào những tiêu thức sau đây để lựa chọn chế độ kế toán áp dụng cho phù hợp: - Tính chất chi của dự án; - Hình thức quản lý dự án; - Loại hình đơn vị sử dụng vốn ODA. Trong trường này khi áp dụng chế độ kế toán nếu có nhu cầu sửa đổi, bổ sung về nội dung, phương pháp hạch toán thì Ban quản lý dự án phải có công văn đề nghị Bộ Tài chính và chỉ được thực hiện khi có chấp thuận bằng văn bản. II. KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH 1. Kiểm toán báo cáo tài chính năm của dự án ODA nhằm kiểm tra và xác nhận tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính dự án trong một năm tài chính về các mặt quản lý tài chính, quản lý tài sản, trang thiết bị của dự án theo cam kết giữa nhà tài trợ và Chính phủ, đồng thời xác nhận các nguồn lực của dự án đã được chủ dự án sử dụng phù hợp theo các thủ tục, quy định, chính sách, chế độ tài chính, kế toán mà Chính phủ đã thống nhất với nhà tài trợ áp dụng trong khuôn khổ dự án. 2. Kiểm toán báo cáo tài chính năm của các dự án ODA áp dụng đối với dự án khi yêu cầu kiểm toán quy định trong điều ước quốc tế/thoả thuận tài trợ; trong chính sách; thủ tục của nhà tài trợ hoặc theo các yêu cầu kiểm toán của cơ quan chức năng của Việt Nam phù hợp quy định hiện hành trong nước. 3. Trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính năm của các dự án ODA, công ty kiểm toán, kiểm toán viên và chủ dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành về kiểm toán cũng như các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. 4. Các công ty kiểm toán được lựa chọn thực hiện kiểm toán dự án ODA phải là các công ty kiểm toán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có tên trong danh sách các công ty có đủ điều kiện thực hiện kiểm toán do Bộ Tài chính (hoặc tổ chức nghề nghiệp được Bộ Tài chính uỷ quyền) công bố hàng năm, trừ trường hợp các cam kết giữa Chính phủ với các nhà tài trợ có quy định khác. 5. Ngoài việc kiểm toán báo cáo tài chính năm, các dự án ODA có thể thuê kiểm toán từng hạng mục công trình, công trình, công việc (có tính chất đặc biệt hoặc có quy mô, số lượng kinh phí lớn) đã hoàn thành nếu có nhu cầu cần kiểm toán riêng. III. QUYẾT TOÁN 1. Quyết toán dự án ODA sử dụng vốn đầu tư XDCB Các dự án ODA sử dụng nguồn vốn đầu tư XDCB được quyết toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 về Hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước và Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 9/8/2007 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 nêu trên, cụ thể như sau: 1.1 Quy định chung: a) Đối với các dự án ODA quan trọng quốc gia, các dự án ODA nhóm A gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, trong đó nếu từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập vận hành khai thác hoặc thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thì mỗi dự án thành phần hoặc tiểu dự án đó được thực hiện quyết toán vốn đầu tư như một dự án đầu tư độc lập. b) Đối với các dự án ODA có nhiều hạng mục công trình, tuỳ theo quy mô, tính chất và thời hạn xây dựng công trình, chủ đầu tư có thể thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng cho từng hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình ngay sau khi hạng mục công trình, công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng theo yêu cầu của người quyết định đầu tư. Giá trị đề nghị quyết toán của từng hạng mục công trình bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí tư vấn và các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hạng mục đó. Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành, chủ đầu tư tổng quyết toán toàn bộ dự án trình người có thẩm quyền phê duyệt và phân bổ chi phí chung của dự án cho từng hạng mục công trình thuộc dự án. 1.2 Thẩm quyền phê duyệt, cơ quan thẩm tra quyết toán dự án ODA: a) Thẩm quyền phê duyệt quyết toán: - Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán các dự án ODA được Quốc hội quyết định chủ trương và cho phép đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt quyết toán các dự án ODA nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước; được uỷ quyền hoặc phân cấp phê duyệt quyết toán đối với các dự án ODA nhóm B, C cho cơ quan cấp dưới trực tiếp. - Đối với các dự án ODA còn lại, người quyết định đầu tư là người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. b) Cơ quan thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành: - Đối với dự án ODA được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư: Bộ Tài chính thẩm tra; - Đối với dự án ODA sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan trung ương quản lý: người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán giao cho đơn vị có chức năng thuộc quyền quản lý tổ chức thẩm tra. - Đối với các dự án ODA sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý: Sở Tài chính tổ chức thẩm tra. - Đối với các dự án ODA sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc cấp Quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý: Phòng Tài chính tổ chức thẩm tra. - Đối với các dự án ODA còn lại, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán giao cho đơn vị có chức năng thuộc quyền quản lý tổ chức thẩm tra. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán quyết định thành lập tổ công tác thẩm tra để thực hiện thẩm tra trước khi phê duyệt quyết toán; thành phần của tổ công tác thẩm tra quyết toán gồm thành viên của đơn vị có liên quan. 1.3 Kiểm toán quyết toán dự án ODA hoàn thành: a) Tất cả các dự án ODA quan trọng quốc gia, dự án ODA nhóm A, dự án ODA nhóm B sử dụng vốn nhà nước khi hoàn thành đều phải kiểm toán quyết toán trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán; các dự án ODA còn lại thực hiện kiểm toán quyết toán theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. b) Chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu kiểm toán theo quy định của pháp luật về đấu thầu và ký kết hợp đồng kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp lệnh về hợp đồng. c) Nhà thầu kiểm toán quyết toán phải là các doanh nghiệp kiểm toán được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thành lập và hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam và quy định tại Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập. d) Nhà thầu kiểm toán thực hiện kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành, lập báo cáo kiểm toán phải tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành do Bộ Tài chính ban hành. 1.4 Thẩm tra quyết toán dự án ODA hoàn thành: a) Đối với dự án ODA đã kiểm toán quyết toán: Trên cơ sở Báo cáo kết quả kiểm toán dự án hoàn thành; cơ quan (đơn vị) chủ trì thẩm tra quyết toán thực hiện thẩm tra theo các nội dung sau: - Thẩm tra tính tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành và các nội dung cụ thể như hướng dẫn tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC và Thông tư số 98/2007/TT-BTC ; nếu chưa đảm bảo yêu cầu so với quy định, cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu nhà thầu kiểm toán thực hiện kiểm toán lại hoặc kiểm toán bổ sung. - Thẩm tra việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, những căn cứ pháp lý mà kiểm toán viên sử dụng để kiểm toán dự án. - Xem xét những kiến nghị, những nội dung còn khác nhau giữa báo cáo quyết toán của chủ đầu tư và báo cáo kiểm toán dự án hoàn thành của nhà thầu kiểm toán. - Xem xét việc chấp hành của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đối với ý kiến kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước (nếu có). b) Đối với dự án ODA không kiểm toán quyết toán: Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra và lập báo cáo kết quả thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành theo đúng trình tự và nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC và Thông tư số 98/2007/TT-BTC. c) Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán, chi phí kiểm toán: Được thực hiện theo Thông tư số 33/2007/TT-BTC và Thông tư số 98/2007/TT-BTC. d) Thời hạn quyết toán các dự án ODA: Thời gian lập báo cáo quyết toán dự án ODA hoàn thành được tính từ ngày ký biên bản bàn giao đưa vào sử dụng; Thời gian kiểm toán tính từ ngày hợp đồng kiểm toán có hiệu lực; Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán tính từ ngày nhận đủ hồ sơ quyết toán. Thời gian tối đa quy định cụ thể như sau: - Dự án ODA quan trọng quốc gia: Thời gian lập báo cáo quyết toán là 12 tháng; thời gian kiểm toán là 10 tháng; Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán là 10 tháng. - Dự án ODA nhóm A: Thời gian lập báo cáo quyết toán là 12 tháng; thời gian kiểm toán là 8 tháng; Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán là 7 tháng. - Dự án ODA nhóm B: Thời gian lập báo cáo quyết toán là 9 tháng; thời gian kiểm toán là 6 tháng; Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán là 5 tháng. - Dự án ODA nhóm C: Thời gian lập báo cáo quyết toán là 6 tháng; thời gian kiểm toán là 4 tháng; Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán là 4 tháng. 1.5 Trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán: a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành kịp thời, đầy đủ nội dung biểu mẫu theo quy định. b) Hướng dẫn Chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành. c) Tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đầy đủ nội dung, yêu cầu theo quy định. d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả trực tiếp thẩm tra. đ) Hướng dẫn, đôn đốc, tạo điều kiện pháp lý để chủ đầu tư hoàn thành việc giải quyết công nợ và tất toán tài khoản của dự án sau khi phê duyệt quyết toán. e) Trường hợp dự án do Trung ương phê duyệt và là chủ dự án ODA có các dự án thành phần hoặc tiểu dự án, cấp nào phê duyệt dự án thành phần hoặc tiểu dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án thành phần hoặc tiểu dự án hoàn thành như một dự án độc lập; Cấp phê duyệt dự án chịu trách nhiệm thẩm định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định hiện hành. 1.6 Nguyên tắc phân bổ các chi phí cho các hoạt động chung của dự án ODA: Việc phân bổ chi phí chung được thực hiện theo 2 trường hợp sau đây: a) Trường hợp 1: Chi phí cho các hoạt động chung của dự án là chi phí của dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập với các dự án thành phần hoặc tiểu dự án khác thì được quyết toán như một dự án đầu tư độc lập, không phân bổ cho các dự án thành phần hoặc tiểu dự án khác. b) Trường hợp 2: Chi phí cho các hoạt động chung không phải là chi phí của dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập: - Chi phí không liên quan trực tiếp đến dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập khác thì được quyết toán riêng. - Chi phí liên quan trực tiếp đến dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập khác thì được phân bổ cho các dự án thành phần hoặc tiểu dự án theo nguyên tắc như sau: Hàng năm, chủ đầu tư thực hiện việc phân bổ chi phí cho các hoạt động chung cho các dự án thành phần hoặc tiểu dự án như sau: + Các chi phí liên quan trực tiếp đến dự án thành phần hoặc tiểu dự án nào thì phân bổ cho dự án đó; + Phần chi phí còn lại được phân bổ tương ứng với tỷ lệ giữa tổng mức đầu tư của dự án thành phần hoặc tiểu dự án và tổng mức đầu tư của dự án. + Giá trị phân bổ chi phí cho các hoạt động chung hàng năm của dự án được tổng hợp vào giá trị quyết toán vốn đầu tư của từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án khi quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. 1.7 Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan trung ương làm đầu mối, chủ trì điều phối dự án ODA được thực hiện ở nhiều địa phương thì phải có trách nhiệm đầy đủ về chức năng chủ đầu tư dự án và chức năng quản lý theo quy định của nhà nước. - Trường hợp ở các địa phương là các dự án thành phần hoặc tiểu dự án thì các địa phương có trách nhiệm quản lý và thực hiện các dự án thành phần hoặc tiểu dự án; cơ quan trung ương chịu trách nhiệm thực hiện dự án. - Trường hợp ở các địa phương không phải là các dự án thành phần hoặc tiểu dự án thì cơ quan trung ương là chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án ở các địa phương. 2. Quyết toán dự án ODA có tính chất HCSN (kể cả phần vốn HCSN của dự án hỗn hợp): 2.1 Mẫu biểu, thời gian báo cáo quyết toán kinh phí của các dự án thực hiện theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, kèm theo bản thuyết minh chi tiết kinh phí quyết toán theo từng nguồn vốn (vốn vay, viện trợ, vốn đối ứng trong nước). Việc xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được NSNN hỗ trợ và ngân sách các cấp. Quyết toán từng năm của dự án được tổng hợp chung vào quyết toán chung của đơn vị Bộ, ngành và các địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. 2.2 Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày kết thúc dự án, các Ban quản lý dự án thành phần có trách nhiệm lập báo cáo toàn bộ dự án (chi tiết theo từng nguồn vốn ODA, vốn đối ứng) gửi Ban quản lý dự án cấp trên. Ban quản lý dự án cấp trên có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tài chính của toàn bộ dự án, chi tiết đến từng dự án thành phần và theo từng nguồn vốn ODA, vốn đối ứng gửi cơ quan chủ quản dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo tài chính của toàn bộ dự án được tổng hợp dựa trên báo cáo quyết toán hàng năm của từng ban quản lý dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định và thông báo quyết toán. Trước khi gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tài chính toàn bộ dự án phải được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán. Chi phí thực hiện kiểm toán được tính vào chi phí của Ban quản lý dự án cấp trên. IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO 1. Định kỳ hàng quý, vào ngày 10 của tháng đầu quý, chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo sao kê các khoản đã được nhà tài trợ giải ngân trong quý trước chi tiết theo từng đơn rút vốn và chi tiết theo tính chất sử dụng vốn (XDCB, HCSN, hỗ trợ ngân sách, cho vay lại), chi tiết theo đối tượng sử dụng vốn và cơ quan kiểm sóat chi, gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) để phục vụ mục đích hạch toán ngân sách. Mẫu biểu Báo cáo sao kê rút vốn ODA theo Phụ lục số 4 2. Chủ dự án phải lập các báo cáo thực hiện kế hoạch vốn đầu tư hoặc quyết toán vốn chi HCSN hàng quý/năm và báo cáo quyết toán công trình hoàn thành. Báo cáo kế toán và báo cáo quyết toán phải thực hiện theo các quy định hiện hành. 3. Đối với các dự án có nguồn vốn do được hoàn thuế GTGT, chủ dự án phải báo cáo Cơ quan chủ quản xin phê duyệt kế hoạch sử dụng nguồn vốn hoàn thuế theo đúng các quy định hiện hành. V. CÔNG TÁC KIỂM TRA Cơ quan tài chính các cấp, cơ quan chủ quản dự án có thể độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA về các nội dung liên quan đến quản lý tài chính theo quy định tại Thông tư này. Phần 4: QUẢN LÝ TÀI SẢN I. PHẠM VI ÁP DỤNG 1. Các Ban quản lý dự án ODA được thành lập theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định 131/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ được trang cấp tài sản, thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo hướng dẫn của Thông tư này. 2. Nhà thầu, tư vấn, giám sát dự án ODA tự đảm bảo tài sản để phục vụ việc tư vấn, giám sát, thi công. Ban quản lý dự án không đầu tư, mua sắm tài sản để cung cấp cho nhà thầu, tư vấn, giám sát. 3. Trường hợp Hợp đồng tư vấn, giám sát, thi công đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành có quy định về trang cấp tài sản cho nhà thầu, tư vấn, giám sát thì tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng đã ký. Khi dự án kết thúc hoặc tài sản không cần sử dụng trong quá trình thực hiện dự án được thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan II. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI SẢN 1. Việc trang cấp tài sản phục vụ công tác quản lý của các Ban quản lý dự án phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 2. Tài sản được trang cấp cho Ban quản lý dự án phải được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán, theo dõi đầy đủ theo chế độ quy định. 3. Trường hợp Điều ước quốc tế cụ thể về ODA có quy định khác quy định hiện hành của Việt Nam về trang cấp, quản lý tài sản của Ban quản lý dự án thì chủ dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến trước khi ký kết hoặc thực hiện mua sắm theo quy định của Điều ước quốc tế đó. III. HÌNH THỨC TRANG CẤP TÀI SẢN 1. Đối với tài sản là trụ sở làm việc: Cơ quan được giao thực hiện chương trình, dự án sắp xếp, bố trí trong quỹ nhà thuộc trụ sở làm việc hiện có để phục vụ công tác quản lý của Ban quản lý dự án. Trường hợp không bố trí, sắp xếp được thì Ban quản lý dự án được thuê trụ sở làm việc. 2. Đối với xe ô tô phục vụ công tác gồm cả xe chuyên dùng (nếu cần): Cơ quan được giao thực hiện chương trình, dự án sắp xếp, bố trí trong số phương tiện hiện có để phục vụ công tác quản lý của Ban quản lý dự án. Trường hợp không bố trí, sắp xếp được thì Ban quản lý dự án được thuê phương tiện đi lại. 3. Đối với thiết bị truyền dẫn, máy móc, trang thiết bị làm việc, các tài sản cố định khác: Ban quản lý dự án được tiếp nhận tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền; mua hoặc thuê của các tổ chức, cá nhân khác bằng nguồn kinh phí của Ban quản lý dự án. IV. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH TRANG CẤP VÀ NGUỒN KINH PHÍ TRANG CẤP TÀI SẢN 1. Tài sản (thuê hoặc mua) phục vụ công tác quản lý của Ban quản lý dự án ODA do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Ban quản lý dự án quyết định theo chế độ quy định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Ban quản lý dự án khác cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc phê duyệt dự án, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Ban quản lý dự án phải lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc phê duyệt dự án trước khi quyết định việc thuê hoặc mua tài sản. 2. Kinh phí thuê hoặc mua tài sản được sử dụng trong nguồn kinh phí phục vụ quản lý của Ban quản lý dự án trong tổng kinh phí của dự án. V. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN 1. Theo dõi sổ sách kế toán, tính hao mòn tài sản a) Tài sản được mua, được tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền, Ban quản lý dự án phải theo dõi, hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành. b) Việc tính hao mòn tài sản được áp dụng theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập. 2. Quản lý sử dụng a) Mọi tài sản được mua, được tiếp nhận theo quyến định của cấp có thẩm quyền và tài sản được thuê để phục vụ cho hoạt động của dự án phải được sử dụng đúng mục đích, định mức tiêu chuẩn của nhà nước đã quy định; tuyệt đối không được: - Bán, trao đổi, chuyển nhượng, biếu, tặng, cho mượn khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền; - Cho các tổ chức, cá nhân thuê, mượn, sử dụng; - Sử dụng vào mục đích cá nhân. b) Ban quản lý dự án được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản phải ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản; định mức tiêu hao xăng dầu đối với xe ô tô. 3. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản Tài sản được mua, được tiếp nhận để phục vụ hoạt động của dự án phải được bảo dưỡng sửa chữa theo đúng quy định về quản lý kỹ thuật của Nhà nước đối với từng loại tài sản. Nguồn kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản được sử dụng từ nguồn kinh phí chi của Ban quản lý dự án. VI. XỬ LÝ TÀI SẢN SAU KHI DỰ ÁN KẾT THÚC 1. Việc xử lý tài sản của các dự án khi dự án kết thúc hoặc không cần sử dụng trong quá trình thực hiện quản lý dự án phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 2. Đối với tài sản được tạm nhập miễn thuế của chuyên gia tư vấn nước ngoài, sau khi dự án kết thúc, nếu chuyển giao lại cho Chính phủ Việt Nam, thì Ban quản lý dự án hoặc cơ quan được giao xử lý tài sản thay mặt dự án làm thủ tục chuyển nhượng và nộp thuế (nếu có) theo quy định của pháp luật. 3. Khi bán, thanh lý tài sản của các Ban quản lý dự án khi dự án đã kết thúc, cơ quan được giao xử lý tài sản phải xuất Hoá đơn bán thanh lý tài sản do Bộ Tài chính phát hành cho người mua tài sản. Phần 5: TỔ CHỨC THỰC HIỆN Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 78/2004/TT/BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 10/8/2004 Hướng dẫn quản lý việc rút vốn đối với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các văn bản pháp quy hướng dẫn quản lý tài chính theo yêu cầu đặc thù của dự án/nhóm dự án do Bộ Tài chính ban hành trước ngày hiệu lực của Thông tư này vẫn tiếp tục được áp dụng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để hướng dẫn, phối hợp giải quyết./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các PTTg Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Ban QLDA vốn ODA; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, TCĐN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "07/09/2007", "sign_number": "108/2007/TT-BTC", "signer": "Trần Xuân Hà", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-24-KH-UBND-muc-tieu-quoc-gia-Giam-ngheo-ben-vung-Can-Tho-2016-2020-2017-344140.aspx
Kế hoạch 24/KH-UBND mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững Cần Thơ 2016 2020 2017
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 24/KH-UBND Cần Thơ, ngày 28 tháng 02 năm 2017 KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Căn cứ Nghị quyết số 100/2015-QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Căn cứ Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND ngày 31 tháng 11 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về việc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại thành phố giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau: I. THỰC TRẠNG HỘ NGHÈO Qua kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; thành phố Cần Thơ đầu năm 2016 có 16.165 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 5,12% so với tổng số hộ dân, với những đặc trưng cơ bản như sau: 1. Phân theo khu vực: a) Hộ nghèo khu vực thành thị: 8.420 hộ - tỷ lệ 3,93% b) Hộ nghèo khu vực nông thôn: 7.745 hộ - tỷ lệ 7,62% 2. Phân theo dân tộc: a) Hộ nghèo dân tộc Kinh: 14.768 hộ - tỷ lệ 4,67% (so dân tộc Kinh) b) Hộ nghèo dân tộc thiểu số: 1.397 hộ - tỷ lệ 15,91% (so DTTS) 3. Phân theo nhóm hộ ưu tiên: a) Hộ nghèo chính sách Người có công: 112 hộ - tỷ lệ 0,69% b) Hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội: 2.583 hộ - tỷ lệ 15,98% c) Hộ nghèo không có lao động/thu nhập: 1.954 hộ - tỷ lệ 12,09% (không có khả năng thoát nghèo). 4. Phân theo nhóm thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: - Tiếp cận dịch vụ y tế: 2.169 hộ - tỷ lệ 13,42% - Bảo hiểm y tế: 9.190 hộ - tỷ lệ 56,85% - Trình độ giáo dục người lớn: 5.072 hộ - tỷ lệ 31,38% - Tình trạng đi học của trẻ em: 2.474 hộ - tỷ lệ 15,30% - Chất lượng nhà ở tạm bợ, thiếu kiên cố: 9.781 hộ - tỷ lệ 60,51% - Diện tích nhà ở dưới 8m2 /người: 5.534 hộ - tỷ lệ 34,23% - Nguồn nước sinh hoạt chưa hợp vệ sinh: 5.763 hộ - tỷ lệ 35,65% - Hố xí hợp vệ sinh: 10.402 hộ - tỷ lệ 64,35% - Sử dụng dịch vụ viễn thông: 3.446 hộ - tỷ lệ 21,32% - Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin: 1.893 hộ - tỷ lệ 11,71% Ngoài ra, thành phố còn khoảng 8.357 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,64% so với tổng số hộ dân. II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN 1. Mục tiêu chung Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). 2. Mục tiêu cụ thể a) Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đề ra: giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố bình quân 1%/năm (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 2%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. b) Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần). c) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch xã hội cơ bản của người nghèo. d) Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các ấp đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm, nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường. 3. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020 a) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh phù hợp quy hoạch dân cư và sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân: - 90% - 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; - Từ 70% - 80% ấp có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; - Từ 90% - 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, từ 85% - 95% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; - 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; - 90% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; - Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm. b) Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo. c) Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho 400 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. d) 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã và trưởng ấp, khu vực được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; đ) 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; e) 90% các hộ dân thuộc các ấp đặc biệt khó khăn được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác. g) Phấn đấu ấp Thới Trường 1 và ấp Thới Trường 2 thuộc xã Thới Xuân huyện Cờ Đỏ không còn là ấp đặc biệt khó khăn. 4. Lộ trình thực hiện Phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; hạ tỷ lệ hộ nghèo của toàn thành phố xuống còn 0,12% so với hộ dân, giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo so với đầu giai đoạn; song song đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ người nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 5,91%, giảm 10% so với đầu giai đoạn; với lộ trình như sau: Chỉ tiêu cuối năm Lộ trình phấn đấu giảm nghèo 2016 2017 2018 2019 2020 Hộ dân 319.580 322.655 325.487 328.336 331.201 Hộ nghèo 11.993 10.067 6.900 3.677 397 Tỷ lệ (%) 3,75 3,12 2,12 1,12 0,12 III. NỘI DUNG THỰC HIỆN A. CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN CỦA CHƯƠNG TRÌNH (theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) Thành phố Cần Thơ thuộc những tỉnh, thành không được trung ương phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để thực hiện các dự án thành phần và cũng không thuộc địa bàn thực hiện dự án 1 của Chương trình (Dự án 1: Chương trình 30a); các dự án còn lại thuộc Chương trình sẽ do ngân sách thành phố bố trí hàng năm để thực hiện như sau: 1. Chương trình 135 (Dự án 2): a) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 02 ấp đặc biệt khó khăn là ấp Thới Trường 1 và ấp Thới Trường 2 thuộc xã Thới Xuân huyện Cờ Đỏ (Tiểu Dự án 1). - Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn (02 ấp: Thới Trường 1 và Thới Trường 2 thuộc xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ). - Nội dung hỗ trợ: + Công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; + Công trình truyền dẫn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ấp; + Trạm y tế xã đạt chuẩn; + Công trình trường, lớp học đạt chuẩn; + Cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ; + Công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; + Các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi. + Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. - Phân công thực hiện: Ban Dân tộc thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án. - Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 2.000 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư. b) Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại ấp Thới Trường 1 và ấp Thới Trường 2 thuộc xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (Tiểu Dự án 2). - Mục tiêu: + Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; + Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; + Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. - Đối tượng: + Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; + Nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn; + Tổ chức và cá nhân có liên quan; + Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về,… thuộc hộ nghèo được tham gia dự án. - Nội dung hỗ trợ: + Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản…; + Hỗ trợ tạo đất sản xuất gồm: cải tạo đất sản xuất; + Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; + Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. + Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của phát luật. + Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng vùng, nhóm dân cư; + Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở ấp, khu vực để tăng thu nhập cho người dân; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. - Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc thành phố, các sở, ngành liên quan thực hiện. - Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện 500 triệu đồng, nguồn vốn sự nghiệp. 2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 (Dự án 3). a) Mục tiêu - Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; - Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; - Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. b) Đối tượng - Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; - Nhóm hộ, cộng đồng dân cư; - Tổ chức và cá nhân có liên quan; Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về,… thuộc hộ nghèo được tham gia dự án. c) Nội dung hỗ trợ - Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế: + Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; + Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; + Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; + Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu giảm nghèo và quy định của phát luật. - Nhân rộng mô hình giảm nghèo: + Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng nhóm dân cư; + Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở ấp, khu vực; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. - Phân công thực hiện: + Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 10.000 triệu đồng, nguồn ngân sách thành phố. + Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 5.000 triệu đồng, nguồn ngân sách thành phố. 3. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 4) a) Mục tiêu - Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. - Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân. b) Đối tượng - Người dân, cộng đồng dân cư; - Các tổ chức và cá nhân có liên quan. c) Nội dung hỗ trợ - Truyền thông về giảm nghèo: + Xây dựng, tổ chức thực hiện truyền thông về công tác giảm nghèo; + Xây dựng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ thành phố tới địa phương, cơ sở; + Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở; + Tổ chức các hoạt động truyền thông giảm nghèo bằng hình thức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các ấp, xã, huyện thực hiện Chương trình; - Giảm nghèo về thông tin: + Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp ấp; + Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác; - Phân công thực hiện: + Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo. Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 1.000 triệu đồng, nguồn ngân sách thành phố. - Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành khác có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin. Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 1.600 triệu đồng, nguồn ngân sách thành phố. 4. Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình (Dự án 5) a) Mục tiêu - Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở quận, huyện, xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực. - Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. b) Đối tượng - Đối với hoạt động nâng cao năng lực: Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; - Đối với công tác giám sát đánh giá: Cơ quan chủ trì các dự án thành phần, nội dung trong các dự án thành phần và các cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá; - Các tổ chức và cá nhân có liên quan. c) Nội dung hỗ trợ - Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất (khi cần thiết); - Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp; d) Phân công thực hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án; đ) Vốn và nguồn vốn Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 3.400 triệu đồng, nguồn ngân sách thành phố. B. CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO CHUNG (theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ) 1. Cung cấp tín dụng ưu đãi cho 133.902 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vay 1.767.790 triệu đồng; trong đó có 32.227 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay 1.112.650 triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ hoặc mua bán nhỏ để nâng cao thu nhập; phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo và hộ chính sách xã hội đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hỗ trợ vốn vay ưu đãi. 2. Đảm bảo 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách với khoảng 163.502 lượt người nghèo được cấp thẻ, với kinh phí 105.066 triệu đồng; hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 115.831 người cận nghèo, kinh phí 74.433 triệu đồng; đầu tư về cơ sở vật chất cho trạm y tế cấp xã, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở để tăng số lượng người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu, kể cả điều trị kỹ thuật cao ở tuyến trên. 3. Thực hiện miễn giảm học phí, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ chi phí học tập cho 15.215 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo ở các cấp học theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ, kinh phí 3.140 triệu đồng. Thực hiện chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ kinh phí học tập hàng năm cho 150 lượt sinh viên dân tộc thiểu số nghèo số tiền 776, 25 triệu đồng. 4. Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 1.049 hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí 41.960 triệu đồng. Vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng 846 căn nhà để hỗ trợ hộ nghèo không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, với kinh phí 32.400 triệu đồng. 5. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ cho 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số có nhu cầu hỗ trợ; tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo. 6. Thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã hỗ trợ tiền điện cho 60.080 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội số tiền 35.327,04 triệu đồng. 7. Trợ cấp trực tiếp theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 1.825 hộ nghèo vùng khó khăn, với 7.338 khẩu số tiền 587,04 triệu đồng. 8. Thực hiện chính sách đặc thù của thành phố trợ cấp Tết Nguyên đán hàng năm cho 50.450 hộ nghèo số tiền 35.315 triệu đồng. 9. Lồng ghép đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ dạy nghề cho 3.000 người nghèo, cận nghèo được học nghề gắn với tạo việc làm, kinh phí 9.000 triệu đồng, tỷ lệ giải quyết việc làm sau khi đào tạo từ 75 - 80%. 10. Lồng ghép hỗ trợ cho 400 người nghèo dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động, kinh phí 2.800 triệu đồng. Giới thiệu và giải quyết việc làm cho 4.500 người nghèo dân tộc thiểu số, kinh phí 1.800 triệu đồng. 11. Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020: Hỗ trợ cho 1.199 hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn gồm: hỗ trợ đất ở cho 104 hộ, hỗ trợ vay vốn chuộc lại đất sản xuất cho 9 hộ, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm và phát triển sản xuất cho 656 hộ, hỗ trợ học nghề 430 người; tổng kinh phí 19.378 triệu đồng. 12. Nguồn lực thực hiện: Tổng kinh phí tạm tính thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là 2.196.655,32 triệu đồng, gồm: a) Ngân sách Trung ương: 136.202,32 triệu đồng. b) Ngân sách thành phố: 211.473,62 triệu đồng. c) Nguồn vốn vay ưu đãi: 1.800.845,00 triệu đồng. d) Huy động cộng đồng: 48.135,00 triệu đồng. IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác giảm nghèo. 2. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. 3. Tăng cường huy động các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn và hàng năm; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách bổ sung hoàn thiện chương trình để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời. Giao các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện các công việc cụ thể sau đây: 1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; thực hiện chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nghèo, cận nghèo; gắn với tạo việc làm và hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người nghèo, người cận nghèo; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở, các Trưởng ấp, khu vực và cán bộ đoàn thể phối hợp lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020 ở các cấp. b) Chủ trì, phối hợp tổ chức công tác kiểm tra, giám sát tình hình và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020. c) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện dự án 5. 2. Ban Dân tộc thành phố a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành thành phố theo dõi, đôn đốc nhắc nhở, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ có đời sống khó khăn trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo quy định. b) Chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện Dự án 2. 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương lồng ghép thực hiện các chương trình, công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thực hiện các chính sách, dự án về khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi giảm nghèo hiệu quả cho hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận, sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. b) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện Dự án 3. 4. Sở Thông tin và Truyền thông a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thông tin; đưa văn hóa về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt địa bàn xã thuộc vùng khó khăn (xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ), ấp đặc biệt khó khăn (ấp Thới Trường 1 và ấp Thới Trường 2, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ). b) Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tư vấn để nâng cao nhận thức, tính chủ động vươn lên của người nghèo. c) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện Dự án 4. 5. Sở Kế hoạch và Đầu tư a) Thực hiện chức năng cơ quan tổng hợp Chương trình; b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thẩm định, cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách địa phương trong Kế hoạch trung hạn và hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. c) Hướng dẫn các sở, ngành liên quan về cơ chế quản lý chương trình; tổ chức kiểm tra đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế quản lý chương trình của các sở, ngành, địa phương gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo. d) Tham mưu chỉ đạo thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao. 6. Sở Tài chính Tính toán cân đối phù hợp với khả năng của ngân sách, lồng ghép các nhiệm vụ đã được bố trí trong định mức được giao dự toán đầu năm; đồng thời lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn của các ngành và theo phân cấp kinh phí thành phố, kinh phí quận, huyện theo các chế độ quy định. 7. Sở Y tế a) Tổ chức thực hiện hỗ trợ người nghèo khám, chữa bệnh, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan trong việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. b) Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, đảm bảo người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu. 8. Sở Giáo dục và Đào tạo Chủ trì, phối hợp các địa phương thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp khó khăn, cấp học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập đối với học sinh là con hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ. 9. Sở Xây dựng Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện các công việc sau: a) Triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2016 hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở. b) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực đô thị và nông thôn trên cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, gia đình, dòng họ người nghèo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. 10. Sở Nội vụ Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. 11. Sở Tư pháp Tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số theo quy định. 12. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Cần Thơ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức Hội đoàn thể, địa phương cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, làm nhà ở, học sinh, sinh viên nghèo vay chi phí học tập… theo quy định. 13. Bảo hiểm xã hội thành phố Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế trên dân số đạt chỉ tiêu hàng năm được giao. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thành phố tham gia bảo hiểm y tế theo “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020” theo Quyết định số 4280/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố. 14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Tiếp tục đẩy mạnh vận động Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở và tham gia nhân rộng mô hình giảm nghèo để tăng thu nhập. Chỉ đạo các thành viên Mặt trận, các tổ chức xã hội, đoàn thể tiếp tục phát huy thành quả đạt được về xã hội hóa góp phần thực hiện tốt Kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các địa phương. 15. Các Hội, đoàn thể (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…) Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên đối với hội viên nghèo để nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ công tác dạy nghề, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất và tham gia xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững ở địa phương. 16. Ủy ban nhân dân quận, huyện a) Căn cứ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện cả giai đoạn và hàng năm của địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện. b) Chỉ đạo phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chủ động và tích cực thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã thực hiện hiệu quả trên địa bàn. c) Tổ chức huy động, vận động các nguồn lực và thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn chuyên môn của các sở, ban, ngành liên quan. Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020; yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ 06 tháng (báo cáo trước ngày 15 tháng 6); hàng năm (báo cáo năm trước ngày 15 tháng 11) thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ./. (Đính kèm phụ lục 1, 2, 3 và 4) Nơi nhận: - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; - Văn phòng QG về giảm nghèo; - TT.TU, TT.HĐND, UBND TP (1AB); - Các sở, ban, ngành liên quan; - UBND quận, huyện; - VP.UBND TP (3C); - Lưu: VT.TP TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Văn Tâm FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "28/02/2017", "sign_number": "24/KH-UBND", "signer": "Lê Văn Tâm", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Ke-hoach-2252-KH-UBND-2015-nang-cap-phan-mem-Quan-ly-van-ban-tai-Van-phong-Uy-ban-Ho-Chi-Minh-534668.aspx
Kế hoạch 2252/KH-UBND 2015 nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản tại Văn phòng Ủy ban Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 2252/KH-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 2015 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NÂNG CẤP PHẦN MỀM QUẢN LÝ VĂN BẢN TẠI VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích Triển khai mới phần mềm quản lý văn bản tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất theo mô hình chung của Thành phố nhằm khắc phục các tồn tại hệ thống cũ và đáp ứng các yêu cầu: - Phục vụ công tác quản lý văn thư, lưu trữ tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; - Phục vụ lãnh đạo theo dõi, quản lý tình hình xử lý văn bản trong Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; theo dõi các sở - ngành, quận - huyện thực hiện văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố; - Liên thông, kết nối với các sở - ngành, quận - huyện; - Liên thông với Cổng thông tin của Chính phủ. 2. Yêu cầu - Cán bộ, công chức tham gia triển khai phải sắp xếp thời gian học sử dụng phần mềm. - Sau khi được tập huấn, lãnh đạo, cán bộ, công chức của đơn vị phải sử dụng phần mềm để giải quyết văn bản, hồ sơ đi và đến theo công việc được phân công. II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM 1. Đối tượng - Chủ tịch, các Phó Chủ tịch hoặc các thư ký giúp việc cho Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố; - Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; - Cán bộ, công chức Phòng Hành chính và các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; - Các Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc chuyên viên giúp việc, Chánh văn phòng, Phó Chánh Văn phòng các quận, huyện; - Ban Giám đốc, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng các sở, ngành. 2. Nội dung, phương pháp - Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm; - Thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ sử dụng phần mềm. (mail: [email protected]; website: http://cntt.tphcm.gov.vn; điện thoại: 38.23.3717 máy nhánh: 221). 3. Thời gian, địa điểm Giai đoạn 1: triển khai tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố - Triển khai mới hệ thống quản lý văn bản tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; - Hướng dẫn đào tạo cán bộ công chức tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố: Sở Thông tin và Truyền thông cử nhân sự trực tiếp hướng dẫn sử dụng, nhận góp ý tại từng bộ phận, cá nhân; - Thời gian: theo lịch đã thống nhất được đăng ký trong khoảng thời gian kế hoạch thực hiện (phụ lục kế hoạch chi tiết đính kèm); Giai đoạn 2: triển khai tại các sở - ngành, quận - huyện - Tổ chức các lớp hướng dẫn các sở - ngành, quận - huyện tại Sở Thông tin và Truyền thông; - Sở Thông tin và Truyền thông cử nhân sự trực tiếp hướng dẫn theo yêu cầu riêng của các cá nhân, đơn vị. - Thời gian: trong Quý III năm 2015. Sở Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch tổ chức triển khai và thông báo cụ thể cho các đơn vị. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN - Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai phần mềm theo kế hoạch đã được phê duyệt; phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố trình Quy chế vận hành phần mềm sau khi tập huấn để đưa vào sử dụng chính thức. - Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố: bố trí nhân sự tham gia đào tạo, sử dụng phần mềm theo lịch thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông. - Các sở - ngành, quận - huyện cử nhân sự tham gia tập huấn sử dụng phần mềm theo lịch do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức./. Nơi nhận: - Như trên; - TTUB: CT, các PCT; - Các Sở - ngành Thành phố; - UBND 24 Quận - Huyện; - VPUB: CPVP ; - Các Phòng CV; - Lưu:VT, (CNN/Đ) H. KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Mạnh Hà
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "25/04/2015", "sign_number": "2252/KH-UBND", "signer": "Lê Mạnh Hà", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-18-CT-TW-nam-2012-cong-tac-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-149914.aspx
Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
BAN BÍ THƯ ------- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM --------------- Số 18-CT/TW Hà Nội, ngày 4 tháng 9 năm 2012 CHỈ THỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ KHẮC PHỤC ÙN TẮC GIAO THÔNG Sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 24-02-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến, tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành kỷ luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn yếu kém. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế; việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này; lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vừa thiếu, vừa yếu về năng lực. Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt các nội dung sau: I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác này; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu hằng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ. 2- Huy động mọi nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế để bảo đảm các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng. 3- Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông phải được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của các ngành chức năng và chính quyền các cấp; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện. 2- Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa tai nạn giao thông; mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”. Chú ý biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật trật tự, an toàn giao thông. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xác định rõ việc hấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. 3- Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn - Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các chiến lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị. Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông tập trung, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm; ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ, cầu vượt ở các nút giao thông trọng điểm; tổ chức kết nối các phương thức vận tải giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không để đảm bảo lưu thông thông suốt trong mọi tình hình. - Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. 4- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông - Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cá nhân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông; nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt; xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông. - Xây dựng Chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý phương tiện giao thông thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất trong nước, đăng ký, đăng kiểm đến quá trình hoạt động của phương tiện. Quy định niên hạn sử dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo hợp lý, khoa học và phù hợp với từng vùng, miền; chú trọng hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, tàu hỏa và phương tiện thủy. - Đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải. Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục ngày các “điểm đen” trên các tuyến giao thông đường bộ. - Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và đơn vị chức năng về quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, quản lý vỉa hè, đường phố và an toàn giao thông cầu, đường, hầm. Thực hiện nghiêm túc các quy định về hành lang an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi xâm hại công trình giao thông, cản trở giao thông, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. - Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý chặt chẽ đối với những người được cấp giấy phép lái xe. Khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. - Hiện đại hóa công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, trong nội đô Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông. - Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông tại bến xe, bến tàu. Kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao thông. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các hành vi trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Có biện pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. - Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng Chiến lược phát triển, đào tạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững pháp luật, có trình độ nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, có tinh thần trách nhiệm, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Có chính sách ưu tiên về biên chế, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, nghiệp vụ và chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 5- Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - Thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Có lộ trình tích cực, thực hiện có trọng điểm việc di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm thành phố; địa điểm các cơ quan, đơn vị đã di dời chỉ sử dụng vào mục đích phúc lợi công cộng. - Tập trung nguồn lực triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và kết nối với Đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, trên cơ sở đó vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý đường, hè phố. Xử lý nghiêm các vi phạm chiếm dụng trái phép hè phố, đậu đỗ xe trái quy định và những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông; đi đôi với việc sắp xếp nơi trông giữ xe, xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng. - Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; coi trọng tổ chức giao thông trên các tuyến vành đai, các tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm; phân luồng một chiều, tách làn xe ô tô với mô tô, xe máy; xây dựng bổ sung các cầu vượt ở các nút giao thông. Huy động các lực lượng tham gia hướng dẫn, điều hòa giao thông trong giờ cao điểm. - Có giải pháp điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh ở những thành phố lớn đảm bảo khoa học, hợp lý, hạn chế lưu lượng phương tiện để phân giãn phương tiện, người tham gia giao thông trong giờ cao điểm, nhưng không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, công tác, học tập, sinh hoạt, đi lại của người dân. - Xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao văn hóa giao thông cho người dân để giảm ùn tắc. III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1- Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Hằng năm báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện; 5 năm tổ chức sơ kết; 10 năm tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện. 2- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao. Đánh giá kết quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông vận tải (từ năm 1995 đến năm 2012), để có sự phân công, điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn. 3- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học… an toàn về an ninh, trật tự, an toàn giao thông. 4- Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và ban cán sự đảng các cơ quan liên quan giúp Ban Bí thư kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ. T/M BAN BÍ THƯ Lê Hồng Anh
{ "issuing_agency": "Ban Bí thư", "promulgation_date": "04/09/2012", "sign_number": "18-CT/TW", "signer": "Lê Hồng Anh", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-246-KH-UBND-2023-cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-cai-cach-hanh-chinh-Can-Tho-590709.aspx
Kế hoạch 246/KH-UBND 2023 công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 246/KH-UBND Cần Thơ, ngày 14 tháng 12 năm 2023 KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2024 Thực hiện Quyết định số 4168/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CCHC trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch về công tác thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2024, như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ ĐỐI TƯỢNG 1. Mục đích a) Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các mục tiêu, nội dung và trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác CCHC thành phố giai đoạn 2021-2025; từ đó, cán bộ, công chức, viên chức có thái độ làm việc tích cực, động cơ đúng đắn, hăng hái tham gia vào công cuộc CCHC nhà nước nói chung và Kế hoạch công tác CCHC thành phố năm 2024 nói riêng. b) Nâng cao nhận thức CCHC và tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân, doanh nghiệp trong triển khai CCHC, giám sát quá trình thực hiện CCHC của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. 2. Yêu cầu a) Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền có hiệu quả và đúng tiến độ đề ra. b) Phổ biến, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của từng đối tượng, từng ngành, từng địa phương. c) Lồng ghép việc tuyên truyền CCHC nhà nước với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. d) Đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công tác CCHC nhà nước, nhất là thủ tục hành chính. đ) Tăng cường lực lượng tham gia công tác tuyên truyền; kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. e) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác tuyên truyền CCHC, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 3. Đối tượng Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập và mọi tầng lớp Nhân dân. II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2024 tập trung vào các nội dung trọng tâm sau: 1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tuyên truyền tình hình triển khai, kết quả, thành tựu trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Quyết định số 4168/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch CCHC thành phố giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 26-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về CCHC, trọng tâm là xây dựng nền hành chính điện tử, hành động, phục vụ. 2. Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CCHC. 3. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC. 4. Tuyên truyền, phổ biến các nội dung về cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tình hình, kết quả triển khai cải cách công vụ, công chức. Các quy định của pháp luật về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ, đặc biệt là trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức. Tình hình triển khai các nội dung xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện CCHC. 5. Tuyên truyền các giải pháp nâng cao các Chỉ số của thành phố, gồm: Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các Chỉ số khác. 6. Tuyên truyền, biểu dương các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ CCHC cũng như phản ánh những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. 7. Những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như tình hình triển khai nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương. 8. Các mô hình, cơ chế đang được triển khai thí điểm, các điển hình tốt trong CCHC ở Trung ương và địa phương. 9. Quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc tham gia và giám sát tiến trình CCHC. III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN 1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, hệ thống loa truyền thanh cấp xã, tuyên truyền thông tin lưu động. 2. Thông qua phát hành bản tin điện tử về CCHC; tổ chức các Hội thi tìm hiểu về CCHC nhà nước; khảo sát trực tuyến về kiến thức CCHC. 3. Thông qua việc phát hành tờ gấp, pano, áp phích liên quan đến CCHC, phù hợp với từng mục tiêu, yêu cầu, nội dung tuyên truyền, phổ biến đến từng nhóm đối tượng. 4. Thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thông qua tổ chức hội thảo, hội nghị về CCHC; lồng ghép nội dung CCHC trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 5. Đưa nội dung CCHC phù hợp vào công tác tuyển dụng công chức, viên chức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; các chương trình sân khấu, hài kịch; các cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật. 6. Đưa nội dung thông tin về tình hình triển khai, kết quả CCHC nhà nước phù hợp vào chương trình họp báo định kỳ của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương. IV. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN TRỌNG TÂM TT Hình thức tuyên truyền Số lượng/tần suất Cơ quan chủ trì (**) Cơ quan phối hợp Thời gian thực hiện 1 Đặt hàng thực hiện Chuyên mục “CCHC” trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố 12 số Sở Nội vụ Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố và các cơ quan có liên quan Trong năm 2024 2 Đặt hàng thực hiện Chương trình Gặp gỡ và Đối thoại về CCHC (truyền hình trực tiếp) trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố 03 số Sở Nội vụ Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố và các cơ quan có liên quan Trong năm 2024 3 Đặt hàng thực hiện Chương trình “Hỏi - đáp nhanh về CCHC” 04 số Sở Nội vụ Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố và các cơ quan có liên quan Trong năm 2024 4 Đặt hàng sản xuất các đoạn phim, video clip giới thiệu về CCHC để phát trên màn hình điện tử, mạng xã hội 05 clip Sở Nội vụ Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, các cơ quan truyền thông Trong năm 2024 5 Thực hiện chuyên trang CCHC và Diễn đàn trao đổi ý kiến trên Báo Cần Thơ 52 số (01 số/tuần) Sở Nội vụ Báo Cần Thơ, sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn Trong năm 2024 6 Xây dựng bản tin CCHC điện tử 52 số Sở Nội vụ Sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn Trong năm 2024 7 Cuộc thi “Chung tay thực hiện CCHC gắn với chuyển đổi số”* 01 cuộc Liên đoàn Lao động thành phố Sở Nội vụ, Công đoàn cơ sở trực thuộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan Trong năm 2024 8 Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện CCHC* 03 cuộc Sở Nội vụ Sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện Trong năm 2024 9 Cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý* 01 cuộc Sở Nội vụ Sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn Trong năm 2024 10 Cuộc thi khảo sát kiến thức cải cách hành chính* 01 cuộc Sở Nội vụ Sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn Trong năm 2024 11 Tổ chức Hội nghị, Tọa đàm đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp* 02 cuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị có liên quan Trong năm 2024 12 In, phát hành tờ gấp tuyên truyền về CCHC 15.000 tờ Sở Thông tin và Truyền thông Sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị có liên quan Trong năm 2024 14 Xây dựng tiểu phẩm biểu diễn phục vụ tuyên truyền thông tin lưu động 01 tiểu phẩm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện Trong năm 2024 15 Tuyên truyền bằng hình thức xe phát thanh tuyên truyền, chạy trên các tuyến đường thuộc thành phố Cần Thơ 10 cuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện Trong năm 2024 (*) Tùy theo diễn biến của tình hình thực tế, thành phố áp dụng hình thức tuyên truyền trực tiếp hoặc trực tuyến để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai thực hiện. (**) Thực hiện Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn lựa chọn phương thức và quyết toán giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên của thành phố Cần Thơ. V. KINH PHÍ THỰC HIỆN Kinh phí thực hiện tuyên truyền CCHC năm 2024 do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành: 1. Công tác tuyên truyền trên địa bàn thành phố: các sở, ban, ngành thành phố được giao chủ trì tại mục IV Kế hoạch này lập dự toán kinh phí gửi Sở Nội vụ chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 năm 2023 để tổng hợp trình Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định chi từ kinh phí thực hiện CCHC của thành phố. 2. Công tác tuyên truyền trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương: bố trí trong nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị hoặc từ nguồn kinh phí thực hiện CCHC do Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ (đối với quận, huyện và xã, phường, thị trấn). 3. Từ nguồn xã hội hóa, đóng góp do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện các nội dung sau: a) Căn cứ vào Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền CCHC trong phạm vi đơn vị, địa phương mình. b) Chủ động triển khai hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt các hoạt động, nhiệm vụ tuyên truyền theo chức năng và theo phân công. c) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác thông tin tuyên truyền CCHC của các đơn vị trực thuộc, UBND xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả, chất lượng. d) Lồng ghép tuyên truyền nội dung CCHC vào chương trình họp báo định kỳ, các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. đ) Tích cực vận động thực hiện xã hội hóa kinh phí thực hiện tuyên truyền cho công tác CCHC trên địa bàn để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. e) Báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Nội vụ) kết quả thực hiện công tác thông tin tuyên truyền CCHC tại đơn vị, địa phương định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm theo thời gian báo cáo kết quả công tác CCHC. 2. Sở Nội vụ a) Chịu trách nhiệm chủ trì triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện về UBND thành phố trong báo cáo CCHC. b) Củng cố, nâng cao chất lượng Trang thông tin CCHC thành phố, Bản tin điện tử CCHC, cập nhật kịp thời, nhanh chóng tin tức về các hoạt động CCHC của thành phố. c) Phối hợp với các cơ sở giáo dục và đào tạo trong và ngoài thành phố để lồng ghép nội dung CCHC vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ được giao. đ) Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC, nâng cao chất lượng các bản tin, chuyên mục tuyên truyền CCHC trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ. e) Lồng ghép việc kiểm tra công tác thông tin, tuyên truyền CCHC trong Kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2024. 3. Sở Thông tin và Truyền thông a) Chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí địa phương, Trung ương đóng trên địa bàn phối hợp tuyên truyền về công tác CCHC của thành phố. b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện in, phát hành tờ gấp tuyên truyền về CCHC đến sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. 4. Văn phòng UBND thành phố a) Rà soát, cập nhật kịp thời thủ tục hành chính tại các Quyết định công bố của Chủ tịch UBND thành phố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. b) Đăng tải, cập nhật thông tin, chuyên mục về CCHC lên Cổng thông tin điện tử thành phố. 5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch a) Chịu trách nhiệm chủ trì tuyên truyền thông qua pano, áp phích, tuyên truyền thông tin lưu động trên địa bàn thành phố. b) Trao đổi, thống nhất với Sở Nội vụ và xin ý kiến Ban Tuyên giáo Thành ủy về nội dung tuyên truyền qua pano, áp phích, băng rôn đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật. 6. Sở Kế hoạch và Đầu tư Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết Tổ chức Hội nghị, Tọa đàm đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp. 7. Sở Tài chính Phối hợp với các đơn vị có liên quan đảm bảo kinh phí thực hiện các chương trình CCHC từ nguồn kinh phí CCHC năm 2024; hướng dẫn các đơn vị lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định. 8. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ a) Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực tế hoạt động CCHC trên địa bàn thành phố trong năm 2024 để xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp. b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về CCHC. c) Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan kịp thời cập nhật tin tức về CCHC đưa tin trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ và các Đài Truyền thanh cấp huyện. 9. Liên đoàn Lao động thành phố Chỉ đạo Công Đoàn cơ sở trực thuộc và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Chung tay cải cách CCHC gắn với chuyển đổi số” năm 2024. 10. Đề nghị Trường Chính trị thành phố phối hợp với Sở Nội vụ thường xuyên cập nhật, bổ sung nội dung CCHC vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. 11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phối hợp tham gia và có Kế hoạch tuyên truyền CCHC lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Trên đây là Kế hoạch công tác thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2024 của UBND thành phố. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh trực tiếp về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Bộ Nội vụ; - TT TU; TT HĐND TP; - TT UBND TP; - UBMTTQVN TP và các đoàn thể; - Sở, ban, ngành TP; - UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn; - Báo Cần Thơ, Đài PTTH TP; - VP UBND TP (2,3,4,5,6,7); - Cổng TTĐT TP; - Lưu: VT, ĐTS. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Trần Việt Trường
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "14/12/2023", "sign_number": "246/KH-UBND", "signer": "Trần Việt Trường", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Ke-hoach-2689-KH-UBND-2022-cham-soc-suc-khoe-lao-dong-phong-benh-nghe-nghiep-Ho-Chi-Minh-525005.aspx
Kế hoạch 2689/KH-UBND 2022 chăm sóc sức khỏe lao động phòng bệnh nghề nghiệp Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 2689/KH-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 8 năm 2022 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ Căn cứ Luật An toàn, Vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025; Căn cứ Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030; Căn cứ Quyết định số 3431/QĐ-BYT ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Y tế triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030”; Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 3591/TTr-SYT ngày 01 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn Thành phố. I. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu chung Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh nơi làm việc. Phòng, chống bệnh tật, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố. 2. Mục tiêu cụ thể 2.1. Mục tiêu 1: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. a) 50% số cán bộ y tế lao động, cán bộ y tế làm công tác giám định y khoa được đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp đến năm 2025 và đạt 100% đến năm 2030. b) Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp tại các địa phương vào năm 2025 và thực hiện kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030. c) Quản lý 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. d) Kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động: kiểm tra tại 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định vào năm 2025. đ) 50% số cơ sở quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp đã công bố và cấp phép được kiểm tra chất lượng đến năm 2025 và đạt 100% đến năm 2030. e) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thực hiện đầy đủ nội dung và đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp đã công bố và được cấp phép. 2.2. Mục tiêu 2: Lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động, tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, phòng chống bệnh, tật, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc. a) 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn được tập huấn, hướng dẫn về dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động. b) 40% trạm y tế phường, xã, thị trấn thực hiện lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030. c) 30% số người lao động không có hợp đồng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (lâm nghiệp, ngư nghiệp) và làng nghề được tiếp cận thông tin truyền thông và được tư vấn về yếu tố có hại, nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến nghề nghiệp, các biện pháp phòng chống và nâng cao sức khỏe đến năm 2025 và đạt 60% đến năm 2030. d) 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn thực hiện chế độ báo cáo ghi nhận các trường hợp mắc và tử vong do tai nạn lao động. 2.3. Mục tiêu 3: Nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh, tật, phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia tại nơi làm việc. a) Giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động vào năm 2025 và đến năm 2030 giảm 25% so với giai đoạn 2010-2018. b) 50% cơ sở lao động có trên 200 người lao động được hướng dẫn về dinh dưỡng phù hợp với điều kiện lao động đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030. c) 100% người lao động được tiếp cận thông tin về các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư) và các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe (lối sống lành mạnh, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng hợp vệ sinh, tăng cường vận động) tại nơi làm việc. d) 100% cơ sở lao động có trên 200 người lao động (có lao động nữ và có nhu cầu) đảm bảo có khu vực vắt sữa và bảo quản sữa cho bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ. đ) 30% số cơ sở lao động lồng ghép các chỉ tiêu khám phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm (kiểm soát huyết áp, chỉ số BMI, đường huyết, cholesterol máu, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, ảnh hưởng có hại của sử dụng thuốc lá và rượu, bia) trong khám sức khỏe định kỳ hằng năm tùy theo yếu tố ngành nghề và lứa tuổi đến năm 2025 và đạt 50% đến năm 2030. e) 100% người lao động bị mắc bệnh, tật được tư vấn để đảm bảo sức khỏe phù hợp với công việc; 100% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc lao động nữ mang thai, cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ), phòng chống HIV/AIDS và nâng cao sức khỏe. 2.4. Mục tiêu 4: Tăng cường quản lý, phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại các ngành nghề có nguy cơ cao. a) Quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp: 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030. b) 100% người lao động tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp. 2.5. Mục tiêu 5: Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng điều trị, giám định y khoa, điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. a) Đến năm 2030: 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị, giám định y khoa và phục hồi chức năng. b) Đến năm 2030: 100% người lao động nghỉ ốm dài ngày, bị mắc các bệnh, tật mạn tính phải điều trị dài ngày, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng được tư vấn về khả năng lao động phù hợp với sức khỏe. II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH 1. Phạm vi và đối tượng Chương trình được triển khai trên toàn Thành phố, bao gồm các cơ sở lao động (cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh,...), người sử dụng lao động, người lao động; ưu tiên các cơ sở lao động nhỏ, vừa, khu vực nông nghiệp, làng nghề, lao động nữ, lao động cao tuổi và lao động không có hợp đồng lao động và các cơ sở y tế. 2. Thời gian thực hiện: Từ 2022 đến 2030. III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động - Cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp. - Nâng cao năng lực, hiệu quả và phối hợp sở, ban ngành trong việc kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. - Triển khai xây dựng và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. - Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư để thực hiện mục tiêu của kế hoạch. - Tổ chức điều tra đúng thời hạn quy định đối với các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên; xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động. - Tổ chức thống kê, tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật. - Tham gia xây dựng phần mềm quản lý môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe người lao động. Nhập liệu cơ sở dữ liệu của Thành phố vào dữ liệu quốc gia. 2. Thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp, sơ cấp cứu cho người lao động tại nơi làm việc - Triển khai các biện pháp phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp tại một số ngành nghề có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp như: bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong ngành y tế, bệnh điếc nghề nghiệp tại các ngành cơ khí, nhà máy sản xuất... có tiếng ồn vượt mức cho phép, bụi phổi nghề nghiệp. Giảm thiểu tiếp xúc với yếu tố có hại tại các cơ sở lao động có nguy cơ. - Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động đúng quy định tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp. Lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ, hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp tại đơn vị đúng theo quy định. - Nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. - Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị và phục hồi chức năng đáp ứng các mục tiêu chăm sóc sức khỏe người lao động trong giai đoạn 2020-2030. - Thực hiện hiệu quả phòng chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm phổ biến (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản...) tại nơi làm việc, đặc biệt là các doanh nghiệp trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao. - Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc. 3. Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc - Xây dựng dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp. Đầu tư, trang bị thiết bị phục vụ nâng cao năng lực và hiệu quả công tác kiểm tra quan trắc môi trường lao động, nâng cao năng lực hệ thống cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động. - Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị quan trắc môi trường lao động theo quy chuẩn quốc gia và các quy định của nhà nước phù hợp với quy mô và nhu cầu phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2030. - Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc môi trường lao động, đảm bảo chất lượng trong quá trình quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc. - Đánh giá các yếu tố vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh trong điều kiện lao động mới; kiểm tra và quản lý thông tin các cơ sở có sử dụng amiăng, thực hiện giám sát các công tác quan trắc môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động theo quy định. 4. Truyền thông, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động - Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động, người lao động và các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là người lao động khu vực không có quan hệ lao động. Tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp, có sức lan tỏa trong tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động. - Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tiến tới thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp. - Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong việc tổ chức các phong trào thi đua của đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, tham gia phối hợp với các cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng hướng dẫn và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy chế, nội quy, các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc. 5. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp. - Kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục các tồn tại, thiếu sót về công tác an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ gây tai nạn, bệnh nghề nghiệp. - Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phối hợp triển khai thực hiện Chương trình giữa các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. 6. Nguồn lực - Sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí gồm: Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi của các địa phương, cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; nguồn ODA, viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ và các nguồn huy động hợp pháp khác. - Đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho thông tin, tuyên truyền, tập huấn, nghiên cứu, dự phòng bệnh nghề nghiệp và thu thập số liệu, báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu. - Phối hợp, lồng ghép nguồn lực của Chương trình với các nguồn lực hiện có (nguồn quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp,...) và nguồn xã hội hóa. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Y tế - Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. - Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở lao động tăng cường công tác thông tin, truyền thông về nguy cơ và tác hại bệnh nghề nghiệp, cách phòng chống bệnh nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác giám sát, quan trắc môi trường lao động; kiến nghị, tư vấn, đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. - Xử lý kịp thời các vụ, người bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, được sơ cấp cứu tại các cơ sở y tế, mắc bệnh nghề nghiệp được khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng. - Thực hiện hiệu quả phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản, tăng huyết áp...) tại nơi làm việc. - Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện và đầu tư, nâng cấp máy, thiết bị để quan trắc môi trường lao động, nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp. - Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về công tác vệ sinh lao động; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp người lao động. 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ. - Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, các văn bản hướng dẫn Luật và các nội dung liên quan. 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện, các làng nghề, khu vực nông nghiệp, lao động cao tuổi, lao động không có hợp đồng lao động triển khai thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ. 4. Sở Tài chính Phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định. 5. Sở Kế hoạch và Đầu tư Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố việc bố trí kinh phí cho các dự án đầu tư công (nếu có) và phối hợp với các cơ quan liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện kế hoạch theo quy định. 6. Sở Thông tin và Truyền thông Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện các hoạt động tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động; tuyên truyền biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về lao động. 7. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các cơ sở lao động làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. 8. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố - Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. - Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý; tổ chức các lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người quản lý, người trực tiếp làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. 9. Đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố - Chủ động phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, chỉ đạo Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn, công đoàn ngành tổ chức triển khai, thực hiện tốt phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp - Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” tại các cơ quan, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. - Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp..., tham gia giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố. - Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tập huấn kiến thức pháp luật qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn Thành phố trong việc thực hiện các quy định về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. 10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các hội, đoàn thể Phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các hoạt động truyền thông về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố, lồng ghép truyền thông về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. 11. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn - Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố để xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động công tác an toàn, vệ sinh lao động của địa phương. - Bảo đảm bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch. 12. Giao Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phổ biến đến các cơ sở lao động - Thực hiện đúng các quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan. - Tích cực tham gia các hoạt động triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp hàng năm theo Kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương. - Quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động; đổi mới dây chuyền công nghệ; xây dựng, hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn lao động; tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; chấp hành tốt công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động với các cơ quan chức năng. V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện báo cáo về Sở Y tế định kỳ 06 tháng trước ngày 25 tháng 6 hàng năm và báo cáo định kỳ 1 năm trước ngày 25 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định. Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn Thành phố, đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đã đề ra./. Nơi nhận: - Bộ Y tế; - Thường trực Thành ủy; - TTUB: CT, các PCT; - UBMTTQVNTP; - Các sở, ban, ngành; - UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; - VPUB: CVP, các PCVP; - Các phòng NCTH; - Lưu: VT, (VX-MĐ) KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Dương Anh Đức PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2022-2030 (Ban hành kèm theo Kế hoạch số 2689/KH-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố) STT Nhiệm vụ Cơ quan chủ trì Cơ quan phối hợp Thời gian thực hiện 1 Nâng cao năng lực về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp Sở Y tế Các đơn vị đủ điều kiện về đào tạo 2022-2030 2 Củng cố tổ chức y tế lao động, người làm công tác y tế và hoạt động sơ cấp cứu tại cơ sở sản xuất kinh doanh Sở Y tế Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động Thành phố 2022-2025 3 Cải thiện gánh nặng lao động, thời gian lao động kéo dài liên tục, yếu tố căng thẳng tại một số nghề, công việc tại một số cơ sở lao động như dệt may, y tế, điện tử, giày da Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sở Y tế, Liên đoàn lao động Thành phố 2022-2025 4 Đảm bảo điều kiện thực hiện chi trả cho người lao động khi mắc bệnh nghề nghiệp và khi khám chữa bệnh ngoài giờ đối với các cơ sở lao động có đăng ký với cơ quan bảo hiểm y tế Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sở Y tế, Liên đoàn lao động Thành phố 2022-2023 5 Hướng dẫn và nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện gói dịch vụ y tế lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động Sở Y tế Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức 2022-2023 6 Triển khai thí điểm mô hình dịch vụ y tế lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế Sở Y tế Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức 2022-2025 7 Quản lý sức khỏe nghề nghiệp lồng ghép trong hồ sơ quản lý cá nhân tại tuyến xã Sở Y tế Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức 2022-2025 8 Cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại một số ngành nghề Sở Y tế Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Liên đoàn lao động Thành phố 2022-2025 9 Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc Sở Y tế Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao 2022-2030 10 Tăng cường vận động chính sách, nâng cao năng lực truyền thông về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động Sở Y tế Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố 2022-2030 11 Xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống một số bệnh nghề nghiệp phố biển; tăng cường năng lực điều trị, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động Sở Y tế Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức 2022-2030 12 Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp Sở Y tế Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các Sở, ngành có liên quan; 2022-2025 13 Nghiên cứu các yếu tố vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh trong điều kiện mới Sở Y tế Các Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường 2022-2030 14 Cập nhật hồ sơ quốc gia về amiăng và sức khỏe con người Sở Y tế Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các Sở, ngành có liên quan 2022-2025 15 Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc trong ngành y tế Sở Y tế Các Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường 2022-2030
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "03/08/2022", "sign_number": "2689/KH-UBND", "signer": "Dương Anh Đức", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-82-2003-ND-CP-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-co-cau-to-chuc-Thong-tan-xa-Viet-Nam-51145.aspx
Nghị định 82/2003/NĐ-CP chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức Thông tấn xã Việt Nam
CHÍNH PHỦ ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 82/2003/NĐ-CP Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2003 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 82/2003/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ; Theo đề nghị của Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, NGHỊ ĐỊNH: Điều 1. Vị trí và chức năng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc phát hành tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập thông tin, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí phục vụ các đối tượng có nhu cầu trong và ngoài nước; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Thông tấn xã Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thông tấn xã Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá - Thông tin về hoạt động báo chí. Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn Thông tấn xã Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây : 1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án quan trọng khác của Thông tấn xã Việt Nam; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt. 2. Phát hành tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, biên soạn tin, ảnh, tư liệu và tài liệu tham khảo phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. 3. Thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin (tin, bài, tư liệu, tài liệu, sách, ảnh, sản phẩm nghe nhìn, sản phẩm đa phương tiện) phục vụ mọi đối tượng có nhu cầu trong và ngoài nước theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản. 4. Khi được Thủ tướng Chính phủ uỷ nhiệm, Thông tấn xã Việt Nam được phép công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự, chỉnh hướng những thông tin không phù hợp, cải chính những thông tin sai lệch, bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc. 5. Tham gia thực hiện công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật. 6. Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin quản lý các nguồn tin báo chí của các hãng thông tấn nước ngoài lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật. 7. Thực hiện lưu trữ quốc gia về tư liệu thông tin; là ngân hàng dữ kiện - dữ liệu về tư liệu thông tin và quản lý tư liệu ảnh quốc gia theo quy định của pháp luật. 8. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ chung về thông tin và những nhiệm vụ liên quan khác phục vụ công tác quốc phòng - an ninh. 9. Trình Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn, nghiệp vụ và định mức kinh tế kỹ thuật về thông tấn được áp dụng trong cả nước. 10. Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về nghiệp vụ thông tấn, công nghệ thông tin phục vụ chức năng thông tấn, báo chí. 11. Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Thông tấn xã Việt Nam quản lý theo quy định của pháp luật. 12. Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật. 13. Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 14. Tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 15. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Thông tấn xã Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 16. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Thông tấn xã Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ thuật thông tấn, báo chí đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thông tấn xã Việt Nam. 17. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện phần ngân sách nhà nước cấp và phần thu được theo quy định của pháp luật. 18. Thực hiện chế độ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam a) Các tổ chức giúp việc Tổng giám đốc : 1. Ban Thư ký biên tập; 2. Ban Tổ chức cán bộ; 3. Ban Kế hoạch tài vụ; 4. Ban Kiểm tra; 5. Văn phòng. b) Các tổ chức biên tập : 1. Ban Biên tập tin trong nước; 2. Ban Biên tập tin thế giới; 3. Ban Biên tập tin đối ngoại; 4. Ban Biên tập - sản xuất ảnh báo chí; 5. Ban Biên tập tin kinh tế; 6. Báo ảnh Việt Nam; 7. Trung tâm Dữ kiện - tư liệu. c) Các tổ chức khác : 1. Trung tâm Kỹ thuật thông tấn; 2. Trung tâm Hợp tác quốc tế thông tấn; 3. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn; 4. Trung tâm Tin học. 5. Các phân xã Thông tấn xã Việt Nam ở nước ngoài do Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam quyết định thành lập sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. - Văn phòng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các phân xã Thông tấn xã Việt Nam ở trong nước, các toà soạn báo chí, cơ sở xuất bản, phát hành, nghe nhìn và các đơn vị khác hiện có giao Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tổ chức và sắp xếp theo quy định của pháp luật. Điều 4. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Nghị định số 66/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Thông tấn xã Việt Nam. Điều 5. Trách nhiệm thi hành Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Phan Văn Khải (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "18/07/2003", "sign_number": "82/2003/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-09-CT-UBND-2019-giai-phap-nang-cao-chi-so-danh-gia-hieu-qua-hoat-dong-chinh-quyen-Ha-Noi-416290.aspx
Chỉ thị 09/CT-UBND 2019 giải pháp nâng cao chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động chính quyền Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 09/CT-UBND Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2019 CHỈ THỊ VỀ ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CÁC CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI Trong những năm qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh: Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND Thành phố và tổ chức thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn, các Chỉ số đánh giá bộ máy chính quyền của thành phố Hà Nội đã được cải thiện rõ nét: Chỉ số PARINDEX năm 2017, 2018 xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số SIPAS tăng 16 bậc so với năm 2017, hoàn thành sớm hơn hai năm so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Chỉ số PCI năm 2018 năm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, đạt 65,4 điểm, xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 42 bậc so với năm 2012. Trong 6 năm từ 2012 đến 2018, Chỉ số PCI của Hà Nội tăng bậc liên tiếp và đạt được mục tiêu trước 2 năm so với kế hoạch Thành phố đã đề ra là “phấn đấu đến năm 2020, Chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”, niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với Thành phố đã được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua. Chỉ số PAPI tăng đều qua các năm; năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 5 bậc so với năm 2016. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong quá trình hoạt động và thực hiện trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, công dân: - Chỉ số SIPAS có một số chỉ số thành phần đánh giá ở mức độ thấp như: việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; nhiệm vụ xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử; việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, thu ngân sách; tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức... - Chỉ số PCI, chỉ số nội dung “Tính minh bạch” có sự sụt giảm mạnh trong năm 2018, xếp hạng thấp nhất từ trước đến nay; doanh nghiệp đánh giá ở mức độ rất thấp một số chỉ số nội dung liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hay việc thực thi các sáng kiến tốt của các sở, ngành, quận, huyện; vai trò là cầu nối giữa chính quyền Thành phố với các doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp giảm sút; chỉ số nội dung về “Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý” đánh giá thấp... - Chỉ số PAPI của Thành phố đang ở nhóm các tỉnh, thành xếp hạng thấp nhất cả nước. Trong 6 Chỉ số nội dung, 3 Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”, “Cung ứng dịch vụ công” đánh giá ở nhóm thấp (3/4); 2 Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đánh giá ở nhóm rất thấp (4/4), chỉ có 1 chỉ số nội dung về “Thủ tục hành chính công” được đánh giá trong nhóm khá (2/4). Nhằm tiếp tục giữ vững thứ tự xếp hạng cao của Chỉ số PARINDEX và khắc phục những tồn tại của các chỉ số đánh giá nêu trên, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ thị: 1. Các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về mục đích, ý nghĩa, kết quả các chỉ số đánh giá chính quyền của thành phố Hà Nội trong những năm gần đây; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng đồng hành trong việc góp phần nâng cao các chỉ số đánh giá chính quyền của Thành phố; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cộng đồng đối với hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền Thành phố. Tăng cường các kênh thông tin, nhằm phổ biến quy định của pháp luật, các chủ trương của Thành phố, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố tới người dân; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp. 2. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 7028/KH-UBND ngày 28/12/2018 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 27/3/2019 về Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) thành phố Hà Nội năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 27/5/2019 về Khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố năm 2019; Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 22/4/2019 về Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2019. 3. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai minh bạch những thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định; đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách, thủ tục hành chính,...trên trang thông tin điện tử của đơn vị; không ngừng nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của đơn vị mình, tạo điều kiện để công dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ thông tin pháp lý cũng như các chính sách của Thành phố. 4. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Thành phố; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn với việc triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2019 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm. Tập trung những vấn đề đang được dư luận quan tâm, những địa bàn nóng, những nội dung liên quan trực tiếp đời sống dân sinh: quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý trật tự đô thị, quản lý tài sản công, việc giải quyết công việc và thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp... Các đơn vị được Thành phố giao chủ trì, thường trực các kế hoạch chủ động tổ chức việc đôn đốc việc thực hiện; tổ chức thanh tra, kiểm tra những nội dung, vấn đề, địa bàn, đơn vị...theo hướng linh hoạt, cơ động, nhanh gọn; quan tâm đến công tác tái kiểm tra và kiểm tra việc khắc phục những tồn tại của các đợt thanh tra, kiểm tra trước đây; báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với những lỗi tái phạm hoặc chậm khắc phục. 6. Đề cao vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả, hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định; tiếp thu đầy đủ và xử lý, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị, góp ý, yêu cầu từ các tổ chức, công dân; kịp thời xử lý, chỉ đạo giải quyết nhanh và đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp, chịu kỷ luật liên quan đến lỗi, vi phạm của cấp dưới thuộc trách nhiệm quản lý. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội nghiêm túc triển khai thực hiện./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; - BCĐ CCHC của Chính phủ; - Văn phòng CP; Bộ Nội vụ; - TT: Thành ủy, HĐND TP; - UBMTTQ Việt Nam TPHN; - Chủ tịch, các PCT UBND TP; - Các tổ chức CT-XH TP; - Các Sở, ban, ngành TP; - UBND các quận, huyện, thị xã; - UBND các xã, phường, thị trấn; - Đài PTTH HN; các Báo: HNM, KT&ĐT; - VPUBTP: CVP, các PCVP; Các phòng: NC, TKBT, HCTC, KSTTHC; - Lưu: VT, NC(Bình), SNV (5b). CHỦ TỊCH Nguyễn Đức Chung
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "07/06/2019", "sign_number": "09/CT-UBND", "signer": "Nguyễn Đức Chung", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-283-2016-TT-BTC-khung-gia-dich-vu-tiem-phong-tieu-doc-khu-trung-cho-dong-vat-chan-doan-thu-y-336980.aspx
