text: Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg nói không thể chọn kiểm soát những gì chính phủ không thích Ông Zuckerberg nói các chính phủ không thể đơn thuần chọn lựa khía cạnh này của trang mạng để kiểm soát và khía cạnh kia thì không. Cả hai nhân vật này đang dẫn đầu một nhóm đại biểu các nhà tiên phong trong lĩnh vực Internet tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Pháp. Nhóm sẽ đưa ra các khuyến nghị tại cuộc họp đầu tiên về lĩnh vực mạng toàn cầu được gọi là e-G8, tại Paris trong tuần này. Mặc dù e-G8 đã được Tổng thống nước chủ nhà, ông Sarkozy chúc thành công, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ không có nghĩa vụ phải nghe những khuyến nghị của diễn đàn này. Ý kiến của các ông Zuckerberg và Schmidt phản ánh mối quan ngại ngày càng nâng cao trong ngành công nghiệp này về sự kiểm duyệt của các chính phủ. "Mọi người nói với tôi một mặt rằng việc các bạn đóng vai trò lớn trong [cuộc nổi dậy] mùa xuân Ả Rập thật là tuyệt vời, thế nhưng nó cũng có góc độ đáng ngại khi bạn làm cho việc chia sẻ và thu thập thông tin về mọi người diễn ra với tốc độ và phạm vi như thế," nhà sáng lập trang mạng xã hội Facebook nói. "Song thật là khó để vừa làm được điều này mà lại không có điều kia. Bạn không thể cô lập một số điều bạn thích về Internet và kiểm soát những thứ khác mà bạn không thích." Còn ông Schmidt lặp lại cảm nhận của ông: "Công nghệ sẽ đi nhanh hơn so với các chính phủ, do đó không nên soạn luật trước khi bạn hiểu được các hậu quả của việc này". 'Bảo hộ bản quyền' Ông Eric Schmidt cho rằng công nghệ sẽ 'đi nhanh' hơn các Chính phủ. Một trong những chủ đề nóng bỏng, gây tranh cãi nhất tại diễn đàn e-G8 là việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trên mạng Internet. Trong các cuộc thảo luận khá nóng bỏng đôi khi diễn ra, nhiều nhân vật cao cấp thuộc các giới truyền hình, âm nhạc và ngành công nghiệp phim đã phải đối mặt với chỉ trích từ những người chủ trương đề xướng tự do Internet. Những người chỉ trích này cho rằng sự kiện lần này được thiết kế để hậu thuẫn các quan điểm của những người làm chủ các thứ bản quyền, để tìm cách vận động hành lang sao cho các chính phủ thông qua các luật lệ về bản quyền một cách khắc nghiệt hơn. Giáo sư Lawrence Lessig của Trường Luật Harvard (Harvard Law School) phản ánh quan điểm của nhiều đại biểu nhấn mạnh với các chính phủ rằng công việc của nhiều trang mạng như Facebook hay Google, có khía cạnh của một dịch vụ hay hàng hóa công cộng, phục vụ công chúng. Trong khi nhiều chủ thể của bản quyền chỉ làm việc phục vụ lợi ích của riêng họ. Người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg và ông chủ của Google, Eric Schmidt cảnh báo các chính phủ trên toàn thế giới không nên quản lý quá mức mạng Internet. | |