Thông tư 283/2016/TT-BTC khung giá dịch vụ tiêm phòng tiêu độc khử trùng cho động vật chẩn đoán thú y mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 283/2016/TT-BTC Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH KHUNG GIÁ DỊCH VỤ TIÊM PHÒNG, TIÊU ĐỘC, KHỬ TRÙNG CHO ĐỘNG VẬT, CHẨN ĐOÁN THÚ Y VÀ DỊCH VỤ KIỂM NGHIỆM THUỐC DÙNG CHO ĐỘNG VẬT Căn cứ Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015; Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012; Căn cứ Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật như sau: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, bao gồm: 1. Kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật: - Kiểm nghiệm vắc xin; - Kiểm nghiệm dược phẩm. 2. Chẩn đoán thú y: - Động vật trên cạn; - Thủy sản; - Các chỉ tiêu xét nghiệm khác. 3. Tiêm phòng cho động vật. 4. Tiêu độc khử trùng cho động vật. Điều 2. Đối tượng áp dụng Đối tượng áp dụng là các đơn vị, tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng các dịch vụ về thú y quy định tại Biểu khung giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư này; cơ quan quản lý nhà nước về thú y và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Điều 3. Khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật 1. Khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật được quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật tại Thông tư này là giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. 3. Khung giá dịch vụ quy định tại Thông tư này được thu bằng Đồng Việt Nam. Điều 4. Quản lý và sử dụng giá dịch vụ 1. Khi thu tiền dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, các đơn vị lập, sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung (nếu có). 2. Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, sau khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng và điều hòa kinh phí theo quy định của pháp luật. Điều 5. Tổ chức thực hiện 1. Căn cứ vào khung giá quy định tại Điều 3 Thông tư này, thủ trưởng tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật quy định mức giá cụ thể dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật theo quy định của pháp luật. Trường hợp dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ quy định giá cụ thể dịch vụ là giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. 2. Các đơn vị cung ứng dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật thực hiện niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật về giá. Điều 6. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Công báo; - Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Cục Thú y; - Website chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Lưu: VT, QLG (300b). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Văn Hiếu PHỤ LỤC 1 BIỂU KHUNG GIÁ DỊCH VỤ TIÊM PHÒNG, TIÊU ĐỘC, KHỬ TRÙNG CHO ĐỘNG VẬT (Kèm theo Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính) STT Danh mục Đơn vị tính Khung giá (đồng) I Tiêm phòng cho động vật 1 Tiêm phòng trâu, bò, ngựa - Mũi đầu Lần/con 4.400 - 4.800 - Từ mũi thứ 2 Lần/con 1.700 - 1.900 2 Tiêm phòng lợn, dê, cừu - Mũi đầu Lần/con 2.600 - 2.900 - Từ mũi thứ 2 Lần/con 1.700 - 1.900 3 Tiêm phòng chó, mèo Lần/con 5.300 - 5.900 4 Tiêm phòng gia cầm Lần/con 300 - 350 II Tiêu độc, khử trùng cho động vật 1 Xe ô tô Lần/cái 40.000 - 44.000 2 Máy bay Lần/cái 450.000 - 495.000 3 Toa tầu, xe lửa Lần/cái 68.000 - 75.000 4 Các loại xe khác Lần/cái 10.000 - 11.000 5 Sân, bến bãi, khu cách ly kiểm dịch, cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất con giống, ấp trứng, cơ sở giết mổ động vật, chế biến sản phẩm động vật, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, chợ mua bán sản phẩm động vật m2 550 - 600 Ghi chú: - Mục I “Tiêm phòng cho động vật”: Chưa tính tiền vắc xin; - Mục II “Tiêu độc, khử trùng cho động vật”: Chưa tính tiền hóa chất. - Khung giá là giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). PHỤ LỤC 2 BIỂU KHUNG GIÁ DỊCH VỤ CHẨN ĐOÁN THÚ Y (Kèm theo Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính) STT Danh mục Đơn vị tính Khung giá (đồng) I Động vật trên cạn 1 Tư vấn xét nghiệm Lần 45.500 - 50.000 2 Lấy mẫu 2.1 Lấy mẫu máu trâu bò Mẫu 28.000 - 30.800 2.2 Lấy mẫu máu tiểu gia súc (lợn, chó, mèo, thỏ....) Mẫu 17.000 - 18.700 2.3 Lấy mẫu máu gia cầm Mẫu 4.300 - 4.700 2.4 Lấy mẫu khác (swab, phân..) Mẫu 7.300 - 8.000 3 Chẩn đoán bệnh lý học 3.1 Mổ khám đại gia súc (thực địa) Mẫu 208.000 - 228.000 3.2 Mổ khám một số bệnh truyền lây nguy hiểm (dại,....) Mẫu 171.000 - 188.000 3.3 Mổ khám tiểu gia súc (lợn, chó, mèo, thỏ,...) Mẫu 45.000 - 49.500 3.4 Mổ khám gia cầm Mẫu 26.000 - 28.600 3.5 Xét nghiệm vi thể bằng phương pháp Parafin Mẫu 245.000 - 270.000 4 Xét nghiệm 4.1 Xét nghiệm vi rút 4.1.1 Phát hiện bằng kỹ thuật Real time RT-PCR đối với 01 trong số những vi rút RNA gây bệnh sau: Gia cầm: Newcastle (gà); Gumbro (gà); Viêm phế quản (gà); Cúm gia cầm (1 subtype (gene), vd: H5 hoặc N1 hoặc N6) Lợn (Heo): Dịch tả lợn; lở mồm long móng; PRRS (dòng Bắc Mỹ/Trung Quốc hoặc Châu Âu); PED; TGE. Trâu bò: Lở mồm long móng... Khác: Xuất huyết thỏ; Dại và các bệnh do vi rút RNA khác trên động vật. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 555.000 - 610.500 4.1.2 Phát hiện bằng kỹ thuật Real time RT-PCR đối với 01 vi rút RNA gây bệnh. (Mẫu đã chiết tách RNA) Mẫu/chỉ tiêu 229.000 - 252.000 4.1.3 Phát hiện và định type bằng kỹ thuật RT-PCR đối với 01 trong số những vi rút RNA gây bệnh sau: Gia cầm: xác định subtype cúm gia cầm (1 subtype (gene), vd: H5 hoặc N1 hoặc N6) Lợn (heo): định type vi rút lở mồm long móng (1 serotype O, A hoặc Asia) Trâu bò: định type vi rút lở mồm long móng (1 serotype O, A hoặc Asia) Khác: Phát hiện vi rút RNA khác gây bệnh trên động vật. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 877.000 - 965.000 4.1.4 Phát hiện và định type bằng kỹ thuật RT-PCR đối với 01 vi rút RNA gây bệnh. (Mẫu đã chiết tách RNA) Mẫu/chỉ tiêu 212.000 - 233.000 4.1.5 Phát hiện bằng kỹ thuật Real time PCR đối với 01 trong số những vi rút DNA gây bệnh sau: Gia cầm: Dịch tả vịt, Marek Lợn: dịch tả lợn Châu phi, PCV-2, giả dại trên lợn Khác: Đậu dê, u nhầy ở thỏ và các bệnh do vi rút DNA khác trên động vật. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 495.000 - 544.500 4.1.6 Phát hiện bằng kỹ thuật Real time PCR đối với 01 vi rút DNA gây bệnh. (Mẫu đã chiết tách DNA) Mẫu/chỉ tiêu 208.000 - 229.000 4.1.7 Phát hiện bằng kỹ thuật PCR đối với 01 vi rút DNA gây bệnh trên động vật. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 486.000 - 534.500 4.1.8 Phát hiện bằng kỹ thuật PCR đối với 01 vi rút DNA gây bệnh trên động vật. (Mẫu đã chiết tách DNA) Mẫu/chỉ tiêu 187.000 - 206.000 4.1.9 Giải trình tự gien cho 24 mẫu (8 đoạn gen/mẫu) Mẫu 4.767.000 - 5.244.000 4.1.10 Giải trình tự gien cho 12 mẫu (8 đoạn gen/mẫu) Mẫu 8.423.000 - 9.266.000 4.1.11 Giải trình tự gien cho 24 mẫu (1 đoạn gen/mẫu) Mẫu 2.959.000 - 3.254.000 4.1.12 Giải trình tự gien cho 12 mẫu (1 đoạn gen/mẫu) Mẫu 4.275.000 - 4.702.000 4.1.13 Định tính kháng thể PRRS (1 chủng) bằng phương pháp IPMA Mẫu 75.000 - 82.500 4.1.14 Định lượng kháng thể PRRS (1 chủng) bằng phương pháp IPMA Mẫu 203.000 - 223.000 4.1.15 Định tính kháng thể dịch tả lợn bằng phương pháp NPLA Mẫu 89.000 - 98.000 4.1.16 Định lượng kháng thể dịch tả lợn bằng phương pháp NPLA Mẫu 186.000 - 205.000 4.1.17 Phân lập trên phôi trứng đối với 01 vi rút gây bệnh trên gia cầm, thủy cầm như cúm, Newcastle, dịch tả vịt, viêm gan vịt và các bệnh khác. (Chưa tính giá xác chẩn lại bằng phương pháp PCR, Realtime PCR, HA hoặc HI,...) Mẫu/chỉ tiêu 293.000 - 323.000 4.1.18 Phân lập trên tế bào đối với 01 vi rút như cúm, Newcastle, dịch tả vịt, PRRS, lở mồm long móng, dịch tả lợn và các bệnh khác (Chưa tính giá xác chẩn lại bằng phương pháp PCR, Realtime PCR, HA hoặc HI,...) Mẫu/chỉ tiêu 385.000 - 424.000 4.1.19 Xác định serotype vi rút lở mồm long móng bằng kỹ thuật AgELISA Mẫu 549.000 - 604.000 4.1.20 Định tính kháng thể dịch tả vịt bằng phương pháp trung hòa trên tế bào Mẫu 142.000 - 156.000 4.1.21 Định lượng kháng thể dịch tả vịt bằng phương pháp trung hòa trên tế bào. Mẫu 178.000 - 196.000 4.1.22 Phát hiện bằng phương pháp ELISA đối với kháng thể kháng 01 trong số những vi rút gây bệnh dịch tả lợn, PRRS, PCV, PED, TGE, giả dại và các bệnh khác. Mẫu/chỉ tiêu 152.000 - 167.000 4.1.23 Định lượng kháng thể cúm gia cầm bằng phương pháp HI Mẫu 86.000 - 95.000 4.1.24 Định lượng kháng thể Newcastle bằng phương pháp HI Mẫu 46.000 - 50.600 4.1.25 Định tính kháng thể Gumboro bằng phương pháp AGP Mẫu 37.000 - 40.700 4.1.26 Định lượng kháng thể Gumboro bằng phương pháp AGP Mẫu 43.000 - 47.300 4.1.27 Định lượng kháng thể LMLM bằng phương pháp trung hòa trên tế bào (1 serotype O hoặc A hoặc Asia1) Mẫu 191.000 - 210.000 4.1.28 Định lượng kháng thể LMLM bằng phương pháp trung hòa trên tế bào (2 serotype trong số 3 serotype O, A và Asia1) Mẫu 313.000 - 344.000 4.1.29 Định lượng kháng thể LMLM bằng phương pháp trung hòa trên tế bào (3 serotype O, A và Asia1) Mẫu 433.000 - 476.000 4.1.30 Định tính kháng thể LMLM bằng phương pháp LP ELISA (1 serotype O hoặc A hoặc Asia1) Mẫu 153.000 - 168.000 4.1.31 Định lượng kháng thể LMLM bằng phương pháp LP ELISA (1 serotype O hoặc A hoặc Asia1) Mẫu 252.000 - 277.000 4.1.32 Phát hiện bằng phương pháp ELISA 3ABC đối với kháng thể kháng vi rút gây bệnh lở mồm long móng Mẫu 191.000 - 210.000 4.1.33 Phát hiện bằng phương pháp ELISA đối với kháng thể kháng một trong số những vi rút gây bệnh như Gumboro (gà), viêm phế quản (gà), viêm thanh khí quản (gà), Avialeukosis và các bệnh khác Mẫu/chỉ tiêu 108.000 - 119.000 4.1.34 Phát hiện bằng phương pháp ELISA đối với kháng thể kháng một vi rút gây bệnh khác Mẫu/chỉ tiêu 108.000 - 119.000 4.1.35 Phát hiện vi rút dại bằng phương pháp kháng thể huỳnh quang trực tiếp (FAT) hoặc IPX Mẫu 265.000 - 292.000 4.1.36 Phát hiện kháng nguyên vi rút dịch tả lợn bằng phương pháp ELISA Mẫu 153.000 - 168.000 4.2 Xét nghiệm vi trùng 4.2.1 Định lượng tổng số vi khuẩn hiếu khí Mẫu 168.000 - 184.000 4.2.2 Phân lập, giám định sinh hóa vi khuẩn Salmonella spp. Mẫu 280.000 - 308.500 4.2.3 Phân lập, giám định sinh hóa vi khuẩn Pasteurella multocida Mẫu 280.000 - 308.500 4.2.4 Phân lập, giám định sinh hóa vi khuẩn E.coli Mẫu 280.000 - 308.500 4.2.5 Phân lập, giám định sinh hóa vi khuẩn Staphylococcus. spp. Mẫu 280.000 - 308.500 4.2.6 Phân lập, giám định sinh hóa vi khuẩn Streptococcus. spp. Mẫu 280.000 - 308.500 4.2.7 Phân lập, giám định sinh hóa nấm phổi Aspergillus trên gia cầm Mẫu 280.000 - 308.500 4.2.8 Phân lập, giám định vi khuẩn gây bệnh bạch lỵ và thương hàn bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.9 Phân lập, định typs vi khuẩn gây bệnh Tụ huyết trùng ở trâu bò bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.10 Phân lập, giám định vi khuẩn gây bệnh Đóng dấu bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.11 Phân lập, giám định vi khuẩn gây bệnh Nhiệt thán bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.12 Phân lập, giám định vi khuẩn Heamophilus paragallinarum trên gà bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.13 Phân lập, giám định vi khuẩn E.coli gây phù đầu trên lợn bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.14 Phân lập, giám định vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy trên lợn bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.15 Phân lập, giám định vi khuẩn Staphylococcus aureus bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.16 Phân lập, giám định vi khuẩn Streptococcus suis bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.17 Phân lập, giám định vi khuẩn Heamophilus parasuis gây bệnh ở lợn bằng phương pháp PCR Mẫu 397.000 - 436.700 4.2.18 Phân lập, giám định vi khuẩn Clostridium perfringens bằng phương pháp PCR Mẫu 666.000 - 733.000 4.2.19 Phân lập, giám định vi khuẩn Clostridium chauvoei bằng phương pháp PCR Mẫu 666.000 - 733.000 4.2.20 Phân lập, giám định vi khuẩn Clostridium spp. bằng phương pháp PCR Mẫu 666.000 - 733.000 4.2.21 Phát hiện kháng thể Mycoplasma hyopneumoniae bằng phương pháp ELISA Mẫu 104.000 - 114.400 4.2.22 Phát hiện kháng thể Mycoplasma galliseptium bằng phương pháp ELISA Mẫu 104.000 - 114.400 4.2.23 Phát hiện kháng thể Actinobaccilus Pleuro Pneumonia bằng phương pháp ELISA Mẫu 192.000 - 211.000 4.2.24 Phát hiện kháng thể Heamophilus parasuis bằng phương pháp ELISA Mẫu 104.000 - 114.400 4.2.25 Phát hiện kháng thể lao bò bằng phương pháp ELISA Mẫu 281.000 - 309.000 4.2.26 Phát hiện kháng thể Mycoplasma gallisepticum ở gia cầm bằng phương pháp ngưng kết Mẫu 37.000 - 40.700 4.2.27 Phát hiện kháng thể Salmonella pullorum ở gia cầm bằng phương pháp ngưng kết Mẫu 37.000 - 40.700 4.2.28 Phát hiện kháng thể kháng các vi khuẩn khác bằng phương pháp ngưng kết nhanh Mẫu 37.000 - 40.700 4.2.29 Phản ứng dò lao (Tuberculine) nội bì/gộp 5 mẫu Mẫu 321.000 - 353.000 4.2.30 Kháng sinh đồ đối với 01 vi khuẩn hiếu khí (7 loại kháng sinh) Mẫu 122.000 - 134.000 4.2.31 Kháng sinh đồ đối với 01 vi khuẩn yếm khí (7 loại kháng sinh) Mẫu 151.000 - 166.000 4.2.32 Định lượng kháng thể tụ huyết trùng trâu bò bằng phương pháp IHA Mẫu 164.000 - 180.000 4.2.33 Phát hiện vi khuẩn Actinobaccilus Pleuro Pneumonia bằng phương pháp Realtime-PCR Mẫu 512.000 - 563.000 4.2.34 Phát hiện vi khuẩn Mycoplasma hyopneumoniae bằng phương pháp Realtime-PCR Mẫu 512.000 - 563.000 4.2.35 Phát hiện kháng thể Sảy thai truyền nhiễm bằng phương pháp Elisa Mẫu 120.000 - 132.000 4.2.36 Phát hiện kháng thể Sảy thai truyền nhiễm bằng phương pháp Rose Bengal Mẫu 76.000 - 83.600 4.2.37 Phân lập vi khuẩn Brucella bằng phương pháp nuôi cấy Mẫu 269.000 - 296.000 4.2.38 Phát hiện kháng thể Leptospira bằng phương pháp MAT Mẫu 94.000 - 103.000 4.2.39 Phát hiện kháng nguyên Leptospira bằng phương pháp nuôi cấy Mẫu 288.000 - 317.000 4.2.40 Phát hiện kháng nguyên Leptospira hoặc Brucella bằng phương pháp PCR Mẫu 555.000 - 610.000 4.2.41 Phân lập, định danh vi khuẩn bằng máy tự động Mẫu 396.000 - 436.000 4.3 Xét nghiệm ký sinh trùng 4.3.1 Phát hiện 01 loại ký sinh trùng đường máu (Babesia spp.; Anaplasma spp.; Theileria spp.; Trypansoma spp.) bằng phương pháp PCR Mẫu/chỉ tiêu 556.000 - 612.000 4.3.2 Phát hiện kháng thể kháng 01 trong số những ký sinh trùng như: Babesia bigemina; Anaplasma marginale; Theileria parva bằng phương pháp ELISA Mẫu/chỉ tiêu 214.000 - 236.000 4.3.3 Phát hiện 01 ký sinh trùng đường máu bằng phương pháp nhuộm Giemsa Mẫu 72.000 - 79.000 4.3.4 Phát hiện kháng thể Tiên mao trùng bằng phương pháp CATT Mẫu 150.000 - 165.000 4.3.5 Phát hiện Trichomonas foetus bằng phương pháp nuôi cấy Mẫu 413.000 - 455.000 4.3.6 Phát hiện ấu trùng giun xoắn bằng phương pháp tiêu cơ Mẫu 156.000 - 172.000 4.3.7 Phát hiện Tiên mao trùng bằng kỹ thuật tiêm truyền trên chuột nhắt trắng Mẫu 78.000 - 86.000 4.3.8 Phát hiện ký sinh trùng đường tiêu hóa bằng phương pháp lắng cặn-phù nổi Mẫu 59.000 - 65.000 4.3.9 Phát hiện trứng sán bằng phương pháp lắng cặn Mẫu 32.000 - 35.000 4.3.10 Phát hiện trứng giun tròn, noãn nang cầu trùng, bằng phương pháp phù nổi Mẫu 33.000 - 37.000 4.3.11 Định lượng trứng giun tròn, noãn nang cầu trùng, bào tử bằng phương pháp Mc Master Mẫu 41.000 - 45.000 4.3.12 Phát hiện ngoại ký sinh trùng Mẫu 29.000 - 32.000 4.3.13 Phát hiện kháng thể Tiên mao trùng bằng phương pháp ngưng kết Mẫu 91.000 - 100.000 II Thủy sản 1 Phát hiện bằng phương pháp Realtime PCR đối với 01 vi rút DNA hoặc 01 vi khuẩn hoặc 01 ký sinh trùng gây bệnh sau: - Vi rút gây bệnh: WSSV, KHV và các vi rút khác gây bệnh trên động vật thủy sản. - Vi khuẩn gây bệnh: AHPND, vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá da trơn và các vi khuẩn khác gây bệnh trên động vật thủy sản - Ký sinh trùng gây bệnh: bệnh do ký sinh trùng perkinsus và các ký sinh trùng khác gây bệnh trên động vật thủy sản (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc) Mẫu/chỉ tiêu 514.000 - 566.000 2 Phát hiện 01 vi rút DNA hoặc 01 vi khuẩn gây bệnh bằng phương pháp Realtime PCR (Mẫu đã chiết tách DNA) Mẫu/chỉ tiêu 233.000 - 256.000 3 Phát hiện bằng phương pháp PCR đối với 01 vi rút DNA hoặc 01 vi khuẩn hoặc 01 nấm hoặc 01 ký sinh trùng gây bệnh sau: - Vi rút gây bệnh: MBV, WSSV, IHHNV, HPV và các vi rút khác gây bệnh trên động vật thủy sản. - Vi khuẩn gây bệnh: Sữa trên tôm hùm, AHPND, vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây bệnh trên cá, vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá da trơn và các vi khuẩn khác gây bệnh trên động vật thủy sản. - Ký sinh trùng, nấm gây bệnh: EUS, bệnh vi bào tử trên tôm, bệnh do ký sinh trùng perkinsus và các ký sinh trùng khác gây bệnh trên động vật thủy sản. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 473.000 - 520.000 4 Phát hiện bằng phương pháp PCR đối với 01 vi rút DNA hoặc 01 vi khuẩn hoặc 01 nấm hoặc 01 ký sinh trùng gây bệnh. (Mẫu đã chiết tách DNA) Mẫu/chỉ tiêu 233.000 - 256.000 5 Phát hiện bằng phương pháp Realtime RT-PCR đối với 01 vi rút RNA gây bệnh sau: - Vi rút gây bệnh: YHV, TSV, VNN, SVCV và các vi rút khác gây bệnh trên động vật thủy sản. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 439.000 - 483.000 6 Phát hiện bằng phương pháp Realtime RT-PCR đối với 01 vi rút RNA gây bệnh. (Mẫu đã chiết tách RNA) Mẫu/chỉ tiêu 201.000 - 221.000 7 Phát hiện bằng phương pháp RT-PCR đối với 01 vi rút RNA gây bệnh sau: - Vi rút gây bệnh: YHV, TSV, VNN, IMNV và các vi rút khác gây bệnh trên động vật thủy sản. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc). Mẫu/chỉ tiêu 589.000 - 648.000 8 Phát hiện bằng phương pháp RT-PCR đối với 01 vi rút RNA gây bệnh. (Mẫu đã chiết tách RNA) Mẫu/chỉ tiêu 286.000 - 314.000 9 Xét nghiệm vi thể bằng phương pháp parafin Mẫu 244.000 - 268.000 10 Kháng sinh đồ đối với vi khuẩn (7 loại kháng sinh) Mẫu 118.000 - 130.000 11 Định lượng vi khuẩn tổng số Mẫu 188.000 - 207.000 12 Định lượng Vibrio tổng số Mẫu 188.000 - 207.000 13 Phân lập và giám định loài vi khuẩn Staphylococcus spp. Mẫu 372.000 - 410.000 14 Phân lập và giám định loài vi khuẩn Streptococus spp. Mẫu 372.000 - 410.000 15 Phân lập và giám định loài vi khuẩn Pseudomonas spp. Mẫu 372.000 - 410.000 16 Phân lập và giám định loài vi khuẩn Aeromonas spp. Mẫu 372.000 - 410.000 17 Phân lập và giám định loài vi khuẩn Ewardsiella spp. Mẫu 372.000 - 410.000 18 Phân lập và giám định loài vi khuẩn (1 chủng) Mẫu 372.000 - 410.000 19 Phân lập và giám định vi khuẩn Staphylococcus spp. Mẫu 275.000 - 303.000 20 Phân lập và giám định vi khuẩn Streptococus spp. Mẫu 275.000 - 303.000 21 Phân lập và giám định vi khuẩn Pseudomonas spp. Mẫu 275.000 - 303.000 22 Phân lập và giám định vi khuẩn Aeromonas spp. Mẫu 275.000 - 303.000 23 Phân lập và giám định vi khuẩn Ewardsiella spp. Mẫu 275.000 - 303.000 24 Phân lập và giám định vi khuẩn (1 chủng) Mẫu 275.000 - 303.000 25 Phát hiện ký sinh trùng bằng phương pháp soi tươi Mẫu 36.500 - 40.000 26 Phân lập trên tế bào đối với các vi rút như: VNN, SVCV, KHV và các vi rút khác gây bệnh trên động vật thủy sản. (Mẫu xét nghiệm là mẫu nguyên gốc) Mẫu/chỉ tiêu 236.000 - 259.000 27 Phát hiện bào tử ký sinh trùng bằng kỹ thuật nuôi cấy (RFTM) Mẫu 119.000 - 131.000 Ghi chú: - Các chỉ tiêu xét nghiệm khác không có trong danh mục này sẽ được tính theo chỉ tiêu tương đương. - Khung giá là giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). PHỤ LỤC 3 BIỂU KHUNG GIÁ DỊCH VỤ KIỂM NGHIỆM THUỐC DÙNG CHO ĐỘNG VẬT (Kèm theo Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính) STT Danh mục Đơn vị tính Khung giá (đồng) I Kiểm nghiệm vắc xin và chế phẩm sinh học 1 Circovirus Lô hàng 3.344.000 - 3.678.000 2 PED Lô hàng 3.395.000 - 3.734.000 3 TGE Lô hàng 3.395.000 - 3.734.000 4 Lở mồm long móng Chủng 3.217.000 - 3.538.700 5 Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) Lô hàng 4.325.000 - 4.757.000 6 Dịch tả lợn Lô hàng 3.494.000 - 3.844.000 7 Dại cố định Lô hàng 2.126.000 - 2.338.000 8 Cúm lợn Lô hàng 2.845.000 - 3.130.000 9 Rotavirus Lô hàng 2.984.000 - 3.283.000 10 Đậu dê Lô hàng 3.155.000 - 3.471.000 11 Đậu gà Lô hàng 1.560.000 - 1.716.000 12 Gumboro Lô hàng 2.287.000 - 2.516.000 13 Viêm phế quản truyền nhiễm (IB) Lô hàng 2.148.000 - 2.363.000 14 Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT) Lô hàng 2.302.000 - 2.533.000 15 Viêm khớp ở gia cầm (REOVIRUS) Lô hàng 2.148.000 - 2.363.000 16 Dịch tả vịt nhược độc đông khô Lô hàng 2.167.000 - 2.383.700 17 Viêm gan siêu vi trùng vịt Lô hàng 1.867.000 - 2.054.000 18 Cúm gia cầm vô hoạt Lô hàng 2.214.000 - 2.436.000 19 Mareks Lô hàng 2.307.000 - 2.538.000 20 Thiếu máu truyền nhiễm ở gà (ANEMIA VI RÚT) Lô hàng 2.141.000 - 2.355.000 21 Viêm não tủy nhược độc (AVIANENCEPHALOMYLITIS) Lô hàng 2.141.000 - 2.355.000 22 Newcastle Lô hàng 2.720.000 - 2.992.000 23 Giả dại Lô hàng 2.989.000 - 3.288.000 24 Tụ huyết trùng trâu bò Lô hàng 3.842.000 - 4.226.000 25 Strep tococcus trên cá Lô hàng 3.017.000 - 3.318.000 26 Viêm gan thận mủ Lô hàng 3.017.000 - 3.318.000 27 Tụ huyết trùng lợn Lô hàng 3.716.000 - 4.088.000 28 Đóng dấu lợn VR 2 Lô hàng 3.713.000 - 4.084.000 29 Nhiệt thán chủng 34 F2 Lô hàng 3.713.000 - 4.084.000 30 Nhiệt thán nha bào chủng TQ Lô hàng 3.713.000 - 4.084.000 31 Phó thương hàn lợn Lô hàng 3.713.000 - 4.084.000 32 Tụ dấu lợn Lô hàng 5.286.000 - 5.814.000 33 Leptospira Lô hàng 3.502.000 - 3.852.000 34 Ung khí thán Lô hàng 4.795.000 - 5.274.000 35 Tụ huyết trùng gà Lô hàng 3.067.000 - 3.374.000 36 Tụ huyết trùng dê, cừu Lô hàng 3.805.000 - 4.186.000 37 Vắc xin nhị giá Lô hàng 5.090.000 - 5.599.000 38 Vắc xin tam giá Lô hàng 6.334.000 - 6.967.000 39 Ecoli Lô hàng 6.077.000 - 6.684.000 40 Glasser (Viêm phổi thể kính) Lô hàng 3.806.000 - 4.186.000 41 Mycoplasma Hyopenmoniae Lô hàng 4.521.000 - 4.973.000 42 Mycoplasma Gallisepticum Lô hàng 3.066.000 - 3.373.000 II Kiểm nghiệm dược phẩm 1 Nhận xét bên ngoài bằng cảm quan Lần 23.000 - 25.000 2 Thử vật lý thuốc tiêm, thuốc nước: 2.1 - Thể tích Lần 26.700 - 29.500 2.2 - Soi mẫu thuốc tiêm Lần 26.700 - 29.500 2.3 - Soi mẫu nước, độ trong Lần 26.700 - 29.500 3 Thử thuốc viên, thuốc bột: 3.1 - Độ tan rã trong nước Lần 46.000 - 50.600 3.2 - Độ chắc của viên Lần 46.000 - 50.600 3.3 Thử độ tan trong nước của nguyên liệu Lần 46.000 - 50.600 4 Định tính: 4.1 - Sắc ký lỏng cao áp (dùng chất chuẩn) Lần 339.000 - 373.000 4.2 - Ghi phổ tử ngoại toàn bộ Lần 177.000 - 195.000 5 Thử độ ẩm: 5.1 - Sấy Lần 124.000 - 137.000 5.2 - Đo độ ẩm bằng tia hồng ngoại Lần 97.000 - 106.700 5.3 - Sấy chân không Lần 148.500 - 163.350 5.4 - Đo độ ẩm bằng phương pháp chuẩn độ (Karl Fisher) Lần 202.000 - 223.000 6 Đo tỷ trọng kế Lần 23.000 - 25.000 7 Đo độ pH Lần 111.000 - 122.000 8 Thử độ vô khuẩn thuốc tiêm Lần 385.000 - 424.000 9 Phân lập và định danh vi sinh vật Chỉ tiêu 111.000 - 122.000 10 Xác định số lượng vi sinh vật Chỉ tiêu 345.000 - 380.000 11 Xác định hoạt tính của men Chỉ tiêu 833.000 - 916.000 12 Xác định hoạt lực của men (Lipase, Xylanase, Pectinase,...) Chỉ tiêu 405.000 - 445.000 13 Định lượng bằng phương pháp thể tích: 13.1 - Acid kiềm Lần 347.000 - 381.000 13.2 - Complexon Lần 338.000 - 372.000 13.3 - Nitrit Lần 286.000 - 315.000 13.4 - Môi trường khan Lần 362.000 - 398.000 13.5 - Độ bạc Lần 242.000 - 266.000 13.6 - Chuẩn độ điện thế Lần 275.000 - 302.000 14 Định lượng bằng phương pháp cân Lần 324.000 - 356.000 15 Quang phổ tử ngoại (khả kiến) dùng chất chuẩn Lần 277.000 - 304.000 16 Định lượng những đối tượng đặc biệt: 16.1 - Nitơ toàn phần Lần 256.000 - 282.000 16.2 - Nhóm ammonium bậc 4, Benzalkonium,... Lần/chất 474.000 - 521.000 16.3 - Saponin Lần/chất 555.000 - 610.000 16.4 - Định lượng Nitơ toàn phần phải qua xử lý Lần/chất 231.000 - 254.000 16.5 - Nhóm aldehyde, Fomaldehyde,... Lần/chất 302.000 - 322.000 16.6 - Tính tổng chất hòa tan, chất không tan trong một số dung môi,... Lần/chất 202.000 - 223.000 16.7 - Beta glucan Lần/chất 522.000 - 574.000 17 Định lượng bằng sắc ký lỏng cao áp: 17.1 - Chất hỗn hợp Lần/chất 637.000 - 701.000 17.2 - Đơn chất Lần/chất 566.000 - 623.000 18 Định lượng bằng phương pháp vật lý: quang phổ tử ngoại (khả kiến) Lần 322.000 - 354.000 19 Cắn tro: 19.1 - Tro toàn phần Lần 148.000 - 163.000 19.2 - Tro sulfate Lần 148.000 - 163.000 19.3 - Tro không tan trong acid Lần 148.000 - 163.000 19.4 - Tro tan trong nước Lần 148.000 - 163.000 20 Các chỉ số acid, xà phòng hóa, Acetyl, Iod, Hydroxyl, Peroxide,... Lần 224.000 - 246.000 21 Định lượng kháng sinh bằng phương pháp vi sinh vật Lần 548.000 - 603.000 22 Định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng khối phổ Lần/chất 671.000 - 738.000 23 Định lượng bằng phương pháp Elisa Lần/chất 378.000 - 415.800 24 Định lượng nguyên tố, kim loại nặng bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử Lần/chất 233.000 - 256.000 Ghi chú: - Giá dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật chưa bao gồm chi phí mua động vật thí nghiệm, thức ăn chăn nuôi, các chi phí phát sinh khác (nếu có). - Giá kiểm nghiệm đối với những loại vắc xin chưa có trong danh mục tại mục I thì mức thu áp dụng tương tự như vắc xin cùng chủng loại. - Khung giá là giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "14/11/2016", "sign_number": "283/2016/TT-BTC", "signer": "Trần Văn Hiếu", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Nghi-dinh-08-2002-ND-CP-dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-huyen-Muong-Te-Muong-Lay-thanh-lap-Muong-Nhe-chia-tach-Phong-Tho-lap-Tam-Duong-tinh-Lai-Chau-7316.aspx
Nghị định 08/2002/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè Mường Lay thành lập Mường Nhé chia tách Phong Thổ lập Tam Đường, tỉnh Lai Châu mới nhất
CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 08/2002/NĐ-CP Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2002 NGHỊ ĐỊNH VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH HUYỆN MƯỜNG TÈ, HUYỆN MƯỜNG LAY ĐỂ THÀNH LẬP HUYỆN MƯỜNG NHÉ VÀ CHIA TÁCH HUYỆN PHONG THỔ ĐỂ THÀNH LẬP HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992; Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, NGHỊ ĐỊNH: Điều 1. Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé và chia tách huyện Phong Thổ để thành lập huyện Tam Đường như sau : 1. Thành lập huyện Mường Nhé trên cơ sở 170.286 ha diện tích tự nhiên và 12.153 nhân khẩu của huyện Mường Tè; 80.504 ha diện tích tự nhiên và 13.364 nhân khẩu của huyện Mường Lay. Huyện Mường Nhé có 250.790 ha diện tích tự nhiên và 25.517 nhân khẩu, gồm 6 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã : Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Chà Cang và Nà Hỳ. Địa giới hành chính huyện Mường Nhé : Đông giáp huyện Mường Tè; Tây giáp nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào; Nam giáp nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và huyện Mường Lay; Bắc giáp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và huyện Mường Tè. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Mường Nhé : - Huyện Mường Tè còn lại 333.995 ha diện tích tự nhiên và 31.473 nhân khẩu, gồm 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã : Bum Nưa, Bum Tở, Mường Mô, Mường Tè, Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Nậm Khao, Can Hồ, Hua Bum, Tà Tổng, Pa ủ, Pa Vệ Sử và thị trấn Mường Tè. - Huyện Mường Lay còn lại 242.523,5 ha diện tích tự nhiên và 52.290 nhân khẩu, gồm 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã : Lay Nưa, Mường Tùng, Chăn Nưa, Nậm Hàng, Pú Đao, Pa Ham, Hừa Ngài, Huổi Lèng, Xá Tổng, Mường Mươn, Chà Nưa, Chà Tở, Si Pa Phìn và thị trấn Mường Lay. 2. Thành lập huyện Tam Đường trên cơ sở 82.843,7 ha diện tích tự nhiên và 52.567 nhân khẩu của huyện Phong Thổ. Huyện Tam Đường có 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã : Lản Nhì Thàng, Thèn Sin, Sùng Phài, Nậm Loỏng, Nùng Nàng, Tam Đường, Tả Lèng, Bản Hon, Bản Giang, Hồ Thầu, Bình Lư, Bản Bo, Khun Há, Nà Tăm và thị trấn Phong Thổ. Địa giới hành chính huyện Tam Đường : Đông giáp tỉnh Lào Cai; Tây và Nam giáp huyện Sìn Hồ; Bắc giáp huyện Phong Thổ. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập huyện Tam Đường, huyện Phong Thổ còn lại 81.910 ha diện tích tự nhiên và 44.769 nhân khẩu, gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã : Mường So, Nậm Xe, Khổng Lào, Hoang Thèn, Bản Lang, Mali Pho, Dào San, Mù Sang, Tung Qua Lìn, Vàng Ma Chải, Ma Li Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Sì Lờ Lầu, Sin Súi Hồ. Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ. Điều 3. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này ./. Nơi nhận: - Ban Bí thư TW Đảng, - Thủ tướng, các PTT Chính phủ, - HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, - Ban Tổ chức Trung ương, - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, - Các Bộ : Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, - ủy ban Dân tộc và Miền núi, - Các Tổng cục : Địa chính, Thống kê, - Cục Lưu trữ Nhà nước, - Công báo, - VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ : ĐP1, TCCB, TH, QHQH, - Lưu : NC (5b), VT. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "14/01/2002", "sign_number": "08/2002/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-7674-CT-BNN-TC-2014-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-cac-tru-so-co-so-hoat-dong-su-nghiep-263587.aspx
Chỉ thị 7674/CT-BNN-TC 2014 tăng cường công tác quản lý các trụ sở cơ sở hoạt động sự nghiệp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc ------------------ Số: 7674/CT-BNN-TC Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2014 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC TRỤ SỞ, CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG SỰ NGHIỆP Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ thực hiện một số nội dung sau đây: 1. Triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ chủ động rà soát tình hình xây dựng phương án và thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được giao quản lý sử dụng theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg . Đối với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện việc xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất yêu cầu khẩn trương xây dựng và trình Bộ phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất được giao quản lý sử dụng (bao gồm các đơn vị trực thuộc) trước ngày 31 tháng 12 năm 2014. b) Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định và kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ, gửi Vụ Kế hoạch để tổng hợp chung báo cáo Bộ. c) Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính và các cơ quan liên quan: - Thẩm định phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ; - Tổng hợp phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố gửi lấy ý kiến thẩm định của UBND các tỉnh, thành phố, báo cáo Bộ Tài chính trước 30 tháng 6 năm 2015; - Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 09 các tỉnh, thành phố kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trên địa bàn tỉnh, thành phố để xử lý các nội dung liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp; - Rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2. Tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp a) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện: - Khi lập, thẩm định, phê duyệt đề án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng trụ sở làm việc phải chấp hành nghiêm quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ; - Thực hiện việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý công sở cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập; - Thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, đơn vị; - Khi được đầu tư xây dựng trụ sở mới ở vị trí khác, hoàn thành đầu tư và chuyển về trụ sở mới phải báo cáo, đề xuất với Bộ phương án bàn giao trụ sở làm việc cũ theo quy định. b) Vụ Tài chính chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện: - Kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ theo quy định; - Đề xuất với Bộ để xử lý đối với: các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng trụ sở làm việc vượt tiêu chuẩn định mức cho phép; xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ (Quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước); các nội dung liên quan đến tài sản (không bao gồm đất) khi thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; - Cập nhật Biến động thông tin tài sản là đất, trụ sở, nhà làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. 3. Tổ chức thực hiện Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ quán triệt nội dung và tổ chức triển khai thực hiện yêu cầu của Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này tại đơn vị và các đơn vị trực thuộc. Giao Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị và tổng hợp báo cáo Bộ các nội dung được phân công./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ (để báo cáo); - Bộ Tài chính; - Lãnh đạo Bộ; - Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ; - Lưu VT, TC. BỘ TRƯỞNG Cao Đức Phát
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "24/09/2014", "sign_number": "7674/CT-BNN-TC", "signer": "Cao Đức Phát", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-8951-KH-SYT-2017-dao-tao-huan-luyen-san-phu-khoa-ho-sinh-tuyen-So-Y-te-Ho-Chi-Minh-534106.aspx
Kế hoạch 8951/KH-SYT 2017 đào tạo huấn luyện sản phụ khoa hộ sinh tuyến Sở Y tế Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ Y TẾ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 8951/KH-SYT Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 10 năm 2017 KẾ HOẠCH TỔ CHỨC KHÓA ĐÀO TẠO LIÊN TỤC “HUẤN LUYỆN SẢN PHỤ KHOA CHO HỘ SINH TUYẾN CƠ SỞ” NĂM 2017 Triển khai Quyết định số 4704/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của Thành phố năm 2017, Sở Y tế xây dựng Kế hoạch tổ chức khóa đào tạo liên tục “Huấn luyện sản phụ khoa cho hộ sinh tuyến cơ sở” như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU: 1. Mục đích: Cập nhật kiến thức, kỹ năng về sản phụ khoa cho hộ sinh tuyến cơ sở nhằm nâng cao chất lượng khám sàng lọc ban đầu và chăm sóc bệnh nhân tại chỗ. Thông qua chương trình “Huấn luyện sản phụ khoa cho hộ sinh tuyến cơ sở” góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. 2. Yêu cầu: - Học viên được cử tham dự lớp học tham gia đầy đủ và nghiêm túc chấp hành quy định của khóa học. - Học viên hoàn thành khóa học sẽ được Sở Y tế cấp chứng chỉ đào tạo liên tục theo quy định Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế. II. ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ: 1. Hộ sinh công tác tại Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện quận, huyện. 2. Hộ sinh công tác tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Y tế quận, huyện. 3. Hộ sinh công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố. III. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC: 1. Chương trình học: Lớp tập huấn dành cho hộ sinh tuyến cơ sở diễn ra trong 04 (bốn) tuần liên tục gồm 01 tuần lý thuyết và 03 tuần thực hành tại Khoa Sanh, Khoa cấp cứu, Khoa khám bệnh (khám thai, khám phụ khoa). Các nội dung học lý thuyết gồm: khám thai; chăm sóc tiền sản; xử trí ban đầu cao HA thai kỳ, tiền sản giật; xử trí đẻ rớt; xử trí cấp cứu băng huyết sau sinh; quy trình khám phụ khoa; sàng lọc ung thư cổ tử cung; khám, điều trị viêm nhiễm sinh dục; thai ngoài tử cung. Với mỗi ngày học, các học viên đều được trang bị đầy đủ các kiến thức về lý thuyết cũng như thực hành nhằm nâng cao khả năng ứng dụng trong các tình huống cụ thể. 2. Thời gian, số lượng, địa điểm: Dự kiến tổ chức 04 lớp “Huấn luyện sản phụ khoa cho hộ sinh tuyến cơ sở” mỗi lớp khoảng 40 học viên, cụ thể như sau: a) Lớp 1: học 04 tuần liên tục từ 06 tháng 11 đến 01 tháng 12 năm 2017. Bao gồm các bệnh viện và Trung tâm Y tế: Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 4 Quận 7, Quận 8, Quận 9, Quận Gò vấp, Quận Phú Nhuận, Quận Bình Thạnh, Quận Thủ Đúc, huyện Nhà Bè. Mỗi đơn vị cử 02 hộ sinh cơ hữu tham dự lớp học. Địa điểm học: Bệnh viện Từ Dũ, số 284 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. b) Lớp 2: học 04 tuần liên tục từ 06 tháng 11 đến 01 tháng 12 năm 2017. Bao gồm các bệnh viện và Trung tâm Y tế: Quận 5, Quận 6, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Quận Tân Bình, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Mỗi đơn vị cử 02 hộ sinh cơ hữu tham dự lớp học. Địa điểm học: Bệnh viện Hùng Vương, số 128 đường Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. c) Lớp 3: học 04 tuần liên tục từ 04 tháng 12 đến 29 tháng 12 năm 2017. Bao gồm các trạm y tế thuộc Trung tâm Y tế: Quận 9, Quận Gò vấp, Quận Phú Nhuận, Quận Bình Thạnh, Quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè. Mỗi trạm y tế cử 01 hộ sinh cơ hữu tham dự lớp học. Địa điểm học: Bệnh viện Từ Dũ, số 284 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. đ) Lớp 4: học 04 tuần liên tục từ 04 tháng 12 đến 29 tháng 12 năm 2017. Bao gồm các trạm y tế thuộc Trung tâm Y tế: Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Mỗi trạm y tế cử 01 hộ sinh cơ hữu tham dự lớp học. Địa điểm học: Bệnh viện Hùng Vương, số 128 đường Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đăng ký chính thức của các đơn vị, Sở Y tế sẽ tổng hợp, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức lớp học và thông báo cụ thể lịch học cho từng cán bộ, viên chức tham dự. IV. KINH PHÍ: Kinh phí tổ chức lớp được trích từ nguồn kinh phí Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của Thành phố năm 2017. V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN: 1. Ban Chỉ đạo: 1.1. GS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban. 1.2. PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban. Các thành viên: 1.3. ThS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế. 1.4. ThS. Trần Thị Hồng Huyên, Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ Sở Y tế. 1.5. TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. 1.6. BSCKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. 2. Ban Quản lý lớp: 2.1. Ông Trần Minh Thái, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ thuộc Sở Y tế; 2.2. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phụ trách Tài chính Kế toán thuộc Văn phòng Sở Y tế; 2.3. BSCKII. Lê Kim Bá Liêm, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hùng Vương; 2.4. CN. Huỳnh Thị Thanh Giang, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Từ Dũ. 3. Phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai và phối hợp với các phòng chức năng và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt Kế hoạch này. 4. Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương chuẩn bị cơ sở vật chất, giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm, phối hợp với Phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế tổ chức và quản lý lớp học. 5. Căn cứ vào các đối tượng và chỉ tiêu nêu trên, đề nghị các đơn vị liên quan chọn cử cán bộ, viên chức tham dự lớp học theo biểu mẫu đính kèm và gửi về Phòng Tổ chức Cán bộ Sở Y tế để tổng hợp, trước ngày 31 tháng 10 năm 2017 (gửi kèm tập tin theo địa chỉ Email: [email protected]). Sau thời hạn nêu trên, đơn vị không gửi danh sách về Sở Y tế xem như không có nhu cầu. Sở Y tế sẽ không cử đi học đối với các trường hợp không đúng đối tượng, đăng ký trễ hạn theo quy định. Trên đây là Kế hoạch tổ chức khóa đào tạo liên tục “Huấn luyện sản phụ khoa cho hộ sinh tuyến cơ sở” năm 2017 của Sở Y tế. Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc kịp thời phản ánh về Phòng Tổ chức Cán bộ Sở Y tế, điện thoại số 028.3930.9967, để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - GĐ, PGĐ Sở Y tế; - Bệnh viện Từ Dũ; - Bệnh viện Hùng Vương; - Bệnh viện quận, huyện; - Trung tâm Y tế quận, huyện; - Phòng Kế hoạch Tài chính; - Phòng Nghiệp vụ Y; - Lưu : VPS, TCCB. (MT/10b) GIÁM ĐỐC Nguyễn Tấn Bỉnh Đơn vị: ……………………. Điện thoại: ……………….. ------------ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- DANH SÁCH ĐĂNG KÝ THAM DỰ LỚP ĐÀO TẠO LIÊN TỤC “HUẤN LUYỆN SẢN PHỤ KHOA CHO HỘ SINH TUYẾN CƠ SỞ” NĂM 2017 STT Họ và tên Ngày, tháng, năm sinh Chức danh Đơn vị công tác Số điện thoại liên hệ 01 02 03 Người lập biểu (Ký tên, ghi rõ họ tên) Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên)
{ "issuing_agency": "Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "24/10/2017", "sign_number": "8951/KH-SYT", "signer": "Nguyễn Tấn Bỉnh", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Thong-tu-83-2001-TT-BTC-huong-dan-thuc-hien-viec-xu-ly-sap-xep-lai-nha-dat-thuoc-so-huu-nha-nuoc-tren-dia-ban-thanh-pho-Ho-Chi-Minh-48326.aspx
Thông tư 83/2001/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 83/2001/TT-BTC Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2001 THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 83/2001/TT-BTC NGÀY 4 THÁNG 10 NĂM 2001HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC XỬ LÝ, SẮP XẾP LẠI NHÀ ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Căn cứ Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ " về xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" sau khi thống nhất với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau: I/ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN XỬ LÝ, SẮP XẾP LẠI NHÀ ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: 1- Phạm vi thực hiện: Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp ( kể cả xã phường), đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội, thể dục thể thao, sự nghiệp nghiên cứu khoa học, sự nghiệp kinh tế; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức chính trị; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp ( gọi chung là các cơ quan HCSN); các doanh nghiệp Nhà nước gồm : doanh nghiệp Nhà nước độc lập, văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp thành viên của các doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty, Công ty ( gọi chung là các DNNN) trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều phải thực hiện việc rà soát, kiểm tra để bố trí, sắp xếp lại trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này. 2- Đối tượng thực hiện: Toàn bộ nhà đất ( gồm khuôn viên đất kèm theo nhà, khuôn viên đất không có nhà, khuôn viên đất đang xây dựng dở dang các công trình) thuộc sở hữu nhà nước ( bao gồm cả nhà đất chưa được xác lập sở hữu nhà nước; nhà đất có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước trước đây các cơ quan HCSN và DNNN chưa kê khai đăng ký nay mới phát hiện; nhà đất tiếp quản) do các cơ quan HCSN và DNNN đang quản lý, sử dụng để làm trụ sở làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, cơ sở văn hoá, thể dục thể thao, kho bãi, văn phòng đại diện; làm cơ sở sản xuất, kinh doanh... bố trí toàn bộ hoặc một phần làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên mà tại thời điểm kê khai báo cáo chưa thực hiện bàn giao cho ngành nhà đất Thành phố quản lý theo chính sách nhà ở, đất ở hiện hành. 3- Các đối tượng không phải thực hiện xử lý, sắp xếp lại gồm : - Diện tích nhà đất các cơ quan HCSN và DNNN đang thuê, mượn không thuộc sở hữu của Nhà nước. - Diện tích nhà đất làm trại giam, trại cải tạo và cơ sở giáo dưỡng của ngành công an. - Diện tích nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan HCSN và DNNN quản lý, sử dụng đã dùng vào góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài. - Diện tích nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước mà các cơ quan HCSN và DNNN sử dụng vi phạm pháp luật đang trong quá trình điều tra là vật chứng của vụ án. - Diện tích nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của các cơ quan HCSN và DNNN đã có quyết định thu hồi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. - Diện tích nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của các DNNN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng các công trình công cộng hoặc để tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án. - Diện tích đất thuộc sở hữu Nhà nước của các DNNN thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. - Diện tích đất thuộc sở hữu Nhà nước của các DNNN đã thế chấp cho các ngân hàng đến nay đã đến hạn không có khả năng thanh toán, các ngân hàng đang phát mại để thu hồi vốn vay. - Diện tích nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của các DNNN trong diện thực hiện cổ phần hoá đã được cấp có thẩm quyền xác định giá trị doanh nghiệp và quyết định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu thành công ty cổ phần; Các DNNN thực hiện việc giao bán, khoán, cho thuê theo đúng quy định tại Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước . II- NGUYÊN TẮC XỬ LÝ, SẮP XẾP LẠI NHÀ ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: 1- Đối với nhà đất của các cơ quan HCSN: 1.1 - Các cơ quan HCSN có nhiều cơ sở nhà đất thì phải quy hoạch, sắp xếp lại diện tích nhà đất đang sử dụng, nếu có diện tích nhà đất dôi dư được kiến nghị bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất dôi ra cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy hoạch của Thành phố và được thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần khuôn viên trụ sở làm việc. 1.2- Các cơ quan HCSN hiện đang sử dụng trụ sở làm việc quá chật hẹp hoặc không phù hợp với quy hoạch và yêu cầu công tác thì được kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hoán đổi với các tổ chức, cá nhân để chuyển trụ sở đến nơi khác phù hợp với quy hoạch của Thành phố, đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan HCSN do Thủ tướng Chính phủ quy định và yêu cầu hoạt động của cơ quan. 1.3- Đối với diện tích nhà đất dôi dư nhưng các cơ quan HCSN không kiến nghị phương án xử lý thì UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu hồi ( đối với nhà đất thuộc Thành phố quản lý ) hoặc phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi (đối với nhà đất thuộc trung ương quản lý ) để bố trí, sắp xếp nơi làm việc cho các cơ quan HCSN của trung ương và địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trụ sở làm việc hoặc đã có trụ sở làm việc nhưng còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức hoặc quản lý để phục vụ nhu cầu chung của Thành phố . 1.4- Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mà cơ quan HCSN đem cho thuê, cho mượn thì Ban chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ( sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo 80) kiểm tra để xử lý như sau : - Nếu nhà đất cho thuê, cho mượn đang được sử dụng phù hợp với quy hoạch và đối tượng thuê, mượn có nhu cầu sử dụng thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. - Nếu nhà đất cho thuê, cho mượn đang được sử dụng không hợp lý và không phù hợp quy hoạch thì cơ quan cho thuê, cho mượn phải chấm dứt hợp đồng cho thuê, cho mượn và thu hồi lại diện tích nhà đất này để bố trí, sắp xếp lại và được xử lý theo quy định tại điểm 1.1 Phần II Thông tư này. 1.5- Nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mà các cơ quan HCSN đang bố trí làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên được xử lý như sau : - Nếu đã bố trí toàn bộ hoặc một phần ( có thể tách ra riêng biệt giữa khu nhà ở và nơi làm việc ) nhà đất làm nhà ở, đất ở cho cán bộ, công nhân viên từ trước năm 1995, nay phù hợp với quy hoạch khu dân cư của Thành phố thì được chuyển sang nhà ở, đất ở và thực hiện việc bán hoặc cho thuê theo quy định của UBND Thành phố. - Nếu diện tích nhà đất đã bố trí làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nay không phù hợp với quy hoạch khu dân cư của Thành phố, trái với các quy định hiện hành của Nhà nước hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng của cơ quan thì cơ quan HCSN đang quản lý nhà đất phải đề xuất phương án di chuyển các hộ gia đình đến địa điểm khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu diện tích nhà đất thu hồi không cần dùng hoặc dôi dư thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy hoạch của Thành phố. 1.6- Nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mà cơ quan HCSN đang sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc giao cho các DNNN sử dụng nay vẫn phù hợp với quy hoạch thì cho phép chuyển đổi công năng và thực hiện chế độ quản lý tài sản và thuê quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành. Trường hợp diện tích nhà đất sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đan xen với diện tích làm trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN thì phải bố trí, sắp xếp lại để tách biệt giữa khu làm việc với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở phù hợp với quy hoạch của Thành phố. 1.7- Các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mà các cơ quan HCSN vẫn đang thuê của ngành nhà đất Thành phố nhưng chưa được bàn giao cho cơ quan tài chính quản lý theo Chỉ thị số 45/CT-UB-QLĐT ngày 26/8/1995 của UBND Thành phố phải được bố trí, sắp xếp lại theo quy định tại Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này. 1.8- Đối với nhà đất là nhà khách, nhà nghỉ thì phải sắp xếp quy hoạch lại để chuyển nhà khách, nhà nghỉ sang hoạt động kinh doanh, chỉ áp dụng theo chế độ quản lý nhà khách đối với các đối tượng được duy trì nhà khách do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đối với những nhà khách, nhà nghỉ không đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp hoặc không phù hợp quy hoạch được sắp xếp lại và xử lý theo quy định tại Thông tư này. 1.9- Cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho các cơ quan HCSN quản lý, sử dụng đã bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm trái phép toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan HCSN đang trực tiếp quản lý phải có trách nhiệm làm việc với cơ quan chức năng của Thành phố để thu hồi lại diện tích nhà đất đó. Nếu diện tích nhà đất đã thu hồi không cần dùng hoặc dôi dư thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng theo quy hoạch. 1.10- Đối với phần diện tích nhà đất được giữ lại làm trụ sở làm việc thì cơ quan HCSN phải thực hiện đo vẽ lại sơ đồ mặt bằng hiện trạng để kê khai đăng ký với cơ quan tài chính cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng trụ sở làm việc theo quy định tại Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 2- Đối với nhà đất của các DNNN : 2.1- Nhà đất mà DNNN sử dụng làm cơ sở sản xuất kinh doanh không phù hợp với quy hoạch của thành phố, quy mô kinh doanh hoặc công nghệ phải di chuyển đến địa điểm khác thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê cho các đối tượng sử dụng theo quy hoạch. 2.2- Nhà đất của các DNNN dôi ra do sắp xếp lại thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê. 2.3- Các cơ sở nhà đất không cần dùng, chưa sử dụng thì các DNNN phải lập phương án sử dụng có hiệu quả diện tích nhà đất này. Nếu không có nhu cầu sử dụng thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê. 2.4- Trường hợp các DNNN không có chức năng kinh doanh cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi mà có các cơ sở nhà đất cho thuê, cho mượn phù hợp với quy hoạch, nếu các đối tượng thuê, mượn có nhu cầu sử dụng thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê. Nếu không phù hợp với quy hoạch; thuê không đúng theo quy định tại Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước thì phải thu hồi. Diện tích nhà đất thu hồi phải được sắp xếp lại, nếu dôi dư thì được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê. 2.5 - Nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mà các DNNN đang bố trí làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên được xử lý như quy định tại Điểm 1.5 Phần II Thông tư này. 2.6- Nhà đất của DNNN, hiện sử dụng kém hiệu quả, nếu sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh khác đúng chức năng kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả thì được phép chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch. 2.7- Nhà đất của DNNN đã thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, cá nhân để vay vốn sản xuất kinh doanh thì thực hiện theo hợp đồng thế chấp đã ký kết. 2.8 - Các cơ sở nhà đất đã liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo hợp đồng liên doanh đã ký kết. 2.9 - Đối với diện tích nhà đất dôi dư các DNNN không kiến nghị phương án xử lý, sắp xếp lại thì xử lý như quy định tại Điểm 1.3 Phần II Thông tư này. 2.10- Đối với các cơ sở nhà đất của các DNNN đã bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm trái phép toàn bộ hoặc một phần thì xử lý như quy định tại Điểm 1.9 Phần II Thông tư này. 3- Các cơ sở nhà đất được cấp có thẩm quyền cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê là các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và không có tranh chấp. Trường hợp cơ sở nhà đất chưa được xác lập sở hữu Nhà nước thì cơ quan HCSN và DNNN đang trực tiếp quản lý phải làm thủ tục xác lập sở hữu Nhà nước theo quy định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. 4- Số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; hoán đổi nhà đất được sử dụng cho các mục đích quy định tại Điều 5 Quyết định số 80/2000/QĐ-TTg , cụ thể là : a) Các cơ quan HCSN có nhà đất dôi ra do sắp xếp lại hoặc di chuyển trụ sở làm việc đến địa điểm khác được sử dụng số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị mình theo dự án được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc do Thủ tướng Chính phủ quy định; chi di chuyển các hộ gia đình được cơ quan, đơn vị bố trí ở đang xen trong cơ quan trước năm 1995 đi nơi khác ( nếu có). b) Các DNNN có nhà được bán và chuyển quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê được sử dụng vào các nội dung sau, nếu có các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: - Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh ở nơi mới đối với các DNNN sử dụng nhà đất không phù hợp với quy hoạch của Thành phố, quy mô kinh doanh hoặc công nghệ phải di dời chuyển đến địa điểm khác; - Làm vốn đầu tư cải tạo mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu để tăng thêm năng lực sản xuất, kinh doanh và được ghi tăng vốn ngân sách nhà nước cấp; - Đối với các DNNN thuộc diện thua lỗ nhưng có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả do cấp có thẩm quyền phê duyệt được bổ sung làm vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với các DNNN thuộc diện thua lỗ kéo dài, không có khả năng phục hồi sản xuất ( có khả năng phá sản) thì phải nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý quy định tại Điều 38 và Điều 39 Luật phá sản doanh nghiệp. III- TRÌNH TỰ RÀ SOÁT, KIỂM TRA ĐỂ BỐ TRÍ, SẮP XẾP LẠI NHÀ ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ: 1- Từng cơ quan HCSN và DNNN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào kết quả rà soát, kiểm tra để bố trí, sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh; ngành nghề kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao, biên chế được duyệt; tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc do Thủ tướng Chính phủ quy định và các nguyên tắc xử lý quy định tại Phần II Thông tư này lập báo cáo hiện trạng số nhà đất hiện đang quản lý, sử dụng đồng thời kiến nghị phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cho từng cơ sở nhà đất và phương án sử dụng số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; hoán đổi nhà đất theo đúng biểu mẫu và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 80. 2- Báo cáo được lập cho mỗi cơ sở nhà đất và được lập làm 03 bản : - Lưu 01 bản tại đơn vị; - 01 bản gửi về các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, các Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (đối với các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương và thuộc các tỉnh, thành phố khác ); các sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, các Tổng công ty do UBND Thành phố quyết định thành lập ( đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố); - 01 bản gửi về Ban Chỉ đạo 80 ( Tổ thường trực làm việc tại Sở Tài chính- Vật giá Thành phố Hồ Chí Minh theo địa chỉ 142 Nguyễn Thị Minh Khai- Quận 3- Thành phố Hồ Chí Minh). Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Đảng cộng sản Việt Nam trực tiếp quản lý và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập báo cáo gửi về Ban Tài chính Quản trị trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để Ban Tài chính Quản trị trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an kiểm tra, sắp xếp lại. 3- Báo cáo của các cơ quan HCSN và DNNN phải thể hiện được đầy đủ các nội dung sau: - Diện tích nhà đất hiện có; số sử dụng để làm việc, trường học, bệnh viện, cơ sở văn hoá, thể thao… diện tích nhà đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN đang sử dụng làm cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc giao cho DNNN sử dụng; văn phòng, nhà xưởng cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; kho bãi; làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên, cho thuê, cho mượn, sử dụng khác, chưa sử dụng, bị lấn chiếm, chưa cần dùng; cơ cấu, tổ chức biên chế cán bộ; ngành nghề kinh doanh; - Bản sao các hồ sơ giấy tờ có liên quan đến cơ sở nhà đất báo cáo (nếu có); - Kiến nghị phương án xử lý như : diện tích nhà đất giữ lại làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh; diện tích nhà đất đề nghị bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; điều chuyển; hoán đổi cho tổ chức, cá nhân khác; giao lại cho nhà nước; chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh; diện tích nhà đất thu hồi lại; diện tích nhà ở cần có để di chuyển các hộ gia đình ra khỏi khuôn viên trụ sở làm việc (nếu có)... - Kiến nghị phương án sử dụng số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; hoán đổi nhà đất vào các mục đích như đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới trụ sở làm việc; di chuyển các hộ gia đình đi nơi khác; đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh ở nơi mới; đầu tư cải tạo mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu; làm vốn phát triển sản xuất kinh doanh... 4- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, các Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, các Tổng công ty do UBND Thành phố quyết định thành lập căn cứ vào báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình quản lý thực hiện việc kiểm tra, xem xét trên hồ sơ và thực tế để có ý kiến bằng văn bản về phương án đề nghị xử lý, sắp xếp lại đối với từng cơ sở nhà đất của từng cơ quan, đơn vị gửi về Ban Chỉ đạo 80. 5 - Thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước: - Ban Chỉ đạo 80 căn cứ vào báo cáo của các cơ quan HCSN và DNNN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất và ý kiến đề nghị xử lý của Bộ, ngành chủ quản tiến hành kiểm tra, xem xét để báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định phương án xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xử lý đối với những trường hợp vượt thẩm quyền. - Đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam do Ban Tài chính Quản trị trung ương quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. - Các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Ban Chỉ đạo 80 thực hiện xử lý theo Thông tư này. IV- PHƯƠNG THỨC BÁN NHÀ VÀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THUÊ: 1- Sau khi có quyết định phương án xử lý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê của cấp có thẩm quyền, các cơ quan HCSN và DNNN trực tiếp quản lý, sử dụng phải thực hiện đo vẽ lại diện tích nhà đất theo các phương án đã được duyệt để chuyển giao hồ sơ quản lý cho Hội đồng định giá và bán nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bán đấu giá theo quy chế do Thành phố quy định. 2- Đối với nhà đất được chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở, đất ở thì các cơ quan HCSN và DNNN đang trực tiếp quản lý thực hiện bàn giao cho ngành nhà đất của Thành phố xử lý theo chính sách nhà ở đất ở hiện hành. 3- Đối với việc hoán đổi nhà đất được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền và thoả thuận thống nhất giữa các bên. 4- Việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê phải được định giá theo giá chuyển nhượng nhà, đất phổ biến trên thị trường và thực hiện thông qua Hội đồng định giá và bán nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh cho các đối tượng được mua nhà và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhà đất dôi ra của các cơ quan HCSN và DNNN để sử dụng theo quy hoạch. 5- Về thủ tục pháp lý: mọi tổ chức, cá nhân mua nhà và các công trình gắn liền với đất, chuyển quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành. V- QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ VIỆC BÁN NHÀ VÀ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THUÊ: 1- Số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; hoán đổi nhà đất của các cơ quan HCSN và DNNN sau khi trừ đi các chí phí đo vẽ nhà đất, chi phí bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, giá trị còn lại của tài sản nhà đất (đối với DNNN) được nộp vào tài khoản Tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh được theo dõi chi tiết tới các chủ thể làm chủ tài khoản là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, các Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, Tổng công ty do UBND Thành phố quyết định thành lập có các cơ quan HCSN và DNNN có nhà được bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; hoán đổi nhà đất. 2- Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh chỉ thực hiện việc thanh toán cho các cơ quan HCSN và DNNN theo quyết định của Ban Chỉ đạo 80 trên cơ sở dự án được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo các nội dung quy định tại điểm 4 Phần II Thông tư này và theo tiến độ thi công. 3- Số tiền thu được nếu còn thừa so với dự án được duyệt thì phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền sau khi dùng cho các dự án được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư không hết, phải nộp tiếp vào ngân sách; nếu thiếu thì cơ quan đơn vị phải báo cáo Ban Chỉ đạo 80 xem xét, bổ sung từ số tiền thu được. 4- Các cơ quan HCSN có nhà được bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu cần phải có kinh phí bước đầu để thực hiện các dự án thì báo cáo về Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các đoàn thể (đối với cơ quan đơn vị HCSN Trung ương), UBND Thành phố (đối với cơ quan, đơn vị HCSN thuộc Thành phố) để xem xét xử lý tạm ứng từ tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (tài khoản theo điểm 1 mục V Thông tư này); hoặc từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước của Bộ, ngành và địa phương mình và được hoàn lại ngay sau khi có số thu từ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh. 5- Các chi phí để tổ chức xử lý sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước (chi phí đo vẽ nhà đất, chi phí bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất...) do đơn vị tạm ứng từ nguồn kinh phí của cơ quan đơn vị mình được phép sử dụng trong năm ngân sách (đối với cơ quan HCSN) từ nguồn vốn quỹ (đối với DNNN) để chi và sẽ được trừ vào tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, hoán đổi nhà đất để hoàn trả lại. Trường hợp đơn vị không có nhà được bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, hoán đổi nhà đất thì các chi phí để tổ chức xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan HCSN tự bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao; đối với các DNNN thì các DNNN tự bố trí, sắp xếp và được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị. VI- TỔ CHỨC THỰC HIỆN: 1- Để thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ; UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thành lập Ban Chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ( gọi chung là Ban Chỉ đạo 80) gồm : Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng Ban thường trực, Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Ban và các thành viên là Giám đốc các Sở, ngành có liên quan do UBND Thành phố quyết định. Giúp việc cho Ban Chỉ đạo có Tổ chuyên viên thường trực gồm các chuyên viên của các cơ quan nêu trên do Sở Tài chính- Vật giá làm tổ trưởng và tổ làm việc tại Sở Tài chính- Vật giá Thành phố Hồ Chí Minh. a) Ban chỉ đạo 80 có nhiệm vụ: - Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các Bộ, ngành, các cơ quan HCSN và DNNN triển khai thực hiện việc rà soát, kiểm tra để sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. - Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng đối tượng, đúng hướng dẫn. Xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tổ chức tuyên truyền, họp báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiến độ triển khai thực hiện. - Kiểm tra, xem xét thực tế tình hình quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan HCSN và DNNN để báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định phương án xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xử lý đối với những trường hợp vượt thẩm quyền. - Tổ chức thực hiện quyết định xử lý nhà đất của cấp có thẩm quyền. b) Nguồn kinh phí chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo 80 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh bố trí, sắp xếp. 2- Các cơ quan HCSN và DNNN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất có trách nhiệm : - Tổ chức rà soát, kiểm tra để bố trí, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của cơ quan, đơn vị mình và gửi báo cáo kết quả thực hiện cho các Bộ, ngành chủ quản theo đúng thời gian quy định. - Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện quyết định xử lý nhà đất của cấp có thẩm quyền. - Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của báo cáo kết quả thực hiện việc rà soát, kiểm tra để bố trí, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của cơ quan, đơn vị mình. 3- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, Tổng giám đốc các Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, các Sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, Tổng giám đốc các Tổng công ty do UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập có trách nhiệm : - Chỉ đạo, đôn đốc, các cơ quan HCSN và DNNN thuộc cấp mình quản lý thực hiện việc việc rà soát, kiểm tra để bố trí, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để báo cáo theo đúng thời gian quy định. - Kiểm tra, xem xét và có ý kiến bằng văn bản về đề nghị xử lý, sắp xếp lại nhà đất của từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình quản lý gửi về Ban Chỉ đạo 80 theo đúng thời gian quy định. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết. Nguyễn Thị Kim Ngân (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "04/10/2001", "sign_number": "83/2001/TT-BTC", "signer": "Nguyễn Thị Kim Ngân", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-02-2008-CT-UBND-bao-ve-dan-pho-dia-ban-Ha-Noi-trien-khai-thuc-hien-Nghi-dinh-38-2006-ND-CP-62417.aspx
Chỉ thị 02/2008/CT-UBND bảo vệ dân phố địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện Nghị định 38/2006/NĐ-CP
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------- Số: 02/2008/CT-UBND Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2008 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 38/2006/NĐ-CP NGÀY 17/4/2006 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO VỆ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI Hiện nay, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội được thành lập ở các phường, thị trấn có nhiệm vụ thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo qui định của pháp luật góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn. Trong những năm qua thực hiện Quyết định số 521/QĐ-BNV ngày 16/5/1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Bảo vệ dân phố, lực lượng Bảo vệ dân phố đã khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao được cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân tại địa bàn cơ sở. Để đảm bảo việc triển khai, thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố có hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. UBND Thành phố Chỉ Thị: 1. Công an Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Lao động, thương binh và xã hội, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa thông tin, UBND các quận, huyện xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai, thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTB&XH-BTC ngày 01/03/2007 của liên Bộ: Công an, Tài chính, Lao động thương binh và xã hội đến tổ chức, cá nhân, các đơn vị có liên quan nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác này. 2. Giao UBND các quận, huyện tổ chức rà soát, đánh giá phân loại lực lượng Bảo vệ dân phố hiện có để có kế hoạch củng cố, chấn chỉnh, kiện toàn theo quy định của Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 521/BNV của Bộ Nội vụ; Thống nhất về tên gọi, đảm bảo mỗi cụm dân cư có 01 tổ Bảo vệ dân phố, mỗi phường, thị trấn có 01 Ban Bảo vệ dân phố do Chủ tịch UBND phường, thị trấn ra quyết định. 3. Giao Công an Thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ và quán triệt Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTB&XH-BTC ngày 01/3/2007 của các Bộ Công an, Tài chính, Lao động thương binh và xã hội đối với lực lượng Bảo vệ dân phố; Đồng thời hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc lực lượng Bảo vệ dân phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác theo quy định. 4. Công an Thành phố có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và xã hội và UBND các quận, huyện nghiên cứu thống nhất đề xuất với UBND Thành phố việc thực hiện chế độ, chính sách, trang phục, giấy chứng nhận, biển số hiệu, công cụ hỗ trợ, nơi làm việc … đối với Bảo vệ dân phố để bảo đảm lực lượng này hoạt động có hiệu quả. 5. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và nhân dân giám sát, giúp đỡ, tạo điều kiện để lực lượng Bảo vệ dân phố hoàn thành nhiệm vụ./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Công an; - Bộ Tài chính; - TT Thành ủy; - TT. HĐNDTP; (Để báo cáo) - Các đ/c PCT UBND TP; - Các Sở, Ngành, Đoàn thể; - UBND các quận, huyện; - CPVP, các Phòng CV; - Lưu: VP. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Nguyễn Thế Thảo
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "22/01/2008", "sign_number": "02/2008/CT-UBND", "signer": "Nguyễn Thế Thảo", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Ke-hoach-96-KH-UBND-giai-phap-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-duong-thuy-noi-dia-Can-Tho-2016-2020-331048.aspx
Kế hoạch 96/KH-UBND giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao đường thủy nội địa Cần Thơ 2016 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 96/KH-UBND Cần Thơ, ngày 11 tháng 8 năm 2016 KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao đường thủy nội địa trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao đường thủy nội địa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc yêu cầu và các giải pháp trọng tâm của Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn thành phố và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao đường thủy nội địa trong tình hình mới. 2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phấn đấu, kiềm chế tai nạn nạn giao thông đường thủy nội địa đến mức thấp nhất. 3. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ bến cảng, bến thủy nội địa tham gia hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường thủy và mọi người dân khi tham gia giao thông. 4. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. II. NỘI DUNG 1. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. 2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng vào các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội. Kiên quyết đình chỉ các phương tiện, bến đò ngang không phép, không đáp ứng các điều kiện về an toàn, không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật,... Có chính sách khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân có hành vi tiêu cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. 3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy và thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 tới Nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thủy. 4. Phối hợp với các cơ quan báo, đài, tăng cường công tác tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng chuyên mục an toàn giao thông đường thủy; xây dựng phóng sự phản ánh thực trạng về tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa nhất là các hoạt động vận tải, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa, chở quá tải, quá vạch mớn nước,...; chợ nổi, nhà hàng trên sông (du thuyền); đăng đáy cá lấn chiếm luồng chạy tàu; các công trình thi công vượt sông; các điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động của các phương tiện, thuyền viên và người lái; cảng, bến thủy nội địa,... 5. Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông thủy nội địa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thường xuyên kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy, kịp thời bổ sung, thay thế những phao tiêu, báo hiệu bị mất, hỏng,... 6. Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc trang bị thiếu dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên và người lái phương tiện không có bằng hoặc có nhưng không phù hợp; phương tiện thủy chở quá số người quy định,... III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Công an thành phố a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy phối hợp Thanh tra giao thông, Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn an toàn giao thông đường thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang không phép, phương tiện chở quá tải, không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, không trang bị đầy đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên và người lái phương tiện không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (hoặc có nhưng không phù hợp); các bến thủy nội địa cho tàu, thuyền chở khách du lịch, vào, đón trả khách không đúng quy định; kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách du lịch khi vui chơi ở du thuyền, nhà hàng, chợ nổi trên sông và bãi tắm (bãi biển Cần Thơ),… b) Tăng cường công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. c) Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020. d) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về tải trọng đối với phương tiện thủy nội địa hoạt động trên địa bàn thành phố. 2. Sở Giao thông vận tải a) Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp Cảnh sát đường thủy, Công an thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc trang bị thiếu dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên và người lái phương tiện không có bằng hoặc có nhưng không phù hợp; phương tiện thủy chở quá số người quy định,... b) Phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra việc cấp giấp phép ra, vào bến các phương tiện chở khách du lịch đúng theo quy định; giải tỏa các chướng ngại vật, đăng, đáy cá, giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, giải tỏa các bến thủy nội địa không phép; tổ chức kiểm tra các dự án đang khai thác cát, sỏi, nạo vét trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời đình chỉ, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác không phép, sai phép, không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và vệ sinh môi trường. c) Kiểm tra, tổ chức điều tiết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại nơi có mật độ giao thông cao, luồng lạch nông cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy, kịp thời bổ sung, thay thế những phao tiêu, báo hiệu bị mất, hỏng, khi thay đổi luồng chạy tàu,... d) Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện tàu chở khách du lịch, chở khách ngang sông, nhà hàng, chợ nổi trên sông; bãi tắm (bãi biển Cần Thơ),… Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chủ phương tiện chấp hành quy định định của pháp luật về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. đ) Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch về quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch cảng, bến thủy nội địa, quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên đường thủy trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch triển khai, quản lý họp chợ, làng chài, nuôi trồng thủy sản, đăng, đáy cá, xây dựng công trình và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ luồng. e) Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông thủy nội địa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 3. Sở Công Thương, Sở Xây dựng Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các đơn vị, chủ công trình đường dây tải điện, tuyến đường ống qua sông phối hợp với các cơ quan quản lý giao thông đường thủy tổ chức lắp đặt và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo đúng quy định của pháp luật. 4. Sở Tài nguyên và Môi trường Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các trường hợp khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trái phép, các trường hợp mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp; kiểm soát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong vận chuyển, xếp, dỡ hàng hóa tại cảng, bến thủy nội địa, thi công công trình khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên đường thủy nội địa. 5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và việc thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên các phương tiện thông tin đại chúng. 6. Sở Giáo dục và Đào tạo a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng phát động cho học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. b) Chỉ đạo các trường học vận động phụ huynh học sinh, các tổ chức, cá nhân để tự trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ cứu sinh cho học sinh đi học bằng đò; có quy định đối với học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh khi đi đò; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh. 7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện lắp đặt, duy trì báo hiệu đường thủy nội địa đối các công trình thủy lợi. Đồng thời, kịp thời tổ chức việc thanh thải các công trình thủy lợi không còn sử dụng nhưng ảnh hưởng đến luồng, hành lang bảo vệ luồng. 8. Ủy ban nhân dân quận, huyện a) Tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương và thực hiện các biện pháp lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa bàn do mình quản lý. b) Tăng cường công tác quản lý hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn; cương quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách ngang sông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn trên địa bàn quản lý do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn, chở quá số người quy định, đò ngang không có đủ phao cứu sinh,... 9. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này. Tham mưu Ban An toàn giao thông tổ chức hội nghị sơ kết và tổng kết năm, kịp thời đề nghị biểu dương, khen thưởng đột xuất những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trên đây là Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao đường thủy nội địa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ trước ngày 18 hàng quý; ngày 18 tháng 6 báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 18 tháng 12 báo cáo hàng năm, gửi kết quả triển khai thực hiện về Ban An toàn giao thông thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Võ Thành Thống
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "11/08/2016", "sign_number": "96/KH-UBND", "signer": "Võ Thành Thống", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Chi-thi-20-CT-BCT-2014-tang-cuong-phong-chua-chay-cuu-nan-cuu-ho-239529.aspx
Chỉ thị 20/CT-BCT 2014 tăng cường phòng chữa cháy cứu nạn cứu hộ
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 20/CT-BCT Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2014 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 967/CĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công Thương chỉ thị: 1. Các Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị thuộc ngành Công Thương - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy, các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ... bằng nhiều hình thức để mọi người biết và thực hiện; - Thành lập Đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị làm Trưởng đoàn, thực hiện tổng kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, thoát nạn tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trong đó tập trung vào các đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao như điện, dầu khí, xăng dầu, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại... Qua kiểm tra cần phát hiện những thiếu sót, vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục ngay các tồn tại; đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị có vi phạm. Với các vi phạm, tồn tại, Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm, sau đó tiến hành phúc tra và đưa công tác phòng cháy chữa cháy của đơn vị vào nề nếp, thường xuyên, đúng quy định; - Khi xảy ra cháy, nổ phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ; triển khai đồng bộ các biện pháp chữa cháy, tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, định hướng dư luận, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng chống phá; - Trong các ngày nghỉ phải tổ chức trực, bảo vệ 24/24h, sớm phát hiện và sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố cháy nổ xảy ra. 2. Đối với các Sở Công Thương - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương trên địa bàn quản lý; trong đó tập trung vào các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu...; - Báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về các tồn tại, thiếu sót mà cơ sở không tự khắc phục được để có chỉ đạo, giải quyết dứt điểm. 3. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy qua các bản tin chuyên đề; nêu các tấm gương điển hình trong công tác phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp. 4. Bộ Công Thương sẽ thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị. Thời gian tổng kiểm tra từ nay đến ngày 30 tháng 8 năm 2014. Yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị tổng hợp kết quả kiểm tra, gửi báo cáo về Bộ Công Thương (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) trước ngày 10 tháng 9 năm 2014 để báo cáo Chính phủ. Các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Chỉ thị này./. Nơi nhận: - Bộ trưởng; - Các Thứ trưởng; - Các Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện, Trường thuộc Bộ; - Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; - Các Sở Công Thương; - Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, thuộc Bộ Công Thương; - Lưu: VT, ATMT. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Dương Quang
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "27/06/2014", "sign_number": "20/CT-BCT", "signer": "Lê Dương Quang", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-37-2002-TT-BTC-cap-phat-su-dung-va-quyet-toan-kinh-phi-bau-cu-Dai-bieu-Quoc-hoi-khoa-XI-Thong-tu-10-2002-TT-BTC-49353.aspx
Thông tư 37/2002/TT-BTC cấp phát sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XI Thông tư 10/2002/TT-BTC
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 37/2002/TT-BTC Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2002 THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 37/2002/TT-BTC NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM 2002 SỬA ĐỔI BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 10/2002/TT-BTC NGÀY 30/01/2002 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN CẤP PHÁT SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XI Trên cơ sở phản ánh của các địa phương, để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung quy định về quyết toán kinh phí tại Điểm 4 mục II Thông tư số 10/2002/TT-BTC ngày 30/01/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn cấp phát sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XI như sau: Quyết toán kinh phí: Sau khi kết thúc bầu cử, các Tổ bầu cử , Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử và các cơ quan có liên quan được phân bổ kinh phí bầu cử thực hiện việc quyết toán kinh phí bầu cử đã sử dụng theo đúng mẫu biểu quy định theo Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; Cụ thể như sau: a/ Các Tổ bầu cử có trách nhiệm quyết toán số kinh phí được giao, số đã sử dụng với cơ quan tài chính Quận, huyện. Trường hợp Tổ bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử mà công tác quyết toán kinh phí vẫn chưa hoàn tất thì tổ trưởng Tổ bầu cử giao trách nhiệm và uỷ quyền cho đồng chí Uỷ viên là đại diện Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí với cơ quan tài chính. b/ Các Ban bầu cử có trách nhiệm quyết toán số kinh phí được giao đã sử dụng với cơ quan tài chính. Trường hợp Ban bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử mà công tác quyết toán kinh phí vẫn chưa hoàn tất thì trưởng Ban bầu cử giao trách nhiệm và uỷ quyền cho đồng chí uỷ viên là đại diện Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm quyết toán số kinh phí với cơ quan tài chính. c/ Các cơ quan đơn vị khác được phân bổ kinh phí bầu cử thực hiện việc quyết toán kinh phí đã sử dụng với cơ quan tài chính theo quy định hiện hành. d/ Cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm kiểm tra xét duyệt quyết toán kinh phí của các đơn vị, tổng hợp báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính, đồng gửi Hội đồng bầu cử Trung ương. Thông tư này thay thế Điểm 4 mục II Thông tư số 10/2002/TT-BTC ngày 30/01/2002 của Bộ Tài chính; các quy định khác của Thông tư số 10/2002/TT-BTC không bổ sung sửa đổi vẫn có hiệu lực thi hành. Trần Văn Tá (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "23/04/2002", "sign_number": "37/2002/TT-BTC", "signer": "Trần Văn Tá", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Ke-hoach-303-KH-UBND-2021-phong-chong-dich-benh-gia-suc-gia-cam-Ha-Noi-2022-499342.aspx
Kế hoạch 303/KH-UBND 2021 phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Hà Nội 2022
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 303/KH-UBND Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021 KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022 Năm 2021, trên địa bàn Thành phố xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 08 huyện (Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì); bệnh Cúm gia cầm tại 10 huyện (Gia Lâm, Hoài Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai); bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 03 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng, Sơn Tây). Trong năm, các cấp các ngành đã chủ động thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh không lây lan ra diện rộng. Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới và trong nước vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm (A/H5N8); bệnh Dịch tả lợn Châu Phi…, cùng với đó, Thành phố có quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm lớn; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao, địa bàn Thủ đô có mức tiêu thụ sản phẩm động vật và lưu lượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào Thành phố lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của Thành phố là rất cao. Để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 4117/BNN-TY ngày 01/7/2021 về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022; UBND Thành phố ban hành “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022” như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích - Tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. - Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với phương châm phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời và kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát chặt dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật trong diện hẹp, đặc biệt đối với các bệnh mới xâm nhập và các biến chủng mới của vi rút gây bệnh; đảm bảo sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân. - Phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát, đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và từng bước giảm chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; đồng thời nâng cao chất lượng con giống, duy trì, bảo tồn và phát triển các giống bản địa hiệu quả cao trên địa bàn Thành phố. 2. Yêu cầu - Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát. - Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, huy động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm an toàn. - Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao và đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch. - Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của UBND Thành phố: Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 19/9/2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 10/9/2020 về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 về việc phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 27/01/2021 về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. - Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP 1. Tuyên truyền, tập huấn - Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới về chăn nuôi, thú y; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thông tin kịp thời chính xác về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật, những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; kịp thời phát hiện, biểu dương gương điển hình về hoạt động phòng, chống dịch; phê bình các tổ chức, cá nhân, địa phương còn chủ quan trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. - Tiếp tục tổ chức tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người, các bệnh mới nổi; các chế độ, chính sách trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm; các quy định đối với người sản xuất, kinh doanh về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát về chất lượng. - Duy trì và cung cấp tin bài cho chuyên mục Chăn nuôi - Thú y trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bản tin về nông nghiệp và nông thôn, sản xuất và thị trường… để hướng dẫn về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. - Xây dựng phóng sự, in ấn tờ rơi, tài liệu, tập huấn... tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt tuyên truyền, tập huấn về biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh mới nổi và giải pháp quản lý chó nuôi tại các phường để tiếp tục xây dựng các quận thành vùng an toàn bệnh dại. - Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y về giám sát, xác minh dịch bệnh, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; bồi dưỡng kiến thức thú y cho cán bộ làm công tác thú y tại các xã, phường, thị trấn. - Tập huấn chuyên môn và các quy định của pháp luật về chăn nuôi và thú y đối với các đối tượng có liên quan. 2. Phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm - Phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. - Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn thành phố Hà Nội. - Thời gian: Tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi (Đợt 1: tháng 3-4/2022 và Đợt 2: tháng 9-10/2022). Hàng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch. - Loại vắc xin, đối tượng tiêm phòng, liều lượng và cách sử dụng, bảo quản vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhà sản xuất. - Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng và đối với bệnh dại chó, mèo phải tiêm phòng đạt trên 90% tổng đàn chó, mèo. Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đối với các loại vắc xin phải đạt trên 70%. - Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng được hỗ trợ vắc xin của Thành phố. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi theo quy định của pháp luật. 3. Giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng - Duy trì đường dây tiếp nhận thông tin (số điện thoại 024.33800115) về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố. - Củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, huyện để người dân biết, chủ động cung cấp thông tin; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. - Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt phải phân tích chuyên sâu để phát hiện sự biến chủng của mầm bệnh giúp định hướng sử dụng vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho phù hợp, hiệu quả. Khi có động vật ốm, chết, có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải lấy khẩn trương thực hiện các bước theo đúng quy định: lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân; thực hiện biện pháp khẩn cấp chống dịch khi xác định là bệnh dịch nguy hiểm; đảm bảo khống chế nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng. - Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin đã tiêm phòng và chỉ đạo công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi. 4. Điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch - Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng như tiêm phòng bao vây, khử trùng, tiêu độc khu vực có dịch, kiểm soát vận chuyển động vật cảm nhiễm và các sản phẩm của chúng ra, vào ổ dịch, xử lý động vật mẫn cảm trong ổ dịch... - Điều tra nguồn gốc phát sinh đối với các ổ dịch nhằm dự báo chiều hướng phát triển, lây lan để chủ động khoanh vùng khống chế. - Khi nghi ngờ có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm phải thực hiện lấy mẫu gửi cơ quan xét nghiệm có thẩm quyền để xác định nguyên nhân gây bệnh, sự biến chủng, độc lực và tính chất khác của mầm bệnh giúp dự thính, dự báo và xử lý ổ dịch có hiệu quả. 5. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng - Thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo quy định tại Phụ lục 8 (hướng dẫn chung về vệ sinh, khử trùng tiêu độc) Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố (dự kiến 5 đợt/năm). Đồng thời, bổ sung các đợt vệ sinh tiêu độc khi có dịch bệnh nguy hiểm; phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm. 6. Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm - Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, theo đúng quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản liên quan đến công tác quy hoạch, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố; Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. - Từng bước đưa các hộ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào giết mổ gia súc, gia cầm tại các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được UBND Thành phố phê duyệt. - Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đủ điều kiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 2582/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của UBND Thành phố về phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. - Tạo điều kiện, hỗ trợ theo quy định các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp sử dụng dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với chế biến. 7. Quản lý công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và hành nghề thú y; quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y - Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật. Kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn Thành phố. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật và Đội kiểm dịch động vật lưu động. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y. - Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, đảm bảo việc hành nghề đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc hành nghề trái phép. - Thực hiện công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo các quy định của pháp luật. - Rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý các cơ sở chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn Thành phố. - Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và đánh giá phân loại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thuốc thú y trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND Thành phố. 8. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh - Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Duy trì các hoạt động chuyên môn, quản lý để đảm bảo các điều kiện của vùng an toàn dịch bệnh Dại tại các quận đã được Cục Thú y công nhận. - Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo và quản lý đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn các quận để tiến tới xây dựng toàn bộ các quận thành vùng an toàn bệnh Dại. 9. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thú y - Tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất và kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm và hành nghề thú y theo phân công, phân cấp để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. - Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. - Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật được thành lập theo đúng quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành lập và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp. - Chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả, đảm bảo khống chế, dập dịch không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã - Căn cứ Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố năm 2022, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quận, huyện, thị xã; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. - Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn từ nguồn kinh phí của địa phương theo thẩm quyền; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch gia súc, gia cầm của tuyến xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật; cấp kinh phí và chỉ đạo các ngành liên quan thu hồi, tiêu hủy vỏ lọ vắc xin, bao bì hóa chất sát trùng dùng trong thú y theo đúng quy định, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không để thất thoát vật tư phòng, chống dịch. - Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y quản lý chặt đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; đẩy mạnh việc triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch chăn nuôi, mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được UBND Thành phố phê duyệt; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thường xuyên vệ sinh, khử trùng môi trường đảm bảo an toàn dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. - Triển khai thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại tại các quận chưa được chứng nhận và duy trì tốt các vùng an toàn bệnh Dại tại các quận đã được chứng nhận. - Thông tin trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi tự giác, tích cực tham gia việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. - Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng do chủ quan, lơ là, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng, chống dịch và chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý. 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2022 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. - Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố. - Chủ động phối hợp UBND các huyện, thị xã chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khoa học mới trong chăn nuôi, xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi an toàn và xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố. - Phối hợp Sở Y tế trong việc hướng dẫn các địa phương giám sát và phòng, chống các bệnh động vật lây sang người theo Thông tư số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của liên Bộ: Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người. - Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: + Chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; chuẩn bị đầy đủ và cung ứng kịp thời vật tư, vắc xin, hóa chất, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác giám sát, chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. + Triển khai tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo Kế hoạch của UBND Thành phố. Lấy mẫu kiểm tra, giám sát sau tiêm phòng xác định tỷ lệ bảo hộ của vắc xin sau tiêm phòng; phát hiện kịp thời sự lưu hành, biến chủng của các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. + Giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan ra diện rộng, đặc biệt đối với các bệnh truyền lây từ động vật sang người. Thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định. + Phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh động vật và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. + Duy trì trực đường dây nóng Thành phố để tiếp nhận giải quyết kịp thời các thông tin về dịch bệnh gia súc, gia cầm; duy trì trực tại các chốt Kiểm dịch liên ngành Thành phố. + Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật văn bản hướng dẫn về công tác thú y cho đội ngũ thú y cơ sở biết và tổ chức thực hiện. + Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập và xuất ra vào Thành phố; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định. 4. Sở Tài chính Trên cơ sở đề xuất của đơn vị, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. 5. Sở Kế hoạch và Đầu tư - Lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đầu tư phục vụ công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố theo quy định. - Chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chi ngân sách phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định. 6. Sở Tài nguyên và Môi trường Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. 7. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Tham gia kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật và xử lý vi phạm về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định; Cục Quản lý thị trường Thành phố cử cán bộ tham gia trực tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên địa bàn Thành phố. 8. Sở Y tế - Giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin, tuyên truyền, phối hợp phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người. - Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phòng, chống các bệnh động vật lây sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của liên Bộ: Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền lây từ động vật trên người. - Phân công cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố khi có yêu cầu. 9. Công an Thành phố - Chỉ đạo lực lượng trong ngành tham gia tích cực công tác phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. - Cử cán bộ tham gia các chốt kiểm dịch động vật liên ngành Thành phố theo quy định; phối hợp trong việc xử lý những đối tượng vi phạm trong công tác thú y. 10. Sở Thông tin và Truyền thông và Cơ quan thông tấn, báo chí Thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác truyền thông về phát triển chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, hoạt động quản lý giết mổ động vật; tuyên truyền kịp thời, chính xác về nguy cơ, tác hại và diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố. 11. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố theo quy định. IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO 1. Khi chưa có dịch xảy ra Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch này định kỳ 03 tháng/lần báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của đơn vị về UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo). 2. Khi có dịch xảy ra Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành báo cáo bằng điện thoại trước 16h hàng ngày và bằng văn bản 3 ngày/lần về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y, địa chỉ: số 114, đường Lê Trọng Tấn - quận Hà Đông - thành phố Hà Nội; số điện thoại đường dây nóng: 024.33800115) để tổng hợp, báo cáo theo quy định. V. KINH PHÍ - Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch gia súc, gia cầm cấp Thành phố. - Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cân đối, bố trí kinh phí cho công tác tổ chức, triển khai phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí thực hiện theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công theo quy định. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung) xem xét, chỉ đạo./. Nơi nhận: - Thường trực Thành ủy; (để báo cáo) - Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để báo cáo) - Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo) - Các PCT UBND Thành phố; (để báo cáo) - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể; - Các Sở: NN&PTNT, TC, CT KH&ĐT, YT, TT&TT; - Công an thành phố Hà Nội; - Cục QLTT thành phố Hà Nội; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Đài PT&TH HN, Báo HNM, Báo KT&ĐT; - VPUB: CVP, các PCVP, KT, NC, TKBT, KGVX, KTBT; - Lưu: VT, KT. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Mạnh Quyền
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "24/12/2021", "sign_number": "303/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Mạnh Quyền", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-tu-88-2007-TT-BNN-huong-dan-cong-tac-kiem-dich-thuc-vat-noi-dia-58627.aspx
Thông tư 88/2007/TT-BNN hướng dẫn công tác kiểm dịch thực vật nội địa
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ***** Số: 88/2007/TT-BNN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ****** Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2007 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA Để thi hành Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 08 tháng 8 năm 2001 và Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về Kiểm dịch thực vật; để công tác kiểm dịch thực vật nội địa hoạt động có hiệu quả và thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 1. Nguyên tắc kiểm dịch thực vật nội địa Kiểm dịch thực vật nội địa là một khâu không thể tách rời với công tác bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu. Kiểm dịch thực vật nội địa phải phát hiện kịp thời, chính xác và áp dụng biện pháp xử lý có hiệu quả dịch hại thuộc diện điều chỉnh xuất hiện tại địa phương. 2. Phạm vi áp dụng Thông tư này áp dụng trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật nội địa trên phạm vi toàn quốc. 3. Đối tượng áp dụng Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật nội địa phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư này. 4. Quy định đối với cán bộ kiểm dịch thực vật Trong khi làm nhiệm vụ phải mang sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm dịch thực vật. Chế độ cấp phát, sử dụng đối với công chức, viên chức kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 58/2007/QĐ-BNN ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 92/TT-LB liên bộ Tài chính – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13 tháng 12 năm 1995 hướng dẫn thực hiện chế độ trang phục đối với viên chức kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, thanh tra viên chuyên ngành Bảo vệ thực vật và thanh tra Thú y. Được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp theo Quyết định số 132/2006/QĐ-TTg ngày 31/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức ngành Kiểm lâm, Bảo vệ thực vật, Thú y và Kiểm soát đê điều. 5. Xử lý vi phạm Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật nội địa bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. II. NỘI DUNG CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA 1. Quản lý dịch hại thuộc diện điều chỉnh đối với giống cây trồng và sinh vật có ích nhập nội a) Đối với giống cây trồng nhập nội Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu đối với giống cây trồng mới lần đầu tiên nhập khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trường hợp không đủ giấy tờ trên, cán bộ kiểm dịch thực vật lập biên bản vi phạm chuyển thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật để xử lý; đồng thời tiến hành các thủ tục kiểm dịch thực vật đối với lô vật thể vi phạm. Theo dõi, kiểm tra và giám sát dịch hại tại địa điểm gieo trồng theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc khai báo của chủ vật thể tại địa phương. Khi phát hiện thấy dịch hại thuộc diện điều chỉnh trên giống cây trồng nhập nội tại địa phương, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) phải báo cáo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời trực tiếp hướng dẫn và giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý. Việc theo dõi, giám sát dịch hại đối với giống cây trồng nhập nội được thực hiện theo quy định hiện hành. Kết quả điều tra, theo dõi ghi theo mẫu biên bản tại Phụ lục 1. Thời gian theo dõi từ khi gieo trồng đến hết vụ thu hoạch đối với cây ngắn ngày, 02 năm từ khi gieo trồng đối với cây dài ngày. Đối với giống cây trồng sản xuất trong nước, việc vận chuyển nội địa mà không xuất phát từ vùng dịch hoặc không đi qua vùng dịch thì không phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. b) Đối với sinh vật có ích nhập nội Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu và Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền cấp. Hướng dẫn và giám sát địa điểm sử dụng sinh vật có ích nhập nội tại địa phương. 2. Quản lý dịch hại thuộc diện điều chỉnh đối với sản phẩm thực vật lưu trữ trong kho a) Định kỳ điều tra, theo dõi, giám sát dịch hại trên sản phẩm thực vật nhập khẩu, bảo quản trong kho và tại các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến và tiêu thụ hàng thực vật nhằm phát hiện dịch hại thuộc diện điều chỉnh của Việt Nam. Kết quả điều tra, theo dõi dịch hại ghi theo mẫu biên bản tại Phụ lục 2. b) Khi phát hiện dịch hại thuộc diện điều chỉnh hoặc sinh vật gây hại lạ thì Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phải báo cáo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, đồng thời hướng dẫn, giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý. 3. Quản lý vật thể bị nhiễm dịch, ổ dịch, vùng dịch a) Quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu bị nhiễm dịch hại thuộc diện điều chỉnh đã được xử lý tại cửa khẩu. Tiếp tục giám sát và theo dõi chặt chẽ những lô vật thể đã được xử lý tại cửa khẩu đưa về địa phương theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu. b) Quản lý các ổ dịch hại thuộc diện điều chỉnh Khi ở địa phương xuất hiện các ổ dịch hại thuộc diện điều chỉnh thì Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phải áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch hại, nhanh chóng báo cáo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, đồng thời hướng dẫn, giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý. Ở những nơi có nhiều ổ dịch xuất hiện, có nguy cơ lây lan thành vùng dịch, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền để công bố dịch theo Điều 11 của Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. c) Quản lý vùng dịch hại kiểm dịch thực vật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phải nhanh chóng xác định ranh giới vùng dịch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền công bố dịch; thiết lập các chốt kiểm dịch, quy định địa điểm kiểm dịch thực vật, thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vận chuyển từ vùng có dịch ra vùng không có dịch và thông báo cho cơ quan bảo vệ thực vật ở các vùng lân cận biết. Kiểm tra, giám sát các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch. Trường hợp những lô vật thể này chưa có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu thì Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lập biên bản vi phạm chuyển thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật để xử lý, đồng thời tiến hành làm thủ tục kiểm dịch thực vật theo quy định. d) Quản lý vùng dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật tại địa phương. Khi phát hiện các dịch hại này thì áp dụng ngay các biện pháp xử lý kịp thời. 4. Quản lý và thực hiện các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật tại địa phương Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xông hơi khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật khác tại địa phương theo quy định hiện hành. Hướng dẫn, giám sát, thực hiện các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật để diệt trừ dịch hại thuộc diện điều chỉnh tại địa phương. 5. Xây dựng và thực hiện các chương trình điều tra, giám sát dịch hại thuộc diện điều chỉnh đối với giống cây trồng nhập nội và sản phẩm thực vật bảo quản trong kho. a) Xây dựng, thực hiện các chương trình điều tra, phát hiện sớm dịch hại thuộc diện điều chỉnh tại địa phương. b) Xây dựng, thực hiện các chương trình giám sát dịch hại trên các cây trồng chính và sản phẩm thực vật lưu trữ trong kho tại địa phương theo quy định phục vụ cho việc thiết lập các vùng không nhiễm dịch hại. 6. Kiểm dịch vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Thực hiện khi được sự ủy quyền bằng văn bản của Cục Bảo vệ thực vật. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, các đơn vị trực thuộc Cục, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức, thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa theo đúng các quy định của Thông tư này. 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, quyền hạn của mình giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa theo các quy định của Thông tư này. 3. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng có trách nhiệm: a) Hướng dẫn, đôn đốc các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa; b) Tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm dịch thực vật nội địa cho các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; c) Cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh. 4. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có trách nhiệm: a) Đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập trạm kiểm dịch thực vật trực thuộc Chi cục. Trạm được đầu tư con người, trang thiết bị (theo quy định hiện hành) và kinh phí để thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa; b) Trực tiếp thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa và hướng dẫn chủ vật thể thực hiện các quy định về kiểm dịch thực vật nội địa; c) Cung cấp thông tin theo yêu cầu cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng; d) Báo cáo công tác kiểm dịch thực vật nội địa tại địa phương định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/6) và cả năm (trước ngày 20/12) cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng; đ) Được thu các loại phí và lệ phí về kiểm dịch thực vật, chế độ thu và sử dụng phí, lệ phí kiểm dịch thực vật thực hiện theo quy định hiện hành. 5. Chủ vật thể có trách nhiệm: a) Phải khai báo bằng văn bản với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về giống cây trồng nhập nội cung ứng tại địa phương (Phụ lục 3); b) Thường xuyên theo dõi tình hình dịch hại trên sản phẩm thực vật lưu trữ trong kho, trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm dịch hại thuộc diện điều chỉnh phải báo cáo kịp thời cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để kiểm tra và hướng dẫn biện pháp xử lý; c) Phải tạo điều kiện để cán bộ kiểm dịch thực vật thực thi nhiệm vụ theo quy định; d) Thực hiện các biện pháp xử lý vật thể theo hướng dẫn của cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền; đ) Cung cấp các thông tin có liên quan đến vật thể khi cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Thông tư số 73/2003/TT-BNN ngày 01 tháng 07 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa. Trong khi thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu giải quyết. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Bùi Bá Bổng PHỤ LỤC 1 (CƠ QUAN CHỦ QUẢN) (CƠ QUAN KIỂM DỊCH THỰC VẬT) ***** CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ****** ……….., ngày ….. tháng …..năm …… BIÊN BẢN ĐIỀU TRA SINH VẬT GÂY HẠI VẬT THỂ THUỘC DIỆN KIỂM DỊCH THỰC VẬT (ban hành kèm theo Thông tư số 88/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Họ tên: ........................................................................................................................................ Là cán bộ kiểm dịch thực vật (KDTV) của:....................................................................................... ................................................................................................................................................... Với sự có mặt của ông (bà):.......................................................................................................... ................................................................................................................................................... Đã tiến hành điều tra: 1. Tên cây trồng:........................................................................................................................... 2. Tại địa điểm:............................................................................................................................. 3. Nguồn gốc giống: …………………………. Thời gian nhập khẩu:.................................................... 4. Phương pháp điều tra:............................................................................................................... 5. Diện tích cây trong vùng điều tra:................................................................................................ 6. Diện tích điều tra:.................................................................................................................... 7. Diện tích điểm điều tra:............................................................................................................. 8. Số lượng cây điều tra:.............................................................................................................. 9. Số lượng mẫu thu thập:............................................................................................................ 10. Số lượng mẫu đất đã lấy:........................................................................................................ 11. Số lượng vật bị hại, bị nhiễm đã thu thập:................................................................................. .................................................................................................................................................. 12. Kết quả điều tra, phân tích giám định:....................................................................................... a) Thành phần loài và mật độ dịch hại thông thường đã phát hiện (chi tiết tại bảng mặt sau biên bản) b) Dịch hại thuộc diện điều chỉnh và mật độ đã phát hiện hoặc nghi ngờ cần định loại tiếp:................. .................................................................................................................................................. 13: Nhận xét, kết luận:................................................................................................................. .................................................................................................................................................. CHỦ VẬT THỂ HOẶC NGƯỜI CHỨNG KIẾN (Ký và ghi rõ họ tên) NGƯỜI ĐIỀU TRA (Ký và ghi rõ họ tên) Ghi chú: Đề nghị chủ vật thể tiếp tục theo dõi, khi phát hiện thấy có sinh vật gây hại lạ phải báo ngay cho cơ quan Bảo vệ và KDTV nơi gần nhất biết để xử lý. Thành phần loài dịch hại tại:.............................................................................................................. STT Tên thông thường Tên khoa học Mật độ 1 2 3 … PHỤ LỤC 2 (CƠ QUAN CHỦ QUẢN) (CƠ QUAN KIỂM DỊCH THỰC VẬT) ***** CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ****** ……….., ngày ….. tháng …..năm …… BIÊN BẢN ĐIỀU TRA SINH VẬT GÂY HẠI TRONG KHO NÔNG SẢN (ban hành kèm theo Thông tư số 88/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Họ tên: ...................................................................................................................................... Là cán bộ kiểm dịch thực vật (KDTV) của:..................................................................................... ................................................................................................................................................. Với sự có mặt của ông (bà):........................................................................................................ Đại diện cho:.............................................................................................................................. đã tiến hành điều tra: 1. Tên nông sản bảo quản:........................................................................................................... 2. Tại địa điểm:........................................................................................................................... 3. Diện tích kho: …………………………. Thể tích kho:………………..Trọng lượng hàng:................... ......... 4. Tính chất hàng (đổ rời hay đóng gói):........................................................................................ 5. Phương pháp điều tra:............................................................................................................. 6. Phương pháp lấy mẫu:............................................................................................................ 7. Số lượng mẫu ban đầu:…………………………………Trọng lượng mẫu ban đầu:.......................... 8. Số lượng mẫu trung bình:………………………Trọng lượng mẫu trung bình:.................................. 9. Số lượng vật bị hại, bị nhiễm đã thu thập:................................................................................... .................................................................................................................................................. 10. Kết quả điều tra, phân tích giám định:....................................................................................... a) Thành phần loài và mật độ dịch hại thông thường đã phát hiện: (chi tiết tại bảng mặt sau biên bản) b) Dịch hại thuộc diện điều chỉnh và mật độ đã phát hiện hoặc nghi ngờ cần định loại tiếp: .................................................................................................................................................. 11. Nhận xét, kết luận:................................................................................................................. .................................................................................................................................................. CHỦ VẬT THỂ HOẶC NGƯỜI CHỨNG KIẾN (Ký và ghi rõ họ tên) NGƯỜI ĐIỀU TRA (Ký và ghi rõ họ tên) Ghi chú: Đề nghị chủ vật thể tiếp tục theo dõi, khi phát hiện thấy có sinh vật gây hại lạ phải báo ngay cho cơ quan Bảo vệ và KDTV nơi gần nhất biết để xử lý. Thành phần loài dịch hại đã phát hiện tại kho:..................................................................................... STT Tên thông thường Tên khoa học Mật độ 1 2 3 … PHỤ LỤC 3 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NHẬP KHẨU GIỐNG CÂY TRỒNG ***** CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ****** ……….., ngày ….. tháng …..năm …… GIẤY KHAI BÁO GIỐNG CÂY TRỒNG NHẬP NỘI (ban hành kèm theo Thông tư số 88/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Kính gửi: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh ……………………….. Tổ chức/Cá nhân: ....................................................................................................................... Địa chỉ::...................................................................................................................................... Điện thoại: ………………………….. Fax: ……………………………. Email:........................................ Nhập khẩu và đưa vào gieo trồng trên địa bàn tỉnh ..................................................................... các loại giống cây trồng sau: STT Tên giống Xuất xứ Đơn vị tính Số lượng Địa điểm gieo trồng (xã, huyện) Thời gian nhập khẩu TỔ CHỨC/CÁ NHÂN KHAI BÁO (Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên) Ghi chú: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống cây trồng phải nộp giấy khai báo này cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khi đưa giống cây trồng nhập khẩu vào địa bàn tỉnh. (có thể gửi trước qua fax, email).
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "01/11/2007", "sign_number": "88/2007/TT-BNN", "signer": "Bùi Bá Bổng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-tu-26-2019-TT-BTNMT-phe-duyet-de-an-bao-cao-ket-qua-dieu-tra-co-ban-dia-chat-ve-khoang-san-432268.aspx
Thông tư 26/2019/TT-BTNMT phê duyệt đề án báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản mới nhất
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 26/2019/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN, BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN Căn cứ Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010; Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định chi tiết khoản 2 Điều 22 Luật khoáng sản năm 2010 về thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, gồm các hoạt động sau: thẩm định, phê duyệt đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (sau đây gọi chung là đề án); kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện đề án; thẩm định, phê duyệt báo cáo kết quả đề án. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản; cơ quan, đơn vị thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là các đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra, phát hiện khoáng sản cùng với việc lập bản đồ địa chất khu vực, địa chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất khoáng sản biển, bản đồ chuyên đề và nghiên cứu chuyên đề về địa chất, khoáng sản; đánh giá tiềm năng khoáng sản. 2. Cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện đề án (gọi tắt là đơn vị chủ trì) là cơ quan, đơn vị được cơ quan cấp trên giao thực hiện đề án tại Quyết định phê duyệt đề án hoặc Quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của cơ quan có thẩm quyền. 3. Cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện đề án (gọi tắt là đơn vị phối hợp) là cơ quan, đơn vị được giao thực hiện một phần của đề án tại Quyết định phê duyệt đề án hoặc Quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của cơ quan có thẩm quyền. 4. Đơn vị thi công là đơn vị (hoặc tổ, nhóm) thực hiện một số hạng mục công việc của đề án. Chương II THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN; KIỂM TRA, NGHIỆM THU VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN; THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ ÁN Mục 1. THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN Điều 4. Phân loại đề án và thẩm quyền phê duyệt 1. Đề án Chính phủ: là đề án quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 2. Đề án cấp Bộ: là đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề án do Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phê duyệt theo phân cấp hoặc ủy quyền. Điều 5. Nội dung đề án 1. Đề án bao gồm các nội dung chính sau đây: a) Cơ sở pháp lý của việc lập đề án; b) Phạm vi thực hiện (vị trí địa lý, tọa độ, diện tích khu vực điều tra); c) Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực điều tra; d) Cơ sở tài liệu địa chất, khoáng sản để lập đề án; đ) Đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; e) Hệ phương pháp kỹ thuật và khối lượng các dạng; công việc; g) Dự kiến kết quả sẽ đạt được và sản phẩm sau khi kết thúc đề án; h) Kế hoạch thi công và tiến độ thực hiện; i) Dự toán kinh phí. 2. Tùy từng trường hợp cụ thể, đề án có thể có các nội dung khác nhưng phải bảo đảm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 6. Hồ sơ trình thẩm định đề án 1. Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị thẩm định của đơn vị được giao lập đề án; b) Quyết định giao nhiệm vụ lập đề án của cấp có thẩm quyền; c) Hồ sơ thẩm định cấp cơ sở, bao gồm: biên bản hội nghị; văn bản nhận xét của tổ chức, cá nhân liên quan; giải trình và tiếp thu góp ý của đơn vị lập đề án; d) Thuyết minh đề án; các phụ lục, bản vẽ, các tài liệu kèm theo (nếu có); d) Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có). 2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành ba (03) bộ và nộp về cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề án. Điều 7. Nội dung thẩm định đề án 1. Nội dung thẩm định: a) Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn, mức độ tin cậy của thông tin địa chất, khoáng sản để lập đề án; b) Sự phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về điều tra địa chất, khoáng sản; c) Mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng nghiên cứu, tính khả thi, hiệu quả của hệ phương pháp kỹ thuật và khối lượng các dạng công việc được đề xuất; sự phù hợp với quy trình, quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành; d) Dự kiến kết quả đạt được và các sản phẩm dự kiến thành lập khi kết thúc đề án; đ) Sự phù hợp giữa khả năng thực hiện đề án, khối lượng công việc dự kiến với trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực và tiến độ thực hiện của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện đề án; e) Cơ sở lập dự toán kinh phí thực hiện đề án. 2. Nội dung thẩm định quy định tại khoản 1 Điều này được lập theo mẫu quy định tại Mẫu số 01 và Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 8. Trình tự, thời gian thẩm định đề án 1. Việc thẩm định đề án phải được thực hiện qua hai (02) cấp gồm: thẩm định cấp cơ sở và thẩm định cấp Bộ. Việc thẩm định đề án thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều này. 2. Thẩm định đề án Chính phủ a) Thẩm định cấp cơ sở: Cơ quan, đơn vị được Bộ giao quản lý, chủ trì đề án (gọi tắt là đơn vị chủ trì) phải tổ chức thẩm định ở cấp cơ sở và chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung, dự toán của đề án; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan trước khi trình Bộ thẩm định. Hội đồng thẩm định cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan được Bộ giao quản lý đề án làm chủ tịch và có ít nhất 30% thành viên là chuyên gia về chuyên môn và tối thiểu 02 ủy viên phản biện. Thời gian tổ chức Hội đồng thẩm định không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Hồ sơ họp Hội đồng gồm Phiếu đánh giá và Biên bản thẩm định của Hội đồng được lập theo mẫu quy định tại Mẫu số 03 và Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này; b) Thẩm định cấp Bộ: Đơn vị chủ trì hoàn thiện hồ sơ thẩm định cấp cơ sở, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổ chức thẩm định cấp Bộ. Trường hợp hồ sơ không đúng, đủ theo quy định, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Vụ Kế hoạch - Tài chính có văn bản thông báo cho đơn vị chủ trì để hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, đơn vị chủ trì phải hoàn thiện hồ sơ và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm: lấy ý kiến thẩm định của các Vụ chức năng, cơ quan liên quan trực thuộc Bộ; tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định cấp Bộ. Hội đồng thẩm định cấp Bộ do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách lĩnh vực làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính. Thành viên Hội đồng phải có ít nhất 30% thành viên là chuyên gia về chuyên môn và tối thiểu 02 ủy viên phản biện. Thời gian tổ chức Hội đồng thẩm định không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thẩm định, Vụ Kế hoạch - Tài chính gửi Biên bản họp Hội đồng thẩm định cho đơn vị chủ trì đề án. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Biên bản họp Hội đồng thẩm định, đơn vị chủ trì đề án hoàn thiện đề án theo kết luận của Hội đồng thẩm định, kèm theo văn bản giải trình và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính). Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, Vụ Kế hoạch - Tài chính thẩm định nội dung dự toán và báo cáo lãnh đạo Bộ để xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan, Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thảo luận, trao đổi thống nhất các nội dung tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện đề án. Thời gian tổ chức thảo luận không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Sau không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc trao đổi, thảo luận, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ văn bản yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện đề án gửi đơn vị chủ trì đề án. Sau không quá 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện đề án, đơn vị chủ trì đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án, kèm theo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, gửi về Bộ (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. 3. Thẩm định đề án cấp Bộ a) Thẩm định cấp cơ sở: Cơ quan, đơn vị được Bộ giao quản lý, chủ trì đề án phải tổ chức thẩm định ở cấp cơ sở và chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung, dự toán đề án; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan, hoàn thiện đề án trước khi trình Bộ thẩm định. Việc tổ chức Hội đồng thẩm định và thành lập hồ sơ thẩm định thực hiện như quy định đối với thẩm định cấp cơ sở đề án Chính phủ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Thời gian tổ chức Hội đồng thẩm định không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. b) Thẩm định cấp Bộ Sau khi nhận được hồ sơ của đơn vị chủ trì, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đủ, không đúng theo quy định, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Vụ Kế hoạch - Tài chính có văn bản thông báo cho đơn vị chủ trì biết để hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ và gửi về Bộ. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính lấy ý kiến thẩm định của các Vụ chức năng và các cơ quan có liên quan, tổng hợp các ý kiến thẩm định và báo cáo Thủ trưởng phụ trách lĩnh vực thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng thành lập. Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính. Thành viên Hội đồng phải có ít nhất 30% thành viên là chuyên gia về chuyên môn và tối thiểu 02 ủy viên phản biện. Thời gian tổ chức Hội đồng thẩm định không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các ý kiến thẩm định. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc sau khi họp Hội đồng, Vụ Kế hoạch -Tài chính gửi Biên bản họp Hội đồng thẩm định cho đơn vị chủ trì đề án để tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện đề án. Trường hợp không thành lập Hội đồng, trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến thẩm định của các Vụ chức năng và cơ quan liên quan, Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp, thông báo ý kiến thẩm định gửi đơn vị chủ trì đề án để hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Biên bản họp Hội đồng hoặc thông báo ý kiến thẩm định của Vụ Kế hoạch - Tài chính, đơn vị chủ trì đề án chỉnh sửa và gửi hồ sơ đề án đã hoàn thiện về Bộ. 4. Thẩm định đề án phân cấp cho Thủ trưởng đơn vị phê duyệt: thẩm định theo hai cấp. Cấp cơ sở do thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì đề án thực hiện; cấp Bộ do Thủ trưởng đơn vị được Bộ phân cấp phê duyệt thực hiện. Thủ tục, trình tự thẩm định đề án được thực hiện tương tự như quy định đối với đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng quy định tại khoản 3 Điều này. Điều 9. Phê duyệt đề án 1. Hồ sơ trình phê duyệt đề án: a) Văn bản đề nghị phê duyệt đề án của đơn vị chủ trì; b) Văn bản nhận xét, thẩm định về chuyên môn kỹ thuật, dự toán kinh tế; c) Biên bản họp Hội đồng thẩm định; d) Văn bản giải trình của đơn vị chủ trì về các nội dung đã bổ sung, sửa chữa hoàn thiện đề án; d) Đề án đã hoàn thiện. 2. Phê duyệt đề án: a) Đề án Chính phủ: sau không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đề án hoàn thiện, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các nội dung đã được chỉnh sửa, lập Phiếu trình Lãnh đạo Bộ ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. b) Đề án cấp Bộ: sau không quá 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đề án hoàn thiện, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đề án, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Quyết định phê duyệt đề án được lập theo mẫu quy định tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này; c) Đề án phân cấp cho Thủ trưởng đơn vị phê duyệt: thời gian kiểm tra, phê duyệt không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề án hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi có Quyết định phê duyệt, đơn vị được phân cấp phê duyệt có trách nhiệm gửi 02 bản Quyết định phê duyệt kèm theo đề án về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để theo dõi và quản lý. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được Quyết định phê duyệt của đơn vị, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thẩm định và phê duyệt đề án bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Trường hợp phát hiện Quyết định phê duyệt của đơn vị chưa đúng quy định hiện hành, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký văn bản yêu cầu đơn vị chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi triển khai thực hiện. Mục 2. KIỂM TRA, NGHIỆM THU VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN Điều 10. Căn cứ để tiến hành kiểm tra 1. Các văn bản pháp lý liên quan đến việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, dự toán của năm gồm: đề án địa chất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định giao kế hoạch và dự toán chi ngân sách năm; quyết định đặt hàng, giao nhiệm vụ; dự toán đã được cấp có thẩm quyền duyệt; các văn bản chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung khác. 2. Quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật (sau đây gọi tắt là quy định kỹ thuật), định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 3. Các văn bản giao nhiệm vụ thi công, bao gồm: phiếu giao việc, quyết định giao nhiệm vụ, quyết định đặt hàng, hợp đồng kinh tế - kỹ thuật. Điều 11. Trách nhiệm kiểm tra 1. Chủ nhiệm đề án phối hợp với Thủ trưởng đơn vị thi công chịu trách nhiệm tự kiểm tra 100% khối lượng các hạng mục công việc. a) Chủ nhiệm đề án chịu trách nhiệm về chất lượng thi công các hạng mục. Chủ nhiệm phải kiểm tra, đánh giá, xác nhận chất lượng trực tiếp tại các tài liệu, sản phẩm; b) Thủ trưởng đơn vị thi công chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận khối lượng các hạng mục thi công; c) Thứ trưởng đơn vị thi công phối hợp với Chủ nhiệm đề án lập bảng thống kê chi tiết khối lượng từng công trình, hạng mục công việc kèm theo báo cáo kết quả thực hiện đề án trình Hội đồng kiểm tra, nghiệm thu các cấp. 2. Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khối lượng, chất lượng, sản phẩm các hạng mục thi công, tiến độ thực hiện theo kế hoạch giao hàng năm của đề án. 3. Cơ quan quản lý cấp trên đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất một phần khối lượng hoặc toàn bộ nội dung đề án địa chất tùy theo mục đích kiểm tra sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định. Điều 12. Nội dung kiểm tra 1. Kiểm tra về kế hoạch, tiến độ, khối lượng thực hiện đề án theo nội dung và dự toán đã phê duyệt. 2. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định kỹ thuật về trình tự thi công, chất lượng thực hiện các hạng mục công việc. 3. Kiểm tra chất lượng thu thập, thành lập tài liệu, các sản phẩm. 4. Kiểm tra về an toàn lao động trong thi công. 5. Kết quả kiểm tra là một trong những căn cứ để tiến hành nghiệm thu các cấp về khối lượng, chất lượng thực hiện các đề án. Điều 13. Trình tự, thủ tục kiểm tra 1. Việc kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên trong quá trình thực hiện đối với từng đề án để phát hiện các tồn tại, sai sót trong quá trình thi công, kịp thời kiến nghị khắc phục, sửa chữa, bổ sung. 2. Đơn vị thi công thống kê đầy đủ các hạng mục, khối lượng được đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp giao thực hiện phục vụ cho việc kiểm tra. 3. Chủ nhiệm đề án phối hợp với Thủ trưởng đơn vị thi công tự kiểm tra, xác nhận chất lượng, khối lượng các hạng mục công việc; lập báo cáo kết quả thực hiện phục vụ việc kiểm tra, nghiệm thu các cấp. 4. Kiểm tra của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp: a) Thời gian kiểm tra tùy theo từng đề án cụ thể nhưng định kỳ không ít hơn 3 tháng một lần; b) Trên cơ sở báo cáo của Chủ nhiệm đề án và đơn vị thi công, Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thành lập đoàn kiểm tra. Thành phần đoàn kiểm tra gồm các cán bộ quản lý và cán bộ có chuyên môn phù hợp với nội dung hạng mục được kiểm tra; c) Trưởng đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ kiểm tra phù hợp với năng lực chuyên môn của từng thành viên tham gia kiểm tra; d) Các thành viên đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo các nội dung được phân công; lập phiếu kiểm tra theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này; chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn kiểm tra và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp về kết quả kiểm tra được phân công; đ) Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra phải thành lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản nêu rõ các hạng mục kiểm tra, đánh giá chất lượng thực hiện và các kiến nghị các biện pháp khắc phục; e) Đối với công tác thực địa, có thể kết hợp kiểm tra với nghiệm thu khối lượng. Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thành lập Hội đồng kiểm tra, nghiệm thu. 5. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan quản lý: a) Thủ trưởng cơ quan quản lý thành lập đoàn kiểm tra, thông báo cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp kế hoạch và nội dung kiểm tra; b) Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện đề án địa chất có trách nhiệm lập báo cáo về tình hình thực hiện đề án theo nội dung đà được thông báo, trình đoàn kiểm tra; c) Việc thành lập đoàn kiểm tra, nội dung phân công kiểm tra, trình tự kiểm tra thực hiện theo quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 4 Điều này. Điều 14. Cấp nghiệm thu và phân kỳ nghiệm thu 1. Nghiêm thu theo niên độ được tiến hành đối với các đề án có thời gian thực hiện trên một năm; nghiệm thu đề án hoàn thành được tiến hành đối với các đề án có thời gian thi công không quá một năm. 2. Công tác nghiệm thu được tiến hành đối với các giai đoạn thực hiện đề án có hạng mục chi gồm: lập đề án, thi công và lập báo cáo tổng kết, nộp Lưu trữ Địa chất. 3. Nghiệm thu được chia làm 2 cấp gồm nghiệm thu cấp cơ sở và nghiệm thu cấp quản lý: a) Nghiệm thu cấp cơ sở do đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp tiến hành để xác định khối lượng, chất lượng các hạng mục thi công và giá trị đề nghị thanh toán. Kết quả nghiệm thu là cơ sở để tổ chức nghiệm thu cấp quản lý; b) Nghiệm thu cấp quản lý do cơ quan quản lý tiến hành. Kết quả nghiệm thu là cơ sở để thanh toán và quyết toán kinh phí theo niên độ và nhiệm vụ hoàn thành. 4. Phân kỳ nghiệm thu: a) Nghiệm thu có thể được tiến hành nhiều đợt trong năm trên cơ sở đề nghị của đơn vị thi công và yêu cầu của công tác quản lý để nghiệm thu, xác nhận khối lượng, chất lượng và giá trị thi công hàng năm của đề án; b) Đối với nghiệm thu cấp cơ sở, không quy định số đợt nghiệm thu cụ thể đối với từng đề án nhưng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp phải nghiệm thu kịp thời, đầy đủ khối lượng các hạng mục công việc thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư này. Điều 15. Căn cứ để tiến hành nghiệm thu 1. Các văn bản pháp lý liên quan đến việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, dự toán của năm gồm: đề án địa chất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định giao kế hoạch và dự toán chi ngân sách năm; quyết định đặt hàng, giao nhiệm vụ; dự toán đà được cấp có thẩm quyền duyệt; các văn bản chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung khác. 2. Quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 3. Các văn bản giao nhiệm vụ thi công, bao gồm: phiếu giao việc, quyết định giao nhiệm vụ, quyết định đặt hàng, hợp đồng kinh tế - kỹ thuật. Đối với các công trình khoan, cụm công trình khai đào tập trung (hào, giếng, lò) phải có sơ đồ thiết kế thi công được Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp xác nhận. 4. Các tài liệu nguyên thủy, kết quả phân tích mẫu và các kết quả xử lý, tổng hợp tài liệu, các sản phẩm được thành lập trong quá trình thực hiện đề án hàng năm theo quy định hiện hành. 5. Các hồ sơ, hợp đồng, chứng từ khác có liên quan; các loại sổ sách, biểu mẫu thống kê kinh tế, tài chính được lập theo quy định hiện hành. 6. Báo cáo kết quả thực hiện (lập theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này); biên bản kiểm tra. 7. Đối với nghiệm thu cấp quản lý, đơn vị chủ trì phải có báo cáo kết quả nghiệm thu (lập theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở. 8. Các văn bản, hồ sơ, tài liệu khác có liên quan. Điều 16. Yêu cầu chất lượng của công tác nghiệm thu 1. Đánh giá trình tự, chất lượng, hiệu quả của việc thi công các phương pháp kỹ thuật - công nghệ, các hạng mục công trình theo đề án được phê duyệt. 2. Đánh giá việc tuân thủ các quy định kỹ thuật, tính trung thực trong việc thu thập, thành lập tài liệu; tính đúng đắn, khoa học trong việc phân tích, xử lý và tổng hợp số liệu; chất lượng sản phẩm. 3. Xác nhận khối lượng các hạng mục công việc đã thực hiện đạt yêu cầu chất lượng. Tại các phiếu nghiệm thu phải ghi đầy đủ danh mục các tài liệu, bản vẽ, sản phẩm là cơ sở xác nhận khối lượng thực hiện. 4. Đánh giá độ tin cậy, tính chính xác của các kết quả điều tra địa chất; các phát hiện mới về địa chất, khoáng sản; các kết luận về đặc điểm địa chất, khoáng sản và các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của đối tượng điều tra. 5. Đánh giá việc thực hiện các chế độ chính sách lao động, tài chính và các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành. 6. Đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của các kết quả đạt được. 7. Đối với các công trình, hạng mục thực hiện theo hợp đồng thì phải nghiệm thu theo hợp đồng. 8. Việc đánh giá phải dựa trên cơ sở đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; các quy định kỹ thuật; định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành liên quan đến hạng mục thi công. 9. Kết quả nghiệm thu được đánh giá theo ba mức, gồm: đạt, chưa đạt, không đạt. Trường hợp đạt yêu cầu chất lượng, cơ quan nghiệm thu xác nhận khối lượng thực hiện; trường hợp chưa đạt, cơ quan nghiệm thu phải xác định rõ các yêu cầu về nội dung và thời hạn bổ sung hoàn thiện hoặc tỷ lệ khối lượng được nghiệm thu; trường hợp không đạt, cơ quan nghiệm thu phải xác định rõ nguyên nhân, khối lượng hủy bỏ, kiến nghị biện pháp xử lý. Điều 17. Hồ sơ nghiệm thu 1. Hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở: a) Phiếu nghiệm thu công trình khoan máy (Mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này); phiếu nghiệm thu công trình khai đào (Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này); phiếu nghiệm thu sản phẩm, hạng mục công việc (Mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này); b) Biên bản nghiệm thu cấp cơ sở (Mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành và đề nghị nghiệm thu, thanh toán (Mẫu số 14 ban hành kèm theo Thông tư này). 2. Hồ sơ nghiêm thu cấp quản lý: a) Phiếu nghiệm thu công trình khoan máy (Mẫu số 15 ban hành kèm theo Thông tư này); phiếu nghiệm thu công trình khai đào (Mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư này); phiếu nghiệm thu hạng mục công việc, sản phẩm (Mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư này); b) Biên bản nghiệm thu cấp quản lý (Mẫu số 18 ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo bảng xác định khối lượng, giá trị công việc được nghiệm thu, thanh toán (Mẫu số 19 ban hành kèm theo Thông tư này). Điều 18. Trách nhiệm nghiệm thu cấp cơ sở 1. Đơn vị thi công thống kê đầy đủ các hạng mục, khối lượng được giao thực hiện phục vụ cho việc nghiệm thu. Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, chứng từ phục vụ cho việc nghiệm thu. 2. Chủ nhiệm đề án phối hợp với Thủ trưởng đơn vị thi công lập báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phục vụ nghiệm thu cấp cơ sở. Báo cáo phải nêu rõ hình hình thực hiện, khối lượng, chất lượng thực hiện các hạng mục; mức độ khắc phục, sửa chữa các sai sót, tồn tại của các kiến nghị kiểm tra trước đó; các kết quả đạt được; mức độ hoàn thành kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ được giao. a) Chủ nhiệm đề án chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị chủ trì và trước pháp luật về chất lượng các hạng mục công việc trình nghiêm thu; b) Thủ trưởng đơn vị thi công chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị chủ trì và trước pháp luật về khối lượng các hạng mục công việc trình nghiệm thu. 3. Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp: a) Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đối với từng đề án địa chất; b) Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp phải nghiệm thu 100% khối lượng và chất lượng từng hạng mục công việc được thi công; c) Đối với các công trình khoan, hào, lò, giếng, đo địa vật lý tại các khu vực thi công tập trung theo mạng lưới gồm: khu vực điều tra khoáng sản chi tiết tỷ lệ 1:10.000; đánh giá khoáng sản tỷ lệ 1:5.000 hoặc lớn hơn, phải nghiệm thu tại thực địa 100% khối lượng công việc hoàn thành. Trong đó, không ít hơn 25% khối lượng nghiệm thu ngay sau khi kết thúc thi công; d) Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về chất lượng, tính đúng đắn, trung thực, khách quan của kết quả nghiệm thu cấp cơ sở. Trường hợp có những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp phải báo cáo kịp thời cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để giải quyết; đ) Kết thúc kỳ nghiệm thu cuối năm, đơn vị chủ trì phải xác định khối lượng, giá trị thực hiện đề án trong năm đề nghị nghiệm thu cấp quản lý, thanh, quyết toán. Điều 19. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở 1. Hội đồng nghiệm thu a) Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thành lập. b) Thành phần Hội đồng gồm 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 Thư ký; các Ủy viên gồm các cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn phù hợp với đề án được nghiệm thu. Đơn vị thi công, Chủ nhiệm đề án và những người trực tiếp thi công không được tham gia thành viên của Hội đồng. 2. Trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu a) Các Ủy viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về tính trung thực, khách quan của kết quả nghiệm thu các hạng mục công việc được giao nghiệm thu; b) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và trước pháp luật về chất lượng, tính trung thực, khách quan của các kết quả nghiệm thu. Điều 20. Thủ tục, trình tự nghiệm thu cấp cơ sở 1. Đơn vị thi công có đề nghị nghiệm thu bằng văn bản. 2. Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thành lập hội đồng nghiệm thu, thông báo cho chủ nhiệm đề án và đơn vị thi công kế hoạch nghiệm thu. 3. Hội đồng tiến hành nghiệm thu các hạng mục công việc theo đề nghị của đơn vị thi công: a) Chủ nhiệm đề án và đơn vị thi công trình Hội đồng báo cáo kết quả thực hiện và các văn bản, tài liệu liên quan theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này; b) Các Ủy viên hội đồng tiến hành nghiệm thu từng hạng mục công việc theo phân công và thành lập các phiếu nghiệm thu; c) Khi họp Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Hội đồng có mặt, Chủ nhiệm đề án, đại diện đơn vị thi công tham dự để thông qua biên bản nghiệm thu; d) Hội đồng thành lập hồ sơ nghiệm thu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư này; đ) Trong quá trình nghiệm thu, trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể tổ chức kiểm tra thực địa. Việc kiểm tra thực địa được thực hiện như quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này. 4. Kết thúc mỗi đợt nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp kết quả nghiệm thu. 5. Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp tổng hợp kết quả các đợt nghiệm thu cấp cơ sở, thành lập báo cáo kết quả nghiệm thu, trình Hội đồng nghiệm thu cấp quản lý. Điều 21. Trách nhiệm nghiệm thu cấp quản lý 1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp (hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ nghiệm thu) có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu cấp quản lý theo đề nghị của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện đề án. 2. Nghiệm thu chất lượng các dạng công việc: a) Để đánh giá chất lượng các dạng công việc, Hội đồng sẽ tiến hành kiểm tra xác suất một số hạng mục công việc. Các hạng mục công việc được lựa chọn để kiểm tra xác suất phải có tính đặc trưng, đại diện hoặc là những hạng mục công việc chính, có khối lượng lớn của đề án. b) Trường hợp có nhiều đơn vị tham gia thực hiện các hạng mục có liên quan đến việc đánh giá chất lượng đề án, phải nghiệm thu đồng thời các đơn vị thực hiện để đánh giá đầy đủ khối lượng, chất lượng thực hiện của đề án. 3. Xác định khối lượng các hạng mục công việc thực hiện: a) Hội đồng nghiệm thu công nhận toàn bộ hoặc một phần khối lượng hạng mục công việc thực hiện dựa trên tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng các hạng mục nghiệm thu xác suất đạt yêu cầu chất lượng; b) Những hạng mục không nghiệm thu xác suất, khối lượng được xác định theo kết quả nghiệm thu cấp cơ sở; c) Trường hợp khối lượng thực hiện vượt dự toán được duyệt không quá 10%, Hội đồng sẽ xem xét về cơ sở pháp lý; sự cần thiết, phù hợp về yêu cầu kỹ thuật và chất lượng thi công để nghiệm thu, công nhận khối lượng vượt dự toán và kiến nghị chuyển sang năm tiếp theo thanh toán. 4. Xác định sự phù hợp của đơn giá với các điều kiện thi công cụ thể: Hội đồng xem xét các điều kiện thi công thực tế, đối chiếu với điều kiện thi công theo đề án đã được phê duyệt để xác định đơn giá theo điều kiện thi công cụ thể. 5. Xác định giá trị thực hiện: giá trị thực hiện được Hội đồng nghiệm thu công nhận và đề nghị thanh toán được xác định theo quy định hiện hành về lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên và môi trường. Điều 22. Hội đồng nghiệm thu cấp quản lý 1. Thành lập Hội đồng a) Hội đồng nghiệm thu cấp quản lý do Thủ trưởng cơ quan quản lý quyết định thành lập; b) Hội đồng gồm có Chủ tịch, một Phó Chủ tịch, Thư ký và một số Ủy viên có chuyên môn về quản lý, kỹ thuật, kế hoạch, tài chính phù hợp với đề án được nghiệm thu. Mỗi chuyên môn không quá 2 ủy viên Hội đồng. c) Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đơn vị thi công, chủ nhiệm đề án không được tham gia thành phần của Hội đồng. 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng a) Hội đồng có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả thi công đề án địa chất theo Quyết định thành lập Hội đồng; b) Hội đồng có quyền yêu cầu đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện, Chủ nhiệm đề án cung cấp đầy đủ các tài liệu, hồ sơ liên quan để kiểm tra, đánh giá chất lượng, khối lượng thi công đề án; c) Các Ủy viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về chất lượng nghiệm thu các hạng mục được phân công; d) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý và trước pháp luật về tính đúng đắn, khách quan của kết quả nghiệm thu, Điều 23. Thủ tục, trình tự nghiệm thu cấp quản lý 1. Đơn vị chủ trì có đề nghị nghiệm thu bằng văn bản, kèm theo hồ sơ nghiệm thu cơ sở về đơn vị giúp việc. 2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thành lập hội đồng nghiệm thu và thông báo cho đơn vị chủ trì kế hoạch nghiệm thu. 3. Hội đồng tiến hành nghiệm thu: a) Hội đồng tiến hành nghiệm thu khi có mặt ít nhất 2/3 (hai phần ba) số Ủy viên theo quyết định thành lập Hội đồng; b) Chủ nhiệm đề án, đơn vị thi công báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện đề án và các kết quả đạt được; c) Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp báo cáo kết quả nghiệm thu cấp cơ sở; d) Các Ủy viên Hội đồng tiến hành nghiệm thu xác suất các hạng mục công việc theo phân công của Chủ tịch Hội đồng và lập các phiếu nghiệm thu; đ) Hội đồng tiến hành họp, có sự tham dự của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, Chủ nhiệm đề án, đơn vị thi công để thảo luận và thông qua biên bản nghiệm thu. Trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể tổ chức họp kín trước khi đưa ra thảo luận và thông qua biên bản nghiệm thu. e) Hội đồng thành lập hồ sơ nghiệm thu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư này, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý kết quả nghiệm thu. g) Trong quá trình nghiệm thu, trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể tổ chức kiểm tra thực địa. Việc kiểm tra thực địa được thực hiện như quy định tại khoản 5 Điều 13 Thông tư này. Mục 3. THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ ÁN ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN Điều 24. Hồ sơ trình thẩm định báo cáo 1. Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị thẩm định của đơn vị chủ trì; b) Quyết định phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh đề án của cấp có thẩm quyền và các văn bản khác có liên quan; c) Biên bản nghiệm thu và xác nhận thanh toán của Kho bạc Nhà nước; d) Hồ sơ thẩm định cấp cơ sở: biên bản hội nghị, hội thảo; văn bản nhận xét của tổ chức, cá nhân liên quan; giải trình và tiếp thu góp ý của đơn vị lập báo cáo; đ) Báo cáo kết quả; phụ lục, bản vẽ và các tài liệu khác kèm theo. 2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành 03 bộ và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo. Điều 25. Nội dung báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản 1. Báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (sau đây gọi tắt là báo cáo) bao gồm các nội dung chính sau đây: a) Cơ sở pháp lý lập báo cáo; b) Mức độ thực hiện các nhiệm vụ theo đề án được phê duyệt; c) Phương pháp kỹ thuật chủ yếu đã tiến hành và tính hiệu quả; khối lượng công việc đã thực hiện, những thay đổi so với thiết kế ban đầu; nguyên nhân và cơ sở pháp lý; d) Kết quả về địa chất, khoáng sản, mức độ hoàn thành so với mục tiêu đề án đã được phê duyệt; đ) Tồn tại, nguyên nhân và đề xuất; e) Tổng hợp chi phí đã thực hiện. 2. Tùy từng trường hợp cụ thể, báo cáo có thể có các nội dung khác nhưng phải bảo đảm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 26. Nội dung thẩm định báo cáo 1. Nội dung thẩm định báo cáo bao gồm: a) Cơ sở, độ tin cậy của tài liệu thu thập, xử lý, tổng hợp để lập báo cáo; b) Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của các phương pháp kỹ thuật - công nghệ đã áp dụng; c) Độ tin cậy, tính chính xác của các kết quả điều tra; các kết luận được nêu trong báo cáo; d) Mức độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của các kết quả đạt được; đ) Cấu trúc, hình thức báo cáo, số lượng, chất lượng các sản phẩm giao nộp theo các quy định hiện hành liên quan. 2. Nội dung thẩm định quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản theo mẫu quy định tại Mẫu số 20 và Mẫu số 21 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 27. Trình tự, thời gian thẩm định báo cáo 1. Trình tự thẩm định, Hội đồng thẩm định báo cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này. Phiếu đánh giá và Biên bản thẩm định của Hội đồng được lập theo quy định tại Mẫu số 22 và Mẫu số 23 ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Thời gian thẩm định không quá 35 ngày làm việc đối với báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. 3. Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày có Biên bản họp Hội đồng, đơn vị chủ trì có trách nhiệm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo. 4. Trường hợp báo cáo được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân cấp, ủy quyền phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị quy định trình tự, thời gian thẩm định nhưng không được vượt quá thời gian quy định tại khoản 2 Điều này. Điều 28. Phê duyệt báo cáo 1. Thẩm quyền phê duyệt báo cáo: a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo đối với đề án Chính phủ; b) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với đề án cấp Bộ; c) Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phê duyệt báo cáo đối với đề án theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2. Hồ sơ trình phê duyệt báo cáo a) Văn bản đề nghị phê duyệt báo cáo của đơn vị chủ trì; b) Văn bản thẩm định báo cáo kết quả về chuyên môn kỹ thuật, kinh tế; c) Biên bản họp Hội đồng thẩm định; d) Văn bản giải trình của đơn vị chủ trì về các nội dung đã bổ sung, sửa chữa hoàn thiện báo cáo; đ) Báo cáo hoàn thiện. 3. Phê duyệt báo cáo: a) Đề án Chính phủ: Vụ Kế hoạch - Tài chính tiếp nhận, kiểm tra báo cáo hoàn thiện, trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian kiểm tra, trình phê duyệt không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận báo cáo hoàn thiện; b) Đề án cấp Bộ: Vụ Kế hoạch - Tài chính tiếp nhận, kiểm tra báo cáo hoàn thiện, trình Bộ trưởng phê duyệt. Thời gian kiểm tra, trình phê duyệt không quá 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận báo cáo hoàn thiện. Quyết định phê duyệt báo cáo được lập theo mẫu quy định tại Mẫu số 24 ban hành kèm theo Thông tư này; c) Đề án theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thủ trưởng đơn vị phê duyệt báo cáo theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian kiểm tra, trình phê duyệt không quá 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận báo cáo hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi có Quyết định phê duyệt, đơn vị có trách nhiệm gửi 02 bản Quyết định phê duyệt kèm theo các hồ sơ liên quan về Bộ Tài nguyên và Môi trường để quản lý. Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 29. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 02 năm 2020. 2. Các Thông tư sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, gồm: a) Thông tư số 11/2009/TT-BTNM ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định công tác nghiệm thu kết quả thi công và thẩm định các dự án, báo cáo thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản; b) Thông tư số 66/2014/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Điều 30. Tổ chức thực hiện 1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT; - Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT Cổng TTĐT Bộ TN&MT; - Lưu: VT, ĐCKS, PC. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Quý Kiên Mẫu số 01. Mẫu văn bản thẩm định nội dung kỹ thuật thuyết minh đề án (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số……./ĐC Địa danh, ngày tháng năm…… VĂN BẢN THẨM ĐỊNH NỘI DUNG KỸ THUẬT THUYẾT MINH ĐỀ ÁN Tên đề án: Chủ nhiệm; Đơn vị chủ trì: Thành viên Tổ kiểm tra (thẩm định) gồm: ....................................................................... ................................................................................................................................... Nội dung kiểm tra (thẩm định): 1. Về tính cấp thiết của đề án. 2. Cơ sở pháp lý, cơ sở tài liệu, mức độ tin cậy của các thông tin để lập đề án - Cơ sở pháp lý. - Cơ sở tài liệu địa chất, khoáng sản. 3. Nội dung công việc, giải pháp kỹ thuật công nghệ, khối lượng sản phẩm 3.1. Nội dung công việc và các giải pháp kỹ thuật công nghệ. 3.2. Hệ phương pháp, khối lượng và điều kiện thi công. 4. Sản phẩm dự kiến hoàn thành. 5. Tổ chức thực hiện, tiến độ thi công và tính khả thi, hiệu quả của đề án. 6. Kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện. 7. Đánh giá chung: - Đề án đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu. - Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua. - Ý kiến khác. Những người thẩm định Nguyễn Văn A, tổng hợp Nguyễn Văn B Nguyễn Văn C CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH (xác nhận) Mẫu số 02. Mẫu văn bản thẩm định dự toán kinh tế đề án (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số……./KH-TC Địa danh, ngày tháng năm…… VĂN BẢN THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN KINH TẾ ĐỀ ÁN Tên đề án: Chủ nhiệm: Đơn vị chủ trì: Thành viên Tổ thẩm định gồm: ..................................................................................... ................................................................................................................................... Nội dung thẩm định: 1. Về tính cấp thiết của đề án. 2. Cơ sở pháp lý, cơ sở tài liệu, mức độ tin cậy của các thông tin để lập đề án. 3. Dự toán kinh tế 3.1. Các căn cứ lập dự toán. 3.2. Tính hợp lý của danh mục công việc trong dự toán so với quy định hiện hành về lập dự toán. 3.3. Sự phù hợp khối lượng hạng mục công việc đưa vào tính dự toán so với khối lượng thiết kế của đề án. 3.4. Đánh giá mức độ hợp lý của đơn giá các hạng mục công việc trong dự toán. 3.5. Giá trị dự toán của đề án ……………………………………………………………………….. 4. Kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện. 5. Đánh giá chung - Đề án đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu. - Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua. Những người thẩm định Nguyễn Văn A, tổng hợp Nguyễn Văn B Nguyễn Văn C CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH (xác nhận) Mẫu số 03. Mẫu phiếu đánh giá đề án (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Địa danh, ngày tháng năm…… PHIẾU ĐÁNH GIÁ ĐỀ ÁN Tên đề án: Đơn vị chủ trì: Chủ nhiệm: Ủy viên Hội đồng: Đơn vị công tác: Các chỉ tiêu đánh giá: 1. Về sự cần thiết và tính cấp bách của đề án: □ Có □ Chưa có 2. Cơ sở pháp lý: □ Đủ □ Chưa đủ 3. Cơ sở tài liệu để lập đề án 4. Các nhiệm vụ cụ thể 5. Hệ phương pháp kỹ thuật 6. Khối lượng công việc: 7. Sản phẩm dự kiến giao nộp 8. Căn cứ, phương pháp và nội dung xác định dự toán kinh phí 9. Tính khả thi và tính hiệu quả của đề án 10. Kiến nghị 11. Đánh giá chung: □ Thông qua □ Thông qua có sửa chữa □ Không thông qua Ủy viên Hội đồng (Ký) Mẫu số 04. Mẫu biên bản họp hội đồng thẩm định đề án (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …../BBTĐ Địa danh, ngày tháng năm…… BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ĐỀ ÁN Tên đề án: Chủ nhiệm: Đơn vị chủ trì: Thành phần tham dự: - Số ủy viên Hội đồng tham dự: / tổng số ủy viên Hội đồng (kèm theo quyết định số .... ngày …./…./….. của Thủ trưởng cơ quan chủ quản đầu tư, có danh sách kèm theo), khách mời tham gia Hội đồng. - Các ủy viên Hội đồng vắng mặt: - Về phía đơn vị chủ trì, có ……………….. I. Nội dung hội nghị: 1. Chủ nhiệm đề án trình bày những nội dung cơ bản của đề án 2. Cơ quan thẩm định trình bày các văn bản thẩm định đề án (có các văn bản thẩm định kèm theo) 3. Hội nghị trao đổi, thảo luận những vấn đề sau: 4. Hội nghị thống nhất kết luận như sau: 4.1. Về sự cần thiết và tính cấp bách của đề án: 4.2. Về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn, mức độ tin cậy của các thông tin dữ liệu để lập đề án: - Cơ sở pháp lý - Cơ sở khoa học và thực tiễn, mức độ tin cậy của các tài liệu 4.3. Nội dung công việc, giải pháp kỹ thuật công nghệ, khối lượng - Nội dung công việc và các giải pháp kỹ thuật công nghệ - Hệ phương pháp, khối lượng công việc (phương tiện, thiết bị, điều kiện thi công) 4.4. Sản phẩm dự kiến giao nộp 4.5. Tổ chức thực hiện và tiến độ thi công 4.6. Tính khả thi và tính hiệu quả của đề án 4.7. Dự toán kinh phí II. Đánh giá chung: - Hội đồng thông qua đề án: số phiếu thông qua /tổng số phiếu đánh giá. - Hội đồng thông không qua: số phiếu không thông qua /tổng số phiếu đánh giá. III. Kiến nghị của Hội đồng THƯ KÝ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG Mẫu số 05. Mẫu quyết định phê duyệt đề án (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /QĐ-BTNMT Hà Nội, ngày tháng năm 201 QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt nội dung và dự toán đề án ... BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG* Căn cứ Nghị định số…………………………………… của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Căn cứ Quyết định số….; Căn cứ Thông tư số....; Xét đề nghị của Đơn vị ...tại Tờ trình số .../ ngày... về việc phê duyệt đề án Theo đề nghị của Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Tài chính,..., QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt nội dung và dự toán đề án ....với các nội dung chính như sau: 1. Mục tiêu 2. Nhiệm vụ 3. Phạm vi thực hiện đề án 4. Đơn vị chủ trì đề án 5. Sản phẩm của đề án 6. Thời gian thực hiện 7. Nội dung, khối lượng, dự toán kinh phí hạng mục công việc (Tùy loại đề án có thể chi tiết bằng phụ lục cho phù hợp) TT Nội dung hạng mục công việc Đơn vị tính Khối lượng Đơn giá Thành tiền Phân kỳ kinh phí Ghi chú Năm... Năm ... 1 2 8. Tổng dự toán kinh phí: (bằng số ... và bằng chữ ... ) và phân kỳ thực hiện: 9. Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp.... (Loại..., khoản ...) do Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí theo kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm. 10. Tổ chức thực hiện Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng Đơn vị (chủ trì thực hiện đề án) và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 2; - Bộ/ngành liên quan khác (nếu có); - Lưu VP, Vụ TC, KH. BỘ TRƯỞNG ________________ * Trường hợp do Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phê duyệt theo phân cấp, ủy quyền thì mẫu văn bản có thể được thay đổi cho phù hợp Mẫu số 06: Phiếu kiểm tra (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- PHIẾU KIỂM TRA Tên đề án: ................................................................................................................... Đơn vị thi công: .......................................................................................................... Đơn vị chủ trì (phối hợp): ............................................................................................. Họ tên người kiểm tra: ................................................................................................. Chức vụ: ..................................................................................................................... Đơn vị công tác (của người kiểm tra): .......................................................................... 1. Tài liệu (hạng mục công việc, sản phẩm) kiểm tra: - ................................................................................................................................. - ................................................................................................................................. - ................................................................................................................................. 2. Đánh giá khối lượng, chất lượng: ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... 3. Kết luận và kiến nghị ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... Địa danh, ngày….tháng....năm….. Người kiểm tra (Ký, ghi rõ họ và tên) Mẫu số 07: Biên bản kiểm tra (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN CHỦ QUẢN ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ (PHỐI HỢP) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……, ngày tháng năm 20… BIÊN BẢN KIỂM TRA Đề án “………………………………………………” Thực hiện Quyết định số…… ngày ... tháng ... năm 20.. của ……………………… về việc kiểm tra đề án………, từ ngày .... đến ngày ... tháng ... năm 20..., Đoàn kiểm tra ………… đã tiến hành kiểm tra công tác (thực địa, văn phòng,...) đề án do đơn vị ……. thực hiện (chủ trì). I. Thành phần đoàn kiểm tra: II. Đơn vị thi công (chủ trì): III. Nội dung kiểm tra, tài liệu kiểm tra (thống kê danh mục các hạng mục, tài liệu kiểm tra, nội dung kiểm tra): IV. Đánh giá của đoàn kiểm tra 1. Những kết quả đề án đạt được (ưu điểm): 2. Những vấn đề còn tồn tại: V. Kiến nghị của đơn vị VI. Kết luận và kiến nghị của Đoàn kiểm tra 1. Kết luận 2. Kiến nghị a) Đối với đơn vị chủ trì (thi công). b) Đối với Tổng cục. c) ………………………… Biên bản này được lập thành X bản, gửi Lãnh đạo Tổng cục (để báo cáo) và các đơn vị liên quan (………) để phối hợp chỉ đạo, thực hiện./. Trưởng Đoàn kiểm tra (Ký, họ tên) Đại diện Đơn vị chủ trì (Ký, tên, đóng dấu) Mẫu số 08: Báo cáo kết quả thực hiện (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) MỞ ĐẦU - Nêu đầy đủ các văn bản là cơ sở pháp lý thực hiện kế hoạch năm; - Mục tiêu, nhiệm vụ của năm kế hoạch. I. Tình hình thực hiện 1. Các hạng mục, khối lượng đã thực hiện, tỷ lệ hoàn thành; 2. Quá trình thực hiện: nêu rõ trình tự, tiến độ thực hiện các phương pháp, khối lượng; những vấn đề phát sinh làm thay đổi khối lượng, hạng mục, trình tự, tiến độ thực hiện so với kế hoạch được phê duyệt ban đầu, nguyên nhân. II. Kết quả đạt được Nêu khái quát các kết quả đạt được về địa chất, khoáng sản, mức độ hoàn thành so với mục tiêu, nhiệm vụ được giao. III. Giá trị thực hiện đề nghị nghiệm thu, thanh toán - Giải trình việc thực hiện vượt (hoặc không đạt) khối lượng theo kế hoạch được giao (nếu có); - Lập bảng thống kê khối lượng, giá trị đã thực hiện để nghị nghiệm thu; đề nghị thanh toán. IV. Khó khăn, bắt cập, tồn tại Nêu các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; các tồn tại về địa chất, khoáng sản cần giải quyết. V. Dự kiến kế hoạch thi công bước tiếp theo Đối với báo cáo kết quả trình nghiệm thu cuối năm cần lập kế hoạch thi công của năm tiếp theo, bao gồm: dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ; các phương pháp, khối lượng chủ yếu để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ dự kiến và giải quyết các tồn tại về địa chất, khoáng sản đã nêu. KẾT LUẬN - Xác định mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao; các kết quả chính đã đạt được, - Kiến nghị cấp thẩm quyền về giải quyết những khó khăn, bất cập nêu trên. Phụ lục kèm theo: Thống kê các tài liệu, sản phẩm đã thành lập theo quy định trình Hội đồng nghiệm thu. Mẫu số 09: Báo cáo kết quả nghiệm thu cấp cơ sở (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) A. Thông tin chung về công tác nghiệm thu đề án 1. Tên đề án; 2. Chủ nhiệm: 3. Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp: nêu đầy đủ các đơn vị tham gia thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể (địa chất, địa vật lý, công trình, phân tích mẫu,...). 4. Quá trình nghiệm thu: nêu rõ đơn vị chủ trì đã tiến hành mấy đợt nghiệm thu, địa điểm, nội dung nghiệm thu. B. Kết quả nghiệm thu I. Đánh giá kết quả thực hiện (nếu có nhiều đơn vị tham gia thi công, có thể đánh giá riêng phần công việc của từng đơn vị) I.1. Trình tự thi công và chất lượng thi công: Đánh giá về trình tự thi công các phương pháp, các hạng mục; chất lượng của các loại tài liệu, số liệu đã được thu thập, xử lý và tổng hợp. I.2. Đánh giá các kết quả đạt được, các phát hiện mới về địa chất, khoáng sản I.3. Đánh giá chất lượng, nội dung, hình thức các sản phẩm thành lập. II. Đánh giá về tính hợp pháp, hợp lệ, sự đầy đủ của các lài liệu, chứng từ liên quan đến các khối lượng đã hoàn thành. III. Xác nhận khối lượng và giá trị các hạng mục đạt chất lượng được nghiệm thu, đề nghị thanh toán; xác nhận các khối lượng, hạng mục thay đổi, vượt kế hoạch (nếu có) cần thiết phải thực hiện và phù hợp quy định kỹ thuật, phù hợp thực tế. IV. Những vấn đề tồn tại - Nêu những vấn đề tồn tại trong quá trình thi công; thu thập, xử lý, tổng hợp, thành lập tài liệu, chất lượng các sản phẩm,... - Xác định các khối lượng không đạt yêu cầu, đề nghị không thanh toán. V. Đánh giá chung: - Đánh giá chung về chất lượng thi công. - Xếp loại (trung bình, khá, tốt). C. Kiến nghị - Kiến nghị với đơn vị chủ trì (bổ sung, sửa chữa hoàn thiện tài liệu, chứng từ, sổ sách,...); - Kiến nghị cơ quan quản lý nghiệm thu, thanh toán,... Mẫu số 10. Phiếu nghiệm thu công trình khoan máy (nghiệm thu cấp cơ sở) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ (ĐƠN VỊ PHỐI HỢP) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:……………/NTCS Địa danh, ngày … tháng … năm …… PHIẾU NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH KHOAN MÁY Ký hiệu lỗ khoan: ……………, Đề án………………………………, năm………… - Căn cứ thiết kế thi công lỗ khoan số ………….. đã được (Liên đoàn, Tổng cục,...) xác nhận,... - Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….. A. Thành phần tham gia nghiệm thu: 1. Cán bộ nghiệm thu: ghi đầy đủ danh sách cán bộ tham gia nghiệm thu công trình khoan (họ tên, học vị, chức vụ, đơn vị công tác). 2. Chủ nhiệm đề án (hoặc chủ nhiệm dự án thành phần): 3. Đơn vị thi công: - Đại diện đơn vị thi công: - Tổ trưởng khoan: - Kỹ thuật địa chất: B. Kết quả nghiệm thu 1. Thông tin chung: - Khởi công: ngày ....tháng……năm…….; kết thúc: ngày ....tháng……năm…….. - Độ sâu kết thúc: ........................................................................................................ - Lý do kết thúc: .......................................................................................................... - Thời gian nghiệm thu: từ ngày……tháng…..năm……… đến ngày…..tháng…..năm……… - Tài liệu kèm theo (ghi cụ thể từng loại tài liệu được thành lập, số lượng), Ví dụ: sổ theo dõi khoan: 1 quyển (số...); cột địa tầng lỗ khoan: 1 bản vẽ (LK...); ảnh chụp vị trí LK: 1 ảnh; khay mẫu: 10 ảnh); ảnh nghiệm thu thực địa (nếu có);... 2. Chất lượng khoan (đánh giá chất lượng (đạt, chưa đạt, không đạt) đối với từng mục dưới đây: - Sự phù hợp về vị trí và phương vị lỗ khoan so với thiết kế: ........................................ - Chất lượng lấy mẫu: .................................................................................................. + Qua đất đá:……….mét; lấy được:…………..mét; đạt …………..%. + Qua quặng, khoáng hóa: …………..mét; lấy được: …………….mét; đạt ……………..%. - Các đánh giá khác: ống chống, dung dịch, cấp nước, ................................................ 3. Các công tác kỹ thuật đã được thực hiện tại lỗ khoan (ghi rõ phương pháp, khối lượng và đánh giá chất lượng của từng dạng công việc): - Đo địa vật lý lỗ khoan: ………………………………………… - Lấy mẫu:………………………….; số lượng: ………………… - Nghiên cứu ĐCTV-ĐCCT: ……………………………… - Lấp lỗ khoan (phương pháp, vật liệu sử dụng,...):....................................................... - Xây mốc lỗ khoan (kích thước, khối lượng vật liệu sử dụng,...):................................... 4. Chất lượng thu thập và thành lập tài liệu: .................................................................. ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... 5. Khối lượng nghiệm thu (ghi rõ khối lượng khoan hiệp ngắn, hiệp dài theo độ sâu): TT Chiều sâu (m) Đường kính lỗ khoan (mm) Khối lượng thực hiện (m) Khối lượng được nghiệm thu (m) Cấp đất đá được nghiệm thu Từ Đến 1 Khối lượng khoan: Xm (hiệp ngắn: Ym, độ sâu từ ... đến...; hiệp dài: Zm, độ sâu từ ... đến...) 6. Các yếu tố địa chất làm thay đổi giá dự toán so với thực tế: ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... 7. Khối lượng không được thanh toán:…………………mét Nguyên nhân: .............................................................................................................. ................................................................................................................................... 8. Kết luận chung về mức độ hoàn thành công trình và đề nghị thanh toán: ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... Tổ trưởng khoan (Ký, họ tên) Kỹ thuật địa chất (Ký, họ tên) Chủ nhiệm đề án (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị thi công (Ký, họ tên) Cán bộ nghiệm thu (Ký, họ tên) Mẫu số 11. Phiếu nghiệm thu công trình khai đào, khoan tay (nghiệm thu cấp cơ sở) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………………/NTCS Địa danh, ngày … tháng … năm…… PHIẾU NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH* Tên, ký hiệu công trình:………………… Đề án………………………., năm…….. - Căn cứ sơ đồ thiết kế thi công khu vực điều tra (đánh giá) khoáng sản (tên vùng) …………… đã được đơn vị (Liên đoàn, Tổng cục,...) xác nhận**. - Căn cứ ……………………………………………………………………………………………… A. Thành phần tham gia nghiệm thu 1. Cán bộ nghiệm thu: ghi đầy đủ danh sách cán bộ tham gia nghiệm thu công trình (họ tên, học vị, chức vụ, đơn vị công tác). 2. Chủ nhiệm đề án: …………………………………… 3. Đơn vị thi công: - Đại diện đơn vị thi công: ……………………………………. - Kỹ thuật địa chất: ……………………………………………. - Kỹ thuật thi công: ……………………………………………. B. Kết quả nghiệm thu 1. Thông tin chung: - Khởi công: ngày ....tháng…..năm….; kết thúc: ngày ....tháng…năm…… - Độ sâu kết thúc: ………………………………………………………………………………….. - Lý do kết thúc: ……………………………………………………………………………………. - Thời gian nghiệm thu: từ ngày…..tháng……năm……. đến ngày……tháng…..năm……. - Tài liệu, kèm theo (ghi cụ thể từng loại tài liệu được thành lập, số lượng). Ví dụ: bản vẽ hào, mô tả hào: 1 bản; ảnh chụp vị trí hào, vị trí lấy mẫu, ảnh nghiệm thu thực địa (nếu có):…; 2. Đánh giá chất lượng: (đạt, chưa đạt, không đạt) đối với từng mục dưới đây: - Thi công:................................................................................................................... ................................................................................................................................... - Lấy mẫu, thu thập và thành lập tài liệu:........................................................................ ................................................................................................................................... - Lấp công trình (vật liệu, phương pháp, chất lượng lấp)................................................ 3. Khối lượng nghiệm thu: TT Số hiệu công trình Chiều sâu Khối lượng thực hiện (m3 hoặc m) Khối lượng được nghiệm thu (m3 hoặc m) Cấp đất đá hoặc mức độ phức tạp công trình Từ Đến 1 4. Khối lượng không được thanh toán, tổng số............................................................. Nguyên nhân:............................................................................................................... ................................................................................................................................... 5. Kết luận chung về mức độ hoàn thành công trình và đề nghị thanh toán: ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... 6. Những đề nghị cần giải quyết tiếp: ................................................................................................................................... ................................................................................................................................... Kỹ thuật địa chất (Ký, họ tên) Chủ nhiệm đề án (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị thi công (Ký, họ tên) Cán bộ nghiệm thu (Ký, họ tên) * Biên bản này được sử dụng cho nghiệm thu cấp cơ sở để nghiệm thu các công trình hào, lò, giếng, hố, dọn sạch, hố vạt, khoan tay. Mỗi phiếu nghiệm thu 01 công trình. ** Đối với các công trình hào, dọn sạch, hố, hố vạt thi công ở các khu vực riêng lẻ trong công tác lập bản đồ địa chất khoáng sản, không bắt buộc có văn bản này. Khi nghiệm thu chất lượng các công trình này, phải đánh giá sự cần thiết, phù hợp và hiệu quả của việc thi công công trình, xác nhận việc lấp công trình. Mẫu số 12: Phiếu nghiệm thu công việc, sản phẩm (nghiệm thu cấp cơ sở) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………………./NTCS Địa danh, ngày … tháng … năm…… PHIẾU NGHIỆM THU CÔNG VIỆC, SẢN PHẨM* Tên công việc, sản phẩm:…………………………………………………. Đề án ……………………………………………………………………, năm …………… - Căn cứ vào phiếu giao việc (QĐ, hợp đồng,...) số:…………….ngày……..tháng……năm……. A. Thành phần tham gia nghiệm thu 1. Cán bộ nghiệm thu: ghi đầy đủ danh sách cán bộ tham gia nghiệm thu (họ tên, học vị, chức vụ, đơn vị công tác). 2. Chủ nhiệm đề án:……………………………………………….. 3. Đơn vị thi công: - Đại diện đơn vị thi công: ……………………………………………… - Đại diện những người thực hiện: ………………………………………….. B. Kết quả nghiệm thu 1. Thông tin chung: - Thời gian thực hiện: ngày ....tháng.... năm………..; kết thúc: ngày ....tháng…..năm…….. - Thời gian nghiệm thu: từ ngày….tháng…..năm…...đến ngày…..tháng…..năm…… - Tài liệu kèm theo (ghi cụ thể từng loại tài liệu được thành lập, số lượng). 2. Đánh giá chất lượng: (đạt/chưa đạt/không đạt)** 3. Khối lượng nghiệm thu: TT Tên công việc, sản phẩm Đơn vị tính Khối lượng thực hiện Khối lượng được nghiệm thu 1 2 4. Khối lượng không được thanh toán: Nguyên nhân:............................................................................................................... ................................................................................................................................... 5. Kết luận chung về mức độ hoàn thành công trình và khối lượng đề nghị thanh toán: ................................................................................................................................... 6. Những đề nghị cần giải quyết tiếp: ................................................................................................................................... Đại diện những người thực hiện (Ký, họ tên) Chủ nhiệm đề án (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị thi công (Ký, họ tên) Cán bộ nghiệm thu (Ký, họ tên) * Phiếu này được sử dụng cho nghiệm thu cấp cơ sở để nghiệm thu các dạng công việc, sản phẩm như lấy mẫu, điều tra địa chất - khoáng sản, đo địa vật lý, địa chất thủy văn, báo cáo, bản đồ, hợp đồng, chuyên đề,... **Đối với dạng công việc gồm nhiều hạng mục (hợp đồng, chuyên đề,...) thì đánh giá chất lượng từng hạng mục thực hiện. Mẫu số 13. Biên bản nghiệm thu cấp cơ sở (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số……./NTCS ……, ngày…..tháng…. năm…… BIÊN BẢN NGHIỆM THU* KẾT QUẢ HOÀN THÀNH (KỲ ………), NĂM…………. Đề án:………………………………………………………………………. - Đơn vị thi công: ........................................................................................................ - Chủ nhiệm đề án: …………………….. - Hội đồng nghiệm thu theo Quyết định thành lập Hội đồng nghiêm thu số ……………… ngày……tháng……năm…….(có danh sách kèm theo) + Chủ tịch Hội đồng:.................................................................................................... + Thư ký Hội đồng: ..................................................................................................... KẾT QUẢ NGHIỆM THU I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN I.1. Trình tự thi công và chất lượng thực hiện Đánh giá về trình tự thi công, chất lượng, hiệu quả các phương pháp, các hạng mục; chất lượng của các loại tài liệu, số liệu đã được thu thập, xử lý và tổng hợp. I.2. Các kết quả đạt được Ghi các kết quả đạt được, độ tin cậy của các phát hiện mới về địa chất, khoáng sản I.3. Đánh giá về tính hợp pháp, hợp lệ, sự đầy đủ của các tài liệu, chứng từ liên quan đến các khối lượng đã hoàn thành. I.4. Khối lượng và giá trị thực hiện đạt yêu cầu được đề nghị thanh toán: - Khối lượng và giá trị thực hiện (có bảng tổng hợp giá trị khối lượng kèm theo). - Tổng giá trị thực hiện được đề nghị thanh toán (bằng chữ):………………………. I.5. Khối lượng và giá trị không đạt yêu cầu đề nghị không thanh toán - Khối lượng và giá trị không đạt yêu cầu (có bảng tổng hợp kèm theo). - Giải thích nguyên nhân, I.6. Đánh giá chung: - Đánh giá chung về chất lượng thực hiện, mức độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. - Xếp loại (trung bình, khá, tốt). II. KIẾN NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG Kiến nghị của Hội đồng về các vấn đề cần được bổ sung, sửa chữa và các nhiệm vụ cần được thực hiện tiếp theo. Thủ trưởng đơn vị thi công* (Ký, họ tên, đóng dấu) Thư ký Hội đồng (Ký, họ, tên) Chủ tịch Hội đồng (Ký, họ tên) Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp (xác nhận) (Ký, họ tên, đóng dấu) * Trường hợp nhiệm vụ được giao trực tiếp cho một nhóm tác giả thực hiện, Chủ nhiệm đề án ký thay cho đơn vị thi công. Mẫu số 14. Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (kèm theo biên bản nghiệm thu cấp cơ sở) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ……., ngày …. tháng ….. năm ……. BẢNG XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC HOÀN THÀNH Kỳ……….., năm: ……………Đề án:………………………….. (Kèm theo biên bản nghiệm thu số ……………., ngày ... tháng ... năm ……) TT Hạng mục công việc và chi phí Đơn vị tính Theo dự toán được duyệt (QĐ số: ) Khối lượng được nghiệm thu Khối lượng đề nghị thanh toán Đơn giá Khối lượng Thành tiền Đơn giá Khối lượng Thành tiền 1 2 3 4 Tổng giá trị khối lượng hoàn thành được đề nghị thanh toán (bằng chữ): ……………………………………………………………………………. Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp (Ký, họ tên, đóng dấu) Thủ trưởng đơn vị thi công* (Ký, họ tên, đóng dấu) Thư ký Hội đồng (Ký, họ tên) Chủ tịch Hội đồng (Ký, họ tên) * Trường hợp nhiệm vụ được giao trực tiếp cho một nhóm tác giả thực hiện, Chủ nhiệm đề án ký thay cho đơn vị thi công. Mẫu số 15: Phiếu nghiệm thu công trình khoan máy (nghiệm thu cấp quản lý) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………………/NTQL Địa danh, ngày … tháng … năm …. PHIẾU NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH KHOAN MÁY* Ký hiệu lỗ khoan:…….. Đề án……………………….., năm………… A. Thành phần tham gia nghiệm thu: 1. Ủy viên Hội đồng nghiệm thu: ghi đầy đủ danh sách UVHĐ tham gia nghiệm thu công trình khoan (họ tên, học vị, chức vụ, đơn vị công tác, chức danh trong Hội đồng). 2. Chủ nhiệm đề án (hoặc Chủ nhiệm đề án thành phần): 3. Đại diện đơn vị chủ trì: 4. Đơn vị thi công: - Đại diện đơn vị thi công: - Kỹ thuật địa chất: B. Kết quả nghiệm thu 1. Thông tin chung: - Khởi công: ngày ....tháng…..năm…….; kết thúc: ngày ....tháng…..năm……. - Độ sâu kết thúc: …………………………………………………………………………………... - Lý do kết thúc: ..................................................................................................................... - Tài liệu kèm theo (ghi cụ thể từng loại tài liệu được thành lập, số lượng). Ví dụ: sổ theo dõi khoan; cột địa tầng lỗ khoan; ảnh chụp vị trí LK, khay mẫu, ảnh nghiệm thu thực địa (nếu có);..., 2. Chất lượng khoan: đạt, chưa đạt, không đạt đối với từng mục dưới đây: - Sự phù hợp về vị trí và phương vị lỗ khoan so với thiết kế:………………………………… - Chất lượng khoan: đánh giá chất lượng thi công khoan thông qua việc kiểm tra chất lượng mẫu lõi khoan khi qua các tầng đất đá, quặng. - Công tác lấy mẫu: đánh giá sự phù hợp, cần thiết của việc lấy các loại mẫu phân tích, cách lấy, bảo quản, vận chuyển mẫu, .................................................................................................. - Các đánh giá khác: ……………………………………………………………………………….. 3. Các công tác kỹ thuật đã được thực hiện tại lỗ khoan (ghi rõ từng phương pháp và đánh giá chất lượng của từng dạng công việc): - Đo địa vật lý lỗ khoan: .......................................................................................................... - Nghiên cứu ĐCTV-ĐCCT: ………………………………………………………………………… 4. Chất lượng thu thập và thành lập tài liệu: ……………………………………………………… 5. Khối lượng nghiệm thu: TT Chiều sâu (m) Đường kính lỗ khoan (mm) Khối lượng thực hiện (m) Khối lượng được nghiệm thu (m) Cấp đất đá (được nghiệm thu) Từ Đến 1 6. Các yếu tố địa chất làm thay đổi giá dự toán so với thực tế: 7. Khối lượng không được thanh toán:………….mét Nguyên nhân:……………………………………………………………………………………….. 8. Kết luận chung về mức độ hoàn thành công trình và đề nghị thanh toán: Chủ nhiệm đề án (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị thi công (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị chủ trì (Ký, họ tên) Ủy viên Hội đồng (Ký, họ tên) * Biên bản này được sử dụng cho nghiệm thu cấp quản lý để nghiệm thu xác suất công trình khoan máy. Mẫu số 16: Phiếu nghiệm thu công trình khai đào (nghiệm thu cấp quản lý) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………………/NTQL Địa danh, ngày … tháng … năm …. PHIẾU NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH* Tên, ký hiệu công trình:………………….Đề án…………………………., năm……….. A. Thành phần tham gia nghiệm thu 1. UVHĐ nghiệm thu: ghi đầy đủ danh sách UVHĐ tham gia nghiệm thu (họ tên, học vị, chức vụ, đơn vị công tác, chức danh trong Hội đồng). 2. Chủ nhiệm đề án: ..................................................................................................... 3. Đại diện đơn vị chủ trì: ............................................................................................. 4. Đơn vị thi công: - Đại diện đơn vị thi công: ............................................................................................ - Kỹ thuật địa chất: ...................................................................................................... B. Kết quả nghiệm thu 1. Thông tin chung: - Khởi công: ngày ....tháng…..năm…….; kết thúc: ngày ....tháng…….năm……… - Độ sâu kết thúc: ........................................................................................................ - Lý do kết thúc: .......................................................................................................... - Tài liệu kèm theo (ghi cụ thể từng loại tài liệu được thành lập, số lượng). Ví dụ: bản vẽ hào, mô tả hào: 1 bản; ảnh chụp vị trí hào, vị trí lấy mẫu, ảnh nghiệm thu thực địa (nếu có):..., 2. Đánh giá chất lượng: (đạt, chưa đạt, không đạt) đối với từng mục dưới đây: - Thi công: đánh giá chất lượng thi công về sự phù hợp theo thiết kế, có đạt mục tiêu đề ra không, tuân thủ kích thước theo quy định, về an toàn lao động, chất lượng lấy mẫu,………….. - Thu thập và thành lập tài liệu: đánh giá sự trung thực, khách quan trong việc lấy mẫu, thành lập các tài liệu kèm theo (bản vẽ hào, bản mô tả hào, vị trí và kích thước lấy mẫu, các loại mẫu được lấy,…). 3. Khối lượng nghiệm thu: TT Số hiệu công trình Chiều sâu Khối lượng thực hiện (m3 hoặc m) Khối lượng được nghiệm thu (m3 hoặc m) Cấp đất đá hoặc mức độ phức tạp công trình Từ Đến 1 2 4. Khối lượng không được thanh toán, tổng số ............................................................ Nguyên nhân:............................................................................................................... ................................................................................................................................... 5. Kết luận chung về mức độ hoàn thành công trình và đề nghị thanh toán: ................................................................................................................................... 6. Những đề nghị cần giải quyết tiếp: ................................................................................................................................... Chủ nhiệm đề án (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị thi công (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị chủ trì (Ký, họ tên) Ủy viên Hội đồng (Ký, họ tên) * Biên bản này được sử dụng cho nghiệm thu cấp quản lý để nghiệm thu xác suất các công trình hào, lò, giếng, hố, dọn sạch, hố vạt, khoan tay. Mẫu số 17: Phiếu nghiệm thu công việc, sản phẩm (nghiệm thu cấp quản lý) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………………/NTQL Địa danh, ngày … tháng … năm …. PHIẾU NGHIỆM THU CÔNG VIỆC, SẢN PHẨM* Tên công việc, sản phẩm: ............................................................................................ Đề án ……………………………………………………………………., năm ........................... A. Thành phần tham gia nghiệm thu 1. UVHĐ nghiệm thu: ghi đầy đủ danh sách UVHĐ tham gia nghiệm thu (họ tên, học vị, chức vụ, đơn vị công tác, chức danh trong Hội đồng). 2. Chủ nhiệm đề án: ..................................................................................................... 3. Đại diện đơn vị chủ trì: ............................................................................................. 4. Đơn vị thi công: - Đại diện đơn vị thi công: ............................................................................................ - Đại diện những người thực hiện: ................................................................................ B. Kết quả nghiệm thu: 1. Đánh giá chất lượng: (đạt/chưa đạt/không đạt)** 2. Khối lượng nghiệm thu: TT Tên công việc, sản phẩm Đơn vị tính Khối lượng thực hiện Khối lượng được nghiệm thu 1 2 - Tài liệu kèm theo (ghi cụ thể từng loại tài liệu được thành lập, số lượng). 3. Khối lượng không được thanh toán: Nguyên nhân: .............................................................................................................. ................................................................................................................................... 4. Kết luận chung về mức độ hoàn thành công việc, sản phẩm và khối lượng đề nghị thanh toán: ................................................................................................................................... 5. Đề nghị: ................................................................................................................................... Chủ nhiệm đề án (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị thi công (Ký, họ tên) Đại diện đơn vị chủ trì (Ký, họ tên) Ủy viên Hội đồng (Ký, họ tên) * Phiếu này được sử dụng cho nghiệm thu cấp quản lý để nghiệm thu xác suất các dạng công việc, sản phẩm như lấy mẫu, điều tra địa chất - khoáng sản, đo địa vật lý, địa chất thủy văn, báo cáo, bản đồ, hợp đồng, chuyên đề,... **Đối với dạng công việc gồm nhiều hạng mục (hợp đồng, chuyên đề,...) thì đánh giá chất lượng từng hạng mục thực hiện. Mẫu số 18: Biên bản nghiệm thu cấp quản lý CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP QUẢN LÝ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:…………/NTQL Địa danh, ngày … tháng … năm …. BIÊN BẢN NGHIỆM THU* KẾT QUẢ HOÀN THÀNH (KỲ…………), NĂM………….. Đề án:………………………………………………………………………. - Đơn vị chủ trì:............................................................................................................ - Đơn vị thi công: ........................................................................................................ - Chủ nhiệm đề án: ...................................................................................................... - Hội đồng nghiệm thu theo Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu số ………………. ngày……tháng…….năm…………. của …………………………………(có danh sách kèm theo) + Chủ tịch Hội đồng : .................................................................................................. + Thư ký Hội đồng : .................................................................................................... KẾT QUẢ NGHIỆM THU I. CÁC HẠNG MỤC NGHIỆM THU XÁC SUẤT - Lập bảng thống kê các hạng mục, khối lượng đã nghiệm thu xác suất. II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THI CÔNG I.1. Trình tự thi công, chất lượng thi công Đánh giá về trình tự thi công, chất lượng, hiệu quả các phương pháp, hạng mục; chất lượng của các loại tài liệu, số liệu đã thu thập, xử lý, tổng hợp, các sản phẩm. I.2. Các kết quả đạt được Ghi nhận các kết quả đạt được, độ tin cậy của các phát hiện về địa chất, khoáng sản I.3. Đánh giá về tính hợp pháp, hợp lệ, sự đầy đủ của các tài liệu, chứng từ liên quan đến các khối lượng đã hoàn thành. I.4. Khối lượng và giá trị thực hiện đạt yêu cầu được thanh toán: - Khối lượng và giá trị thực hiện (có bảng tổng hợp giá trị khối lượng kèm theo). - Tổng giá trị thực hiện được thanh toán (bằng chữ): ……………………………. I.5. Khối lượng và giá trị không đạt yêu cầu đề nghị không thanh toán * Khối lượng và giá trị không đạt yêu cầu (có bảng tổng hợp kèm theo). * Giải thích nguyên nhân. I.6. Đánh giá chung: - Đánh giá chung về chất lượng thực hiện, mức độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. - Xếp loại (trung bình, khá, tốt). II. KIẾN NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG Kiến nghị của Hội đồng về các vấn đề cần được bổ sung, sửa chữa và các nhiệm vụ cần được thực hiện tiếp theo. Thủ trưởng đơn vị thi công* (Ký, họ tên, đóng dấu) Thư ký Hội đồng (Ký, họ, tên) Chủ tịch Hội đồng (Ký, họ tên) Thủ trưởng cơ quan quản lý (xác nhận) (Ký, họ tên, đóng dấu) * Biên bản này được sử dụng cho nghiệm thu cấp quản lý để tổng hợp kết quả nghiệm thu. Mẫu số 19: Bảng xác định giá trị, khối lượng nghiệm thu (kèm theo biên bản nghiệm thu cấp quản lý) (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP QUẢN LÝ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Địa danh, ngày … tháng … năm …. BẢNG XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC HOÀN THÀNH* Kỳ………., năm:……….Đề án:……………………………… (Kèm theo biên bản nghiệm thu số…………., ngày…..tháng ... năm……) TT Hạng mục công việc và chi phí Đơn vị tính Theo dự toán được duyệt (QĐ số:…………….) Khối lượng nghiệm thu Khối lượng, giá trị thanh toán Chuyển bước sau thanh toán (nếu có) Đơn giá Khối lượng Thành tiền Đơn giá Khối lượng Thành tiền Khối lượng Thành tiền 1 2 3 4 Tổng giá trị khối lượng hoàn thành được thanh toán (bằng chữ): ………………………………………………………………. Thủ trưởng đơn vị chủ trì (Ký, họ tên, đóng dấu) Thư ký Hội đồng (Ký, họ tên) Chủ tịch Hội đồng (Ký, họ tên) Thủ trưởng cơ quan quản lý (xác nhận) (Ký, họ tên, đóng dấu) * Bảng này được sử dụng cho nghiệm thu cấp quản lý để tổng hợp giá trị khối lượng các hạng mục công việc được nghiệm thu. Mẫu số 20. Mẫu văn bản thẩm định nội dung kỹ thuật báo cáo (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:……/ĐC Địa danh, ngày tháng năm…….. VĂN BẢN THẨM ĐỊNH NỘI DUNG KỸ THUẬT BÁO CÁO Tên báo cáo: Chủ nhiệm: Đơn vị chủ trì: Thành viên Tổ kiểm tra (thẩm định) gồm: ………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………….. Nội dung kiểm tra (thẩm định): 1. Về cơ sở tài liệu lập báo cáo và độ tin cậy của chúng. 2. Về xử lý, tổng hợp tài liệu, 3. Những kết quả đạt được. 4. Đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 5. Các tồn tại, thiếu sót và kiến nghị. 6. Đánh giá chung: - Báo cáo đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu. - Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua. - Các đánh giá khác. Những người kiểm tra (thẩm định) Nguyễn Văn A, tổng hợp Nguyễn Văn B Nguyễn Văn C CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH (Xác nhận) Mẫu số 21. Mẫu văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:……/KH-TC Địa danh, ngày tháng năm…… VĂN BẢN THẨM ĐỊNH NỘI DUNG KINH TẾ BÁO CÁO Tên báo cáo: Chủ nhiệm: Đơn vị chủ trì: Thành viên Tổ thẩm định gồm: …………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………….. Nội dung thẩm định: 1. Căn cứ pháp lý 2. Cấu trúc báo cáo, các biểu bảng trong báo cáo. 3. Tình hình thực hiện khối lượng kỹ thuật - Tăng giảm khối lượng so với đề án đã phê duyệt. - Cơ sở pháp lý của việc thay đổi khối lượng. 4. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu giá trị khối lượng - Tổng hợp giá trị thực hiện, nghiệm thu, thanh toán của đề án theo từng năm. - So sánh các số liệu nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, đánh giá độ tin cậy của các số liệu. - Tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu giá trị khối lượng. 5. Đánh giá hiệu quả vốn đầu tư 6. Các tồn tại, thiếu sót và kiến nghị Đánh giá chung: - Báo cáo đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu - Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua. Những người kiểm tra (thẩm định) Nguyễn Văn A, tổng hợp Nguyễn Văn B Nguyễn Văn C CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH (Xác nhận) Mẫu số 22. Mẫu phiếu đánh giá báo cáo (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Địa danh, ngày tháng năm …. PHIẾU ĐÁNH GIÁ BÁO CÁO Tên Báo cáo: Đơn vị chủ trì: Chủ nhiệm: Ủy viên Hội đồng: Đơn vị công tác: Đánh giá theo các chỉ tiêu: 1. Hệ phương pháp và khối lượng thực hiện so với đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt: Phù hợp □ Không phù hợp □ 2. Độ tin cậy của các tài liệu, số liệu dã thu thập, xử lý và tổng hợp lập báo cáo: Đạt □ Không đạt □ 3. Những kết quả nổi bật: 4. Đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ 5. Độ tin cậy kết quả tính trữ lượng và tài nguyên dự báo khoáng sản Đạt □ Không đạt □ 6. Nội dung, hình thức báo cáo và các tài liệu kèm theo Đạt □ Không đạt □ 7. Nội dung báo cáo kinh tế Đạt □ Không đạt □ Tổng giá trị đề nghị thanh toán: 8. Những nội dung không phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ 9. Kiến nghị: 10. Đánh giá chung: □ Thông qua □ Thông qua có sửa chữa □ Không thông qua □ Đề nghị khen thưởng Ủy viên Hội đồng (Ký) Mẫu số 23. Mẫu biên bản họp hội đồng thẩm định báo cáo (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) CƠ QUAN QUẢN LÝ HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………/BBTĐ Địa danh, ngày tháng năm …. BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH BÁO CÁO Tên báo cáo: Chủ nhiệm: Đơn vị chủ trì: Thành phần tham dự: - Số ủy viên Hội đồng tham dự: / tổng số ủy viên Hội đồng (kèm theo quyết định số .... ngày …/…/… của Thủ trưởng cơ quan chủ quản đầu tư, có danh sách kèm theo), khách mời tham gia Hội đồng. - Các ủy viên Hội đồng vắng mặt: - Về phía đơn vị thực hiện, có …………………………………………………………………….. I. Nội dung hội nghị: 1. Chủ nhiệm trình bày những nội dung cơ bản của báo cáo 2. Cơ quan thẩm định trình bày các văn bản thẩm định báo cáo (có các văn bản thẩm định kèm theo) 3. Những vấn đề Hội nghị trao đổi, thảo luận: 4. Những nội dung Hội nghị thống nhất đánh giá: 4.1. Về cơ sở tài liệu lập báo cáo và độ tin cậy của chúng: 4.2. Những kết quả chủ yếu: 4.3. Đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ được cấp thẩm quyền phê duyệt. 4.4. Đánh giá nội dung Báo cáo kinh tế II. Đánh giá chung: - Hội đồng thông qua báo cáo: số phiếu thông qua /tổng số phiếu đánh giá. - Hội đồng thông không qua báo cáo: số phiếu không thông qua /tổng số phiếu đánh giá. III. Kiến nghị của Hội đồng THƯ KÝ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG Mẫu số 24: Mẫu phê duyệt báo cáo kết quả đề án (Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BTNMT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /QĐ-BTNMT Hà Nội, ngày tháng năm QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt Báo cáo kết quả đề án... BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG* Căn cứ Nghị định số ……………………………. của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ,...; Căn cứ Quyết định số /QĐ-BTNMT ngày tháng năm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt đề án ... ; Xét đề nghị của Đơn vị ... tại Công văn số ... ngày ... về việc trình phê duyệt báo cáo kết quả đề án ...; Theo đề nghị của Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Tài chính,... QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt Báo cáo kết quả đề án.... do Đơn vị ... thực hiện. Điều 2. Báo cáo kết quả Đề án được đưa vào cơ sở dữ liệu và nộp vào lưu trữ tại .... để quản lý và khai thác, sử dụng theo quy định hiện hành. Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng Đơn vị... và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ/ngành liên quan khác (nếu có); - Lưu VT, Vụ TC. BỘ TRƯỞNG DANH MỤC TÀI LIỆU, SẢN PHẨM BÁO CÁO (Kèm theo Quyết định số /QĐ-BTNMT ngày tháng năm 201... của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Báo cáo kết quả đề án....) STT Loại sản phẩm, hồ sơ, tài liệu Đơn vị tính Số lượng Ghi chú 1 Ị 3 _______________ * Trường hợp do Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phê duyệt theo phân cấp, ủy quyền thì mẫu văn bản có thể được thay đổi cho phù hợp
{ "issuing_agency": "Bộ Tài nguyên và Môi trường", "promulgation_date": "31/12/2019", "sign_number": "26/2019/TT-BTNMT", "signer": "Trần Quý Kiên", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-52-2014-TT-BTC-muc-thu-nop-quan-ly-phi-cap-giay-chung-nhan-dich-vu-quan-trac-moi-truong-227737.aspx
Thông tư 52/2014/TT-BTC mức thu nộp quản lý phí cấp giấy chứng nhận dịch vụ quan trắc môi trường
BỘ TÀI CHÍNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 52/2014/TT-BTC Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2014 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH, LỆ PHÍ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002; Căn cứ Nghị định số 27/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ quy định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, như sau: Điều 1. Đối tượng nộp và cơ quan thu phí, lệ phí 1. Tổ chức khi nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải nộp phí thẩm định, khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này. Tổ chức nộp phí, lệ phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của cơ quan thu phí, lệ phí mở tại kho bạc nhà nước. 2. Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định tại Thông tư này. Điều 2. Mức thu phí, lệ phí 1. Mức thu phí thẩm định a) Thẩm định cấp mới, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy chứng nhận (trong trường hợp Hồ sơ năng lực của tổ chức không còn giá trị), mức thu phí được xác định theo công thức sau: Mức thu phí = Chi phí thẩm định x K x M Trong đó: - Chi phí thẩm định: 42.000.000 đồng (Mức chi phí tối thiểu thực hiện đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế tại tổ chức và họp Hội đồng thẩm định một hồ sơ đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường). - K: Hệ số vị trí địa lý theo khu vực của tổ chức đề nghị chứng nhận, chi tiết tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. - M: Hệ số điều chỉnh theo số lượng thông số môi trường đề nghị chứng nhận. Mức phí thẩm định cụ thể như sau: Đơn vị tính: 1.000 đồng M K Dưới 16 thông số (M = 1,0) Từ 16 đến 30 thông số (M = 1,2) Từ 31 đến 45 thông số (M = 1,4) Từ 46 đến 60 thông số (M = 1,6) Trên 60 thông số (M = 1,8) Đồng bằng Bắc bộ (K = 1,0) 42.000 50.400 58.800 67.200 75.600 Trung du, miền núi phía Bắc (K = 1,1) 46.200 55.440 64.680 73.920 83.160 Bắc trung Bộ và duyên hải miền trung (K = 1,2) 50.400 60.480 70.560 80.640 90.720 Tây nguyên (K = 1,3) 54.600 65.520 76.440 87.360 98.280 Đồng bằng Nam bộ (K = 1,4) 58.800 70.560 82.080 94.080 105.840 b) Thẩm định cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp Hồ sơ năng lực của tổ chức vẫn còn giá trị, mức phí cụ thể như sau: Số TT Số lượng thông số môi trường đề nghị chứng nhận Mức thu (1.000 đồng) 1 Dưới 16 thông số 13.000 2 Từ 16 đến 30 thông số 15.600 3 Từ 31 đến 45 thông số 18.200 4 Từ 46 đến 60 thông số 20.800 5 Trên 60 thông số 23.400 2. Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường là 200.000 đồng/giấy/lần cấp. Điều 3. Quản lý và sử dụng phí, lệ phí thu được Phí thẩm định, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý và sử dụng như sau: 1. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích để lại 90% (chín mươi phần trăm) trên tổng số tiền phí thẩm định thực thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho nội dung sau đây: a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện thu phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định; trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định; b) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí (chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú); chi phí chuyển hồ sơ thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đến cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thẩm định; c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị, chi thuê phương tiện, thiết bị phục vụ công tác thẩm định; d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hóa chất phục vụ thẩm định; đ) Chi phí kiểm tra, đánh giá và tổ chức các cuộc họp của Đoàn đánh giá; họp hội đồng thẩm định (bao gồm cả chi nhận xét, báo cáo thẩm định) điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản thay thế khác. e) Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc, dịch vụ thẩm định và thu phí, lệ phí. g) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ, thẩm định và thu phí, lệ phí theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này. Trường hợp sử dụng không hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo quy định hiện hành. 2. Số tiền phí thẩm định còn lại (10%) và toàn bộ (100%) số tiền lệ phí cấp giấy chứng nhận thu được, cơ quan thu phí, lệ phí phải nộp vào ngân sách nhà nước theo Chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Điều 4. Tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 / 6 /2014. 2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí thẩm định, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). 3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Kiểm toán nhà nước; - Công báo; - Website Chính phủ; - Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục Thuế, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Bộ Tài chính; - Lưu: VT, Vụ CST (CST 5). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Vũ Thị Mai PHỤ LỤC: DANH MỤC CÁC TỈNH/THÀNH PHỐ PHÂN CHIA THEO KHU VỰC ĐỊA LÝ (Ban hành kèm theo Thông tư số 52 /2014/TT-BTC ngày 24 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tài chính) Số TT Khu vực địa lý Các tỉnh/thành phố thuộc khu vực Hệ số K 1 Đồng bằng sông Hồng (gồm 10 địa phương) Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc. 1,0 2 Miền núi phía Bắc (gồm 15 địa phương) Hà Giang, Bắc Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Hoà Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên. 1,1 3 Miền Trung (gồm 14 địa phương) Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. 1,2 4 Tây Nguyên (gồm 5 địa phương) Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. 1,3 5 Nam Bộ (gồm 19 địa phương) Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ. 1,4
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "24/04/2014", "sign_number": "52/2014/TT-BTC", "signer": "Vũ Thị Mai", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chi-thi-17-2001-CT-TTg-trien-khai-Chien-dich-quoc-gia-tiem-vac-xin-phong-benh-soi-mui-2-tre-em-9-thang-den-10-tuoi-2-nam-2002-2003-47952.aspx
Chỉ thị 17/2001/CT-TTg triển khai Chiến dịch quốc gia tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 2 trẻ em 9 tháng đến 10 tuổi 2 năm 2002-2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 17/2001/CT-TTg Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2001 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI "CHIẾN DỊCH QUỐC GIA TIÊM VẮC XIN PHÒNG BỆNH SỞI MŨI 2" CHO TRẺ EM TỪ 9 THÁNG ĐẾN 10 TUỔI TRONG 2 NĂM 2002-2003 Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 đến nay và đã đạt được những thành quả to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em Việt Nam. So với năm 1985, tỷ lệ mắc bệnh sởi trong năm 2000 đã giảm 6 lần. Tuy nhiên, từ năm 1997 trở lại đây, tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới , nhất là những nước chỉ triển khai tiêm một liều vắc xin phòng bệnh sởi duy nhất cho trẻ em dưới 1 tuổi như ở Việt Nam. Nguyên nhân là do hàng năm còn có trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi và còn có cả số trẻ em được tiêm chủng nhưng không gây được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi. Năm 1999, ngành y tế đã chủ động triển khai thí điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 2 cho toàn bộ trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi tại thành phố Hải Phòng. Sau mũi tiêm thứ 2 đó, trong suốt năm 2000 thành phố Hải Phòng không có một trường hợp trẻ em nào mắc sởi. Kinh nghiệm triển khai chiến dịch thí điểm của thành phố Hải Phòng năm 1999 cho thấy việc tiêm văcxin phòng bệnh sởi mũi 2 sẽ đem lại hiệu quả rất cao. Để phòng, chống bệnh sởi một cách triệt để và hiệu quả hơn , tạo điều kiện tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 phù hợp với chiến lược phòng chống sởi chung của Tổ chức Y tế thế giớí, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: 1. Trong 2 năm 2002 và 2003 tổ chức triển khai "Chiến dịch quốc gia tiêm vắc xin sởi mũi 2" cho tất cả trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi trên phạm vi toàn quốc với sự giúp đỡ về kinh phí của Chính phủ Nhật bản. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 2 được thực hiện đồng loạt tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Thừa Thiên - Huế trở ra trong quý I năm 2002 và thực hiện đồng loạt tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Đà Nẵng trở vào trong quý I năm 2003. 2. Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời văcxin và các phương tiện cần thiết cho các địa phương; bố trí mạng lưới các điểm tiêm chủng thuận tiện cho mọi người dân, đặc biệt ở các vừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp cùng các Bộ, ngành, đoàn thể trong việc huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức thực hiện thành công chiến dịch; 3. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp bảo đảm ngân sách hàng năm theo kế hoạch đã được Nhà nước duyệt trong Chương trình "Chiến dịch quốc gia tiêm văcxin sởi mũi 2" năm 2002 và 2003; có kế hoạch bổ xung kinh phí phục vụ chiến dịch ngoài nguồn kinh phí do trung ương cấp theo kế hoạch; 4. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các đợt tuyên truyền tập trung cho "Chiến dịch quốc gia tiêm văcxin sởi mũi 2" để nhân dân nhận thức được việc tiêm văcxin phòng bệnh cho trẻ em là vì hạnh phúc và sức khoẻ của trẻ em Việt Nam, vì quyền lợi và nghĩa vụ của toàn dân, của mọi gia đình và tự giác tham gia vào "Chiến dịch quốc gia tiêm văcxin phòng bệnh sởi mũi 2 "; 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, huy động cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để thực hiện "Chiến dịch quốc gia tiêm văcxin phòng bệnh sởi mũi 2"; 6. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng quân y phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai "Chiến dịch quốc gia tiêm văcxin phòng bệnh sởi mũi 2", đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khàn; 7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam có kế hoạch huy động hội viên, đoàn viên phối hợp với Bộ Y tế tham gia vận động, tổ chức cho các đối tượng đi tiêm chủng đầy đủ; 8. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở y tế và các Sở, ban, ngành liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện tốt "Chiến dịch tiêm văcxin phòng bệnh sởi mũi 2 "; phấn đấu 100% trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi trong địa phương được tiêm văcxin phòng bệnh sởi mũi 2; có kế hoạch bổ sung kinh phí cần thiết từ kinh phí địa phương cho chiến dịch. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chủ tỉch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, báo cáo kết quả về Bộ Y tế để Bộ Y tế tổng hợp và báo cáo Thủ tướng chính phủ. Phạm Gia Khiêm (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Thủ tướng Chính phủ", "promulgation_date": "20/07/2001", "sign_number": "17/2001/CT-TTg", "signer": "Phạm Gia Khiêm", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-tu-04-2004-TT-BCA-huong-dan-thi-hanh-Nghi-dinh-35-2003-ND-CP-Luat-Phong-chay-chua-chay-52068.aspx
Thông tư 04/2004/TT-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định 35/2003/NĐ-CP Luật Phòng cháy chữa cháy
BỘ CÔNG AN ----- CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------- Số: 04/2004/TT-BCA Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2004 THÔNG TƯ VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 35/2003/NĐ-CP NGÀY 04/4/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Ngày 04 tháng 4 năm 2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy". Để thực hiện thống nhất trong cả nước, Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định nêu trên như sau: I. HỒ SƠ THEO DÕI, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy gồm: a. Quy định, nội quy, quy trình, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy và chữa cháy; b. Văn bản thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (nếu có); giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy (nếu có); c. Phiếu phân loại cơ sở về phòng cháy và chữa cháy; d. Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội dân phòng; đ. Phương án chữa cháy đã được phê duyệt; e. Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; các văn bản đề xuất, kiến nghị về công tác phòng cháy và chữa cháy; biên bản vi phạm và quyết định liên quan đến xử lý vi phạm về phòng cháy và chữa cháy (nếu có); g. Các sổ theo dõi về công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ và hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội dân phòng; sổ theo dõi phương tiện phòng cháy và chữa cháy; h. Thống kê, báo cáo về phòng cháy và chữa cháy; hồ sơ vụ cháy (nếu có). 2. Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải bổ sung thường xuyên và kịp thời. 3. Hồ sơ thco dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chỉ đạo lập và lưu giữ. II. THỐNG KÊ, BÁO CÁO VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Thống kê về phòng cháy và chữa cháy gồm: a. Thống kê về số lần kiểm tra an toàn, tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy, xử lý vi phạm về phòng cháy và chữa cháy; b. Thống kê số lượng cán bộ, đội viên dân phòng, đội viên phòng cháy và chữa cháy cơ sở; c. Thống kê phương tiện chữa cháy; d. Thống kê về học tập, thực tập phương án chữa cháy; về vụ cháy, công tác chữa cháy và những vấn đề khác có liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy. 2. Báo cáo về phòng cháy và chữa cháy gồm: a. Báo cáo về vụ cháy, nổ; b. Báo cáo về hoạt động phòng cháy và chữa cháy 6 tháng, một năm; c. Báo cáo cáo sơ kết, tổng kết phòng cháy và chữa cháy theo chuyên đề. 3. Thống kê, báo cáo về tình hình phòng cháy và chữa cháy định kỳ phải gửi đến cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp. Trường hợp có những thay đổi lớn liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy ở cơ quan, tổ chức thì cơ quan, tổ chức đó thông báo kịp thời cho đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trực tiếp quản lý địa bàn đó. III. NỘI QUY AN TOÀN, SƠ ĐỒ CHỈ DẪN, BIỂN CẤM, BIỂN BÁO, BIỂN CHỈ DẪN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy gồm các nội dung cơ bản sau: quy định việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy và thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; quy định những hành vi bị cấm và những việc phải làm để ngăn chặn, phòng ngừa cháy, nổ; quy định việc bảo quản, sử dụng hệ thống, thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; quy định cụ thể những việc phải làm khi có cháy, nổ xảy ra. 2. Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải thể hiện được các hạng mục công trình, hệ thống đường nội bộ, lối thoát nạn, hướng thoát nạn, vị trí nguồn nước chữa cháy và phương tiện chữa cháy; tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có thể tách thành những sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số nội dung trên. 3. Biển cấm, biển báo và biển chỉ dẫn trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy: a. Biển cấm lửa (biển cấm ngọn lửa trần), biển cấm hút thuốc, biển cấm cản trở lối đi lại, biển cấm dùng nước làm chất dập cháy. Đối với những nơi sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, khí đốt hóa lỏng, xăng dầu và những nơi tương tự khác có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao cần thiết cấm hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động và các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh ra tia lửa hoặc lửa thì có biển phụ ghi rõ những vật cần cấm; b. Biển báo khu vực hoặc vật liệu có nguy hiềm cháy, nổ; c. Biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy là biển chỉ hướng thoát nạn, cửa thoát nạn và chỉ vị trí để điện thoại, bình chữa cháy, trụ nước, bến lấy nước chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác. 4. Quy cách, mẫu biển cấm, biển báo và biển chỉ dẫn trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 4897:1989. Phòng cháy - dấu hiệu an toàn về mẫu mã, kích thước. Trong trường hợp cần thiết phải quy định rõ hiệu lực của các biển cấm, biển báo thì có biển phụ kèm theo. 5. Nội quy, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy của nơi nào phải được phổ biến cho mọi người ở nơi đó biết và phải niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người khác có liên quan biết và chấp hành. IV. THẨM DUYỆT VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình xây dựng quy định lại Phụ lục 3 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy là việc kiểm tra, đối chiếu các giải pháp và nội dung thiết kế với những quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước hoặc tiêu chuẩn quốc tế, của nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Khi thiết kế kỹ thuật đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy thì cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẽ cấp "Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" theo mẫu PC1 Phụ lục 1 và đóng dấu "Đã thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" theo mẫu PC2 Phụ lục 1 Thông tư này vào từng bản vẽ đã kiểm tra, đối chiếu. 2. Việc thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy: a. Đối với các dự án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình: cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy và có văn bản trả lời kết quả thẩm duyệt; b. Đối với thiết kế công trình: nội dung thẩm duyệt thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 35/2003/NĐ-CP; c. Đối với các công trình quy định tại các mục 14, 15, 19 Phụ lục 3 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP không thuộc diện phải lập dự án quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư thì phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chấp thuận về địa điểm trước khi tiến hành thiết kế công trình; d. Đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy khi chế tạo mới hoặc hoán cải được thẩm duyệt về các nội dung sau: - Giải pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các chất cháy dự kiến bố trí trên phương tiện; - Điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan: - Giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu và động cơ; - Điều kiện thoát nạn, cứu người khi có cháy xảy ra; - Hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác. - Hệ thống, thiết bị phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ các chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ. 3. Hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy gồm 03 bộ phải có xác nhận của chủ đầu tư, nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải có hạn dịch ra tiếng Việt và cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm duyệt phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch đó; Nội dung hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được quy định như sau: a. Đối với việc chấp thuận địa điểm xây dựng công trình gồm: - Văn bản của chủ đầu tư đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng, trong đó nêu rõ đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình dự kiến xây dựng; - Tài liệu hoặc bản vẽ thể hiện rõ địa điểm, hướng gió chủ đạo, các thông tin về địa hình của khu đất, về khí hậu, thuỷ văn, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các cơ sở, công trình xung quanh. b. Đối với thiết kế công trình thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 35/2003/NĐ-CP. c) Đốt với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy gồm: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt của chủ đầu tư, trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo; - Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện (có xác nhận của chủ đầu tư); - Các bản vẽ và thuyết minh thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm d khoản 2 mục này; - Tài liệu về thông số kỹ thuật của các thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy được thiết kế lắp đặt và trang bị. d. Các bản vẽ và bản thuyết minh, sau khi đã thẩm duyệt, được trả lại cho chủ đầu tư 02 bộ, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trực tiếp thẩm duyệt giữ lại 01 bộ để kiểm tra thi công, nghiệm thu công trình về phòng cháy và chữa cháy và trả lại chủ đầu tư lưu theo quy định sau khi công trình được nghiệm thu và đưa vào hoạt động. 4. Thời gian thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau: a. Đối với việc chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: không quá 10 ngày làm việc, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét và có văn bản trả lời chủ đầu tư về địa điểm xây dựng đó. b. Đối với các dự án, thiết kế công trình: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định 35/2003/NĐ-CP. c. Đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy: không quá 20 ngày làm việc. 5. Phân cấp thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy: a. Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết định đầu tư; hồ sơ thiết kế chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy; những dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật do Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an cấp tỉnh đề nghị hoặc những công trình khác do Tổng cục Cảnh sát quyết định theo yêu cầu nghiệp vụ. Trong trường hợp do Tổng cục Cánh sát quyết định thì Tổng cục Cảnh sát phải có văn bản thông báo cho chủ đầu tư biết; b. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an cấp tỉnh thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy các dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật đối với những trường hợp không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy uỷ quyền. Trong trường hợp uỷ quyền. Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản uỷ quyền của Cục trưởng. V. KIỂM TRA THI CÔNG VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy gồm kiểm tra thi công các hạng mục về phòng cháy và chữa cháy và lắp đặt thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo thiết kế đã được thẩm duyệt. Việc kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện ít nhất một lần ở giai đoạn thi công, lắp đặt các thiết bị này và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu thi công, lắp đặt sai thiết kế được duyệt. 2. Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy những công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy do mình thẩm duyệt. 3. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện kiểm tra việc thi công về phòng cháy và chữa cháy đối với những công trình do mình thẩm duyệt và những công trình được Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy uỷ quyền hoặc yêu cầu. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẽ cùng với Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tiến hành kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy. 4. Khi kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy, đại diện của chủ đầu tư, chủ phương tiện, đại diện đơn vị thi công phải có mặt tham gia, đồng thời chủ đầu tư có thể mời các thành phần khác có liên quan trực tiếp tham gia nếu thấy cần thiết. Chủ đầu tư, chủ phương tiện và nhà thầu phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra. Hồ sơ phục vụ kiểm tra thi công bao gồm hồ sơ thiết kế được duyệt và các chứng chỉ, tài liệu cần thiết liên quan đến chất lượng thi công, lắp đặt các thiết bị phòng cháy và chữa cháy. 5. Chủ đầu tư, chủ phương tiện có trách nhiệm thông báo tiến độ thi công công trình, lắp đặt thiết bị phòng cháy và chữa cháy cho Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở địa phương nơi có công trình xây dựng. 6. Trước khi tiến hành kiểm tra thi công ít nhất 3 ngày làm việc, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải thông báo cho chủ đầu tư, chủ phương tiện về thời gian, nội dung, kế hoạch kiểm tra. 7. Kết quả kiểm tra được ghi vào biên bản theo mẫu PC3 Phụ lục 1 Thông tư này. Chủ đầu tư, chủ phương tiện có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn những kiến nghị của cơ quan kiểm tra đã nêu trong biên bản. VI. NGHIỆM THU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là một phần việc trong nghiệm thu tổng thể công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. 2. Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do chủ đầu tư, chủ phương tiện chuẩn bị gồm: a. Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy và Biên bản kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. b. Báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và kết cấu phòng cháy và chữa cháy; c. Văn bản, chứng chỉ kiểm định thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy đã lắp đặt trong công trình; d. Biên bản thử nghiệm và nghiệm thu từng phần và tổng thể các hạng mục, hệ thống phòng cháy và chữa cháy; đ. Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy; e. Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy của công trình, của phương tiện; g. Văn bản nghiệm thu các hạng mục, hệ thống, thiết bị kỹ thuật khác có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy. Các văn bản và hồ sơ nêu trên phải có đủ dấu, chữ ký của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị thiết kế, nếu thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt; riêng các bản vẽ hoàn công của hệ thống phòng cháy và chữa cháy và của các hạng mục có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy chỉ dịch ra tiếng Việt những nội dung cơ bản theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. 3. Nội dung và trình tự kiểm tra nghiệm thu: a. Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do chủ đầu tư, chủ phương tiện chuẩn bị; b. Kiểm tra thực tế các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy của công trình theo thiết kế đã thẩm duyệt; c) Tổ chức thử nghiệm hoạt động thực tế các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy của công trình khi xét thấy cần thiết. 4. Kết quả kiểm tra và thử nghiệm được lập thành biên bản theo mẫu PC3 Phụ lục 1 Thông tư này. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày các bên liên quan thông qua biên bản, cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét, nếu đạt các yêu cầu thì ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. 5. Phân cấp kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy: a. Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra nghiệm thu và ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt; b. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra nghiệm thu và ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt và các công trình do Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ủy quyền. VII. CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Cơ sở quy định tại Phụ lục 2 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào hoạt động mà có đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 9 hoặc khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP thì được xem xét cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy" theo mẫu PC4 Phụ lục 1 Thông tư này. Trong quá trình hoạt động nếu có sự thay đổi về công năng, tính chất sử dụng thì phải làm thủ tục cấp lại như lần đầu; nếu không duy trì đầy đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy như tại thời điểm cấp giấy thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. 2. Thủ tục cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy": a. Hồ sơ đề nghị cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy" gồm: - Đơn đề nghị cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy" theo mẫu PC5 Phụ lục 1 Thông tư này; - Bản sao "Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở xây dựng mới hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi đóng mới hay hoán cải hoặc bản sao biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở và phương tiện giao thông cơ giới khác; - Bản thống kê các phương tiện phòng cháy và chữa cháy, phương tiện thiết bị cứu người đã trang bị theo mẫu PC6 Phụ lục 1 Thông tư này; - Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở kèm theo danh sách những người đã qua huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy; - Phương án chữa cháy. b. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy"; trường hợp không đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy để cấp giấy chứng nhận thì cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải thông báo rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị biết. 3. Thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy": a. Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp giấy "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy" cho các đối tượng do Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; b. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy" đối với các đối tượng còn lại quy định tại phụ lục 2 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và các đối tượng do Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ủy quyền. VIII. CẤP PHÉP VẬN CHUYỂN CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ 1. Phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định và phải có giấy phép vận chuyển do cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cấp. "Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ" được ban hành thống nhất trong toàn quốc theo mẫu PC7 Phụ lục 1 Thông tư này và phải có biểu trưng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo mẫu PC7a Phụ lục 1 Thông tư này dán trên kính chắn gió phía trước của phương tiện. Riêng việc cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và chất nổ thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm1996 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. 2. Thủ tục cấp "Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ": a. Hồ sơ của chủ phương tiện đề nghị cấp "Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ" gồm: - Đơn đề nghị cấp "Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ" theo mẫu PC8 Phụ lục 1 Thông tư này; - Bản sao "Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ" đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do cơ quan đăng kiểm cấp; biên bản kiểm tra điều kiện về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện cơ giới đường thuỷ, đường sắt; - Bản sao hợp đồng cung ứng hoặc hợp đồng vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; - Bản sao các giấy tờ cần thiết đảm bảo phương tiện được phép lưu hành theo quy định của pháp luật (khi nộp hồ sơ phải có bản chính để đối chiếu); b. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép vận chuyển; trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải thông báo rõ lý do cho chủ phương tiện biết. c. Thời hạn "Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ" quy định như sau: - Có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển từng chuyến; - Có giá trị 6 tháng đối với phương tiện chuyên dùng vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; 3. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thuộc Công an cấp tỉnh nơi chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú hoặc có trụ sở có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép vận chuyển cho các phương tiện. IX. THỦ TỤC KIỂM TRA AN TOÀN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Kiểm tra định kỳ: a. Người có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, khi tiến hành kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 3 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra. Tuỳ theo tình hình và yêu cầu mà việc kiểm tra có thể tiến hành theo từng nội dung hoặc kiểm tra toàn diện; b. Đối tượng được kiểm tra khi nhận được thông báo kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, bố trí người có trách nhiệm và thẩm quyền để làm việc với đoàn kiểm tra; c. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên khi tổ chức kiểm tra hoặc trực tiếp kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, địa bàn do cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở, địa bàn đó biết, nếu thấy cần thiết thì yêu cầu cấp quản lý cơ sở, địa bàn tham gia đoàn kiểm tra cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, địa bàn được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được thông báo cho cấp quản lý cơ sở, địa bàn biết. 2. Kiểm tra đột xuất: a. Người có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, khi kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do cho đối tượng được kiểm tra biết. Riêng người có trách nhiệm kiểm tra theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 19 Nghị định 35/2003/NĐ-CP phải có giấy giới thiệu của cơ quan; b. Đối tượng được kiểm tra khi nhận được thông báo phải chấp hành theo yêu cầu, chuẩn bị đầy đủ các nội dung và bố trí người có trách nhiệm và thẩm quyền để làm việc với người có trách nhiệm kiểm tra. 3. Việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất an toàn về phòng cháy và chữa cháy đều phải lập biên bản kiểm tra theo mẫu PC3 Phụ lục 1 Thông tư này. X. TẠM ĐÌNH CHỈ, GIA HẠN TẠM ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG VÀ PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN KHÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Việc tạm đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 35/2003/NĐ-CP được tiến hành theo trình tự như sau: a. Lập biên bản vi phạm theo mẫu PC9 Phụ lục 1 Thông tư này; biên bản vi phạm qui định an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải có chữ ký của người lập biên bản và của người vi phạm hoặc người đại diện cơ quan, tổ chức vi phạm (nếu người vi phạm hoặc người đại diện cơ quan, tổ chức vi phạm không ký thì phải ghi rõ lý do vào biên bản) và chữ ký của người làm chứng (nếu có). Biên bản lập xong phải trao hoặc gửi cho cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức vi phạm, cơ quan, tổ chức có liên quan và người lập biên bản lưu giữ một bản; b. Căn cứ biên bản vi phạm, người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động theo mẫu PC10 Phụ lục 1 Thông tư này; trường hợp xét thấy nguy cơ cháy, nổ ở mức cao cần phải ngăn chặn kịp thời ngay thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời và trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc phải thể hiện quyết định đó bằng văn bản trừ trường hợp nguy cơ cháy, nổ đó đã được khắc phục ngay; c. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động được gửi cho đối tượng bị tạm đình chỉ hoạt động, cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người ra quyết định, cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp quản lý đối tượng bị tạm đình chỉ (nếu có) và lưu hồ sơ. 2. Gia hạn tạm đình chỉ hoạt động: a. Trước khi hết thời hạn tạm đình chỉ mà nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc các vi phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về phòng cháy và chữa cháy vẫn chưa khắc phục được vì lý do khách quan và cần có thêm thời gian để khắc phục thì cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tạm đình chỉ hoạt động phải có đơn đề nghị gia hạn tạm đình chỉ hoạt động theo mẫu PC11 Phụ lục 1 Thông tư này gửi cơ quan đã ra quyết định tạm đình chỉ để xem xét quyết định việc gia hạn; b. Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn, người có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc gia hạn tạm đình chỉ hoạt động. Quyết định gia hạn tạm đình hoạt động được thể hiện bằng văn bản theo mẫu PC12 Phụ lục 1 Thông tư này và được gửi cho các đối tượng như quy định tại điểm c khoản 1 mục này. 3. Phục hồi hoạt động: a. Cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng và cá nhân bị tạm đình chỉ hoạt động khi đã loại trừ được nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc đã khắc phục được vi phạm về phòng cháy và chữa cháy thì có đơn đề nghị cho phục hồi hoạt động trở lại theo mẫu PC13 phụ lục 1 Thông tư này gửi tới cơ quan đã ra quyết định tạm đình chỉ để xem xét cho phục hồi hoạt động trở lại. Đối với các đối tượng bị tạm đình chỉ hoạt động trong trường hợp có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ do bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, khi xét thấy nguy cơ đó không còn nữa thì làm văn bản thông báo cho người đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động biết để tiến hành kiểm tra, xem xét quyết định việc phục hồi hoạt động. Đối với trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động bằng lời mà ngay sau đó nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ đã được khắc phục và được người ra quyết định tạm đình chỉ xác nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tạm đình chỉ không nhất thiết phải làm đơn hoặc công văn đề nghị cho phục hồi hoạt động; b. Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn hoặc văn bản thông báo đề nghị cho phục hồi hoạt động thì người đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải tổ chức kiểm tra, xem xét kết quả khắc phục và các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và lập biên bản kiểm tra theo mẫu PC3 Phụ lục 1 Thông tư này. Nếu nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ đã được loại trừ hoặc các vi phạm về phòng cháy và chữa cháy đã được khắc phục thì ra quyết định phục hồi hoạt động bằng văn bản theo mẫu PC14 Phụ lục 1 Thông tư này. Riêng trường hợp quyết định tạm đình chỉ bằng lời mà nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ được khắc phục hoặc loại trừ ngay sau đó thì việc quyết định phục hồi hoạt động được thực hiện bằng lời; c. Quyết định phục hồi hoạt động phải được gửi cho các đối tượng qui định tại điểm c khoản 1 mục này. XI. THỦ TỤC ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN KHÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Các trường hợp bị tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 35/2003/NĐ-CP đã hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động (bao gồm cả thời gian gia hạn nếu có) mà cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng và cá nhân bị tạm đình chỉ hoạt động không khắc phục hoặc không thể khắc phục được nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc vi phạm về phòng cháy và chữa cháy và có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng thì người có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xem xét để quyết định việc đình chỉ hoạt động theo trình tự như sau: 1. Kiểm tra và lập biên bản theo mẫu PC3 Phụ lục 1 Thông tư này; biên bản kiểm tra phải có chữ ký của người lập biên bản và của người vi phạm hoặc người đại diện cơ quan, tổ chức vi phạm (nếu người vi phạm hoặc người đại diện cơ quan, tổ chức vi phạm không ký thì phải ghi rõ lý do vào biên bản) và người làm chứng (nếu có). Biên bản lập xong phải trao hoặc gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; 2. Căn cứ biên bản kiểm tra, xét thấy phải đình chỉ hoạt động thì người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động theo mẫu PC15 Phụ lục 1 Thông tư này; Quyết định đình chỉ hoạt động được gửi cho đối tượng bị đình chỉ hoạt động, cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người ra quyết định, cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp quản lý đối tượng bị đình chỉ (nếu có) và lưu hồ sơ. XII. THÀNH LẬP ĐỘI CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Khi có yêu cầu thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập đề án trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp phê duyệt, sau đó báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét quyết định. XIII. ĐỊA ĐIỂM XÂY DỰNG DOANH TRẠI ĐƠN VỊ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Việc bố trí Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở các đô thị hoặc khu vực cần bảo vệ thực hiên theo quy định tại các Điều 5.16 và Điều 7.16 Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, tập I. XIV. PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY 1. Phương án chữa cháy được xây dựng theo mẫu PC16 Phụ lục 1 Thông tư này; 2. Thời hạn phê duyệt phương án chữa cháy được quy định như sau: a. Đối với phương án chữa cháy thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Trưởng phòng Cánh sát phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc, Công an cấp tỉnh: thời hạn phê duyệt không quá 10 ngày làm việc; b. Đối với phương án chữa cháy thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: thời hạn phê duyệt không quá 15 ngày làm việc. 3. Thực tập phương án chữa cháy: a. Phương án chữa cháy phải được tổ chức thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm một lần; mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể xử lý theo một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm cho tất cả các tình huống trong phương án đều lần lượt được thực tập. Khi tổ chức thực tập thì người phê duyệt phương án chữa cháy có thẩm quyền được huy động lực lượng, phương tiện tham gia thực tập phương án chữa cháy và quyết định quy mô của cuộc thực tập; b. Phương án chữa cháy được tổ chức thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương hoặc quốc gia hoặc theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy XV. THỦ TỤC HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN VÀ TÀI SẢN ĐỂ CHỮA CHÁY Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy phải theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 25 Nghị định 35/2003/NĐ-CP và được thực hiện như sau: 1. Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy được thực hiện bằng Lệnh theo mẫu PC17 Phụ lục 1 Thông tư này; trong trường hợp khẩn cấp để chữa cháy thì có thể được huy động bằng lời nhưng chậm nhất sau 3 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản; 2. Khi huy động bằng lời, người huy động phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đồng thời phải nói rõ yêu cầu về người, phương tiện và tài sản cần huy động, thời gian và địa điểm tập kết. XVI. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LUỢNG DÂN PHÒNG, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CƠ SỞ VÀ CHUYÊN NGÀNH 1. Tổ chức, biên chế của đội dân phòng: a. Đội dân phòng được biên chế từ 10 đến 30 người hoặc nhiều hơn khi thấy cần thiết, trong đó có 1 đội trưởng và các đội phó giúp việc. Đội dân phòng có thể được chia thành nhiều tổ theo cụm dân cư, khu vực; biên chế của tổ dân phòng từ 5 đến 10 người hoặc nhiều hơn khi thấy cần thiết, trong đó có 1 tổ trưởng và các tổ phó giúp việc; b. Cán bộ, đội viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú; c. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng. d. Công an cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các đội dân phòng. 2. Tổ chức, biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở; a. Biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được quy định như sau: - Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và do những người lãnh đạo cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới đó làm đội trưởng, đội phó; - Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 10 người, trong đó có 1 đội trưởng và các đội phó giúp việc; - Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 15 người, trong đó có 1 đội trưởng và các đội phó giúp việc; - Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 25 người, trong đó có 1 đội trưởng và các đội phó giúp việc; - Phương tiện giao thông cơ giới, cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập hoặc làm việc theo ca thì mỗi bộ phận, phân xưởng, mỗi ca làm việc có 1 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu từ 5 đến 7 người, trong đó có 1 tổ trưởng và các tổ phó giúp việc. b. Cán bộ, đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là những người thường xuyên làm việc tại cơ sở hoặc trên phương tiện giao thông cơ giới đó. c. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, tổ trưởng, tổ phó tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở. 3. Tổ chức, biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách: a. Biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách phải bảo đảm đủ quân số bố trí phù hợp với phương tiện chữa cháy đã trang bị, làm việc theo ca bảo đảm thường trực 24/24 giờ trong ngày. Ban Lãnh đạo đội gồm có 1 đội trưởng và các đội phó giúp việc; b. Người đứng đầu Ban quản lý đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ra quyết định thành lập, quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách. 4. Tổ chức, biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở chuyên ngành có quy định riêng. 5. Người ra quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành có trách nhiệm duy trì hoạt động, định kỳ hàng năm tổ chức phân loại và có kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Giao Tổng Cục Cảnh sát hướng dẫn cụ thể về phân loại đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. XVII. HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy gồm: a. Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy; b. Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành; c. Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất nguy hiểm về cháy, nổ. d. Người chỉ huy tàu thuỷ, tàu hỏa, tàu bay, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới có phụ cấp trách nhiệm, người điều khiển phương tiện, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; đ. Người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy; e. Các đối tượng khác có yêu cầu được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy. 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ sở có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng quy định tại khoản 1 mục này. Người đứng đầu cơ sở đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên có trách nhiệm đưa nội dung kiến thức phòng cháy và chữa cháy vào trong chương trình đào tạo. 3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: a. Thời gian huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy lần đầu được quy định như sau: - Từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 mục này; - Từ 16 đến 32 giờ đối với đối tượng quy định tại các điềm đ, e khoản 1 mục này; b. Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng quy định tại khoản 1 mục này tối thiểu là 16 giờ. 4. Cấp "Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy": a. Các đối tượng quy định tại khoản 1 mục này, sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu trở lên thì được cấp "Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy" theo mẫu PC18 Phụ lục 1 Thông tư này; b. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an cấp tỉnh cấp. Phôi "Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy" do Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức in và phát hành. 5. Giao Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy biên soạn tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy phù hợp cho từng đối tượng quy định tại khoản 1 mục này. XVIII. ĐIỀU ĐỘNG LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG, LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CƠ SỞ VÀ CHUYÊN NGÀNH THAM GIA HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành được điều động tham gia tuyên truyền, cổ động, mít tinh, diễu hành, hội thao về phòng cháy và chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy, bảo vệ liên quan đến cháy, nổ; tham gia khắc phục nguy cơ phát sinh cháy, nổ; khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền. 2. Việc điều động lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải có quyết định bằng văn bản theo mẫu PC19 Phụ lục 1 Thông tư này; trong trường hợp khẩn cấp thì được điều động bằng lời, nhưng chậm nhất sau 3 ngày làm việc phải có quyết định bằng văn bản. Khi điều động bằng lời, người điều động phải xưng rõ họ tên, chức vụ; đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và nêu rõ yêu cầu về số lượng người, phương tiện cần điều động, thời gian, địa điểm có mặt và nội dung hoạt động. 3. Quyết định điều động được gửi cho đối tượng có nghĩa vụ chấp hành và lưu hồ sơ. XIX. ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH PHƯƠNG TIỆN VÀ THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn kỹ thuật sau đây: a. Có nhà xưởng, thiết bị công nghệ đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với cơ sở sản xuất; b. Trong mỗi lĩnh vực sản xuất phải có cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp; c. Cán bộ, công nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hành nghề thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải có đủ năng lực thiết kế sau đây: a. Chủ nhiệm thiết kế, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phải có đủ năng lực thiết kế xây dựng theo quy định hoặc có trình độ đại học phòng cháy chữa cháy trở lên; b. Các thành viên trực tiếp thiết kế phải có trình độ đại học chuyên ngành trở lên phù hợp với nhiệm vụ thiết kế đảm nhiệm XX. KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 1. Nội dung kiểm định: a. Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy; b. Kiểm định các thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy. 2. Phương thức kiểm định: a. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số seri và các thông số kỹ thuật của phương tiện phòng cháy và chữa cháy; b. Kiểm tra chủng loại, mẫu mã; c. Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm theo phương pháp lấy mẫu xác suất; đối với mỗi lô hàng cùng chủng loại, mẫu mã tiền hành kiểm định mẫu không quá 5% số lượng phương tiện cần kiểm định, nhung không ít hơn 10 mẫu; trường hợp số lượng phương tiện cần kiểm định dưới 10 thì kiểm định toàn bộ; . d. Đánh giá kết quả và lập biên bản kiểm định theo mẫu PC2O Phụ lục 1 Thông tư này; đ. Cấp "Giấy chứng nhận kiểm định" theo mẫu PC21 Phụ lục 1 hoặc dán tem, đóng dấu kiểm định theo mẫu PC22 Phụ lục 1 Thông tư này. 3. Thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy: a. Hồ sơ đề nghị kiểm định gồm: - Đơn đề nghị kiểm định của chủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo mẫu PC 23 Phụ lục 1 Thông tư này; - Các tài liệu kỹ thuật của phương tiện phòng cháy và chữa cháy; - Chứng nhận chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); - Chứng nhận xuất xưởng của phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Hồ sơ đề nghị kiểm định nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch đó. b. Chủ phương tiện chuẩn bị 02 bộ hồ sơ và cung cấp mẫu phương tiện cần kiểm định theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. XXI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Tổng Cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Thông tư này. Tổng Cục trưởng các Tổng cục, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có nhiệm vụ phối hợp với Tổng Cục Cảnh sát tổ chức thực hiện Thông tư này. 2. Đề nghị Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, chức năng, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân do Bộ, ngành, địa phương mình quản lý. 3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công An (qua Tổng Cục Cảnh sát) để nghiên cứu hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời. Lê Thế Tiệm (Đã ký) PHỤ LỤC SỐ 2 DANH MỤC CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ KHI VẬN CHUYỂN PHẢI CÓ GIẤY PHÉP (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an) Số thứ tự Tên hàng Số UN (mã số Liên Hợp quốc) Loại, nhóm hàng Số hiệu nguy hiểm 1 Acetylene 1001 3 239 2 1,2-Butadien, hạn chế 1010 3 239 3 1,3-Butadien, hạn chế 1010 3 239 4 Hỗn hợp của 1,3-Butadien và hydrocarbon, hạn chế 1010 3 239 5 Butane 1011 3 23 6 1-Butylene 1012 3 23 7 Butylenes hỗn hợp 1012 3 23 8 Trans-2-Butylene 1012 3 23 9 Dichlorodifluoromethane (R21) 1029 3 23 10 1,1-Difluorethane (R152a) 1030 3 23 11 Dimethylamine, anhydrous 1032 3 23 12 Dimethl ether 1033 3 23 13 Chất Etan 1035 3 23 14 Chất Etylamin 1036 3 23 15 Clorua etylic 1037 3 23 16 Ethylene, chất lỏng đông lạnh 1038 3 223 17 Etylic metyla ête 1039 3 23 18 Hợp chất etylen oxit và cacbon dioxyt có etylen oxit từ 9 đến 87% 1041 3 239 19 Hydro ở thể nén 1049 3 23 20 Butila đẳng áp 1055 3 23 21 Hợp chất P1, P2: xem hợp chất methylacetylene và propadiene, cân bằng 1060 3 239 22 Hợp chất Methylacetylene và Propandien, cân bằng 1060 3 239 23 Methylamine, thể khan 1061 3 23 24 Methyl chloride 1063 3 23 25 Dầu khí hóa lỏng 1075 3 23 26 Propylene 1077 3 23 27 Trimethylamine, thể khan 1083 3 23 28 Vinyl bromide, hạn chế 1085 3 239 29 Vinyl chloride, hạn chế và ổn định 1086 3 239 30 Vinyl methyl ether, hạn chế 1087 3 239 31 Acetal 1088 3 33 32 Acetaldehyde 1089 3 33 33 Acetone 1090 3 33 34 Acetone dầu 1091 3 33 35 Acrylonitrile, hạn chế 1093 3+6.1 336 36 Ally bromide 1099 3+6.1 336 37 Ally chloride 1100 3+6 336 38 Amyl axetats 1104 3 30 39 Pentanos 1105 3 30 40 Pentanots 1105 3 33 41 Amylamine (n-amylamine, tert-anylamine) 1106 3+8 339 42 Amylamine (sec-amylamine) 1106 3+8 38 43 Amyl chloride 1107 3 33 44 1-Pentene (n-Amyiene) 1108 3 33 45 Amyl formates 1109 3 30 46 n-Amyl methyl ketone 1110 3 30 47 Amyl mercaptan 1111 3 33 48 Amyl nitrate 1112 3 30 49 Amyl nitrite 1113 3 33 50 Benzene 1114 3 33 51 Butanols 1120 3 33 52 Butyl axetats 1123 3 33 53 n-Butylamine 1125 3+8 338 54 1-Bromobutane 1126 3 33 55 n-Butyl bromide 1126 3 33 56 Chloro butanes 1127 3 33 57 n-Butyl formate 1128 3 33 58 Butyraldehyde 1129 3 33 59 Dầu Long não 1130 3 30 60 Carbon disulphide 1131 3+6.1 336 61 Carbon sulphide 1131 3+6.1 336 62 Các chất dính 1133 3 33 63 Chlorobenzen 1134 3 30 64 Dung dịch phủ 1139 3 33 65 Crotonylene (2-Butyne) 1144 3 339 66 Cyclohexane 1145 3 33 67 Cyclopentane 1146 3 33 68 Decahydronaphthalene 1147 3 30 69 Rượu cồn diacetone, làm tinh bằng hóa học 1148 3 30 70 Rượu cồn diacetone, làm tinh bằng kỹ thuật 1148 3 33 71 Dibutyl ether 1149 3 30 72 1,2-Dichloroethylene 1150 3 33 73 Dichloropentanes 1152 3 30 74 Etylene glycol diethyl ether 1153 3 30 75 Diethylamine 1154 3.8 338 76 Diethyl ether (ethyl ether) 1155 3 33 77 Diethyl ketone 1156 3 33 78 Diisobutyl ketone 1157 3 33 79 Diisopropylamine 1158 3+8 338 80 Diiisopropyl ether 1159 3 33 81 Dung dịch dimethylamine 1160 3+8 338 82 Dimethyl carbonate 1161 3 33 83 Dimethydichlorosilane 1162 4+8 X338 84 Dimethyl sulphide 1164 3 33 85 Dioxane 1165 3 33 86 Dioxolane 1166 3 33 87 Divinyl ether hạn chế 1167 3 33 88 Các chiết xuất hợp chất thơm dạng lỏng Ethanol (Ethyl Rượu cồn) hoặc ethwol (Rượu cồn Ethyl) gồm hơn 70% khối lượng cồn 1169 3 30 89 Phương pháp Ethanol (Dung dịch Rượu cồn Ethyl) chứa trên 24% và dưới 70% lượng cồn 1170 3 30 90 Ethylene glycol monoethyl ether 1171 3 30 91 Ethylene glycol monoethyl ether axetat 1172 3 30 92 Ethyl axetat 1173 3 33 93 Ethyl benzene 1175 3 33 94 Ethyl bocate 1176 3 33 95 Ethylbutyl axetat 1177 3 30 96 2-Ethylbutyraldehyde 1178 3 33 97 Ethyl butylether 1179 3 33 98 Ethyl butyrate 1180 3 30 99 Ethyldichlorosilace 1183 4.3+3+8 X338 100 1,2 Dichloroethane (Ethylene dichlorocide) 1184 3+6.1 336 101 Ethylene glycol monomethyl ether 1188 3 30 102 Ethylene glycol monomethyl ether axetat 1189 3 30 103 Ethyl formate 1190 3 33 104 Ocryl aldehydes (ethyl hexanldehydes) 1191 3 30 105 Ethyl lactate 1192 3 30 106 Ethyl methyl ketone (methyl ethyl ketone) 1193 3 33 107 Giải pháp Ethyl nitrite 1194 3+6.1 336 108 Ethyl propionate 1195 3 33 109 Ethyltrichlorosilane 1196 3+8 X338 110 Chất lỏng dễ hấp thụ 1197 3 30 111 Chất lỏng dễ hấp thụ 1197 3 33 112 Formaldehyde dung dịch, dễ cháy 1198 3+8 38 113 Dầu rượu tạp 1201 3 30 114 Dầu rượu tạp 1201 3 33 115 Dầu Diesel 1202 3 30 116 Khí dầu 1202 3 30 117 Dầu nóng (nhẹ) 1202 3 30 118 Dầu bôi trơn máy 1203 3 33 119 Heptanes 1206 3 33 120 Hexaldehyde 1207 3 30 121 Hexane 1208 3 33 122 Isobutanol 1212 3 30 123 Isobutyl axetat 1213 3 30 124 Isobutylamine 1214 3+8 338 125 Isooctenes 1216 3 33 126 Isoprene, hạn chế 1218 3 339 127 Isopropanol (isopropyl Rượu cồn) 1219 3 33 128 Isopropyl axetat 1220 3 33 129 Isopropylamine 1221 3+8 338 130 Dầu lửa 1223 3 30 131 Xe ton 1224 3 30 132 Xe ton 1224 3 33 133 Hợp chất mercaptans hoặc mercaptan, lỏng, dễ cháy, độc hại 1228 3+6.1 336 134 Hợp chất mercaptans hoặc mercaptan, lỏng, dễ cháy, độc hại 1228 3+6.1 36 135 Mosityl oxide 1229 3 30 136 Methanol 1230 3+6.1 336 137 Methyl axetat 1231 3 33 138 Methylamy axetat 1233 3 30 139 Methylal 1234 3 33 140 Dung dịch methylamine 1235 3+8 338 141 Methylbutyrate 1237 3 33 142 Methyldichlomsilane 1242 4.3+3+8 X338 143 Methyl Formate 1243 3 33 144 Methyl isobutyl ketone 1245 3 33 145 Methyl isobutyl ketone, hạn chế 1246 3 339 146 Methyl methacrylate monomer, hạn chế 1247 3 339 147 Methyl propionate 1248 3 33 148 Methyl propyl ketone 1249 3 33 149 Mothyitrichlorosilme 1250 3+8 X338 150 Octanes 1262 3 33 151 Paraldehyde 1264 3 30 152 Pentanes, lỏng 1265 3 33 153 Các chất sản phẩm có mùi thơm 1266 3 30 154 Các chất sản phẩm có mùi thơm 1266 3 33 155 Dầu thô Petrol 1267 3 33 156 Sản phẩm dầu mỏ 1268 3 33 157 Sản phẩm dầu mỏ 1268 3 30 158 Dầu gỗ thông 1272 3 30 159 n-Propnol 1274 3 30 160 n-Propnol 1274 3 33 161 Propionaldehyde 1275 3 33 162 n-Propyl axetat 1276 3 33 163 Propylamine 1277 3+8 338 164 1-Chloropropane (Pryopyl chloride) 1278 3 33 165 1,2-Dichloropropane 1279 3 33 166 Propylene oxide 1280 3 33 167 Propyl định hình 1281 3 33 168 Pryridine 1282 3 33 169 Dầu rosin 1286 3 30 170 Dầu rosin 1286 3 33 171 Dầu đá phiến sét 1288 3 30 172 Dầu đá phiến sét 1288 3 33 173 Chất thải Nát ri methylate 1289 3+8 338 174 Chất thải Nát ri methylate 1289 3+8 38 175 Tetraethyl silicate 1292 3 30 176 Cồn thuốc, dạng thuốc y tế 1293 3 30 177 Cồn thuốc, dạng thuốc y tế 1293 3 33 178 Toluene 1294 3 33 179 Trichlorosilane 1295 4.3+3+8 X338 180 Triethylamine 1296 3+8 338 181 Trimethylamine, dung dịch 1297 3+8 338 182 Trimethylamine, dung dịch 1297 3+8 38 183 Trimethylchlorosilane 1298 3+8 X338 184 Vinyl axetat, hạn chế 1301 3 339 185 Vinyl ethyl ether, hạn chế 1302 3 339 186 Vinylidene chloride, hạn chế 1303 3 339 187 Vinyl isobutyl ether, hạn chế 1304 3 339 188 Vinyltrichlomsilane, hạn chế 1305 3+8 X338 189 Wood preservatvies, dạng lỏng 1306 3 30 190 Wood presevatvies, dạng lỏng 1306 3 33 191 Xylenes 1307 3 30 192 Xylenes 1307 3 33 193 Ziconium trong chất lỏng dễ cháy 1308 3 33 194 Ziconium trong chất lỏng dễ cháy 1308 3 30 195 Bomeol 1312 4.1 40 196 Calcium resminate 1313 4.1 40 197 Calcium resinate, được hợp nhất 1314 4.1 40 198 Cabalt resinate, dạng kết tủa 1318 4.1 40 199 Ferrocerium 1323 4.1 40 200 Chất rắn dễ cháy, chất hữu cơ 1325 4.1 40 201 Hafnium bột, làm ướt 1326 4.1 40 202 Hexa, methylenetetramine 1328 4.1 40 203 Maganese resinate 1330 4.1 40 204 Metaldehyde 1332 4.1 40 205 Naphthalene thô hoặc tinh khiết 1334 4.1 40 206 Phosphorus không tinh khiết 1338 4.1 40 207 Phosphorus heptasulphide 1339 4.1 40 208 Phosphorus pentasulphide 1340 4.3 423 209 Phosphorus sesquisulphide 1341 4.1 40 210 Phosphorus trisulphide 1343 4.1 40 211 Silicon dạng bột, không tinh khiết 1346 4.1 40 212 Sulphur 1350 4.1 40 213 Titanium dạng bột, làm ướt 1352 4.1 40 214 Ziconium dạng bột hoặc làm ướt 1358 4.1 40 215 Copra 1363 4.2 40 216 Diethyl Kẽm 1366 4.2+4.3 X333 217 p-Nitrosodimethylaniline 1369 4.2 40 218 Dimethyl Kẽm 1370 4.2+4.3 X333 219 Chất xúc tác kim loại, ướt 1378 4.2 40 220 Pentaborane 1380 4.2+6.1 333 221 Phosphorus mầu trắng hoặc mầu vàng, khô 1381 4.2+6.1 46 222 Postassium sulphide, anhydrous 1382 4.2 40 223 Postassium sulphide, anhydrous, với ít hơn 30% nước của crystallisation 1382 4.2 40 224 Nát ri dithionite (Nát ri hydrosulphite) 1384 4.2 40 225 Nát ri sulphite, anhydrous 1385 4.2 40 226 Nát ri sulphite, với ít hơn 30% nước của crystallisation 1385 4.2 40 227 Amalgam kim loại kiềm 1389 4.3 X423 228 Amides kim loại kiềm 1390 229 Kim loại kiềm phân tán 1391 4.3+3 X423 230 Chất phân tán kim loại trong lòng đất alkaline 1391 4.3+3 X423 231 Hỗn hợp kim loại trong lòng đất alkaline 1392 4.3 X423 232 Ferrosilicon nhôm dạng bột 1395 4.3+6.1 462 233 Caesium 1407 4.3 X423 234 Ferrsilicon 1408 4.3+6.1 462 235 Lithium 1415 4.3 X423 236 Hợp chất kim loại potasium 1420 4.3 X423 237 Hợp chất kim loại alkali, dạng lỏng 1421 4.3 X423 238 Hợp chất potassium Nát ri 1422 4.3 X423 239 Rubidium 1423 4.3 X423 240 Nát ri 1428 4.3 X423 241 Methylate nát ri 1431 4.2+8 49 242 Zicronium hydrite 1437 4.1 40 243 Acetonitrile (methyl cyanide) 1468 3 33 244 Allyl iodide 1723 3+9 338 245 Amyltrichlorosilane 1728 9 X80 246 Propionyl chloride 1815 3+8 338 247 Silicon tetrafiluoride, dạng nén 1859 6.1+8 268 248 Vinyl filuoride, hạn chế 1860 3 239 249 Ethyl crotonate 1862 3 33 250 Nhiên liệu dùng trong hàng không và động cơ tuabin 1863 3 30 251 Nhiên liệu dùng trong hàng không và động cơ tuabin 1863 3 30 252 Decaborane 1868 4.1+6.1 46 253 Magnesium 1869 4.1 40 254 Hợp chất Magnesium 1869 4.1 40 255 Titanium hydride 1871 4.1 40 256 Methyl chloride và methylene chloride hỗn hợp 1912 3 23 257 Butyl propinates 1914 3 30 258 Cyclohexanone 1915 3 30 259 Ethyl arylate, hạn chế 1917 3 339 260 Isoprobenzene (Cumene) 1918 3 30 261 Methyl acrylate, hạn chế 1919 1 339 262 Nonanes 1920 3 30 263 Propyleneimine, hạn chế 1921 3+6.1 336 264 Pyprrolidine 1922 3+8 331 265 Calcium dithionite 1923 4.2 40 266 Methyl magnesium bromide trong ethyl ether 1928 4.3+3 X323 267 Potasium dithionite 1929 4.2 40 268 Kẽm dithionite 1931 9 90 269 Phế liệu zirconium 1932 4.2 40 270 Dibromodifluoromethane 1941 9 90 271 Khí dạng nén, độc, dễ cháy 1954 3 23 272 Deuterium, dạng nén 1957 3 23 273 1,1-Difluorothylene (R1132a) 1959 3 239 274 Ethane, làm lạnh dạng lỏng 1961 3 223 275 Ethyime, dạng nén 1962 3 23 276 Hỗn hợp khí hydrocabon, nén 1964 3 23 277 Butane (tên thương mại): xem hỗn hợp A, AO1, AO2, AO 1965 3 23 278 Hỗn hợp khí hidrocacbon, hóa lỏng 1965 3 23 279 Miture A, AO1, AO2, AO, AI BI, B2, B, C: xem hỗn hợp khí hidrocarbon hóa lỏng 1965 3 23 280 Propane (tên thương mại): xem hỗn hợp C 1965 3 23 281 Hydrocarbon, làm lạnh dạng lỏng 1966 3 223 282 IsoButane 1969 3 23 283 Methane, dạng nén 1971 3 23 284 Khí tự nhiên dạng nén 1971 3 23 285 Methane, làm lạnh dạng lỏng 1972 3 223 286 Natund gas, làm lạnh dạng lỏng 1972 3 223 287 Rượu cồn, dễ cháy, chất độc 1986 3+6.1 36 288 Rượu cồn, dễ cháy, chất độc 1986 3+6.1 336 289 Rượu cồn, dễ cháy 1987 3 33 290 Rượu cồn, dễ cháy 1987 3 30 291 Aldehyde, dễ cháy, chất độc 1988 3+6.1 336 292 Aldehyde, dễ cháy, chất độc 1988 3+6.1 36 293 Aldehyde, dễ cháy 1989 3 33 294 Aldehyde, dễ cháy 1989 3 30 295 Benzldehyde 1990 9 90 296 Chloroprene, hạn chế 1991 3+6.1 336 297 Chất lỏng dễ cháy, chất độc 1992 3+6.1 336 298 Chất lỏng dễ cháy, chất độc 1992 3+6.1 36 299 Chất lỏng dễ cháy 1993 3 33 300 Chất lỏng dễ cháy 1993 3 30 301 Cobalt naphthenates, dạng bột 2001 4.1 40 302 Alkyl kim loại, có thể kết hợp với nước hoặc aryls kim loại, có thể kết hợp với nước 2003 4.2+4.3 X333 303 Magnesium diamide 2004 4.2 40 304 Magnesium diphenyl 2005 4.2+4.3 X333 305 Zirconium dạng bột, khô 2008 4.2 40 306 Hỗn hợp Hydrogen và methane, dạng nén 2034 3 23 307 1,1.1-Trifluoroethane (R 143a) 2035 3 23 308 2,2-Dimethylpropane 2044 3 23 309 Isobutyraldehyde 2045 3 33 310 Cymnes (o-, m-, p-) (Methyl isopropyl benzenes) 2046 3 30 311 Dichloropropenes 2047 3 30 312 Dichloropropenes 2047 3 33 313 Dicyclopentadine 2048 3 30 314 Diethylbenzenes (o-, m, p-) 2049 3 30 315 Diisobutylene, isomeric hợp chất 2050 3 33 316 Dipentene 2052 3 30 317 Methyl isobutyl carbinol 2053 3 30 318 Morpholine 2054 3 30 319 Styrene monomer, hạn chế (Vinilbenzene) 2055 3 39 320 Tetrahydrofuran 2056 3 33 321 Tripropylene 2057 3 30 322 Tripropylene 2057 3 33 323 Valeraldehyde 2058 3 33 324 Nitrocellulose dung dịch, dễ cháy 2059 3 30 325 Nitrocellulose dung dịch, dễ cháy 2059 3 33 326 Propadiene, hạn chế 2200 3 239 327 Silane, dạng nén 2203 3 23 328 Maneb 2210 4.2+4.3 40 329 Chất điều chế Maneb 2210 4.2+4.3 40 330 Hạt Polymeric được làm nở 2211 90 331 Parafomaldehyde 2213 4.1 40 332 Allyl glycidyl ether 2219 3 30 333 Anisole (phmyl methyl ether) 2222 3 30 334 n-Butyl methacrylate, hạn chế 2227 3 39 335 Chlorobenzotifluorides (o-, m-, p-) 2234 3 30 336 Chlorotoluenes (o-, m, p-) 2238 3 30 337 Cycloheptane 2241 3 33 338 Cycloheptane 2242 3 33 339 Cyclohexyl axetat 2243 3 30 340 Cyclopentanol 2244 3 30 341 Cyclopentanone 2245 3 30 342 Cyclopentene 2246 3 33 343 n-Deccane 2247 3 30 344 2,5-Norbomadiene (Dicycloheptadiene) 2251 3 339 345 1,2-Dimethoxyethne 2252 3 33 346 Cyclohexene 2256 3 33 347 Potassium 2257 4.3 X423 348 Tripropylamine 2260 3+9 39 349 Dimethylcyclohexanes 2263 3 33 350 N,N-Dimethylfomamide 2265 3 30 351 Dimethy-N-Propylamine 2266 3+8 338 352 3,3-iminodipropylamine 2269 8 50 353 Ethylamin dung dịch 2270 3+8 338 354 Ethyl amil Xe ton 2271 3 30 355 N-Ethyl-N-benzeyianiline 2274 6.1 60 356 2-Ethylbutanol 2275 3 30 357 2-Ethylhexylamine 2276 3+8 38 358 Ethyl methacrylate 2277 3 339 359 n-Heptene 2278 3 33 360 Hexanols 2282 3 30 361 Isobutyl methacrylate, hạn chế 2283 3 39 362 Isobutyronitrile 2284 3+6.1 336 363 Pentamethylheptane (isododecane) 2286 3 30 364 Isoheptene 2287 3 33 365 Isobexene 2288 3 33 366 4.Methoxy-4-methylpentan-2-one 2293 3 30 367 Mothylcyclohome 2296 3 33 368 Mothylcyclohexanones 2297 3 30 369 Methylcyclopentane 2298 3 33 370 2-Methylheran 2301 3 33 371 5-Methylhexan-2-one 2302 3 30 372 Isopropenylbenzene 2303 3 30 373 Naphthalene, dạng chảy 2304 4.1 44 374 Niitrobenzotriflurides 2306 6.1 60 375 Các chất metallic có thể kết hợp với nước 2308 4.3 423 376 Octadiene 2309 3 33 377 Pentan-2,4-dione 2310 3+6.1 36 378 Isopetenes 2311 3 33 379 Picolines 2313 3 30 380 Polychlorinated biphenyls 2315 9 90 381 Natri hydrosulphide hydrated 2318 4.2 40 382 Terpene hydrocarbons 2319 3 30 383 Triethyl phosphite 2323 3 30 384 Triisobutylene (isbutylene trimer) 2324 3 30 385 1,3,5-trimethyliylbenzene 2325 3 30 386 Trimethyl phosphite 2329 3 30 387 Undecane 2330 3 30 388 Acetaldehyde oxime 2332 3 30 389 Allyl axetat 2333 3+6.1 336 390 Allyl ethyl ether 2335 3+6.1 336 391 Allyl fomate 2336 3+6.1 336 392 2-Broniobutane 2339 3 33 393 Beenzotrifluoride 2339 3 33 394 2-Bromethyl ethel ether 2340 3 33 395 1-Bromo-3-methylbutane 2341 3 30 396 Bromomethylpropanes 2342 3 33 397 2-Bromopentane 2343 3 33 398 Bromopropanes 2344 3 33 399 Bromopropanes 2344 3 30 400 3-Bromopropyne 2345 3 33 401 Butanedione (diacetyl) 2346 3 33 402 Butyl mercaptan 2347 3 33 403 Butyl acrylates, hạn chế 2348 3 39 404 Butyl methyl ether 2350 3 33 405 Butyl nitrites 2351 3 33 406 Butyl nitrites 2351 3 30 407 Butyl vinyl ether, hạn chế 2352 339 408 Butyryl chloride 2353 3+8 338 409 Chloromethyl ethyl ether 2354 3+6.1 336 410 2-chloopropane 2356 3 33 411 Cyclooctatetraene 2358 3 33 412 Diallylamine 2359 3+8+6.1 338 413 Diallyl ether 2360 3+6.1 336 414 Diisobutylamine 2361 3+8 38 415 1,1-Dichloroethane (Ethylidene chloride) 2362 3 33 416 Ethyl mercaptan 2363 3 33 417 n-Propylbenzen 2364 3 30 418 Diethyl carbonate (Ethyl carbonate) 2366 3 30 419 Alpha-Methylvaleraldehyde 2367 3 33 420 Alpha-Pinene 2368 3 30 421 1-Hexene 2370 3 33 422 1,2.Di-(dimethylamino) ethane 2372 1 33 423 Diethoxymethane 2373 3 33 424 3,3-Diethoxypropene 2374 3 33 425 Diethyl sulphide 2375 3 33 426 2,3-Dihydropyran 2376 3 33 427 1,1-Dimethoxyethane 2377 3 33 428 2-Dimethylaminoacetonitrile 2378 3+6.1 336 429 1,3-Dimethylbutylamine 2379 3+8 338 430 Dimethyidiethoxysilane 2380 3 33 431 Dimethyl disulphide 2381 3 33 432 Dipropylamine 2383 3+8 338 433 Ethyl isobutyrate 2385 3 33 434 Fluorobenzene 2387 3 33 435 Fluorotoluenes 2388 3 33 436 Furan 2389 3 33 437 2-lodobutane 2390 3 33 438 Iodomethylpropanes 2391 3 33 439 Iodopropanes 2392 3 30 440 Isobutyl formate 2393 3 33 441 Di-n-propyl ether 2394 3 33 442 Isobutyl propionate 2394 3 33 443 Isobutyryl chloride 2395 3+8 338 444 I-Ethylpiperidine 2396 3+8 338 445 Methacrylaldehyde, hạn chế 2396 3+6.1 336 446 3-Methybutan-2-one 2397 3 33 447 Methyl tert-butyl ether 2398 3 33 448 I-Methylpiperidine 2399 3+8 338 449 Methyl isovalerate 2400 3 33 450 Propannethiols (propyl mercaptans) 2402 3 33 451 Isopropenyl axetat 2403 3 33 452 Propionitrile 2404 3+6.1 336 453 Isopropyl butyrate 2405 3 30 454 Isopropyl isobutyrate 2406 3 33 455 Isopropyl propionate 2409 3 33 456 1,2,3,6-Tetrahydropyridine 2410 3 33 457 Butyronitrile 2411 3+6.1 336 458 Tetrahydrothiophene (thiolanne) 2412 3 33 459 Tetrapropyl orthotitanate 2413 3 30 460 Thiophene 2414 3 33 461 Trimethyl borate 2416 3 33 462 Bromotrifluoroethylene 2419 3 23 463 Thioacetic acid 2436 3 33 464 Stannic chloride pentahydrate 2440 9 50 465 Lithium alkyls 2445 4.2+4.3 X333 466 Phosphorus, mầu trắng hoặc mầu vàng dạng chảy 2447 4.1 44 467 Sunphur, dạng chảy 2448 4.1 44 468 Nitrogen trifluoride, dạng nén 2451 2+05 25 469 Ethylacetylene, hạn chế 2452 3 239 470 Ethyl fluoride (R161) 2453 3 23 471 Methyl fluoride (R41) 2454 3 23 472 2-Chloropropene 2456 3 23 473 2,3-Dinethylbutane 2457 3 23 474 Hexadiene 2458 3 23 475 2-Methyl-1-butene 2459 3 23 476 2-Methyl-1-butene 2460 3 23 477 Methylpentadiene 2461 3 23 478 Isocyanatesofisocyanate dung dịch, dễ cháy, chất độc 2478 3+6.1 336 479 Isocyanatesofisocyanate dung dịch, dễ cháy, chất độc 2478 3+6.1 36 480 Isopropyl isocyanate 2483 3+6.1 336 481 Hexmethyleneimine 2493 3+8 338 482 1,2,3,6-Tatrahydrobenzaldehyde 2498 3 30 483 Bromobenzenet 2514 3 30 484 I-Chloro-1, 1-difluorethane (R 142b) 2517 3 23 485 Cyclooctadines 2520 3 30 486 Ethyl orthoformate 2524 3 30 487 Furfurylamine 2526 3+8 38 488 Isobutyl acrylate, hạn chế 2527 3 39 489 Isobutyl isobutyrate 2528 3 30 490 Isobutyric acid 2529 3+8 38 491 Isobutyric anhydride 2530 3+8 38 492 4-Methylmorpholine 2535 3+8 338 493 Methyltetrahydrofuran 2536 3 33 494 Nitronaphthalete 2538 4.1 40 495 Terpinolene 2541 3 30 496 Hafnium dạng bột, khô 2545 4.2 40 497 Titanium dạng bột, khô 2546 4.2 40 498 Methylallyl chloride 2554 3 33 499 2-Methylpentan-2-ol 2560 3 30 500 3-Methyl-1-butene (Isopropylethylene) 2561 3 33 501 Asbestos mầu trắng (Actinolite, Anthophyllite, Chrysotile hoặc Tremolite) 2590 9 90 502 Cyclobutane 2601 3 23 503 Cycloheptatriene 2603 3+6.1 336 504 Methoxymethyl isocyanate 2605 3+6.1 336 505 Acrolein, dimer, được làm ổn định 2607 3 39 506 Nitropropanes 2608 3 30 507 Triallylamine 2610 3+8 38 508 Methyl propyl ether 2612 3 33 509 Rượu cồn Methalyl 2614 3 30 510 Ethyl propil ether 2615 3 33 511 Triisopropyl borate 2616 3 30 512 Triisopropyl borate 2616 3 33 513 Methylcycloxanols 2617 3 30 514 Viniltoluene, hạn chế (o-, m-, p-) 2618 3 39 515 Amyl butyrates 2620 3 30 516 Acetyl methyl carbinol 2621 3 30 517 Glycidaldehyde 2622 3+6.1 336 518 Magnesium cilicide 2624 4.3 423 519 Diethylaminopropylamine 2684 3+8 38 520 Dicyclohexylamonium nitrite 2687 4.1 40 521 Dimithyldioxanes 2707 3 30 522 Dimithyldioxanes 2707 3 33 523 Butylbenzenes 2709 3 30 524 Resinate kẽm 2714 4.1 40 525 Resinate nhôm 2715 4.1 40 526 Camphor, synthetic 2717 4.1 40 527 Aminesorpolyamines, dễ cháy, ăn mòn 2733 3+8 338 528 Aminesorpolyamines, dễ cháy, ăn mòn 2733 3+8 38 529 Tetramethylsilane 2749 3 33 530 1,2-Epoxy-3-ethoxypropane 2752 3 30 531 Lithium hydride, chất rắn được hợp nhất 2805 4.3 423 532 Chất rắn có thể kết hợp với nước 2813 4.3 423 533 Lithium ferrosilicon 2830 4.3 423 534 Hydride Natri nhôm 2835 4.3 423 535 Vinil butyrate, hạn chế 2838 3 339 536 Butyraidoxime 2840 3 30 537 Di-n-amylamine 2841 3+6.1 36 538 Nitroethane 2842 3 30 539 Calcium manganenes silicon 2844 4.3 423 540 Pyrophoric dạng lỏng, chất hữu cơ 2845 4.2 333 541 Propylene tetramer 2850 3 30 542 Borohydride nhôm 2870 4.2+4.3 X333 543 Titanium xốp, dạng bột hoặc hạt nhỏ 2878 4.1 40 544 Metal catalyst khô 2881 4.2 40 545 Chất lỏng ăn mòn dễ cháy 2924 3+8 338 546 Chất lỏng ăn mòn dễ cháy 2924 3+9 38 547 Chất rắn ăn mòn, dễ cháy, chất hữu cơ 2925 4.1+8 48 548 Chất rắn ăn mòn, dễ cháy, chất hữu cơ 2926 4.1+6.1 46 549 Methyl 2-chloropionate 2933 3 30 550 Isopropil 2-chloropropionate 2934 3 30 551 Ethyl 2-chloropropionate 2935 3 30 552 9-Phosphabicyclononanes (cyclooctadine phosphines) 2940 4.2 40 553 Tetrahydrofurfurylamine 2943 3 30 554 N-Methylbutylamine 2945 3+8 338 555 Isopropyl chloroaxetat 2947 3 30 556 Magnesium hạt nhỏ, dạng màng 2950 4.3 423 557 Boron trifluoride dimethyl etherate 2965 4.3+3+8 382 558 Maneb chất điều chế, được làm ổn định 2968 4.3 423 559 Maneb ổn định 2968 4.3 423 560 Ethylene oxide và propylene hỗn hợp 2983 3+6.1 336 561 Clorosilane, dễ cháy, ăn mòn 2985 3+8 339 562 Clorosilane, ăn mòn, dễ cháy 2986 9+3 X83 563 Clorosilane, có thể kết hợp với nước, dễ cháy, ăn mòn 2988 4.3+3+8 X339 564 Chì, phosphite, dibasic 2989 4.1 40 565 Hợp chất alkyl và kim loại, kết hợp được với nước, hoặc hợp chất aryl và kim loại, kết hợp được với nước 3049 4.2+4.3 X333 566 Hợp chất alkyl và kim loại, kết hợp được với nước, hoặc hợp chất aryl và kim loại, kết hợp được với nước 3050 4.2+4.3 X333 567 Nhôm alkyls 3051 4.2+4.3 X333 568 Nhôm alkyl hợp chất 3052 4.2+4.3 X333 569 Magnesium alkyls 3053 4.2+4.3 X333 570 Cyclohexyl mercaptan 3054 3 30 571 Nhôm alkyl hydrides 3076 4.2+4.3 X333 572 Các chất rắn gây nguy hiểm đến môi trường 3077 9 90 573 Cerium 3078 4.3 423 574 Metharylonitrile, hạn chế 3079 3+6.1 336 575 Chất rắn có thể tự cháy, chất hữu cơ 3088 4.2 40 576 Kim loại dạng bột, dễ cháy 3089 4.1 40 577 1-Methoxy-2-propanol 3092 3 30 578 Chất ăn mòn chất rắn, tự cháy 3095 9+4.2 884 579 Chất ăn mòn chất rắn, dễ cháy, chất hữu cơ 3126 4.2+9 48 580 Chất ăn mòn chất rắn, dễ cháy, chất hữu cơ 3128 4.2+6.1 46 581 Chất ăn mòn dạng lỏng, có thể kết hợp với nước 3129 4.3+8 382 582 Chất ăn mòn dạng lỏng, có thể kết hợp với nước 3129 4.3+8 X382 583 Chất độc dạng lỏng, có thể kết hợp với nước 3130 4.3+6.1 X362 584 Chất lỏng ăn mòn, có thể kết hợp với nước độc 3130 4.3+6.1 362 585 Chất rắn ăn mòn có thể kết hợp với nước ăn mòn 3131 4.3+8 482 586 Chất độc rắn, có thể kết hợp với nước 3134 4.3+6.1 462 587 Ethylene, acetylene và propylene hỗn hợp, làm lạnh dạng lỏng 3138 3 223 588 Chất lỏng có thể kết hợp với nước 3148 4.3 X323 589 Chất lỏng có thể kết hợp với nước 3148 4.3 323 590 Perfluoromrthylvinyl ether 3153 3 23 591 Perfuoethylvinyl ether 3154 3 23 592 Khí làm lỏng, dễ cháy 3161 3 23 593 Titanium disulphide 3174 4.2 40 594 Chất rắn chứa chất lỏng dễ cháy 3175 4.1 40 595 Chất rắn dễ cháy, nấu chảy 3176 4.1 44 596 Chất rắn dễ cháy, chất vô cơ 3178 4.1 40 597 Chất rắn dễ cháy, độc, chất vô cơ 3179 4.1+6.1 46 598 Chất rắn dễ cháy, ăn mòn, chất vô cơ 3180 4.1+8 48 599 Muối kim loại của hợp chất hữu cơ dễ cháy 3181 4.1 40 600 Metal hydrides, dễ cháy 3182 4.1 40 601 Chất lỏng tự cháy, chất hữu cơ 3183 4.2 30 602 Chất lỏng tự cháy, độc, chất hữu cơ 3184 4.2+6.1 36 603 Chất lỏng tự cháy, ăn mòn, chất hữu cơ 3185 4.2+8 38 604 Chất lỏng tự cháy, chất vô cơ 3186 4.2 30 605 Chất lỏng tự cháy, độc, chất vô cơ 3187 4.2+6.1 36 606 Chất lỏng tự cháy, ăn mòn chất vô cơ 3188 4.2+8 38 607 Kim loại dạng bột, tự cháy 3189 4.2 40 608 Chất rắn tự cháy, chất vô cơ 3190 4.2 40 609 Chất rắn tự cháy, chất độc, chất vô cơ 3191 4.2+6.1 46 610 Chất rắn tự cháy, ăn mòn, chất vô cơ 3192 4.2+8 48 611 Pyrophoric dạng lỏng, chất vô cơ 3194 4.2 333 612 Pyrophoric orgnometallic hợp chất, có thể kết hợp với nước 3203 4.2+4.3 X333 613 Cồn có chứa kim loại kiềm trong lòng đất 3205 4.2 40 614 Cồn kim loại kiềm 3206 4.2+8 48 615 Hợp chất organometalic hoặc dung dịch hoặc chất phân tán, kết hợp được với nước, dễ cháy 3207 4.3+3 X323 616 Hợp chất organometalic hoặc dung dịch hoặc chất phân tán, kết hợp được với nước, dễ cháy 3207 4.3+3 323 617 Các chất kim loại có thể kết hợp với nước tự cháy 3209 4.3+4.2 423 618 Thuốc dạng lỏng, dễ cháy, chất độc 3248 3+6.1 336 619 Thuốc dạng lỏng, dễ cháy, chất độc 3248 3+6.1 36 620 Difluoromethane 3252 3 23 621 Chất lỏng nhiệt độ cao dễ cháy 3256 3 30 622 Chất lỏng nhiệt độ cao dễ cháy 3257 9 99 623 Chất rắn nhiệt độ cao dễ cháy 3258 9 99 624 Ethers 3271 3 30 625 Ethers 3271 3 33 626 Ethers 3272 3 33 627 Ethers 3272 3 33 628 Nitrles dễ cháy, chất độc 3273 3+6.1 336 629 Alcholates dung dịch 3274 3+9 338 630 Chất lỏng dễ cháy, độc, ăn mòn 3286 3+6.1+8 368 631 Hydrocarbons, dạng lỏng 3295 3 33 632 Hydrocarbons, dạng lỏng 3295 3 30 633 Mercaptans, dạng lỏng, dễ cháy hoặc mercapptan hỗn hợp dạng lỏng, dễ cháy 3336 3 33 634 Mercaptans, dạng lỏng, dễ cháy hoặc mercapptan hỗn hợp dạng lỏng, dễ cháy 3336 3 30 635 Thiourea dioxide 3341 4.2 40 636 Xanthates 3342 4.2 40 PHỤ LỤC 1 QUY CÁCH CÁC BIỂU MẪU (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an) BỘ CÔNG AN ----- Số:……/TD-PCCC (…) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC1 BH theo Thông tư số: 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM DUYỆT VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; Xét hồ sơ và văn bản đề nghị thẩm duyệt về PCCC số………ngày……/…../….. của:……………… Người đại diện là ông/bà:………………………………..Chức danh:................................................... (1)................................................................................................................................................ CHỨNG NHẬN: (2)................................................................................................................................................ Địa điểm:...................................................................................................................................... Chủ đầu tư/chủ phương tiện:......................................................................................................... Đơn vị lập dự án/thiết kế:.............................................................................................................. Đã được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy các nội dung sau:.................................................. .................................................................................................................................................... .................................................................................................................................................... ………………………………………………………………………. theo các tài liệu, bản vẽ ghi ở trang 2. Các yêu cầu kèm theo: (3) ............................................................................................................ .................................................................................................................................................... .................................................................................................................................................... .................................................................................................................................................... ………,ngày……tháng .........năm 20...... (4)………………………………………….. (Ký tên, đóng dấu) Nơi nhận: ……………….. ……………….. ……………….. ____________ (1) Tên cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy. (2) Tên dự án, công trình, hạng mục công trình hoặc phương tiện giao thông cơ giới. (3) Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện phải thực hiện tiếp. (4) Chức danh người ký giấy. DANH MỤC TÀI LIỆU, BẢN VẼ ĐÃ ĐƯỢC THẨM DUYỆT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY SỐ TT TÊN TÀI LIỆU, BẢN VẼ KÝ HIỆU GHI CHÚ Mẫu PC2 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 MẪU DẤU THẨM DUYỆT VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Mẫu A: Dành cho Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Quy cách mẫu A: - Chất liệu: Kim loại, gỗ…; - Kích thước: Chiều dài: 70mm; Chiều rộng: 40mm; - Khung viền: Kép 2 nét đều nhau; độ đậm nét 2pt; - Kiểu chữ: Bộ Công an: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 10, In hoa, In đậm; Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 8, In hoa, In đậm; Đã thẩm duyệt: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 13, In hoa, In đậm; Về phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 10, In hoa, In đậm; Số: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 10, In thường; Dấu chấm: Để co 9, Kiểu VnTime. Mẫu B: Dành cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Quy cách mẫu B: - Chất liệu: Kim loại, gỗ…; - Kích thước: Chiều dài: 70mm; Chiều rộng: 40mm; - Khung viền: Kép 2 nét đều nhau; độ đậm nét 2pt; - Kiểu chữ: Công an: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 9, In hoa, In đậm; Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 7,5, In hoa, In đậm; Đã thẩm duyệt: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 13, In hoa, In đậm; Về Phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 10, In hoa, In đậm; Số: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 10, In thường; Dấu chấm: Để co 9, Kiểu VnTime. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC3 BH theo Thông tư số: 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 BIÊN BẢN KIỂM TRA (1).................................................................................................................................. Hồi………giờ…..ngày……..tháng……..năm………., tại...................................................... ...................................................................................................................................... Địa chỉ:........................................................................................................................... ...................................................................................................................................... Chúng tôi gồm: ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... Đã tiến hành kiểm tra....................................................................................................... ...................................................................................................................................... đối với............................................................................................................................ Tình hình và kết quả kiểm tra như sau: (2).................................................................................................................................. ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... _________________ (1) Ghi nội dung kiểm tra về vấn đề gì. (2) (Ghi phần trình bày của cơ sở, phần kiểm tra hồ sơ, phần kiểm tra thực tế, nội dung kiểm tra của từng vấn đề, xét đánh giá và kiến nghị kết luận). ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... ...................................................................................................................................... Biên bản lập xong hồi…….giờ……..phút, ngày……..tháng……..năm……….., gồm…….trang được lập thành…….bản, mỗi bên liên quan giữ 01 bản, đã được đọc lại cho mọi người nghe, công nhận đúng và nhất trí ký tên dưới đây. ĐẠI DIỆN CƠ SỞ (Ký tên, đóng dấu) ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ LIÊN QUAN (Ký tên, đóng dấu) ĐẠI DIỆN ĐOÀN KIỂM TRA (Ký tên, đóng dấu) BỘ CÔNG AN ----- Số:……/ĐK-PCCC (…) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC4 BH theo Thông tư số: 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; Xét hồ sơ đề nghị cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC” của ông/bà:.................................. …………………………………………………. Chức vụ:....................................................................... đại diện cho:................................................................................................................................. và biên bản kiểm tra các điều kiện về phòng cháy chữa cháy của.................................................... lập ngày……..tháng…….năm…….. (1)................................................................................................................................................ CHỨNG NHẬN: (2)................................................................................................................................................ Thuộc........................................................................................................................................... Địa chỉ:......................................................................................................................................... Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận này có đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật để:................................................................................................................................ .................................................................................................................................................... .................................................................................................................................................... .................................................................................................................................................... .................................................................................................................................................... Đồng thời ông/bà:………………………………………………có trách nhiệm duy trì liên tục điều kiện về PCCC đã chứng nhận của………………………………………. trong suốt quá trình hoạt động. ………ngày……tháng……năm……… (3)………………………………………. (Ký tên, đóng dấu) _________________ (1) Tên cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy. (2) Tên cơ sở hoặc phương tiện giao thông cơ giới. (3) Chức danh người ký giấy. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------- Mẫu PC5 BH theo Thông tư số: 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY Kính gửi: ……………………………………………………… Tôi là:………………………………………Chức vụ:.................................................................... CMND/hộ chiếu số:………………………do……………………………. cấp ngày……./……/.......... là đại diện cho:..................................................................................................................... Địa chỉ:................................................................................................................................. Điện thoại:…………………………………Fax:........................................................................... Quyết định thành lập doanh nghiệp số…………………………….ngày……tháng……năm............ Đăng ký kinh doanh số……………….....ngày……tháng……năm……..tại.................................. Số tài khoản:………………………………tại ngân hàng:............................................................ Đề nghị Quý cơ quan xem xét cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy” Cho:...................................................................................................................................... Địa chỉ:.................................................................................................................................. Để:........................................................................................................................................ Tôi cam kết thực hiện, bảo đảm và duy trì liên tục các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định như đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy xác nhận; đồng thời có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Quý cơ quan biết về những thay đổi có liên quan đến điều kiện về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận. ..........,ngày…….tháng……..năm…… ………………………………………… (Ký tên, đóng dấu) Mẫu PC6 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 BẢNG THỐNG KÊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ THỨ TỰ TÊN PHƯƠNG TIỆN CHỦNG LOẠI VÀ KÝ HIỆU SỐ LƯỢNG NƠI BỐ TRÍ, LẮP ĐẶT …………., ngày…… tháng…… năm…… ………………………………………………. (Ký tên, đóng dấu) BỘ CÔNG AN ----- Số:…/VC-PCCC (…..) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC7 BH theo Thông tư số: 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ (Có giá trị đến hết ngày…… tháng…… năm……) Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; Theo đề nghị của:……………………………………………………………….. (1)………………………………………CHO PHÉP: Phương tiện:……………………………….Số BKS:........................................................................... Chủ phương tiện:.......................................................................................................................... Đại diện là ông/bà:…………………………Chức danh:...................................................................... CMND/hộ chiếu số:………………………do:…………… cấp ngày:..................................................... Được phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ghi tại trang 2, đồng thời chủ phương tiện, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện phải có trách nhiệm duy trì các điều kiện về PCCC của phương tiện và chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC trong suốt quá trình vận chuyển. …….,ngày…….tháng………năm…... (2)……………………………………… (Ký tên, đóng dấu) Chú ý: - Người điều khiển, người chỉ huy, người làm việc trên phương tiện phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và phải xuất trình khi có thẩm quyền yêu cầu. - Giấy phép này phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát. - Sau khi hoàn thành việc vận chuyển phải nộp lại giấy phép cho cơ quan cấp. - Không để phương tiện chở chất hàng nguy hiểm về cháy, nổ ở nơi tập trung đông người. - Khi cần nghỉ lại đêm trên đường phải báo cho cơ quan công an sở tại biết. _____________________________ (1) Tên cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy. (2) Chức danh người cấp giấy. DANH MỤC CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY NỔ ĐƯỢC PHÉP VẬN CHUYỂN SỐ TT TÊN CHẤT, HÀNG KÝ HIỆU LOẠI GHI GHÚ Mẫu PC7A BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 MẪU BIỂU TRƯNG CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ Mặt trước Mặt sau NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý 1. Khi vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện phải dán biểu trưng “Chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ” trên kính chắn gió phía trước của phương tiện. Hết thời hạn cho phép vận chuyển phải nộp biểu trưng này cho cơ quan cấp. 2. Chỉ được chở loại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ghi trong giấy phép. 3. Ngoài chủ phương tiện, người điều khiển, người áp tải hàng, không được chở người và hàng hóa khác. 4. Phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. 5. Phải duy trì đầy đủ các điều kiện về an toàn và phòng cháy chữa cháy của phương tiện trong suốt thời gian được phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. 6. Có giá trị đến ngày…… tháng…… năm…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC8 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ Kính gửi: …………………………………………………………. Tên chủ phương tiện:......................................................................................................... Địa chỉ:.............................................................................................................................. Điện thoại:…………………………………………… Fax:.......................................................... Quyết định thành lập doanh nghiệp số…………………… ngày…… tháng…… năm................. Đăng ký kinh doanh số…………………………………….. ngày…… tháng…… năm................. tại..................................................................................................................................... Số tài khoản:……………………………. tại ngân hàng:.......................................................... Họ tên người đại diện pháp luật:………………………………….. Chức danh:.......................... CMND/hộ chiếu số:……………………………… do:…………………… cấp ngày……/……/....... Hộ khẩu thường trú:........................................................................................................... Đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp “Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ” cho phương tiện: …………………………………………………….. BKS:............................................................. được vận chuyển số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ (ghi tại trang 2). Tôi cam kết phương tiện vận chuyển này đảm bảo an toàn để tham gia giao thông và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. …………., ngày…… tháng…… năm…… NGƯỜI LÀM ĐƠN (Ký tên, đóng dấu) DANH MỤC CHẤT, HÀNG NGUY HIỂM VỀ CHÁY NỔ XIN PHÉP VẬN CHUYỂN SỐ THỨ TỰ TÊN CHẤT, HÀNG KÝ HIỆU LOẠI GHI CHÚ …………… (1)………… Số:…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC9 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 BIÊN BẢN VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Hôm nay hồi ……..giờ ……….phút, ngày…… tháng…… năm……… tại:............................... ......................................................................................................................................... Chúng tôi gồm: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Lập biên bản vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy đối với........................................ ......................................................................................................................................... Địa chỉ hoặc đơn vị công tác:............................................................................................. CMND/hộ chiếu số:…………………… do………………………… Cấp ngày …../……/.............. Nội dung vi phạm: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Yêu cầu:............................................................................................................................ ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Biên bản lập xong hồi ……giờ …… cùng ngày, được lập thành …… bản, mỗi bên liên quan giữ 01 bản, đã được đọc lại cho mọi người nghe, công nhận đúng và nhất trí ký tên dưới đây. BÊN VI PHẠM (Ghi rõ họ tên) NGƯỜI LÀM CHỨNG (Nếu có) NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN (Ghi rõ họ tên) ____________ (1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan của người lập biên bản. …………… (1)………… Số:…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC10 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ……….., ngày…… tháng…… năm……… QUYẾT ĐỊNH TẠM ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG (2)…………………………………………………………………….. - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Căn cứ biên bản vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy lập ngày …… tháng …… năm ……….; - Xét..................................................................................................................................... ............................................................................................................................................ ............................................................................................................................................ QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Tạm đình hoạt động:................................................................................................. ............................................................................................................................................ trong thời gian ……… ngày, kể từ ……giờ …….ngày …….tháng ……...năm........................... đến ……giờ …….ngày …….tháng ……...năm………… Điều 2. Ông/bà:…………………………………………. là........................................................... có trách nhiệm thi hành Quyết định này và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy./. Nơi nhận: - Như Điều 2 - …………………… - …………………… - Lưu ……………… (2)…………………………………… (Ký tên, đóng dấu) ____________________ (1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan của người ra quyết định. (2) Chức danh người ký quyết định. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC11 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN TẠM ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG Kính gửi: ……………………………………………………………………. Đơn vị/cá nhân:.................................................................................................................. Địa chỉ:.............................................................................................................................. Điện thoại:…………………………………………… Fax:.......................................................... Họ tên người đại diện pháp luật:......................................................................................... Chức danh:........................................................................................................................ CMND/hộ chiếu số: ……………………… do:…………………… cấp ngày……/……/................ Hộ khẩu thường trú:........................................................................................................... Sau khi thi hành Quyết định tạm đình chỉ số………………………, ngày ……… tháng ……… năm ……….. của………………………. Hiện tại:............................................................................................................................. ......................................................................................................................................... Đề nghị Quý cơ quan xem xét gia hạn tạm đình chỉ hoạt động đối với.................................. ......................................................................................................................................... ………………………………….. từ……….. giờ……….. ngày……… tháng………. năm.............. đến từ……….. giờ……….. ngày……… tháng………. năm………….. Tôi xin cam đoan những điều nêu trên là đúng sự thật, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật/. …………., ngày…… tháng…… năm…… ……………………………………… (Ký tên, đóng dấu) …………… (1)………… Số:…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC12 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ……….., ngày…… tháng…… năm……… QUYẾT ĐỊNH GIA HẠN TẠM ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG (2)…………………………………………………………………….. - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Căn cứ Quyết định tạm đình chỉ hoạt động số........................................................... ngày……. tháng…… năm…… của.............................................................................. - Căn cứ biên bản kiểm tra của…………………………………………. lập ngày……/……/. ; - Xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ/vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy chữa cháy của……………………………… tại................................................................................ hiện vẫn chưa khắc phục được. - Xét đơn đề nghị gia hạn tạm đình chỉ của.......................................................................... QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Gia hạn tạm đình chỉ hoạt động:.............................................................................. ......................................................................................................................................... ……………………………………………… kể từ ……giờ …….ngày …….tháng ……...năm.. đến ……giờ …….ngày …….tháng ……...năm………… Điều 2. Ông/bà:…………………………………………. là......................................................... có trách nhiệm thi hành ngay Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 2 - …………………… - …………………… - Lưu ……………… (2)…………………………………… (Ký tên, đóng dấu) ____________________ (1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan của người ra quyết định. (2) Chức danh người ký quyết định. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC13 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHO PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG Kính gửi: ……………………………………………………………………. Đơn vị/cá nhân................................................................................................................... Địa chỉ:.............................................................................................................................. Điện thoại:…………………………………………… Fax:.......................................................... Họ tên người đại diện pháp luật:......................................................................................... Chức danh:........................................................................................................................ CMND/hộ chiếu số: ………………………… do:………………………… cấp ngày……/……/...... Hộ khẩu thường trú:........................................................................................................... Sau khi thi hành Quyết định tạm đình chỉ số ………………………, ngày ……… tháng ……… năm ……….. của……………………… Hiện tại:............................................................................................................................. ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Đề nghị Quý cơ quan xem xét cho phục hồi hoạt động đối với............................................. ......................................................................................................................................... kể từ……….. giờ……….. ngày……… tháng………. :năm ………….. Tôi xin cam đoan những điều nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật/. …………., ngày…… tháng…… năm…… ……………………………………… (Ký tên, đóng dấu) …………… (1)………… Số:…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC14 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ……….., ngày…… tháng…… năm……… QUYẾT ĐỊNH PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG (2)…………………………………………………………………….. - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Căn cứ Quyết định tạm đình chỉ hoạt động số………………………………, ngày……./……/...... của........................................................................................................................... - Căn cứ biên bản kiểm tra của.............................................................................................. lập ngày……/……/……………….; - Xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ/vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy chữa cháy của……………………………… hiện đã được khắc phục. - Xét đơn đề nghị phục hồi hoạt động của........................................................................... QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phục hồi hoạt động:............................................................................................... thuộc ................................................................................................................................ kể từ ……giờ …….ngày …….tháng ……...năm ………… Điều 2. Ông/bà:…………………………………………. Chức danh:.......................................... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 2 - …………………… - …………………… - Lưu ……………… (2)…………………………………… (Ký tên, đóng dấu) ____________________ (1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan của người ra quyết định. (2) Chức danh người ký quyết định. …………… (1)………… Số:…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC15 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ……….., ngày…… tháng…… năm……… QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG (2)…………………………………………………………………….. - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Căn cứ Quyết định tạm đình chỉ hoạt động số……………………………, ngày……./……/......... của........................................................................................................................... - Căn cứ biên bản kiểm tra của................................................................................... lập ngày…… tháng…… năm……… thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ/vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy chữa cháy của tại ……………………………… hiện vẫn chưa được khắc phục. - Xét………………………………………………………………………….. sau khi đã hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động nhưng không khắc phục/không thể khắc phục được và có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Đình chỉ hoạt động:................................................................................................... kể từ ……giờ …….ngày …….tháng ……...năm ………… Điều 2. Ông/bà:…………………………………………. là........................................................... có trách nhiệm thi hành ngay Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 2 - …………………… - …………………… - Lưu ……………… (2)…………………………………… (Ký tên, đóng dấu) ____________________ (1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan của người ra quyết định. (2) Chức danh người ký quyết định. Mẫu PC16 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ....................................................................................... ....................................................................................... (1) Loại: (2) PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (3)..................................................................................................................................... Địa chỉ:.............................................................................................................................. Điện thoại:......................................................................................................................... Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp: .................................................................................... (1) Loại: (2) PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (3)..................................................................................................................................... Địa chỉ:.............................................................................................................................. Điện thoại:......................................................................................................................... Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp:..................................................................................... ……, ngày…/…/…… PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN (4)………………………… (Ký tên, đóng dấu) ……, ngày…/…/…… Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP TRÊN TRỰC TIẾP QUẢN LÝ (5)………………………… (Ký tên, đóng dấu) ……, ngày…/…/…… CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN (6)………………………… (Ghi rõ họ tên) A. ĐẶC ĐIỂM CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CHỮA CHÁY I. Vị trí địa lý:(7) ......................................................................................................................................... II. Giao thông bên trong và bên ngoài:(8) ......................................................................................................................................... III. Nguồn nước:(9) THỨ TỰ NGUỒN NƯỚC Trữ lượng (m3) hoặc lưu lượng (l/s) Vị trí, khoảng cách nguồn nước (m) NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý 1 2 3 4 5 * Bên trong: * Bên ngoài: IV. Tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc:(10) ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... V. Lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ:(11) 1. Lực lượng: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... 2. Phương tiện chữa cháy: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... B. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CHÁY LỚN PHỨC TẠP NHẤT I. Giả định tình huống cháy:(12) ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... II. Tính toán lực lượng, phương tiện chữa cháy:(13) ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... III. Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy:(14) THỨ TỰ Đơn vị huy động Điện thoại Số người huy động Số lượng, chủng loại phương tiện huy động Ghi chú IV. Kế hoạch triển khai chữa cháy: 1. Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng tại chỗ:(15) ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... 2. Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy:(16) ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... 3. Nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng khác:(17) ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... V. Sơ đồ bố trí lực lượng, phương tiện để chữa cháy tình huống cháy lớn phức tạp nhất(18) C. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CHÁY CỤ THỂ(19) THỨ TỰ Giả định tình huống và kết quả tính toán lực lượng, phương tiện chữa cháy Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy Nhiệm vụ của các lực lượng Lực lượng tại chỗ Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Các lực lượng khác D. BỔ SUNG, CHỈNH LÝ PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY(20) SỐ THỨ TỰ Ngày, tháng, năm NỘI DUNG BỔ SUNG, CHỈNH LÝ Chữ ký của người có trách nhiệm xây dựng phương án Đ. THEO DÕI TÌNH HÌNH HỌC, THỰC TẬP PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY(21) Ngày, tháng, năm Nội dung, hình thức học, thực tập Tình huống cháy Lực lượng, phương tiện tham gia Nhận xét, đánh giá kết quả E. CÁC SƠ ĐỒ TÌNH HUỐNG CHÁY ĐÃ LẬP VÀ THỰC TẬP(22) HƯỚNG DẪN GHI PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY (1) – Độ mật: Đóng dấu “Mật”, “Tuyệt mật”, “Tối mật” theo quy định. (2) – Loại: Ghi “A”, “B”, “C”. (3) – Ghi tên của cơ sở, thôn, ấp, bản, tổ dân phố, khu rừng, phương tiện giao thông cơ giới đặc biệt theo văn bản giao dịch hành chính. (4) – Chức danh người phê duyệt phương án chữa cháy. (5) – Chức danh người đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp quản lý nơi xây dựng phương án chữa cháy. (6) – Chức danh người có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy theo quy định. (7) – Vị trí địa lý: Ghi rõ các công trình, đường phố, sông, hồ… tiếp giáp. (8) – Giao thông bên trong và bên ngoài: Ghi rõ các tuyến đường, những tác động ảnh hưởng đến việc lưu thông, khoảng cách đến đội Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn sở tại; đặc điểm giao thông nội bộ. (9) – Nguồn nước: Thống kê tất cả các nguồn nước có thể phục vụ chữa cháy như: bể, hồ, ao, sông, ngòi, kênh, rạch, trụ, bến lấy nước, hố lấy nước…, ghi rõ khả năng lấy nước vào mùa mưa, mùa khô, phương án lấy nước hiệu quả; chỉ dẫn vị trí, khoảng cách tới các nguồn nước ở bên ngoài. (10) – Tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc: Ghi rõ đặc điểm kiến trúc, xây dựng và bố trí các hạng mục công trình (số đơn nguyên, số tầng, bậc chịu lửa, diện tích mặt bằng, loại vật liệu của các cấu kiện xây dựng chủ yếu như tường, cột, trần, sàn, mái…; phân tích tính chất hoạt động, công năng sử dụng của các hạng mục công trình liên quan đến nguy hiểm cháy nổ độc, đặc điểm dây chuyền sản xuất, hạng sản xuất, số người thường xuyên có mặt…; nêu đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của các chất cháy chủ yếu: Loại chất cháy, vị trí bố trí, sắp xếp, số lượng, khối lượng, vận tốc cháy, đặc điểm cháy, khả năng cháy lan ra khu vực xung quanh. (11) – Lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ: Ghi rõ số đội viên phòng cháy chữa cháy trong và ngoài giờ làm việc, người phụ trách; chủng loại, số lượng, vị trí bố trí phương tiện chữa cháy (chỉ thống kê phương tiện chữa cháy đảm bảo chất lượng theo quy định); Lực lượng, phương tiện tại chỗ có thể huy động bổ sung. (12) – Giả định tình huống cháy: Giả định tình huống cháy dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây khó khăn, phức tạp cho việc chữa cháy, cứu người mà cần phải huy động nhiều lực lượng và phương tiện mới có thể xử lý được. Ghi rõ thời điểm xảy cháy, điểm xuất phát cháy, nguyên nhân xảy cháy, chất cháy, thời gian cháy tự do; dự kiến khả năng lan truyền của đám cháy và những ảnh hưởng tác động tới việc chữa cháy như: Nhiệt độ, khói, khí độc, sụp đổ công trình…; dự kiến vị trí và số lượng người bị nạn. (13) – Tính toán lực lượng, phương tiện chữa cháy: Tính diện tích cháy, diện tích chữa cháy, lượng nước chữa cháy cần thiết, lực lượng, phương tiện để làm mát, chữa cháy, cứu người… (14) – Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy: Căn cứ vào kết quả tính toán ở (13) để ghi vào bảng huy động lực lượng phương tiện. (15) – Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng tại chỗ: Ghi rõ nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận trong việc báo cháy, cắt điện, triển khai chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đón tiếp các lực lượng được huy động đến, đảm bảo hậu cần cho các lực lượng tham gia chữa cháy trong trường hợp đám cháy kéo dài, bảo vệ hiện trường và khắc phục hậu quả vụ cháy. (16) – Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy: Ghi rõ nhiệm vụ của các tiểu đội, đơn vị trong việc nhận tin, điều động lực lượng phương tiện đến đám cháy, trinh sát đám cháy, chỉ huy chữa cháy, tham mưu tác chiến, bố trí lực lượng phương tiện để chữa cháy, cứu người… (17) – Nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng khác: Ghi rõ nhiệm vụ của các lực lượng khác như: Công an, quân đội, y tế, cấp nước… (18) – Sơ đồ bố trí lực lượng phương tiện để chữa cháy tình huống cháy lớn phức tạp nhất: Vẽ mặt bằng tổng thể (riêng với nhà cao tầng phải có thêm mặt cắt đứng); các công trình, đường phố, sông, hồ… giáp ranh; hướng gió chủ đạo; giao thông nguồn nước bên trong và chỉ dẫn nguồn nước bên ngoài; kích thước công trình, khoảng cách giữa các hạng mục công trình; vị trí đám cháy; bố trí lực lượng, phương tiện để chữa cháy; hướng tấn công chính; vị trí ban chỉ huy… Các ký hiệu, hình vẽ trên sơ đồ thống nhất theo quy định. (19) – Phương án xử lý một số tình huống cháy cụ thể: Giả định tình huống cháy đối với từng hạng mục công trình, có tính chất nguy hiểm về cháy nổ độc và việc tổ chức chữa cháy khác nhau; cách ghi nội dung từng tình huống cháy cụ thể tương tự như cách ghi của tình huống cháy lớn phức tạp nhất. (20) – Bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy: Ghi rõ trường hợp thay đổi có liên quan đến việc tổ chức chữa cháy nhưng chưa đến mức làm thay đổi cơ bản nội dung phương án chữa cháy. Trường hợp có thay đổi lớn cơ bản làm ảnh hưởng đến nội dung phương án thì phải tiến hành xây dựng lại. (21) – Các sơ đồ tình huống cháy đã lập và thực tập: Các tình huống cháy đã thực tập đều phải vẽ sơ đồ bố trí lực lượng và phương tiện và kẹp vào phương án chữa cháy này. Số: …………………./LHĐ. ……………, ngày ……./……/……… LỆNH HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TÀI SẢN ĐỂ CHỮA CHÁY tại:.................................................................................................. Họ tên người huy động: ..................................................... Chức vụ: ....................................................................................... Cơ quan, đơn vị: ......................................................................... Người được huy động: ............................................................... Chức vụ: ....................................................................................... Đại diện cho cơ quan/tổ chức/hộ gia đình: ............................. ....................................................................................................... Nội dung huy động: ............................................................ + Lực lượng: ...................................................... người. + Phương tiện: ............................................................... ......................................................................................... ......................................................................................... + Tài sản: ....................................................................... ......................................................................................... ......................................................................................... ......................................................................................... ......................................................................................... Có mặt tại: ............................................................................ ....................................................................................................... trước …… giờ ……. phút, ngày……/……/…… để chữa cháy. Phát lệnh hồi……. giờ…………phút. NGƯỜI CHUYỂN LỆNH (Ký và ghi rõ họ tên) NGƯỜI RA LỆNH (Ký và ghi rõ họ tên) BẢN KÝ NHẬN Họ tên:………………………… Chức vụ:……………………………… Điện thoại: Đã nhận được “LỆNH HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TÀI SẢN ĐỂ CHỮA CHÁY “ (số…./LHĐ, ngày …/…/…) hồi …… giờ…… phút, ngày…… tháng…… năm…… (Ký tên) (Ghi rõ tên) Mẫu PC17 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 …………………… …………………… Số: …………/LHĐ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- ………………., ngày…… tháng…… năm…… LỆNH HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TÀI SẢN ĐỂ CHỮA CHÁY tại:................................................................................................................................................ - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Xét theo yêu cầu chữa cháy, Tôi:…………………………………………… Chức vụ:................................................................ Cơ quan, đơn vị: ........................................................................................................................ Yêu cầu Ông/bà: ........................................................................................................................ Đại diện cho cơ quan/tổ chức/hộ gia đình: ........................................................................... Điều động ngay lực lượng, phương tiện, tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình gồm: + Lực lượng: ...................................................................................................... người. + Phương tiện: ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... + Tài sản: ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... Có mặt tại: ........................................................................................................................... trước…. giờ…… phút, ngày…… tháng….. năm............................................... để chữa cháy. Ghi chú: Giờ phát lệnh:……………. Giờ nhận lệnh…………… NGƯỜI RA LỆNH HUY ĐỘNG (Ký và ghi rõ họ và tên) Mẫu PC18 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Mẫu 18A: Dành cho Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Mặt trước Mặt sau Mẫu 18B: Dành cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Mặt trước: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY Số…………………………………. Mặt sau BỘ CÔNG AN ................ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- PHÒNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CHỨNG NHẬN: Ông/bà:……………………… Năm sinh:………………... Nơi làm việc/thường trú:…………………………………. Đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC…………... ngày, từ……/……/…… đến……/……/…… ……, ngày…… tháng…… năm…… Trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Ký tên, đóng dấu) Có giá trị sử dụng trên cả nước * Kích thước như Mẫu 18A (1)………… …………… Số:…… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC19 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ……….., ngày…… tháng…… năm……… QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU ĐỘNG LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN THAM GIA HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY (2)…………………………………………………………………….. - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Theo đề nghị của............................................................................................................. QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Điều động lực lượng và phương tiện của................................................................ ....................................................................................................................... gồm: - Về người:........................................................................................................................ ......................................................................................................................................... - Về phương tiện:............................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Thời gian điều động: ……ngày, kể từ ………. giờ…….. ngày ……. tháng ……... năm ……… đến ………. giờ…….. ngày ……. tháng ……... năm…….. Đúng ………. giờ…….. ngày ……. tháng ……... năm…… có mặt tại:.................................... …………………………………………………… để................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Điều 2. Ông/bà:................................................................................................................. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - …………………… - …………………… - …………………… - …………………… (2)…………………………………… (Ký tên, đóng dấu) ____________________ (1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan của người ra quyết định. (2) Chức danh người ký quyết định. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC20 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 BIÊN BẢN KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Hồi…… giờ …… phút, ngày…… tháng…… năm…… tại:...................................................... ......................................................................................................................................... Chúng tôi gồm: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Đã tiến hành kiểm định chất lượng, chủng loại, mẫu mã, số phương tiện phòng cháy và chữa cháy ghi ở trang 2 và 3 của......................................................................................................................................... I. PHƯƠNG PHÁP KIỂM ĐỊNH: 1. Mẫu thử nghiệm: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... 2. Kiểm định các thông số kỹ thuật của phương tiện phòng cháy chữa cháy: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... II. THIẾT BỊ KIỂM ĐỊNH: ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... III. KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH Số thứ tự Tên phương tiện Ký mã hiệu Đơn vị tính Số lượng Nơi sản xuất Năm sản xuất Kết quả kiểm định các thông số kỹ thuật Yêu cầu về thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn, Catalog Nhận xét, đánh giá V. KẾT LUẬN ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Biên bản được lập thành …….. bản. NGƯỜI KIỂM ĐỊNH (Ghi rõ họ tên) ĐẠI DIỆN CƠ QUAN KIỂM ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu) BỘ CÔNG AN CỤC CẢNH SÁT PCCC Số:……/KĐ-PCCC (…) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC21 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY - Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; - Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; - Căn cứ kết quả kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy tại biên bản kiểm định ngày…… tháng…… năm…… của................................................................................................................. - Xét đề nghị của ………………………………………… về việc kiểm định phương tiện PCCC tại văn bản số:…………………………… ngày…… tháng…… năm………, CỤC CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CHỨNG NHẬN: Phương tiện/lô phương tiện:…………………………………………………………………… ghi tại trang 2 của .............................................................................................................................................. Tại thời điểm kiểm định, số phương tiện này bảo đảm các thông số kỹ thuật và được phép sử dụng trong công tác phòng cháy và chữa cháy. Hà Nội, ngày…… tháng…… năm…… CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT PCCC (Ký tên đóng dấu) BẢNG THỐNG KÊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐÃ KIỂM ĐỊNH Số thứ tự Tên phương tiện Ký hiệu Đơn vị Số lượng Nơi sản xuất Năm sản xuất Số hiệu kiểm định Mẫu PC22 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 MẪU DẤU, TEM THẨM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Mẫu A: Quy cách mẫu A: - Chất liệu: Kim loại, gỗ, giấy…; - Kích thước: Chiều dài: 70mm; Chiều rộng: 40mm; Vạch chia cách mép trên 15mm; 1 nét, độ đậm nét 2pt; - Khung viền: Kép 2 nét đều nhau; độ đậm nét 2pt; - Kiểu chữ: Bộ Công an: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 10, In hoa, In đậm; Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 7,5, In hoa, In đậm; Đã kiểm định: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 14, In hoa, In đậm; Số, Ngày tháng năm: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 13, In thường; Dấu chấm: Để co 9; Mẫu B: Quy cách mẫu B: - Chất liệu: Kim loại, gỗ, giấy…; - Kích thước: Chiều dài: 35mm; Chiều rộng: 40mm; Vạch chia cách mép trên 8mm; 1 nét, độ đậm 2pt; - Khung viền: Kép 2 nét đều nhau; độ đậm nét 2pt; - Kiểu chữ: Bộ Công an: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 5, In hoa, In đậm; Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 4, In hoa, In đậm; Đã kiểm định: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 6,5, In hoa, In đậm; Số, Ngày tháng năm: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 7, In thường; Dấu chấm: Để co 7; Mẫu C: Quy cách mẫu C: - Chất liệu: Kim loại, gỗ, giấy…; - Kích thước: Chiều dài: 35mm; Chiều rộng: 10mm; - Khung viền: Kép 2 nét đều nhau; độ đậm nét 2pt; - Kiểu chữ: KĐ*PCCC: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 16, In hoa, In đậm; Mẫu D: Quy cách mẫu D: - Chất liệu: Kim loại, gỗ, giấy…; - Kích thước: Đường kính vòng tròn trong 10mm; Đường kính vòng tròn ngoài 15mm; - Khung viền: Đường viền ngoài 1 nét độ đậm 1pt; Đường tròn trong 1 nét độ đậm 0.7pt; - Chữ KĐ: Kiểu chữ VnTime, Co chữ 15, In hoa, In đậm; - Kiểu chữ: Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy: Kiểu chữ VnHelvetlnsH, Co chữ 7. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Mẫu PC23 BH theo Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 ĐƠN ĐỀ NGHỊ KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY Kính gửi: ……………………………………………………………………. Đơn vị/cá nhân:.................................................................................................................... Địa chỉ:................................................................................................................................. Điện thoại:…………………………………………… Fax:............................................................. Quyết định thành lập doanh nghiệp số……………………………… ngày…… tháng…… năm...... Đăng ký kinh doanh số……………. ngày…… tháng…… năm…… tại....................................... Số tài khoản:………………………………………. tại ngân hàng:................................................ Họ tên người đại diện pháp luật:……………………………….Chức danh:.................................. CMND/hộ chiếu số:……………………………… do:……………………… cấp ngày……/……/....... Hộ khẩu thường trú:.............................................................................................................. Đề nghị Quý cơ quan kiểm định và cấp “Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy” cho phương tiện/lô phương tiện:.............................................................................................................. ghi tại trang 2. …………., ngày…… tháng…… năm…… NGƯỜI LÀM ĐƠN (Ký tên, đóng dấu) BẢNG THỐNG KÊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỀ NGHỊ KIỂM ĐỊNH Số thứ tự Tên phương tiện Ký hiệu Đơn vị Số lượng Nơi sản xuất Năm sản xuất Ghi chú
{ "issuing_agency": "Bộ Công An", "promulgation_date": "31/03/2004", "sign_number": "04/2004/TT-BCA", "signer": "Lê Thế Tiệm", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Chi-thi-11-2008-CT-TTg-to-chuc-trien-khai-thi-hanh-luat-dac-xa-64305.aspx
Chỉ thị 11/2008/CT-TTg tổ chức triển khai thi hành luật đặc xá
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ----- CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------- Số: 11/2008/CT-TTg Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2008 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẶC XÁ Luật Đặc xá được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2008. Để Luật Đặc xá được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành ngay các công việc sau đây: 1. Bộ Công an a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định của Luật Đặc xá; b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đặc xá cho nhân dân, bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất; c) Khẩn trương tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Đặc xá cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo Công an các cấp, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị làm công tác quản lý, tổ chức thi hành án phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam. d) Chỉ đạo Công an các cấp bố trí đủ cán bộ có năng lực và phẩm chất làm công tác đặc xá; bảo đảm công tác đặc xá được tiến hành kịp thời, công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục; giải quyết kịp thời khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đặc xá theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm pháp luật về đặc xá; đ) Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai các hoạt động liên quan đến đặc xá. 2. Bộ Quốc phòng a) Biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Đặc xá cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, tổ chức thi hành hình phạt tù trong Quân đội nhân dân. Phối hợp với Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định của Luật Đặc xá; bố trí đủ cán bộ có năng lực và phẩm chất làm công tác đặc xá; giải quyết kịp thời khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đặc xá theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm pháp luật về đặc xá; b) Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến đặc xá. 3. Bộ Ngoại giao Phối hợp với Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định của Luật Đặc xá, trong đó tập trung vào nội dung hướng dẫn thực hiện đặc xá đối với người nước ngoài. Có hình thức tuyên truyền đối ngoại phù hợp để làm rõ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù. 4. Bộ Thông tin và Truyền thông Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Đặc xá và các văn bản hướng dẫn thi hành. 5. Bộ Tài chính Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán kinh phí triển khai Luật Đặc xá trong năm 2008, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. 6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Đặc xá, Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Chỉ đạo việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người được đề nghị xét đặc xá; cấp giấy chứng nhận, xác nhận về việc chấp hành chính sách, pháp luật hoặc hoàn cảnh gia đình hoặc các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác của người được đề nghị đặc xá. c) Tiếp nhận, tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống; 7. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NC (5b). Hà THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Thủ tướng Chính phủ", "promulgation_date": "24/03/2008", "sign_number": "11/2008/CT-TTg", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Lenh-cong-bo-Nghi-quyet-giao-dich-dan-su-ve-nha-o-duoc-xac-lap-truoc-ngay-01-thang-07-nam-1991-co-nguoi-Viet-Nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-14-2006-L-CTN-59788.aspx
Lệnh công bố Nghị quyết giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài 14/2006/L-CTN
CHỦ TỊCH NƯỚC ***** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******* Số: 14/2006/L-CTN Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2006 LỆNH VỀ CÔNG BỐ NGHỊ QUYẾT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Căn cứ Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10; Căn cứ Điều 19 của Luật Tổ chức Quốc hội; Căn cứ Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NAY CÔNG BỐ: Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 27 tháng 07 năm 2006. CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Nguyễn Minh Triết
{ "issuing_agency": "Chủ tịch nước", "promulgation_date": "09/08/2006", "sign_number": "14/2006/L-CTN", "signer": "Nguyễn Minh Triết", "type": "Lệnh" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-27-2001-CT-UB-cong-tac-xay-dung-ban-hanh-van-ban-qui-pham-phap-luat-dia-ban-Ho-Chi-Minh-34904.aspx
Chỉ thị 27/2001/CT-UB công tác xây dựng ban hành văn bản qui phạm pháp luật địa bàn Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** 27/2001/CT-UB TP.Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 09 năm 2001 CHỈ THỊ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUI PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Sau hơn 4 năm thực hiện Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, tình hình xây dựng và ban hành văn bản qui phạm pháp luật tại thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, phần lớn văn bản được ban hành đều phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xây dựng và ban hành văn bản qui phạm pháp luật trên địa bàn thành phố vẫn còn một số ngành, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa xác định đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành văn bản, còn xem nhẹ vấn đề phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, góp ý dự thảo văn bản, dẫn đến việc một số văn bản được ban hành còn sai sót về nội dung và hình thức, thiếu tính khả thi. Để thực hiện nghiêm chỉnh Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, khắc phục những thiếu sót, tồn tại, đảm bảo văn bản qui phạm pháp luật được ban hành mang tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi ; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị như sau : 1- Lập chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật hàng năm : 1.1- Hàng năm, trên cơ sở chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu quản lý Nhà nước tại thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố đưa vào chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật hàng năm những vấn đề thuộc thẩm quyền quy định của thành phố. Cơ sở để đề xuất là căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, yêu cầu của công tác quản lý và kết quả rà soát văn bản hàng năm đối với những văn bản thuộc danh mục văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung và đề nghị ban hành mới. Báo cáo đề xuất chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật cho năm sau phải gởi đến Sở Tư pháp, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố chậm nhất là ngày 30 tháng 11 hàng năm. 1.2- Giao Sở Tư pháp tổng hợp ý kiến và dự thảo chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định trong tháng 12 năm trước để áp dụng cho năm sau. Chương trình phải xác định rõ danh mục các văn bản qui phạm pháp luật sẽ được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung ; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành, kinh phí thực hiện và các điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và ban hành văn bản. 1.3- Sở Tư pháp, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo, bảo đảm tiến độ soạn thảo và thời hạn trình dự thảo văn bản đã được quy định trong chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật. Hàng năm, Sở Tư pháp có nhiệm vụ tổng kết chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật của thành phố và báo cáo tình hình ban hành văn bản của thành phố trong năm. 2- Soạn thảo, trình ký và ban hành văn bản qui phạm pháp luật : 2.1- Soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật : 2.1.1- Theo sự phân công đã được ghi trong chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật của thành phố hoặc theo chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đối với những văn bản cần ban hành ngoài chương trình hàng năm, cơ quan chủ trì phải chuẩn bị dự thảo văn bản qui phạm pháp luật và bảo đảm thời hạn trình dự thảo văn bản đã được Ủy ban nhân dân thành phố ấn định. 2.1.2- Trong trường hợp văn bản có tính chất quan trọng, phạm vi áp dụng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì cơ quan chủ trì soạn thảo trình Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban soạn thảo. Thành phần Ban soạn thảo gồm đại diện có thẩm quyền của các sở-ngành, đoàn thể hữu quan. Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo làm Trưởng ban. Ban soạn thảo có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và thời hạn trình dự thảo văn bản theo quy định. 2.1.3- Trong quá trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp với Sở Tư pháp và chủ động mời các cơ quan có liên quan tham gia góp ý ; tài liệu gởi để góp ý kiến bao gồm : + Tờ trình nêu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, nội dung chủ yếu của dự thảo, các vấn đề trọng tâm, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các chuyên gia hoặc của cơ quan có liên quan ; + Dự thảo văn bản sẽ trình ký ban hành ; + Các văn bản pháp luật và tài liệu khác có liên quan. 2.1.4- Các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn do Thủ trưởng cơ quan chủ trì yêu cầu. Dự thảo văn bản và tài liệu liên quan phải được gởi trước ít nhất là 10 ngày làm việc để cơ quan nhận văn bản có đủ thời gian nghiên cứu, góp ý kiến. Sau thời hạn đề nghị góp ý, nếu cơ quan được hỏi ý kiến không trả lời thì coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành hoặc đơn vị mình. 2.1.5- Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo phải gởi dự thảo văn bản và tài liệu liên quan cho cơ quan được mời ít nhất là 3 ngày trước khi họp. Cơ quan được mời phải cử đại diện lãnh đạo có thẩm quyền dự họp. Nếu không dự họp thì phải có văn bản góp ý gởi cho cơ quan chủ trì và phải chịu trách nhiệm về vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành hoặc đơn vị mình. 2.1.6- Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm tổ chức họp, thảo luận, giới thiệu nội dung và thu thập ý kiến để bổ sung hoàn chỉnh dự thảo văn bản. Những ý kiến thảo luận phải được ghi vào biên bản có chữ ký của chủ tọa hội nghị và phải gởi kèm hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố. 2.2- Trình, thông qua, ký và ban hành văn bản qui phạm pháp luật : 2.2.1- Hồ sơ trình gồm có : + Công văn trình (tờ trình) phải thuyết minh rõ yêu cầu, mục đích, lý do, tác dụng của việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật ; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản qui phạm pháp luật ; những nội dung chính của dự thảo; qui trình chuẩn bị văn bản và những ý kiến khác nhau trong quá trình góp ý, thảo luận để hoàn thiện văn bản qui phạm pháp luật. + Dự thảo văn bản ; + Biên bản các cuộc họp, thảo luận hoặc văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan ; + ý kiến góp ý bằng văn bản của Sở Tư pháp ; + Kế hoạch tổ chức thực hiện văn bản sau khi được ban hành ; + Các tài liệu, văn bản pháp luật có liên quan. 2.2.2- Trách nhiệm của Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố : + Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình dự thảo văn bản qui phạm pháp luật, phải thẩm tra xong dự thảo văn bản. + Nếu văn bản chuẩn bị không đạt yêu cầu quy định, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách khối để yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại. + Nếu văn bản được chuẩn bị theo đúng yêu cầu về nội dung và qui trình thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc đưa ra hội nghị Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định ban hành. + Đối với những văn bản qui phạm pháp luật quan trọng, có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, liên quan đến các cá nhân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trực tiếp vận động (các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, công thương gia, những người tiêu biểu trong các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân trong nước), liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, thì phải gởi dự thảo văn bản cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố ít nhất trước 15 ngày để tham gia ý kiến ; sau đó phải chuyển toàn bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp để yêu cầu thẩm định. + Trình tự, thủ tục thông qua, ký và ban hành văn bản được thực hiện theo Qui chế làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố. 2.2.3- Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp : + Có trách nhiệm thẩm định dự thảo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo, trừ trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ấn định một thời hạn khác do yêu cầu công việc ; nội dung thẩm định bao gồm: - Sự cần thiết phải ban hành văn bản ; - Đối tượng, phạm vi điều chỉnh ; - Sự phù hợp đường lối, chính sách của Đảng ; - Tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành ; - Kỹ thuật soạn thảo, ngôn ngữ pháp lý của văn bản ; - Phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các ngành (nếu có). + Trong quá trình thẩm định, nếu xét thấy cần thiết, có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo thuyết trình thêm về dự thảo, cung cấp thêm thông tin và những tài liệu có liên quan. 2.2.4- Chậm nhất là 5 ngày sau khi văn bản qui phạm pháp luật được thông qua, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố phải chỉnh lý lại văn bản cho đúng nội dung quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và ký tắt vào văn bản trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành. 2.2.5- Chậm nhất là 2 ngày kể từ ngày ký, tất cả các văn bản qui phạm pháp luật phải được niêm yết tại trụ sở Văn phòng Tiếp dân của thành phố và phải được gởi đến Chính phủ, các Bộ-Ngành có liên quan, Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, các cơ quan, tổ chức hữu quan để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật. 2.2.6- Các văn bản qui phạm pháp luật sau khi được ban hành đều được gởi, lưu giữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ và có giá trị như bản gốc. 2.2.7- Sở Tư pháp có trách nhiệm in tất cả các văn bản qui phạm pháp luật của thành phố vào tập quy định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố. 3- Rà soát, hệ thống hóa văn bản qui phạm pháp luật : Các cơ quan hành chính Nhà nước của thành phố căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thường xuyên rà soát văn bản qui phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan Trung ương ban hành. Nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẩn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Hàng năm, chậm nhất là trước ngày 15 tháng 01, các cơ quan phải báo cáo kết quả rà soát văn bản qui phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong năm trước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành gởi Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về công tác rà soát văn bản qui phạm pháp luật hàng năm trong quý I của năm sau. 4- Kinh phí xây dựng văn bản qui phạm pháp luật : 4.1- Cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật được sử dụng kinh phí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan để xây dựng văn bản qui phạm pháp luật. 4.2- Việc sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản qui phạm pháp luật phải tuân thủ đầy đủ các chế độ chi tiêu tài chánh hiện hành. 5- Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các văn bản sau đây : 5.1- Chỉ thị số 29/CT-UB ngày 12 tháng 10 năm 1982 của Ủy ban nhân dân thành phố về lập kế hoạch xây dựng và ban hành văn bản pháp qui của Ủy ban nhân dân thành phố. 5.2- Thông báo số 82/TB-UB ngày 10 tháng 3 năm 1984 của Ủy ban nhân dân thành phố về nhắc lại cách soạn thảo và ban hành văn bản. 5.3- Chỉ thị số 07/CT-UB ngày 3 tháng 02 năm 1988 của Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 300/CT ngày 22 tháng 10 năm 1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật. 6- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời để Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.- Nơi nhận : - Văn phòng Chính - Bộ Tư pháp - Thường trực Thành ủy - Thường trực Hội đồng nhân dân TP - Ủy ban nhân dân thành phố - UBMTTQ/TP và các Đoàn thể TP - Sở, Ban, Ngành TP - UBND các Quận-Huyện - Viện KSND/TP, TAND/TP - VPHĐ-UB : CPVP, - Các Tổ chuyên viên - Lưu (NC) TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHỦ TỊCH Lê Thanh Hải
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "28/09/2001", "sign_number": "27/2001/CT-UB", "signer": "Lê Thanh Hải", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-34-2016-TT-BCT-huong-dan-hoat-dong-mua-ban-hang-hoa-qua-bien-gioi-thuong-nhan-337055.aspx
Thông tư 34/2016/TT-BCT hướng dẫn hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới thương nhân
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 34/2016/TT-BCT Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH CHI TIẾT HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI CỦA THƯƠNG NHÂN TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2015/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VỚI CÁC NƯỚC CÓ CHUNG BIÊN GIỚI Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Căn cứ Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân theo quy định tại Chương II Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. 2. Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này và được thực hiện theo các quy định hiện hành về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với thương nhân Việt Nam; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg . Điều 3. Thương nhân mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới 1. Thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Điều 4. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới 1. Căn cứ điều kiện hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. 2. Thương nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này gửi 01 (một) bộ hồ sơ đến Sở Công Thương tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Hồ sơ gồm: a) Đơn đăng ký hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: 01 (một) bản chính. b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hợp tác xã: 01 (một) bản sao, có xác nhận đóng dấu sao y bản chính của thương nhân. 3. Trong thời hạn 04 (bốn) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới danh sách thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. 4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Trường hợp từ chối lựa chọn thương nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do. 5. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi danh sách đến Bộ Công Thương. 6. Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới kiểm tra, rà soát tình hình tuân thủ quy định pháp luật của thương nhân để điều chỉnh, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách thương nhân vi phạm các quy định trong hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới; tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương để phối hợp điều hành. Điều 5. Hàng hóa mua bán qua biên giới của thương nhân 1. Hàng hóa mua bán qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg. 2. Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. 3. Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới a) Đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. b) Đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu, chỉ cho phép nhập khẩu hàng hóa là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước theo Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. c) Đối với hàng hóa là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước không thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, chỉ được phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu trong thời gian cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo sau khi xin ý kiến Bộ Công Thương. Điều 6. Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thực hiện mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân 1. Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh được thực hiện mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân. 2. Trong trường hợp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới bị ùn tắc do quá tải hoặc ách tắc, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới điều hành, áp dụng các biện pháp để thực hiện: a) Ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng nông sản mau hỏng và các hàng hóa xuất khẩu khác; hoặc b) Điều tiết hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Điều 7. Bảng kê mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân Bảng kê mua bán hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 8. Tổ chức thực hiện 1. Bộ Công Thương có trách nhiệm: a) Hướng dẫn thực hiện quy định tại Thông tư này, tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan và thương nhân mua bán hàng hóa qua biên giới để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. b) Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, thương nhân và cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện quy định tại Thông tư này. 2. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có trách nhiệm: a) Tổ chức quản lý hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này và các văn bản khác có liên quan. b) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng và điều tiết hàng hóa tại các cửa khẩu tránh xảy ra ách tắc, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. c) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo Bộ Công Thương về hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân theo định kỳ 6 tháng hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương. 3. Thương nhân, các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư này. Điều 9. Hiệu lực thi hành 1. Điều khoản chuyển tiếp Các văn bản thông báo lựa chọn thương nhân được thực hiện mua bán qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới được ban hành trước khi Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện. 2. Hiệu lực thi hành a) Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017. b) Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 52/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. c) Bãi bỏ các văn bản có liên quan hướng dẫn thực hiện Thông tư số 52/2015/TT-BCT . d) Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, các cơ quan, tổ chức có liên quan và thương nhân hoạt động thương mại biên giới phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để kịp thời xem xét giải quyết./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Tổng Bí Thư, Văn phòng TW và Ban Kinh tế TW; - Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao; - Cơ quan TW của các Đoàn thể; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra Văn bản); - Kiểm toán Nhà nước; - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Bộ Công Thương; - Các Sở Công Thương; - Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng; các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc; - Lưu: VT, XNK(10). BỘ TRƯỞNG Trần Tuấn Anh PHỤ LỤC I MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUA CỬA KHẨU PHỤ, LỐI MỞ BIÊN GIỚI (Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương) TÊN THƯƠNG NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……./ V/v đăng ký thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới ……….., ngày ... tháng ... năm… ĐƠN ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUA CỬA KHẨU PHỤ, LỐI MỞ BIÊN GIỚI Kính gửi: Sở Công Thương tỉnh .... - Tên thương nhân: ………………….. - Địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh: …………………….. - Điện thoại: …………….Fax: ………….Email: …………………Website: …………………… - Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:... do ……………………….cấp ngày ................ - Ngành, nghề kinh doanh chính: …………………………………………. Căn cứ Thông tư số 34/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Công Thương quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, ... đề nghị Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh ... cho phép thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.../. Đại diện theo pháp luật của Thương nhân (Ghi rõ chức danh, họ tên, ký tên và đóng dấu) PHỤ LỤC II DANH MỤC HÀNG HÓA ĐƯỢC NHẬP KHẨU QUA CỬA KHẨU PHỤ, LỐI MỞ BIÊN GIỚI NẰM NGOÀI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU (Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương) 1. Danh mục này áp dụng đối với các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước và không áp dụng đối với phế liệu. 2. Các trường hợp liệt kê mã HS 2 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc chương này. 3. Các trường hợp liệt kê mã HS 4 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc nhóm 4 số này. 4. Các trường hợp liệt kê mã HS 6 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc phân nhóm 6 số này. 5. Các trường hợp liệt kê đến mã HS 8 số thì chỉ áp dụng đối với mã HS 8 số đó. Chương Nhóm Phân nhóm Mô tả mặt hàng Chương 07 0714 10 - Sắn Chương 08 - Hạt điều: 0801 31 00 - - Chưa bóc vỏ 0801 32 00 - - Đã bóc vỏ Chương 10 1005 Ngô Chương 11 Toàn bộ chương 11 Chương 12 1201 Đậu tương, đã hoặc chưa vỡ mảnh. Chương 25 Toàn bộ chương 25 trừ Nhóm 2501 Chương 26 Toàn bộ chương 26 trừ các Nhóm 2618, 2619, 2620, 2621 Chương 27 2701 Than đá; than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá 2704 Than cốc và than nửa cốc (luyện từ than đá), than non hoặc than bùn, đã hoặc chưa đóng bánh; muội bình chưng than đá Chương 39 Toàn bộ chương 39 trừ các Nhóm 3915, 3916, 3917, 3918, 3919, 3920, 3921, 3922, 3923, 3924,3925, 3926 Chương 40 Toàn bộ chương 40 trừ các Nhóm 4004, 4010, 4011, 4012, 4013,4014, 4015, 4016, 4017 Chương 41 Toàn bộ chương 41 trừ các Nhóm 4101,4102, 4103 Chương 44 Toàn bộ chương 44 trừ các Nhóm 4414, 4415, 4416, 4417, 4418, 4419, 4420 Chương 50 Toàn bộ chương 50 Chương 51 Toàn bộ chương 51 trừ Nhóm 5103 Chương 52 Toàn bộ chương 52 trừ Nhóm 5202 Chương 53 Toàn bộ chương 53 Chương 54 Toàn bộ chương 54 Chương 55 Toàn bộ chương 55 Chương 56 Toàn bộ chương 56 Chương 58 Toàn bộ chương 58 trừ các Nhóm 5805 và 5811 Chương 59 Toàn bộ chương 59 Chương 60 Toàn bộ chương 60 Chương 72 7201 Gang thỏi và, gang kính ở dạng thỏi, dạng khối hoặc dạng thô khác 7202 Hợp kim fero Chương 73 Toàn bộ chương 73 trừ các nhóm 7321, 7322, 7323, 7324, 7325, 7326 Chương 74 Toàn bộ chương 74 trừ mã HS 7404.00.00 và Nhóm 7418 Chương 75 Toàn bộ chương 75 trừ Nhóm 7503 Chương 76 Toàn bộ chương 76 trừ mã HS 7602.00.00 và các Nhóm 7615, 7616 Chương 77 Toàn bộ chương 75 trừ Nhóm 7503 Chương 78 Toàn bộ chương 78 trừ các Nhóm 7802, 7806 Chương 79 Toàn bộ chương 79 trừ các Nhóm 7902, 7907 Chương 80 Toàn bộ chương 80 trừ mã HS 8002.00.00 và Nhóm 8007 PHỤ LỤC III MẪU BẢNG KÊ MUA BÁN HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI CỦA THƯƠNG NHÂN (Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương) TÊN THƯƠNG NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………., ngày ... tháng... năm ... BẢNG KÊ MUA BÁN HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI Số: …/BK-… BÊN MUA/BÊN BÁN: (Tên thương nhân) - Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………… - Điện thoại: ………………………………….Fax: ……………………………………………… - Mã số thuế: ……………………………………………………………………………………… - Số tài khoản: …………………………………………………………………………………….. - Người đại diện: ………………………………………………………………………………….. BÊN BÁN/BÊN MUA: (Tên thương nhân) - Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………… - Điện thoại: ..................................................Fax: …………………………………………….. - Mã số thuế (nếu có): ……………………………………………………………………………. - Số tài khoản (nếu có): …………………………………………………………………………… - Người đại diện: …………………………………………………………………………………… (Tên thương nhân) đã thỏa thuận về việc mua bán hàng hóa với đối tác ... với các nội dung dưới đây: 1. Tên hàng, số lượng, giá cả STT Tên hàng Số lượng Đơn giá Thành tiền Tổng cộng 2. Phương thức giao nhận - Điều kiện giao hàng: ……………………………………………………………………………… - Địa điểm giao hàng: ………………………………………………………………………………. - Thời gian giao hàng: ……………………………………………………………………………… 3. Thanh toán - Phương thức thanh toán: ………………………………………………………………………… - Đồng tiền thanh toán: …………………………………………………………………………….. - Thời hạn thanh toán: ……………………………………………………………………………… 4. Quy cách, phẩm chất hàng hóa 5. Các nội dung khác (Tên thương nhân) xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các nội dung giao dịch đã nêu tại Bảng kê này và cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật có liên quan. Đại diện theo pháp luật của Thương nhân (Ghi rõ chức danh, họ tên, ký tên và đóng
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "28/12/2016", "sign_number": "34/2016/TT-BCT", "signer": "Trần Tuấn Anh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Ke-hoach-48-KH-UBND-2013-thuc-hien-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-Quan-5-Ho-Chi-Minh-540974.aspx
Kế hoạch 48/KH-UBND 2013 thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quận 5 Hồ Chí Minh
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 5 ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 48/KH-UBND Quận 5, ngày 17 tháng 4 năm 2013 KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 5 TRONG NĂM 2013 Thực hiện Kế hoạch số 54 /KH-BATGTTP ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Ban An toàn giao thông Thành phố về thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố trong năm 2013; Ủy ban nhân dân quận 5 đề ra Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận 5 trong năm 2013 như sau: I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ CHỈ TIÊU TRONG NĂM: 1. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp trọng tâm của Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2013. 2. Trọng tâm thực hiện Năm An toàn giao thông 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng. 3. Phấn đấu kéo giảm 10% về tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (số vụ, thiệt hại số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông) so với năm 2012. Không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút trên địa bàn quận 5. 4. Yêu cầu Thủ trưởng các ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường phải xem công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng hàng đầu; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục và toàn diện; huy động cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh của toàn xã hội tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM: 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban - ngành đoàn thể trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn quận; tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp Trung ương, Thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố. 2. Thường xuyên đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường các biện pháp phát hiện kịp thời và ngăn chặn hữu hiệu những biểu hiện, hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ. 3. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông đến từng cán bộ công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh; đến từng khu phố, hộ gia đình; đặc biệt chú trọng giáo dục cho tầng lớp thanh niên độ tuổi từ 18 - 30 là đối tượng thường chiếm tỷ lệ tử vong cao do tai nạn giao thông. 4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông như quản lý đăng ký phương tiện giao thông, quản lý hoạt động vận tải và tổ chức giao thông. 5. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn quận 5. III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 1. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống ùn tắc giao thông: Phân công Công an quận 5 - Thường trực Ban An toàn giao thông quận chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch sau: - Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2012; - Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đã được ban hành kèm theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ; - Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu tại Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 07 tháng 02 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch số 09/KH-UBATGTQG ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013; Công văn số 37/CV-UBATGTQG ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tăng cường các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông tăng cao; - Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố; - Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 27-CTrHĐ/TU của Thành Ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2012/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố; - Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tri số 18-TT/TU ngày 07 tháng 02 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được ban hành kèm theo Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố. - Chương trình Hành động số 30-CTr/QU ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Quận ủy 5 về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động số 27-CTrHĐ/TU của Thành Ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn quận 5. - Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân quận 5 về triển khai thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn quận 5. - Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân quận 5 về thực hiện Chương trình Hành động số 30-CTr/QU ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Quận ủy về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn quận 5. 2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 15 phường: - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các đơn vị chức năng. - Tổ chức quán triệt bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp ủy Đảng, tăng cường lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. - Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trong phạm vi mình phụ trách, có các giải pháp, quy định thời gian và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân; kịp thời kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng tiến độ quy định. - Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đưa việc tuân thủ, chấp hành pháp luật giao thông là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của cá nhân, tổ chức. - Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm đối với cá nhân là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống tiêu cực và xử lý nghiêm sai phạm trong các lĩnh vực công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; đăng ký phương tiện giao thông; xây dựng, quản lý, bảo trì công trình hạ tầng giao thông; hoạt động thanh tra, kiểm tra ... - Không ngừng chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích và phê bình các cá nhân, đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ. 3. Đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông: Phân công Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân 15 phường và các đơn vị có liên quan: - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đa dạng bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ đến từng cán bộ, công nhân viên chức và từng người dân trong cộng đồng dân cư. - Chú trọng xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về trật tự an toàn giao thông ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền kết hợp trong các buổi ra quân theo các chủ đề “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày đường phố không rác”...để hưởng ứng “Năm An toàn giao thông”, “Tháng An toàn giao thông” và “Tuần lễ An toàn giao thông” hàng năm. - Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để tham gia vận động tuyên truyền, xây dựng ý thức nếp “văn hóa giao thông” và nếp sống văn minh đô thị trong lực lượng thanh niên, phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. - Tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình hay, các hoạt động phong trào thiết thực, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư trong thời gian qua. - Tuyên truyền và phát động các hoạt động, phong trào về giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vệ sinh công cộng trước các cổng trường. Tuyên truyền vận động học sinh, sinh viên đi học bằng xe buýt, xe đạp hoặc đi bộ. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ trong trường học. - Tăng cường công tác giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường bộ đối với cán bộ - nhân viên trong đơn vị. Đối với các trường hợp cán bộ công chức vi phạm Luật giao thông đường bộ cần có biện pháp phê bình, nhắc nhở để không tái phạm. Đưa việc chấp hành pháp luật giao thông thành tiêu chí đánh giá, đề xuất thi đua, khen thưởng ở đơn vị. - Vận động nhân dân cam kết không buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên, địa bàn phường không dán quảng cáo, rao vặt tại các cột điện, tường nhà, không phát quảng cáo tại các giao lộ để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục về pháp luật giao thông trong các buổi sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị, khu phố, tổ dân phố... 4. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ: Phân công Công an quận 5 - Thường trực Ban An toàn giao thông quận chủ trì, phối hợp Thanh tra xây dựng quận và Ủy ban nhân dân 15 phường có trách nhiệm: - Tăng cường lực lượng và chỉ đạo các đơn vị chức năng quyết liệt thực hiện công tác tuần tra xử phạt, áp dụng mức xử phạt cao nhất đối với các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm tốc độ, không đi đúng làn đường, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, chở quá tải, quá số người quy định, dừng đỗ sai quy định; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; tập trung liên tục kiểm tra xử lý trên các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông và các “điểm đen” về tai nạn giao thông. - Quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết căn cơ tình trạng tụ tập, chạy xe lạng lách, đánh võng, hành vi chống người thi hành công vụ, rải đinh, vật nhọn trên đường gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông. - Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra và xử lý kiên quyết tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, xe chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người lưu thông. - Tăng cường biện pháp ngăn chặn các hành vi sản xuất, tàng trữ, lưu thông, buôn bán mũ bảo hiểm không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng; kiên quyết xóa bỏ những tụ điểm sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm không đúng quy định; xử lý theo quy định pháp luật đối với những đơn vị cụ thể nếu tiếp tục để tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. - Tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sỹ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích và phê bình các cá nhân, đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ. - Tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy chế, điều lệnh đối với cán bộ, công chức, chiến sỹ nhất là lực lượng trực tiếp với nhân dân. Kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ, chiến sỹ có hành vi tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc xử lý vi phạm không đúng quy định. 5. Đảm bảo khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch; tăng cường xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông: Phân công Phòng Quản lý đô thị phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Công ích quận 5, Ủy ban nhân dân 15 phường và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau: - Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn quận theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân quận 5 đã đề ra. - Thường xuyên duy tu, cải tạo các công trình hạ tầng giao thông theo Kế hoạch năm 2013. Yêu cầu các đơn vị thi công đào đường phải tái lập mặt đường đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định. - Quy hoạch đô thị phải bảo đảm quỹ đất dành cho giao thông theo Luật Giao thông đường bộ; xây dựng các khu chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, các cơ sở dịch vụ phải bảo đảm diện tích bãi đậu xe tương thích. - Tiếp tục thực hiện thí điểm việc giao quyền tự quản cho người dân tại các tuyến đường văn minh đô thị trên địa bàn quận nhằm quản lý và sử dụng một phần công năng của vỉa hè được hiệu quả, đúng mục đích; đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. - Tái lập trật tự, kỷ cương trong quản lý lòng đường, vỉa hè theo nguyên tắc vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông. - Tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đấu nối trái phép vào đường bộ đang khai thác và tăng cường quản lý không để phát sinh. - Thực hiện xã hội hóa, khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn quận. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN: 1. Thường trực Ban chỉ đạo An toàn giao thông quận có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận 5 trong năm 2013 đạt hiệu quả. 2. Căn cứ Kế hoạch này, Thủ trưởng các Phòng ban, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 15 phường căn cứ chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế địa bàn phụ trách khẩn trương xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện “Năm An toàn giao thông” của đơn vị. Đồng thời, có báo cáo kết quả thực hiện “Năm An toàn giao thông” gửi về Công an quận 5 - Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn giao thông, để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận 5 và Ban An toàn giao thông Thành phố đúng theo quy định. 3. Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân quận kinh phí tổ chức thực hiện các hoạt động của Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận 5 trong năm 2013./. Nơi nhận: - UBND/TP; - Ban ATGT/TP; - TTQU -TTUB/Q5; - UB.MTTQ, các Đoàn thể; - Thành viên Ban ATGT/Q5; - Các phòng ban, đơn vị thuộc quận; - Các trường THPT trên địa bàn quận; - UBND 15 phường/Q5; - VP.UBND/Q5(XD); - Lưu (Tr,….b). CHỦ TỊCH Huỳnh Thị Thảo
{ "issuing_agency": "Quận 5", "promulgation_date": "17/04/2013", "sign_number": "48/KH-UBND", "signer": "Huỳnh Thị Thảo", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-25-2023-TT-BGTVT-sua-doi-Thong-tu-11-2021-TT-BGTVT-bao-tri-ha-tang-duong-sat-579833.aspx
Thông tư 25/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 11/2021/TT-BGTVT bảo trì hạ tầng đường sắt mới nhất
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 25/2023/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2023 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 11/2021/TT-BGTVT NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ VÀ QUẢN LÝ GIÁ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THỰC HIỆN THEO PHƯƠNG THỨC ĐẶT HÀNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ NGUỒN KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017; Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BGTVT ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT- BGTVT ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên 1. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau: “2. Nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng trình Cục Đường sắt Việt Nam trước ngày 31 tháng 01 của năm kế hoạch.”. 2. Sửa đổi khoản 3 Điều 5 như sau: “3. Thẩm quyền, thời hạn, trình tự thẩm định và quyết định phương án giá a) Giao Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện thẩm định, phê duyệt phương án giá. b) Thời hạn, trình tự thẩm định và quyết định phương án giá thực hiện theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.”. Điều 2. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2023. 2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó. Điều 3. Tổ chức thực hiện 1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Như khoản 1 Điều 3; - Bộ trưởng Bộ GTVT; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Cục Kiểm soát TTHC (VPCP); - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng TTĐT Chính phủ; - Cổng TTĐT Bộ GTVT; - Báo Giao thông, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, TC. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Danh Huy
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "15/09/2023", "sign_number": "25/2023/TT-BGTVT", "signer": "Nguyễn Danh Huy", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-03-2010-CT-UBND-chan-chinh-tang-cuong-cong-tac-xay-dung-kiem-tra-van-ban-quy-pham-phap-luat-100837.aspx
Chỉ thị 03/2010/CT-UBND chấn chỉnh, tăng cường công tác xây dựng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- Số: 03/2010/CT-UBND TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2010 CHỈ THỊ VỀ CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Sau hơn 04 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, 03 năm thực hiện Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2006 - 2010 và hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh; tình hình ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của một số sở - ngành, quận - huyện vẫn còn một số mặt tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản khi được ban hành như: việc xây dựng chương trình ban hành văn bản hàng năm còn chậm; một số văn bản được ban hành chưa đúng trình tự, thủ tục; còn xem nhẹ việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc góp ý, thẩm định dự thảo văn bản trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, chưa chú trọng đến việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, công tác kiểm tra văn bản cũng chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến việc một số văn bản được ban hành còn sai sót về nội dung và hình thức; việc tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra kết quả thực hiện chưa toàn diện. Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do nhận thức của lãnh đạo, cán bộ tại một số sở - ngành, quận - huyện về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ; trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các ngành, các cấp còn thiếu đồng bộ và còn mang tính hình thức; năng lực, kỹ năng soạn thảo văn bản của một số cán bộ, công chức còn hạn chế; công tác pháp chế của các sở, ban, ngành chưa được chú trọng đúng mức v.v… Để đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố; đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mang tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và có tính khả thi cao; đồng thời để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác xây dựng và kiểm tra văn bản; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây: I. NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ VỊ TRÍ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm: 1. Quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đề ra định hướng trong công tác xây dựng văn bản; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tổng kết tình hình thực tiễn trong quản lý của ngành, địa phương, nhất là đối với những vấn đề bức xúc mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, chưa phù hợp. 2. Tiếp tục tổ chức truyên truyền, tập huấn nâng cao nghiệp vụ và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa và trật tự kỷ cương hành chính của lãnh đạo và cán bộ, công chức trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. 3. Báo cáo tiến độ soạn thảo văn bản và nhận xét đánh giá kết quả của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nội dung bắt buộc trong báo cáo hàng quý của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện gửi Ủy ban nhân dân thành phố. II. TUÂN THỦ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT 1. Lập và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm: a) Lãnh đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện phải tuân thủ đúng về nội dung, thời gian đề xuất văn bản đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm (sau đây gọi tắt là Chương trình lập quy) theo quy định tại Điều 1 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. Đề xuất văn bản đưa vào Chương trình lập quy cho năm sau phải gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tư pháp trước ngày 01 tháng 12 của năm trước. b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ lập dự kiến Chương trình lập quy và trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua trước ngày 30 tháng 12. c) Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo phải đảm bảo đúng thời gian trình dự thảo văn bản theo quy định trong Chương trình lập quy; khi có sự thay đổi, điều chỉnh về hình thức văn bản phải trao đổi thống nhất với Sở Tư pháp trong quá trình soạn thảo. 2. Đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, mối quan hệ phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật: a) Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm tuân thủ đúng quy trình về soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, thẩm định, trình hồ sơ dự thảo văn bản đã được quy định từ Điều 5 đến Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. b) Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo cần phải quan tâm: - Tùy theo tính chất, nội dung của dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể áp dụng một hoặc nhiều hình thức lấy ý kiến theo quy định tại Điều 7 Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. - Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải đưa dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (trừ văn bản theo chế độ mật) lên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Chậm nhất là cuối quý I năm 2010, những cơ quan, đơn vị đã có trang thông tin điện tử phải đảm bảo tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (trừ văn bản theo chế độ mật) được đưa lên trang thông tin điện tử. - Đối với những dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, liên quan đến các cá nhân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trực tiếp vận động (các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, công thương gia, những người tiêu biểu trong các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân trong nước), liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, thì phải gửi dự thảo văn bản cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để lấy ý kiến đóng góp. c) Các ngành, các cấp khi được đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản có trách nhiệm nghiên cứu dự thảo văn bản một cách toàn diện, đảm bảo chất lượng của ý kiến đóng góp cho dự thảo, tránh việc góp ý mang tính hình thức, chung chung và chỉ quan tâm đến nội dung công việc được giao cho sở, ban, ngành, địa phương mình. d) Cơ quan thẩm định văn bản (Sở Tư pháp thành phố, Phòng Tư pháp quận - huyện) phải đảm bảo khách quan, văn bản thẩm định phải đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn. Trường hợp cơ quan thẩm định văn bản không đảm bảo chất lượng, thời gian theo quy định thì phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp. đ) Việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải trung thực, đầy đủ những nội dung thẩm định. Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định, những nội dung mà cơ quan soạn thảo bổ sung thêm hoặc không đưa vào dự thảo sau khi dự thảo đã được thẩm định thì văn bản giải trình phải phân tích cơ sở pháp lý, vấn đề thực tiễn và nêu quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo để Ủy ban nhân dân có đủ thông tin khi xem xét thông qua. 3. Hồ sơ trình dự thảo văn bản: a) Khi chuẩn bị hồ sơ trình Ủy ban nhân dân ban hành, Thủ trưởng các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung đã được quy định tại Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tờ trình về dự thảo phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy định và mẫu được ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007. Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện chỉ xem xét thông qua dự thảo văn bản khi đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục quy định. b) Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm rà soát và hoàn trả lại hồ sơ cho cơ quan soạn thảo bổ sung nếu hồ sơ trình dự thảo chưa đầy đủ theo quy định. III. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện phải tuân thủ nghiêm chỉnh thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ và Chỉ thị số 16/2006/CT-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; cần chấn chỉnh ngay một số nội dung sau: 1. Tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền: a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp cùng Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân thành phố tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà cơ quan mình phụ trách; kịp thời kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những văn bản có nội dung không còn phù hợp. b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với Phòng Tư pháp thường xuyên tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do cấp mình ban hành nhằm kịp thời kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; chỉ đạo tăng cường kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn ban hành. 2. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông tin báo cáo đã được quy định tại Mục IV Chỉ thị số 16/2006/CT-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố. 3. Chấn chỉnh công tác lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. IV. NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRỰC TIẾP THAM GIA CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÁN BỘ PHÁP CHẾ SỞ, BAN, NGÀNH 1. Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2007 - 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 5611/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố): a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2007 - 2010. Hàng năm, Sở Tư pháp báo cáo kết quả thực hiện Đề án nêu trên cho Ủy ban nhân dân thành phố; tổng kết kết quả thực hiện khi kết thúc Đề án và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp thực hiện tiếp theo. b) Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng văn bản tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án. 2. Nâng cao năng lực của cán bộ pháp chế sở, ban, ngành: Để nâng cao năng lực của cán bộ pháp chế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có trách nhiệm: a) Kiện toàn tổ chức pháp chế theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ và Quyết định số 2496/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, đảm bảo bố trí cán bộ có năng lực làm công tác pháp chế tại cơ quan mình. b) Xây dựng quy trình soạn thảo văn bản trong nội bộ cơ quan; đảm bảo bộ phận pháp chế phải tham gia vào quá trình soạn thảo, góp ý, giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn chỉnh dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành. Chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2010 các cơ quan phải xây dựng xong quy trình và gửi Sở Tư pháp để theo dõi. c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành; đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 2496/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố; trên cơ sở đó, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện thống nhất. V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện tiến hành tổng kết Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố). Thời gian tổ chức hội nghị tổng kết cấp thành phố trong quý I năm 2011. 2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời giám sát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật. 3. Yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác xây dựng và kiểm tra văn bản và Chỉ thị này; đồng thời phải xem công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đúng trình tự, thủ tục là một trong những tiêu chí để xét thi đua của cơ quan, đơn vị. 4. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ phê bình, kiểm điểm Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện không nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác xây dựng và kiểm tra văn bản và Chỉ thị này. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, thống kê, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố hình thức xử lý đối với sở, ban, ngành, quận - huyện vi phạm. 5. Giao Sở Tư pháp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết theo thẩm quyền hoặc dự thảo văn bản để Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét, giải quyết. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC Nguyễn Thành Tài
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "21/01/2010", "sign_number": "03/2010/CT-UBND", "signer": "Nguyễn Thành Tài", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-15-2023-TT-BTTTT-Quy-chuan-thiet-bi-tram-goc-thong-tin-di-dong-E-UTRA-truy-nhap-vo-tuyen-589294.aspx
Thông tư 15/2023/TT-BTTTT Quy chuẩn thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA truy nhập vô tuyến mới nhất
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 15/2023/TT-BTTTT Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2023 THÔNG TƯ BAN HÀNH “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ THIẾT BỊ TRẠM GỐC THÔNG TIN DI ĐỘNG E-UTRA - PHẦN TRUY NHẬP VÔ TUYẾN” Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009; Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện ngày 09 tháng 11 năm 2022; Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA - Phần truy nhập vô tuyến. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 110:2023/BTTTT). Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế Thông tư số 24/2017/TT-BTTTT ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA - Phần truy nhập vô tuyến”. Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; - Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử của Bộ; - Lưu: VT, KHCN (250). BỘ TRƯỞNG Nguyễn Mạnh Hùng QCVN 110:2023/BTTTT QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ THIẾT BỊ TRẠM GỐC THÔNG TIN DI ĐỘNG E-UTRA - PHẦN TRUY NHẬP VÔ TUYẾN National technical regulation on Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA) Base Stations (BS) - Radio Access MỤC LỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1.1. Phạm vi điều chỉnh 1.2. Đối tượng áp dụng 1.3. Tài liệu viện dẫn 1.4. Giải thích từ ngữ 1.5. Ký hiệu 1.6. Chữ viết tắt 2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT 2.1. Điều kiện môi trường 2.2. Các yêu cầu kỹ thuật 2.2.1. Các yêu cầu chung 2.2.2. Phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động 2.2.3. Tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR) 2.2.4. Phát xạ giả máy phát 2.2.5. Công suất ra cực đại của trạm gốc 2.2.6. Xuyên điều chế máy phát 2.2.7. Phát xạ giả máy thu 2.2.8. Đặc tính chặn 2.2.9. Đặc tính xuyên điều chế máy thu 2.2.10. Độ chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp 2.2.11. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh TRA lân cận 2.2.12. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA lân cận 2.2.13. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ E-UTRA đồng kênh 2.2.14. Mức chọn lọc chuẩn 2.2.15. Phát xạ bức xạ 3. PHƯƠNG PHÁP ĐO 3.1. Điều kiện đo kiểm 3.2. Giải thích các kết quả đo 3.3. Các tham số thiết yếu cho phần vô tuyến 3.3.1. Phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động 3.3.2. Tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR) 3.3.3. Phát xạ giả máy phát 3.3.4. Công suất ra cực đại của trạm gốc 3.3.5. Xuyên điều chế máy phát 3.3.6. Phát xạ giả máy thu 3.3.7. Đặc tính chặn 3.3.8. Đặc tính xuyên điều chế máy thu 3.3.9. Độ chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp 3.3.10. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh UTRA lân cận 3.3.11. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA lân cận 3.3.12. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ E-UTRA đồng kênh 3.3.13. Mức chọn lọc chuẩn 3.3.14. Phát xạ bức xạ 4. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ 5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN 6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Phụ lục A (Quy định) Cấu hình trạm gốc Phụ lục B (Tham khảo) Điều kiện môi trường Phụ lục C (Tham khảo) Sơ đồ đo Phụ lục D (Quy định) Mã số HS của thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA Thư mục tài liệu tham khảo Lời nói đầu QCVN 110:2023/BTTTT thay thế QCVN 110:2017/BTTTT. QCVN 110:2023/BTTTT do Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2023/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2023. QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ THIẾT BỊ TRẠM GỐC THÔNG TIN DI ĐỘNG E-UTRA - PHẦN TRUY NHẬP VÔ TUYẾN National technical regulation on Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA) Base Stations (BS) - Radio Access 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1.1. Phạm vi điều chỉnh Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA hoạt động trong toàn bộ hoặc một phần bất kỳ băng tần được quy định tại Bảng 1. Bảng 1 - Các băng tần của thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA Băng tần E-UTRA Hướng truyền Băng tần thiết bị trạm gốc E-UTRA Chế độ song công 1 Phát 2 110 MHz đến 2 170 MHz FDD Thu 1 920 MHz đến 1 980 MHz 3 Phát 1 805 MHz đến 1 880 MHz FDD Thu 1710 MHz đến 1 785 MHz 5 Phát 869 MHz đến 880 MHz FDD Thu 824 MHz đến 835 MHz 8 Phát 925 MHz đến 960 MHz FDD Thu 880 MHz đến 915 MHz 28 Phát 758 MHz đến 788 MHz FDD Thu 703 MHz đến 733 MHz 40 Phát và thu 2 300 MHz đến 2 400 MHz TDD 41 Phát và thu 2 500 MHz đến 2 690 MHz TDD Mã số HS của thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA quy định tại Phụ lục D. 1.2. Đối tượng áp dụng Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam. 1.3. Tài liệu viện dẫn ETSI TS 136 141 (V15.9.0) (07-2020): "LTE; Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); Base station (BS) conformance testing (3GPP TS 36.141 version 15.9.0 Release 15)". ETSI TS 125 104 (V15.5.0) (04-2019): "Universal Mobile Telecommunications System (UMTS); Base station (BS) radio transmission and reception (FDD) (3GPP TS 25.104 version 15.5.0 Release 15)". ETSI TS 125 105 (V15.0.0) (07-2018): "Universal Mobile Telecommunications System (UMTS); Base station (BS) radio transmission and reception (TDD) (3GPP TS 25.105 version 15.0.0 Release 15)". ETSI TS 136 104 (V15.9.0) (07-2020): "LTE; Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); Base station (BS) radio transmission and reception (3GPP TS 36.104 version 15.9.0 Release 15)". ETSI TS 125 141 (V15.4.0) (04-2019): "Universal Mobile Telecommunications System (UMTS); Base Station (BS) conformance testing (FDD) (3GPP TS 25.141 version 15.4.0 Release 15)”. ETSI TS 136 211 (V15.9.0) (04-2020): "LTE; Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); Physical channels and modulation (3GPP TS 36.211 version 15.9.0 Release 15)". ETSI EN 301 908-18 (V15.1.1) (09-2021): "IMT cellular networks; Harmonised Standard for access to radio spectrum; Part 18: E-UTRA, UTRA and GSM/EDGE Multi­standard Radio (MSR) Base station (BS) Release 15". ETSI EN 301 893 (V2.1.1) (05-2017): "5 GHz RLAN; Harmonised Standard covering the essential requirements of article 3.2 of Directive 2014/53/EU”. ETSI TS 136 213 (V15.9.0) (04-2020): "LTE; Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); Physical layer procedures (3GPP TS 36.213 version 15.9.0 Release 15)". ETSI TS 136 101 (V15.11.0) (08-2020): "LTE; Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); User Equipment (UE) radio transmission and reception (3GPP TS 36.101 version 15.11.0 Release 15)". ETSI TR 100 028 (all parts) (V1.4.1): "Electromagnetic compatibility and Radio spectrum Matters (ERM); Uncertainties in the measurement of mobile radio equipment characteristics". ITU-R SM.329-12 (09-2012): "Unwanted emissions in the spurious domain". ITU-R SM.1539-1 (11-2002): “Variation of the boundary between the out-of-band and spurious domains required for the application of Recommendations ITU-R SM.1541 and ITU-R SM.329". TCVN 7699-2-1 :2007 (IEC 60068-2-1): “Thử nghiệm môi trường - Phần 2-1: Các thử nghiệm - Thử nghiệm A: Lạnh". TCVN 7699-2-2 :2011 (IEC 60068-2-2): “Thử nghiệm môi trường - Phần 2-2: Các thử nghiệm - Thử nghiệm B: Nóng khô”. TCVN 7699-2-6 :2009 (IEC 60068-2-6): “Thử nghiệm môi trường - Phần 2-6: Các thử nghiệm - Thử nghiệm Fc: Rung (Hình Sin)". TCVN 7921-3-3 :2014 (IEC 60721-3-3): “Phân loại điều kiện môi trường - Phần 3-3: Phân loại theo nhóm các tham số môi trường và độ khắc nghiệt - Sử dụng tĩnh tại ở vị trí được bảo vệ khỏi thời tiết”. TCVN 7921-3-4 :2014 (IEC 60721-3-4): “Phân loại điều kiện môi trường - Phần 3-4: Phân loại theo nhóm các tham số môi trường và độ khắc nghiệt - Sử dụng tĩnh tại ở vị trí không được bảo vệ khỏi thời tiết”. 1.4. Giải thích từ ngữ Theo mục đích của quy chuẩn này, các thuật ngữ sau đây được áp dụng: 1.4.1. Băng thông kênh được cộng gộp (Aggregated Channel Bandwidth) Băng thông RF, tại đó một trạm gốc phát và/hoặc thu nhiều sóng mang được cộng gộp liền kề CHÚ THÍCH: Đơn vị đo của băng thông kênh được cộng gộp là MHz. 1.4.2. Phân loại trạm gốc (Base station class) Trạm gốc vùng phủ rộng, trạm gốc vùng phủ trung bình, trạm gốc vùng phủ hẹp hoặc trạm gốc trong nhà do nhà sản xuất công bố. 1.4.3. Băng thông RF của trạm gốc (Base station RF Bandwidth) Băng thông RF trong đó trạm gốc phát và/hoặc thu một hoặc nhiều sóng mang trong một băng tần hoạt động được hỗ trợ. CHÚ THÍCH: Trong hoạt động sóng mang đơn, băng thông RF của trạm gốc bằng với băng thông kênh. 1.4.4. Biên băng thông RF của trạm gốc (Base station RF Bandwidth edge) Tần số của một trong các biên của băng thông RF của trạm gốc. CHÚ THÍCH: Băng thông RF trạm gốc phân tách các biên băng thông RF trạm gốc. 1.4.5. Sóng mang (carrier) Dạng sóng đã được điều chế truyền tải trên các kênh vật lý E-UTRA hoặc UTRA (WCDMA) 1.4.6. Cộng gộp sóng mang (carrier aggregation) Cộng gộp của hai hoặc nhiều sóng mang thành phần nhằm hỗ trợ các băng thông phát rộng hơn. 1.4.7. Băng tần cộng gộp sóng mang (carrier aggregation band) Tập hợp một hoặc nhiều băng tần hoạt động, trong đó các sóng mang được cộng gộp có cùng một bộ yêu cầu kỹ thuật cụ thể. CHÚ THÍCH: (Các) băng tần cộng gộp sóng mang cho một trạm gốc E-UTRA do nhà sản xuất công bố và quy định tại ETSI TS 136 101. 1.4.8. Băng thông kênh (channel bandwidth) Băng thông RF hỗ trợ một sóng mang đơn RF E-UTRA với băng thông phát được cấu hình đường lên hoặc đường xuống của một tế bào (cell). CHÚ THÍCH: Đơn vị đo của băng thông kênh là MHz, và được coi như một tham chiếu cho các yêu cầu RF của máy phát và máy thu. 1.4.9. Biên kênh (channel edge) Tần số thấp nhất hoặc cao nhất của sóng mang E-UTRA. CHÚ THÍCH: Băng thông kênh phân tách các biên kênh. 1.4.10. Các sóng mang liền kề (contiguous carriers) Hai hoặc nhiều sóng mang được cấu hình trong một khối phổ, trong đó không có tập các yêu cầu RF dựa trên sự cùng tồn tại cho hoạt động không được phối hợp trong phạm vi khối phổ này. 1.4.11. Phổ liền kề (contiguous spectrum) Phổ bao gồm một khối liền kề của phổ không có các khoảng bảo vệ khối thành phần. 1.4.12. Băng tần hoạt động đường xuống (downlink operating band) Phần băng tần hoạt động sử dụng cho đường xuống (BS phát). 1.4.13. Trạm gốc trong nhà (Home Base station) Trạm gốc có đặc điểm đáp ứng yêu cầu các kịch bản femtocell. 1.4.14. Khoảng bảo vệ liên băng thông RF (Inter RF Bandwidth gap) Khoảng bảo vệ tần số giữa hai băng thông RF trạm gốc liên tiếp được đặt trong hai băng tần hoạt động được hỗ trợ. 1.4.15. Cộng gộp sóng mang liên băng (inter-band carrier aggregation) Cộng gộp sóng mang của các sóng mang thành phần trong các băng tần hoạt động khác nhau. CHÚ THÍCH: Các sóng mang được cộng gộp trong từng băng tần có thể liền kề hoặc không liền kề. 1.4.16. Khoảng bảo vệ liên băng (inter-band gap) Khoảng bảo vệ tần số giữa hai băng tần hoạt động liên tiếp được hỗ trợ. 1.4.17. Cộng gộp sóng mang liền kề nội băng (intra-band contiguous carrier aggregation) Các sóng mang liền kề được cộng gộp trong cùng băng tần hoạt động. 1.4.18. Cộng gộp sóng mang không liền kề nội băng (intra-band non-contiguous carrier aggregation) Các sóng mang không liền kề được cộng gộp trong cùng một băng tần hoạt động. 1.4.19. Trạm gốc vùng phủ hẹp (Local Area Base station) Trạm gốc có đặc điểm đáp ứng yêu cầu các kịch bản picocell với suy hao ghép nối tối thiểu từ một BS đến UE bằng 45 dB. 1.4.20. Biên dưới khối thành phần (lower sub-block edge) Tần số tại biên dưới của một khối thành phần. CHÚ THÍCH: Được sử dụng như điểm tham chiếu tần số cho cả yêu cầu của máy phát và máy thu. 1.4.21. Băng thông RF trạm gốc cực đại (maximum Base Station RF Bandwidth) Băng thông RF cực đại được hỗ trợ bởi một BS trong từng băng tần hoạt động được hỗ trợ. 1.4.22. Công suất ra cực đại (maximum output power) Mức công suất trung bình trên một sóng mang của trạm gốc được đo tại đầu nối ăng ten trong điều kiện tham chiếu được quy định. 1.4.23. Băng thông vô tuyến cực đại (maximum Radio Bandwidth) Chênh lệch tần số cực đại giữa biên trên của sóng mang được sử dụng cao nhất và biên dưới của sóng mang được sử dụng thấp nhất. 1.4.24. Thông lượng cực đại (maximum throughput) Thông lượng cực đại có thể đạt được cho một kênh đo tham chiếu. 1.4.25. Công suất trung bình (mean power) Công suất đo được tại băng thông kênh của sóng mang trong khoảng thời gian đo ít nhất là một khe thời gian (1 ms) trừ khi có khai báo khác khi áp dụng cho truyền dẫn E-UTRA. 1.4.26. Trạm gốc vùng phủ trung bình (Medium Range Base station) Trạm gốc có đặc điểm đáp ứng yêu cầu các kịch bản microcell với suy hao ghép nối tối thiểu từ một BS đến UE bằng 53 dB. 1.4.27. Trạm gốc đa băng tần (multi-band Base Station) Trạm gốc có máy phát và/hoặc máy thu có khả năng xử lý đồng thời hai hoặc nhiều sóng mang trong các thành phần RF kích hoạt chung, trong đó có ít nhất một sóng mang được cấu hình tại một băng tần khác (băng tần này không phải băng con hoặc băng tần thay thế của một băng tần hoạt động khác) với (các) sóng mang còn lại. 1.4.28. Máy thu đa băng tần (multi-band receiver) Máy thu có khả năng xử lý đồng thời hai hoặc nhiều sóng mang trong các thành phần RF kích hoạt chung, trong đó có ít nhất một sóng mang được cấu hình tại một băng tần khác (băng tần này không phải băng con hoặc băng tần thay thế của một băng tần hoạt động khác) với (các) sóng mang còn lại. 1.4.29. Máy phát đa băng tần (multi-band transmitter) Máy phát có khả năng xử lý đồng thời hai hoặc nhiều sóng mang trong các thành phần RF kích hoạt chung, trong đó có ít nhất một sóng mang được cấu hình tại một băng tần khác (băng tần này không phải băng con hoặc băng tần thay thế của một băng tần hoạt động khác) với (các) sóng mang còn lại. 1.4.30. Cấu hình phát đa sóng mang (multi-carrier transmission configuration) Tập hợp một hoặc nhiều sóng mang liền kề, trong đó trạm gốc có thể phát đồng thời các sóng mang này tùy theo đặc tính kỹ thuật của nhà sản xuất. 1.4.31. Phổ không liền kề (non-contiguous spectrum) Phổ bao gồm hai hoặc nhiều khối thành phần, các khối này được phân tách bởi các khoảng bảo vệ khối thành phần. 1.4.32. Băng tần hoạt động (operating band) Dải tần số (ghép cặp hoặc không ghép cặp) được quy định bằng bộ các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, trong đó E-UTRA hoạt động. CHÚ THÍCH: (Các) băng tần hoạt động của một BS E-UTRA được nhà sản xuất công bố theo quy định tại Bảng 1. Các băng tần hoạt động của E-UTRA được đánh số bằng các chữ số Ả Rập, trong khi các băng tần hoạt động tương ứng của UTRA được đánh số bằng các chữ số La Mã. 1.4.33. Công suất ra (output power) Công suất trung bình của một sóng mang trạm gốc, được cung cấp cho tải có điện trở bằng trở kháng tải danh định của máy phát. 1.4.34. Công suất ra danh định (rated output power) Công suất đầu ra danh định của trạm gốc là mức công suất trung bình trên một sóng mang do nhà sản xuất công bố là khả dụng tại đầu nối ăng ten. 1.4.35. Công suất ra tổng danh định (rated total output power) Mức công suất trung bình do nhà sản xuất công bố là khả dụng tại đầu nối ăng ten. 1.4.36. Khối tài nguyên (resource block) Tài nguyên vật lý bao gồm một số các ký hiệu trong miền thời gian và một số các sóng mang con liên tiếp trải rộng 180 kHz trong miền tần số. 1.4.37. Khối thành phần (sub-block) Khối phổ được phân bổ liền kề để phát và thu trong cùng một trạm gốc. CHÚ THÍCH: Có thể có nhiều mẫu khối thành phần trong một băng thông RF trạm gốc. 1.4.38. Băng thông khối thành phần (sub-block bandwidth) Độ rộng băng tần của một khối thành phần. 1.4.39. Khoảng bảo vệ khối thành phần (sub-block gap) Khoảng bảo vệ tần số giữa hai khối thành phần liên tiếp trong một băng thông RF trạm gốc, trong đó các yêu cầu RF trong khoảng bảo vệ dựa trên sự cùng tồn tại cho hoạt động không cùng phối hợp. 1.4.40. Hoạt động đồng bộ (synchronized operation) Hoạt động của TDD trong hai hệ thống khác nhau, trong đó đường lên và đường xuống xuất hiện không đồng thời. 1.4.41. Thông lượng (throughput) Số bít hữu ích nhận được trong một giây trên một kênh đo chuẩn trong điều kiện chuẩn được quy định. 1.4.42. Băng thông RF tổng (Total RF Bandwidth) Tổng cực đại của các băng thông RF trạm gốc trong các băng tần hoạt động được hỗ trợ. 1.4.43. Băng thông phát (transmission bandwidth) Băng thông phát tức thời từ một UE hoặc BS, đơn vị đo là khối tài nguyên (resource block). 1.4.44. Cấu hình băng thông phát (transmission bandwidth configuration) Băng thông phát cao nhất cấp phát cho đường lên hoặc đường xuống trong một băng thông kênh quy định, đơn vị đo là khối tài nguyên (resource block). 1.4.45. Chu kỳ OFF máy phát (transmitter OFF period) Chu kỳ thời gian một máy phát BS không được phép phát. 1.4.46. Chu kỳ ON máy phát (transmitter ON period) Chu kỳ thời gian một máy phát BS phát dữ liệu và/hoặc các ký hiệu chuẩn, ví dụ các khung thành phần dữ liệu hoặc DwPTS. 1.4.47. Chu kỳ chuyển tiếp máy phát (transmitter transient period) Chu kỳ thời gian máy phát chuyển từ chu kỳ OFF sang chu kỳ ON hoặc ngược lại. 1.4.48. Hoạt động không đồng bộ (unsynchronized operation) Hoạt động của TDD trong hai hệ thống khác nhau, trong đó các điều kiện hoạt động đồng bộ không được đáp ứng. 1.4.49. Băng tần hoạt động đường lên (uplink operating band) Phần băng tần hoạt động được chỉ định cho đường lên (BS thu). 1.4.50. Biên trên khối thành phần (upper sub-block edge) Tần số tại biên trên của một khối thành phần. CHÚ THÍCH: Tần số này được sử dụng như điểm tham chiếu tần số cho các yêu cầu của máy phát và máy thu. 1.4.51. Trạm gốc vùng phủ rộng (wide area base station) Trạm gốc có đặc điểm đáp ứng yêu cầu của macrocell với tổn hao ghép nối tối thiểu từ một BS đến UE bằng 70 dB. Hình 1 - Băng thông kênh và cấu hình băng thông phát cho một sóng mang E-UTRA Hình 2 minh họa băng thông kênh cộng gộp cho cộng gộp sóng mang liền kề nội băng. Hình 2 - Băng thông kênh cộng gộp cho cộng gộp sóng mang nội băng tần Các định nghĩa sau đây được áp dụng: - Biên dưới băng thông kênh cộng gộp BWChannel_CA là Fedge_low = Fc_low - Foffset; - Biên trên băng thông kênh cộng gộp BWChannel_CA là Fedge_high = Fc_high + Foffset; - Băng thông kênh cộng gộp BWChannel_CA = Fedge_high - Fedge_low [MHz]. Hình 3 minh họa băng thông khối thành phần cho một BS hoạt động trong phổ không liền kề. Hình 3 - Băng thông khối thành phần cho phổ không liền kề nội băng tần Các định nghĩa sau đây cũng được áp dụng trong quy chuẩn này: - Biên dưới khối thành phần của băng thông khối thành phần Fedge,block,low = FC,block,low - Foffset; - Biên trên khối thành phần của băng thông khối thành phần Fedge,block,high = FC,block,high + Foffset; - Băng thông kênh cộng gộp BWChannel,block = Fedge,block,high - Fedge,block,low (MHz). Bảng 2 định nghĩa về Foffset, trong đó BWChannel quy định tại Bảng 5.6-1 của ETSI TS 136 141. Bảng 2 - Định nghĩa cho Foffset Băng thông kênh sóng cao nhất hoặc thấp nhất BWChannel (MHz) Foffset(MHz) 5, 10, 15, 20 BWChannel/2 CHÚ THÍCH 1: Foffset của từng biên băng thông RF trạm gốc/biên khối thành phần được tính toán riêng biệt. CHÚ THÍCH 2: Các giá trị BWChannel_CA/BWChannel,block cho UE và BS như nhau nếu đồng nhất các băng thông của các sóng mang thành phần cao nhất và thấp nhất. Hình 4 - Băng thông vô tuyến cực đại BWmax và tổng băng thông RF BWtot trạm gốc đa băng tần 1.5. Ký hiệu Theo mục đích của quy chuẩn này, các ký hiệu sau đây được áp dụng: BRFBW Băng thông RF trạm gốc cực đại nằm ở cuối của dải tần số được hỗ trợ trong băng tần hoạt động BWChannel Băng thông kênh BWChannel, block Băng thông khối thành phần, đơn vị là Mhz. BWChannel, block = Fedge,block,high- Fedge,block,low BWConfig Cấu hình băng thông phát, đơn vị là Mhz, trong đó BWConfig = NRB x 180 kHz cho đường lên và, BWConfig = 15 kHz + NRB x 180 kHz cho đường xuống BWmax Băng thông vô tuyến cực đại BWtot Tổng băng thông RF CPICH Êc Công suất mã hóa kênh hoa tiêu chung (trong kênh lân cận) CRS Ês Công suất tín hiệu chuẩn nhận được trên phần tử tài nguyên f Tần số ∆f Khoảng cách giữa tần số biên kênh và điểm -3 dB danh định của bộ lọc đo gần nhất đến tần số sóng mang ∆fmax Giá trị lớn nhất của ∆f sử dụng để xác định yêu cầu FC Tần số trung tâm sóng mang FC,block, high Tần số trung tâm của sóng mang cao nhất được phát/thu trong một khối thành phần FC,block, low Tần số trung tâm của sóng mang cao nhất được phát/thu trong một khối thành phần FC_high Tần số trung tâm sóng mang của sóng mang cao nhất, đơn vị là MHz FC_low Tần số trung tâm sóng mang của sóng mang thấp nhất, đơn vị là MHz Fedge_low Biên dưới của băng thông kênh cộng gộp, đơn vị là MHz, Fedge_low = FC_low - Foffset Fedge_high Biên trên của băng thông kênh cộng gộp, đơn vị là MHz, Fedge_high = FC_high - Foffset Fedge,block,low Biên dưới khối thành phần, trong đó Fedge,block,low = FC,block,low - Foffset Fedge,block,high Biên dưới khối thành phần, trong đó Fedge,block,high = FC,block,high - Foffset Foffset Độ lệch tần số từ FC_high đến biên trên băng thông RF trạm gốc hoặc từ FC,block,high đến biên trên khối thành phần, FC_low đến biên dưới băng thông RF trạm gốc hoặc từ FC,block,low đến biên dưới khối thành phần Ffilter Tần số trung tâm bộ lọc Finterferer Tần số trung tâm của tín hiệu can nhiễu f_offset Khoảng cách giữa tần số biên kênh và tần số trung tâm bộ lọc đo f_offsetmax Giá trị lớn nhất của f_offset được sử dụng xác định yêu cầu FUL_low Tần số thấp nhất của băng tần hoạt động đường lên (xem Bảng 1) FUL_high Tần số cao nhất của băng tần hoạt động đường lên (xem Bảng 1) loh Tổng mật độ công suất thu được không bao gồm tín hiệu của trạm gốc trong nhà của chính nó luant Giao diện logic nội bộ E-Node B giữa chức năng O&M đặc trưng xử lý và các ăng ten RET và khối chức năng điều khiển TMAs của E- Node B NRB Cấu hình băng thông phát, đơn vị là các thành phần của các khối thành phần (Resource Blocks) Số khối tài nguyên đường xuống Số sóng mang con trong một khối tài nguyên, = 12 p Số cổng ăng ten (Pi) Công suất của tín hiệu tại đầu nối ăng ten i (Ps) Tổng công suất cho tất cả các đầu nối ăng ten P10Mhz Công suất đầu ra cực đại tại 10 MHz PEM,N Mức phát xạ khai báo cho kênh N PEM,B32,ind Mức phát xạ khai báo tại băng tần 32, ind = a, b, c, d, e Pmax,c Công suất ra sóng mang cực đại Pout Công suất ra Prated,c Công suất ra danh định (trên sóng mang) PREFSENS Mức công suất độ nhạy chuẩn TRFBW Băng thông RF trạm gốc cực đại tại đầu của dải tần số được hỗ trợ trong băng tần hoạt động Wgap Khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc kích thước khoảng bảo vệ băng thông liên quan 1.6. Chữ viết tắt Theo mục đích của quy chuẩn này, các chữ viết tắt sau đây được áp dụng: ACLR Adjacent Channel Leakage Ratio Tỷ số công suất rò kênh lân cận ACS Adjacent Channel Selectivity Độ chọn lọc kênh lân cận ATT Attenuator Bộ suy giảm AWGN Additive White Gaussian Noise Nhiễu Gauss trắng cộng tính B Bottom RF channel Kênh RF cuối BRFBW Bottom Radio Frequency channel Bandwidth BS Băng thông kênh tần số vô tuyến cuối trạm gốc BS Base Station Trạm gốc BTS Base Transceiver Station Trạm thu phát gốc BW BandWidth Băng thông C Contiguous Liền kề CA Carrier Aggregation Cộng gộp sóng mang CACLR Cumulative ACLR ACLR lũy kế CSG Closed Subscriber Group Nhóm thuê bao đóng CW Continuous Wave Sóng liên tục DC Direct Current Nguồn một chiều DL Down Link Đường xuống DTT Digital Terrestrial Television Truyền hình kỹ thuật số mặt đất DwPTS Downlink part of the special subframe Phần đường xuống của khung thành phần đặc biệt EARFCN E-UTRA Absolute Radio Frequency Channel Number Số kênh tần số vô tuyến tuyệt đối E-UTRA ERM EMC and Radio spectrum Matters Tương thích điện từ trường và phổ tần số E-TM E-UTRA Test Model Mô hình đo kiểm E-UTRA EUT Equipment Under Test Thiết bị cần được đo kiểm E-UTRA Evolved UMTS Terrestrial Radio Access Truy nhập vô tuyến mặt đất UMTS tiến hóa FDD Frequency Division Duplex Ghép song công phân chia theo tần số FRC Fixed Reference Channel Kênh tham chiếu cố định GSM General System for Mobile communications Hệ thống thông tin di động toàn cầu IMT International Mobile Telecommuni-cations Thông tin di động toàn cầu LTE Long Term Evolution Công nghệ thông tin di động sau 3G M Middle RF channel Kênh RF giữa MBT Multi-Band Testing Đo kiểm đa băng tần MS Mobile Station Trạm di động MSG Mobile Standards Group Nhóm các tiêu chuẩn di động MSR Multi-Standard Radio Vô tuyến đa tiêu chuẩn MUE Macro UE Thiết bị người dùng macro RAT Radio Access Technology Công nghệ truy nhập vô tuyến RB Resource Block Khối tài nguyên RF Radio Frequency Tần số vô tuyến RFBW Radio Frequency Bandwidth Băng thông tần số vô tuyến RMS Root Mean Square Giá trị hiệu dụng RRC Root Raised Cosine Cosin nâng RX Receive Thu SBT Single Band Testing Đo kiểm băng tần đơn T Top RF channel Kênh RF đầu TDD Time Division Duplex Ghép song công phân chia theo thời gian TFES Task Force for European Standards for IMT Nhóm các tiêu chuẩn Châu Âu cho IMT TRFBW Top Radio Frequency channel Bandwidth Băng thông kênh tần số vô tuyến đầu TX Transmit Phát UE User Equipment Thiết bị người dùng UL UpLink Đường lên UMTS Universal Mobile Telecommuni-cations System Hệ thống viễn thông di động toàn cầu UTRA UMTS Terrestrial Radio Access Truy nhập vô tuyến mặt đất UMTS 2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT 2.1. Điều kiện môi trường Các yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn này áp dụng trong điều kiện môi trường hoạt động của thiết bị do nhà sản xuất công bố. Thiết bị phải hoàn toàn tuân thủ mọi yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn này khi hoạt động trong các giới hạn biên của điều kiện môi trường hoạt động được khai báo. Phụ lục B hướng dẫn nhà cung cấp cách khai báo điều kiện môi trường. 2.2. Các yêu cầu kỹ thuật 2.2.1. Các yêu cầu chung Nhà sản xuất thiết bị phải công bố: - Các băng tần hoạt động của trạm gốc; - Các băng tần hoạt động của trạm gốc hỗ trợ cộng gộp sóng mang; - Các cấu hình RF được hỗ trợ theo quy định tại 4.6.8 của ETSI TS 136 141. Với trạm gốc hỗ trợ nhiều băng tần hoạt động, việc đo kiểm quy định tại Điều 3 của quy chuẩn này phải thực hiện trên từng băng tần. Với BS có cấu hình thu nhiều sóng mang, tất cả các yêu cầu về thông lượng phải áp dụng cho từng sóng mang thu được. Đối với các đặc tính ACS, chặn và xuyên điều chế, các độ lệch âm của tín hiệu can nhiễu phải so với biên trên băng thông RF trạm gốc. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, các yêu cầu trong quy chuẩn này áp dụng cho từng băng tần hoạt động, trừ khi có quy định khác. Trong một số trường hợp, có thể quy định rõ các yêu cầu được bổ sung hoặc loại bỏ cụ thể áp dụng cho BS này. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần là tổ hợp các máy/thu (đa băng tần hoặc băng tần đơn) khác nhau và ánh xạ đến một hoặc nhiều cổng ăng ten theo các cách khác nhau, nếu các băng tần được phát trên các ăng ten riêng biệt thì: - Đo kiểm ACLR đơn băng tần, phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động, phát xạ giả máy phát, xuyên điều chế máy phát và phát xạ giả máy-thu áp dụng cho từng đầu nối ăng ten; - Nếu BS cấu hình hoạt động đơn băng tần, các yêu cầu đơn băng tần áp dụng cho đầu nối ăng ten được cấu hình hoạt động đơn băng tần và áp dụng cho cả BS có khả năng hoạt động đa băng tần. Các yêu cầu đơn băng tần được đo kiểm độc lập tại đầu nối ăng ten được cấu hình cho hoạt động đơn băng tần, trong khi tất cả các đầu nối ăng ten khác được kết cuối. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần hỗ trợ các băng tần cho TDD, các yêu cầu RF trong quy chuẩn này giả định hoạt động đồng bộ, trong đó đường lên và đường xuống không đồng thời xuất hiện giữa các băng tần hoạt động được hỗ trợ. Các yêu cầu kỹ thuật áp dụng cho các cấu hình BS được quy định tại Phụ lục A. 2.2.2. Phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động 2.2.2.1. Định nghĩa Các phát xạ không mong muốn bao gồm các phát xạ ngoài băng và các phát xạ giả (Khuyến nghị ITU-R SM.329-12). Phát xạ ngoài băng là phát xạ không mong muốn (nhưng không bao gồm phát xạ giả), nằm ngay ngoài băng thông kênh, tạo ra trong quá trình điều chế và do ảnh hưởng của tính phi tuyến trong máy phát. Giới hạn của các phát xạ ngoài băng của máy phát BS được xác định theo các phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động và tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR). Các giới hạn phát xạ giả không mong muốn trong băng tần hoạt động được quy định từ 10 MHz dưới tần số thấp nhất của từng băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ đến 10 MHz trên tần số cao nhất của từng băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ (xem Bảng 1). Các yêu cầu áp dụng cho mọi loại máy phát (sóng mang đơn hoặc đa sóng mang) và mọi chế độ phát được chọn lựa phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của nhà sản xuất. Ngoài ra, với một BS hoạt động trong nhiều băng tần, các yêu cầu này áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Với BS hỗ trợ đa sóng mang, các yêu cầu phát xạ không mong muốn áp dụng cho các băng thông kênh của sóng mang ngoài cùng lớn hơn hoặc bằng 5 MHz. Với một BS E-UTRA đa sóng mang được cấu hình cho cộng gộp sóng mang liền kề và không liền kề nội băng, các định nghĩa trên áp dụng cho biên dưới của sóng mang phát đi tại tần số sóng mang thấp nhất và biên trên của sóng mang phát đi tại tần số sóng mang cao nhất bên trong băng tần hoạt động quy định. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ trên các đầu nối ăng ten riêng biệt, áp dụng các yêu cầu đơn băng tần và không áp dụng ước lượng lũy kế giới hạn phát xạ trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. 2.2.2.2. Giới hạn Với BS vùng phủ rộng, yêu cầu này áp dụng bên ngoài băng thông RF của trạm gốc. Ngoài ra, yêu cầu này cũng áp dụng bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ cho BS vùng phủ rộng hoạt động trong phổ không liền kề và áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ cho BS vùng phủ rộng hoạt động trong nhiều băng tần. Với BS vùng phủ trung bình, yêu cầu này áp dụng bên ngoài băng thông RF của trạm gốc. Ngoài ra, yêu cầu này áp dụng bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ cho BS vùng phủ trung bình hoạt động trong phổ không liền kề và áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ cho BS vùng phủ trung bình hoạt động trong nhiều băng tần. Với BS vùng phủ hẹp, yêu cầu này áp dụng bên ngoài băng thông RF của trạm gốc. Ngoài ra, yêu cầu này áp dụng bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ cho BS vùng phủ hẹp hoạt động trong phổ không liền kề và áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ cho BS vùng phủ hẹp hoạt động trong nhiều băng tần. Bên ngoài băng thông RF của trạm gốc, các phát xạ không vượt quá các mức cực đại được quy định tại các Bảng 3 đến Bảng 13 và Bàng 14 đến Bảng 19, trong đó: - ∆f là khoảng cách giữa tần số biên kênh và điểm -3 dB danh định của bộ lọc đo gần tần số sóng mang nhất; - f_offset là khoảng cách giữa tần số biên kênh và tần số trung tâm của bộ lọc đo; - f_offsetmax là độ lệch so với tần số 10 MHz bên ngoài băng tần hoạt động đường xuống; - ∆fmax bằng f_offsetmax trừ một nửa băng thông của bộ lọc đo. Với BS hoạt động trong nhiều băng tần, bên trong các khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ với Wgap < 20 MHz, các phát xạ không vượt quá tổng lũy kế của các giới hạn quy định tại các biên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Giới hạn cho biên băng thông RF được quy định tại các Bảng 3 đến Bảng 5, trong đó: - ∆f là khoảng cách giữa tần số biên băng thông RF của trạm gốc và điểm -3 dB danh định của bộ lọc đo gần biên băng thông RF của trạm gốc nhất; - f_offset là khoảng cách giữa tần số biên băng thông RF của trạm gốc và tần số trung tâm của bộ lọc đo; - f_offsetmax bằng khoảng bảo vệ liên băng thông RF trừ một nửa băng thông của bộ lọc đo; - ∆fmax bằng f_offsetmax trừ một nửa băng thông của bộ lọc đo. Với BS có khả năng hoạt động đa sóng mang, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ trên cùng đầu nối ăng ten, các giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động cũng áp dụng trong một băng tần hoạt động được hỗ trợ bên trong sóng mang phát đi bất kỳ, trong trường hợp tại đó có (các) sóng mang phát đi trong băng tần hoạt động được hỗ trợ khác. Trong trường hợp này, giới hạn không lũy kế áp dụng trong khoảng bảo vệ liên băng tần giữa một băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ với (các) sóng mang phát đi và một băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ bên ngoài sóng mang phát đi bất kỳ và: - Trong trường hợp khoảng bảo vệ liên băng tần giữa một băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ với (các) sóng mang phát đi và một băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ bên ngoài sóng mang phát đi bất kỳ nhỏ hơn 20 MHz, f_offsetmax là độ lệch so với tần số 10 MHz bên ngoài các biên ngoài cùng của các băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ và giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động, tại đó có các sóng mang phát đi, được quy định tại các bảng của điều này, áp dụng trên cả hai băng tần đường xuống. - Trong trường hợp, giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của băng tần, tại đó có các sóng mang phát đi, được quy định tại các bảng của điều này cho độ lệch tần số rộng nhất (∆fmax), áp dụng từ 10 MHz dưới tần số thấp nhất, lên tới 10 MHz trên tần số cao nhất của băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ bên ngoài sóng mang phát đi bất kỳ. Ngoài ra, bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ với một BS hoạt động trong phổ không liền kề, các kết quả đo không vượt quá tổng lũy kế của các giới hạn quy định cho các khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Giới hạn cho từng khối thành phần được quy định tại các Bảng 3 đến Bảng 13 và Bảng 14 đến Bảng 19, trong trường hợp này: - ∆f là khoảng cách giữa tần số biên khối thành phần và điểm -3 dB danh định của bộ lọc đo gần biên khối thành phần nhất; - f_offset là khoảng cách giữa tần số biên khối thành phần và tần số trung tâm của bộ lọc đo; - f_offsetmax bằng băng thông khoảng bảo vệ khối thành phần trừ một nửa băng thông của bộ lọc đo; - ∆fmax bằng f_offsetmax trừ một nửa băng thông của bộ lọc đo. 2.2.2.2.1. Giới hạn cho BS vùng phủ rộng trong các băng tần 1, 3, 5 và 8 Với BS vùng phủ rộng E-UTRA hoạt động trong các băng tần 1, 3, 5 và 8 các phát xạ không vượt quá giới hạn quy định tại các Bảng 3 đến Bảng 5. Bảng 3 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần 8 của BS vùng phủ rộng cho băng thông kênh 1,4 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (Chú thích 1 và 2) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 0,05 MHz 0,015 MHz ≤ f_offset < 0,065 MHz 30 kHz 0,05 MHz ≤ ∆f < 0,15 MHz 0, 065 MHz ≤ f_offset < 0,165 MHz 30 kHz 0,15 MHz ≤ ∆f < 0,2 MHz 0,165 MHz ≤ f_offset < 0,215 MHz -12,5 dBm 30 kHz 0,2 MHz ≤ ∆f < 1 MHz 0,215 MHz ≤ f_offset < 1,015 MHz 30 kHz 1,015 MHz ≤ f_offset < 1,5 MHz -24,5 dBm 30 kHz 1 MHz ≤ ∆f ≤ 2,8 MHz 1,5 MHz ≤ f_offset < 3,3 MHz -11,5 dBm 1 MHz 2,8 MHz ≤ ∆t ≤ ∆fmax 3,3 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -15 dBm 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -15 dBm/1 MHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa hoặc băng thông RF của trạm gốc được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần hoặc băng thông RF của trạm gốc. Bảng 4 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần 8 của BS vùng phủ rộng cho băng thông kênh 3 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (Chú thích 1 và 2) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 0,05 MHz 0,015 MHz ≤ f_offset < 0,065 MHz 30 kHz 0,05 MHz ≤ ∆f < 0,15 MHz 0, 065 MHz ≤ f_offset < 0,165 MHz 30 kHz 0,15 MHz ≤ ∆f < 0,2 MHz 0,165 MHz ≤ f_offset < 0,215 MHz -12,5 dBm 30 kHz 0,2 MHz ≤ ∆f < 1 MHz 0,215 MHz ≤ f_offset < 1,015 MHz 30 kHz 1,015 MHz ≤ f_offset < 1,5 MHz -24,5 dBm 30 kHz 1 MHz ≤ ∆f ≤ 6 MHz 1,5 MHz ≤ f_offset < 6,5 MHz -11,5 dBm 1 MHz 6 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 6,5 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -15 dBm 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -15 dBm/1 MHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa hoặc băng thông RF của trạm gốc được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần hoặc băng thông RF của trạm gốc. Bảng 5 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần 1, 3, 5 và 8 của BS vùng phủ rộng cho băng thông kênh 5, 10, 15 và 20 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (Chú thích 1, 2 và 3) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 0,2 MHz 0,015 MHz ≤ f_offset < 0,215 MHz -12,5 dBm 30 kHz 0,2 MHz ≤ ∆f < 1 MHz 0,215 MHz ≤ f_offset < 1,015 MHz 30 kHz 1,015 MHz ≤ f_offset < 1,5 MHz -24,5 dBm 30 kHz 1 MHz ≤ ∆f < nhỏ nhất (10 Mhz, ∆fmax) 1,5 MHz ≤ f_offset < nhỏ nhất (10,5 Mhz, ∆f_offsetmax) -11,5 dBm 1 MHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,5 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -15 dBm 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Yêu cầu không áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -15 dBm/1 MHz. CHÚ THÍCH 3: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa hoặc băng thông RF của trạm gốc được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần hoặc băng thông RF của trạm gốc. 2.2.2.2.2. Giới hạn cho BS vùng phủ rộng trong các băng tần 40 và 41 Với BS vùng phủ rộng E-UTRA hoạt động trong các băng tần 40 và 41 các phát xạ không vượt quá giới hạn quy định tại Bảng 6. Bảng 6 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần 40 và 41 của BS vùng phủ rộng cho băng thông kênh 5, 10, 15 và 20 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1, 2 và 3) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 5 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 5,05 MHz 100 kHz 5 MHz ≤ ∆f < nhỏ nhất (10 MHz, ∆fmax) 5,05 MHz ≤ f_offset < min (10,05 MHz, f_offsetmax) -12,5 dBm 100 kHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,5 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -15 dBm 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Yêu cầu không áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -15 dBm/1 MHz. CHÚ THÍCH 3: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên bằng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa hoặc băng thông RF của trạm gốc được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần hoặc băng thông RF của trạm gốc. 2.2.2.2.3. Giới hạn cho BS vùng phủ rộng trong băng tần 28 Với BS vùng phủ rộng E-UTRA hoạt động trong các băng tần 28 các phát xạ không vượt quá giới hạn quy định tại Bảng 7. Bảng 7 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần 28 của BS vùng phủ rộng cho băng thông kênh 5, 10, 15 và 20 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Đệ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1, 2 và 3) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 5 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 5,05 MHz 100 kHz 5 MHz ≤ ∆f < 10 MHz 5,05 MHz ≤ f_offset < 10,05 MHz -12,5 dBm 100 kHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,5 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -16 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Yêu cầu không áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -16 dBm/100 kHz. CHÚ THÍCH 3: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF, tại đó các phần từ khối thành phần đầu xa hoặc băng thông RF của trạm gốc được chia tỷ lệ theo băng thông đo của khối thành phần đầu gần hoặc băng thông RF của trạm gốc. 2.2.2.2.4. Giới hạn cho BS vùng phủ hẹp Với BS vùng phủ hẹp, các phát xạ không vượt quá giới hạn quy định tại các Bảng 8 đến Bảng 10. Bảng 8 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ hẹp cho băng thông kênh 1,4 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn Bang thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 1,4 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 1,45 MHz 100 kHz 1,4 MHz ≤ ∆f < 2,8 MHz 1,45 MHz ≤ f_offset < 2,85 MHz -29,5 dBm 100 kHz 2,8 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 2,85 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -31 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 9 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ hẹp cho băng thông kênh 3 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 3 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 3,05 MHz 100 kHz 3 MHz ≤ ∆f < 6 MHz 3,05 MHz ≤ f_offset < 6,05 MHz -33,5 dBm 100 kHz 6 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 6,05 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -35 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 10 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ hẹp cho băng thông kênh 5, 10, 15 và 20 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 5 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 5,05 MHz 100 kHz 5MHz ≤ ∆f < nhỏ nhất (10 MHz, ∆fmax) 5,05 MHz ≤ f_offset < nhỏ nhất (10,05 MHz, f_offsetmax) -35,5 dBm 100 kHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,05 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -37 dBm (xem chú thích) 100 kHz CHÚ THÍCH: Yêu cầu không áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. 2.2.2.2.5. Giới hạn cho BS trong nhà - Với BS trong nhà, các phát xạ không vượt quá giới hạn quy định tại các Bảng 11 đến Bảng 13. Bảng 11 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS trong nhà cho băng thông kênh 1,4 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 1,4 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 1,45 MHz 100 kHz 1,4 MHz ≤ ∆f < 2,8 MHz 1,45 MHz ≤ f_offset < 2,85 MHz -34,5 dBm 100 kHz 2,8 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 3,3 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax P -52 dB, 2dBm ≤ P ≤ 20 dBm - 50 dBm, P < 2 dBm (xem chú thích 1) 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS trong nhà, tham số P là công suất cực đại cộng gộp của tất cả các cổng ăng ten phát của BS trong nhà. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 12 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS trong nhà cho băng thông kênh 3 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 3 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 3,05 MHz 100 kHz 3 MHz ≤ ∆f < 6 MHz 3,05 MHz ≤ f_offset < 6,05 MHz -38,5 dBm 100 kHz 6 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 6,5 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax P -52 dB, 2dBm ≤ P ≤ 20 dBm -50 dBm, P < 2 dBm (xem chú thích 1) 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS trong nhà, tham số P là công suất cực đại cộng gộp của tất cả các cổng ăng ten phát của BS trong nhà. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 13 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS trong nhà cho băng thông kênh 5, 10, 15, 20 MHz Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 5 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 5,05 MHz 100 kHz 5MHz ≤ ∆f < nhỏ nhất (10 MHz, ∆fmax) 5,05 MHz ≤ f_offset < nhỏ nhất (10,05 MHz, f_offsetmax) -40,5 dBm 100 kHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,5 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax P -52 dB, 2dBm ≤ P ≤ 20 dBm -50 dBm, P < 2 dBm (xem chú thích 1 và 2) 1 MHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS trong nhà, tham số P là công suất cực đại cộng gộp của tất cả các cổng ăng ten phát của BS trong nhà. CHÚ THÍCH 2: Yêu cầu khống áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. 2.2.2.2.6. Giới hạn cho BS vùng phủ trung bình Với BS vùng phủ trung bình E-UTRA, phát xạ không vượt quá các mức cực đại được quy định tại các Bảng 14 đến Bảng 19. Bảng 14 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ trung bình cho băng thông kênh 1,4 MHz, 31 < Prated,c ≤ 38 dBm Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1 và 2) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 1,4 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 1,45 MHz 100 kHz 1,4 MHz ≤ ∆f < 2,8 MHz 1,45 MHz ≤ f_offset < 2,85 MHz Pmax,c - 53,5 dBm 100 kHz 2,8 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 2,85 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -25 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, yêu cầu đo kiểm trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó yêu cầu đo kiểm bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -25 dBm/100 kHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, yêu cầu đo kiểm bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 15 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ trung bình cho băng thông kênh 1,4 MHz, Pmax,c ≤ 31 dBm Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1 và 2) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 1,4 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 1,45 MHz 100 kHz 1,4MHz ≤ ∆f < 2,8 MHz 1,45 MHz ≤ f_offset < 2,85 MHz -22,5 dBm 100 kHz 2,8 MHz ≤ ∆f ≤ Afmax 2,85 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -25 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, yêu cầu đo kiểm trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó yêu cầu đo kiểm bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -25 dBm/100 kHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, yêu cầu đo kiểm bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 16 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ trung bình cho băng thông kênh 3 MHz, 31 < Pmax,c ≤ 38 dBm Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1 và 2) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 3 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 3,06 MHz 100 kHz 3 MHz ≤ ∆f < 6 MHz 3,05 MHz ≤ f_offset < 6,05 MHz Pmax,c - 57,5 dBm 100 kHz 6 MHz ≤ ∆f ≤ Afmax 6,05 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax nhỏ nhất (Pmax,c - 59 dB, -25 dBm) 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, yêu cầu đo kiểm trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó yêu cầu đo kiểm bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là nhỏ nhất (Pmax,c - 59 dB, -25 dBm)/100 kHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, yêu cầu đo kiểm bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 17 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ trung bình cho băng thông kênh 3 MHz, Pmax,c ≤ 31 dBm Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1 và 2) Băng thông đo 0MHz ≤ ∆f < 3 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 3,05 MHz 100 kHz 3 MHz ≤ ∆f < 6 MHz 3,05 MHz ≤ f_offset < 6,05 MHz -26,5 dBm 100 kHz 6MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 6,05 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -28 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, yêu cầu đo kiểm trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó yêu cầu đo kiểm bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -28 dBm/100 kHz. CHÚ THÍCH 2: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, yêu cầu đo kiểm bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 18 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ trung bình cho băng thông kênh 5, 10, 15 và 20 MHz, 31 < Pmax,c ≤ 38 dBm Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (chú thích 1 và 3) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 5 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 5,05 MHz 100 kHz 5 MHz ≤ ∆f < nhỏ nhất (10 MHz, ∆fmax) 5,05 MHz ≤ f_offset < nhỏ nhất (10,05 MHz, f_offsetmax) Pmax,c - 58,5 dBm 100 kHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,05 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax nhỏ nhất (Pmax,c - 60 dB, -25 dBm) (xem chú thích 2) 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là nhỏ nhất (Pmax,c - 60 dB, -25 dBm)/100 kHz. CHÚ THÍCH 2: Yêu cầu không áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. CHÚ THÍCH 3: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Bảng 19 - Giới hạn phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động của BS vùng phủ trung bình cho băng thông kênh 5, 10, 15 và 20 MHz, Pmax,c ≤ 31 dBm Độ lệch tần số của điểm -3 dB của bộ lọc đo, ∆f Độ lệch tần số của tần số trung tâm của bộ lọc đo, f_offset Giới hạn (Chú thích 1 và 3) Băng thông đo 0 MHz ≤ ∆f < 5 MHz 0,05 MHz ≤ f_offset < 5,05 MHz 100 kHz 5 MHz ≤ ∆f < nhỏ nhất (10 MHz, ∆fmax) 5,05 MHz ≤ f_offset < nhỏ nhất (10,05 MHz, f_offsetmax) -27,5 dBm 100 kHz 10 MHz ≤ ∆f ≤ ∆fmax 10,05 MHz ≤ f_offset < f_offsetmax -29 dBm (xem chú thích 2) 100 kHz CHÚ THÍCH 1: Đối với BS hỗ trợ hoạt động phổ không liền kề trong băng tần bất kỳ, giới hạn trong các khoảng bảo vệ khối thành phần được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận trong mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần. Trừ trường hợp, nếu ∆f ≥ 10 MHz từ cả hai khối thành phần lân cận trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần, tại đó giới hạn bên trong các khoảng bảo vệ khối thành phần là -29 dBm/100 kHz. CHÚ THÍCH 2: Yêu cầu không áp dụng khi ∆fmax < 10 MHz. CHÚ THÍCH 3: Đối với BS hỗ trợ hoạt động đa băng tần với khoảng bảo vệ liên băng thông RF < 20 MHz, giới hạn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF được tính bằng tổng lũy kế của các phần từ các khối thành phần lân cận hoặc liên băng thông RF của trạm gốc trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ liên băng thông RF. 2.2.2.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.1. 2.2.3. Tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR) 2.2.3.1. Định nghĩa Các phát xạ không mong muốn bao gồm các phát xạ ngoài băng và các phát xạ giả. Các phát xạ ngoài băng là các phát xạ nằm ngay ngoài độ rộng băng của kênh, tạo ra trong quá trình điều chế và do ảnh hưởng của tính phi tuyến trong máy phát. Giới hạn của các phát xạ ngoài băng của máy phát BS được xác định theo các phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động và tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR). Tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR) là tỷ số giữa công suất trung bình lọc có tâm trên tần số kênh phân định và công suất trung bình lọc RRC có tâm trên tần số kênh lân cận. Yêu cầu này áp dụng bên ngoài băng thông RF trạm gốc hoặc băng thông vô tuyến cực đại cho mọi loại máy phát bất kỳ (sóng mang đơn hoặc đa sóng mang) và cho mọi chế độ phát được lựa chọn phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của nhà sản xuất. Độ lệch tín hiệu can nhiễu được xác định so với các biên băng thông RF của trạm gốc. Với một BS hoạt động trong phổ không liền kề, ACLR áp dụng cho kênh lân cận đầu tiên bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ có kích thước khoảng bảo vệ Wgap ≥ 15 MHz. Yêu cầu ACLR áp dụng cho kênh lân cận thứ hai bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần có kích thước Wgap ≥ 20 MHz. Yêu cầu CACLR quy định tại 2.2.3.2.2 áp dụng trong khoảng bảo vệ khối thành phần với các dải tần số quy định tại Bảng 20 cho phổ được ghép cặp và Bảng 21 cho phổ không được ghép cặp. Với BS hoạt động trong nhiều băng tần, các băng tần này được ánh xạ tới cùng đầu nối ăng ten, ACLR áp dụng cho kênh lân cận đầu tiên bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF với kích thước khoảng bảo vệ Wgap ≥ 15 MHz. Yêu cầu ACLR cho kênh lân cận thứ hai áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ với kích thước khoảng bảo vệ bất kỳ Wgap ≥ 20 MHz. Yêu cầu CACLR tại 2.2.3.2.2 áp dụng trong các khoảng bảo vệ liên băng thông RF với các dải tần số theo quy định tại Bảng 20 cho phổ được ghép cặp và Bảng 21 cho phổ không được ghép cặp. Yêu cầu áp dụng trong suốt chu kỳ ON của máy phát. 2.2.3.2. Giới hạn 2.2.3.2.1. Giới hạn ACLR ACLR với một bộ lọc xung vuông của băng thông bằng cấu hình băng thông phát của tín hiệu được cấp phát (BWConfig) có tâm trên tần số kênh tính toán được và một bộ lọc có tâm trên tần số kênh lân cận theo quy định tại Bảng 20 và Bảng 21. Với BS vùng phủ rộng, giới hạn ACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 20 và Bảng 21 hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -15 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm ngặt hơn. Với BS vùng phủ trung bình, giới hạn ACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 20 và Bảng 21 hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -25 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm ngặt hơn. Với BS vùng phủ hẹp, giới hạn ACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 20 và Bảng 21 hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -32 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm, ngặt hơn. Với BS trong nhà, giới hạn ACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 20 và Bảng 21 hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -50 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm ngặt hơn. Với hoạt động trong phổ được ghép đôi, ACLR phải lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 20. Bảng 20 - ACLR của trạm gốc trong phổ được ghép cặp Băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất được cấp phát BWChannel (MHz) Độ lệch tần số trung tâm kênh lân cận BS bên dưới tần số trung tâm thấp nhất hoặc bên trên tần số trung tâm sóng mang cao nhất được cấp phát Sóng mang kênh lân cận giả định (Tham khảo) Bộ lọc tần số kênh lân cận và băng thông bộ lọc tương ứng Giới hạn ACLR 1, 4; 3; 5; 10; 15 và 20 BWChannel E-UTRA cùng BW Vuông (BWConfig) 44,2 dB 2 x BWChannel E-UTRA cùng BW Vuông (BWConfig) 44,2 dB BWChannel/2 + 2,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2 + 7,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB CHÚ THÍCH 1: BWChannel và BWConfig là cấu hình băng thông phát và băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất được cấp phát trên tần số kênh được tính toán. CHÚ THÍCH 2: Bộ lọc RRC tương ứng với bộ lọc dạng xung phát được quy định tại ETSI 125 104, với tốc độ chíp theo quy định tại Bảng này. CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Với hoạt động trong phổ không ghép cặp, ACLR phải lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 21. Bảng 21 - ACLR của trạm gốc trong phổ không được ghép cặp với hoạt động đồng bộ Băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất được cấp phát BWChannel (MHz) Độ lệch tần số trung tâm kênh lân cận BS bên dưới tần số trung tâm thấp nhất hoặc bên trên tần số trung tâm sóng mang cao nhất được cấp phát Sóng mang kênh lân cận giả định (Tham khảo) Bộ lọc tần số kênh lân cận và băng thông bộ lọc tương ứng Giới hạn ACLR 1,4 và 3 BWChannel E-UTRA cùng BW Vuông (BWConfig) 44,2 dB 2 x BWChannel E-UTRA cùng BW Vuông (BWConfig) 44,2 dB BWChannel/2 + 0,8 MHz UTRA 1,28 Mcps RRC (1,28 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2 + 2,4 MHz UTRA 1,28 Mcps RRC (1,28 Mcps) 44,2 dB 5, 10, 15 và 20 BWChannel E-UTRA cùng BW Vuông (BWConfig) 44,2 dB 2 x BWChannel E-UTRA cùng BW Vuông (BWConfig) 44,2 dB BWChannel/2 + 0,8 MHz UTRA 1,28 Mcps RRC (1,28 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2+2,4 MHz UTRA 1,28 Mcps RRC (1,28 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2 + 2,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2+7,5MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2 + 5 MHz UTRA 7,68 Mcps RRC (7,68 Mcps) 44,2 dB BWChannel/2 + 15MHz UTRA 7,68 Mcps RRC (7,68 Mcps) 44,2 dB CHÚ THÍCH 1: BWChannel và BWConfig là cấu hình băng thông phát và băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất được cấp phát trên tần số kênh được tính toán. CHÚ THÍCH 2: Bộ lọc RRC tương ứng với bộ lọc dạng xung phát được quy định tại ETSI 125 105, với tốc độ chíp theo quy định tại Bảng này. CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Với hoạt động trong phổ được ghép cặp không liền kề, ACLR phải lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 22. Bảng 22 - ACLR của trạm gốc trọng phổ được ghép cặp không liền kề Kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần (Wgap) khi giới hạn áp dụng Độ lệch tần số trung tâm kênh lân cận BS bên dưới hoặc bên trên biên khối thành phần (bên trong khoảng bảo vệ) Sóng mang kênh lân cận giả định (Tham khảo) Bộ lọc tần số kênh lân cận và băng thông bộ lọc tương ứng Giới hạn ACLR Wgap ≥ 15 MHz 2,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB Wgap ≥ 20 MHz 7,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB CHÚ THÍCH: Bộ lọc RRC tương ứng với bộ lọc dạng xung phát được quy định tại ETSI 125 104, với tốc độ chíp theo quy định tại bảng này. Với hoạt động trong phổ không được ghép cặp không liền kề, ACLR phải lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 23. Bảng 23 - ACLR của trạm gốc trong phổ không được ghép cặp không liền kề Kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần (Wgap) khi giới hạn áp dụng Độ lệch tần số trung tâm kênh lân cận BS bên dưới hoặc bên trên biên khối thành phần (bên trong khoảng bảo vệ) Bộ lọc tần số kênh lân cận và băng thông bộ lọc tương ứng Giới hạn ACLR Wgap ≥ 15 MHz 2,5 MHz Vuông (BWConfig) 44,2 dB Wgap ≥ 20 MHz 7,5 MHz Vuông (BWConfig) 44,2 dB 2.2.3.2.2. Giới hạn ACLR lũy kế trong các giới hạn phổ không liền kề Yêu cầu áp dụng cho kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc kích thước khoảng bảo vệ liên băng thông RF được liệt kê trong Bảng 24: - Bên trong một khoảng bảo vệ khối thành phần trong băng tần hoạt động đối với BS hoạt động trong phổ không liền kề; - Bên trong một khoảng bảo vệ liên băng thông RF đối với BS hoạt động trong nhiều băng tần, trong đó các băng tần này được ánh xạ trên cùng đầu nối ăng ten. Tỷ số công suất rò kênh lân cận lũy kế trong một khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc khoảng bảo vệ liên băng thông RF là tỷ số của: a) Tổng công suất trung bình lọc có tâm trên các tần số kênh phân định cho cả hai sóng mang lân cận đến mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc khoảng bảo vệ liên băng thông RF; và b) Công suất trung bình lọc có tâm trên một kênh tần số lân cận đến một trong các biên khối thành phần hoặc các các biên băng thông RF trạm gốc. Bộ lọc giả định cho tần số kênh lân cận được quy định trong Bảng 24 cho phổ được ghép cặp và Bảng 25 cho phổ không được ghép cặp. Các bộ lọc trên các kênh phân định được quy định tại Bảng 26. Với BS vùng phủ rộng, giới hạn CACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 24 cho phổ được ghép cặp và Bảng 25 cho phổ không được ghép cặp hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -15 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm ngặt hơn. Với BS vùng phủ trung bình, giới hạn CACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 24 cho phổ được ghép cặp và Bảng 25 cho phổ không được ghép cặp hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -25 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm ngặt hơn. Với BS vùng phủ hẹp, giới hạn CACLR bằng các giới hạn quy định tại Bảng 24 cho phổ được ghép cặp và Bảng 25 cho phổ không được ghép cặp hoặc bằng giới hạn tuyệt đối của -32 dBm/MHz, tùy thuộc giới hạn nào ít nghiêm ngặt hơn. Với hoạt động trong phổ không liền kề hoặc nhiều sóng mang, CACRL cho các sóng mang E-UTRA trên mỗi sườn của khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc khoảng bảo vệ liên băng thông RF phải lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 24 cho phổ được ghép cặp và Bảng 25 cho phổ không được ghép cặp. Bảng 24 - CACLR của trạm gốc trong phổ được ghép cặp không liền kề Kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc liên băng thông RF (Wgap) khi giới hạn áp dụng Độ lệch tần số trung tâm kênh lân cận BS bên dưới hoặc bên trên biên khối thành phần hoặc biên liên băng thông RF (bên trong khoảng bảo vệ) Sóng mang kênh lân cận giả định (Tham khảo) Bộ lọc tần số kênh lân cận và băng thông bộ lọc tương ứng Giới hạn ACLR 5 MHz ≤ Wgap < 15 MHz 2,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB 10MHz ≤ Wgap < 20 MHz 7,5 MHz UTRA 3,84 Mcps RRC (3,84 Mcps) 44,2 dB CHÚ THÍCH: Bộ lọc RRC tương ứng với bộ lọc dạng xung phát được quy định tại ETSI 125 104, với tốc độ chip theo quy định tại bảng này. Bảng 25 - CACLR của trạm gốc trong phổ không được ghép cặp không liền kề Kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc liên băng thông RF (Wgap) khi giới hạn áp dụng Độ lệch tần số trung tâm kênh lân cận BS bên dưới hoặc bên trên biên khối thành phần hoặc biên liên băng thông RF (bên trong khoảng bảo vệ) Sóng mang kênh lân cận giả định (Tham khảo) Bộ lọc tần số kênh lân cận và băng thông bộ lọc tương ứng Giới hạn ACLR 5 MHz ≤ Wgap < 15 MHz 2,5 MHz Sóng mang E-UTRA 5 MHz Vuông (BWConfig) 44,2 dB 10 MHz ≤ Wgap < 20 MHz 7,5 MHz Sóng mang E-UTRA 5 MHz Vuông (BWConfig) 44,2 dB Bảng 26 - Các tham số bộ lọc cho kênh phân định RAT của sóng mang liền kề đến khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc liên băng thông RF Bộ lọc tần số kênh phân định và băng thông bộ lọc tương ứng E-UTRA E-UTRA cùng BW CHÚ THÍCH: Bộ lọc RRC tương ứng với bộ lọc dạng xung phát được quy định tại ETSI 125 104, với tốc độ chip theo quy định tại bảng này. 2.2.3.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm mô tả trong 3.3.2. 2.2.4. Phát xạ giả máy phát 2.2.4.1. Định nghĩa Phát xạ không mong muốn bao gồm phát xạ ngoài băng và phát xạ giả. Phát xạ giả là những phát xạ tạo ra do các hiệu ứng không mong muốn của máy phát như: phát xạ hài, phát xạ ký sinh, các thành phần xuyên điều chế và các thành phần đồi tần, không bao gồm các phát xạ ngoài băng. Giá trị này được đo tại đầu nối ăng ten của trạm gốc. Giới hạn phát xạ giả của máy phát từ 9 kHz đến 12,75 GHz, không bao gồm dải tần số từ 10 MHz dưới tần số băng tần hoạt động đường dưới thấp nhất đến 10 MHz trên tần số băng tần hoạt động đường xuống cao nhất (xem Bảng 1). Phải áp dụng loại bỏ cho từng băng tần hoạt động được hỗ trợ với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, nhiều băng tần được ánh xạ trên cùng đầu nối ăng ten. Phải áp dụng các yêu cầu đơn băng tần và không áp dụng loại bỏ và dự phòng đa băng tần đối với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ vào các đầu nối ăng ten riêng biệt. Giới hạn tần số trên cao hơn 12,75 GHz đối với các băng tần hoạt động. Với một BS hỗ trợ đa sóng mang, phát xạ không mong muốn áp dụng cho các băng thông kênh của sóng mang ngoài cùng lớn hơn hoặc bằng 5 MHz. Phải áp dụng các yêu cầu cho mọi loại máy phát (sóng mang đơn hoặc đa sóng mang). Yêu cầu này áp dụng cho mọi chế độ phát được chọn lựa phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của nhà sản xuất. Mọi yêu cầu được đo dưới dạng công suất trung bình (RMS), trừ khi có quy định khác. 2.2.4.2. Giới hạn 2.2.4.2.1. Phát xạ giả Công suất của phát xạ giả bất kỳ không được vượt quá giới hạn chỉ ra trong Bảng 27. Bảng 27 - Các giới hạn phát xạ giả bắt buộc của BS Băng tần số Giá trị cực đại Độ rộng băng đo Chú thích 9 kHz đến 150 kHz -36 dBm 1 kHz Xem chú thích 1 150 kHz đến 30 MHz -36 dBm 10 kHz Chú thích 1 30 MHz đến 1 GHz -36 dBm 100 kHz Chú thích 1 1 GHz đến 12,75 GHz -30 dBm 1 MHz Chú thích 2 CHÚ THÍCH 1: Độ rộng băng như trong Khuyến nghị ITU-R SM.329-12, điều 4.1. CHÚ THÍCH 2: Độ rộng băng như trong Khuyến nghị ITU-R SM.329-12, điều 4.1. Tần số lớn hơn như trong Khuyến nghị ITU-R SM.329-12, điều 2.5 bảng 1-1. 2.2.4.2.2. Hoạt động chung với các hệ thống khác Phải áp dụng yêu cầu này để bảo vệ UE/MS và máy thu BS/BTS của các hệ thống khác. Công suất của phát xạ giả bất kỳ không được vượt quá giới hạn quy định tại Bảng 28. Phải áp dụng các điều kiện và loại bỏ trong Chú thích của Bảng 28 cho từng băng tần hoạt động đối với BS có khả năng hoạt động đa băng tần. Phải áp dụng các điều kiện và loại bỏ trong Chú thích của Bảng 28 cho băng tần hoạt động được hỗ trợ tại đầu nối ăng ten đối với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ trên các đầu nối ăng ten riêng biệt. Bảng 28 - Các giới hạn phát xạ giả để bảo vệ các hệ thống khác Hệ thống được bảo vệ Băng tần số Giá trị cực đại Độ rộng băng đo Chú thích GSM 900 925 MHz đến 960 MHz -57 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 8. 880 MHz đến 915 MHz -61 dBm 100 kHz Đối với dải tần số 880 HMz đến 915 MHz, không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 8 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. GSM 1800 1 805 MHz đến 1 880 MHz -47 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 3. 1 710 MHz đến 1 785 MHz -61 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 3 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. W-CDMA FDD 2100, E-UTRA băng tần 1 hoặc 5G băng n1 2 110 MHz đến 2 170 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 1. 1 920 MHz đến 1 980 MHz -49 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 1 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 3 hoặc 5G băng n3 1 805 MHz đến 1 880 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 3. 1 710 MHz đến 1 785 MHz -49 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 3 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 5 hoặc 5G băng n5 869 MHz đến 880 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 5. 824 MHz đến 835 MHz -49 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 5 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. W-CDMA FDD 900, E-UTRA băng tần 8 hoặc 5G băng n8 925 MHz đến 960 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 8. 880 MHz đến 915 MHz -49 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 8 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng 28 hoặc 5G băng n28 758 MHz đến 788 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 8. 703 MHz đến 733 MHz -49 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 8 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 40 hoặc 5G băng n40 2 300 MHz đến 2 400 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 40. E-UTRA băng tần 41 hoặc 5G băng n41 2 500 MHz đến 2690 MHz -52 dBm 1 MHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS E-UTRA hoạt động tại băng tần 41. CHÚ THÍCH 1: Trong trường hợp có hai quy định cho các dải có cùng hoặc chồng lấn tần số, phải áp dụng đồng thời các giới hạn được quy định. CHÚ THÍCH 2: Áp dụng các yêu cầu cho các băng tần trong 2.2.4.1. Các yêu cầu đồng thời trong bảng không áp dụng cho dải tần số 10 MHz nằm ngay ngoài băng tần hoạt động đường xuống (xem Bảng 1) hoặc băng tần hoạt động đường xuống lân cận với băng tần cho hệ thống được bảo vệ trong bảng này. 2.2.4.2.3. Bảo vệ máy thu BS của chính BS đó hoặc của BS khác Phải áp dụng yêu cầu này để ngăn chặn việc các máy thu của các BS đang bị giảm độ nhạy do các phát xạ từ một máy phát của BS. Công suất của phát xạ giả bất kỳ không được vượt quá giới hạn chỉ ra trong Bảng 29, tùy thuộc vào lớp trạm gốc được khai báo. Bảng 29 - Các giới hạn phát xạ giả để bảo vệ cho máy thu BS Lớp BS Băng tần số Giá trị cực đại Độ rộng băng đo Chú thích BS vùng phủ rộng FUL_low đến FUL_high -96 dBm 100 kHz BS vùng phủ trung bình FUL_low đến FUL_high -91 dBm 100 kHz BS vùng phủ hẹp FUL_low đến FUL_high -88 dBm 100 kHz BS trong nhà FUL_low đến FUL_high -88 dBm 100 kHz CHÚ THÍCH: FUL_low và FUL_high là tần số thấp nhất và cao nhất của băng tần hoạt động đường lên BS E-UTRA tương ứng. 2.2.4.2.4. Hoạt động chung với hoạt động BS trong nhà trong các băng tần khác Phải áp dụng các yêu cầu nảy để bảo vệ các máy thu BS trong nhà hoạt động trong các băng tần khác nhau. Chỉ áp dụng các yêu cầu này cho BS trong nhà. Công suất của phát xạ giả bất kỳ không vượt quá giới hạn chỉ ra trong Bảng 30 cho một BS trong nhà. Bảng 30 - Các giới hạn phát xạ giả để bảo vệ cho một máy thu BS trong nhà Hệ thống được bảo vệ Băng tần số Giá trị cực đại Độ rộng băng đo Chú thích W-CDMA FDD 2100, E-UTRA băng tần 1 1 920 MHz đến 1 980 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 1 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 3 1 710 MHz đến 1 785 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 3 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 5 824 MHz đến 835 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 5 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. W-CDMA FDD 900, E-UTRA băng tần 8 880 MHz đến 915 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu nảy cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 8 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 28 703 MHz đến 733 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 28 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 40 2 300 MHz đến 2 400 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 40 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. E-UTRA băng tần 41 2 496 MHz đến 2 690 MHz -71 dBm 100 kHz Không áp dụng yêu cầu này cho BS trong nhà hoạt động tại băng tần 41 vì 2.2.4.2.3 đã quy định các yêu cầu này. 2.2.4.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.3. 2.2.5. Công suất ra cực đại của trạm gốc 2.2.5.1. Định nghĩa Công suất ra cực đại Pmax,c của trạm gốc là mức công suất trung bình trên một sóng mang được đo tại đầu nối ăng ten trong suốt chu kỳ ON của máy phát trong điều kiện chuẩn được chỉ định. 2.2.5.2. Giới hạn - Trong các điều kiện bình thường: Prated,c - 2,7 ≤ Pmax,c ≤ Prated,c + 2,7; - Trong các điều kiện tới hạn: Prated,c - 3,2 ≤ Pmax,c ≤ Prated,c + 3,2. 2.2.5.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.4. 2.2.6. Xuyên điều chế máy phát 2.2.6.1. Định nghĩa Chỉ tiêu xuyên điều chế phát là thước đo khả năng máy phát loại bỏ sự hình thành các tín hiệu trong các phần tử phi tuyến của máy phát do sự xuất hiện của tín hiệu mong muốn và tín hiệu can nhiễu qua ăng ten máy phát. Chỉ tiêu này áp dụng trong suốt chu kỳ ON máy phát và chu kỳ chuyển tiếp máy phát. Mức xuyên điều chế phát là công suất của các thành phần xuyên điều chế khi một tín hiệu nhiễu điều chế E-UTRA của băng thông kênh 5 MHz xuất hiện tại đầu nối ăng ten với mức công suất trung bình nhỏ hơn 30 dB so với công suất trung bình của tín hiệu mong muốn. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ trên các đầu nối ăng ten riêng biệt, các chỉ tiêu băng tần đơn áp dụng không phụ thuộc vào vị trí tương đối của các tín hiệu can nhiễu so với khoảng bảo vệ băng thông RF. Tín hiệu mong muốn là sóng mang đơn, đa sóng mang hoặc nhiều sóng mang cộng gộp liền kề E-UTRA, cho cả hoạt động phổ liền kề và không liền kề. Chỉ tiêu áp dụng cho tất cả các loại máy phát (sóng mang đơn hoặc đa sóng mang) và tất cả các phương thức phát do nhà sản xuất công bố. 2.2.6.2. Giới hạn Băng thông kênh tín hiệu mong muốn BWChannel là băng thông kênh cực đại. Trong dải tần số liên quan đến yêu cầu này, mức xuyên điều chế máy phát không vượt quá giới hạn chỉ tiêu phát xạ không mong muốn quy định tại 2.2.2.2, 2.2.3.2 và 2.2.4.2 khi có tín hiệu can nhiễu theo quy định tại Bảng 31. Với BS hoạt động trong phổ không liên tục, yêu cầu này áp dụng cho các độ lệch tín hiệu can nhiễu bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần, khi tín hiệu can nhiễu nằm hoàn toàn bên trong khối thành phần. Độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên khối thành phần. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, yêu cầu này áp dụng cho các biên băng thông RF trạm gốc cho từng băng tần hoạt động được hỗ trợ. Trong trường hợp khoảng bảo vệ liên băng thông RF nhỏ hơn 15 MHz, yêu cầu này chỉ áp dụng cho các độ lệch tín hiệu can nhiễu bên trong khoảng bảo vệ, khi tín hiệu can nhiễu nằm hoàn toàn bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Yêu cầu này áp dụng bên ngoài băng thông RF trạm gốc hoặc băng thông vô tuyến cực đại. Độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên băng thông RF trạm gốc hoặc băng thông vô tuyến cực đại. Bảng 31 - Các tín hiệu can nhiễu và mong muốn cho thiết bị xuyên điều chế máy phát Tham số Giá trị Độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên thấp/cao của tín hiệu mong muốn hoặc biên khối thành phần bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần ±2,5 MHz ±7,5 MHz ±12,5 MHz CHÚ THÍCH: Chỉ tiêu này loại trừ các vị trí tín hiệu can nhiễu nằm một phần hoặc hoàn toàn bên ngoài băng tần hoạt động đường xuống của trạm gốc, trừ các vị trí tín hiệu can nhiễu nằm trong dải tần của các băng tần hoạt động đường xuống lân cận trong cùng vùng giới hạn. Trong trường hợp, các vị trí tín hiệu can nhiễu không áp dụng các quy định tại Bảng 31, một băng thông kênh tín hiệu mong muốn BWChannel nhỏ hơn băng thông kênh cực đại được BS hỗ trợ lựa chọn phải thỏa mãn rằng có ít nhất một vị trí tín hiệu can nhiễu đáp ứng quy định tại Bảng 31. Phép đo cho chỉ tiêu phát xạ mong muốn cho xuyên điều chế có thể bị hạn chế bởi các dải tần số của tất cả các sản phẩm xuyên điều chế bậc ba hoặc bậc năm, phải tính đến độ rộng của các sản phẩm xuyên điều chế này và không bao gồm băng thông mong muốn và băng thông tín hiệu can nhiễu. 2.2.6.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.5. 2.2.7. Phát xạ giả máy thu 2.2.7.1. Định nghĩa Công suất phát xạ giả máy thu là công suất của các phát xạ được tạo ra hoặc được khuếch đại trong máy thu xuất hiện tại đầu nối ăng ten của BS. Các yêu cầu dưới đây áp dụng cho mọi BS có cổng ăng ten RX và TX tách rời. Đo kiểm phải được thực hiện khi cả hai TX và RX đều được bật, với cổng TX được kết cuối. Với BS TDD có cổng ăng ten RX và TX chung, các yêu cầu này áp dụng trong suốt chu kỳ OFF của máy phát. Với BS FDD có cổng ăng ten RX và TX chung, giới hạn phát xạ giả của máy phát được quy định tại 2.2.4. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ trên các đầu nối ăng ten riêng biệt, các yêu cầu đơn băng tần áp dụng và dải tần bị loại bỏ chỉ áp dụng cho băng tần hoạt động được hỗ trợ trên từng đầu nối ăng ten. 2.2.7.2. Giới hạn Công suất của phát xạ giả bất kỳ không được vượt quá giới hạn quy định tại Bảng 32. Ngoài các yêu cầu trong Bảng 32, công suất của phát xạ giả bất kỳ không vượt quá các quy định tại 2.2.4.2.2 và 2.2.4.2 3. Bảng 32 - Yêu cầu đo phát xạ giả Băng tần số Giá trị cực đại Độ rộng băng đo Chú thích 30 MHz đến 1 GHz -57 dBm 100 kHz 1 GHz đến 12,75 GHz -47 dBm 1 MHz CHÚ THÍCH: Trừ các tần số nằm trong khoảng 2,5 x BWChannel bên dưới tần số sóng mang đầu tiên đến 2,5 x BWChannel bên trên tần số sóng mang cuối cùng mà máy phát BS sử dụng, trong đó BWChannel là băng thông kênh quy định trọng ETSI TS 136 141, bảng 5.6-1. Ngoài ra, trừ các tần số lớn hơn 10 MHz bên dưới tần số thấp nhất của băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ bất kỳ hoặc bên trên tần số cao nhất của băng tần hoạt động đường xuống được hỗ trợ bất kỳ (xem Bảng 1). Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, dải tần số bị loại bỏ áp dụng cho tất cả các băng tần hoạt động được hỗ trợ. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần, trong đó nhiều băng tần được ánh xạ trên các đầu nối ăng ten riêng biệt, các yêu cầu đơn băng tần và dải tần số bị loại bỏ chỉ áp dụng cho băng tần hoạt động được hỗ trợ trên mỗi đầu nối ăng ten. 2.2.7.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.6. 2.2.8. Đặc tính chặn 2.2.8.1. Định nghĩa Các đặc tính chặn là thước đo về khả năng máy thu thu tín hiệu mong muốn tại tần số kênh phân định của máy thu đó khi có nhiễu không mong muốn ở các tần số 1,4 MHz, 3 MHz hoặc 5 MHz tín hiệu E-UTRA cho chặn trong băng hoặc tín hiệu cw cho chặn ngoài băng. Tín hiệu can nhiễu E-UTRA được quy định tại phụ lục C của ETSI TS 136 141. 2.2.8.2. Giới hạn Thông lượng phải ≥ 95% thông lượng lớn nhất của kênh đo chuẩn, với một tín hiệu mong muốn và một tín hiệu can nhiễu ghép cặp tới đầu vào ăng ten BS sử dụng các tham số quy định tại Bảng 36 và các Bảng 33, Bảng 34, Bảng 35 hoặc Bảng 37, tùy thuộc vào lớp trạm gốc khai báo và băng tần hoạt động. Kênh đo chuẩn cho tín hiệu mong muốn là kênh đo cho từng băng thông kênh quy định tại các Bảng 7.2-1, 7.2-2, 7.2-2 hoặc 7.2-4 của ETSI TS 136 141 tùy thuộc vào lớp trạm gốc và quy định tại Phụ lục A của ETSI TS 136 141. Yêu cầu chặn áp dụng bên ngoài băng thông RF trạm gốc hoặc băng thông vô tuyến cực đại. Độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên băng thông RF trạm gốc và các biên băng thông vô tuyến cực đại. Với một BS hoạt động trong phổ không liền kề bên trong băng tần hoạt động bất kỳ, nếu kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần rộng hơn hoặc bằng hai lần độ lệch của tín hiệu can nhiễu trong Bảng 36, bổ sung yêu cầu chặn áp dụng bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ. Độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên khối thành phần bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, yêu cầu trong các dải tần số chặn trong băng áp dụng cho mỗi băng tần hoạt động được hỗ trợ. Nếu kích thước khoảng bảo vệ liên băng thông RF rộng hơn hoặc bằng hai lần độ lệch tín hiệu can nhiễu trong Bảng 36, bổ sung yêu cầu chặn áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, yêu cầu trong các dải tần số chặn ngoài băng áp dụng cho từng băng tần hoạt động. Các yêu cầu chặn ngoài băng không áp dụng cho các dải tần số chặn trong băng trong các băng tần hoạt động được hỗ trợ quy định tại Bảng 33, Bảng 34 và Bảng 37. Bảng 33 - Yêu cầu đặc tính chặn cho BS vùng phủ rộng Băng tần hoạt động Tần số trung tâm của tín hiệu can nhiễu (MHz) (Xem chú thích 1) Công suất trung bình của tín hiệu can nhiễu (dBm) Công suất trung bình của tín hiệu mong muốn (dBm) (Xem chú thích 2) (*) (MHz) (Xem chú thích 4) Loại tín hiệu can nhiễu 1, 3, 5, 40, 41 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 20) -43 PREFSENS + 6 dB (chú thích 3) Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 20) đến 12 750 -15 PREFSENS + 6 dB - Sóng mang CW 8, 28 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 10) -43 PREFSENS + 6 dB (chú thích 3) Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 10) đến 12 750 -15 PREFSENS + 6 dB - Sóng mang CW CHÚ THÍCH 1: FUL_low và FUL_high là các tần số thấp nhất và cao nhất của băng tần hoạt động đường lên và được quy định tại Bảng 1. CHÚ THÍCH 2: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 3: Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, công suất trung bình tín hiệu mong muốn bằng PREFSENS + 1,4 dB trong trường hợp tín hiệu can nhiễu không nằm trong dải tần số chặn nội băng của băng tần hoạt động khi có tín hiệu mong muốn. CHÚ THÍCH 4: (*) là Độ lệch tối thiểu tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên ngoài khoảng bảo vệ khối thành phần. Bảng 34 - Yêu cầu đặc tính chặn cho BS vùng phủ hẹp Băng tần hoạt động Tần số trung tâm của tín hiệu can nhiễu (MHz) (xem chú thích 1) Công suất trung bình của tín hiệu can nhiễu (dBm) Công suất trung bình của tín hiệu mong muốn (dBm) (xem chú thích 2) (*) (MHz) (xem chú thích 4) Loại tín hiệu can nhiễu 1, 3, 5, 40, 41 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 20) -35 PREFSENS + 6 dB (chú thích 3) Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 20) đến 12 750 -15 PREFSENS + 6 dB - Sóng mang CW 8, 28 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 10) -35 Prefsens + 6 dB (chú thích 3) Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 10) đến 12 750 -15 Prefsens + 6 dB - Sóng mang CW CHÚ THÍCH 1: FUL_low và FUL_high là các tần số thấp nhất và cao nhất của băng tần hoạt động đường lên và được quy định tại Bảng 1. CHÚ THÍCH 2: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 3: Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, công suất trung bình tín hiệu mong muốn bằng PREFSENS + 1,4 dB trong trường hợp tín hiệu can nhiễu không nằm trong dải tần số chặn nội băng của băng tần hoạt động khi có tín hiệu mong muốn. CHÚ THÍCH 4: (*) là Độ lệch tối thiểu tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên ngoài khoảng bảo vệ khối thành phần. Bảng 35 - Yêu cầu đặc tính chặn cho BS trong nhà Băng tần hoạt động Tần số trung tâm của tín hiệu can nhiễu (MHz) (xem chú thích 1) Công suất trung bình của tín hiệu can nhiễu (dBm) Công suất trung bình của tín hiệu mong muốn (dBm) (xem chú thích 2) (*) (MHz) (xem chú thích 3) Loại tín hiệu can nhiễu 1, 3, 5, 40, 41 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 20) -27 PREFSENS + 14 dB Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 20) đến 12 750 -15 PREFSENS + 14 dB - Sóng mang CW 8, 28 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 10) -27 PREFSENS + 14 dB Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 10) đến 12 750 -15 PREFSENS + 14 dB - Sóng mang CW CHÚ THÍCH 1: FUL_low và FUL_high là các tần số thấp nhất và cao nhất của băng tần hoạt động đường lên và được quy định tại Bảng 1. CHÚ THÍCH 2: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 3: * là Độ lệch tối thiểu tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên kênh của tín hiệu mong muốn. Bảng 36 - Các tín hiệu can nhiễu cho yêu cầu đặc tính chặn Băng thông kênh E-UTRA của sóng mang thu thấp nhất/cao nhất (MHz) Độ lệch tối thiểu tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu đến biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên ngoài khoảng bảo vệ khối thành phần (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 ±2,1 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz 3 ±4,5 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz 5 ±7,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 10 ±7,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 15 ±7,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 ±7,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 ±30 Tín hiệu E-UTRA 20 MHz CHÚ THÍCH: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 37 - Yêu cầu đặc tính chặn cho BS vùng phủ trung bình Băng tần hoạt động Tần số trung tâm của tín hiệu can nhiễu (MHz) (xem chú thích 1) Công suất trung bình của tín hiệu can nhiễu (dBm) Công suất trung bình của tín hiệu mong muốn (dBm) (xem chú thích 2) (*) (MHz) (xem chú thích 4) Loại tín hiệu can nhiễu 1, 3, 5, 40, 41 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 20) -38 PREFSENS + 6 dB (chú thích 3) Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 20) đến 12 750 -15 PREFSENS + 6 dB - Sóng mang CW 8, 28 (FUL_low - 20) đến (FUL_high + 10) -35 Prefsens + 6 dB (chú thích 3) Xem Bảng 36 Xem Bảng 36 1 đến (FUL_low - 20) (FUL_high + 10) đến 12 750 -15 Prefsens + 6 dB - Sóng mang CW CHÚ THÍCH 1: FUL_low và FUL_high là các tần số thấp nhất và cao nhất của băng tần hoạt động đường lên và được quy định tại Bảng 1. CHÚ THÍCH 2: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 3: Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, công suất trung bình tín hiệu mong muốn bằng PREFSENS + 1,4 dB trong trường hợp tín hiệu can nhiễu không nằm trong dải tần số chặn nội băng của băng tần hoạt động khi có tín hiệu mong muốn. CHÚ THÍCH 4: (*) là Độ lệch tối thiểu tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên ngoài khoảng bảo vệ khối thành phần. 2.2.8.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.7. 2.2.9. Đặc tính xuyên điều chế máy thu 2.2.9.1. Định nghĩa Việc trộn hài bậc ba và bậc cao hơn của hai tín hiệu RF can nhiễu có thể tạo ra tín hiệu can nhiễu trong băng tần của kênh mong muốn. Loại bỏ đáp ứng xuyên điều chế là thước đo khả năng của máy thu thu một tín hiệu mong muốn trên tần số kênh phân định của kênh đó khi có mặt hai tín hiệu can nhiễu có mối liên quan tần số đặc thù với tín hiệu mong muốn. Tín hiệu can nhiễu có thể là tín hiệu CW hoặc tín hiệu E-UTRA như quy định tại phụ lục C của ETSI TS 136 141. 2.2.9.2. Giới hạn Thông lượng của từng sóng mang E-UTRA ≥ 95% thông lượng lớn nhất của kênh đo chuẩn, với một tín hiệu mong muốn tại tần số kênh phân định và hai tín hiệu can nhiễu với các điều kiện quy định tại Bảng 38 và Bảng 39 cho chỉ tiêu xuyên điều chế và các Bảng 40, Bảng 41, Bảng 42 hoặc Bảng 43 quy định xuyên điều chế băng hẹp cho các lớp trạm gốc được khai báo. Kênh đo chuẩn cho tín hiệu mong muốn được quy định tại Bảng 7.2-1, 7-2-2 hoặc 7.2-3 của ETSI TS 136 141 cho từng băng thông kênh và quy định tại Phụ lục A của ETSI TS 136 141. Các yêu cầu xuyên điều chế máy thu luôn được áp dụng bên ngoài băng thông RF trạm gốc hoặc băng thông vô tuyến cực đại. Độ lệch tín hiệu can nhiễu được định nghĩa so với các biên băng thông RF trạm gốc và các biên băng thông vô tuyến cực đại. Với một BS hoạt động trong phổ không liền kề bên trong băng tần hoạt động bất kỳ, nếu khoảng bảo vệ khối thành phần rộng hơn hoặc bằng băng thông kênh tín hiệu can nhiễu E-UTRA trong Bảng 39, bổ sung yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp áp dụng bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ. Độ lệch tín hiệu can nhiễu so với các biên khối thành phần bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần. Yêu cầu này áp dụng cho cả các khối thành phần. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, yêu cầu xuyên điều chế áp dụng bên trong khoảng liên băng thông RF bất kỳ, trong trường hợp kích thước khoảng bảo vệ phải rộng hơn hoặc bằng hai lần độ lệch tần số trung tâm tín hiệu nhiễu E-UTRA từ biên băng thông RF trạm gốc. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp áp dụng bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ, trong trường hợp kích thước khoảng bảo vệ rộng hơn hoặc bằng các tín hiệu can nhiễu E-UTRA quy định tại Bảng 40, Bảng 41 hoặc Bảng 43. Độ lệch tín hiệu can nhiễu so với các biên băng thông RF trạm gốc bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Bảng 38 - Yêu cầu xuyên điều chế Lớp BS Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu Loại tín hiệu can nhiễu BS vùng phủ rộng PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -52 dBm Xem Bảng 39 BS vùng phủ trung bình PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -47 dBm BS vùng-phủ hẹp PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -44 dBm BS trong nhà PREFSENS + 14 dB (xem chú thích) -36 dBm CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. Với băng thông kênh E-UTRA 10 MHz, 15 MHz và 20 MHz yêu cầu này chỉ áp dụng cho một FRC A1-3 (xem A.1 của ETSI TS 136 141) ánh xạ tới dải tần số tại biên kênh lân cận các tín hiệu can nhiễu. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 39 - Tín hiệu can nhiễu cho chỉ tiêu xuyên điều chế Băng thông kênh E-UTRA của sóng mang thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 3 ±4,5 CW ±10,5 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz 5 ±7,5 CW ± 17,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 10 ± 7,375 CW ±17,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 15 ± 7,25 CW + 17,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 ± 7,125 CW ± 17,5 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 ± 7,125 CW ± 24 Tín hiệu E-UTRA 20 MHz CHÚ THÍCH: Băng thông kênh 3MHz không áp dụng cho E-UTRA hoạt động trong băng tần bảo vệ. Bảng 40 - Yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp cho BS vùng phủ rộng Băng thông kênh E-UTRA của sóng mang thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm RB can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên trong một khoảng bảo vệ khối thành phần (kHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -52 ±270 CW -52 ±790 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 3 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -52 ±270 CW -52 ±780 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 5 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -52 ±360 CW -52 ±1 060 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 10 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -52 ±325 CW -52 ±1 240 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 15 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -52 ±380 CW -52 ±1 600 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 20 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -52 ±345 CW -52 ±1 780 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng-thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 2: Tín hiệu can nhiễu bao gồm một khối tài nguyên đặt tại độ lệch định sẵn, băng thông kênh của tín hiệu can nhiễu nằm lân cận đến biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc. ChÚ thích 3: Yêu cầu này chỉ áp dụng cho một FRC A1-3 (xem A.1 của ETSI TS 136 141) ánh xạ tới dải tần số tại biên kênh lân cận các tín hiệu can nhiễu. CHÚ THÍCH 4: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 41 - Yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp cho BS vùng phủ hẹp Băng thông kênh E-UTRA của sóng mang thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm RB can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên trong một khoảng bảo vệ khối thành phần (kHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±270 CW -44 ±790 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 3 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±270 CW -44 ±780 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz, 1 RB xem chú thích 2) 5 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±360 CW -44 ±1 060 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 10 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -44 ±325 CW -44 ±1 240 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 15 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -44 ±380 CW -44 ±1 600 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 20 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -44 ±345 CW -44 ±1 780 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 2: Tín hiệu can nhiễu bao gồm một khối tài nguyên đặt tại độ lệch định sẵn, băng thông kênh của tín hiệu can nhiễu nằm lân cận đến biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc. CHÚ THÍCH 3: Yêu cầu này chỉ áp dụng cho một FRC A1-3 (xem A.1 của ETSI TS 136 141) ánh xạ tới dải tần số tại biên kênh lân cận các tín hiệu can nhiễu. CHÚ THÍCH 4: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 42 - Yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp cho BS trong nhà. Băng thông kênh E-UTRA của sóng mang thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm RB can nhiễu từ biên kênh tín hiệu mong muốn (kHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -36 ±270 CW -36 ±790 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 3 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -36 ±270 CW -36 ±780 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 5 PREFSENS + 14 dB (xem chú thích 1) -36 ±360 CW -36 ±1 060 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 10 PREFSENS + 14 dB (xem chú thích 1 và 3) -36 325 CW -36 1 240 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 15 PREFSENS + 14 dB (xem chú thích 1 và 3) -36 380 CW -36 1 600 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 20 PREFSENS + 14 dB (xem chú thích 1 và 3) -36 345 CW -36 1 780 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 2: Tín hiệu can nhiễu bao gồm một khối tài nguyên đặt tại độ lệch định sẵn, băng thông kênh của tín hiệu can nhiễu nằm lân cận đến biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc. CHÚ THÍCH 3: Yêu cầu này chỉ áp dụng cho một FRC A1-3 (xem A.1 của ETSI TS 136 141) ánh xạ tới dải tần số tại biên kênh lân cận các tín hiệu can nhiễu. CHÚ THÍCH 4: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 43 - Yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp cho BS vùng phủ trung bình Băng thông kênh E-UTRA của sóng mang thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm RB can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên trong một khoảng bảo vệ khối thành phần (kHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 ±270 CW -47 ±790 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 3 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 ±270 CW -47 ±780 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 5 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 ±360 CW -47 ±1 060 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 10 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -47 ±325 CW -47 ±1 240 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 15 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -47 ±380 CW -47 ±1 600 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) 20 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1 và 3) -47 ±345 CW -47 ±1 780 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1 RB (xem chú thích 2) CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. CHÚ THÍCH 2: Tín hiệu can nhiễu bao gồm một khối tài nguyên đặt tại độ lệch định sẵn, băng thông kênh của tín hiệu can nhiễu nằm lân cận đến biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc. CHÚ THÍCH 3: Yêu cầu này chỉ áp dụng cho một FRC A1-3 (xem A.1 của ETSI TS 136 141) ánh xạ tới dải tần số tại biên kênh lân cận các tín hiệu can nhiễu. CHÚ THÍCH 4: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. 2.2.9.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.8. 2.2.10. Độ chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp 2.2.10.1. Định nghĩa Độ chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp là thước đo khả năng máy thu thu một tín hiệu mong muốn tại tần số kênh phân định của kênh đó khi có mặt tín hiệu của kênh lân cận tại độ lệch tần số quy định của tín hiệu can nhiễu so với biên kênh của một hệ thống victim. Các tín hiệu can nhiễu phải là một tín hiệu E-UTRA quy định tại Phụ lục C của ETSI TS 136 141. Đối với chặn băng hẹp, tín hiệu nhiễu là một khối tài nguyên đơn E-UTRA. 2.2.10.2. Giới hạn Đối với mỗi sóng mang E-UTRA, thông lượng phải ≥ 95% thông lượng tối đa của kênh đo chuẩn. Với BS vùng phủ rộng, tín hiệu gây nhiễu và tín hiệu mong muốn ghép cặp tới đầu vào ăng ten BS quy định tại Bảng 44 và Bảng 45 cho chặn băng hẹp và Bảng 46 cho ACS. Kênh đo chuẩn cho tín hiệu mong muốn quy định tại Bảng 7.2-1 của ETSI TS 136 141 với từng băng thông kênh và quy định tại Phụ lục A của ETSI TS 136 141. Với BS vùng phủ trung bình, tín hiệu gây nhiễu và tín hiệu mong muốn ghép cặp tới đầu vào ăng ten BS quy định tại Bảng 44 và Bảng 45 cho chặn băng hẹp và Bảng 49 cho ACS. Kênh đo chuẩn cho tín hiệu mong muốn quy định tại Bảng 7.2-4 của ETSI TS 136 141 với từng băng thông kênh và quy định tại Phụ lục A của ETSI TS 136 141. Với BS vùng phủ hẹp, tín hiệu gây nhiễu và tín hiệu mong muốn ghép cặp tới đầu vào ăng ten BS quy định tại Bảng 44 và Bảng 45 cho chặn băng hẹp và Bảng 47 cho ACS. Kênh đo chuẩn cho tín hiệu mong muốn quy định tại Bảng 7.2-2 của ETSI TS 136 141 với từng băng thông kênh và quy định tại Phụ lục A của ETSI TS 136 141. Với BS trong nhà, tín hiệu gây nhiễu và tín hiệu mong muốn ghép cặp tới đầu vào ăng ten BS quy định tại Bảng 44 và Bảng 45 cho chặn băng hẹp và Bảng 48 cho ACS. Kênh đo chuẩn cho tín hiệu mong muốn quy định tại Bảng 7.2-3 của ETSI TS 136 141 với từng băng thông kênh và quy định tại Phụ lục A của ETSI TS 136 141. Các yêu cầu cho ACS và chặn băng hẹp áp dụng bên ngoài băng thông RF trạm gốc hoặc băng thông vô tuyến cực đại. Các yêu cầu cho độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên băng thông RF trạm gốc hoặc các biên băng thông vô tuyến cực đại. Với một BS hoạt động trong phổ không liền kề bên trong băng tần hoạt động bất kỳ, nếu kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần rộng hơn hoặc bằng tín hiệu can nhiễu trong các Bảng 46, Bảng 47 và Bảng 49, bổ sung yêu cầu ACS bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ. Độ lệch tín hiệu can nhiễu so với các biên khối thành phần bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, nếu kích thước khoảng bảo vệ liên băng thông RF rộng hơn hoặc bằng tín hiệu can nhiễu E-UTRA trong các Bảng 46, Bảng 47 và Bảng 49, bổ sung yêu cầu ACS bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF bất kỳ. Độ lệch tín hiệu can nhiễu so với các biên băng thông RF trạm gốc bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Với một BS hoạt động trong phổ không liền kề bên trong băng tần hoạt động bất kỳ, nếu kích thước khoảng bảo vệ khối thành phần rộng hơn hoặc bằng băng thông kênh của tín hiệu can nhiễu E-UTRA trong Bảng 45, bổ sung yêu cầu chặn băng hẹp bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần bất kỳ. Độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên khối thành phần bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần. Với một BS có khả năng hoạt động đa băng tần, nếu kích thước khoảng bảo vệ liên băng thông RF rộng hơn hoặc bằng tín hiệu can nhiễu E-UTRA trong Bảng 45, bổ sung yêu cầu chặn băng hẹp bên trong khoảng liên băng thông RF bất kỳ. Độ lệch tín hiệu can nhiễu quy định so với các biên băng thông trạm gốc RF bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. Bảng 44 - Yêu cầu chặn băng hẹp Lớp BS Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu Loại tín hiệu can nhiễu BS vùng phủ rộng PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -49 dBm Xem Bảng 45 BS vùng phủ trung bình PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -44 dBm BS vùng phủ hẹp PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -41 dBm BS trong nhà PREFSENS + 14 dB (xem chú thích) -33 dBm CHÚ THÍCH: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. Bảng 45 - Tín hiệu can nhiễu cho yêu cầu chặn băng hẹp Băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Độ lệch tần số trung tâm RB can nhiễu tới biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 ± (252,5 + m x 180), m = 0, 1, 2, 3, 4, 5 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz, 1RB (xem chú thích) 3 ± (247,5 + m x 180), m = 0, 1, 2, 3, 4, 7, 10, 13 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz, 1RB (xem chú thích) 5 ± (342,5 + m x 180), m = 0, 1, 2, 3, 4, 9, 14, 19, 24 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1RB (xem chú thích) 10 ± (347,5 + m x 180), m = 0, 1, 2, 3, 4, 9, 14, 19, 24 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1RB (xem chú thích) 15 ± (352,5 + m x 180), m = 0, 1, 2, 3, 4, 9, 14, 19, 24 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1RB (xem chú thích) 20 ± (342,5 + m x 180), m = 0, 1, 2, 3, 4, 9, 14, 19, 24 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz, 1RB (xem chú thích) CHÚ THÍCH 1: Tín hiệu can nhiễu bao gồm một khối tài nguyên đặt tại độ lệch định sẵn, băng thông kênh tín hiệu can nhiễu nằm lân cận biên dưới/trên băng thông trạm gốc RF. Các độ lệch tần số là tín hiệu can nhiễu bên ngoài kênh. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 46 - Độ chọn lọc kênh lân cận cho BS vùng phủ rộng Băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc biên khối thành phần bên trong một khoảng bảo vệ khối thành phần (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 11 dB (xem chú thích) -52 ±0,7025 Tín hiệu E-UTRA 1,4MHz 3 PREFSENS + 8 dB (xem chú thích) -52 ±1,5075 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz 5 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -52 ±2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 10 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -52 ±2,5075 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 15 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -52 ±2,5125 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích) -52 ±2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz CHÚ THÍCH: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. Các độ lệch tần số là tín hiệu can nhiễu bên ngoài kênh. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 47 - Độ chọn lọc kênh lân cận cho BS vùng phủ hẹp Băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thấp nhất/cao nhất thu được (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên dưới/trên băng thông RF trạm gốc biên khối thành phần bên trong một khoảng bảo vệ khối thành phần (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 11 dB (xem chú thích 1 và 2) -44 ±0,7025 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz 3 PREFSENS + 8 dB (xem chú thích 1 và 2) -44 ±1,5075 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz 5 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 10 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±2,5075 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 15 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±2,5125 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -44 ±2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. Độ lệch tần số là tín hiệu can nhiễu bên ngoài kênh. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 48 - Độ chọn lọc kênh lân cận cho BS trong nhà Băng thông kênh E-UTRA (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên kênh tín hiệu mong muốn (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 11 dB (xem chú thích 1 và 2) -28 0,7025 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz 3 PREFSENS + 8 dB (xem chú thích 1 và 2) -28 1,5075 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz 5 PREFSENS + 22 dB (xem chú thích 1) -28 2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 10 PREFSENS + 22 dB (xem chú thích 1) -28 2,5075 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 15 PREFSENS + 22 dB (xem chú thích 1) -28 2,5125 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 PREFSENS + 22 dB (xem chú thích 1) -28 2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz CHÚ THÍCH 1: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. Độ lệch tần số là tín hiệu can nhiễu bên ngoài kênh. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 49 - Độ chọn lọc kênh lân cận cho BS vùng phủ trung bình Băng thông kênh của sóng mang E-UTRA thu được thấp nhất/cao nhất (MHz) Công suất trung bình tín hiệu mong muốn (dBm) Công suất trung bình tín hiệu can nhiễu (dBm) Độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu từ biên kênh tín hiệu mong muốn (MHz) Loại tín hiệu can nhiễu 1,4 PREFSENS + 11 dB (xem chú thích 1 và 2) -28 0,7025 Tín hiệu E-UTRA 1,4 MHz 3 PREFSENS + 8 dB (xem chú thích 1 và 2) -28 1,5075 Tín hiệu E-UTRA 3 MHz 5 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 10 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 2,5075 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 15 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 2,5125 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz 20 PREFSENS + 6 dB (xem chú thích 1) -47 2,5025 Tín hiệu E-UTRA 5 MHz CHÚ THÍCH: PREFSENS phụ thuộc băng thông kênh được quy định tại 7.2 của ETSI TS 136 141. Độ lệch tần số là tín hiệu can nhiễu bên ngoài kênh. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. 2.2.10.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.9. 2.2.11. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh UTRA lân cận 2.2.11.1. Định nghĩa Trạm gốc trong nhà phải có khả năng điều chỉnh công suất ra của máy phát để giảm thiểu mức can nhiễu trên các kênh lân cận trong khi tối ưu hóa vùng phủ sóng của trạm gốc trong nhà, trong trường hợp một kênh lân cận được cấp phép cho nhà khai thác khác trong cùng một khu vực địa lý. Các yêu cầu này chỉ áp dụng cho trạm gốc trong nhà và áp dụng cho các điều kiện truyền vô tuyến AWGN. 2.2.11.2. Giới hạn Công suất ra Pout của trạm gốc trong nhà phải tuân theo quy định tại Bảng 50 trong các điều kiện đầu vào như sau: - CPICH Êc, được đo bằng dBm, là công suất mã hóa của CPICH sơ cấp trên một trong số các kênh lân cận hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà đối với CPICH thu được trên các kênh lân cận. Nếu TX phân tập được áp dụng trên CPICH sơ cấp, CPICH Êc bằng tổng (W) các công suất mã hóa của CPICH sơ cấp được truyền từ từng ăng ten. - Ioh, được đo bằng dBm, là tổng công suất thu được phân tập, bao gồm các tín hiệu và can nhiễu nhưng không bao gồm các tín hiệu BS trong nhà của chính chúng hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà trên kênh hoạt động của BS trong nhà. Các điều kiện đầu vào được xác định cho các yêu cầu tại điều này được quy định tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà. Đối với các máy thu của BS trong nhà phân tập, các yêu cầu áp dụng cho từng đầu nối ăng ten riêng biệt, với (các) đầu nối ăng ten khác bị kết cuối hoặc bị vô hiệu hóa. Các yêu cầu này không thay đổi trong các điều kiện khác nhau. Đối với (các) BS trong nhà không có khả năng đo, thì ăng ten chuẩn có tăng ích là 0 dBi được giả định để chuyển đổi các mức công suất theo cường độ trường. CHÚ THÍCH: Yêu cầu này kiểm tra cơ chế bắt buộc đối với công suất ra của BS trong nhà để bảo vệ kênh UTRA lân cận, giả sử có một kênh UTRA lân cận được cấp phép cho nhà khai thác khác cần được bảo vệ. Đối với BS trong nhà đang hoạt động và trong trường hợp cả hai kênh lân cận được cấp phép cho các nhà khai thác khác, thì yêu cầu nghiêm ngặt nhất được áp dụng cho Pout. Trong trường hợp, khi một trong số các kênh lân cận được cấp phép cho một nhà khai thác E-UTRA trong khi kênh lân cận khác được cấp phép cho một nhà khai thác UTRA, thì yêu cầu nghiêm ngặt hơn tại điều này và tại 2.2.11 được áp dụng cho Pout. Trong trường hợp cả hai kênh lân cận và kênh hoạt động của BS trong nhà được cấp phép cho cùng một nhà khai thác, thì không áp dụng các yêu cầu tại điều này. Bảng 50 - Công suất ra BS trong nhà để bảo vệ kênh UTRA lân cận của nhà khai thác Các điều kiện đầu vào Công suất ra, Pout Ioh > CPICH Êc + 43 dB và CPICH Êc ≥ -105 dBm ≤ 10 dBm Ioh < CPICH Êc + 43 dB và CPICH Êc ≥ -105 dBm ≤ lớn nhất (8 dBm, nhỏ nhất (20 dBm, CPICH Êc + 100 dB)) CPICH Êc < -105 dBm ≤ 20 dBm - Trong các điều kiện hoạt động bình thường, công suất ra Pout của BS trong nhà phải bằng hoặc nhỏ hơn giá trị được quy định tại Bảng 50 cộng với 2,7 dB; - Trong các điều kiện hoạt động tới hạn, công suất ra Pout của BS trong nhà phải bằng hoặc nhỏ hơn giá trị được quy định tại Bảng 50 cộng với 3,2 dB. 2.2.11.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.10. 2.2.12. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA lân cận 2.2.12.1. Định nghĩa và khả năng áp dụng Trạm gốc trong nhà phải có khả năng điều chỉnh công suất đầu ra của máy phát để giảm thiểu mức can nhiễu trên các kênh lân cận được cấp phép cho các nhà khai thác khác trong cùng một khu vực địa lý khi tối ưu hóa vùng phủ sóng của trạm gốc trong nhà. Các yêu cầu này chỉ áp dụng cho trạm gốc trong nhà và áp dụng cho các điều kiện truyền vô tuyến AWGN. 2.2.12.2. Giới hạn Công suất ra Pout của trạm gốc trong nhà phải tuân theo quy định tại Bảng 51 trong các điều kiện đầu vào như sau: - CRS Ês, được đo bằng dBm, là công suất thu của tín hiệu chuẩn trên phần tử tài nguyên trên một trong số các kênh lân cận hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà đối với tín hiệu chuẩn thu được trên các kênh lân cận. Để xác định CRS Ês, tín hiệu chuẩn tế bào đặc trưng R0 quy định tại ETSI TS 136 211 phải được sử dụng. Nếu BS trong nhà phát hiện ra nhiều ăng-ten TX được sử dụng để phát trên kênh lân cận, thì có thể sử dụng giá trị trung bình (W) của CRS Ês trên tất cả các ăng ten được phát hiện. - Ioh, được đo bằng dBm, là công suất thu toàn phần phân tập, bao gồm cả các tín hiệu và can nhiễu nhưng không bao gồm tín hiệu BS trong nhà của chính chúng hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà trên kênh hoạt động của BS trong nhà. Các điều kiện đầu vào được xác định cho các yêu cầu tại điều này được quy định tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà. Đối với các máy thu của BS trong nhà phân tập, các yêu cầu này áp dụng cho từng đầu nối ăng ten riêng biệt, với (các) đầu nối ăng ten khác bị kết cuối hoặc bị vô hiệu hóa. Các yêu cầu này không thay đổi trong các điều kiện khác nhau. Đối với (các) BS trong nhà không có khả năng đo, thì ăng ten chuẩn có tăng ích là 0 dBi được giả định để chuyển đổi các mức công suất theo cường độ trường. CHÚ THÍCH: Yêu cầu này kiểm tra cơ chế bắt buộc đối với công suất ra của BS trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA lân cận, giả sử có một kênh E-UTRA lân cận được cấp phép cho nhà khai thác khác cần được bảo vệ. Đối với BS trong nhà đang hoạt động và trong trường hợp mà cả hai kênh lân cận được cấp phép cho các nhà khai thác khác, thì yêu cầu nghiêm ngặt nhất được áp dụng cho Pout. Trong trường hợp, khi một trong số các kênh lân cận được cấp phép cho một nhà khai thác E-UTRA trong khi kênh lân cận khác được cấp phép cho một nhà khai thác UTRA, thì yêu cầu nghiêm ngặt hơn tại điều này và tại 2.2.11 được áp dụng cho Pout. Trong trường hợp cả hai kênh lân cận và kênh hoạt động của BS trong nhà được cấp phép cho cùng một nhà khai thác, thì không áp dụng các yêu cầu tại điều này. Bảng 51 - Công suất ra của BS trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA lân cận của nhà khai thác Các điều kiện đầu vào Công suất ra, Pout Ioh > CRS Ês + 10 x log10 + 30 dB và CRS Ês ≥ -127 dBm ≤ 10 dBm Ioh ≤ CRS Ês + 10 x log10 + 30 dB và CRS Ês ≥ -127dBm ≤ lớn nhất (8 dBm, nhỏ nhất (20 dBm, CRS Ês + 10 x log10 (+ 85 dB)) CRS Ês < -127 dBm ≤ 20 dBm - Trong các điều kiện hoạt động bình thường, công suất ra Pout của BS trong nhà phải bằng hoặc nhỏ hơn giá trị được quy định tại Bảng 51 cộng với 2,7 dB; - Trong các điều kiện hoạt động tới hạn, công suất ra Pout của BS trong nhà phải bằng hoặc nhỏ hơn giá trị được quy định tại Bảng 51 cộng với 3,2 dB. 2.2.12.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.11. 2.2.13. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ E-UTRA đồng kênh 2.2.13.1. Định nghĩa và khả năng áp dụng Để giảm thiểu can nhiễu DL đồng kênh tới các UE macro phi CSG hoạt động sát nhau trong khi tối ưu hóa vùng phủ sóng của trạm gốc trong nhà CSG, BS trong nhà có thể điều chỉnh công suất ra của nó theo các yêu cầu được trình bày tại điều này. Các yêu cầu tại điều này có thể được áp dụng cho các điều kiện truyền vô tuyến AWGN. 2.2.13.2. Giới hạn Đối với BS trong nhà hỗ trợ các yêu cầu quy định tại điều này, công suất ra, Pout, của BS trong nhà phải tuân theo quy định tại Bảng 52 theo các điều kiện đầu vào như sau: - CRS Ês, được đo bằng dBm, là công suất thu của tín hiệu chuẩn trên phần tử tài nguyên hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà thu được từ BS vùng phủ rộng đồng kênh. Để xác định CRS Ês, tín hiệu chuẩn tế bào đặc trưng R0 quy định tại ETSI TS 136 211 phải được sử dụng. Nếu BS trong nhà phát hiện ra nhiều cổng ăng-ten TX được BS vùng phủ rộng đồng kênh sử dụng để truyền, thì có thể sử dụng giá trị trung bình (W) của CRS Ês trên tất cả các cổng ăng ten TX được phát hiện, bao gồm cả R0. - Ioh, được đo bằng dBm, là tổng công suất DL thu được, bao gồm tất cả các can nhiễu nhưng không bao gồm tín hiệu của chính BS trong nhà, hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà trên kênh hoạt động của BS trong nhà. - lob, được đo bằng dBm, là công suất can nhiễu thu được của đường lên, bao gồm cả nhiễu nhiệt, trong băng thông khối tài nguyên vật lý của các phân tử tài nguyên được xác định trong ETSI TS 136 214, hiện có tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà trên kênh hoạt động của BS trong nhà. Các điều kiện đầu vào được xác định cho các yêu cầu quy định tại điều này được quy định tại đầu nối ăng ten của BS trong nhà. Đối với các máy thu của BS trong nhà phân tập, các yêu cầu này áp dụng cho từng đầu nối ăng ten riêng biệt, với (các) đầu nối khác bị kết cuối hoặc bị vô hiệu hóa. Các yêu cầu không thay đổi trong các điều kiện khác nhau. Với (các) BS trong nhà không có khả năng đo, ăng ten chuẩn có độ tăng ích là 0 dBi được giả định để chuyển đổi các mức công suất theo cường độ trường. Bảng 52 - Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA đồng kênh Các điều kiện đầu vào Công suất ra, Pout Ioh (DL) > CRS Ês + 10 x log10 + 30 dB và Tùy chọn 1: CRS Ês ≥ -127 dBm hoặc Tùy chọn 2: CRS Ês ≥ -127 dBm và lob > -103 dBm ≤ 10 dBm Ioh (DL) ≤ CRS Ês + 10 x log10 + 30 dB và Tùy chọn 1: CRS Ês ≥ -127 dBm hoặc Tùy chọn 2: CRS Ês ≥ -127 dBm và lob > -103 dBm ≤ lớn nhất (Pmin, nhỏ nhất (CRS Ês + Pmax,c 10 x log10+ X)) 30 dB ≤ X ≤ 70 dB Pmin = -10 dBm Tùy chọn 1: CRS Ês < -127 dBm hoặc Tùy chọn 2: CRS Ês < -127 dBm và lob ≤ -103 dBm ≤ 20 dBm - Trong các điều kiện hoạt động bình thường, công suất ra Pout của BS trong nhà phải bằng hoặc nhỏ hơn giá trị được quy định tại Bảng 52 cộng với 2,7 dB; - Trong các điều kiện hoạt động tới hạn, công suất ra Pout của BS trong nhà phải bằng hoặc nhỏ hơn giá trị được quy định tại Bảng 52 cộng với 3,2 dB. 2.2.13.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.12. 2.2.14. Mức chọn lọc chuẩn 2.2.14.1. Định nghĩa Mức công suất chọn lọc chuẩn PREFSENS là công suất trung bình nhỏ nhất thu được tại đầu nối ăng ten, tại đó một yêu cầu thông lượng phải đáp ứng cho một kênh đo chuẩn quy định. 2.2.14.2. Giới hạn Với từng sóng mang E-UTRA đo được, thông lượng phải ≥ 95% thông lượng lớn nhất của kênh đo chuẩn quy định tại A.1 của của ETSI TS 136 141 với các thông số quy định tại Bảng 53 cho BS vùng phủ rộng, Bảng 54 cho BS vùng phủ hẹp, Bảng 55 cho BS trong nhà và Bảng 56 cho BS vùng phủ trung bình. Bảng 53 - Các mức chọn lọc chuẩn cho BS vùng phủ rộng Băng thông kênh E-UTRA (MHz) Kênh đo chuẩn Mức công suất chọn lọc chuẩn, PREFSENS (dBm) 1,4 FRC A1-1 -106,1 (xem chú thích 2) 3 FRC A1-2 -102,3 (xem chú thích 2) 5 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -100,8 10 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -100,8 15 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -100,8 20 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -100,8 CHÚ THÍCH 1: PREFSENS là mức công suất của một trường hợp kênh đo chuẩn. Yêu cầu này sẽ được đáp ứng cho từng ứng dụng liên tiếp của một trường hợp FRC A1-3 ánh xạ tới các dải tần số tách rời với chiều rộng 25 khối tài nguyên từng loại. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 54 - Các mức chọn lọc trong BS vùng phủ hẹp Băng thông kênh E-UTRA (MHz) Kênh đo chuẩn Mức công suất chọn lọc chuẩn, PREFSENS (dBm) 1,4 FRC A1-1 Mục A.1 (xem chú thích 1) -98,1 (xem chú thích 2) 3 FRC A1-2 Mục A.1 (xem chú thích 1) -94,3 (xem chú thích 2) 5 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 10 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 15 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 20 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 CHÚ THÍCH 1: PREFSENS là mức công suất của một trường hợp kênh đo chuẩn. Yêu cầu này sẽ được đáp ứng cho từng ứng dụng liên tiếp của một trường hợp FRC A1-3 ánh xạ tới các dải tần số tách rời với chiều rộng 25 khối tài nguyên từng loại. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 55 - Các mức chọn lọc chuẩn cho BS trong nhà Băng thông kênh E-UTRA (MHz) Kênh đo chuẩn Mức công suất chọn lọc chuẩn, PREFSENS (dBm) 1,4 FRC A1-1 Mục A.1 (xem chú thích 1) -98,1 (xem chú thích 2) 3 FRC A1-2 Mục A.1 (xem chú thích 1) -94,3 (xem chú thích 2) 5 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 10 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 15 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 20 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích 1) -92,8 CHÚ THÍCH 1: PREFSENS là mức công suất của một trường hợp kênh đo chuẩn. Yêu cầu này sẽ được đáp ứng cho từng ứng dụng liên tiếp của một trường hợp FRC A1-3 ánh xạ tới các dải tần số tách rời với chiều rộng 25 khối tài nguyên từng loại. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. Bảng 56 - Các mức chọn lọc chuẩn cho BS vùng phủ trung bình Băng thông kênh E-UTRA (MHz) Kênh đo chuẩn Mức công suất chọn lọc chuẩn, PREFSENS (dBm) 1,4 FRC A1-1 Mục A.1 (xem chú thích 1) -101,1 (xem chú thích 2) 3 FRC A1-2 Mục A.1 (xem chú thích 1) -97,3 (xem chú thích 2) 5 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích) -95,8 10 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích) -95,8 15 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích) -95,8 20 FRC A1-3 Mục A.1 (xem chú thích) -95,8 CHÚ THÍCH 1: PREFSENS là mức công suất của một trường hợp kênh đo chuẩn. Yêu cầu này sẽ được đáp ứng cho từng ứng dụng liên tiếp của một trường hợp FRC A1-3 ánh xạ tới các dải tần số tách rời với chiều rộng 25 khối tài nguyên từng loại. CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu đối với băng thông kênh 1,4 MHz và 3 MHz chỉ áp dụng cho băng tần 8. 2.2.14.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.13. 2.2.15. Phát xạ bức xạ 2.2.15.1. Định nghĩa Chỉ tiêu này đánh giá khả năng hạn chế các phát xạ không mong muốn từ cổng vỏ của thiết bị trạm gốc E-UTRA. Chỉ tiêu này áp dụng cho thiết bị trạm gốc E-UTRA. Phép đo chỉ tiêu này phải được thực hiện trên cấu hình tiêu biểu của thiết bị cần đo kiểm. 2.2.15.2. Giới hạn Biên tần số và các băng thông tham chiếu đối với những chuyển tiếp chi tiết của các giới hạn giữa các yêu cầu đối với các phát xạ ngoài băng và các yêu cầu đối với các phát xạ giả được dựa trên các khuyến nghị ITU-R SM.329-12 và SM.1539-1. Các yêu cầu tại Bảng 57 chỉ áp dụng đối với các tần số trong miền phát xạ. Bảng 57 - Các yêu cầu cho các phát xạ giả bức xạ Tần số Yêu cầu tối thiểu (E.R.P)/Băng thông chuẩn Tính khả dụng 30 MHz ≤ f < 1 000 MHz -36 dBm/100 kHz Tất cả 1 GHz ≤ f < 12,75 GHz -30 dBm/1 MHz Tất cả 2.2.15.3. Phương pháp đo kiểm Sử dụng các phép đo kiểm quy định tại 3.3.14. 3. PHƯƠNG PHÁP ĐO 3.1. Điều kiện đo kiểm Các đo kiểm được xác định trong quy chuẩn này phải được thực hiện tại các điểm tiêu biểu trong phạm vi các giới hạn biên của điều kiện môi trường hoạt động được khai báo. Tại những điểm mà chỉ tiêu kỹ thuật thay đổi tùy thuộc vào các điều kiện môi trường, các đo kiểm phải được thực hiện trong điều kiện môi trường đa dạng (thuộc phạm vi các giới hạn biên của điều kiện môi trường hoạt động được khai báo) để kiểm tra tính tuân thủ đối với các yêu cầu kỹ thuật bị ảnh hưởng. Thông thường tất cả các đo kiểm phải được thực hiện trong điều kiện đo kiểm bình thường trừ khi có các quy định khác. Có thể tham khảo Phụ lục B về việc sử dụng các điều kiện đo kiểm khác để kiểm tra tính tuân thủ. Mục này quy định các phương pháp đo cho E-UTRA (FDD và TDD). Các cấu hình đo kiểm và độ rộng kênh cho các hoạt động đa sóng mang phải phù hợp với các quy định tại 4.10, 5.7.1 và 5.7.1A của ETSI TS 136 141. Thông thường mọi đo kiểm phải được thực hiện với băng thông thấp nhất và cao nhất được BS hỗ trợ, trừ khi có các quy định khác. Trong trường hợp không thực hiện đo kiểm, nhà sản xuất phải khai báo để áp ứng cho tất cả các băng thông khác được BS hỗ trợ. Trong trường hợp sóng mang đơn, nhiều đo kiểm được thực hiện với các tần số thích hợp ở cuối, giữa và đầu của băng tần hoạt động của BS. Các tần số này được ký hiệu là B (cuối), M (giữa) và T (đầu) của các kênh RF và được xác định trong 4.7 của ETSI TS 136 141. Trong trường hợp đa sóng mang đơn băng tần, nhiều đo kiểm được thực hiện với vị trí băng thông RF trạm gốc cực đại ở cuối, giữa và đầu của dải tần số được hỗ trợ trong từng băng tần hoạt động. Các tần số này được ký hiệu là BRFBW (cuối), MRFBW (giữa) và TRFBW (đầu) cho các kênh không cộng gộp và được xác định trong 4.7.1 của ETSI TS 136 141. Trong trường hợp băng tần kép, nhiều đo kiểm được thực hiện với các băng thông RF trạm gốc ở cuối dải tần số được hỗ trợ trong băng tần hoạt động dưới và ở đầu dải tần số được hỗ trợ trong băng tần hoạt động trên. Các tần số này được ký hiệu là BRFBW_T’RFBW và B’RFBW_TRFBW và được xác định trong 4.7.1 của ETSI TS 136 141. Hệ thống đó quy định cho từng đo kiểm được mô tả trong Phụ lục C. 3.2. Giải thích các kết quả đo Các kết quả được ghi trong báo cáo đo kiểm của các phép đo được quy định tại Quy chuẩn này phải được giải thích như sau: - Giá trị đo được liên quan đến giới hạn tương ứng dùng để quyết định việc thiết bị có thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn hay không; - Giá trị độ không đảm bảo đo đối với phép đo của từng tham số phải được đưa vào báo cáo đo kiểm; - Đối với từng phép đo, giá trị ghi được của độ không đảm bảo đo phải nhỏ hơn hoặc bằng giá trị cho trong Bảng 58. Theo quy chuẩn này, trong các phương pháp đo, các giá trị của độ không đảm bảo đo phải được tính toán theo ETSI TR 100 028, cụ thể theo Phụ lục D của ETSI TR 100 028-2 và phải tương ứng với một hệ số mở rộng (hệ số phủ) k = 1,96 hoặc k = 2 (hệ số này quy định mức độ tin cậy là 95% và 95,45% trong trường hợp các phân bố đặc trưng cho độ không đảm bảo đo thực tế là chuẩn (Gaussian)). Bảng 58 dựa trên hệ số mở rộng này. Bảng 58 - Độ không đảm bảo tối đa của hệ thống đo kiểm Tham số Các điều kiện Độ không đảm bảo Phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động ±1,5 dB Tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR) ACLR Cho các yêu cầu công suất tuyệt đối CACLR Cho các yêu cầu công suất tuyệt đối ±0,8 dB ±2,0 dB ±0,8 dB ±2,0 dB Phát xạ giả của máy phát Cho “Các phát xạ giả” 9 kHz < f ≤ 4 GHz 4 GHz < f ≤ 19 GHz Cho các yêu cầu cùng tồn tại (> -60 dBm) Cho các yêu cầu cùng tồn tại (≥ -60 dBm) Cho bảo vệ máy thu BS ±2,0 dB ±4,0 dB ±2,0 dB ±3,0 dB ±3,0 dB Công suất đầu ra cực đại trạm gốc ±0,7 dB Xuyên điều chế phát Cho các phát xạ giả không mong muốn trong băng tần hoạt động ±2,5 dB Cho ACLR ±2,2 dB Cho “Các phát xạ giả”: f ≤ 2,2 GHz ±2,5 dB 2,2 GHz < f ≤ 4 GHz ±2,8 dB f > 4 GHz ±4,5 dB Cho các yêu cầu cùng tồn tại ±2,8 dB Tín hiệu can nhiễu ±1,0 dB Phát xạ giả của máy thu 30 MHz ≤ f ≤ 4 GHz 4 GHz < f ≤ 19 GHz ±2,0 dB ±4,0 dB Đặc tính chặn Chặn bên trong băng tần, sử dụng can nhiễu được điều chế ±1,6 dB Chặn bên ngoài băng tần, sử dụng can nhiễu CW: 1 MHz < finterferer ≤ 3 GHz ±1,3 dB 3 GHz < finterferer ≤ 4,2 GHz ±1,6 dB 4,2 GHz < finterferer ≤ 12,75 GHZ ±3,2 dB Đặc tính xuyên điều chế của máy thu ±1,8 dB Độ chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp ±1,4 dB Mức chọn lọc chuẩn ±0,7 dB CHÚ THÍCH 1: Đối với các đo kiểm RF, phải chú ý rằng độ không bảo đảm trong Bảng 58 áp dụng cho Hệ thống đo kiểm hoạt động với tải danh định 50 Ω và không tính đến các hiệu ứng của hệ thống do sự không tương thích giữa EUT và hệ thống đo kiểm. CHÚ THÍCH 2: Phụ lục G của TR 100 028-2 hướng dẫn việc tính toán các thành phần của độ không bảo đảm liên quan đến sự không thích ứng. CHÚ THÍCH 3: Nếu Hệ thống đo kiểm có độ không đảm bảo đo lớn hơn độ không đảm bảo đo đã chỉ định trong Bảng 58, thì thiết bị này có thể vẫn được sử dụng, miễn là có điều chỉnh như sau: Một độ không đảm bảo bổ sung nào đó trong hệ thống đo kiểm vượt quá độ không bảo đảm đã chỉ định trong Bảng 58 được sử dụng để siết chặt các giới hạn - làm cho phép đo khó được thông qua hơn (với một số đo kiểm, ví dụ các đo kiểm ở máy thu, việc này có thể yêu cầu thay đổi các tín hiệu kích thích). Thủ tục này đảm bảo rằng một hệ thống đo kiểm không phù hợp với Bảng 58 không làm tăng xác suất thông qua một EUT trong trường hợp đo kiểm bị lỗi. 3.3. Các tham số thiết yếu cho phần vô tuyến 3.3.1. Phát xạ không mong muốn trong băng tần hoạt động 3.3.1.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm: - BRFBW, MRFBW và TRFBW tại hoạt động đơn băng tần; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B'RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Thiết lập đo kiểm: 1) Đấu nối bộ phân tích tín hiệu tới đầu nối ăng ten trạm gốc theo quy định tại C.1.1. của Phụ lục C. Theo quy tắc chung, băng thông phân giải của thiết bị đo phải bằng băng thông đo. Tuy vậy, để tăng độ chính xác, độ nhạy, hiệu suất của phép đo, tránh sự rò sóng mang,... băng thông phân giải có thể nhỏ hơn băng thông đo. Khi băng thông phân giải nhỏ hơn băng thông đo, kết quả phải được tích hợp trên băng thông đo để thu được băng thông nhiễu tương đương của băng thông đo. 2) Chế độ tách sóng: điện áp RMS thực. 3.3.1.2. Thủ tục đo 1) Với một BS chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, thiết lập trạm gốc phát tín hiệu theo E-TM1.1 của ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định Prated,c theo chỉ định của nhà sản xuất. Với BS có khả năng hoạt động đa sóng mang, thiết lập trạm gốc phát tín hiệu theo E-TM1.1 trên tất cả sóng mang được cấu hình sử dụng mô hình đo kiểm và thiết lập công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 2) Chuyển tần số trung tâm của bộ lọc đo theo các bước kề nhau và đo phát xạ trong các dải tần số chỉ định với băng thông đo chỉ định. Với BS hoạt động trong nhiều băng tần hoặc phổ không liền kề, phát xạ trong liên băng thông RF hoặc khoảng bảo vệ khối thành phần phải được đo bằng cách sử dụng băng thông đo chỉ định từ biên băng thông RF trạm gốc hoặc biên khối thành phần gần nhất. 3) Lặp lại đo kiểm với thiết lập kênh theo E-TM1.2 của ETSI TS 136 141. Ngoài ra, bước sau áp dụng cho một BS có khả năng hoạt động đa băng tần: 4) Với các đo kiểm băng tần đơn và BS đa sóng mang, lặp lại các bước ở trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần và các mô hình đo kiểm áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần có đầu nối ăng ten riêng biệt, không tiến hành đo kiểm trong trường hợp các đầu nối ăng ten đơn băng tần hoặc đa băng tần được kết cuối. 3.3.2. Tỷ số công suất rò kênh lân cận (ACLR) 3.3.2.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm: - BRFBW, MRFBW và TRFBW tại hoạt động đơn băng tần; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B'RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Thiết lập đo kiểm: 1) Đấu nối thiết bị đo tới đầu nối ăng ten trạm gốc theo quy định tại C.1.1. của Phụ lục C. 2) Các đặc tính của thiết bị đo phải là: - Độ rộng băng thông của bộ lọc đo: được quy định tại 2.2.3.2. - Chế độ tách sóng: điện áp RMS thực hoặc công suất trung bình thực. 3) Với một BS chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, thiết lập trạm gốc phát tín hiệu theo E-TM1.1 của ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định Prated,c theo chỉ định của nhà sản xuất. Với BS có khả năng hoạt động đa sóng mang, thiết lập trạm gốc phát tín hiệu theo E-TM1.1 trên tất cả sóng mang được cấu hình sử dụng mô hình đo kiểm và thiết lập công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 4) Thiết lập tần số sóng mang trong băng tần số được BS hỗ trợ. 3.3.2.2. Thủ tục đo 1) Đo tỷ số công suất rò kênh lân cận cho các độ lệch tần số trên cả hai sườn của tần số kênh theo quy định tại Bảng 20 (trường hợp phổ được ghép đôi) hoặc Bảng 21 (trường hợp phổ không được ghép đôi) tương ứng. Trong trường hợp nhiều sóng mang, chỉ phải đo những tần số lệch bên dưới tần số sóng mang thấp nhất và bên trên tần số sóng mang cao nhất được phát. 2) Đối với yêu cầu ACLR áp dụng bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần cho hoạt động phổ không liền kề hoặc bên trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF cho hoạt động đa băng tần: a) Đo ACLR bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc khoảng bảo vệ liên băng thông RF theo quy định tại 2.2.3.2.1, nếu khả thi; b) Đo CACLR bên trong khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc khoảng bảo vệ liên băng thông RF theo quy định tại 2.2.3.2.2, nếu khả thi. 3) Lặp lại đo kiểm với thiết lập kênh theo E-TM1.2 của ETSI TS 136 141. Ngoài ra, bước sau áp dụng cho một BS có khả năng hoạt động đa băng tần: 4) Với các đo kiểm băng tần đơn và BS đa sóng mang, lặp lại các bước ở trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần và các mô hình đo kiểm áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần có đầu nối ăng ten riêng biệt, không tiến hành đo kiểm trong trường hợp các đầu nối ăng ten đơn băng tần hoặc đa băng tần được kết cuối. 3.3.3. Phát xạ giả máy phát 3.3.3.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường: xem B.1. Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm: - BRFBW, MRFBW và TRFBW tại hoạt động đơn băng tần; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B’RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Thiết lập đo kiểm: 1) Đấu nối đầu nối ăng ten của BS với máy thu đo theo quy định tại C.1.1. của Phụ lục C, sử dụng một bộ suy hao hoặc một bộ ghép định hướng nếu cần thiết. 2) Các phép đo phải sử dụng băng thông đo theo đúng điều kiện tại 6.6.4 của ETSI TS 136 104. 3) Chế độ tách sóng: điện áp RMS thực. 4) Với BS khai báo chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, định cấu hình BS với máy phát hoạt động tại công suất ra cực đại của chúng với BS được khai báo chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn. Với BS khai báo có khả năng hoạt động đa băng tần, thiết lập trạm gốc phát theo E-TM 1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình như mô tả trong cấu hình đo kiểm tại 4.10 của ETSI TS 136 141. 3.3.3.2. Thủ tục đo 1) Thiết lập BS để phát một tín hiệu theo E-TM1.1 của ETSI TS 136 141 tại công suất ra cực đại do nhà sản xuất công bố. Đối với BS có khả năng hoạt động đa sóng mang và/hoặc CA, thiết lập trạm gốc truyền tải theo E-TM1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình sử dụng cấu hình đo kiểm và thiết lập công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 2) Đo phát xạ tại các tần số chỉ định với băng thông đo chỉ định và giá trị đo không được vượt quá giới hạn quy định. Ngoài ra, bước sau áp dụng cho một BS có khả năng hoạt động đa băng tần. 3) Với các đo kiểm băng tần đơn và BS có khả năng hoạt động đa băng tần, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các điều kiện đo băng tần đơn và các mô hình đo áp dụng với sóng mang không hoạt động trên băng tần khác. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần có đầu nối ăng ten riêng biệt, không tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten SBT và MBT được kết cuối. 3.3.4. Công suất ra cực đại của trạm gốc 3.3.4.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm cho đa sóng mang: - BRFBW, MRFBW và TRFBW tại hoạt động đơn băng tần; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B’RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Ngoài ra, chỉ trên một vị trí băng thông RF trạm gốc hoặc kênh RF, đo kiểm phải thực hiện với nguồn cung cấp tới hạn được định nghĩa trong B.4. của Phụ lục B. CHÚ THÍCH: Các đo kiểm với nguồn cung cấp tới hạn công đo kiểm với nhiệt độ tới hạn, xem B.2. của Phụ lục B. Thiết lập đo kiểm: 1) Đấu nối thiết bị đo công suất tới đầu nối ăng ten của trạm gốc như C.1.1. của Phụ lục C. 3.3.4.2. Thủ tục đo 1) Với một BS được khai báo chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, thiết lập trạm gốc phát theo E-TM 1.1 trong ETSI TS 136 141. Với một BS khai báo có khả năng hoạt động đa sóng mang, thiết lập trạm gốc phát theo E-TM 1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình bằng cách sử dụng các thiết lập cấu đo kiểm và công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 2) Đo công suất trung bình cho từng sóng mang tại đầu nối ăng ten. Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho một BS đa sóng mang: 3) Với các đo kiểm băng tần đơn và BS đa sóng mang, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần và các mô hình đo kiểm áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần có đầu nối ăng ten riêng biệt, không tiến hành đo kiểm trong trường hợp các đầu nối ăng ten đơn băng tần hoặc đa băng tần được kết cuối. 3.3.5. Xuyên điều chế máy phát 3.3.5.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm cho đa sóng mang: BRFBW, MRFBW và TRFBW; xem 3.1. Băng thông kênh tín hiệu mong muốn BWChannel là băng thông kênh cực đại trạm gốc hỗ trợ được. Thiết lập đo kiểm: 1) Đấu nối bộ phân tích tín hiệu tới đầu nối ăng ten của trạm gốc như quy định tại C.1.2. của Phụ lục C. 3.3.5.2. Thủ tục đo 1) Với một BS khai báo chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, thiết lập trạm gốc phát theo E-TM 1.1 trong ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định Prated,c do nhà sản xuất công bố. Với một BS được khai báo có khả năng hoạt động đa sóng mang, thiết lập trạm gốc phát theo E-TM 1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình bằng cách sử dụng các thiết lập cấu đo kiểm và công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 2) Tạo tín hiệu can nhiễu theo E-TM1.1 trong ETSI TS 136 141, với độ lệch tần số trung tâm và băng thông kênh 5 MHz theo các điều kiện trong Bảng 31 nhưng loại trừ các tần số can nhiễu nằm ngoài băng tần hoạt động đường xuống được ấn định, hoặc các tần số can nhiễu không nằm hoàn toàn trong khoảng bảo vệ khối thành phần hoặc trong khoảng bảo vệ liên băng thông RF. 3) Điều chỉnh ATT1 sao cho mức tín hiệu can nhiễu E-UTRA như quy định tại 2.2.6.2. 4) Thực hiện các đo kiểm phát xạ ngoài băng theo quy định tại 3.3.1 và 3.3.2 cho tất cả các thành phần xuyên điều chế bậc ba và bậc năm xuất hiện trong các dải tần số được xác định trong 3.3.1 và 3.3.2. Độ rộng của các thành phần xuyên điều chế phải được tính đến. 5) Thực hiện các đo kiểm phát xạ giả máy phát theo quy định tại 3.3.3 cho tất cả các thành phần xuyên điều chế bậc ba và bậc năm xuất hiện trong các dải tần số được định nghĩa trong 3.3.3. Độ rộng của các thành phần xuyên điều chế phải được tính đến. 6) Kiểm tra mức phát xạ không được vượt quá mức yêu cầu, trừ các tần số tín hiệu can nhiễu. 7) Lặp lại đo kiểm đối với các độ lệch tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu còn lại theo các điều kiện của Bảng 31. Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho một BS có khả năng hoạt động đa băng tần: 8) Với đo kiểm đơn băng tần và BS hoạt động đa băng tần, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần và các mô hình đo kiểm áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần có đầu nối ăng ten riêng biệt, không tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten được kết cuối. CHÚ THÍCH: Các thành phần xuyên điều chế bậc ba là (2F1 ± F2) và (F1 ± 2F2), các thành phần xuyên điều chế bậc năm là (3F1 ± 2F2), (2F1 ± 3F2), (4F1 ± F2), và (F1 ± 4F2), trong đó F1 tương ứng với tần số trung tâm tín hiệu mong muốn hoặc tần số trung tâm của từng khối thành phần và F2 tương ứng với tần số trung tâm tín hiệu can nhiễu. Độ rộng của các thành phần xuyên điều chế là: (n x BWF1 + m x 5 MHz) cho các thành phần nF1 ± mF2; (n x 5 MHz + m x BWF1) cho các thành phần mF1 ± nF2; Trong đó, BWF1 tương ứng băng thông RF tín hiệu mong muốn, hoặc băng thông kênh trong trường hợp sóng mang đơn, hoặc băng thông khối thành phần. 3.3.6. Phát xạ giả máy thu 3.3.6.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường: xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: M; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm cho đa sóng mang: - MRFBW tại hoạt động đơn băng tần; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B'RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Thiết lập đo kiểm: 1) Đấu nối máy thu đo tới đầu nối ăng ten của BS như mô tả trong C.2.6. của Phụ lục C. 2) Cho máy thu BS hoạt động. 3) Kết cuối đầu nối ăng ten phát BS như quy định tại C.2.6. của Phụ lục C. 3.3.6.2. Thủ tục đo 1) Với BS FDD khai báo chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, khởi động phát BS theo E-TM 1.1 trong ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định Prated,c do nhà sản xuất công bố. Với BS FDD khai báo có khả năng hoạt động đa sóng mang và/hoặc hoạt động CA, thiết lập BS phát theo E-TM1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình bằng cách sử dụng các thiết lập cấu đo kiểm và công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 2) Thiết lập các tham số thiết bị đo theo quy định tại Bảng 32. 3) Đo các phát xạ giả trên từng dải tần số được quy định tại 2.2.7.2. 4) Lặp lại đo kiểm cho (các) cổng RX đã kết cuối. Ngoài ra, bước sau áp dụng cho BS có khả năng hoạt động đa sóng mang: 5) Với đo kiểm đơn băng tần và BS hoạt động đa băng tần, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần và các mô hình đo kiểm áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Với BS có khả năng hoạt động đa băng tần có đầu nối ăng ten riêng biệt, không tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten đơn sóng mang hoặc đa sóng mang được kết cuối. 3.3.7. Đặc tính chặn 3.3.7.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: M; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm cho đa sóng mang: - MRFBW; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B'RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Ngoài ra, trong hoạt động đa sóng mang: - Với BRFBW_T'RFBW, có thể bỏ qua việc kiểm tra chặn ngoài băng trên băng tần hoạt động cao nhất. - Với B'RFBW_TRFBW, có thể bỏ qua việc kiểm tra chặn ngoài băng trên băng tần hoạt động thấp nhất. Thiết lập đo kiểm: BS phải được định cấu hình để hoạt động càng gần với trung tâm băng tần hoạt động (xem Bảng 1) càng tốt. Đo kiểm các băng thông kênh: a) Trong dải tần số từ (FUL_low - 20) MHz đến (FUL_high + 20) MHz, các yêu cầu được đo kiểm với các băng thông thấp nhất và cao nhất được BS hỗ trợ. b) Trong dải tần số từ 1 MHz đến (FUL_low - 20) MHz và (FUL_high + 20) MHz đến 12 750 MHz, các yêu cầu chỉ được đo kiểm với băng thông thấp nhất được BS hỗ trợ. 1) Đấu nối bộ tạo tín hiệu cho tín hiệu mong muốn và bộ tạo tín hiệu cho tín hiệu can nhiễu đến đầu nối ăng ten của một cổng như quy định tại C.2.5. của Phụ lục C. 2) Kết cuối bất kỳ cổng RX nào khác không đo kiểm. 3) Khởi động phát theo kênh đo chuẩn được trình bày trong A.1 của ETSI TS 136 141 tới BS đo kiểm. Mức tín hiệu mong muốn được đo tại đầu nối ăng ten BS sẽ phải thiết lập đến mức quy định tại 2.2.8.2. 3.3.7.2. Thủ tục đo 1) Với BS FDD chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, khởi động phát BS theo E-TM 1.1 của ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định Prated,c do nhà sản xuất công bố. Với BS FDD khai báo có khả năng hoạt động đa sóng mang và/hoặc hoạt động CA, thiết lập BS phát theo E-TM1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình bằng cách sử dụng các thiết lập cấu đo kiểm và công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. Máy phát có thể được tắt trong các đo kiểm khóa ngoài băng khi tần số của bộ khóa không có các sản phẩm IM2 hoặc IM3 bên trong băng thông tín hiệu mong muốn. 2) Điều chỉnh bộ tạo tín hiệu để tạo các tín hiệu can nhiễu, các mức và các độ lệch tần số theo quy định tại các Bảng 33, Bảng 34, Bảng 35 hoặc Bảng 36 và Bảng 37. Tín hiệu can nhiễu E-UTRA được quét với bước quét có kích thước 1 MHz, bắt đầu từ độ lệch cực tiểu đến các biên kênh của tín hiệu mong muốn theo quy định tại Bảng 36. Tín hiệu can nhiễu CW được quét với bước quét có kích thước 1 MHz trong dải tần theo quy định tại các Bảng 33, Bảng 34, Bảng 35 hoặc Bảng 37. 3) Đo thông lượng tín hiệu mong muốn tại máy thu BS theo quy định tại phụ lục E của ETSI TS 136 141 cho hoạt động đa sóng mang, thông lượng này phải được đo cho các sóng mang liên quan được quy định tại thiết lập đo kiểm trong 4.10 của ETSI TS 136 141. 4) Hoán đổi các đấu nối của các cổng thu BS và lặp lại các phép đo từ bước 1) đến 3). Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho BS có khả năng hoạt động đa sóng mang với các đầu nối ăng ten riêng biệt: 5) Với đo kiểm đơn băng tần, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần và các mô hình đo kiểm áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. 6) Tín hiệu can nhiễu đầu tiên áp dụng trên cùng cổng như tín hiệu mong muốn. Đo kiểm lặp lại với các tín hiệu can nhiễu áp dụng trên cổng khác (nếu có) được ánh xạ đến cùng máy thu như tín hiệu mong muốn. Tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten bất kỳ không có tín hiệu đơn sóng mang hoặc đa sóng mang được kết cuối. 7) Lặp lại bước 6) với tín hiệu mong muốn cho (các) băng tần khác áp dụng trong (các) cổng tương ứng. 3.3.8. Đặc tính xuyên điều chế máy thu 3.3.8.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm cho đa sóng mang: - BRFBW và TRFBW; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B'RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Thiết lập đo kiểm: 1) Thiết lập các hệ thống đo kiểm như mô tả trong C.2.7. của Phụ lục C. 3.3.8.2. Thủ tục đo 1) Tạo tín hiệu mong muốn bằng cách sử dụng cấu hình đo trong 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141 và thiết lập mức tín hiệu đến BS đang đo kiểm ở mức được quy định tại Bảng 38. 2) Điều chỉnh các bộ tạo tín hiệu phát ra tín hiệu can nhiễu tại các mức và độ lệch tần số được quy định tại Bảng 38 và Bảng 39 cho yêu cầu xuyên điều chế, Bảng 40 cho yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp BS vùng phủ rộng, Bảng 43 cho yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp BS vùng phủ trung bình, Bảng 41 cho yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp BS vùng phủ hẹp và Bảng 42 cho yêu cầu xuyên điều chế băng hẹp BS trong nhà. 3) Đo thông lượng theo quy định tại phụ lục E của ETSI TS 136 141, với hoạt động đa sóng mang, thông lượng đo được đối với các sóng mang liên quan phải tuân theo thủ tục đo kiểm trong 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 4) Lặp lại toàn bộ đo kiểm cho (các) cổng đã được kết cuối. Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho BS có khả năng hoạt động đa sóng mang với các đầu nối ăng ten riêng biệt: 5) Với đo kiểm băng tần đơn, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm băng tần đơn áp dụng cho sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. 6) Tín hiệu can nhiễu đầu tiên áp dụng trên cùng một cổng được coi như tín hiệu mong muốn. Đo kiểm lặp lại với các tín hiệu can nhiễu áp dụng trên cổng khác (nếu có) được ánh xạ đến cùng máy thu như tín hiệu mong muốn. Tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten bất kỳ không có tín hiệu đơn sóng mang hoặc đa sóng mang được kết cuối.. 7) Lặp lại bước 6) với tín hiệu mong muốn cho (các) băng tần khác áp dụng trong (các) cổng tương ứng. 3.3.9. Độ chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp 3.3.9.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường: xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí băng thông RF trạm gốc cần được đo kiểm cho đa sóng mang: - MRFBW tại hoạt động đơn băng tần; xem 3.1. - BRFBW_T'RFBW and B'RFBW_TRFBW tại hoạt động đa băng tần; xem 3.1. Thiết lập đo kiểm: 1) Thiết lập các hệ thống đo kiểm như mô tả trong C.2.4. của Phụ lục C. 3.3.9.2. Thủ tục đo cho độ chọn lọc kênh lân cận 1) Tạo tín hiệu mong muốn bằng cách sử dụng cấu hình đo trong 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141 và thiết lập mức tín hiệu đầu vào đến BS đang đo kiểm ở mức được quy định tại Bảng 46 cho BS vùng phủ rộng, trong Bảng 49 cho BS vùng phủ trung bình, Bảng 47 cho BS vùng phủ hẹp và Bảng 48 cho BS trong nhà. 2) Thiết lập tín hiệu can nhiễu tại tần số kênh lân cận và điều chỉnh mức tín hiệu can nhiễu tại đầu vào BS đến mức được quy định tại Bảng 46 cho BS vùng phủ rộng, Bảng 49 cho BS vùng phủ trung bình, Bảng 47 cho BS vùng phủ hẹp và Bảng 48 cho BS trong nhà. 3) Đo thông lượng theo quy định tại phụ lục E của ETSI TS 136 141, với hoạt động đa sóng mang, thông lượng đo được đối với các sóng mang liên quan phải tuân theo thủ tục đo kiểm trong 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 4) Lặp lại toàn bộ đo kiểm cho (các) cổng đã được kết cuối. Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho BS có khả năng hoạt động đa sóng mang với các đầu nối ăng ten riêng biệt: 5) Với đo kiểm băng tần đơn, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm băng tần đơn áp dụng cho sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Tín hiệu can nhiễu đầu tiên áp dụng trên cùng một cổng được coi như tín hiệu mong muốn. Đo kiểm lặp lại với các tín hiệu can nhiễu áp dụng trên cổng khác (nếu có) được ánh xạ đến cùng máy thu như tín hiệu mong muốn. Tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten bất kỳ không có tín hiệu đơn sóng mang hoặc đa sóng mang được kết cuối. 6) Lặp lại bước 5) với tín hiệu mong muốn cho (các) băng tần khác áp dụng trong (các) cổng tương ứng. 3.3.9.3. Thủ tục đo cho chặn băng hẹp 1) Với BS FDD chỉ có khả năng hoạt động sóng mang đơn, khởi động phát BS theo E-TM 1.1 của ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định do nhà sản xuất công bố. Với BS FDD khai báo có khả năng hoạt động đa sóng mang, thiết lập BS phát theo E-TM1.1 trên tất cả các sóng mang được cấu hình bằng cách sử dụng các thiết lập đo kiểm và công suất tương ứng theo quy định tại 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141. 2) Tạo tín hiệu mong muốn bằng cách sử dụng cấu hình đo trong 4.10 và 4.11 của ETSI TS 136 141 và thiết lập mức tín hiệu đến BS đang đo kiểm tại mức được quy định tại Bảng 44. Điều chỉnh mức tín hiệu mong muốn tại đầu vào BS ở mức tín hiệu được quy định tại Bảng 44, Thiết lập và điều chỉnh độ lệch tần số trung tâm RB can nhiễu tới biên kênh của tín hiệu mong muốn quy định tại Bảng 45. 3) Đo thông lượng theo quy định tại phụ lục E của ETSI TS 136 141, với hoạt động đa sóng mang, thông lượng đo được đối với các sóng mang liên quan phải tuân theo thủ tục đo kiểm trong 4.11 của ETSI TS 136 141. 4) Lặp lại toàn bộ đo kiểm cho (các) cổng đã được kết cuối. Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho BS có khả năng hoạt động đa sóng mang với các đầu nối ăng ten riêng biệt: 5) Với đo kiểm băng tần đơn, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm băng tần đơn áp dụng cho sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. 6) Tín hiệu can nhiễu đầu tiên áp dụng trên cùng một cổng được coi như tín hiệu mong muốn. Đo kiểm lặp lại với các tín hiệu can nhiễu áp dụng trong cổng khác (nếu có) được ánh xạ đến cùng máy thu như tín hiệu mong muốn. Tiến hành đo kiểm trong trường hợp đầu nối ăng ten bất kỳ không có tín hiệu đơn sóng mang hoặc đa sóng mang được kết cuối. 7) Lặp lại bước 6) với tín hiệu mong muốn cho (các) băng tần khác áp dụng trong (các) cổng tương ứng. 3.3.10. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh UTRA lân cận 3.3.10.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: M; xem 3.1; Thiết lập đo kiểm: 1) Thiết lập thiết bị như mô tả trong C.1.4. của Phụ lục C. 2) BS trong nhà được cấu hình đảm bảo các kênh lân cận cần được bảo vệ. 3.3.10.2. Thủ tục đo 1) Đấu nối các tín hiệu can nhiễu đường xuống được phối hợp (được xem như điểm D trong Hình C.4 của Phụ lục C) tới cổng đo dành riêng (được xem như điểm 1 trong Hình C.4 của Phụ lục C) trong trường hợp khả dụng, nếu không đấu nối tới điểm 2. 2) Cấu hình bộ tạo tín hiệu can nhiễu đồng kênh phát AWGN trên băng thông theo BWConfig được đặt giữa RF kênh M. 3) Cấu hình bộ tạo tín hiệu cho tín hiệu kênh lân cận DL để phát tín hiệu theo mô hình đo kiểm 1 trong ETSI TS 125 141 tại tần số trung tâm bằng RF kênh M + BWChannel/2 + 2,5 MHz. 4) Bật các bộ tạo tín hiệu phát các can nhiễu đồng kênh và can nhiễu kênh lân cận, và điều chỉnh ATT1 và ATT2 đến mức CPICH Êc = -80 dBm và Ioh = -50 dBm. 5) Kích thích cơ chế điều chỉnh công suất của trạm gốc trong nhà. 6) Cấu hình BS trong nhà để phát tín hiệu theo E-TM1.1 trong ETSI TS 136 141. Tín hiệu phải được phát với công suất ra cực đại cho phép. 7) Đo công suất ra của BS trong nhà, Pout, và kiểm tra công suất này có nhỏ hơn giá trị đã quy định theo các giá trị của CPICH Êc và Ioh được xác định trong bước 4). 8) Lặp lại các bước từ 3) đến 7) với tần số trong bước 3) được thiết lập ở RF kênh M-BWChannel - 2,5 MHz. 9) Lặp lại các bước từ 3) đến 8) với các thiết lập khác nhau cho ATT1 và ATT2 để đạt được các cặp CPICH Êc và Ioh như quy định tại Bảng 59. Bảng 59 - Thiết lập các tham số đo kiểm Trường hợp đo kiểm CRS Ês (dBm) Ioh (dBm) 2 -90 -60 3 -100 -70 4 -100 -50 3.3.11. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ kênh E-UTRA lân cận 3.3.11.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: M; xem 3.1. Ngoài ra, chỉ trên một kênh EARFCN, đo kiểm phải được thực hiện trong điều kiện nguồn cung cấp tới hạn quy định tại B.4. của Phụ lục B. CHÚ THÍCH: Các đo kiểm trong điều kiện nguồn cung cấp tới hạn cũng được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ tới hạn, xem B.2. của Phụ lục B. Tắt các bộ tạo tín hiệu phát ra các can nhiễu đồng kênh và can nhiễu kênh lân cận. Thiết lập đo kiểm: 1) Thiết lập thiết bị như mô tả trong C.1.4. của Phụ lục C. 2) BS trong nhà được cấu hình đảm bảo các kênh lân cận cần được bảo vệ. 3.3.11.2. Thủ tục đo 1) Đấu nối các tín hiệu can nhiễu đường xuống sau khi trộn (được xem như điểm D trong Hình C.4 của Phụ lục C) tới cổng đo dành riêng (được xem như điểm 1 trong Hình C.4 của Phụ lục C) trong trường hợp khả thi, nếu không đấu nối tới điểm 2. 2) Cấu hình bộ tạo tín hiệu can nhiễu đồng kênh phát AWGN trên băng thông theo BWConfig được đặt giữa RF kênh M. 3) Cấu hình bộ tạo tín hiệu cho tín hiệu DL kênh lân cận để phát tín hiệu theo E-TM1.1 trong ETSI TS 136 141 tại tần số trung tâm bằng RF kênh M + BWChannel MHz. 4) Bật các bộ tạo tín hiệu phát các nhiễu đồng kênh và nhiễu kênh lân cận, và điều chỉnh ATT1 và ATT2 đến mức CRS Ês = -65 - 10 x log10 dBm và Ioh = -50 dBm. 5) Kích thích cơ chế điều chỉnh công suất của trạm gốc trong nhà. 6) Cấu hình BS trong nhà để phát tín hiệu theo E-TM1.1 trong ETSI TS 136 141. Tín hiệu phải được phát với công suất ra cực đại cho phép. 7) Đo công suất ra của BS trong nhà, Pout, và kiểm tra xem công suất này có nhỏ hơn giá trị đã quy định theo các giá trị của CRS Ês và Ioh được xác định trong bước 4). 8) Lặp lại các bước từ 3) đến 7) với tần số trong bước 3) được thiết lập ở kênh M của RF - BWChannel MHz. 9) Lặp lại các bước từ 3) đến 8) với các thiết lập khác nhau cho ATT1 và ATT2 để đạt được các cặp CRS Ês và Ioh như quy định tại Bảng 60. Bảng 60 - Các cặp CRS Ês và Ioh Trường hợp đo kiểm CRS Ês (dBm) Ioh (dBm) 2 -75 - 10 x log10 -60 3 -90 - 10 x log10 -70 4 -90 - 10 x log10 -50 3.3.12. Công suất ra của trạm gốc trong nhà để bảo vệ E-UTRA đồng kênh 3.3.12.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: M; xem 3.1. Ngoài ra, chỉ trên một kênh EARFCN, đo kiểm phải được thực hiện trong điều kiện nguồn cung cấp tới hạn quy định tại B.4. của Phụ lục B. CHÚ THÍCH: Các đo kiểm trong điều kiện nguồn cung cấp tới hạn cũng được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ tới hạn, xem 8.2. của Phụ lục B. Tắt các bộ tạo tín hiệu phát ra các can nhiễu đồng kênh và can nhiễu kênh lân cận. Thiết lập đo kiểm: 1) Thiết lập thiết bị như mô tả trong C.1.5. của Phụ lục C dựa trên tùy chọn được BS trong nhà hỗ trợ. 2) Can nhiễu đồng kênh được cấu hình chứa ít nhất một tín hiệu của BS marco ngay cạnh. Đối với tùy chọn 2 trong Bảng 52, bộ tạo tín hiệu bổ sung cần cung cấp tín hiệu UL MUE. 3.3.12.2. Thủ tục đo 1) Đấu nối các tín hiệu can nhiễu đường xuống sau khi trộn (được xem như điểm D trong Hình C.5 của Phụ lục C) tới cổng đo dành riêng (được xem như điểm 1 trong Hình C.5 của Phụ lục C) trong trường hợp khả thi, nếu không đấu nối tới điểm 2. Riêng với tùy chọn 2 trong Bảng 52, đấu nối can nhiễu UL tới điểm 2 cho UL thu như trong Hình C.6. 2) Cấu hình bộ tạo tín hiệu can nhiễu đồng kênh phát AWGN trên băng thông theo BWConfig được đặt giữa RF kênh M. 3) Cấu hình X = 30 dB. Bật các bộ tạo tín hiệu phát các can nhiễu, và điều chỉnh ATT đến mức CRS Ês = -10 - 10 x log10 dBm và Ioh = -50 dBm. 4) Kích thích cơ chế điều chỉnh công suất của trạm gốc trong nhà. 5) Cấu hình BS trong nhà để phát tín hiệu theo E-TM1.1 trong ETSI TS 136 141. Tín hiệu phải được phát với công suất ra cực đại cho phép. 6) Đo công suất ra của BS trong nhà, Pout, và kiểm tra xem công suất này có nhỏ hơn giá trị đã quy định theo các giá trị của CRS Ês và Ioh được xác định trong bước 3). Giá trị Pmin cho đo kiểm là -10 dBm. 7) Lặp lại các bước từ 4) đến 6) với các thiết lập khác nhau cho ATT để đạt được các cặp CRS Ês và Ioh như quy định tại Bảng 61 hoặc Bảng 62, cho tùy chọn trong Bảng 52. Bảng 61 - Các CRS Ês và Ioh cho tùy chọn 1 Trường hợp đo kiểm CRS Ês (dBm) Ioh (dBm) 1 -20 - 10 x log10 -60 2 Pmin - 30- 10 x log10 -70 3 -90 - 10 x log10 -50 Bảng 62 - Các CRS Ês và Ioh cho tùy chọn 2 Trường hợp đo kiểm CRS Ês (dBm) Ioh (dBm) lob (dBm) 1 -75 - 10 x log10 -60 -98 2 Pmin - 30 - 10 x log10 -70 -98 3 -90 - 10 x log10 -50 -98 3.3.13. Mức chọn lọc chuẩn 3.3.13.1. Điều kiện ban đầu Môi trường đo kiểm: Bình thường; xem B.1. của Phụ lục B. Các kênh RF cần được đo kiểm cho đơn sóng mang: B, M và T; xem 3.1. Các vị trí đo bổ sung được thiết lập như sau: 1) Trên từng điểm B, M và T, đo kiểm phải thực hiện trong điều kiện nguồn cung cấp tới hạn quy định tại B.4. của Phụ lục B. Các đo kiểm trong điều kiện nguồn cung cấp tới hạn cũng được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ tới hạn, xem B.2. của Phụ lục B. 2) Kết nối thiết bị đo như mô tả trong C.2.1. của Phụ lục C. 3.3.13.2. Thủ tục đo 1) Với BS FDD, khởi động phát BS theo E-TM 1.1 trong ETSI TS 136 141 tại công suất ra danh định Prated,c do nhà sản xuất công bố. 2) Thiết lập công suất trung bình tín hiệu đo được quy định tại Bảng 53 cho BS vùng phủ rộng, Bảng 54 cho BS vùng phủ hẹp, Bảng 55 cho BS trong nhà và Bảng 56 cho BS vùng phủ trung bình. 3) Đo thông lượng theo phụ lục E trong ETSI 136 141. 4) Lặp lại bước đo cho (các) cổng RX khác. Ngoài ra, các bước sau áp dụng cho BS có khả năng hoạt động đa sóng mang: 5) Với đo kiểm băng tần đơn và BS có khả năng hoạt động đa sóng mang, lặp lại các bước trên cho từng băng tần liên quan trong đó các thiết lập đo kiểm đơn băng tần áp dụng với sóng mang không hoạt động trong băng tần khác. Không tiến hành đo kiểm đầu nối ăng ten được kết cuối với BS đa sóng mang có đầu nối ăng ten riêng biệt. 3.3.14. Phát xạ bức xạ 3.3.14.1. Phương pháp đo 1) Vị trí đo kiểm phải đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu Khuyến nghị ITU-R SM.329-12. Thiết bị cần đo kiểm EUT được đặt trên một giá đỡ không dẫn điện và được cấp nguồn qua bộ lọc RF để hạn chế bức xạ từ các dây dẫn điện. Công suất trung bình của bất kỳ thành phần phát xạ nào cũng phải được phát hiện bởi ăng ten đo kiểm và máy thu đo (ví dụ một máy phân tích phổ). Tại mỗi một tần số của phát xạ được phát hiện và công suất bức xạ hiệu dụng (E.R.P) của thành phần phát xạ đó được xác định bằng một phép đo thay thế, điều chỉnh độ cao của ăng ten đo kiểm và quay EUT để thu được đáp ứng tối đa. Phép đo phải được lặp lại với ăng ten đo kiểm trong mặt phẳng phân cực trực giao. CHÚ THÍCH: Công suất bức xạ hiệu dụng (E.R.P) là bức xạ của một nửa sóng đã được điều chỉnh bởi ăng ten lưỡng cực thay vì ăng ten đẳng hướng. Hệ số chuyển đổi giữa e.i.r.p và E.R.P. là 2,15 dB E.R.P (dBm) = e.i.r.p. (dBm) - 2,15 (Khuyến nghị SM.329-12, Phụ lục 1 của ITU-R). 2) BS phải phát với công suất tối đa theo công bố của nhà sản xuất với tất cả máy phát hoạt động. Thiết lập trạm gốc để phát một tín hiệu như đã quy định tại phần đo các phát xạ giả. Trong trường hợp có bộ lặp, độ tăng ích và công suất ra phải được điều chỉnh đến giá trị tối đa như đã được nhà sản xuất công bố. Sử dụng tín hiệu ngõ vào như đã quy định tại phần đo các phát xạ giả. 3) Độ rộng băng video phải gần bằng ba lần độ rộng băng phân giải. Nếu độ rộng băng video này không khả dụng trên máy thu đo thì độ rộng này phải được điều chỉnh tối đa có thể và tối thiểu phải bằng 1 MHz. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, tất cả các phép đo phải đo kiểm với công suất trung bình. Công suất thu được sẽ được đo trên các dải tần số và sử dụng băng thông đo kiểm quy định tại Bảng 57. 3.3.14.2. Cấu hình đo Mục này xác định các cấu hình để đo kiểm phát xạ như sau: - Thiết bị phải được đo kiểm trong các điều kiện đo kiểm bình thường theo quy định; - Cấu hình đo kiểm càng gần với cấu hình sử dụng thông thường càng tốt; - Nếu thiết bị là một phần của hệ thống hoặc được kết nối hệ thống qua thiết bị phụ, thì có thể đo kiểm thiết bị khi kết nối với cấu hình tối thiểu của thiết bị phụ cần thiết để thử các cổng; - Nếu thiết bị có nhiều cổng, phải lựa chọn đủ số cổng để mô phỏng các điều kiện hoạt động thực và bảo đảm rằng tất cả các kết cuối khác nhau đều được đo kiểm; - Các điều kiện đo kiểm, các cấu hình đo kiểm và chế độ hoạt động phải được ghi lại trong báo cáo đo kiểm; - Các cổng hoạt động bình thường được kết nối với một thiết bị phụ hoặc một đoạn cáp để mô phỏng các đặc tính vào/ra của thiết bị phụ, các cổng vào/ra tần số vô tuyến (RF) được kết cuối chính xác; - Đối với các cổng hoạt động bình thường không kết nối với cáp, ví dụ các đầu nối dịch vụ, các đầu nối lập trình, các đầu nối tạm thời. Các cổng này phải không được kết nối với bất cứ cáp nào cho mục đích đo kiểm. Khi có cáp kết nối tới những cổng này hoặc các cáp liên kết bắt buộc phải mở rộng chiều dài để đo kiểm EUT thì phải đảm bảo việc đo kiểm đánh giá EUT không bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung hay kéo dài các cáp này. Đối với một EUT chứa nhiều BS, chỉ cần thực hiện đo kiểm đối với các đầu nối của BS điển hình của EUT. Đối với EUT có nhiều trạm lặp. chỉ cần thực hiện đo kiểm đối với các đầu nối của trạm lặp điển hình của EUT. Tùy theo nhà sản xuất, đo kiểm có thể được thực hiện trên thiết bị phụ riêng rẽ hoặc trên một cấu hình điển hình của một tổ hợp thiết bị vô tuyến và thiết bị phụ. Trong mỗi trường hợp, EUT được đo kiểm theo các quy định về phát xạ của Quy chuẩn này và cho phép thiết bị phụ được sử dụng với các thiết bị vô tuyến khác. 4. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ 4.1. Thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại 1.1 phải tuân thủ các quy định kỹ thuật trong quy chuẩn này. 4.2. Tần số hoạt động của thiết bị: Tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam. 4.3. Phương tiện, thiết bị đo: Tuân thủ các quy định pháp luật về đo lường. 5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định về chứng nhận và công bố hợp quy các thiết bị thuộc phạm vi của quy chuẩn này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành. 6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 6.1. Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức triển khai hướng dẫn và quản lý các thiết bị vô tuyến theo quy chuẩn này. 6.2. Quy chuẩn này được áp dụng thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 110:2017/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA - Phần truy nhập vô tuyến”. 6.3. Trong trường hợp các quy định nêu tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới. 6.4. Trong quá trình triển khai thực hiện quy chuẩn này, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ) để được hướng dẫn, giải quyết./. Phụ lục A (Quy định) Cấu hình trạm gốc A.1. Thu tín hiệu với nhiều đầu nối ăng ten máy thu, phân tập máy thu Với các đo kiểm trong 3, yêu cầu phải áp dụng tại từng đầu nối ăng ten máy thu cho các máy thu với phân tập ăng ten hoặc trong trường hợp thu đa sóng mang với nhiều đầu nối ăng ten máy thu. Các yêu cầu máy thu được đo tại đầu nối ăng ten với các máy thu còn lại bị vô hiệu hóa hoặc kết cuối các đầu nối ăng ten của nó. Nếu nhà sản xuất công bố theo cách máy thu tương đương, có đủ khả năng áp dụng các quy định tín hiệu đo tại một đầu nối ăng ten máy thu bất kỳ. Với BS đa sóng mang, các đo kiểm đa sóng mang cho chặn và xuyên điều chế được thực hiện với nhiều can nhiễu áp dụng cho từng đầu nối ăng ten ánh xạ đến máy thu cho các tín hiệu mong muốn, tuy nhiên chỉ với duy nhất một ăng ten tại một thời điểm. Kết cuối áp dụng với các đầu nối ăng ten không có tín hiệu. A.2. Các bộ song công Những yêu cầu của quy chuẩn này phải được đáp ứng với một bộ song công thích hợp, nếu bộ song công được cung cấp như một phần của BS. Nếu bộ song công được nhà sản xuất cung cấp như một tùy chọn, thì những đo kiểm đầy đủ phải được lặp lại trong trường hợp có và không có bộ song công thích hợp để xác định xem BS có đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn này trong cả hai trường hợp hay không. Những đo kiểm sau đây phải được thực hiện với bộ song công thích hợp, và không có bộ song công thích hợp nếu bộ song công này là tùy chọn: 1) 3.3.4, công suất ra cực đại của trạm gốc, chỉ đối với mức công suất tĩnh cao nhất, nếu đo tại đầu nối ăng ten; 2) 3.3.3, các phát xạ phổ của máy phát; bên ngoài băng phát của BS; 3) 3.3.5, xuyên điều chế máy phát; để đo kiểm hợp quy, các tần số sóng mang phải được lựa chọn để giảm thiểu các thành phần xuyên điều chế từ các máy phát rơi vào các kênh thu. Những đo kiểm còn lại có thể được thực hiện trong trường hợp có hoặc không có bộ song công thích hợp. CHÚ THÍCH 1: Khi thực hiện đo kiểm máy thu với một bộ song công thích hợp, điều quan trọng là phải bảo đảm sao cho đầu ra từ các máy phát không ảnh hưởng đến thiết bị đo kiểm. Có thể sử dụng một tổ hợp các bộ suy hao, các bộ cách ly và các bộ lọc để đạt được việc này. CHÚ THÍCH 2: Khi sử dụng các bộ song công, các thành phần xuyên điều chế được tạo ra, không chỉ ở trong bộ song công mà còn ở trong hệ thống ăng ten. Các thành phần xuyên điều chế được tạo ra trong hệ thống ăng ten không được điều chỉnh theo các yêu cầu kỹ thuật, và có thể suy giảm trong thời gian hoạt động (ví dụ: do sự thâm nhập của hơi nước). Vì vậy, để bảo đảm cho hoạt động liên tục thỏa đáng của một BS, thông thường nhà khai thác sẽ lựa chọn các UARFCN để giảm thiểu các thành phần xuyên điều chế rơi vào các kênh thu. Nhà khai thác có thể chỉ định các UARFCN cần dùng để đo kiểm toàn diện. A.3. Các tùy chọn nguồn cung cấp Nếu BS được cung cấp với một số cấu hình nguồn cung cấp khác nhau, có thể không cần đo kiểm các tham số RF đối với từng tùy chọn của nguồn cung cấp điện nếu chứng minh được rằng phạm vi các điều kiện mà thiết bị được đo kiểm ít ra cũng lớn bằng phạm vi các điều kiện đặt ra cho bất cứ cấu hình nguồn cung cấp nào. Điều này được đặc biệt áp dụng nếu một BS có một thanh DC có thể được cấp nguồn từ bên ngoài hoặc từ một nguồn cung cấp của mạng điện nội bộ. Trong trường hợp này, những điều kiện về nguồn cung cấp điện tới hạn đối với các tùy chọn của nguồn cung cấp của mạng điện có thể được đo kiểm bằng cách chỉ đo kiểm tùy chọn của nguồn cung cấp DC bên ngoài. Dải điện áp vào DC để đo kiểm phải đủ để xác định chỉ tiêu đối với bất cứ nguồn cung cấp điện nào trong các nguồn cung cấp điện, trong phạm vi điều kiện hoạt động của BS, kể cả sự thay đổi của điện áp vào của mạng điện, nhiệt độ và dòng ra. A.4. Các bộ khuếch đại RF phụ Các yêu cầu của quy chuẩn này phải được đáp ứng với bộ khuếch đại RF phụ thích hợp. Với những đo kiểm theo mục 3 cho TX và RX tương ứng, bộ khuếch đại phụ được nối với BS qua một mạng kết nối (bao gồm bất cứ (các) cáp, (các) bộ suy hao nào...) với suy hao phù hợp để bảo đảm những điều kiện hoạt động thích hợp của bộ khuếch đại phụ và BS. Dải suy hao thích hợp của mạng kết nối được nhà sản xuất công bố. Những đặc tính khác và sự phụ thuộc nhiệt độ của độ suy hao của mạng kết nối được bỏ qua. Giá trị suy hao thực của mạng nối được chọn cho từng đo kiểm là một trong số các giá trị tới hạn được áp dụng. Giá trị thấp nhất được sử dụng nếu không có quy định khác. Những đo kiểm thích đáng phải được lặp lại với bộ khuếch đại phụ thích hợp và không có bộ khuếch đại RF phụ, nếu bộ khuếch đại RF phụ đó là tùy chọn, để kiểm tra xem BS đáp ứng những yêu cầu của quy chuẩn trong cả hai trường hợp hay không. Khi đo kiểm, những đo kiểm trong Bảng A.1 dưới đây phải được lặp lại với bộ khuếch đại phụ tùy chọn thích hợp, trong đó X chỉ ra rằng đo kiểm là thích hợp: Bảng A.1 - Các đo kiểm áp dụng cho các bộ khuếch đại RF phụ Chỉ cho bộ khuếch đại TX Chỉ cho bộ khuếch đại RX Cho các bộ khuếch đại TX/RX kết hợp (xem chú thích) Các đo kiểm máy thu 3.3.9 X X 3.3.7 X X 3.3.6 X X 3.3.8 X 3.3.13 X X Các đo kiểm máy phát 3.3.1 X X 3.3.2 X X 3.3.3 X X 3.3.4 X X 3.3.5 X X CHÚ THÍCH: Việc kết hợp có thể do các bộ lọc song công hoặc bất cứ mạng nào khác. Các bộ khuếch đại có thể ở trong nhánh RX hoặc ở trong nhánh TX hoặc trong cả hai nhánh. Một trong hai bộ khuếch đại này có thể là một mạng thụ động. Trong đo kiểm tại 3.3.4, giá trị suy hao phù hợp lớn nhất được áp dụng. A.5. BS sử dụng các giàn ăng ten Một BS có thể được cấu hình với một kết nối đa cổng ăng ten cho một số hoặc tất cả các máy thu phát của nó; hoặc một BS có thể được cấu hình với một giàn ăng ten liên quan đến một cell (không phải một giàn cho từng máy thu phát). Điều này áp dụng cho một BS đáp ứng được ít nhất một trong các điều kiện sau đây: - Các tín hiệu ra của máy phát từ một hoặc nhiều máy thu phát xuất hiện tại nhiều cổng ăng ten; hoặc - Có nhiều cổng ăng ten của máy thu cho một máy thu phát hoặc cho từng cell và một tín hiệu vào được yêu cầu tại nhiều cổng để máy thu hoạt động đúng, do vậy các đầu ra từ các máy phát cũng như các đầu vào các máy thu được kết nối trực tiếp với vài ăng ten; hoặc CHÚ THÍCH: Thu phân tập không đáp ứng yêu cầu này. - Các máy phát và các máy thu được kết nối qua các bộ song công tới nhiều ăng ten. Trong hoạt động bình thường, nếu một BS được sử dụng cùng với một hệ thống ăng ten chứa các bộ lọc hoặc các phần tử tích cực cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của UTRA, đo kiểm có thể được thực hiện trên một hệ thống bao gồm BS cùng với các phần tử này, được cung cấp riêng cho mục đích đo kiểm. Trong trường hợp này, phải chứng minh rằng chỉ tiêu của cấu hình cần được đo kiểm là điển hình cho hệ thống trong hoạt động bình thường và việc đánh giá hợp quy chỉ có thể áp dụng khi dùng BS với hệ thống ăng ten. Để đo kiểm hợp quy một BS như vậy, các thủ tục sau đây có thể được sử dụng. A.5.1. Đo kiểm máy thu Đối với từng đo kiểm, các tín hiệu đo kiểm được đưa tới các đầu nối ăng ten của máy thu phải đủ lớn sao cho tổng các công suất của các tín hiệu đưa vào bằng công suất của (các) tín hiệu đo kiểm được chỉ ra trong đo kiểm. Ví dụ về một cấu hình đo kiểm thích hợp được chỉ ra trong Hình A.1. Hình A.1 - Thiết lập đo kiểm máy thu Đối với các phát xạ giả từ đầu nối ăng ten của máy thu, có thể thực hiện đo kiểm riêng biệt cho từng đầu nối ăng ten của máy thu. A.5.2. Đo kiểm máy phát Đối với từng đo kiểm, các tín hiệu đo kiểm được đưa tới các đầu nối ăng ten của máy phát (Pi) phải đủ lớn sao cho tổng các công suất của các tín hiệu đưa vào bằng công suất của (các) tín hiệu đo kiểm (Ps) được chỉ ra trong đo kiểm. Có thể đánh giá việc này bằng cách đo riêng các tín hiệu được phát xạ bởi từng đầu nối ăng ten và cộng các kết quả lại, hoặc bằng cách kết hợp các tín hiệu và thực hiện một phép đo đơn. Các đặc tính (ví dụ biên độ và pha) của mạng kết hợp phải lớn đến mức công suất của tín hiệu kết hợp là tối đa. Ví dụ về một cấu hình đo kiểm thích hợp được chỉ ra trong Hình A.2. Hình A.2 - Thiết lập đo kiểm máy phát Đối với suy hao xuyên điều chế, có thể thực hiện đo kiểm riêng biệt cho từng đầu nối ăng ten của máy phát. A.6. Phát với nhiều đầu nối ăng ten máy phát Với các đo kiểm tại mục 3, yêu cầu áp dụng cho từng đầu nối ăng ten máy phát trong trường hợp phát cho nhiều đầu nối ăng ten máy phát, trừ khi có quy định khác. Các yêu cầu của máy phát được đo kiểm tại đầu nối ăng ten, với (các) đầu nối ăng ten còn lại đã được kết cuối. Nếu nhà sản xuất công bố theo cách máy phát tương đương, nó có khả năng đo tín hiệu tại một đầu nối ăng ten máy phát bất kỳ. A.7. BS với môdem BS luant tích hợp Đối với các đo kiểm trong quy chuẩn này, môdem BS luant tích hợp sẽ bị tắt. Các phát xạ giả theo quy định tại 3.3.3 và 3.3.6 chỉ đo tại các tần số lớn hơn 20 MHz với môdem BS luant tích hợp được bật, trừ khi có quy định khác. Phụ lục B (Tham khảo) Điều kiện môi trường Mục này xác định các điều kiện môi trường cho từng phép đo kiểm BS. Các điều kiện môi trường sau đây do nhà cung cấp khai báo: - Áp suất khí quyển: thấp nhất và cao nhất; - Nhiệt độ: thấp nhất và cao nhất; - Độ ẩm tương đối: thấp nhất và cao nhất; - Nguồn điện: giới hạn điện áp trên và dưới. Khi hoạt động bên ngoài các giới hạn biên của điều kiện môi trường hoạt động đã khai báo, thiết bị này không được ảnh hưởng đến việc sử dụng hiệu quả phổ tần và gây ra nhiễu có hại. B.1. Môi trường đo kiểm bình thường Khi môi trường đo kiểm bình thường được chỉ định, đo kiểm phải thực hiện trong các giới hạn thấp nhất và cao nhất của các điều kiện được chỉ định trong Bảng B.1. Bảng B.1 - Giới hạn các điều kiện cho môi trường đo kiểm Điều kiện Thấp nhất Cao nhất Áp suất khí quyển 86 kPa 106 kPa Nhiệt độ 15 °C 30 °C Độ ẩm tương đối 20 % 85 % Nguồn điện Danh định, do nhà sản xuất công bố Độ rung Không đáng kể Các dải áp suất khí quyển, nhiệt độ và độ ẩm trên đây tương ứng với sự biến thiên tối đa được mong đợi trong môi trường không bị kiểm soát của một phòng thử nghiệm. Nếu không thể duy trì các tham số này trong phạm vi các giới hạn đã chỉ định, các giá trị thực tế phải được ghi lại trong báo cáo đo kiểm. CHÚ THÍCH: Ví dụ, các phép đo phát xạ bức xạ trong một điểm đo kiểm trường mở rộng. B.2. Môi trường đo kiểm tới hạn Nhà sản xuất phải khai báo một trong những điều kiện sau: 1) Loại thiết bị đại diện cho thiết bị cần được đo kiểm, như được định nghĩa trong TCVN 7921-3-3. 2) Loại thiết bị đại diện cho thiết bị cần được đo kiểm, như được định nghĩa trong TCVN 7921-3-4. 3) Đối với thiết bị không tuân theo các loại đã được đề cập đến, các loại có liên quan trong bộ TCVN 7921 về nhiệt độ, độ ẩm và độ rung, phải được khai báo. CHÚ THÍCH: Sự suy giảm tính năng do các điều kiện môi trường nằm ngoài các điều kiện hoạt động chuẩn không được đo kiểm trong quy chuẩn này. Những điều kiện môi trường này có thể được quy định và đo kiểm riêng. B.2.1. Nhiệt độ tới hạn Khi một môi trường đo kiểm nhiệt độ tới hạn được chỉ định cho một đo kiểm, đo kiểm phải được thực hiện với các nhiệt độ hoạt động thấp nhất và cao nhất chuẩn do nhà sản xuất công bố cho thiết bị cần được đo kiểm. Nhiệt độ thấp nhất: Đo kiểm phải được thực hiện với thiết bị và các phương pháp đo kiểm môi trường gồm cả các hiện tượng môi trường yêu cầu tác động vào thiết bị, tuân theo thủ tục đo kiểm của TCVN 7699-2-1 Nhiệt độ cao nhất: Đo kiểm phải được thực hiện với thiết bị và các phương pháp đo kiểm môi trường gồm cả các hiện tượng môi trường yêu cầu tác động vào thiết bị, tuân theo thủ tục đo kiểm của TCVN 7699-2-2. CHÚ THÍCH: Khuyến nghị rằng thiết bị được vận hành đầy đủ chức năng trước khi được đưa tới nhiệt độ hoạt động cận dưới của nó. B.3. Độ rung Khi các điều kiện về độ rung được chỉ định cho một đo kiểm, đo kiểm phải được thực hiện khi thiết bị được rung theo một trình tự được xác định theo khai báo của nhà sản xuất cho thiết bị đo kiểm. Đo kiểm phải sử dụng thiết bị và các phương pháp đo kiểm môi trường gồm cả các hiện tượng môi trường yêu cầu tác động vào thiết bị, tuân theo thủ tục đo kiểm của TCVN 7699-2-6. Các điều kiện môi trường khác phải nằm trong phạm vi được chỉ rõ tại B.1. CHÚ THÍCH: Các mức rung cao hơn có thể gây ra ứng suất vật lý quá mức bên trong thiết bị sau một đợt đo kiểm kéo dài. Nhóm đo kiểm chỉ nên làm rung thiết bị trong quá trình đo RF. B.4. Nguồn cung cấp Khi các điều kiện về nguồn cung cấp tới hạn được chỉ định cho một đo kiểm, đo kiểm phải thực hiện với các giới hạn chuẩn trên và dưới của điện áp hoạt động được xác định theo khai báo của nhà sản xuất cho thiết bị đang đo kiểm. Giới hạn điện áp trên: Thiết bị phải được cung cấp một điện áp bằng giới hạn trên theo khai báo của nhà sản xuất thiết bị (khi được đo tại các đầu vào của thiết bị). Các đo kiểm phải thực hiện với các giới hạn nhiệt độ thấp nhất và cao nhất ở trạng thái ổn định theo khai báo của nhà sản xuất cho thiết bị, với các phương pháp quy định tại TCVN 7699-2-1: Đo kiểm Ab/Ad và TCVN 7699-2-2: Đo kiểm Bb/Bd: Nung khô. Giới hạn điện áp dưới: Thiết bị phải được cung cấp một điện áp bằng giới hạn dưới theo khai báo của nhà sản xuất thiết bị (khi được đo tại các đầu vào của thiết bị). Các đo kiểm phải thực hiện với các giới hạn nhiệt độ thấp nhất và cao nhất ở trạng thái ổn định theo khai báo của nhà sản xuất cho thiết bị, với các phương pháp quy định tại TCVN 7699-2-1: Đo kiểm Ab/Ad và TCVN 7699-2-2: Đo kiểm Bb/Bd: Nung khô. B.5. Phép đo cho các môi trường đo kiểm Độ chính xác đo của môi trường kiểm tra BS định nghĩa trong Phụ lục B là: Áp suất: ±5 kPa. Nhiệt độ: ±2 độ. Độ ẩm tương đối: ±5%. Điện áp một chiều: ±1,0%. Điện áp xoay chiều: ±1,5 %. Độ rung: ±10%. Tần số rung: 0,1 Hz. Các giá trị trên phải được áp dụng, trừ khi môi trường đo kiểm được kiểm soát và các yêu cầu kỹ thuật để kiểm soát môi trường đo kiểm có chỉ định độ không bảo đảm cho các tham số. Phụ lục C (Tham khảo) Sơ đồ đo C.1. Máy phát C.1.1. Công suất ra của trạm gốc, công suất ra động, chất lượng tín hiệu phát, lỗi tần số, EVM, công suất DL RS, phát xạ không mong muốn Hình C.1 - Thiết lập hệ thống đo công suất ra của trạm gốc, công suất ra động, chất lượng tín hiệu phát, lỗi tần số, EVM, công suất DL RS, phát xạ không mong muốn C.1.2. Xuyên điều chế máy phát Hình C.2 - Thiết lập hệ thống đo xuyên điều chế máy phát C.1.3. Lỗi hiệu chỉnh thời gian Hình C.3 - Thiết lập hệ thống đo lỗi hiệu chỉnh thời gian C.1.4. Công suất ra BS trong nhà để bảo vệ kênh lân cận Hình C.4 – Thiết lập hệ thống đo công suất ra BS trong nhà để bảo vệ kênh lân cận C.1.5. Công suất ra BS trong nhà để bảo vệ đồng kênh E-UTRA Hình C.5 - (Tùy chọn 1) Thiết lập hệ thống đo công suất ra BS trong nha để bảo vệ đồng kênh E-UTRA Hình C.6 - (Tùy chọn 2) Thiết lập hệ thống đo công suất ra BS trong nhà để bảo vệ đồng kênh E-UTRA C.2. Máy thu C.2.1. Mức chọn lọc chuẩn Hình C.7 - Thiết lập hệ thống đo mức chọn lọc chuẩn trạm gốc C.2.2. Dải động Hình C.8 - Thiết lập hệ thống đo dải động C.2.3. Chọn lọc trong kênh Hình C.9 - Thiết lập hệ thống đo độ chọn lọc trong kênh C.2.4. Chọn lọc kênh lân cận (ACS) và chặn băng hẹp Hình C.10 - Thiết lập hệ thống đo độ chọn lọc kênh lân cận và chặn băng hẹp C.2.5. Các đặc tính chặn Hình C.11 - Thiết lập hệ thống đo các đặc tính chặn C.2.6. Phát xạ giả máy thu Hình C.12 - Thiết lập hệ thống đo phát xạ giả máy thu C.2.7. Các đặc tính xuyên điều chế Hình C.13 - Thiết lập hệ thống đo các đặc tính xuyên điều chế Phụ lục D (Quy định) Mã số HS của thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA TT Tên sản phẩm, hàng hóa theo QCVN Mã số HS Mô tả sản phẩm, hàng hóa 01 Thiết bị trạm gốc thông tin di động E-UTRA 8517.61.00 Thiết bị trạm gốc trong mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ E-UTRA FDD hoặc TDD có hoặc không tích hợp một hoặc nhiều các chức năng sau: - Thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM; - Thiết bị trạm gốc thông tin di động W-CDMA; - Thiết bị trạm gốc thông tin di động thế hệ thứ năm (5G). Thư mục tài liệu tham khảo [1] ETSI EN 301 908-1 V15.1.1 (2021-09): “IMT cellular networks; Harmonised Standard covering the essential requirements of article 3.2 of the Directive 2014/53/EU; Part 1: Introduction and common requirements”. [2] ETSI EN 301 908-14 V15.1.1 (2021-09): IMT cellular networks; Harmonised Standard covering the essential requirements of article 3.2 of the Directive 2014/53/EU; Part 1: Introduction and common requirements.
{ "issuing_agency": "Bộ Thông tin và Truyền thông", "promulgation_date": "24/11/2023", "sign_number": "15/2023/TT-BTTTT", "signer": "Nguyễn Mạnh Hùng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-840-KH-GDDT-CTTT-2019-pho-bien-phap-luat-trong-nha-truong-So-Giao-duc-Ho-Chi-Minh-557623.aspx
Kế hoạch 840/KH-GDĐT-CTTT 2019 phổ biến pháp luật trong nhà trường Sở Giáo dục Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 840/KH -GDĐT-CTTT Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 3 năm 2019 KẾ HOẠCH TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG” ĐẾN NĂM 2021 Căn cứ Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; Căn cứ Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021; Căn cứ Kế hoạch số 2686/KH-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2021; Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2019; Căn cứ Công văn số 7856/STP-PBGDPL ngày 21 tháng 8 năm 2018 của Sở Tư pháp về việc Ban chỉ đạo thực hiện các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2018-2021; Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 với những nội dung cụ thể như sau: I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU 1. Mục tiêu chung - Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. - Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và người học, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 2. Mục tiêu cụ thể - Năm 2019: Phấn đấu 85% giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy kiến thức, môn học, học phần về pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật. - Năm 2020: Phấn đấu 90% giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy kiến thức, môn học, học phần về pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến nhà trường, nhà giáo, người học, cán bộ quản lý, người lao động, theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, lồng ghép thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống; hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, sinh hoạt chi bộ, họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chính trị-xã hội, phương tiện trực quan, bảng thông tin, cổng thông tin điện tử; xây dựng thực hiện trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị. - Năm 2021: Phấn đấu 95% giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy kiến thức, môn học, học phần về pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến nhà trường, nhà giáo, người học, cán bộ quản lý, người lao động, theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, lồng ghép thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống; hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, sinh hoạt chi bộ, họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chính trị - xã hội, phương tiện trực quan, bảng thông tin, cổng thông tin điện tử, xây dựng thực hiện trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị. - Rà soát, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, sách, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; đổi mới phương pháp giảng dạy kiến thức pháp luật trong nhà trường gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tập trung vào các quy định gắn với giáo dục và đào tạo; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào nội dung chương trình, giáo trình môn học pháp luật. - Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý, hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường; triển khai giảng dạy môn học pháp luật, giáo dục công dân trực tuyến, xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật điện tử, kết nối, chia sẻ, tích hợp tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường trên môi trường mạng để phục vụ công tác giảng dạy và học tập môn giáo dục công dân, pháp luật. 3. Yêu cầu - Kế thừa kết quả và kinh nghiệm đã triển khai thực hiện Đề án 1928 trong giai đoạn 2009-2016 để triển khai có hiệu quả đến năm 2021, bảo đảm tính liên tục và tính hệ thống của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. - Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, cơ quan, đoàn thể để bảo đảm triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. - Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường chú trọng giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người học để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện. II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 1. Quán triệt, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và nhiệm vụ chính trị được giao; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 2. Tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả; kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. 3. Rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, sách, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; đổi mới phương pháp giảng dạy kiến thức pháp luật trong nhà trường gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cụ thể: - Rà soát, phân công, thống nhất giao nhiệm vụ cho đơn vị, cán bộ làm đầu mối tham mưu triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. - Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, bảo đảm có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tốt; ưu tiên phát triển nguồn tại chỗ, chú trọng xây dựng, quản lý, sử dụng và điều phối hiệu quả đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong nhà trường đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Bố trí nhân sự phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện. - Phát huy vai trò nòng cốt người làm công tác pháp chế trong tham mưu, điều phối, tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. - Định kỳ hàng năm tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng qua mạng, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục, cung cấp đủ tài liệu để nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, chú trọng việc điện tử hóa các tài liệu, học liệu, hình thành kho học liệu số, thư viện điện tử. 5. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, gắn kết chặt chẽ với giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong nội dung và hình thức thực hiện: - Về nội dung: Tập trung tuyên truyền, phổ biến: Hiến pháp năm 2013; tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật, pháp lệnh mới, quy định mới liên quan đến giáo dục; chú trọng giáo dục ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tác động của chính sách pháp luật; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội dung chính sách pháp luật về: an ninh quốc phòng, ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; lao động, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội; y tế; thuế; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xử lý vi phạm hành chính; hình sự; an toàn giao thông; quy chế dân chủ ở cơ sở; khiếu nại; tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; phòng, chống mại dâm, ma túy; hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; luật trẻ em; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; nghĩa vụ quân sự, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; cải cách hành chính; hỗ trợ khởi nghiệp; pháp luật về Internet và an toàn thông tin mạng.... - Về hình thức: Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, Cổng thông tin, trang thông tin điện tử; xây dựng, tổng kết, nhân rộng các mô hình có hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh bằng nhiều hình thức phù hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống; hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, sinh hoạt chi bộ, họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chính trị - xã hội, qua các khẩu hiệu, phương tiện trực quan, bảng thông tin, cổng thông tin điện tử tại đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn; lồng ghép, phối hợp tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân, Pháp luật ở cơ sở quận - huyện, cấp Thành phố; Hội thi “Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật”; Hội thi “Người tuyên truyền pháp luật giỏi” ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố; nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp. Các hoạt động này cần đa dạng, sinh động, phù hợp cho từng đối tượng và được tổ chức thường xuyên, kết hợp trong việc kỷ niệm các ngày lịch sử, dịp lễ tết, các cuộc vận động lớn của thành phố và của ngành. 6. Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội, tăng cường xã hội hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, tổ chức, cá nhân tư vấn, hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, người làm công tác pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học. Tăng cường phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các ngành Tư pháp, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Quận đội Thành phố, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Thông tin và Truyền thông, Thành đoàn Thành phố, các Sở, Ngành liên quan và các cơ quan, tổ chức từ thành phố tới phường - xã, thị trấn. 7. Hưởng ứng phong trào thi đua theo Kế hoạch số 7207/KH-UBND ngày 31/7/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức và phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam giai đoạn 2018- 2023, hướng tới kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 09/11/2013-09/11/2023 trên địa bàn Thành phố. Thời gian thực hiện: Cả năm, cao điểm từ ngày 01/11 đến 09/11 tại cơ quan, đơn vị bằng hướng đổi mới hình thức, thiết thực và hiệu quả. 8. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa hiệu quả; động viên, khen thưởng những đơn vị làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo - Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, phòng ban cơ quan Sở có liên quan tổ chức tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”. - Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án. - Hằng năm, ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành nhằm triển khai thực hiện đề án. 2. Công đoàn giáo dục Thành phố - Tuyên truyền, vận động công đoàn viên thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021. - Chỉ đạo, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường qua các hình thức truyền thông, sinh hoạt, hội họp, hội thi trong công đoàn viên. - Phối hợp với phòng, ban cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan báo cáo, kiểm tra đơn vị triển khai thực hiện đề án. 3. Văn phòng Sở - Tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Sở gửi Sở Tài chính trước ngày 15/7 hằng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. - Phối hợp thực hiện quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí đề án theo quy định pháp luật hiện hành. 4. Phòng Kế hoạch tài chính - Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện công khai việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí triển khai thực hiện đề án; số liệu dự toán, quyết toán; Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. - Tham mưu, phối hợp với phòng, ban cơ quan Sở và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý thực hiện quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí đề án theo quy định pháp luật hiện hành. 5. Phòng Giáo dục Mầm non, Phòng Giáo dục Tiểu học, Phòng Giáo dục Trung học, Phòng Giáo dục thường xuyên, Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Đại học, Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Chỉ đạo cơ sở giáo dục và đào tạo, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 trong giảng dạy, hoạt động giáo dục, các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, quy chế chuyên môn. - Chỉ đạo đơn vị thực hiện giảng dạy nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường hiệu quả, linh hoạt trong giảng dạy chính khóa, lồng ghép giảng dạy trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. 6. Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục - Đăng tải, cập nhật toàn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan; hoạt động triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trên cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. 7. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận-huyện; Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc - Tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai nội dung Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo kinh phí thực hiện PBGDPL; phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. - Nâng cao năng lực, mở rộng quy mô đào tạo bổ sung, chuẩn hoá; Phối hợp tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy của giáo viên Pháp luật, Giáo dục công dân. - Xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập các môn học Pháp luật, Giáo dục công dân; Lựa chọn nội dung giáo dục pháp luật phù hợp; đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho học sinh, sinh viên. - Nghiên cứu, áp dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trên các trang mạng xã hội do nhà trường vận hành và quản lý; xây dựng chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên bản tin nội bộ, cổng thông tin điện tử của trường; triển khai xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật. - Cán cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai hiệu quả tại cơ quan, đơn vị và các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý. Định kỳ 6 tháng và cuối năm báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo. - Phối hợp, tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 với các hình thức truyền thông, hội họp, hội thi phong phú, hiệu quả, đúng quy định. - Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, báo cáo thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 tại các cơ sở giáo dục trực thuộc. IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành và các nguồn vận động, tài trợ, xã hội hợp pháp khác (nếu có). Việc lập dự toán chi tiết hàng năm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở nội dung Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Trên đây là Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên hệ Phòng Chính trị tư tưởng của Sở Giáo dục và Đào tạo (Bà Lương Cao Thúy Uyên, email: [email protected]. điện thoại: 098 9950769). Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng đơn vị quan tâm và triển khai thực hiện nghiêm túc đầy đủ các nội dung trên./. Nơi nhận: - Bộ Giáo dục và Đào tạo; - Văn phòng UBNDTP; - Ban Giám đốc Sở GD&ĐT; - Trưởng phòng, ban cơ quan Sở GD&ĐT; - Trưởng phòng GD&ĐT quận-huyện; - Hiệu trưởng trường CĐ-TC, THPT; - Thủ trưởng đơn vị trực thuộc; - Lưu: VP, CTTT. KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC Bùi Thị Diễm Thu
{ "issuing_agency": "Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "18/03/2019", "sign_number": "840/KH-GDĐT-CTTT", "signer": "Bùi Thị Diễm Thu", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Thong-tu-14-2020-TT-NHNN-giam-dinh-tu-phap-trong-linh-vuc-tien-te-va-ngan-hang-457880.aspx
Thông tư 14/2020/TT-NHNN giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng mới nhất
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 14/2020/TT-NHNN Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2020 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC TIỀN TỆ VÀ NGÂN HÀNG Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020; Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017; Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ- CP ngày 29 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về thẩm quyền, tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là giám định viên tư pháp); công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là người giám định tư pháp theo vụ việc); quy chuẩn chuyên môn; quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước). 2. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Vụ, Cục và tương đương; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Điều 3. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng Giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm giám định tư pháp về: 1. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành; 2. Hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng; 3. Hoạt động ngân hàng, bao gồm các hoạt động: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; 4. Bảo hiểm tiền gửi; 5. Các hoạt động khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật. Điều 4. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; thành lập Hội đồng giám định 1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: a) Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; b) Cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; c) Công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc đối với người giám định tư pháp theo vụ việc của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, trừ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; d) Thành lập Hội đồng giám định. 2. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc tại đơn vị mình. Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ Mục 1. TIÊU CHUẨN, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CẤP, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP; CÔNG NHẬN, HỦY BỎ CÔNG NHẬN, ĐĂNG TẢI DANH SÁCH NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC Điều 5. Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc 1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp: a) Tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp; b) Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành tài chính - ngân hàng; kế toán; kinh tế; luật; công nghệ thông tin, mỹ thuật, công nghệ kỹ thuật in và công nghệ hóa học do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam; c) Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp. 2. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc. Trường hợp người không có trình độ đại học nhưng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực nêu tại Điều 3 Thông tư này và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thực tiễn trở lên ở lĩnh vực đó thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc. Điều 6. Hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp 1. Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp: a) Văn bản đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác; b) Bản sao có chứng thực các văn bằng chứng minh chuyên ngành được đào tạo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm; văn bản công nhận của cấp có thẩm quyền đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền; d) Xác nhận thời gian hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này; Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn tại đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước hoặc tại các cơ quan, tổ chức khác (đơn vị khác) thì thời gian hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm thời gian thực tế làm việc tại đơn vị đề nghị và thời gian thực tế làm việc tại đơn vị khác; đ) 02 ảnh cỡ 2cm x 3cm theo quy định của Bộ Tư pháp. 2. Hồ sơ miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp: a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đó; b) Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp. Điều 7. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp 1. Bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp: a) Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước lập hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này gửi Vụ Tổ chức cán bộ; b) Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản gửi đơn vị đề nghị và nêu rõ lý do. 2. Miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp: a) Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước lập hồ sơ miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này gửi Vụ tổ chức cán bộ; b) Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản gửi đơn vị đề nghị và nêu rõ lý do. 3. Trong thời hạn tối đa 03 ngày kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, Vụ Tổ chức cán bộ lập danh sách giám định viên tư pháp, điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký gửi Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Vụ Truyền thông để thực hiện đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để theo dõi. Điều 8. Cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp 1. Việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện đồng thời với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp. 2. Việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định của Bộ Tư pháp. Điều 9. Trình tự, thủ tục công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc 1. Trước ngày 31 tháng 10 hằng năm, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (trừ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) rà soát, lựa chọn, lập danh sách người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ gửi Vụ Tổ chức cán bộ để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc. Hồ sơ gồm: a) Văn bản đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc của Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nơi người được đề nghị công nhận đang công tác; b) Danh sách đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, trong đó tối thiểu phải có các thông tin sau: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi công tác; trình độ chuyên môn; lĩnh vực chuyên sâu được đào tạo, bồi dưỡng; kinh nghiệm hoạt động chuyên môn (tính theo số tháng); kinh nghiệm hoạt động giám định tư pháp (tính theo số lượng vụ việc tham gia thực hiện giám định tư pháp); c) Hồ sơ quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 6 Thông tư này; d) Trường hợp người không có trình độ đại học thì ngoài hồ sơ quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 6 Thông tư này, phải có văn bằng, chứng chỉ của cơ sở có chức năng đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật chứng nhận người được đề nghị công nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về các lĩnh vực nêu tại Điều 3 Thông tư này. 2. Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc. Trường hợp từ chối, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản gửi đơn vị đề nghị và nêu rõ lý do. 3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, lựa chọn, lập danh sách người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này và quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc. Quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc phải gửi Vụ Tổ chức cán bộ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm. 4. Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, đồng thời gửi Vụ Truyền thông để thực hiện đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để theo dõi. 5. Khi có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc: a) Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (trừ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có văn bản gửi Vụ Tổ chức cán bộ điều chỉnh thông tin người giám định tư pháp theo vụ việc đã được công nhận, trong đó tối thiểu phải có những nội dung sau: họ và tên người giám định tư pháp theo vụ việc đã được công nhận; số quyết định công nhận; thông tin đề nghị điều chỉnh; b) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh thông tin người giám định tư pháp theo vụ việc đã được công nhận và gửi Vụ Tổ chức cán bộ; c) Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nêu tại điểm a khoản này, quyết định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu tại điểm b khoản này, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp danh sách điều chỉnh thông tin người giám định tư pháp theo vụ việc trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký gửi Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Vụ Truyền thông để thực hiện đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để theo dõi. 6. Hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc: Khi người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này: a) Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (trừ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có văn bản gửi Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, trong đó tối thiểu phải có những nội dung sau: họ và tên người giám định tư pháp theo vụ việc; số quyết định công nhận; lý do đề nghị hủy bỏ công nhận, nêu rõ tiêu chuẩn không còn đáp ứng; b) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc đã được mình công nhận và gửi Vụ Tổ chức cán bộ; c) Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày có quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhận được quyết định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, điều chỉnh danh sách công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký gửi Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Vụ Truyền thông để thực hiện đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để theo dõi. Mục 2. QUY CHUẨN CHUYÊN MÔN, TIẾP NHẬN TRƯNG CẦU, QUY TRÌNH, THỜI HẠN THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC TIỀN TỆ VÀ NGÂN HÀNG Điều 10. Quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp Quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, hoạt động ngoại hối và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Điều 11. Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp đối với Ngân hàng Nhà nước 1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị đầu mối tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định bổ sung, quyết định trưng cầu giám định lại của người trưng cầu giám định trưng cầu Ngân hàng Nhà nước; tham mưu trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việc thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của người trưng cầu giám định. 2. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định bổ sung, quyết định trưng cầu giám định lại của người trưng cầu giám định kèm hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (nếu có), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm: a) Lập biên bản giao, nhận, mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (nếu có) theo quy định tại Điều 13 Thông tư này; b) Kiểm tra, rà soát nội dung trưng cầu giám định với phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định tại Điều 3 Thông tư này; c) Rà soát hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nhận được (nếu có) với hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật ghi trong quyết định trưng cầu giám định và hình thức hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật theo quy định của văn thư, lưu trữ; d) Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản: gửi người trưng cầu giám định từ chối giám định nếu nội dung yêu cầu giám định không thuộc phạm vi giám định tư pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này hoặc không đủ điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp; giao đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (trừ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định bổ sung, quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu; thành lập Hội đồng giám định để thực hiện giám định lại lần thứ hai theo quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định; đ) Giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định bổ sung, quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu. 3. Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đã được giao thực hiện giám định tư pháp trực tiếp nhận được quyết định trưng cầu giám định bổ sung, quyết định trưng cầu giám định lại từ người trưng cầu giám định, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định có trách nhiệm gửi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng để tham mưu, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này. Điều 12. Tiếp nhận quyết định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc 1. Quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc của Ngân hàng Nhà nước phải được gửi cho đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nơi có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu trực tiếp để tổ chức thực hiện giám định tư pháp. 2. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc không thuộc đơn vị mình có trách nhiệm gửi quyết định trưng cầu giám định cho đơn vị có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu. 3. Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định, đơn vị có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu trực tiếp có trách nhiệm: a) Báo cáo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về quyết định trưng cầu giám định để tổng hợp, theo dõi, trừ trường hợp nhận được quyết định trưng cầu giám định do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gửi đến; b) Gửi quyết định trưng cầu giám định cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu; c) Tạo điều kiện cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của người trưng cầu giám định. Điều 13. Giao, nhận, mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật Việc giao, nhận, mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật phải được lập thành biên bản giao, nhận, mở niêm phong theo Phụ lục 02, Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 14. Giám định bổ sung, giám định lại lần đầu 1. Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám định bổ sung, giám định lại lần đầu theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này. 2. Đối với quyết định trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc của Ngân hàng Nhà nước, người được trưng cầu thực hiện việc báo cáo, nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, chuẩn bị giám định, tổ chức thực hiện giám định theo quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư này. Trường hợp quyết định trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc của Ngân hàng Nhà nước để tham gia Tổ giám định tư pháp do người trưng cầu giám định thành lập, người được trưng cầu thực hiện giám định theo sự phân công của người trưng cầu giám định, Tổ giám định tư pháp. 3. Giám định lại lần đầu về tiền giả theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự: a) Đối với quyết định trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định, việc giám định lại tiền giả phải được giám định viên tư pháp khác hoặc người giám định tư pháp theo vụ việc khác thực hiện. b) Đối với quyết định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc của Ngân hàng Nhà nước: đơn vị có người được trưng cầu giám định, người được trưng cầu giám định thực hiện việc báo cáo, nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, chuẩn bị giám định, tổ chức thực hiện giám định bổ sung, giám định lại thực hiện theo quy định Điều 12, Điều 13, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư này. Người được trưng cầu giám định có quyền được từ chối giám định lại lần đầu nếu đã thực hiện giám định vụ việc được trưng cầu giám định lại. Điều 15. Hội đồng giám định 1. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai theo quyết định trưng cầu giám định do Hội đồng giám định của Ngân hàng Nhà nước thực hiện. 2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối lựa chọn thành viên Hội đồng giám định gửi Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng giám định theo Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Hội đồng giám định thực hiện nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, chuẩn bị giám định, tổ chức thực hiện giám định theo quy định tại Điều 13, Điều 17, Điều 19, kết luận giám định theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 21 Thông tư này. Điều 16. Quy trình thực hiện giám định tư pháp Quy trình thực hiện giám định tư pháp gồm: 1. Chuẩn bị giám định. 2. Tổ chức thực hiện giám định tư pháp. 3. Kết luận giám định tư pháp. 4. Lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định. Điều 17. Chuẩn bị giám định đối với trường hợp trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định 1. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giao thực hiện giám định tư pháp, đơn vị được giao thực hiện giám định: a) Lựa chọn, cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hiện có để thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần bổ nhiệm thêm giám định viên tư pháp, công nhận thêm người giám định tư pháp theo vụ việc, đơn vị được giao lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, phù hợp với nội dung yêu cầu giám định theo quyết định trưng cầu giám định, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này để bổ nhiệm, công nhận theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Thông tư này. Trường hợp cử từ hai giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trở lên, đơn vị được giao thực hiện giám định phải thành lập Tổ giám định tư pháp, trong đó quy định cụ thể người đầu mối. b) Phối hợp với người trưng cầu giám định để nhận bàn giao hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật theo quy định tại Điều 13 Thông tư này (nếu người trưng cầu giám định chưa gửi kèm quyết định trưng cầu giám định). 2. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc nghiên cứu nội dung vụ việc nêu tại quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật để yêu cầu người trưng cầu giám định cung cấp bổ sung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết còn thiếu phục vụ việc giám định theo nội dung yêu cầu giám định. 3. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc lập đề cương giám định, trong đó tối thiểu có các nội dung cơ bản sau: a) Xác định và thu thập các quy chuẩn chuyên môn dự kiến được áp dụng khi thực hiện giám định; b) Xác định máy móc, phương tiện, thiết bị, dịch vụ dự kiến sử dụng, áp dụng khi thực hiện giám định (nếu có) và thông báo cho người trưng cầu giám định; c) Xây dựng chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định, chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị, chi phí vật tư tiêu hao, chi phí sử dụng dịch vụ, các chi phí khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung, yêu cầu giám định và gửi, thông báo cho người trưng cầu giám định; d) Xác định phương pháp thực hiện giám định; các bước thực hiện giám định; tiến độ, thời gian dự kiến hoàn thành giám định; đ) Các hoạt động, điều kiện khác để thực hiện giám định. Điều 18. Chuẩn bị giám định đối với trường hợp trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc của Ngân hàng Nhà nước 1. Người được trưng cầu chuẩn bị giám định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 Thông tư này. 2. Đối với quyết định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc của Ngân hàng Nhà nước để tham gia Tổ giám định tư pháp do người trưng cầu giám định thành lập, người được trưng cầu chuẩn bị theo phân công của người trưng cầu giám định, Tổ giám định tư pháp. Điều 19. Tổ chức thực hiện giám định tư pháp Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc: 1. Thuê máy móc, phương tiện, thiết bị, dịch vụ có liên quan đến nội dung, yêu cầu giám định đã được xây dựng tại đề cương giám định (nếu có) và đã được thông báo cho người trưng cầu giám định. 2. Khi phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác trong quá trình thực hiện giám định, có văn bản thông báo ngay cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết. 3. Căn cứ từng nội dung yêu cầu giám định của người trưng cầu giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật đã được cung cấp với các quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể. 4. Lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định theo Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 20. Thời hạn giám định tư pháp 1. Thời hạn giám định tư pháp: a) Tối đa 09 ngày đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư này; b) Tối đa 01 tháng đối với trường hợp giám định tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành; c) Tối đa 01 tháng đối với trường hợp giám định hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng; d) Tối đa 03 tháng đối với trường hợp giám định hoạt động ngân hàng, bao gồm các hoạt động: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; đ) Tối đa 01 tháng đối với trường hợp giám định bảo hiểm tiền gửi; e) Tối đa 04 tháng đối với trường hợp giám định vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định tại Điều 3 Thông tư này trở lên hoặc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. 2. Thời hạn giám định tư pháp quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận được quyết định của người trưng cầu giám định và nhận được đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định; hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết được bổ sung (nếu có); hoặc từ ngày giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu trực tiếp nhận được quyết định của người trưng cầu giám định và nhận được đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định; hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết được bổ sung (nếu có). Điều 21. Kết luận giám định tư pháp 1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc chỉ kết luận giám định đối với nội dung yêu cầu giám định thuộc phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định tại Điều 3 và theo quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định tại Điều 10 Thông tư này. 2. Căn cứ kết quả thực hiện giám định tư pháp quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc đưa ra nhận xét, đánh giá, kết luận đối với từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể. 3. Kết luận giám định theo Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, bản kết luận giám định phải có chữ ký và ghi rõ họ tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. 5. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu Ngân hàng Nhà nước cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và có xác nhận chữ ký của Ngân hàng Nhà nước. 6. Trường hợp trưng cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, Ngân hàng Nhà nước ký, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp. 7. Trường hợp thành lập Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 15 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước ký, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp. 8. Kết luận giám định tư pháp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này phải được gửi cho Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) để theo dõi việc thực hiện giám định. Điều 22. Lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định 1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người đầu mối của Tổ giám định tư pháp, Chủ tịch Hội đồng giám định lập hồ sơ giám định tư pháp, bao gồm các tài liệu sau: a) Quyết định trưng cầu giám định, Quyết định trưng cầu giám định bổ sung (nếu có), Quyết định trưng cầu giám định lại (nếu có) và hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật kèm theo; b) Văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc giao thực hiện giám định tư pháp; c) Văn bản của đơn vị được giao giám định tư pháp về việc cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định; d) Biên bản giao, nhận, mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật; đ) Đề cương giám định; e) Hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến việc thuê máy móc, phương tiện, thiết bị, dịch vụ phục vụ việc giám định tư pháp (nếu có); g) Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; h) Quyết định thành lập Hội đồng giám định đối với trường hợp giám định lại lần thứ hai (nếu có); i) Bản ảnh giám định (nếu có); k) Kết luận giám định, kết luận giám định bổ sung (nếu có), kết luận giám định lại (nếu có); l) Tài liệu khác có liên quan đến việc giám định (nếu có). 2. Bàn giao hồ sơ giám định: a) Hồ sơ giám định tư pháp của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc bàn giao cho đơn vị có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định. b) Hồ sơ giám định tư pháp của Tổ giám định tư pháp được bàn giao cho đơn vị có thành viên được giao làm đầu mối của Tổ giám định tư pháp. c) Hồ sơ giám định tư pháp của Hội đồng giám định được bàn giao cho đơn vị có thành viên là Chủ tịch hội đồng. 3. Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 4. Khai thác, sử dụng hồ sơ giám định tư pháp: a) Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm xuất trình hồ sơ giám định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; b) Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được khai thác, sử dụng hồ sơ giám định tư pháp để phục vụ hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 23. Chế độ báo cáo 1. Trước ngày 20 hằng tháng, đơn vị được giao thực hiện giám định tư pháp, đơn vị có thành viên được giao làm đầu mối của Tổ giám định tư pháp, đơn vị có thành viên là Chủ tịch Hội đồng giám định báo cáo bằng văn bản về tiến độ, kết quả thực hiện giám định về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị (nếu có) theo Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước ngày 25 hằng tháng. 2. Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, đơn vị được giao thực hiện giám định tư pháp, đơn vị có thành viên được giao làm đầu mối của Tổ giám định tư pháp, đơn vị có thành viên là Chủ tịch Hội đồng giám định báo cáo bằng văn bản về tiến độ, kết quả thực hiện công tác giám định năm theo Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này và đề xuất khen thưởng (nếu có), gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. 3. Trước 31 tháng 12 hằng năm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổng kết, đánh giá về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi Bộ Tư pháp. Mục 3. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÁ NHÂN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN Điều 24. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng 1. Đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước: tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định tư pháp, tham mưu, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám định tư pháp; đề xuất thành lập Hội đồng giám định; nhận kết luận giám định theo quy định tại Thông tư này. 2. Đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: a) Xử lý những vấn đề mới phát sinh, khó khăn, vướng mắc, đề nghị của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Tổ giám định tư pháp, Hội đồng giám định; b) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; c) Hằng năm, trên cơ sở đề xuất khen thưởng của các đơn vị quy định tại Điều 23 Thông tư này, phối hợp với Vụ Thi đua khen thưởng kịp thời khen thưởng người giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp. Điều 25. Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước 1. Vụ Tổ chức cán bộ a) Thực hiện trách nhiệm liên quan đến việc tham mưu trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc và thay đổi thông tin người giám định tư pháp theo vụ việc; thành lập Hội đồng giám định quy định tại Thông tư này. b) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các đơn vị khác tiến hành rà soát, củng cố đội ngũ người giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. 2. Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc đào tạo, đào tạo lại về nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người giám định tư pháp ở lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Điều 26. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc 1. Thực hiện đúng quy trình giám định tư pháp; giao, nhận, mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật; chuẩn bị giám định; thực hiện giám định tư pháp; giám định bổ sung, giám định lại lần đầu; kết luận giám định; lập và bàn giao hồ sơ giám định quy định tại Thông tư này. 2. Thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm, nghĩa vụ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 11; khoản 2, khoản 3 Điều 23; khoản 2, khoản 3 Điều 28 Luật Giám định tư pháp. 3. Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật. 4. Báo cáo Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý mình về tiến độ, kết quả thực hiện giám định để thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Điều 23 Thông tư này. Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 27. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và thay thế Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Điều 28. Điều khoản chuyển tiếp 1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Tổ giám định tư pháp đang thực hiện giám định tư pháp theo quyết định trưng cầu giám định tư pháp của người trưng cầu giám định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-NHNN và các văn bản khác có liên quan. 2. Giám định viên tư pháp đã được bổ nhiệm, người giám định tư pháp theo vụ việc đã được công bố trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này thì không phải làm lại thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc quy định tại Thông tư này. 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát, lập danh sách giám định viên được bổ nhiệm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, kèm 02 ảnh nêu tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Thông tư này gửi Vụ Tổ chức cán bộ cấp thẻ giám định viên tư pháp. Điều 29. Tổ chức thực hiện Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 29; - Ban Lãnh đạo NHNN; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo; - Lưu: VP, Vụ PC, TTGSNH8 (5b). KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC Đoàn Thái Sơn PHỤ LỤC 01 (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ………(1)……… ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- ……(2)……, ngày … tháng … năm 20… GIẤY XÁC NHẬN THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Kính gửi: …………(3)………… …………(1) ………… xác nhận thời gian hoạt động chuyên môn của cán bộ, công chức dưới đây, như sau: 1. Ông/bà: ...................................................................................................................... - Ngày, tháng năm sinh: ................................................................................................... - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu số: ................................................. - Ngày cấp: ……………………………… Nơi cấp: ............................................................... - Đơn vị công tác: ………………………… (4) ..................................................................... - Trình độ chuyên môn: …………………… (5) .................................................................... - Thời gian hoạt động chuyên môn: ... năm ... tháng (bao gồm thời gian làm việc tại ..(4).. và thời gian ... năm ... tháng làm việc tại đơn vị khác (6)...(nếu có). 2. Ông/bà: ...................................................................................................................... - Ngày, tháng năm sinh: ................................................................................................... - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu số: ................................................. Ngày cấp: …………………………… Nơi cấp: .................................................................... - Đơn vị công tác: …………………… (4) ............................................................................ - Trình độ chuyên môn: …………………… (5) .................................................................... - Thời gian hoạt động chuyên môn: ... năm ... tháng (bao gồm thời gian làm việc tại ..(4).. và thời gian ... năm ... tháng làm việc tại đơn vị khác (6)...(nếu có). ………… (7) ………… _______________ (1) Tên đơn vị xác nhận. (2) Địa danh tỉnh, thành phố, nơi đặt trụ sở đơn vị xác nhận. (3) Ghi Vụ Tổ chức cán bộ (đối với trường hợp bổ nhiệm giám định viên tư pháp; công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, trừ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); Ghi đơn vị thuộc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc). (4) Tên đơn vị (phòng, ban), nơi người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp làm việc. (5) Ghi trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo. (6) Ghi thời gian làm việc tại đơn vị khác thuộc NHNN hoặc cơ quan khác ngoài NHNN. (7) Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu. PHỤ LỤC 02 (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- BIÊN BẢN Giao, nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (1) Hôm nay, hồi...giờ.... ngày .... tháng ... năm .... tại ………… (2) ........................................ Chúng tôi gồm: 1. Người trưng cầu giám định (bên giao): - Ông (bà) ………………………………………… chức vụ ..................................................... - Ông (bà) ………………………………………… chức vụ ..................................................... 2. Đại diện …………………… (3) ………… (bên nhận): - Ông (bà) ………………………………………… chức vụ ..................................................... - Ông (bà) ………………………………………… chức vụ ..................................................... 3. Người chứng kiến (nếu có): - Ông (bà) ………………………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, CMND, hộ chiếu ………………………… - Ông (bà) ………………………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, CMND, hộ chiếu ………………………… Tiến hành giao, nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thuộc Quyết định trưng cầu giám định số ………… (4) ………… Bên giao đã giao và bên nhận đã nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, gồm: (1) Hồ sơ, tài liệu …………………… (5).............................................................................. (2) Mẫu vật: ………………………… (5)............................................................................... (3) …………………………………… (5)................................................................................ Biên bản này đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe, đồng ý nội dung và ký xác nhận dưới đây. Biên bản được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ 01 (một) bản, có giá trị như nhau. Việc giao, nhận hoàn thành hồi …… giờ …… ngày ……/……/…… NGƯỜI TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH (Ký, ghi rõ họ tên) ĐẠI DIỆN ………(3)……… (Ký, ghi rõ họ tên) _______________ (1) Được sử dụng trong trường hợp nhận bàn giao trực tiếp. (2) Địa điểm tiến hành giao nhận. (3) Tên cơ quan, đơn vị nhận bàn giao. (4) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định trưng cầu giám định; loại quyết định (trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai); Tên cơ quan trưng cầu giám định tư pháp/Họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp. (5) Ghi cụ thể từng loại hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật giao, nhận (tên, loại, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, trích yếu nội dung thông tin và tình trạng của hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, tính phù hợp của thông tin, tài liệu hồ sơ theo quy định của pháp luật về văn thư: bản chụp có chứng thực theo quy định...). Đối với mẫu vật, cần ghi rõ tình trạng mẫu vật, hình thức được bảo quản. PHỤ LỤC 03 (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- BIÊN BẢN Mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (1) Hôm nay, hồi …………giờ.... ngày .... tháng .... năm....tại ………… (2) .............................. Chúng tôi gồm: 1. Đại diện đơn vị nhận, mở niêm phong (3): - Ông (bà) …………………… chức vụ, đơn vị công tác ...................................................... - Ông (bà) …………………… chức vụ, đơn vị công tác ...................................................... 2. Người chứng kiến (nếu có): - Ông (bà) ……………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, CMND, hộ chiếu …………………… - Ông (bà) ……………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, CMND, hộ chiếu …………………… Tiến hành mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, như sau: 1. Tình trạng bưu kiện hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật: …………………… (4)........................................................................................................ 2. Hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nhận được sau khi mở niêm phong, gồm: a) Hồ sơ, tài liệu …………………… (5) .............................................................................. b) Mẫu vật: …………………… (5) ...................................................................................... c) …………………………………. (5) .................................................................................. Biên bản này đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe, đồng ý nội dung và ký xác nhận dưới đây. Biên bản được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ 01 (một) bản. Việc mở niêm phong hoàn thành hồi…… giờ …… ngày ……/……/…… NGƯỜI LÀM CHỨNG (Ký, ghi rõ họ tên) ĐẠI DIỆN (3)………… (Ký, ghi rõ họ tên) _______________ (1) Sử dụng trong trường hợp nhận được hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật gửi qua đường bưu điện. (2) Địa điểm tiến hành mở niêm phong. (3) Tên cơ quan, đơn vị mở niêm phong. (4) Ghi rõ số bưu phẩm, bưu kiện, ngày, tháng, năm gửi; tên, địa chỉ người gửi; tên địa chỉ người nhận trên bưu phẩm, bưu hiện; tình trạng bên ngoài của bưu phẩm, bưu kiện khi nhận được (nguyên vẹn, rách, móp, vỡ, ẩm, ướt,... (nếu có). (5) Ghi cụ thể từng loại hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nhận được khi mở niêm phong (tên, loại, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, trích yếu nội dung thông tin và tình trạng của tài liệu, đối tượng giám định, tính phù hợp của thông tin, tài liệu hồ sơ theo quy định của pháp luật về văn thư: bản chụp có chứng thực theo quy định,..). Đối với mẫu vật, cần ghi rõ tình trạng mẫu vật, hình thức được bảo quản. PHỤ LỤC 04 (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- VĂN BẢN Ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp Tôi/Chúng tôi gồm: - ………………………(1) được bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định viên tư pháp theo vụ việc theo Quyết định số .... ngày.... tháng .... năm 20... của....; số thẻ giám định viên tư pháp: ………… - ……………………… (1) được bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định viên tư pháp theo vụ việc theo Quyết định số .... ngày.... tháng .... năm 20... của....; số thẻ giám định viên tư pháp: ………… - ………………………… Thực hiện …………(2)………., tôi/chúng tôi đã tiến hành giám định và quá trình thực hiện giám định như sau: 1. Quá trình thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định thứ nhất (3): - Người thực hiện: ………………………. (4) ....................................................................... - Thời gian, địa điểm: …………………………(5) ................................................................. - Nội dung công việc đã thực hiện: …………………(6) ....................................................... - Phương pháp thực hiện; phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng: ………………..(7)……………………………………………………………………… - Kết quả thực hiện giám định: ………………………(8)........................................................ 2. Quá trình thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định thứ hai (3): - Người thực hiện: ………………………… (4) ..................................................................... - Thời gian, địa điểm: …………………… (5) ....................................................................... - Nội dung công việc đã thực hiện: ………………… (6) ...................................................... - Phương pháp thực hiện; phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng: ……………………….(7)………………………………………………………………………………. - Kết quả thực hiện giám định: ……………… (8) ................................................................ 3. Quá trình thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định thứ (3): - Người thực hiện: …………………………… (4) ................................................................. - Thời gian, địa điểm: ………………………… (5) ................................................................ - Nội dung công việc đã thực hiện: …………………(6) ....................................................... - Phương pháp thực hiện; phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng: …………………………(7) - Kết quả thực hiện giám định: ……………………………(8) ................................................. ……… (9)..., ngày.... tháng.... năm.... Người lập văn bản báo cáo (10) (Ký, ghi rõ họ, tên) _______________ (1) Tên giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc. (2) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định trưng cầu giám định; loại quyết định (trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai); Tên cơ quan trưng cầu giám định tư pháp/Họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp. (3) Căn cứ nội dung yêu cầu giám định ghi tại quyết định trưng cầu giám định. (4) Ghi người giám định tư pháp trực tiếp thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định. Trường hợp có từ 02 người giám định tư pháp trở lên, ghi đầy đủ thông tin của từng người giám định tư pháp. (5) Ghi cụ thể theo thứ tự thời gian (ngày, tháng, năm) và địa điểm thực hiện giám định đối với nội dung yêu cầu giám định được trưng cầu. (6) Ghi rõ các công việc đã thực hiện theo diễn biến thời gian và địa điểm nêu tại điểm (5). (7) Ghi rõ phương pháp đã thực hiện; các phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng trong quá trình giám định. (8) Ghi rõ kết quả đã thực hiện theo diễn biến thời gian và địa điểm nêu tại điểm (5). (9) Địa điểm nơi người giám định lập văn bản ghi nhận quá trình giám định. (10) Trường hợp có từ 2 giám định viên trở lên, thì tất cả giám định viên đều phải ký và ghi rõ họ, tên. PHỤ LỤC 05 (Kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: ……/QĐ-NHNN ………, ngày …… tháng …… năm …… QUYẾT ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Quyết định trưng cầu giám định lại lần thứ hai số……… ngày ……tháng....năm.... của…………; Xét đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ. QUYẾT ĐỊNH Điều 1. Thành lập Hội đồng giám định để thực hiện giám định tư pháp theo Quyết định trưng cầu giám định lại lần thứ hai số……… ngày ……tháng....năm.... của…………, gồm các Ông (Bà) có tên sau đây: Ông (Bà) ……………………………………………………………(1) - Chủ tịch Hội đồng; Ông (Bà) ……………………………………………………………(1)- Thành viên; Ông (Bà) ……………………………………………………………(1)- Thành viên; ……………………………………………………………………………………………………… Điều 2. Hội đồng giám định quy định tại Điều 1 Quyết định này thực hiện giám định tư pháp theo đúng quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước và các cá nhân có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 4; - BLĐ NHNN; - Bộ Tư pháp; - Tên cơ quan trưng cầu giám định; - Cơ quan TGSNH; Lưu: VP, TCCB(...b). THỐNG ĐỐC (Ký tên, đóng dấu) _______________ (1) Ghi Họ, tên, chức danh, số thẻ giám định viên tư pháp đối với giám định viên tư pháp đã được cấp thẻ (nếu có). PHỤ LỤC 06 (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- ………(1)……… KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Thông tư số .../2020/TT-NHNN ngày .../..../2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Căn cứ Quyết định trưng cầu giám định số ……… ngày ……tháng....năm.... của …………;(2) Căn cứ Quyết định số... ngày.... tháng....năm.... của ……… về việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; (3) Căn cứ Văn bản…… ngày…. tháng....năm....của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giao thực hiện giám định tư pháp; (4) Căn cứ Quyết định số... ngày .... tháng ... năm ... của ...(5) về việc thành lập Hội đồng giám định/thành lập tổ giám định tư pháp/cử giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc; Căn cứ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật do …(6)... cung cấp (Biên bản giao nhận/mở niêm phong số... ngày...tháng....năm....); Hội đồng giám định/Tổ giám định tư pháp/giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc đã tiến hành giám định và kết luận như sau: I. THÔNG TIN CHUNG 1. Tổ chức thực hiện giám định: (1) 2. Họ, tên thành viên Hội đồng giám định/người giám định tư pháp gồm: - Ông/bà: ………(7) .......................................................................................................... - Ông/bà: ………(7) .......................................................................................................... 3. Tên người trưng cầu giám định, số văn bản trưng cầu giám định (8) 4. Thông tin xác định đối tượng giám định (9) 5. Thời gian nhận văn bản trưng cầu: a) Thời gian tiếp nhận trưng cầu giám định (10) b) Thời gian nhận bàn giao/mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (11) 6. Nội dung yêu cầu giám định (12) 7. Phương pháp thực hiện giám định (13) 8. Thời gian, địa điểm giám định (14) II. KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH 1. Nội dung yêu cầu giám định thứ nhất a) Cơ sở pháp lý (15) b) Thực trạng thông tin từ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (16) c) Nhận xét, đánh giá (17) d) Kết luận (18) 2. Nội dung yêu cầu giám định thứ hai a) Cơ sở pháp lý (15) b) Thực trạng thông tin từ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (16) c) Nhận xét, đánh giá (17) d) Kết luận (18) 3. Nội dung yêu cầu giám định thứ... ……… III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM HOÀN THÀNH VIỆC GIÁM ĐỊNH - Thời gian giám định: từ ngày ……… đến ngày ……… - Địa điểm hoàn thành giám định: - Kết luận giám định này gồm ... trang, được làm thành ... bản có giá trị như nhau và được gửi cho: + Người trưng cầu giám định tư pháp: ... bản; + Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: 01 bản. + Lưu hồ sơ giám định: .... bản. Chữ ký của người giám định (19) (Ký và ghi rõ họ, tên) XÁC NHẬN CỦA .... (20) ....(20).... xác nhận những chữ ký nói trên là chữ ký của người được (20) cử thực hiện giám định tư pháp/thành viên Hội đồng giám định. (Ký tên, đóng dấu) XÁC NHẬN CỦA .... (21) (Ký tên, đóng dấu) Nơi nhận: - (8); - Cơ quan TGSNH; - Lưu: VT, Hồ sơ GĐTP (...b); _______________ (1) Tên đơn vị được giao giám định tư pháp. (2) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định trưng cầu giám định; loại quyết định (trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai); Tên cơ quan trưng cầu giám định tư pháp/Họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp. (3) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc. (4) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định về việc giao (1) thực hiện giám định tư pháp. (5) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thành lập Hội đồng giám định/Quyết định của Thủ trưởng đơn vị được giao thực hiện giám định tư pháp về việc thành lập tổ giám định tư pháp/cử giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc. (6) Ghi rõ cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định tư pháp; trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định thì ghi rõ họ tên, chức vụ. (7) Ghi tên thành viên Hội đồng giám định/người giám định tư pháp, số thẻ giám định viên tư pháp (nếu có). (8) Ghi rõ cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định tư pháp; trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định thì ghi rõ họ tên, chức vụ; số văn bản trưng cầu giám định, trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai. (9) Ghi rõ tên, địa chỉ, giấy phép thành lập hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật và/hoặc tên, địa chỉ, chứng minh thư/căn cước công dân/số hộ chiếu của đối tượng giám định được nêu trong quyết định trưng cầu giám định. (10) Ghi cụ thể thời gian Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhận được quyết định trưng cầu giám định. (11) Ghi cụ thể thời gian theo các Biên bản nhận bàn giao/mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật. (12) Ghi theo yêu cầu tại quyết định trưng cầu giám định. (13) Ghi cụ thể các phương pháp sử dụng/áp dụng trong quá trình thực hiện giám định. (14) Ghi ngắn gọn theo văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp. (15) Ghi đầy đủ tên, số, ngày tháng năm của các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung, phạm vi điều chỉnh liên quan đến nội yêu cầu giám định. (16) Ghi đầy đủ thông tin, số liệu vụ việc của nội dung yêu cầu giám định từ kết quả nghiên cứu hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật. (17) Căn cứ nội dung yêu cầu giám định, kết quả nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật đã được cung cấp với quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nêu tại (15) để đưa ra nhận xét, đánh giá nội dung yêu cầu giám định. (18) Kết luận cụ thể nội dung yêu cầu giám định theo cơ sở pháp lý. (19) Ký, ghi rõ họ tên của từng giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc/từng thành viên Hội đồng giám định. (20) Ngân hàng Nhà nước xác nhận chữ ký của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc đối với trường hợp trưng cầu Ngân hàng Nhà nước cử người giám định. (21) Ký, đóng dấu của Ngân hàng Nhà nước đối với trường hợp trưng cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám định và trong trường hợp kết luận giám định của Hội đồng giám định. PHỤ LỤC 07 (Kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ĐƠN VỊ BÁO CÁO (1) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: ………/……… ………, ngày …… tháng …… năm …… BÁO CÁO VỀ VIỆC THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THÁNG……… NĂM ……… (Từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 tháng sau) Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng 1. Tiến độ thực hiện giám định TT Văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp (2) Thực hiện/ Từ chối giám định (3) Thực hiện giám định tư pháp Ghi chú Quyết định thành lập Hội đồng giám định/Tổ giám định/cử người giám định Người thực hiện giám định Ngày bắt đầu thực hiện giám định Tiến độ thực hiện giám định (4) 1. 2. 3. 2. Khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT,... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (1) (Ký tên, đóng dấu) (1) Tên đơn vị được giao thực hiện giám định tư pháp/đơn vị có thành viên được giao làm đầu mối của Tổ giám định tư pháp/đơn vị có thành viên là Chủ tịch Hội đồng giám định (2) Ghi rõ số, ngày tháng năm, cơ quan trưng cầu giám định của quyết định trưng cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định bổ sung, quyết định trưng cầu giám định lại. (3) Báo cáo rõ thời gian tạm dừng giám định, lý do (nếu có). (4) Báo cáo rõ tiến độ, kết quả thực hiện giám định theo tiến độ được ghi tại văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định của kỳ báo cáo. PHỤ LỤC 08 (Kèm theo Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ĐƠN VỊ BÁO CÁO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: ……/……… ………, ngày …… tháng …… năm …… BÁO CÁO Kết quả thực hiện công tác giám định tư pháp năm ……… (Từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo) Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP 1. Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, hủy bỏ công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; thay đổi thông tin người giám định tư pháp 1.1. Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp - Bổ nhiệm giám định viên tư pháp: ………người. - Miễn nhiệm giám định viên tư pháp: ………người. 1.2. Cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp - Cấp thẻ giám định viên tư pháp: ………người. Trong đó: + Cấp mới thẻ giám định viên tư pháp: ………người. + Cấp lại thẻ giám định viên tư pháp: ………người. - Thu hồi thẻ giám định viên tư pháp: ………người. 1.3. Công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc - Công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc: ………người. - Hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc: ………người. 1.4. Thay đổi thông tin người giám định tư pháp: ... người Thay đổi thông tin người giám định tư pháp: ... người. Trong đó: - Giám định viên tư pháp: ………người. - Người giám định tư pháp theo vụ việc: ………người. 2. Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về giám định tư pháp (1) Tổng số khóa đào tạo, tập huấn về công tác giám định tư pháp: ………khóa, trong đó: - Số lượng công chức tham dự: ………người/khóa. - Nội dung đào tạo, tập huấn:... 3. Về kết quả tổ chức thực hiện giám định tư pháp 3.1. Về việc thực hiện quyết định trưng cầu giám định a) Tổng số quyết định trưng cầu giám định đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo: ………quyết định. Trong đó: - Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định b) Tổng số quyết định trưng cầu giám định đã từ chối (nêu rõ lý do từ chối): ………quyết định (nếu có). Trong đó: - Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… - Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… - Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… c) Tổng số quyết định trưng cầu giám định đã triển khai thực hiện:...., trong đó: - Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… - Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… - Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… d) Tổng số quyết định trưng cầu giám định đã ban hành kết luận giám định: ………quyết định. Trong đó: - Tổng số quyết định trưng cầu giám định đã hoàn thành và ban hành kết luận giám định trong kỳ báo cáo: ………quyết định, trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định - Tổng số quyết định trưng cầu giám định từ kỳ trước chuyển sang và ban hành kết luận giám định trong kỳ báo cáo: ………quyết định, trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ………quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ………quyết định e) Tổng số quyết định trưng cầu giám định tạm dừng: ………quyết định, (nêu rõ lý do tạm dừng) (nếu có). - Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định g) Tổng số quyết định trưng cầu giám định đang thực hiện: ……… quyết định, trong đó: - Tổng số quyết định trưng cầu giám định đang thực hiện trong kỳ báo cáo: ……… quyết định, trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định - Tổng số quyết định trưng cầu giám định đang thực hiện từ kỳ trước chuyển sang kỳ báo cáo: ………quyết định, trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định - Báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện đối với các quyết định trưng cầu giám định đang thực hiện. 3.2. Về việc thực hiện quyết định trưng cầu trực tiếp người giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước (nếu có) Tổng số quyết định trưng cầu giám định đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo: ………, trong đó: a) Số quyết định trưng cầu giám định đã từ chối (nêu rõ lý do từ chối): ……… (nếu có), trong đó: - Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định b) Số quyết định trưng cầu giám định đã triển khai thực hiện: ………, trong đó: - Số quyết định trưng cầu giám định đã ban hành kết luận giám định: ……… trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định tạm dừng: .... (nêu rõ lý do tạm dừng), trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định - Số quyết định trưng cầu giám định đang thực hiện: ……… quyết định, trong đó: + Số quyết định trưng cầu giám định lần đầu: ……… quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định bổ sung: quyết định + Số quyết định trưng cầu giám định lại lần đầu: ……… quyết định 4. Đánh giá chung 4.1. Mặt được 4.2. Hạn chế II. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP 1. Khó khăn, vướng mắc về pháp lý 2. Khó khăn, vướng mắc trong sự phối hợp giữa Cơ quan trưng cầu giám định và Cơ quan thực hiện giám định tư pháp 3. Khó khăn, vướng mắc khác III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT,... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO (Ký tên, đóng dấu) _______________ (1) Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng báo cáo số liệu tập huấn, đào tạo của Ngân hàng Nhà nước. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước báo cáo số liệu: (i) tham dự khóa đào tạo, tập huấn của Ngân hàng Nhà nước; (ii) tự đào tạo, tập huấn (nếu có).
{ "issuing_agency": "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam", "promulgation_date": "16/11/2020", "sign_number": "14/2020/TT-NHNN", "signer": "Đoàn Thái Sơn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-38-KH-CCTP-2014-tuyen-truyen-chu-truong-nhiem-vu-cai-cach-tu-phap-hoat-dong-tu-phap-278959.aspx
Kế hoạch 38-KH/CCTP 2014 tuyên truyền chủ trương nhiệm vụ cải cách tư pháp hoạt động tư pháp
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP -------- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM --------------- Số: 38-KH/CCTP Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2014 KẾ HOẠCH ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CHỦ TRƯƠNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH TƯ PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP Căn cứ Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016; Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3- 2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với nội dung như sau: I - Mục đích, yêu cầu, phạm vi 1. Mục đích của việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp nhằm: - Tăng cường hơn nữa sự thống nhất về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động tư pháp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các văn kiện của Đảng; góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp. - Tăng cường sự hiểu biết của người dân, tổ chức đối với chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, qua đó tạo sự ủng hộ và tham gia của người dân, tổ chức đối với quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; củng cố niềm tin của người dân, tổ chức vào chủ trương, pháp luật về cải cách tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp. 2. Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cần đảm bảo các yêu cầu: Thông tin, tuyên truyền phải chính xác, kịp thời, thường xuyên các nhiệm vụ, chủ trương và quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; lựa chọn phạm vi và mức độ thông tin phù hợp, thiết thực, hiệu quả; hình thức tuyên truyền đa dạng, gắn với nhiệm vụ cụ thể; thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, theo từng chuyên đề; phân công rõ trách nhiệm thực hiện, và thực hiện bảo mật thông tin theo đúng quy định. 3. Phạm vi thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp trong Kế hoạch này bao gồm: Các vấn đề về đường lối, chủ trương được đề ra trong các văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp; tình hình và kết quả thực hiện cải cách tư pháp; các kết quả hoạt động tư pháp có liên quan đến việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp. II - Nội dung thông tin, tuyên truyền Công tác thông tin, tuyên truyền tập trung vào những vấn đề sau đây: 1. Về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp - Chủ trương, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn kiện khác của Đảng. - Kết quả thực hiện cải cách tư pháp hàng năm từ khi có chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, trọng tâm là kết quả 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2016; Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. - Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp như: vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân trong thực hiện quyền tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động tư pháp. Các luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, các luật về tố tụng tư pháp và pháp luật có liên quan được Quốc hội thông qua theo tinh, thần cải cách tư pháp. - Mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc triển khai thực hiện chủ trương tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân theo cấp xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; việc thành lập tòa án nhân dân 4 cấp theo Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị. - Ý nghĩa, mục đích của các chủ trương, nhiệm vụ lớn, quan trọng về cải cách tư pháp: đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; đổi mới mô hình tố tụng theo hưởng kết hợp giữa mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; việc hoàn thiện cơ chế, nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư, đổi mới và tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của giám định tư pháp và xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án và thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương.... 2.Về hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Thông tin về hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp và hoạt động cải cách tư pháp của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương: - Nội dung các phiên họp và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. - Hoạt động của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo và các Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. - Tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và công tác tư pháp của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương, trọng tâm là kết quả thực hiện chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp. III - Hình thức thông tin, tuyên truyền 1. Thực hiện tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm về cải cách tư pháp; lồng ghép nội dung về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp vào chương trình giảng dạy pháp luật ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống trường Đảng, các trường, các cơ sở đào tạo luật, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp của các cơ quan tư pháp Trung ương. 2. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đăng tải các văn bản của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, các bài viết về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên báo chí, bản tin của các cơ quan Trung ương và địa phương; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, số chuyên đề, số phụ đề về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Tổ chức tọa đàm, trả lời phỏng vấn về cải cách tư pháp trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình địa phương và các phương tiện truyền thông khác. Xây dựng mục Hỏi - đáp về cải cách tư pháp trong chuyên mục về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để tiếp nhận, phản hồi ý kiến của người dân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp. 3. Xuất bản các tài liệu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. 4.Thông qua các phiên tòa xét xử công khai, nhất là các phiên tòa xét xử lưu động. IV - Tổ chức thực hiện 1. Phân công trách nhiệm a, Các cấp uỷ, tổ chức đảng ở Trung ương: Quân ủy Trung ương; Đảng ủy Công an Trung ương; Ban cán sự Đảng các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp; Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam; Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan, tổ chức Đảng có liên quan có trách nhiệm: - Căn cứ Kế hoạch này, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và xác định chương trình, kế hoạch cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên ở cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác thông tin, tuyên truyền từ nay đến cuối năm 2014 và hằng năm cho những năm sau của bộ, ngành, tổ chức mình. - Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả đối với cơ quan báo chí thuộc bộ, ngành, tổ chức mình và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình để đưa tin kịp thời thông qua các hình thức thông tin, tuyên truyền nêu trên. - Phân công Người phát ngôn của bộ, ngành, tổ chức về lĩnh vực này để cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình. b, Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm - Căn cứ Kế hoạch này, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc (cấp ủy các huyện, quận..., cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tỉnh, các cơ quan tư pháp, các hội, đoàn có liên quan...) tổ chức triển khai hoặc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp của Đảng và tình hình, kết quả hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp ở địa phương từ nay đến cuối năm 2014 và hàng năm cho những năm sau. - Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp cấp ủy trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. c, Các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có trách nhiệm - Chỉ đạo cơ quan thông tấn, báo chí thuộc bộ, ngành, tổ chức mình xây dựng chương trình cụ thể tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mình. Quan tâm lồng ghép công tác cải cách tư pháp vào chương trình làm việc của bộ, ngành khi các đồng chí làm việc với các đơn vị trực thuộc và các địa phương. - Chủ động trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về lĩnh vực liên quan đến hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong việc cung cấp thông tin. d, Giao Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương - Giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện và đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch. - Chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan thông tin đại chúng khác để thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp theo trách nhiệm được phân công; phân công thành viên Ban Chỉ đạo chuẩn bị chương trình, nội dung, tham gia thực hiện các chương trình truyền thông khi cần thiết. - Giao đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực làm Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về các vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo. - Tổ chức Tổ công tác chuyên trách tham mưu, giúp việc trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp. - Chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên nòng cốt của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo để thực hiện thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp. - Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua đội ngũ phóng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên. - Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chuyên mục về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. - Phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật theo định hướng cải cách tư pháp. - Phối hợp với Đảng đoàn ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lồng ghép nội dung thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trong hoạt động của mình; động viên các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tư pháp và việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương. d, Về trách nhiệm thông tin, báo cáo - Các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong báo cáo định kỳ hằng năm về công tác tư pháp và cải cách tư pháp có mục riêng về kết quả công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp gửi về Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. - Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổng hợp thông tin về kết quả thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp của các cấp ủy, tổ chức đảng để báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương hàng năm và đột xuất khi thấy cần thiết. 2. Kinh phí thực hiện a, Đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng chỉ đạo việc bảo đảm kinh phí thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền thuộc trách nhiệm cùa Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương được giao trong Kế hoạch này. b, Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc bố trí kinh phí hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. TRƯỞNG BAN Trương Tấn Sang NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CHỦ TRƯƠNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH TƯ PHÁP HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP TỪ THÁNG 8-2014 ĐẾN THÁNG 12-2014 CỦA THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO (Kèm theo Kế hoạch số 38-KH/CCTP, ngày 15-8-2014 về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp) TT Nội dung công việc Thời gian thực hiện Người chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện 1 Lập Tổ công tác chuyên trách về thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Ban Chỉ đạo (quyết định lập Tổ công tác chuyên trách) Trước ngày 30-8-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo - Văn phòng Ban Chỉ đạo thực hiện 2 Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng: - Quy định về quyền hạn, trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền của Thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo và Tổ công tác chuyên trách về thông tin, tuyên truyền - Văn bản chỉ đạo định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng Trước ngày 15-9-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo - Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách thực hiện 3 Dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền năm 2014 (căn cứ theo Chương trình này sau khi được phê duyệt) Trước ngày 15-9-2014 - Văn phòng BCĐ, Tổ công tác chuyên trách 4 Tổ chức cuộc họp triển khai thực hiện Kế hoạch với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan Trước ngày 20-9-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo - Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách thực hiện 5 - Phối họp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan mời cộng tác viên, tuyên truyền viên tham gia công tác tuyên truyền - Phối hợp với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chuyên mục về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trước ngày 30-9-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo -Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách thực hiện 6 Tổ chức một số hoạt động thông tin, tuyên truyền việc triển khai Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo (các phiên họp BCĐ, các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát việc triển khai Kết luận số 92-KL/TW của BCĐ) Từ tháng 9 đến hết tháng 12-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách thực hiện 7 Tổ chức một số tọa đàm trên VTV, kênh truyền hình VOV, kênh truyền hình TTXVN, kênh truyền hình ANTV (An ninh tivi)... về tiếp tục thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp (xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, thành phần, tổ chức quay ghi hình, ghi âm, phát sóng) Tháng 10, 11 12-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách thực hiện 8 Tổ chức tọa đàm với sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo để trao đổi, cung cấp thông tin về quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp Tháng 10-2014 Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách 9 Xây dựng Kế hoạch phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan thông tin đại chúng khác để thông tin, tuyên truyền vê chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp theo trách nhiệm (cho năm 2015) Từ ngày 01/11 đến hết tháng 12-2014 - Thường trực BCĐ chỉ đạo - Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách thực hiện
{ "issuing_agency": "Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp", "promulgation_date": "15/08/2014", "sign_number": "38-KH/CCTP", "signer": "Trương Tấn Sang", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Chi-thi-38-2006-CT-TTg-bien-phap-cap-bach-phong-chong-han-bao-ve-san-xuat-vu-Dong-Xuan-15852.aspx
Chỉ thị 38/2006/CT-TTg biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 38/2006/CT-TTg Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2006 CHỈ THỊ VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG HẠN BẢO VỆ SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2006 – 2007 Mùa mưa năm 2006 kết thúc sớm hơn bình thường hàng năm từ 1 đến 2 tháng. Lượng mưa ở nhiều nơi thiếu hụt từ 40 - 50%, riêng các tỉnh Nam Trung Bộ thiếu hụt tới 70 - 80%. Dòng chảy trên các sông, suối ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và nhiều địa phương khác thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Hiện nay, nhiều sông, suối, hồ chứa nước đều ở mức thấp, có nơi đã cạn kiệt. Mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn cùng kỳ năm 2005 khoảng 1,62 mét và thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm đến 2,60 mét. Dự báo vụ Đông Xuân năm 2006 - 2007, ở các tỉnh Bắc Bộ có trên 120.000 ha lúa có khó khăn về nước tưới. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El-Nino đang phát triển và tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng diễn ra trên diện rộng và kéo dài trong mùa khô sắp đến ở nhiều khu vực trong cả nước; tình trạng xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn và vào sâu trong đất liền tại nhiều địa phương ven biển. Để chủ động phòng, chống hạn, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến về thời tiết, thủy văn, dòng chảy để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước; cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về khí tượng thủy văn để phục vụ công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cấp bách sau: a) Các địa phương vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ: - Kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn, huy động các lực lượng và nhân dân tham gia công tác làm thủy lợi, nạo vét kênh mương và xử lý, bảo vệ môi trường nước. Chỉ đạo việc đánh giá, kiểm tra nguồn nước hiện có và nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn để rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2006 - 2007; - Phân công lãnh đạo chuyên trách trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý; điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng nguồn nước; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, vật tư ... phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2006 - 2007 có hiệu quả; nơi nào có khó khăn về nguồn nước phải hướng dẫn nông dân chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống lúa phù hợp hoặc chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu, cây lương thực ngắn ngày. b) Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên: - Cùng với việc chủ động phòng, chống lụt bão, phải theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để có các biện pháp tích nước ở các hồ chứa, sông, suối, ao, hồ…; khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; - Chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước để lập phương án và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống hạn và khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, đặc biệt là có các giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt cho người và gia súc tại các vùng bị khô hạn nặng. c) Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long: - Cùng với việc tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30/2006/CT-TTg ngày 11 tháng 8 năm 2006 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số biện pháp cấp bách phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa, phải có phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất; - Chỉ đạo việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các công trình điều tiết nước, bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn; hướng dẫn nông dân chuyển đổi mùa vụ sản xuất đối với các vùng bị khô hạn. d) Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách của địa phương năm 2007 theo quy định để chi cho công tác phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất và cứu trợ dân sinh kịp thời. 3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: - Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu và tình hình thiếu nước, khô hạn để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất; - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước của các hồ chứa, phân phối nước hợp lý, hiệu quả; đặt lịch tưới cụ thể và tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm nước; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát lại kế hoạch điều chỉnh mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nguồn nước; đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước thì hướng dẫn các địa phương chuyển từ trồng lúa sang trồng một số loại cây màu thích hợp; - Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc điều tiết, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước xả của các hồ Hòa Bình, Thác Bà và các hồ thủy điện khác để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2006 - 2007; - Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động phòng, chống cháy rừng trong điều kiện thiếu nước và nắng nóng, khô hạn kéo dài; - Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác sử dụng phục vụ sản xuất; đối với các hồ chứa đang xây dựng nếu đủ điều kiện an toàn cũng phải tích nước chống hạn. 4. Bộ Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có phương án, kế hoạch cụ thể để thực hiện việc điều tiết hợp lý nguồn nước ở các hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà và các hồ chứa thuỷ điện khác để đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu phát điện, đồng thời đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. 5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn việc phân luồng, xử lý đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong điều kiện mực nước hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và các sông xuống thấp. 6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lập Tổ điều hành công tác phòng, chống hạn do một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất và khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Văn phòng Chính phủ cử cán bộ tham gia Tổ công tác này. 7. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước, có phương án chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước để bảo đảm sản xuất, kinh doanh. 8. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, khí hậu, nguồn nước để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - BQL KKTCKQT Bờ Y; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Học viện Hành chính quốc gia; - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NN (5b). KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Nguyễn Sinh Hùng
{ "issuing_agency": "Thủ tướng Chính phủ", "promulgation_date": "11/12/2006", "sign_number": "38/2006/CT-TTg", "signer": "Nguyễn Sinh Hùng", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-20-2011-TT-BTTTT-san-pham-hang-hoa-co-kha-nang-gay-mat-an-toan-127233.aspx
Thông tư 20/2011/TT-BTTTT sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 20/2011/TT-BTTTT Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2011 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007; Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, QUY ĐỊNH: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2). Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Việt Nam. Điều 3. Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 1. Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. 2. Theo từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ soát xét, sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phù hợp với chính sách quản lý của Nhà nước. Điều 4. Nguyên tắc quản lý Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 quy định tại Thông tư này được thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định quản lý chất lượng tương ứng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Điều 5. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2011. 2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết. Nơi nhận: - Như khoản 2 Điều 5; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng; - Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng TTĐT CP, Website Bộ TTTT; - Lưu: VT, KHCN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thành Hưng PHỤ LỤC DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG (Kèm theo Thông tư số 20/2011/TT-BTTTT ngày 01 tháng 07 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) TT TÊN SẢN PHẨM, HÀNG HÓA 1 Thiết bị đầu cuối 1.1. Thiết bị đầu cuối kết nối mạng viễn thông công cộng qua giao diện tương tự hai dây 1.2. Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng 1.3. Thiết bị đầu cuối xDSL 1.4. Thiết bị đầu cuối kết nối vào mạng viễn thông công cộng sử dụng kênh thuê riêng 2. Thiết bị vô tuyến điện 2.1. Thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz, có công suất phát từ 60 mW trở lên 2.2. Thiết bị ra đa 2.3. Thiết bị trợ giúp bằng sóng vô tuyến điện 2.4. Thiết bị điều khiển xa bằng sóng vô tuyến điện 3. Thiết bị mạng 3.1. Thiết bị truyền dẫn vi ba số 3.2. Thiết bị truyền dẫn quang 4. Thiết bị công nghệ thông tin 4.1. Máy tính cá nhân để bàn (Desktop computer) 4.2. Máy tính chủ (Server) 4.3. Máy tính xách tay (Laptop and Portable computer) 4.4. Thiết bị trợ giúp cá nhân (PDA) 4.5. Thiết bị định tuyến (Router) 4.6. Thiết bị tập trung (Hub) 4.7. Thiết bị chuyển mạch (Switch) 4.8. Thiết bị cổng (Gateway) 4.9. Thiết bị cầu (Bridge) 4.10. Thiết bị tường lửa (Firewall) 4.11. Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set Top Box)
{ "issuing_agency": "Bộ Thông tin và Truyền thông", "promulgation_date": "01/07/2011", "sign_number": "20/2011/TT-BTTTT", "signer": "Nguyễn Thành Hưng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-241-KH-BCA-2023-thuc-hien-Quyet-dinh-407-truyen-thong-xay-dung-van-ban-quy-pham-566200.aspx
Kế hoạch 241/KH-BCA 2023 thực hiện Quyết định 407 truyền thông xây dựng văn bản quy phạm
BỘ CÔNG AN -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 241/KH-BCA Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2023 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 407/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2022 - 2027” TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án), Bộ Công an ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trong Công an nhân dân như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU - Tạo sự đồng thuận xã hội đối với những chính sách trong quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. - Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với các đối tượng, tình hình thực tiễn tại các địa bàn, lĩnh vực cụ thể. - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong truyền thông chính sách pháp luật; quán triệt các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện. - Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò chủ động, tích cực của các chủ thể được giao nhiệm vụ; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; các nội dung đề ra phải bảo đảm tính khả thi để Đề án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, thiết thực; chú trọng lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. II. PHẠM VI ĐỀ ÁN 1. Đề án được triển khai trong toàn lực lượng Công an nhân dân, áp dụng đối với các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau: a) Là các chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật; b) Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; c) Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; d) Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước. 2. Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 3. Ngoài các dự thảo chính sách được quy định tại mục 1 phần này, căn cứ nội dung dự thảo chính sách hoặc dự thảo quy định và yêu cầu, điều kiện thực tiễn, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an chủ động thực hiện việc truyền thông các chính sách do mình tham mưu xây dựng. III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 1. Chủ động quán triệt, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đơn vị thực hiện: các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, các học viện, trường Công an nhân dân, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Công an các đơn vị, địa phương). Thời gian thực hiện: hàng năm. 2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và tiếp cận thông tin tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện công tác truyền thông chính sách. Đơn vị thực hiện: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương. Thời gian thực hiện: hàng năm. 3. Phát huy vai trò chủ động của đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện Đề án Căn cứ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an hàng năm, đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chủ động, kịp thời xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội phù hợp với nội dung, tính chất dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn; phối hợp với Bộ, ngành, đơn vị có liên quan bảo đảm biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo chính sách để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đơn vị thực hiện: các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và các đơn vị liên quan. Thời gian thực hiện: hàng năm. 4. Tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an về truyền thông dự thảo chính sách. a) Căn cứ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án. Đơn vị thực hiện: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương. Thời gian thực hiện: hàng năm. b) Căn cứ Kế hoạch hoạt động và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tại Công an các đơn vị, địa phương, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, theo dõi việc truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án tại đơn vị, địa phương mình. Đơn vị thực hiện: Công an các đơn vị, địa phương. Thời gian thực hiện: hàng năm. 5. Xây dựng nội dung truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật a) Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động. b) Nội dung cơ bản trong truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm: - Sự cần thiết ban hành; mục đích, quan điểm xây dựng; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; - Nội dung cơ bản của chính sách; - Nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; chú trọng các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau; - Các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội (nếu có). Đơn vị thực hiện: Công an các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và các đơn vị có liên quan. Thời gian thực hiện: hàng năm. 6. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, lĩnh vực địa bàn cụ thể, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí chủ động lựa chọn hình thức truyền thông cụ thể như sau: a) Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng Phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí…) xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chiến dịch truyền thông đưa tin, phát sóng vào các khung giờ thu hút khán, thính giả để truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. b) Xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng để cung cấp thông tin về dự thảo chính sách cho các cá nhân, tổ chức thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội (gửi tin nhắn qua điện thoại di động, zalo, facebook…), Cổng/Trang thông tin điện tử, loa truyền thanh, bảng tin, màn hình khu dân cư… c) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo… để trao đổi, thông tin đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, các nhà khoa học, chuyên gia, cộng tác viên dư luận xã hội, cán bộ làm công tác thực tiễn và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan đến chính sách này tham gia ý kiến. Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc của các tôn giáo trong việc thông tin cho người dân. d) Tổ chức truyền thông bằng hình thức phù hợp cho đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. đ) Triển khai các hình thức truyền thông khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà Công an các đơn vị, địa phương có thể áp dụng để bảo đảm truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đạt hiệu quả cao. Đơn vị thực hiện: các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Đối ngoại, Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp các đơn vị khác có liên quan và các cơ quan báo chí, truyền thông ngoài ngành Công an. Thời gian thực hiện: hàng năm. 7. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật a) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, cán bộ pháp chế trong Công an nhân dân. Đơn vị thực hiện: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Công an các đơn vị, địa phương. Thời gian thực hiện: hàng năm. b) Tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý thông tin, báo chí, phóng viên, biên tập viên… Đơn vị thực hiện: Cục Truyền thông Công an nhân dân chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan. Thời gian thực hiện: hàng năm. 8. Huy động nguồn lực tham gia công tác truyền thông a) Phát huy vai trò, trách nhiệm của Chi hội Luật gia Bộ Công an, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an; huy động sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên giảng dạy pháp luật trong các học viện, trường Công an nhân dân, cán bộ làm công tác thực tiễn tham gia công tác truyền thông chính sách, pháp luật. b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đơn vị thực hiện: các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương. Thời gian thực hiện: hàng năm. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Phân công trách nhiệm a) Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Chủ trì, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này; tổng hợp, báo cáo gửi Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương kết quả thực hiện Đề án (nội dung lồng ghép trong báo cáo tổng kết năm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an theo quy định). - Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này và chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. b) Công an các đơn vị, địa phương - Các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Công an, các đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. - Căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ của Đề án và điều kiện thực tiễn bố trí kinh phí thực hiện Đề án; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án gửi về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để tổng hợp gửi Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương theo quy định. c) Văn phòng B; Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an; Cục Truyền thông Công an nhân dân Phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: - Văn phòng bộ: chủ trì cung cấp thông tin chính thống, định hướng cung cấp thông tin. - Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an: chủ trì các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác xây dựng pháp luật. - Cục Truyền thông Công an nhân dân: chủ trì tổ chức hoạt động truyền thông trong Công an nhân dân theo định hướng của Bộ. d) Cục Kế hoạch và tài chính Chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Công an các đơn vị, địa phương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định của pháp luật về tài chính; thẩm định dự toán, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt bố trí kinh phí và hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. đ) Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Phòng, chống các hành vi lợi dụng việc truyền thông chính sách sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. e) Cục An ninh chính trị nội bộ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu với cấp có thẩm quyền chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí trong tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có ý kiến khác nhau. Thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng việc truyền thông chính sách để đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, thể hiện các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Kinh phí thực hiện a) Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Bộ Công an và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. b) Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an và quy định của pháp luật, Công an các đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để xây dựng dự toán, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện theo quy định. c) Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các đề án đã được phê duyệt và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ./. Nơi nhận: - Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo); - Các đ/c Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo); - Công an các đơn vị, địa phương (để thực hiện); - Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (để đăng tải); - Lưu: VT, V03 (P6). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trung tướng Lê Quốc Hùng
{ "issuing_agency": "Bộ Công An", "promulgation_date": "08/05/2023", "sign_number": "241/KH-BCA", "signer": "Lê Quốc Hùng", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-147-2016-TT-BQP-quan-ly-nguoi-giu-chuc-danh-nguoi-dai-dien-phan-von-cong-ty-nha-nuoc-323743.aspx
Thông tư 147/2016/TT-BQP quản lý người giữ chức danh người đại diện phần vốn công ty nhà nước
BỘ QUỐC PHÒNG ---------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 147/2016/TT-BQP Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NGƯỜI GIỮ CHỨC DANH, CHỨC VỤ TẠI DOANH NGHIỆP LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN MÀ NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ DO BỘ QUỐC PHÒNG QUẢN LÝ VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP MÀ NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TRÊN 50% VỐN ĐIỀU LỆ DO BỘ QUỐC PHÒNG LÀM CHỦ SỞ HỮU Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014; Căn cứ Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Căn cứ Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về quản lý Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý và Người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đánh giá, căn cứ, nội dung, thời điểm, tiêu chí, phân loại và trình tự thủ tục đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; việc kiêm nhiệm của Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý và Người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu. 2. Thông tư này không quy định các nội dung về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử, cử lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý và Người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý gồm: công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, công ty độc lập (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước trong quân đội). 2. Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước trong quân đội (sau đây gọi tắt là Người quản lý), bao gồm: a) Chủ tịch Hội đồng thành viên; b) Chủ tịch công ty; c) Thành viên Hội đồng thành viên; d) Kiểm soát viên; đ) Tổng giám đốc; e) Phó Tổng giám đốc; g) Giám đốc; h) Phó Giám đốc; i) Kế toán trưởng. 3. Người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là Người đại diện), bao gồm: a) Chủ tịch Hội đồng quản trị; b) Chủ tịch Hội đồng thành viên; c) Thành viên Hội đồng quản trị; đ) Thành viên Hội đồng thành viên; đ) Tổng giám đốc; e) Phó Tổng giám đốc; g) Giám đốc; h) Phó Giám đốc. 4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý Người quản lý, Người đại diện nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Chương II QUY ĐỊNH VIỆC KIÊM NHIỆM CHỨC DANH, CHỨC VỤ QUẢN LÝ CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN Điều 3. Quy định về kiêm nhiệm chức danh, chức vụ quản lý đối với Người quản lý 1. Người được bổ nhiệm giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên a) Không phải là cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng; nếu bổ nhiệm cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác; Trường hợp đặc biệt vẫn giữ chức vụ tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng phải được Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định; b) Không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng tại doanh nghiệp mình; c) Không được kiêm nhiệm làm Người quản lý hoặc Người đại diện tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác. 2. Người được bổ nhiệm giữ chức danh Chủ tịch công ty a) Không phải là cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng; nếu bổ nhiệm cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác; Trường hợp đặc biệt vẫn giữ chức vụ tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng phải được Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định; b) Không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng tại doanh nghiệp mình; c) Không được kiêm nhiệm làm Người quản lý hoặc Người đại diện tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác. 3. Người được bổ nhiệm giữ chức danh thành viên Hội đồng thành viên a) Không phải là cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng; nếu bổ nhiệm cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán giữ chức danh quản lý này thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác; Trường hợp đặc biệt vẫn giữ chức vụ tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng phải được Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định; b) Có thể kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc doanh nghiệp mình; c) Không được kiêm nhiệm chức danh Kiểm soát viên, Kế toán trưởng tại doanh nghiệp mình; d) Không được kiêm nhiệm làm Người quản lý hoặc Người đại diện tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác. 4. Người được bổ nhiệm giữ chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng a) Không phải là cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng; nếu bổ nhiệm cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán giữ chức danh quản lý này thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác; Trường hợp đặc biệt vẫn giữ chức vụ tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng phải được Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định; b) Không được kiêm nhiệm làm Người quản lý hoặc Người đại diện tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác; c) Trường hợp vì yêu cầu công tác và/hoặc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng người được bổ nhiệm giữ chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng tại công ty mẹ được cử làm Người quản lý hoặc Người đại diện tại công ty con, công ty liên kết trong thời hạn dưới 12 tháng phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chấp thuận bằng văn bản. Điều 4. Quy định về kiêm nhiệm chức danh quản lý đối với Người đại diện 1. Người được cử đại diện phần vốn nhà nước a) Không phải là cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng; nếu cử cán bộ đang công tác tại đơn vị dự toán làm Người đại diện thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác; Trường hợp đặc biệt vẫn giữ chức vụ tại đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng phải được Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định; b) Không được kiêm nhiệm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác; c) Không được giao hoặc ủy quyền lại cho người khác đại diện thay mình biểu quyết, quyết định các nội dung đã được Bộ Quốc phòng chấp thuận. 2. Người đại diện giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc công ty mình. 3. Người đại diện giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc công ty mình. Chương III THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐÁNH GIÁ Điều 5. Thẩm quyền đánh giá đối với Người quản lý 1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và/hoặc thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. 2. Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng đánh giá Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và/hoặc thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên tại các doanh nghiệp thuộc đơn vị đầu mối. 3. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đánh giá Tổng giám đốc, Giám đốc. 4. Tổng giám đốc, Giám đốc đánh giá Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng. Điều 6. Thẩm quyền đánh giá đối với Người đại diện 1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp đánh giá Người đại diện được Bộ Quốc phòng cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ vốn góp của nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu. 2. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước trong quân đội đánh giá Người đại diện được công ty mẹ cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ vốn góp của nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do công ty mẹ làm chủ sở hữu. Điều 7. Trách nhiệm của người đánh giá 1. Người được giao thẩm quyền đánh giá Người quản lý và Người đại diện phải chịu trách nhiệm về quyết định đánh giá của mình. 2. Kết quả đánh giá bằng văn bản được thông báo đến Người quản lý, Người đại diện và lưu vào hồ sơ Người quản lý, Người đại diện và cơ quan trực tiếp quản lý Người quản lý và Người đại diện. Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho người có thẩm quyền đánh giá Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, các Phòng, Ban Kinh tế hoặc cơ quan được giao quản lý doanh nghiệp thuộc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng trong việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá Người quản lý, Người đại diện. Chương IV CĂN CỨ, NỘI DUNG VÀ THỜI ĐIỂM TIẾN HÀNH ĐÁNH GIÁ Điều 9. Căn cứ đánh giá 1. Căn cứ và nội dung đánh giá đối với Người quản lý a) Quy định hiện hành của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp; b) Kết quả thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Người quản lý theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; c) Kết quả thực hiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: - Kết quả việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp; - Kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; d) Đối với Kiểm soát viên là kết quả thực hiện Kế hoạch công tác năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đ) Chế độ thông tin, báo cáo của Người quản lý với Bộ Quốc phòng và tính tuân thủ của Người quản lý đối với các chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. 2. Căn cứ đánh giá đối với Người đại diện a) Quy định hiện hành của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp; b) Kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; c) Việc thực hiện vai trò định hướng doanh nghiệp có vốn chi phối của Nhà nước theo đúng mục tiêu, định hướng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; d) Việc chấp hành, tuân thủ của Người đại diện đối với chủ trương, nghị quyết; chế độ thông tin, báo cáo và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Điều 10. Nội dung đánh giá 1. Nội dung đánh giá đối với Người quản lý a) Kết quả giám sát và đánh giá của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; b) Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; c) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; d) Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đ) Các kết luận kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp Người quản lý đang trong thời gian bị thanh tra, kiểm tra (nếu có); e) Tham gia các hoạt động do Nhà nước, Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp tổ chức; g) Việc thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao. 2. Nội dung đánh giá đối với Người đại diện a) Kết quả thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Người đại diện theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; b) Kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt; c) Chế độ thông tin, báo cáo của Người đại diện với Bộ Quốc phòng và tính tuân thủ của Người đại diện đối với các chỉ đạo của Bộ Quốc phòng; d) Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều lệ, nội quy, quy chế của công ty; việc phối hợp với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của công ty để thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên; đ) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; e) Các kết luận kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp Người đại diện đang trong thời gian bị thanh tra, kiểm tra (nếu có); g) Các quy định khác có liên quan của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Điều 11. Thời điểm tiến hành đánh giá 1. Việc đánh giá Người quản lý, Người đại diện được thực hiện hằng năm và hoàn thành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp công khai báo cáo tài chính năm theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. 2. Việc đánh giá khi thực hiện quy trình quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, cách chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Người quản lý và trước khi thực hiện quy trình cử, cử lại, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện thực hiện theo thời gian quy định tại Quy chế về công tác cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chương V TIÊU CHÍ VÀ PHÂN LOẠI ĐÁNH GIÁ Điều 12. Phân loại đánh giá Việc đánh giá Người quản lý và Người đại diện được phân loại theo 04 mức độ: 1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ. 3. Hoàn thành nhiệm vụ. 4. Không hoàn thành nhiệm vụ. Điều 13. Tiêu chí đánh giá Người quản lý 1. Tiêu chí đánh giá Người quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Người quản lý được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đạt được tất cả các tiêu chí sau: a) Doanh nghiệp hoàn thành trên 110% nhiệm vụ được giao theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Doanh nghiệp đạt đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch vững mạnh; c) Không có trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước và kỷ luật quân đội bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; d) Đảm bảo an toàn công tác chính trị nội bộ; đ) Đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đột xuất được giao hoặc do nguyên nhân khách quan; e) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chấp hành nghiêm quy định, quyết định của Bộ Quốc phòng; quy định của cấp trên trực tiếp quản lý doanh nghiệp; điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; g) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; h) Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành các đơn vị thành viên hoặc lĩnh vực được giao phụ trách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; i) Tham gia ít nhất 01 hoạt động xã hội do Bộ Quốc phòng hoặc doanh nghiệp mình tổ chức. 2. Tiêu chí đánh giá Người quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ Người quản lý được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ phải đạt được tất cả các tiêu chí sau: a) Doanh nghiệp hoàn thành từ 100% đến dưới 110% nhiệm vụ được giao theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (nhưng có mặt còn hạn chế); c) Các tiêu chí được quy định tại Điểm b, c, d, đ, e, h, i Khoản 1 Điều 13 của Thông tư này. 3. Tiêu chí đánh giá Người quản lý hoàn thành nhiệm vụ Người quản lý được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ phải đạt được tất cả các tiêu chí sau: a) Doanh nghiệp hoàn thành từ 90% đến dưới 100% nhiệm vụ được giao theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Có không quá 02 vụ việc mất an toàn lao động, vi phạm an toàn giao thông; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đột xuất được giao hoặc do nguyên nhân khách quan; c) Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành các đơn vị thành viên hoặc lĩnh vực được giao phụ trách hoàn thành nhiệm vụ được giao; d) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; là đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; đ) Các tiêu chí được quy định tại Điểm b, c, d, e Khoản 1 Điều 13 của Thông tư này. 4. Tiêu chí đánh giá Người quản lý không hoàn thành nhiệm vụ Người quản lý được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi vi phạm một trong các tiêu chí sau: a) Doanh nghiệp hoàn thành dưới 90% nhiệm vụ được giao theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Doanh nghiệp không đạt đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng bộ không đạt trong sạch vững mạnh; c) Có trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước và kỷ luật quân đội bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; d) Mất an toàn chính trị nội bộ; đ) Là đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; e) Có nhiều hơn 02 vụ việc mất an toàn lao động, vi phạm an toàn giao thông; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đột xuất được giao hoặc do nguyên nhân khách quan; g) Không thực hiện hoặc vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không chấp hành hoặc chấp hành không đúng quy định, quyết định của Bộ Quốc phòng; quy định của cấp trên trực tiếp quản lý doanh nghiệp; điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; h) Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành các đơn vị thành viên hoặc lĩnh vực được giao phụ trách nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao; i) Không thực hiện hoặc vi phạm điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Điều 14. Tiêu chí đánh giá Người đại diện 1. Tiêu chí đánh giá Người đại diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Người đại diện được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đạt được tất cả các tiêu chí sau: a) Hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm được Bộ Quốc phòng phê duyệt, đảm bảo thời gian và chất lượng công việc; b) Không có trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước và kỷ luật quân đội bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; c) Đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đột xuất được giao hoặc do nguyên nhân khách quan; d) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chấp hành nghiêm quy định, quyết định của Bộ Quốc phòng, của cấp trên trực tiếp quản lý doanh nghiệp, của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; e) Không gây mất đoàn kết trong nội bộ những Người đại diện phần vốn nhà nước; g) Tham gia ít nhất 01 hoạt động xã hội do Bộ Quốc phòng hoặc doanh nghiệp mình tổ chức. 2. Tiêu chí đánh giá Người đại diện hoàn thành tốt nhiệm vụ Người đại diện được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ phải đạt được tất cả các tiêu chí sau: a) Hoàn thành từ 90% đến dưới 100% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm được Bộ Quốc phòng phê duyệt, đảm bảo thời gian và chất lượng công việc; b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (nhưng có mặt còn hạn chế); c) Các tiêu chí được quy định tại Điểm b, c, d, e, g Khoản 1 Điều 14 của Thông tư này. 3. Tiêu chí đánh giá Người đại diện hoàn thành nhiệm vụ Người đại diện được đánh giá khi phải hoàn thành nhiệm vụ đạt được tất cả các tiêu chí sau: a) Hoàn thành từ 80% đến dưới 90% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm được Bộ Quốc phòng phê duyệt, đảm bảo thời gian và chất lượng công việc; b) Có không quá 02 vụ mất an toàn lao động, vi phạm an toàn giao thông; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đột xuất được giao hoặc do nguyên nhân khách quan; d) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; là đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; c) Các tiêu chí được quy định tại Điểm b, d, e Khoản 1 Điều 14 của Thông tư này. 4. Tiêu chí đánh giá Người đại diện không hoàn thành nhiệm vụ Người đại diện được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi vi phạm một trong các tiêu chí sau: a) Hoàn thành dưới 80% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm được Bộ Quốc phòng phê duyệt; b) Là đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; c) Không thực hiện hoặc vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy định, quyết định của Bộ Quốc phòng, bị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo quy định; d) Có trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước và kỷ luật quân đội bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; đ) Có nhiều hơn 02 vụ việc mất an toàn lao động, vi phạm an toàn giao thông; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đột xuất được giao hoặc do nguyên nhân khách quan; e) Gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ những Người đại diện phần vốn nhà nước; g) Vi phạm điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng với quyết nghị của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. Chương VI QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ Điều 15. Quy trình đánh giá Người quản lý Căn cứ thời điểm tiến hành đánh giá quy định tại Điều 11 Thông tư này, việc đánh giá Người quản lý được thực hiện như sau: 1. Người quản lý tự nhận xét Người quản lý viết bản tự nhận xét theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 13 của Thông tư này gửi Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch doanh nghiệp; Kiểm soát viên viết bản tự nhận xét theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 13 của Thông tư này gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng đơn vị đầu mối (qua đơn vị trực tiếp quản lý Kiểm soát viên); 2. Xin ý kiến cấp ủy cùng cấp Hội đồng thành viên, Chủ tịch doanh nghiệp lấy ý kiến đánh giá bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp đối với bản tự nhận xét từng Người quản lý (không bao gồm Kiểm soát viên); 3. Hội nghị thảo luận, góp ý vào bản tự nhận xét của Người quản lý Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty chủ trì tổ chức cuộc họp Người quản lý thông báo ý kiến của cấp ủy, thảo luận, góp ý đối với bản tự nhận xét của từng Người quản lý. Cuộc họp của Người quản lý phải được lập biên bản ghi đầy đủ các ý kiến góp ý đối với từng Người quản lý của doanh nghiệp. 4. Báo cáo cấp thẩm quyền Căn cứ thẩm quyền đánh giá đối với Người quản lý quy định tại Điều 5 của Thông tư này, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty gửi bản tự nhận xét kèm theo biên bản cuộc họp Người quản lý và ý kiến của cấp ủy cùng cấp báo cáo cấp có thẩm quyền (qua Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng; qua Phòng, Ban Kinh tế hoặc đơn vị được giao quản lý doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thuộc đơn vị đầu mối) xem xét đánh giá, phân loại. 5. Thẩm định báo cáo của Người quản lý Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản của Người quản lý doanh nghiệp báo cáo và đề nghị cấp có thẩm quyền đánh giá, phân loại, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng; các Phòng, Ban Kinh tế căn cứ quy định tại Thông tư này dự thảo văn bản đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Người quản lý gửi xin ý kiến các cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cán bộ, Quân lực cùng cấp. Trong trường hợp Người quản lý doanh nghiệp đang trong thời gian bị thanh tra, kiểm tra, cơ quan chủ trì lấy ý kiến sẽ gửi xin ý kiến thêm tại các cơ quan có liên quan. 6. Trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định Tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng; Phòng, Ban Kinh tế đơn vị đầu mối trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp, Kiểm soát viên. Điều 16. Quy trình đánh giá Người đại diện Căn cứ thời điểm tiến hành đánh giá quy định tại Điều 11 Thông tư này, việc đánh giá Người đại diện được thực hiện như sau: 1. Tự nhận xét của Người đại diện Người đại diện viết bản tự nhận xét, đánh giá theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 10, 14 Thông tư này, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (qua Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng); 2. Thẩm định báo cáo của người đại diện Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận báo cáo tự nhận xét, đánh giá của Người đại diện, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng gửi xin ý kiến bằng văn bản tới Tổng cục Chính trị (qua Cục Cán bộ), Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng, đơn vị đầu mối trực tiếp quản lý Người đại diện; Trong trường hợp Người đại diện đang trong thời gian bị thanh tra, kiểm tra, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng sẽ gửi xin ý kiến thêm các cơ quan có liên quan. 3. Trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định Tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với Người đại diện. Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 17. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2016. Điều 18. Trách nhiệm thi hành 1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 2. Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm: a) Xây dựng Quy chế hoạt động của Người đại diện do Bộ Quốc phòng cử tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt; hướng dẫn các Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty được tổ chức theo hình thức công ty mẹ - công ty con xây dựng Quy chế hoạt động của Người đại diện, Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Người quản lý và Người đại diện tại công ty con. b) Kiểm tra, giám sát và báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Bộ trưởng (để báo cáo); - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: - Tổng Tham mưu trưởng; - Thứ trưởng Trần Đơn; - Văn phòng Chính phủ; - Cục Kiểm tra VBQPPL/Bộ Tư pháp; - Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; - Vụ Pháp chế/BQP; - Cổng TTĐT: Chính phủ, BQP; Công báo; - Các doanh nghiệp thuộc BQP; - Công ty cổ phần có vốn Nhà nước thuộc BQP; - Lưu: VT, THBĐ; Ha160. BỘ TRƯỞNG Đại tướng Ngô Xuân Lịch
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng", "promulgation_date": "21/09/2016", "sign_number": "147/2016/TT-BQP", "signer": "Ngô Xuân Lịch", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-73-2015-ND-CP-tieu-chuan-phan-tang-khung-xep-hang-tieu-chuan-xep-hang-co-so-giao-duc-dai-hoc-289316.aspx
Nghị định 73/2015/NĐ-CP tiêu chuẩn phân tầng khung xếp hạng tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 73/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2015 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN PHÂN TẦNG, KHUNG XẾP HẠNG VÀ TIÊU CHUẨN XẾP HẠNG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng 1. Nghị định này quy định về tiêu chuẩn phân tầng; khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. 2. Nghị định này áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường đại học, học viện; các tổ chức và cá nhân có liên quan. Điều 2. Giải thích từ ngữ 1. Phân tầng cơ sở giáo dục đại học là sự sắp xếp thành các nhóm các cơ sở giáo dục đại học theo mục tiêu, định hướng đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Nghị định này. Cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. 2. Xếp hạng là sự sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học theo thứ tự từ cao xuống thấp về chất lượng được tính bằng điểm theo khung xếp hạng trong mỗi tầng của hệ thống giáo dục đại học. 3. Khung xếp hạng là các giới hạn trên và giới hạn dưới được tính bằng điểm để phân chia các cơ sở giáo dục đại học thành các hạng theo nhóm chất lượng trong mỗi tầng của hệ thống giáo dục đại học. 4. Chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ. 5. Chương trình đào tạo định hướng ứng dụng là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người. 6. Chương trình đào tạo định hướng thực hành là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng tập trung vào việc thực hiện các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, sản xuất, chế tạo các công cụ phục vụ sản xuất và đời sống dựa trên cơ sở những thiết kế có sẵn. 7. Giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu a) Giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức; b) Giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học tư thục là giảng viên, nghiên cứu viên ký hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của Bộ luật lao động, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác, không là công chức hoặc viên chức nhà nước; do cơ sở giáo dục đại học trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành. 8. Tiêu chí phân tầng và xếp hạng là mức độ yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Tiêu chí phân tầng và xếp hạng bao gồm: vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học; quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Chương II TIÊU CHUẨN PHÂN TẦNG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Điều 3. Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu 1. Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học Là cơ sở giáo dục đại học có hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học; phát triển các công nghệ nguồn; cung cấp nguồn nhân lực có năng lực giảng dạy và nghiên cứu cơ bản; có năng lực chủ trì nghiên cứu giải quyết các nhiệm vụ, đề tài khoa học cấp quốc gia và quốc tế. 2. Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo a) Quy mô đào tạo của các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu trình độ đại học, thạc sĩ và đào tạo trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; b) Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm trên 30% tổng quy mô đào tạo của các ngành, chuyên ngành theo định hướng nghiên cứu; c) Có ít nhất 3 chuyên ngành đào tạo từ đại học đến tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học cơ bản ứng dụng ở 3 nhóm ngành khác nhau. 3. Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ a) Có đơn vị nghiên cứu phù hợp với ngành đào tạo như: Viện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản, cơ sở nghiên cứu khoa học ứng dụng, trung tâm phát triển công nghệ nguồn; b) Tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ chiếm ít nhất 20% tổng chi cho các hoạt động hằng năm của cơ sở giáo dục đại học; c) Giảng viên cơ hữu phải dành ít nhất 50% tổng thời gian làm việc định mức cho hoạt động nghiên cứu khoa học; d) Có ít nhất 80% giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia nghiên cứu khoa học có bài báo, công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước hằng năm; đ) Tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 30% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu, tỷ lệ này không thấp hơn 50%; e) Mỗi chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này phải có ít nhất 1 Giáo sư hoặc 3 Phó Giáo sư là giảng viên cơ hữu; g) Tỉ lệ sinh viên/giảng viên của các chương trình định hướng nghiên cứu không quá 15. Điều 4. Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng 1. Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học Là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đội ngũ nhân lực chủ yếu theo hướng ứng dụng; nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung vào việc phát triển các kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người; có năng lực chủ trì nghiên cứu, giải quyết những nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tham gia nghiên cứu, giải quyết những nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ khu vực và quốc tế. 2. Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo a) Quy mô đào tạo của các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng trình độ đại học, thạc sĩ chiếm ít tỷ lệ lớn nhất trong tổng quy mô đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học; b) Ngành nghề đào tạo đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; c) Đào tạo chủ yếu trình độ đại học và trình độ thạc sĩ ứng dụng; một số ít chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ nghiên cứu và trình độ tiến sĩ. 3. Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ a) Có hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu phát triển, cơ sở sản xuất thử nghiệm, trung tâm ươm tạo công nghệ; b) Tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ chiếm ít nhất 20% tổng chi cho các hoạt động hằng năm của cơ sở giáo dục đại học; c) Hằng năm tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ chuyên ngành trong và ngoài nước hoặc chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào thực tế trên tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học không thấp hơn 70%; d) Tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 15% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; đ) Tỉ lệ bình quân sinh viên/giảng viên trong toàn cơ sở giáo dục đại học không quá 25. Điều 5. Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành 1. Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học Là cơ sở giáo dục đại học chú trọng đào tạo, phát triển năng lực thực hành của người học, gắn kết đào tạo với thực tế sản xuất; nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung theo hướng triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng đã đạt được vào thực tiễn cuộc sống; cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức thực tiễn và năng lực thực hành phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động đa dạng của các địa phương và các vùng, các tổ chức kinh tế. 2. Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo a) Quy mô đào tạo các chương trình đào tạo định hướng thực hành chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng quy mô đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học; b) Ngành nghề đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu; chương trình đào tạo được thiết kế liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp; c) Đào tạo trình độ đại học là chủ yếu. 3. Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ a) Tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất thử nghiệm, phát triển sản phẩm mới không thấp hơn 10% tổng chi cho các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; b) Hằng năm có ít nhất 30% giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học tham gia các hoạt động phối hợp giữa nhà trường và thực tế sản xuất hoặc thực hiện các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ, có công trình được công bố; c) Có ít nhất 10% khối lượng của các chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học do các chuyên gia, doanh nhân, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, nhà quản lý có kinh nghiệm từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở trong nước và nước ngoài tham gia giảng dạy, báo cáo chuyên đề. Chương III KHUNG XẾP HẠNG, TIÊU CHUẨN XẾP HẠNG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Điều 6. Khung xếp hạng 1. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng tùy theo chất lượng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3. 2. Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu như sau: a) Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; b) Hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc Điểm a và Điểm c Khoản này; c) Hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất. Điều 7. Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu 1. Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo a) Quy mô của các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu; b) Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ; c) Số chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học cơ bản ứng dụng; d) Số chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. 2. Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ a) Tổng thu từ hoạt động đào tạo, từ hoạt động khoa học công nghệ; tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp (nếu có) hằng năm; b) Tổng chi phí để đào tạo mỗi sinh viên trong một năm (sau đây gọi là chi phí đơn vị); c) Số lượng giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia nghiên cứu khoa học có bài báo, công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước hằng năm; d) Số cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học cơ bản ứng dụng; số viện nghiên cứu trực thuộc, số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu phát triển các công nghệ nguồn; đ) Số lượng giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; e) Số lượng giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư; g) Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được cấp bằng trung bình mỗi năm. 3. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học a) Số bài báo, công trình công bố đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có tên trong danh mục ISI, Scopus hằng năm; b) Số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp hằng năm; c) Số lượng giảng viên và sinh viên (kể cả cựu sinh viên) của trường được trao giải thưởng quốc gia và quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học hằng năm; d) Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành đào tạo sau 12 tháng; đ) Số lượng sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hằng năm. 4. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục a) Số lượng các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khu vực, quốc tế kiểm định và công nhận; b) Số lượng các chương trình đào tạo được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước kiểm định và công nhận; c) Mức độ đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Điều 8. Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng 1. Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo a) Quy mô của các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng; b) Số nhóm ngành đào tạo theo định hướng ứng dụng; c) Số lượng các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ ứng dụng. 2. Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ a) Tổng thu từ hoạt động đào tạo, từ hoạt động khoa học công nghệ; tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp (nếu có) hằng năm; b) Chi phí đơn vị; c) Số lượng giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia nghiên cứu khoa học có kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước hằng năm; d) Số cơ sở nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, trung tâm ươm tạo công nghệ; đ) Số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; e) Số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư; g) Tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu. 3. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học a) Số công trình được ứng dụng vào thực tế; số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia và quốc tế hàng năm; b) Số lượng bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa được cấp hằng năm; c) Số lượng giảng viên và sinh viên (kể cả cựu sinh viên) của trường được tạo giải thưởng quốc gia và quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học hằng năm; d) Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành đào tạo sau 12 tháng; đ) Số lượng sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hằng năm. 4. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục a) Số chương trình đào tạo được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế kiểm định và công nhận; b) Mức độ đạt các tiêu chí kiểm định cơ sở giáo dục đại học. Điều 9. Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành 1. Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo a) Tổng quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; b) Số lượng sinh viên đào tạo theo đặt hàng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; c) Số chương trình đào tạo có hợp tác với doanh nghiệp. 2. Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ a) Tổng thu từ hoạt động đào tạo, từ hoạt động khoa học công nghệ; tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp (nếu có) hằng năm; b) Chi phí đơn vị; c) Số lượng giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia các hoạt động thực tế tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc có bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành hàng năm; d) Số lượng giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ hoặc được tặng các danh hiệu nhà nước do có nhiều đóng góp, cống hiến cho nghề nghiệp; đ) Số xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm, phát triển sản phẩm; e) Tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia, doanh nhân, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, nhà quản lý có kinh nghiệm từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở trong nước và nước ngoài tham gia giảng dạy hằng năm; g) Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu. 3. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học a) Số lượng bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa được cấp hằng năm; b) Số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học công nghệ, số lượng các công trình được áp dụng vào thực tiễn hàng năm; c) Số lượng giảng viên và sinh viên (kể cả cựu sinh viên) của trường được trao giải thưởng về hoạt động nghề nghiệp hằng năm; d) Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành đào tạo sau 12 tháng; đ) Số lượng sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hằng năm. 4. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục a) Số lượng các chương trình đào tạo được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục kiểm định và công nhận; b) Mức độ đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Chương IV ĐIỀU KIỆN, CHU KỲ, QUY TRÌNH, THỦ TỤC PHÂN TẦNG VÀ XẾP HẠNG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Điều 10. Điều kiện được công nhận phân tầng 1. Đã được kiểm định chất lượng đạt yêu cầu và còn giá trị hiệu lực bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. 2. Đã được tổ chức phân tầng và xếp hạng đánh giá ngoài và đề nghị xem xét công nhận phân tầng. 3. Đạt ít nhất 75% các chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn phân tầng tương ứng quy định tại Chương 2 của Nghị định này, trong đó mỗi tiêu chí có ít nhất một chỉ số đạt yêu cầu. Điều 11. Chu kỳ phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học 1. Phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 10 năm. 2. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm. Điều 12. Quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo giáo dục đại học 1. Cơ sở giáo dục đại học tiến hành tự đánh giá theo tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này và hướng dẫn thực hiện Nghị định của do Bộ Giáo dục và Đào tạo; lập báo cáo tự đánh giá và công bố trên trang thông tin của cơ sở giáo dục đại học. 2. Cơ sở giáo dục đại học đăng ký thực hiện phân tầng, xếp hạng với tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 13 của Nghị định này. 3. Tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ quy định tại Điều 11 của Nghị định này. 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định báo cáo của tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 13. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm: a) Hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định này và việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học; b) Hướng dẫn cách tính điểm cho mỗi chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học quy định tại Nghị định này; c) Lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để giao nhiệm vụ thực hiện phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; d) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước dựa trên kết quả phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. 2. Các Bộ, ngành và địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc triển khai, thực hiện các hoạt động phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Điều 14. Hiệu lực thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 10 năm 2015. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KGVX (3b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "08/09/2015", "sign_number": "73/2015/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-5682-KH-UBND-2015-To-chuc-ky-niem-cac-ngay-Le-lon-Quy-IV-Ho-Chi-Minh-534386.aspx
Kế hoạch 5682/KH-UBND 2015 Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Quý IV Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 5682/KH-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 9 năm 2015 KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN QUÝ IV NĂM 2015 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; Căn cứ Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014-2015; Căn cứ Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Căn cứ Quyết định số 1063/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014 - 2015; Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 -19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015); Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 10034-CV/VPTU ngày 11 tháng 8 năm 2015 của Văn phòng Thành ủy về chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày Lễ lớn trong 6 tháng cuối năm năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày Lễ lớn trong Quý IV năm 2015 tại Thành phố như sau: I. KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY LỄ LỚN 1. Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2015) (có kế hoạch riêng) 2. Kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2015) 2.1. Khai mạc Triển lãm: * Danh nghĩa tổ chức: Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố. * Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao. * Thời gian: 07 giờ 30, ngày 20 tháng 11 năm 2015 (thứ sáu). * Địa điểm: Tuyến đường Nguyễn Huệ, Nhà Văn hóa Thanh niên, Khu Tưởng niệm Liệt sỹ Ngã ba Giồng. * Chương trình: 07 giờ 30 - 08 giờ 00: - Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. - Phát biểu khai mạc của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. - Cắt băng khai mạc Triển lãm. - Bế mạc. 2.2. Lễ dâng hương, dâng hoa: * Danh nghĩa tổ chức: Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. * Đơn vị thực hiện: Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn. * Thời gian: 07 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2015 (thứ bảy) * Địa điểm: Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng), Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Xuân (xã Xuân Thới Đông), Bia Tưởng niệm Cầu Xáng (xã Tân Hiệp), Nhà thương Giếng nước (Thị trấn Hóc Môn), Tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, Bia Tưởng niệm các chiến sĩ Trung đội Gò Môn (xã Trung An, huyện Củ Chi). 2.3. Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ * Danh nghĩa tổ chức: Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. * Đơn vị thực hiện: Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố * Thời gian: 9 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2015 (thứ bảy). * Địa điểm: Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng. * Chương trình: (Trực tiếp truyền hình) 08 giờ 30 - 09 giờ 15: - Chương trình sân khấu hóa. 09 giờ 15 - 10 giờ 00: - Chào cờ (có quân nhạc). - Nghi thức khai mạc. - Diễn văn của Lãnh đạo Thành phố. - Phát biểu của Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn. - Phát biểu của thế hệ trẻ. - Bế mạc. 2.4. Các hoạt động khác: - Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy có kế hoạch tuyên truyền và hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề Kỷ niệm lần thứ 75 Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ. - Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn tổ chức Lễ Giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ lúc 10 giờ 30 ngày 23 tháng 11 năm 2015 tại Nhà Di tích Xuân Thới Đông, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn; phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi tổ chức Lễ Dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Thới Đông, Bia Cầu Xáng (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), Bia Tưởng niệm Trung đội Gò Môn (xã Trung An, huyện Củ Chi). - Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo đài có kế hoạch thực hiện các phóng sự, bài viết, tin, chuyên trang, chuyên mục... về chủ đề kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2015). - Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt tại Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng; tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn vào lúc 20 giờ ngày 23 tháng 11 năm 2015. - Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 5, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn và các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc đua xe đạp truyền thống Nam Kỳ Khởi Nghĩa lần thứ XVII. - Các Sở, ban - ngành, mặt trận, đoàn thể, quận - huyện chủ động tổ chức đoàn đại biểu dâng hương, dâng hoa tại Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn từ ngày 22 tháng 11 đến ngày 23 tháng 11 năm 2015. 3. Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển và Hội nhập” năm 2015 (Kế hoạch số 5180/KH-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố) 4. Các hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X (thực hiện theo Kế hoạch số 07-KH/TBTCPV ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Tiểu ban tổ chức phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X) 5. Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2016 (có kế hoạch riêng) - Tổ chức “Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới 2016”: Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ IX; giới thiệu các công trình trọng điểm, các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thành phố theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X; chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thời gian từ ngày 27 tháng 12 năm 2015 đến ngày 01 tháng 01 năm 2016 tại Công viên 23/9, Quận 1. - Tổ chức Giải đua xe đạp đón chào năm mới 2016 và giải Đua Thuyền Truyền thống mở rộng lần thứ IV năm 2016. - Tổ chức trang trí ánh sáng đèn nghệ thuật trên một số tuyến đường trung tâm Thành phố từ ngày 20 tháng 12 năm 2015 đến ngày 05 tháng 01 năm 2016; Tổ chức một số chương trình nghệ thuật đón chào năm mới, chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X; chào mừng Đại hội trên đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào đêm 31 tháng 12 năm 2015 và ngày 01 tháng 01 năm 2016. - Tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật từ 00 giờ 00 đến 00 giờ 15 ngày 01 tháng 01 năm 2016 và Tết cổ truyền của dân tộc (đêm 30 tháng 12 âm lịch năm 2015, có kế hoạch riêng). - Thành Đoàn, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố có kế hoạch tổ chức các hoạt động và biểu diễn văn nghệ đón chào năm mới 2016 và Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X thành công, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng tại các Ký túc xá, khu lưu trú công nhân, khu chế xuất, khu công nghiệp lần lượt trong 02 đêm 31 tháng 12 năm 2015 và ngày 01 tháng 01 năm 2016. II. KỶ NIỆM CÁC NGÀY THÀNH LẬP, NGÀY TRUYỀN THỐNG VÀ NGÀY KỶ NIỆM KHÁC Căn cứ Chương IV, Nghị định 145/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ ngành Trung ương, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định “1. Năm lẻ 5, năm khác: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương; 2. Năm tròn: Ban, Bộ ngành Trung ương, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm...”. Yêu cầu các Sở, ban - ngành, đoàn thể, quận - huyện có kế hoạch và chủ động tổ chức các hoạt động Lễ, thiết kế nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với đơn vị, địa phương, góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong Quý IV năm 2015./. Nơi nhận: - Thường trực Thành ủy; - Thường trực Hội đồng nhân dân TP; - TTUB: CT, các PCT; - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; - Các Đoàn thể thành phố; - Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy; - Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố; - Các Sở, ban - ngành Thành phố; - Bí thư và Chủ tịch UBND các quận-huyện; - Các Tổng Công ty và DNNN thuộc TP; - Các Báo, Đài; - Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP; - VPUB: CPVP; - Các Phòng, Nhà khách Hương Sen; - Lưu: VT, (VX-LH). KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Hứa Ngọc Thuận
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "18/09/2015", "sign_number": "5682/KH-UBND", "signer": "Hứa Ngọc Thuận", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-09-2008-TTLT-BTP-BNV-BTC-che-do-phu-cap-trach-nhiem-theo-nghe-doi-voi-tham-tra-vien-thi-hanh-an-dan-su-82814.aspx
Thông tư liên tịch 09/2008/TTLT-BTP-BNV-BTC chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự
BỘ TƯ PHÁP - BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- Số: 09/2008/TTLT-BTP-BNV-BTC Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2008 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 86/2007/QĐ-TTg NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM THEO NGHỀ ĐỐI VỚI THẨM TRA VIÊN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Căn cứ Quyết định số 86/2007/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự như sau: I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ MỨC PHỤ CẤP 1. Đối tượng áp dụng Đối tượng áp dụng phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với các ngạch thẩm tra viên thi hành án dân sự trong cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự bao gồm các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 86/2007/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Quyết định số 86/2007/QĐ-TTg). Mức phụ cấp trách nhiệm a) Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 15% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); b) Thẩm tra viên chính thi hành án dân sự được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); c) Thẩm tra viên thi hành án dân sự được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). II. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG 1. Đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề quy định tại khoản 1 mục I của Thông tư này là những người được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào các ngạch thẩm tra viên thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; 2. Cán bộ, công chức được bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên thi hành án dân sự nào thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề theo quy định đối với ngạch thẩm tra viên thi hành án dân sự đó; 3. Các trường hợp quy định tại khoản 1 mục I của Thông tư này không được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề trong các trường hợp sau: a) Khi chuyển sang ngạch công chức khác, nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ việc hoặc được thuyên chuyển, điều động sang cơ quan khác không thuộc cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự; b) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; c) Thời gian đi học trong nước từ 03 tháng liên tục trở lên; d) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên; đ) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội; e) Thời gian bị đình chỉ công tác. 4. Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên thi hành án dân sự cao hơn (nâng ngạch) mà tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề ở ngạch mới bổ nhiệm thấp hơn tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề đã hưởng ở ngạch cũ thì được bảo lưu phần chênh lệch giữa tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề ở ngạch cũ so với tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề ở ngạch mới cho đến khi được nâng bậc lương liền kề ở ngạch mới. Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn H, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, đang xếp lương bậc 7, hệ số lương 4,32 ngạch thẩm tra viên (mã số 03.230); thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005. Tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm theo nghề của ông H ở ngạch thẩm tra viên, một tháng (tháng 03 năm 2008) được hưởng là: (4,32 x 540.000) + (4,32 x 540.000 x 25%) = 2.916.000 đồng/tháng. Đến ngày 01 tháng 4 năm 2008, ông H được bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên chính (mã số 03.231), xếp bậc 1, hệ số lương 4,40; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005. Tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm theo nghề của ông H ở ngạch thẩm tra viên chính, một tháng (tháng 4 năm 2008) được hưởng là: (4,40 x 540.000) + (4,40 x 540.000 x 20%) = 2.851.200 đồng/tháng Do tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm theo nghề của ông H tính theo ngạch mới được bổ nhiệm thấp hơn tổng mức tiền lương cộng tiền phụ cấp trách nhiệm theo nghề khi còn ở ngạch cũ, nên ông H được bảo lưu phần chênh lệch là 64.800 đồng (2.916.000 đồng - 2.851.200 đồng) cho đến khi được nâng bậc lương liền kề ở ngạch mới được bổ nhiệm (bậc 2, hệ số lương 4,74 ngạch thẩm tra viên chính). III. CÁCH TÍNH, PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN 1. Cách tính Mức tiền phụ cấp trách nhiệm = Hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ hiện hưởng cộng với hệ số phụ cấp lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng (nếu có) x Mức lương tối thiểu chung x Tỷ lệ % phụ cấp trách nhiệm được hưởng Ví dụ 2: Ông A, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, đang hưởng hệ số lương 3,99 bậc 6 ngạch thẩm tra viên (mã số 03.230). Mức tiền phụ cấp trách nhiệm theo nghề của ông A một tháng (tháng 5 năm 2008) là: 3,99 x 540.000 đồng/tháng x 25% = 538.650 đồng/tháng. Ví dụ 3: Ông B, Trưởng phòng chuyên môn cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, đang hưởng hệ số lương 4,74 bậc 2 ngạch thẩm tra viên chính (mã số 03.231) và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,4. Mức tiền phụ cấp trách nhiệm theo nghề của ông B một tháng (tháng 5 năm 2008) là: (4,74 + 0,4) x 540.000 đồng/tháng x 20% = 555.120 đồng/tháng. 2. Phương thức chi trả phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự a) Các đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó chi trả; b) Phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 3. Nguồn kinh phí thực hiện Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự được bố trí từ nguồn kinh phí do Ngân sách nhà nước bảo đảm, được cấp theo Luật Ngân sách nhà nước và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương. IV. HIỆU LỰC THI HÀNH 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 2. Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thẩm tra viên thi hành án dân sự được thực hiện kể từ ngày Quyết định số 86/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành. Các đối tượng được bổ nhiệm vào các ngạch thẩm tra viên thi hành án dân sự sau ngày 19 tháng 7 năm 2007 (ngày Quyết định số 86/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm kể từ ngày được bổ nhiệm vào ngạch. Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Tư pháp để thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ THỨ TRƯỞNG Nguyễn Duy Thăng KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG Nguyễn Đức Chính Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Kiểm toán nhà nước; - Cơ quan Trung ương các Đoàn thể; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công báo, Website Chính phủ; - Sở Tư pháp, THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản, Cục THADS); - Lưu: VT Bộ Tư pháp, VT Bộ Nội vụ, VT Bộ Tài chính; - Lưu Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ; - Lưu Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính.
{ "issuing_agency": "Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp", "promulgation_date": "27/11/2008", "sign_number": "09/2008/TTLT-BTP-BNV-BTC", "signer": "Nguyễn Đức Chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Duy Thăng", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-5283-KH-STP-PBGDPL-2018-Du-phong-lay-truyen-HIV-tu-me-sang-con-So-Tu-phap-Ho-Chi-Minh-545926.aspx
Kế hoạch 5283/KH-STP-PBGDPL 2018 Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con Sở Tư pháp Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ TƯ PHÁP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 5283/KH-STP-PBGDPL Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 6 năm 2018 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON” TẠI SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2018 Căn cứ Kế hoạch số 2409/KH-UBND ngày 29/5/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2018 như sau: I. Mục đích, yêu cầu - Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Kế hoạch số 2409/KH-UBND ngày 29/5/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018. - Tiếp tục nâng cao nhận thức trong công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. - Việc triển khai Kế hoạch số 2409/KH-UBND ngày 29/5/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố phải bám sát mục tiêu, nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc được phân công. II. Chủ đề, khẩu hiệu và thời gian thực hiện 1. Chủ đề: “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”. 2. Khẩu hiệu: - Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con! - Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con! - Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020! - Phụ nữ mang thai cần biết sớm tình trạng nhiễm HIV để được điều trị kịp thời! - Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con! - Tiếp cận sớm các dịch vụ điều trị HIV/AIDS là quyền lợi của người nhiễm HIV! - Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời! - Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác! 3. Thời gian thực hiện: từ ngày Kế hoạch được ban hành đến ngày 30/6/2018. III. Nội dung hoạt động và hình thức thực hiện 1. Tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông về “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2018 và Chủ đề năm 2018. a) Nội dung: tập trung truyền thông các nội dung sau: - Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai. - Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con. - Điều trị sớm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. - Biện pháp và lợi ích của dự phòng lây nhiễm HIV. - Phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn với phụ nữ nhiễm HIV. - Lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 3 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm. - Điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. - Các can thiệp cần thiết cho phụ nữ khi mang thai, khi sinh và bà mẹ, trẻ sau sinh từ mẹ nhiễm HIV. - Quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin. - Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại Thành phố. b) Hình thức: tùy theo tình hình, đặc điểm, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông về “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” và Chủ đề năm 2018 bằng những hình thức phù hợp, linh hoạt, phong phú, đa dạng và thiết thực. c) Phân công thực hiện: Các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp. 2. Thực hiện các tin, bài viết hoặc chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về các hoạt động thiết thực của Thành phố triển khai “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” và Chủ đề năm 2018. Phân công thực hiện: Báo Pháp luật Thành phố. IV. Tổ chức thực hiện 1. Các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tư pháp (Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật), địa chỉ 141 - 143 Pasteur, phường 6, quận 3 (đồng thời gửi vào hộp thư điện tử [email protected]) trước ngày 05/7/2018. 2. Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, bảo đảm việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi về Sở Y tế. V. Kinh phí thực hiện Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị./. Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện “Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2018 tại Sở Tư pháp./. Nơi nhận: - Sở Y tế (để báo cáo); - Các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp; - Các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp; - Các đoàn thể Sở Tư pháp; - Ban Biên tập Website (để đăng tải); - Lưu: VT; PBGDPL. KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC Nguyễn Văn Vũ
{ "issuing_agency": "Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "07/06/2018", "sign_number": "5283/KH-STP-PBGDPL", "signer": "Nguyễn Văn Vũ", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Phap-lenh-sua-doi-Phap-lenh-Kiem-sat-vien-Vien-kiem-sat-nhan-dan-120238.aspx
Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Pháp lệnh số: 15/2011/UBTVQH12 Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2011 PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Căn cứ Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân số 34/2002/QH10; Căn cứ Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011); Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân số 03/2002/PL-UBTVQH11 . Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân: 1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 3. 1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: a) Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; b) Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; c) Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự bao gồm Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trung ương đồng thời là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự. 2. Mỗi cấp Viện kiểm sát được bố trí các ngạch Kiểm sát viên khác nhau. Số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.” 2. Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 18. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.” 3. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 19. 1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện Kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự. 2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện Kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự.” 4. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 20. 1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trung ương. 2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười lăm năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trung ương.” 5. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 21. Trong trường hợp cần thiết, người đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân hoặc người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Kiểm sát nhân dân, tuy chưa đủ thời gian làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại các điều 18, 19 hoặc Điều 20 của Pháp lệnh này, thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân hoặc Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự hoặc Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trung ương.” 6. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 22. 1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có: a) Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trung ương; b) Các Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; c) Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự. 2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên làm việc theo chế độ tập thể. Quyết định của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.” 7. Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 24. 1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân gồm có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) làm Chủ tịch, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh là ủy viên. Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. 2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Hội đồng đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm; b) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện Kiểm sát nhân dân có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Hội đồng đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao miễn nhiệm; c) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Hội đồng đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức.” 8. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 25. 1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự gồm có Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương làm Chủ tịch, đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Hội luật gia Việt Nam là ủy viên. Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. 2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương để Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm; b) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương để Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao miễn nhiệm; c) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 28 của Pháp luật này theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương để Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức.” 9. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 30. 1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền quyết định: a) Điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân địa phương này đến Viện kiểm sát nhân dân địa phương khác không cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến Viện kiểm sát nhân dân địa phương và ngược lại; b) Biệt phái Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân địa phương này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát nhân dân địa phương khác không cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; biệt phái Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát nhân dân địa phương và ngược lại; c) Trong trường hợp cần thiết, điều động, biệt phái Kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát nhân dân này đến Viện kiểm sát nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 2. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định: a) Điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân này đến Viện kiểm sát nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; b) Biệt phái Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát nhân dân này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền quyết định: a) Điều động Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát quân sự này đến Viện kiểm sát quân sự khác cùng cấp sau khi thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; b) Biệt phái Kiểm sát viên từ Viện kiểm sát quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát quân sự khác.” Điều 2. 1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. 2. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHỦ TỊCH Nguyễn Phú Trọng
{ "issuing_agency": "Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", "promulgation_date": "19/02/2011", "sign_number": "15/2011/UBTVQH12", "signer": "Nguyễn Phú Trọng", "type": "Pháp lệnh" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-119-2003-TT-BTC-Luat-thue-tieu-thu-dac-biet-huong-dan-thi-hanh-Nghi-dinh-149-2003-ND-CP-51723.aspx
Thông tư 119/2003/TT-BTC Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hướng dẫn thi hành Nghị định 149/2003/NĐ-CP
BỘ TÀI CHÍNH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập- Tự do-Hạnh phúc Số: 119/2003/TT-BTC Hà Nội,ngày12 tháng12 năm2003 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 149/2003/NĐ-CP NGÀY 04/12/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 08/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003; Căn cứ Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau: A- PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (TTĐB) I - Đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế TTĐB 1. Đối tượng chịu thuế: Đối tượng chịu thuế TTĐB quy định tại Điều 1 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ là các hàng hóa, dịch vụ sau đây, trừ các trường hợp hàng hoá không phải chịu thuế TTĐB quy định tại mục II phần A Thông tư này. 1.1 - Hàng hóa: a) Thuốc lá điếu, xì gà; b) Rượu; c) Bia; d) Ô tô dưới 24 chỗ ngồi; đ) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng; e) Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; g) Bài lá; h) Vàng mã, hàng mã. 1.2 - Dịch vụ: a) Kinh doanh vũ trường, mát-xa (Massage), ka-ra-ô-kê (Karaoke); b) Kinh doanh ca-si-nô (casino), trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot); c) Kinh doanh giải trí có đặt cược; d) Kinh doanh gôn (golf): bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; đ) Kinh doanh xổ số. 2. Đối tượng nộp thuế TTĐB: Đối tượng nộp thuế TTĐB quy định tại Điều 2 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ là tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. - Tổ chức sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ bao gồm: + Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Hợp tác xã; + Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác; + Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các Công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; - Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng kinh doanh khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. II- Các trường hợp hàng hóa không phải chịu thuế TTĐB: 1. Hàng hóa do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài bao gồm cả hàng hóa bán, gia công cho doanh nghiệp chế xuất. Cơ sở có hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB quy định tại điểm này phải có hồ sơ chứng minh là hàng đã thực tế xuất khẩu, cụ thể như sau: - Hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng gia công cho nước ngoài. - Hóa đơn bán hàng hóa xuất khẩu hoặc trả hàng, thanh toán tiền gia công. - Tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan về hàng hoá đã xuất khẩu. - Chứng từ thanh toán qua Ngân hàng. Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB nếu tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu theo giấy phép tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, trong thời hạn chưa phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì khi tái nhập khẩu không phải nộp thuế TTĐB, nhưng khi cơ sở sản xuất bán hàng hóa này phải nộp thuế TTĐB. 2. Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế. Cơ sở sản xuất có hàng hoá thuộc trường hợp không phải chịu thuế TTĐB quy định tại điểm này phải có hồ sơ chứng minh là hàng hoá đã thực tế xuất khẩu như sau: - Hợp đồng mua bán hàng hoá để xuất khẩu hoặc hợp đồng ủy thác xuất khẩu đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu giữa cơ sở sản xuất và cơ sở kinh doanh xuất khẩu. - Hóa đơn bán hàng, giao hàng uỷ thác xuất khẩu. - Biên bản thanh lý (thanh lý toàn bộ hoặc từng phần) hợp đồng bán hàng hoá để xuất khẩu, biên bản thanh lý hợp đồng uỷ thác xuất khẩu thể hiện rõ các nội dung sau: Tên, số lượng, chủng loại, mặt hàng, giá bán của hàng hoá đã thực tế xuất khẩu; hình thức thanh toán; số tiền và số, ngày chứng từ thanh toán hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng của người mua nước ngoài cho cơ sở xuất khẩu; số tiền và số, ngày của chứng từ thanh toán giữa cơ sở sản xuất với cơ sở xuất khẩu hoặc cơ sở nhận uỷ thác xuất khẩu; số, ngày của hợp đồng xuất khẩu, tờ khai Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu. Đối với hàng hoá cơ sở xuất khẩu mua, nhận uỷ thác xuất khẩu để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế TTĐB đối với các hàng hoá này khi bán cho cơ sở kinh doanh trong nước. 3. Hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài. Cơ sở có hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm phải có đủ thủ tục: - Giấy mời hoặc giấy đăng ký tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài. - Tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan về hàng hoá đã xuất khẩu. - Bảng kê hàng bán tại hội chợ triển lãm. - Chứng từ thanh toán tiền đối với hàng hoá bán tại hội chợ triển lãm, trường hợp bán hàng thu tiền mặt phải khai báo với cơ quan Hải quan, có chứng từ nộp tiền vào ngân hàng theo quy định hiện hành. 4. Hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp sau: - Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại. - Quà tặng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân. Quà tặng được xác định theo mức quy định của Chính phủ hoặc của Bộ Tài chính. - Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao do Chính phủ Việt Nam quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. - Hàng hoá mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam. 5. Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam theo các hình thức: - Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam; - Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; - Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; - Hàng quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ hoặc ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép. 6. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì không phải nộp thuế TTĐB tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu. 7. Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định. Hết thời gian hội chợ, triển lãm mà tổ chức, cá nhân không tái xuất hàng tạm nhập khẩu thì phải kê khai, nộp thuế TTĐB; nếu tổ chức, cá nhân không kê khai mà bị kiểm tra, phát hiện thì ngoài việc truy thu thuế TTĐB còn bị phạt theo quy định của pháp luật. 8. Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất. Hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết không thu thuế TTĐB đối với các trường hợp quy định tại các điểm 4, 5, 6, 7 và 8 nêu trên được thực hiện như quy định về giải quyết không thu thuế, miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 9. Hàng hoá nhập khẩu để bán tại các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế ở các cảng biển, sân bay quốc tế, bán cho các đối tượng được hưởng chế độ mua hàng miễn thuế theo quy định của Chính phủ. Thủ tục, hồ sơ xử lý không thu thuế TTĐB, quyết toán thuế TTĐB trong trường hợp này được áp dụng như quy định đối với việc xét miễn thuế nhập khẩu. Trong các trường hợp hàng nhập khẩu không phải chịu thuế TTĐB quy định tại điểm 4, 5, 6, 7 và 8 nêu trên, nếu thay đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thay đổi mục đích sử dụng, chủ hàng nhập khẩu phải khai báo với cơ quan Hải quan nơi đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng để nộp đủ thuế TTĐB. Thủ tục thu thuế TTĐB trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với thuế nhập khẩu. B - CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT Căn cứ tính thuế TTĐB là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và thuế suất thuế TTĐB. Thuế TTĐB Giá tính Thuế suất phải nộp = thuế TTĐB x thuế TTĐB I - Giá tính thuế TTĐB: Giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ được xác định cụ thể như sau: 1. Đối với hàng sản xuất trong nước: Giá tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT), được xác định cụ thể như sau: Giá bán chưa có thuế GTGT Giá tính thuế TTĐB = 1 + Thuế suất thuế TTĐB Giá bán chưa có thuế GTGT được xác định theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế TTĐB bán hàng qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở phụ thuộc bán ra chưa có thuế GTGT. Cơ sở sản xuất bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy định, hưởng hoa hồng thì giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT do cơ sở sản xuất quy định chưa trừ hoa hồng. - Đối với rượu chai, bia chai, bia hộp (bia lon) bán theo giá có cả vỏ chai, vỏ hộp (vỏ lon) thì giá tính thuế TTĐB được xác định như sau: Giá bán chưa có thuế GTGT - giá trị vỏ chai, vỏ lon Giá tính thuế TTĐB = 1 + Thuế suất thuế TTĐB Trong đó: + Giá trị vỏ chai là giá mua vỏ chai chưa có thuế GTGT hoặc giá thành sản xuất nếu cơ sở tự sản xuất. + Giá trị vỏ hộp (vỏ lon) được xác định theo mức 3.800đ/lít bia hộp. Ví dụ 1: Đối với bia chai bán cả vỏ chai (không thu đổi vỏ chai): Giá bán của 1 lít bia chai Sài Gòn 330ml chưa có thuế GTGT là 20.000 đồng, giá trị vỏ chai cho 1 lít bia theo giá mua vào chưa có thuế GTGT là 4.000 đồng, thuế suất thuế TTĐB của bia chai là 75% thì: 20.000đ - 4.000đ 16.000đ Giá tính thuế TTĐB 1 lít bia = = = 9.143đ 1 + 75% 1,75 Ví dụ 2: Đối với bia hộp: Giá bán của 1 lít bia hộp Sài gòn chưa có thuế GTGT là 16.000 đồng, giá trị vỏ hộp cho 1 lít bia được trừ là 3.800 đồng, thuế suất thuế TTĐB của bia hộp là 75% thì: 16.000đ - 3.800đ 12.200đ Giá tính thuế TTĐB 1 lít bia hộp = = = 6.971đ 1 + 75% 1,75 - Đối với bia chai bán theo phương thức thu đổi vỏ chai thì giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT. Ví dụ 3: Giá bán theo phương thức thu đổi vỏ chai của một két bia chai Hà Nội chưa có thuế GTGT là 120.000đ/két thì : 120.000đ Giá tính thuế TTĐB 1 két bia = = 68.571đ 1 + 75% Ví dụ 4: Đối với bia hơi: Giá bán chưa có thuế GTGT của cơ sở sản xuất bia là 3.000đ/lít bia hơi, thuế suất đối với bia hơi là 30% thì: 3.000 đ Giá tính thuế TTĐB 1 lít bia hơi = = 2.308 đ/lít 1 + 30% - Đối với hàng hoá chịu thuế TTĐB được tiêu thụ qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân do cơ sở thương mại bán ra. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định tại điểm 8đ, Phần D Thông tư này. 2. Đối với hàng nhập khẩu: Giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTĐB được xác định như sau: Giá tính thuế TTĐB = Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu thì thuế nhập khẩu được xác định trong giá tính thuế TTĐB theo số thuế nhập khẩu còn phải nộp. 3. Đối với hàng hóa gia công: giá tính thuế TTĐB được xác định theo giá bán chưa có thuế GTGT của cơ sở đưa gia công. 4. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp: giá tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT của hàng hóa bán theo phương thức trả tiền một lần, không bao gồm khoản lãi trả góp. 5. Giá tính thuế đối với dịch vụ chịu thuế TTĐB là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT, được xác định như sau: Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT Giá tính thuế TTĐB = 1 + Thuế suất thuế TTĐB Ví dụ: Doanh thu chưa có thuế GTGT kinh doanh vũ trường của cơ sở trong kỳ là 30.000.000 đồng. 30.000.000 đ Giá tính thuế TTĐB = = 23.076.923đ 1 + 30% Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB đối với một số dịch vụ quy định như sau: - Đối với kinh doanh vũ trường là giá chưa có thuế GTGT của các hoạt động kinh doanh trong vũ trường. - Đối với dịch vụ mát-xa là doanh thu mát-xa chưa có thuế GTGT bao gồm cả tắm, xông hơi. - Đối với kinh doanh gôn là doanh thu thực thu chưa có thuế GTGT về bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn, bao gồm cả tiền phí chơi gôn do hội viên trả và tiền ký quỹ (nếu có). Trường hợp khoản ký quỹ được trả lại người ký quỹ thì cơ sở sẽ được hoàn lại số thuế đã nộp bằng cách khấu trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu không khấu trừ được thì cơ sở sẽ được hoàn thuế theo quy định. Cơ sở kinh doanh gôn có kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ khác không thuộc danh mục chịu thuế TTĐB thì các hàng hóa, dịch vụ đó không phải chịu thuế TTĐB. Ví dụ: cơ sở kinh doanh gôn có tổ chức các hoạt động kinh doanh khách sạn, ăn uống, bán hàng hóa, hoặc các trò chơi thì các hàng hóa, dịch vụ này không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. - Đối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi bằng máy giắc-pót là doanh số bán chưa có thuế GTGT đã trừ trả thưởng tức là bằng số tiền thu được (chưa có thuế GTGT) do đổi cho khách trước khi chơi tại quầy đổi tiền hoặc bàn chơi, máy chơi trừ đi số tiền đổi trả lại cho khách. - Đối với kinh doanh giải trí có đặt cược là doanh số bán vé số đặt cược trừ số tiền trả thưởng cho khách thắng cuộc (giá chưa có thuế GTGT), không bao gồm doanh số bán vé xem các trò giải trí có đặt cược. - Đối với dịch vụ xổ số là giá vé số chưa có thuế GTGT. - Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB dùng để khuyến mại, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này. Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, dịch vụ chịu thuế TTĐB bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, dịch vụ (nếu có) mà cơ sở được hưởng. Trường hợp đối tượng nộp thuế có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế. II - THUẾ SUẤT THUẾ TTĐB. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, thuế suất thuế TTĐB được áp dụng cụ thể như sau: BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT STT HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ Thuế suất (%) I HÀNG HOÁ 1. Thuốc lá điếu, xì gà a) Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, xì gà 65 a) Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước 45 b) Thuốc lá điếu không đầu lọc 25 2. Rượu a) Rượu từ 40 độ trở lên 75 b) Rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ 30 c) Rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả 20 d) Rượu thuốc 15 3. Bia a) Bia chai, bia hộp, bia tươi 75 b) Bia hơi 30 4. Ô tô a) Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống 80 b) Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi 50 c) Ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi 25 5. Xăng các loại, nap-ta (naptha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác dùng để pha chế xăng. 10 6. Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90 000 BTU trở xuống 15 7. Bài lá 40 8. Vàng mã, Hàng mã 70 II DỊCH VỤ 1. Kinh doanh vũ trường, mát xa, ka-ra-ô-kê 30 2. Kinh doanh ca-si-nô (casino), trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot) 25 3. Kinh doanh giải trí có đặt cược 25 4. Kinh doanh gôn (golf): bán thẻ hội viên, vé chơi gôn 10 5. Kinh doanh xổ số 15 Thuế suất thuế TTĐB không phân biệt hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất trong nước. Việc áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ trong Biểu thuế được quy định cụ thể như sau: 1 - Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu thuộc nhóm thuế suất 65% là loại thuốc lá điếu sử dụng khối lượng nguyên liệu sợi thuốc nhập khẩu chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên so với tổng khối lượng nguyên liệu sợi thuốc dùng cho sản xuất sản phẩm đó. 2 - Mặt hàng rượu thuốc áp dụng thuế suất 15% không phân biệt theo độ cồn. Cơ sở sản xuất rượu thuốc phải có giấy phép sản xuất rượu thuốc và giấy chứng nhận đăng ký tên, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm rượu thuốc do cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với rượu thuốc nhập khẩu phải được cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định là rượu thuốc. Nếu không có đủ những giấy tờ quy định trên đây thì cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp thuế TTĐB theo thuế suất của loại rượu có độ cồn tương ứng. 3 - Hàng mã thuộc diện chịu thuế TTĐB áp dụng thuế suất 70% không bao gồm loại hàng mã là đồ chơi trẻ em và các loại hàng mã dùng để trang trí. 4 - áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với bia tươi, bia hơi: căn cứ để xác định bia tươi hay bia hơi là quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất, luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư. Cơ sở sản xuất bia phải đăng ký tên sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định tại Điều 9 của Luật thuế TTĐB phù hợp với quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất bia không đăng ký tên sản phẩm và không đủ tài liệu chứng minh, phân biệt rõ sản phẩm sản xuất, bán ra là bia tươi hay bia hơi thì phải áp dụng thuế suất thuế TTĐB là 75%. C - ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ, HOÀN THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ I- Đăng ký thuế, kê khai nộp thuế và sử dụng hóa đơn, chứng từ. 1. Đăng ký thuế: Việc đăng ký thuế TTĐB được quy định cụ thể như sau: a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB, kể cả các đơn vị, chi nhánh, cửa hàng trực thuộc cơ sở phải đăng ký thuế với cơ quan thuế nơi sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn về kê khai đăng ký thuế và đăng ký mã số đối tượng nộp thuế. Đối với cơ sở mới sản xuất, kinh doanh, thời hạn đăng ký thuế chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là 05 ngày trước khi có những thay đổi trên. b/ Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB có sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phải đăng ký mẫu nhãn hiệu hàng hóa sử dụng với cơ quan thuế nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh chậm nhất không quá 05 ngày, kể từ ngày nhãn hiệu được sử dụng. Khi thay đổi nhãn hiệu hàng hóa, cơ sở phải khai báo với cơ quan thuế và đăng ký mẫu nhãn hiệu hàng hóa mới sử dụng chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày thay đổi nhãn hiệu. Đối với cơ sở sản xuất thuốc lá điếu, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu như trên, còn phải đăng ký với cơ quan thuế về định mức tiêu hao nguyên liệu sợi thuốc lá sản xuất cho từng loại thuốc lá điếu, trong đó ghi rõ khối lượng sợi thuốc sản xuất trên đơn vị sản phẩm và tỷ lệ giữa khối lượng sợi thuốc nhập khẩu (nếu có) trên tổng khối lượng sợi thuốc dùng để sản xuất sản phẩm làm căn cứ xác định mức thuế suất thuế TTĐB. 2. Kê khai thuế: Cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải kê khai thuế TTĐB theo các quy định sau đây: a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải kê khai thuế TTĐB khi tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, trả hàng gia công, trao đổi, biếu, tặng, khuyến mại, tiêu dùng nội bộ. Việc kê khai thuế phải thực hiện hàng tháng và nộp tờ khai thuế kèm theo Bảng kê chứng từ bán hàng (theo mẫu số 01/TTĐB, mẫu số 02A/TTĐB và mẫu số 02B/TTĐB ban hành kèm Thông tư này). Thời gian nộp tờ khai thuế TTĐB chậm nhất không quá ngày 10 của tháng tiếp theo. Ví dụ: Tờ khai thuế của tháng 02 năm 2004 cơ sở phải nộp cho cơ quan thuế chậm nhất không quá ngày 10 tháng 3 năm 2004. Riêng cơ sở sản xuất có số thuế TTĐB phát sinh phải nộp lớn thì ngoài việc thực hiện kê khai hàng tháng phải kê khai nộp thuế TTĐB theo định kỳ 05 ngày hoặc 10 ngày một lần theo quy định sau: + Cơ sở sản xuất bia có công suất đến 20 triệu lít/năm, cơ sở sản xuất thuốc lá điếu có công suất đến 20 triệu bao/năm, cơ sở sản xuất ô tô, sản xuất máy điều hòa nhiệt độ, cơ sở sản xuất rượu kê khai nộp thuế theo định kỳ 10 ngày một lần. + Cơ sở sản xuất bia có công suất trên 20 triệu lít/ năm, cơ sở sản xuất thuốc lá điếu có công suất trên 20 triệu bao/năm kê khai thuế theo định kỳ 05 ngày một lần. Tờ khai thuế định kỳ nộp cho cơ quan thuế vào ngày tiếp sau của định kỳ 05 ngày, 10 ngày. Tờ khai thuế của cả tháng nộp theo thời hạn đã quy định. Cơ sở sản xuất kê khai thuế theo định kỳ 5 ngày, 10 ngày 1 lần nêu trên vẫn sử dụng tờ khai thuế tháng và ghi rõ thêm theo thời gian kê khai định kỳ. Đối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở phụ thuộc, bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy định, hưởng hoa hồng, xuất hàng bán ký gửi, cơ sở sản xuất chính phải kê khai nộp thuế TTĐB cho toàn bộ số hàng hóa này tại nơi cơ sở sản xuất đăng ký kê khai nộp thuế. Các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc khi gửi báo cáo về cơ sở sản xuất thì đồng gửi một bản cho cơ quan thuế nơi chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc bán hàng biết để theo dõi. Trường hợp trong tháng không phát sinh thuế TTĐB thì cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn phải kê khai và gửi tờ khai thuế theo quy định cho cơ quan thuế. Đối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cơ sở trực thuộc ở khác địa phương (tỉnh, thành phố) thì kê khai căn cứ vào hóa đơn xuất hàng của cơ sở sản xuất và khi quyết toán thuế sẽ quyết toán theo doanh số thực tế do chi nhánh, cơ sở trực thuộc bán ra. Đối với hàng hoá gia công, trường hợp nếu có chênh lệch về giá bán ra của cơ sở đưa gia công với giá bán làm căn cứ tính thuế TTĐB của cơ sở nhận gia công thì cơ sở đưa gia công phải kê khai nộp bổ sung phần chênh lệch về thuế TTĐB của hàng đưa gia công theo giá thực tế mà cơ sở bán ra. b/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa phải kê khai và nộp tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan thu thuế nhập khẩu. Trường hợp nhập khẩu ủy thác thì tổ chức nhập khẩu ủy thác là đối tượng kê khai, nộp thuế TTĐB. c/ Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bằng nguyên liệu đã chịu thuế TTĐB thì khi kê khai thuế TTĐB ở khâu sản xuất được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nếu có chứng từ hợp pháp. Số thuế TTĐB được khấu trừ đối với nguyên liệu tối đa không quá số thuế TTĐB tương ứng với số nguyên liệu dùng sản xuất ra hàng hóa đã tiêu thụ. Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện cùng với việc kê khai nộp thuế, xác định thuế phải nộp trong trường hợp này theo công thức sau: Số thuế TTĐB phải nộp == Số thuế TTĐB phải nộp của hàng xuất kho tiêu thụ trong kỳ -- Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng xuất kho tiêu thụ trong kỳ Ví dụ: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở A phát sinh các nghiệp vụ sau: + Nhập khẩu 10.000 lít rượu nước, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 250 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu). + Xuất kho 8.000 lít để sản xuất 12.000 chai rượu. + Xuất bán 9.000 chai rượu, số thuế TTĐB phải nộp của 9.000 chai rượu xuất bán là 350 triệu đồng. + Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu nước rượu phân bổ cho 9.000 chai rượu đã bán ra là 150 triệu đồng. Số thuế TTĐB cơ sở A phải nộp trong kỳ là: 350 triệu đồng - 150 triệu đồng = 200 triệu đồng. Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tạm tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ quyết toán theo số thực tế vào cuối tháng, cuối quý. Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở. d/ Cơ sở sản xuất nhiều loại hàng hóa và kinh doanh nhiều loại dịch vụ chịu thuế TTĐB có các mức thuế suất khác nhau thì phải kê khai nộp thuế TTĐB theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ không xác định được theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở có sản xuất, kinh doanh. đ/ Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước thì trong thời hạn 5 ngày kể từ khi bán hàng phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB thay cho cơ sở sản xuất. Giá tính thuế TTĐB trong trường hợp này là giá mua vào của cơ sở kinh doanh xuất khẩu, nếu không xác định được chính xác giá mua vào thì tính theo giá thực tế bán ra của cơ sở kinh doanh xuất khẩu chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT. 3. Hóa đơn, chứng từ: Cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ và vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật. Cơ sở sản xuất khi bán hàng, giao hàng cho các chi nhánh, cơ sở phụ thuộc, đại lý đều phải sử dụng hóa đơn. Trường hợp chi nhánh, cửa hàng trực thuộc đặt trên cùng một tỉnh, thành phố với cơ sở sản xuất hoặc hàng xuất chuyển kho thì cơ sở được sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động. Đối với hàng xuất cho chi nhánh, đại lý bán đúng giá quy định hưởng hoa hồng, giá bán ghi trên hóa đơn là giá bán do cơ sở sản xuất quy định cho chi nhánh, đại lý bán ra. 4. Nộp thuế: Thuế TTĐB được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định sau đây: a/ Cơ sở sản xuất, gia công hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB vào ngân sách nhà nước tại nơi sản xuất, gia công hàng hóa, kinh doanh dịch vụ. Thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo. Đối với cơ sở có số thuế TTĐB phải nộp lớn (quy định ở điểm 2a, mục I, phần C Thông tư này) thuộc đối tượng kê khai thuế theo định kỳ 05 ngày hoặc 10 ngày một lần phải nộp thuế TTĐB ngay sau khi kê khai. Đối với những cá nhân, hộ sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB ở xa cơ quan kho bạc nhà nước thì cơ quan thuế tổ chức thu thuế và nộp vào ngân sách nhà nước. Thời hạn cơ quan thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 3 ngày kể từ ngày thu được tiền. b/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB theo từng lần nhập khẩu tại nơi kê khai nộp thuế nhập khẩu. Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo thời hạn thông báo và nộp thuế nhập khẩu. c/ Thuế TTĐB nộp vào ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam. 5. Quyết toán thuế TTĐB: Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải quyết toán thuế TTĐB theo quy định sau: a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải thực hiện quyết toán thuế TTĐB hàng năm với cơ quan thuế. Cơ sở phải kê khai toàn bộ các chỉ tiêu về số thuế phải nộp, số đã nộp, số còn thiếu hay nộp thừa đến thời điểm quyết toán theo mẫu quyết toán thuế (mẫu số 05/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi đến cơ quan thuế trong thời hạn quy định. Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch, trường hợp cơ sở kinh doanh được áp dụng năm quyết toán tài chính khác với năm dương lịch thì vẫn phải quyết toán thuế TTĐB theo năm dương lịch. Thời hạn cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp quyết toán thuế cho cơ quan thuế chậm nhất không quá 45 ngày, kể từ ngày 31 tháng 12 của năm quyết toán thuế. Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua chi nhánh, đơn vị trực thuộc ở khác địa phương với nơi sản xuất, khi quyết toán thuế căn cứ vào doanh thu bán hàng thực tế của các chi nhánh, cơ sở phụ thuộc bán ra. Cơ sở có hàng hoá gia công và cơ sở nhận gia công đều phải quyết toán thuế TTĐB với cơ quan thuế nơi sản xuất, kinh doanh. Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp số thuế TTĐB còn thiếu vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán thuế, nếu nộp thừa thì được trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế theo quy định. b/ Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước thì cơ sở phải quyết toán thuế với cơ quan thuế và gửi báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày có quyết định về các thay đổi nêu trên và phải nộp đầy đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán; nếu nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế theo quy định. Cơ sở sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của số liệu quyết toán, nếu cơ sở báo cáo sai để trốn, lậu thuế sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. II- Hoàn thuế TTĐB. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB được hoàn thuế TTĐB đã nộp trong một số trường hợp, hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế như sau: 1. Đối với hàng hóa nhập khẩu: a/ Hàng tạm nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu. Trường hợp hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB mà còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu nhập nhưng được phép tái xuất khẩu cũng được xét hoàn thuế đối với số hàng tái xuất khẩu. b/ Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn so với khai báo; Hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTĐB. c/ Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, giấy phép nhập khẩu (do phía chủ hàng nước ngoài gửi sai), có giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận của chủ hàng nước ngoài mà được phép nhập khẩu thì cơ quan Hải quan kiểm tra và xác nhận lại số thuế TTĐB phải nộp, nếu có số thuế đã nộp thừa thì được hoàn lại, nếu nộp thiếu thì phải nộp đủ số phải nộp. Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài. Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì cơ quan Hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế TTĐB phù hợp với số hàng nhập khẩu trả lại nước ngoài. d/ Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế. đ/ Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Tổng số thuế TTĐB được hoàn lại tối đa không quá số thuế TTĐB đã nộp của nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. e/ Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập khẩu để làm đại lý giao, bán hàng cho nước ngoài có đăng ký trước với cơ quan thu thuế ở khâu nhập khẩu thì được hoàn thuế đối với số hàng thực bán xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu trong các trường hợp nêu trên được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có số thuế TTĐB nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế TTĐB nộp thừa, thủ tục hồ sơ như sau: + Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTĐB đã nộp thừa. + Quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước của cấp có thẩm quyền. + Quyết toán thuế TTĐB đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước. + Biên bản kiểm tra quyết toán thuế TTĐB đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước. Thẩm quyền quyết định hoàn thuế trong trường hợp này do Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở sản xuất kinh doanh đã đăng ký, kê khai nộp thuế xét, quyết định. 3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoàn thuế TTĐB trong trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu hoàn trả lại thuế cho cơ sở. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác định số thuế phải hoàn, ra quyết định hoàn thuế đối với trường hợp thuộc thẩm quyền tại điểm 2 nêu trên và thực hiện hoàn thuế cho các đối tượng nộp thuế bằng cách khấu trừ vào khoản thuế phải nộp của kỳ sau, trường hợp không khấu trừ được thì gửi cơ quan tài chính làm thủ tục hoàn trả theo đúng quy định của Bộ Tài chính. D - NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ. Cơ quan thuế có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây: 1. Hướng dẫn các đối tượng nộp thuế thực hiện đầy đủ chế độ đăng ký, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của Luật thuế. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật. 2. Thông báo số thuế phải nộp (đối với đối tượng là cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán và hoá đơn, chứng từ), đôn đốc đối tượng nộp thuế nộp đúng thời hạn quy định. Thông báo nộp thuế phải gửi tới đối tượng nộp thuế trước 3 ngày so với ngày phải nộp thuế ghi trên thông báo, thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo. Việc thông báo ấn định số thuế phải nộp và ngày nộp thuế được thực hiện ngay trong tháng hoặc vào đầu tháng tiếp sau (theo mẫu Thông báo số 03/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này). Nếu quá thời hạn nộp thuế mà đối tượng nộp thuế chưa nộp thì cơ quan thuế ra thông báo chậm nộp lần thứ 01. Thông báo chậm nộp thuế bao gồm cả số tiền thuế phải nộp và số tiền phạt chậm nộp theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 17 của Luật thuế TTĐB. Thời hạn tính phạt chậm nộp thuế hàng tháng kể từ ngày 26 của tháng tiếp theo; thời hạn tính phạt chậm nộp đối với hàng hóa nhập khẩu và các trường hợp khác là sau ngày quy định phải nộp theo Luật định. Nếu cơ sở vẫn không chấp hành nộp tiền thuế, tiền phạt theo thông báo nhắc nhở thì cơ quan thuế có quyền áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về thuế quy định tại khoản 4, Điều 17 của Luật thuế TTĐB để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt. Trường hợp đã thực hiện các biện pháp xử lý hành chính về thuế mà cơ sở vẫn không nộp đủ số tiền thuế, số tiền phạt thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật. 3. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất có hàng hoá bán để xuất khẩu căn cứ vào bảng kê số 02B/TTĐB thông báo kịp thời bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý cơ sở kinh doanh xuất khẩu: tên đơn vị mua hàng để xuất khẩu, tên hàng hoá, số lượng, chủng loại và giá trị hàng hóa cơ sở đã mua để xuất khẩu. Cơ quan thuế quản lý cơ sở xuất khẩu có trách nhiệm theo dõi kiểm tra hàng hoá thực tế xuất khẩu. Nếu hàng hoá đã mua để xuất khẩu nhưng thực tế không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì có trách nhiệm yêu cầu cơ sở xuất khẩu kê khai, nộp đủ số thuế TTĐB của số hàng hoá này. 4. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. 5. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế theo quy định của pháp luật. 6. Yêu cầu các đối tượng nộp thuế cung cấp sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp các tài liệu liên quan tới việc tính thuế và nộp thuế. 7. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà đối tượng nộp thuế và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định. 8. Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế TTĐB phải nộp đối với đối tượng nộp thuế trong trường hợp sau: a/ Cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ hóa đơn, chứng từ. Đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ (gọi chung là hộ kinh doanh) không thực hiện được đầy đủ việc mua bán hàng hóa, dịch vụ có hóa đơn, chứng từ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh thực tế để ấn định doanh thu, số thuế TTĐB phải nộp và thông báo cho đối tượng nộp thuế thực hiện. Số thuế ấn định phải nộp từng lần có thể được xác định làm căn cứ thu thuế ổn định trong thời gian là 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng tùy theo từng ngành nghề và mức biến động về giá cả, tình hình kinh doanh của đối tượng nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo công khai về mức doanh thu và số thuế ấn định đối với các đối tượng này. Những hộ nghỉ kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế, nếu nghỉ kinh doanh cả tháng thì không phải nộp thuế ấn định của tháng đó. Hộ kinh doanh nhỏ thuộc đối tượng nộp thuế theo mức ấn định, nếu nghỉ kinh doanh cả tháng được xét không thu thuế thì phải làm đơn đề nghị (theo mẫu và hướng dẫn của cơ quan thuế) khai báo cụ thể lý do nghỉ kinh doanh, số ngày nghỉ kinh doanh gửi cơ quan thuế quận, huyện. Cơ quan thuế kiểm tra thực tế và giải quyết theo chế độ. Hộ kinh doanh nhỏ được xác định đối với từng mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương theo quy định của Bộ Tài chính. Các Cục thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của hộ và hướng dẫn phân loại, xác định cụ thể loại hộ nhỏ ở địa phương mình để quản lý, thu thuế theo quy định chung. b/ Không kê khai hoặc quá thời gian quy định gửi tờ khai, đã được thông báo nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện đúng, đã nộp tờ khai thuế nhưng kê khai không đúng các căn cứ xác định số thuế TTĐB. c/ Từ chối xuất trình sổ kế toán, hóa đơn chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc tính thuế TTĐB. d/ Kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế mà bị kiểm tra, phát hiện. đ/ Kê khai giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB không đúng giá thực tế bán hoặc thấp hơn 10% giá bán trên thị trường của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương. Cơ quan thuế quản lý đối tượng nộp thuế căn cứ giá bán trên thị trường để xác định căn cứ ấn định thuế TTĐB. Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở hoặc căn cứ vào số thuế phải nộp của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng ngành nghề, có quy mô kinh doanh tương đương để ấn định số thuế phải nộp đối với từng cơ sở trong các trường hợp nêu trên. Trong trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với số thuế phải nộp được ấn định thì có quyền khiếu nại tới cơ quan thuế ấn định thuế hoặc cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế ấn định thuế. Trong khi chờ giải quyết, đối tượng nộp thuế vẫn phải nộp theo mức thuế đã được cơ quan thuế ấn định. Đ - GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ TTĐB Thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn giảm thuế đối với các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ được quy định cụ thể như sau: 1. Các trường hợp được giảm thuế, miễn thuế và thủ tục hồ sơ : a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ, bị lỗ được xét giảm thuế TTĐB. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở số bị lỗ do nguyên nhân bị thiên tai, định họa, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi đã được bồi thường (nếu có) và không quá 30% số thuế phải nộp theo Luật định của năm bị thiệt hại. Để có căn cứ xét giảm thuế TTĐB theo quy định trên, cơ sở sản xuất phải có các hồ sơ thủ tục như sau: + Đơn xin giảm thuế TTĐB, nêu rõ thời gian, lý do bị thiệt hại, giá trị tài sản bị thiệt hại, số lỗ do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ gây ra, số thuế phải nộp, số thuế đề nghị giảm. + Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương từ cấp huyện trở lên. + Bản quyết toán tài chính kèm theo giải trình phân tích xác định số bị thiệt hại, số lỗ do bị thiệt hại. + Quyết toán thuế và biên bản kiểm tra quyết toán thuế với cơ quan thuế. Các hồ sơ, tài liệu trên, cơ sở gửi tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở. Cơ quan thuế quản lý cơ sở nhận hồ sơ, kiểm tra tài liệu và có văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ xin giảm thuế của cơ sở gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm thuế. Trong khi chưa có quyết định giảm thuế, cơ sở vẫn phải kê khai và nộp đủ thuế theo quy định. Khi có quyết định giảm thuế, số thuế được giảm sẽ bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo. Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ bị thiệt hại nặng, không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp thuế thì được xét miễn thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB còn phải nộp không có khả năng nộp.Việc giải quyết miễn thuế do Bộ Tài chính xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể. Thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn thuế TTĐB trong trường hợp này như quy định đối với việc xét giảm thuế nêu trên nhưng xác định rõ về việc cơ sở không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp thuế. b/ Cơ sở lắp ráp, sản xuất ô tô được giảm mức thuế suất quy định tại Điều 6 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP từ ngày 01/01/2004 đến hết ngày 31/12/2006 như sau: Năm 2004 giảm 70%, năm 2005 giảm 50% và năm 2006 giảm 30%. Từ năm 2007 thực hiện theo đúng thuế suất quy định tại Điều 6 tại Nghị định số 149/2003/NĐ-CP nêu trên. Theo quy định trên, mức thuế suất thuế TTĐB còn phải thực hiện từng năm (sau khi được giảm thuế) như sau: Chỉ tiêu Thuế suất phải thực hiện năm 2004 (%) Thuế suất phải thực hiện năm 2005 (%) Thuế suất phải thực hiện năm 2006 (%) Thuế suất phải thực hiện từ năm 2007 trở đi (%) - Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống 24 40 56 80 - Ô tô từ 6-15 chỗ ngồi 15 25 35 50 - Ô tô từ 16 -24 chỗ ngồi 7.5 12.5 17.5 25 Ví dụ: Năm 2004, trong kỳ kê khai thuế, cơ sở sản xuất ô tô A có tình hình như sau: - Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống có doanh thu theo giá bán chưa có thuế GTGT là 15 tỷ đồng. - Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi có doanh thu theo giá bán chưa có thuế GTGT là 10 tỷ đồng. - Ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi có doanh thu theo giá bán chưa có thuế GTGT là 5 tỷ đồng. Cơ sở phải tính, kê khai nộp thuế TTĐB trong kỳ như sau: 15 10 5 Thuế TTĐB phải nộp = x 24% + x 15% + x 7,5% 1+0,24 1+0,15 1+0,075 = 2,9 + 1,3 + 0,35 = 4,55 tỷ đồng 2. Thẩm quyền và trình tự xét giảm, miễn thuế: a/ Thẩm quyền xét giảm, miễn thuế TTĐB trong các trường hợp quy định tại điểm 1.a nêu trên quy định như sau: - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xét, quyết định đối với trường hợp có số thuế giảm, miễn dưới 500 triệu đồng/năm. - Bộ trưởng Bộ Tài chính xét, quyết định đối với trường hợp có số thuế giảm, miễn từ 500 triệu đồng/năm trở lên. b/ Trình tự xét giảm, miễn thuế TTĐB: - Cục thuế, Chi cục thuế khi nhận được hồ sơ giảm, miễn thuế TTĐB do cơ sở gửi tới, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác định số thuế được giảm, miễn và có văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ gửi cơ quan thuế cấp trên trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ; trường hợp hồ sơ Cục thuế tiếp nhận của Chi cục thuế gửi tới thì thời hạn gửi kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên trong 10 ngày làm việc. - Tổng cục Thuế kiểm tra, xem xét, quyết định giảm thuế cho cơ sở trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng giảm thuế hoặc hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ giảm, miễn thuế phải trả lời hoặc thông báo cho cơ sở biết, bổ sung hồ sơ. E- XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG I- Xử lý vi phạm về thuế 1. Đối với đối tượng nộp thuế: Theo quy định tại Luật thuế TTĐB, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế TTĐB bị xử lý như sau: a/ Không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng những quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai nộp thuế, quyết toán thuế, kê khai lập sổ kế toán và giữ hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. b/ Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp. c/ Khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật thuế TTĐB, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn có hành vi tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. d/ Không nộp thuế, nộp phạt sẽ bị xử lý như sau: - Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ. - Giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt. - Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu. Việc xử lý các vi phạm về thuế TTĐB nói trên được thực hiện theo các thủ tục, trình tự quy định tại các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm về thuế. 2. Đối với cán bộ thuế và cá nhân khác: Theo quy định tại Điều 19 Luật thuế TTĐB, Điều 17 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ thuế, cá nhân khác vi phạm Luật thuế TTĐB bị xử lý như sau: a/ Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép, chiếm đoạt tiền thuế, tiền phạt thì phải hoàn trả đầy đủ cho nhà nước toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt đã sử dụng trái phép, chiếm đoạt và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. b/ Cán bộ thuế, cá nhân khác thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp thuế thì việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự . Cán bộ thuế, cá nhân khác gây ra thiệt hại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. c/ Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi phạm Luật thuế TTĐB hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật thuế TTĐB thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. d/ Người cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Luật thuế TTĐB thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. II- Khen thưởng Theo quy định tại Điều 20 Luật thuế TTĐB, Điều 18 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật thuế TTĐB; đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế thì được khen thưởng. III- Thẩm quyền xử lý vi phạm về thuế Cơ quan thuế các cấp, khi phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm về Luật thuế TTĐB phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ, nguyên nhân vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định. Căn cứ vào các quy định và mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế trong phạm vi thẩm quyền xử phạt vi phạm của từng cấp mà ra quyết định xử phạt hoặc kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên hoặc cơ quan pháp luật xử lý theo thẩm quyền quy định, cụ thể như sau: 1. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp thuế quy định tại điểm 1.a, điểm 1.b và xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại điểm 1.c Mục I Phần E của Thông tư này. 2. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại điểm 1.d Mục I Phần E của Thông tư này theo quy định của pháp luật và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm 1.c Mục I Phần E Thông tư này. G- KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU 1. Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế trong việc khiếu nại về thuế: Theo quy định tại Điều 21 của Luật thuế TTĐB, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về việc cán bộ thuế, cơ quan thuế thi hành không đúng luật thuế TTĐB đối với cơ sở. Đơn khiếu nại phải gửi cơ quan thuế phát hành thông báo thuế, lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, tổ chức, cá nhân khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo. Nếu tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi đơn chưa nhận được ý kiến giải quyết thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật. Thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện và việc xem xét, giải quyết phải thực hiện đúng theo các quy định pháp luật hiện hành. 2. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế: Theo quy định Điều 22 của Luật thuế TTĐB, cơ quan thuế các cấp khi nhận được đơn khiếu nại về thuế của đối tượng nộp thuế phải xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian thì cần thông báo cho đương sự biết, nhưng thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho đương sự biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp kiểm tra phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế thì cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền phạt tính không đúng trong thời hạn 05 năm về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh không đăng ký kê khai, nộp thuế thì thời hạn truy thu tiền thuế, tiền phạt kể từ khi cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động. H- TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính đã ban hành. 2. Việc giải quyết những tồn tại về thuế tiêu thụ đặc biệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2004 được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực tại thời điểm đó. 3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều ước quốc tế đó. 4. Việc tổ chức thu thuế TTĐB quy định như sau : a/ Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế TTĐB đối với các cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. b/ Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cơ sở nhập khẩu hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. c/ Cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý thu thuế tiêu thụ đặc biệt trong phạm vi cả nước. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn, bổ sung./. Nơi nhận: - VP TW Đảng, - VP Quốc hội, - VP Chủ tịch nước, - Viện kiểm sát NDTC, - Toà án NDTC, - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, - Cơ quan TW của các đoàn thể, - Công báo, - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), - UBND, Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, - Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, - Lưu: VP (TH, HC), TCT (HC, NV1). Lưu KT/BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "12/12/2003", "sign_number": "119/2003/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }